Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Những tên biệt kích cầm bút 1

Những tên biệt kích cầm bút 1

CHƯƠNG 1
Khi báo với bạn đọc loạt bài "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút" sẽ được đăng trên tờ Bán nguyệt san Ngày Nay, ấn hành ở Houston, tôi viết: "Mời bạn đọc trên Ngày Nay "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút", bản kết tội của Minh Kiên - Nam Thi, nguyên Đại tá Tổng Biên Tập và Đại tá Phó Tổng Biên Tập Tuần báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Phần trả lời của Hoàng Hải Thủy, một trong những người bị Cộng sản Việt Nam gọi là "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút."
Đọc lại, tôi thấy tôi thật ngớ ngẩn, vô duyên, không giống ai, Công An Thành Hồ cho tôi nằm ngâm thơ của Cố Thi sĩ Trần Văn Hương hai lần, trước sau là Tám Mùa Thu Lá Bay. Họ đã bỏ tù tôi, và tôi đã ở tù. Tôi còn có gì để "trả lời" họ và tôi cần gì, tôi việc gì phải "trả lời" họ. Bỏ nước chạy lấy người không kịp, kẹt lại, ngẩn ngơ giữa một rừng cờ đỏ, không ra đầu ngõ cũng bị bật ngửa vì nón cối, giép râu, nhìn đâu cũng thấy ảnh Bác Hồ "Muôn Kính, Ngàn Yêu" với những hàng chữ "Không có gì…." đỏ lòm, tôi không thể tự làm tôi mắt mù, tai điếc, tay cùi, miệng câm, tôi can tội mần một số thơ Con Cóc bắt chước Ca Dao mà tôi gọi là Phóng Dao, ngồi gù lưng trên căn gác tối om viết một số bài kiểu Tạp Ghi Tiền Tuyến để than thân, trách phận, thương nhớ kẻ ở người đi, não nùng tâm sự, đời tàn ngõ hẹp, đói không những chỉ đói cơm mà còn đói cả cà phê, thuốc lá, đói đủ mọi thứ. Tôi viết những bài gọi văn huê là "tác phẩm chứng nhân Thành Hồ Trần Ai Khoai Củ" và viết xong tôi không cất chúng dưới đáy tủ, gầm giường, tôi gửi chúng ra nước ngoài để anh em ta ở hải ngoại đăng báo. Và thế là tôi bị Công An Thành Hồ đưa xe bông đến nhà rước đi cất kỹ trong sáu niên. Sống giữa gọng kìm công an cộng sản mà lén lút làm thơ phú vẩn vương diễn tả đời sống đen hơn mõm chó mực của nhân dân để gửi ra nước ngoài thì bị Công An Cộng sản bắt, bị Cộng sản cất đi năm bẩy niên trong tù là chuyện tất nhiên.. Cũng là sòng phẳng. Có gì gọi là "trả lời, trả vốn".
Cộng sản thù ghét nhất những anh Con Trai Bà Cả, Bà Hai Đọi sống trong chế độ của họ mà bới móc, phơi bày những cái xấu của họ qua văn thơ, châm biếm họ bằng thi ca. Họ thù nhất là những anh viết và gửi những bài tố cáo chế độ họ ác ôn côn đồ ra phổ biến ở nước ngoài. Chẳng cần phải tố cáo, chỉ cần than khổ thôi là đã bị coi là phản động và được công an ưu ái hỏi thăm sức khỏe. Mối hận thù truyền kiếp bọn văn nghệ sĩ được đàn anh công an Nga Xô trích vào máu thằng đàn em công an Việt Cộng "… thẳng tay trấn áp bọn văn nghệ sĩ phản động, không cho chúng than khóc…" Công an Việt cộng đã, đang và vẫn làm đúng lời dậy ấy.
Năm 1988, khi bọn "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút", sau bốn năm tù ở Trung Tâm Thẩm Vấn Số 4 Phan đăng Lưu và Khám Lớn Chí Hòa, sắp "được" đưa ra xét xử lần thứ hai ở cái gọi là Tòa Án Nhân Dân Thành Phố HCM, "Luật sư" Triệu Quốc Mạnh vào nhà tù Chí Hòa gặp chúng tôi, anh là người sẽ "biện hộ" cho nhóm bị gọi là Biệt Kích Văn Nghệ trước tòa. Anh nói:
- Các anh viết bài gửi ra nước ngoài làm cho họ đau lắm. Họ thù các anh và các anh đã bị khổ sở mấy năm rồi. Bây giờ đưa các anh ra tòa tôi thấy họ có vẻ muốn làm cho xong đi. Các anh làm họ đau, họ bỏ tù các anh. Như vậy là huề. Lần này ra tòa, tôi nghĩ các anh không nên găng với họ. Mềm dịu cho xong đi. Các anh ở tù mấy năm như vậy cũng là đủ …
Ai tù hào hùng, khí phách thế nào tôi không biết, tôi chỉ biết tôi tù thôi. Tất nhiên là tôi thấy tôi ở tù mấy mùa lá rụng ngoài song sắt như vậy là - không phải đủ - mà là quá đủ. Năm 1986, trước ngày Đại Hội Đảng Kỳ 6, Công An Thành Hồ đã dàn dựng đưa bọn "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút" ra tòa với cái tội "gián điệp". Năm ấy họ muốn dựng một vụ Xử Án Điển Hình kiểu "Sát Nhất, Nhị, Tam, Tứ Nhân, vạn vạn nhân cụ, " một vụ án làm cho tất cả những anh Con Trai, Con Rể, Con Nuôi, Con Hoang, Con Rơi, Con Rớt Nhà Bà Cả trên cõi đời này sợ teo luôn. Nói rõ hơn năm 1986 họ muốn xử chúng tôi với mức án đại khái như vầy:
Doãn Quốc Sĩ: Tử hình hay chung thân.
Hoàng Hải Thủy: Chung thân - 20 niên.
Dương Hùng Cường: 18 niên.
Lý Thụy Ý: 15 niên.
Nguyễn Thị Nhạn: 12 niên.
Hiếu Chân Nguyễn Hoạt: 10 niên.
Khuất Duy Trác: 8 niên.
Trần Ngọc Tự: 8 niên.
Xin quý vị thương cho mà đừng nghĩ là tôi tự đề cao anh em chúng tôi. Việt Cộng sài Luật Rừng, nhưng Luật Rừng cũng vẫn là Luật. Trong cái gọi là Bộ Luật Hình Sự CHXHCNVN có điều quy định tội danh và án phạt bọn "gián điệp" như sau.
Tôi đọc điều luật này trong Ô Ten 10 Sao Chí Hòa năm 1986 và tôi thuộc nằm lòng từ ngày đó:
- Bị coi là gián điệp những kẻ cung cấp tin tức, tài liệu an ninh, quốc phòng cho những Cơ Quan Tình Báo Nước Ngoài.
Cũng bị coi là gián điệp những người tuy không cung cấp tin tức cho Cơ Quan Tình Báo Nước Ngoài nhưng bằng cách nào đó vô tình tiết lộ những tin tức an ninh, quốc phòng để những Cơ Quan Tình Báo Nước Ngoài có thể khai thác.
Án phạt từ 12 năm tù đến tử hình.
- Những tên gián điệp đầu sỏ bị tử hình.
- Những tên tay sai nguy hiểm cũng bị tử hình.
Theo điều luật về xử trị gián điệp trên đây thì nếu năm 1986 Công An Thành Hồ đưa bọn "gián điệp 8 tên" chúng tôi ra tòa xử thì chuyện xẩy ra đã có thể là:
- Gián điệp đầu sỏ Doãn Quốc Sĩ: tử hình.
- Tay sai nguy hiểm Hoàng Hải Thủy: chung thân hoặc có thể cho đi cùng chuyến xe bít bùng với Đầu Sỏ Doãn Quốc Sĩ lên bãi bắn Thủ Đức trong buổi sáng mù sương lạnh. Hai gián điệp cùng đi một chuyến xe không có bông cho đỡ tốn xăng dầu và công sức của anh em công an chuyên giết nhân dân.
Năm 1986, Công An Thành Hồ đã dàn dựng sân khấu, cho quảng cáo tùm lum trên hai tờ Tuổi Trẻ-Công An: "… Ngày... tháng… năm… bọn gián điệp sẽ phải ra trước Tòa Án Nhân Dân trả lời về những tội trạng của chúng…" Nhưng rồi họ tẽn tò, không kèn, không trống, không lời xin khán giả cảm phiền vì phiên tòa bị bãi bỏ, họ im luôn. Phiên tòa năm 1986 hoãn dài ngày.
Năm anh em chúng tôi: Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, và tôi, được Công An Thành Hồ cho xe bông đến nhà rước vào Số 4 Phan Đăng Lưu cùng trong đêm Mùng 2 tháng 5 năm 1984. Chịu thẩm vấn ở Phan Đăng Lưu một năm, tháng 5 năm 1985 xe bông đưa chúng tôi sang Thánh thất Chí Hòa. Anh em chúng tôi được đoàn tụ trong lòng xe tù khoảng 20 phút đồng hồ. Trên xe có thêm hai em Trợ tá "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Nữ": Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn.
Tù xa từ Bà Chiểu sang Đa Kao, qua rạp xi-nê Casino Đa Kao, vào đường Hiền Vương một chiều, chạy qua bên hông Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi - Đất Thánh Tây trước 1956 - nay đã thành công viên mang tên một anh cà chớn mà tất cả nhân dân Sàigòn đều không ai từng biết: Công viên Lê văn Tám. Chàng Công Tử Hà Đông ghé mắt nhìn qua song sắt tù xa bỗng thấy trái tim chàng đi một đường cảm khái. Đoạn đường Mayer - Hiền Vương từ Đa Kao đến ngã tư Hai Bà Trưng là đoạn đường những năm từ 1954 đến 1958 anh qua lại mỗi ngày vài lần. Anh gặp tình yêu và từng sống tình ái, yêu đương với nàng Alice trong căn nhà 78/5 của con đường Mayer-Hiền Vương này mấy mùa thu vàng. Ngày ấy môi anh còn thắm, tóc anh còn đen, có bao giờ anh ngờ rằng sẽ có ngày anh te tua trên tù xa đi qua con đường thơ mộng này.
Tháng 5 năm 1986, từ Nhà Tù Chí Hòa bọn cai tù đưa Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn trở về nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu. Bọn Công An Thành Hồ chia bọn "gián điệp" ra làm hai trước khi đưa ra tòa. Lần đầu trong đời gặp cảnh tay còng, áo dấu ngơ ngáo ra tòa, choáng váng nhận ra vợ con trong đám thân nhân láo nháo chạy theo, tôi hồi hộp nghe tin con tôi báo: "Hoãn xử…" Trên tiền sảnh chính của Pháp Đình Sàigòn, nơi 50, 70 hay 80, 90 năm trước, các quan Đại Pháp xây lên và cho đặt hai bức tượng Bà Đầm Pháp Luật Phú Lang Sa to tổ bố đứng đưa … bàn cân công lý vào mặt con dân A-na-mít - Anh Mít nào cao lớn lắm cũng chỉ đứng vừa đến đầu gối Hai Bà chớ chưa với được đến bàn cân - Tòa Cộng Thành Hồ có đặt tấm bảng đen ghi những hàng chữ phấn đại khái như:
- Vụ Gián điệp Doãn Quốc Sĩ,
Phòng A …
Dưới hàng chữ có viết thêm hai chữ "Đình Xử", tức là hôm nay tòa không xử Vụ Gián Điệp. Tòa đình xử, nhưng bọn tòa án không báo cho bọn cai tù Chí Hòa biết. Cai tù Chí Hòa, được lệnh cả tuần trước, cứ đúng lệnh áp giải bọn tội nhân ra tòa. Xe chở tù đổ hàng xuống Tòa xong là đi ngay, chiều mới đến đón tù trở về. Cai tù áp giải phải gọi điện về Chí Hòa, phải chờ xe đến chở hàng về Chí Hòa. Nhờ vậy, bọn "gián điệp 1986″ được ngồi ở tòa án từ sáng cho tới trưa thơ thới hân hoan.
Thơ thới, hân hoan vì mấy anh được ngồi trò chuyện thân mật với vợ con. Vợ con mấy ảnh hối lộ cai tù nên được cai tù cho phép vào phòng cách ly ngồi với chồng, với bố. Hai năm trời đằng đẵng mới được nhìn mặt nhau, ngồi gần nhau, cầm tay nhau… Thương cảm, bùi ngùi đứt đuôi con nòng nọc. Tình cảnh ấy khỏi cần diễn tả. Alice nói với tôi:
- Đừng sợ. Anh em mình bên ngoài mạnh lắm. Can thiệp dữ dội. Nó phải hoãn xử, tối qua đài VOA đọc một bài dài lắm, kêu gọi Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bảo vệ văn nghệ sĩ Việt Nam… Có người nghe thâu băng được cả bài… Lại có tin triệu tập đến hai ngàn ký giả, văn nghệ sĩ khắp thế giới về họp ở New York để lên tiếng về vụ mình…
Tôi hỏi ai triệu tập, Alice nói:
- Em không biết rõ. Nghe nói người đọc bài tố cáo đàn áp văn nghệ sĩ trên đài VOA là Nguyễn Ngọc Linh…
Nguyễn Ngọc Linh hay Nguyễn Ngọc Bích…? Ngọc Linh, Ngọc Bích đều là Ngọc cả. Hôm nay bình yên ngồi viết ở Rừng Phong Lòng Vòng Hoa Thịnh Đốn, Virginia Đất Tình Nhân, nhân danh tám anh em chúng tôi tù tội ở Thành Hồ - hai anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường đã chết thảm trong tù - tôi trân trọng nói lên lời cám ơn của chúng tôi đến anh em bầu bạn khắp năm châu.
Năm 1986, chúng tôi bị kết tội "gián điệp", án tù tối thiểu 12 niên đến tối đa tử hình. Nhờ anh em bầu bạn khắp năm châu la ó, phản đối dữ dội nên dù muốn, dù đã treo bảng quảng cáo, đã cho bọn văn nô reo hò, nhẩy múa, Công An thành Hồ cũng không xử được chúng tôi. Trở về Chí Hòa nằm ngâm thơ Ngồi Rù thêm hơn một niên nữa đến đầu năm 1988, chúng tôi mới lại "được" trở ra tòa án thành phố HCM chuyên xử tội nhân dân lần thứ hai.
Lần này án "gián điệp" ác ôn đã được bỏ, thay vào đó là tội "Tuyên truyền phản cách mạng". Tội này có thể gọi là "tội nhẹ nhất trong các tội phản động dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa." So với tội gián điệp, mức án xử bọn phạm tội tuyên truyền phản cách mạng quá đỗi nhẹ hều: Tù từ 2 niên đến 12 niên tối đa. Không có bị tử hình, tử ảnh, chung thân, chung sơ gì ráo trọi. Đang từ tối thiểu 12 đổi sang tối đa 12 niên, chàng Công Tử Hà Đông sướng rên mé đìu hiu, chàng còn cay cú hay hung hăng con bọ xít gì nữa. Chàng đã bóc được bốn cuốn lịch rồi.
Anh em tù gọi như thế là "đã có vốn." Tất nhiên khi ra tòa chàng sẽ không nói năng gì để bọn Chánh án tay sai phạng chàng 10 hay 12 mùa Tết Trung Thu Em Không Rước Đèn Đi Chơi - Nàng Alice trẻ lâu thật nhưng nàng cũng không có thể như nàng Hạ Cơ Đông Châu Liệt Quốc trẻ mãi không già - Chàng đã trả cái nợ Hai Mươi Niên, từ 1954 đến 1975 chàng sống và để người khác chết, để vợ con người khác khóc như vậy cũng tạm gọi là đủ, chàng phải lo thân để trở về Ngã Ba Ông Tạ thôi.
Nhưng khi nghe "Luật sư" Triệu Quốc Mạnh khuyên nên "mềm dẻo đừng nói gì gay cấn" để tòa xử cho xong đi, tôi cũng nói:
- Nếu người ta không chửi bới chúng tôi thì chúng tôi sẽ không nói gì đâu. Còn nếu người ta mạt sát chúng tôi thì chúng tôi không thể nói trước được phản ứng của chúng tôi sẽ ra sao.
CHƯƠNG 2
N
hân đây, xin viết vài hàng về nhân vật Triệu Quốc Mạnh. Anh có chứng chỉ Cử nhân Luật, gia nhập Cảnh sát Quốc Gia, mang lon đại úy Cảnh Sát. Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảnh Sát Đô Thành Sài Gòn trong chính phủ hư thai Dương Văn Minh. Sau Đại Hội Đảng kỳ 6, Tổng bí thư Chăn Trâu Nguyễn Văn Linh tuyên bố: "đổi mới tư duy", Triệu Quốc Mạnh và Nguyễn Đăng Trừng được phép mở một cái gọi là Phòng Dịch Vụ Pháp Lý. Tiếp đó, để cho có vẻ có pháp luật đôi chút Triệu Quốc Mạnh và Nguyễn Đăng Trừng trở thành "luật sư" biện hộ những vụ án chính trị được mang ra tòa xử. Triệu Quốc Mạnh biện hộ cho đám "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút," Nguyễn Đăng Trừng biện hộ cho nhóm Tu Sĩ Già Lam Chống Đối trong có Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, Ni Cô Thích Trí Hải, v.v… Năm 1992, trường Đại Học Luật Khoa được Võ Văn Kiệt cho mở ở thành phố Hồ Chí Minh, Triệu Quốc Mạnh là khoa trưởng.
Nghe nói cái gọi là trường Đại Học Luật Khoa Thành Phố HCM bị bọn lãnh đạo ở Hà nội coi là không được danh chính, ngôn thuận. Thủ đô Hà Nội không có Đại Học Luật. Bộ Nội Vụ Việt Cộng có cái trường gọi là Đại Học Pháp Lý chuyên đào tạo các anh chị cán ngố làm nhân viên Bộ Nội Vụ. Những cán đực, cán cái không cần có trình độ học vấn vẫn vào được Đại Học Pháp Lý. Vì vậy người ta thấy có những chị chuối chiên, vịt lộn viết cái biên lai giặt ủi cũng mướt mồ hôi nách trở thành những vị "thẩm phán". Thời cộng sản mở toang mọi cửa lớn, cửa nhỏ, cửa trước, cửa sau để khều ngoại nhân vào đầu tư cho chúng ăn bám có nhu cầu phải có những chuyên viên về luật thương mại - chuyên viên cán sự thôi, đừng nói đến danh từ "luật sư" đao to búa lớn. Võ Văn Kiệt cho Thành Hồ mở Đại Học Luật Khoa, thu nhận sinh viên dân sự vào học, bọn cộng sản Hà Nội không bằng lòng. Thành Hồ hiện có một số anh được phong đại là "Luật gia" thường xuất hiện trên Tivi nói lăng nhăng về các vấn đề luật pháp. Không ai biết những anh "luật gia" này ở trường Luật nào ra. Lại thêm Đại Học Luật mà Giáo sư Khoa trưởng là ông Cựu Đại úy Cảnh sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới có chứng chỉ cử nhân thì trình độ giảng huấn của trường tất nhiên là khá quá rồi.
Triệu Quốc Mạnh - giống như những anh Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Vũ Hạnh - là một thứ "phi cầm, phi thú". Mấy anh không phải là đảng viên cộng sản. Cộng sản không nhận mấy anh là đồng đảng. Mấy anh phản bội những người quốc gia Việt Nam Cộng Hòa từng nuôi dưỡng mấy ảnh. Hai mươi mùa lá rụng qua rồi, thân phận những anh "phi cầm, phi thú" không có gì đáng để nói.
Trở lại chuyện "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút" tôi nói rõ: Tôi không "trả lời" hai anh Nam Thi - Minh Kiên. Hai anh ở trong hàng ngũ bọn Công An Cộng sản đã bắt giam chúng tôi, hai anh viết vung xích chó về đời tư, vợ con, cha mẹ, việc làm của chúng tôi. Khi ở trong vòng kìm kẹp của các anh, tôi không có điều kiện để viết về việc chúng tôi làm. Hôm nay có điều kiện viết, tôi viết. Tôi đăng một số trang hai anh viết về chúng tôi để bạn đọc của tôi biết các anh đã - học mót bọn Nga cộng, Tàu cộng - "chửi bới" những người phơi bầy những tội ác của Đảng các anh như thế nào.
° ° °
Mặt trận không tiếng súng… Đó là lời huê mỹ anh Phan Hiền viết trong Lời Tựa "Quái Phẩm" NTBKCB. Trong cái gọi là "Mặt trận không tiếng súng" ấy một bên là phe công an Việt Cộng có súng, có nhà tù, có quyền bắt người, giết người, giam người gần như hoàn toàn tự do tùy ý. Phe bên kia, phe nạn nhân, không phải phe đối nghịch, là nhân dân, chân tay không, những người dân khốn khổ không có qua một chút bảo đảm nào về an ninh, những nạn nhân bị đàn áp suốt đời chỉ chịu trận mà không có qua một cách nhỏ nhất nào để có thể tự vệ, đỡ đòn, đừng nói đến chống trả.
Tôi - người viết loạt bài này - không cho việc Công An Thành Hồ bắt giam chúng tôi là việc xẩy ra trên một "Mặt Trận". Không phải tôi nhát đến độ sang được Xê Kỳ rồi vẫn còn sợ không dám nhận mình có thời từng "chiến đấu" với Công an Việt cộng trên "mặt trận", dù đó là "Mặt Trận Văn Hóa." Theo tôi, gọi việc Công An Việt cộng bắt giam chúng tôi là việc xẩy ra trên một "Mặt Trận" là danh không chính và ngôn không thuận. Anh em chúng tôi chỉ có những cây bút Bic. Và chúng tôi cũng không được sử dụng cây bút để thể hiện một nửa khả năng của chúng tôi. Chúng tôi lén lút viết, lén lút gửi đi. Viết rồi gửi đi thấy lòng ngẩn ngơ như thả con mình đi vượt biên mà không biết nó sống chết ra sao. Người viết có cái lạc thú đọc bài mình in trên trang báo, trang sách, chữ in sáng sủa, gọn gàng. Những mùa thu lá bay vàng võ ở Thành Hồ chúng tôi hoàn toàn không có cái lạc thú đó.
Những ngày, những đêm dài u ám nằm ngâm Thơ Gãi Háng đến chán ngấy ở những phòng giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Ô ten Chí Hòa, Trại Cải Tạo Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai, đôi khi tôi nghĩ vẩn vương: "Nó có cả một bộ máy tuyên truyền cực mạnh; các báo, các nhà xuất bản, truyền thanh, truyền hình… của nó hết. Tại sao nó không dùng những phương tiện đó để tranh luận với mình? Mình viết về những cái xấu của nó, nó có thể phản bác, trưng bằng cớ nó không có những cái xấu ấy, nhân dân sẽ quyết định thằng nào đúng, thằng nào sai? Tại sao nó không làm thế? Tại sao nó lại phải bắt mình, phải bỏ tù mình?"
Sau những lần nghĩ như vậy tôi vẫn bùi ngùi thương thân. Trong tuyệt vọng tôi đã mong ước những người cộng sản làm với tôi cái việc họ không bao giờ làm. Đó là việc tranh luận để nhân dân làm Ngự sử. Mong cộng sản tranh luận thì thật là ngu đến cỡ phi-ní lô đia, tức ngu hết nước nói. Người cộng sản không đối thoại với bất cứ ai. Cách đối xử duy nhất họ áp dụng với những người không ca tụng họ là bắt, giết, bỏ tù đến chết. "Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi." Lời Cố Hồng, Số Đỏ - Vũ Trọng Phụng.
Nón cối, dép râu, A-ka, cờ đỏ ngơ ngáo vào Sài Gòn. Cuộc biển dâu khủng khiếp bắt đầu.
Trải qua một cuộc biển dâu.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Hai trăm năm trước người thơ xưa phải chứng kiến cuộc biển dâu Lê-Trịnh-Nguyễn- Nguyễn phân tranh, ông chỉ thấy đau lòng thôi. Con cháu ông không được cái may mắn chỉ chứng kiến biển dâu và chỉ thấy đau lòng như ông. Chúng tôi bị nhận chìm trong biển dâu, chúng tôi chết trong cái dâu biển ghê rợn, thê thảm ấy.
…. Ngươi đi bốn biển vui hò hẹn
Ta ở đây chìm dưới biển dâu
Mưa nắng xứ người ngươi gắng chịu
Sắt son dạ ấy chớ phai màu
Thôi ngươi đi nhé. Đừng quay lại
Ta khóc đây ngươi có biết đâu!
Thơ Mặc Thu tiễn Nhã Ca-Trần dạ Từ đi ODP ra nước ngoài. "Ta ở đây chìm dưới biển dâu" là cái ý tôi mượn để tả tình cảnh chúng tôi ở Thành Hồ sau ngày oan nghiệt Ba Mươi Tháng Tư 75.
CHƯƠNG 3
N
gày 2 tháng 5 năm 1984, tám anh em chúng tôi bị bắt cùng trong một đêm. Trong số có hai người lần đầu nếm mùi tù ngục Xã hội Chủ nghĩa: Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và cô Nguyễn Thị Nhạn. Sáu anh em chúng tôi đều đã qua một lần tù tội. Tôi gọi việc tôi trở vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu là "tái đáo Thiên Thai." Lưu Thần, Nguyễn Triệu ngày xưa trở lại Thiên Thai buồn như thế nào lòng tôi cũng não nùng như thế. Năm 1977 tôi đã bị còng tay đưa vào đứng ngơ ngáo trong những hành lang nhà tù này. Năm 1980 tôi xách cái túi du hành rách từ đấy đi trở ra. Bốn năm sau tôi trở vào. Nhà tù nghèo nàn, u ám hơn, những đoạn đường xi măng sụp, rạn nứt, những vách tường dơ bẩn.
Công An Thành Hồ không loan tin chúng tôi bị bắt trên báo, nhưng chỉ một năm sau - năm 1985 - bọn văn công Việt cộng đã viết về cái gọi là "cuộc đời ái tình và sự nghiệp" của anh em chúng tôi để đăng linh tinh, lang tang trên nhiều báo tháng, báo tuần ở Hà Nội, Thành Hồ. Tuần báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh là tờ viết về đời tư chúng tôi hung hãn nhất. Bọn Cớm Cộng thành Hồ có hồ sơ tài liệu về chúng tôi, chúng khám xét nhà chúng tôi, chúng được bọn "ăng ten" cung cấp nhiều sự kiện về chúng tôi nên chúng có tài liệu để viết về chúng tôi nhiều hơn cả.

Năm 1988, "Quái Phẩm" NTBKCB được xuất bản thành sách. Ở Nhà Tù Chí Hòa chúng tôi được đọc một số trang NTBKCB đăng trên các báo, một số trang khác được người nhà chúng tôi lén gửi vào tù cho chúng tôi. Trí Siêu Lê Mạnh Thát cùng sống với tôi trong phòng 10, lầu Ba, Khu ED Chí Hòa, sau khi đọc một số trang BKCB, nói với tôi:

- Sao chúng nó thù các bác quá?

Tôi không coi việc Công An VC kết tội chúng tôi trong một quyển sách là một vinh hạnh. Tôi chỉ ghi nhận một sự kiện: cùng thời gian chúng tôi bị tù có rất nhiều nhóm hoạt động chính trị bị Việt Cộng đàn áp tàn bạo hơn bọn văn nghệ sĩ chúng tôi rất nhiều. Tôi chỉ kể hai vụ tôi biết rõ, những người trong hai vụ này cùng tù với tôi, nhiều người nằm chung phòng với tôi: Vụ Luật sư Phạm Quang Cảnh bị VC xử tử hình, hai người cùng nhóm với ông là Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng, Kỹ sư Lê Công Minh chung thân, nhiều người tù 18, 15 năm. Vụ thứ hai là Vụ Già Lam: Tuệ Sĩ Phạm văn Thương, Trí Siêu Lê mạnh Thát mỗi người tù 20 năm, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận tù 10 năm. Nhưng các ông không bị CAVC viết truyện vu cáo, mạ lỵ, mạt sát, chửi rủa, bôi bẩn, bới móc đời tư đến cả đời ông, đời cha như chúng tôi.

Tôi gọi NTBKCB là "Quái phẩm" vì không thể xếp nó vào loại "dzăng phẩm" nào cả. Hai anh Nam Thi - Minh Kiên gọi nó là "truyện". Tôi thấy nó không phải là "truyện" vì nhân vật trong nó là người thật, đang ở tù thật. Những sự kiện trong nó phần lớn do người viết bịa đặt, tưởng tượng - ngôn từ VC học mót Tàu Cộng, gọi việc tưởng tượng bịa đặt này là "hư cấu". Nó không phải là phóng sự điều tra vì những sự kiện trong nó không có thật, không có những thông số, thống kê, không có bằng chứng độc lập. Nó lại càng không thể là phóng sự tiểu thuyết vì người ta không thể tiểu thuyết hóa cuộc sống, chuyện đời của những nhân vật có thật đang bị tù tội đến chết - và nhiều người đã chết - trong ngục thất.

Việc viết, ấn hành những "Quái phẩm" như NTBKCB không phải là việc làm mới mẻ do bọn CAVC nghĩ ra. Bọn Nga Cộng đã làm chuyện ruồi bâu, kiến đậu này từ những năm 1922.

NTBKCB do hai anh Nam Thi - Minh Kiên, Tổng và Phó Tổng Biên Tập báo Công An Thành Hồ viết, được xuất bản thành sách, chỉ là một trong số năm bẩy loạt bài viết về nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi. Cái gọi là "truyện" đã được in thành sách một lần vào năm 1987. Những trang in tôi trích đăng ở đây lấy ở bản in năm 1994 do nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố HCM tái bản. Ấn bản NTBKCB năm 1994, ngắn hơn, chỉ còn 200 trang. Có nhiều đoạn bịa đặt, dựng đứng trắng trợn, làm chính những người cộng sản cũng cảm thấy lố bịch, ruồi bâu, kiến đậu, có tác dụng phản tuyên truyền trong ấn bản 1987 được bỏ đi trong ấn bản 1994. Chẳng hạn như đoạn tả ông Biệt Kích Doãn Quốc "thả lời ong bướm" với em Lý Thụy Ý, đoạn bịa chuyện anh bạn Không quân Trần Ngọc chở em Nguyễn Thị Nhạn đi chơi quán Cây Dừa Xa lộ làm bà xã anh bạn chúng tôi có cái gọi là "cơ sở" để nghi ngờ và mất cảm tình với anh em chúng tôi. Như đoạn viết về ông Ngoại tôi với câu kết mà bất cứ người viết nào có chút thông minh nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng cũng không hạ bút. Đó là câu: "…Ngày xưa… tri phủ, tri huyện nào mà không nghiện thuốc phiện…"

Người viết cộng sản phấn khởi, hồ hởi vu cáo mạ lỵ, bịa đặt những chuyện xấu gán cho đời ông, đời cha những người bị chúng bắt giam. Đó không phải là chuyện mới lạ. Bọn Nga Xô đã làm cái việc tệ mạt ấy từ năm 1922, tiếp đó là bọn Đức Cộng, bọn văn nô các nước chư hầu Đông Âu, rồi Tầu Cộng. Bọn Việt Cộng chỉ làm cái việc học mót đàn anh.

Trước khi nổ ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm đòi văn nghệ phải được tự do năm 1956-1957 ở Hà Nội, Phùng Quán, với bài thơ Lời Mẹ Dặn, được coi là thi sĩ cách mạng vô sản điển hình, là hình ảnh người đảng viên cộng sản kiên cường, bất khuất. Phùng Quán có viết trong tập hồi ký Vượt Đảo. Chế Lan Viên ca tụng Phùng Quán trong bài tựa quyển này là: "… người đảng viên trung kiên, đứa con ưu tú của tổ quốc…" Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm những bài viết chửi bới tàn tệ Phùng Quán có chi tiết "Ông bố hắn làm Mật thám cho Pháp. Bố như thế thì con không thể khá được v.v…"

Sau Tháng Tư 1975, người Việt Nam đói sách báo, không có sách báo để đọc "từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mâu" như lời những ông rao bán thuốc ho bà Lang Trọc trong những tác phẩm của ông Vũ Trọng Phụng. Tiểu thuyết hoàn toàn không có mặt trong xã hội gọi là "Xã Hội Chủ Nghĩa". Cái gọi là "truyện" được ấn hành ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là những bản ca tụng Đảng, ca tụng Bác Hồ và bọn đảng viên, diễn tả những cuộc sống giả tạo, những tâm trạng và những mẫu người không có trong đời sống thật. Anh Công An Huỳnh Bá Thành tung ra quyển "Vụ án Hồ Con Rùa". Vì nhu cầu đọc của nhân dân quyển sách này bán khá chạy. Từ đó một lô những "Vụ Án…" đủ thứ được in ra. "Bọn xấu" trong những vụ án này là nhân dân. "Bọn tốt" là những chiến sĩ công an phẩm chất đạo đức sáng như gương Tầu, trình độ nghiệp vụ đạt đến đỉnh cao của loài người tiến bộ, tác phong mẫu mực, trong sạch, chí công, vô tư, xả thân vì nước, vì nhân dân, hành động không chỗ nào chê. "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút", do Nam Thi - Minh Kiên viết, nằm trong loại sách "Vụ Án" này.

Nhưng không mấy lâu, dù cần đọc, nhân dân cũng rất mau chán ngấy loại sách "Vụ Án". Vậy thì đã xuất bản năm 1987, nếu không có người mua, tại sao năm 1994 quyển NTBKCB lại được tái bản? Nguyên nhân vì Công An Việt Cộng là lực lượng mạnh nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay. Hàng năm họ có khoản tiền lớn chi vào việc cung cấp tài liệu, văn hóa phẩm bồi dưỡng chính trị cho cán bộ Công an. Hai anh Đại tá Nam Thi - Minh Kiên đã về hưu. Quỹ công an mua sách của hai anh để hai anh có khoản tiền.

Tôi trích đăng vài trang hai anh Nam Thi - Minh Kiên viết về chúng tôi để bạn đọc thấy họ đã vu cáo, đã chửi rủa chúng tôi như thế nào. Bị CAVC "chửi rủa" không phải là chuyện nhục nhã mà cũng chẳng phải là một vinh hạnh. Tôi chẳng cần "trả lời" họ. Tôi đăng vài trang họ viết để quý bạn thấy việc làm đê tiện của bọn họ và để tôi viết lên, ghi lại những cảm nghĩ của tôi về những năm tháng u ám tôi sống ở Thành Hồ Ngục Tù.

Khi viết bài này, tôi không hỏi ý kiến các bạn tôi, những người có tên trong quyển "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút." Chúng tôi tám người bị bắt năm 1984 - hai anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và Dương Hùng Cường đã chết trong tù ngục cộng sản - năm 1996 chúng tôi còn sống sáu người. Hai người hiện ở Thành Hồ. Cô Nguyễn thị Nhạn hiện ở đâu tôi không được biết. Ba người: anh Doãn Quốc Sĩ, Khuất Duy Trác và tôi ở Hoa Kỳ. Tôi một mình chịu trách nhiệm về những chuyện tôi viết ở đây.

Mời bạn đọc Lời Giới Thiệu truyện "Những Tên Biệt Kích Cầm Bút" do Cán Cộng Phan Hiền viết.

Lời Giới Thiệu

Trong cuộc chiến tranh trường kỳ bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh hoạt động quân sự mà mọi người đều biết, có những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ an ninh, trên một mặt trận không có tiếng súng nhưng rất gay go quyết liệt.

Đặc biệt từ khi cuộc kháng chiến cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn, một cuộc đấu tranh mới lại tiếp diễn vì các lực lượng thù địch vẫn mưu toan phá hoại nền độc lập, xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân ta trong một cuộc chiến tranh mới. Cuộc chiến tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng lúc đầu được kẻ thù hoạch định trong "kế hoạch hậu chiến", sau trở thành một chiến lược diễn biến hòa bình.

Nhận biết rõ bộ mặt thật của các thế lực thù địch, trong khi nhân dân ta tập trung sức xây dựng lại đất nước và mở rộng các mối quan hệ quốc tế, nhân dân Việt Nam không lúc nào xao lãng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững thành quả mà ông bà ta và các thế hệ tiếp nối đã xây đắp nên bằng bao nhiêu máu xương, mồ hôi, nước mắt suốt mấy ngàn năm lịch sử oai hùng.

Cùng với các lực lượng yêu nước trên mọi lĩnh vực xây dựng và bảo vể Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa, các chiến sĩ an ninh nhân dân lại bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cạm bẫy và đòi hỏi nhiều trí thông minh, tinh thần sáng tạo trên mặt trận chính trị, văn hóa và tư tưởng. Những chiến công thầm lặng trên mặt trận này cần được phản ảnh, ghi lại một cách đầy đủ với nội dung phong phú, hình thức đa dạng để nêu cao những tấm gương cao đẹp của chiến sĩ và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Những Tên Biệt Kích Cầm Bút" của Minh Kiên - Nam Thi là một trong những tác phẩm văn học góp phần làm phong phú thêm truyền thống đấu tranh bất khuất và ý chí quyết thắng của dân tộc, bảo vệ và phát huy hồn thiêng sông núi Việt Nam.

Phan Hiền

CHƯƠNG 4

H

ai trang 5,6 NTBKCB, người viết Phan Hiền. Có thể đây là anh Phan Hiền, nhân viên Bộ Ngoại Giao VC. Lời lẽ chung chung, bài tựa này có thể dùng để làm tựa cho tất cả những "quái phẩm Cộng sản" mạ lỵ nhân dân ta trên cõi đời này. Phan Hiền nhắc lại những lời cũ rích từ khươm mươi niên. Theo đúng thông lệ anh ca tụng bọn công an Việt cộng - những kẻ bị nhân dân căm thù nhất - là những "chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc" hy sinh, mẫu mực, đấu tranh gian khổ trường kỳ.

Bài học đầu tiên trong những khóa dậy nghề Công an Việt cộng có câu: "Quân đội bảo vệ Tổ quốc, Công an bảo vệ Đảng…" Bẩy mươi mùa đói rét trôi qua trên đất nước Liên Xô vĩ đại, Thành trì của Chủ Nghĩa Xã Hội Thế Giới, đến những năm 1988. 1989 bức tượng tên tội đồ Dherzinsky, tên lập ra cơ quan KGB ác ôn nhất lịch sử nhân loại - Tượng đá Vĩ Nhân Dherzinsky oai dũng đứng trước trụ sở KGB - bị nhân dân Nga tròng xích sắt vào cổ, kéo xuống cho ra nằm ở bãi rác. Bọn nhân viên Công an Nga, Tiệp, Đức, Hung trở thành những tên "mặt người dạ thú". Tờ báo Tuổi Trẻ Thành Hồ năm 1992 đăng một bài dịch từ một tạp chí Tiệp Khắc. Anh công an Tiệp được phỏng vấn trong bài báo này than:

- Đảng đã làm chúng tôi trở thành những kẻ thù của nhân dân.

Quyền lợi của Đảng Cộng sản và quyền lợi của nhân dân chưa bao giờ và không bao giờ đi đôi với nhau. Chuyện ấy, trẻ con lên ba, cụ già chín bó đều biết. Với những người cộng sản, việc "bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân" có nghĩa là bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của bọn đảng viên cộng sản, giữ vững mãi cái chế độ trong đó "người đối xử với người tàn tệ hơn là lang sói", để yên cho bọn cộng sản mặc tình ăn trộm, ăn cướp, ăn hại, đái nát, hủy hoại đất nước, đầy đọa nhân dân, làm những thế hệ con em sống dở, chết dở trong ngu dốt, nghèo đói.

"Trí thông minh, tinh thần sáng tạo…" của công an cộng sản được biểu hiện bằng việc phóng tay "bắt hết, nhốt hết, cho đi tù chết bỏ". Kể từ ngày Lenin "vĩ đại" gọi những người chống đảng cộng sản là "bọn sâu bọ", Công an cộng sản tất cả các nước chẳng may bị bọn cộng sản cướp chính quyền, thẳng tay đàn áp, giết tróc những người không may cùng một dân tộc với chúng.

Tôi sống ở K3 - Trại Cải Tạo Z30A trọn năm 1989, cùng sống với tôi trong trại cải tạo này năm ấy có Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Linh Mục Trần Đình Thủ, Dòng Đồng Công Thủ Đức, Linh Mục Nguyễn Công Đoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam, Tu Sĩ Phật Giáo Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, anh Doãn Quốc Sĩ, Tiến sĩ Sử học Mã Thành Công, Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng, Kỹ sư Lê Công Minh cùng khoảng năm trăm người tù chính trị từ khắp lãnh thổ Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1994 khi tôi đi khỏi thành phố HCM, Trí Siêu Lê Mạnh Thát còn ở Z30A, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận mãn án đã trở về mái chùa xưa, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương năm 1990 bị điều ra Trại cải tạo Phú Khánh. Trại này nằm trong rừng giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nên được gọi là Phú Khánh.

Năm 1989 là năm cộng sản không rẫy chết mà chết ngắc ở Đông Đức. Trong Z 30A chúng tôi phấn khởi truyền nhau những tin tức như tin Bức Tường Ô Nhục Bá Linh bị phá đổ, "Đồng chí Eric Honecker vĩ đại" - danh hiệu Việt Cộng tôn xưng "Đồng chí Eric Honecker, Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức", Honecker có sang thăm Thành phố HCM năm 1976 - phải bỏ Đảng chạy ra nước ngoài. Chúng tôi phấn khởi nghe tin nhân dân các nước Đông Âu, theo gương nhân dân Ba Lan, tự phá gông xiềng Búa Liềm, tin vợ chồng Sô-xét-cu, Chủ Tịt Đảng Cộng Lỗ Ma Ni, bị nhân dân lôi cổ ra dí súng vào đầu, bắn bỏ. Những chuyện chúng tôi không thể ngờ có thể xẩy ra trong đời mình.

Tháng Hai năm 1990, mãn án tù lần thứ hai sáu mùa cóc chín, tôi trở về Ngã Ba Ông Tạ. Mang giấy ra trại đến phường công an khai báo để ghi tên trở vào sổ Hộ Khẩu - vừa bị bắt là tên bị xóa ngay trong sổ - anh công an khu vực, nay đổi tên là công an đường phố, bảo tôi:

- Chú viết bản tự kiểm…

Bị coi là có tội, bị bắt, bị ra tòa, bị kết án, mãn án tù, về nhà, còn tự kiểm, tự cáo gì nữa? Tôi nghĩ. Tôi hỏi:

- Tôi tự kiểm về chuyện gì?

- Về những việc chú đã làm - Anh công an Ông Tạ trả lời tôi, anh giải thích - Chú đã làm gì để bị bắt? Chú làm những gì trong thời gian cải tạo. Chú có suy nghĩ gì? Và bây giờ về chú dự định sẽ làm gì?

Tôi nghĩ thầm: "Anh mới là người phải viết tờ tự kiểm những tội lỗi của anh và của bọn anh với nhân dân chứ? Tại sao đến bây giờ tôi vẫn còn phải viết tờ tự kiểm với anh…?" Cộng sản nó sụp ở những đâu đâu, ở quê hương tôi nó còn vững lắm. Tôi bùi ngùi cầm bút viết trang tự kiểm cho xong. Tôi vụng dại đủ mọi thứ, làm việc gì cũng bê bối không giống ai, được cái viết vớ vẩn vô thưởng vô phạt thì tôi mần khá dễ dàng.

Bọn công an cộng sản Nga, Đức, Tiệp, Hung, Ba Lan, Lỗ đã phải "trả lời những tội trạng của chúng trước nhân dân", đã "phải cúi đầu nhận tội", đã nhục nhã vì bị nhân dân chửi rủa, khinh bỉ, vợ con tủi hổ, xa lánh.

Sẽ có ngày đẹp trời bọn cộng sản Việt Nam cũng phải chịu chung số phận với bọn đàn anh của chúng. Ngày đẹp trời ấy bao giờ đến? Tháng mấy? Năm hai ngàn mấy? Tôi có được thấy ngày đẹp trời ấy chăng? Thôi thì đành tự an ủi bằng ý nghĩ: "Mình đã thấy cộng sản sụp ở gốc rễ của nó rồi. Trước sau gì mấy cành cây mục cũng chết theo thôi. Đừng có nóng…"

Nhưng tại sao tôi lại bi quan nhỉ? Đời tôi còn những hai bó nữa kia mà? Hai bó nhiều lắm, lâu lắm chứ. Hai bó là hai mươi quyển lịch Tam Tông Miếu. Chịu khó bóc vài ba tập lịch nữa thôi, ngày đẹp trời sẽ đến. Có thể lắm chứ. Biết đâu đấy.

° ° °

Trích NTBKCB, trang 7, 8, 9.

Hơn một tuần nay, Nguyễn Trí Văn được nhận vào làm lái xe cho một Công ty Xuất khẩu hải sản. Nhờ người anh họ từ miền Bắc vào công tác ở thành phố quen với Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công ty giới thiệu nên Văn được nhận dễ dàng, vả lại anh không có quan hệ chính trị gì phức tạp. Tuy là Thượng sĩ trong quân đội Saigon cũ, nhưng anh ta chỉ biết cầm súng khi còn ở quân trường, sau đó được tuyển vào đội bóng đá của Sư Đoàn 3 Không Quân. Từ giã vị trí trung phong trên sân cỏ đã mấy năm rồi nhưng phản xạ của cơ bắp vẫn còn tốt cho nghề lái xe. Anh ta cảm thấy xin được việc làm ở một cơ quan Nhà Nước là điều may mắn đối với mình.

Cũng trong thời gian này, điều may mắn thứ hai lại đến. Anh vừa nhận được món hàng nhỏ từ Paris gửi về. Thật là của từ trên trời rơi xuống, giữa lúc gia đình anh gặp khó khăn túng thiếu. Gói hàng có kèm theo lá thư với mấy dòng vắn tắt:

Paris ngày…

Văn thân mến,

Xin gửi cho em món quà nhỏ. Gọi là của ít lòng nhiều. Mong rằng em vẫn còn ở chỗ cũ và nhận được thư này. Hãy viết thư ngay cho anh sau khi nhận được thư.

Thân ái,

Trần Tam Tiệp

Thật là một niềm vui bất ngờ đối với Nguyễn Trí Văn.

Khi nhận quà về, Văn đã khoe với vợ con, bạn bè rằng Tiệp là anh em "kết nghĩa", mặc dầu ông ta vốn là Trung tá, "Mạnh thường quân" của đội bóng ngày xưa của anh. Và đây là lần đầu tiên anh được tin tức của cấp chỉ huy cũ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975

Lúc này, nhiều sĩ quan cũ mà anh biết đi học tập chưa về, môt số người được về lại đã dông ra nước ngoài. Trước đó, Văn cho rằng có liên lạc với các ông "xếp" ấy cũng chả cần thiết. Thật tình anh không còn nghĩ đến ai. Cái quá khứ ấy cũng nên quên đi, trừ những lần đi xem những trận bóng ở sân Thống Nhất, anh vẫn nhớ lại quãng đời cầu thủ ngắn ngủi của mình. Nay được thư kèm theo quà, anh thấy cũng hay. Quá khứ lại sống dậy trong anh. Hơn một tháng sau khi trả lời thư của Trần Tam Tiệp, anh lại nhận được lá thư thứ hai của ông ta. Gói quà lần này sộp hơn lần trước nhiều, đem ra chợ trời bán gần được 4000 đồng, đủ trang trải mấy món nợ, còn dư may sắm cho vợ con. Trong thư Trần Tam Tiệp nhờ tìm gặp Trung úy Không quân Trần Ngọc Thự và một số người khác để lấy địa chỉ gửi qua cho Tiệp. Ông ta bảo những người đó là bạn thân, ông ta cần biết địa chỉ để gửi quà về giúp. Văn thấy không thấy gì trở ngại, vả lại đây là chuyện"tình nghĩa" không có lý do từ chối. Chỉ trong hai Chủ nhật, Văn đã tìm gặp được mấy người bạn cũ, và từ người này hỏi thăm người nọ, cuối cùng anh đã gặp hầu hết những người Tiệp cần biết tin tức.

Sau lần ấy, Văn còn nhận thêm vài món quà nữa, rồi Tiệp viết thư báo sắp bận đi làm ăn xa. Từ đó bặt tin luôn. Văn thấy như vậy cũng đủ rồi. Làm một cái gạch nối cho viên chỉ huy cũ liên lạc với anh em bạn bè, anh đã hoàn thành và cũng đã được trả công. Anh trở về với nếp sống cũ và hầu như quên đi chuyện ấy, chỉ còn giữ lại mấy cái hộp giấy đựng quà làm kỷ niệm

Nhân vật Nguyễn Trí Văn có thật. Là một cầu thủ khá nổi trong đội banh Không quân, Nguyễn Văn Trí được anh em không quân biết tên, biết mặt. Nghe nói anh vẫn được gọi bằng cái tên thân thương Trí Lùn.

Những Tên BKCB mở đầu bằng 3 trang nói đến Nguyễn Trí Văn tức Nguyễn Văn Trí. Và từ Trí Lùn "giới thiệu" đến Trung tá Không quân VNCH Trần Tam Tiệp, ông "Dượng Ba" thương mến của anh em chúng tôi..

Công an Thành Hồ cay cú Dượng Ba của chúng tôi nhất. Mấy ảnh kết tội Trần Tam Tiệp là người chủ động trong những việc:

1. Tranh đấu trong những tổ chức văn học - chính trị quốc tế để bảo vệ những văn nghệ sĩ Saigon bị cộng sản đàn áp.

2. Tố cáo trước dư luận thế giới những hành động bạo tàn của VC ở Việt Nam.

3. Làm nhịp cầu liên lạc giữa những văn nghệ sĩ Saigon sống dưới ách đàn áp thô bạo của cộng sản với những tổ chức văn học-nhân quyền quốc tế như PEN International, Amnesty International: Hội Văn Bút Quốc Tế, Hội Ân Xá Quốc Tế.

4. Cung cấp sự giúp đỡ về tinh thần và tiền bạc cho những văn nghệ sĩ kẹt giỏ ở Thành Hồ đỡ tả tơi, cuộc sống bớt chút màu sắc đen hơn mõm chó mực.

Công an Thành Hồ gán cho Trần Tam Tiệp cái tội "thúc đẩy chúng tôi viết và gửi tác phẩm ra nước ngoài…"

Và Công an Thành Hồ cay cú nhất vì mấy ảnh cóc đụng được vào cái lông chân nào của Trần Tam Tiệp. Dượng Ba của chúng tôi sống ở Paris. Các anh Công an VC hung hăng con bọ xít bắt, bỏ tù mút chỉ cà tha mấy tên dzăng nghệ sỡi kẹt giỏ bị mấy anh gọi là Biệt Kích Cầm Bút - mấy ảnh là công an VC cầm súng -

nhưng mấy ảnh hận mà hổng có làm gì được Dượng Ba Trần Tam Tiệp của chúng tôi. Vì vậy mấy ảnh cay cú dữ dội.

Trong thời gian tôi bị thẩm vấn ở Nhà Giam Số 4 Phan Đăng Lưu - những tháng 5,6,7 năm 1984 - Sáu Khôi, một nhân viên cấp trung của sở Công an thành phố HCM, đến nhà giam chỉ huy bọn thẩm vấn chúng tôi. Sáu Khôi không đích thân thẩm vấn chúng tôi. Y chỉ ghé vào các phòng đang thẩm vấn, ngồi nghe, góp vài ý kiến. Tôi thấy rõ Sáu Khôi căm thù Trần Tam Tiệp. Mỗi lần nói đến Dượng Ba của chúng tôi, Sáu Khôi đều gằn giọng: "… Thằng Tiệp… Thằng Tiệp…"

Đọc mấy trang NTBKCB trên đây, ta thấy hai anh Nam Thi - Minh Kiên viết về Trí Văn nhẹ hều. Đi tìm những ông không quân vất vưởng ở Thành Hồ để những ông này liên lạc với Trung tá Trần Tam Tiệp ở Paris, nhận được vài thùng quà. Rồi thôi. Chẳng có tội gì cả. Nhưng… "Dziệc cộng dziếc dzậy mà hổng phải dzậy…" Dziệc cộng công an nói và dziếc lại càng khác nhau. Sự thực não nùng bi đát đúng kiểu VC là chỉ vì cái tội đi tìm mấy ông bạn đồng ngũ không quân giúp Trung tá Trần Tam Tiệp, anh Nguyễn Trí Văn, tức Nguyễn Văn Trí, tức Trí Lùn Đội Bóng Không Quân Quân Lực VNCH, bị công an Thành Hồ cho xe bông đến tận nhà - nghe đâu Trí ở Gò Vấp - ưu ái đưa vào Số 4 Phan Đăng Lưu cho nằm ngâm thơ Gãi Háng - cơm tù bưng đến tận cửa xà lim, nước tù xịt xà lim cho tắm vì những ống nước nhà tù đặc cứng rỉ sét - Không hề bao giờ là Biệt Kích Cầm Bất Cứ cái gì, Nguyễn Trí Văn cũng nằm xà lim, ăn cơm nhạt xỉu xỉu mười tháng.

… Văn thấy không có gì trở ngại, vả lại đây cũng là chuyện tình nghĩa không có lý do gì từ chối…

Nguyễn Trí Văn không đến nỗi phải chết vì "tình nghĩa". Anh chỉ vì "tình nghĩa" mà bị Công an Việt cộng cho đi tù gần một mùa lá rụng…

… Anh trở về với nếp sống cũ và hầu như quên đi câu chuyện ấy, chỉ còn giữ lại mấy cái hộp giấy đựng làm quà kỷ niệm…

Poste Phú Lang Sa văn minh hơn Post Mẽo ở những hộp các-tông đựng quà. Những hộp giấy vàng vuông vắn, gọn đẹp. Những năm đầu thập niên 80 một trong những lạc thú hào hứng nhất của những Anh Con Trai, những Chị Con Dâu Bà Cả Đọi ở Thành Hồ là đến Bưu Điện hay vào phi trường Tân Sơn Nhất lãnh đồ. Gần như cả nước sống nhờ đồ ngoại quốc gửi về. Có đồ là có tất cả. Có đồ là nỗi tuyệt vọng mênh mang trong lòng ta dịu bớt, vơi đi, ta được tiếp đôi chút hy vọng để có thể không chết. Nỗi sợ hãi công an trong ta cũng nhạt đi khi ta có đồ. Đồ càng lớn, càng nhiều, càng tốt. Tất nhiên. Nhưng đồ nhỏ cũng rất tốt. Chỉ một paquet một ký lô thuốc Tây từ Pháp quốc văn minh phồn hoa trữ tình lãng mạn sông Seine mờ sương trắng - là áo sương mù hay váy em. Ga Lyon đèn dzàng… Những anh Con Trai Bà Cả Đọi từ muôn kiếp trước đến muôn kiếp sau chưa từng một lần được đặt những bước loạng quạng đến Paris, chưa từng biết mùi Đầm là gì… vẫn xúc động khi nghe chuyện lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế… - những paquet quà thơm phức từ Pháp quốc gửi về Thành Hồ. Mỗi paquet - tuy không đủ lãng quên đời - cũng đủ cho hai vợ chồng và ba con nhỏ sống được một tháng.

Đấy là thời gian những anh Con Trai Bà Cả Đọi ở thành Hồ được gọi là những anh Tư Đê. Đúng ra mấy ảnh là mấy anh Năm Đê. Ngoài một tiếng Đê, ngôn ngữ thuần túy dân tộc, mấy ảnh luôn luôn sài bốn tiếng vần Đê:

- Đi, Đồ, Đói, Đợi

- Sao không đi? Còn ở đây?

- Đi không được. Sao lại không đi!

- Có tính đi không? Có đường đi không?

- Có đồ không?

- Đói thấy mồ…

- Đành đợi vậy…

Mấy ảnh nói mấy ảnh đợi, nhưng chính mấy ảnh cũng không biết mấy ảnh đợi ai, đợi cái gì, đợi đến bao giờ…

CHƯƠNG 5

T

hời ấy - những năm đầu thập niên 80 Thành Hồ có mấy câu Phóng Dao tả cảnh những anh Con Bà Cả Đọi đi lãnh đồ:

Muốn tắm mát thì lên ngọn cái con sông đào

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh

Đôi tay anh vín đôi cành

Quả chín anh hái quả xanh anh vồ

Năm sáu năm nay anh ăn ở Thành Hồ

Anh ra Bưu điện lãnh đồ em cho

Đồ em vừa nặng vừa to

Anh đã con mắt, anh no cái mồm…

Thấy mấy cái hộp đồ Poste Pháp tốt quá Trí Văn giữ lại làm kỷ niệm. Anh đâu biết mấy cái hộp giấy vô thưởng vô phạt đó sẽ bị công an VC coi là những bằng chứng về tội anh liên lạc với người nước ngoài. Tôi không gặp Trí Văn lần nào, nhưng tôi biết chắc mà không cần hỏi là khi bắt Trí Văn, bọn công an CS tịch thâu mấy cái hộp đựng quà, ghi vào biên bản bắt, coi đó là "tang vật".

Vợ chồng Anh Con Trai Bà Cả Đọi trong mấy mùa thu lá rụng ở Thành Hồ - từ 1980 đến 1984 - có may mắn được hai vị sống ở Pháp gửi thuốc tây cứu trợ nhiều nhất. Hai ân nhân của anh chị là:

- Dượng Ba Trần Tam Tiệp, Tổng Thư Ký Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

- Cô Phương Hương Cao Ngọc Phượng, tu sĩ Phật giáo. Từ năm 1992, cô đã xuống tóc quy y, pháp danh Thích Chân Không.

Trong mấy mùa lá đa rụng ấy Alice làm hoa vải tại gia. Nàng giữ lại những hộp giấy đựng đồ làm hoa. Trong căn nhà nhỏ ở Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ của vợ chồng anh chị có đến mấy chục cái hộp giấy của Poste Pháp.

Trong đêm công an Việt cộng đem chiếc xe bông thứ hai đến Cư Xá Tự Do đón anh chồng đi lần thứ hai - đúng là tội nghiệp anh Con Trai Bà Cả Đọi. Anh chỉ can tội dính líu tí ti vào bộ phim Hai Chuyến Xe Bông dưới bóng cô đào Thanh Nga thôi. Dzậy mà đời anh cũng tả tơi hoa lá vì hai chuyến xe bông thực sự. Trong vòng mười niên mà hai lần đi xe bông công an Việt cộng thì đúng là đời anh đen hơn mõm chó mực - Trong đêm anh bị bắt lần thứ nhì, công an xếp một đống hộp đựng đồ từ Pháp gửi về ở giữa nhà, bắt vợ chồng anh đứng "chụp ảnh với tang vật".

Trong đống "tang vật" có hai hộp cạc tông không phải hộp đựng quà trả công cho gián điệp. Anh Con Trai đứng rũ liệt chân tay, chị Con Dâu vẫn còn cố tranh đấu đến cái gọi là hộp giấy cuối cùng:

- Mấy cái hộp đó không phải là hộp đựng đồ ngoại quốc gửi về. Tôi yêu cầu mấy anh bỏ ra…

Anh Con Trai nói với vợ:

- Thôi em ơi. Nếu không có tội thì dù ta có cả ngàn cái hộp như thế này ta cũng không có tội. Còn có tội thì chỉ cần một cái hộp cũng đủ rồi…

Như vậy là trong đêm Công an Thành Hồ đến bắt tôi lần thứ hai - hai giờ đêm ngày 2 tháng 5 năm 1984 - Alice có vài bức ảnh chụp chung với anh chồng vất vả trước đống tang vật. Những tấm ảnh này hiện nằm trong Kho Hồ sơ Nhân dân Tù tại Sở Công an thành phố HCM.

Hơn mười mùa mít chín trôi qua, hôm nay ngồi bình an viết những dòng này ở Rừng Phong Arlington, bang Virginia của những người Còn Trinh và Yêu Nhau, hồi tưởng lại giây phút vợ chồng sánh vai nhau đứng trước ống kính máy ảnh của bọn công an Việt cộng nửa đêm trong căn nhà nhỏ tôi có một nỗi bực mình nho nhỏ.

Tôi bực mình vì chính tôi. Đêm ấy khi bọn đầu trâu, mặt ngựa ùn ùn kéo vào căn nhà nhỏ của tôi rồi tôi vẫn còn mong đợi một cách ngu si, đần độn quá mức là chúng chỉ vào "xét sổ hộ khẩu" sơ sơ rồi đi. Bởi nghĩ như vậy và muốn chúng ra mau mau đi ra khỏi nhà để mình tiếp tục ngủ lại, tôi đã không sửa sang cho người ngợm tôi đừng tả tơi quá.

Nửa đêm về sáng, đang ngủ mệt, bị công an đập cửa dựng dậy, hào hoa phong nhã đến như các ông Phan An, Tống Ngọc, Tư Mã Tương Như cũng… nát như tương. Lúc ấy tôi đầu bù, tóc rối, mắt có ghèn, miệng hôi, áo quần xộc xệch. Phải chi tôi cứ mặc cho chúng ngồi đợi - khi chưa đọc lệnh bắt giam, chúng chưa sẵng giọng với mình - tôi đàng hoàng đi làm vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, chải đầu, bận sơ mi, quần tây săng pờli đàng hoàng rồi mới ra tiếp chúng. Thì đã sao? Đầu tóc tả tơi, quần áo xộc xệch, mặt mũi nhơm nhếch thì chúng cũng bắt, cũng tù. Trang phục chỉnh tề, bộ dạng hào hoa phong nhã thì cũng chỉ đến đi tù thôi. Đằng nào cũng tù nhưng tù đường hoàng, tại sao mình lại tù rúm ró thiểu não?

Than ôi… Khi tôi có được cái kinh nghiệm ấy thì đã muộn màng. Tôi không còn có dịp dùng đến kinh nghiệm ấy… Qua hai lần bị Việt cộng bắt, bị Việt cộng thẩm vấn, tôi có cảm tưởng như tôi là một em trinh nữ lần đầu tiên bị đàn ông hiếp dâm - trinh nữ bị hiếp dâm lần đầu, tôi không nói đến những trinh nữ bị hiếp dâm năm bẩy chục lần dài dài và đều đều - Em trinh nữ bị hiếp dâm lần đầu thường mềm nhũn chân tay, không chống cự mà cũng chẳng phản ứng, thuận ứng gì cả - Với bọn Việt cộng bắt tôi, hỏi cung tôi, đe dọa tôi, tôi cũng mềm như bún. Nhiều đêm nằm vắt chân lên trán trong biệt giam nhớ lại buổi hỏi cung trong ngày tôi vẫn bực bội với chính tôi:

- Sao mình lại có thể ngu đần quá đến như dzậy? Sao lúc nó hỏi câu ấy mình lại không trả lời như vầy… như vầy… Trả lời như thế thì tội mình đâu có nặng hơn? Tại sao mình lại trả lời một câu ngu đến như thế chứ?

Tôi giống như các em trinh nữ bị hiếp dâm lần đầu nhưng tôi cũng có một điểm khác các em. Đó là điểm có một số các em dường như cũng mong, cũng thích bị hiếp dâm còn tôi, tôi không thích công an Việt cộng hiếp dâm tôi một ly ông cụ nào.

° ° °

Khi viết về những người bị các anh gọi văn huê là "Những tên biệt kích cầm bút", những người bị các anh bắt giam mút mùa trinh nữ và khép vào tội nặng "Gián Điệp Tử Hình" v.v… hai anh cớm Minh Kiên - Nam Thi đã cố tình không viết một chi tiết quan trọng. Hai anh đánh bài vờ như chuyện đó không có. Họ chỉ nhắc qua đến chuyện đó trong có một dòng.

Đó là sự kiện trong số 8 Biệt Kích Dzăng Bút bị bắt ở Thành Hồ Tháng 5 năm 1984, có đến 6 mạng đã bị bắt đi cải tạo, đi tù từ hai đến năm, sáu mùa lá rụng. Kể tên:

1. Gián điệp đầu sỏ Doãn Quốc Sĩ: Đã tù năm niên, năm 1981 từ trại Gia Trung - Gia Lai trở về đường An Dương Vương, Sàigon.

2. Khuất Duy Trác: Năm niên, năm 1981 từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa trở về đường Lý Thái Tổ, Sàigon.

3. Trần Ngọc Tự: Năm niên, từ Phú Quốc, Hoàng Liên Sơn trở về khu bên trong Cổng Xe lửa số 6, Sàigòn.

4. Dương Hùng Cường: Ba niên, từ đâu đó hổng nhớ trở về căn nhà ở gần cái gọi là "Trung tâm Nữ Quân Nhân" đường Lý Thường Kiệt. Ngày xửa, ngày xưa trên mục "Cà Kê Dê Ngỗng", báo Con Ong, chủ nhiệm Minh Vồ, Dê Húc Càn, bút hiệu của Dương hùng Cuờng, từng viết một bài về cái gọi là "Trung Tâm Nữ Quân Nhân". Anh théc méc không hiểu cái Trung tâm ấy nó mô tả ký gì.

5. Lý Thụy Ý, nữ biệt kích, từng có thời giữ Trang Kaki Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, tù hai mùa mít chín.

6. Hoàng Hải Thủy: tù nhẹ nhất, 23 tháng ngồi rù trong trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, cuối 1979 trở về khu Hồ tắm Cộng Hòa Ngã Ba Ông Tạ nổi tiếng về bộ môn Cầy Tơ dân tộc.

7 và 8: Khứa lão Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và Em Ghế Tơ Nguyễn Thị Nhạn là hai người mới nếm mùi tù cộng sản lần thứ nhất.

Minh Kiên - Nam Thi bị bắt buộc giả vờ không biết bọn văn nghệ sĩ Sàigòn bị bắt lại đã chịu một lần tù tội - ngôn ngữ Việt cộng học mót Trung cộng là "cải tạo" - bởi vì nếu họ viết ra chi tiết này thì kỳ quá. Té ra mấy tên Sè Goòng bại trận này chúng nó gan cóc tía hay sao? Đã một lần tù rồi chúng vẫn không tởn? Chúng vẫn coi như "nơ pa"? Dzậy là sao? Nếu không phải bọn chúng gan lì thì chế độ "giáo dục cải tạo bằng lao động" do đảng ta học mót và áp dụng chẳng có qua một tí ti giá trị thực tiễn gì cả sao?? Mà nào có phải là bọn chúng bị đi tù năm bẩy tháng gì cho cam? Tên nhẹ nhất cũng hai mùa lá rụng, tên nặng là năm, sáu năm.

Khi phịa ra cảnh Hoàng Hải thả lời ong bướm kiểu cải lương miệt vườn với bà chủ Vi-la Kiều Trang, Nam Thi - Minh Kiên gài cho Hoàng Hải nói:

- Tôi gác bút rồi. Viết ký gì bi giờ???

Sai. Dziệc cộng dzô Sè Goòng, Hoàng Hải - cũng như những Anh Con Trai Bà Cả Đọi khác - bị bắt buộc phải gác rất nhiều thứ nhưng bút thì anh không bao giờ "gác" cả. Bằng chứng: Tạp chí Thời Tập, do Viên Linh chủ trương, ấn hành số 1 tháng Tư năm 1979 ở Hoa Kỳ đã đăng bài viết gửi đi từ Thành Hồ của Hoàng hải Thủy, có cả ảnh đương sự ở trần, rầu rĩ triển lãm bộ xương bọc da trước lá cờ đỏ sao vàng ở giữa lòng Thành Hồ.

Tôi đăng lại một số bài tôi viết trước 1977 và trước 1984, được đăng ở hải ngoại trước nhất là để khoe, thứ hai là để làm bằng chứng hai anh Nam Thi - Minh Kiên bảo tôi "gác bút" là viết không đúng.

Ngay từ đầu năm 1976 tôi đã lai rai viết ra ngoại quốc với mục đích diễn tả thực trạng đời sống của nhân dân Sàigòn. Tôi diễn tả những nỗi buồn sầu tuyệt vọng nhiều hơn là chửi bới Việt cộng, những bài tôi viết không hô hào người khác cầm súng bắn Việt cộng. Nhưng dầu sao thì bọn văn nghệ sĩ Sàigòn không nhanh chân bỏ của chạy lấy người kịp chúng tôi cũng đã tìm cách viết ra nước ngoài rất sớm - sớm đến cái độ có thể gọi là "Sớm nhất thế giới". Chỉ xỉu xỉu sáu tháng sau ngày nón cối, dép râu, răng cải mả, tóc bím, đít bự như cái thúng, ngơ ngáo kéo vào Sàigòn chúng tôi đã có thư, tin, bài, thơ linh tinh đủ thứ gửi ra nước ngoài. Chẳng phải là vì chúng tôi can đảm hay giỏi giang gì hơn người, phần lớn tại vì đến năm 1975 tình hình chính trị thế giới đã bắt đầu có những chuyển biến bất lợi cho bọn cộng sản. Sự liên lạc bằng thư giữa những nước tư bản Âu Mỹ với thành phố Sàigòn bị cưỡng hiếp đổi tên được tái lập ngay sau ngày 30 Tháng Tư 75; thư từ Xê Kỳ, Pháp gửi về Sàigòn tới tấp, thư con cá Sàigòn vượt đại dương đi các nước tự do, tư bổn cũng nườm nượp. Nhờ vậy bọn chúng tôi mới lén gửi được những bức thư tả oán ra khỏi nước. Xin so sánh với tình trạng các nước đàn anh Xã hội Chủ nghĩa: Khi bức màn sắt rơi xuống nước Nga, hai mươi mùa trứng caviar đóng hộp sau vẫn chưa có một văn nghệ sĩ Nga nào sống trong nước gửi được những tác phẩm chống chế độ bạo tàn ra nước ngoài. Khi bức màn tre chụp xuống Trung Quốc, sau hai mươi mùa lệ chi được gửi Express đến Đảo Bồng Lai cho nàng Dương Thái Chân thưởng thức, mới có lẻ tẻ vài ông chính khứa Tầu cộng bỏ đảng dzọt được sang các nước Pháp, Anh lai rai viết tố cáo những tội ác ghê rợn của chế độ Trung Cộng.

° ° °

Le Parisien: Hoang Hai Thuy a refusé de se taire

Dưới đây là bản dịch bài báo viết về "Kiệt kích dzăng bút Hoàng Hải Thủy" đăng trên nhật báo Le Parisien, Tháng Tư năm 1988. Người viết là Nữ ký giả Catherine Monfazon:

Đáp ứng lời kêu gọi của Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới - L’Association Reporters sans frontières - 38 cơ sở truyền thông Pháp quốc đã nhận bảo lãnh mỗi cơ sở một ký giả bị tù vì làm tròn công việc của mình. "Le Parisien" tự chọn tranh đấu cho sự tự do của Hoàng Hải Thủy, ký giả Việt Nam, hiện đang bị bỏ quên trong một trại lao động cải tạo.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp quốc không những chỉ vận động để đưa ông Thủy ra khỏi nhà tù mà còn, theo sự đòi hỏi của gia đình ông ta, đưa ông ta ra khỏi quốc gia của ông ta…

Hoàng Hải Thủy không chịu câm miệng

Đừng nói đến cái tên Hoàng Hải Thủy ở Việt Nam, nói đến cái tên đó trong điện thoại, đường dây sẽ bị cắt, trong đường phố những đôi mắt sẽ nhìn xuống đất. Được nhờ đến Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, được coi như là một động lực của công cuộc đổi mới của Việt Nam, sẽ bực bội gạt bạn sang Bộ Tư pháp, một cách từ chối, không tiếp khéo léo.

Hoàng Hải Thủy năm mươi chín tuổi, đêm đêm nằm ngủ trên tấm ván rộng năm mươi phân giữa ba ngươi người bạn tù chung phòng giam trong trại cải tạo Xuân Lộc, một nơi cách thành phố HCM (Sàigòn) một trăm hai mươi cây số. Những lời buộc tội thật mơ hồ "Lên tiếng chống chủ nghĩa cộng sản" Người ta trách ông ta đã gửi ra nước ngoài những bài thơ, bài viết không sao có thể đăng được trong những tờ báo Việt Nam bị rọ mõm.

Hoàng Hải Thủy biết rất rõ những người cộng sản. Bên cạnh họ ông đã tham gia kháng chiến năm 1945. Nhưng kề từ đó ông chỉ đi theo một con đường: nhân bản. Thi sĩ, văn sĩ, ký giả, dịch giả: ông được nhiều người biết vì tính tình hay nói thẳng, vì niềm hăng say tố cáo những sự bất công. Ông tự ý làm những việc ấy. Trước năm 1975 ông công khai chỉ trích chế độ cũ trên những tờ báo châm biếm như tờ Con Ong (nghĩa đen là con ong chuyên châm chích). Ông cũng là viên chức của Trung tâm Thông Tin Hoa Kỳ, USIS.

Năm 1974, ông dịch "Trăm năm cô đơn" của Garcia Marquez. Bản dịch truyện này bị cấm xuất bản. Bản dịch "Quần đảo ngục tù" (Archipel du Goulag) cũng bị cấm. Lần này là đảng cấm. Sau năm 1975 Hoàng Hải Thủy phải sống nhịn nhục. Nhưng ông từ chối không chịu im tiếng. "Ông ấy không thể im lặng trước những đau khổ của đồng bào ông. Ông ấy tức giận khi thấy bọn cán bộ kêu gọi người khác hy sinh nhưng chính chúng lại sống như vương giả". Đấy là lời một người bạn của Hoàng Hải Thủy nói về ông.

Năm 1977 ông ta đã bị bắt lần thứ nhất, bị giam hai mươi ba tháng trong nhà tù Chí Hòa. Vừa ra khỏi tù, ông lại cầm bút. Ông bị bắt lần thứ hai năm 1984. Năm 1988, ông bị xử ở tòa án. Người bạn của ông nói tiếp về ông: "Trong phiên xử, ông ấy có nói ông không viết vì thù hận chính quyền mà viết để chống lại tất cả những kẻ dối trá từ trong trái tim…"

Bị tuyên án sáu năm tù Hoàng Hải Thủy chỉ được trả tự do vào tháng Năm năm 1990. Ông còn phải chịu đựng nhiều tháng sống trong trại cải tạo vì thái độ tự do tư tưởng của ông, một thái độ mà cái chính phủ vẫn tự nhận là đã mở nắp nồi và đổi mới vẫn không thể chấp nhận được.

Nữ ký giả Catherine Monfazon

Nhật báo Parisien

CHƯƠNG 6

Q

uý vị vừa đọc bản dịch bài báo của nữ ký giả Catherine Monfazon, Nhật báo Le Parisien, ấn hành ở Paris. Năm 1988, nữ phóng viên Monfazon đi Bắc Kinh, Trung Quốc, rồi đến Hà Nội và thành phố HCM. Vì nhật báo Le Parisien nhận bảo trợ và đòi trả tự do cho người viết Hoàng Hải Thủy, cô Monfazon tìm đường đến gặp vợ con Hoàng Hải Thủy. Khi cô thất vọng hoàn toàn và sắp lên phi cơ về Paris tình cờ cô gặp một người bạn của Hoàng Hải Thủy. Nhờ vậy cô đến được căn nhà nhỏ của vợ chồng Công Tử Hà Đông trong Cư xá Tự Do giữa Ngã ba Ông Tạ và Ngã tư Bảy Hiền.

Đây là bài báo nữ ký giả Monfazon viết về vợ con Hoàng Hải Thủy đăng cùng trên trang báo Le Parisien với bài báo trên.

Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu ông ấy

Hoàng Hải Thủy và cả gia đình ông phải trả giá đắt vì niềm khao khát tự do của họ. Nhưng họ vẫn sát cánh với nhau và họ hy vọng.

Đêm đen như mực ở thành phố HCM. Cô con gái của Hoàng Hải Thủy, Giang, ba mươi hai tuổi, di chuyển vòng vèo giữa rừng xe đạp và xe xích lô trên chiếc xe gắn máy mua trả góp. Cô dừng xe trong một xóm đông dân cư. Con đường trở nên sình lầy. Im lặng. Giang dựng xe trước cửa vào nhà, cạnh mấy chuồng gà. Anh con và bà vợ Thủy chờ đón chúng tôi. Vài cái ghế, hai cái giường không nệm, một tủ lạnh rỉ sét, sân nhà lát gạch bông đỏ trắng rất sạch: tất cả toát lên một sự nghèo túng được che dấu cẩn thận.

Mái tóc bạc được chải tươm tất, xanh xao, rất gầy, rất đường hoàng, bà vợ của Thủy nói tiếng Pháp lần thứ nhất từ hơn hai mươi năm nay.

Một bức ảnh rất đẹp của ông chồng trang hoàng bức tường lở vôi, bên cạnh hai tờ thông cáo tuyên truyền của cộng sản mà nhà nào cũng phải dán. Đỗ Thị Thủy không được gặp mặt chồng từ hai tháng nay. "Ông bố tôi mạnh khỏe, bà mẹ tôi mới chịu không nổi. Bà mất mười ký lô," anh con trai hai mươi tám tuổi nói nhỏ.

Họ nói đến ông bố và ông chồng của họ với niềm kiêu hãnh, họ nhắc đến những bài ông đã viết, những bài này đều bị công an tịch thu, những gì ghi lại nỗi tuyệt vọng, sự đau khổ và cái đói của nhân dân. "Ông ấy nói ít, viết nhiều". Bà Đỗ nói. Tôi hỏi: "Có bao giờ bà yêu cầu ông ấy đừng viết để cả nhà được an ninh không?" "Không bao giờ…" bà trả lời ngay, gần như bà giận dữ vì câu hỏi ấy. Bỗng bà mỉm cười dịu dàng, xúc động: "Chúng tôi đói, chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi chấp nhận tất cả những cái đó. Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu thương ông ấy, chúng tôi kiêu hãnh vì sự can đảm của ông ấy".

Cái giá của sự tự do tư tưởng của Thủy là một giá đắt. Để có thể sống, họ phải bán hết. Nữ trang, đồ đạc, quần áo. Đến cả ba ngàn quyển sách của Thủy, từ tủ sách lớn ấy, họ còn giữ được khoảng trăm quyển cất kỹ trong một ngăn tủ nhỏ. Camus, Nabokov, Nietzche, Zola, Sacha Guitry… Những sách này đều được những người con của Thủy đọc đi, đọc lại. Từ nhiều năm nay các con của Thủy bán bánh ngoài đường. Tất cả việc học của họ đều bị cấm. Hiện nay họ đang muốn tin vào việc Thủy sắp được thả tự do. Rồi sau sẽ ra sao? Họ lo âu. "Ông ấy lại sẽ bị kiểm soát, bị theo dõi khắp nơi. Lại có sợ hãi. Ông ấy có thể lại bị bắt. Chính phủ phải để cho chúng tôi ra đi. Không có tờ báo nào ở đây nhận cho ông ấy làm việc. Với cái tên ấy, ông ấy sẽ bị từ chối ở khắp nơi. Chúng tôi chỉ có thể có tự do ở một miền đất khác. Cô có thể làm gì được không? Ở đây người ta chỉ cho phép chúng tôi im lặng…"

Xin viết cho rõ: Người dịch The Gulag Archipelago của Alexandre Sozhenytsin ra bản Việt ngữ "Quần đảo Ngục tù" là Ngọc Thứ Lang Nguyễn Ngọc Tú. Anh đã từ trần trong trại cải tạo Phú Khánh khoảng năm 1980. Tôi dịch The First Circle của A. Sozhenytsin, "Tầng đầu Địa ngục" ấn hành ở Sàigòn năm 1973.

Năm 1977 đến năm 1979, thời gian là hai mươi ba tháng tôi bị bắt lần thứ nhất ở trại giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Bị bắt lần thứ hai năm 1984 tôi sống bốn mùa lá rụng ngoài song sắt trong Thánh thất Chí Hòa. Nữ ký giả Monfazon viết nguyên văn trong bài "…la presse muselée vietnamienne…" tạm dịch: "… nền báo chí Việt Nam bị rọ mõm…

Năm 1994 nữ phóng viên Catherine Monfazon lại đến thành phố HCM, lần này tôi được gặp cô, được ăn với cô một bữa tối trong nhà hàng Mini của bà Nguyễn Phước Đại đường Nguyễn Du. Từ năm 1990 tình hình kinh tế tài chánh của những Anh Con Trai Bà Cả Đọi kẹt giỏ ở thành Hồ có vẻ khá hơn, tôi vẫn dùng xế đạp đi lại loanh quanh khu Ông Tạ, nhưng tôi đã có cái Honda 91. Tôi dùng Honda đến khách sạn đón cô Monfazon, chở cô trở lại căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, nơi cô đã đến năm năm trước. Cô kém Kiều Giang con gái tôi hai tuổi, nói thông thạo tiếng Anh. Catherine Monfazon là một trong những người đã đối xử ân cần và giúp đỡ vợ chồng tôi trong cơn hoạn nạn. Vợ chồng tôi vẫn nhớ ơn cô.

Chúng tôi như những người sắp chết đuối vớ được cái phao - được ấm lòng và có thêm hy vọng để không chết nhờ rất nhiều người, những người bạn ở nước ngoài. Trong khi bọn Việt cộng thù hận chúng tôi, chỉ muốn chúng tôi khóc mếu, khổ sở, cố tình đầy ải cho chúng tôi phải chết hoặc dở sống, dở chết, phải quỳ gối lậy van chúng, những người bạn không quen biết từ xa ngoài vạn dặm đã gửi tình thương cho chúng tôi. Xin cảm ơn tất cả.

° ° °

Ngày xửa, ngày xưa…

Những năm 1940… trong thị xã Hà Đông nhỏ bé, hiền hòa chú thiếu niên hai mươi mùa mít chín sau đó tự nhận là Công Tử Hà Đông được đọc lại hai câu thơ:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

Hai câu không nhớ của thi sĩ nào làm. Sau tìm và biết là của Xuân Diệu. Chú thấy ý thơ hay hay. Hai câu ấy ở mãi trong trí nhớ của chú.

Bốn mươi mùa sầu riêng trổ bông sau đó một người tù cải tạo ở trại Lao động Xã hội chủ nghĩa Z30A Xuân Lộc Đồng Nai được con trai lên thăm, đem cho quyển Anthology of English Poems do Đại học Oxford ấn hành. Tuyển tập thơ Anh dầy hai ngàn trang giấy, hơn một ngàn bài thơ của Shakespeare, Shelly, John Donne, Robert Browing, Mary Elizabeth Coleridge. Trong tập thơ, người tù yêu thơ tìm thấy bài thơ

The Call

Sound, sound the clarion, fill the file!

Throughout the sensual world proclaim:

One crowded hour of glorious life

Is worth an age without a name.

Thomas Osbert Mordaunt

Đêm buồn nằm thao thức trong tù nghe tiếng gió vi vu thổi đến từ núi Chứa Chan, người tù cảm khái bèn mần thơ dịch:

Tiếng gọi

Kèn vang lên, trống nổi lên

Lặng yên nghe - Tiếng loa truyền

Sống một giờ quang vinh rực rỡ

Hơn tầm thường trọn kiếp không tên!

Như vậy là phải chăng năm sáu mươi mùa ổi chín trước đây, Xuân Diệu đã đọc bài tứ tuyệt The Call của T.O Mordaunt và lấy ý ra làm hai câu

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm!

Hai câu thơ làm người tù đi một đường cảm khái, nhớ lại cả một thời thơ ấu "ngày xưa còn bé".

Vèo trông lá rụng đầy sân.

Ái ân phù thế có ngần ấy thôi

Thấp thoáng đấy mà đã năm mươi mùa tu hú kêu trong những vườn vải đỏ. Còn nhớ như in những ngày Tháng Tám năm 1945 chú thiếu niên Hà Đông náo nức đi biểu tình giành độc lập, những ngày đi kháng chiến thật đẹp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, gót chân liên lạc viên đi dưới núi Thiên Thai, cửa Chùa Tiêu Sơn, Rừng Khế, nơi có lăng tẩm của các vị vua triều Lý ở trước làng Đình Bảng, từng sống trong thành Cổ Loa có giếng nước tục truyền được dùng để rửa ngọc trai thật tốt, trừng sống trong làng Phù Đổng ven đê sông Đuống, quê hương của Thánh Gióng, những đêm mùa đông nước cạn, buộc quần áo lên đầu, ôm cây chuối bơi qua sông Đuống… Những năm xưa ấy, người tù Z30A "yêu mê" Việt Minh đến là chừng nào.

Vật đổi sao dời, khi nón cối, dép râu, súng AK, cờ đỏ ngơ ngáo vào Sàigòn, chú thiếu niên năm xưa nay đã ở vào số tuổi của Mã Giám Sinh cùng không biết bao nhiêu người khác bị Bác và Đảng cho đi tù mút mùa Lệ Thủy. Chú không bị Bác giết là may, chú không chết vì bị Bác xách cổ đem đi trồng cũng là may.

Đã cảm khái người tù Z30A còn xúc động hơn khi anh đọc bài thơ Respice Finem của Francis Quarles. Đêm cuối năm lạnh lẽo trong tù anh nằm dịch bài thơ ra tiếng nước anh. Đây là nguyên bản:

Respice Finem

My soul, sit thou a patient looker-on

Judge not the play before the play is done

Her plot hath many changes, every day

Speaks a new scence, the last act crowns the play!

Francis Quarles

Vở tuồng đời

Ôi hồn ta ngồi yên mà coi

Vở tuồng đời

Đừng phê phán trước khi tuồng hết

Còn bao nhiêu màn khóc, màn cười

Tuồng đang diễn, làm sao ta biết

Mỗi ngày qua là một đổi đời

Chờ đến lúc coi xong màn kết

Mới biết tuồng hay dở mà thôi.

Trại cải tạo Z30A. Tháng 10-1989

CHƯƠNG 7

ài anh tù lỡ lời gọi cai tù là "đồng chí" liền bị các "đồng chí" cự:

- Anh nói ký gì? Ai "đồng chí" mí anh? Bậy bạ…

Nội quy nhà tù Xã hội chủ nghĩa có điều bắt buộc người tù phải gọi cai tù bằng cái tên chung là "Cán Bộ", không có ông, anh, nhất là không có "đồng chí", "đồng rận" gì ráo trọi. Ngược lại cai tù cộng sản gọi tất cả những người dân bị chúng bỏ tù là anh, chị, dù cho anh, chị có bẩy bó, tám bó bằng tuổi ông bà nội ngoại chúng.

Nhưng Hà Huy Giáp, một trong số những cán bộ lãnh đạo văn nghệ Đảng những năm 1975-1985 lại ưu ái gọi một số văn nghệ sĩ Sàigòn lơ láo đi dự cái gọi là "Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị" năm 1976 ở Nhà Hát thành phố HCM là "đồng chí". Số là Việt cộng vào được Sàigòn từ Ba Mươi tháng Tư năm 1975, nhưng mãi một niên sau - Tháng 5 năm 1976 - họ mới nhân dịp cho cái gọi là Chánh phủ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đi chỗ khác chơi không xơi nước, phát động chiến dịch hỏi thăm sức khỏe văn nghệ sĩ Sàigòn VNCH. Nhiều văn nghệ sĩ, ký giả VNCH lớn nhỏ được xe bông công an thành phố HCM đến tận nhà rước đi liền tù tì trong mấy ngày đêm đầu tháng Ba năm 1976.

Xin kể tên những người bị bắt theo trí nhớ của tôi: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Lý Đại Nguyên, Trần Việt Sơn, Nguyễn Hải Chí tức họa sĩ Chóe, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Duyên Anh, Đằng Giao, Trịnh Viết Thành, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Thu, Thái Thủy, Hồ Nam, Cao Sơn, Minh Vồ chủ nhiệm Con Ong, Hoàng Vĩnh Lộc, Hồng Dương, Minh Đăng Khánh, Thân Trọng Kỳ, Lê Xuyên Chú Tư Cầu, Anh Quân, Tú Kếu Trần Đức Uyển, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Hồ Văn Đồng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Hữu Hiệu, Sao Biển, Hoàng Anh Tuấn đạo diễn "Hai chuyến xe bông" v.v… Nhiều không nhớ xiết.

Chiến dịch bắt bớ rầm rộ mấy ngày đêm đầu tháng, lai rai kéo dài mãi đến cuối tháng Ba năm 1976 mới chấm dứt. Không phải tất cả văn nghệ sĩ Sàigòn đều bị bắt hết. Những người chưa bị mặt mũi xanh xám không biết xe bông công an đến rước mình lúc nào. Tháng Năm năm 1976, cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố HCM tổ chức cái gọi là "Khóa Bồi dưỡng Chính trị" cho văn nghệ sĩ Sàigòn "kẹt giỏ" hàng dân lơ láo ở Thành Hồ. Khóa Bồi Dưỡng Một có những văn nghệ sĩ thượng thặng của giới văn nghệ Sàigòn đi dự: Thái Thanh, Hoài Bắc, Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều, Thẩm Thúy Hằng, Lệ Hằng Bản Tango Cuối Cùng, Nguyễn Thụy Long Loan Mắt Nhung, Phạm Thiên Thư Động Hoa Vàng v.v… Ông Mai Thảo may mắn trốn thoát cuộc bắt bớ, ở ẩn đến hơn hai năm cho đến đêm ông xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Tử vi ông này không có Sao Quả Tạ nên ổng không bị ở tù.

Khóa Bồi Dưỡng Một không được tổ chức linh đình, không nhiều người tham dự bằng Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai Tháng Bẩy năm 1976. Khóa Hai có trên năm trăm khóa viên hăng hái và rầu rĩ đăng ký tham gia. Giới nghệ sĩ cải lương đông người nhất. Tất cả những anh em kéo màn, chạy đề co - tức bầy dọn ngai vàng, bàn thờ Phật, bàn ghế, giường tủ trên sân khấu - những người bà con xa gần với bà Bầu, cô Đào v.v… đều là nghệ sĩ và đều tự thấy có quyền được dự khóa bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sĩ. Trong số 500 khóa viên có trên 300 mạng là nghệ sĩ cải lương, số 200 ngoe còn lại chia đều cho các tổ Thơ Văn, Điện ảnh, Tân nhạc, Cổ nhạc….

Cái gọi là tổ Thơ Văn - tức tổ chấy của các anh ký giả, văn nghệ sĩ viết tiểu thuyết kiểu "phơi-ơ-tông" - là tổ "được" Cán Cộng chú ý nhất. Cán Cộng coi bộ môn sáng tác gồm những người tự mình chống cộng bằng tư tưởng, bằng tác phẩm của mình, không mượn tác phẩm hay ý tưởng của người khác. Cán Cộng không coi quan trọng lắm những người thuộc bộ môn trình diễn, tức là những người khi được giao vai trò chống Cộng thì chửi Cộng ra rít theo lời người khác, khi được giao đóng vai chửi Quốc gia thì lại mặt trơ, trán bóng chửi bới Việt Nam Cộng Hòa ra trò.

Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai được khai mạc ở Nhà Hát Thành Phố. Người khai mạc là Hà Huy Giáp. Người lãnh đạo văn nghệ của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa có nhiều người dân không đến chết đói mà chỉ đói đến chết, lại có thể hình béo tốt, hồng hào, mặt mũi, da dẻ láng bóng quá cỡ thợ mộc. Khi ban huấn từ "Lãnh đạo" nói một câu xanh rờn:

- Tôi gọi các bạn là "đồng chí" vì tất cả chúng ta đều chung một chí nguyện: làm cho nước Việt Nam được giầu đẹp, làm cho nhân dân Việt Nam được ấm no…

"Lãnh đạo" nói tiếp:

- Khóa này được gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị vì những người tổ chức thấy các văn nghệ sĩ Sàigòn có thành kiến, có ác cảm với hai tiếng "cải tạo". Thực ra cải tạo chẳng có gì đáng sợ. Chúng ta phải tự cải tạo mỗi ngày để trở thành người tốt…

Khóa học trong 21 ngày, khóa viên được bồi dưỡng sinh hoạt phí 1 đồng tiền Hồ mỗi ngày, được một lần cấp "nhu yếu phẩm": nửa ký đường, hai hộp sữa, hai gói thuốc lá, một lạng bột ngọt. Được đớp hai bữa trưa ở Nhà Hát: bánh mì mỗi mạng một ổ, nước ngọt, bia gọi là bia hơi được đựng trong thùng phuy. Khóa nào muốn uống phải mang theo ca hoặc mượn ca của khóa khác.

Những anh ký giả Sè Goòng trước đó một niên đã làm Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày để bỉ mặt Tổng Thiệu, nay được dịp "ăn mày" thật sự. Ký giả là những người đói nhất trong giới văn nghệ sĩ bỏ nước chạy lấy người không kịp. Không phải anh em ký giả, văn nghệ sĩ Sàigòn ta ngày xưa không kiếm được tiền, anh em kiếm được nhưng tuyệt đại đa số anh em ăn chơi, tiêu hoang, kiếm được năm thì tiêu mười. Việt Cộng vào Sàigòn, anh em đói đến không có cơm mà ăn, không phải chỉ đói phở, đói cơm sườn, đói giả cầy quán Bà Cả Đọi. Cùng dự khóa bồi dưỡng với kẻ viết bài này có Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang dịch giả Bố Già The Godfather của Mario Puzzo. Hôm được phát "nhu yếu phẩm" như vừa kể người ta thấy vắng bóng Ngọc Thứ Lang ngay lập tức, rồi vắng bóng chàng suốt ngày hôm sau. Khóa viên không đến lớp vì còn bận tự "bồi dưỡng" bằng hai hộp sữa, nửa ký đường, hai gói thuốc, lạng bột ngọt. Chàng phát mại ngay những thứ không nhu yếu gì với đời sống của chàng để lấy tiền "choác."

Và Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai có Cô Khóa Mộng Tuyền. Tháng Bẩy năm 1976 ở Thành Hồ, Mộng Tuyền còn trẻ, đẹp. Ký giả đói, nhưng các em đào cải lương vẫn đông vàng, đông kim cang. Các em như Mộng Tuyền - bận bà ba phin nõn, quần đen, đi guốc - phây phây đến lớp. Các em không đi xế hộp, nhưng các em cũng không đi xế đạp, các em đi học bằng xe xích lô.

Sau Hà Huy Giáp ban huấn từ khai mạc, khóa bồi dưỡng có từng này vị lên lớp, mỗi vị một ngày:

- Huy Cận nói về Thơ.

- Chế Lan Viên nói về Người Nghệ Sĩ đi theo Đảng

- Hoàng Trinh, lý thuyết gia văn nghệ nói về "Sự bế tắc văn học - nghệ thuật của xã hội tư bản"

- Vũ Khiêu nói về văn nghệ chung chung…

- Bẩy Lý, Tổng biên tập báo Sàigòn Giải Phóng lên lớp về "Chủ nghĩa Mác-Lê-nin"

Huy Cận mập khỏe, nước da bánh mật, trông không có qua một vẻ gì là người làm được những câu "Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu…" Huy Cận nói đúng là nói vung xích chó, nói văng bọt mép. Ngoài việc khoe anh sung sướng, thoải mái mần thơ trong chế độ xã hội chủ nghĩa, anh còn khoe anh vẫn mần thơ tình, anh quả quyết chế độ xã hội chủ nghĩa không tiêu diệt thơ tình v.v… Chế Lan Viên yếu hơn Huy Cận về mọi mặt. Buổi nói chuyện của Chế Lan Viên được tổ chức ở rạp Olympic đường Hồng Thập Tự. Rạp không đủ đèn sáng. Chế Lan Viên ngồi bàn nói chuyện, đặt ly bia trên bàn. Mỗi lần diễn giả ghé mồm uống bia, micro bắt tiếng động làm người ta nghe thấy những tiếng "chụp choạp" rất xã hội chủ nghĩa.

Vũ Khiêu - nghe nói tên thật là Đặng Vũ Khiêu - là anh nói dở nhất trong cả bọn. Vốn liếng học thức của anh chỉ đủ cho anh nói láp nháp được trong một giờ. Buổi lên lớp của anh kéo dài cả ngày. Buổi sáng anh nói được hai tiếng thì tạm nghỉ để đi giải lao và đi đé, Ngọc Thứ Lang nói ngay:

- Thằng cha Vũ Khiêu này… hay chữ lỏng…

Thành ngữ Bắc kỳ gọi những anh chữ nghĩa đựng không đầy cái lá mít nhưng thích ba hoa nói những chuyện văn học, nghệ thuật là những anh hay chữ lỏng. Vũ Khiêu thuộc loại "Bắc Kít Hay Chữ Lỏng" điển hình. Anh nói ba lăng nhăng về Kiều, ca tụng Từ Hải như đại anh hùng dân tộc. Người nghe dốt nát nhất cõi đời này cũng biết anh quên, hay anh cố tình quên, ông cố, bà sơ anh có câu dặn con cháu:

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Văn học lý luận gia Mác-xít Vũ Khiêu tỏ ra "hay chữ lỏng" rõ ràng nhất ở câu chuyện anh kể về cái gọi là "tình đoàn kết thân thương cố hữu" của dân tộc Việt. Anh đưa chuyện ngày xưa có nhà kia năm đời sống chung một nhà đoàn tụ gia đình hòa hợp với nhau. Vua nghe tiếng tốt bèn đến thăm và ban cho gia đình một trái lê với ẩn ý thử xem gia đình này chia nhau ơn Vua ra sao. Nhà đông tới hai, ba trăm miệng ăn. Làm sao chia cho mỗi người một miếng lê nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng? Trưởng gia bèn nẩy ra sáng kiến bỏ trái lê vua ban vào nồi ba mươi nước sôi, pha như pha trà, mỗi mạng uống một ly nước. Thế là cả nhà ai cũng được hưởng lộc vua.

Câu chuyện thuộc loại quân tử Tây gọi là "a-nết-đốt" - chuyện truyền khẩu, chuyện ngoài lề nghe chơi rồi bỏ - trái lê nấu nước chia nhau uống xưa như trái đất. Đó là chuyện xẩy ra dưới một đời vua nào đó bên Tầu - nếu người viết không lầm thì là đời vua Đường, vua Mật chi đó - nhưng người văn nghệ Mác-xít lại nói là chuyện xẩy ra đời vua Trần nước Việt.

Các đàn anh dzăng nghệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa lên lớp chung cho 500 đàn em dzăng nghệ, dzăng gừng, dzăng bút, dzăng báo, dzăng cơm, dzăng đủ thứ ở Thành Hồ tại Nhà Hát. Hôm sau, các khóa sinh trở về tổ mình thảo luận về đề tài đàn anh lên lớp hôm qua. Hướng dẫn viên Tổ Một Thi Văn Vũ Hạnh gọi việc này là "đèo seo…", tức "đào sâu" vào đề tài. Thảo luận thêm, tham gia ý kiến của mình, thường là ca tụng: "… Hay quá, giúp cho người nghe có tư liệu chất lượng tốt để hiểu thêm về dân tộc, về dzăng nghệ v.v…". Những cuộc thảo luận "đèo seo" học hỏi này có biên bản để nộp các lãnh đạo dzăng nghệ.

Khi ấy, người viết bài này đã có ý định phát biểu mấy nhận xét để ghi vào biên bản gửi đến ông Vũ Khiêu Hay Chữ Lỏng. Đại khái:

- Chuyện trái lê nấu nước chia nhau uống là chuyện người Tầu đời Đường, không phải chuyện xẩy ra đời nhà Trần nước ta. Nhận vơ không hay hướm gì và tôi nghĩ ta không cần nhận vơ. Khi ông nói trước cả trăm người Sàigòn chúng tôi về chuyện đó, tôi thấy:

- Nếu ông không biết chuyện trái lê nấu nước là chuyện Tàu thì ông ngu quá.

- Nếu ông biết chuyện trái lê nấu nước là chuyện Tàu mà ông cho chúng tôi hổng biết, ông có nói đó là chuyện đời nhà Trần chúng tôi cũng mù tịt thì ông cũng… quá ngu.

- Nếu ông biết chúng tôi cho việc ông nói chuyện trái lê nấu nước là chuyện người Việt là nói bậy mà ông vẫn cứ nói thì ông mặt trơ, trán bóng quá đỗi. Chúng tôi không có lời gì để đánh giá con người dzăng nghệ Mác-xít như ông.

Nhưng… nghĩ vậy người viết bài này đã không nói ra. Tâm trạng anh Khóa bất đắc dĩ Tháng Bẩy năm 1976 đang đen hơn mõm chó mực. Các bạn anh đang ngồi rù trong tù, anh không bị bắt như anh em, vợ con anh không khổ nhục như vợ con anh em, anh vác bản mặt nhẵn hơn cái đũng quần lĩnh cô đầu đi dự "Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị", anh ngồi tễu mặt nghe Việt cộng nó dậy dỗ nó chỉ bảo, anh không câm miệng, cúi mặt xuống, anh còn ọ ẹ bắt bẻ Việt cộng nỗi gì.

Nghe nói có lần nói chuyện xong Vũ Khiêu hỏi Đoàn Phú Tứ:

- Anh thấy tôi nói ra sao?

Đoàn Phú Tứ trả lời:

- Anh nói thì con rắn ở trong lỗ nó cũng phải bò ra nó nghe, nó bò ra nó nghe nhưng không thấy gì cả nó lại bò vào lỗ.

CHƯƠNG 8

H

oàng Trinh - nghe nói là sui gia với Trường Chinh - lên bục nói về "Sự bế tắc văn học nghệ thuật tư bản" nói chung và nói riêng về tình trạng tắc tị trong lãnh vực tiểu thuyết ở các nước Âu Mỹ.

Hoàng Trinh nói dễ thôi. Các đàn anh lý thuyết văn nghệ Liên Xô ăn lương tháng viết vung xích chó cả ngàn bài nghiên cứu về văn học nghệ thuật tư sản - tư bản, các đàn em chỉ việc dịch và đọc. Tất nhiên là văn học nghệ thuật tư bản đồi trụy, thối nát, tắc nghẽn, cuồng dâm, ca tụng bạo lực, ăn bám, thối nát, đang rẫy chết và chết đến đít rồi. Chuyện tất nhiên khỏi cần nói thêm. Hoàng Trinh kể một tác phẩm kịch điển hình làm bằng chứng là "văn học nghệ thuật tư sản thối nát quá cỡ…"

Vở kịch Hoàng Trinh đưa ra là vở Le Balcon của Jean Genet. Việc dùng kịch Le Balcon để đả kích văn nghệ tư sản cũng chẳng phải là sáng kiến của Hoàng Trinh, đàn anh Nga Cộng viết, Hoàng Trinh chỉ việc nhai lại.

Jean Genet là văn sĩ thuộc loại "thiên tài hắc ám, quỷ ám" của Pháp. Người Pháp có tiếng "maudit" chỉ loại người này. Ra đời năm 1911 ở Paris, bị mẹ bỏ rơi, được nuôi trong Viện Cô Nhi, năm 13 tuổi Jean Genet bị đưa đến Trại Trừng Giới, bỏ trốn, đi bụi đời, bị bắt nhiều lần vì những tội trộm cướp; năm 1948 phạm trọng tội bị án tù chung thân. Nhiều văn sĩ Pháp, trong đó có Jean-Paul Sartre, người vận động tích cực nhất, gửi kiến nghị thư lên Tổng thống Pháp xin ân xá cho Jean Genet, tác giả những tác phẩm Notre Dames Les Fleurs, Journal d’un voleur, Querelle, Miracle de la rose v.v… Jean Genet được ân xá, Jean Paul Sartre phong thánh cho Jean Genet, gọi Jean Genet là một thiên tài văn nghệ. Jean Genet qua đời năm 1986.

Đây là lời Hoàng Trinh kể kịch Le Balcon:

- Kịch xẩy ra trong một nhà ăn chơi ở thủ đô một quốc gia Âu châu. Nhà ăn chơi này do một phụ nữ làm chủ. Khách chơi là bọn đàn ông giàu tiền có ẩn ức sinh lý, những anh muốn được làm đại tướng, chánh án, giáo chủ. Chị chủ nhà tổ chức những phiên tòa cho chánh án rởm xử, những trận đánh cho đại tướng rởm chỉ huy, những thánh lễ cho giáo chủ rởm hành lễ. Đêm ấy có cuộc nổi loạn nổ ra trong thủ đô.

Anh Tổng Giám đốc Cảnh sát là tình nhân của chị Chủ Chứa. Anh đến cho mọi người trong nhà biết với lực lượng cảnh sát anh có thể dẹp được đám nổi loạn nhưng phiền một nỗi là Nữ hoàng, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Chưởng lý, Đại tướng, Giáo chủ v.v… nghe tiếng súng nổ và biết có loạn đã bỏ thủ đô phú lỉnh ra nước ngoài hết. Anh Xếp Phú lít than thở: "Phải chi bây giờ có Nữ hoàng, Chủ tịch Quốc hội, Giáo chủ, Đại tướng v.v… xuất hiện trên ban-công Hoàng cung cho nhân dân thấy thì nhân dân bỏ bọn nổi loạn ngay.

Chị Chủ nẩy ra sáng kiến:

- Khó gì? Ở đây mình có đủ triều đình. Mình có ông Đuy Quốc Tô đây là Đại tướng, ông mần vai đại tướng quen rồi, ông còn oai phong hơn cả đại tướng thứ thiệt. Mình có ông Đờ Cốc Si Cốc đây là Chủ tịt Quốc hội, có ông Lơ Poan vẫn mần Giáo chủ hành lễ trang trọng. Ông Pip Pơ Lô đây đóng vai Chánh án đẹp lão nhất thế giới. Còn em. Em đóng vai Nữ hoàng? Được hông? Ai cũng nói trông em giống Nữ hoàng lắm. Người ta còn khen em đẹp hơn Nữ hoàng năm bẩy thành…

Và thế là - xin bạn đọc nhớ đây là lời kể của kép Hoàng Trinh ở Nhà Hát Thành Hồ tháng Bẩy năm 1976 - kế hoạch được chấp thuận. Triều đình Nhà Thổ đủ mặt Nữ hoàng, văn võ bá quan, lãnh đạo tôn giáo, tư pháp, lập pháp, quân đội, cảnh sát đàng hoàng xuất hiện. Nhân dân thấy triều đình vẫn vững như chum vại bèn bỏ rơi đám nổi loạn, tan hàng trở về nhà. Cuộc nổi loạn bị diệt thê thảm.

- Đây chỉ là chuyện kịch thôi - lời Hoàng Trinh - nhưng xin quý bạn nhớ rằng bọn văn sĩ tư sản đồi trụy đã khinh khi tất cả những giá trị của xã hội. Nữ hoàng của họ là chị chủ chứa, những nhà cầm quyền của họ là những tên đàn ông bệnh hoạn tâm-sinh lý. Không những bọn văn sĩ tư sản chỉ miệt thị những giá trị tư sản mà thôi, họ còn miệt thị cả nhân dân nữa. Nhân dân trong kịch Le Balcon được trình bày như một lớp người ngu đần chuyên bị đánh lừa và chỉ bị lợi dụng.

Lý luận gia Mác-xít ăn theo Hoàng Trinh nhận "nhân dân" thuộc phe anh, bọn văn sĩ tư sản đồi trụy phỉ báng những nhân vật lãnh đạo tư sản thì anh cho là đúng, là được, nhưng khi văn sĩ tư sản miệt thị "nhân dân" thì anh phẫn nộ. Anh hằn học:

- Jean Genet chửi cả "nhân dân"…

Tất cả những gì xấu xa trên cõi đời này đều của phe tư sản, tất cả những gì tốt đẹp trên cõi đời này đều của phe cộng sản. Thái độ nhận vơ lố bịch ấy của những người cộng sản - thường được gọi là "vơ vào" - đã làm họ bị kê tủ đứng vào miệng khi Liên Xô, thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, phơi bầy những tội ác ghê rợn của cộng sản đối với loài người. Chuyện ấy ta chẳng cần phải nói nhiều hơn.

Chi tiết cần ghi lại về buổi nói chuyện của Hoàng Trinh là khi anh ta nói:

- Thưa quý bạn, Le Balcon kết thúc bằng câu nói của chị chủ nhà thổ. Khi cuộc nổi loạn đã bị dẹp, chị nói với cử tọa: "Kịch đến đây là hết. Trời sắp sáng. Mời quý vị trở về nhà. Xin quý vị nhớ cho rằng chẳng phải chỉ ở đây quý vị mới thấy kịch, mói đóng kịch. Ở bất cứ đâu cũng kịch mà thôi. Ở những nơi khác còn kịch cợm, còn giả dối hơn ở đây nữa".

Hoàng Trinh vừa nói đến câu trên - "Ở đây kịch, ở đâu cũng kịch, kịch cả mà thôi" - thì khựng lại vì tiếng vỗ tay ồ ạt nổi lên.

Quý anh văn nghệ sĩ bộ môn Cải lương ngồi trên lầu Nhà hát vỗ tay trước. Bọn chúng tôi vỗ theo. Tôi - thú thực vẫn không coi trọng lắm quý anh cải lương - nhưng tôi thán phục quý anh quá cỡ thợ mộc khi tôi dự Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai cùng với quý anh và được thấy quý anh biểu diễn phản ứng tuyệt vời hai lần bằng những cái vỗ tay điệu nghệ thần sầu, quỷ khốc, nhân kinh, cán cộng ngẩn ngơ của quý anh.

Quý anh vỗ tay đây là vỗ tay hoan hô Jean Genet. Hổng phải quý anh vỗ tay hoan hô Kép Cộng Hoàng Trinh. Tất nhiên Jean Genet viết đã hay, quý anh sử dụng Jean Genet cũng tuyệt chiêu, bằng những tràng pháo tay ấy quý anh nói với bọn cán cộng:

- Đúng. Kịch cả mà thôi. Chúng tôi đến đây xem các anh đóng kịch. Chúng tôi cũng đóng kịch với các anh.

Nhưng quý anh nào là người đã nghĩ ra cách nói ấy đầu tiên? Quý anh bộ môn cải lương nào là người thứ nhất đã vỗ tay để cả nhà kịch chúng tôi bắt chước hôm ấy?

Trong Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị tháng Bẩy năm 1976, quý anh cải lương không chỉ phát biểu bằng cách vỗ tay một lần, các anh vỗ tay hai lần. Lần nào tôi cũng thấy thán phục sự linh động, óc thông minh của quý anh.

Hai mươi mốt ngày học xong, ngày bế mạc cũng được tổ chức linh đình ở Nhà Hát Lớn. Mỗi tổ cử một đại diện lên phát biểu cảm tưởng sau khóa học. Ông Nguyễn Hữu Ba đại diện tổ Cổ Nhạc lên máy.

Tội nghiệp ông già Nguyễn Hữu Ba. Ông lên nói láp nháp vài câu là được rồi. Không ai, kể cả cán cộng, muốn ông nhiều lời. Ông nói dai quá. Đã nói dai, ông còn ngắc ngứ, vô duyên.

Khi ông nói:

- Đã bao nhiêu năm chúng ta ôm người đàn bà Phi Luật Tân và gọi bà ta bằng mẹ… Bi giờ đã đến lúc chúng ta trở về với bà mẹ Việt Nam đích thật của chúng ta…

Ý ông Nguyễn Hữu Ba muốn nói bao nhiêu năm nay bọn đàn địch Sègoòng vẫn ôm cây đàn ghi-ta ét-ba-nhon mà coi đó là đàn của mình, nay nhờ Bác và Đảng cho sáng mắt, sáng lòng, hãy trở về với cây đàn cò…

Một lần nữa phải nói "Tội nghiệp…" bọn đàn địch Sègoòng có bao giờ nhận những cây đàn ghi-ta ét-ba-nhon, ha-uây-iên, vi-ô-lông là đàn Việt Nam đâu. Bọn đàn đúm cũng chẳng bao giờ ôm một người đàn bà Phi Luật Tân mà gọi là mẹ. Khi ông Nguyễn Hữu Ba nói đến bà mẹ Việt Nam bị các con yêu bỏ rơi, bỏ quên, bỏ xó, có vẻ xúc động ông ngừng lại.

Ông Ba vừa ngừng lại thì tiếng vỗ tay nổi lên từ trên lầu Nhà Hát. Một lần nữa, lại quý anh cải lương Sègoòng vỗ tay… đuổi. Ông Ba ngẩn người, ông chờ tiếng vỗ tay ngừng để tiếp tục nói. Nhưng những người vỗ tay không chịu ngừng. Ông Nguyễn Hữu Ba còn đứng đó, họ còn vỗ tay. Cuối cùng đương sự phải chịu nhận mình bị đuổi và cúi đầu đi xuống.

Quân tử Tầu có câu: "Quân tử trả thù mười năm chưa muộn"

Người viết bài này cảm khái thêm câu: "Tiểu nhân ca tụng hai mươi năm chưa muộn"

Tháng Bẩy năm 1976, tháng Mười năm 1995… Hai mươi mùa lá rụng đã rơi trên đường đời của chúng ta. Sáng nay bình yên ngồi viết ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, Virginia Đất Tình Nhân, tôi ca tụng quý anh nghệ sĩ cải lương Sàigòn ta. Tôi thán phục hai lần vỗ tay tuyệt vời của quý anh tháng ấy, năm ấy.

Chúng ta đã thấy những trò, những cảnh ruồi bâu kiến đậu trong cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị chúng ta tham dự ở Thành Hồ. Nhiều anh em ta bắt buộc phải lên micro phát biểu đã tránh né, đàng hoàng, rất khéo như Ngọc Chánh, Bạch Tuyết. Nhiều anh chị em ta lên nhận mình "mắt mù, tai điếc, nay may mắn được Đảng cho sáng mắt sáng lòng" làm chúng ta tủi hổ. Nhưng thôi, chúng ta nên quên. Tết đến, ngày xuân, năm mới. Ở xứ người chúng ta nên vui vẻ, thương yêu nhau. Tôi không bới móc tội lỗi của người khác để tội lỗi của tôi không bị người khác bới móc.

Vở tuồng nhạt nhẽo màn chưa hạ

Vai kép tuồng kia vẫn diễu hoài

Thơ Thanh Nam, Bài Hành Đón Tuổi Bốn Mươi, làm ở Saigon năm1970. Và đây là thơ Francis Quarles:

Ôi hồn ta… ngồi yên mà coi

Vở tuồng đời

Đừng phê phán trước khi tuồng hết

Còn bao nhiêu màn khóc, màn cười

Thi sĩ khuyên ta ngồi yên mà coi. Nhưng làm sao ta ngồi yên mà coi được? Ta không phải là khán giả ngồi xem cái vở tuồng đời. Ta là một nhân vật trong vở tuồng ấy, ta bị quay cuồng, ta khóc, ta cười trên sân khấu Đời ấy.

Nếu nói được như chị chủ Le Balcon: "Kịch cả mà thôi. Giả hết", chắc ta có thể thản nhiên sống trong vở tuồng đời. Khổ nỗi, đôi khi ta không thể đóng kịch, ta không giả dối được. Vì không đóng kịch được nên đôi khi ta bị roi đời quất hằn trên mặt. Song cuối cùng tôi thấy khi ta bị hổ nhục ta thấy hổ nhục, còn khá hơn là khi ta bị hổ nhục mà ta vẫn nhơn nhơn mặt trơ, trán bóng cho là ta không có gì để phải nhục nhã.

CHƯƠNG 9

T

ôi hổ thẹn khi phải vác mặt mo đến dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn. Có hôm xớ rớ trong hành lang Nhà Hát Lớn, thấy Lệ Thu đi đến, tôi không dám để nàng nhìn thấy mặt. Lẽ ra tôi phải hỏi thăm Lệ Thu về Hồng Dương, bạn tôi đang ở trong tù: "Ở đâu có biết không? Sức khỏe ra sao? Gửi đồ tiếp tế thế nào? Có tin gì gửi ra không? Có được gặp mặt không? v.v…" Nhưng thay vì hỏi Lệ Thu những câu ấy, tôi xấu hổ nên quay mặt đi hướng khác.

Ngày bế mạc khóa học được tổ chức ở Nhà Hát Lớn, tôi là người được anh chị em Tổ Thi Văn bầu làm đại diện Tổ, sẽ lên nói cảm tưởng sau khóa học. Nhưng đến phút cuối cùng những người tổ chức không cho tôi lên nói, tôi bị bất ngờ và tôi cũng sợ nên tôi ngồi im. Nếu tôi không ngán sợ lúc ấy lẽ ra tôi phải đứng lên phản đối: "Tôi là đại diện Tổ. Sao không cho tôi lên nói mà lại để người khác nói..?" Lẽ ra tôi phải làm như thế rồi bỏ ra về.

Tan hàng lúc 5 giờ chiều. Tôi u uất đến độ không muốn đạp xe về căn nhà tối của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, tôi đến nhà ông anh kết ngãi với tôi ở đường Ký Con để nói với ông vài câu, uống chạc của ông mấy ly rượu cho bớt sầu đời. Thấy tôi vào, ông hỏi tôi:

- Làm cái gì mà mặt mũi cậu trông ghê như mặt tù cải tạo vậy?

Tôi rầu rĩ trả lời:

- Hôm nay tôi đi xem một số người tự bốc phân vứt lên mặt họ. Tôi không làm việc ấy nhưng vì tôi ngồi cạnh họ nên phân văng cả sang mặt tôi.

Hai anh An Khê Nguyễn Bính Thinh, tác giả tiểu thuyết Hai Chuyến Xe Bông, Nguyễn Ngọc Tú Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già The Godfather, Quần đảo ngục tù The Gulag Archipelago, cùng dự Khóa Bồi Dưỡng với tôi đã qua đời. Anh An Khê mất ở Pháp, Ngọc Thứ Lang chết ở trong trại cải tạo Phú Khánh, Nguyễn Đình Toàn Áo Mơ Phai, Cao Nguyên Lang hiện lúc này - năm 1995 - đang sống trong Làng Báo chí An Phú. Rất nhiều bạn đồng khóa với tôi hiện sống ở Hoa Kỳ: Lệ Thu, Ngọc Minh, Băng Châu, Ngọc Chánh v.v…

Nhân vật Đảng Ủy quan trọng nhất phát biểu kết thúc Ngày bế mạc Khóa Bồi Dưỡng là "Đồng chí Thành Quỷ" Tư Tân - người Sàigòn gọi "Thành Ủy" là Thành Quỷ - "Đồng chí Thành Quỷ" Tư Tân tức Trần Trọng Tân, người năm 1994 giữ chức vụ chính trị lãnh đạo cao nhất, nhì, ba ở Thành Hồ. Trần Trọng Đăng Đàn là em Tư Tân, viết quyển "Kết án văn nghệ đồi trụy, phản động Sàigòn". Quyển này kê khai đầy đủ tên cúng cơm, tên tác phẩm của những người viết Sàigòn bị cấm đoán. Năm 1976 rất nhiều người đến Nhà hát Thành Phố dự lễ Bế mạc Khóa học Bồi dưỡng Chính trị còn khá trẻ. "Đồng chí" Tư Tân năm ấy cũng chưa già. Năm 1994, đọc trong quyển Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín tôi thấy mấy dòng:

- "… Người dân Quảng Bình, ai còn lạ gì những việc làm của anh em ông Trần Trọng Tân trong thời quân Nhật làm chủ Quảng Bình…"

Không rõ ràng lắm nhưng người đọc dù có kém thông minh cũng có thể hiểu: "Đại tá" Bùi Tín tố cáo "Đồng chí Thành ủy Trần Trọng Tân và người em trai làm mật thám, làm tay sai, làm chó săn cho Nhật.

Kể từ khi đọc những dòng ấy về anh em "Đồng chí thành quỷ" Trần Trọng Tân mỗi lần nhìn thấy bộ mặt nghiêm trọng của "đồng chí Thành Quỷ" trên Tivi tôi lại cứ tủm tỉm, lỉm rỉm cười một mình.

° ° °

Trích" Những tên biệt kích cầm bút". Trang 10 đến trang 20

Khi chủ nhà xin lỗi vào bên trong, còn lại một mình ở sa- lông, Hoàng Hải nhồi thuốc vào ống vố, đánh diêm rít một hơi dài. Lâu lắm anh ta mới mua được loại thuốc "Half and Half" quen thuộc ấy. Anh ta đưa bịch thuốc bọc giấy thiếc lên mũi ngửi. Mùi thơm phảng phất dịu ngọt. Ngày xưa những người bạn Mỹ trong cơ quan USIS biết anh ta nghiền loại thuốc này, nên vẫn mua ở PX để biếu hàng lố.

Bà chủ nhà bưng ly trà ra vồn vã:

- Mời ông xơi nước. Tôi nghe tên ông đã lâu, nay mới biết mặt. Thật là "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình".

Bà ta cố tình làm ra có vẻ suy nghĩ để tìm câu chữ cho phù hợp trước khi nói ra câu chữ Hán ấy.

- Vâng xin cảm ơn bà - Hoàng Hải lấy vẻ lịch thiệp nói - Trước đây chúng tôi và cô Kiều Trang vốn là chỗ quen biết. Vả lại một minh tinh màn bạc như Kiều Trang thì cả nước đều biết tiếng. Thưa bà, lâu nay Kiều Trang có gửi thư, quà về không nhỉ? À, xin lỗi… Bà là thế nào với Kiều Trang.

- Tôi là chị. Cô ấy vẫn gửi thư, nhưng quà thì thỉnh thoảng thôi.

- Thảo nào, trông bà giống Kiều Trang quá!

Biết là khách khen nịnh nhưng bà vẫn cố tình vuốt mấy sợi tóc vương trên trán làm như không chú ý đến những lời khách vừa nói. Hoàng Hải cũng tự thấy mình khen quá đáng. Người đàn bà ngồi trước mặt anh tuổi đã ngoài bốn mươi, đôi má bắt đầu chẩy sệ xuống. Không có một chút gì giống tấm ảnh Kiều Trang treo trên tường với cái cổ tròn lẳn hấp dẫn, cái liếc mắt rất tình.

Thấy khách ngồi im, bà chủ nhà gợi chuyện:

- Mời ông xơi nước. Lâu nay ông có sáng tác gì không ạ?

Hoàng Hải nhấp ngụm trà nóng, lắc đầu:

- Thú thật với bà, tôi đã treo bút. Viết cái gì bây giờ? Hơn nữa, viết để làm gì? Chẳng lẽ mình lại là độc giả duy nhất của chính mình.

- Tiếc thật, không riêng gì ông, nhiều người khác cũng thế. Thật phí những tài năng….

Hoàng Hải khẽ nhún vai:

- Tôi có đến sớm quá không, thưa bà? Hôm qua tôi được anh Khuất Duy nhắn đến đây để gặp anh em. Lâu quá chưa có dịp gặp anh em làng văn, làng báo cũ, kể cũng nhớ. Chẳng hay vị nào có sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt này, thưa bà?

Bà chủ nhà chưa kịp trả lời thì có thêm mấy người khách nữa đến, Hoàng Hải nhận ra các nhà văn Đoàn Quốc, Dương Hùng. Thật ra, thỉnh thoảng họ vẫn uống cà phê với nhau, nhưng lâu nay chưa có cuộc họp mặt nào nhiều người. Hơn thế, họ chắc nội dung cuộc gặp gỡ này khác hẳn với những lần bàn chuyện phiếm ở các quán cà phê. Do vậy, họ siết chặt tay nhau, ôm choàng lấy nhau như nhiều năm chưa gặp.

Khi Dương Hùng lấy ra chai rượu để lên bàn. Hoàng Hải đón lấy, mở nút chai đưa lên mũi ngửi, làm bộ nhăn mặt:

- Johnny Walker hay Beehive đây ông bạn? Ông vẫn nghiện Johnny Walker đấy chứ?

- Thôi mà chế nhau làm gì ông bạn già - Dương Hùng vỗ vai Hoàng Hải - "Cây Lý" đấy "gặp thời thế, thế thời phải thế"! Thời buổi này phải trở về nguồn thôi! Xem ra, ông chưa chịu "cải tạo" chút nào cả - Dương Hùng cười ha hả.

Hoàng Hải cười theo và rút túi đặt gói thuốc "Half and Half" lên bàn, gõ gõ ống vố để trút tàn thuốc vào cái gạt tàn bằng sành, chậm rãi nhồi một cối thuốc khác.

Dương Hùng liếc thấy hiệu thuốc kêu lên:

- Tôi nói có sai đâu. Cậu vẫn ghiền "đế quốc" mà. Còn phải đưa đi cải tạo mút mùa.

Hoàng Hải cắn đầu ống vố nơi mép, nhếch môi cười khì. Đoàn Quốc nãy giờ vẫn ngồi im, lúc này mới lên tiếng:

- Xin hai ông. Tôi nghĩ họ không đưa chúng ta đi cải tạo vì cái món thuốc hay rượu đâu.

Mọi người hướng về phía ông ta. Kể ra trong làng văn trước đây, ông ta được xem là người thuộc "chiếu trên" vì ngoài nghề viết lách, ông ta còn dậy ở Đại học. Ông ta lại là người còn giữ "nho phong" luôn luôn đạo mạo, không ăn hút vung vít như những người khác trong "làng"

Nét mặt Đoàn Quốc có vẻ nghiêm nghị hơn:

- Một khi kiếm sĩ mà bị tước kiếm thì có khác gì người cầm bút bị người ta tước mất bút. Hắn đâu còn là hắn nữa thì cần gì phải cải tạo. Các ông thử nghĩ xem có đúng không?

Cả bọn như bị điểm huyệt, ngồi chết lặng cho đến khi bà chủ nhà lên tiếng:

- Chắc còn một số vị nữa chưa tới kịp. Nhà chúng tôi kể cũng khó tìm, nhất là đêm hôm tăm tối. Xin quý vị cảm phiền và cứ tự nhiên như nhà của mình. Bà ta nói xong lui ra nhà sau.

Nghe chủ nhà nói, Hoàng Hải bấm đùi Dương Hùng nói nhỏ:

- Này, ông biết ai mời bọn mình tới đây không?

- Chịu, tôi nghe Khuất Duy nhắn, còn ông?

- Tôi cũng thế. Hôm qua uống cà phê ở đường Phủ Kiệt cũng nghe là Khuất Duy cho địa chỉ, bảo đến đây.

Người này hỏi người kia, cuối cùng dường như không ai biết người xướng ra cuộc họp này. Thôi thì ráng chờ chút nữa hẵng hay.

Bỗng có tiếng xe đậu ở trước nhà. Mọi người đều dồn mắt nhìn ra. Không ai khác mà chính là Khuất Duy. Bước vào nhà, anh ta rối rít bắt tay từng người.

Chủ nhà dọn món nhậu lên. Khuất Duy rút từ túi xách của mình ra một chai Camus còn nguyên trong hộp rót vào những cốc nhỏ rồi cho vào những ly sô đa đầy đá.

Anh ta mời mọi người nâng cốc và tuyên bố:

- Hẳn là quý vị muốn biết là tại sao có cuộc họp mặt hôm nay. Tôi xin được phép trình bày ngay. Thật ra, cá nhân chúng tôi không dám nghĩ đến cuộc gặp gỡ này, câu chuyện còn dài, xin mời quý vị hãy cạn chén, chúng tôi sẽ thưa sau.

CHƯƠNG 10

T

rích NTBKCB, tiếp theo:

Mặc dầu hơi rượu thơm nóng, đầy sức quyến rũ, nhưng các vị khách tự cho mình là người văn chương nho nhã, nên dẫu đang thèm vẫn phải nhâm nhi mà không dám nốc một hơn cạn chén.

Những kỷ niệm trong cuộc đời viết lách lại được nhắc đến. Tin tức về những bạn bè của họ chạy được ra nước ngoài cũng chiếm một phần câu chuyện. Hoàng Hải than phiền Việt Định Phương đem tái bản sách của anh ở Mỹ không thèm xin phép anh mà không trả tiền bản quyền cho tác giả. Nhà văn Đoàn Quốc cũng đồng tình, nhưng lập luận tác phẩm là tài sản chung, nó đến được với người đọc là tốt là niềm vui đối với tác giả, còn chuyện tiền nong là chuyện thứ yếu.

Khuất Duy niềm nở chuốc rượu cho khách. Anh ta lắng nghe mọi chuyện, khiêm tốn tự xác nhận mình là người "học trò" trong làng văn, hết lời ca ngợi sự nghiệp văn chương của các vị khách. Thật ra nhiều vị khách đang ngồi trong buổi tiệc không những biết hắn là Trung úy Tâm lý chiến quân đội Sàigòn cũ mà còn biết hắn qua đài VOA với mấy bản nhạc mà hắn mới sáng tác trong mấy năm gần đây.

Đến khi nghe Hoàng Hải và Đoàn Quốc bàn đến việc tái bản sách của họ ở nước ngoài, hắn mới chen vào:

- Bác Đoàn Quốc là nhà văn chân chính nên nói vậy. Còn tôi là người đọc, tôi nghĩ rằng Việt Định Phương làm như vậy không khác gì chiếm đoạt công lao của người khác, nhất là đối với những nhà văn như quý vị đây đang sống trong cảnh vô cùng khó khăn, lý ra những đồng nghiệp ở nước ngoài phải hết lòng giúp đỡ.

Dương Hùng hưởng ứng ngay:

- Đúng vậy! Anh Duy nói chí lý. Tôi còn lạ gì thằng ấy. Hồi còn ở đây nó cũng lưu manh còn hơn bọn đá cá lăn dưa ở chợ Cầu Muối. Dương Hùng định chửi thề, nhưng kịp hãm lại vì thấy không thể văng tục trước bà chủ nhà.

Khuất Duy nói tiếp:

- Tôi may mắn được biết một số tình hình của anh em văn nghệ sĩ ở nước ngoài. Theo chỗ tôi được biết, không phải ai cũng làm ăn bất chính, bán đứng bạn bè như Việt Định Phương đâu. Chắc quý vị đã biết "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại". Nếu tôi không lầm thì nhiều vị đã nhận được thư của Hội, có phải vậy không bác Hoàng Hải?

Hoàng Hải chột dạ. Hắn chợt nhớ ra Khuất Duy không chỉ là ca sĩ mà còn là Luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon. Cái nghề thầy kiện, theo hắn còn là trùm đá cá lăn dưa. Hẳn là Duy Khuất muốn moi móc việc cách đây không lâu, Hoàng Hải nhận được thư của Trần Tam Tiệp, Tổng Thư Ký "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" và Hoàng Hải có viết thư yêu cầu Tiệp can thiệp hộ vụ tái bản sách. Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng Trần Tam Tiệp đã hai lần gửi cho Hoàng Hải nhiều món quà có giá trị gần cả một ngàn đô la. Sở dĩ anh ta biết chính xác số tiền ấy vì Trần Tam Tiệp có gửi kèm bảng chiết tính từng món hàng, bảo rằng sau này sẽ khấu trừ vào khoản tiền tái bản sách của Hoàng Hải. Hoàng Hải đã giấu biệt chuyện đó không dám cho bạn bè biết, một phần sợ bị vay mượn, sợ phải đãi đằng, phần khác sợ lộ ra nhiều người biết không tiện. Thế mà Khuất Duy dường như biết tỏng vụ này.

Khuất Duy nhìn Hoàng Hải mỉm cười cảm thông và nói tiếp:

- Như quý vị đều biết, Tổng Thư Ký Hội là ông Trần Tam Tiệp, sở dĩ tôi biết như vậy là vì ông Tiệp có viết thư cho tôi. Không những ông Tiệp nhờ tôi mà còn nhờ anh Dương Hùng nữa tổ chức cuộc họp này. Anh Tiệp đặc biệt tỏ lòng trân trọng cụ Đoàn Quốc, một trong những nhà văn lớn còn có mặt trong nước để làm nhân chứng lịch sử trong tám năm qua. Việc cụ Quốc nhận lời mời đến với chúng ta hôm nay là điều rất quý giá.

Mọi người hết nhìn về phía Đoàn Quốc lại nhìn Dương Hùng, ngầm ý trách hỏi:

- Thế mà các người cứ giả bộ không biết ai tổ chức cuộc họp mặt này.

Khuất Duy lại rót rượu, trịnh trọng:

- Xin mời quý vị nâng cốc lần nữa để chúng tôi được thưa chuyện. Xin mời…

Khuất Duy chạm cốc với từng người và uống cạn chén. Hơi men đã làm hứng chí các vị khách. Ngay cả Đoàn Quốc cũng trút vẻ đạo mạo, uống một hơi cạn nửa ly Camus vàng sánh và lên tiếng:

- Tuy ông Tiệp trước đây chưa cùng chúng tôi tham gia làng văn và cả làng báo nữa, nhưng bậc trí giả bao giờ cũng biết xuất hiện đúng lúc cần thiết để "cầm chính đạo để tịch tà, cự bí". Chúng tôi đều đã nghe tiếng và dành sự kính trọng đối với ông Tiệp.

Một vài người dự họp biết rõ về Đoàn Quốc nên thấy hơi lạ về thái độ của ông ta. Trước đây, ông ta rất khinh thường "lũ nhãi nhép" tập tễnh làm văn, viết báo. Thế mà nay ông ta lại đi ca tụng một con người không biết gì về văn học nghệ thuật. Phải chăng vì con người ấy đang là Tổng thư ký "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" mà ông định tìm chỗ dựa?

Dương Hùng phụ họa:

- Vâng, cụ Đoàn Quốc nói chí lý: Thời nào anh hùng nấy mà lị!

Khuất Duy bắt đầu hùng biện:

- Thưa quý vị, như tôi đã trình bày, anh Tiệp… là bạn cũ của tôi. Anh ấy cùng với "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" đang hết sức quan tâm đến tự do sáng tác của quý vị trong nước. Nhưng vì hoàn cảnh chưa cho phép trực tiếp gặp quý vị, nên anh ấy yêu cầu chúng tôi thay mặt hầu chuyện với quý vị.

Nói đến đây, hắn móc trong túi quần Jean ra một tờ giấy mầu xanh và tiếp:

- Đây là lá thư anh Tiệp gửi chung cho quý vị, tôi xin phép được đọc nguyên văn:

"Thưa các văn hữu,

"Hôm nay, được sự chấp thuận của Hội, chúng tôi hân hạnh mời quý văn hữu khả kính đến cùng nhấp chén rượu mừng xuân. Do hoàn cảnh chưa cho phép chúng ta đoàn tụ đông đủ với nhau, chúng tôi phải nhờ anh bạn thân bên nhà thay chúng tôi hầu chuyện cùng quý vị. Xin quý vị nâng cốc, coi như chúng tôi đang có mặt cùng chung vui.

"Như quý vị đều biết, tuy xa xôi cách trở, nhưng anh em bên này vẫn thường hướng về quê hương, luôn luôn tìm mọi cách để chia xẻ những nỗi cay đắng cùng quý vị đem cả tấm lòng và sức lực đấu tranh cho một nền văn nghệ chân chính, cho sự nghiệp tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ chúng ta. Nhân dịp này, thay mặt Hội, chúng tôi xin gửi lời chia buồn với các anh chị em đang bị nhà cầm quyền giam giữ và gia đình họ. Chúng tôi hứa vận động để họ sớm được tự do và rời khỏi đất nước, nếu họ muốn.

"Chúng tôi hy vọng rằng, từ đất nước thân yêu bất hạnh, quý vị sẽ gửi cho chúng tôi những tác phẩm mới nhất, có giá trị nhất để cộng đồng người Việt hải ngoại và dư luận thế giới biết rằng những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam yêu tự do trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không ngừng sáng tạo nghệ thuật.

Anh bạn của chúng tôi sẽ lo việc gửi bài vở thay quý vị.

"Để đền đáp lại, chúng tôi sẽ có thù lao xứng đáng. Hơn nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng những tác phẩm của quý vị sẽ làm dư luận thế giới quan tâm, trở thành sự bảo đảm tốt nhất cho quý vị đối với nhà cầm quyền.

"Trân trọng kính chào.

Paris, ngày…

Trần Tam Tiệp, Tổng Thư ký Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại

Khuất Duy đọc xong thư, đảo mắt quan sát từng người. Hoàng Hải trầm tư rít từng hơi thuốc. Đoàn Quốc ngả người trên ghế sa-lông, lơ đễnh nhìn mấy con thằn lằn đuổi bắt mồi bên ngọn đèn nê-ông trên trần nhà. Những người khác thì chờ đợi thái độ của hai bậc đàn anh. Im lặng kéo dài.

Dương Hùng lên tiếng trước:

- Kể như bạn bè bên ngoài còn nhớ tới anh em như vậy là tốt lắm rồi. Không biết các anh khác thế nào, còn tôi từ lâu đã gác bút, chắc là không làm được trò trống gì nữa.

Nhiều tiếng xì xào. Một tay ngồi cạnh nói nhỏ với Dương Hùng:

- Tớ thấy vụ này phiền lắm đấy. Tớ rút lui thôi. Thà bán thuốc lá lẻ cho vợ mà yên tuổi già.

- Chúng ta ở đây toàn là chỗ anh em cả, có thể yên tâm.

Dương Hùng trấn an mọi người và hướng về phía Khuất Duy, nói lớn:

- Chuyện này để..."hạ hồi phân giải". Giờ ta tiếp tục "cuộc chiến", đánh ngã chai rượu này đi các ông ạ.

Anh ta nâng cốc uống một hơi không chờ ai.

Khuất Duy hiểu ý, cố làm ra vẻ tự nhiên:

- Thưa quý vị, anh em ta ở hải ngoại, không hiểu hết hoàn cảnh của chúng ta. Tôi đề nghị hãy gác chuyện này lại, để quý vị suy nghĩ thêm. Hôm nay, chúng ta có dịp gặp lại nhau là quý lắm rồi. Xin mời quý vị tiếp tục nâng cốc. Xin mời.

Họ tiếp tục uống. Chai Camus được tiếp nối bằng chai rượu Cây Lý của Dương Hùng. Không còn ai nhắc đến chuyện văn chương cũng như lá thư của Trần Tam Tiệp nữa. Đến lượt chai Cây Lý cũng bị đánh ngã.

° ° °

Thấy khách ngồi im, bà chủ nhà gợi chuyện:

- Mời ông xơi nước. Lâu nay ông có sáng tác gì không ạ?

Hoàng Hải nhấp ngụm trà nóng, lắc đầu:

- Thú thật với bà, tôi đã treo bút. Viết cái gì bây giờ? Hơn nữa, viết để làm gì? Chẳng lẽ mình lại là độc giả duy nhất của chính mình.

- Tiếc thật, không riêng gì ông, nhiều người khác cũng thế. Thật phí những tài năng….

Trên đây là một đoạn trích trong quyển "Những tên biệt kích cầm bút". Nhưng không có chuyện nhân vật bị gọi là Biệt kích Văn nghệ Hoàng Hải được hân hạnh nói chuyện với bà chủ vi-la Kiều Trang ở cư xá Lữ Gia, Saigon. Đoạn này hoàn toàn do hai anh Đại tá cớm cộng dựng đứng lên trong tưởng tượng của hai ảnh. Nhưng cứ giả vờ như đó là chuyện xảy ra có thật đi, ta thấy gì?

Trước hết bà chủ vi la Kiều Trang, hay bà chị nữ minh tinh Kiều Trang cũng rứa, là đàn bà lương thiện. Bà không dính dấp gì đến những cái gọi là dzăng nghệ, dzăng gừng, dzăng bút, dzăng mực tùm lum trên cõi đời này. Chắc chắn bà phải sống cùng nhà với cô em từ trước tháng Tư 1975, bà có tên trong sổ gia đình, nên bà mới giữ được cái vi la bạc tỷ tiền Hồ này. Theo đúng lời Thánh Tổ Lênin dậy bọn con cháu cộng sản khi nắm được chính quyền là "việc đầu tiên tịch thu tất cả tài sản của bọn bỏ trốn ra nước ngoài". Nếu tui nhớ không lầm thì giữa mùa Thanh Minh trong tiết tháng Ba, lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh năm ấy - năm 1975 - nữ minh tinh Kiều Trang đang là khách mời của Air Vietnam đi khai trương một văn phòng ở Singapore hay đâu đó. Số nàng là số đẻ bọc điều, nên nàng đang ở nước ngoài, Saigon thất thủ, nàng dzọt luôn.

Ngày xưa xa lắm tui còn trẻ, còn ngây thơ, tui nghe người ta bảo nhau: "Đẻ con gái đừng đặt tên cho nó là Kiều… Con gái tên Kiều là chém chết cũng có cuộc đời tình ái vất vả như em Kiều Thúy: chồng con chẳng ra gì, tài sắc đổ nước, nghiêng thùng, thơ phú, đàn địch, nhẩy đầm như máy vậy mà phải đem thân đi hầu hạ người ta, bị người ta khinh khi, đánh đập, phải vào nhà chứa rồi nhà chùa v.v.."

Ngày xưa ấy như đã nói xa lắm rồi trong cái gọi là dĩ vãng man mác thời gian tím ngắt, tui thơ dại nên tin lời thiên hạ nói về những nàng Kiều trên cõi đời này như thế là đúng.

CHƯƠNG 11

T

hời gian qua, những ngày như lá, tháng như mây - Thơ Thanh Nam Si-a-tồ -khi tuổi đời sáu bó lẻ mấy que tôi mới thấy những lời người ta nói như thế về những nàng Kiều là không đúng. Bằng chứng rõ ràng không thể cãi cọ được là cuộc đời ái tình và sự nghiệp của nữ minh tinh Kiều Trang. Tên nàng cũng là Kiều đấy nhưng đời nàng vẫn sáng choang như gương Tàu. Thử hỏi có em Ngọc Côn, Kim Lệ, Huỳnh Hoa nào có cuộc đời an nhàn mọi mặt như nàng Kiều Trang được công an Việt cộng nhắc đến một cách kính nể đầy tính nâng bi trong quyển NTBKCB? Hai nữa, cần gì cứ tên Kiều Nọ, Kiều Kia mới vất vả năm bẩy đời chồng, ba bốn chục đời nhân tình, lúc thì áo xanh, lúc thì áo hồng. Số em có nhiều đàn ông là em có nhiều đàn ông, không phải là vì cái tên Kiều của em. Vô tư mà nói cuộc đời em Kiều Thúy nhiều lúc đoạn trường thật nhưng cũng có nhiều lúc sáng giá đền bù đã lắm đấy chứ? Sao chỉ nhắc đến những lúc nàng bị Mã Giám Sinh xơi tái, Sở Khanh bỏ rơi, Tú Bà đánh đòn, Hoạn Thư bắt hầu rượu, gảy đàn kìm, Hồ Tôn Hiến gỡ gạc mà không nói đến lúc nàng đường đường ngồi ghế Chánh án phu nhân. Khi ấy nàng vinh quang biết chừng bao? Nàng ơn đền, oán trả nặng nề, thẳng tay, Hoạn Thư quỳ mọp dưới sân, Thúc Kỳ Tâm người cũ không những chỉ run như cầy sấy mà còn sợ đến són đé ra quần. Lại còn Tú Bà rập đầu lậy côm cốp như chày giã gạo. Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh nhìn thấy Tử thần vác lưỡi hái lù lù ngay trước mặt. Ba anh này lúc cuối đời mới ăn năn thì sự đã rồi, rất có thể lúc ấy ba anh nghĩ; " Mèn ơi.. Biết sự đời như thế này thì lúc ấy bà có cho em cũng chẳng để vào làm chi…" Về mặt giá trị tính theo vàng Kiều Thúy có giá nhất không những chỉ trong cõi đời Gia Tĩnh triều Minh mà là ở mọi cõi đời, nhất là ở cõi đời này hôm nay.. Đằng nào cũng mất, chẳng mất trước thì mất sau, mất mà có 400 lượng vẫn hơn là mất mà hổng có lượng nào, hoặc bán mà giá chỉ có năm chỉ.

Vì không phải là những văn nghệ sĩ chân chính nên hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên - dù có là đại tá đi nữa - tác giả "Những tên biệt kích cầm bút" đã cho nhân vật Hoàng Hải nói:

- …Tôi đã treo bút. Viết cái gì bây giờ? Viết để làm gì? Chẳng lẽ mình lại là độc giả duy nhất của chính mình?

Vật bất kỳ bình tắc minh. Khi đau khổ chúng ta kêu, rên, khóc ti tỉ. Khi sung sướng chúng ta kêu, rên, cười toe toét. Văn nghệ sĩ cũng là người nên khi đau khổ, sung sướng văn nghệ sĩ cũng kêu, rên, khóc cười như bất cứ ai. Song vì văn nghệ sĩ là… văn nghệ sĩ nên khi buồn đau, vui sướng văn nghệ sĩ còn sáng tác ra những cái gọi là tác phẩm văn nghệ. Chẳng hạn các thi sĩ mần thơ, nhạc sĩ mần bài ca, văn sĩ viết truyện ngắn, truyện dài. Nói cách khác người thường khi đau buồn chỉ khóc, vui sướng chỉ cười, văn nghệ sĩ ngoài khóc cười như đã nói còn có sự cần thiết bức bách phải cho ra đời tác phẩm văn chương. Sự cần thiết ấy là bắt buộc, không mần không được. Nó như nhu cầu về sinh lý: ăn dzô thì phải tống ra. Chỉ có đầu dzô mà không có đầu ra là chết năm bẩy cửa tứ. Vì vậy văn nghệ sĩ nào nói: "… Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết cho ai…?" là văn nghệ sĩ rởm. Bất bình tắc minh. Không bình thường thì kêu lên. Khi xúc động đập vào trái tim người nghệ sĩ, anh ta bắt buộc phải mần thơ nếu anh ta là thi sĩ, mần nhạc nếu anh ta là nhạc sĩ, viết truyện nếu anh ta là văn sĩ. Không mần thì anh sẽ mặt mũi bần thần, ngẩn ngơ, ăn nói vô duyên. Nói rõ hơn và hình tượng dễ hiểu hơn là nếu không sáng tác văn nghệ sĩ sẽ bị táo bón tinh thần rất nặng.

Vì vậy nếu là văn sĩ anh bắt buộc phải viết lên giấy những xúc động trong tim anh, trong hồn anh. Anh không thể dửng dưng, lửng lơ con cá vàng nói: "Viết làm chó gì? Viết cho ai đọc? Không lẽ viết để mình đọc ư?" Anh có thể nghĩ: "Viết ra nó tóm được là bỏ mẹ. Không cần chửi chúng nó hay kêu gọi ai thủ dao phay đứng chờ ở đầu ngõ thấy thằng công an Việt Cộng nào đi qua là chém cho nó năm bẩy nhát. Chỉ cần mình than buồn, than khổ thôi là đủ để nó đem mình đi cất năm bẩy niên. Xa vòng tay gầy lạnh của vợ hiền. Chán lắm…" Anh có thể tự khuyên những câu đầy tính minh triết xanh rờn: "Chịu đi. Đừng có dại mà viết. Bút sa gà chết. Với Việt cộng thì bút sa người chết. Quanh quẩn trong xó nhà như vầy năm bữa, nửa tháng may ra cũng có tô phở chợ, lâu lâu được vợ an ủi, khuyến khích một lần. Thơ mí phú làm ký gì. Vạ vào thân…." Anh nghĩ thì quá khôn, nhưng anh nghĩ dzậy mà anh thường không mần như dzậy.

Những văn nghệ sĩ trong cõi đời này còn có cái tật nữa là ngoài việc mấy ổng dùng buồn vui của mấy ổng làm thành tác phẩm, mấy ổng còn buồn vui vì những buồn vui của người khác. Và mấy ổng cũng có thể vì buồn vui của người khác mà làm thành tác phẩm nghệ thuật. Mấy ổng được người đời yêu mến vì cái tài ấy.

Năm 1994 ở Thành Hồ, tôi xem cuộn băng Vidéo Văn Phụng - Châu Hà, thấy MC Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi Văn Phụng trong trường hợp nào nhạc sĩ sáng tác bản "Tạ Từ Đêm Mưa"? Văn Phụng trả lời:

- Đêm ấy chơi nhạc ở Đăng-xinh Văn Cảnh. Khi ra về tôi thấy một cặp tình nhân chia tay nhau. Cảnh họ quyến luyến nhau trong đêm mưa gợi hứng cho tôi làm nhạc…

MC Nguyễn Ngọc Ngạn:

- Như vậy là anh giả vờ buồn…

Nhạc sĩ Văn Phụng không nói gì.

Khi gặp Văn Phụng ở thành phố Arlington, nơi có Rừng Phong thu vẫn nhuốm mầu quan san của Công tử Hà Đông, tôi hỏi anh:

- Anh nhớ trong Vidéo của anh Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi anh về bản Tạ Từ Đêm Mưa chứ? Khi Nguyễn Ngọc Ngạn nói "anh giả vờ buồn…" sao anh không nói gì cả? Anh thấy người khác chia ly nhau người ta buồn. Anh không chia ly ai cả nhưng anh buồn cái buồn của những người phải xa nhau, anh làm bản Tạ Từ…. Làm sao anh có thể giả vờ buồn mà làm được bản nhạc buồn đến thế…?

Tôi suốt một đời đi ở nhà thuê. Bi giờ về già hết lộc rồi nghĩ lại thật xấu hổ. Chẳng gì cũng mang danh ký giả, văn sĩ, có mấy chục bộ truyện được in, nhân viên Sở Mẽo! Mà nếu vợ bị tra tấn tàn nhẫn sống dở chết dở bẩy ngày cũng không xì ra được nửa chỉ vàng nào để hối lộ, kim cang, hột xoàn lại càng không có. May mắn cho vợ chồng tôi là mẹ tôi có một cái nhà nhỏ vẫn bỏ không trong cái gọi là cư xá Tự Do ở giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bảy Hiền. Ba tháng sau ngày oan nghiệt vợ chồng tôi về căn nhà đó ở. Không có căn nhà này thì chúng tôi còn vất vả nhiều. Và chúng tôi đã sống lúi cúi với nhau, đã yêu thương, nhớ thương và chờ đợi nhau trong căn nhà nhỏ ấy đúng mười chín mùa lá rụng lẻ sáu tháng mây bay. Hai lần Công An Thành Hồ cho xe bông đến trước cửa căn nhà ấy rước tôi đi, hai lần tôi từ nhà tù cộng sản sống sót trở về đó.

Cư xá Tự Do có hai khu do Gia Cư Liêm Giá Cuộc xây lên bán trả góp cho dân. Khu ngoài là khu vi-la song lập đắt tiền. Khu trong là khu nhà có gác lửng rẻ tiền. Sau những trận mưa đầu mùa con đường trong khu nhà tôi nước ngập đến đầu gối. Trong căn nhà tối ấy những chiều buồn quá không có việc gì làm, không biết đi đâu, đến nhà ai, tôi đứng sau khung cửa sổ nhìn vẩn vương ra con đường nhỏ. Xế cửa nhà tôi có một thiếu phụ tuổi trạc ba mươi, ông chồng là đại úy đi cải tạo, nàng thường bồng đứa con nhỏ đứng trong khung cửa sổ nhà nàng nhìn vơ vẩn ra đường. Tôi biết nàng buồn. Tôi cảm được nỗi buồn của nàng. Thêm vào đó là nỗi buồn của tôi. Bên nhà tôi - năm ấy tôi bốn bó lẻ hai, ba que - tôi cũng buồn quá. Không thể chịu được tôi mần thơ:

Buồn

Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong

Anh rạt về đây, xóm hẹp, đường đông.

Nhà em, nhà anh cách hai thước ngõ

Những chiều mưa buồn nước ngập như sông

Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ

Như người tù nhìn đời qua chấn song.

Em đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ

Như người chinh phụ ôm con đợi trông.

Anh đứng trông mây, em đứng trông chồng

Vắng chồng con bế, con bồng em mang.

Cái bống là cái bống bang

Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ…

Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ

Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.

Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường

Bên anh tuyệt vọng, đoạn trường bên em.

Ngày lại ngày, đêm lại đêm

Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha

Buồn từ trong cửa buồn ra

Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về

Ta đang sống, ta đang mê

Hay ta đang chết não nề, em ơi…!

Những tháng cuối 1975 đầu 1976 ngẩn ngơ giữa mấy rừng cờ đỏ, quá buồn tôi làm thơ. Tôi chép những bài thơ này vào một tập. Tháng 10 năm 1977, công an Thành Hồ đến nhà bắt tôi, vớ được tập thơ này. Khi thẩm vấn tôi, Ba Trung. tức Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt, nhật báo Đồng Nai Chủ nhiệm Hồng Sơn Đông, hỏi mỉa tôi:

- Bây giờ anh đã được làm người tù nhìn trời qua chấn song, anh không còn phải tưởng tượng nữa, anh thấy sao?

Và Ba Trung nói về bài thơ Buồn của tôi:

- Các anh sĩ quan Ngụy phải đi cải tạo là cần thiết. Cứ để mấy ảnh ở nhà sao được. Vợ mấy ảnh có mong chồng thì cũng phải chịu thôi. Trong khi nhân dân cả nước đang phấn khởi hồ hởi tiến lên xã hội chủ nghĩa, một mình anh kêu than buồn khổ đâu có được. Bài thơ buồn của anh có thể ảnh hưởng xấu đến người khác, làm người khác buồn lây, có hại đến việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Ba Trung, họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, tác giả truyện Vụ Án Hồ Con Rùa có hai ba tiểu thuyết được làm thành phim. Từ năm 1990 Ba Trung giữ chức vụ quyền Tổng biên tập Tuần báo Công An Thành Hồ. Loại báo này đúng ra chỉ là báo phổ biến tin tức nội bộ cơ quan công an, nhưng bọn cớm cộng làm thành báo bán để kiếm lời. Cớm cộng có đặc quyền khai thác hồ sơ những vụ giết người, hiếp dâm, ăn cắp, ăn cướp v.v… - đặc quyền và toàn quyền - nhiều người dân mua, đọc Tuần báo Công An, trong số này có cả tôi, chỉ để đọc những vụ hiếp dâm tàn bạo, những vụ giết người kinh khiếp, những vụ đảng viên ăn cắp công khai, làm bậy bất chấp Đảng với Nhà Nước, đọc tin về những ổ mãi dâm, ma túy, hàng giả, hàng lậu, vidéo sex v.v… Có thể nói tờ tuần báo Công An Thành Hồ là tờ báo bới móc, phơi bầy những cái xấu của xã hội XHCN một cách ác ôn nhất.

Trong một xã hội mà những tờ báo chuyên đăng những tin tức hiếp dâm, giết người, cướp trộm, sa đọa bán chạy, có nhiều người đọc chứng tỏ cái xã hội đó thối nát tàn tệ, bẩn thỉu quá đỗi. Bọn Tuần báo Công An Thành Hồ không chút hổ thẹn vì báo của chúng chỉ bán được nhờ đăng những vụ hiếp dâm, giết người. Không những không biết hổ thẹn chúng còn vênh váo khoe khoang là báo của chúng bán chạy nhất.

Ba Trung là cán bộ công an thẩm vấn tôi trong lần tôi bị bắt lần thứ nhất - 1977-1979 - Lần ấy tôi chưa "phạm tội" gì nhiều, tôi chỉ viết một số bài kiểu Tạp ghi Văn Nghệ Văn Gừng gửi cho một nữ độc giả của tôi bỏ nước chạy lấy người sang Xê Kỳ - một số bài viết có thể gọi là vô thưởng vô phạt về những ngày sống u buồn của tôi ở Thành Hồ, tả cảnh nón cối, dép râu, tóc bím, mông đít to như cái thúng, lính cụ Hồ đực rựa hai mươi nhăm, ba mươi tuổi nắm tay nhau đi rung răng, rung rẻ ngay trên đường Lê Lợi, Tự Do, cùng một số bài thơ than thân, trách phận, thương khóc kẻ ở, người đi kiếp sau chắc mí gặp nhau não nùng, ai oán. Người độc giả của tôi gửi những bài viết của tôi đến các báo Việt ở hải ngoại. Trong số những báo đăng loạt bài ấy của tôi có Tạp chí Đất Mới ở Seattle, tạp chí Thời Tập của Viên Linh, Nhất Việt của Du Tử Lê.. vv..

Cộng sản thù ghét nhất những người sống dưới chế độ chúng mà dám viết những bài tả cuộc sống khốn khổ, khốn nạn của mình và của nhân dân gửi ra nước ngoài. Với cộng sản "cứ viết gửi ra nước ngoài" là có tội rồi, bất kể bài viết có nội dung ra sao. Có lần thẩm vấn tôi Ba Trung nói với tôi:

- Anh biết viết bài gửi ra nước ngoài là nguy hiểm nhưng anh cứ viết, cứ gửi…

Và Ba Trung nói đến chuyện tôi được "mời cộng tác"

- Khi các văn nghệ sĩ Sàigòn phải đi cải tạo, chúng tôi đã để cho anh được yên ở nhà. Không những chỉ để anh yên, chúng tôi còn mời anh cộng tác. Anh không làm thì thôi, anh ở yên đi. Anh còn chống chúng tôi nữa. Chúng tôi bắt buộc phải bắt anh thôi. Tiếc cho anh. Chúng tôi có đối xử gì nặng tay với anh đâu? Anh vẫn còn được ngồi ngang hàng với Vũ Hạnh…

Trước hết việc "được ngồi ngang hàng với Vũ Hạnh" làm tôi xấu hổ. "Ngồi ngang hàng" đây là việc sau khi một số văn nghệ sĩ Sàigòn được công an Thành Hồ ưu ái cho xe bông đến tận nhà rước đem đi cất kỹ vào tháng Ba, tháng Tư năm 1976. Quần hùng đi tù thật đông, không sao nhớ hết và cũng không thể kể hết. Sau đợt bắt tập thể ấy cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố HCM tổ chức hai khóa bồi dưỡng chính trị cho những anh chị chưa bị bắt. Tôi đi dự Khóa Bồi Dưỡng Hai như tôi đã kể. Ý Ba Trung muốn nói là trong những cuộc hội họp như thế tôi vẫn được ngồi ngang hàng với Vũ Hạnh. Khi nghe Ba Trung nói như thế tôi ngồi yên, tôi không nói cho anh ta biết là tôi xấu hổ, tôi cay đắng mỗi lần tôi phải vác cái mặt mo của tôi đến ngồi nghe bọn cán cộng ưu ái lên lớp.

CHƯƠNG 12

V

à đây là chuyện tôi được Việt Cộng "mời cộng tác":

Khoảng ba, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư tôi được gặp anh Ba Trinh, một trong những cán bộ phụ trách biên tập tờ nhật báo Sàigòn Giải Phóng. Những năm 1960 Ba Trinh có đến tòa soạn nhật báo Sàigònmới nên anh biết tôi, rồi anh bị bắt, thả ra, bị bắt lại hai ba lần, lần cuối cùng anh từ Côn Đảo về miền Bắc năm 1972, theo thỏa hiệp trao đổi tù binh giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt Cộng, Tháng 5 anh từ Hà nội vào Sàigòn. Ba Trinh hơn tôi khoảng mười, mười lăm tuổi. Anh nói với tôi:

- Chúng tôi cần loạt bài phóng sự về cuộc sống của bọn tướng tá Ngụy, chúng tôi không viết được loại phóng sự ấy. Cậu có biệt tài về loại đó, chúng tôi mời cậu viết cho chúng tôi. Nhưng nếu viết cậu đừng để tên cậu. Cậu mà dùng tên cậu thì ngay cả các bạn cậu cũng chửi cậu. Cậu dùng một tên khác. Mai đây chúng tôi có thể nói với các ông ấy người viết loạt bài đó là cậu. Sẽ đỡ cho cậu nhiều lắm. Và cũng có ít tiền giúp cậu đỡ khó khăn trong lúc này.

Tôi ừ ào cho qua nhưng tôi không viết. Khi còn Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa tôi có thể viết những phóng sự hoạt kê châm biếm bọn có quyền thế, có địa vị, bọn giầu tiền, như tôi đã từng viết những phóng sự Bà Lớn, Yêu Tì đăng trên nhật báo Ngôn Luận những năm trước 1963, nhưng bây giờ Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi vừa bị diệt, những bộ trưởng chính phủ, tướng tá, tỉnh trưởng, thẩm phán, dân biểu của tôi không chạy ra nước ngoài được nay đang bị tù đày, họ đang khổ cực hơn tôi, vợ con họ khổ cực hơn vợ con tôi, dù sao họ cũng là anh em tôi, có xấu xa đến mấy đi chăng nữa họ cũng là anh em tôi, trong tình cảnh khốn khổ, nhục nhã chung này tôi không thể viết chửi bới họ.

Chuyện "cộng tác" thứ hai: Sau Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai chừng hai tháng tôi nhận được giấy gọi lên Sở Công An Thành phố. Tôi hồi hộp đến Nha Cảnh Sát Đô Thành của ta. Một anh công an trẻ tuổi, có vẻ là người Sàigòn, tiếp tôi trong cái vi-la ngay bên cạnh trụ sở. Anh ta nói:

- Những người có tội như Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh đã bị bắt. Anh không phải là không có tội nhưng chúng tôi thấy anh tội nhẹ nên không bắt anh song anh có bổn phận phải cộng tác. Chúng tôi cần biết về tình hìng các văn nghệ sĩ Sàigòn, họ làm gì, nghĩ gì, họ sống ra sao. Không phải anh cứ báo cáo là chúng tôi bắt họ đâu, anh có thể cho chúng tôi biết những khó khăn của anh em văn nghệ sĩ để chúng tôi giúp họ.

Những người công an bắt tôi làm việc cho họ không cho tôi biết tên họ - tôi chỉ biết tên có một chị: chị Chanh, Việt Cộng nằm vùng, từng hành nghề buôn cây để có dịp vào rừng liên lạc với đồng bọn. Họ hẹn tôi một, hoặc hai tuần đến gặp họ và báo cáo một lần. Những lần họ gặp tôi đều ở những vi-la tư nhân họ chiếm được. Tôi chẳng có gì để báo cáo với họ cả. Sau chừng ba tháng dằng co như thế một sáng tôi nói với vợ tôi:

- Anh không thể làm chỉ điểm cho bọn này. Nếu anh báo cáo về anh em mình anh không thể nhìn mặt anh trong gương. Anh không làm đâu. Nó muốn bắt anh thì bắt.

Alice đồng ý với tôi.

Lần gặp sau tôi đưa cái thư "Kính gửi ban lãnh đạo..", trong thư tôi viết tôi không có điều kiện cộng tác với Sở Công An, việc gặp tôi chỉ làm mất thì giờ của anh chị em công an, xin lãnh đạo cho tôi được nghỉ; tôi có thể dịch các tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, nếu cơ quan cần người dịch thuật tôi xin làm vv..

° ° °

Tháng Ba, tháng Tư năm 1976 tôi chờ đợi tôi cũng bị bắt như các bạn tôi. Nhưng tôi đã không bị. Tôi xin nói rõ - và nói đi nói lại nếu cần - tôi không muốn được đi tù một ly ông cụ nào cả. Anh Triều Đẩu từng giải cho tôi biết Tử Vi của tôi không có sao Quả Tạ, tức là không có số ở tù. Tôi chỉ tỏ ra hung hăng con bọ xít, du đãng, du côn, du thủ, du thực, hào huê, phong tình trong những chuyện tôi viết mà thôi. Trong đời thực tôi lành hơn cục đất thó. Và cũng hơn một lần tôi đã viết: Sau ngày oan nghiệt tôi quanh quẩn trong xó nhà, ngày ngày quét nhà, lau nhà, đổ rác, giặt quần cho vợ, thuốc lá Vĩnh Hảo Bốc En Xe Ông Già Le Lưỡi Liếm… giấy vấn thoải mái, lâu lâu có chầu rượu đế, lạc rang, hột vịt lộn, nghêu sò ốc hến vỉa hè… Tất nhiên là so với cuộc sống trước tháng Tư năm 1975 thì tối tăm ảm đạm thật đấy, nhưng nếu so với những cuộc sống trong những nhà tù Việt cộng thì chắc chắn còn đỡ khổ hơn nhiều.

Không phải là Alice không giặt được quần áo của nàng hay nàng bắt chồng nàng phải giặt, chỉ vì anh Con Trai Bà Cả Đọi, người anh em cùng vợ với chàng Công Tử Hà Đông, suốt ngày đêm chẳng có việc gì mần cho đỡ buồn nên anh tranh làm cái việc giặt quần áo. Có những lần ngồi giặt anh lơ mơ nhớ lại ngày xưa anh viết những bài chửi bới thiên hạ dưới hai cái tên Gã Thâm, Công Tử Hà Đông, anh thường rủa: "Cho thằng đó về nhà giặt quần áo cho vợ". Không biết trong số những người bị anh rủa có ai phải về nhà giặt quần cho vợ hay không. Anh chỉ biết anh bị Việt cộng nó cho về xó nhà giặt quần cho vợ dài dài, mệt nghỉ…

Vẫn biết cuộc sống quanh quẩn trong xó nhà làm những việc chân tay lặt vặt, lâu lâu được rờ đôi mông teo của vợ hiền… tuy tăm tối cũng còn khá hơn cuộc sống trong tù nhiều, nhưng khi các anh em tôi bị bắt tù tôi không bị như anh em, tôi thấy kỳ quá. Mỗi lần đi ra, di dzô cư xá tôi cứ cúi mặt xuống mà đi. Tôi có mặc cảm người ta nhìn tôi với ánh mắt muốn hỏi: "… Bao nhiêu văn nghệ sĩ bị bắt, sao tên này không bị? Nó làm gì mà bọn Việt cộng không bắt nó?" Nếu bà con cô bác có ai théc méc đặt câu hỏi như vậy thì cũng đúng thôi: việc tôi bị Việt cộng bắt không có gì lạ, việc VC không bắt tôi mới là lạ. Tôi nói lại cho rõ: ngày ấy, tháng ấy, năm ấy tôi không mong tôi cũng bị bắt như anh em, tôi chỉ thấy anh em bị bắt tôi không bị sao kỳ quá…

Những năm 1976, 1977 những anh con trai bà Cả Đọi không bị đi cải tạo ở nhà làm việc giữ nhà, giặt giũ, nấu cơm, đổ rác là chuyện thường - đàn bà đi chợ trời, chợ đất, mua đi, bán lại kiếm sống - ngồi buồn trong xó bếp căn nhà tối tăm trong cư xá Tự Do mãi cũng chịu không nổi, có những chiều nấu cơm xong, tôi tắm rửa sạch sẽ, ra đầu cư xá ngồi chờ Alice đi chợ trời Hàm Nghi về bằng xe ô-tô-buýt, tôi mần bài Sẩm Xoang:

Gió lay cành trúc, gió đập cành tre

Thuyền tình anh vẫn le te đợi nàng

Gió lắc cành vông, gió lật cành bàng

Thuyền tình anh chẳng đợi nàng thì anh đợi ai?

Ối cô nàng ờ… Ới cô nàng ơi… Anh nói để cô nàng hay

Chứ mà… Cô nàng nghe anh hỏi cô nàng này

- Lương Mẽo được mấy trăm đồng?

Dầm sương, dãi tuyết má hồng nàng phai.

Đi lắm thì vú nàng quai

Chẳng thà ăn sắn, ăn khoai thành Hồ.

Nàng đói thì nàng bán đồ

Để anh cơm nước, chăm lo cửa nhà.

Riêu cua nàng chan cơm cà

Nàng mà đau bụng thì đà có anh

Nàng còn xẻo đất trồng hành

Anh trui cá lóc nấu canh tập tàng.

Cá lóc còn ở trong hang

Cái rau tập tàng còn ở ruộng dâu

Anh về anh chuốt cần câu

Ngoắc con cá lóc nấu rau tập tàng…

Với những bằng chứng như trên chi tiết hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên cho nhân vật Hoàng Hải trong "Những tên biệt kích cầm bút" nói với bà chủ vi la Kiều Trang:

- …Tôi đã treo bút. Viết ký gì bi giờ? Viết để làm gì???… Là hổng có đúng sự thật.

° ° °

Quý bạn vừa đọc một số trang trích từ quyển "Những tên biệt kích cầm bút" do hai đại tá công an Việt cộng viết ở Thành Hồ về nhóm anh em chúng tôi. Chương truyện này là cuộc họp mặt nhân lễ Giáng Sinh năm 1983, Trần Tam Tiệp năm ấy là Tổng thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, gửi một khoản tiền về cho chúng tôi nhân Lễ Noel có một bữa ăn gặp gỡ. Chúng tôi mượn vi-la của Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh ở Cư Xá Lữ Gia làm nơi tổ chức bữa ăn họp mặt. Vi-la này năm ấy do bà chị của Kiều Chinh làm chủ. Riêng Trần Tam Tiệp được hai anh Nam Thi - Minh Kiên, Tổng và Phó Biên tập tuần báo Công an thành Hồ gọi nguyên tên là Trần Tam Tiệp. Tên anh em chúng tôi đều bị cắt bớt một phần: Doãn Quốc Sĩ trở thành Đoàn Quốc, Dương Hùng Cường trở thành Dương Hùng, Khuất Duy Trác là Khuất Duy và tôi là Hoàng Hải.

CHƯƠNG 13

H

oàng Hải, anh Con Trai Bà Cả Đọi là nhân vật thứ hai được diễn tả trong NTBKCB sau Trần Tam Tiệp. Hình ảnh của anh có vẻ hào hoa phong thấp, nhưng cái hình ảnh đó hổng thật, hổng đúng tí nào. Hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên hoàn toàn phịa ra hình ảnh Hoàng Hải những năm 81, 82 tả tơi giữa lòng thành Hồ mà vẫn "hút thuốc píp Half and Half…"

Thời còn bị Mỹ Ngụy kìm kẹp anh con trai bà Cả Đọi quả thực có nghiện thuốc lá Mẽo - thời ấy anh nghiện nhiều thứ. Anh phì phèo thuốc điếu từ những năm 1950, năm anh mới mười tám, đôi mươi, mắt sáng, môi hồng, tâm hồn trắng như tờ giấy trắng trái tim trong suốt như nước hồ thu, thời anh chưa biết rõ về cái gọi là chi tiết người đàn bà khác người con gái ở cái gì - Thoạt đầu anh rít mỗi ngày vài điếu Cotab - Trước năm 1954 Công tử Nam kỳ hút Ách Chuồn Golden Club, Grand Prix, Công tử Bắc kỳ hút Cotab. Đến năm 1958 anh đổi sang Lucky Strike, rồi Pall Mall, Philip Morris Vàng dài dài cho đến ngày tan hàng.

Anh là người đưa câu "Lucky Ba Hàng Chữ" vào phóng sự. Nhiều người Sègòong ngày xưa cũng hút Lucky nhưng không biết "Lucky Ba Hàng Chữ" là gì, tại sao lại là "Ba Hàng Chữ". Số là Lucky Strike có ba loại: Lucky Một Hàng Chữ - đúng ra là hổng có hàng chữ nào - là loại thuốc phát không cho binh sĩ Mẽo, giống như thuốc điếu Quân Tiếp Vụ của quân đội ta ngày xưa, phẩm chất loại này tồi, bán rẻ. Lucky Hai Hàng Chữ là loại thuốc bán cho thường dân, có in hàng chữ Lucky Strike ở đáy bao. Lucky Ba Hàng Chữ, ngoài hai hàng chữ Lucky Strike còn thêm hàng chữ "For Export Only". Loại thuốc này chỉ dành để xuất ra ngoại quốc. Vì cạnh tranh loại thuốc này phải làm với phẩm chất cao. Vì vậy Lucky Ba Hàng Chữ giá đắt nhất. Năm 1960, thời Việt Nam Cộng Hòa còn cực thịnh, giá Lucky như sau: Lucky Một Hàng 25 đồng, Lucky Hai Hàng 28 đồng, Lucky Ba Hàng 30 đồng. Thời này giá vàng 3000 đồng một cây.

Anh Con Trai Bà Cả Đọi chẳng có qua một tí tài nào, kể cả những tài vặt, xong về việc hút thuốc lá thì anh có thể khiêm tốn tự phong anh thuộc loại cao thủ. Những năm 1960 - 1975 trung bình mỗi ngày anh hút 50 điếu. Mười, mười một giờ tối khi vào giường đọc sách anh rít khoảng năm, sáu điếu mới tắt đèn ngáo. Ngoài 50 điếu thuốc lá mỗi ngày anh còn hút pipe, xì gà. Nón cối, dép râu ngơ ngáo vào Sàigòn, anh - cũng như những người Sègoòng nghiện thuốc lá - đi mua thuốc Vĩnh Hảo, Lạng Sơn về vấn lấy theo kiểu Bốc En Xe - bốc thuốc rời ra xe lại - và Ông Già Le Lưỡi- le lưỡi liếm giấy vấn thuốc. Tám năm ngồi rù trong tù anh hút thuốc rê liên tục từ năm giờ sáng đến mười giờ đêm.

Chẳng hay hớm gì việc hút xách. Chỉ là vì ngay những trang đầu NTBKCB đã thấy cớm cộng tả mình phây phây hút Half and Half giữa lòng Thành Hồ Xã hội Chủ nghĩa toàn dân đói rời, đói rạc, đói rệu, đói rã nên cảm khái đi một đường hoài niệm ngày xưa. Ngày xưa ấy là những năm 1960-1975 anh Con Trai đang ở số tuổi phong độ nhất đời anh. Anh làm nhân viên Nhật báo Sàigònmới, nhật báo có số báo bán cao nhất lịch sử Việt Nam kể từ ngày Việt Nam có nhật báo. Những năm 1960 Nhật báo Sàigòn Mới có số bán nhất Nam kỳ, nhất Trung kỳ, nhất Đông dương luôn. Anh Con trai bà Cả Đọi, anh em cùng vợ với Công tử Hà Đông, thanh niên Bắc kỳ chính cống Bà Lang Trọc, có duyên được vào làm nhân viên báo Sàigònmới, tờ nhật báo Nam kỳ điển hình, độc giả của Sàigònmới toàn là người Nam. Anh viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho báo Ngôn Luận, Văn Nghệ Tiền Phong của chủ nhiệm Hồ Anh, tuần báo Điện Ảnh của chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Linh, rồi Kịch Ảnh của chủ nhiệm Quốc Phong, tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai của chủ nhiệm Nguyễn Đức Khiết, anh con thứ sáu của bà Bút Trà. Anh ra dzô xoành xoạch nhà sách Xuân Thu, Pagode, Brodard, anh đớp bíp-tếch ở Diamond, Kim Hoa, bui-a-bét ở Choeng Nam và đều đều mỗi ngày anh hút vào phổi anh khói độc nhưng thơm, nhưng mê người của gần 60 điếu thuốc lá.

Xin cho hoài niệm chút thôi. Bạn có thể nói: "Ăn chơi hạng bét. Dzậy mà cũng kể…" Bạn có thể nói: "Mẹ kiếp. Việt cộng nó tuyên bố Đồng Khởi từ năm 1958. Thằng lớn chơi lớn, thằng nhỏ chơi nhỏ. Đầu hàng là đáng kiếp…" Bạn nói đúng. Tôi chỉ kể để nói rằng tôi hút thuốc lá Mẽo đến hết tháng 5 năm 1975 là ngừng. Ngày 5 hay 10 Tháng Năm năm 1975, tôi gượng đi lên trung tâm Sàigòn. Chị bán thuốc lá ở trước tiệm kem Mai Hương đường Lê Lợi còn vài gói Paul Mall và một hộp thuốc pipe Sir Walter Raleigh. Tôi mua cả số thuốc này. Tôi giữ hộp Sir Walter Raleigh để đựng thuốc lá Vĩnh Hảo. Năm 1982 anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nguyễn Khánh Giư đến nhà tôi. Nhìn thấy hộp thuốc Mỹ để trên bàn anh Hiếu Chân ngạc nhiên:

- Cha… Giờ này mà cậu vẫn còn thuốc lá Mỹ để hút à?

Mấy tối trước tôi vừa nghe một phóng viên Đài BiBiXi diễn tả cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh bằng câu: "Trái tim tư bản vẫn đập trong cái xác Xã hội Chủ nghĩa", tôi trả lời anh Hiếu Chân:

- Có cái hộp Mỹ thôi, ông ơi. Trong nó đựng thuốc lá Vĩnh Hảo. Cái này gọi "gan ruột vô sản nằm trong cái xác tư bản"

Tôi ngừng viết năm phút vì bồi hồi tưởng nhớ những ông bạn tôi nay không còn nữa, các anh hơn tôi từ mười đến mười lăm tuổi. Các anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nguyễn Khánh Giư, Trần Việt Sơn, Cao Hữu Đính, Nguyễn văn Đạt, Vương Văn Bách, Cát Hữu, Dương Thiệu Tước, Vũ Bằng, Hoàng vĩnh Lộc… Các vị đàn anh tôi đã sống, đã chết ở Sàigòn sau 1975. Hai mươi mốt mùa lá rụng đã rơi trên những lối mòn mờ vết chân xưa kể từ ngày oan trái ấy. Không biết bao nhiêu người tôi được quen biết, giao du nay đã ra người thiên cổ.

Buổi tối họp mặt của chúng tôi Noel 1983 ở vi-la của Nữ minh tinh Kiều Trang có sự tham dự của các đàn anh Tam Lang, Vũ Bằng, Doãn Quốc Sĩ, Tạ Tỵ. Bốn anh chỉ đến ngồi chơi, nói chuyện với anh em cho vui rồi về, không ở lại ăn uống. Mời 6 giờ, nhưng nhà khó tìm, người nọ chờ người kia, nên mãi đến 8 giờ tối mới bắt đầu ăn uống. Rượu, tôi nhớ có hai chai Napoleon, không phải Camus. Dương Hùng không mang Cây Lý đến như tả trong truyện. Thấy có hai gói Lucky, tôi hỏi Khuất Duy:

- Ê… mua cả gói cho anh em hút hay mua lẻ vài điếu đây?

Anh Vũ Bằng cười:

- Hoàng Hải Thủy bôi bác Khuất Duy Trác quá vậy..?

Tối ấy các anh Tam Lang, Vũ Bằng, Trần Việt Sơn hãy còn sống, hai anh Tạ Tỵ, Duyên Anh chưa vượt biên, chúng tôi chưa bị bắt, hai anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường chưa chết trong tù.

Tôi bị bắt lần thứ nhất cuối năm 1977, hai mùa lá rụng sau tôi từ Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu trở về mái nhà xưa. Dương Hùng Cường đã đi cải tạo ba niên và đã trở về với vợ con trong căn nhà hẻm đường Lý Thường Kiệt, gần cái gọi là Trung tâm Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gặp nhau, Cường bảo tôi:

- Trần Tam Tiệp trước có làm thơ tếu ký tên Đạo Cù đăng ở Con Ong… nay là Tổng thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại ở Paris, có gửi thuốc Tây về cứu đói văn nghệ sĩ. Tôi đã báo tin cho Tiệp biết ông về và gửi địa chỉ của ông cho Tiệp. Kỳ quà tới thế nào ông cũng có đấy.

Và thế là tôi được ghi danh vào sổ Con Cá Nó Sống Vì Nước Ngoài của Văn Bút Hải Ngoại. Tiệp viết thư về cho chúng tôi biết anh xin được PEN International - Hội Văn Bút Quốc Tế - một khoản tiền để cứu đói anh em kẹt ở nhà. Số tiền PEN Intern, cộng với số tiền Văn Bút Hải Ngoại quyên góp được, Tiệp mua thuốc tây gửi về cho chúng tôi. Khi Tiệp gửi tiền về cho chúng tôi tổ chức đêm Noel với nhau, vợ chồng Khuất Duy Trác - có Ngũ Long Công chúa, lúc này còn Tứ Long, một công chúa đã phú lỉnh sang được Xê Kỳ - được Tiệp nhờ tổ chức bữa ăn Noel họp mặt. Trác mượn vila của bà chị nữ minh tinh Kiều Trang - Kiều Chinh - để anh em gặp gỡ.

Vi-la ở Cư xá Lữ Gia cạnh trường đua Phú Thọ. Từ Cư xá Tự Do giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền tôi đã đạp xe lóc cóc đến Cư xá Lữ Gia nhưng vì tôi ghi sai số nhà nên tôi không tìm ra vi-la. Trong khi ấy mấy cháu con gái của Khuất Duy Trác và Dương Hùng Cường- Vợ chồng Cường cũng có Ngũ Long Công chúa như vợ chồng Trác- đứng ở đầu ngõ chờ chú, bác nào lớ ngớ có vẻ tìm nhà thì chỉ đường. Tôi có đạp xe qua chỗ mấy cháu đứng nhưng tôi chẳng biết mặt đứa nào cả. Còn các cháu chắc cũng ngờ ngợ nhưng thấy tôi đạp đi luôn nên chẳng hỏi. Tôi về nhà ngồi được một lúc thì một anh bạn chạy xế Bridgestone đến. Anh biết tôi không tìm ra nhà nên đến đón tôi.

Sự thực là như vậy. Và vì vậy cho nên sáng nay ngồi viết ở Rừng Phong Arlington - Tết Mẽo, tết Mít qua đã lâu rồi nhưng đêm qua, trận mưa tuyết thứ tư trong năm mới đổ xuống Virginia Đất Tình nhân- sáng nay tuyết trắng trời, trắng đất, tôi - đại diện nhân vật Hoàng Hải trong NTBKCB, xin nói cho rõ:

1. Tôi có đến dự buổi gặp mặt tại vila Kiều Trang nhưng tối ấy tôi không có hút thuốc pipe Half and Half như được tả. Tôi không hút vì tôi không có mà hút. Từ năm 1980 có luật tất cả các loại thuốc lá ngoại quốc hằm bà lằng xíu oắt đều bị tịch thu hết. Thuốc Tylenol cũng vậy. Một lần khoảng năm 1982 tôi lên Kho Hàng Nước Ngoài ở Phi trường Tân Sơn Nhất lãnh một thùng quà từ Mỹ gửi về. Em kiểm hóa còn trẻ, trạc tuổi Kiều Giang con gái tôi, thấy số quà của tôi quá nghèo và chắc thấy nhan sắc tôi tiều tụy quá nên thương hại bảo tôi:

- Có mấy gói thuốc. Bác cất ngay đi. Đừng để người ta thấy…

Lần ấy trong số quà em tôi từ Mỹ gửi về có một cái pipe, bốn gói thuốc 79. Tôi mang thuốc 79 đi bán ở chợ Tân Định. Cái pipe được 500, 4 gói 79 được 200 tiền Hồ. Việc này có Cua Biển làm chứng. Cua Biển hiện cùng với Hoàng Anh Tuấn ở San Jose. Cua Biển dắt tôi đi bán. Có hàng tôi cũng chẳng biết phải đem bán ở đâu.

Bởi vậy tôi thấy tôi có quyền kêu "Oan Ơi Ông Địa" khi bị tả là phây phây hút thuốc pipe Háp ên Háp giữa lòng thành phố HCM muôn dân lầm than đói rách tả tơi. Tôi có hút nhưng là hút "Ngáp ên Ngáp" chứ không phải Háp ên Háp.

Tôi còn bị vu oan trong đoạn diễn tỏa tôi "nịnh" bà chị nữ minh tinh Kiều Trang. Em Thị Mầu bị nghi là còn trinh oan uổng như thế nào thì tôi cũng oan như thế. Sự thật là bà chủ nhà cho vợ chồng Khuất Duy mượn một gian phòng và nhà bếp trong một tối nhưng bà không ra tiếp tụi tôi, không ăn uống với tụi tôi. Tôi không những là không có hân hạnh được nịnh bà mà tôi còn cả đời chẳng bao giờ được gặp bà, được nhìn thấy dung nhan của bà.

Tội nghiệp tôi, tội nghiệp Hoàng Hải. Ngày ấy, năm ấy tôi đâu còn tí ti ông cụ hào hoa phong thấp nào. Còn đâu những ngày phì phèo Philip Morris Vàng, vào nhà Xuân Thu ôm một đống sách báo, ăn trạo tôm, ngọc dương hầm thuốc Bắc ở Ngân Đình Tửu Gia, phóng xế Hillman Đề-ca-pô-típ trên xa lộ, trải áo paraverse cho nàng nằm dưới hàng dừa, chiều chiều lên tuốt Chuồng Cu Nhà Quốc Hội ngồi với Từ Chung, Cát Hữu, Xuân Mai - hôm nào Từ Chung không đi thì có Phan Nghị - dự phiên họp Quốc hội để viết bài tường thuật trên báo Sàigònmới. Những ngày ấy đã xa rồi trong dĩ vãng. Những năm 1980, tôi gầy ốm xương xẩu, đen đủi, thân xác chỉ còn xương với da. Nhiều lúc đứng trước gương trong nhà tôi thấy tôi như con trâu già. Một cô em văn nghệ của tôi, cô Thục Viên, hiện ở Houston, Texas, có lần nói với tôi ở Thành Hồ những ngày xa xưa đó:

- Em thấy anh đi qua, nhưng em không biết có phải anh không nên em không gọi. Sao anh ốm quá…

CHƯƠNG 14

T

rong những ngày đen hơn mõm chó mực ấy nhiều lần đạp xế lang thang trên những nẻo đường Thành Hồ tôi cũng có nhìn thấy vài người đàn bà trước 1975 có cảm tình với tôi. Tôi có thể ghé xe đạp vào vỉa hè nói chuyện vài câu với các nàng. Nhưng tôi không ghé. Ghé làm gì. Chỉ thêm buồn tủi. Nhan sắc tôi tàn phai thảm thiết quá đỗi. Tôi muốn giấu mặt tôi đi để các nàng đừng nhìn thấy. Hôm nay tôi xin nói rõ: Tôi không hề có hân hạnh được "nịnh bà chủ vila Kiều Trang" như chuyện diễn tả trong NTBKCB. Tự xét thân tôi, tôi thấy dường như cả đời tôi chẳng nịnh, chẳng bốc thơm, chẳng nâng bi qua một người đàn bà nào trên cõi đời này. Ca tụng những nữ nhân vật trong tiểu thuyết thơm hơn múi mít thì có, nhưng ca tụng đàn bà bằng xương, bằng thịt, bằng da, đàn bà có ăn, có ngáo thực sự trên đời này thì không. Nhiều người đọc truyện tôi viết thấy tôi có vẻ vi vút phong tình, nhưng đấy toàn là chuyện tôi phịa ra mà thôi. Tôi là anh đàn ông cơm nhà, quà vợ tầm thường nhất cõi đời này. Quả đáng tội cũng có vài người đàn bà chẳng may dính líu ái tình mí tôi nhưng đó là vì các nàng kiếp trước quỵt nợ tôi nên kiếp này các nàng phải trả. Dzậy thôi. Tôi không hề thả lời ong bướm quyến rũ rủ rê bất cứ người đàn bà nào.

Về nữ minh tinh Kiều Trang thì cái gọi là quen biết giữa nàng với tôi là như vầy: Năm 1956 có hai bộ phim Việt do đạo diễn Phi Luật Tân thực hiện ra đời: Phim "Chúng tôi muốn sống" và phim "Ánh sáng miền Nam". Những tên tuổi Mai Trâm, Thu Trang, Khánh Ngọc, Lê Quỳnh nổi lên từ hai phim này. Anh Đỗ Bá Thế, Giám đốc hãng phim Đông Phương thực hiện phim "Ánh sáng miền Nam", nhờ bạn tôi Minh Đăng Khánh, giúp phần quảng cáo trên các báo. Năm đó tôi đang phụ trách cái gọi là Trang Điện ảnh cho nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của chủ nhiệm Hồ Anh.

Gần Tết hay vừa Tết xong, hãng phim Đông Phương tổ chức cuộc Thi Hoa Hậu Đông Phương ở Hội Chợ Quang Trung, Minh Đăng Khánh chở tôi lên hội chợ trên chiếc Lambretta của anh. Hội chợ buổi tối vắng còn hơn chùa Bà Đanh. Khách dự cuộc thi hoa hậu ngồi ngoài trời lạnh thấy mồ. Dự thi hoa hậu chừng mười lăm em. Các em toàn bận áo dài - không hở cổ vì bà Lệ Xuân chưa lăng xê mốt hở cổ, hở vai - có mặc quần đàng hoàng, đi qua đi lại vài vòng, không có mặc áo tắm một mảnh, hai mảnh chi cả. Ta có thể coi đây là cuộc thi hoa hậu thứ nhất ở Sàigòn.

Người về sau trở thành nữ minh tinh Kiều Chinh - người được gọi là Kiều Trang trong NTBKCB - cũng lên đài biểu diễn. Lẽ ra nàng được chọn làm Hoa Hậu Đông Phương, nhưng vì nàng không ghi danh dự tuyển nên Ban Giám khảo trao tặng nàng một giải đặc biệt. Tôi theo Minh Đăng Khánh vào cái gọi là hậu trường quây bằng cót để phỏng vấn nàng đôi câu về đăng báo.

Sau đó nàng bốc lên - không như diều gặp gió mà như phi cơ phản lực - nàng lên hình bìa tạp chí Kịch Ảnh Số Một, đóng phim "Hồi Chuông Thiên Mụ" v.v…và v.v… Thành công với phim "Người Tình Không Chân Tay", nàng trở thành người cả nước biết mặt, biết tên v.v… và v.v…

Người có tài như cây kim nằm trong bọc chẳng ai bóp cũng thò ra. Người đã có tài mà lại là đàn bà đẹp thì mũi kim của các nàng còn thò ra nhanh gấp bội. Kiều Chinh có tài nên Kiều Chinh nổi. Anh Con trai bà Cả Đọi lục lục thường tài nên anh không nổi, không chìm, anh lình bình vất vả suốt một đời chẳng lúc nào được trội hơn người.

- Khuất Duy, Dương Hùng, Hoàng Hải không bao giờ gọi Đoàn Quốc bằng "cụ", bằng "bác" cả.

- Hoàng Hải có nhờ Trần Tam Tiệp, với tư cách Tổng Thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, liên lạc với mấy nhà xuất bản bên Xê Kỳ đã tái bản vài quyển truyện của y để xin tí tiền cứu đói. Nhờ Tiệp tôi được chi - qua Tiệp - khoảng 400 đô. Trong mấy năm trời, tôi nhận được nhiều lần quà của Tiệp. Nhưng tôi chỉ nhận được phần quà của tôi như anh em có tên trong Danh Sách Con Cá của Tiệp. Khi tôi viết bài gửi sang, Tiệp đưa đăng báo, anh em thường nhờ Tiệp gửi tiền về cho tôi là tôi có tiền riêng mà thôi.

- Trong buổi gặp tối ấy chúng tôi có đọc một thư của Tiệp nhưng thư ấy không phải là lá thư được đăng ở đoạn trên. Thư của Tiệp viết cho chúng tôi có kèm theo một thư tiếng Anh của vị Trưởng ban Writers in Prison Committtee của Ban Chấp Hành PEN Intern gửi cho Tiệp, thư này nói đến chúng tôi.

° ° °

Tháng Chín 1977 công an Thành Hồ đưa xe bông đến Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, đón tôi đi. Tôi nằm 12 tháng 2 ngày trong hai phòng Biệt giam 15 khu B, phòng biệt giam 6 khu C Một - kỷ lục nằm xà lim có thể là vô địch trong hàng ngũ văn nghệ sĩ Sàigòn kẹt giỏ bị giam ở cái gọi là Trại Tạm Giam số 4 Phan Đăng Lưu - Tháng Mười Một năm 1979 tôi trở về Ngã Ba Ông Tạ. Lần tù thứ nhất này tôi nằm ngâm thơ Ngồi Rù 23 tháng mây bay trong Số 4 Phan Đăng Lưu.

Người bạn tôi gặp lần đầu tiên khi vừa về đến nhà là Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều. Khi ấy Mai Thảo, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Lê Thiệp, Nguyễn Hữu Hiệu - Thiệp và Hiệu sống cùng khu Ông Tạ với tôi - đã vượt biên sang Mỹ. Nhiều bạn tôi bị bắt trước tôi: Thái Thủy, Duyên Anh, Thanh Thương Hoàng, Tú Kếu còn mỏi mòn trong những trại cải tạo. Những ngày tháng đen hơn mõm chó mực ở Thành Hồ cuối 79 tôi chỉ có một người bạn thân là Lê Trọng Nguyễn.

Lê Trọng Nguyễn đi sang Hoa Kỳ với vợ con theo diện đoàn tụ gia đình năm 1983. Gia đình vợ anh bảo lãnh cho con gái và thế là Nguyễn và bốn con đàng hoàng lên máy bay sang Mỹ. Gia đình Nguyễn là một trong số những gia đình đầu tiên đi đoàn tụ gia đình.

Nếu Lê Trọng Nguyễn không đi khỏi Thành Hồ năm 1983 anh đã bị bắt cùng chúng tôi trong đêm 2 tháng Năm năm 1984 hoặc ít ngày sau đó. Chuyện đó chắc hơn đinh đóng cột. Nếu Nguyễn bị bắt cùng chúng tôi, không biết đời anh sẽ ra sao? Khi nhìn thấy nhau xách túi quần áo đứng chờ trước cửa xà-lim, chúng tôi không ai nghĩ đến chuyện hai anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường lại chết trong tù.

Nguyên nhân Lê Trọng Nguyễn - nếu còn có mặt ở thành Hồ tháng Năm 1984 - bị tóm là anh làm một bản nhạc hành khúc. Anh đưa cho tôi và bảo:

- Mày làm lời bài này cho tao. Tao tặng Kháng Chiến Quân…

Tôi nói chỉ có người soạn nhạc lấy thơ phổ nhạc, tôi không thể làm lời nhạc được vì lẽ giản dị tôi mù tịt về âm nhạc, mù tịt luôn cả dương nhạc. Nguyễn làm lời rồi đưa bản nhạc cho tôi gửi sang Mỹ. Tôi đặt tên cho bản nhạc rồi viết thêm vài dòng:

Tiếng hát trở về

Tặng các bạn Kháng Chiến Quân. Nhạc và lời Trung Nhơn.

Trung Nhơn là một nhạc sĩ nổi tiếng của chúng ta từ lâu trước 1975. Hiện ông đang sống ở Sàigòn. Vậy chúng ta cứ tạm biết ông với cái tên Trung Nhơn.

Tôi gửi bản nhạc đi. Năm ấy là năm 82. Thấm thoát vậy mà đã mười mấy mùa lá rụng. Những ngày như lá tháng như mây - Thơ Thanh Nam, - tôi không nhớ tôi gửi cho ai, cho báo nào. Thế rồi Nguyễn đi khỏi Thành Hồ vào cuối năm 1983, đi khỏi đường Nguyễn Minh Chiếu bị đổi tên là Nguyễn Trọng Tuyển, tôi mất thêm một người bạn tốt.

Vào hai giờ sáng ngày 2 tháng 5, 1984, bọn đầu trâu mặt ngựa cháu Bác Hồ, mười mấy tên kéo vào căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi. Lực lượng công an đi vồ phản động lần này thật hùng hậu. Hai máy ảnh nháng đèn liên hồi. Ít nhất nội trong đêm ấy chúng cũng phái năm đội như thế đi bắt anh em chúng tôi: Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự và tôi bị bắt trong cùng một đêm.

Xét nhà tôi chúng tóm được mấy bức thư Nguyễn từ Mỹ gửi về cho tôi. Nhờ có kinh nghiệm vì đã bị bắt một lần tôi cẩn thận cất giấu tất cả những gì tôi viết. Khi ta đã cất đến ông nội chúng nó cũng không tìm thấy. Chỉ vì ta như những em gái trinh hớ hênh, ta để tài liệu khơi khơi trên bàn, bên gối, trên giường, trong tủ nên chúng mới dễ dàng tóm được mà thôi. Chúng vớ được mấy lá thư của Nguyễn vì tôi thấy thư viết chuyện đời sống của Nguyễn và gia đình ở bên Mỹ, toàn chuyện vô thưởng vô phạt nên để thư trong ngăn kéo bàn.

Theo đúng thông lệ và thủ tục thẩm vấn người mới bị bắt vô là bị hỏi liên tiếp trong những ngày đầu. Tôi không chối tội vì tôi thấy tôi không có gì phải xấu hổ vì những việc tôi làm. Hai nữa tôi không chối vì tôi biết có chối cũng vô ích. Khi bắt mình chúng đã định trước mức án. Chối thì mười năm mà nhận thì cũng mười năm. Chi bằng nhận mình hách hơn. Ít nhất mình cũng không hổ thẹn với chính mình. Lý do thứ ba làm tôi dễ dàng khai báo nhận tội là tôi không thích nói dối. Tất nhiên không phải tôi nói dzậy là suốt đời tôi không bao giờ nói dối. Có chứ. Nhưng tôi đã viết: theo tôi thấy qua kinh nghiệm mồ hôi và máu tươi của tôi - mồ hôi vì trong tù đông người nóng quá, máu tươi vì phải đem thân gầy nuôi rệp xuất khẩu thâu ngoại tệ về cho đảng Cộng sản bỏ túi và nằm trần không mùng cho muỗi tha hồ đốt - với Công an cộng sản thì người tù chối hay nhận tội cũng vậy thôi. Thêm nữa tôi dễ dàng nhận tội vì tôi chỉ nhận những cái gì gọi là tội của tôi, tôi không phải khai báo việc làm của anh em tôi. Đây là điều thoải mái nhất cho lương tâm tôi. Những gì tôi biết về việc làm của anh em tôi bọn cớm cộng cũng đã biết. Chúng còn biết về những việc anh em tôi làm nhiều hơn tôi nữa.

Công an Thành Hồ có sách báo của người Việt hải ngoại dễ hơn chúng đớp cơm sườn. Tay sai của chúng ở các nước tư bản mua đủ thứ sách báo Việt gửi về. Chúng chỉ việc nghiên cứu những bài viết tìm xem tên nào đang sống trong vòng kìm kẹp ác ôn của chúng dám liều mạng viết những bài tố cáo tội ác của chúng gửi ra nước ngoài. Huỳnh Thành Trung, tên anh Công an thẩm vấn tôi, mang vào Phan Đăng Lưu chừng năm bẩy tờ tạp chí hải ngoại. Trong những tờ báo này có những bài chúng nghi là do tôi viết. Chúng mang báo vào cho tôi đọc và hỏi rằng có phải bài này do tôi viết không?

Chúng chỉ cho tôi đọc riêng bài nào chúng nghi tôi là người viết. Một trong những lạc thú của những người viết là được đọc những bài viết của mình được in rõ ràng, sáng sủa trên những trang sách báo. Lâu lắm rồi tôi không được hưởng cái lạc thú ấy. Tôi khoái chí đọc từ đầu đến cuối những bài tôi viết được in ở nước ngoài. Và tôi nhận của tôi nếu bài viết đó do tôi viết, tôi nói không nếu bài viết đó không phải do tôi viết. Tôi dùng nhiều bút hiệu dưới những bài ấy: Ngụy Công Tử, Văn Kỳ Thanh, Yên Ba, Con Trai Bà Cả Đọi, Dương Hồng Ngọc, Hồ Thành Nhân, Triều Đông, Hạ Thu v..v… Trên mấy bài chúng nghi tôi là tác giả tôi thấy tên nào đó ghi mấy chữ "H2T?"

Hát Đơ Tê và dấu hỏi. Như vậy là có tên nào đó biết khá rõ về lối viết, về cái gọi là "văn phong, ngôn ngữ" của HHT đã đọc bài viết này và nghi bài đó là của Hát Đơ Tê.

Trong một số báo như thế tôi thấy đăng bản nhạc "Tiếng Hát Trở Về tặng các bạn Kháng Chiến Quân, Nhạc và lời của Trung Nhơn," đăng nguyên con, đăng y chang. Ông bạn nhà báo nào đó nhận được bản nhạc đã đưa luôn bản viết tay của chúng tôi lên máy chụp luôn, in luôn. Chữ tôi viết lời giới thiệu, chữ Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều Trung Nhơn Rởm lù lù trên trang báo. Còn chối chăng chi nữa. Chối là con nít. Chữ mình viết rõ ràng. Có là con nó thì may ra chối nó để yên, còn là bố nó mà đến nước ấy còn ngang ngạnh chối nó cũng đá cho hộc máu.

Tôi nói:

- Đúng. Bài này tôi viết. Bản nhạc này do tôi gửi đi. Tác giả nó là bạn tôi, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, anh bạn tôi đã sang Hoa Kỳ.

Anh công an nghiêm giọng:

- Anh nên khai báo nghiêm chỉnh. Đừng tưởng cứ đổ hết tội cho người đã ra đi nước ngoài là được đâu.

Tôi chỉ nói:

- Mấy dòng chữ trên bản này là của tôi, những dòng này là chữ Lê Trọng Nguyễn. Các anh đã bắt được thư của Nguyễn ở nhà tôi, so tự dạng là các anh biết ngay chứ gì.

Anh công an thẩm vấn tôi lần tôi bị bắt thứ hai này chưa đầy ba mươi tuổi. Anh sinh trưởng ở Sàigòn, thuộc loại con nhà "gia đình cách mạng", tức có cha, anh, chú, bác là Việt cộng nên anh được đưa vào ngành công an. Tên anh, bí danh hay tên thật tôi không rõ, là Huỳnh Trung Thành. Tôi thấy tên anh ghi trên biên bản thẩm vấn tôi. Dường như tôi có duyên nợ với những anh công an Việt cộng họ Huỳnh tên Thành. Người thẩm vấn tôi lần trước 77-79 là Huỳnh Bá Thành, lần 84-90 này là Huỳnh Trung Thành.

Trong những buổi thẩm vấn tôi Huỳnh Bá Thành thường ngưng hỏi để trò chuyện với tôi, Huỳnh Trung Thành nói chuyện riêng ít hơn. Anh còn quá trẻ so với tôi, anh không biết gì nhiều để nói. Có lần anh tâm sự:

- Tôi sống ở Sàigòn nhưng các ông anh, bà chị tôi mới biết các ca sĩ Thái Thanh, Anh Ngọc. Tôi không biết.

Xin kể một chuyện bên lề dính dáng đến hai ông Mít nổi tiếng trong giới Mít Dzăng nghệ dzăng gừng hải ngoại nói chung, Xê Kỳ nói riêng. Hai ông đó là ông Lê Văn đài VOA, và ông Đỗ Ngọc Yến nhật báo Người Việt.

Như tôi đã viết hơn một lần: sau 1975 sợi dây liên lạc mong manh duy nhất mà những Anh Con Trai Bà Cả Đọi kẹt giỏ Thành Hồ còn có được với thế giới bên ngoài là những giờ phát thanh tiếng Việt của hai đài VOA, BBC: Vợ Ông Anh, Bà Bán Cam, Bà Bán Cháo. Mỗi ngày chỉ cần nghe hai đài này là chúng tôi có thể yên tâm là mình biết tạm đủ tin tức trên thế giới.

Nhưng cũng có nhiều ông nghiện nghe đài nặng - tiếng đài là do ta bị ảnh hưởng của người miền Bắc xã hội chủ nghĩa: Mua đài, nghe đài, đài nói láo, báo nói sai - ngoài việc chờ nghe hai đài VOA, BBC các ông này còn chịu khó nghe đài Úc. Có thể nói kể từ ngày những đài VOA, BBC bầy ra giờ phát thanh tiếng Việt chưa bao giờ hai đài lại được thính giả Mít chiếu cố nhiều như những năm sau 1975.

CHƯƠNG 15

V

iệt cộng có luật cấm nhân dân nghe những đài phát thanh tư bản. Luật này lâu lâu lại được vẩn vương đem ra đăng lại trên các nhật báo. Nhưng ngơ ngáo vào Sàigòn Việt cộng bị tràn ngập bởi các máy radio. Sàigòn quá nhiều radio Việt cộng kiểm soát không nổi. Việc nghe VOA, BBC trở thành một nhu cầu phải có của nhiều người dân Việt Nam Cộng Hòa thua trận. Những tháng năm đen tối ấy anh Cao Hữu Đính, ông bạn vong niên của tôi, trang bị một máy radio vừa dùng được điện vừa xài được pin. Anh đề phòng những lúc Thành Hồ mất điện anh vẫn nghe được tin và để buổi sáng anh mang radio theo anh vào phòng vệ sinh. Giáo sư Cao Hữu Đính, nguyên giáo sư Phật học Đại học Vạn Hạnh, nguyên Tổng Thư ký Hội Đồng Liên Tôn thời Phật Giáo chống Tổng thống Ngô Đình Diệm, anh đã mãn phần tại Thành Hồ năm 1993. Anh chị có bẩy người con. Tất cả các con của Cao lão gia đều thành đạt và hiện nay ở Canada, Hoa Kỳ và Pháp. Anh Đính chăm nghe radio, nhớ những tin liên can đến Việt Nam để nói lại cho chúng tôi nghe.

Hai ông Mít Ra-đi-ô ở hải ngoại được nhân dân Thành Hồ nhắc nhở đến, hai ông cùng tên Văn, ông Lê Văn Đài VOA, ông Đỗ Văn Đài BBC - Những năm 82, 83 buổi phát thanh Tạp Chí Đông Nam Á chín giờ tối thứ năm trong tuần của Đài BBC được Anh Con Trai Bà Cả đón nghe kỹ nhất. Tối nào có mục đi ăn nhậu viả hè anh đều chăm chăm đạp xế về nhà trước chín giờ tối để nghe Tạp Chí Đông Nam Á. Tối nào vui bạn hay có mồi ngon, rượu tốt không đành lòng nhẩy lên xế đạp trở về nhà để nghe BBC Đông Nam Á được anh tiếc hùi hụi. Một trong những nguyên nhân làm anh đón nghe đài BBC, VOA là để anh có điều kiện bàn tán với thiên hạ. Sáng hôm sau đến tiệm hớt tóc hay quán cà phê vỉa hè, nghe ai nói tối qua Bà Bán Cam loan tin này, tin nọ, anh có thẩm quyền phát biểu: "Hổng phải thế ông ơi. BiBiSi nói như vầy nè…". Nếu anh không nghe được buổi phát thanh ấy khi thiên hạ bình loan anh bán tín bán nghi.

Ông Văn ra-đi-ô thứ hai là ông Lê Văn. Ông này được bà con cô bác biết tên nhờ mục Âm Nhạc Việt Nam Hải Ngoại VOA. Những năm 1980 nhạc chiến đấu của Việt Dzũng, Nguyệt Ánh đang ở trong vòng hào quang sáng chói nhất. Giờ phát thanh nhạc Việt hải ngoại có nội dung đả kích Việt cộng đến nơi đến chốn. Bởi dzậy Việt cộng rất không ưa ông Lê Văn. Sau khi Hoa Kỳ bang giao với Việt cộng, VOA phái ông Lê Văn làm phát viên VOA ở Hà Nội, Việt cộng đã không chịu cho ông về nước. Trong khí đó thì Đỗ Văn BBC, một Công Tử Hà Đông rất ít khi chịu nhận mình là Công tử Hà Đông, cùng đi với bà Judy Stowe BBC, đã đàng hoàng trở về Hà Nội, Thành Hồ với tư cách đặc phái viên BBC từ những năm 88, 89..

Bà con kẹt giỏ nghe Đài VOA, kể cả những văn nghệ sĩ, chỉ biết Lê Văn là ông Lê Văn. Bỗng dưng tuần báo Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố HCM, đăng một bài đả kích đài VOA, gọi đích danh Lê Văn VOA là ký giả Đỗ Ngọc Yến.

Anh Con Trai Bà Cả từng có hân hạnh được quen biết ông Đỗ Ngọc Yến từ năm nhà ông còn ở gần Ngã Tư Hàng Xanh xa lộ. Ngày 25, 26 chi đó Tháng Tư năm 1975, anh còn gặp ông Đỗ Ngọc Yến ở Sàigòn. Ông và các ông Đỗ Quý Toàn, Lê Tất Điều, Vũ Ngự Chiêu, Phạm Hậu, Phạm Huấn, Thanh Nam v.v.. cùng nhiều ông khác dzọt đi thật lẹ. Từ khi tờ Tuổi Trẻ loan tin Lê Văn VOA là Đỗ Ngọc Yến bang chúng Cái bang Saìgòn đều cho là đúng. Chẳng còn ai théc méc gì.

Bị bắt, anh Con Trai Bà Cả Đọi cùng người anh em cùng vợ mí anh là Công Tử Hà Đông không thấy phiền hà gì với những buổi được gọi làm việc, tức là đi chịu thẩm vấn. Cai tù đến dùng sâu chìa khóa đập mạnh vào cửa xà lim - Hán Việt văn huê gọi là Biệt Giam - và gọi: "Hát… Hát… Tê… đi làm việc…". Phải viết là "được" đi thẩm vấn vì phòng tù xã hội chủ nghĩa, nếu là phòng biệt giam, tức sà-lim thì người tù nằm một mình quá buồn, muốn được ra ngoài cho thỏang khoát, muốn được nói chuyện dù là nói chuyện với kẻ thẩm vấn mình, nếu ở phòng tập thể thì phòng nhồi nhét quá đông người. Bẩn, nóng, ồn ào, hôi thối. Mùi người. Đụng chạm. Đó là những gì có mặt thường trực Vảnh Sít xuya Vảnh Cát ở tất cả những phòng tù Việt cộng nhốt nhân dân thân thương, nhốt những đồng bào của chúng không những chỉ ở Thành Hồ mà là ở khắp nước Việt Nam đau khổ. Được gọi đi thẩm vấn, ít nhất cũng được ra khỏi cái phòng giam bẩn thỉu ấy trong vòng hai tiếng đồng hồ, được ngồi tương đối thoải mái ở một chỗ tương đối vắng người, được công an Việt cộng mời hút thuốc lá Mai, Vàm Cỏ v.v…

Trong một buổi thẩm vấn thường lệ khoảng Tháng 8 năm 1984 anh công an Huỳnh Trung Thành mở cặp lấy ra quyển sổ bìa đen. Anh để một tấm các nửa trong nửa ngoài trong sổ, phần tên tuổi người trong tấm các được che đi, chỉ cho tôi thấy tấm ảnh căn cước cỡ cát-xít. Thành hỏi tôi:

- Anh biết ai đây không?

Tôi nhìn ảnh. Tôi gặp người trong ảnh này cuối tháng Tư 1975. Bi giờ là tháng Sáu 1984. Thấm thoát dzậy mà đã chín mùa lá rụng. Tôi tưởng như tôi mới gặp ông ấy có ngày hôm qua. Tuy không được giao du thân mật với ông nhưng tôi không làm sao quên được dung nhan của ông. Ông trán cao, tai lớn, mặt vuông cương nghị. Đặc biệt ông có cặp kính trắng cận thị hơi dầy nên trông rất trí thức. Chắc hơn bắp là mình nói đúng, mình cũng là tay kha khá ở Sàigòn vì mình quen biết nhiều người quan trọng, tôi trả lời:

- Nếu tôi không lầm thì đây là ảnh anh Đỗ Ngọc Yến…

Và để lấy điểm tôi tự khai báo thêm:

- Anh này hiện ở Mỹ. Nghe nói anh ta là Lê Văn đài Vê-Ô-A.

Huỳnh Trung Thành gật đầu:

- Anh nói đúng đấy.

Tấm các được lấy ra cho tôi xem. Chẳng cần nhìn tên tôi cũng biết đó là Đỗ Ngọc Yến. Đây là tấm phiếu lý lịch của anh khi anh khai lấy thẻ căn cước hay xin thứ giấy tờ gì đó ở trong hồ sơ Tổng Nha Cảnh sát của ta.

° ° °

Tôi có tật viết vòng vo và quý bạn đọc vừa thấy tôi biểu diễn một đường Lăng Ba Vi Bộ vi vút.Ý định của tôi khi ngồi vào bàn gõ máy chữ Olympia mang theo từ Ngã Ba Ông Tạ, Thành Hồ đến Virginia Rừng Phong A Linh Tôn là viết về Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều, và về một người đã thương xót, đã giúp đỡ an ủi khuyến khích, làm cho trái tim vợ chồng, bố con tôi, kể cả trái tim thằng cháu ngoại của tôi ấm lại.

Năm 1980 từ số 4 Phan Đăng Lưu trở về Ngã Ba Ông Tạ, gặp lại Dương Hùng Cường - anh đi cải tạo trở về khoảng năm 1979 - Cường bảo tôi:

- Trần Tam Tiệp, không quân, tức Đạo Cù, Con Ong, hiện là Tổng Thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, ở Paris, có gửi thuốc về cho anh em. Tôi đã cho Tiệp biết ông mới về, địa chỉ ông, kỳ quà tới thế nào ông cũng có đấy.

Tôi gặp Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn nói:

- Có cô Phương Hương ở Pháp gửi thuốc về chi viện văn nghệ sĩ. Tao có báo cho cô ấy biết tin mày. Địa chỉ của cô ấy đây. Mày nên viết cho cô ấy…

Thế là tôi được ghi tên vào hai sổ Con Cá Nó Sống Vì Nước Ngoài, sổ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại kiêm Văn Bút Quốc Tế của Trần Tam Tiệp, Sổ Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn của cô Phương Hương. Khi gửi thùng thuốc cho Lê Trọng Nguyễn, cô để tên người gửi là Lê Thị Phương Hương, trên thùng thuốc gửi cho tôi cô đề tên người gửi là Hoàng Thị Phương Hương. Gửi quà cho ai, cô lấy tên họ người ấy. Tôi chắc trên thùng thuốc cô gửi cho Mai Tuyết An, vợ Lý Đại Nguyên, cô để tên người gửi là Mai Phương Hương.

Trong những năm đen tối, tuyệt vọng ở Thành Hồ, tôi may mắn được khá nhiều người gửi đồ, gửi tiền về cứu trợ. Bà Dì tôi và các em tôi không kể, cô Phương Hương là một trong những người thương xót vợ chồng chúng tôi nhất. Tôi chắc với tất cả mọi người - những chúng sanh lặn ngụp trong bể khổ cõi Ta Bà - cô Phương Hương đều có tấm lòng vị tha như thế. Tôi được biết tên cô là Cao Ngọc Phượng, sinh quán Bến Tre, nữ bác sĩ. Cô là Phật tử thuần thành, đệ tử của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh. Tôi gửi một số bài viết của tôi sang cô. Hai bài của tôi được đăng trong tuyển tập "Tắm Mát Ngọn Sông Đào" do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành ở Paris năm 1982.

Tắm Mát Ngọn Sông Đào được lấy ra từ bài Sẩm Xoang của tôi:

Muốn tắm mát thì lên ngọn cái con sông đào

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh

Đôi tay anh vín đôi cành

Quả chín anh hái quả xanh anh vồ

Năm sáu năm nay anh ăn ở Thành Hồ

Cơm nhà quà vợ nửa rồ anh lại nửa điên

Sống quẩn quanh ngày tháng nó nặng chiền chiền

Ngày rơi ngày muộn, đêm phiền theo đêm

Nhưng mà em ơi… Anh ngẫm cái thân anh đến giờ này anh còn nệm ấm, giường êm.

Vợ thương, con thảo, anh còn rên cái nỗi gì

Bạn bè anh như lá đài bi

Đứa thì dãi nắng, đứa thì dầm sương

Thằng sông Vô Định phơi xương

Thằng thì con vợ nó phú lỉnh một đường sang sông

Thơ xanh anh chép giấy hồng

Lúc hèn thì đến Quận Công cũng hèn.

Nói gì rằng đỏ, rằng đen.

Được cô Phương Hương thương xót, cứu trợ và đối xử chân tình, tôi chăm chỉ viết thư cho cô, kể linh tinh đủ thứ chuyện trong nhà, ngoài xã hội. Ngoài việc cứu trợ bằng phẩm vật, nâng đỡ tinh thần bằng những lời thăm hỏi, cô còn giúp vợ chồng tôi nhiều nữa qua những việc cô làm mà cô không nói, như trình bày trường hợp của tôi với những tổ chức nhân đạo quốc tế để xin họ giúp đỡ, xin họ can thiệp cứu tôi, lên tiếng đòi trả tự do cho tôi.

Tháng Năm 1984. tôi bị bắt lần thứ hai. Năm mùa lá rụng ngồi tù nhìn nắng chiếu, mưa rơi ngoài song sắt phòng tù tôi mới được gần Alice vảnh cát xuya vảnh cát ở trại Cải tạo Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai, Alice kể:

- Cô Phương Hương tội lắm. Anh bị bắt rồi, thư đầu cô ấy gửi về cho con Giang. Cô ấy viết: "… Giang… con ôm chặt lấy Má cho cô…"

Năm 1989 Doãn Quốc Sĩ và tôi ở trại Z30A, cô Phương Hương nhờ một nữ đệ tử về thăm quê hương đem tiền cứu trợ đến tận nhà cho chúng tôi. Nữ phật tử này cũng theo các vị sư sãi chùa Già Lam lên trại Z30A thăm các vị Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Đại Đức Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và thăm gặp mặt cả hai anh em Biệt Kích Văn Nghệ ở tù ở trại này là anh Doãn Quốc Sĩ và tôi.

Năm 1990 lần thứ hai tôi từ nhà tù cộng sản trở về mái nhà xưa. Cuộc liên lạc bằng thư từ giữa cô Phương Hương với tôi không còn được thường xuyên như trước 1984. Cô cho biết cô đã xuống tóc, trở thành Ni Sư, pháp danh là Chân Không, cô thường đi Ấn Độ, Tích Lan đi khắp nơi học và thuyết pháp. Cô chuyên vào việc tu hành. Việc quyên góp và cứu trợ đồng bào trong nước trong tổ chức Phật tử tự nguyện của cô được cô trao cho người khác.

Tháng Chín năm 1995, Thiền sư Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ trong một chuyến đi hoằng pháp. Ni sư Chân Không ở trong đoàn tháp tùng. Cô Chân Không phone cho tôi khi cô theo Thầy đến Washington D.C. Cô mời tôi lên D.C. dự cuộc nói chuyện của Thầy. Người ta đến nghe phải mua giấy vào cửa, tôi đến nghe free.

Hai ngày sau, Thiền sư thuyết pháp ở Arlington. Vợ chồng tôi lại được gặp cô. Lần này vợ chồng chúng tôi được nói chuyện với cô lâu hơn. Cô đến phòng hội trước để chuẩn bị, sắp xếp cuộc thuyết pháp. Vợ chồng tôi đón cô trên đường cô đi vào hội trường. Gặp chúng tôi cô hỏi ngay:

- Kiều Giang hồi này sống ra sao? Con nó năm nay mấy tuổi rồi?

° ° °

Trích "Những tên Biệt kích cầm bút"

Chỉ vài ngày sau khi Đoàn Quốc nhận được giấy xuất cảnh thì hầu như những người quen biết cũ trong làng văn, làng báo trước đây cũng đều biết tin. Lâu nay, ít ai nhắc đến ông ta. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì từ trước ông ta vẫn chuộng lối sống "ẩn dật" khá khác biệt với các đồng nghiệp.

Ngoài nghề viết văn, ông ta còn là nhà giáo, ảnh hưởng sâu đậm Nho giáo và của văn học Pháp, về sau này tốt nghiệp môn giáo dục học ở Đại học California. Ông ta còn nghiên cứu về Thiền và là bạn thân với các nhà sư tiếng tăm.

Tất cả những khuynh hướng văn học, triết học có vẻ trái khoáy với nhau tập hợp lại tạo thành tính cách riêng, mặt này bổ sung mặt kia, khiến cho các đồng nghiệp và độc giả của nhà văn Đoàn Quốc thấy ở ông một tổng hợp nhiều màu sắc và có sức thuyết phục!

Cái vẻ nho nhã bên ngoài khiến cho một số người coi đó là "tính truyền thống" của văn hóa Việt Nam. Điều khác là "nhà nho" Đoàn Quốc không có khăn đóng, áo dài mà khoác bộ cánh của văn chương lãng mạn Pháp và những đường nét kỷ hà của văn minh Mỹ ngang ngay sổ thẳng, chính xác và thực dụng. Vì vậy, trong văn chương và cả trong cuộc sống ai theo thị hiếu nào đều cũng có thể tìm thấy cái nhìn ưa thích nơi Đoàn Quốc. Vì chính màn khói ảo giác ấy đã đưa Đoàn Quốc lên vị trí đàn anh trong thứ trật tự "chiếu trên, chiếu dưới" trong làng văn Sàigòn trước đây.

Thế mà nay mai ông ta sắp đi cùng đám con lai Mỹ, cùng với các cụ già, cháu bé… được Nhà Nước cho phép xuất cảnh để "đoàn tụ gia đình". Sự thật là vậy. Theo đúng chính sách, ông ta ra đi theo diện người ngoài tuổi lao động, già yếu, được con cái bảo lãnh, chứ không hề với tư cách một nhà văn. Ấy thế mà lại có tin đồn, ông ta được "một tổ chức nhân quyền quốc tế" nào đó can thiệp để ra đi với tư cách là một nhà văn "không thích nghi với chế độ cộng sản"! Cái tin vịt ấy kể ra cũng có xuất xứ của nó. Một vài tờ báo lá cải của nhóm lưu vong phản động bắt đầu làm rùm beng, coi việc ra đi của Đoàn Quốc như là thành tích "đấu tranh" của chúng buộc "nhà cầm quyền cộng sản" phải nhượng bộ!

CHƯƠNG 16

T

rích NTBKCB, tiếp theo:

Thế đấy, nhưng nghe ai bàn tán đến việc này, Đoàn Quốc cũng không thanh minh, mặc ai hiểu thế nào cũng được. Được phép xuất ngoại, ông ta càng tính toán tương lai. Cũng chính trong thời gian đó, ông ta được bạn bè cũ ở nước ngoài báo cho biết số tác phẩm cũ của ông được tái bản ở Mỹ, lại có người hứa can thiệp để nhà xuất bản ấy trả tiền bản quyền cho ông ta. Hàng chục nghìn đô la đâu phải dễ kiếm với người đã ngoài sáu mươi như ông ta. Rồi đến lượt "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" gửi thư chúc mừng ông ta sắp được "tự do", hứa hẹn sẽ đón tiếp ông ta như một hội viên danh dự.

- Té ra, người ta vẫn còn nhớ đến mình như ngày nào! - Đoàn Quốc tự nhủ - Thế mà lâu nay, chính ta lại quên lãng ta. Trong đêm tối mặt trời vẫn tồn tại!

Chính vì tự thấy mình vẫn "tồn tại" với tư cách một nhà văn mà Đoàn Quốc đã nhận lời và báo tin cho nhiều đồng nghiệp cũ đến nhà Kiều Trang, dự buổi họp mặt với các đồng nghiệp cũ. Vốn không thích ồn ào, ông ta lặng thinh khi cuộc họp chính thức hôm ấy bắt đầu, nhưng cũng từ đấy, trong đầu ông nẩy sinh ra bao dự tính khiến ông trằn trọc, nôn nao như đang thai nghén một tập truyện dài. Đúng ra Đoàn Quốc rạo rực với tập truyện "Dấu chân cát xóa" của ông ta viết từ năm 1972 đến 1974 và bản thảo đã được chữa xong ngày 16 tháng 5 năm 1975 - nửa tháng sau ngày thành phố được giải phóng. Tập bản thảo dấu trên trần nhà được lôi xuống. Ông ta chong đèn đọc mấy đêm liền, trân trọng như đọc tác phẩm của một văn hào!

Tháng ngày lùi xa tít tắp như cuối trời sa mạc. Tìm lại những dấu chân mình đã bị cát xóa. Bỗng thấy bầu trời "Springfield" - cánh đồng mùa xuân ấy - gần gũi trong xanh mà Chương - nhân vật trong truyện của ông ta - đã trở lại. Nơi ấy, những năm tháng sau khi giải ngũ, Chương đã sang du học và tốt nghiệp Ph.D. Nơi ấy Martha đã đến với Chương như một quà tặng của tự do. "Tôi sẽ dùng xe buýt đi dọc theo xa lộ qua các tiểu bang New Mexico, Arizona, Nevada và nhất định tôi sẽ đến Los Angeles qua Thung lũng Tử thần (Chương nhấn mạnh). Yes, Death Valley, I said" con lừa nhỏ của chàng Tappan.

Chàng Tappan đi qua thung lũng Tử thần dưới ánh nắng chói lòa trên sa mạc cát bỏng. Những tia nắng đã thực sự biến thành những mũi kim xiên thấu da thịt. Nhớ lúc Tappan chịu cơn bão táp giết người về đêm, chết ngất trên lưng lừa. Thế mà Tappan cũng lên được đỉnh núi tuyết và sống bốn mùa êm ả trên đó. Thế rồi, giờ của định mệnh đã điểm. Tappan đã cứu được con lừa Janet qua khỏi cơn bão tuyết, đưa nó từ đỉnh núi băng giá xuống thung lũng mượt xanh. Con lừa được ăn cỏ và sống, còn chủ nó đã chết vì kiệt sức.

"Mình là con lừa Janet hay là chàng Tappan?" Đoàn Quốc băn khoăn tự hỏi. "Mình sẽ vượt qua thung lũng của sự chết - cái đất nước khốn khổ này. Mình đến được đó là đủ rồi. Rồi ra sao thì ra, miễn là thoát được cơn bão khốn kiếp này. Là con lừa Janet may mắn hay chàng Tappan xấu số cũng được."

Martha! Martha. Bên kia bờ sông có tiếng vọng lại "Martha! Martha". Con sông tâm tưởng. Chương lúc đó đang ngồi ngửa mặt nhắm mắt lười biếng trên chuyến xe buýt liên tiểu bang - Con sông xuân tràn đầy chảy lênh láng, màu nước biêng biếc như tóc mềm (tóc Martha) gặp gió xõa trên bờ vai. Chương biến thành gió, luồn tay vào mái tóc đó, bàn tay vô hình mơn man êm dịu… Springfield - cánh đồng mùa xuân - thủ phủ của Illinois thật hữu tình và có tính cách tiền định.

Đến Springfield để trả món nợ tình… Thời gian, không gian giờ đây là của hai người. Chương nghiêng đầu sát tới nói thầm bên tai Martha:

- The closer I get, the better you look.

Chàng có một cử chỉ "nhào đại", muốn hôn lên miệng Martha…

- A… a… a… a…

Chương tìm lại hương vị thơm đắng của cà phê trên môi Martha, một bàn tay Chương xoa lên bờ vai rồi vòm ngực tròn trịa của nàng

- Về nhà đã Chương, Martha van vỉ.

Chương lắc đầu giữ chặt lấy nàng, không đáp. Martha cảm thấy những ánh sao lóe sáng rụng lả tả… rụng lả tả trên khắp vùng da thịt…

…..

Đoàn Quốc tiếp tục đọc hơn trên hai trăm trang bản thảo. Như trở về chốn cũ. Anh gặp lại người xưa. Ngỡ ngàng như quen thuộc, gần gũi mà xa xôi. "Dòng sông tâm tưởng. Martha, Martha!" Tiếng vọng từ bên kia dòng sông, hay từ bên kia đại dương, của quá khứ nhạt nhòa đứt đoạn.

Ngoài đường đã bắt đầu tiếng xe chạy. Tiếng xích lô máy nổ lẻ loi, vang động. Đoàn Quốc nghe cột sống lưng tê cứng, nhưng không thấy buồn ngủ. Châm bình trà mới, đốt một nén hương đuổi muỗi. Bẩy năm rồi đã ngủ triền miên để thức trọn đêm nay. Để thấy lại bầu trời. Cánh đồng mùa xuân và Martha, thung lũng tử thần và anh chàng Tappan tội nghiệp.

Gần sáng, Đoàn Quốc nẩy ý định viết tiếp "Dấu chân cát xóa". Chương trở về nước làm giáo sư kiêm nhà văn. Lúc giải phóng Sàigòn, hắn ta bị kẹt lại đi học tập cải tạo. Bẩy năm qua chẳng là tấn bi kịch của cuộc đời được tiếp nối đó sao? Mặt trời đã lặn, nhưng mặt trời không tắt hẳn. Nó sẽ mọc lại vào bình minh hôm sau. Tappan đã vượt qua Thung lũng Tử thần nóng bỏng, chết chóc để lên tận đỉnh non cao bốn mùa êm ả. Dẫu là đêm, nhưng mặt trời vẫn tồn tại…"Đường lên mặt trời" - Đoàn Quốc đã chọn để làm tựa đề cho chương tiếp của "Dấu chân cát xóa".

Trên đây là một phần chương IV-NTBKCB. Nhân vật chính của chương này là giáo sư - nhà văn Đoàn Quốc. Trong số năm tên chúng tôi bị gọi là "Những tên Biệt kích cầm bút", Đoàn Quốc là người được diễn tả đời tư với những lời tương đối sạch sẽ, tử tế nhất. Không chỉ những giới thiệu đàng hoàng mà thôi dường như hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên còn có vẻ thán phục và đề cao Biệt kích Đoàn Quốc. Kể từ 1954 - trước đó bỏ, ta chỉ tính sổ bụi đời từ năm 1954 - đến năm nay 1996 là 42 mùa thu lá bay ông Đoàn Quốc dậy học, viết văn, in sách, đi tù ở Sàigòn nói riêng và trong nước nói chung, rồi ra hải ngoại, định cư ở Houston, Texas, hai ông bà được mời đi khắp nơi gặp lại bạn hữu v.v… Suốt 42 mùa thu đó ông Đoàn Quốc không bị một lời chỉ trích, chê bai, kể cả xuyên tạc, vu khống, ghen tị, bới lông tìm vết, móc lò bậy bạ. Ngay cả đến đại tá công an Việt cộng khi viết về người tù Đoàn Quốc cũng viết với những lời lịch sự như ta vừa thấy. Trong khi ấy, thì bốn tên văn nghệ sĩ Khuất Duy, Dương Hùng, Trần Ngọc Thự, Hoàng Hải cùng được xe bông công an thành Hồ đến tận nhà rước đi trong một đêm với ông Đoàn Quốc bị diễn tả như những tên lưu manh, láu cá, đá cá lăn dưa hết sức tồi tệ. Khốn nạn nhất là anh cu Hoàng Hải. Anh này không những bị chửi về đời tư bê bối mà thôi, bọn bắt giam và viết về anh còn lôi cả ông ngoại anh vào những trang NTBKCB.

Tác phẩm Dấu Chân Cát Xóa của Doãn Quốc Sĩ đã được ấn hành ở hải ngoại. Tháng Năm 1995 anh chị Doãn Quốc Sĩ đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong sáu niên tù đầy lần thứ hai tôi ở chung phòng với Trí Siêu Lê Mạnh Thát năm năm, chung phòng với Doãn Quốc Sĩ hai năm. Không một lần nào chúng tôi hẹn nhau, dù chỉ là hẹn đùa cho dzui: "Chúng ta sẽ gặp nhau ở Mỹ…". Dzậy mà… định mệnh an bài… Nàm thao em piết….!

Tôi không hay đọc tác phẩm của người viết cùng thời. Trước năm 1975, tôi chỉ đọc những quyển "Tình cao thượng, Mối tình mầu hoa đào, Hòa bình, nghĩ gì, làm gì?" của Nguyễn Mạnh Côn, Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng. Những ngày u buồn trống rỗng, đen tối khủng khiếp sau Ba Mươi tháng Tư 75 quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, không có việc gì làm, không biết đi đâu, tôi lấy sách cũ ra đọc. Vớ được quyển "Sầu Mây" của Doãn Quốc Sĩ trong tủ sách, tôi nằm đọc "Sầu Mây".

Năm 1981, anh Sĩ từ trại cải tạo Gia Trung Pleiku-Kontum trở về. Tôi gặp lại anh ở nhà anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Tôi nói với anh:

- Trong "Sầu Mây" cái đoạn nhân vật chính, anh chàng gì đó, sang Mỹ du học, làm tình với em đầm Mỹ, anh tả: "Lúc ấy chàng cảm thấy như nước tình yêu chan hòa trên mặt các lãnh tụ của cả hai miền Nam Bắc…" Tôi thấy hơi quá đáng. Hai nữa, theo tôi nghĩ, thằng đàn ông nào đến giây phút ấy còn bị ám ảnh về chuyện chính trị thì đó là tên khổ sở nhất đời.

Nhà mô phạm tả chuyện đàn ông, đàn bà làm tình rạo rực, rộn rịp mê ly đâu có kém gì những nhà văn nữ. Bằng chứng như ta đã thấy. Công an Việt cộng khi trích "Dấu chân cát xóa" đã bỏ qua những đoạn có tư tưởng chính trị để trích đoạn nhân vật Chương trở lại Springfield, Illinois, với đầm Mỹ Martha. Anh Con Trai Bà Cả Đọi xin chiếu lại hầu quý vị đoạn phim này:
Martha! Martha. Bên kia bờ sông có tiếng vọng lại "Martha! Martha". Con sông tâm tưởng. Chương lúc đó đang ngồi ngửa mặt nhắm mắt lười biếng trên chuyến xe buýt liên tiểu bang - Con sông xuân tràn đầy chảy lênh láng, màu nước biên biếc như tóc mềm (tóc Martha) gặp gió xõa trên bờ vai. Chương biến thành gió, luồn tay vào mái tóc đó, bàn tay vô hình mơn man êm dịu… Springfield - cánh đồng mùa xuân - thủ phủ của Illinois thật hữu tình và có tính cách tiền định. Đến Springfield để trả món nợ tình… Thời gian, không gian giờ đây là của hai người. Chương nghiêng đầu sát tới nói thầm bên tai Martha:
- The closer I get, the better you look.
Chàng có một cữ chỉ "nhào đại", muốn hôn lên miệng Martha…
- A… a...a… a…
Chương tìm lại hương vị thơm đắng của cà phê trên môi Martha, một bàn tay Chương xoa lên bờ vai rồi vòm ngực tròn trịa của nàng
- Về nhà đã Chương, Martha van vỉ.
Chương lắc đầu giữ chặt lấy nàng, không đáp. Martha cảm thấy những ánh sao lóe sáng rụng lả tả… rụng lả tả trên khắp vùng da thịt…
Năm 1970 Nhật báo Sống của anh Chu Tử đang ở giữa thời kỳ phồn vinh nhất trong cuộc sống ngắn ngủi của nó. Năm ấy ngoài truyện võ hiệp Kim Dung như các báo khác, Sống đăng truyện dài nơi trang trong của Nguyễn Thụy Long, Hoàng Ly, Anh Hợp, Hoàng Hải Thủy. Báo Sống bán được có tiền, anh Chu Tử tăng cường hai cây bút nặng ký: Nguyễn Mạnh Côn và Bùi Giáng.
Anh Côn viết loạt bài không hẳn là khảo luận, không ra luận thuyết mà cũng không phải là tiểu thuyết, dưới cái tên long trọng là "Tuyên ngôn của Tình Yêu và Ánh Sáng". Anh Bùi Giáng viết tiểu thuyết võ hiệp. Anh Chu Tử có cái hay là khi anh đã nhờ ai viết cho báo anh thì người đó hoàn toàn tự do muốn viết gì thì viết, anh không bao giờ can thiệp vào việc viết của anh em. Thi sĩ Lá Hoa Cồn, người có câu thơ bất hủ tả trong một đêm mà "… Cồn lê lên miệng đến ba bốn lần" - Một hai lần chắc còn ngắc ngoải được, một đêm mà đến ba bốn lần chắc chết - người từng dịch "Antoine et Cléopatre" ra "Sương Tì Hải", viết tiểu thuyết võ hiệp không giống ai, anh dùng rất nhiều tiếng "tồn liên, liên tồn" trong truyện. Kể cả bọn tôi, bọn thợ viết, đọc truyện anh đăng trên báo Sống cũng chịu không biết anh tả chuyện gì, nhân vật nói với nhau lời gì, ân oán ra sao.
Tôi có dịp gần anh Nguyễn Mạnh Côn khá nhiều. Trong số những người trẻ từng gần anh Côn như Nguyễn Đình Toàn, Trần Dạ Từ, Duyên Anh chỉ có tôi là người cùng đăng lính Cô Ba với anh Côn. Tôi dám nói chắc mà không sợ mấy ổng kiện là những ông văn nghệ sĩ lớn như các ông Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng, Chu Tử, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, kể cả hai ông thi sĩ mần thơ Tình Yêu vi vút nhất là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… đều là những ông đàn ông ít biết về đàn bà nhất và biết ít đàn bà nhất.. Xin nói rõ: biết ít đàn bà nhất. Ông nào cũng vừa mới mười chín, đôi mươi là có vợ hiền, suốt đời cơm nhà, quà vợ. Dzậy mà kể cũng lạ và cũng hay: các ông vẫn viết về tình yêu và đàn bà loạn cào cào.
Tôi chịu khó đọc những bài "Tuyên ngôn vềTình Yêu và Ánh Sáng" của anh Côn đăng trên báo Sống. Một sáng tôi gặp anh đến tòa báo, tôi bảo anh:
- Ông ơi…Ông làm ơn viết "Tình Yêu Ánh sáng" cẩn thận giùm con một tí…
Đa số người viết thích thú khi gặp người đọc mình - khen càng tốt, chê, chỉ trích cũng được. Miễn là có đọc mình - chê đúng thì nghe, bậy bạ bỏ qua - Anh Côn tỏ ra hào hứng nghe tôi phê bình những gì anh viết. Muốn phê phán văn anh ngoài việc đọc anh người phê còn phải có công lực kha khá. Trong bài Nguyễn Xuân Hoàng phỏng vấn anh Côn đăng trong Nhật báo Công Luận - khoảng năm 1968-69 - anh Côn có nói: "Trong số những người trẻ tôi vẫn mến và cho là viết được, tôi không ngờ Hoàng Hải Thủy lại là người đọc tôi kỹ nhất…"
Khi nghe tôi nói câu trên về "Tình Yêu và Ánh Sáng" tại xe cà phê-nước ngọt trên vỉa hè trước cửa tòa soạn báo Sống - Nhà in Tường Anh đường Gia Long - Anh Côn hỏi tôi:
- Chuyện gì thế?
- Ông đưa ra mấy cái đền gì đó ở Ấn Độ có cả mấy trăm bức tượng nam nữ mần tình đủ kiểu, ông kết luận: "Tại dân Ấn biết cách làm tình nên họ thông minh!" Ông viết thế là thế nào? Tại vì họ biết làm tình nhiều kiểu cho khoái lạc nên họ thông minh hay vì họ thông minh nên họ biết cách làm tình? Ông viết như thế bọn trẻ nó đọc ông, nó sẽ thấy muốn thông minh nó phải làm tình thật nhiều, làm đủ kiểu. Làm tình như thế nó sẽ trở thành thằng điếm đực chứ không thể trở thành người thông minh.
Anh cười:
- Được rồi. Ông nói thế tôi cũng biết thế. Tôi không nhớ tôi có viết đúng như ông nói hay tôi viết khác. Tôi về đọc lại rồi sẽ nói chuyện với ông….
Tôi định nói: "Cả đời anh chỉ biết có mỗi một người đàn bà thôi mà anh cứ viết bừa tăng tít về đàn bà…" nhưng sợ câu đó quá hỗn, tôi nói một câu nhẹ hơn:
- Anh chẳng biết đ.. là cái gì mà anh cứ viết loạn cào cào về đ…
Sáng nay, một buổi sáng hai mươi sáu mùa lá rụng sau buổi sáng năm 1970 tôi gặp anh Côn ở trước cửa tòa soạn báo Sống, ngồi viết ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, tôi thấy hiện lên trong tôi ánh mắt sau làn kính cận và miệng cười vui của anh Nguyễn Mạnh Côn. Rồi tôi thấy hiện lên hình ảnh của anh trong Nhà Giam Số 4 Phan đăng Lưu năm 1977: buổi sáng chủ nhật, khoảng 10 giờ, cai tù mở cửa phòng cho tù nhân ra sân ngồi phơi nắng chừng nửa tiếng. Từ sà-lim nhìn ra qua ô cửa gió tôi thấy anh Côn ngồi bên lối đi, anh bận bộ đồ ngủ nâu. Đó là hình ảnh cuối cùng của anh trong ký ức tôi. Vài ngày sau anh Côn bị đưa lên trại cải tạo Xuyên Mộc và anh chết ở đó.

2/6/2016
Hoàng Hải Thủy
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...