Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Giáo sư Lê Văn Khoa và ảnh nghệ thuật trừu tượng

Giáo sư Lê Văn Khoa và
ảnh nghệ thuật trừu tượng

Nhân được biết Giáo sư Lê Văn Khoa có mở một cuộc triển lãm tại Houston, Hoa Kỳ, tôi xin trò chuyện với ông. Buổi triển lãm được bắt đầu vào lúc 6:20pm chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Hai, 2017, tại phòng triển lãm Palette Arts Gallery, số 10925 Beechnut St. Houston, TX 77072, suite A 101-102. Thời gian triển lãm kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy 18 tháng Hai đến Chủ Nhật 26 tháng Hai.
Ông sinh tại Cần Thơ. Ông từng đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa cho nhiếp ảnh và âm nhạc. Ngoài ra còn có các giải thưởng, Danh Dự Tối Cao, Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh, Tâm Lý Chiến Bội Tinh, Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, v.v...
Được vinh danh từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tòa Đại Sứ Ukraine, nhiều Nghị Viện tiểu bang và thị Xã Hoa Kỳ. Người Việt Nam đầu tiên có 4 CD nhạc Việt với dàn nhạc giao hưởng quốc tế (Kiev Symphony Orchestra). Nhạc giao hưởng của ông được trình diễn ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu.
Tại Houston lần này, ông sẽ triển lãm những loại ảnh khác nhau từ trước và sau 1975, cùng những ảnh thực hiện kỹ thuật mới trong loạt hình "Do you see what I see." Đặc biệt là những tác phẩm nhiếp ảnh trừu tượng.
Nói đến phong cách nhiếp ảnh,người ta phân ra nhiều phong cách. Tuy nhiên tất cả đều rơi vào hai thể loại chính, đó là tài liệu và mỹ thuật. Riêng Nhiếp ảnh Trừu Tượng thuộc thể loại nghiêng về mỹ thuật. Nhiếp ảnh trừu tượng không có một định nghĩa nào rõ ràng. Sự tương tác giữa tác phẩm và người xem được thể hiện qua việc sử dụng màu sắc, đường nét, hình thù và hình dạng. Nhiếp ảnh trừu tượng không hề có một quy luật cụ thể nào. Mỗi nhiếp ảnh gia có thể tạo nên những sự đa dạng khác nhau, tùy vào cách mỗi người sử dụng khả năng sáng tạo của mình để thu hút và gây hứng thú cho người xem. Thể loại này kích thích được sự tưởng tượng và sự sáng tạo của người chụp ảnh và mang lại cho tác giả đường lối tự do hơn trong quá trình sáng tác.
TrịnhThanhThủy: Xin Giáo Sư cho biết tại sao ông chọn chủ đề "Do you see what I see?" Câu hỏi dường như hàm chứa ẩn ý, có gì khác nhau trong cách nhìn của tác giả và khách thưởng ngoạn?. Trong khi bản chất của nhiếp ảnh lại có tính chân thật. Cái chụp ra phải có thực hay gây ấn tượng thực cho người xem, chứ không có dấu hiệu nào chứng tỏ đó là kết quả của óc tưởng tượng như các tác phẩm nghệ thuật hội họa tạo hình khác.
Lê Văn Khoa: Người ta quen chụp hình như là ghi nhận những gì trước mặt, như là ảnh tài liệu, hay làm bằng chứng cho sự việc xảy ra. Nhưng ảnh cũng được dùng cho nghệ thuật và ảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì không giản dị đến hễ chụp thì ra tác phẩm. Theo tôi nghệ thuật phát xuất từ tim óc. Hội họa, văn chương, thi phú, âm nhạc, điêu khắc v.v... là phương cách diễn tả nghệ thuật. Phương cách có thể thay đổi theo thời đại, nhất là phương cách tạo hình. Ví dụ âm nhạc phải có đủ ba nguyên tố này mới thành hình trọn vẹn: Tiết nhịp của câu nhạc, giai điệu và hòa điệu. Nếu không hội đủ ba nguyên tố, người tạo ra âm thanh kia chưa phải là tác giả. Thử xem bản nhạc phổ thông, gần ta nhất là nhạc Việt Nam. Trên bản nhạc có hội đủ ba nguyên tố đó không? Không ai thắc mắc và người tạo ra một hoặc hai phần ba của bài đó vẫn được gọi là tác giả, là nhạc sĩ sáng tác. Ngành nhiếp ảnh thế giới có sự chuyển mình lớn từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, thoát đi khỏi sự trung thực của lối làm ảnh thông thường. Từ đó sinh ra loại ảnh thực nghiệm. Việt Nam cũng thoát đi và chiếm những giải thưởng lớn trong cuộc thi toàn thế giới. "Do You See What I See" là loạt ảnh tôi nhìn thấy người và thú từ vỏ thân cây, mà tôi không biết có ai khác thấy không, nên tôi hỏi "Do you see what I see?". Có thể hiện nay ít người chấp nhận loại ảnh này, nhưng đó là lối tôi khai phá từ đầu thế kỷ 21. Một nhiếp ảnh gia Trung Hoa đã in một quyển sách loại ảnh này. Gần đây Photographic Society of America có mấy bài viết về ảnh nghệ thuật trừu tượng. Những hình ảnh này tương tự như hình ảnh tôi bắt đầu khai thác từ đầu thập niên 60.
Lê Văn Khoa đang chụp hình thân cây 
Ảnh: Thế Giới Tự Do 1963
TTT: Giáo sư bước vào thế giới nhiếp ảnh trong trường hợp nào? Giữa nhiếp ảnh và âm nhạc ông dành thì giờ cho sở thích nào nhiều hơn?
LVK: Vì yêu nghệ thuật, tôi nghiên cứu nhiều môn nghệ thuật từ đầu thập niên 50. Nhận thấy hai ngành âm nhạc và nhiếp ảnh còn quá mới với người Việt nên tôi quyết tâm góp một bàn tay để khai triển. Trước 1975 tôi dành thì giờ cho nhiếp ảnh nhiều hơn, chụp hình để đem khoe nét đẹp của quê hương ta với người ngoài. Khi qua Mỹ không còn dùng được phương tiện này để ca tụng đất mẹ, tôi chuyển qua dùng âm nhạc nhiều hơn. Cũng với mục đích giới thiệu nét đẹp của Việt Nam ra thế giới.
TTT: GS từng có tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải văn học nghệ thuật. Xin giáo sư cho biết quá trình sáng tác một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của ông. Ông bắt đầu và hoàn thành nó như thế nào?
LVK: Tôi cũng làm như mọi người. Chụp hình, tráng phim, phóng hình ra giấy ảnh. Điều quan trọng là kỹ thuật tạo hình của mình có chuyển tải được cái tâm để người khác cảm nhận được hay không.
TTT: T được xem vài tác phẩm mới thực hiện của GS. T thấy hình như nó vượt ra khỏi biên giới thực của nhiếp ảnh mà đi vào thế giới của hội họa trừu tượng. xin GS giới thiệu một chút về cái mới, lạ và khác trong loạt ảnh mới mà ông sắp trưng bày trong cuộc triển lãm
LVK: Tôi thấy nhiều người vẽ tranh sống thực như ảnh. Tại sao ta không biến ảnh chụp ra tranh? Từ hình chụp tôi có thể gạn lọc, bỏ hết màu xám, để chỉ lấy vài đường nét như tranh. Xin xem ảnh "Đường Nét" sau đây. Ảnh chụp một thiếu nữ khỏa thân khá khêu gợi. Tôi đã đơn giản hóa và chất gợi dục không còn nữa.
Đường Nét
Xin xem một ảnh khác tôi chụp hình vỏ cây tróc. Cô nhìn thấy gì? Đây là hình ảnh đơn giản nhất mà ai cũng thấy được, nhưng không ai thấy chỉ vì người ta không chịu nhìn. Quanh ta có không biết bao nhiêu vật thể đẹp nhưng người ta không muốn khai thác, thích đi xa để tìm cảnh đẹp mà cả triệu người đã chụp hình từ trước rồi.
Con Sóc
TTT: Trong các loại ảnh phong cảnh, vật thể và người, GS ưa thích loại nào? Loại nào ông hay chọn để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật? Nó có thể hiện được cảm xúc hay cách nhìn của người chụpkhông?
LVK: Câu hỏi này rất khó. Nếu nói thích thì loại nào tôi cũng thích, nhưng đi tìm thì tôi không có dịp đi nên không có nhiều lựa chọn. Cô nói đến cảm xúc, cách nhìn, toàn là trừu tượng, không thể đi ra chụp hình một cảnh, một vật, một người nào đó là có thể nói lên những điều cô vừa đề cập. Từ sáng tác đến sáng tạo, tôi nghĩ nó phải thoát đi từ tâm hồn, từ suy tư rồi tìm cách chuyển những ý tưởng kia ra nghệ thuật không lời chứ không phải ôm máy ảnh ra ngoài, không biết mình sẽ chụp hình gì rồi về khoe là mình đã sáng tác.
TTT: Loại máy ảnh nào GS hay dùng? Những vật liệu phụ thường là gì? Làm thế nào ông tạo được những bức ảnh có màu sắc lạ lùng như trong bức "Tắm Trăng" và "Ông Già ở LAGUNA"?
LVK: Về máy ảnh thì tôi chưa được hân hạnh dùng máy ảnh thật tốt. Tôi chỉ dùng máy ảnh rẻ tiền. Không ống kính phụ, không phụ tùng nào đáng kể ngoài kính lọc và chân máy ảnh. Dù vậy ít khi tôi dùng. Ý tưởng cây cỏ trở thành người, người biến vào cây cỏ đã có từ nhiều nghìn năm trước. Tôi đã chụp hình người rồi cho người trở thành gỗ đá từ thế kỷ trước. Tôi nhìn thấy hình dáng người trong cây cỏ, nhưng muốn làm lộ ra như người thật cho mọi người nhìn thấy thì với kỹ thuật nhiếp ảnh thế kỷ trước tôi không làm được. Rồi quên đi. Khi đến gần thế kỷ 21, tôi nguyện hứa, nếu tôi còn sống tôi sẽ tạo cái gì mới, là chuyển hình chụp cây cối trở thành hình người. Photoshop là phương tiện giúp tôi làm điều này nên có bộ ảnh "Do You See What I See". Năm 2003 tôi với vài bạn ảnh đứng trước Reflection Studio của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã ở Garden Grove, California. Nhìn lên cây nhỏ trước tiệm, tôi thấy hình mặt người. Nhìn kỹ, tôi rất lạ, chỉ cho mọi người xem, nhưng không ai thấy. Tôi chụp hình về làm ra ảnh "Albert". Vì có sự việc vừa nêu, tôi lấy tên loại ảnh này là "Do You See What I See?" Có nhiều ảnh dễ nhận ra, nhưng cũng có nhiều chủ đề không dễ nhận ra nếu không tập nhìn. Mời quý độc giả xem ảnh "Albert" theo đây.
Albert (2004)
TTT: Là một giáo sư từng mở những lớp dạy về nhiếp ảnh, GS có gì nhắn nhủ lại cho học trò, hậu bối hay các em có đam mê và thích nhiếp ảnh không?
LVK: Tôi khuyên họ muốn chụp ảnh, trước hết phải tập nhìn. Không thấy thì mình không chụp, vì thông thường thì người ta không chụp những gì mình không thấy. Tập nhìn cái đẹp, về sau sẽ dễ thấy cái đẹp. Ðẹp có ở mọi nơi. Tôi đã thực hiện nhiều ảnh từ chốn rất hôi thúi. May mà ống kính máy ảnh không biết mùi và người xem cũng không thấy mùi, chỉ thấy hình đẹp. Việc chụp hình thì ai cũng làm được. Căn bản chụp hình mọi người đều biết. Nhìn ra cái gì đáng chụp thì cần tôi luyện. Và sau khi chụp được hình, cần nghiên cứu hình đã chụp và thực hiện với phương thức nào hay nhất để nâng cao giá trị của nó. Việc này cũng mất rất nhiều thì giờ. Không có tác phẩm nào từ trời rơi xuống cho mình đâu. Chúc mọi người thành công.
TTT: Cám ơn GS đã cho T được nghe và biết thêm về nhiếp ảnh nghệ thuật. Chúc buổi triển lãm của GS gặt hái nhiều thành công mỹ mãn.
Trịnh Thanh Thủy
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...