Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Neo lại chút hồn quê

Neo lại chút hồn quê

“Phía xa xăm” là tập thơ mới nhất của tác giả Lê Văn Ri – NXB Hội Nhà văn, ấn hành tháng 1-2020, tiếp sau tập thơ “Gió qua triền cát” xuất bản năm 2009. Vẫn một giọng thơ chân chất, mộc mạc của một người quê như vừa bước ra từ cánh đồng mà ở đó có một dòng sông đã chảy vào nỗi nhớ.
Tập thơ “Phía xa xăm” của nhà thơ Lê Văn Ri
Chính vì nặng tình với quê nhà mà thơ anh đằm thắm những dòng cảm xúc chân thật, nhiều lúc ánh lên những vỉa quặng tâm hồn lấp lánh. Đó còn là nỗi trăn trở nhiều khi là cả những truy vấn về cuộc đời, chút tiếc thương, hoài niệm, day dứt.
48 bài thơ trong tập, có những bài, những câu thơ hết sức lắng đọng. Đồng cảm với sự chia sẻ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, cũng như bạn tôi nhà thơ Phan Chín trong một cuộc trò chuyện đã rất tâm đắc những câu thơ trong bài “Tìm tôi”. 
“Tôi tìm tôi một ngày nhạt nắng
Vấp gót chiều xanh thẳm miền xa
Tôi tìm tôi giữa phố chợ phồn hoa
Chợt rơm rạ đồng dao quay quắt
Tôi tìm tôi một thời xa lắc
Ca dao buồn. Nước mắt đêm giông 
Tôi tìm tôi mấy độ tang bồng
Nhặt ký ức dặm dài bỏng cháy
Tôi tìm tôi một chiều tháng Sáu
Tiếng ve kêu đỏ cánh phượng sầu…”
(Tôi tìm)
Đọc thơ anh ta còn bắt gặp hình ảnh về một miền quê thân thuộc như bao vùng quê xứ Quảng. Như lời anh tâm sự “Với tôi, thơ là sự rung cảm, sự cảm nhận về quê hương đất nước, về hiện thực cuộc sống… là những dòng chảy ký ức”. Đọc thơ anh ta còn bắt gặp những xúc cảm chân thành, thiêng liêng trước những sự hy sinh lớn lao của đấng sinh thành, hình bóng người cha, dáng mẹ yêu thương…
“Đời mẹ nghèo
Chỉ có các con và nỗi đau quặn thắt
Tuổi thanh xuân
Mẹ thành thiếu phụ
hóa vọng phu
giữa vôi, đá chung tình”
(Mẹ tôi)
Và cũng với câu chuyện về tình mẹ bài thơ “Phía xa xăm” trong tập của Lê Văn Ri đã được nhạc sĩ Phan Văn Hùng phổ nhạc, khắc họa một hình tượng thơ về người mẹ rất riêng mà cũng rất chung. Chung ở đây là đức hy sinh cao cả của người mẹ từ rất xa xưa đã thành khúc hát, đã thành ca dao.
“Đã bảo đêm mẹ bỏm bẻm nhai trầu
Đom đóm chao mong con về gọi cửa
Bước chân quen chẳng bao giờ về nữa
Phía xa xăm đâu chỗ con nằm…”
(Phía xa xăm)
Đọc thơ Lê Văn Ri trong tập “Phía xa xăm”, ta còn bắt gặp những chiêm nghiệm cuộc đời, rút ra bằng những triết lý thơ dễ thấm. Tôi nói vui có khi dễ nhớ hơn một bài báo mà anh đóng góp ý kiến với tư cách một Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Trung của cơ quan Trung ương đoàn.
“…Mùa chín vội chuyện buồn dang dở
Chưa trẻ thơ đã vội về già
Nhịp sống trẻ loang màu hối hả
Chưa thành nhân đã vội quan trường
Mùa chín vội xin đừng mong đợi
Dẫu xanh tươi riết róng mây trời
Tan đi mãi gió cùng cạn kiệt
Hương thời gian chín mọng một đời…
(Mùa chín vội)
Bài thơ Ngày tận thế cũng vậy. Chuyện không mới, có khi rất cũ nhưng qua lăng kính thơ anh ta bắt gặp những phản quang tích cực: “Ta chắt chiu từng ngày được sống/ Đâu phải trường sinh là lẽ sống cho đời”… “Tia nắng ban mai xanh màu hy vọng/ Và cuộc đời…sẽ tốt đẹp hơn” – Ngày tận thế.
An nhiên để tự an ủi người và an ủi mình những lúc trống vắng, những nỗi cô đơn nhiều khi cũng gập ghềnh, đứt gãy.
“Đừng buồn vì cơn gió
Vô tình làm lá rơi
Thời gian đâu phải đợi
Sóng ngập tràn biển khơi… 
Đừng buồn vì giông bão
Chất chồng bao khổ đau
Thời gian dòng nước mát
Tháng ngày ta dìu nhau…”
(Đừng buồn em nhé)
Đọc thơ Lê Văn Ri ta còn cảm thấu nỗi đời của riêng anh như lời thơ tự họa “Mồ côi từ thuở nằm nôi/ Thiếu cha tựa mẹ nổi trôi dòng đời/ Lời ru câu hát à ơi/ Mẹ nuôi ta lớn giếng khơi nhọc nhằn…”.
Xin có đôi dòng giới thiệu tập thơ “Phía xa xăm” của nhà thơ Lê Văn Ri-quê ở Giáng Hòa, Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam. Anh là Hội viên Hội VHNT Quảng Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung, Trung ương Đoàn.
Tam Kỳ, 3/6/2020
Võ Văn Trường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...