Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Gái trọ 1

Gái trọ 1

CHƯƠNG 1
- Không biết mình có nên “yêu” trước ngày cưới hay không?
Đó là một câu hỏi chung của các cô gái mới, những cô gái văn minh, đa tình, tiến trước tuổi, thời bây giờ, những cô mặc đầm và sống như gái Tây Phương. Đó là một câu hỏi được đặt ra để mà tự hỏi. Dù có tiến bộ đến đâu đi nữa, các thiếu nữ Việt Nam cũng khó có thể mở miệng ra hỏi nhau câu hỏi đó.
Những cô có chồng sắp cưới, hoặc có người yêu và dự định lấy người yêu làm chồng, thường tự đặt câu hỏi trên đây. Nên hiểu “Yêu” theo cái nghĩa văn minh nhất, nghiêm trọng nhất, nồng say nhất và cũng nhiều nguy hiểm nhất, nặng hậu quả nhất của nó. Nói thêm một chút nữa “Yêu” đây – cái “Yêu” mà những cô thiếu nữ “mới” thời buổi này thắc mắc không biết có nên làm hay còn chờ là sự việc làm cho các nàng trở thành đàn bà, làm cho các nàng có thể – nếu đúng lúc – trở thành người mẹ.
Không những chỉ những cô gái có chồng sắp cưới hoặc có ý định lấy người yêu làm chồng mới tự đặt câu hỏi: “Ta có nên yêu trước ngày cưới không?” mà thôi. Cả những cô gái chưa vị hôn phu đôi khi chưa có cả người yêu, cũng thường thắc mắc như vậy.
LAN PHI, hai mươi mốt tuổi, cao một thước sáu mươi phân nặng năm mươi hai ký ba trăm gờ- ram, vòng ngực tám mươi nhăm, vòng bụng ba mươi bẩy, vòng mông tám mươi tám, từ đầu xương hông xuống tới gót bàn chân dài chín mươi phân, nữ sinh viên trường Đai học Châu Phong, tự đặt câu hỏi trên đây. Và nàng biết rằng không phải là người con gái duy nhất trên cái cõi đời này tự đặt câu hỏi ấy và khó trả lời vì nó. Đó là một vấn đề của tất cả những người con gái đang yêu.
Những người con gái chưa có người yêu thắc mắc nhiều hơn về chuyện vấn đề làm sao có người yêu và đến bao giờ mình có người yêu. Khi có người yêu rồi, họ sẽ nghĩ ngợi như Lan Phi, trừ những cô ngu si, mù mịt, không biết suy nghĩ là gì.
Giờ đây, ngồi nép vào ngực người thanh niên nàng yêu, Lan Phi nghĩ đến cô gái khác trên trái đất này đang thắc mắc như nàng, đang sống trong trường hợp của nàng, họ cần chọn một quyết định và họ không biết phải quyết định sao cho phải trong lúc họ Ở bên người yêu: trong rạp xi- nê, trên bãi biển, bên xa lộ, trong hồ bơi, hoặc trong phòng riêng, trong xe hơi, sau vét- pa, xe sô- lếch. Ngồi bên người yêu, nàng thắc mắc với một vấn đề chung của thiếu nữ toàn thế giới:
- Mình nên hay không nên?
Hai mươi mốt tuổi. Lan Phi tự cho nàng là một người rất trải đời, sành tâm lý và có đầy đủ “tư cách” để đối phó với cuộc đời. Và nàng tin rằng nàng đã tìm được một giải pháp hữu hiệu, đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề cũ xưa như trái đất: vấn đề “tiền dâm, hậu thú”. Sáng nay nàng đã nói qua loa về cái giải pháp đó với Quang, người yêu của nàng, người mà nàng định cho lấy nàng làm vợ – chàng hai mươi nhăm tuổi, năm thứ tư Y Khoa cao một thước bẩy mươi tư, sáu mươi ký – trong lúc họ ngồi ăn sáng trong quán ăn nhà trường.
Nhưng giờ đây, giữa một buổi hoàng hôn thật đẹp, ngồi với người yêu trên một điểm mà nàng cho là sạch nhất, nên ngồi nhất bên xa lộ: họ tìm được một đống rạ khô giữa một thửa ruộng lớn vừa được gặt, mấy cuốn sách để vương quanh họ, và nàng ngả đầu vào ngực chàng một tay chàng vòng qua mình nàng, ôm nàng. Lan Phi cảm thấy cái giải pháp của nàng hình như có nhiều điều không ổn.
Trước khi cảm thấy rõ rệt là cái quyết định đó không ổn, nàng vội gỡ cánh tay Quang ra khỏi mình nàng. Đôi má đỏ bừng, tóc hơi rối và chiếc áo sơ mi hơi nhầu, trông Nàng càng quyến rũ và đẹp, và đáng yêu. Nàng giơ tay lên vuốt lại mái tóc, hít thở vài hơi dài bầu không khí dịu mát của đồng ruộng và để lấy lại tự tin và lòng tin ở giải pháp. Quang, mặt hơi tái, đôi mắt hơi lạc linh thần, cố níu người yêu lại. Chàng bất đắc dĩ mới chịu buông nàng ra.
Thái độ “vạn bất đắc dĩ” của Quang thật dễ hiểu. Lan Phi là một thiếu nữ đẹp – đẹp nhất trong giới nữ sinh viên: thân hình nàng nẩy nở với những đường nét thon, tròn, cong đúng chỗ, gợi cảm, mắt to, môi hồng và đầy, hàm răng trắng, sạch, nước da trắng hồng, làn da phơn phớt lông tơ. Nàng là một thiếu nữ đang phơi phớt tuổi xuân – các cụ ta gọi là “hơ hớ” – trông phây phây như một trái mơ sắp sửa chín tới.
Quang nhìn người yêu bằng một đôi mắt có thể làm một khối nước đá tan ra thành nước lỏng trong nháy mắt. Chàng nói, giọng lạc đi – “Anh muốn ôm em mãi mãi, anh muốn hôn em...”
Lan Phi – nàng không phải là một tảng nước đá, cũng không phải là một chiếc máy phi- di- đe, trả lời, vai và giọng nói cùng run:
- Em cũng muốn anh ôm em, muốn anh hôn em. Điều phiền là em cũng muốn như anh muốn.
Quang ngửa mặt nhìn lên trời:
- Trước khi gặp em, anh không biết thế nào là sống. Anh chỉ sống từ ngày anh gặp em.
Nàng cười:
- Bây giờ, anh bị em “chài” rồi.
- Bây giờ, anh đang yêu! – Quang sửa lại – Anh đang yêu và được yêu. Cuộc đời thật đẹp. Tất cả mọi thứ điều đẹp. Cỏ cây, hoa lá, người ta... Anh không còn ngại phải học nữa. Lúc nào anh cũng nghĩ tới em. Suốt ngày. Anh nghĩ đến em từ lúc anh vừa mở mắt buổi sáng đến lúc anh nhắm mắt ngủ buổi tối – Chàng hôn nhẹ vào gáy nàng nói nhỏ – Anh muốn được chạm môi vào tóc em như thế này mãi. Anh yêu em, Lan Phi... Em đẹp quá. Anh yêu em.
Nàng thở dài:
- Chúng mình may mắn và sung sướng, phải không anh? Chúng mình được yêu ngay từ lúc chúng mình còn trẻ.
Nàng vội vã đẩy nhẹ người yêu ra, vì những chiếc hôn của chàng đã dần dần di chuyển về phía ngực nàng.
- Đừng... Em nhột...
- Anh yêu em... Em à... có một chuyện làm anh bực nhất là chúng ta lãng phí thời gian và tuổi trẻ của chúng ta một cách vô ích. Chúng ta làm đám cưới đi, em. Cưới liền lập tức, ngay bây giờ.
Lan Phi sợ hãi, nhích ra xa người yêu. Không phải là nàng chỉ yêu Quang mà không thích lấy chàng làm chồng. Không phải là nàng sợ làm vợ. Quang là người chồng lý tưởng của nàng. Chàng trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu học giỏi, khoẻ mạnh, lịch sự. Chàng có một nam tính rất hùng hậu. Và nàng, toàn thân nàng là Nữ Tính.
Nàng quả quyết lắc đầu:
- Không! Em không muốn chúng mình lấy nhau vì... thèm muốn xác thịt.
Chàng khổ sở:
- Nhưng chúng ta còn tình yêu. Mối tình của chúng ta còn nhiều cái đẹp khác... Nếu em đẹp... Anh muốn... muốn... yêu em... muốn... gần em có gì xấu?
- Không. Em muốn lấy anh chỉ vì, Tình Yêu. Tình yêu sâu đậm, Tình Yêu chân thành, Tình Yêu trong trắng thuần túy. Tình Yêu không có gì khác ngoài Tình Yêu. Em không muốn lấy chồng vì sự thèm muốn yêu đương như... vài con bạn thân của em. Anh thử tưởng tượng coi... Khi sự thèm muốn dịu đi, như nhiệt độ trong cơ thể chúng ta hạ xuống, chúng ta còn những gì để mà chung sống với nhau? Những mơ ước không bao giờ thành, những hứa hẹn bị phản bội, những cay đắng và một lũ nhóc con. Không, em không muốn thế!
- Từ ngày yêu Lan Phi và được nàng yêu. Quang đã quen chịu đựng những cuộc thuyết trình hùng hồ về Tình Yêu của nàng. Nàng đòi hỏi Tình Yêu không những phải có chữ T hoa mà thôi, cả chữ Y cũng phải là chữ hoa nét đậm và tất cả những chữ đi theo hai tiếng đó đều phải có chữ hoa dẫn đầu, đậm nét như nhau.
- Chính vì không muốn như thế em mới nghĩ ra cái chương trình này – nàng nói tiếp một chương trình hoàn toàn, chúng ta sẽ chung sống với nhau trong một nhà, chúng ta sẽ ăn ở với nhau nhưng không... ngủ với nhau. Nghĩa là chúng ta ăn ở chung một nhà trong một thời gian trước khi làm đám cưới. Sống chung nhưng mà không... ngủ chung. Chỉ có cách đó chúng ta mới có thể tìm biết chắc chắn chúng ta có yêu nhau không, mối tình của chúng có lâu dài không!.
- Em điên! – chàng nói thẳng không cần lựa lời – Em đòi làm một chuyện không thể nào xẩy ra được.
Cảm thấy mình quá lời, chàng vội tiếp:
- Anh không muốn nói là anh không theo em. Nhưng sống như vậy rồi sẽ rắc rối lắm. Rắc rối, lôi thôi hơn cả chúng ta chung sống thật sự với nhau trước khi làm đám cưới.
- Vì yêu, chúng ta phải cố thử.
Chàng kéo nàng đứng lên. Đứng thẳng người trên nệm rạ khô và sạch, đầu nàng chỉ đến vai chàng. Chàng cảm thấy nàng nhỏ bé và yếu đuối quá. Cùng lúc ấy, chàng lại thấy nàng có một sức mạnh tinh thần vô song, nàng muốn làm gì là làm và phải làm cho bằng được. Gần nàng, chàng vừa sung sướng, vừa bực mình. Nếu nàng không có những ý nghĩ riêng về tình yêu. Chàng biết ở đời này có nhiều con gái đẹp, yêu mà không đòi hỏi gì cả.
Nhưng với những người con gái ấy, chàng có thể đưa đi ăn, đi nhẩy, làm chuyện sinh lý nhưng không muốn lấy làm vợ. Với Lan Phi thì lại khác.
Chàng đi qua cánh đồng khô, bước lên phía chiếc xe Simca Sport đậu bên bờ xa lộ.
- Em điên rồi.
- Em không điên chút nào!
- Nàng vội vã đi theo chàng gót giầy cao làm người nàng nghiêng ngả trên những gốc rạ – Chương trình của em văn minh nhất đời nữa là khác. Chúng ta sống chung với nhau để xem tính nết chúng ta có hợp nhau không. Em chỉ cần biết chắc rằng chúng ta không muốn gần nhau vì xác thịt. Vì sự đòi hỏi của xác thịt. Anh đã chấp thuận cái chương trình của em rồi mà...
- Anh thấy nó vô vị và điên rồ... cũng như Cộng Sản không thể sống chung với Tự Do, chó sói không thể sống chung với cừu non, anh không thể sống chung với em mà không được... yêu em.
Họ bước lên bờ xa lộ.
Nàng níu lấy cánh tay chàng:
- Anh đừng nuốt lời hứa. Anh nói lại với em là anh bằng lòng đi.
- Anh không bằng lòng, nhưng anh vẫn làm theo ý em, vì anh yêu em. Nhưng anh cần phải nói cho em biết trước là em làm một việc ngu dại và điên khùng. Không một cặp tình nhân nào có thể sống chung với nhau trong một phòng mà không có chuyện gì xẩy ra.
Đang nhanh nhẹn đi theo Quang, Lan Phi dừng lại:
- Anh!
Đó không phải là một tiếng gọi. Đó là một tiếng kêu, trách cứ.
- Không sao! Không sao! Anh phản đối nhưng anh vẫn làm theo em.
Chàng muốn nói tiếp:
- “Anh chống em nhưng anh vẫn theo em. Việc làm của anh chứng tỏ anh yêu em đến là chừng nào!” Nhưng chàng không nói, hy vọng nàng hiểu. Và nàng hiểu. Trước sự hàng phục hoàn toàn và vô điều kiện ấy, nàng không còn lý do gì để giận dỗi hoặc để đòi hỏi thêm nữa, nàng bước lên:
- Vấn đề nào đã thanh toán xong là cho xong – nàng nói – Đừng trở đi, trở lại nữa. Bây giờ chúng mình chỉ còn có việc tìm nhà.
Quang nở một nụ cười “từng trải” và mệt mỏi:
- Em lạc quan quá. Ở thành phố đông đảo dân cư này, nhà cửa người ta để cả đống ra đấy chờ em đến mướn. Chuyện mướn nhà ở cõi đời có phải là chuyện dễ đâu, có cặp vợ chồng cưới nhau đàng hoàng cả mười năm nay rồi mà vẫn chưa mướn được nhà riêng. Họ vẫn phải đi ở nhờ, mà ngày nào họ cũng đi tìm nhà.
Với một nụ cười thừa hai triệu bạc tự tin, Lan Phi dơ hai bàn tay nhỏ nhắn ra ngăn người yêu;
- Đừng ngại, đừng ưu tư. Chuyện ấy để em lo cho. Em sẽ tìm ra một nơi thật thuận tiện cho chúng mình thí nghiệm.
Quang nhăn nhó:
- Em nói dễ lắm. Người ta có thừa nhà cũng chẳng cho em mướn. Không phải là vợ chồng mà chung sống với nhau như vợ chồng, ai người ta cho mướn nhà? Người ta đâu biết là mình không ngủ... ngủ... chung giường với nhau. Chỉ còn có nước đi mướn phòng khách sạn. Mà có ở khách sạn cũng bị kiểm tục nó vào xét giấy.
- Khổ lắm. Đã bảo chuyện ấy để em lo. Làm sao có nhà đàng hoàng cho anh thì thôi mà!
Quang giơ hai tay lên cùng với cái nhún vai để tỏ dấu tuyệt vọng. Rồi chàng đi theo Lan Phi ngồi vào xe, đưa nàng về trường.
Nàng vào trường học “cua” tối. Hai cô bạn gái của nàng – Diễm và Vân – đứng chờ nàng trên những bậc đá cửa trường.
- Đôi mắt cậu có vẻ... dữ dội lắm! – Diễm nói trêu Lan Phi – Cậu đã định ngày cho chị em uống rượu chưa?
- Bọn này vừa có một sáng kiến tối tân hơn vậy nhiều!
Lan Phi đáp lời bạn, trong lúc cùng lên cầu thang nàng nói qua cho hai bạn nghe quyết định “sống chung một nhà mà không nằm chung một giường” của nàng với Quang. Vân rên rỉ:
- Trời... trời... Quá trời... Cậu bạo gan thiệt. Nghe cậu nói tôi nổi gai ốc cùng mình đây nè! Bạo nhưng mà hay, thông minh... chịu đấy.
Lan Phi là người vẫn tự nhận mình thông minh, bèn lấy làm hài lòng.
- Các cậu có hiểu tôi làm cuộc thí nghiệm ấy để làm gì không. Các cậu phải công nhận đó là một cuộc thí nghiệm chứ? Để chứng minh coi tôi với hắn có yêu thương nhau thật không, hay là chỉ thèm muốn xác thịt nhau mà thôi!
Diễm nhíu đôi lông mày tỏ vẻ khó hiểu:
- Nhưng... nhưng làm sao mà cậu phân biệt được tâm hồn với xác thịt trong Tình Yêu? Nghĩa là phân biệt được Tình Yêu và Tình dục? Hai cái đó chúng đồng nhất?
Lan Phi cứng cỏi đáp:
- Tôi tin là có thể phân biệt được. Việc chứng minh giả thuyết đó cũng nằm trong phạm vi cuộc thí nghiệm này.
Vân – chồng sách ôm trước ngực – vỗ nhẹ hai bàn tay vào nhau, như để hoan hô:
- Hay! Hay! Để xem kết quả ra sao? Có gì lạ cho mình biết mấy bồ nhé!
Lan Phi gật đầu với một vẻ quan trọng. Nàng có cái cảm giác của một nhà phi hành không gian hứa hẹn làm báo cáo thám hiểm Mặt Trăng của mình. Nàng hạ giọng:
- Các cậu phải giữ bí mật chuyện này giùm tôi đấy nhé. Ông bô tôi mà biết tôi bỏ Ký Túc Xá đi “sống chung” với đàn ông thì chết đấy. Hai cụ thì khóc thét lên.
Vân – người nổi tiếng là hay nhắc đi, nhắc lại những lời mình đã nói – rún vai lại như rùng mình:
- Trời... Trời..., việc gì có bị cấm đoán mà mình làm được mới thú. Nhưng tôi không có can đảm làm như bồ. Chỉ nghĩ đến chuyện bồ sắp làm, tôi cũng nổi ốc cùng mình.
Buổi tối hôm đó, nữ sinh viên Lan Phi và các bạn của nàng có hai giờ Công Dân. Giảng viên là một nữ giáo sư, Bà Minh Nhung. Jacqueline Trần Thị Minh Nhung. Line Nhung với những người quen thân, và Lin Em Em với những người bạn rất thân. Nữ giáo sư Minh Nhung Tiến Sĩ Triết và Xã Hội Học. Hôm nay, chương trình ghi giảng về “Vấn đề Hôn Nhân Hiện Đại”.
Chương trình Công Dân tháng này được Lan Phi ưa thích nhất. Nàng ưa thích vì hai điểm. Một: vấn đề học là một vấn đề đang được nàng chú ý tới nhiều. Điều đó, như ta đã thấy, không có gì lạ. Hai: vì nữ giáo sư phụ trách là bà dì ruột của nàng, một bà dì mà nàng mến nhất trong số những bà dì của nàng. Line Em Em cũng là bà dì đẹp nhất, khả ái nhất, lịch sự nhất. Nàng mới ngoài ba mươi tuổi có một, hai năm.
Nghĩa là, Nữ Giáo Sư Minh Nhung là một hình ảnh nhiều tuổi hơn, cao hơn, trưởng thành hơn của cô cháu nữ sinh viên Lan Phi. Minh Nhung là một đàn bà khao khát được sống, được yêu. Lan Phi biết chính sự khao khát và đòi hỏi nhiều ở cuộc đời ấy đã làm tan vỡ cuộc hôn nhân của dì Line với một ông cậu thật bảnh trai và trí thức. Cuộc ly dị của Line xẩy ra cách đây gần hai năm. Có điều Lan Phi không được biết là cũng chính cái ý khao khát được sống được yêu ấy đã – mới đây – xô đẩy dì Line vào một cuộc yêu đương với một người đàn ông không được trí thức lắm, nghĩa là không có bằng cấp gì cả, nhưng rất có duyên và dễ thương, và khéo chìu đàn bà. Cuộc yêu đương đó nồng nàn, thơ mộng, kín đáo nhưng luẩn quẩn không dẫn tới đâu cả, nghĩa là không dẫn tới hôn nhân. Nữ giáo sư Minh Nhung là người không thể yêu đương thầm kín, giấu giếm mãi trong phòng ngủ được. Tối nay, nàng quyết định đoạn tuyệt với mối tình đó.
Dì Line hướng dẫn chương trình “Giáo dục và Hôn Nhân” trở thành những cuộc thảo luận của sinh viên về vấn đề hôn nhân hơn là một lớp giảng bài. Nàng khuyến khích các sinh viên phát biểu ý kiến. Nàng chỉ giải thích những hiểu lầm, và sau cùng “kết toán” cuộc thảo luận. Tiểu mục trong chương trình bàn đến hôm nay là “Nguyên nhân thất bại trong hôn nhân của lớp người mới”. Nói rõ ra là “Thảo luận về nguyên nhân các vụ ly dị hiện nay”.
- Ly dị là một danh từ mới trong luật pháp và xã hội ta...
Đứng dựa một bên chỗ để ngồi tròn và đầy đặn vào mép bàn, hai tay khoanh lại trước ngực, Nữ Giáo Sư Minh Nhung khoan thai và rõ rệt nói:
- Trước đây, luật pháp do các triều đại phong kiến của ta có cho phép phá hủy các cuộc hôn nhân. Nhưng, đó chỉ là cái luật cho phép đàn ông được phép bỏ vợ nếu người vợ phạm những tội... không có con nối giỏi, bất hiếu, bất kính với bố mẹ chồng, ngoại tình... Người đàn bà trong xã hội phong kiến như các bạn đã biết, không có một chút quyền lợi công dân nào cả...
Lâm, một sinh viên chăm học, không có lấy một xu lịch sự với đàn bà, nhăn nhó phản đối:
- Bà lại bênh vực quyền lợi của nữ giới rồi. Chuyện ấy xưa quá rồi, có phải là lỗi của chúng tôi đâu. Sao bà không nói rằng hiện nay, phụ nữ có nhiều quyền quá. Ngoại tình là tội nặng nhất mà bi giờ đàn bà có chồng bị bắt quả tang ngoại tình còn xử... huề nữa là!...
Lẽ tự nhiên, Nữ Giáo Sư Minh Nhung, với nhan sắc kiều diễm ấy, được sự cảm mến và thầm yêu của đại đa số nam sinh viên. Nhiều cậu nhau nhau lên sỉ vả anh chàng bất lịch sự vừa ngắt lời nữ giáo sư và bênh vực nữ giáo sư. Để cho cuộc thảo luận không bị xáo trộn, Minh Nhung nói ngay:
- Anh Lâm nói cũng đúng. Nhưng sự thực tôi không có ý định lên tiếng để bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Vì đúng như lời anh Lâm vừa nói phụ nữ hiện nay có nhiều quyến lợi quá rồi. Phụ nữ hiện nay chỉ cần tỏ ra xứng đáng với những quyền lợi và trách nhiệm của mình. Tôi chỉ muốn nhắc lại vài sự việc đã qua để làm sáng tỏ những việc đang xẩy ra trong hiện tại. Có thể vì ngày nay phụ nữ bình quyền với nam giới nên xã hội ta mới xẩy ra nhiều vụ ly dị chăng?
Đó là phần các bạn cần nhắc và tìm hiểu, và đó cũng là mục đích của cuộc thảo luận hôm nay. Chỉ cần biết rằng vào năm 1900 xã hội ta cứ 5000 ngàn cuộc hôn nhân mới có một vụ ly dị, tới năm 1930, ta có năm vụ ly dị trong 500 cuộc hôn nhân. Tới nay những cặp vợ chồng tự ý xa nhau kể không xiết. Những cặp vợ chồng ấy, khi lấy nhau, không phải là không yêu thương nhau. Nhưng tại sao cuộc hôn nhân của họ lại tan vỡ? Các bạn cho biết nguyên do...
Nhóm nữ sinh viên phát biểu ý kiến nhiều và mạnh bạo hơn phe nam. Một cô nói:
- Phải chăng là ảnh hưởng của cuộc sống vật chất?
Những cô khác tiếp:
- Sự suy đồi của nhiều giá trị tinh thần...
- Thuần phong mỹ tục trở thành một món đồ cổ...
- Vì lớp người mới không tôn trọng và thấy không cần tôn trọng những gì mà lớp người cũ gọi là thuần phong mỹ tục.
- Những định luật luân lý và tôn giáo không còn chỉ huy cuộc sống người đời nữa.
Phe nam lên tiếng:
- Vì ảnh hưởng của chiến tranh.
- Những cặp vợ chồng đời này đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời.
- Vì phụ nữ đời nay không cần phải nương tựa vào chồng mới có thể sống.
- Xã hội thay đổi thái độ với những vụ ly dị. Người ta coi ly dị là một sự tai hại, nhưng cần thiết. Người phụ nữ ly dị không bị xã hội khinh bỉ, ruồng bỏ như trước. Người phụ nữ ly dị có nhiều dịp để làm lại cuộc đời

- Thường thường người phụ nữ Nam Phi ly dị đều được một người chồng khá hơn người chồng cũ và sống một cuộc đời sung sướng hơn.

Lan Phi phát biểu một ý kiến được mọi người chú ý.

- Người đời nay quá tôn trọng cái đẹp về thể xác.

Nữ giáo sư Minh Nhung hướng dẫn cuộc thảo luận như một huấn luyện viên kiêm trọng tài điều khiển một trận đá banh.

- Theo tôi, chưa chắc hành động ly dị đã là một hành động thể hiện sự bất đồng ý giữa một đôi vợ chồng!

Người nữ sinh viên đây là Diễm. Câu nói hơi lạ và khó hiểu. Minh Nhung quay lại hỏi Diễm:

- Em nói như vậy có ý làm sao?

Biết là mình vừa nói ra một ý kiến hay, Diễm cố lấy vẻ nhũn nhặn nói tiếp:

- Thưa cô, em muốn nói đến hàng triệu cặp vợ chồng không yêu thương nhau, nếu không muốn nói là thù ghét nhau mà vì những lý do lợi hại nào đó, vẫn sống chung với nhau. Những cuộc sống ấy không có hạnh phúc không có cả tình vợ chồng. Với những cặp vợ chồng ly dị, ít ra họ cũng đồng ý với nhau về một điểm: họ không hợp nhau, họ không thể sống chung với nhau, họ nên xa nhau.

- Chị Diễm nói rất đúng! Lan Phi nói bằng một giọng nồng nàn – nhận xét sâu sắc lắm.

Từ nhiều ngày nay từ ngày yêu Quang và nghĩ đến chuyện làm vợ Quang. Lan Phi đã thắc mắc nhiều về vấn đề nầy. Nàng không muốn ly dị, nhưng cũng không muốn sống chung với một người mà sau khi cưới nàng mới biết là nàng không yêu hoặc đã hết yêu. Nàng tiếp:

- Theo tôi, còn một nguyên nhân nữa làm cho các cặp vợ chồng trẻ hay ly dị là... họ lấy nhau quá sớm. Khi chưa đến tuổi trưởng thành, họ đã kết hôn, đã làm vợ, làm chồng. Khi kết hôn, họ tưởng là họ yêu nhau, nhưng đa số, họ lầm yêu thương với sự thèm muốn của thể xác.

Vân – nghĩ đến cuộc “thí nghiệm sống chung” của bạn – vội vã gật đầu hai ba cái:

- Tôi hiểu chị Lan Phi muốn nói gì. Những người nam nữ trẻ tuổi gần nhau...

Sợ cô bạn láu táu nói lộ chuyện bí mật của mình, Lan Phi ngắt lời:

- Người con gái thường bị những cảm xúc mạnh mà mất bản năng suy nghĩ.

Phái nam nhao nhao lên phản đối. Lâm càu nhàu:

- Các chị nói vậy có nghĩa là các chị phản đối chuyện gần nhau trước khi cưới hay sao? Nếu vậy thì người ta còn tìm hiểu nhau làm sao được nữa? Trước khi thành hôn, phải cho các đương sự có dịp gần gũi để tìm hiểu nhau chứ?

Nữ giáo sư Line Em Em can thiệp:

- Các bạn nên trở về với đề tài cuộc thảo luận hôm nay. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu nguyên nhân gây ra những vụ ly dị trong xã hội hiện tại chớ không phải là bàn về những gì nên và không nên làm trước khi kết hôn.

Line Em Em nghĩ đến ông chồng cũ: đẹp trai, con nhà giàu, học thức, có địa vị mà nàng đã chia ly, và nghĩ đến Hoàng người đàn ông mà nàng vừa yêu và vừa quyết định chia tay, đến mối tình mà đêm nay là đêm cuối cùng. Trong vài giây đồng hồ, nàng hoang mang không biết nàng có đủ tư cách để giảng giải với những người trẻ tuổi này về Tình Yêu, Tình vợ chồng hay không? Vì nàng thấy cuộc đời của nàng đang rắc rối vì Tình Yêu, chính nàng cũng không biết hành động sao cho khỏi “vỡ nợ”. Nhưng sự hoang mang ấy biến đi ngay. Con người giáo sư trong nàng đàn áp ngay con người đàn bà.

Nàng có thừa đủ kinh nghiệm để không bị rối trí về những vấn đề riêng của mình khi dạy học. Nàng tự trấn tĩnh hoàn toàn để nói những điều nàng cần phải nói với học trò:

- Khi còn ít tuổi, con người cần được yêu thương. Nhưng đã trưởng thành, con người vẫn cần được yêu nhưng còn thêm một khả năng mới: con người trưởng thành có thể yêu người mình yêu. Từ yêu, con người đi đến chịu đựng, hy sinh, tìm biết và làm thỏa mãn những gì người mình yêu, muốn có, cần có...

Lan Phi nghe và thấm những lời giảng dạy của bà Dì như một miếng bông thấm nước. Càng nghe bà Dì nói, nàng càng tin rằng cái chương trình “thí nghiệm sống chung” của nàng với người nàng yêu là đúng, là nên làm, là một sáng kiến giá trị.

Giờ học gần hết, giáo sư Huy Giang xuất hiện ở ngoài hành lang, ngay cạnh cửa vào phòng học có nữ giáo sư Minh Nhung đang giảng. Huy Giang là một giáo sư chưa vợ, người cao, tóc bồng, mang kiếng trắng, dạy sinh ngữ. Chàng yêu Minh Nhung từ đầu niên học ngay khi chàng từ Anh Quốc về và vào dạy tại trường. Em Em rất biết chàng yêu nàng nhưng nàng chỉ mới đáp lại bằng một mối tình bạn nặng cảm tình và ưu ái hơn tình đồng nghiệp. Tuy vậy Huy Giang vẫn còn ôm hy vọng.

Đứng chờ ngoài hành lang cho đến lúc Minh Nhung nhìn ra, Huy Giang dùng tay ra hiệu cho nàng biết là chàng chờ nàng ngoài sân để xe. Nàng gật đầu rất nhẹ rồi quay lại với học trò.

Giờ học hết, bộ ba Lan Phi, Diễm và Vân đi bên nhau xuống lầu. Họ ca tụng:

- Bà ấy tuyệt quá. Giờ nào của bà ấy cũng hay. Mình chỉ muốn ngồi nghe bà ấy nói mãi. Vấn đề nào bà ấy cũng giải thích được hết. Ước gì mình đến lúc bằng tuổi bà ấy, cũng có nhiều kinh nghiệm như bà ấy.

Lan Phi lẳng lặng bước chậm lại. Khi Diễm và Vân đã đi lẫn vào với đám sinh viên xuống từng dưới, nàng đi trở lại phòng học. Nữ giáo sư Minh Nhung đang xếp mấy cuốn sách vào chiếc cặp da.

Minh Nhung ngước nhìn ra. Người vào phòng là cô cháu của nàng. Nàng mỉm cười:

- Lan Phi, cháu... hôm qua nghe cháu nói cháu có thư của mẹ phải không? Có tin gì của mẹ không?

- Mẹ cháu viết bảo cháu dặn dì đến kỳ lễ Pâques này dì về nghĩ với mẹ cháu.

Đôi lông mày của Minh Nhung hơi nhíu lại:

- Để dì viết thư cho mẹ cháu về chuyện ấy.

Lan Phi ngượng nghịu:

- Dì... cháu muốn hỏi dì một chuyện này: chuyện hơi khó nói...

- Cháu hỏi dì với tư cách là dì cháu hay là hỏi giáo sư?

- Cháu muốn hỏi như là... đàn bà hỏi nhau!

Lan Phi lại do dự vài giây, sau đó, nàng tiếp:

- Cháu muốn hỏi trước khi dì và dượng Tánh kết hôn, dì có “ấy” trước không dì?

Minh Nhung nheo mắt:

- “Ấy” là cái gì?

- Dì hiểu cháu muốn gì mà!

Minh Nhung gật đầu:

- Dì hiểu, nhưng dì hy vọng là dì hiểu lầm.

Đôi má đã hồng sẵn của Lan Phi lại càng đậm mầu:

- Nếu chuyện đó có liên đến chuyện ly dị với dượng thì... thì... dì không cần phải trả lời cháu cũng được.

- Dì cám ơn.

- Không phải cháu tò mò bậy đâu. Dì nên hiểu cháu. Cháu cần biết. Cháu cần thật, cần có việc chớ không phải là... dì có “ấy” trước không hả dì?

Minh Nhung bực dọc đóng mạnh nắp cặp da:

- Cháu hỏi vô lễ lắm!

Đôi mắt “hiểu biết” của Lan Phi chớp nhẹ:

- Thế là dì đã trả lời cháu rồi!

Minh Nhung lại càng bực:

- Tôi không có trả lời cô gì hết!

Lan Phi nở nụ cười thông cảm:

- Cháu có kết luận gì đâu. Cháu chỉ tìm hiểu chuyện ấy vì việc riêng. Cháu cần phải nói để dì biết là cháu... “chưa” và cháu sẽ không làm chuyện ấy trước khi kết hôn.

Minh Nhung đưa mắt lườm cô cháu khi hai người ra khỏi phòng:

- Có ai nghi ngờ gì đâu mà Lan Phi phải minh xác. Nhiều lúc, dì thấy Lan Phi thật là khó chịu à.

- Dì nên hiểu cháu. Cháu không muốn ly dị nhau như dì và dượng Tánh – Lan Phi giải thích trong lúc hai dì cháu đi xuống lầu – hoặc sống như bố mẹ cháu hiện nay. Mẹ cháu sống một mình, còn bố cháu có bà bé. Cháu muốn suy nghĩ thật chín chắn, cân nhắc thật cẩn thận trước khi kết hôn là sống với nhau suốt đời – cháu không muốn ly dị.

Ra sân trường, Minh Nhung đuổi khéo cô cháu:

- Lan Phi. Dì cháu mình sẽ thảo luận về chuyện ấy vào một ngày khác. Hôm nay, dì có nhiều việc cần thanh toán... Dì đi nhé...

Nói xong, Minh Nhung thoăn thoắt đi về phía sân đậu xe.

Lan Phi bám sát:

- Bao giờ? Hôm nào thì dì có thì giờ?

- Ngày mai. Chiều mai. Dì mời cháu đi ăn tối, tha hồ nói chuyện. Mai cháu có giờ học tối nào không?

Nhận ra chỗ đứng của giáo sư Huy Giang – bên cạnh chiếc xe Volsquagen, một kiểu xe mà các nhà giáo chân chỉ hạt bột rất ưa chuộng – Minh Nhung nhanh nhẹn đi qua sân xi- măng. Nhưng Lan Phi vẫn theo sát gót.

Huy Giang biểu diễn nụ cười chào mừng có duyên nhất của chàng. Tay chàng mở cánh cửa xe cho Minh Nhung:

- Ngày mai tôi được nghỉ trọn ngày. Tôi xin hầu cô dọn nhà.

Minh Nhung nhìn chàng bằng một cái nhìn nặng cảm tình hơn thường lệ, ngụ ý cảm ơn. Nàng nghiêng người ngồi vào xe, ghế trước:

- Ngày mai... mất cả buổi sáng đấy. Không có gì phiền thầy chứ?

Trước khi Huy Giang kịp trả lời, Lan Phi đã hỏi:

- Dọn nhà? Ai dọn nhà? Dì dọn nhà?

- Dì dọn nhà! Minh Nhung gật đầu – thầy Huy Giang giúp dì dọn nhà.

Lan Phi nhíu mày, nét mặt khó hiểu. Trong lúc Huy Giang ngồi vào xe và mở máy, nàng hỏi:

- Tại sao dì lại dọn đi? Dì ở đấy đẹp quá, đẹp nhất...

- Ngày mai... Dì sẽ nói cho Lan Phi biết sau. Bai! Bai!

Chiếc Volsquagen vù đi trước khi Lan Phi kịp hỏi thêm một câu. Nàng đứng đó nhìn theo chiếc xe, thắc mắc không hiểu bà dì trẻ tuổi, lãng mạn, ly dị chồng và đẹp, lẳng ngầm ấy của nàng ở mướn căn phòng đó bao nhiêu tiền. Và không biết là có ai đã mướn mất chỗ đó hay chưa. Ngay khi nghe bà dì dọn nhà đi nơi khác, nàng đã nghĩ rằng nếu nàng và Quang được vào ở thế chỗ ở đó thật là tuyệt diệu. Nơi đó đúng là một tổ ấm, một khung cảnh hoàn toàn thích hợp cho yêu đương lý tưởng.

Lẽ tự nhiên nàng chưa biết rằng sở dĩ Minh Nhung, bà dì đẹp lẳng ngầm của nàng, phải dọn ra căn phòng đẹp ấy là vì nơi đó quá thuận lợi cho các cuộc yêu đương.

CHƯƠNG 2

Ô

ng chủ nhà của nữ giáo sư Minh Nhung tên là Hoàng. Tòa nhà hai tầng, chia ra làm bốn appartements cho mướn đó được Hoàng Chủ Nhân đặt tên là Nguyệt Điện.

Hai chữ tên nhà – Nguyệt Điện – được khắc bằng chữ hoa, trong một tấm bằng đá xanh, gắn trên cột cổng. Mười thước vườn cây, cỏ và bồn hoa ngăn xa tòa nhà với hè phố. Nhà có bốn ngăn, hai ngăn trên có ban công, hai ngăn dưới có thềm cao, một loại hàng ba quí phái. Hoàng Chủ Nhân sống trong một ngăn trong số bốn ngăn đó.

Ba ngăn kia kể cho mướn và người mướn toàn là các cô trẻ, đẹp, độc thân, công chức chưa chồng hoặc bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ. Nhà nằm trong khu phố vắng, có hai hàng cây cao, một khu phố toàn sang, toàn vi la và có vườn bao quanh.

Anh Mười, anh người làm của Hoàng Chủ Nhân, đang cắt lá vàng trong những bồn hoa trong vườn khi chiếc xe hơi của giáo sư Huy Giang lướt tới và dừng lại trước cổng Nguyệt Điện buổi sáng nắng vàng hôm ấy. Anh là một người đàn ông chừng trên dưới bốn mươi tuổi mặt dài như mặt Phernandel, mặt Phernandel lúc Phernandel chọc cười vô duyên nhất, nét mặt anh khó đăm đăm như mặt một nhà chánh khách đang suy nghĩ về quốc gia đại sự.

Anh Mười ngừng tay trông ra phía chiếc xe. Khi quay lại, anh thấy cô giáo Minh Nhung bận bộ đồ ngủ: áo cổ vuông, cộc tay, quần chẽn và ngắn tới bắp chân, lụa mỏng màu hồng, tóc vén cao sau gáy, xuất hiện trên thềm nhà cao, giơ tay vẫy ra ánh nắng, bộ mặt ngựa của anh chuyển động, đường nét xếp lại để biểu lộ niềm vui qua một cái cười: hàm răng ngựa của anh không thua răng Phernandel, anh lên tiếng hỏi nàng:

- Chào cô giáo! Sáng nay, cô dọn nhà phải không cô ạ? Cô giáo cho tôi được phép hầu cô dọn nhà...

- Cảm ơn anh Mười, tôi thu dọn xong tất cả rồi. Đã có ông bạn tôi đến giúp tôi.

- Cô đi buồn quá...

Đôi mắt anh Mười nhìn theo cặp mông tròn của cô giáo lồ lộ dưới làn lụa mỏng. Cặp mông ấy càng lộ rõ khi nàng chuyển động, khi nàng đi. Thực tình, anh thầy buồn vì nàng đi, nhưng nếu nàng “đi” thật, anh có thể đi theo để nhìn nàng suốt ngày.

Trong nhà, Minh Nhung mở cửa đón Huy Giang vào phòng. Nàng rút chiếc chìa khóa ra khỏi ổ khóa để cho Huy Giang khỏi thấy. Chiếc chìa khóa của nàng quả có đặc biệt: Chuôi chìa khóa có vẽ một hình trái tim bằng sơn đỏ. Ở đây, đồ đạc là của chủ nhà, bao nhiêu y phục và đồ riêng của Minh Nhung đều được xếp vào va- li và mấy chiếc hòm gỗ, đặc giữa phòng. Huy Giang bước vào, nhìn quanh, chàng gật đầu tỏ vẻ tán thưởng.

Mỗi ngăn trong nhà Nguyệt Điện này rộng sáu thước, dài mười thước, cửa mở ra hành lang chung, bước vào là khu đặt sa lông, tủ buýp phê, bàn viết, tủ sách, rồi đến khu kê bàn ăn. Bên trên là một cái gác lửng rộng ba thước, dài bốn thước, kê giường ngủ. Thang gác lửng đặt ngay giữa phòng. Cuối phòng là một ngăn bếp hẹp và phòng tắm.

Vào giờ này, tấm màn nhung che kín chiếc giường ngủ được kéo về một bên, để lộ chiếc giường nệm bông quyến rũ.

- Chà... không ngờ trong nhà nên thơ thế. Nhà này cư ngụ được quá chứ!

Không sốt sắng lắm, Minh Nhung đáp bằng một giọng lành lạnh:

- Ở được. Nhiều người thú nơi này lắm.

- Tại sao Line lại bỏ đi?

Làm ra vẻ không nghe thấy câu hỏi, Minh Nhung chỉ tay lên ba chiếc va- li:

- Mấy cái này xong rồi. Anh mang dần ra là vừa.

Nàng bước lên thang, lên khu giường ngủ

Đứng dưới nhìn lên, Huy Giang thấy cặp mông tròn, rồi đôi chân dài ẩn hiện dưới làn lụa mỏng. Đã nhiều lần, chàng thấy nàng mặc đầm, nhưng sáng nay, chàng thấy cặp đùi của nàng quyến rũ nhất. Chàng tưởng tượng cặp đùi ấy, trên chiếc nệm giường kia...

- Có phải tại tiền nhà quá cao không Line?

- Hai ngàn một tháng.

- Hai ngàn đâu có đắt? Tiền đóng trước?

- Không phải đóng trước. Tháng nào trả tháng ấy – Minh Nhung xách chiếc va- li để dưới chân giường, đi trở xuống - cái này cũng xong rồi nè, Anh mang giùm ra xe dần đi.

Huy Giang vội vã tiến lên đỡ lấy chiếc va- li:

- Hai ngàn tiền nhà một tháng không mất tiền sang? Nhà này đẹp quá, ở vừa quá... Line ở đây vừa đẹp... sao lại...

Trong trường, hoặc có người lạ, Huy Giang và Line Minh Nhung vẫn xưng hô với nhau bằng những tiếng “anh, chị, tôi” vô thưởng, vô phạt. Khi chỉ có nhau, nghĩa là chỉ có chàng và nàng, Huy Giang gọi nàng với cái tên Line xinh, ngắn, thân mà không suồng sã, Minh Nhung vẫn gọi anh, xưng tôi, hoặc Line chỉ thỉnh thoảng lắm mới xưng em.

Nàng tránh không nhìn đôi mắt dò hỏi của chàng:

- Hỏi làm gì? Bắt đầu mang giùm đồ ra cho Line đi.

Nàng trở lên giường ngủ, tự làm cho nàng quên vấn đề bằng cách bận rộn thu xếp những đồ vật vặt vãnh còn lại.

Huy Giang thử đem bốn chiếc va- li khỏi nhà cùng một lúc. Chàng kẹp hai cái và xách hai cái.

- Đàn bà thật là khó hiểu. Tại sao họ dọn vào cư xá mất hết cả tự do cá nhân trong lúc có một chốn ở thần tiên đến như vầy...

Chàng nhìn lên khu giường ngủ, Minh Nhung quay lưng lại chàng đang dọn đồ, nàng giả điếc không nghe thấy câu hỏi của chàng.

Với hai chiếc va- li dưới hai cánh tay, hai tay xách hai chiếc khác, Huy Giang đi ra khỏi phòng.

Ngoài vườn, vợ anh Mười nhân công làm vườn – chị Mười, bốn mươi tuổi, người lùn và to như nữ đô vật, trông rõ là chị Hai nhà Tây, nhà Mỹ – chị bếp Mười của nhà Nguyệt Điện – xách một giỏ thức ăn đi chợ về. Chị bếp Mười nấu ăn cho tất cả mọi người trong nhà này. Chị dừng lại trên thềm nhà, đặt giỏ thức ăn xuống, lấy gói bánh mì đưa cho chồng.

Anh chồng cằn nhằn:

- Bây giờ mới cho người ta ăn sáng... Biết mấy giờ rồi không?

Chị vợ to tiếng hơn:

- Mấy giờ? Có biết từ sớm đến giờ người ta làm bao nhiêu việc rồi không? Ăn thì muốn ăn ngon kia... Phải bánh mì Sè- Goòng đặc biệt mới ăn... cứ như là... Tây không bằng. Giờ này người ta mang về cho mà ăn là phúc rồi...

Thấy người đàn ông lạ xách bốn chiếc va- li từ trong nhà ra, vợ Mười ngừng nói, nhìn theo:

- Ai vậy?

- Cô giáo dọn nhà. Ông này đến chở đồ giùm cổ.

- Ồ, sáng nay cổ đi rồi sao? Tui phải vô chào cổ...

Anh Mười nhìn vào nhà, thở một hơi dài thèm thuồng:

- Cái nhà cậu Hoàng này khoái thiệt. Cô này đi lại có cô khác tới thế chân, cô nào cũng đẹp, cũng chưa chồng... Như vầy lấy vợ làm chi... Cậu Hoàng không chịu lấy vợ là phải lắm...

Vợ Mười nạt:

- Thôi cha. Đừng có giở giọng già dê ra với tôi. Khó nghe lắm...

Vợ Mười làm bếp và thầu việc giặc giũ, dọn dẹp trong vi- la Nguyệt Điện và là chị họ xa của Hoàng Chủ Nhân. Do đó, chị coi Nguyệt Điện cũng như nhà của chị, và thường khuyên răn Hoàng mỗi khi chị có dịp. Chị rất không đồng ý cuộc sống chơi bời bê bối của Hoàng. Nhất là chị biết rõ rằng Hoàng luôn luôn tìm cách quyến rũ những cô gái trọ, trẻ, đẹp, rồi sau đó... lơi dần, Hoàng cắt đứt liên lạc với các nàng một cách khéo léo và có nghệ thuật nên chưa có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra cả. Nhưng chưa xẩy ra. Không phải là không bao giờ xẩy ra. Một điều làm cho những mối tình giữa Hoàng Chủ Nhân và các cô gái trọ Nguyệt Điện kết liễu một cách êm thấm là loại gái tầm thường, các nàng cũng không cố kết lắm với ý muốn kết hôn với bất cứ ai. Gia đình các nàng lại không can thiệp vào đời tư của các nàng.

Vợ Mười vội vã mang giỏ thức ăn vào bếp rối trở lên nhà trên. Tới trước cửa phòng Minh Nhung chị thò đầu vào nhìn. Cô giáo đang xếp những đồ vật cuối cùng của nàng vào một chiếc hộp giấy. Nàng cầm một con khỉ bằng vải nhồi bông giơ lên nhìn. Con khỉ này là vật tặng của Hoàng trong những ngày đầu tiên nàng mới dọn đến đây.

Nàng còn nhớ đêm ấy, khi trao cho nàng vật này, chàng nói – “Nếu có thể Minh Nhung hãy để nó gần giường ngủ của Minh Nhung. Nó cũng như một phần tôi được gần Minh Nhung vậy”... Chàng nói câu đó với một nụ cười buồn.

Và sáng nay, với một nụ cười buồn, Minh Nhung để con búp- bê vào chiếc hộp giấy.

Vợ Mười bước vào phòng. Nghe tiếng động, Minh Nhung vội vã quay lại:

- Chị Mười... Tôi còn chào chị nữa là đi đây...

- Cô đi tôi buồn quá... Cô là người đàng hoàng nhất ở đây... Cô còn gì để tôi giúp cô...

- Cám ơn chị, xong cả rồi chị Mười ạ.

Vài phút sau, vợ Mười bước vào phòng của Hoàng, khu của Hoàng đồi diện với khu của Minh Nhung, có một đường đi ở giữa, cuối đường này là cầu thang lên lầu.

Khu của Hoàng rộng gấp đôi khu của Minh Nhung, gồm hai phòng lớn. Phòng trong là phòng ngủ. Phòng trang hoàng, bầy biện theo lối mới, trông rõ là phòng của đàng ông có tiền. Sàn nhà trải thảm gai, tường chỗ gắn gỗ vân, treo nhiều bức hình “Nu”, lịch “Play Boy”, bộ máy hát Stereo thật lớn, có thêm hai cái loa phụ để hai góc sa- lông.

Bước vào phòng, vợ Mười nhìn quanh và nhăn mặt tỏ vẻ bất mãn. Đồ đạc trong phòng bề bộn, bừa bãi, chứng tỏ đêm trước, chủ nhân của nó có tiếp nhiều bạn đến uống rượu. Hình như họ có cả nhảy đầm nữa. Mấy chiếc ghế sa lông được kéo sát vào tường, tấm thảm trải trước máy hát được cuộn lại. Vỏ chai lave 33, chai quisky và ly cốc bỏ đầy trong góc nhà, mấy đĩa gạt tàn thuốc lá đầy có ngọn.

Vợ Mười bắt đầu dọn dẹp. Chị nhặt chai và ly bỏ vào cái thùng sắt tây, rồi đổ những đĩa gạt tàn thuốc lá vào thùng. Chị trề môi khi thấy nhiều mẩu thuốc lá có vết son đỏ.

Vợ Mười vào phòng ngủ. Hoàng đang chui đầu vào chiếc áo “polo” màu đỏ. Hoàng: ba mươi nhăm tuổi, hiện sống độc thân, mặt và người trẻ và gọn như một chàng trai hai mươi nhăm, mặc cuộc sống lấy đêm làm ngày, đầy đàn bà vã rượu của chàng. Hoàng không có vẻ gì là già trước tuổi. Trông chàng, người ta không thấy hiện rõ dấu vết của những đêm dài không ngủ. Đã gần hai mươi năm nay, Hoàng không còn tập thể thao, chỉ một năm đôi ký, chàng đi bơi “pit- xin” khi có người đẹp đòi đi bơi, nhưng ngực chàng vẫn nở và bụng chàng chưa phệ.

Hoàng thò đầu ra cổ áo, cười với vợ Mười:

- Chào chị! Chị thấy tôi sáng nay dậy sớm không?

- Mới có mười giờ sáng thôi cậu. Cậu dậy sớm quá.

Không để ý đến sự mỉa mai trong lời nói của vợ Mười, Hoàng nhanh nhẹn tiếp:

- Chị Mười... Cô giáo có nói với chị là mấy giờ hôm nay, cổ dọn đi không? Tôi muốn sang chào cổ đúng lúc cổ đi, tặng cổ mấy bông hoa để cho giây phút cô từ giã nhà mình được êm đềm...

Hoàng nhanh nhẹn chạy ra cửa sổ, hái mấy bông hoa trên thành cửa. Khi đi trở vào, chàng dừng lại trước chiếc gương, soi bóng, kéo nhẹ lại nếp quần “sans- pli”. Chàng có những cử chỉ sửa soạn nhẹ và nhanh như cử chỉ của một thiếu nữ. Xong chàng cầm mấy bông hoa vừa hái, ra khỏi phòng.

Chàng gõ nhẹ vào cánh cửa mở và nhòm vào phòng Minh Nhung và hỏi nhẹ bằng một giọng buồn nhưng cố làm ra vui vẻ – “Người đàn bà đẹp nhất thiên hạ có nhà không”? Chàng nhìn lên thấy Minh Nhung, bận bộ áo đầm: robe sac mầu nâu gạch non, đứng trên vùng giường ngủ nhìn xuống chàng.

Giọng nói của Minh Nhung thản nhiên “một cách có tổ chức”:

- Tôi đang thắc mắc không hiểu khi tôi đi, anh có sang tiễn tôi không hay là anh mặc kệ và nằm ngủ.

- Line nghĩ rằng tôi có thể cho Line đi ra khỏi cuộc đời tôi mà tôi không chờ đợi lúc Line đi để nói vài lời cay đắng, cho Line phải xa tôi trong sự hối hận hay sao?

- Giọng nói Hoàng có những âm thanh trách móc và chân thành làm cho Line xúc động. Sự thực, Line nghĩ về tôi như vậy sao?

- Không! Tôi không nghĩ vậy! Minh Nhung khẽ nói và sự thực nàng cũng tin rằng Hoàng, người nàng đã yêu và hôm nay nàng phải lìa xa, không đến nỗi “đểu” như vậy. Mặc dầu chàng có nhiều tật xấu, dù rằng trên một vài phương thức xử thế chàng nghĩ và làm như một đứa trẻ con, như một cậu con trai mới lớn, và đáng trách nhất là thái độ chỉ thích yêu mà không thích cưới vợ, sợ kết hôn, ngại lập gia đình, ghét trẻ con của chàng, chàng vẫn yêu nàng. Chàng yêu nàng sâu đậm nhưng tình yêu của chàng không đi đến hôn nhân. Tuy vậy, nàng vẫn tin chắc và biết chắc là chàng yêu nàng, rằng nàng là người đàn bà duy nhất được chàng yêu sâu đậm đến như vậy trong đời chàng. Nàng tin rằng trước đây, cũng như từ nay về sau, chàng sẽ không bao giờ còn yêu một người đàn bà nào khác như là yêu nàng.

Trong những ngày đầu tiên nàng dọn đồ đạc đến ở trong căn phòng Nguyệt Điện này – đó là thời gian nàng đang buồn rầu, thất vọng về vụ ly dị của vợ chồng nàng – Minh Nhung đã tưởng rằng từ đấy về sau cho đến già đời, nàng không còn có thể yêu bất cứ một người đàn ông nào một cách chân thành và xúc động được nữa. Và nàng sớm khám phá ra rằng Hoàng, ông chủ nhà nàng trọ là một người có một tâm sự như nàng: Chàng sợ hãi Tình Yêu. Ngay trong đêm mời nàng đi ăn và đi nhẩy đầu tiên để mừng ngày “Nguyệt Điện được hân hạnh chào đón nàng”, Hoàng đã tâm sự nhiều với Minh Nhung. Đêm ấy, nàng thản nhiên nghe chuyện Hoàng như một người đau khổ không bằng mình kể chuyện buồn. Nàng chỉ thấy có cảm tình với Hoàng nhưng không ngờ rằng nàng sẽ yêu chàng. Nàng được biết nguyên do sự sợ hãi Tình Yêu của Hoàng: năm Hoàng hai mươi nhăm tuổi, chàng yêu say đắm một thiếu nữ, người thiếu nữ ấy có đủ đức tính để chàng yêu, hai người hứa hôn với nhau với tất cả những thơ mộng và yêu đương của tuổi trẻ, nhưng sau cùng nàng từ hôn để kết hôn với một người bạn học cũ của chàng chỉ vì ông này là con nhà giàu, được mời làm Bộ Trưởng và có phương tiện cho nàng qua sống bên Âu Châu. Từ đó Hoàng sợ không dám yêu ai và nhất là không dám tính chuyện cưới ai làm vợ cả. Nàng không dám còn có thể yêu một người đàn ông nào khác. Chàng không còn có thể yêu người đàn bà nào nữa. Họ tin chắc như vậy. Nhưng rồi cả hai cùng lầm. Họ yêu nhau lúc nào họ cũng không biết nữa. Có lẽ là vì cả hai cùng đau khổ, họ thấy cần phải gần nhau để an ủi nhau.

Minh Nhung, hai mươi bẩy tuổi, có học và có năng khiếu suy nghĩ, phân tích, xét đoán theo khoa học không còn có thể yêu một cách mù quáng, biết là chết mà vẫn lao đầu vào yêu, nhất là nàng đã yêu và đã thất vọng, đã có chồng và đã bỏ chồng. Nàng yêu Hoàng lúc nào nàng không biết. Chàng chỉ yêu nàng nhưng không dám cưới nàng làm vợ. Suốt đời, nàng chỉ là một thứ “vợ hờ” của chàng. Vì vậy nàng phải cắt đứt. Nàng dọn đi để tự bảo vệ. Và nàng tin rằng sự chia làm cho Hoàng đau đớn nhiều hơn là nàng đau đớn.

- Tôi chờ đến phút cuối cùng mới sang từ biệt Line – chàng khẽ nói – tôi sợ những cuộc chia tay. Sợ nhất vì người ta muốn nói với nhau rất nhiều mà bề ngoài, thấy không còn có gì để nói với nhau hết.

- Em hiểu. Em biết.

Chàng đến gần, giơ bó hoa lên và nói với nàng:

- Đây là những bông hoa cuối cùng. Tôi không muốn nói để làm em buồn khi em sắp đi nhưng thật thế, đây là những bông hoa cuối cùng. Bồn hoa của tôi tàn rụi rồi. Ngày mai và những buổi sáng sau ngày mai, hoa không còn nở nữa. Nhưng cũng chẳng sao, hoa còn nở mà làm gì...?

Rất chậm, Minh Nhung đi xuống mấy bực thang gỗ, nàng cố gắng tự chủ để giữ vẻ thản nhiên, nàng mỉm cười:

- Cũng hợp tình, hợp cảnh đấy chứ? Những bông hoa cuối cùng để tặng một người đi! Thôi đi Hoàng... đừng có “tả oán” nữa, anh làm Nhung khóc thật bây giờ.

Nàng cầm mấy bông hoa, lấy một bông gài lên ngực áo, gài vài bông còn lại trên chiếc sắc tay. Chàng đứng ngây nhìn bông hoa trên ngực nàng, rồi quay đi như không có can đảm để nhìn lâu hơn nữa. Bằng một giọng nghẹn vì cảm xúc, chàng nói:

- Chỉ ngày nào em trở lại, căn nhà này mới lại có hoa...

Nữ giáo sư Minh Nhung, tuy là Tiến Sĩ Văn Chương, tốt nghiệp Y. University, Caliphornia, U.S.A, nhưng vẫn là một người đàn bà. Hơn nữa, nàng còn là một người đàn bà đa tình, mà người đàn bà nào cũng vậy – đa tình hay không đa tình, có bằng cấp đại học hay chỉ biết đủ mặt chữ để đọc tiểu thuyết trên báo Sàigòn Mới của nhà bút Trà – cũng thích nghe đàn ông nói rằng họ buồn vì mình. Minh Nhung hưởng ứng ngay nỗi buồn tuyệt vọng của Hoàng, đôi mắt nàng tự động trơn ướt, mặc dầu nàng bảo Hoàng đừng “tả oán” nữa nàng vẫn thích chàng nói thêm nhiều câu đau thương – nói nhiều, nói nữa – để làm cho cuộc chia tay này trở thành một đại bi kịch.

Hoàng chợt nhìn con khỉ bằng vải nhồi bông do chàng tặng nàng vào một đêm Nô- En, đặt ngồi trên chiếc va- li:

- Line không định đem con khỉ này theo chứ?

- Sao lại không? Em sẽ giữ mãi mãi để tưởng nhớ một mối tình đẹp...

Hoàng quay đi như để cho nàng khỏi nhìn thấy là có nước mắt trong mắt chàng, nhưng môi chàng lại nở một nụ cười thích thú:

- Nó xấu xí quá, không đáng để cho Line giữ làm kỷ niệm. Line cho phép tôi được tặng Line con vật đẹp hơn...

- Không! Vật này đã làm em cảm: Khi em yêu nó, dù nó xấu cũng trở thành đẹp...

Khi nói câu này nàng nhìn thẳng vào mắt chàng để cho chàng hiểu rằng nàng nói đến chàng.

Một nỗi vui và sung sướng chan hòa trên mắt chàng:

- Nghĩ lại cũng lạ phải không em? Chúng ta đã yêu nhau...

Minh Nhung cắt lời chàng bằng một giọng quyết liệt:

- Thôi Hoàng, chuyện đã qua rồi chúng ta không còn là trẻ con nữa...

Chàng đứng nhìn nàng cầm chiếc đồng hồ báo thức bỏ vào chiếc va- li còn mở:

- Line ra đi không có một chút buồn phiền nào hết? – Chàng hỏi nàng – không buồn không tiếc không hận? Line ra đi như người làm một cuộc dọn nhà rất thường?

- Đúng thế đấy, Hoàng ạ...

Nàng thản nhiên đáp và xếp những đồ vật cuối cùng vào va- li.

- Em ra đi thản nhiên như giữa chúng ta không có chuyện gì xẩy ra cả?

Nàng mỉm cười:

- Ra đi vì tư vệ. Ở lại thì chết. Người đàn bà nào cũng muốn sống, Hoàng ạ. Những người tự tử không phải là họ không muốn sống, nhưng là họ muốn được sống sung sướng hơn là cuộc đời họ đang sống.

- Line không giận tôi sao?

Nàng cau mày:

- Tôi đã nói rồi. Tôi không giận gì anh hết...

- Tôi xin lỗi... Line đừng bực mình. Tôi... chỉ vì tôi không ngờ rằng... tôi bị coi nhẹ đến như thế. Nếu Line dọn đi mà chửi rủa tôi, có lẽ tôi còn được đôi chút an ủi... Vì thù hận là một hình thức của Tình Yêu, nhưng lạnh lùng và thản nhiên thì không có tình yêu.

Line Em Em mềm lòng nhưng lòng nàng chỉ mềm có một chút thôi:

- Hoàng đừng nói thế. Hoàng giữ nhiều chỗ trong đời Minh Nhung lắm, có điều anh không biết đấy thôi, ngày mới tới đây sống chung một mái nhà với anh... – (thiếu chút nữa thì nàng nói là: “sống chung một phòng”) – Minh Nhung như người không hồn. Tôi chán nản hết mọi chuyện, không còn thiết gì nữa. Tôi như một con thuyền mất lái để mặc cho sóng đánh trôi đi đâu thì đi. Anh đem niềm vui và tình yêu... đời trở về cuộc đời tôi. Ơn ấy tôi không bao giờ quên...

Lời an ủi và cảm tạ của Minh Nhung lại càng làm cho Hoàng Chủ Nhân thêm rầu rĩ:

- Không có gì tàn nhẫn và ác độc cho bằng khi hết yêu, người ta cảm ơn người yêu cũ. Tôi không ngờ Minh Nhung lại có thể...

- Xin lỗi anh...

Hoàng hung hăng một cách đáng thương hại:

- Nếu quả thật tôi có thể làm cho cuộc đời của Minh Nhung thay đổi nhiều đến như thế, tốt đẹp đến như thế, tại sao Minh Nhung lại bỏ đi?

Nàng muốn nói ngay, như nàng chỉ chờ đợi chàng hỏi câu đó để được trả lời, để được nói một sự thực:

- Vì tôi không muốn đóng vai vợ hờ của một người đàn ông chưa có vợ. Anh có nhiều lý do để giải thích sự kiện anh không kết hôn với tôi dù rằng anh yêu tôi. Nhưng tôi, tôi chỉ có một lời giải thích: anh không yêu tôi đủ để lấy tôi làm vợ. Chỉ có thế thôi. Tất cả những gì khác, đối với tôi, chỉ là tính toán. Và với tôi, tình yêu không có tính toán.

Hoàng đã nhiều lần đóng vai “kẻ ở” trong những màn kịch biệt ly, và chàng đã nhiều lần được nghe những câu nói tương tự. Bởi vậy, chàng chỉ có việc đứng đó và giả vờ xúc động, giả vờ đau đớn. Trong lúc đó, Minh Nhung xúc động thật tình.

Minh Nhung cố lấy lại vẻ thản nhiên khi giáo sư Huy Giang trở vào phòng. Nàng giới thiệu qua loa. Hai người đàn ông nhìn nhau và đánh giá nhau một cách kín đáo. Họ bắt tay nhau:

- Ông chủ nhà! Ông cũng ở đây ạ?

- Vâng, tôi ở phòng bên kia.

- Tôi vừa nói với giáo sư là phòng này đẹp quá, bỏ đi thật tiếc.

- Tôi cũng đang cố gắng xin giáo sư ở lại...

- Có lẽ ông chẳng nên giữ giáo sư ở lại. Theo tôi cô ấy đang cần thay đổi khung cảnh và không khí...

Hai người đàn ông hiểu những câu nói bóng gió của nhau. Cả người đàn bà cũng hiểu. Nàng vội vã chấm dứt cuộc đối thoại đầy những hiểu ngầm của họ:

- Anh mang giùm Nhung nốt chỗ đồ này ra đi. Hết rồi, chờ Nhung ngoài xe, Nhung ra ngay...

Huy Giang nhìn đống đồ đạc:

- Còn từng này nữa cơ à? Hết chỗ rồi sợ chất vào xe tôi không hết đâu.

- Cố đi. Hết mà. Nhưng hãy còn mấy cái áo gửi trên tủ áo trên kia, mấy hôm nữa về lấy nốt.

Huy Giang lại tay xách nách mang. Hoàng ra mở cửa giúp Giang mang đồ ra.

Minh Nhung bước ra khỏi phòng. Nàng đưa chiếc chìa khóa có vẽ hình trái tim cho chàng.

- Au revoir...

Chàng nhăn mặt khổ sở:

- Chỉ có thế thôi sao?

- Chỉ còn thế thôi. Trả chìa khóa phòng cho ông chủ. Đồ đạc của ông chủ còn nguyên đó.

Hoàng từ chối không chịu cầm chìa khóa:

- Tôi đã tự tay tô điểm chiếc chìa khóa này cho Minh Nhung dùng, cho riêng Minh Nhung. Nếu không có gì đòi hỏi quá đáng, xin em giữ lấy nó làm kỷ niệm. Đôi khi tình cờ nhìn lại nó, có thể em sẽ nhớ đến tôi...

Line Em Em xúc động, cố giữ để nước mắt khỏi trào ra trong lúc bàn tay nàng nắm chặt lấy chìa khóa. Nàng vội vã quay đi và rào gót ra khỏi Nguyệt Điện.

Hoàng đi theo. Chàng dừng lại bên cổng, nhìn theo chiếc xe vù đi, giơ tay vẫy. Chàng có cái vẻ của một người đàn ông cố gắng tỏ ra mình không xúc động.

Khi chiếc Volswagen khuất nơi đầu phố, Hoàng chợt thay đổi hẳn. Chàng nhẹ nhõm và dễ chịu như người vừa trút một gánh nặng. Chàng nhanh nhẹn đi vào nhà, vừa đi vừa hát khẽ: “Que sera... sera”...

Chàng vào phòng riêng, mở một ngăn tủ, lấy ra một hộp sắt bên trong có tới hai chục cái chìa khóa cửa phòng. Trong số có vài cái chìa đã được chàng vẽ sẵn hình trái tim bằng sơn đỏ.

CHƯƠNG 3

T

ìm được một chiếc chìa khóa khác để thay thế chiếc chìa khóa chàng vừa tặng người ra đi Minh Nhung, Hoàng trở ra bàn ngồi ăn sáng. Lúc ấy là mười một giờ. Chàng tự tay pha lấy một ly trứng đường: lòng đỏ hột gà đánh với đường cát cho bốc lên như cà rem. Cùng với ly trứng đường, chàng ăn thêm hai chiếc bánh bích qui.

Chị Mười dọn phòng, trải lại thảm, kê lại bàn ghế càu nhàu:

- Cậu chơi bời quá. Có ngày cậu đau, cậu chết... Người chơi bời như cậu cứ đau là chết ngay, cậu đừng có tưởng!

Hoàng ngừng ăn, nhìn ra:

- Ơ hay... chị thù gì tôi mà chị cứ rủa tôi chết hoài vậy?

- Tôi đâu có rủa cậu! Tôi chỉ nói trước cho cậu biết.

- Thì tôi đã bảo là tôi biết rồi. Sao chị cứ nói mãi thế? Khổ lắm.

Chị Mười xịu mặt.

Có lẽ là Hoàng, người không chịu đựng được đàn bà giận dỗi, dù là đàn bà có tuổi và nặng cân như chị Mười, một lát sau, chàng làm lành:

- Có bao giờ tôi nói với chị rằng tôi sống như thế này là phải đâu! Tôi đâu có thích sống như thế này. Chỉ tại tôi chưa gặp được người nào yêu thương tôi...

Chị Mười không chấp nhận sự làm lành của Hoàng. Chị bực dọc đặt mạnh cái giá đựng báo vào vị trí hôm qua của nó:

- Cậu yêu thương ai đâu mà người ta yêu thương cậu? Sở khanh hơn ai hết mà còn cứ...

Hoàng không nói nữa. Chàng lấy “pipe” nhồi thuốc, ra đứng bên cửa sổ nhìn xuống vườn, bật lửa châm thuốc. Chàng biết chị Mười đang hối hận và lát nữa đây, đến lượt chị ta làm lành với chàng.

Vài phút sau, chàng mang tấm bảng ra treo trên cổng sắt. Tâm bảng vuông vắn, có mấy dòng chữ viết bằng sơn đỏ:

PHÒNG CHO THUÊ

Đủ tiện nghi

Sẵn đồ đạc

HỎI TẠI ĐÂY

Lúc ấy là 11 giờ 30 phút.

Hoàng lững thững hai tay chắp sau lưng, miệng ngậm pip đi ra quán sách báo đầu phố. Với tư cách là chủ nhà, chàng cung cấp cả báo chí cho các cô gái trọ đọc. Những văn hóa phẩm ấn loạt thường được chàng mua là Liphe, Paris Match, Elle – (bateau) – đồ lô can: Màn Ảnh, Văn Nghệ Tiền Phong...

11 giờ 45 phút. Hoàng lững thững đi về, nách kẹp mấy tờ báo mới hai tay vẫn chắp sau lưng, mồi thuốc “pip” chưa tắt.

Một chiếc Vespa vụt qua. Trên xe là một cậu trẻ tuổi – chừng hai mươi – y phục có vẻ cao bồi một chút, nhưng là thứ cao bồi sang, cao bồi con nhà giàu ngày đi học, tối đi nhẩy, loại cao bồi có Tú Tài toàn phần và đang đi học Thuốc, Luật. Như một con cá thấy mồi, như một chiếc phi cơ săn giặc thấy cờ Việt Cộng, chiếc xe Vespa chao một vòng, lộn trở lại, rồi đứng trước tấm bảng “ Phòng cho thuê”. Anh lài xe hỏi Hoàng:

- Này ông... Ở đây có phòng cho thuê...

Không đáp, Hoàng nhướng đôi lông mày như người ngoại quốc nhìn lên tấm bảng gỗ.

- Ông là chủ nhà?

- Chính tôi.

- May quá. Tôi đang cần mướn chỗ ở...

Hoàng cắt ngang:

- Nhà nầy không bao giờ thâu nhận... cao bồi. Ở đây toàn là người tử tế, thích yên lặng...

Anh trẻ tuổi lộ vẻ bất mãn:

- Ông bảo ai là cao bồi.

Nhưng chàng đã quay đi. Chiếc taxi dừng bên kia đường, cách chỗ chàng đứng chừng hai mươi thước, vừa thả xuống một thiếu nữ mặc đầm. Nàng tóc ngắn, áo sơ mi dài tay xanh nhạt, duýp ca rô nâu phồng vòng tròn, bắp chân thon và dài trông xa cũng biết là phơn phớt lông tơ, thoăn thoắt trên đôi giày cao gót lướt đi trên vỉa hè. Hoàng không còn tâm trí đâu để cãi vã với anh sinh viên bị chàng tố cáo là cao bồi.

Lan Phi đi đến trước cửa vi- la Nguyệt Điện. Nàng chỉ ngừng lại có một giây để nhìn tấm bảng “ Phòng cho thuê”, mặt nàng tươi lên, rồi – như một người đã quen thuộc với nhà này – nàng đi thẳng vào nhà. Người Hoàng như xoay trên một cái trục, hướng về phía cặp giò của người thiếu nữ. Anh sinh viên dựng xe, đến kéo nhẹ tay áo chàng:

- Tôi muốn xem phòng...

- Cậu không trả nổi tiền mướn đâu...

- Bao nhiêu?

Đã đi vào sau cánh cổng sắt, Hoàng nói lại:

- Năm ngàn một tháng. Tiền nhà đóng trước ba năm!

Hoàng đi nhanh vào nhà. Chàng cố đi nhanh nhưng không chạy. Cô gái đi đâu mất rồi. Cánh cửa phòng Minh Nhung để ngỏ cửa, Hoàng bước nhẹ tới và thò đầu nhìn vào. Lan Phi đang đứng giữa phòng, nhìn quanh như để ước lượng, đánh giá. Hoàng cũng nhìn đánh giá nàng từ đầu đến chân. Từ trước đến nay, Nguyệt Điện chỉ được tiếp đón toàn những người đẹp toàn hai mươi nhăm tuổi trở lên – nghĩa là những người đàn bà đẹp thì có đẹp, đa tình thì có đa tình nhưng toàn là người đã biết Tình Yêu là gì, biết đàn ông có thể làm gì và biết loài người được sinh ra để làm gì từ lâu rồi – người thiếu nữ đứng trước mặt chàng rõ ra là một thiếu nữ – “rất có thể nàng hãy còn nguyên cái mà cô Kiều định giá ngàn vàng và bán cho Mã Giám Sinh với cái giá bốn trăm lạng!” – Hoàng nghĩ thầm – “Nguyệt Điện đang cần có một trinh nữ để thay đổi không khí...!” Chàng ho khan một tiếng rồi bước vào phòng nở một nụ cười lịch sự:

- Chào cô, cô đến coi nhà?

Lan Phi nhìn chàng, mỉm cười nhưng có vẽ bối rối:

- Vâng... Ông đã mướn phòng này rồi ạ?

Giọng nàng tràn đầy thất vọng.

Bằng một giọng ngọt như mía lùi, Hoàng nói:

- Thưa không... tôi là chủ nhà.

Nét mặt Lan Phi tươi lên:

- Nghĩa là chỗ này... chưa có ai mướn? Phải không ông? Nghe nói ở đây có phòng trống, tôi chạy đến ngay, chỉ sợ có người đã hỏi mướn trước. May quá... Tôi thích căn phòng này quá ông ạ... Tôi vẫn ước mơ được ở đây... Vườn hoa này... Ồ... Tuyệt quá... Có đêm tôi đã ngồi đây ngắm trăng...

Hoàng nheo mắt:

- Cô đã đến đây rồi?

- Vâng. Dì tôi ở đây mà. Dì tôi là cô giáo sư Minh Nhung...

- A... Ra cô là cô cháu học ở Đại Học mà cô Minh Nhung vẫn nói đến luôn đấy...

Lan Phi lại nhìn quanh một vòng căn phòng. Nàng bước lên cầu thang, lên khu giường ngủ:

- Tôi không hiểu tại sao. Dì tôi lại bỏ phòng này. Phòng này đẹp quá, tuyệt quá. Cả cái đường lên giường ngủ này cũng thơ mộng... đặc biệt nữa.

Hoàng đến đứng đước chân thang, ngửa mặt nhìn lên. Cái vật di động mà chàng nhìn thấy ở cách mặt chàng chừng hai thước – tròn, thon, đầy đẩy và chắc chắn là êm, mát rượi và thơm phức ấy – làm cho chàng muốn toát mồ hôi... nóng.

Lan Phi đi vào khung cửa phòng tắm. Hoàng bước lên thang hai bậc, chàng len vào căn phòng tắm nhỏ siu đứng với thiếu nữ. Nàng chăm chú ngắm từng vật. Chàng cũng vậy – khi nàng mở thử vòi nước trên bồn rửa mặt, có tiếng ọc ọc như người khổng lồ bị chọc tiết phát ra.

Hoàng cố gắng nhấc tia mắt chàng nhìn lên khuôn mặt ngạc nhiên của nàng:

- Tiếng nước chảy! – Chàng nói để trấn an nàng – nhưng không sao đâu. Chỉ lúc cô mới vặn vòi nước là có tiếng đó thôi.

- Ồ... không sao mà ông...

Lan Phi mỉm cười, chỉ cần nhìn bộ mặt “nghệt” của ông chủ nhà, nàng cũng biết rằng ông ta là một người “chân chỉ hạt bột” – lương thiện – không biết cách nói chuyện với đàn bà. “Nói chuyện” đây có nghĩa là nói những lời ngọt ngào, nói chuyện về tình yêu. Người đàn ông này khác hẳn với Quang, người yêu của nàng. Đứng bên Quang, ông chủ nhà này chỉ là một cái bóng mờ, một người không đáng sợ. Nàng tắt vòi nước và nghiêng người đi qua mặt Hoàng, ra khỏi phòng tắm và khu giường ngủ. Một lần nữa, nàng lại nhìn quanh: chiếc giường có ngăn đựng sách, đựng hình và bầy “bi bơ lô”, chiếc bàn con, ngọn đèn ngủ có chụp mầu xanh, tay nàng sờ nhẹ vào tấm màn che bằng vải boussac có in hình khối kiểu lập thể Picasso. Nàng lại tỏ vẻ hài lòng.

Nàng đứng dựa bụng lên thành sắt cầu thang, nhìn xuống phòng dưới, đôi mắt nàng chứa chan thỏa mãn:

- Phòng đẹp quá. Hơi nhỏ một chút, nhưng tất cả mọi vật đều cân đối, cái gì cũng xinh...

Hoàng – đôi mắt vẫn nhìn nàng từ đầu đến chân đánh giá từng phần thân thể nàng – biểu đồng tình:

- Vâng, cô nói đúng. Xinh. Cái gì cũng xinh. Nhỏ nhưng mà cân đối, cô nhỉ?

Chợt, Lan Phi kêu lên một tiếng khẽ, vành môi nàng tròn lại – trông như môi Sylvie Vartan khi hát bài “Ô mon amour” – hai bàn tay nàng chắp lại:

- Ồ... Bậy quá. Tôi thật vụng quá! – nàng nói – Tôi đến mướn phòng mà cứ khen tắc lưỡi như vầy thì chết rồi. Ông tăng tiền nhà thì làm sao tôi mướn cho nổi!

- Ngàn hai một tháng! Không có phải sang, trả tiền tháng một, điện nước bao.

Lan Phi tỏ vẻ ngạc nhiên, đôi mắt nàng mở lớn, hàng mi dài và cong không chớp:

- Ông không nói giỡn tôi đấy chứ?

Hoàng vội vã:

- Tiền nhà cao quá hay sao cô?

- Không! Không! Không cao chút nào. Với tôi, một ngàn hai trăm đồng bạc là một số tiền lớn thật, nhưng phòng này thật xứng đáng. Nếu ông không tiếc mà tăng giá, tôi còn nói thêm là... rẻ nữa là khác. Tôi cứ tưởng ông phải cho mướn đến hai ngàn và bắt đóng tiền trước sáu tháng là ít. Ông cho tôi mướn ông nhé... Tôi là con người tử tế, tôi đang học trường thuốc, không tin ông cứ hỏi dì Minh Nhung tôi khắc biết. Tôi không làm ồn ào, không dẫn các bạn tới đập phá. Tôi hứa danh dự với ông là tôi sống yên tĩnh, gương mẫu và... mỗi tháng tôi sẽ xin trả tiền ông trước mồng sáu tây.

Nàng biết là nàng hứa ẩu. Nếu vụ nàng chung sống ở đây với Quang – một thanh niên chưa chính thức là chồng chưa cưới của nàng, mặc dầu họ sống với nhau thật thanh khiết – bị bại lộ mẹ nàng rất có thể sẽ cắt đứt sự viện trợ và nàng sẽ không có tiền trả tiền nhà. Nhưng nàng không biết làm sao hơn. Nơi này đẹp quá, thơ mộng quá và nàng đang muốn thí nghiệm “sống chung một nhà nhưng không chung một giường” với người yêu... Nàng có thể làm được mọi chuyện để thực hiện giấc mộng ấy.

Nàng nhắc lại giọng khẩn khoản, lo âu như người xin một ân huệ:

- Ông cho tôi mướn, ông nhé...

Hoàng nghĩ thầm – “Em mà đòi ở không tiền tôi cũng cho em mướn liền tù tì...” – chàng mỉm cười:

- Nếu chúng ta biết tên nhau, nói chuyện có lẽ tiện và thân mật hơn. Tôi là Hoàng...

- Tôi là Lan Phi. Thưa... Ông Hoàng...

- Không có... Ông gì cả! – Hoàng dơ tay lên chận lại – Ở đây, các cô ấy vẫn gọi tôi là anh, hoặc là Hoàng... thân như anh em một nhà...

- Thế cho tôi mướn phòng này nhé? Bao giờ tôi có thể dọn tới được?

- Cô có thể dọn đồ tới ngay bây giờ!

Lan Phi reo lên:

- Thật không anh? Thích quá... Thế là tôi được làm chủ căn phòng này? Tôi sẽ ở đây thật lâu.

Hoàng lấy trong túi ra chiếc chìa khóa cửa có sơn hình trái tim – giống hệt chiếc chìa khóa chàng đã tặng Minh Nhung để làm kỷ niệm – đưa cho Lan Phi:

- Đây là chìa khóa phòng cô – Chàng tiếp một câu rất Tây – Mừng cô đến Nguyệt Điện.

- Ồ thích quá! Đây là căn phòng riêng đầu tiên trong đời tôi! – nàng chạy xuống thang xoay mình một vòng giữa phòng – Ồ... khoái không chịu nổi – Nàng tiếp – từ ngày lớn lên đến giờ, tôi toàn ở trong trường... Đến nay, phòng riêng của tôi lại đẹp quá, hách quá. Tôi lại có chìa khóa riêng! – nàng nhìn chiếc chìa khóa cầm trên tay – chìa khóa cũng đẹp! Lại có hình trái tim. Ở đây cái gì cũng đẹp...

Nàng ngửa mặt lên hít một hơi dài, đôi mắt lim dim, như bầu không khí trong phòng này có hương thơm ngào ngạt.

Hoàng từ từ đi xuống thang. Chàng thích thú nhưng cũng hơi ngạc nhiên vì thái độ ngây thơ và sự biểu diễn tình cảm tự nhiên như đầm – như Sandra Dee trên màn ảnh – của nàng.

Nàng xoay vòng tròn như người quay valse trong phòng.

Chợt, nàng đứng dừng trước mặt Hoàng, nét mặt nàng xịu xuống:

- Ồ...

- Chi vậy?

- Lẽ ra tôi phải nói với... Hoàng trước... Tôi có một người bạn đến ở chung...

Hoàng đứng sững:

- Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ cho ai ở hai người một phòng – chàng suy nghĩ – bạn của cô là người thế nào?

Lan Phi ghét nói dối và nàng không muốn nói dối. Nhưng nàng thích căn phòng này quá. Nàng lờ mờ đoán biết rằng nếu bây giờ nàng nói rõ lại chương trình “ sống chung thanh lịch” của nàng với Quang cho ông chủ nhà hiền lành “chân chỉ hạt bột” này rõ, ông ta sẽ hoảng kinh và rút lại sự thỏa thuận cho nàng vào mướn căn phòng này. Nàng biết là ông ta sợ sẽ có chuyện lôi thôi, phiền nhiễu xẩy ra, ông ta sẽ không tin tưởng ở cái chương trình của nàng. Chi bằng bây giờ, cứ nói làm sao để cho nàng và Quang dọn đồ vào sống ở đây yên ổn cái đã. Lúc ấy, ông ta sẽ biết là họ sống chung trong sạch và dễ mến đến là chừng nào. Hai nữa, nàng biết là một khi người mướn đã dọn vào nhà, ông chủ nhà không còn can thiệp vào đời tư của người mướn nữa, miễn là tiền nhà cứ trả đều, đúng kỳ và đừng làm ồn ào.

Nàng nói sự thật, nhưng không nói trọn sự thật:

- Bạn tôi đàng hoàng lắm. Cao hơn tôi một chút. Bạn tôi có duyên không thể tưởng tượng được. Tóc bồng, da trắng ngực nở... Vui vẻ, cười vui cả ngày, nhảy “Tuýt” giỏi một cây... Bạn tôi dễ mến lắm.

Nét mặt Hoàng tươi lên. Càng tưởng tượng, chàng càng thấy những hình ảnh đẹp đẻ, gợi cảm hiện ra trước mặt: hai cô gái trọ cô nào cũng đẹp một cô đẹp một lối khác nhau. Qua lời giới thiệu của cô này, chàng tưởng tượng ra cô kia cao, chân dài, tóc bồng và... ngực nở. Chắc chắn cô kia cũng phải đẹp và quyến rũ ngang với cô này. Chàng chậm rãi nói:

- Cũng được. Đặc biệt tôi để cô dễ dàng...

Lan Phi lại xoay mình mấy vòng tròn:

- Hay quá, thế là xong rồi...! Thú quá...

Nàng vừa xoay mình vừa lướt ra khỏi phòng:

- Ê... cô đi đâu đấy?

Hoàng chạy theo nàng. Nàng đứng lại trên con đường lát xi- măng đi qua vườn:

- Lan Phi về lấy đồ. Dọn lại đây ngay lập tức... Bai... Bai.

Nàng muốn dọn lại ngay và cũng muốn báo tin ngay cho người yêu của nàng biết.

Hoàng còn dặn với theo:

- Lại ngay nhé!

Lan Phi quay lại nở một nụ cười cám ơn, rồi thoăn thoắt đi ra đường. Tiếng gót giầy của nàng đập cách cách nghe thật vui tai, như tiếng “cát ta nhét” của những vũ nữ Tây Ban Nha nhẩy điệu Phlamenco. Khi Hoàng quay lại chàng thấy chị Mười đang đứng nhìn chàng, mặt lạnh như tiền, mắt chị gườm gườm nhòm chàng, lên án.

Trước khi chị Mười kịp mở miệng, chàng đã nói:

- Chị không có việc gì làm à?

Chị Mười hứ một tiếng rồi thở dài:

- Mùi nước hoa của cô Minh Nhung vẫn còn phảng phất đâu đây, cậu đã rước một cô khác vào thế chân rồi. Bạc tình...

Hoàng cau mày:

- Chị nói lảm nhảm hoài. Nhà này để cho mướn, có người đến mướn thì phải cho mướn chớ.

Còn chuyện người kia vừa ra có người khác vô là luật cung cầu, nhà đàng hoàng cho mướn ít, người đi mướn nhà thì nhiều, tôi biết làm sao được? Chỉ vì cô Minh Nhung bỏ đi nơi khác, chị muốn tôi đóng cửa phòng này, để không cả tháng, để giữ... hơi cô ấy sao?

Chàng nghiêm mặt đi vào nhà và đứng lại trước cửa phòng ngủ:

- Lát nữa... cô sinh viên vừa ra đó sẽ dọn lại đây với một cô bạn. Nếu không có việc gì làm, tôi yêu cầu chị vào dọn dẹp phòng này cho các cô ấy đi.

Anh Mười – thợ vườn – tay cầm cái cào cỏ, đến gần chỗ chị vợ đứng, thò đầu vào nhà. Nhưng Hoàng đã rút lui vào phòng chàng.

Chị Mười lắc đầu như một nhà “phi lô xốp” và bảo chồng:

- Mình nên đi tìm việc làm ở một nơi khác. Nhà này lộn xộn quá, không được chút nào...

Mười hỏi vợ:

- Sao vậy?

- Cái nhà cô bé xíu vừa ra đó sẽ dọn lại đây ở phòng cô Minh Nhung với một cô bạn. Hai cô bé rồi sẽ chết cả về hắn thôi. Hắn... trẻ không tha, già không thương...

Đôi mắt anh Mười sáng lên, anh quay đi nói nhỏ để vợ không nghe tiếng:

- Hai cô ấy sắp đến cửa à? Cậu ấy sướng thật! Sống như thế mới là sống đời đáng sống chứ...

CHƯƠNG 4

B

uổi chiều, trời mới tắt nắng, Quang lái xe đến Đại Học Xá đón Lan Phi đến nhà mới.

Một số chừng mười cô bạn xách va- li và khuân sách vở từ trên lầu xuống sân cho nàng. Quang không biết, và cũng không ngờ rằng Lan Phi lại nói rõ cuộc “thí nghiệm ái tình” mà nàng và chàng sắp thực hiện cho tất cả những cô bạn thân của nàng biết.

Vì vậy, chàng ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy các cô bạn của nàng yên lặng nhìn chàng từ đầu đến chân – mắt cô nào cũng hau háu – như cảnh sát nhìn kẻ cướp. Vài cô lại còn tủm tỉm cười với chàng những nụ cười thông cảm.

Chàng hỏi nhỏ Lan Phi:

- Chuyện gì mà họ nhìn dữ vậy, em?

- Chẳng có chuyện gì cả:

Nàng đáp vội và ngồi vào xe. Để ngăn những câu hỏi của chàng, nàng nói liên hồi về căn phòng nàng mới mướn được, một nơi lý tưởng. Nghe nàng, người ta có thể tưởng đó là một nơi mà tạo hóa đã làm ra để dành cho nàng đến ở.

Tới cửa nhà Nguyệt Điện, Lan Phi mới ngừng nói, Quang dừng xe sau một chiếc tắc xi. Lan Phi – Những bộ áo đầm và áo dài quý nhất, đắt tiền nhất và đẹp nhất của nàng – vắt trên tay, đi vào Nguyệt Điện trước, Quang lo mang va- li vào sau.

Khi Lan Phi đi gần đến thềm nhà, Minh Nhung từ trong nhà đi ra. Tay Minh Nhung cũng cầm, giơ lên cao, mấy chiếc áo dài và áo đầm còn sót lại trong tủ của nàng. Hai nàng – cô dì và cháu – cũng giơ cao những chiếc áo lên ngang mặt và cũng không chú ý tới nhau.

Anh Mười đứng nơi cuối vườn nhìn ra. Anh lẩm bẩm nói một mình bằng một giọng thèm muốn. “Người chưa đi khỏi đã có người đến thế chân ngay, khoái thật! Người đẹp thật quá nhiều!”... Hơn lúc nào hết, anh thấy Hoàng là một người đàn ông đã tìm thấy “lẽ sống” ở đời và sống như Hoàng mới thật là đáng sống.

Trên lối đi qua vườn Nguyệt Điện, Minh Nhung và Lan Phi gặp nhau và sắp xa nhau, nhưng sau vài bước, cả hai nàng cùng chợt nhận ra nhau và cùng dừng lại...

Minh Nhung trợn mắt nhìn cô cháu:

- Lan Phi...! Cháu tới đây làm chi vậy?

- Kìa Dì... May quá, cháu đang thắc mắc không biết Dì ở đâu để báo tin cho Dì biết: bây giờ cháu thế chân Dì.

- Thế chân... nghĩa là thế nào?

- Nghĩa là cháu vào ở trong căn phòng của Dì. Cháu vừa đến mướn trưa nay. Chắc lúc ấy, Dì vừa dọn ra...

Phải mất đến mấy giây đồng hồ sau Minh Nhung mới trấn tĩnh được cơn xúc động. Nàng nghiêm mặt:

- Như thế là Lan Phi tự ý ra khỏi Đại Học Xá? Lan Phi đã nói gì cho Má biết chưa?

- Dì...

- Lan Phi xịu mặt, Minh Nhung nhắc lại:

- Má đã biết chưa?

- Cháu chưa nói gì với Má cháu cả... Nhưng... cháu sẽ nói ngay. Nếu Má cháu biết trước, Má cháu sẽ cản cháu. Má cháu không dám cho cháu sống ở nhà riêng. Má cháu cứ cho là cháu hãy còn bé bỏng lắm.

- Dì cũng nghĩ như Má cháu... – Minh Nhung cố nghĩ một lý do chính đáng và quyết liệt có thể ngăn cản không cho cô cháu gái vào căn nhà nguy hiểm này. Trong cơn bối rối, nàng chỉ nghĩ được một lý do rất thường – cháu là sinh viên, cháu phải ở trong trường...

Lan Phi ngắt lời:

- Thiếu gì sinh viên sống ở ngoài, Dì? Sinh viên đâu có bắt buộc sống ở trong trường. Với lại... Cháu đã hai mươi tuổi rồi.

- Người ta sống ở ngoài vì người ta có gia đình, cháu là con gái mà sống một mình như thế này...

Tiếng cười trong của Lan Phi cất lên trong khu vườn đang tắt dần ánh nắng. Sợ tỏ ra vô lễ làm bà Dì giận, nàng chỉ cười vài tiếng rồi cố nén cười để nói:

- Cháu không ngờ Dì mà cũng còn cổ điển thế! Cháu biết giữ thân cháu chứ.

- Lan Phi đã gặp... Ông chủ nhà này chưa?

- Ông Hoàng ạ? Chính ông ấy nhận cho cháu mướn căn phòng của Dì. Ông Hoàng làm sao hả Dì? Cháu thấy ông ấy lịch thiệp ghê đi...

Minh Nhung không thể nói gì với Lan Phi về Hoàng mà không tiết lộ cuộc tình duyên thầm kín của nàng. Vì vậy, nàng đành ấp úng rồi đứng ngây ra nhìn cô cháu. Nàng có cảm giác của một bà Dì trông thấy cô cháu “phây phây” đi vào chuồng cọp mà không sao ngăn lại được. Hôm qua ở Trường Đại Học, Minh Nhung sốt ruột và “cho rơi” cô cháu. Chiều nay, đến lượt Lan Phi sốt ruột và “cho rơi” bà Dì.

- Tối mất rồi, Dì cho cháu dọn đồ vào nhà nghe Dì. Sáng mai, cháu gặp Dì ờ trường. Dì cháu mình sẽ nói chuyện nhiều. Dì nhớ là Dì không được viết thư cho Má cháu về việc cháu ra sống ở đây Dì nhé... Để cháu lo việc ấy...

Minh Nhung đứng nhìn theo cô cháu vội vã đi vào tòa nhà, cô cháu trẻ, đẹp, ngây thơ và trong trắng của nàng đi vào một khu nguy hiểm hơn là rừng rậm Phi Châu, một Mê Hồn Trận đã làm cho chính nàng thiếu chút nữa thì chết mất xác.

Với một tình trạng tinh thần bối rối, nàng mang những chiếc áo cuối cùng của nàng vào chiếc xe tắc xi sẵn bên ngoài. Khi xe chuyển bánh, nàng mới trông thấy chàng thanh niên lực lưỡng, mặc áo sơ mi ca rô, quần jeans, đi giày mocassin, hai tay ôm và xách bốn cái va- li đi vào Nguyệt Điện.

Sự xuất hiện của chàng thanh niên ấy càng làm cho Minh Nhung thêm bối rối. Sau cùng, nàng đành tự trấn tĩnh bằng cách nghĩ rằng chàng thanh niên này chỉ là một người bạn đến giúp cháu gái nàng dọn nhà, cũng như Huy Giang đến giúp nàng dọn nhà vậy.

Trong căn phòng riêng đầu tiên của đời nàng, Lan Phi hãnh diện treo những chiếc áo đẹp nhất của nàng vào tủ áo. Quang đi vào. Chàng đặt bốn chiếc va- li xuống giữa phòng, thở phào và nhìn quanh. Đây là lần thứ nhất chàng tới đây. Chàng tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thế này mà chỉ có... ngàn hai một tháng?

Lan Phi sung sướng gật đầu:

- Rẻ quá phải không Quang?

- Ông chủ nhà này chắc là cho thuê nhà để lấy... đẹp chớ không phải để lấy tiền. Ông ấy là người thế nào em?

- Già rồi, đứng đắn lắm, Anh ra mang cái ghế bố vô đi.

Quang đến cửa sổ, nhìn ra vườn, ra phía chiếc xe Simac đậu ngoài đường. Từ lúc nghe Lan Phi nói đến cuộc thí nghiệm, chàng vẫn nghĩ rằng đó là một chuyện đặt ra, thảo luận cho vui chớ không thể nào thực hiện được, một chuyện mà chàng phải giả vờ chú ý và giả vờ phản đối để cho nàng hài lòng. Chiều nay, chuyện ấy đột nhiên thành sự thực. Vào đứng ở trong căn phòng này, chàng mới nhận thức được sự nghiêm trọng của tình thế. Cuộc thí nghiệm này, đối với chàng, là một sự nguy hiểm vô cùng, một cuộc hành hạ thường trực mà chàng sợ chàng sẽ không chịu đựng nổi.

Sống ở đây với nàng suốt đêm, thấy nàng ngủ ở một nơi cách chàng có vài thước, chàng chỉ cần vượt vài bước xa cách là ôm được nàng trong tay, trên chiếc giường sẵn sàng... Làm sao chàng có thể chống cự nổi sự quyến rũ ghê gớm ấy? Chàng sợ vì chàng yêu nàng chân thành. Chàng sợ bị nàng khinh bỉ...

- Lan Phi... em nhất định làm cuộc thí nghiệm này sao?

- Ơ hay... sao lại không nhất định? Đến bây giờ mà Quang còn nghĩ rằng Lan Phi nói đùa sao?

Quang nhún vai với một dáng điệu phó mặc cuộc đời cho Số Mệnh. Nếu chàng cố chống cự không nổi và nửa đêm, bò lên giường cưỡng hiếp nàng, đó cũng là tại số. Cái gì cũng do số mà ra hết. Chàng đi ra xe lấy đồ.

Bóng tối xuống trên Nguyệt Điện, một đêm mát, đẹp và thơ mộng bắt đầu. Anh Mười bưng một chiếc rổ, trong có mấy cây hoa có cả đất vào phòng Hoàng. Những cây hoa mới đánh lên từ ngoài vườn này sẽ được trồng ở bệ đất bên cửa sổ phòng Hoàng, lấy hoa để Hoàng đem tặng cho các cô gái trọ xinh đẹp.

Chị Mười đang bầy bàn ăn – ba bộ bát đũa, muỗng dĩa và khăn ăn trên bàn chứng tỏ tối nay, Hoàng Chủ Nhân có thực khách – mặt chị nặng như một cái cối đá. Chị nhìn chồng và Hoàng bằng một đôi mắt mà những người đàn bà ác nghiệt vẫn dùng để nhìn những kẻ tử thù. Hoàng tự tay trồng hoa vào bệ đất, ngoài cửa sổ anh Mười đứng bên. Hai người nói nho nhỏ, đủ cho nhau nghe, như hai anh gián điệp nói chuyện ở chỗ đông người trên màn bạc.

- Nhà lại có khách đến mướn?

- Ừ...

- Nữ khách?

- Hai cô?

Hoàng gật đầu:

- Ừa!

- Cậu mời cả hai cô qua ăn... tân gia bữa nay?

- Chuyện bắc buộc!

- Nếu tôi không lầm, bữa ăn tối sẽ có có một sự lựa chọn?

- Có thể! Nhưng cũng có thể... hoa thơm đánh cả cụm! Đồng ý?

- Đồng ý!

Thấy bóng tối đã xuống đầy trong vườn, Hoàng trở vào cởi áo tắm. Chị Mười đã bầy xong bàn ăn. Chị nói với Hoàng bằng một giọng nặng những ác cảm:

- Thức ăn tôi đã làm xong cả: nem chua, gà rô ti, cơm nếp. Chai rượu sâm- banh cậu đưa tôi đã để ướp lạnh. Lát nữa, các cô bé tới, cậu chỉ việc lấy rượu. Nếu tối nay là một tối vui đặc biệt... cậu cần có người hầu... để tôi bảo nhà tôi ở lại phụ cậu một tay...

Giả vờ như không hiểu câu nói nhiếc ngầm ấy, Hoàng nhìn qua bàn ăn:

- Được rồi. Đẹp lắm rồi. Cám ơn chị. Chị đưa anh ấy về nghỉ đi. Tối nay có gì đặc biệt đâu mà bắt anh ấy ở lại. Tôi lo một mình được. Tôi quen rồi...

- Cậu thì quen quá rồi – chị Mười dài giọng – Nhưng tối nay có những hai cô bé. Sợ cậu mỏi tay...

Thấy Hoàng vẫn làm lơ, chị Mười bực quá, nói thẳng:

- Cấu cứ quen mui thấy mùi ăn mãi, có ngày người ta cho cậu vào ngồi tù...

Hoàng hỏi lại:

- Lý do?

- Vì tội dụ dỗ con gái vị thành niên...

- Ai dụ dỗ ai? Tôi chỉ làm bổn phận của một người chủ nhà lịch sự và độc thân, tổ chức một bữa cơm gia đình, thân mật để chào đón hai có mướn nhà mới dọn đến. Các cô ấy xa nhà, cần được hưởng không khí gia đình.

- Yên trí đi...! Rồi có ngày kiểm tục người ta đến kiểm soát nhà này... Sớm muộn thế nào cũng có ngày...

Chị bỏ ra khỏi phòng. Hoàng bực tức nhìn theo chị, rồi nhìn anh Mười. Cái nhìn của Hoàng như muốn nói – “Gớm... chị vợ của anh thật là quá lắm...”

Hiểu cái nhìn thay cho lời nói ấy, anh Mười đến gần chàng nói bằng một giọng đại lượng và nhỏ nhẹ:

- Đàn bà họ vẫn hẹp hòi như vậy. Họ không thể hiểu được đàn ông chúng mình... – Anh nhìn quanh phòng, gật đầu tỏ vẻ có thiện cảm – Cậu có một nơi... dụng võ thật tuyệt... Nếu tôi cũng có đủ điều kiện như cậu...

Dịu lại vì sự tán thưởng nồng nhiệt của anh Mười, Hoàng vỗ nhẹ lên vai anh:

- Anh lấy rượu uống rồi đưa chị ấy về đi.

Chàng nhanh nhẹn đi vào phòng tắm.

Anh Mười rót Quisky vào ly, đưa ly lên lắc nhẹ cho cục đá nhỏ tan vừa đủ mát rồi ngửa cổ uống một hớp lớn. Chất rượu mạnh có công hiệu ngay. Đứng cầm ly rượu trước mặt, một tay đặt sau lưng, mắt nhìn bàn tiệc, anh Mười chợt tưởng như anh là một nhân vật quan trọng: một Đại Tướng, một Thủ Tướng đứng giữa một rừng người đẹp trong một dạ hội tiếp tân. Đôi mắt cận thị của anh chợt mờ đi trong một cơn mơ mộng xuất thần. Anh Mười thường có những cơn xuất thần như vậy, nhất là sau khi anh uống rượu.

Anh đứng dựa mình vào lưng chiếc ghế bành, một nụ cười lịch thiệp và quí phái nở trên môi, anh nói với đàn bà tưởng tượng – đẹp nhất trong số những người đàn bà đẹp, đa tình nhất trong số những người đàn bà đa tình – đang đứng trước mặt anh và đang sẵn sàng chờ đợi anh chiếu cố – “Anh đợi em từ hai mươi năm...”

- Anh làm cái chi kỳ cục vậy?

Mười giật nẩy mình. Một giọng đàn bà chua như giấm vang lên làm cơn xuất thần của anh ta biến không còn một dấu vết. Chị vợ anh ta từ nhà bếp vừa lên, tay xách nón và chiếc bị, chân đi guốc lẹp kẹp, đang trợn mắt nhìn anh.

Anh ấp úng:

- Có làm cái chi đâu. Tôi đang chờ cô về.

- Lại uống rượu! Gan ruột nát bấy ra rồi mà vẫn còn tham lam, cứ thấy rượu là uống...

- Chẳng lẽ sao?... Chẵng lẽ không uống thì chết à? Dọn đồ đi về...

Chị Mười đứng ngoài cửa phòng chờ chồng. Chị thấy cánh cửa phòng xế đó – phòng cô Minh Nhung hôm qua- hé mở. Chị tò mò muốn biết hai cô gái mới dọn đến mặt mũi, người ngợm ra làm sao.

Sau cùng, chị thò đầu nhìn vào phòng. Chị thấy Lan Phi đang đứng xếp y phục vào tủ:

- Chào cô...

Lan Phi quay lại nhìn, nụ cười đi trước tiếng cười của nàng làm cho nét mặt của chị Mười tươi hẳn lên:

- Chào chị...

Nụ cười và tất cả những cái gì Lan Phi cho đi theo nụ cười đó đã giúp nàng chiếm được trọn vẹn cảm tình của chị Mười ngay từ phúc đầu. Chị bước vào phòng:

- Tôi là người làm của ông Hoàng, tôi nấu bếp và giặt ủi cùng dọn phòng cho các cô ở đây. Nhà tôi tên là Mười.

- Chị Mười... Tên tôi là Lan Phi.

- Nếu các cô có cần gì, cứ cho tôi biết. Mới có một mình cô tới thôi ạ?

Chị Mười nhìn quanh. Lan Phi bối rối trong vài giây đồng hồ nhưng nàng tự trấn tĩnh được ngay:

- Bạn tôi tới rồi. Đang dọn đồ ngoài xe vô nhà.

Chị Mười kín đáo quan sát Lan Phi. Chị thấy những lời chị tiên đoán về những cô gái mới tới – những người con gái sắp sửa đem thân làm nạn nhân cho chàng sở khanh chủ nhà – không sai mảy may. Người thiếu nữ này hoàn toàn ngây thơ và thiếu kinh nghiệm, một miếng mồi quá ngon cho anh chàng họ Sở bên kia, một con nai tơ sắp sửa sa vào hang sói. Chị nghĩ đến cô giáo Minh Nhung, đến những cô mà chị thấy kế tiếp nhau xách va- li đi. Chị nghĩ đến Hoàng và chị thấy có bổn phận phải nói vài câu về Hoàng để cho cô thiếu nữ ngây thơ này đề phòng:

- Lẽ ra... chuyện này không phải là chuyện của tôi...

- Chị Mười mở đầu... nhưng vì tôi thấy cô hãy còn trẻ quá. Cô lại tới đây ở một mình, trong lúc ông Hoàng...

- Ông Hoàng? Ông Hoàng làm sao, chị?

- Ông ấy cũng... Ở một mình, ông ấy chưa vợ con... và theo như lời các cô ở đây trước có cho tôi biết thì... Ông ấy khéo lắm. Ổng biết cách ăn nói làm vừa lòng đàn bà...

Chị Mười bối rối. Chị thấy rõ không có thể nói cho Lan Phi biết rõ nỗi nguy hiểm đang chờ đợi nàng nếu chị không trình bày với nàng những sự thực sống sượng:

- Cô hiểu tôi muốn nói gì chứ? Trước cô... đã có nhiều cô tới đây và... cô nào cũng “bị” với ông ấy hết. Ổng dụ dỗ khéo lắm...

Lan Phi mở rộng đôi mắt đen lay láy, nhìn chị Mười tỏ vẻ không tin:

- Ông Hoàng mà vậy à?

Chị Mười gật đầu:

- Ông Hoàng mà vậy đó!

- Lạ nhỉ... Các cô trước đây sao mà kỳ vậy? Bộ các cổ hết... đàn ông rồi hay sao? Tôi thấy ông Hoàng ổng đứng đắn đấy chứ?

- Các cô trước kia cũng nghĩ như cô vậy. Tôi đã nói là ổng khéo lắm mà. Cô nào vô ở đây cũng bị với ổng hết. May ra có cô là thoát...

Chị Mười nói đến đó là ngừng, nhưng Lan Phi cũng hiểu rằng chị muốn nói – “Cô thoát tay hắn là vì tôi nói cho cô biết trước...” Nàng cười:

- Cám ơn chị. Chị đừng lo. Tôi giữ mình tôi được mà!

Chị Mười không tin tưởng lắm ở câu nói đầy tự tin của Lan Phi. Chị nhớ lại những cô gái trước nàng đã sống trong phòng này, cô nào cũng tự phụ là giữ mình được nhưng rốt cuộc cô nào cũng để cho Hoàng tha hồ muốn làm gì mình thì làm.

Có tiếng chân người đi bên ngoài, chị Mười chấm dứt câu chuyện:

- Tôi đã nói trước để cô biết rồi đó. Vậy là xong bổn phận của tôi. Cô nên cho cô bạn của cô biết, để cô ấy đề phòng...

Chị thấy nét mặt của Lan Phi đổi khác. Cùng lúc ấy có người bước vào phòng. Chị quay lại và thấy một thanh niên cao lớn, đẹp trai, mặt mũi sáng sủa, thông minh đang hì hục khiêng chiếc ghế bố kiểu nhà binh vào phòng.

Lan Phi giới thiệu hai người với nhau bằng một giọng yếu xều – “Anh Quang... Chị Mười, chị nấu bếp ở đây...” Quang dựng chiếc ghế bố trong một gốc phòng. Chàng ngồi xuống ghế sẵn sàng chờ đợi những sự lôi thôi rắc rối xẩy ra.

Chị Mười nhìn chiếc ghế bố, rồi nhìn Quang sau cùng chị hỏi:

- Cậu đây là người ở chung phòng với cô?

Quang nhìn Lan Phi mỉm cười như để an ủi trước sự thất bại của nàng:

- Em nói cho chị ấy biết đi. Trước sau gì rồi chị ấy cũng biết...

Lan Phi khổ sở gật đầu và miễn cưỡng giải thích:

- Chị Mười... chị đừng hiểu lầm... Anh Quang với tôi đây là bạn.

Nàng ngừng nói, ngạc nhiên vỉ vẻ mặt đồng ý và tán thưởng quá rõ ràng của chị Mười.

- Cô không cần phải nói gì cả. Tôi hiểu... – chị Mười vui vẻ ngắt lời Lan Phi, giọng nói của chị gần như là giọng nói của một người sung sướng đôi mắt chị sáng lên khi chị tưởng tượng đến nỗi thất vọng của Hoàng lát nữa đây, khi chàng thấy một thanh niên nằm trong phòng Lan Phi, chị nói tiếp – Cô cậu ở trong phòng này thì nhất rồi. Hơi chật một chút, nhưng mà chưa có trẻ con thì cũng vừa...

Lan Phi đỏ bừng mặt nàng bực mình với chính nàng vì sự đỏ mặt ấy. Thấy chị Mười lui ra, nàng vội vã níu tay chị lại để nói:

- Chị hiểu lầm. Tôi với anh Quang không phải là... là... Chúng tôi chỉ là bạn. Chúng tôi sống với nhau trong phòng này nhưng mà...

Nhưng chị Mười không nghe nàng nữa, chị gỡ tay nàng ra.

- Như vậy càng hay. Cô cậu đây có cần gì xin cứ cho tôi biết. Thôi... chào cô cậu...

Chị vui vẻ ra khỏi phòng trong lúc Lan Phi và Quang nhìn nhau, khó hiểu.

Đi ngang cửa phòng Hoàng chị Mười đứng lại thò đầu nhìn vào phòng. Hoàng đã tắm xong, chàng đã bận y phục đàng hoàng và đang đứng đặt hai bông hoa vào hai chỗ bàn ngồi của hai cô khách. Chàng giả vờ như không thấy chị Mười nhìn vào phòng, miệng khe khẽ hát. Chị Mười mỉm cười rồi nhẹ gót ra khỏi nhà, miệng cũng khe khẽ hát...

Anh Mười ngạc nhiên hỏi vợ:

- Chuyện gì vui dữ vậy?

Chị Mười không cần nói lý do nỗi vui của chị cho chồng biết. Một mình chị biết là đủ rồi. Chị chỉ nói:

- Lâu lâu cũng phải “zui” chút chút chớ! không “zui” chết ngỏm sống sao nổi?

CHƯƠNG 5

M

ười lăm phút sau khi thành phố Sài gòn lên đèn, Lan Phi nhẹ nhàng ra khỏi nhà Nguyệt Điện. Nàng đến tiệm tạp hóa đầu phố bên mua một đôi bàn chải đánh răng và một cây thuốc đánh răng Hynos. Trước đây, nàng vẫn đánh bằng thuốc Colgate, nhưng bắt đầu từ hôm nay, nàng mở một chương trình giảm chi, dành tiền để trả tiền nhà và trả tiền nhà và mua sắm đồ vật bằng cách bỏ thuốc Colgate để dùng thuốc Hynos. Nàng đã đánh thử các hiệu thuốc đánh răng chế tạo tại Việt Nam của các cô bạn trong Ký Túc Xá và nhận thấy Dentiphrice Hynos có hình anh Chà nhe răng cười là tương đối khá nhất.

Không phải là Lan Phi bỏ quên bàn chải đánh răng của nàng trong Ký Túc Xá. Sở dĩ nàng muốn mua bàn chải mới là vì sáng mai là buổi sáng đầu tiên mà nàng rửa mặt, đánh răng ở nhà mới, nàng muốn dùng một bàn chải mới cho hợp cảnh. Nàng mua thêm chiếc bàn chải răng cho Quang, vì theo nàng hình ảnh hai chiếc bàn chải răng đứng chung trong một cái ly thủy tinh trên bồn rửa mặt là một hình ảnh tượng trưng cho hai vợ chồng. Hai vợ chồng xứng đôi cũng như hai bàn chải răng: chiếc mầu đỏ là chồng, chiếc mầu xanh là vợ. Lan Phi có ý nghĩ này trong khi ngồi xem một phim do Sandra Dee đóng vai chính.

Hoàng Chủ Nhân không trông thấy người đẹp lướt đi êm như một Nàng Tiên ra khỏi Nguyệt Điện. Lúc ấy, chàng đang bận thực hiện nốt vài điểm sửa soạn vẻ người cuối cùng để nghênh đón hai người đẹp. Chàng cẩn thận và đàng hoàng như người khách đi ăn cưới hoặc đi dạ hội: Áo sơ mi popeline Suisse trắng như tuyết, bouton manchette bằng bạc có hình “Mặt Cười, Mặt Mếu” duy nhất tại Đông Dương, cravate Marquise không nhỏ mà cũng không to bản, thắt lưng Hitcok, quần Tergal xanh nước biển – loại quần áo của chú rể – giầy đen nhọn mũi. Chàng đứng nhìn bóng chàng trong gương và cảm thấy hài lòng với chính chàng.

Chàng ra phòng ngoài. Tất cả đều sẵn sàng chờ đón hai người đẹp. Những bông hoa tươi vươn mình trong bình hoa trên chiếc bàn tròn, trông đẹp và sang một cách lạ lùng. Những bóng đèn điện ẩn trong các góc tường hắt ánh sáng lên trần nhà, làm căn phòng có một bầu ánh sáng huyền diệu như mơ, như thực. Chiếc máy quay đĩa hát Motorola đã mở sẵn với một đĩa nhạc êm dịu còn chờ chủ nhân bấm nhẹ một cái nút là phát ra những âm thanh du dương. Hoàng hài lòng và nghĩ rằng mặt trận đã sẵn sàng, chàng chỉ còn việc phát động cuộc tấn công.

Chàng đến bên cửa sổ, ngắt hai bông hoa trong số hoa anh Mười vừa đem từ vườn cây về trồng ở đây. Ngoài hai bông hoa nằm trong hai chiếc đĩa trên bàn ăn kia, chàng còn đem hai bông hoa này sang phòng các nàng để tặng các nàng. Chàng hài lòng khi nghĩ rằng hai nàng thiếu nữ ngây thơ, xinh và kháu, và thơm, và gợi ý niệm cắn, cấu, nuốt chửng như hai cục ô mai mơ bên phòng kia sẽ thấy rằng chàng lịch sự hơn là dân pháp, đây có thể là lần đầu tiên trong đời hai nàng được đàn ông tặng hoa.

Cầm nhẹ hai bông hoa trên tay, Hoàng trở vào phòng chàng rót một “ nửa ngón tay” rượu Rhum để uống một mình trong căn phòng có ánh đèn mờ ảo, một tay cầm hai bông hoa, tay nâng ly rượu, Hoàng ghi nhận chất rượu mạnh và thơm thấm dần trong cơ thể – “đi tới đâu, ngấm tới đấy” chàng nghĩ thầm – và thấy rằng cuộc đời này thật là đáng sống, thật là đẹp, và những kẻ than thở rằng “ đời là bể khổ, sống là một sự buồn rầu” đều là những người không bị bịnh táo bón kinh niên thì cũng vô phúc không được một người đàn bà nào đê mắt đến. Đêm nay, chàng không có lý do gì để than phiền cuộc đời không còn có gì phải đòi hỏi. Những giây phút sắp tới đây hứa hẹn với Hoàng nhiều hứng thú. Chàng đã gần, đã xa và đã chinh phục nhiều người đẹp – khó khăn, gian nan, nguy hiểm cũng có mà dễ dàng như thò tay vào túi lấy đồ cũng có – nhưng chưa bao giờ chàng thử chinh phục trong một lúc hai người đẹp. Hoàng nghĩ thầm và môi chàng nở một nụ cười kiêu hãnh – “Ta bắn một phát súng, hạ liền hai con chim”. Chàng phải thành công.

Đặt ly rượu xuống bàn, Hoàng cầm hai bông hoa đi sang phòng trước cửa.

Cửa phòng đóng nhưng chàng đã có chìa khóa riêng – chiếc chìa khóa có sơn hình trái tim mầu đỏ – chàng nhè nhẹ tra chìa khóa vào ổ, đẩy cửa nhìn vào phòng Lan Phi. Căn phòng sáng đèn, trông thật trẻ trung và gợi cảm, mặc dầu đồ đạc trong phòng vẫn là đồ đạc cũ. Hoàng thấy căn phòng có một vẻ gì rất trẻ – trẻ như hai cô sinh viên Trường Thuốc lát nữa đây sẽ anh anh, em em ríu rít với chàng – Trên bức trước mặt, chàng nhận thấy hai cô thiếu nữ mới nhập Nguyệt Điện có treo vài bức hình tài tử Xi Nê, trong số có một bức hình Sylvie Vartan.

Nụ cười duyên dáng nở sẵn trên môi Hoàng tạm thời tắt đi, vì chàng thấy căn phòng vắng tanh, không có một bóng cô gái nào cả. Mãi tìm người đẹp, Hoàng không nhận thấy trong phòng có một vật lạ: chiếc ghế bố đặt nơi cuối phòng. Chợt, chàng nghe có tiếng nước chảy, và biết rằng ngay trong lúc đó có một nàng đang ở trong phòng tắm – “Có một em đang tắm trong đó!” Hoàng đứng dưới nhìn lên cánh cửa phòng tắm sơn xanh – mầu sơn cửa lẫn với mầu tường – không cần biết cô gái trong đó là ai, là Lan Phi, cô gái xinh đẹp đến mướn nhà hay là cô bạn của nàng, như một nhà chỉ huy thiện chiến, Hoàng quyết định mở ngay cuộc tấn công trực tiếp, đang thẳng vào chiến khu kẻ thù trong lúc kém phòng bị nhất.

Chàng nhẹ gót đến gõ nhẹ vài tiếng vào cửa phòng tắm – cửa phòng không khóa – rồi đẩy nhẹ cánh cửa, chàng thò tay cầm bông hoa vào.

- Cô đừng sợ...! Đừng giật mình! – Chàng nói bằng cái giọng vui và hiền lành nhất – Tôi đây. Không phải người lạ đâu. Tôi là người láng giềng của cô, xin hân hạnh tặng cô bông hoa...

Kinh nghiệm sống dậy cho Hoàng biết rằng với phái nữ càng dùng văn chương cải lương nhiều chừng nào càng hữu hiệu chừng ấy. Đàn bà, con gái được đàn ông nói với mình bằng văn chương cải lương. Những câu nói ngô nghê, chối tai nhất đối với họ lại trở thành thơ mộng. Sự việc đó giải thích tại sao có những cuốn phim rất cải lương Huê Kỳ như những phim Mirage de la Vie, Histore d'un Amour, những phim của các kép Elvis Presley, Cliphph Richard, đào Sandra Dee v.v... được giới nữ sinh kéo nhau đi coi rất đông, cùng những cuốn tiểu thuyết văn chương cải lương lại bán chạy.

Hoàng vừa dùng một câu rất cải lương để nói với cô gái trong phòng tắm, đi kèm một hành động rất cải lương Tây là tặng hoa cho nàng. Và chàng chắc chăn rằng sự cải lương ấy sẽ làm cho người đẹp xúc động.

Trong căn phòng tắm hẹp như một cái hộp bánh bích qui, “người đẹp” của Hoàng Chủ Nhân si tình và sở khanh đang kỳ cọ. “Người đẹp” đó nặng chừng 62 ký, vai to, ngang nửa thước tây, ngực lông lá như ngực Lực Sĩ Steve Reeves...

Bông hoa chào mừng đi ngay vào trước mũi Quang. Quang cau mày nhìn bàn tay đàn ông cầm bông hoa thò qua cửa vào phòng, nhìn chiếc khuy măng xết “Mặt Cười, Mặt Miếu” gắn trên tay áo sơ mi.

Bên ngoài, có tiếng người cười nhẹ và tiếng nói lại vang lên:

- Bông hoa này để mừng cô đến Nguyệt Điện. Tôi hy vọng cuộc đời của cô sẽ luôn luôn tươi đẹp như bông hoa này.

Quang rút khăn mặt bông lau qua loa rồi – sợ bên ngoài có Lan Phi – chàng bận xong bộ pi- ja ma mới, mở toang cánh cửa.

Thấy một thanh niên vạm vỡ xuất hiện đột ngột. Hoàng ngạc nhiên... ú ớ mấy tiếng. Nhưng vốn là một người giàu kinh nghiệm chàng trấn tĩnh được ngay:

- Ê... Ê... Chào cậu... cậu tắm đấy à...

Trước câu hỏi ngây ngô ấy, Quang hung hăng:

- Anh là ai? Anh vô đây làm gì?

- Tôi... tôi là chủ nhân nhà này...

- Anh vô đây làm gì?

- Tôi vô thăm cô Lan Phi. Tôi đem hoa sang biếu cô Lan Phi và cô bạn...

- Cô bạn nào...?

- Cô bạn mướn chung phòng với cô Lan Phi...

Như chợt nhớ ra, Quang nhìn ra cửa:

- Cửa phòng tôi đóng... Làm sao anh vô đây được?

Hoàng lúng túng:

- Đâu có cửa phòng mở...

- Vô lý. Chính tay tôi khóa cửa rồi mới đi tắm mà...

- Cửa mở rõ ràng...

Máu nóng nổi lên, linh tính báo cho Quang biết là gã đàn ông đứng trước mặt chàng đây là một anh “ấm ở hội tề” và việc gã bất chợt vào phòng là một hành động rất khả nghi, Quang nắm lấy vai áo gã, lôi gã ra cửa:

- Mời anh đi ra. Không có tặng hoa, tặng hoét gì hết. Đừng vớ vẩn...

Hoàng bị đẩy ra khỏi phòng. Chàng cầm hai bông hoa đứng ngay người ngoài hành lang. Chợt nét mặt chàng tươi trở lại, một bóng người vừa hiện ra ngoài vườn... Người đó là Lan Phi...

Hoàng đưa ngay hai bông hoa cho Lan Phi:

- Những bông hoa này sẽ làm tươi thêm căn phòng đã có nhiều xinh tươi của Lan Phi. Những bông hoa này do chính tay tôi trồng.

- Ồ... Anh lịch sự quá... cảm ơn anh nhiều, anh Hoàng.

Khi hai người đứng đấy, cả hai cùng ăn bận lịch sự, họ giao thiệp với nhau lịch sự như là người ngoại quốc sống sung sướng và giàu tiền.

Nụ cười đang tươi của Hoàng chợt biến đi. Thay vào đó là một đôi vành môi nhăn nhăn hứa sẽ thốt ra những câu nói nặng nề, khó nghe:

- Thật phiền... khó nói quá... Tôi vừa vô phòng Lan Phi. Trong phòng có một thanh niên...

Lan Phi bậm môi lại. Hàm răng trên của nàng cắn lên làn môi dưới. Nàng đần mặt ra. Nàng nghĩ thầm – “Làm sao mà nói cho hắn hiểu được? Có nói hắn cũng chẳng tin nào...” Vì vậy, nàng đành đần mặt ra và nói một cách ngớ ngẩn:

- Anh... ảnh tên là Quang. Đại học y khoa... Năm thứ tư... chơi tennis rất cừ...

Hoàng không ngờ cô bé này lại quá quắt, ghê gớm đến như vậy: dám mướn phòng sống chung với người yêu trong lúc còn đi học. Chàng đã từng được nghe nhiều chuyện đáng sợ về các cô học trò ở Sài gòn. Đại khái: cô có “đi khách”, ngày vẫn cắp cặp đi học và vẫn đến những nhà mãi dâm hạng sang “đi khách” với giá năm trăm, một ngàn đồng “passe”, những cô nữ sinh ở các Internal, đêm nào cũng trốn ra đi ăn, đi nhảy, đi chơi với bọn đàn ông có tiền, có xe ô tô tới đón. Nhiều người đã nói với chàng rằng các cô học trò là đời nay, ghê lắm, chàng không tin, nhưng cũng không tin hẳn. Từ trước, chàng chỉ giao thiệp nhiều với các em nữ thư ký, nữ giáo viên trẻ nhất cũng là hai mươi nhăm tuổi trở lên. Cô học trò Lolita nay làm chàng ngạc nhiên nhiều nhưng cùng lúc ấy, chàng lại thấy cần phải chinh phục nàng cho kỳ được. Nàng đã có người yêu? Cũng chẳng sao! Càng tốt nữa là khác! Chàng đâu có định cưới nàng làm vợ mà cần nàng còn nguyên trinh! Song song với việc chiếm lấy trái tim và tấm thân của cô sinh viên trẻ măng, mơn mởn này, chàng còn thực hiện một việc làm hứng thú: hất cẳng anh sinh viên trẻ tuổi kia. Những việc làm đó hứa hẹn với chàng nhiều hào hứng. Như một chiến sĩ dũng cảm, chàng không sợ địch, không ngại hiểm nguy, chàng chỉ muốn có kẻ thù xứng đáng để mà thử sức.

Trước hết, chàng thấy rằng chàng không nên làm cho cô gái này có mặc cảm phạm tội, không nên làm cho nàng sợ. Vì vậy, chàng vội tiếp:

- Cũng chẳng sao? Nghĩa là tôi không phản đối gì về sự có mặt của cậu đó trong phòng Lan Phi. Phòng đó Lan Phi đã mướn rồi. Em muốn làm gì trong phòng em thì làm...

Những tiếng “Lan Phi! Lan Phi! Em...” trôi ngọt lịm trên môi Hoàng Chủ Nhân.

- Nhưng tôi cũng muốn em nói qua cho tôi biết là em có bạn trai đến thăm em... để tôi khỏi bị lỡ tầu. Vừa rồi, tôi tưởng chỉ có mình Lan Phi trong phòng, tôi lừng lững đi vào, sợ cậu ấy có hiểu lầm chăng...

- Tên anh ấy là Quang.

- Quang coi bộ yêu Lan Phi quá hả? Trông hắn bảnh trai lắm, xứng đôi với em lắm – Như một ông anh trai giàu lòng thông cảm, Hoàng vui vẻ nói – Chỉ trông mặt hắn cũng biết là hắn yêu Lan Phi. Em biết không, tôi là người giàu tình cảm, dễ xúc động lắm. Trông thấy ai yêu nhau chân thành là tôi xúc động liền. Đôi khi tôi còn xúc động đến... khóc nữa là khác.

- Chúng tôi định sẽ thành hôn với nhau khi Quang ra trường...

Lan Phi nghiêng mình đi giữa chỗ Hoàng đứng và thành tường để đến gần cửa phòng. Nàng muốn tránh chuyện.

- Tôi chúc Lan Phi và Quang được trăm sự như ý và hạnh phúc hoàn toàn...

Khi nói câu đó, Hoàng không hề có một chút ác ý hay mỉa mai. Trái lại, chàng thật tình mong muốn như vậy. Có điều chàng không nói rõ là chàng muốn làm sao cho cô dâu trước đêm tân hôn, đã biết rõ thế nào là động phòng trong phòng ngủ của chàng, do chàng chỉ bảo. Chàng muốn làm cho cô dâu tương lai kia yêu chàng, rồi sau đó đi lấy chồng. Như vậy là mọi sự đều êm đẹp và tất cả mọi người đều hài lòng.

Lan Phi tra chìa khóa vào ổ khóa để mở cửa, Hoàng vội nói:

- À, tối nay, tôi có làm một bữa cơm gia đình mời Lan Phi và cô bạn qua ăn mừng ngày Lan Phi tới đây.

Bộ mặt của Lan Phi lại càng “nghệt” ra:

- Cô bạn nào?

- Cô bạn ở chung phòng với Lan Phi...

- À, cảm ơn anh nhiều lắm. Nhưng tối nay Lan Phi bận lắm. Đã nhận lời đi ăn với người khác rồi. Lan Phi rất tiếc... Thôi, anh cho khất hôm khác đi. Cám ơn nhiều lắm...

Rất nhanh nàng mở cửa bước vào phòng và đóng cánh cửa lại. Hoàng định bước vào phòng theo nàng và thiếu chút nữa thì chàng bị cánh cửa gỗ. Chàng ngạc nhiên và thắc mắc nhiều. Có một chuyện gì lạ xẩy ra trong căn phòng này, với cô gái này, mà chàng chưa được biết. Chắc chắn phải có chuyện gì. Hình như người thiếu nữ muốn dấu chàng chuyện gì đó! Nhảm quá... như vậy là bữa cơm gia đình và thân mật của chàng tối nay bị ế...! Chàng trở vào phòng và ngồi rót rượu uống một mình. Không còn cách nào khác, chàng đành ngồi chờ cho anh thanh niên kia ra về rồi mới tính được nước mới.

Lan Phi bước vào phòng, nàng đặt gói giấy bọc mấy món đồ vừa mua về lên bàn, nhìn quanh, khẽ gọi.

- Quang, đã tắm xong, chiếc khăn tắm quấn ngang, bụng, thò đầu trong màn tắm, nhìn ra:

- Ê..., hồi nãy có một thằng cha lẩm cẩm vào phòng. Nó nói dấm dớ làm anh sốt ruột tống cổ nó ra cửa. Thằng cha ấy nó nói...

Chàng ngừng nói khi nhận thấy đôi mắt nàng nhìn chàng nặng những phản đối và đầy những trách móc. Đến lúc ấy, chàng mới nhớ là thân thể chàng gần như là không có gì che đậy cả.

Đúng là chàng nghĩ Lan Phi ngắt lời chàng giọng trách móc:

- Quang nên cẩn thận, chúng mình tránh nhất là ăn bận bê bối,

- Em nói đúng, anh xin lỗi. Chờ anh một chút vậy...

Chàng thụt vội vào phòng tắm, Lan Phi nhẹ thở ra một hơi dài.

Lan Phi lấy ổ bánh mì Brodard vừa mua về trong giỏ đặt lên bàn. Bữa ăn đầu tiên của họ tại nhà mới là một bữa ăn nguội: bánh mì với jambon. Nàng sẽ chiên hai quả trứng gà. Từ ngày mai, họ sẽ nhờ chị Mười nấu cơm, bữa nào cao hứng, nàng sẽ nấu thêm những món ăn đặc biệt cho Quang thưởng thức.

Quang ra khỏi phòng tắm. Lần này, chàng đã mặc pijama gài nút cẩn thận và chải đầu đàng hoàng.

Lan Phi nhìn Quang với đôi mắt ngụ ý đề cao hành động giàu thiện chí của chàng. Nàng mỉm cười:

- Có nhiều chi tiết tuy nhỏ mọn, nhưng rất quan trọng mà chúng ta quên chưa bàn đến. Chẳng hạn như sống chung trong nhà này không lúc nào chúng mình được phép ăn mặc hở hang, chúng mình phải giữ cho nhau và giúp nhau giữ lời cam kết. Cả ngày lẫn đêm, lúc nào chúng ta cũng phải ăn bận đàng hoàng. Anh có đồng ý với em như vậy không?

- Đồng ý. Anh cũng đang định nhắc em như vậy. À, hồi nãy anh đang nói dở... Anh đang tắm thì có thằng cha nào nó xồng xộc vào phòng mình. Nó “A- la- sô” vào cả phòng tắm. Thằng cha ấy lỗ mãng quá.

Chàng nhìn thấy hai bông hoa Lan Phi đặt trên bàn, cạnh ổ bánh mì:

- Phải hoa này của hắn không?

- Ông ấy là ông Hoàng, ông chủ nhà đấy mà.

- Chủ nhà?

- Chủ nhà! Ông ấy tử tế lắm, anh ạ.

- Tử tế à? Sao em biết hắn tử tế? – Quang nheo mắt lại, nhìn Lan Phi, nghi ngờ – Chủ nhà thì chủ nhà chứ. Hắn sang phòng mình làm gì? Hắn muốn gì em?

Lần đầu tiên trong ngày, Lan Phi nói dối:

- Em đâu có biết! Sao anh cứ lục vấn em vậy nhỉ?

CHƯƠNG 6

T

rong hai tiếng đồng hồ, suốt trong 120 phút, Hoàng Chủ Nhân ngồi một mình trước bàn tiệc có con gà quay còn gần nguyên con, trước hai bông hoa nằm trên bên hai cái đĩa tây trong lòng có hai cái bát kiểu vẫn còn “chổng mông” lên vì không được sờ tới. Vì thói quen chàng cho máy Motorola chạy những đĩa nhạc du dương, êm dịu, mùi mẫn theo nhau xoay vòng dưới mũi kim, chàng ngồi uống rượu một mình. Chàng buồn và khó hiểu như một nhà lãnh tụ đảo chính tin chắc là cuộc đảo chính của mình thành công mười mươi nhưng lại thất bại ngay từ phút đọc bản tuyên ngôn thứ nhất trên Đài phát thanh.

Hoàng thắc mắt suy nghĩ về cái lý do tại sao đêm nay chàng lại thất bại. Chàng biết là chàng không nắm vững được tình thế. Có một vài sự kiện gì đó liên hệ đến hai cô thiếu nữ xinh như mộng bên phòng kia mà chàng chưa nắm được. Phải chăng hai cô gái đó “hư” hơn là chàng tưởng tượng? Anh chàng thanh niên gà tồ đó phải chăng là chồng chưa cưới của Lan Phi? Hay chàng ta là anh trai của một trong hai nàng? Nếu là anh trai đến thăm em gái, sao gã lại thoát y tắm phây phây như thế? Còn một cô em nữa đâu? Sao chàng chưa thấy cô gái thứ hai xuất hiện?

Hoàng vừa uống rượu vừa suy nghĩ. Máy hát vẫn quay nhưng tai chàng không bắt được tiếng nhạc, bao nhiêu năng lực của thính giác của chàng đều hướng hết sang cả cửa phòng bên kia, chàng để cửa phòng chàng hé mở, để khi gã thanh niên gà tồ ra về, chàng trông thấy.

Hơn bao giờ hết, Hoàng thấy rằng đây là lúc chàng cần suy nghĩ để tìm hiểu, phân tách tình hình và giữ phần chủ động. Không! Chàng nhất định là chàng không lầm. Lan Phi – cô thiếu nữ khả ái, mỹ miều, thơm phưng phức mới lạc động Nguyệt Điện – chắc chắn phải là con nhà lành, con nhà sang trọng có dư tiền nữa là khác. Lan Phi không thể là con nhà bần. Có thể cô ả lãng mạn, đa tình, bừa bãi với ái tình trước tuổi, nhưng mặt ấy nhất định không phải là mặt mũi con nhà bần tiện. Việc cô ả là cháu gái Minh Nhung là một bằng chứng về giai cấp gia đình của nàng. Trong một giây đồng hồ, Hoàng nghĩ rằng – “Hay là em mạo nhận là cháu gái Minh Nhung để bịp mình?” Nhưng chàng nghĩ lại ngay – “Đâu có ai mạo nhận một cách dại dột như vậy? Em phải biết là mình còn gặp Minh Nhung luôn, Minh Nhung còn trở lại nhà này, mạo nhận là cháu Minh Nhung là em bị lộ ngay. Nhung em mạo nhận để làm gì? Lạ thật?” – Chàng liên miên nghĩ ngợi, những giả thuyết vể đời tư Lan Phi theo nhau đến với chàng.

Cánh cửa phòng Hoàng mở hé trong lúc cánh cửa phòng đối diện khép kín – kín đến nỗi không còn gì có thể kín hơn được thế, không cần phải nhìn trộm qua lỗ khóa, không cần phải đoán, Hoàng cũng biết là đôi người trẻ tuổi trong đó đang làm gì! Họ có rất nhiều việc êm ái, hào hứng để làm tay đôi trong lúc chàng ngồi bên này, uống rượu một mình, sầu đời và cảm thấy mình thừa thãi. Người thiếu nữ xinh và thơm, hấp dẫn, gợi ý cắn cấu như một trái mơ chín cây kia từ chối không sang ăn cơm với chàng, nàng cũng không đi ra khỏi phòng, như vậy nghĩa là tối nay, họ ăn cơm với nhau trong phòng. Ngay lúc nay đây có thể là họ ngồi đối diện nhau ăn bánh mì, uống nước lọc, hoặc đã ăn xong từ lâu và đang yêu nhau.

Hoàng vẫn quen uống rượu một mình. Là một tay chơi có kinh nghiệm và chơi bời thường trực tức là chơi quanh năm, chàng uống rượu có hạn định, có điều độ. Đa số những tay chơi bời nhà nghề, loại người sống để mà chơi, đều chơi bời có mực thước như Hoàng. Những tay chơi xô bồ: uống thật nhiều rượu để đến nỗi say bò ra đường, say đến hai ba ngày chưa tỉnh, đều là bọn tay mơ hoặc bọn chán đời tự tử, chơi để mà chết. Nhưng đêm nay, Hoàng cảm thấy sầu đời - một nỗi buồn vô cớ nhưng thê thiết mà chàng gọi là “ caphard” – chàng uống rượu nhiều hơn hạn định. Mọi lần, khi có khách đàn bà và sau tiệc rượu, chàng còn phải hành động. Hoàng chỉ uống nhiều lắm là ba ly champagne. Tuy chàng uống rượu nhiều, tuy chị Mười coi chàng là một sâu rượu và tiên đoán trong một ngày gần đây, chàng sẽ chết: vì đau gan, lúc nào Hoàng cũng tỉnh táo, tâm trí chàng đủ minh mẫn để chỉ huy tứ chi và ngũ quan, và thân thể cùng cơ thể chàng vẫn có đầy đủ năng lực để làm tròn bổn phận.

Chai champagne ướp lạnh để chờ hai người đẹp được Hoàng mở ra. Chàng ngồi xuống một mình hết ly này tiếp ly khác. Càng say, chàng càng thấy thèm muốn chiếm đoạt được Lan Phi. Chàng bắt buộc phải chiến thắng trong cuộc chiến tranh tình yêu này, nếu không, chàng sẽ mất hết tự tin. Hoàng biết hơn ai hết mọi đặc điểm của cuộc chiến tranh mà chàng khơi mào đây là: Người thiếu nữ kia chưa chú ý gì tới chàng. Nàng không coi chàng là người có thể yêu nàng – việc đáng sợ nhất, ghê rợn nhất có thể xẩy đến cho những anh đàn ông là khi mình vừa mở miệng ra nói – “Anh yêu Em, cô gái nhìn mình như nhìn một quái thai rồi cười phá lên – anh thanh niên gà tồ hiện đang ở bên người đẹp có thể sẽ là một người bạn đồng minh hữu hiệu của Hoàng nếu chàng biết lợi dụng và khéo lợi dụng. Anh thanh niên đó đã dại dột coi chàng là địch thủ. Thái độ hung hăng của anh ta hồi nãy cho Hoàng biết chắc như vậy.

Kể từ ngày Hoàng thừa hưởng tòa nhà này và biến nó thành nhà cho phụ nữ mướn từng phòng, đặt tên cho nó là Nguyệt Điện, đã có nhiều phụ nữ ra vô nhà và ra vô đời chàng, nhưng chưa có cô nào hấp dẫn chàng, làm chàng phải ao ước và suy nghĩ nhiều bằng Lan Phi. Nàng làm cho chàng phải hối tiếc tuổi trẻ, một việc mà từ trước đến nay, chưa bao giờ xẩy ra trong đời chàng. Điều cần nói là khi còn trẻ, khi chàng biết suy nghĩ, biết yêu, cho đến khi năm chàng đã hai mươi nhăm tuổi, chàng rất dại khờ với đàn bà. Nói đúng danh từ là chàng rất “nghệt”. Chàng coi trọng đàn bà quá, chàng đặt họ lên những cái bực cao, chàng để họ đứng cao hơn chàng và kết quả là chàng chỉ toàn bị thiệt thòi. Trước khi biết đối phó với đàn bà, chàng đã bị họ “quật” cho nhiều đòn đau đớn. Tuổi trẻ của chàng được đánh dấu giai đoạn bằng những thất bại chua cay nối tiếp. Vì vậy chàng không bao giờ hối tiếc tuổi trẻ cho đến nay.

Chàng nhìn đồng hồ: mười một giờ đêm rồi, phòng bên kia vẫn êm ru, gã thanh niên vẫn chưa thèm giã từ – “Anh chàng định ngủ lại đây chắc?” Hoàng bực bội nghĩ thầm – “Không biết là chúng nó nói năng những gì với nhau?” Hoàng nhẹ bước ra khỏi phòng, đến áp tai vào cửa phòng Lan Phi.

Trong phòng, đôi người trẻ tuổi đang sửa soạn đi ngủ. Quang đã cắm cọc ghế bố và giăng mùng xong, chàng loay hoay tìm chỗ đặt cây đèn ngủ ở bên giường để đọc sách. Lan Phi buông mùng nhanh hơn. Nàng trở xuống khu phòng ngủ của Quang để giúp chàng sửa soạn.

Đứng nhìn chiếc ghế bố nhà binh, Lan Phi nghĩ rằng chiếc giường nệm bông của nàng rộng quá, hai người nằm thì thất vừa, nhưng nàng không dám nói đến chuyện đó:

- Anh chịu khó nằm ghế vải này vài ngày đi, em sẽ tìm mua cho anh một chiếc đi văng có nệm thật xinh. Đi văng một người nằm có nệm mousse, không đắt lắm đâu anh ạ...

- Anh nằm ghế vải này cũng được... – Quang dẫn chuyện một cách thận trọng và khéo léo – Mình có định ở đây lâu thì mới mua đi văng chứ. Rẽ cũng phải hơn một ngàn đồng. Dùng chẳng được bao lâu...

Lan Phi nghĩ ngay đến chuyện Quang nói bóng gió, xa xôi đến việc chàng lên ngủ chung giường với nàng. Nàng nghe như Quang muốn nói – “Ồ... mua giường làm gì? Để anh nằm đây vài đêm cho phài phép rồi anh lên đó mí em”. Nàng vội làm ra vẻ không hiểu câu nói ngụ ý đó và nghiêm giọng:

- Sao lại không định ở đây lâu? Anh còn hai năm nữa mới thi ra, chúng ta ít nhất cũng sống ở đây trong hai năm. Hai năm là hơn bảy trăm đêm... Nếu nằm ghế vải mà anh mất ngủ thì còn học hành gì được...

Quang thở dài như một gã chán đời và bồi thêm một cái nhún vai:

- Ô... đằng nào thì anh cũng bị mất ngủ rồi.

- Nếu vậy, em sẽ đi mua đi văng nệm mousse cho anh ngày mai. Báo quảng cáo ở nhà bán nệm đường Trần Hưng Đạo một cái nệm mousse hai thước hai lại chỉ có 999 đồng.

- Sao không lấy chẳng một ngàn mà lại chỉ có 999 đồng? Bớt một đồng để khách uống nước mía à?

Thấy rõ sự thiếu thiện chí trong lối nói chuyện chán đời và khinh bác kiểu gây sự hoặc than thân trách phận của Quang, Lan Phi lặng lẽ quay đi. Nhưng Quang kéo tay nàng lại:

- Em... anh muốn nói với em một chuyện...

Nàng lạnh lùng:

- Chuyện gì ạ?

Quang thở dài:

- Anh muốn chúng mình hoạch định lại chương trình...

Cơn giận của Lan Phi bùng lên như một thùng dầu xăng bị châm lửa:

- Em phục anh đấy. Đàn ông mà hay thay đổi như anh thật hiếm. Anh thay đổi hơn đàn bà. Mới đêm đầu tiên thực hiện chương trình, anh đã gây sự rồi. Bây giờ... anh muốn gì?

Quang khổ sở gãi đầu:

- Anh không muốn gì cả! Anh chỉ muốn em bình tĩnh để thảo luận với anh.

- Vấn đề gì?

- Vấn đề chúng ta chung sống với nhau như thế này... không được, không hợp tự nhiên. Khó nói quá... Anh thấy chúng mình như là... “anormal”...

- Anormal? – Lan Phi hỏi lại, giọng nàng cao hẳn lên, the thé, bất mãn như khi nàng nghe ai nói là nàng bị “cùi”. Anormal là cái gì: Em như thế này mà anh dàm bảo em là anormal hả?

- Khổ lắm. Anh không nói em, anh nói cuộc sống chung thí nghiệm này của chúng mình kia mà.

Bên ngoài phòng, Hoàng Chủ Nhân trợn tròn đôi mắt. Chàng bắt đầu hiểu. Chợt nhớ ra là tai bên phải của chàng không thính bằng tai bên trái chàng bèn đổi tai và nghe tiếng Lan Phi đang nói:

- Chúng ta đang làm một thử thách cao đẹp: hai người trẻ tuổi khỏe mạnh từ tinh thần đến thể xác, yêu nhau, sống chung với nhau trong một nhà, nhưng trong sạch, chúng ta là những người trẻ tuổi yêu nhau nhưng không phải cừ gần nhau cứ được sống một mình với nhau trong căn phòng là... là... lôi nhau lên giường. Việc làm của chúng mình cao thượng biết là dường nào...

- Tại anh hèn nhát không dám lôi... kéo em. Không được đâu, em ạ. Không một người khoẻ mạnh nào có thể sống được như thế này. Anh đến ốm, đến chết mất...

Giọng nói của Quang hình như làm cho Lan Phi mủi lòng:

- Tại sao? Tại vì chúng mình không... ngủ chung với nhau mà anh phải ốm ư?

Quang không nói gì cả. Sau câu hỏi của người yêu, chàng không thể công nhận mà cũng không thể từ chối:

- Anh cứ nói đi, nói lại mãi. Chúng ta đã đồng ý với nhau, đã thảo luận kỹ rồi mà. Chúng ta quyết định làm một cuộc thí nghiệm mà trước chúng ta chắc chắn chưa có ai làm: chúng ta sống chung với nhau như một đôi bạn, thương yêu nhau nhưng kính mến nhau, để tìm hiểu tính tình nhau trước khi thành hôn với nhau. Điều cần nhất là thử xem chúng ta có hợp tính, hợp nết nhau không...

Bên ngoài, Hoàng Chủ Nhân ngạc nhiên đến “ngẩn” mặt ra, chàng không thể ngờ cô thiếu nữ mỹ miều, văn minh và tân tiến ấy lại “khùng” đến như vậy. Nếu nàng không dở người, chắc chắn nàng phải là một cô gái rất độc ác. Cho người yêu sống chung với mình suốt ngày đêm mà... không làm gì cả, tức là cho người yêu phát điên rồi còn gì. Hoàng thấy rõ ý kiến sống chung trong “sạch” này là của Lan Phi và anh thanh Niên “gà tồ” kia là nạn nhân của nàng, một gã dại dột nhắm mắt làm theo ý muốn của người yêu, một gã sẽ bị “vỡ mặt” thê thảm. Hoàng vội đi ra vườn để đến đứng dưới cửa sổ phòng Lan Phi. Qua khung cửa sổ mở rộng chàng nghe chuyện họ rõ và dễ hơn.

- Anh với em, chúng mình yêu nhau đã hơn một năm rồi...

- Giọng nói của Lan Phi êm ái vẳng xuống chỗ Hoàng đứng – chúng ta yêu nhau mà vẫn chưa... yêu nhau lần nào. Em nhất định giữ tình trạng cao đẹp này cho tới ngày chúng mình cưới nhau. Bây giờ có gì khác trước đâu nào? Tại sao trước kia anh chịu được mà bây giờ anh lại không chịu được?

- Trước khác, bây giờ khác, trước kia anh chỉ được gặp em mỗi lần nhiều lắm là vài giờ đồng hồ, anh chỉ được ngồi gần em trong rạp hát bóng, bên xa lộ... rồi thôi, chia tay. Anh về nhà tắm một chầu nước lạnh là lại tỉnh táo...

- Nước lạnh thì thiếu gì? Ở đây cũng có nước lạnh...

- Khổ lắm... tắm rồi không trông thấy nữa kia! chớ ở đây, tắm rồi... lại thấy em phây phây mặc áo ngủ mỏng tanh đi lên đi xuống, tắm rồi để thấy em nằm đó thì... nó lại nóng ran người lên! Mỗi ngày tắm vài chục lần để mà chết à? Em muốn anh bì bõm tắm suốt đêm sao?

Lan Phi thấy rằng Quang đang bối rối đến cực điểm. Nàng tìm cách xoa dịu:

- Em biết là anh cố gắng nhiều. Em càng thêm kính phục anh. Em cũng biết là cuộc thí nghiệm của mình khó khăn nên em mới gọi nó là một cuộc thử thách. Không phải là anh chắc không thể làm được...

Bực quá, Quang giơ tay lên chặt lia lịa vào không khí:

- Em đừng khích động tinh thần anh nữa. Anh biết trước kết quả cuộc sống chung này rồi: một, anh sẽ phải vào nhà thương điên, hai, anh sẽ cưỡng hiếp em! Đằng nào anh cũng bị em khinh bỉ và mất em...

Cơn giận của Lan Phi mỗi giây mỗi tăng thêm cường độ. Nàng cố trấn tĩnh để nhắc cho chàng nhớ:

- Còn em thì sao? Anh chỉ biết anh thôi. Em cũng khó chịu như anh vậy.

- Đàn bà khác! Đàn bà thích kéo dài ra để hành hạ đàn ông, để thấy là mình được thèm muốn. Đàn bà tàn nhẫn lắm...

Câu kết tội đàn bà quá nặng và đôi khi rất đúng ấy làm cho Lan Phi đổi sắc mặt, đôi má nàng ửng hồng lên, rồi làn da nàng trắng ra. Nàng quay lưng lại Quang:

- Thôi vậy... chúng ta hủy bỏ chương trình. Cũng chẳng sao... Phải có thử làm mới biết là làm không được chớ...

Quang cảm thấy Lan Phi xa chàng – xa trông thấy, xa ngay trước mắt, nếu chàng không nhanh và khéo léo níu giữ nàng lại, nàng sẽ đi xa luôn, sẽ đi mất luôn – chàng hoảng hốt:

- Em... sao em cứ nóng quá thế. Anh chỉ muốn nói là...

- Thôi anh đừng nói nhiều nữa. Phải cả hai chúng ta đồng lòng thì mới được. Chúng ta đồng lòng quyết chí còn khó nữa là... đằng này anh cứ làm như Lan Phi bắt buộc anh.

Quang “tuyên bố” rất hùng hồn:

- Anh đã theo em tới đây, anh sẽ cùng đi với em đến cùng.

Lan Phi lắc đầu:

- Em không thích ép buộc ai, nhất là ép buộc anh. Dự định của chúng ta trước sau gì cũng thất bại. Nên cắt đứt ngay bây giờ thì hơn, chúng ta còn cứu vãn được nhiều...

Trước vẻ lạnh nhạt của Lan Phi, Quang cũng thấy cơn giận của tràn dâng lên:

- Cô nói là cô không muốn ép buộc ai hết? Cô chẳng đang ép buộc tôi phải cắt đứt là gì đây?

- Anh hứa rồi anh lại nuốt lời. Không tin nổi anh. Thôi... anh đi đi...

- Em cưng...

- Chưa chi đã sai lời.

Quang không còn trấn tĩnh được nữa:

- Cô muốn tôi đi thì... tôi đi...

Bên ngoài, đang áp tai vào cánh cửa để nghe trộm, Hoàng Chủ Nhân lẹ chân rút lui vào phòng mình vừa vặn để tránh Quang hùng hục đi ra.

Một khoảnh khắc thời gian sau đó, Lan Phi chạy ra. Nàng dừng lại trên thềm, gọi xuống vườn, tiếng gọi chan chứa âm thanh thê thảm:

- Anh... Đừng đi...

Nhưng Quang đi rồi, chàng đã biến mất trong bóng tối. Mặt Lan Phi cúi xuống, đôi mắt nàng đẫm lệ...

Có tiếng dép cao su đi lẹp kẹp ngoài vườn cây. Một bóng người bận pi- ja- ma từ cổng đi vào. Người ấy là Quang. Thấy nàng đứng chờ, chàng vừa mừng vừa ngượng, gượng cười:

- Quên mất... chưa thay quần áo...

Lan Phi chạy vội đến nắm lấy tay người yêu:

- Em xin lỗi, em nói quá lời...

- Lỗi tại anh. Anh phải xin lỗi em mới đúng...

Đôi người yêu cùng “nhũn như con chi chí” và tỏ ra có thừa thiện chí. Họ nắm tay nhau, âu yếm dìu nhau đi vào phòng. Khi cánh cửa gỗ vừa đóng lại, lập tức cánh cửa phòng của Hoàng Chủ Nhân mở ra, Hoàng lại nhón gót đi sang áp tai nghe.

Trong phòng, đôi người trẻ tuổi nồng nàn hôn nhau. Sau cơn mưa, trời lại sáng, họ cảm thấy yêu nhau hơn trước.

Áp tai nghe mãi Hoàng mới nghe thấy tiếng nói:

- Em không được phép nói nặng anh...

- Anh không có quyền kêu, than phiền. Anh đã hứa với em một lời, anh giữ lời hứa tới cùng. Em không còn giận anh chứ?

Và họ lại hôn nhau. Đó là một chiếc hôn dài, lâu, hôn đâu ra đấy, đến nơi đến chốn, một chiếc hôn thuộc loại hôn làm cho mạch máu của người nam chạy nhanh hết tốc lực và làm cho người nữ mắt mờ, chân tay mềm nhũn. Chợt... họ cùng rời nhau và cùng xô nhau ra. Cả hai cùng cảm thấy là họ đang ở trong một tình trạng vô cùng nguy hiểm.

Đờ đẫn cả người, Lan Phi nói như người mất hồn:

- Nguy quá... Từ nay, trở đi, anh đừng có hôn em như thế này nữa...

Quang gật đầu, chàng giơ tay lên vuốt lại mái tóc, hai bàn tay chàng cũng run run:

- Phải cấm ngặt kiểu hôn này... nếu không cài chương trình sống chung mà không... “yêu” nhau của chắc chắn là thất bại.

- Chúng ta làm một hành động tượng trưng đi. Anh đồng ý không?

- Tượng trưng gì thế?

- Chúng mình cho hai cái bàn chải răng của mình lấy nhau...!

Quang hiểu ý của Lan Phi: với nàng, một đôi bàn chải đánh răng đứng chung trong một cái ly là tượng trưng cho một đôi vợ chồng mới cưới. Nàng thâu lượm được hình ảnh này trong khi xem một cuốn phim do Sandra Dee đóng vai chính. Chàng mỉm cười:

- Đồng ý!

Họ chạy đi tìm bàn chải đánh răng. Họ dùng hai bàn tay nâng những chiếc bàn chải đánh răng mới tinh trịnh trọng đi vào phòng tắm. Họ đứng tựa vai nhau trước bồn rửa mặt.

- Bắt đầu từ giây phút này cho đến lúc các ngươi trở về cát bụi, ta tuyên bố các ngươi là vợ chồng. Hãy yêu nhau và cùng chết một ngày, một giờ, đừng bao giờ xa nhau.

Họ buông hai cây bàn chải vào chiếc ly thủy tinh.

Lan Phi cười sung sướng:

- Trông chúng nó đẹp đôi không anh? Nằm bên nhau suốt ngày, suốt đêm....

- Ờ... chúng nó sung sướng hơn chúng mình nhiều...

Lan Phi vội đứng nhích ra một chút. Nàng cảm thấy trong giọng nói của Quang có những âm thanh khả nghi.

Khuya rồi anh à... – Nàng nói – Em thấy đêm nay chúng mình nên đi ngủ sớm một chút. Em phải tắm mới ngủ được...

- Anh nằm đọc sách...

Quang đi về góc phòng của chàng. Lan Phi đi lên khu giường ngủ của nàng thay quần áo rất lẹ. Một lát sau, nàng bận chiếc áo ngủ – áo lụa rộng thùng thình, hở cổ, ngắn tay, dài xuống quá đầu gối – đi như lướt, như bay vào phòng tắm.

Quang tắt ngọn đèn lớn, chàng bật ngọn đèn con đầu giường rồi nằm xuống, mở tập sách học.

Có tiếng nước chảy rào rào vang nhẹ trong cái êm vắng của gian phòng gần nửa đêm.

Bên ngoài, Hoàng Chủ Nhân nhấc tai ra khỏi cánh cửa, chàng mỉm cười. Chàng đã hiểu sự bí mật của người thiếu nữ xinh như mộng này. Nàng quả là một thiếu nữ khác thường. Nàng từ Đại Học Xá ra đây mướn nhà ở chung với người yêu, nhưng nàng không cho người yêu “yêu” trước ngày cưới.

Đó là một chuyện thuộc loại chuyện mà người ta tưởng chỉ có thể xẩy ra trong tiểu thuyết, nhưng như những chuyện xẩy ra trong tiểu thuyết vẫn có thể thực sự xẩy ra trong cuộc đời; chuyện trai gái sống chung phòng mà không yêu nhau, không “tiền dâm, hậu thú” đã và đang xẩy ra trong Nguyệt Điện.

Hoàn lắc đầu mỉm cười một mình. Chàng đã lầm khi tưởng rằng người sống chung phòng với Lan Phi cũng là một thiếu nữ. Chàng vào phòng. Vài phút sau, chàng trở ra, tay cầm một chai nước lã. Dùng chìa khóa riêng mở cửa phòng Lan Phi rất nhẹ chàng bước vào phòng.

Quang đang nằm, cuốn sách giơ trước mặt nên không thấy Hoàng.

Bằng một giọng thân mật, như là bạn quen biết từ lâu ngày, Hoàng cất tiếng:

- Ê... nằm học hả chú!

Bỗng dưng có tiếng đàn ông ngay trước mặt, Quang giật nẩy mình, nhổm dậy. Cây đèn được đặt không vững trên chiếc bàn con, bị đụng mạnh đổ ụp xuống. Quang vội nhoài người ra để đỡ cây đèn.

Thản nhiên và tươi tỉnh như chuyện đột ngột vào phòng riêng của người lạ vào giữa nửa đêm là một chuyện rất thường. Hoàng Chủ Nhân đến gần Quang:

- Cứ nằm đọc sách tự nhiên đi. Việc gì mà chú phải ngồi dậy. Anh em nhà...

Quang sừng xộ:

- Sao anh vào đây được? Anh vào đây bằng lối nào?

- Cửa phòng mở, khi đi ngủ, chú phải lo đóng cửa, khóa cửa đàng hoàng chứ! Tôi là Hoàng, chủ nhà này...

Tôi biết anh là chủ nhà này rồi! Nhưng đêm anh vào đây làm chi?

Hoàng đến bên cửa sổ, cầm chai nước lã tưới vào mấy chậu cây hoa đặt trên thành cửa. Chàng nhẩn nha giải thích:

- Tôi là chủ nhà...

- Chủ nhà thì sao...?

- Là chủ nhà... Tôi có một vài cái quyền nho nhỏ...

- Quyền gì? Quyền xộc vào phòng tắm của người ta hả? Nửa đêm rồi... Không ai có quyền vào phòng riêng của người khác, chủ nhà cũng mặc... A lê... đi ra... Anh có chịu ra không thì bảo?

Hoàng quay lại nhìn Quang. Như một ông anh cả nói với cậu em không biết điều, chàng nhìn Quang bằng một cái nhìn gần như là thương hại:

- Tôi có thể trò chuyện với chú thân mật như là anh em nói với nhau không?

- Không! Không có anh em gì hết. Ai thèm anh em với anh...

Quang giận điên lên. Chàng muốn chửi thề, muốn văng tục, muốn quát ầm lên, nhưng sợ Lan Phi đang tắm nghe tiếng, chàng vẫn phải nói khẽ. Nhưng chàng túm lấy ngực áo gã đàn ông vô duyên và trơ trẽn ấy, đẩy gã ra cửa.

Hoàng gạt tay Quang ra:

- Trước khi chú đẩy tôi ra khỏi căn phòng này, chú cũng nhớ rằng tôi là chủ nhà, và tôi cũng có quyền trục xuất chú ra khỏi phòng này bất cứ lúc nào tôi muốn.

Quang dừng lại.

Hoàng nở một nụ cười ngạo mạn và khó hiểu:

- À... chú biết điều một chút rồi đấy. Như vậy có lợi cho chú hơn. Nếu sự hiểu biết của tôi không lầm thì chú với cô Lan Phi đây không phải là vợ chồng nhưng lại chung sống như vợ chồng? Cô ấy là một sinh viên đang sống trong trường và rất có thể cô ấy là gái vị thành niên mặc dầu... cô ấy nở nang lắm rồi. Tuy cô ấy dọn tới đây l do ý muốn của cô ấy, nhưng nếu gia đình cổ biết chuyện làm khó dễ, có thể tôi cũng bị lôi thôi lây. Vỉ vậy, tôi thấy tôi có bổn phận phải can thiệp một chút – một chút xíu thôi – vào đời tư của cô ấy, chú không phản đối chứ?

Hoàng vỗ nhẹ lên vai Quang:

- Chú yên trí. Tôi thông cảm chú. Tôi cũng có một thời trai trẻ sống vì yêu đương và chết vì yêu đương. Có một thời, tôi cũng khổ sở nhiều vì đàn bà. Ngày trẻ như chú, tôi nghĩ rằng cuộc đời chỉ có tình yêu là quý nhất và đời tôi không thể thiếu đàn bà. Có điều đáng kể là đến bây giờ, tôi cũng vẫn nghĩ như thế...

Hoàng cười nhẹ, tiếng cười vu vơ nhưng thâm trầm, thoạt nghe tưởng như vô nghĩa nhưng sự thực chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Tiếng cười ấy do Hoàng thốt ra để cười sự ngốc dại của chính chàng và cũng là cười để tha thứ cho mình, cho đời:

- Tâm lý đàn bà là bí mật và phức tạp lắm – Chàng nói tiếp – Với những người đàn bà đẹp và chúng ta yêu nhau, chúng ta không bảo giờ hiểu họ đang nghĩ gì, đang làm gì, sẽ nghĩ gì, sẽ làm những gì. Chẳng hạn như ta không thể bao giở biết chắc ngày mai họ có còn yêu thương ta như hôm nay nữa không, hoặc nếu ta làm việc này, họ sẽ nghĩ gì về ta, sẽ làm gì! Đàn bà lạ lắm... – Hoàng nhè nhẹ lắc đầu, một bên lông mày hơi nhướng lên, Quang đứng yên nghe, nhưng đôi lông mày rậm và thẳng băng như một vệt mực dài vẫn nhíu lại Quang tuy nghe nhưng sẵn sàng để đấm, Hoàng vẫn thản nhiên và trầm giọng nói – sự lạ lùng và bí mật của họ quyến rũ ta, bắt ta phải chạy theo họ. Họ muốn ta chạy theo họ. Họ muốn ta chạy theo họ, chiều ý họ mãi, họ sẽ chán ta, họ sẽ coi thường ta. Họ sẽ bỏ rơi ta để chạy theo kẻ khác. Muốn được yêu đàn bà, chúng ta phải bắt họ yêu mình, chúng ta phải dành phần chủ động. Nhưng chủ động là làm gì, làm cách nào để dành phần chủ động, và chủ động như thế nào? Đó là tất cả vấn đề.

Từ phía phòng tắm, tiếng nước chảy đột nhiên lớn hơn. Vô tình, Quang để cho Hoàng đẩy nhẹ vai chàng đứng bên cửa sổ:

- Nhưng chú yên trí, tôi sẽ giúp chú. Tôi sẽ đem kinh nghiệm sống của tôi ra để giúp chú. Trước hết, chúng ta hãy nhận xét tình hình. Có chuyện gì xẩy ra nào? Cô Lan Phi là một thiếu nữ con nhà gia giáo, giai cấp trên bực trung lưu một chút, thông minh, có học, giàu tình cảm, có tâm hồn mơ mộng và lãng mạn vừa phải, không lố lăng mà vẫn văn minh. Nói tóm lại, cô Lan Phi là một thiếu nữ hoàn toàn trong cái vũ trụ mà muông vật đều có giá trị tương đối này...

Như một giáo sư giảng bài, Hoàng lên giọng:

- Cô Lan Phi... nếu tôi không lầm, chưa đến hai mươi mốt tuổi. Thân thể cô nẩy nở hoàn toàn. Cô Lan Phi đã là một người đàn bà.

Quang ghét nhất kẻ nào dám nói động đến thân thể Lan Phi, dù là động đến rất xa. Giọng nói thản nhiên như một thầy thuốc và cái vẻ tự cho mình có thẩm quyền của Hoàng Chủ Nhân như làm cho Quang thức tỉnh, chàng lại xô gã đàn ông khả nghi ấy ra cửa:

- Anh không có quyền nói đến cô ấy. Tôi cấm anh, chủ nhà cũng mặc, anh ra khỏi ngay...

Hoàng đi giật lùi ra cửa nói nhanh:

- Tôi chỉ muốn giúp chú. Tôi nhiều tuổi hơn chú, nhiều kinh nghiệm hơn chú... nếu không nói đến cô ấy, làm sao tôi giúp chú cho được?

- Mặc xác tôi. Đi ra...

Có một sự xô đẩy, giằng co nhau xẩy ra. Cuộc xô đẩy rất ngắn. Căn phòng này chỉ có thể có một người đàn ông. Người đàn ông thừa bị tống ra hành lang.

Nhưng người đóng cửa không phải là cậu sinh viên bác sĩ tương lai mà là Hoàng Chủ Nhân. Như một danh thủ judo, Hoàng đã lừa đẩy Quang ra khỏi phòng, nhân lúc Quang lấy sức mạnh để đẩy chàng Hoàng nhanh tay đóng ngay cửa lại. Cửa được đặt khóa bên trong, Quang không có chìa khóa nên không làm sao mở cửa trở vào được.

Chủ Nhân Nguyệt Điện vừa quay lại thì cửa phòng tắm hé mở.

Lan Phi bước ra trong tấm áo ngủ bằng lụa trắng mỏng tanh hoa giấy “pơ luya”. Ngọn đèn sau lưng nàng làm cho thân thể nàng hiện rõ, nổi bật giữa làn lụa mỏng. Một thứ mùi đặc biệt do da thịt đàn bà với xà bông thơm và nước lạnh tạo thành, bay ngào ngạt tới chỗ Hoàng.

- Anh nói chuyện với ai vậy anh...? Nàng nhìn xuống và thấy Hoàng nhìn lên – Ồ...

Hoàng cười tươi:

- Lan Phi... em bận áo ngủ đẹp quá. Em bận áo nào cũng đẹp...

Và chàng nghĩ thầm – “Em không bận gì cả chắc là còn đẹp nữa. Đẹp nhất...!” Trong giây phút ấy, chàng thấy rằng Lan Phi đẹp thực, đẹp nhất trong số những người đẹp đã sống, đã ngủ, đã tắm trong tòa nhà Nguyệt Điện của chàng.

- Anh Quang đâu ạ?

- Em hỏi ai?

Tiếng đập cửa thùm thụp vang lên, Lan Phi lướt ra mở cửa, Quang nhẩy xổ vào phòng.

Nhanh trí – tuy chưa hiểu rõ có những chuyện gì vừa xẩy ra trong lúc nàng tắm – Lan Phi biết ngay là nàng phải nói nhiều:

- Anh làm chi ngoài đó? Em giới thiệu anh đây là ông Hoàng, ông chủ...

Quang hùng hổ:

- Không có chủ chiếc gì cả... Gặp nhau rồi... A- lê... Đi ra...

Lan Phi mở rộng đôi mắt đen, tròn xoe nhìn Quang nắm lấy cánh tay ông chủ nhà đẩy ra cửa. Nàng kêu lên:

- Anh làm gì mà dữ vậy? Có bỏ ông ấy ra không ạ!

Hoàng nói rất nhanh:

- Tôi muốn bàn với cô Lan Phi về chuyện mướn nhà...

Câu nói của Hoàng có mãnh lực làm cho Quang dừng lại.

Hoàng trở vào phòng, chàng sửa lại cổ áo và mỉm cười:

- Tôi có chuyện cần nói với cô Lan Phi, người mướn căn phòng này.

CHƯƠNG 7

L

an Phi lo lắng nhìn Hoàng:

- Còn có chuyện gì cần nói nữa?

Lan Phi tưởng như vậy là xong rồi. Coi như không có Quang đứng ở đấy, coi như cõi đời này không có Quang, như căn phòng tối có ánh đèn rất mờ ảo này chỉ có Lan Phi và mình, Hoàng giơ một ngón tay ngọ nguậy trong không khí. Ngón tay chỉ về phía mặt và ngực Lan Phi, Hoàng khiển trách nàng như với một cô bé con:

- Cô xấu lắm nghe...! Cô làm cho tôi tưởng rằng cô đến mướn chung nhà với một cô bạn gái...

Lan Phi không biết phải tự biện hộ làm sao cho xuôi. Quang “phang” ngay một câu ngang như cua:

- Mai dọn đi, cóc cần...

Vẫn tỉnh bơ như không nghe thấy ai nói gì cả, Hoàng mở rộng bàn tay ra để chặn khi Lan Phi mở miệng toan nói. Miệng nàng tròn như chữ Không.

- Cô không cần phải xin lỗi. Tôi không cấm cô. Nhưng tôi bắt buộc phải có đôi lời bày tỏ thái độ của tôi đối với cái tình trạng... người mướn nhà không được hợp lệ này...

Đến lượt Lan Phi ngắt lời Hoàng:

- Tại sao lại không hợp lệ? Chúng tôi ở đây hợp lệ hơn ai hết là khác.

- Tôi biết thế, cô biết thế... nhưng một nỗi là Đại úy Lê, Trưởng Ty Kiểm tục Đô Thành, lại không biết như thế...

Bốn hàng mi dài quanh mắt Lan Phi chớp lia:

- Ty Kiểm Tục?

- Phải. Ty Kiểm Tục – Hoàng gật đầu – Ông ấy làm việc theo luật pháp, không bao giờ nghĩ đến tình. Ôn ấy lại đa nghi như Tào Tháo, có gì lạ là cho điều tra ngay. Khu phố này được yên tĩnh cũng là nhờ ông ấy. Không có một em chơi bời nào, dù là chơi bời loại sang, tiếp toàn quan to, lọt được vào khu này. Chắc cô cũng dư biết... cô tới đây mướn nhà, tôi là chủ nhà, tôi có bổn phận phải thêm tên cô vào sổ gia đình... Ít nhất, cô và tôi phải nói giống như nhau khi nửa đêm, có cảnh sát vô xét nhà.

Nghe Hoàng Chủ Nhân nói như vậy, Lan Phi biết ngay là Hoàng sẽ không làm khó dễ nàng về việc nàng để Quang tới đây chung sống. Nàng nhìn nhận rằng khi tới mướn nhà, nàng không nói rõ rằng nàng sẽ chung sống với một người bạn trai, và sự chung sống này trước mắt người ngoài, có nhiều sự khả nghi. Nàng thở ra một hơi dài và nhẹ rồi nói:

- Để Lan Phi nói rõ về chuyện này cho anh nghe. Lan Phi và anh Quang là...

Quang đứng lịm người đi vì tấm áo ngủ kiểu: đầm, rộng thùng thình, choàng từ đầu xuống chân, hở vai, hở đôi tay và mỏng tanh của Lan Phi. Chàng không muốn một kẻ đàn ông nào khác, ngoài chàng ra, được ngắm Lan Phi trong những tấm áo hấp dẫn gợi cảm như vậy. Chàng chỉ muốn choàng một chiếc mền lên vai nàng hoặc đẩy nàng vào phòng tắm khóa chặt cửa lại.

- Em đi vô trong kia, để anh thanh toán chuyện này cho...

Đây là lần đầu tiên trong ngày Quang tỏ ra có thẩm quyền. Chàng hất ngón tay về phía giường ngủ của Lan Phi. Sụ biểu dương thẩm quyền này được Lan Phi chấp nhận. Nàng chỉ ngần ngại khuyên cáo:

- Anh Hoàng là chủ nhà. Ảnh muốn giúp tụi mình, em không muốn to tiếng...

Ngón tay cái của Quang hất hất, thêm mấy cái về phía giường ngủ:

- Biết rồi. Yên trí... Đi lên đi...

Ngón tay cái hướng lên trần nhà hất hất của Quang trông rất hách, chứng tỏ chàng có đầy đủ thẩm quyền. Quang đợi cho nàng khuất vào sau tấm màn làm bằng một thứ vải ni lông đặc biệt, óng ánh trông như nhung rồi mới hất hàm ra hiệu cho Hoàng Chủ Nhân đi về phía cửa sổ. Đứng ở đây, nói chuyện nho nhỏ và chõ ra vườn, chàng không sợ Lan Phi nghe tiếng.

Quang nghiêm nét mặt:

- Anh muốn gì?

- Trước hết... Cậu có phải là thanh niên Phật tử không?

Quang lắc đầu:

- Tôi là Hướng Đạo Sinh Thiên Chúa giáo. Hoàng Chủ Nhân giơ ngay bàn tay trái ra để bắt tay Quang. Một nụ cười gần như là mừng rỡ nở trên môi Hoàng:

- Rất hài lòng! Một sự tình cờ có thể là hàn hữu – Hoàng Chủ Nhân nói bằng một giọng bằng hữu chân thành – Tôi cũng là Hướng Đạo Sinh Đoàn Lam Sơn Hà Nội, tôi cũng có một nửa đạo Thiên Chúa trong linh hồn tôi. Mẹ tôi là người đạo gốc.

Quang miễn cưỡng bắt tay trái Hoàng:

- Chúng ta là anh em... đồng đạo! – Hoàng tiếp – Lại ở chung một nhà. Sụ giao thiệp giữa chúng ta, bắt đầu từ giây phút này, có những màu sắc mới. Tôi với chú không chỉ là ông chủ nhà với người thuê nữa. Tôi với chú... đồng đạo!

Như danh từ “đồng đạo” là một cái gì quý báu và thiêng liên, Hoàng Chủ Nhân nhắc lại bằng một giọng thành khẩn:

- Chúng ta đồng đạo. Tôi lại càng có phận sự phải giúp đỡ chú về mặt tinh thần. Hơn cả phận sự, đó là một nhiệm vụ... Tôi rất lấy làm hân hạnh được giúp đỡ chú...

Hoàng Chủ Nhân nói thao thao những danh từ rỗng tuếch theo nhau lướt êm trên môi chàng: nhiệm vụ, phận sự, hân hạnh, tinh thần... v.v... Quang đang thắc mắc không hiểu anh chàng chủ nhà lắm chuyện này đang muốn kiếm chuyện gì nên không chú ý đến những danh từ. Chàng lại bận suy nghĩ về chuyện tại sao kẻ đối thoại với chàng chỉ giới có bà mẹ của hắn là người có đạo Thiên Chúa thôi mà lại là đạo gốc.
Hoàng lắc đầu và vỗ nhẹ lên vai Quang:
- Chú tin tôi đi. Cái chương trình sống chung mà không “yêu” nhau trước ngày cưới của chú và Lan Phi không thể nào thực hiện nổi đâu!
Quang trố mắt:
- Tại sao anh biết?
- Tôi đoán biết. Tôi có nghiên cứu Tâm Lý Học và... Hoàng hạ giọng – Có một thời gian, tôi là nhân viên của XÊ- I- A.
Hồi chín giờ tối, tôi chưa biết rõ về những chuyện xẩy ra trong căn phòng bên này, nhưng từ mười giờ, tôi đã biết. Cái chương trình ấy hoàn toàn vô lý và điên khùng, tôi đoán quyết với chú là không thể nào cô chú làm được.
Người ngoài nghe lỏm chuyện, giọng nói thân tính của Hoàng Chủ Nhân với những tiếng “cô chú” ngọt sớt, không chút ngượng vấp, chắc chắn phải yên trí rằng Quang và Lan Phi là em ruột, em họ gì đó của Hoàng, và Chủ Nhân Nguyệt Điện là một ông anh gương mẫu, đầy đủ thiện chí.
Quang rất muốn đồng ý với Hoàng, nhưng vì lòng trung thành với Lan Phi, chàng vẫn nói cứng:
- Tại sao lại không được? Nếu cả hai chúng tôi cùng muốn...?
- Chú dư biết là không được. Chú còn biết là không ổn, không chịu hơn tôi nói nữa là đằng khác – ngón tay chỏ của Hoàng ấn nhẹ vào ngực Quang, chỗ trái tim Quang – ở tận cùng sâu thẳm của lòng chú, ở trong tim chú, trong tiềm thức chú, chú biết là không được. Nàng kiều nữ phây phây, phơi phới mơn mởn, thơm phưng phức kia đêm nào cũng có thể nằm ngủ yên lành cách giường chú mười lăm bước ư? Nàng nằm kia và chú nằm đây, ngủ yên lành suốt đêm được ư? Được chăng? Hả? Nếu chú làm được như thế, tôi cũng có thể làm như Đoàn Dư trong Thiên Long Bát Bộ, xuất Lục Mạch Thần Kiếm ra năm đầu ngón tay, làm cánh cửa kia thủng như cái bào đu đủ ăn thịt bò khô. Không thể được! Anh- bốt- si- bưu! Một triệu năm nữa, một triệu triệu năm nữa cũng không thể được!
Quang nói bằng một giọng cảm khái:
- Lan Phi hoàn toàn tin tưởng ở tôi. Tôi cố gắng thử làm việc này.
Hoàng nhìn đăm đăm vào mặt Quang y như Quang là một người đau nặng, chợt một bên lông mày của Hoàng nhếch lên. Hoàng như một bác sĩ chợt nhớ ra một phương thuốc có thể cho bệnh nhân thoát chết.

1/1/2001
Hoàng Hải Thủy
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...