Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Thương cánh chim trời

Thương cánh chim trời
Một người bạn hay một người em, gọi thế nào cũng được, vì cậu ấy ít tuổi hơn tôi, cậu ấy sinh sống ở một vùng quê xa, mấy lần cứ hẹn về nhà bạn chơi mãi mà không thực hiện được… Lời hẹn ước ấy mãi như một món nợ khó trả khi cuộc sống hàng ngày bề bộn cuốn mãi đi.
Mỗi buổi sớm mai nhìn những chú chim lích chích trên cái cây xanh trước nhà, nhớ tới lời hẹn còn bỏ ngỏ lòng chợt ước ao “Giá như mình cũng được tự do như cánh chim trời, vù một cái là có thể đến thăm bạn được rồi…
Tự do như cánh chim trời… Không biết khái niệm đó hình thành trong suy nghĩ của tôi từ bao giờ, nhưng trong cuộc đời của mình ít nhất có vài lần tôi ước ao được làm cánh chim như vậy. Ấy là những ngày còn thơ bé, cuộc sống chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng, đồng ruộng, bờ bãi ven đê… chiều chiều ra đầu làng ngóng mẹ đi làm về thường hay nhìn theo những đàn chim bay rợp trời, đàn nọ nối tiếp đàn kia tưởng chừng như không bao giờ dứt… Lúc đó mấy chị em chúng tôi cũng hay ước ao theo những cánh chim trời kia mà tới được các chân trời góc bể, biết được cuộc sống của các vùng đất khác nhau. Ngày đó chim trời nhiều lắm, mỗi mùa có biết bao loài, mà người dân cũng chỉ biết tên một số loài quen thuộc như cò, vạc, cuốc, chiền chiện…
Một lời hẹn ước, một cánh chim trời tự nhiên thành nỗi nhớ, thế là biết bao chuyện về những cánh chim trời cứ xâu chuỗi thành cả một vệt suy nghĩ. Ấy là chuyện liên hoan lớp ở một nhà hàng với thực đơn toàn là chim trời: Vịt giời, chim sẻ, giang, cuốc… mà chẳng rõ là những loài nào nữa. Thật ra đã có vài lần tôi đi liên hoan cùng mọi người có món chim trời thế này. Mấy anh, chị em thấy tôi không dùng món thịt chim mới hỏi tại sao. Tôi bảo thương những cánh chim trời đang bay lượn tự do lại bị bẫy về làm đồ ăn thế này… Các bạn bảo “Chị cứ hay nghĩ vẩn vơ thế…”. Lần này thì khác, mấy em nhiệt tình gắp cho tôi nửa con chim hấp xôi, nói là con cuốc đấy… Ăn một miếng mà dư âm xót xa cho thân phận con cuốc cuốc cứ dai dẳng mãi không thôi.

Câu thơ của bà Huyện Thanh Quan “Nhớ nước thương nhà con cuốc cuốc/ Đau lòng mỏi miệng cái gia gia…”, cứ vang lên da diết. Thế là nhớ về cái lũy tre sau nhà ở quê có cái tổ cuốc ấy, tiếng cuốc kêu râm ran suốt những đêm hè. Năm 1997, mới về Bắc Ninh, tôi sống trong cái ngõ nhỏ ở ngoại ô, phía sau nhà là cánh đồng có cái gò bãi bỏ hoang um tùm cây dại cũng có một tổ cuốc. Mỗi khi hè về nghe tiếng cuốc kêu thăm thẳm thâu đêm tôi lại đắc ý là ở thành phố cũng có một phần quê hương. Tiếng con cuốc cuốc ấy gợi nhớ hình ảnh mấy con cuốc thấp thoáng lủi mất hút vào ruộng lúa ven bờ tre ngày nào. Đúng là nhanh như cuốc lủi, thật khó mà nhìn rõ hình dáng của nó chứ đừng nói đến chuyện bắt được nó… Thế mà bây giờ có biết bao nhà hàng chim trời, mỗi ngày có không biết bao nhiêu con chim các loại bị giết mổ? Lại nhớ về loạt phóng sự tận diệt chim trời… mới xem gần đây trên truyền hình. Rồi chuyện về nhóm du khách nước ngoài thưởng thức thịt thú rừng ở một nhà hàng của Việt Nam, chụp ảnh đăng Facebook cho hợp với mốt thời thượng, khi về nước đã bị công ty sa thải vì món ăn “sang chảnh” kia là loài động vật nằm trong danh sách cấm đánh bắt…
Mùa xuân đến, khi cây lúa xanh trải kín đồng cũng là lúc từng đàn cò trắng rập rờn bay về. Những chú cò trắng cần mẫn bắt tép trên ruộng lúa rất thính, cứ thoáng bóng người đến gần là bay vù lên… Không hiểu sao nghĩ đến những con cò, con cuốc tôi lại hay liên tưởng đến thân phận những người phụ nữ tảo tần “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”.
Những cánh cò trắng bay trên thảm lúa xanh thật quyến rũ, nên có những chiều xuân tôi mải mê đuổi theo những cánh cò mà quên cả việc nhà để cha mẹ phải la mắng. Chuyện về những cánh chim trời, lại nhớ ông bà nội, ngoại và cả bố mẹ nữa thường dặn rằng không được phá tổ chim “Con chim có tổ/ Như ta có nhà…”. Người nào phá tổ chim là mất phúc, mất đức, đường đời sau này sẽ gặp nhiều tai ương. Khi gặp cảnh “Chim sa, cá nhảy” thì phải hết sức chú ý, bởi vì đó như dự báo điềm gở. “Chim sa, cá nhảy” là hoạn nạn của chim trời cá nước, chẳng may gặp cảnh đó thì cần giúp chúng được trở về môi trường sống của chúng mới hy vọng tránh được rủi ro hoạn nạn sau này…
Chuyện con chim gặp nạn sa xuống mà không cất cánh bay lên được do những yếu tố tự nhiên ngày trước ít lắm, còn bây giờ thì sao, là từng đàn, từng đàn sa vào bẫy của người đánh bắt để phục vụ cho cái thú ẩm thực của con người thì đúng đại kiếp nạn của chúng rồi. Những cánh đồng sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên con tôm, con tép chẳng còn, nguồn thức ăn của chim trời ngày càng khan hiếm. Bờ tre, gò bãi cũng bị chặt phá, rừng tự nhiên thì liên tục thu hẹp… Những cánh chim trời biết nương náu vào đâu?
Thời tiết năm nay thật lạ lùng. Tết Nguyên đán xứ Bắc nắng nóng như mùa hè. Như mùa hè chứ không phải là mùa hè vì trong cái nóng ba mốt, ba hai độ ấy vẫn gờn gợn hơi lạnh len lỏi, nếu mặc trang phục hè thì vẫn có lúc bất giác rùng mình vì lạnh, mà mặc đồ dày hơn thì nóng toát mồ hôi… thật khó thích ứng. Sáng mùng ba Tết, trong tĩnh lặng thinh không, một tiếng chim vít vịt lạc lõng lướt ngang qua trời, rồi mất hút vào vô tận mãi trên cao xanh thăm thẳm… Chim vít vịt về rồi kìa, chẳng lẽ đã hè thật sao… Cậu con trai ngạc nhiên thốt lên. Tôi nhìn mãi lên khoảng nắng mênh mông xa tít tắp và tự nhủ “Thì ra tiếng chim gọi hè là thực tại, chứ không phải mơ hồ hư ảo của riêng mình…”.
Cả một vệt dài hơn chục ngày nắng nóng, tự nhiên cảm thấy như đã hè thật rồi, những là mưa xuân phơi phới bay, những là tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân… lùi xa mãi đẩu đâu như không hề hiện hữu, thế rồi trời lại đột ngột chuyển rét, rét đậm, rét hại hẳn hoi, bao nhiêu là áo bông, áo dạ len dày cộp tưởng rằng phải cất đến tận mùa đông tới lại được lôi ra. Rét hun hút vài hôm lại phơi phới mưa bay, đi trong mưa bụi gặp những làn gió xuân mát lành hiếm hoi như là trong mơ. Khoảnh khắc đó chưa kịp cảm nhận cho rõ ràng đã lại lật sang trang mới: Gió bắc khô hanh như cuối thu đầu đông, những con đường khô ráo trải dài như chưa hề đi qua mưa xuân ẩm ướt, thế rồi lại đột ngột rét mướt vài hôm, rồi lại nắng nóng hây hẩy gió nam, rồi lại mưa xuân… Đủ trạng thái bốn mùa liên tục đan xen thay đổi, thật lạ lùng.
Giữa khoảng khắc tĩnh lặng hiếm hoi trong ngày lại là tiếng chim vít vịt, cô đơn và tuyệt vọng, tan giữa thinh không… Những cánh chim lạc lõng ấy có nhầm không, hè đã là hè đâu, mà chỉ là giả mùa hè thôi… Về đâu, về đâu, thương những cánh chim trời lẻ bầy lạc lối vì thời tiết giả hè ấy mà tìm về, mà mải miết bay về nơi đâu, nơi đâu… Nghe là nghe thấy vậy thôi, nào có kịp nhìn thấy bóng dáng của cánh chim. Mà đúng là chim trời thật, ẩn ẩn hiện hiện, thấp thoáng chứ mấy khi được ngắm rõ từng con, từng loài.
Hoài Thương
Theo http://www.baobacninh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...