Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Người vợ mất tích 2

Người vợ mất tích 2

CHƯƠNG 5
13-
Cuộc đi thăm khách sạn Mỹ Ngọc Cung làm cho tôi mệt mỏi đến kiệt sức.
Sau khi vào gặp qua Thiếu tá Trịnh, tôi cáo từ về khách sạn Continental. Về tới phòng, tôi nằm dài trên giường như một người vừa đi bộ suốt ngày về.
Tôi nằm đó ôn lại tất cả những cảm nghĩ của tôi kể từ ngày tôi đặt chân trở lại Thủ đô Sàigòn trên đường tìm theo dấu chân vợ tôi. Và tôi thấy rõ là những cảm nghĩ của tôi đã thay đổi nhiều.
Lẽ tự nhiên là tôi vẫn còn quả quyết muốn tìm vợ tôi và tôi sẽ tìm nàng bằng được, bất kể thời gian, không kể khó nhọc. Nước Việt Nam của chúng ta nhỏ bé. Chỉ cần ta kiên chí là ta có thể tìm được người mà chúng ta muốn tìm. Không khó. Tôi vẫn nhất quyết tìm nàng “mãi mãi”. Tìm mãi không thôi, tìm được nàng hoặc là đến lúc nào tôi chết.
Nhưng khi nghĩ đến Ngọc, tôi hiểu rằng có một vài điều tôi đã nghĩ sai lúc đầu. Khi nàng mới mất tích, tôi nghĩ rằng nàng là nạn nhân của một vụ lầm người kinh khiếp, một vụ lầm lộn chỉ có thể xẩy ra được trong tiểu thuyết hoặc trong các phim xi nê. Tôi tưởng rằng nàng sa vào cạm bẫy của một bọn giăng ra chờ bắt một người đàn bà nào khác không phải là nàng.
Bây giờ tôi hiểu là nàng là nạn nhân của một vụ “bắt cóc tống tình” cũng khủng khiếp không kém. Tôi nói là “tống tình” chứ không phải là “tống tiền”. Qua những lời Vân Hà nói với tôi về cuộc đời cũ của Ngọc và những kẻ gian manh mà nàng đã lỡ quen và bây giờ bọn gian manh đó tìm bắt nàng để trả thù, tôi hiểu tại sao Ngọc lại không làm một hành động gì để cầu cứu tôi trong thời gian nàng sống tự do trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Nàng có thể gửi điện tín báo cho tôi biết nàng đang lâm nguy để tôi tới với nàng. Nhưng tôi biết nàng không làm thế là vì nàng muốn tránh sự xúc động cho tôi. Nàng tin rằng nàng có thể tự sức thoát được vòng kiềm tỏa của bọn gian manh đó. Thoát được yên lành và trở về với tôi.
Nàng muốn giữ bằng mọi giá cho tôi, chồng nàng, người mà nàng yêu thương, ở ngoài vụ này. Vì nàng cho rằng đây là hậu quả một lỗi lầm cũ của nàng, và phải một mình nàng gánh chịu cái hậu quả đó. Người đàn bà khi yêu chân thành thường nghĩ như vậy. Ngọc có thể nghĩ sai nhưng đó là vì nàng yêu tôi mà ra. Việc im tiếng và cắn răng chịu đựng đó của nàng là một bằng chứng cụ thể, rõ ràng, lớn lao nhất về tình yêu của nàng.
Khi tôi hiểu biết như thế, tình tôi yêu nàng lại càng thêm sâu đậm hơn. Và tôi thấy giận tôi khi tôi nhớ lại những cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi tôi nghe Vân Hà kể lại vài sự kiện đã xẩy ra trong đời Ngọc khi nàng còn con gái, khi nàng chưa quen biết tôi, chưa là vợ tôi và đời tôi chưa có nàng. Tôi giận tôi vì tôi thật là nhỏ nhen, tôi không xứng đáng với mối tình mà Ngọc dành cho tôi.
Khi còn là thiếu nữ, Ngọc có vài lầm lẫn, nhưng chính vì lầm lẫn, như thế nàng mới yêu tôi nhiều đến như nàng đã yêu tôi khi gặp tôi. Và vì có lầm lẫn khi còn là thiếu nữ, nàng mới cần che chở và cần yêu thương.
Và suy luận cho cùng ra thì chính tôi là người đã đẩy Ngọc vào tình trạng hôm nay của nàng. Ngay từ ngày đầu tiên gặp nàng, tôi đã đặt nàng lên quá cao. Tôi đặt nàng lên một cái bệ cao, coi nàng như một “thần tượng”, một người hoàn toàn trong trắng. Ngọc biết vậy nên nàng không dám bước xuống dưới chân cái bệ cao mà tôi đã đặt nàng lên. Đề cao một người nào quá tức là ta hại người đó. Ngọc đã bị tôi đề cao. Nàng có muốn cũng không dám nói cho tôi biết những chuyện không đẹp đã xẩy ra trong đời nàng.
Khi nghe câu chuyện Vân Hà kể, tôi đã nổi giận và hờn trách Ngọc vì Ngọc đã dấu tôi vài chuyện về đời tư của nàng. Tôi gần như nghĩ rằng Ngọc “lừa dối” tôi. Nhưng nghĩ như vậy, thật sự tôi đã lầm. Chính tôi đã làm cho nàng không dám nói thật. Ngọc chẳng mong gì hơn, tôi dám nói chắc như thế, là được nói thật với tôi, nhưng vì nàng thấy tôi coi trọng nàng quá nên nàng không dám nói, nàng sợ tôi “khinh” nàng, nàng sợ mất tình yêu của tôi. Nàng sợ tôi sẽ không yêu nàng nữa khi tôi biết là trước khi gặp tôi, nàng đã có thời lầm “yêu” một kẻ gian manh như gã Paul Văn.
Đó cũng chính là cái lý do đã làm cho Ngọc không cầu cứu tôi khi nàng gặp lại tên Paul Văn. Nó chỉ cần dọa nàng một câu: “Nếu cô không làm theo ý tôi, chồng cô sẽ biết rõ về những bê bối cũ của cô …” Và Ngọc, kinh hoàng vì ý nghĩ chồng nàng có thể biết những chuyện không đẹp về đời nàng, đành nghe theo lời tên đó.
Tất cả những sự việc này xẩy ra đều do lỗi ở tôi.
° ° °
Huy ơi, tất cả những dòng này là để viết cho Huy đọc. Từ dòng đầu, tôi chỉ kể cho Huy nghe những chuyện đã xẩy ra trong đời tôi kể từ ngày người đàn bà tôi yêu thương nhất đời mất tích, đây là vài lời tôi khuyên Huy.
Huy có thể biết nhiều điều hơn tôi, Huy thông minh hơn tôi lẽ tự nhiên là Huy khôn ngoan hơn tôi, nhưng Huy kém tôi ở chỗ Huy chưa có vợ. Đây là lời khuyên của một người bạn đã có vợ, đã đau khổ vì vợ, đã yêu … khuyên một người bạn chưa có vợ.
Tôi biết Huy không phải là người đàn ông thù người đàn bà. Huy không theo mãi cuộc sống độc thân. Huy chưa có vợ chỉ vì Huy chưa tìm được người đàn bà nào vừa ý mà thôi. Cả những người đàn ông muốn độc thân suốt đời cũng có ngày gặp một người đàn bà làm cho họ mất ý muốn ấy. “Không ai có thể thoát được đàn bà cũng như không ai có thể thoát được CHẾT”.
Nếu Huy có một ngày phải Chết thì Huy cũng có ngày phải lấy Vợ. Tôi chỉ khuyên Huy một điều là: Đừng bao giờ Huy “tôn thờ” một người đàn bà nào. Đừng bao giờ Huy đề cao một người đàn bà nào quá đáng, nhất là khi người đàn bà đó lại là VỢ của Huy. Đừng bao giờ hạ giá đàn bà, đừng coi thường họ nhưng nếu chúng ta đề cao họ quá cái giá trị thực của họ, chúng ta cũng làm hại họ vậy.
° ° °
Trong lòng tôi tình yêu lại nổi lên mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi yêu NGỌC đến như thế. Tình yêu thật là một cái gì tuyệt diệu, lạ kỳ. TÌNH YÊU chân chính không có giới hạn. Không có lời nào, không có khoảng không gian nào có thể giới hạn nổi TÌNH YÊU. Trước đây, có nhiều lúc tôi nghĩ rằng tôi đã yêu hết lòng, hết tâm hồn, yêu hết cỡ … không còn ai có thể yêu được hơn tôi hoặc tôi không bao giờ có thể yêu nhiều hơn thế …
Nhưng tôi đã lầm …
Tình yêu trong lòng tôi mỗi lúc một mới, không lúc nào nó giống lúc nào. Vì vậy − đến bây giờ tôi mới biết, và tôi chắc rằng những người yêu thương chân thành, yêu không đòi hỏi, yêu không điều kiện, cũng biết như tôi – là không có thể so sánh được tình yêu: Hôm nay ta yêu hơn hôm qua và yêu kém ngày mai. Không, tình yêu mỗi lúc một khác. Không thể nói hôm nay tôi yêu Ngọc hơn những ngày Ngọc chung sống yên lành với tôi. Tôi chỉ có thể nói được là trước kia tôi yêu nàng và bây giờ, hôm nay tôi cũng yêu Nàng.
Đang nằm như người chết rũ trên giường, tôi bỗng ngồi bật dậy …
Mắt tôi nhìn thấy cái bao da đựng đồ trang điểm tôi mua tặng Ngọc nằm trên mặt chiếc bàn ngủ …
Khi gã chủ khách sạn mặt bóng loáng trình cái bao đó trước mặt Thượng sĩ Bái tôi không xúc động mấy. Vì lúc đó tôi đang nghĩ tới vợ tôi. Tôi đang thất vọng vì tôi chưa tìm lại được Nàng.
Nhưng bây giờ … một mình với nó trong một căn phòng vắng lạnh và vô hồn này, cô đơn giữa một đô thị xa lạ, nhớ nhung, thương yêu nồng nàn, tôi có thể nâng niu nó để khuây đi nỗi nhớ nhung. Cái bao da này là một phần của người đàn bà tôi thương nhớ …
Với một sự xúc động làm cho những ngón tay tôi run run, tôi mở bao da ra coi … Gương, lược, cái kìm cắt móng tay, cái dũa nhỏ xíu và rất sắc … Tất cả còn đây, những vật này đã được những ngón tay nàng cầm đến … Tôi tưởng như ngày nào tôi trông thấy vợ tôi, ngồi trước bàn phấn trong căn phòng ngủ ấm cúng, tràn đầy tình yêu và hương vị ái ân, tay cầm cái bàn chải cán ngà này chải tóc … Mái tóc của nàng lộ ra dưới làn áo ngủ mỏng.
Tôi lấy từng món đồ ra, coi kỹ, nâng niu như đó là những bảo vật, như đó là những vật lạ lạ mà tôi chưa từng bao giờ được thấy …
Bỗng toàn thân tôi rung động … Tôi như người bị điện giựt … Như những vật tôi cầm đó có dính điện mạnh làm cho tôi giật bắn người lên …
Tôi trông thấy một mảnh giấy nhỏ dấu dưới đáy bao giữa hai lần da và vải lót.
Tôi rút nhẹ mảnh giấy đó ra. Đó là một mẩu giấy pelure nhầu nát, chắc Ngọc đã viết vội, viết dấu diếm những dòng chữ này …
Mắt tôi hoa lên khi nhận ra đó chính là chữ của Ngọc …
Phải mất một lúc sau tôi mới đọc nổi những lời Nàng viết vội bằng bút chì kẻ lông mày trên mảnh giấy nhỏ xíu ấy:
- “Tôi là ĐỖ THỊ NHƯ NGỌC, nạn nhân của một bọn gian manh. Tôi bị chúng đưa đi chưa biết là đi đâu. Ai lượm được giấy này làm ơn báo ngay cho chồng tôi là Ông HOÀNG TUẤN, Chánh Sở Nhập Cảng Ngân Hàng Free World Bank hoặc báo cho bạn của chồng tôi là Luật Sư TRẦN HUY, Sàigòn, biết tin tôi. Hãy tìm gặp Robert Nguyễn. Chỉ có tìm được Robert mới có thể tìm ra được chỗ chúng dấu tôi.”
– 14 –
Huy cũng biết rõ như tôi về những sự việc đã xẩy ra trong khoảng thời gian hai ngày sau đó, tức là sau khi tôi tình cờ tìm được bức thư cầu cứu của Ngọc dấu trong bao da đựng đồ trang điểm của nàng bỏ lại Khách sạn Mỹ Ngọc Cung.
Tuy vậy, tôi vẫn muốn và vẫn nhắc lại những sự việc đó ở đây, nhắc lại một cách vắn tắt thôi, vì tôi thấy rằng có lẽ nhắc lại, nhớ lại những chuyện đó, tôi có thể hiểu được một phần vụ này, một vụ có những việc xẩy ra liên tiếp nhưng không liên lạc với nhau, một chuyện mà mãi đến giây phút này, tôi vẫn hoàn toàn không hiểu.
Ngay sau khi tìm thấy thư của Ngọc, tôi đã gọi điện thoại ngay cho HUY và chúng ta đã gặp nhau ngay sau đó, HUY muốn đọc lá thư của Ngọc. Chúng ta cùng suy đoán và góp ý kiến với nhau để hiểu Ngọc. Lẽ tự nhiên là lời kêu cứu của Ngọc đã rõ rệt quá rồi, không còn có gì để hiểu lầm lời Ngọc, nhưng chúng ta muốn tìm biết qua những lời kêu cứu đó, bọn gian manh mà Ngọc, nói đến đó là bọn nào và tại sao chúng lại có thể khống chế được Ngọc.
Lá thư đó không giúp chúng ta có thêm được chút ánh sáng nào về vụ mất tích của Ngọc. Nàng đã bị bọn gian giam giữ một nơi … Chuyện đó chúng ta đã biết. Dù có hay không có thư của Ngọc để lại, chúng ta cũng đã biết như thế.
Nhưng chúng giữ Ngọc để làm gì? Tại sao? Ở đâu? Đó là những điều chúng ta muốn biết và đó cũng là những điều mà lá thư cầu cứu của nàng vẫn không giải đáp được cho chúng ta, không giúp chúng ta tìm được câu giải đáp.
Bí mật hoàn toàn bao trùm vụ mất tích. Bí mật cũng vẫn che đậy và bao quanh bóng dáng tên thọt chân, tên mà tôi tin chắc là Paul Văn.
Tại sao Ngọc không tìm đến Huy để nhờ Huy che chở? Nàng biết rõ về tình bạn của chúng ta mà? Nếu biết nàng lâm nạn, chắc chắn Huy không từ chối làm bất cứ việc gì để bảo vệ nàng. Tôi biết chắc như thế, và tôi tin rằng Ngọc cũng biết chắc như thế. Vậy thì tại sao nàng không tìm đến ngay với Huy? Bà Ngà không có mặt ở Saigon, nhưng Saigon này vẫn có Huy kia mà? Khi mới xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Ngọc có gặp tên thọt chân nhưng sau đó, nàng còn được tự do về ngụ tại Khách sạn Mỹ Ngọc Cung trong gần 24 tiếng đồng hồ, thời gian đó đủ cho nàng tìm tới gặp Huy, gọi điện thoại cho Huy hoặc viết cho Huy một lá thư …
Tại sao nàng lại không làm thế? Tại sao nàng lại cứ nằm chết đó chờ bọn gian đến đưa nàng đi nơi khác, cắt đứt hết liên lạc của nàng với những người nàng quen biết? Tại sao …? Tại sao?
Chúng ta đã cùng tìm những câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao, tại sao”. Những câu “tại sao” tối om và đầy nghi vấn.
Trong cuộc thảo luận đêm hôm đó, sau khi tôi tìm thấy thư của Ngọc, Huy có đưa ra giả thuyết là Ngọc hy vọng nàng có thể tự lực thoát được bọn gian manh, hoặc nàng sẽ có thể tìm được một “võ khí” nào đó để chống lại chúng. Muốn thế nàng phải tạm vâng lời chúng, phải nhận lời đi theo chúng. Vì vậy, khi vừa từ phi cơ xuống phi trường và biết mình sa vào tay bọn bất lương, biết rằng chúng giăng bẫy để dụ nàng về Sàigòn, nàng đã tuân lời chúng, vào ngụ tại khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Ở đó suốt một ngày, nàng không thông tin cho ai hết vì nàng nghĩ rằng nàng sẽ có cơ hội thoát được vòng kiềm tỏa của bọn gian manh. Nhưng sau đó vì bọn gian tới đưa nàng đi đột ngột, nàng bỗng thấy tình trạng của nàng trở nên nguy khốn, trong cơn bối rối và vội vã, nàng không còn nghĩ ra được cách nào hay hơn là viết mấy chữ dấu vào trong bao da đựng đồ trang điểm, và chính nàng đã cố tình bỏ quên bao da đó lại với hy vọng là bao da đó sẽ được chuyển đến cảnh sát, và sẽ có người báo tin cho chồng nàng hoặc cho bạn của chồng nàng, hai người đàn ông mà nàng viết tên trong thư.
Nghĩa là ý kiến của Huy về thái độ của Ngọc cũng không khác tôi mấy. Chúng ta thân nhau đến nỗi chúng ta cảm nghĩ như một. Từ ngày xưa khi còn đi học chúng ta đã thân nhau như thế và kỳ diệu thay, đến bây giờ, bao nhiêu ngày tháng, năm đã qua, chúng ta vẫn còn suy nghĩ, thông cảm nhau như cũ … Tôi nghĩ sao thì Huy cũng nghĩ y vậy hoặc giống như vậy … Thật lạ kỳ …
Nghe Huy nói vậy, tôi đồng ý ngay với Huy. Nhưng còn về nghĩa của bức thư Ngọc để lại, nó rất rõ mà cũng rất tối tăm, khó hiểu. Những câu hỏi “tại sao, tại sao?” lại được đặt ra. Giờ đây lại có một nhân vật mới xuất hiện: Robert Nguyễn.
Vì tôi không nói gì cho Huy hay về cuộc gặp gỡ của tôi với cô Vân Hà nên tôi cũng phải dấu luôn không nói gì với Huy về tên Paul Văn và những bạn hữu của Y, trong số có tên Robert Nguyễn. Tên này chính là tên Công Tử Bốp, người vẫn tổ chức những Bal de Famille ngày xưa. Vân Hà và Như Ngọc đã gặp nhau ở trong nhà riêng của anh chàng Robert đó. Nhưng tôi không cần phải nói gì về Robert với Huy. Huy đã biết anh chàng đó. Vì Huy đã sống ở Sàigòn lâu năm, và vì tên Robert đó là một công tử ăn chơi, con nhà giầu, ông bố Y lại có thế lực trong chánh quyền. Nhiều người ở Sàigòn biết tiếng hai cha con Robert.
Tôi dần dần hiểu, những mảnh vụn rời rạc của một toàn diện lớn bắt đầu họp lại với nhau. Công tử Bốp chắc chắn là biết nơi ẩn nấp của Paul Văn. Rất có thể là anh chàng này có nắm một lợi khí gì đó có thể chế ngự được bọn Paul Văn … Nhưng vì tự ái, một tự ái ngu xuẩn, tôi vẫn yên lặng không chịu nói cho Huy biết về sự liên lạc năm xưa của Ngọc, vợ tôi, với những người như Robert Nguyễn và Paul Văn, Ê Min, Vân Hà.
Cái tự ái đó đã làm cho tôi thiệt hại nhiều, quá nhiều …
Huy ơi, bạn của Huy thật là ngu ngốc …
Chính Huy đã quyết định dùm tôi những gì chúng ta cần làm ngay trong ngày hôm đó. Huy đi tìm địa chỉ anh chàng Robert Nguyễn, còn tôi, tôi đi tìm Vân Hà. Nhưng tôi không gặp được Vân Hà, còn Huy, Huy tìm được địa chỉ của Công Tử Bốp.
Buổi trưa, chúng ta gặp nhau để ăn trưa, Huy cho tôi biết là Cậu Bốp hiện đang ở trong một vi la riêng gần Biên Hòa. Hắn đau thần kinh từ nhiều năm nay và ở đó để gần với Dưỡng Trí Viện, hắn là một bệnh nhân của Viện, được quyền ở ngoài nhưng vẫn mỗi tuần đôi kỳ, vào Viện trị bệnh. Y cũng được gia nhân đưa vào Viện ở luôn trong những ngày cơn bệnh điên của Y bộc phát.
Ngay buổi chiều hôm ấy, chúng ta đi tìm Bốp ở Biên Hòa.
Huy lái xe đưa tôi đi. Buổi chiều, cơn mưa lớn và dai dẳng chụp lấy hai chúng ta khi xe hai chúng ta vừa ra khỏi cầu Bình Lợi. Mưa thật lớn, cảnh vật chìm trong màn mưa, tôi nhìn ra đầu xe và chẳng trông thấy gì xa hơn 10 thước.
Một chuyến đi gần thôi mà như thật là xa, thật là vất vả. Chuyến đi ấy mới cách đây, khi tôi ngồi nhớ lại mọi chuyện và ghi chép lên những trang giấy này, có ba ngày, nhưng sao tôi thấy nó xa thật là xa, cách hiện tại cả hàng thế kỷ.
Khi xe tới thị trấn Biên Hòa, trời vẫn còn mưa lớn. Chúng ta phải vào quán cà phê gần chợ chờ cho trời ngớt mưa. Một người dân địa phương chỉ cho chúng ta đường tới nơi chúng ta muốn tới.
Tuy vậy, chúng ta cũng vẫn đi lạc. Phải vất vả mãi chúng ta mới tới được đúng con đường có một dẫy vi la vắng vẻ nằm ở vùng ngoài thành phố. Chúng ta xuống xe từ xa để đi bộ tìm nhà. Trời lúc đó vẫn còn mưa, nhưng không còn lớn nữa. Tuy nhiên bầu trời vẫn u ám, vẫn nặng trĩu những nước và đe dọa có thể lại đổ nước xuống bất cứ lúc nào.
Vi la chúng ta tìm trông như một cái nhà hoang. Thoạt đầu chúng ta tưởng là đó không thể là một nơi cư ngụ của một người như Bốp, một cậu con nhà giầu nổi tiếng ở Saigon. Những cửa sổ của vi la đóng kín, cái thì lung lay khép không chặt như chỉ muốn rời ra khỏi khung. Cỏ mọc cao tới đầu gối trong vườn, cánh cổng sắt han rỉ không đóng.. Lối đi trải sỏi cỏ mọc đầy, có lẽ từ nhiều năm nay, chẳng có chiếc xe hơi nào đi vào vườn.
Chúng ta đứng chờ bên cổng sắt và vì cổng không có chuông. Huy lớn tiếng gọi vào nhà. Tôi và Huy thay phiên nhau gọi, chúng ta đứng xớ rớ ở đó tới 15 phút dưới trời mưa.
Sau cùng, từ khu sau nhà, một người đàn bà đi ra. Chị ta trạc 40 tuổi hoặc hơn, trông có vẻ là gia nhân nhà giầu, một chị hai chuyên nghiệp. Chị có vẻ tươi và dễ tính trong phút đầu tiên chị thấy hai thầy ăn bận đàng hoàng đứng bên cổng:
- Hai thầy đi lạc đường ư? − Chị hỏi ngay trước khi chúng ta kịp nói gì − muốn đi về tỉnh hai thầy phải đi trở lại. Đường này đi ra bờ sông. Hai thầy không về được tỉnh bằng lối này đâu …
Nhưng nét mặt của chị sa sầm xuống khi chị nghe Huy hỏi:
- Chúng tôi cần gặp cậu Robert …
- Cậu Robert …?? Ai chỉ cho các thầy tới đây.
Rõ ràng là chị không muốn cho chúng ta gặp cậu chủ của chị.
Huy nhanh trí nói ngay:
- Cụ Đốc Phủ biểu chúng tôi tới …
Ba tiếng “Cụ Đốc Phủ …” nói đúng lúc, đúng chỗ làm cho chị đàn bà dịu lại, tuy vậy, chị vẫn còn ngần ngừ:
- Cụ Đốc Phủ chỉ cho hai thầy tới làm chi vậy?? Cụ có dặn tôi là triệt để không cho ai vô gặp cậu … kia mà?? Chỉ có ông bác sĩ Phát là được vô gặp cậu thôi.
- Chúng tôi là bạn của cậu … − HUY chỉ tôi … − Ông đây cũng là bác sĩ … Ổng mới ở bên Pháp về. Ổng cũng là bạn của cậu Robert, ổng tới thăm cậu và có thể chữa trị cho cậu … Chị cứ để cho chúng tôi vô thăm cậu …
- Cậu tôi đang … có cơn … Cậu tôi không nhận ra hai thầy đâu …
Tôi cố gắng đóng góp vài lời trong việc đánh lừa chị vú:
- Cậu Hai đang lên cơn càng tốt. Tôi cần coi bệnh của cậu ra sao để về thưa lại với Cụ Đốc Phủ …
Chị vú đẩy cánh cửa sắt han rỉ cho chúng tôi vào trong sân ngập cỏ dại, chị còn cẩn thận căn dặn:
- Các Thầy có về thưa chuyện lại với Cụ … Làm ơn nói rằng cậu Hai có lên cơn nhưng không có gì nguy hiểm … Sợ Ông Cụ lo, vô ích …

Tôi nghĩ chị Vú này có thể là người đã nuôi công tử Bốp từ nhỏ, vì giọng nói của chị có nhiều âm thanh ưu ái thương mến thật tình. Người làm công dù có mến chủ tới đâu cũng không có thể có cái giọng nói chân tình, thiết tha đó. Ở đời này có nhiều người làm công vô tình coi con chủ như con mình, như máu thịt của mình vì đã khổ công nuôi nấng đứa con chủ đó.

Chúng tôi đi theo chị vào nhà sau của vi la hoang tàn. Tôi xúc động nhiều. Tôi run lên vì lạnh của trời mưa và vì xúc động. Tôi sắp được biết thêm những gì về vợ tôi qua sự tiết lộ của một chàng công tử chơi bời quá nhiều và bây giờ trở thành điên dại này …??

– 15 –

Chị Vú thở dài:

- Hai thầy đã mất công tới tận đây … trời mưa gió như vậy … tôi xin cám ơn … Mong hai thầy hiểu cho … tôi không muốn cho người lạ gặp Cậu Hai tôi lúc cậu đang … mệt … vì mỗi lần gặp người lạ, Cậu Hai tôi lại càng khó chịu … Các thầy có hỏi gì … Cậu Hai tôi cũng không trả lời được đâu … Cậu như người quên hết cả chuyện cũ … Thiệt kỳ … Cả năm nay rồi, bao nhiêu thuốc cũng chẳng thấy đỡ chút nào …

Buổi chiều mùa mưa, trời tối sớm, khu vực này im vắng một cách lạ lùng.

Chỉ có tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, trên những vòm cây … Đột nhiên, giữa cái im vắng ấy, một tiếng rú rùng rợn vang lên.

Tiếng rú ấy trở thành tiếng rên rỉ, như người thốt ra tiếng đó đang đau đớn lắm … Tiếng rên kéo dài. Huy và tôi cùng ngừng lại sau chị Vú. Chị quay lại nhìn chúng ta như muốn nói: “Tôi đâu có nói dối các thầy …”

Tôi như nhìn thấy trong đôi mắt của người đàn bà đó long lanh ngấn lệ.

Như đột ngột có một quyết định, chị Vú nói:

- Hai thầy nhìn qua cửa sổ vào phòng thôi nghen … Khi đang lên cơn có khi cậu tôi dữ tợn lắm … Hai thầy chịu vậy không?

Huy đưa mắt nhìn tôi.

Chúng ta tới đây với mục đích hỏi chuyện một người, về một người, nhưng người chúng ta định hỏi lại mắc bệnh điên … Hỏi người điên là một việc làm ngu xuẩn vì người điên thì còn biết gì, còn nhớ gì nữa. Hơn nữa đó là một việc làm tàn nhẫn, vô nhân đạo, chúng ta không thể nào làm được cái việc tàn nhẫn đó.

Huy quay lại chị Vú gật đầu.

Tôi đồng ý với Huy mà không cần nói ra.

Tiếng rên rỉ lại biến thành gào thét. Qua khung cửa sổ mục nát có những chấn song han rỉ tòa nhà này được làm lên chắc đã gần 100 năm, chúng ta nhìn vào một căn phòng lạnh lẽo, trơ trọi cái giường ngủ.

Phòng không có cả lấy cái bàn nhỏ.

Robert Nguyễn, hoặc Công Tử Bốp, nằm trên chiếc giường sắt đó.

Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy Bốp và tôi cảm thấy thương hại Y như Y và tôi đã quen biết nhau từ lâu, như Y là một người bạn tôi và tôi đã biết Y từ những ngày Y còn mạnh khỏe, cho đến bây giờ …

Robert Nguyễn mang chứng bệnh điên. Rõ ràng, không ai còn có thể điên hơn Y được nữa. Y nằm lăn lộn trên giường, mặt lúc ngửa nhìn lên trần nhà, lúc thì úp xuống nệm. Răng Y nhe ra, cắn cái gối, cắn vào bàn tay Y. Y gầy còm, xương xẩu, không thể đoán chắc được Y bao nhiêu tuổi vì râu ria Y xồm xoàm và tóc Y dài xuống đến vai. Có lúc cả người Y run lên như bị điện giựt …

Đúng lúc đó, trời lại đổ mưa nặng hạt … Chỗ chúng ta đứng bị mưa hắt … Rồi một tiếng sét nổ … Dường như những tiếng động bất ngờ, và nhất là tiếng sấm sét, có ảnh hưởng lớn đến tâm trí những người bị loạn thần kinh … Sau tiếng sét ấy, Bốp quay nhìn về phía cửa sổ có Huy và tôi đứng cùng với chị Vú nhìn vào … Đôi mắt Y đỏ ngầu, Y chồm về phía chúng ta, hai bàn tay xương xẩu vồ ra như muốn xiết cổ một trong hai ta.

Có lẽ Bốp không biết là giữa Y và chúng ta đứng ngoài phòng có những chấn song sắt … Y đập mạnh mặt vào chấn song và ngã xuống … Tiếng rú hộc lên …

Chị Vú rên lên như chính chị bị đập mặt vào tường vậy:

- Đó … Đó … tội nghiệp chưa … Tôi đã nói mà … Thấy người lạ tới là cậu ấy càng thêm điên … Thôi đi đi … Hai thầy này đi đi … Định giết con nhà người ta hay sao mà còn đứng đó …???

Khi đã đi xa tòa nhà bi thảm đó, tai tôi như vẫn còn nghe rõ tiếng rú thê thảm của kẻ mất trí …

CHƯƠNG 6

– 16 –

Chúng ta vào xe đi trở về Sàigòn. Trời vẫn mưa lớn. Cơn mưa thật lớn và dài. Dài và lớn không kém gì cơn mưa tôi đã chịu hôm tôi đi lang thang một mình trong các phố Sàigòn và lạc vào nhà anh Thầy Bói Sáng.

Suốt đường về, Huy và tôi không nói với nhau một lời. Huy chăm chú lái xe còn tôi, tôi ngồi rũ như một đống giẻ rách.

Cái cảnh thê thảm vừa qua làm cho tôi xúc động quá sức.

Tôi không ngờ tôi lại còn có thể xúc động nhiều đến như thế vì cảnh khổ đau của người khác. Tôi tưởng rằng vì tôi đang khổ đau, những cảnh khổ của người khác sẽ làm cho tôi dửng dưng, nhưng sự thật đã xẩy ra không như tôi nghĩ. Vì tôi khổ nên tôi đã khổ đau thêm khi thấy cảnh khổ của người khác. Những gì đau đớn mà tôi thấy càng làm tăng nỗi đau đớn trong lòng tôi.

Từ khi nghe nói đến tên Công Tử Bốp, tôi có ác cảm với Y. Tôi ghét Y cũng như tôi ghét tên Paul Văn bất lương vậy. Vì hai tên này đã biết vợ tôi trước tôi, chúng đã làm xấu xa, dơ bẩn cuộc đời con gái của vợ tôi … Nhưng bây giờ, khi thấy Y đau đớn rên la, điên loạn, tôi không còn thù ghét Bốp chút nào nữa, tôi lại thấy thương hại Y. Thương thật tình. Vì cái cảnh Bốp điên loạn đó, tôi tạm quên Ngọc trong một khoảng thời gian thật lâu.

Đây có thể nói là lần đầu tiên từ giây phút đặt chân xuống Sàigòn, tôi quên vợ tôi để nghĩ đến một người khác.

Tám giờ tối chúng ta mới về tới Đakao. Huy đưa tôi vào một tiệm ăn cơm Tây mà người chủ Tây quen biết với Huy tại đây. Khi chúng ta đã ngồi trong căn phòng tương đối ấm áp, sáng sủa, Huy chợt hỏi tôi:

- Nếu chúng ta bị chúng bầy ra cái cảnh điên dại ấy để đánh lừa thì sao??

Thú thật tôi chưa từng bao giờ nghĩ như thế. Vì vậy lời nói của Huy làm cho tôi sững sờ … Rồi tôi cũng thấy là giả thuyết của Huy đưa ra có thể là sự thật và cần phải thảo luận. Chúng ta nói nhiều với nhau về thái độ của Robert Nguyễn – Y có thể nào giả điên để đánh lừa chúng ta, để khỏi phải tiết lộ điều gì về tên Paul Văn, bạn cũ của hắn và đến bây giờ, có thể không còn là bạn nữa nhưng Y vẫn sợ hãi hoặc không muốn nói đến chăng??

Trong tiệm ăn đó, buổi tối trời mưa gió đó, tôi lại muốn kể cho Huy nghe về cô Vân Hà và những chuyện cô ta đã nói với tôi, nhưng một lần nữa, tôi lại im lặng.

Tôi thật là ngu đần.

Nhưng sau cuộc đi thăm Công Tử Bốp trở về và cuộc nói chuyện của chúng ta, nhiều điểm trước đó rắc rối nay trở thành rõ rệt.

Có hai trường hợp có thể xẩy ra:

Một là Ngọc biết rằng Robert Nguyễn là người biết nhiều về bọn bắt cóc nàng, bọn bắt nàng phải đi theo chúng vì một lý do nào đó, và nàng tin là y có thể cho nhà chức trách biết nơi trú ẩn của bọn gian manh đã bắt nàng.

Hai là Ngọc không biết rằng Robert Nguyễn đã mắc chứng điên …

Nếu Robert Nguyễn không điên, có thể y giả vờ như vậy hoặc y bị bọn Paul Văn bắt buộc phải giả vờ như vậy, để y khỏi phải tiếp những kẻ đi tìm dấu vết của Paul Văn, tức là đi tìm Ngọc.

Điều này chỉ có Vân Hà mới có thể biết.

Tức là chỉ có Vân Hà mới có thể nói cho chúng ta biết rằng Công Tử Bốp có điên thật hay là không, và nếu Y điên, Y mắc bệnh đó từ bao giờ??

Khi về đến khách sạn, tôi tìm tấm thiếp có ghi một số điện thoại của Vân Hà. Nàng cho tôi số điện thoại này hôm nàng gặp tôi với lời dặn rằng nàng rất ít có mặt tại đây, nếu cần gặp nàng gấp, tôi có thể gọi lại đây nhờ người ta nhắn lại với nàng.

Tôi gọi đến số điện thoại đó và ngạc nhiên khi thấy Vân Hà trả lời ngay.

- Cô Vân Hà? Tôi là Tuấn đây, Hoàng Tuấn đây …

- Chi vậy?? – Nàng nói như thì thào − … Tôi không thể nói chuyện nhiều với anh được đâu …

- Có việc cần gấp lắm … Cô Vân Hà này … cô phải nghe tôi … từ hôm gặp cô đến giờ tôi tìm được nhiều chuyện lắm … Có cả chuyện dính líu đến cô …

- Đến tôi à?? Tôi thì làm gì có chuyện gì?

- Tôi vừa gặp Robert Nguyễn … người mà cô gọi là Bốp đó!!

Giọng nói của Vân Hà qua máy điện thoại cho tôi nghĩ rằng nàng có vẻ hoảng hốt:

- Bốp à?? Anh tìm thấy hắn đấy à??

- Cô nói sao? Bộ hắn cũng mất tích hay sao??

- Gần như vậy … Khó nói quá … Tôi không thể nói nhiều với anh qua máy điện thoại …

- Tại sao?? Tôi cần gặp cô để hỏi cô vài điều …

- Ngay bây giờ thì không thể được …

- Cô hẹn cho tôi gặp cô ở chỗ nào … Việc cần lắm … Không có cô giúp không xong.

- Tôi đang bị kiểm soát …

- Kiểm soát?? Ai kiểm soát cô …?? Không phải là cảnh sát chứ?

- Tôi sẽ giải thích với anh sau … Được rồi … để tôi nghĩ coi tôi có thể gặp anh ở nơi nào ngày mai … Tôi cũng bị lôi thôi về vụ của anh … Vụ Như Ngọc mất tích thì đúng hơn … Không ngờ lôi thôi đến vậy … Chắc anh chưa biết … Mai tôi nói cho anh biết … Khi anh biết chắc anh sẽ ngạc nhiên lắm …

Tuy nói là không tiện nói chuyện với tôi qua máy điện thoại, Vân Hà cũng vẫn có thì giờ để thốt ra mấy tiếng cười khan và vô duyên:

- Có thể anh sẽ không tin tôi ngay đâu … Nhưng sự thật như vậy, rồi anh cũng phải tin … Chính tôi cũng không ngờ … Vụ mất tích của Như Ngọc … anh tưởng là quan trọng … thật ra rất thường, khôi hài nữa … Há … Ha … Mai tôi mới nói …

Nghe Vân Hà nói như vậy, tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên lắm.

Tuy chỉ mới gặp và nói chuyện với người thiếu phụ ấy có một lần – nhưng chỉ cần một lần cũng đủ để chúng ta biết rõ về tính nết của một người đàn bà mà chúng ta chưa quen biết – tôi cũng biết rằng Vân Hà là một người đàn bà hay nói, thích tỏ ra mình quan trọng. Vì vậy, tôi không náo nức lắm về lời hứa sẽ nói cho tôi biết “… một chuyện khôi hài …” của nàng. Tôi nghĩ rằng rất có thể khi gặp tôi ngày mai, nàng đã quên hết những gì nàng hứa với tôi đêm nay. Hoặc nàng sẽ nói với tôi một chuyện lẩm cẩm không đầu, không đuôi. Nhưng tôi cần gặp nàng để hỏi nàng về chuyện Robert Nguyễn chứ không phải là để nghe chuyện nàng kể.

Tôi dục nàng:

- Mai cô cho tôi gặp ở đâu nào??

Giọng nói của nàng bỗng trở lại sợ hãi:

- Để coi … Tôi bị họ theo dõi … Họ có thể làm hại tôi vì anh … Tôi phải cẩn thận đề phòng lắm mới được …

- Ai làm hại cô?? Cô nói họ là ai??

- Họ … là người mà anh không thể nào ngờ …

- Dù là ai đi nữa … Tôi cũng bảo vệ được cho cô. Cô vì tôi mà … Tôi chờ cô ở …

- Anh chờ tôi ở … ở …

Nàng đột ngột quyết định:

- … Nhà ga xe lửa Chí Hòa …

- Sao xa quá vậy?? Chúng ta không thể gặp nhau ở Sàigòn sao??

- Không. Tôi đã nói là tôi cũng bị họ theo dõi mà. Lại còn chồng tôi nữa … Anh quên là ổng ghen khủng khiếp lắm sao?? Tối mai … 7 giờ … anh chờ tôi ở ga Chí Hòa … Nơi đó vắng vẻ … chúng ta tha hồ nói chuyện. Anh tin tôi đi, tối mai anh sẽ ngạc nhiên nhiều.

Không để cho tôi nói thêm lời nào, Vân Hà cắt ngang cuộc điện đàm.

Tôi chẳng còn làm gì khác hơn việc chờ đến tối hôm sau và đến nhà ga Chí Hòa.

– 17 –

Ban ngày nhà ga Chí Hòa có thể là một nơi đông người ra vô. Có nhiều món hàng từ Miền Trung về Thủ đô được bốc rỡ xuống đây. Trong thời gian này, cũng có tin đồn rằng ga Chí Hòa sẽ được làm lớn thành nhà ga chính của Thủ đô Sàigòn, ga Sàigòn hiện nay sẽ được làm thành một công viên hoặc một khu bin-đinh thương mãi lớn. Biện pháp thay thế đó là để tránh cho Sàigòn nạn kẹt xe do những chuyến xe lửa chạy qua những con đường lớn gây ra.

Nhưng dự án làm nhà ga Chí Hòa thành ga lớn đã có từ lâu, song người ta vẫn chưa làm gì hết. Và buổi tối, nhà ga ở đầu Thủ đô này – không xa trung tâm Thủ đô quá mà cũng không gần Thủ đô quá để có thể trở thành một nhà ga lớn − chỉ là một khu buồn tẻ, ánh đèn lù mù không đủ chiếu sáng.

Tôi tới đó khi trời vừa sập tối.

Có lẽ Vân Hà bị người theo rõi thật sự. Người mà nàng nói là theo rình nàng có thể là chồng nàng mà cũng có thể là người của bọn gian manh mà tôi phải đối phó. Vì vậy nàng mới chọn khu nhà ga này. Nơi đây đủ vắng để nàng có thể gặp tôi mà không ai biết, nơi đây cũng đủ đông người để nàng có thể lẩn trốn được khi cần đến.

Có điều phiền là nàng không nói rõ cho tôi biết nàng sẽ gặp tôi ở bên trong ga hay ở ngoài cửa ga. Nhưng tôi biết chắc là nàng không đáp tầu đi xa, nàng chỉ gặp tôi ở đây để nói chuyện với tôi rồi lại trở về Sàigòn.

Nếu Vân Hà là người đàn bà tưởng mình là lãng mạn và muốn chọn một nơi hẹn có màu sắc bí mật, nàng chọn nơi này thật là hợp. Hợp với sự vô duyên của nàng, hợp với tâm trạng lãng mạn vô duyên, rẻ tiền của nàng.

Tôi vào sân ga và chọn một cái ghế gỗ gần cửa ngồi chờ.

Buổi tối mùa mưa trời lại mưa, Sàigòn mùa mưa thường có những cơn mưa đúng giờ như thế này. Mưa thật buồn, mưa không lớn hẳn để có thể mau ngừng, mưa cũng không nhỏ để có thể tưởng tượng là mưa bụi như ở ngoài Bắc.

Tôi ngồi đó hút thuốc lá. Gió lạnh thổi mưa vào chỗ tôi ngồi, tôi đề phòng bận áo mưa cho nên không thấy lạnh. Tôi cũng chẳng thấy nóng ruột. Mặc cho Vân Hà đến muộn, miễn là đêm nay tôi được gập nàng là đủ.

Tâm trí tôi bận suy nghĩ về những lời nửa kín, nửa hở nàng tiết lộ với tôi qua điện thoại. Chắc chắn là nàng phải biết chuyện gì đó đáng được gọi là mới lạ trong vụ vợ tôi mất tích … Nhưng tại sao nàng lại nói là tôi sẽ ngạc nhiên khi biết tên những kẻ liên hệ trong vụ này?? Những kẻ đó là ai …?? Tôi làm gì có ai quen ở Sàigòn??

Vụ mất tích này quá lớn để tôi không thể có hy vọng nghĩ rằng đó chỉ là một vụ đùa giỡn …

Có thể nào Vân Hà đã biết nhiều chuyện liên can đến vụ vợ tôi mất tích mà lần gặp tôi trước đây, nàng chưa muốn nói??

Lần này, tôi sẽ bắt buộc nàng phải nói.

Cảnh sát dường như không muốn xúc tiến việc tìm vợ tôi. Có lẽ họ không có phương tiện và khả năng làm gì hơn. Họ chỉ làm đến thế là đã hết sức của họ. Như vậy vài ngày nữa, họ sẽ xếp vụ vợ tôi lại và hứa hẹn vài câu với tôi, rồi thôi …

Bây giờ, nếu có ai nói rằng tôi sẽ không thể nào nhờ cảnh sát để tìm được vợ, tôi sẵn lòng tin ngay.

Tôi cũng chẳng nên chờ đợi hay mong mỏi tìm được chi tiết gì hay về phía Công Tử Bốp. Chàng đó chắc chắn là điên rồi, giả thuyết giả vờ điên không thể chấp nhận được. Có lẽ Huy chỉ đưa cái giả thuyết đó để làm cho tôi có một chút hy vọng khi Huy thấy sau chuyến đi, tôi thất vọng đến như là tuyệt vọng.

Huy không muốn lừa dối tôi đâu, tôi biết, Huy là người quá tốt. Huy có quá nhiều thiện chí, thấy người khác buồn rầu, Huy phải tìm hết cách để khuyến khích. Vì vậy có nhiều khi những người giầu thiện chí như Huy bị hiểu lầm. Có khi người ta tưởng lầm là Huy hứa hão hoặc bầy đặt chuyện đánh lừa. Tôi biết Huy không thế, Huy không tin là Công Tử Bốp giả vờ điên đâu, nhưng Huy nói thế vì tôi.

Giờ đây, tôi đã hết không còn tin tưởng gì ở tài năng và khả năng của Thiếu tá Trịnh và Thượng sĩ Bái nữa.

Tôi chỉ còn tin ở Vân Hà.

Người thiếu phụ vô duyên ấy, cô ca sĩ cải lương cũng như tân nhạc hụt ấy, sẽ là người duy nhất có thể giúp tôi. Nàng, chỉ có Vân Hà mới có thể chỉ cho tôi những kẻ nào tôi phải tìm gặp để có thể tìm lại được vợ tôi, tìm được người đàn bà tôi yêu thương nhất đời.

Vân Hà có thể là một người đàn bà vô duyên, nhưng nàng sẽ rất hữu ích với tôi.

Tôi ngồi đó, thản nhiên với tất cả, bóng tối và mưa lạnh không làm cho tôi xê dịch trên ghế. Tôi có thể ngồi như thế này suốt đêm, không ngủ, tôi không thấy buồn ngủ. Nếu có về khách sạn có lẽ tôi sẽ nằm chong mắt thức suốt đêm …

Đây là giây phút đầu tiên từ phút Ngọc đi, tôi nghĩ đến thân phận tôi, đến cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu vắng nàng.

Cũng kỳ, thật là kỳ …

Ở đời này có nhiều anh đàn ông thù ghét vợ, chỉ muốn giết vợ hoặc ngấm ngầm cầu mong cho vợ chết … Những anh đàn ông này không phải tất cả đều muốn vợ chết để có thể lấy vợ mới …

Có nhiều anh chỉ chán ngán cuộc sống vợ chồng. Nếu mất vợ các anh này sẽ sống độc thân mãi và sẽ lấy làm vô cùng sung sướng, hài lòng với cuộc sống độc thân ấy.

Ở đời này có nhiều anh đàn ông sẽ rất thản nhiên, vẫn ăn no, ngủ kỹ nếu vợ họ đột nhiên bỏ đi, hoặc mất tích … Với những người đàn ông này đàn bà không có ảnh hưởng gì hết đến đời họ, ngoài việc là những cái máy giải quyết vấn đề sinh lý, tức là để ân ái và để sinh đẻ.

Nhưng ngược lại, đời này cũng có những anh đàn ông quá coi trọng đàn bà, với những người đàn ông này, họ phải có một người đàn bà nào đó, người khác thay thế không thể được, thiếu người đàn bà đó, họ sẽ chết …

Thiếu … họ sẽ phát điên, như anh thợ may Tư Ho ngày xưa …

Trong số những anh đàn ông chết vì đàn bà này, có tôi …

Với một tâm trí hoàn toàn sáng suốt, bình tĩnh, tôi thấy rằng nếu không tìm được Ngọc, tôi sẽ phát điên …

Thiếu Ngọc, tôi sẽ điên như Công Tử Bốp.

Tôi sẽ chết vì thiếu ăn, thiếu ngủ, vì suốt ngày lang thang đi tìm vợ như anh thợ may Tư Ho tôi thấy năm tôi còn nhỏ.

Thiếu Ngọc, đời tôi chẳng còn gì nữa …

Người ta thường nói rằng “thời gian là phương thuốc nhiệm mầu có thể làm lành mọi vết thương lòng …” Sự kiện đó có lẽ đúng với nhiều người, nhưng đúng với nhiều người không phải là đúng với tất cả mọi người …

Nhà ga mỗi lúc một vắng. Người muốn vào sân ga này không phải mua giấy vô cửa nhưng cũng chẳng có ai tới đón tầu hoặc đưa tiễn người thân ra đi. Nơi đây giống một cái kho chứa hàng nhiều hơn là một nhà ga. Gần tôi, chỉ có một lũ mấy đứa trẻ con nhưng bây giờ là mùa mưa, trời lại đang mưa, chúng chỉ chơi quanh quẩn trong mái hiên rộng của nhà ga, không thể chạy ra được ngoài sân.

Vân Hà đến chậm. Tôi không ngạc nhiên về sự đến chậm của nàng, người đàn bà như Vân Hà không thể nào tới đúng hẹn được. Tôi chợt thấy tôi suy nghĩ về nàng. Tôi vẫn thắc mắc không hiểu người như Vân Hà có thể làm gì để sống?? Dù có làm gái mãi dâm, hạng sang hoặc hạng tồi vẫn là gái mãi dâm, nàng cũng chỉ là một cô gái chơi dở, nàng không thể nào làm hài lòng hay quyến rũ được đàn ông say mê nàng, mà nếu không say mê, không người đàn ông nào chịu chi tiền nhiều cho đàn bà. Nhưng ngay sau đó tôi lại cảm thấy nực cười với chính tôi, biết đâu lại chẳng có người say mê Vân Hà?? Những ông nhà giầu đến lúc có thể chơi bời đều đã có tuổi. Họ không đòi hỏi nhiều ở đàn bà, bởi vì họ chưa bao giờ được đàn bà đẹp chiều chuộng.

Những ý nghĩ lẩm cẩm và ngây ngô đó làm cho tôi quên thì giờ, quên cái nặng nề của sự chờ đợi …

Tôi nhìn đồng hồ tay. Đã 10 giờ đêm, tôi ngồi chờ ở đây đã hơn 4 tiếng đồng hồ … Tôi định bụng ngồi hút một điếu thuốc lá nữa rồi nếu Vân Hà không đến, tôi cũng trở về. Tôi sẽ liên lạc với nàng sau … Tôi chờ đợi đã quen rồi, không có gì còn làm cho tôi sốt ruột được nữa …

Có một đoàn tầu vào sân ga. Quang cảnh ở đây nhộn nhịp lên một lúc. Nhiều toa tầu chở hàng được để lại đây …

Vài phút sau, đầu tầu kéo những toa chở khách về Sàigòn … Chợt có nhiều tiếng người la vang lên. Người ta nhốn nháo chạy về một hốc tối. Linh tính báo cho tôi biết là có một chuyện rất quan trọng với tôi vừa xẩy ra ở góc tối của sân ga đó, nhưng tôi cứ ngồi yên đây. Tôi ngồi như để thưởng thức cái cảm giác có linh tính của tôi, tôi như người gặp quá nhiều tai họa nên khi có thêm một tai họa nữa xẩy tới, điềm nhiên chờ đón nó. Trong một khoảnh khắc thời gian, tôi như sung sướng trong đau đớn …

Mãi một lúc sau tôi mới đứng dậy đi tới chỗ đang có nhiều người xúm lại, trên đoạn đường ngắn ấy, tôi gặp một người có vẻ là nhân viên Nhà Ga chạy trở lại, tôi chận đường anh để hỏi:

- Chuyện gì vậy ông??

- … một bà bị xe lửa cán …

Tôi nắm lấy tay anh:

- Còn sống hay chết …??

- Chết ngay chứ sống sao được?? … Xe lửa cán làm sao còn sống được??

Anh dằng tay tôi ra để chạy vào nhà ga.

Như một người máy, tôi đi trong mưa về phía Vân Hà nằm, không cần phải tới tận nơi nhìn mặt nàng tôi cũng biết nạn nhân là Vân Hà. Đúng thế, tôi như người đã chai đá tâm hồn, tôi không còn biết ngạc nhiên hay xúc động gì nữa.

– 18 –

Với tổ chức cảnh sát và những người hành nghề cảnh sát, một kẻ có tội muốn thoát thân muốn cảnh sát đừng chú ý tới mình thì khó, nhưng một kẻ vô tội muốn được sự chú ý của cảnh sát thì lại vô cùng khó khăn.

Chính tôi, tôi nghiệm thấy sự việc đó là đúng trong đêm hôm Vân Hà bị giết chết – tôi tin chắc như vậy, Vân Hà đã bị bọn gian manh giết chết rồi hóa trang cho cái chết của nàng thành một tai nạn – tôi cố len vào đám đông để nói chuyện với mấy Cảnh sát viên. Nhưng mấy ông này không nghe tôi. Họ nói họ chỉ tới đây giữ trật tự, tôi có muốn khai báo gì về người chết thì về quận cảnh sát. Tôi muốn gặp ông Xếp Ga để nói về người chết với ông này, hy vọng ông ta sẽ nói lại những gì tôi muốn nói với cảnh sát khi ông ta làm tờ trình về “tai nạn”, nhưng ông Xếp Ga cũng không muốn nghe tôi. Ông cho chuyện của tôi là một chuyện rắc rối … Nếu có án mạng, đó là việc của cảnh sát, không phải là việc của ông. Ông dục tôi đi khai với cảnh sát, đừng nói với ông, vô ích.

Một chiếc xe Hồng Thập Tự được gọi tới đem xác Vân Hà đi. Tôi không len được tới để gặp được ông Y Tá Trưởng Xa. Chiếc xe chạy trước khi tôi tới kịp. Vì vậy, tôi không được biết là lúc đó Vân Hà đã chết hẳn hay còn thoi thóp sống. Và tôi cũng không biết chiếc xe này sẽ đưa nàng tới đâu, Bệnh Viện Bình Dân hay là Bệnh Viện Đô Thành? Tôi không thể nào biết được rằng như vậy là Vân Hà đã chết hoặc người ta còn một chút hy vọng có thể cứu được nàng?

Không ai có vẻ tin tôi khi họ nghe tôi nói rằng tôi có quen biết với nạn nhân và tôi với nạn nhân hẹn gặp nhau ở đây vì một chuyện riêng.

Về nguyên do xẩy ra “tai nạn”, không một ai chứng kiến, không một ai biết chắc tại sao người thiếu phụ ấy lại chết dưới bánh xe oan nghiệt ấy …? Dường như tất cả đều nghĩ rằng người thiếu phụ đó muốn tự tử. Chỉ có người tự tử mới ngã vào bánh xe lửa đang chạy. Không ai nghĩ rằng đó là hậu quả của một vụ án mạng. Trừ tôi ra.

Vì tôi biết chắc là Vân Hà không có ý định tự tử. Vì tôi là người được nàng hẹn tới đây để gặp nàng.

Có một kẻ nào đó – có thể kẻ đó quen biết Vân Hà, vì có quen nàng mới để cho Y đến gần nàng – và kẻ đó đã bất ngờ đẩy nàng nhào vào đường tầu khi con tầu sắp tới. Và Vân Hà chết là lỗi tại tôi. Ít nhất nàng cũng chết vì tôi. Vì nàng biết những chuyện bí mật gì đó về bọn gian manh và nàng muốn nói cho tôi biết và bọn gian manh tìm theo nàng, đã giết nàng.

Nhưng làm sao bọn gian lại biết được chuyện Vân Hà và tôi gặp nhau ở sân ga vắng vẻ này? Chắc chắn là Vân Hà đã biết rằng nàng gặp tôi và nói những chuyện bí mật đó là nguy hiểm đến tính mạng nàng, cho nên nàng đã đề phòng … Tội nghiệp nàng, sự đề phòng của nàng, sau cùng, đã tỏ ra không đủ.

Bọn gian manh, bọn đã bắt vợ tôi đem đi dấu ở một nơi nào đó, chắc chắn vẫn theo dõi tôi ngày đêm. Nhưng tôi không biết vì chúng núp trong bóng tối, vì chúng biết tôi mà tôi không biết chúng.

Chắc chắn những điều mà Vân Hà muốn tiết lộ với tôi đều có liên can đến vụ vợ tôi mất tích … Bọn gian manh đã giết Vân Hà … Chúng dám giết người … Chúng đã giết một người tức là chúng dám giết nhiều người nữa. Kẻ đã giết người không thể ngừng giết … Chúng có thể giết cả tôi … Nhưng tại sao chúng không giết ngay tôi đi có phải là gọn không? Vì tôi, với ý định đi tìm vợ đến cùng của tôi, mới là một đe dọa lớn cho chúng? Vân Hà chết nhưng tôi còn sống tức là cuộc truy tầm vẫn còn.

Đêm đó, tôi đi bộ suốt từ nơi Vân Hà gặp nạn về trung tâm Thủ Đô, tôi đi một mình lầm lũi dưới trời mưa. Tôi khấn nguyện thầm với linh hồn Vân Hà: tôi sẽ trả thù cho nàng. Dù tôi có phải chết, tôi cũng trả thù cho nàng.

Tội nghiệp Vân Hà, nàng có thể là một người đàn bà không có duyên đối với tôi nhưng nàng yêu đời, nàng muốn được sống. Nàng muốn giúp tôi, bọn sát nhân không xứng đáng được sống như nàng.

Hay là Vân Hà cùng một bọn với bọn sát nhân?

Nàng hành động, đi lại cũng có nhiều vẻ bí mật lắm. Có thể nào vì nàng muốn phản lại bọn gian manh nên chúng thủ tiêu nàng không?

Tôi không tin như thế, vì Vân Hà phản bọn sát nhân để làm gì?? Nếu quả thực nàng cũng là một tên giăng bẫy bắt cóc vợ tôi đem đi, vì làm thế nàng có lợi gì? Tôi có hứa hẹn gì về tiền bạc với nàng đâu? Chắc chắn là không phải.

CHƯƠNG 7

– 19 –

Sáng hôm sau, những cánh cửa văn phòng Tổng Nha Cảnh Sát vừa mở, đã có tôi chờ sẵn trong văn phòng của Thiếu tá Trịnh.

Đêm hôm trước tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Cho nên sáng nay tôi cảm thấy mệt mỏi, bực tức, nóng nẩy. Tôi hiểu câu chuyện Ngũ Tử Tư ngày xưa chỉ thức có một đêm suy nghĩ mà sáng hôm sau bạc trắng mái tóc. Tôi hiểu sự tàn phá của những đêm không ngủ và suy nghĩ. Suy nghĩ mà không tìm ra được giải pháp cho vấn đề mà mình suy nghĩ.

Trong những đêm như hôm qua, tôi thấy – trong những phút tôi bỗng dưng trở lại sáng suốt một cách tuyệt vọng − sự mất tích của vợ tôi dần dần đưa tôi vào một tình trạng hoang mang đến cực độ. Tôi bị ám ảnh như người mất hồn. Tôi gần như không còn hiểu có chuyện gì đã xẩy ra với tôi, trong cơn hoang mang, những đồ vật tầm thường, quen thuộc nhất cũng trở thành xa lạ đối với tôi, tất cả mọi người đều có vẻ khả nghi là kẻ thù của tôi.

Tất cả đều như hợp lực làm cho tôi điên cuồng.

Tôi trở nên nóng nẩy, tôi muốn đòi hỏi Thiếu tá Trịnh và người phụ tá của ông là Thượng sĩ Bái phải gấp rút điều tra ra ngay bọn bắt giữ vợ tôi, nếu không, tôi sẽ phát điên. Tôi tin rằng những sự việc xẩy ra tối hôm qua – cái chết của Vân Hà − cảnh sát đã có đủ bằng chứng để tìm ra bọn gian.

Nhưng bực thay, cả hai viên chức cảnh sát này − Thiếu tá Trịnh và Thượng sĩ Bái − đều không đồng ý với tôi. Tôi thấy họ đủng đỉnh, chậm chạp, rị mọ một cách thật là đáng ghét. Tôi phải cố gắng lắm mới không nói thẳng vào mặt Thiếu tá Trịnh một câu nặng nề, bất lịch sự nhưng đúng với sự thật như: “Các ông làm việc tắc trách. Không phải là … vợ các ông bị mất tích nên các ông không cần. Các ông làm việc không có sáng kiến … Người như các ông mà giữ trọng trách bảo vệ xã hội thì tin làm sao được?”

Dường như Thiếu tá Trịnh cũng bực bội không kém gì tôi, tôi nghĩ rằng có lẽ thấy tôi đến quấy ông ngay sáng sớm nên ông càng thêm bực. Người đời thường như thế, ai cũng vậy, khi có người nào làm cho ta trở thành một người vô dụng, không làm nổi việc gì, ta ghét ngay người đó. Vì tôi và vụ vợ tôi mất tích đưa Thiếu tá Trịnh vào một tình trạng khó nói: ông không điều tra gì được hết, nên ông ghét mặt tôi. Sự có mặt của tôi chỉ làm tăng thêm nỗi khó chịu của ông, tôi là một bằng chứng sống về sự bất lực của ông.

Tôi hỏi ông cuộc điều tra của ông đi tới đâu rồi, ông lạnh lùng đáp:

- Trì trệ, đứng yên một chỗ … Không tìm qua được một cái gì mới. Không còn ai đến cho tin về bà Ngọc nữa. Có lẽ tôi lại phải cho đăng báo và chiếu hình bà ấy trên Ti Vi một lần nữa.

- Có gì lạ ở Khách sạn Mỹ Ngọc Cung không ạ? Tôi hỏi.

Thiếu tá Trịnh lắc đầu:

- Chẳng có gì hết. Đúng như lời người chủ khách sạn đã khai: bà Ngọc đi khỏi đó từ tuần trước.

- Thượng sĩ Bái đã trở lại đó điều tra lần thứ hai chưa ạ?

- Đã.

Những tiếng trả lời gọn và cấm cẳn của Thiếu tá Trịnh làm cho cơn giận của tôi nổi lên. Rõ ràng là ông muốn nói cho tôi hiểu qua những lời cấm cẳn và thái độ lạnh nhạt ấy một câu như: “Ông làm phiền tôi. Ông nên đi đi … Tôi không muốn phải nhìn mặt ông nữa”. Ông ta muốn che đậy sự bất lực bằng vẻ lạnh nhạt ấy, nhưng ông ta đâu có thể đuổi tôi đi dễ như vậy được.

Tôi nén giận để nói:

- Theo ông thì bao giờ cuộc điều tra này kết thúc?

Ông ta cười nhạt:

- Cuộc điều tra có thể kết thúc ngay bây giờ. Cảnh sát không phải là vô địch … Những người hành nghề cảnh sát như chúng tôi không phải là thần thánh. Có nhiều vụ cảnh sát cũng đành bó tay chịu thua … Không phải bất cứ vụ nào đưa tới chúng tôi cũng chắc chắn là ra manh mối …

Tôi chắc lòng tự ái của Thiếu tá Trịnh đã bị sứt mẻ nặng khi ông thú nhận sự bất lực của ông. Người như ông là người tự ái ngầm và kiêu căng kín đáo. Nghe ông ta thú nhận như vậy, tôi lại thấy thương hại ông, tôi dịu giọng:

- Tôi có vài sự kiện mới muốn trình với Thiếu tá …

Ông ta lãnh đạm:

- Gì vậy. Ông Tuấn?

Tôi muốn đấm vào mặt ông ta, nhưng sau cùng tôi cũng chế ngự được. Tuy vậy hai tay tôi cũng run lên và tôi phải nắm chặt hai bàn tay lại để cho Thiếu tá Trịnh không thấy là tôi run:

- Chắc Thiếu tá sáng nay có đọc qua những báo cáo về vụ chết người xẩy ra trong đô thành đêm qua?? Trong số có vụ xe lửa cán chết một thiếu phụ trong ga Chí Hòa vào hồi 9 giờ tối qua?

Ông ta gật đầu:

- Có, tôi vừa đọc báo cáo về vụ đó. Một tai nạn.

- Tôi nghĩ rằng đó không phải là một tai nạn … Tôi biết thiếu phụ đó, chính nàng hẹn tôi tới đó để cho tôi biết một chi tiết về vợ tôi … Tôi không biết rõ tên thật của nàng trong thẻ căn cước là gì, tôi chỉ biết rằng nàng có cái tên là Vân Hà và nàng là bạn cũ của vợ tôi … Tôi tin rằng nàng đã bị giết và hóa trang thành một tai nạn để che mắt nhà chức trách.

Ông ta bắt đầu tỏ ra chú ý đến câu chuyện của tôi.

Lẽ ra, tôi phải kể từ đầu, nghĩa là kể tất cả những chuyện Vân Hà đã nói với tôi, nhưng vì thái độ của Thiếu tá Trịnh, tôi giữ lại một phần lớn chi tiết, tôi chỉ cho ông ta nghe đoạn sau cùng.

Tôi kết luận:

- Thiếu tá chắc còn nhớ vụ tai nạn xe hơi năm xưa của vợ tôi ở Sàigòn? Chính ông đã tìm thấy vụ đó trong hồ sơ lưu trữ của Cảnh sát … và chính ông nói cho tôi biết và Thượng sĩ Bái cho tôi biết địa chỉ của cô Vân Hà … Vụ tai nạn xe hơi rồi các ông tìm ra chiếc xe mất trộm đó …

- À … À … tôi nhớ. Nhưng người đi chung xe đó với bà Ngọc là người khác kia mà? Một nữ ca sĩ … Tên cô ta là …

Tôi nhớ rõ vụ này hơn là ông ta, không muốn để cho ông ta phải mất thì giờ mở lại hồ sơ, tôi nói:

- Tên cô ấy ngày đó là Kim Phụng, nữ ca sĩ Kim Phụng. Bây giờ cô ấy đổi tên là Vân Hà … Hai người đó là một …

Thiếu tá Trịnh hỏi gặng:

- Ông có chắc đúng không?

- Tôi đã nói là chính cô ấy hẹn tôi tới đó mà. Cô ấy đã gặp tôi một lần rồi. Sau khi biết địa chỉ của cô ấy, tôi đến địa chỉ đó tìm. Đó là nhà bà già của cổ. Sau đó tôi được gặp cổ. Cổ nói không biết gì về việc vợ tôi về đây. Sau đó, tôi lại được cô ấy hẹn gặp để nói cho biết nhiều chuyện thật quan trọng về vụ vợ tôi mất tích. Cô ấy nói rằng sở dĩ phải hẹn tôi ở một nơi xa như vậy là vì có kẻ theo rõi, rình mò cổ. Tôi tin chắc là cổ bị giết chứ không phải là một tai nạn.

Tôi đã nói rõ đến như thế và sự việc tự nó cũng đã quá rõ ràng nhưng có lẽ vì tự ái, vì không muốn nhận – dù nhận một cách gián tiếp − rằng mình là cảnh sát mà mình lại kém suy luận hơn người không làm nghề cảnh sát như mình, Thiếu tá Trịnh vẫn cứ làm bộ lạnh lùng.

Tôi biết rõ ông ta làm bộ như vậy và thái độ của ông ta càng lúc càng làm cho tôi thêm giận dữ:

- Dù là cô Kim Phụng hay là Vân Hà … như ông nói đó có thật là bị người ám sát đêm qua đi chăng nữa, tôi cũng không thấy vụ đó có liên hệ gì đến vụ mất tích của bà vợ ông. Cô Vân Hà đó … theo như chúng tôi biết … là một người đàn bà không được lương thiện mấy. Nghe nói cô ta có một ông chồng ghen khủng khiếp lắm và cô ta không chịu làm gì để làm cho ông chồng của cổ đừng ghen … Có thể cô ta chết vì ghen … Mỗi cặp vợ chồng có một vấn đề riêng, chúng ta không phải là họ … chúng ta không thể nào biết được tất cả những ẩn tình trong đời họ.

Lời nói của Thiếu tá Trịnh, đối với người nào khác, bất cứ ai khác, cũng là những lời lịch sự, không có gì đáng trách trong những tiếng đó. Nhưng với tôi khác.

Với tôi, đó là những lời sỉ nhục.

Có thể vì tôi có mặc cảm, tôi thấy rõ rằng Thiếu tá Trịnh như muốn nói:

- Ông đừng có xen vào chuyện gia đình của người khác. Gia đình ông có chuyện bê bối thì gia đình người ta cũng vậy.

Tôi đã cố dồn nén bực bội từ lâu rồi …

Đến lúc đó, tôi không còn chịu đựng được nữa. Tôi như một nồi nấu hơi phát nổ, tôi như một cái (rét-so) bị căng quá mức đến bật tung ra …

Bây giờ, giây phút này, khi hồi tưởng lại lúc đó, tôi cảm thấy hổ thẹn.

Tôi la lối như một tên vô giáo dục:

- Các anh ngu lắm … Toàn một lũ ăn hại, đồ bất lực …, không làm được việc gì … Chỉ có việc đi tìm một người đàn bà mà cũng tìm không ra … Còn làm ăn cái gì được …? Các anh không biết nhục … Chỉ biết có lãnh lương …

Thiếu tá Trịnh không nói lại tôi lời nào.

Ông ta cũng chẳng tỏ vẻ gì là giận dữ hoặc bất mãn. Trái lại, ông đối xử với tôi rất đường hoàng. Ông ngồi yên chờ cho cơn giận dữ của tôi dịu đi mới nói:

- Tôi sợ vụ này làm cho thần kinh của ông hơi rối loạn rồi đấy, ông Tuấn ạ … Ông lo nghĩ nhiều quá. Ông bị xúc động quá mạnh. Tôi khuyên ông nên đi bác sĩ. Tôi biết trong lúc này, ông không thể nào quên hết để vào nằm nghỉ ngơi trong một bệnh viện … Nhưng nếu không làm thế tôi sợ ông chẳng còn cách nào khác.

Ông đến bên tôi, dịu dàng đặt tay lên vai tôi và nói êm đềm như một người anh khuyên đứa em trai đang khổ sở:

- Ông phải tin ở chúng tôi. Chúng tôi không xao lãng việc tìm bà Ngọc cho ông đâu. Trái lại nữa là khác, ông cần phải tin rằng nếu có gì có thể làm được để tìm cho ra bà Ngọc nhanh chóng, chúng tôi đã làm và còn sẽ làm nhiều nữa. Song, như ông cũng thấy, đây là một vụ án rắc rối. Tôi nhận với ông là chúng tôi quả có tiến chậm trong vụ này, nhưng những cuộc điều tra của cảnh sát chúng tôi thường như thế. Nhiều khi và gần như là luôn luôn … nó tiến triển rất chậm … Chậm đến nỗi chính chúng tôi cũng phải phát nản … Nhưng khi nó ra manh mối thì sự việc lại mở nút rất nhanh. Chỉ trong đầu hôm sớm mai là xong hết … Vì vậy, ông không nên nóng ruột. Chúng tôi cũng mong tìm ra manh mối vụ này như ông vậy. Ông nên về nghỉ đi. Nghỉ ngơi và chờ chúng tôi. Ngoài lời khuyên này ra, ngay lúc này chúng tôi chẳng có thể làm gì hơn cho ông được. Ông có chửi rủa chúng tôi cũng đến vậy mà thôi.

Tôi mắc cỡ đến nỗi tôi líu ríu ra khỏi Tổng Nha Cảnh Sát mà quên cả chào và cám ơn Thiếu tá Trịnh.

Cuộc nổi giận sáng này của tôi, cộng với hậu quả cái chết của Vân Hà và suốt một đêm trằn trọc làm cho tôi kiệt lực hoàn toàn.

Tôi hoàn toàn kiệt lực và tuyệt vọng đến cùng.

Vì vậy khi gặp lại Huy trong bữa ăn trưa mà chúng ta cùng ăn với nhau đó, tôi chỉ còn có một ý muốn: không nói, không suy nghĩ, không cảm thấy gì hết.

Do đó suốt bữa ăn với Huy buổi trưa hôm đó, Huy đã thấy tôi lầm lỳ không cười nói. Tôi không nói gì với Huy hết về việc tôi hẹn gặp cô Vân Hà ở nhà ga và cô ta bị giết chết bằng cách đẩy cho té nhào vào đầu xe lửa, tôi cũng chẳng nói gì với Huy về vụ tôi đến gặp Thiếu tá Trịnh và chửi ông ta ngay trong văn phòng của ổng.

Còn Huy, Huy thật là tế nhị. Huy hiểu tâm trạng của tôi lúc đó.. Huy biết là tôi cần tĩnh trí và nghỉ ngơi, Huy chỉ nói sơ qua đến những gì đã xẩy ra khi không thể không nói.

Tôi biết rằng Thiếu tá Trịnh đã gọi điện thoại cho Huy sau khi tôi từ văn phòng ông ta ra về, khi Huy bảo tôi:

- Thiếu tá Trịnh thấy anh có vẻ mệt mỏi quá. Ổng muốn tôi giới thiệu với anh một bác sĩ bạn ở đây.

Và Huy nói tiếp:

- Tôi thấy ông ta nói đúng. Anh có vẻ yếu quá … Anh còn nhớ Phan không? Ngày xưa chúng ta vẫn gọi Phan là Phan Mù vì hắn mang kiếng cận thị nặng, bỏ kiếng ra là không còn trông thấy gì mà cứ khoái đá banh với chúng mình đó?? Bây giờ Phan là bác sĩ chuyên khoa thần kinh ở Sàigòn. Hắn vừa du học ở Pháp về, lấy vợ giầu, con nhà đại địa chủ miền Hậu Giang. Gặp lại Tuấn, chắc là Phan mừng lắm. Lâu lâu gặp Phan, hắn vẫn hỏi thăm Tuấn luôn.

Huy chỉ nói thế thôi. Và Huy nói khéo quá đến nỗi tôi chẳng cảm thấy qua một xúc động nhỏ nào. Tôi không hề bực tức vì chuyện tôi bị nghi là điên, loạn trí và bị người ta đẩy đi nhà thương. Trái lại, tôi cảm thấy vui vui vì sắp có dịp gặp lại một người bạn học cũ: Phan Mù, bây giờ là Bác sĩ, mà lại là bác sĩ chuyên khoa thần kinh nữa mới hách chứ.

Trong thâm tâm, tôi thấy Huy và Thiếu tá Trịnh hoàn toàn có lý.

Huy lại còn nói:

- Tuấn nên tin ở Thiếu tá Trịnh. Ông ấy sẽ tìm thấy Ngọc và đem Ngọc yên ổn, bằng an trở về với Tuấn. Con người ấy trông có vẻ hiền lành nhưng thật sự là một người rất cừ khôi. Ông ta không bao giờ chịu thua ai đâu, không bao giờ ông ta chịu bỏ dở một công tác mà ông ta đã nhận làm. Tôi thấy biện pháp hay nhất là chúng ta nên để cho cảnh sát làm công việc của họ. Trong mấy ngày vừa qua, chúng ta đã sôi nổi, làm lung tung lên một cách rất vô ích và trẻ con.

Một lát sau Huy lại nói:

- Nếu tôi ở trường hợp anh, tôi trở về Nam Vang và đi làm lại để bớt suy nghĩ.

Suốt buổi chiều đó tôi ở nhà Huy. Huy cũng ở nhà với tôi. Chúng ta đọc sách nghe nhạc và nói chuyện vãn … Huy nói cho tôi biết là Huy sẽ đi Huế ngày hôm sau để nghiên cứu tại chỗ một vụ án. Vụ án này sẽ ra Tòa trong tuần tới nhưng tới chủ nhật này chúng ta sẽ lại gặp nhau ở Sàigòn.

Một tuần đã qua đi. Cuối tuần này, Huy không đi chơi cuối tuần với những người bạn của Huy như tuần trước.

Việc sẽ gặp lại Huy vào chủ nhật tới làm cho tôi thêm vui.

Chúng ta ăn tối ở nhà Huy. Tuy Huy sống độc thân, nhà Huy có người nấu bếp đàng hoàng và ăn ngon.

Đến 11 giờ đêm, Huy đưa tôi về.

Trời mưa vào buổi tối nhưng giờ đây, trời tạnh, có trăng sáng và thủ đô có những đường phố thật sạch. Mưa như trời tắm cho thành phố. Không khí mát và nhẹ. Chúng ta đi bộ sánh vai nhau trên những hè phố vắng.

Đưa tôi về tới khách sạn Huy mới trở về.

Tôi đứng trên thềm cao nhìn theo Huy. Bóng dáng thanh thanh, lịch sự, lúc nào cũng hào hoa của Huy mỗi lúc một xa tôi. Tôi nhìn theo Huy và thắc mắc về chuyện tại sao Huy chưa có vợ. Người như Huy chắc chắn là phải có nhiều người đẹp yêu mê. Huy có thể cưới làm vợ bất cứ người đẹp nào chưa chồng ở Sàigòn và Sàigòn có thừa người đẹp. Tại sao Huy chưa yêu ai? Người vợ lý tưởng của Huy phải là người đàn bà như thế nào? Từ hôm gặp lại nhau đến giờ, tôi chẳng có thì giờ và tôi cũng không có tâm trí để hỏi Huy về chuyện đó.

………………………..

HUY ơi, đêm đã khuya khi tôi viết những dòng này, tôi không biết tôi có còn gặp lại Huy nữa hay không, nhân đây, tôi mượn chữ thay lời để nói với Huy về những cảm tình thương mến nhất của tôi đối với Huy.

Tôi không có anh em ruột. Người ta thường nói rằng có nhiều người không thương mến anh em ruột thịt của mình bằng thương mến bạn. Tôi không có anh em ruột nên tôi không hiểu rõ về chuyện này đúng hay sai. Tôi chỉ biết rằng tôi thương mến Huy với những tình cảm sâu đậm hơn tình bạn nhiều.

Tôi chưa bao giờ nói với Huy những tình cảm của tôi. Tôi cũng chẳng có dịp nào để bầy tỏ với Huy về tình của tôi. Tôi chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ dám nói những lời này với Huy nếu mai đây chúng ta lại gặp nhau: Huy là người tôi yêu thương nhất đời, sau vợ tôi, sau Ngọc.

– 20 –

Tôi đứng trong một cánh đồng cỏ.

Cỏ có mầu xanh biếc của Ngọc Bích, đây đó những bông hoa mầu đỏ tươi. Trước mặt tôi, ngay dưới chân tôi, chẩy một dòng suối nước trong. Cảnh vật thật đẹp và im lặng. Nhưng sao tôi lại lo sợ, hồi hộp đến thế …? Cái gì đang đe dọa tôi? Cái gì làm tôi sợ hãi …?

Chợt tôi nhìn thấy ở bên bờ suối bên kia một bóng người …

Bóng người đàn bà. Nàng quay lưng lại tôi, tôi nhìn kỹ bóng dáng nàng và thấy đó là một người tôi quen thân. Tôi lớn tiếng gọi nàng. Nàng không nghe tiếng tôi, nàng không quay lại nhưng tôi tin chắc là nếu nàng nghe tiếng tôi, nàng sẽ mừng lắm. Tôi phải làm cách nào cho nàng biết là có tôi ở bờ suối bên này. Tôi gọi lớn nữa, nàng vẫn không nghe tiếng …

Rồi tôi thấy nàng từ từ xa tôi …

Nơi tôi đứng không khí rất trong, trời rất sáng nhưng từ nơi chân trời xa tôi thấy có sương mù giăng giăng và Nàng dần dần trôi về phía đám sương mù ấy. Nàng không đi, tôi thấy rõ là nàng không đi. Như có một sức mạnh nào đó đưa nàng trôi xa tôi. Tôi biết rằng khi nàng đã đi vào vùng sương mù ấy, tôi sẽ không bao giờ còn thấy mặt nàng nữa. Cơn lo âu trong lòng tôi dâng cao. Tôi hiểu rằng tôi lo sợ chính vì người đàn bà đó. Tôi sợ tôi sẽ không còn bao giờ được gặp mặt nàng.

Tôi phải làm sao đuổi theo nàng.

Không gọi được nàng, không làm sao cho nàng nghe được tiếng nói, tôi nhào xuống suối để lội qua bờ bên kia.

Dòng suối nước nhỏ thôi, nước cũng không chảy mạnh, không có sóng nhưng tôi không thể nào lội qua được. Nước tràn vào mắt, miệng tôi, hai chân tôi dính chặt xuống đáy sình. Tuy nhiên tôi cố gắng lội đi, vừa lội tôi vừa kêu lớn: “Ngọc … Ngọc …” nhưng người thiếu phụ vẫn không quay lại. Sau một lúc lâu lắm tôi mới vào được bờ suối bên nàng. Những dây leo chằng chịt không biết từ đâu xuất hiện cuốn chặt lấy tôi, không cho tôi lên bờ. Có lúc tôi kiệt lực và nản chí muốn buông tay cho rơi xuống, cho muốn ra sao thì ra …

Nhưng Ngọc đứng đó, nàng đang ở gần tôi, rất gần, nàng đang chờ tôi. Vì một sự hiểu lầm nào đó nàng chờ tôi ở phía trước mặt nàng trong lúc tôi lại ở sau lưng nàng.

Với một cố gắng phi thường, tôi vượt được lên bờ.

Nhưng Ngọc không còn ở đó nữa …

Đồng cỏ bao la, không một bóng người.

Tôi gọi lớn tên nàng …

Không có tiếng nàng đáp lại. Chắc nàng đã biến mất trong vùng sương mù kia. Tôi đã để nàng đi chỉ vì tôi tới quá chậm. Nàng chờ tôi đã quá lâu … Lỗi tại tôi và những giọt nước mắt đau thương, tuyệt vọng ràn rụa trên má tôi, tôi khóc.

Vừa khóc, tôi vừa đi tìm nàng. Tôi cũng đi vào vùng sương mù … Tôi gần như tuyệt vọng, rồi đột ngột, tôi thấy hiện ra trên cỏ một bóng người nằm đó. Tôi nghĩ đến chuyện nàng mệt mỏi nằm ngủ. Cỏ sạch và thơm quá, nằm trên cỏ này nàng sẽ thơm mùi cỏ tươi và đất mới. Run rẩy vì mừng, tôi đến gần nàng. Tôi ôm chầm lấy nàng, nhưng trời ơi, tôi kinh hoàng rú lên vì tôi ôm trong tay một xác người đàn bà đẫm máu, nát ngấu … Xác Vân Hà …

… Cảm giác kinh dị ấy làm cho tôi ngồi bật dậy …

Tôi ngồi run rẩy trên giường, một lúc sau tôi mới đưa được tay ra để nhận nút mở sáng ngọn đèn ngủ.

Lúc đó là ba giờ sáng. Tôi vừa qua một cơn ác mộng.

Ác mộng làm cho người tôi ướt đẫm mồ hôi …

Tôi gượng dậy và loạng choạng đi vào phòng rửa mặt. Tôi nghiệm thấy mỗi khi gặp ác mộng và thức giấc nửa đêm, tôi phải rửa mặt mới mau tỉnh lại.

Rửa mặt xong, tôi trở lại giường nằm nhìn lên trần nhà.

Ác mộng vẫn còn làm cho tôi hoang mang, sợ hãi khi tiếng chuông điện thoại reo vang …

Ai có thể điện thoại đến cho tôi vào giờ này? Cảnh sát chăng? Từ ngày về Sàigòn đến nay tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại nhiều nhất với Thiếu tá Trịnh, Tổng Nha Cảnh Sát, rồi với Huy và người thứ ba là Vân Hà.

Nhưng Vân Hà đã chết.

Tôi nghĩ ngay đến chuyện có thể đây là người nào đó lầm số điện thoại. Tôi nhấc ống nói để trên mặt bàn ngủ, bên ngọn đèn và hãy còn ngái ngủ, tôi trả lời:

- A lô …??

Giọng nói xa lạ như từ một hành tinh nào khác vang tới tai tôi:

- Ông vẫn thương vợ ông lắm …? Phải không? Vợ ông cần số tiền 250.000 đồng để có thể trở về với ông. Muốn thấy bà vợ ông còn sống trở về với ông, ông hãy lo ngay số tiền đó … 11 giờ đêm mai đem tiền lại Quán Hoành Sơn … khu Lăng Tô dưới chân cầu Tân Thuận … Cầm theo tờ báo Ánh Sáng để nhận diện. Tới nơi gọi uống Rhum Marita và hai con cua lột, hai con bồ câu … Sẽ có người gặp ở đó.

Không để cho tôi kịp hỏi lại một tiếng, kẻ vô danh và bí mật gọi lại cắt ngay điện thoại.

Tôi vội vã gọi ngay điện thoại xuống người giữ máy điện thoại của khách sạn. Cũng như ở các công tư sở có nhiều máy điện thoại, khách sạn này có một đài chung do nhân viên khách sạn giữ. Người ngoài gọi tới hay người bên trong gọi đi đều qua đài chung của khách sạn.

Cô thư ký giữ điện thoại của khách sạn vào giờ này cũng ngái ngủ không kém tôi, tuy nhiên cô ta cũng trả lời tôi với một giọng sốt sắng vừa đủ:

- Cô làm ơn cho tôi biết ai vừa gọi điện thoại tới cho tôi? Có thể nào biết được số máy của người vừa gọi tới cho tôi không cô?

- Thưa … tôi rất tiếc không giúp ông được. Người gọi tới cho ông gọi từ một máy điện thoại công cộng. Có chuyện gì quan trọng lắm không ông?

- Rất quan trọng đối với tôi … Tôi bị … Tôi bị …

Có lẽ cô giữ máy điện thoại của khách sạn đoán biết được tôi muốn nói gì, có thể cô đoán là tôi bị hăm dọa nên nói ngay:

- Nếu ông muốn … chúng tôi có thể tìm ra số máy điện thoại gọi đến cho ông được … Nhưng ông phải chờ đến ngày mai, chúng tôi sẽ nhờ Tổng Đài Điện Thoại của Nha Bưu Điện tìm giúp …

Tuy rối loạn, tôi cũng còn đủ tâm trí để hiểu rằng dù tôi có tìm được ra số máy điện thoại của kẻ vừa gọi đến cho tôi cũng vô ích mà thôi. Kẻ đó không dại gì mà gọi từ một máy điện thoại riêng để cho tôi có thể tìm ra được tông tích Y.

Sàigòn này có thiếu gì máy điện thoại công cộng.

Muốn tìm ra máy điện thoại công cộng đó tôi lại phải nhờ cảnh sát, tức là lại nhờ đến Thiếu tá Trịnh và người phụ tá của ông là Thượng sĩ Bái. Và nhờ hai ông này, tôi lại bắt buộc phải kể hết mọi chuyện. Nếu biết là bọn gian đòi tiền tôi và hẹn giờ, hẹn chỗ gặp tôi, chắc chắn Thiếu tá Trịnh sẽ không để cho tôi im lặng tới nơi hẹn một mình.

Dù tôi có yêu cầu, Thiếu tá Trịnh cũng ngầm cho nhân viên đi theo tôi. Ông không thể biết là có vụ bắt cóc tống tiền mà lại không tìm cách bắt bọn bắt cóc.

Về phần tôi, nếu tôi để cho nhân viên cảnh sát theo rõi tôi tới nơi hẹn đêm mai, bọn gian sẽ biết. Nhân viên cảnh sát có thể kín đáo đến thế nào đi chăng nữa bọn gian cũng biết.

Nếu chúng thấy có cảnh sát theo tôi, chúng sẽ nghĩ rằng tôi âm mưu với cảnh sát tổ chức giăng bẫy bắt chúng, chúng sẽ không dại gì ra mặt và chúng sẽ trừng phạt tôi bằng cách làm cho Ngọc phải đau đớn.

Không. Tôi không thể để cho Thiếu tá Trịnh biết về vụ này.

Suốt từ đó cho tới sáng, tôi không còn chợp mắt được nữa, mặc dầu tôi rất mệt, mệt đến rã rời.

Tôi suy nghĩ nhiều, tôi đưa ra những giải pháp để ứng phó với vụ đêm mai, nhưng tôi không thấy một giải pháp nào có thể áp dụng được.

Tôi chỉ còn một cách là làm theo lời kẻ bí mật: một mình tới nơi hẹn và ngồi đó chờ.

Tôi nhớ lại những lời vắn tắt mà tên gian vừa nói với tôi: 11 giờ đêm mai. Bây giờ đã trở thành đêm nay vì trời đã sáng, một ngày mới đã tới trên Trái Đất, một mình tới Quán Hoành Sơn ở Lăng Tô, dưới bóng cầu Tân Thuận, tay cầm theo tờ báo Ánh Sáng và vào Quán gọi Rhum Marita, hai con cua lột, hai con chim cu.

Ngay sáng sớm tôi đã gọi điện thoại tới văn phòng của Huy, nhưng không may cho tôi là sáng nay, Huy lại đi vắng vì công việc từ sớm.

Huy đi vắng suốt ngày, hôm sau Huy mới trở về Sàigòn.

Tôi không thể gặp Huy để nói chuyện cho Huy hay và nghe lời khuyên của Huy. Tôi bắt buộc phải hành động một mình.

“Định mệnh đã an bài” như vậy.

Việc tìm đủ số 250.000 đồng đối với tôi không phải là một chuyện khó. Ngân Hàng của tôi có Trụ Sở chính ở Sàigòn, tôi chỉ cần tới đó ký một Ngân Phiếu là xong. Số tiền mà bọn gian đòi không phải là một số tiền quá lớn. Tôi chờ đợi bọn gian đòi cả triệu đồng. Số bạc 250.000 đồng quá ít … Đêm nay tôi sẽ một mình tới nơi hẹn, chờ gặp, giao tiền và … mang Ngọc trở về.

Tôi sẽ tìm được vợ tôi một cách dễ dàng, không tốn kém mà cũng chẳng cần nhờ vả đến cảnh sát nói chung và hai ông Thiếu tá Trịnh, Thượng sĩ Bái nói riêng.

Tôi sẽ kết liễu vụ này “bằng bất cứ giá nào”.

Buổi sáng tôi bận tới Ngân Hàng lãnh tiền.

Tôi có tiền gửi ở Ngân Hàng của tôi trên Nam Vang nhưng nhờ tôi là một nhân viên giữ chức vụ khá trong Ngân Hàng, những người trong Ngân Hàng ở Sàigòn đều quen biết tôi – chúng tôi là đồng nghiệp, đồng sở − nên họ vẫn cho lãnh tiền không cần chờ hỏi Ngân Hàng trên Nam Vang. Tuy nhiên người ta cũng gọi điện thoại lên hỏi Phúc. Tôi phải chờ mất hai tiếng đồng hồ. May sao Phúc có mặt tại văn phòng của anh và anh trả lời bảo đảm cho tôi ngay.

Buổi trưa, tôi xách cặp tiền về khách sạn. Tôi ăn qua loa cho xong bữa rồi lên phòng nằm nghỉ. Tôi muốn tôi có đầy đủ khả năng và tinh thần để đối phó với những sự việc xẩy ra đêm nay.

Tôi không trở lại Lăng Tô từ nhiều năm nay, đúng ra là từ năm tôi kết hôn với Ngọc. Nhưng năm trước, vì tình hình chiến tranh bất an, người Saigon không có nơi đi ăn chơi xa. Người Saigon chỉ có thể đi chơi Ô Cấp vào cuối tuần. Đường Sàigòn – Cấp chỉ có “công-voa” của Bình Xuyên mở đường vào sáng thứ bẩy và chiều chủ nhật. Đi chơi trong ngày thường, người ta chỉ có thể đi Thủ Đức và sang Lăng Tô hóng gió.

Lâu rồi tôi không sang đây nhưng khung cảnh khu này vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Mấy quán ăn nhậu nhà sàn làm trồi ra mặt sông vẫn còn nguyên, không thêm bớt. Những buổi chiều nóng bức, người Sàigòn muốn được hưởng chút gió sông mát mẻ đều đưa nhau sang đây.

Quán Hoành Sơn là một cái quán lớn nhất, bàn ghế trông có vẻ sang và món ăn nhiều hơn cả. Tôi tới đó vào lúc 10 giờ. Giờ này đã được kể là muộn với những ông công chức đưa vợ con qua đây chơi. Hôm nay cũng là ngày thường nên thực khách thưa thớt. Chỉ còn có hai cặp nhân tình ngồi nhìn nhau trong hai góc quán.

Như lời dặn, tôi mang theo một tờ báo Ánh Sáng và gọi mở đầu một ly Rhum Marita rồi hai món nhậu. Cả rượu lẫn các thức ăn đều không được tôi chạm đến.

Đến gần 11 giờ đêm, thực khách đi về hết.

Trong quán chỉ còn mình tôi và mấy anh bồi dường như chỉ còn chờ tôi ra về nốt là đóng cửa ngủ.

Tôi mang theo chiếc áo mưa và bọc tiền nằm trong một túi áo. Tôi mang theo khẩu súng lục của tôi. Đó là một khẩu Browning. Tôi mang súng từ Nam Vang về. Với công việc của tôi, tôi được phép có súng phòng thân. Nhưng tôi chưa bắn thử súng lần nào và tôi cũng chẳng biết cách sử dụng súng ra làm sao.

Đêm nay trời không mưa nhưng bầu trời vẫn mờ không trăng, không sao. Vùng bờ sông bên kia tối om. Đúng 11 giờ − tôi nhìn đồng hồ tay mỗi năm phút – tim tôi đập mạnh khi thấy một anh bồi tới gần.

Anh này để tóc dài, ăn bận có vẻ “cao bồi du đãng”, anh ghé sát vào tai tôi và nói bằng cái giọng trại trại của một anh Miên Lai:

- Ông tới đây chờ một người tới … Phải hôn?

Tôi gật đầu.

- Có người nhờ tôi đưa cho ông thư này.

Anh móc túi ra một lá thư mỏng gập tư. Bì thư mầu vàng, rất thường, một loại bì thư người ta có thể mua được dễ dàng ở bất cứ tiệm sách nào.

Tôi hỏi:

- Ai đưa cho chú thư này?

- Một ông khách. Ổng tới đây từ hồi chiều … Ổng dặn tôi hễ thấy ông nào tới đây đêm nay, tay cầm tờ báo Ánh Sáng và gọi rượu Rhum thì đưa … Còn nếu quá 11 giờ đêm mà không thấy có ai như vậy tới thì đốt thư đi.

Tôi chắc kẻ gửi thư có cho anh bồi này tiền. Nhưng sự việc anh ta có quen biết với tên gửi thư hay không, đó là việc tôi chưa cần tìm hiểu lúc này.

Sau khi tôi đã tìm lại được Ngọc rồi, tôi sẽ nói cho Thiếu tá Trịnh biết chuyện anh bồi này nếu ông ta còn muốn biết.

Tôi xé thư ra đọc.

Bên trong phong bì chỉ có một tấm giấy nhỏ.

Trên tấm giấy có những nét vẽ vội, sơ sài và hàng chữ:

MƯỜI HAI GIỜ ĐÊM, NHÀ ĐÁNH DẤU X.

Dưới ánh đèn mờ, những nét vẽ vội họp lại thành một bản đồ, tôi thấy ngay căn nhà mang dấu X, nơi bọn gian hẹn tôi tới đó đêm nay. Nơi đầu bản đồ này là Quán Hoành Sơn tôi đang ngồi và con đường dẫn tới đó. Như vậy là tôi được hẹn tới một nơi khác cũng gần đây. Ngồi đây tôi có thể trông thấy mấy căn nhà đó mờ mờ trong sương đêm. Dường như đó là những căn nhà làm bằng sắt dùng để làm xưởng chữa và chứa những con tầu, thuyền nhưng hiện lúc này thì bỏ hoang.

Tôi đi trên con đường mòn qua bãi cỏ rộng. Tôi tìm thấy dễ dàng căn nhà ven sông. Khu này vắng vẻ quá. Những căn nhà sắt lớn tối om hoang vắng, rùng rợn. Hai túi áo mưa một túi đựng gói bạc lớn, một túi đựng khẩu súng, làm cho hai vai tôi xệ xuống. Tôi không sợ nhưng bây giờ mới là 11 giờ 30, tôi nên đứng chờ bên ngoài hơn là vào trong căn nhà tối ấy.

Tôi tìm được một chiếc thuyền nằm úp và ngồi lên đó, chờ đợi.

Tôi suy nghĩ: Ngọc, vợ tôi, có ở trong căn nhà này hay là người ta sẽ lại mang tôi đi một nơi nào khác …? Tôi không muốn nghĩ là sẽ còn có nhiều lôi thôi trước khi tôi gặp lại vợ tôi. Tôi muốn mọi việc xong ngay trong đêm nay. Người ta đòi tiền, tôi mang tới cho người ta đủ số. Còn có lý do gì nữa để cho người ta làm khó tôi …?

Có thể nào Paul Văn − chắc chắn phải có Paul Văn lẩn quất ở đâu quanh đây − dụ cho tôi tới đây để làm hại cả tôi nữa chăng? Tôi không tin như vậy. Hắn thù Ngọc và trong những ngày vừa qua, hắn đã làm cho Ngọc khổ sở nhiều, hắn đã hả giận. Chắc hắn cũng phải nghi là tôi tới đây với võ khí và tôi có thể liều mạng giết hắn. Tôi sẽ không có tội gì nếu tôi bắn hắn. Cảnh sát sẽ còn phải cám ơn tôi nữa là khác. Hắn có thể ngờ là tôi báo cảnh sát … Nếu cảnh sát vây trọn khu này, hắn chạy đâu cho thoát?

Tôi có thể tin được ở lời nói của tên gian đó được chăng??

Nghĩa là nếu tôi đưa tiền cho Y rồi có gì bảo đảm với tôi là Y sẽ trao vợ tôi lại trả tôi như Y đã hứa không??

Những câu hỏi đó đến với tôi quá muộn.

Đã tới đây rồi dù có chuyện gì xẩy ra đi nữa, tôi cũng phải liều vào đó.

Thế rồi tôi chợt thấy có ánh đèn le lói từ trong căn nhà chiếu ra. Một ánh đèn dầu. Ánh đèn đó cho tôi biết là trong nhà có người.

Tôi nhìn xuống đồng hồ tay. Mặt đồng hồ của tôi có dạ quang nên trời tối mà tôi vẫn nhìn được thấy rõ giờ: Đôi kim đã chạm vào nhau ở con số 12. Tôi bạo dạn đứng dậy đi vào trong căn nhà.

Vừa đặt chân vào căn nhà tôi thấy rõ ngay sự dại dột của tôi. Vì như chỉ được thắp lên để làm mồi cho tôi vào nhà và thấy tôi đặt chân vào là tắt đi, ngọn đèn được đặt ở một góc nào đó tắt phụt đi trước khi tôi kịp trông thấy trong nhà có những gì.

Lẽ ra tôi phải có một cây đèn bấm.

Tôi móc khẩu súng lục trong túi ra, sẵn sàng nổ cò …

Nhưng tôi chẳng trông thấy gì hết.

Tôi kêu lên:

- Có ai đó không?

Không có ai trả lời nhưng tôi nghe thấy có tiếng người thở ở một nơi không xa tôi lắm.

Tôi liều lĩnh đi về phía phát ra tiếng thở đó, chân tôi vướng phải một cây gỗ, hai đầu gối tôi quỵ xuống …

Tôi kêu lên một tiếng và cùng lúc ấy tôi cảm thấy có một vật gì chùm lên mũi và miệng tôi. Một làn hơi mà tôi biết là “chloroforme” xộc vào phổi tôi và tôi ngất đi …

– 21 –

Đầu tôi đau nhức như có búa bổ, mọi vật quay cuồng quanh tôi … Tôi có còn là tôi nữa hay không? Tôi còn sống hay tôi đã chết?? Tôi không còn biết chắc nữa. Tôi chỉ còn có cảm giác là tôi nằm đó trong một khung cảnh đầy bóng tối và quay cuồng … Chết là như thế này sao?? Tôi buồn nôn kinh khủng.

Nhưng trong tôi còn có một tình cảm, một ý nghĩ thì đúng hơn, vẫn còn sống: ý nghĩ của tôi về Ngọc. Ngọc đang ở đâu?? Dần dần, ý nghĩ này đưa tôi trở về với cuộc đời. Đúng ra là đưa tôi về với những cảm giác của cuộc sống: tôi cảm thấy lạnh. Đúng rồi, tôi lạnh, tôi tê buốt tứ chi và cùng với cảm giác lạnh đó, tôi biết là tôi chưa chết. Tôi chắc những người chết không còn cảm giác lạnh lẽo, người chết không còn biết lạnh.

Và tôi đau đớn nhiều.

Tôi không còn chỉ thấy nhức đầu như phút đầu tiên tôi tỉnh lại nữa. Tôi đau rần khắp thân thể. Tay chân tôi cũng đau đến tê dại. Tôi cố cựa quậy nhưng không nổi …

Thính giác trở lại với tôi. Tôi nghe thấy có tiếng động. Phải một lúc sau nữa tôi mới nhận ra là có tiếng nước chẩy.

Và một lúc sau nữa tôi mới nhìn ra vừng sáng mờ vuông kia là khung cửa và ánh sao đêm lấp lánh bên ngoài. Tôi nhớ lại là tôi đang nằm trong căn nhà hoang mà bọn gian đã dụ tôi vào để chụp thuốc mê tôi.

Tôi cố gắng ngồi dậy.

Vừa ngồi được lên, tôi vội nằm xuống ngay vì quanh tôi, mọi vật quay cuồng, đảo lộn một cách khủng khiếp, nhưng tôi chắc chắn một điều: tôi hãy còn sống và dường như tôi chỉ bị đau đớn chứ tứ chi không bị hư hại gì.

Nhức đầu, đói lạnh và ướt nước là những cảm giác trở thành không thể chịu nổi đối với tôi. Tôi đang nằm trên mặt đất lạnh. Tôi phải cố hết sức ra khỏi nơi này.

Tôi cố gắng bò dậy … Tôi loạng choạng đi ra khỏi căn nhà tối và thấy mình đứng ở bên bờ sông. Trí nhớ trở lại với tôi: Ngọc, 12 giờ đêm, số bạc 250.000 đồng … Tôi thò tay vào túi … Đúng như tôi nghĩ: gói bạc trong túi tôi đã mất.

Cả cái ví da của tôi cũng mất.

Tôi mừng khi thấy rằng tôi còn để cuốn sổ Thông Hành của tôi ở khách sạn. Tôi mất nhiều giấy má nhưng tôi chưa đến nỗi mất hết giấy má.

Nhưng còn Ngọc? Chúng đã làm gì vợ tôi?

Việc làm trước hết của tôi là đi báo ngay vụ này với Cảnh sát.

Dấn thân một mình vào cuộc mạo hiểm này, tôi quả là dại dột. Tôi đã làm một việc liều lĩnh vô ích.

Có lẽ trong lúc tôi ngất đi, trời đổ mưa lớn. Căn nhà bọn cướp dụ tôi vào để nấp chờ sẵn và chụp thuốc mê cho tôi ngạt đi bị dột, tôi bị chúng bỏ nằm trên một vũng nước. Giờ đây gió lạnh từ sông rộng về đêm thổi lên làm cho tôi run lên cầm cập. Tôi cần phải về một nơi nào ấm áp, thay quần áo, uống chút rượu mạnh nếu không chắc chắn tôi sẽ bị cảm lạnh, bị đau phổi.

Tôi lần bước đi ra đường cái.

Tôi gắng nhìn đồng hồ. 1 giờ 30 sáng. Tôi đã nằm đó hơn một tiếng đồng hồ.

Vào giờ này, khu Lăng Tô hoàn toàn vắng vẻ. Những quán ăn sáng đèn hồi tối giờ này tối om. Không có một bóng người.

Tuy đau nhừ người, tôi cố gắng lần bước về Khánh Hội.

Tôi vẫn còn một đôi chút may mắn. Từ phía cầu Tân Thuận có ánh đèn pha xe hơi chiếu xuống rồi vài giây sau, một chiếc xe hơi chạy tới sau lưng tôi. Tôi dừng lại dơ tay, xe cũng dừng lại. Có tiếng người đàn ông hỏi tôi:

- Ông đi đâu mà giờ này còn đứng ở đây?

Tôi thều thào:

- Ông làm ơn cho tôi đi nhờ xe về Sàigòn. Tôi ở đường Catinat …

Người chủ xe với tay mở cửa sau và nói:

- Ông lên … tôi đưa ông về.

Tôi leo vào xe và thấy một thiếu phụ − chắc là bà vợ của ông chủ xe − ngồi ở băng trên. Chúng tôi không nói gì với nhau suốt từ đó về tới đường Tự Do. Tới cửa khách sạn, tôi bảo ông dừng xe và cám ơn, tôi xuống xe đi vào khách sạn.

Lên đến phòng, tôi thay y phục − bộ quần áo tôi mặc ướt dầm − tôi uống ly Cognac rót từ chai rượu để sẵn trong phòng và đi tắm nước nóng.

– 22 –

Giờ đây, tôi ngồi trong phòng tôi, ấm áp, suy nghĩ.

Đêm đã khuya lắm – 3 giờ 30 sáng rồi – nhưng tôi không buồn ngủ và tôi cũng không muốn ngủ. Ly rượu mạnh và bồn tắm nước nóng làm cho tôi thấy dễ chịu nhiều.

Thân thể tôi và đầu tôi vẫn còn đau nhức nhưng cảm giác đó đã bớt đi nhiều. Tôi cảm thấy dễ chịu là vì tôi so sánh với sự đau đớn của tôi hồi nãy. Bây giờ tôi nghĩ là tôi lại có đủ sức để làm một cuộc phiêu lưu như cuộc mạo hiểm vừa qua đêm nay nữa, nếu cần.

Tôi vừa gọi điện thoại lại nhà riêng của Huy nhưng không có ai trả lời cả. Tôi đoán là Huy đi vắng và vì bận công việc nên đêm nay Huy không về nhà.

Tôi ngồi đọc lại bản viết của tôi về vụ Ngọc mất tích – tôi đã viết một phần lớn bản viết mà Huy đọc hôm nay, hồi trưa nay, trước khi tôi đi Lăng Tô.

Tôi đọc lại tất cả những sự việc đã xẩy ra từ ngày đầu, từ giây phút Ngọc nhận được điện tín từ Sàigòn gửi lên, báo tin Bà Ngà, mẹ nàng đau nặng cho đến chiều nay. Tôi thêm vào đó những gì đã xẩy ra từ 12 giờ đêm nay, trong căn nhà vắng ở bờ sông. Tôi đọc đi, đọc lại, tôi suy nghĩ và dần dần, tôi bắt đầu hiểu.

Một sự việc nhỏ, thật nhỏ, đã làm cho tôi chú ý …

Trong những vụ rắc rối lớn, giữa những khó hiểu lớn, những sự việc nhỏ nhiều khi rất quan trọng, những sự việc nhỏ, tầm thường nhiều khi có thể giúp ta giải đáp, tìm ra manh mối những vụ rắc rối lớn.

Trong buổi tôi theo Thượng sĩ Bái tới tìm Ngọc trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung trong Chợ Lớn, khi coi cuốn sổ ghi tên khách trọ của khách sạn, tôi để ý thấy dòng chữ NGUYỄN THỊ VÂN − tên giả của bà khách trọ mà tôi biết đích xác là vợ tôi − được viết bằng mực tím, một thứ mực tím đặc biệt.

Tại sao tôi lại chú ý đến chi tiết nhỏ nhặt ấy? Tôi không thể trả lời, tôi không biết tại sao.

Tôi chỉ nhận biết rằng bức họa sơ sài và dòng chữ “MƯỜI HAI GIỜ ĐÊM, NHÀ ĐÁNH DẤU X.” do anh bồi Quán Hoành Sơn trao lại cho tôi hồi 11 giờ đêm nay … cũng được “viết và vẽ bằng mực tím.” Một thứ mực tím giống hệt mầu mực ghi tên Nguyễn Thị Vân tôi nhìn thấy trên trang giấy cuốn sổ nhầu nát của khách sạn Mỹ Ngọc Cung.

Giờ đây, tôi tin chắc đó là cùng một thứ mực.

Như vậy có nghĩa là kẻ viết thư đó ở trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung, hoặc ít nhất kẻ đó cũng đã dùng thứ mực tím của khách sạn đó để viết.

Có thể kẻ viết chính là gã chủ khách sạn mặt bóng nhẫy mà tôi có ác cảm và nghi ngờ là gian manh ngay từ phút đầu, hoặc kẻ viết phải là một người trọ trong khách sạn đó.

Chắc chắn phải như vậy.

Tôi thấy rằng cảnh sát dường như không chú ý nhiều đến chủ nhân khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Thượng sĩ Bái đã bỏ qua không còn theo rõi dấu vết đó nữa.

Ngay hôm tới Mỹ Ngọc Cung gặp tên Tầu Lai, Thượng sĩ Bái và tôi chỉ muốn có một chuyện: tìm dấu vết để lại của người mất tích. Không còn gì khác, chúng tôi hài lòng với hộp đồ trang điểm Ngọc bỏ quên lại. Chúng tôi đều tin chắc là tên chủ nhân đã nói sự thật: tên què đi chân gỗ đã tới mang Ngọc đi.

Biết đâu … “… Tên Tầu Lai chủ khách sạn với tên què đi chân gỗ lại chẳng là một?”

Nếu quả sự thật như vậy, mọi sự rắc rối, bí mật đều không còn rắc rối, bí mật nữa … Vụ này trở thành sáng tỏ như ban ngày.

Gã Tầu Lai tới phi trường gặp vợ tôi. Y đe dọa nàng, bắt nàng phải tới ngụ tại khách sạn Mỹ Ngọc Cung của Y để Y dễ bề kiểm soát nàng. Y giam hãm Ngọc tại đó chờ tôi tới. Nếu cần, Y có thể lại gửi một điện tín khác lên Nam Vang báo cho tôi biết vợ tôi lâm nguy và thúc dục tôi về Sàigòn.

Khi tôi về Sàigòn, Y biết ngay, vì các báo có đăng hình vợ tôi, và màn ảnh TiVi chiếu hình vợ tôi, và Thông Cáo của Tổng Nha Cảnh Sát yêu cầu những ai hay tin, trông thấy bà Như Ngọc ở đâu liên lạc cho cảnh sát biết. Y chờ đợi thêm vài ngày nữa, vì Y thấy không nên liên lạc ngay với tôi khi tôi vừa mới nhờ cảnh sát điều tra.

Cuộc tới thăm khách sạn – do Thượng sĩ Bái và tôi cùng đi – không làm cho Y lo lắng nhiều. Y đã ước đoán được trước là việc ấy thể nào cũng xẩy ra. Y tin là Y có thể đánh lạc hướng được chúng tôi và đúng như Y nghĩ, Y đã thành công.

Y bày ra chuyện có tên què đi chân gỗ tới khách sạn mang Ngọc đi. Khi Bái ngỏ ý muốn đi khám xét khách sạn, Y lo sợ một chút. Nhưng nhờ gian xảo, Y nẩy ngay ra sáng kiến trao lại cho chúng tôi hộp đồ trang điểm của Ngọc. Bái và tôi tới khách sạn với ý nghĩ là sẽ không còn thấy người mất tích ở đó và chỉ có thể tìm được một vài dấu vết gì đó của nàng để lại, khi lấy được hộp trang điểm, Bái và tôi cùng hài lòng, ra về. Chúng tôi quên ngay vai trò của tên Tầu Lai đó.

Bái chỉ đi xem qua khách sạn, anh không thể nào tìm ra được nơi vợ tôi bị giam giữ, cất dấu.

Tôi tin chắc rằng Ngọc vẫn còn ở trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung, ít nhất nàng cũng còn có mặt trong đó khi tôi − chồng nàng, người đi tìm nàng − và Thượng sĩ Bái, nhân viên cảnh sát thuộc Tổng Nha Cảnh Sát, tới nơi.

Tên Tầu Lai chờ thêm hai ngày nữa, rồi Y chờ đêm khuya, tới một phòng điện thoại công cộng, gọi điện thoại đến khách sạn tôi, hẹn nơi gặp tôi cùng số bạc.

Tự nhiên là còn có nhiều điểm tôi chưa thể giải thích rõ ràng được … Như tên Tầu Lai giả làm người què chân và đi chân gỗ bằng cách nào?? Tại sao Y vẫn còn dám dấu vợ tôi trong nhà Y khi Y thấy rõ là cảnh sát có thể đến đó mở cuộc điều tra kỹ lưỡng?? Ngọc bỏ bức thư cầu cứu nhỏ của nàng vào hộp đồ trang điểm lúc nào?? Tại sao nàng lại nhắc đến tên Công Tử Bốp và dặn tôi tới tìm Công Tử Bốp để hỏi thăm về nàng trong lúc anh chàng này đã bị điên từ lâu và không thể hay biết gì những chuyện ngoài đời?

Tuy nhiên, tôi có thể nói chắc rằng bức thư vài dòng và bản họa đồ sơ sài trao cho tôi ở Nhà Hàng Hoành Sơn bên Lăng Tô đã được viết bằng một thứ mực tím mà tôi đã trông thấy viết trên trang sổ ghi tên khách trọ của khách sạn Mỹ Ngọc Cung.

Bây giờ tôi không thể trưng ra bằng cớ ấy, vì bức thư ấy, cùng tất cả giấy tờ tôi mang theo trong người và gói bạc 250.000 đồng, đã bị lấy mất.

Còn một điều bí ẩn nữa mà tôi không giải thích ngay lúc này được: Tại sao gã Tầu Lai – tôi tin chắc kẻ dùng thuốc mê chụp cho tôi mê đi trong căn nhà hoang bên sông đó là Gã Tầu Lai chủ nhân khách sạn Mỹ Ngọc Cung – sau khi làm cho tôi mê đi là lấy hết tiền bạc của tôi, lại không đẩy tôi xuống sông … Nếu tôi chết dưới sông, Huy và Thiếu tá Trịnh, cũng như tất cả mọi người có thể nghĩ rằng tôi vì quá thất vọng, tôi … trong một phút chán đời, yếu đuối, đã nhẩy xuống sông tự vận …

Hoặc nếu Huy và Thiếu tá Trịnh có nghi là tôi bị giết người cũng không tìm đến tên Tầu Lai đó, không ai nghi cho tên Tầu Lai đó là thủ phạm …

Tại sao “nó” lại để cho tôi sống?

“Nó” còn muốn đòi lấy thêm tiền của tôi nữa hay sao?

Nhưng tất cả … tôi thấy có một câu hỏi này quan trọng hơn tất cả: Tại sao vợ tôi, lại sợ hãi tên Tầu Lai đó đến thế??

Y đã dùng những lời đe dọa gì để bắt vợ tôi phải ngoan ngoãn nghe theo Y?

Có hai điều rõ rệt là, một: Ngọc đã nghe theo lời gọi của Y để trở về Sàigòn, hai: nàng nghe lời Y ở yên nơi Y dấu nàng.

Không thể trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ thêm được một điều khác: tên Tầu Lai chủ khách sạn Mỹ Ngọc Cung là thủ hạ của Paul Văn, hoặc chính Y là Paul Văn. Có thể lắm.

Tôi hồi tưởng lại tất cả và đi tới một quyết định: Vợ tôi hiện đang bị giam giữ trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung … Và …

… Tôi phải tới đó giải cứu nàng.

Tôi nên tới đó ngay lúc này. Vì tên Tầu Lai, hoặc tên Paul Văn bất lương lúc này còn tưởng rằng tôi vẫn còn nằm bên bờ sông vắng hoặc tôi vẫn còn bất tỉnh nằm trong một bệnh viện công nào đó của thủ đô, bây giờ tôi tới ngay đó, Y sẽ bị bất ngờ …

Tôi nên tới đó một mình không cần chờ báo cho Thiếu tá Trịnh biết.

Tôi có linh cảm là vụ này sắp kết liễu, tôi muốn tránh sự có mặt của cảnh sát khi tôi gặp lại vợ tôi.

CHƯƠNG 8

– 23 –

Tập tự truyện của Hoàng Tuấn do chính tay Hoàng Tuấn viết lại, tới đây là ngừng.

Nhưng TRẦN HUY, người bạn thân nhất đời của Hoàng Tuấn, người mà Hoàng Tuấn có ý viết lại tập tự truyện này để lại cho đọc, biết rõ từng chi tiết tất cả những gì đã xẩy ra sau đó. Giờ đây, khi hồi tưởng lại những chuyện đó, đôi mắt của Huy mờ lệ.

Trần Huy là ngưoơi bình thản, trầm tĩnh, nhiều tham vọng và tàn nhẫn, ít khi xúc động, chưa bao giờ thương xót ai, chưa bao giờ khóc … Nhưng giờ đây khi đọc lại những dòng chữ này, khi nhớ lại những gì đã xẩy ra, chàng đã phải xúc động đến nghẹn ngào, đến khóc …

Chàng nhớ lại những việc oan nghiệt đã xẩy ra đêm hôm đó.

Đêm đó là một đêm chàng thức trắng …

Bốn giờ sáng, chàng về đến nhà. Từ trên chiếc xe hơi dừng lại trong vườn vi la của chàng, Huy ngạc nhiên khi thấy trong nhà chàng đèn điện vẫn còn sáng khắp nhà. Mọi đêm, quen lệ − Huy sống độc thân, chàng có thể đi ngủ sớm hoặc là đi chơi suốt đêm, không có thời dụng biểu nhất định trong đời chàng cũng như trong đời tất cả những người trai độc thân, có tiền, có địa vị khác sống ở Thủ đô có nhiều nơi giải trí và tiêu thì giờ này − người đầy tớ già và trung tín của chàng tắt đèn, đóng cửa vào lúc 11 giờ và đi ngủ, Huy có chìa khóa riêng mở cửa. Không mấy khi chàng cần đến người hầu ban đêm.

Anh Tám, người hầu của Huy, chờ chàng bên cửa.

Huy bước vào nhà, anh nói ngay:

- Thưa cậu … Có ông Tuấn tới tìm cậu. Ổng vừa đi khỏi …

- Ổng có nói gì không?

- Thưa có … Coi bộ ổng có chuyện gì nghiêm trọng lắm … Ổng tới nói ổng cần gập cậu ngay và hỏi tôi làm sao tìm được cậu … Tôi có nói ổng ngồi chờ cậu ở nhà, chắc cậu sẽ về nhà ngủ … Nhưng ổng không ngồi lại được. Ổng nói ổng có gọi điện thoại tới nhưng tôi không nghe thấy tiếng chuông điện thoại …

Huy không lấy làm lạ vì chàng biết người hầu của chàng đã có tuổi, nặng tai, nghễnh ngãng.

- … Ổng tới đập cửa … Tôi tưởng cậu về, cậu quên chìa khóa nên ra mở. Ông Tuấn có vẻ buồn bực nhiều khi thấy cậu không ngủ nhà và không biết làm sao có thể tìm được cậu ngay … Ổng nói ổng phải tới khách sạn Mỹ Ngọc Cung trong Chợ Lớn ngay đêm nay …

- Mỹ Ngọc Cung …? Anh nghe rõ ổng nói tên khách sạn đó chứ?

- Dạ rõ. Ổng còn dặn tôi là cứ nói khách sạn trong Chợ Lớn là cậu biết. Ổng bảo tôi đưa cho ổng mượn khẩu súng của cậu … Tôi sợ không dám đưa nhưng thấy ổng khẩn khoản quá và nhất là tôi thấy ổng nói ổng cần có võ khí để tự vệ vì nơi ổng tới rất nguy hiểm, tôi lấy khẩu súng của cậu trong ngăn kéo bàn ngủ của cậu đưa cho ổng mượn … Thưa … tôi làm vậy có phải không ạ??

Huy gật đầu:

- Anh đưa súng cho ổng là phải.

- Ổng còn đưa cho tôi một quyển sách, ổng dặn kỹ tôi là trao sách đó tận tay cậu và trao cho cậu ngay khi cậu về tới nhà. Thưa tôi để sách trên bàn trong phòng giấy của cậu.

- Tốt. Ông Tuấn ra khỏi nhà ta đã lâu chưa?

- Thưa … ổng vừa đi khỏi được chừng năm phút …

Trần Huy do dự chừng vài giây.

Một sức mạnh vô hình thúc đẩy chàng ra khỏi nhà mặc dầu chàng mệt mỏi rã rời. Vào giờ khuya này, Tuấn không thể tìm được xe tắc xi ngay trong năm phút. Chỉ cần một chút may mắn, Huy có thể đến đó trước Tuấn.

Chàng gượng tỉnh để ngồi vào lái xe. Có thể vì chàng quá mệt nên mở máy không đúng cách, có thể vì máy xe của chàng trục trặc, chàng phải mất đến vài phút mà xe vẫn chưa chuyển bánh được.

Nhưng rồi sau cùng, xe cũng chạy. Bốn giờ sáng, đường phố vắng. Xe chạy từ Sàigòn vào Chợ Lớn không mất mấy phút nhưng những con đường quanh khu có khách sạn Mỹ Ngọc Cung lại quá giống nhau. Trong cơn bối rối, xe Huy đi lạc vào những con phố một chiều. Chàng bắt buộc phải chạy lòng vòng mãi … Kim đồng hồ tay chỉ 4 giờ 30 phút, Huy vẫn chưa tới được khách sạn mà chàng định tới và hy vọng tới trước bạn.

Chàng ân hận: nếu đêm nay chàng về thẳng nhà, việc này có thể đã không xẩy ra. Nếu chàng về ngay nhà từ lúc hai giờ sáng, Tuấn đã tìm thấy chàng ở nhà và chàng có thể thuyết phục được Tuấn đừng tới đây ngay đêm nay.

Nhưng chuyện mà chàng kinh sợ đã xẩy ra …

Một nỗi lo âu kinh hoàng, khủng khiếp bóp chặt tim Huy. Chàng muốn nghĩ rằng chàng là người đứng ngoài thảm kịch này − tấn thảm kịch của vợ chồng bạn chàng − chàng không có trách nhiệm gì trong vụ này, chàng có quyền không tới đó, nhưng cùng lúc ấy, chàng lại thấy “chàng phải tới đó, không tới không được” …

Trong cơn bối rối, vội vã, Huy lại để xe chàng đụng vào một chiếc tắc xi.

Người tài xế tắc xi đang ngủ gật choàng dậy, rất tỉnh táo khi đòi bồi thường. Xe bị đụng chỉ móp chút xíu nhưng người tài xế tắc xi, dường như biết là Huy bận đi, vòi tiền bằng cách nhất định không chịu điều đình, chờ gọi cảnh sát tới.

Sau khi trả năm trăm đồng, Huy mới lại lái xe đi và chàng tới được trước cửa khách sạn Mỹ Ngọc Cung vào lúc 5 giờ kém mười phút.

Tòa nhà khách sạn một tầng lầu tối đen, cửa đóng kín mít, không một ánh đèn, không có một tiếng động từ bên trong vẳng ra. Tòa nhà tối đen đầy đe dọa và như nhà bỏ hoang.

Huy xuống xe, chàng tới đẩy nhẹ cánh cửa ngoài. Rất may cửa không có khóa. Có lẽ có kẻ nào đó đã mở khóa trước chàng hoặc theo lệ, khách sạn này không khóa cửa ngoài ban đêm, để cho khách trọ tự do ra vô. Nhưng tất cả những cửa phòng bên trong đều khóa chặt.

Chàng bước nhẹ vào hành lang và lần lên cầu thang, chàng muốn lên lầu nhưng vòm thang tối như mực, chàng không trông rõ cả bàn tay chàng dơ trước mặt chàng. Ban ngày, thang lầu này lúc nào cũng có đèn, nhưng ban đêm, có lẽ vì tiết kiệm, đèn điện bị tắt đi. Huy có mang quẹt máy theo nhưng chàng lại không muốn đánh lửa cho người khác biết là có người lên lầu.

Lên đến nửa chừng, Huy đứng lại lắng nghe.

Dường như ở đâu đó trên con đường trước mặt chàng cũng có người đang lần đi như chàng vậy … Chàng như nghe rõ tiếng chân người đó lê nhẹ trên mặt gỗ và tiếng người đó thở …

Chàng dừng lại nghe và nín thở. Chàng phải làm gì bây giờ??

Đi theo hay là đứng lại đây chờ đợi?

Huy rất thính tai. Trong giây phút ấy, thính giác của chàng lại càng thêm bén nhọn. Chàng nghe thấy tiếng chân của hai người … Chàng biết là quanh chàng có hai người chứ không phải là một …

Một trong số hai người đó là Hoàng Tuấn, bạn chàng …

Người kia chắc chắn là kẻ muốn hại Hoàng Tuấn.

Những tiếng chân đi mất dần nơi từng trên.

Rồi một cánh cửa mở khẽ. Tiếng cửa mở nghe như một tiếng thở dài, một tiếng rên rỉ … Tiếp đó là tiếng khung cửa sổ mở ra màn đêm.

Người lạnh giá, Huy đành đứng ngây trong bóng tối, lắng tai chờ đợi …

Nhưng khi chàng nghe thấy tiếng người kêu, chàng hiểu mọi can thiệp của chàng đã trở thành quá muộn … Một tiếng kêu kinh sợ, tuyệt vọng − tiếng kêu không có gì giống với tiếng kêu của loài người. Tiếng kêu gào thét trong màn đêm như tiếng rít của một con quái vật …

Và tiếng động vang lên sau tiếng kêu khủng khiếp ấy còn đáng sợ hơn nữa.

Đó là tiếng một thân xác người rơi bịch từ trên lầu cao xuống vỉa hè.

– 24 –

Huy vội chạy ra đường …

Đêm đen và sâu nhưng chàng cũng không thể không nhìn rõ “cái vật” nằm trên vỉa hè ngay trước cửa khách sạn. Đó là “vật” vừa rớt từ cửa sổ trên lầu xuống.

Hai chân Huy mềm ra như cao su, chàng phải cố gắng lắm mới đi được hết quãng đường ngắn từ trong khách sạn ra tới nơi xác người nọ nằm.

Chàng quì gối bên xác người nằm bất động, đưa tay ra sờ nắn xác người. Đến lúc đó, chàng vẫn còn hy vọng một cách hão huyền và tuyệt vọng rằng người nằm đó không phải là Hoàng Tuấn, bạn chàng.

Nhưng trong thâm tâm, Huy biết chắc người đó là Hoàng Tuấn.

Không phải lật xác người lên để nhìn mặt, Huy cũng tưởng tượng được nét mặt của người chết. Chàng biết rằng nét mặt đó sẽ ám ảnh chàng đến suốt đời. Dù chàng có trốn đi đâu, dù chàng có làm gì, có sống với ai, nét mặt đó cũng theo dõi chàng mãi mãi …

Trời càng sắp sáng càng tối đen. Huy chợt nhớ là chàng tới đây bằng xe hơi và xe của chàng đậu ngay ở đây, đèn pha chắc là chiếu thẳng vào xác người này …

Chàng loạng choạng đi tới xe nhấn nút đèn pha. Ánh đèn chiếu sáng rực đúng vào chỗ người nằm. Trong vừng ánh sáng rực đó, xác người trông giống một đống giẻ rách.

Đúng mái tóc của Hoàng Tuấn, mặt Tuấn nghiêng nghiêng. Huy trông thấy rõ cái miệng vẫn còn như cười của bạn.

Người nằm đó chính là Hoàng Tuấn. Huy đã đến quá muộn.

Những cánh cửa sổ hàng phố mở ra, nhiều ánh đèn chiếu qua những khung cửa sổ ra đường. Nhưng khách sạn Mỹ Ngọc Cung vẫn tối om và câm nín như nó từ chối mọi trách nhiệm về cái chết này. Có thể nào Hoàng Tuấn đã rớt từ khung cửa sổ kia xuống đây và đã chết được không?

Vài giây đồng hồ sau đã có nhiều người xúm quanh Huy và xác chết, tiếng người nói xôn xao tứ phía, một người đàn bà la thét lên sau khi nhìn tận mặt người chết nhưng Huy vẫn cứ quì gối đó không thể nào cử động được.

Ông già Tầu có râu bạc nói tiếng đầu tiên:

- Phải kêu cảnh sát …

Cảnh sát …! Hai tiếng đó như có sức mạnh làm cho Trần Huy đứng bật dậy. Người ta chặn chàng lại, người ta hỏi chàng cả trăm câu, người ta muốn biết về nạn nhân nhưng chàng vẫn ngây ra không thể trả lời được ai. Ông già Tầu lại giúp chàng lần nữa:

- Nhà tôi có điện thoại … Thầy nên kêu cảnh sát bằng điện thoại.

Huy đi theo Ông Tầu Già vào một kho hàng. Bên trong có máy điện thoại. Đến trước máy, chàng có vài giây đồng hồ do dự … Nhưng sau cùng chàng quyết định đi tới cùng, chàng không thể trốn tránh được trách nhiệm.

Thời gian trôi qua sau đó thật dài …

Huy có cảm giác như một thế kỷ đã trôi qua đời chàng kể từ lúc chàng gọi điện thoại cho đến lúc xe cảnh sát tới.

Rồi lại một thế kỷ nữa trôi qua từ lúc cảnh sát tới cho đến lúc cảnh sát mang theo xác chết đi. Cuộc trả lời các cảnh sát viên điều tra về cái chết của Hoàng Tuấn là một thế kỷ thứ ba đối với Trần Huy.

Sau đó Huy được trở về nhà. Lúc đó đã là 8 giờ nhưng Huy đã quên hết cả khái niệm về thời gian. Chàng cũng quên mất cả đường về, chàng chỉ về được nhà vì thói quen.

Chàng vào nhà như một người máy. Anh hầu của chàng có lẽ vì thức chờ chủ suốt đêm giờ này đã ngủ vùi. Phòng khách vẫn còn sáng đèn, ngọn đèn thắp từ đêm qua. Huy tắt đèn, khép cửa và đi về phòng ngủ.

Chàng đẩy cửa bước vào căn phòng ngủ và dừng lại, ngây nhìn …

Một thiếu phụ ngồi lên chiếc ghế bên giường, nàng đang cúi xuống xem mấy tờ tuần báo Pháp. Ánh nắng ban mai từ cửa sổ tràn vào làm cho mái tóc nàng óng ánh như có hào quang.

Nàng có cái vẻ mệt mỏi của người thức suốt đêm nhưng vẻ mệt mỏi đó chỉ làm cho nhan sắc của nàng thêm quyến rũ. Nàng dơ tay lên vuốt mái tóc và nhìn lên khi Huy bước vào.

Nàng mỉm cười với chàng.

– 25 –

Như Ngọc cất tiếng hỏi trong, êm và gợi cảm. Giọng nói của nàng như một chất rượu mạnh làm cho mạch máu của Huy rào rạt chẩy:

- Anh đi đâu vậy?? Em chờ anh từ đêm qua …

Trần Huy đứng giữa ngưỡng cửa, chàng không thể nào nói được một lời, không làm được một cử chỉ.

Không thấy chàng trả lời, nàng lại hỏi:

- Có chuyện gì vậy Huy?

- Em tới đây bằng gì??

- Bằng tắc xi như tất cả mọi người … − Nàng lại mỉm cười − Anh không chờ đợi em tới trong một cỗ xe tứ mã như nàng Lọ Lem trong chuyện cổ tích chứ?

Nàng đứng dậy đi tới choàng tay lên cổ chàng. Nàng cười nhưng cứ nhìn vẻ mặt nàng, nhìn quầng mắt thâm của nàng và đôi môi rung động, người ta có thể biết rõ là nàng rất mệt và nàng sợ hãi.

Đột nhiên Huy lấy lại được hết tâm trí, chàng gằn giọng:

- Đi đi …

Như có chờ đợi sự tiếp đãi như vậy của chàng, Như Ngọc không tỏ ra ngạc nhiên nhiều, nàng chỉ bậm môi, nét mặt đang tươi chợt nghiêm lại:

- Đi đâu??

- Đi đâu thì đi … Tôi không cần biết …

- Em có thể giận anh vì những lời anh vừa nói. Nhưng em không, vì em thương hại anh … Anh mệt nhiều … Em nghĩ chúng ta nên hoãn cuộc nói chuyện này đến khi khác, đến lúc nào chúng ta sáng suốt và bình tĩnh hơn.

- Không có gì phải nói lại, không còn gì để chờ đợi … Tôi chỉ yêu cầu Ngọc đi … Đi khỏi đời tôi …

Ngọc không nói gì nhưng đôi mắt nàng nhìn chàng lúc đó là đôi mắt kinh hoàng của người đàn bà sợ hãi. Qua giọng nói của chàng, nàng hiểu rằng chàng nói thật. Lời chàng vừa nói không phải là lời nói có thể quên đi.

Huy gần như cảm thấy thương hại Ngọc khi thấy nàng sợ hãi.

Chàng cố gắng ấp úng:

- Tôi … không … oán trách gì Ngọc … Nhưng … Ngọc nên đi xa tôi …

- Nhưng tại sao … tại sao … anh lại đuổi em?

Chàng nói như hối hận, như người không muốn nói:

- Vì … tôi có mặt ở đó đêm qua …

- Ở đó …?

- Ở khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Tôi đã thấy …

- Anh thấy gì …?

- Thấy Tuấn. Hắn chết …

- Tuấn chết rồi à?

Như Ngọc giả vờ không biết, giả vờ ngạc nhiên thật hay, thật khéo. Nhìn mặt nàng, đôi mắt nàng mở lớn và vành môi nàng hé mở không khép lại, chàng thấy nàng ngạc nhiên như thực. Người khác có thể lầm, ngay cả Huy nữa, lúc khác, trước đây chàng có thể lầm, nhưng bây giờ thì không. Bây giờ chàng không còn có thể lầm được nữa. Vì bây giờ Hoàng Tuấn đã chết …

Chàng nghĩ thầm: “…Đóng kịch thật hay … Tự nhiên một chút nữa mình có thể tin là nàng không biết gì, là không phải nàng. Nhưng …” Chàng nhớ lại cảnh người bạn thân nhất đời của chàng nằm nghiêng trên vỉa hè tràn đầy bóng tối và chàng thấy rõ hơn bao giờ hết là nàng không còn bao giờ có thể làm cho chàng tin được nữa.

Chàng nhìn vào mắt nàng:

- Đừng giả vờ không biết. Chính Ngọc đẩy Tuấn té xuống …

- Đẩy hồi nào?? Đẩy ở đâu?? Em mà đẩy Tuấn ư?

Quá đáng, chàng không còn chịu nổi nữa, chàng hét lên:

- Con đĩ … Con điếm … Cô cho tôi là ngu lắm sao?

- Anh …

- Phải … Cô không biết gì, cô không làm gì hết … Cô chỉ là nạn nhân … Phải không?? Cô bị bắt cóc giam một nơi trong suốt hai tuần lễ qua. Một tên gian manh bí mật có một chân bằng gỗ bắt cóc cô … Tên đó giữ cô để đòi cô phải nộp tiền chuộc … Phải không? Bây giờ tên gian đó đã giết chồng cô … còn cô … nhân lúc lộn xộn cô đã lẻn trốn được khỏi sào huyệt của tên gian. Và cô không hay biết gì hết về những gì vừa xẩy ra cho chồng cô. Phải không? Cô chờ kể chuyện đó với cảnh sát. May ra cảnh sát sẽ tin cô … Còn tôi, tôi biết … Cô quên là tôi đã theo dõi vụ này từ đầu hay sao?? Tôi biết …

Một sự thay đổi lớn đến trên nét mặt Như Ngọc trong khi Huy nói. Tất cả những thớ thịt trên mặt nàng căng thẳng ra, làn môi nàng mím chặt lại, đôi mắt nàng sáng long lanh. Như Ngọc lúc đó không còn là một thiếu phụ khổ sở, bối rối vì hoàn cảnh không may.

Người thiếu phụ đó đã trở thành một con vật dữ …

Khi nàng nói, giọng nàng khô, lạnh, sắc, nghe như tiếng kim khí. Nghe nàng nói, Huy hiểu rõ chàng đã lầm đến chừng nào. Chàng đã tưởng là nàng yêu chàng trong lúc thực ra, nàng chỉ yêu có nàng. Nàng chưa bao giờ yêu ai hết.

Chàng đã tưởng lầm rằng sở dĩ nàng làm những chuyện nàng đã làm là vì nàng không được sung sướng, vì nàng sống không có hạnh phúc nhưng bây giờ chàng mới rõ nàng chỉ làm thế vì tham tiền, vì ác tâm, vì muốn thấy người khác đau đớn.

Chàng cũng đã lầm một cách ngu si, dại dột như Hoàng Tuấn, bạn chàng. Và chàng vừa nói những lời thật đúng: NHƯ NGỌC chỉ là một “con điếm”.

- Đừng dở giọng đạo đức …

Nàng rít lên qua vành môi:

- Anh cũng dính líu trong vụ này. Nói dính líu chưa đúng, anh là đồng lõa. Hơn nữa … chính anh xúi giục tôi … Anh phải chịu trách nhiệm về cái chết của Tuấn.

Huy ngạc nhiên nhìn nàng, chàng như người bị đấm mạnh vào bụng đến nỗi ngạt thở:

- Cô nói gì?

Nàng nhắc lại:

- Đúng. Chính anh phải chịu trách nhiệm … Trước ngày anh tới Nam Vang gặp vợ chồng tôi, tôi yêu chồng tôi … Anh đã quyến rũ tôi, anh làm cho tôi xa chồng tôi.

Chàng hét lên:

- Không đúng … Cô nói bậy … Tôi không khốn nạn đến thế … Tôi không bao giờ muốn làm cho Tuấn đau khổ.

- Bây giờ anh nói như vậy … nhưng ngày đó anh chỉ có mỗi một ý muốn: làm sao đoạt được tôi … Anh đã thành công … Tôi đã yêu anh. Tất cả những gì xẩy ra sau đó chỉ là hậu quả của việc anh làm … Anh là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Như Ngọc nói dối hay nàng nghĩ, nàng tin là nàng đang nói sự thực? Huy không thể biết rõ được. Chàng nhớ lại những ngày chàng tới Nam Vang vì công việc và nhân dịp đến thăm vợ chồng bạn. Chàng nhớ lại những giây phút đầy dục tình và khêu gợi của những ngày đẹp trời đó khi chàng gần nàng. Không bao giờ − ngay đến cả lúc này − chàng công nhận rằng chàng có thể quyến rũ vợ bạn. Nhưng không muốn là một chuyện, sự việc xẩy ra lại là một chuyện khác … Những lời kết tội của nàng làm chàng suy nghĩ lại và chàng thấy rằng từ ngày họ gặp nhau, chàng không hề làm một hành động nào để quyến rũ nàng, để xúi dục nàng. Nhưng chàng cũng không từ chối, không cự tuyệt nàng, chàng cũng không tìm cách chạy trốn. Tuy nhiên chàng chỉ là một kẻ thụ động … Chàng đã làm tất cả những gì nàng muốn.

Chàng đã phục tùng nàng một cách mù quáng … cho đến lúc Hoàng Tuấn ngã xuống nằm chết thê thảm trên vỉa hè tối.

Bây giờ thì hết rồi, thật hết rồi, người đàn bà này chỉ còn làm cho chàng thấy ghê tởm.

Như hiểu chàng đang nghĩ gì, nàng gằn giọng:

- Có phải anh là người đã gửi cho tôi cái điện tín báo tin là mẹ tôi đau nặng để tôi về đây với anh không?

- Tôi làm thế vì cô bảo tôi làm …

- Bằng chứng đâu? Anh đổ hết lỗi cho tôi sao được? Anh có đến phi trường đón tôi … giả làm anh thọt chân đó không?

Huy khổ sở nhìn nhận:

- Vì cô bảo tôi rằng chỉ có cách đó mới làm lạc hướng cuộc điều tra của chồng cô.

- Nếu anh không đồng ý, nếu anh không muốn làm, làm sao tôi bắt anh làm được những chuyện ấy? Vô lý! Chính anh … anh bày đặt mọi chuyện. Chính anh tìm ra cái khách sạn dơ dáy trong Chợ Lớn và bảo tôi phải vô đó sống chui rúc như chuột, anh đã điều đình với thằng cha chủ khách sạn, anh cho tiền nó để nó khai man với cảnh sát. Chính anh đã báo cho tôi biết ngày giờ cảnh sát tới khách sạn đó điều tra để tôi mang va ly đi ẩn trốn nơi khác. Anh đã cho tôi biết rõ từng việc làm, từng ý nghĩ của chồng tôi. Hơn thế nữa …, chính anh đã bảo tôi viết bức thư lố bịch bỏ vào hộp đồ trang điểm của tôi để tên chủ khách sạn đưa cho cảnh sát … Cũng chính anh đã nửa đêm gọi dây nói đến cho Tuấn hẹn hắn qua Lăng Tô, chính anh đã lừa hắn vô cái nhà hoang đó, chụp thuốc mê cho hắn ngất đi và đoạt số bạc hắn mang theo làm tiền chuộc. Tôi phản đối việc đó, vì tôi thấy nó vô lý và nguy hiểm, nhưng anh cứ làm theo ý anh. Thấy chưa?? Lẽ ra nhân dịp tốt đó, anh phải thanh toán hắn ngay trong đêm đó. Nhưng anh nhát sợ, anh không có đủ can đảm, anh muốn mà anh không làm nổi. Đêm đó chỉ cần anh đẩy hắn xuống sông là xong tất cả. Chẳng còn gì lôi thôi phiền nhiễu nữa. Anh không làm nổi cái việc mà chúng ta đã định trước. Nếu anh đẩy được hắn xuống sông đêm đó, đến hôm nay, người ta tìm được xác hắn và cảnh sát sẽ kết luận là hắn tự tử. Có phải là …

Huy không còn nghe nàng nói gì nữa …

Có thật là chàng đã làm tất cả những việc nàng vừa kết tội chàng đó không?

Chàng có làm … nhưng đúng ra, một TRẦN HUY nào khác đã làm những việc đó chứ không phải là chàng … Trong chàng có hai gã đàn ông … Một gã là chàng, trung thực, lương thiện, gã kia lưu manh, sắp đặt, tranh vợ bạn, bầy mưu lập kế giết chồng, đoạt vợ … Tội nghiệp cho người bạn thân nhất đời của chàng, Tuấn không một phút nào nghi ngờ rằng người bạn thân nhất của mình cùng người đàn bà mình yêu đương, mình cưới làm vợ, lại có thể cùng âm mưu phản mình …

Còn Như Ngọc …? Không, nàng không yêu Tuấn, nàng không yêu chàng. Huy thấy rõ rằng nàng chỉ nghĩ đến chuyện giết chồng để đoạt tài sản của chồng. Chồng nàng tự tử, nàng thoát được bọn bắt cóc, trở về, hưỏng trọn tất cả tài sản chồng nàng để lại … Cảnh sát chứng nhận là nàng bị bắt cóc, cảnh sát chứng nhận là chồng nàng vì quá buồn phiền, vì khủng hoảng thần kinh, đã tự tử chết … Còn có gì an ninh hơn là lời chứng nhận của cảnh sát?

Và chàng, Trần Huy, luật sư nổi tiếng, tương lai sáng, chưa vợ, được nhiều người đàn bà đẹp của đô thành mong muốn chàng để mắt tới, chàng đã trở thành một tên lưu manh đồng lõa giết người … Một tên khốn nạn nhất đời …

Mọi việc được sắp đặt từ trước thật đẹp … Không một sơ xuất nhỏ … − Nàng lại nói … − Tôi đã làm cho hắn hoàn toàn mê loạn. Hắn tin chắc ở chuyện chúng ta bầy ra, hắn tin chắc là có tên Paul Văn bắt cóc tôi trong khi tên Paul Văn đi biệt tích từ lâu, Paul Văn chết chũi, chết rập ở đâu rồi … Nếu đêm trước, anh đẩy hắn xuống sông, cảnh sát sẽ tin là hắn tự tử … Còn như bây giờ, cảnh sát biết là có án mạng. Họ sẽ mở cuộc điều tra … Tên chủ khách sạn sẽ bị dính líu … Thằng cha đó có thể vì sợ, hoặc vì ngu đần, khai ra chúng ta … Thế là chết cả …

Chàng nhắc lại như người bị thôi miên:

- Thế là chết cả …

Chàng như thấy trước cái cảnh chàng bị bắt giam, bị đưa ra trước Tòa Án, bị kết tội … Dù chàng có thoát được … chàng cũng vẫn bị lương tâm trừng phạt, các bạn chàng sẽ xa lánh chàng … Không ai còn giao thiệp với chàng nữa … Nếu thoát được, chàng cũng chỉ còn cách trốn đi nước nào khác để sống suốt đời …

Có lẽ Như Ngọc nhìn nét mặt chàng và biết là chàng đang nghĩ gì, vì nàng đột ngột đổi giọng:

- Anh yêu … − Nàng dịu dàng – Anh đừng giận em …

Như Ngọc lại trở lại gần chàng.

Nàng choàng hai tay − những cánh tay ngà ngọc đã làm cho chàng sa ngã, làm cho chàng phản đối tất cả những lý tưởng của đời chàng – và từ người nàng thoảng bay ra một mùi hương làm cho chàng ngây ngất.

Chàng biết là người đàn bà này vẫn còn rất nguy hiểm với chàng mặc dầu chàng đã biết rõ bộ mặt thật của nàng. Ở đời này có thiếu gì đàn ông biết rõ người đàn bà mình yêu là không xứng đáng, tồi tệ, hư hỏng, mà vẫn cứ yêu??

Chàng cũng có thể là một gã đàn ông như thế, loại đàn ông mà chàng cho là hèn và vẫn khinh bỉ, nếu chàng không cương quyết …

Nàng ôm chàng và thì thầm, dịu dàng:

- Mình … nghe em … Mọi chuyện chưa đến nỗi tuyệt vọng đâu … Vẫn còn cứu vãn được … nếu hai đứa mình yêu nhau … Hai đứa mình cùng nói như nhau, tên chủ khách sạn có khai ra chúng mình và sự thật cũng chẳng ai tin hắn. Mình có nhiều thế lực, uy tín, mình có thể nhờ thế lực và quen biết của mình ém nhẹm vụ này đi … Nếu không thể dìm cho chìm xuống … chúng mình vẫn còn có thể cùng đi với nhau ra sống ở ngoại quốc. Em sẽ rất giầu … Em sẽ có nhiều tiền lắm. Hai đứa mình thừa tiền để sống sung sướng ở Paris … Miễn là chúng mình yêu nhau và cùng nói như nhau … Nhé … Mình …

Nàng đưa mặt nàng sát gần mặt chàng, môi nàng chạm phớt lên môi chàng. Chỉ cần một chút nữa thôi … chỉ cần chàng để cho môi chàng đi theo sức hấp dẫn của môi nàng là xong. Chàng lại bị nàng mê hoặc và lần mê hoặc này sẽ kéo dài muôn kiếp.

Bởi vì lần mê hoặc vừa qua đã làm cho chàng mất sống kiếp này.

Nhưng muộn quá mất rồi …

- Không … Ngọc … Đừng bắt tôi phải nặng lời hơn nữa với Ngọc … Tôi không thể … không thể …

Lần này trong đôi mắt nàng có nước mắt thật:

- Tại sao …? Mình … Tại sao?

- Tại vì Ngọc đã giết Tuấn.

Tôi biết tôi là đồng lõa của Ngọc và đúng ra tôi không có quyền chê trách Ngọc điều gì. Tôi đã mất cái quyền đó, quyền làm người lương thiện nữa. Ngọc tha lỗi cho tôi vì tôi đã chửi nặng Ngọc. Thật sự tôi không muốn thế … Sự việc xẩy ra ngoài sức chịu đựng của tôi … Sau cái chết của Tuấn … không bao giờ tôi còn có thể ôm được Ngọc trong vòng tay tôi …

Nàng thảng thốt:

- Nhưng em không giết Tuấn …

Anh phải tin em, anh nghe em … Em không ngờ hắn đến khách sạn … Theo cái chương trình mà em biết anh làm đêm đó … Em biết là anh lừa được hắn qua Lăng Tô và đưa được hắn vào nhà hoang bên bờ sông với số bạc … Đúng giờ đó hắn phải nằm dưới đáy sông rồi … Em đâu có ngờ là đến phút cuối cùng anh lại không nỡ giết hắn …? Làm sao em biết được …? Anh lại để cho hắn tỉnh lại, trở về … Vì vậy lúc đó em đang ngủ say … Chợt em nghe có tiếng gì lạ … Linh tính báo cho em biết có gì lạ … Em tỉnh dậy. Em nhẹ bước đi xuống nhà dưới, em nhìn vào phòng lão chủ … em thấy Tuấn … Tuấn đánh lão chủ chết ngất … Lúc đó đèn trong khách sạn còn sáng nên em trông thấy rõ. Nhưng Tuấn thì chưa thấy em. Em đang không biết chạy trốn đâu cho thoát … Chợt em bỗng nhớ ra là cầu chì điện của cả khách sạn đặt ngay ở chỗ gần cầu thang, tức là ở ngay nơi em đang đứng … Em đi tới cúp điện trước khi Tuấn kịp nhìn thấy em …

Nhưng hắn vẫn không chịu đi … Em lùi lên lầu … Hắn đi theo … Em vào phòng, hắn cũng vào phòng em … Hắn lần mò đi trong đêm tối … Em không hiểu hắn đi ra làm sao trong phòng tối … Em chỉ muốn hắn vô phòng là em chạy ra đóng cửa lại và chạy ra đường … Không hiểu tại sao hắn lại té nhào ra ngoài cửa sổ … Có lẽ vì đêm tối hắn tưởng đó là cửa đi qua phòng bên … Hắn … hắn ngã chứ không phải em đẩy hắn …

Huy lắc đầu.

Như Ngọc nói dối thật khéo nhưng lần này nàng nói dối thật dở.

Người như Ngọc mà nói dối dở như vậy tức là nàng đang sợ hãi, đang hoảng loạn lắm.

Chàng lạnh lùng:

- Thế còn cô Vân Hà …? Cô bạn cũ của cô …? Cô đó cũng tự ngã nhào vào bánh xe lửa hay sao??

Nàng nức nở:

- Nó đoán ra được mọi sự … Nó dọa sẽ tố cáo em … Con đó không tốt … Chính em, em cũng không rõ đêm đó có những gì xẩy ra, đêm đó em đã làm những gì … Chính anh báo cho em biết là Vân Hà hẹn gặp Tuấn … Anh đã nghe được chuyện của họ khi Tuấn vô tình gọi dây nói cho Vân Hà … Anh nhớ không …? Nếu anh không cho em biết là mụ đó gặp Tuấn ở ga xe lửa, em đâu có biết …? Nếu không biết làm sao em giết được mụ?

Im lặng một lúc lâu.

Đây là cái im lặng của trung tâm một cơn bão lốc. Ở giữa lòng bão tố, trời lại êm, trong. Như Ngọc khóc ngọt ngào. Huy đứng cúi đầu, chàng như người mệt mỏi đến cùng cực của sự mệt mỏi.

Sau cùng, chàng nói:

- Ngọc, em nghe đây … Tôi chịu cho em một dịp may cuối cùng …

Nàng ngước mắt lên, nét mặt nàng vẫn còn nhăn nhó vì khóc nhưng đôi mắt nàng sáng lên, niềm hy vọng:

- Anh cho em dịp may???

- Anh cũng nhận rằng anh cũng có lỗi như em vậy, nhưng anh không muốn phải một mình trả một cái tội mà chính anh, anh không phạm. Nếu chúng ta sống chung với nhau, chắc chắn chúng ta sẽ bị họ bắt, không sớm thì muộn … Dù sao đi nữa anh cũng không thể nào chịu đựng được …

Chàng tiếp, giọng nghẹn đi vì xúc động:

- Anh thương mến Tuấn thật mà …

Ngọc đã lấy lại được bình tĩnh, nàng hỏi:

- Vậy thì …?

Huy lấy trong túi áo ra bọc tiền:

- Đây là 250.000 đồng của Tuấn … Bây giờ là tiền của em … Em cầm lấy cả. Anh không muốn dùng tiền này …

Ngọc do dự vài phút.

Sau cùng nàng cầm lấy gói tiền.

- Ngọc đi đi … Tôi xin Ngọc đi. Đi xa … Chúng ta không thể nào sống chung đời với nhau được. Ngọc có thể làm lại một cuộc đời khác, một cuộc đời riêng của Ngọc … Tôi cầu mong Ngọc làm lại được … Còn tôi … Tôi … hết rồi …

- Cái gì hết?

Huy đáp:

- Tình yêu hết … Cuộc đời hết …

Chàng cúi đầu xuống và nhắm mắt lại.

Chàng đang mệt mỏi. Tình trạng mệt mỏi của cơ thể làm cho trí óc chàng không còn cảm thấy đau khổ. Chàng sẽ đau khổ nhưng không đau khổ ngay lúc này. Mai đây, sau đây … đau khổ sẽ đến …

Khi chàng mở mắt nhìn lại, Như Ngọc đã biến mất.

– 26 –

Hai khung cửa sổ lớn của văn phòng Luật Sư Trần Huy mở rộng nhìn ra công viên. Buổi sáng mùa mưa sau những cơn mưa lớn, thành phố sạch và láng như một nàng thiếu nữ vừa mới tắm xong trong bộ quần áo mới.
Huy rời mắt nhìn qua cửa sổ tràn đầy nắng vàng. Mắt chàng nhìn lên tờ lịch treo trên tường. Lịch Air France. Hôm nay là ngày Thứ Hai. Hiện tại rõ rệt trước mắt chàng. Cuốn sổ ghi những lời của Hoàng Tuấn đặt trên bàn chàng cũng là một bằng chứng không thể chối bỏ của hiện tại. Dù muốn hay không, chàng cũng phải nhận rằng hôm nay là ngày thứ hai đầu tuần và Hoàng Tuấn, bạn chàng, đã chết.
Hoàng Tuấn đã chết. Như Ngọc đã đi xa … Đó là sự thật và đó là hiện tại. Tâm trí chàng vẫn còn nhớ Tuấn và cơ thể chàng vẫn còn nhớ Ngọc và khi chàng nghĩ đến hai người đó, khi chàng nhớ họ, chàng thấy một cảm giác đau nhói ở trong lồng ngực … Nơi đó có trái tim của chàng. Chàng đau nhưng chàng tin rằng chàng sẽ qua khỏi được cơn đau này … Chàng như người vừa thoát cơn đau nặng. Tuy vẫn còn đau nhưng đã biết chắc là mình sẽ qua khỏi, mình sẽ lại sống mạnh mẽ và can đảm.
Chàng sẽ hết bị ám ảnh vì mặc cảm tự ti. Chàng sẽ không còn khổ sở vì thấy mình kém bạn nữa, chàng sẽ không còn bị ám ảnh vì nỗi say mê, thèm khát một người đàn bà vợ người khác. Chàng sẽ quên chàng là đồng lõa trong một vụ giết người … Chàng đau khổ nhưng nhẹ nhàng … Một cuộc đời mới đã đến với chàng, một con đường mới mở rộng trước mặt chàng, chàng thanh thản đi vào đó … Chàng sẽ làm việc thật nhiều. Đời chàng sẽ đầy những thành công, chàng sẽ nổi tiếng …
Chuông điện thoại reo vang. Vẫn còn mơ màng, Huy nhấc ống nói.
- Luật sư Trần Huy?
- Tôi đây.
Huy cho rằng người gọi điện thoại tới hỏi chàng là một thân chủ nào đó, chàng không chú ý lắm đến người hỏi. Giọng nói bình thản, trầm tĩnh nhưng chắc chắn vang bên tai chàng:
- Ông Huy … Tôi là … Trịnh, Thiếu tá Trịnh … Tổng Nha Cảnh Sát … Chúng tôi mời ông tới ngay Tổng Nha … Chúng tôi cần hỏi ông vài việc liên can đến vụ ông Hoàng Tuấn, ông bạn thân nhất của ông, chết trước cửa khách sạn Mỹ Ngọc Cung. Chúng tôi vừa được tên chủ nhân khách sạn đó cho biết vài chi tiết mới … Hắn khai rằng bà vợ của ông Hoàng Tuấn …, bà Như Ngọc, không hề bị ai bắt cóc và cũng chẳng hề bị giam giữ ngày nào …
Theo lời tên chủ khách sạn thì bà Như Ngọc ngụ trong khách sạn Mỹ Ngọc Cung suốt trong thời gian chúng tôi mở cuộc điều tra tìm bà ấy … Nghĩa là suốt thời gian ông chồng bả từ Nam Vang về đây tìm vợ … Và rất có thể là chính bà ta đã đẩy ông chồng nhào qua cửa sổ xuống đường vỡ sọ chết …
À … ông đừng rời máy vội … Thượng sĩ Bái vừa vào phòng tôi đây … Chắc chúng tôi có tin mới mà ông cần biết … Đây … Bà Như Ngọc đã bị cảnh sát bắt giữ ở phi trường … Bà ấy dùng căn cước giả định đi khỏi Saigon …
Hiện Bà Như Ngọc đang có mặt trong văn phòng tôi … Bà ấy nói nhiều chuyện khá kỳ dị về ông … Ông nên đến ngay để đối chất …
Bà Như Ngọc nói chính ông là người bầy đặt ra cho bà ấy hạ sát ông Tuấn. Tội nghiệp ông Tuấn … Để cho ông ấy bị chết oan, chúng tôi có một phần trách nhiệm. Lẽ ra chúng tôi phải nghi ngờ từ trước …
Ông Trần Huy … ông có thể đến ngay được không, hay là để chúng tôi cho người mang xe tới văn phòng ông đón ông?.

11/7/2015
Hoàng Hải Thủy
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...