Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Văn Cao và sông Huế

Văn Cao và sông Huế
Văn Cao đến với Huế từ những năm 40 và đã qua nhiều đêm trên sông Hương. Ông không gọi sông Hương như tên gọi mà gọi là “Sông Huế”:
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
Cách gọi thật độc đáo và gây ấn tượng. Đã có người Huế, giọng Huế, ca Huế, nón Huế thì sao không gọi là sông Huế? Mới nghe đã thấy con sông nổi lên với những nét riêng. Một nét riêng tuyệt vời của sông Huế có lẽ đó là con sông âm nhạc, con sông chảy vớI tiếng đàn ca đêm đêm, không nơi nào có. Ở đó Văn Cao đã gặp một người tri kỷ. May mắn hơn Bạch Lạc Thiên ngày xưa trên bến Tầm Dương, phải năn nỉ mấy lần người ca nữ mới tấu khúc Tỳ Bà, họ Bạch chỉ đóng vai trò người khách ngồi nghe rồi phải khóc bởi tiếng đàn; Văn Cao là người bắt thiên hạ phải vui buồn, thương cảm theo mình, ông đã đàn cho người đẹp hát và có khi ông chủ động đàn cho nàng nghe, xem như đã gặp Chung Tử Kỳ.
Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha
Em nghe anh dạo khúc thu xa …
Thuyền xuôi về bến mô thuyền hỉ?
Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà.
Họ cứ đàn hát cho nhau nghe. Thuyền cứ trôi trên sông Huế. Sương phủ mịt mùng khiến dòng sông trắng xoá không còn biết là thuyền tấp vào bến nào. Vĩ Dạ hay Kim Long, Bao Vinh hay Gia Hội? Không biết nữa! Thuyền trôi, nhạc trôi, lơ lững, mơ hồ, nửa thực nửa mơ…
Hình như Văn Cao có kỷ niệm gì sâu sắc với mùa thu nên trong những ca khúc đầu đời của ông, bài nào cũng nói đến mùa thu:
Đây mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt
Rơi theo lá vàng
(Buồn tàn thu)
Đến "Cung đàn xưa" thì:
Hồn cầm phong hương hình dáng thu tàn
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Trong "Trương Chi" thì:
Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ…
Với sông Huế, mùa thu đó càng trở về thấm đậm: giữa bài thơ bảy chữ bỗng nổI lên hai câu bình thanh:
Ôi đàn u hoài gì mùa thu?
Ôi đàn u hoài gì mùa thu?
Mười bốn tiếng bình thanh vang lên như một lời than đầy hoài niệm. Tiếng đàn thu hẳn đã làm người ca nữ trên sông Hương xúc động cho nên độ u sầu trong giọng hát của nàng cũng tăng theo:
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi
Nét bút thủy mặc của Văn Cao đã chấm phá đúng cảnh sông Huế về khuya. Tất cả lặng im. Trên sông chỉ còn tiếng đàn ca dìu dặt. Gió hiu hiu thổi. Ánh lửa chài lung linh theo chiếc xuồng nhỏ của ngư ông trôi thấp thoáng xa xa… Sông Huế quả đã có lúc mang hình ảnh của một bến Phong Kiều hay một góc Tần Hoài. Không gì thú vị khi đi thuyền trên sông Huế, thức dậy giữa một biển sương trắng mịt mùng, nghe tiếng gà eo óc, không biết là thuyền mình đang lạc đến bến nào. Đó có thể là tiếng gà xao xác từ phường Thọ Lộc hay xóm Kim Luông. Lưu Trọng Lư viết về sông Hương cũng tả tiếng gà:
Tiếng gà đã gáy ran trong xóm
Bình minh đã rạng khóm tre cồn...
(Rượu giang hồ)
Câu thơ giản dị như lời kể chuyện. Văn Cao thì mơ màng, thanh thoát hơn, ông viết:
Giòng Tiêu Kim Thủy gà xao xác
Ngẩn thấy kinh kỳ khói vấn vương
Tiêu Kim Thủy là một tên gọi khác của sông Hương. Giờ đó là giờ gà gáy sáng, đêm vui đã tàn:
Anh cạn lời thôi, em dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
(Một đêm đàn lạnh trên sông Huế)
Trong bài thơ này Văn Cao có sử dụng ba phương ngữ Huế, đó là ba từ hỉ, đôi và ngó. Thông thường, khi cuộc đàn ca kết thúc, người ca nữ xếp cổ phách cho vào túi lụa, người nhạc sỹ treo đàn lên. Từ đôi của Huế có nghĩa là “ném đi, liệng đi” Không biết Văn Cao đã dùng theo nghĩa nào? Chắc không phải theo cái nghĩa… “liệng cổ phách đi” mà ngụ ý chỉ còn “đôi” nhịp đàn nửa là Tử Kỳ và Bá Nha chia tay nhau giống như Phạm Hầu đã viết trong bài Dạ Nhạc:
... Đến phím sau cùng là biệt ly
“Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”… sông Huế đã trao cho Văn Cao thêm một kỷ niệm, làm đậm thêm ý nhạc thu xa. Người ca nhi mặc áo xanh, Văn Cao mặc áo xanh? Ai nhớ nhung ai hay cả hai cùng nhớ đến những giọt lệ thấm đẫm vạt áo xanh của Giang Châu - Tư Mã , kết quả của một đêm đàn lạnh trên sông, đắm hồn trong tơ trúc.
13/9/2005
Tô Kiều Ngân 
Nguồn: Vietnamnet
Theo http://netcodo.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...