Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Nghĩ về viết ngắn và những “viết ngắn” trong "Trần gian muôn nỗi"

Nghĩ về viết ngắn và những “viết ngắn” 
trong "Trần gian muôn nỗi"
Bên cạnh cách viết dài theo truyền thống thì nay có một xu hướng viết ngắn do ảnh hưởng/ nhu cầu truyền thông. Tản văn, truyện ngắn mini, tiểu thuyết ngắn bùng nổ do nhiều lý do nhưng có một lý do chính đáng là do nhu cầu thích đọc ngắn của độc giả. Tuy nhiên, viết ngắn không phải là dễ, bởi lẽ, nó phải mang đến một thông điệp nhân sinh nào đấy, phải tạo được cảm xúc, phải làm cho người đọc có sự ám ảnh, suy tư nghĩ ngợi dù chỉ là thoáng qua.
Từ nghĩ về viết ngắn…
Nhiều tác giả Việt Nam thành danh cũng đã chuyển từ viết dài sang viết ngắn, từ tiểu thuyết mấy trăm trang sang tiểu thuyết hơn 100 trang, từ truyện ngắn vài chục trang sang truyện ngắn one minute như Y Ban, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Hậu…; từ trường ca sang thơ cực ngắn (như Mai Văn Phấn từ viết trường ca Vách nước sang Hoa giấu mặt, thể thơ ba câu - và nếu ai theo dõi trang maivanphan.vn thì có thể nhận thấy, tập thơ này nhận được nhiều bài phê bình nhất và những bài thơ ngắn của anh cũng được dịch nhiều nhất. Ngay như thể loại cũng thay đổi. Có người trước kia chỉ viết những cái đã được định hình rõ ràng về thể loại thì bây giờ viết cả những cái chưa thể xếp vào một thể loại nào. Hoặc họ chuyển từ chuyện sang truyện và ngược lại từ chuyện sang truyện (ví dụ như: "Chuyện của các nhân vật có thật ở trên đời" (2019) của Võ Thị Xuân Hà, chị viết về những chuyện có vẻ riêng tư, ít hư cấu nhưng người đọc vẫn thấy bóng dáng mình trong đó... Hoặc có người có những ghi chép ngắn, những cái gọi là "nghĩ vụn" (nhưng thực ra ý nghĩa của nó không hề vụn). Điều đó cho thấy hiện nay, các thể loại văn học đang có sự giao thoa, đa dạng hơn trước.
Với tư cách là một người đọc, bây giờ tôi thấy mình hình như thích đọc ngắn hơn dài (trừ khi phải đọc dài do tính chất công việc). Đọc ngắn rất phù hợp với thời gian hạn chế của tôi và của những ai luôn bận rộn với việc mưu sinh.
Tác phẩm "Trần gian muôn nỗi" 
của nhà văn Văn Giá
Mặc dù bận nhưng tôi vẫn theo dõi khá thường xuyên những câu chuyện nhỏ của các thành viên trong group Người kể chuyện đời đã chia sẻ trên mạng facebook. Bởi lẽ, đọc ngắn không tốn thời gian lắm mà lại như một sự giải trí, thư giãn sau những phút giây làm việc căng thẳng. Chỉ sau hai năm lập group, tính đến thời điểm hiện tại, group này đã thu hút khoảng hơn 54 ngàn người tham gia với đủ mọi thành phần nghề nghiệp nhưng đều giống nhau ở việc thích viết hoặc thích đọc. Đây là group có lượng fan là nhà văn, nhà thơ cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên khá lớn. Theo tiêu chí của Ban Quản trị Group thì ai viết chuyện gì cũng được miễn là phải có cảm xúc và có tính nhân văn, vì thế trang này đã có khá nhiều những mẩu chuyện/ mảnh chuyện/ câu chuyện và truyện mini rất hấp dẫn, thú vị. Một bài up lên, chỉ sau vài tiếng đã đó mấy trăm lượt phản hồi, nghĩa là đã có mấy trăm người đọc kỹ. Mỗi lần đọc xong một bài viết của ai đó đươc duyệt đăng, tôi đều được thụ hưởng đủ đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau như: vui, buồn, tức giận, cảm thông hay day dứt, ám ảnh...
Một điều dễ dàng nhận thấy là những bài viết ngắn nhận được nhiều like và comment hơn những bài dài. Mặc dù có những bài dài viết rất hay nhưng có lẽ do người đọc không có đủ thời gian để đọc nên không thể tương tác được với tác giả. Điều đó cho thấy rằng hình như, hiện nay viết ngắn, đọc ngắn đang là một xu thế.
Bây giờ, viết email ngắn gọn cũng đang là xu hướng được nhiều CEO trên thế giới áp dụng. Tác giả Ngọc Hà, trong một bài viết đăng trên tạp chí Tri thức trẻ cho biết: "Theo nhiều chuyên gia, viết email súc tích không chỉ giúp tiết kiệm thời gian của người đọc, mà còn thể hiện vị thế và uy quyền của người viết. Một câu trả lời ngắn gọn nhưng mang nhiều hàm ý sẽ giúp vấn đề được giải quyết hiệu quả hơn."
Chuyên gia giáo dục trực tuyến Mattel Griffel cũng cho biết. "Nếu thư của bạn dài quá 1-2 đoạn văn, mọi người sẽ ngại đọc"
Không chỉ có xu hướng viết ngắn, đọc ngắn mà bây giờ còn có xu hướng khuyến khích nên nói ngắn. Khi phát biểu hay hội họp nên đi thẳng vào trọng tâm chủ đề. Người ta sắp xếp cho mỗi người được phát biểu trong số phút hạn định mà anh nói dài quá thì có nghĩa là chiếm quyền được nói của người khác. Người được xếp thứ tự nói ngay sau đó đã chuẩn bị sẵn sàng để trình bày ý kiến, quan điểm của mình nhưng không còn cơ hội vì thời gian đã hết. Cho nên đã đến lúc, có lẽ, ban tổ chức cần bố trí cho người nói đứng trên một cái bục được thiết kế đặc biệt, nếu nói quá thời gian quy định thì cái bục ấy sẽ từ từ tụt xuống và micro tự động mất tiếng. Như vậy, người nói sẽ có ý thức tiết chế thời gian, thể hiện được sự tôn trọng người khác. Sẽ rất ức chế, khó chịu khi phải ngồi nghe ai đó "nói dông nói dài", "nói vòng vo tam quốc", "nói dây cà ra dây muống"… mà lượng thông tin lại quá ít.
… đến những "cái viết ngắn" trong "Trần gian muôn nỗi"
Cuốn sách này của Văn Giá có hơn 300 trang nhưng có tới 68 câu chuyện đời thường, nó khá dày nhưng lại dễ đọc, bởi đó là những cái "viết ngắn". Theo như anh nói thì chúng chỉ là "những ghi chép chớp nhoáng, tức thì của tôi về đời sống" trong những giây phút giải lao, thư giãn.
Nếu ai gần gũi Văn Giá, thường xuyên theo dõi "phây" của anh thì đều biết những nghĩ ngợi, suy tư trong những dòng viết đó từ trước khi cuốn sách ra đời.
Văn Giá đã xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có một chuyên khảo: Vũ Bằng - bên trời thương nhớ (2000); 3 tập tiểu luận - phê bình - chân dung văn học: Đời sống và đời viết (2005), Viết cùng bạn viết (2010), Người khác và tôi (2010) và 3 tập truyện ngắn: Một ngày nát vụn (2009), Một ngày lưng lửng (2015), Mưa ở Bình Dương (2019…
Nhưng mãi đến bây giờ, khi tuổi lục tuần, Văn Giá có lẽ chợt nhận ra rằng đã đến lúc cần trình làng một tập sách coi như là một sự tri ân với những người thân yêu nhất (gia đình, thầy giáo, bạn bè, đặc biệt là mẹ và vợ…) đồng thời tiểu kết lại phần lớn cuộc đời mình bằng cách "viết" chân dung tự họa. Và thế là Trần gian muôn nỗi ra đời.
Tên của tác phẩm ngắn gọn và rất ấn tượng. Từ muôn gợi nhắc đến nhiều cụm từ: Muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng, muôn mặt đời thường…
Trong 68 tên chuyện (chuyện chứ không phải truyện) có: 6 chuyện có tiêu đề dài 2 âm tiết, 7 chuyện có tiêu đề dài 3 âm tiết, 25 chuyện có tiêu đề dài 4 âm tiết, 14 chuyện có tiêu đề dài 5 âm tiết, 11 chuyện có tiêu đề dài 6 âm tiết, chỉ có 2 chuyện có tiêu đề dài 9 âm tiết và một chuyện có tiêu đề dài 12 âm tiết. Qua thống kê, tôi nhận thấy tiêu đề ngắn gọn, dưới 7 âm tiết trong tập sách này chiếm tỉ lệ cao nhất (92,64 %). Văn Giá đã có ý thức viết ngắn ở ngay những tiêu đề (thích tiêu đề 4 âm tiết nhất). Theo tổng kết của một nhóm nghiên cứu xã hội học thì những tiêu đề truyện có số lượng dưới 7 tiếng thường là những tác phẩm văn học ấn tượng, chẳng hạn như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lạc lối (Thùy Dương), Rừng Na Uy (Murakami Haruki),  Báu vật của đời (Mạc Ngôn), Trăm năm cô đơn (Garcia Márquez), Bác sĩ Zhivago (Boris Pasternak), Ông già và biển cả (Ernest Miller Hemingway)… Bởi đó là số lượng âm tiết dễ tiếp thị mắt người đọc.
Nhà văn Văn Giá
Tập sách chia làm 3 phần: Những miền yêu dấu, trần gian muôn nỗi, với muôn phận người. Người đọc có thể nhận ra ba tâm thế viết của Văn Giá trong ba tư cách, ba giọng điệu: nhà văn, nhà báo và nhà giáo. Là nhà văn khi viết những câu chuyện có dáng dấp tản văn về quê hương, về kỷ niệm, là nhà báo khi đặt vấn đề phản biện xã hội, là nhà giáo khi viết về học trò của mình, là nhà nghiên cứu khi có những phát hiện thú vị. Các giọng điệu ấy không phải lúc nào cũng được phân chia một cách minh bạch mà chúng thường đan xen, giao thoa một cách tự nhiên trong cùng một bài viết.
Đây là tập sách có giọng văn đa sắc thái, mỗi chuyện một kiểu giọng, có giọng hài hước khiến độc giả vừa đọc vừa tủm tỉm (như "Đi hỏi vợ", "Đời thôi thì thế", "Giang hồ vặt ở trời tây",…); có giọng bùi ngùi, buồn thương cho những phận đời không may mắn ("Những nốt trầm", "Chị ấy"…); có giọng chiêm nghiệm cuộc đời khi nhận ra sự vô thường và khi bản thân đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tâm linh ("Phật độ", "Trong mơ bố về"…), v.v…
Có thể xem xét kỹ các phần của các câu chuyện kể sau đây.
(1) Những miền yêu dấu
Đấy là những nơi tác giả có nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ, nơi quê hương chôn rau cắt rốn, nơi từng học tập, công tác trong những năm tháng chiến tranh nghèo khó… Trong các câu chuyện về quê hương, người đọc thấy hiện lên rất rõ niềm mến yêu cảnh sắc nông thôn yên bình, hiện lên rất rõ bóng dáng, tâm lý của người dân quê, nơi đó có ông nội, u, bố, anh chị em, bạn phổ thông; chuyện tết nhất, chuyện những bài thuốc dân gian rẻ tiền mà hiệu nghiệm…
Trong cuộc đời mình, Văn Giá biết ơn nhiều người nhưng có lẽ hai người ảnh hưởng lớn đến "đời sống và đời viết" của anh lại chính là người mẹ và người vợ. Mẹ và vợ đối với người khác chắc cũng ảnh hưởng nhiều nhưng với riêng Văn Giá thì sâu đậm, rõ ràng lắm.
Hình ảnh người mẹ mà Văn Giá gọi là "u" theo cách gọi địa phương hiện lên thật hồn hậu. Tuy là một phụ nữ nông dân chân chất quê mùa nhưng bà rất biết nhìn xa trông rộng. Bà nhận ra thằng con thứ của mình sẽ chẳng thể làm nông dân được nên bà đã cố gắng cho đi học trong những tháng năm cả nước cực kỳ đói nghèo mà gia đình đang có tới hơn chục miệng ăn. Và thực sự là bà đã đúng khi bây giờ Văn Giá đã thành danh giữa đất thủ đô, trong giới văn chương. Từ làng quê nghèo khổ, Văn Giá đi ra với thành phố rồi đi Tây đi Tầu. Chính bà là người đã định hướng và có tầm ảnh hưởng lớn lao đến nhà văn Văn Giá. Anh rất biết ơn mẹ vì điều đó, chẳng thế mà chuyện "U cho đi học" được ưu tiên để ở đầu tập sách đó sao. Ngoài chuyện này, hình ảnh u còn được láy đi láy lại trong rất nhiều chuyện khác nữa và mỗi lần như thế, hình dung về một người mẹ nông thôn đôn hậu cứ dần dần hiện lên thật sâu đậm. Có thể nói, bà là đại diện cho phụ nữ nông thôn Việt Nam trước đây.
Bà là người chu đáo, sát Tết, bà chuẩn bị cho cô con dâu thủ đô từng quả cau, lá giầu đúng tiêu chuẩn, đủ để thắp hương 3 ngày tết và dặn dò cẩn thận.
Bà còn là người căn cơ, biết lo xa, dành dụm, tích cóp từng đồng tiền lẻ được biếu lặt vặt rồi lại để cho con cho cháu. Tôi rất cảm động với chi tiết bà gọi con dâu vào buồng và bảo: "U bây giờ già yếu rồi không biết sống chết thế nào, u có ít tiền dành dụm được, u cho hai cháu, để sau này chúng nó cưới vợ thì gọi là có chút quà của ông bà (…). Con cầm lấy, về đến nhà mới được mở ra nhé." Và khuya hôm ấy, người vợ "trịnh trọng lấy ra một bọc nilon, trong bọc là một chiếc tất cũ, trong tất là một cục tiền với nhiều mệnh giá…". Số tiền ấy, người vợ phải bù thêm tiền thì mới mua nổi được 2 chỉ vàng cất đi. Số tiền không lớn nhưng cái tình của bà với con với cháu mới lớn làm sao. Trong một chuyện kể khác, càng đọc, tôi càng ghen tỵ với Văn Giá, sao đến tận khi "gã" đã già, "gã" vẫn còn được u cho thêm tiền để mua ô tô thế nhỉ.
Chỉ là chuyện Văn Giá viết về u của riêng mình nhưng cũng cho người đọc một thông điệp: cần quan tâm và hiểu tâm lý người già, đừng nghĩ các cụ không tiêu gì thì chẳng cần tiền nữa, không phải chỉ cần đưa tiền cho người có trách nhiệm phụng dưỡng các cụ là được đâu. Nếu nghĩ như vậy là chưa tâm lý. Khi có tiền trong tay, các cụ sẽ "có cảm giác tự tin hơn trước con cháu, trước người khác" và nhất là "thấy đời mình còn có ích."
Tôi rất thích nụ cười ấm áp và lạc quan của người u thấp thoáng hiện lên qua nhiều trang sách: khi thấy con trai thứ vụng, bà khuyên bảo, nói xong bà cười, "nụ cười thoáng chút lo âu" (tr. 11), khi nhắc lại chuyện vui xưa bà "cười lất ngất" (tr. 12), khi con hỏi những câu ngô nghê bà "cười tít" (tr. 21)…
"Phúc đức tại mẫu", có một người mẹ như thế chính là hồng phúc. Nhà văn vô cùng biết ơn mẹ "Những năm đói khổ, giặc giã, u như một gà mẹ vững chãi che chở cho lũ gà con đỡ phải đói khát và được cắp sách đến trường."
Ngoài viết về mẹ, Văn Giá còn viết về vợ, khen vợ, tự hào về vợ nhưng rất kín đáo, anh thường gọi "ý trung nhân" là "người ấy" (tr. 135) hoặc bằng những điểm nhìn khách quan của người khác: "con dâu" (cái nhìn của u), "mẹ con" (cái nhìn của cu lớn), "cô ấy" (cái nhìn của người hàng xóm). Mặc dù rất ngại mang tiếng khoe vợ, mặc dù không lộ liễu nhưng người đọc vẫn nhận ra hình ảnh một phụ nữ hiện đại thủ đô, "nhanh thoăn thoắt", có học vấn, chu đáo, hiếu thảo, ứng xử tuyệt vời với tất cả mọi người trong gia đình chồng; là người vợ đảm đang, hiểu chồng và nhiều khi không thèm chấp cái sự đoảng vị, vô tâm, vô tích sự của chồng mình.
Tuy chỉ xuất hiện xen kẽ hoặc thấp thoáng trong từng trang sách nhưng cái tình cảm thật của cô dâu với mẹ chồng dễ dàng được người đọc nhận ra qua những chi tiết như: mỗi khi nhắc đến mẹ chồng, cô ấy "mắt lại đỏ hoe" (tr. 51)" hoặc "nói đến đây, mắt vợ lại đỏ hoe" (tr 52), "mỗi lần nhắc đến u, mắt con dâu u vẫn ngân ngấn nước" (tr5. 58).
Không chỉ được lòng mẹ chồng mà cô con dâu ấy còn được bố chồng tin tưởng khi chia sẻ thơ phú, vì cô là người tinh tế, khéo động viên. Ông nói với con trai: "Ta nghe mẹ nó nói chuyện thế mà dễ hiểu hơn bố nó đấy." (tr. 54)
Dù lấy chồng nghèo lại là "trai quê" nhưng cô ấy rất yêu chồng. Nếu không thì làm sao có thể yêu quê hương bản quán và tất cả những người thân của chồng mình được. "Ai hiểu được lòng quê mới yêu thương được người quê".
Có những lần, họ hàng ở quê kéo ra nhà "cô ấy" ở Hà Nội một lúc cả 7 người, bao gồm mẹ chồng, các thím, các dì nhà chồng. Chồng thì đi công tác vắng. Nhà văn cũng nhận thấy mình đúng là "tốt số" và không giấu được niềm tự hào khi một bà hàng xóm túm lấy áo bảo: "Này, chị nói cho cậu biết nhé, cậu thật là có phúc mới có được vợ như nó đấy nhé. Ai đời, mình nó lo toan cho bảy bà cụ ăn ăn uống uống, đi chùa đi phố... mà mặt mày vẫn tươi như hoa ấy. Chứ cậu mà như thế í à, chả gắt như mắm tôm".
Tôi cũng rất ấn tượng với hình ảnh: "Dưới sự chỉ huy thiên tài của một người phụ nữ hiện đại thủ đô, bảy bà chít khăn mỏ quạ, áo tím hoa cà, răng đen nhưng nhức xếp thành hàng dọc vừa háo hức vừa e dè thẳng tiến vào siêu thị, chẳng phải là một bức tranh lụa Nguyễn Phan Chánh Mỹ thuật Đông Dương đó sao…"
Ca ngợi vợ như thế chẳng phải đã nâng vợ lên… tầm nghệ thuật đó sao!
Viết về bản thân, Văn Giá đôi khi tự trào, tự vẽ chân dung mình rất dở: nào là "gã" vụng thối vụng nát khi làm các việc lao động chân tay, đoảng vị, quên quên nhớ nhớ và vô tích sự… Đi tát nước với chị Hai thì không biết tát, kiểu tát gì mà "mỗi lần kéo nước mồm lại phải nhệch ra đến tận mang tai"; nhóm bếp thì không cháy, chỉ có khói; đi bắt cua thì người ta bắt được đầy giỏ lớn giỏ bé còn mình chỉ "bắt được có 14 con trong đó có 3 con chết"; đi buôn rượu thì lỗ vốn và bị trộm "chôm" mất cả đồ hành nghề mà còn không biết; hồi sinh viên đi tắm ở giếng thì quên quần áo (báo hại u phải mua chịu cái áo bộ đội của nhà chú S và mãi hai năm sau mới trả hết nợ); đến nhà bố mẹ vợ tương lai thì cứ tìm dép trong khi dép vẫn đang đi ở chân; hẹn sáng sớm mai đến nhà đón người yêu đi tham quan thì nhìn nhầm đồng hồ, mò đến nhà người ta bấm chuông vào lúc già nửa đêm; đèo vợ về quê đến đê thì quên mất vợ; đi tây thì để mất đồ đến nỗi cái quần lót phải đi mượn mặc; rồi thì lại có tính háu ăn, háu đói, "bóc ngắn, cắn dài", ham chơi; Văn Giá còn tự nhận mình trình độ "Ing líc" (English) "thuộc loại như… bò" (tr. 178), tự nhận mình "đi vào văn chương chỉ có mỗi cái món phê bình như dao rỉ" (tr. 235), rồi lại thỉnh thoảng "ra cái vẻ ta đây chữ nghĩa" (tr.175) "thành ra nói hớ" khiến cho cô em phiên dịch xinh đẹp hay mau nước mắt phải buồn (nhưng rồi gã cũng biết ân hận, vả lại cũng là người khéo miệng, lợi ngôn nên dễ được bỏ qua), v.v...
Cho dù Văn Giá có tự vẽ chân dung mình dở đến mức nào đi chăng nữa thì người đọc vẫn nhận thấy ở "gã" rất nhiều điểm đáng yêu, đáng mến: một Văn Giá hồn nhiên, thật thà, ghét những gì xấu xa, tầm thường, ghét giả dối, xu nịnh, luồn cúi; một Văn Giá nhạy cảm, một Văn Giá thiết tha tri ân với quê hương, gia đình, thầy trò, bè bạn; một Văn Giá tự trọng nghề nghiệp, nhiều nghĩ ngợi, suy tư trước cuộc đời… Nếu ai chưa biết Văn Giá thì khi đọc "Trần gian muôn nỗi" cũng có thể hình dung ra anh rất rõ trong ba vai nhà văn, nhà báo, nhà giáo. Bởi cuốn sách như một bức chân dung tự họa của Văn Giá vậy.
Trong gia đình, để có người vợ tử tế với nhà chồng đâu phải tự dưng mà có. Nếu Văn Giá không yêu quý bố mẹ mình, nếu như không hiểu, không trân trọng, không biết động viên, ghi nhận tấm chân tình của vợ thì làm sao cuộc sống gia đình lại vui vẻ, ấm êm như thế được. Chúng ta, ai mà chẳng biết câu ca dao: "Con bà có thương bà đâu/ Để cho chàng rể, nàng dâu thương cùng", "Vì chồng phải khóc mụ gia/ Chứ tôi với mụ có bà con chi"… Vì thế, muốn cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hòa thuận thì cách ứng xử của người chồng, người con trai trong gia đình là rất quan trọng. Văn Giá có vẻ như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Văn Giá cũng đâu phải là người vô tích sự. "Gã" cũng biết thỉnh thoảng nấu ăn để nịnh vợ; cũng biết xoay trần dọn nhà dọn sách…; cũng là người bố rất trách nhiệm với con cái, thể hiện qua những chuyện "Tháp tùng cu bé đi xe bus", hoặc cũng đứng ngồi không yên, lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi chờ nghe người ta báo tin điểm thi đại học cho con, rồi cũng biết lo xa rằng mai sau phải tổ chức đám cưới cho con ra sao để vừa vui, vừa tiết kiệm vừa văn minh…
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc - Tác giả bài viết
(2) Trần gian muôn nỗi…
Đây là những chuyện gợi ra nhiều suy ngẫm nhất dưới cái nhìn của một nhà báo, nhà giáo, nhà văn Văn Giá như vấn đề đặt bút danh; viết lời tựa, lời bạt; chuyện dùng chữ nghĩa, ngôn từ; chuyện ứng xử với hoa (Kiếp hoa), ứng xử với sách (Cuối năm dọn sách); đề cập về thói sĩ diện (Kém miếng, trên phân); đề cập về kỹ năng phỏng vấn; chuyện lãng phí trong đám cưới (Tiêu hoang); chuyện đóng góp việc làng (Người giàu… bị xưng…); chuyện ứng xử khi va chạm giao thông (Mất toi năm chai, Mất một ngày vui, Điều ước mùa xuân…); chuyện ứng xử tế nhị trong cuộc sống (Chờ tin…); chuyện đi du lịch; chuyện xin việc mất tiền; chuyện thói tật của người già; chuyện tổ chức khai giảng năm học; chuyện danh dự quốc gia từ cái thói xấu "chôm" dép ở bể bơi hoặc khách sạn; chuyện xu nịnh cấp trên và nhiều chuyện khác nữa…
Thói xu nịnh giả dối được bị Văn Giá phê phán trong chuyện "Đầu gối vàng".
Là người cầm bút nên Văn Giá quan tâm đến vấn đề chữ nghĩa, anh lo lắng khi một số nhà thơ vẫn dùng những từ ngữ cũ mòn, sến sẩm như "đong đầy yêu thương", "tình yêu thứ tha", lòng em cút côi", "hanh hao nỗi buồn", "chênh chao nỗi nhớ"… Những từ đó khi mới ra đời cũng có những giá trị, là bản quyền của tác giả nhưng sau đó theo thời gian chúng đã bị người khác vay mượn, cầm nhầm quá nhiều nên trở nên nhàm chán. Văn Giá cho rằng người cầm bút cần có sự "tự ý thức" trong việc sáng tạo, làm mới ngôn từ và phải có "bản lĩnh", có "lòng tự trọng" để không dùng lại những "xác chữ".
Tôi rất thích cách anh nghĩ ngợi giữa hai từ "cố lên" và "tiến lên" khi cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam. Thay vì hô "Việt Nam cố lên!" thì hãy hô "Việt Nam tiến lên". ""Cố lên" mang nét nghĩa của kẻ yếu, do yếu mới phải cố lên. Từ "tiến lên" thể hiện sự dũng mãnh, tự hào". Chỉ một sự thay đổi ngôn từ trong một lời hô nhưng nó "chứa trong đó một sự nhận thức mới, một tâm thế mới, một tư thế mới cùa người dân nước Việt." Câu chuyện ngôn từ này của anh chẳng phải đã khiến chúng ta phải nghĩ ngợi về ý thức tự tôn dân tộc đó sao.
Chỉ là chuyện đặt bút danh nhưng cũng khiến Văn Giá băn khoăn. Đã đi vào nghiệp văn chương thì người viết nên biết đến bút danh được ghi kèm vào tác phẩm đã được sáng tạo của những tác giả trước. "Nếu chẳng may tên thật của mình trùng với bút danh của ai đó thì cũng nên tự nguyện mà đổi đi. Như thế mới là cách ứng xử đẹp, vừa tỏ ra kính trọng các bậc hiền tài đất nước, vừa chứng tỏ mình đọc rộng biết nhiều".
Những suy nghĩ của anh về việc viết lời tựa, lời bạt hay phê bình tuy có hơi cực đoan nhưng có lẽ cũng sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của không ít người. Anh cho rằng, đừng bao giờ viết lời tựa, lời bạt do cả nể bởi "cả nể cho nên sự dở dang", "lời khen quý là lời khen đúng" và anh "chỉ viết phê bình khi cảm thấy thích. Đừng ai trách móc tôi khi tôi không thích" (thích có nghĩa là Văn Giá đã tìm thấy giá trị nào đấy trong tác phẩm).
Trong" những "viết ngắn" của "Trần gian muôn nỗi", Văn Giá không có chủ ý lý luận học thuật gì nhưng đôi khi lại có những nhận xét rất hay và tinh tế (lẫn vào trong một câu chuyện được kể) mà người đọc như tôi coi như là một quan niệm đúng, chẳng hạn: "Thơ hay khiến vết thương lòng mau lành miệng". (tr 235)
Văn Giá đi chơi không phải chỉ để chơi. "Chơi nuối ở Nha Trang" cũng là một sự học, một sự tìm tòi, phát hiện để từ đó cung cấp cho độc giả biết được tại sao dân gian gọi bác sĩ Yersin là "ông Năm"…
(3)… với muôn phận người.
Đây là phần viết về những người thầy, những người bạn văn nghệ sĩ và những mảnh đời bè bạn khác.
Những người thầy tôn quý như giáo sư Thomas, thầy Nguyễn Đăng Mạnh, Phùng Văn Tửu, thầy Hoàng Tuyên, Lưu Đức Trung… đều được Văn Giá vẽ chân dung bằng câu chữ. Chỉ trừ một giáo sư nước ngoài là tôi chưa được tiếp cận còn tất cả các thầy mà Văn Giá kể tên trên, chúng tôi đều được học và đều vô cùng yêu kính. Nhưng chỉ có anh mới có thể phác họa được chân thực, chớp được thần thái, hồn vía, tinh thần của nhân vật như thế. Các thầy đều là những nhà giáo giỏi về chuyên môn, nhân cách cao đẹp, hết lòng vì học trò. Có thầy, tuy Văn Giá không nói tên nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng biết đó là thầy nào, tên là gì, dạy môn gì (như chuyện: Lâu rồi thầy mới tới thăm) bởi hình ảnh thầy hiện ra rất sống động, y như ngoài đời vậy.
Văn Giá có một tấm lòng liên tài với những bạn bè văn nghệ sĩ. Anh yêu quý họ đến mức đã từng mời "bè lũ bốn tên" nhà văn, nhà thơ đi hỏi vợ cho mình. Sự hồn nhiên ấy đã khiến anh suýt mất điểm trong mắt ông bà nhạc tương lai, nhưng qua đó cũng thấy anh yêu quý, thậm chí đề cao những bạn văn quá mức đến thế nào.
Văn Giá dành nhiều trang để viết về bạn bè văn nghệ sĩ có tài, có số phận như Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, Nhà văn Nhật Tuấn, Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà thơ Trần Hòa Bình, Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, Họa sĩ Lưu Công Nhân…Văn Giá luôn cảm thấy tự hào và ngưỡng mộ khi được làm bạn hoặc quen thân với họ. Có những người anh viết về họ kĩ như cách viết một chân dung văn học.
Văn Giá và Chu Văn Sơn có tính cách không hẳn giống nhau nhưng họ lại hợp nhau, bổ sung cho nhau, thân thiết với nhau. Anh đã dành cho bạn mình những lời đánh giá của một tri âm tri kỷ.
Ơn ai một chút chẳng quên, đó là Văn Giá. Những người bạn tốt hoặc những người anh gặp thoáng qua trong cuộc đời cũng được anh ghi nhớ tri ân. Quên sao được ông hiệu trưởng của một ngôi trường cao đẳng yêu văn chương đã nhận anh vào công tác mà không tốn đồng nào sau khi anh đã mỏi chân đi xin việc; quên sao được cô bạn (mà sau này là vợ thằng bạn) nấu cho bát mì "không người lái" ăn ấm lòng trong một đêm đông giá lạnh khi còn công tác ở Đồi Cốc; quên sao được "bà bạn đồng môn" gốc Hà Nội xinh đẹp, tháo vát, tự tin, tinh tế, giỏi giang đã từng giúp đỡ anh một chút vật chất một cách vô tư trong nhưng năm anh học cao học khốn khó; quên sao được ông bạn đã tế nhị giúp mình bằng cách mua cho đến trăm cuốn sách mới in trong khi bản thân chẳng giàu có gì…
Văn Giá cũng là người nhạy cảm. Không nhạy cảm thì làm sao xúc động trước hành động hiếu thảo với mẹ của một thanh niên mà Văn Giá nhìn thấy khi anh đi du lịch cùng; không nhạy cảm thì làm sao ám ảnh về hình hài của cô bạn ngày xưa khi họp lớp, cái cô mà "Có phần điệu điệu. Gặp anh nào cũng làm nũng. Eo ơi, đi gì mà như ma đuổi ý chứ, có chờ người ta không thì bảo", vậy mà giờ đây thời gian tàn bạo và cuộc sống vất vả đã lấy đi hết nét thanh xuân của nàng một cách không thương tiếc; không nhạy cảm thì làm sao khi nghe Trần Hòa Bình đọc thơ thì tay lại "cầm cốc rượu run run", không nhạy cảm thì làm sao bất bình trước cái xấu và mến yêu sự tử tế dù là nhỏ nhất…
Đọc truyện của anh, chúng ta như đi ngược lại thời gian khoảng mấy chục năm về trước, như xem lại một cuốn phim quay chậm để nhìn lại một thời bao cấp khốn khó của cả dân tộc mình và rồi để trân quý hơn những tháng năm đất nước chuyển mình đổi thay, phát triển như ngày hôm nay.
Có thể nói, những cái viết ngắn trong "Trần gian muôn nỗi" có văn phong giản dị, không kén độc giả, dễ đọc. Mặc dù phần lớn những "viết ngắn" ấy là những chuyện riêng tư nhưng lại gợi ra cho người đọc những xúc cảm lành mạnh, những suy nghĩ, trắc ẩn về một vấn đề chung nào đó mà tác giả đã lồng vào trong mỗi chuyện một cách tự nhiên, khéo léo, không hề khiên cưỡng.
Tôi thiển nghĩ, những tác giả sách nào muốn nối dài sự tri âm thì trước hết tác phẩm của họ phải đến được với nhiều bạn đọc. "Trần gian muôn nỗi" là một cuốn sách có cách viết và cách tiếp cận phù hợp với con người của thời đại 4.0, nghĩa là nó không phải loay hoay trong việc khuôn chữ nghĩa vào một thể loại đông cứng nào, nó cũng không kén chọn độc giả, đọc nó không tốn nhiều thời gian mà vẫn được thụ hưởng một cảm xúc hoặc một nghĩ ngợi nào đó.
Vẫn biết nên viết ngắn vậy mà sao bài này tôi lại viết quá dài. Phải chăng những điều thú vị trong những "viết ngắn" của "Trần gian muôn nỗi" đã khiến tôi không thể viết ngắn.
Hà Nội, ngày 20/8/2019
Hoàng Kim Ngọc
Theo http://giadinh.net.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...