Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

"Đong giọt hương tình" đong đầy giọt yêu thương

"Đong giọt hương tình"
đong đầy giọt yêu thương

Cầm trên tay tập thơ “Đong giọt hương tình” của nhà thơ Phan Bá Trình (Nhà xuất bản Văn học – 2016), tôi nâng niu lật giở từng trang. Theo thói quen, tôi tìm bài thơ làm tên chung cho cả tập để đọc trước, nhưng tìm hoài không thấy. Tôi chợt nghĩ, thì ra anh muốn dùng một câu thơ đa nghĩa, với thủ pháp ẩn dụ để dẫn dụ người đọc đi vào từng câu chữ trong tác phẩm. Tôi tin rằng với nhan đề như thế thì chắc chắn tập thơ sẽ đem đến cho người đọc những cảm nhận lý thú.  
Tập thơ “Đong giọt hương tình” của nhà thơ Phan Bá Trình
98 bài thơ trong tập “Đong giọt hương tình” phần lớn là những nỗi niềm, hoài niệm của nhà thơ Phan Bá Trình về cuộc đời, cuộc tình.
Ngay trang đầu, với bài thơ “Thương” Phan Bá Trình đã lý giải về cuộc đời của mình. Suốt cuộc đời anh lận đận vì “mong nhớ đợi chờ”. Nhưng sự đợi chờ không kết quả đã khiến anh đau khổ mãi đến giờ. Và đau khổ ấy đã được anh hóa giải bằng những lời thơ chân thành mộc mạc:
Thương thằng tôi
suốt một đời lận đận
mong nhớ đợi chờ
đau khổ hóa thành thơ.
(Thương)
Chính sự hóa giải ấy mà thơ anh đã chạm được vào trái tim người yêu thơ. Khắc khoải đợi chờ trong tình yêu như còn đọng mãi theo thời gian. Nó làm cho trái tim ta se lại khi bắt gặp tà áo trắng sân trường:
Tà áo dài theo cánh gió
bay bay…
Bỏ lại trong anh
Một thời mực tím
Em đâu rồi?
Đôi mắt cứ cay cay.
(Lửa phượng)
Giọng thơ trầm buồn đã khiến người đọc cũng phải ngậm ngùi. Tuổi học trò của anh đã lùi xa vào dĩ vãng. Và tình yêu tuổi học trò ngây ngô khờ dại cũng đã qua lâu rồi. Vậy mà anh vẫn cứ nhớ lời hẹn ước:
Câu hẹn ước
buộc vào ngọn gió
anh mãi tìm
dấu ấn bóng thời gian.
(Còn lại nỗi đau)
Anh vẫn còn nghe đâu đó những làn “hương tóc cũ” vậy mà “tình xưa giờ đã sang trang”. Không gì đau khổ bằng khi nhìn thấy người yêu lên xe hoa. Mối tình không thành ấy cứ khắc khoải trong anh, để rồi mỗi khi nghe con vạc sành kêu nỗi lòng anh lại da diết:
Mùa nước lớn cá ngược dòng tìm bạn
Anh ngược dòng lặn lội phía yêu thương
Con vạc sành tìm bạn gọi thâu đêm
Nghe da diết nỗi lòng ngày xa cách.
(Thầm gọi mãi tên em)
Và anh ước:
Ước gì giờ này được ngồi bên em
Cho anh nghiêng qua bờ vai nhỏ bé
Tìm chút rụt rè một thời trai trẻ
Chưa cầm tay đã run bén lên rồi.
(Sưởi ấm trái tim yêu)
Ngoài những bài thơ viết về tình yêu, “Đong giọt hương tình” còn biểu lộ tình cảm của mình đối với quê hương, với đấng sinh thành, với vợ, với người thầy giáo cũ qua những hình ảnh hiện về trong ký ức. Đây là hình ảnh quê hương:
Mái hiên mùa mưa dột
Tiếng ễnh ương gọi tình
Đèn đêm giờ ai đốt?
Ta cuối đầu lặng thinh.
(Nhớ quê)
“Nhớ quê anh lại tìm về thăm quê”. Anh “tần ngần đứng giữa nắng trưa gọi đò” mà nước mắt rưng rưng:
Lắt lay ngọn khói ai luồn
Trong đôi mắt biếc giọt buồn rưng rưng.
(Thăm lại quê xưa)
Hình ảnh người mẹ được anh khắc họa bằng thủ pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác rất tài tình. Hình ảnh người mẹ hốc hác gầy yếu trong “bóng nguyệt đêm sương” hiện về trong giấc mơ của anh cùng với “Lời ru nhẹ thoảng” khiến anh lúc nào cũng nhớ mẹ:
Mẹ về xanh những ước ao
Chập chùng nỗi nhớ ngọt ngào niềm yêu
Bước trần bóng đổ liêu xiêu
Mẹ đi con gánh quạnh hiu giữa đời.
(Mẹ về theo giấc mơ nghiêng)
Còn đây là hình ảnh người cha:
Một đời vất vả vì con
Bao năm khổ cực thân còn nắm xương

Tắm cha nước mắt hai hàng
Ngày đêm mưa nắng vì đàn con thơ.
(Tắm cha)
Và đây là những lời thơ anh dành cho vợ:
Đành rằng em kẻ đến sau
Mà anh yêu đến bạc đầu em ơi
Sợi tình còn mãi tơ vương
Trăm năm sánh bước trên đường thiên di.
(Trăm năm sánh bước)
Với thầy giáo cũ anh luôn nặng lòng tri ân:
Trở lại bến sông xưa
Tìm bóng người thuở trước
Chập chùng bao sóng nước
Người đưa đò về đâu?
(Thầy tôi)
Có thể nói “Đong giọt hương tình” là tập thơ tình hay của nhà thơ Phan Bá Trình đã đong đầy tình yêu thương đến với mọi người.
2/6/2020
Phạm Văn Hoanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...