Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Còn có những Anna Karenina khác

Còn có những Anna Karenina khác

Cuốn sách “Câu chuyện thật về Anna Karenina” của Pavel Basinsky đã giành được Giải thưởng Sách Lớn vào năm 2022. Nhà phê bình này đã nghiên cứu tác phẩm của Lev Tolstoy trong một thời gian dài rất nghiêm túc. Sách đề cập tới nhiều nguyên mẫu có thật ở ngoài đời của nhân vật văn học Anna Karenina. Qua đó cho thấy thế giới tái tạo mỗi nhân vật của những thiên tài văn chương phức tạp như thế nào…
Cuốn tiểu thuyết “Anna Karenina” từ lâu đã tồn tại với tư cách là một thương hiệu nội địa, trải qua nhiều vở dựng trên sân khấu và phim chuyển thể. Cuốn sách của Basinsky là lý do để chúng ta đọc lại cuốn tiểu thuyết của Tolstoy, có tính đến phần biện giải mới. Trong lời nói đầu, Basinsky viết rằng ông đã đọc “Anna Karenina” mười lần và mỗi lần đều cảm thấy đó là “một cuốn tiểu thuyết khác” (chữ in nghiêng của ông), và điều này đối với ông trở thành một kiểu cuồng đọc, khiến ông phải cố gắng vượt qua bằng cách viết ra cả một cuốn sách.
Basinsky đã thực hiện công việc phân tích bản thảo những phiên bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết và kể lại từng phần đã đọc. Khởi đầu nguyên mẫu nhân vật Anna là Tatyana của Pushkin. Tiếp sau đến Anastasia, gọi tắt là Nana – có những điểm tương đồng với tiểu thuyết của Zola: “một miêu tả phê phán về xã hội thượng lưu”, “cả hai Anna đều trở thành nguyên nhân của bất hạnh cho những người đàn ông khác nhau” và “cả hai nhà văn đều nhìn thấy điều gì đó ma quỷ trong sức hấp dẫn hình thể của họ”. Và từ Nana, chỉ cần sắp xếp lại các chữ cái, sẽ biến thành Anna.
Anna Karenina còn có những “họ hàng văn chương” khác nữa. Basinsky nói: “Dưới ảnh hưởng của Pushkin, Lev bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết của mình”. Vấn đề là Tolstoy đọc liền kề với“Những câu chuyện của Belkin” chứa đoạn “Những vị khách tụ tập tại ngôi nhà gỗ” của Pushkin và, như thể lấy nó làm khởi đầu và hình mẫu để tiếp tục cuốn tiểu thuyết. Cô con gái lớn của Pushkin – Maria Alexandrovna Hartung – người mà Tolstoy rất quen thuộc và chắc chắn là bị cô ấy mê hoặc. Tolstoy khoác cho nữ chính của mình những nét bên ngoài, vóc người, dáng đi nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, hơi bụ bẫm, gu thẩm mỹ không chê vào đâu được của nhân vật có thật này.
Basinsky xác định và nhấn mạnh trong cuốn sách của mình sự đổi mới của Tolstoy trong thể loại tiểu thuyết. Tolstoy viết “cuốn tiểu thuyết hay nhất thế giới về tình yêu”, khi phá vỡ nhiều quy tắc. Thứ nhất, văn hào “không bắt đầu câu chuyện từ cửa trước (salon)”như “Chiến tranh và Hòa bình” đã bắt đầu, mà “từ cửa sau” (nhà của Oblonsky). Và đột nhiên hóa ra việc quan sát cuộc sống từ cửa sau lại thú vị hơn nhiều. Sẽ có cả một salon khách thính, cả một rạp hát, nhưng không phải ở phần đầu của cuốn tiểu thuyết. Câu chuyện hậu trường của các nhân vật chính cũng khác xa so với phần đầu. “Tolstoy phá vỡ cấu trúc của tiểu thuyết cổ điển, chơi đùa với thời gian, với các nhân vật, đưa nhiều nhân vật tưởng chừng như không cần thiết vào hành động… Và thời gian trong tiểu thuyết trôi đi một cách tùy tiện, tùy ý ông, khi thì nhanh chóng, khi thì chậm rãi, khi thì đứng yên… Không có ai  đã viết những cuốn tiểu thuyết như thế trước ông cả”.
Tiếp theo, trong cuốn sách, thêm một “Anna Karenina khác” khác đã xuất hiện. Đó là cô em gái của Tolstoy – Maria Nikolaevna – người cũng giống như Anna, đã sinh ra một bé gái ngoài giá thú. Basinski chỉ ra những điểm tương đồng trong tính cách của văn hào và cô em gái; sinh ra cách nhau một năm rưỡi nhưng hai anh em rất thân nhau. “ Tính “ưa dung hòa” của họ chính là sự tiếp nối bản chất quá kiêu hãnh và độc lập của hai anh em”. Văn hào lần theo toàn bộ con đường của Maria Nikolaevna: cô em gái đã trải qua tâm trạng muốn tự tử trong những năm tháng khó khăn: đến cuối đời, cô em đã hướng về Chúa, và vào Tu viện Shamorderno.
Một trong những chương thú vị nhất của cuốn sách là chương “Ngôn ngữ khiêu vũ”. Ở đó, tác giả mô tả trình tự và quy tắc của các điệu nhẩy tại vũ hội, trò chuyện về những ý nghĩa và bối cảnh văn hóa đặc biệt mà những người tham gia vũ hội rành rõ nhưng lại không rõ ràng đối với độc giả hiện đại. Đặc biệt, nhà nghiên cứu lưu ý đến thực tế là trong hầu hết các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, Vronsky và Anna nhảy điệu valse, trong khi trên thực tế, họ đã nhảy cùng nhau một điệu nhảy quan trọng hơn nhiều – điệu mazurka chứ không phải điệu valse, và thậm chí không phải một mình, tại vũ hội định mệnh đó, Vronsky còn nhẩy với Kitty Shcherbatskaya. “Mazurka là điệu nhảy chính, từ thế kỷ 18 đã được coi là nơi số phận được quyết định và hôn nhân được sắp đặt. Trong mazurka, những cuộc trò chuyện thân mật được phép theo nghi thức trong phòng khiêu vũ. Có thể thú nhận tình cảm và nói về những chuyện cá nhân ”. Như chúng ta còn nhớ, ngay sau điệu mazurka Anna rời khỏi vũ hội.
Một trong những nhiệm vụ chính mà Basinsky giải quyết là tạo ra những bức chân dung tâm lý của các nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết: Anna, Vronsky và Karenin. Nhà nghiên cứu viết rất nhiều về bản chất phụ nữ của Anna thể hiện ở nỗi khao khát tình yêu, ở những gì vượt ra ngoài lý trí, vượt ra ngoài quy định xã hội và vốn là bản chất của phụ nữ. “Một phụ nữ nông dân cũng có thể làm điều tương tự. Đây là những gì vợ của thương gia Katerina đã làm trong “Cơn giông”. Nhà nghiên cứu cũng phân tích thái độ của Anna đối với trẻ em: yêu con trai nhưng lại thờ ơ với con gái.
Gần như có cả một chương được dành cho xe lửa và đường sắt. Trong những phiên bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, Anna đã tự tử bằng cách lao xuống sông hồ. Nhưng dẫu sao Anna vẫn không phải là Katerina Kabanova hay Emma Bovary. Hình tượng của Anna gắn liền với chuyến tàu cũng ngay từ lần đầu đã xuất hiện trên những trang tiểu thuyết.
Còn Bá tước Vronsky là người như thế nào? Phác vẽ bức chân dung tâm lý của nhân vật này, Basinsky đi đến kết luận rằng đó nhà quý tộc giàu có, viên sĩ quan, người đại diện của giới quý tộc St. Petersburg này “bản chất đơn giản”. Nhà nghiên cứu không sẵn sàng tin vào tất cả những gì Vronsky nói, ví như, Basinsky không tin vào lòng yêu nước của Vronsky, mặc dù coi anh ta là người đứng đắn, sẵn sàng chịu trách nhiệm với người phụ nữ mình yêu. Liên quan đến hình tượng Vronsky, một chi tiết không kém quan trọng hơn buổi vũ hội, tác giả để mắt tới tình tiết về đua ngựa ở Krasnoe Selo vào tháng 7 năm 1872, Basinsky gọi những trang này là “kiệt tác của Tolstoy”. (Bản thân Tolstoy chưa từng tham dự những cuộc đua như thế; ông biết về chúng qua lời kể của các nhân chứng). Văn hào mô tả cả luật lệ và tất cả các quy định, đặc biệt, đưa ra danh sách tất cả mười trở ngại mà những người tham gia phải vượt qua.
Hai chương – “Bí ẩn của Karenin” và “Bí ẩn của Karenin-2” – dành cho hình ảnh người chồng của Anna, nhân vật mà Basinsky coi là phức tạp gần giống như tính cách của nhân vật nữ chính Anna Karenina, đồng thời gọi cuộc hôn nhân của họ là “một sự bất đồng phức tạp”. Tác giả kể lại, trước khi kết hôn, Anna là nữ công tước, mặc dù cô ấy không có của hồi môn. Trong chương “Ly hôn theo kiểu Nga”, Basinsky đã xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh (pháp lý, đạo đức, tâm lý) của khả năng này và giải thích chi tiết lý do tại sao cuộc ly hôn không thể diễn ra (chủ yếu là vì, theo luật của Đế quốc Nga, bên đã ngoại tình, không thể kết hôn hợp pháp, chưa kể đến việc nuôi con, và với những người bên phía Karenin thì mọi chuyện còn phức tạp hơn).
Basinsky chủ yếu quan tâm đến bối cảnh tâm lý trong hành động của các nhân vật (đây có thể là điều quan trọng nhất trong tiểu thuyết của Tolstoy chăng?), bản chất tính cách của các nhân vật mà nhà nghiên cứu cố gắng làm sáng tỏ. Theo ý kiến ​​​​của Basinsky, bản chất của mối tình tay ba và nhưng  mưu toan bắt nguồn từ việc Anna “mơ về một tình yêu vĩ đại, nhưng Karenin không thể đáp ứng Anna Karenina tình yêu này. Với sự xuất hiện của Vronsky, một thiếu nữ đầy nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu mãnh liệt, đã thức dậy trong Anna”. Ở Vronsky, Basinsky nhìn thấy một nhân vậtlãng mạn thực sự, cao thượng trong xử sự đối với người phụ nữ anh ta yêu. “Nhưng trong Karenin không có ngọn lửa mà Anna cần được thiêu đốt. Ở bên anh ta, Anna Karenina vẫn thấy lạnh lẽo. (…) Dù Vronsky có sức mạnh và có lửa”. Basinsky kết luận: “Nếu Karenin là hình mẫu của một quan chức thì Vronsky là hình mẫu của một người tình”. Nhưng tính cách mạnh mẽ của Anna, độ lớn của cô ấy với tư cách là một nữ nhân vật bi kịch nằm ở chỗ “ Anna nổi dậy chống lại số phận bằng chính sự phản bội của mình”. Ngoài ra, “Anna làm nổ tung Hệ thống”, tức là cô ấy vi phạm, hay nói đúng hơn là cười nhạo các quy tắc thế tục.
Đương nhiên, trong “Câu chuyện có thật về Anna Karenina” có chứa một chương được mong đợi về cái chết của Anna. Nhưng cũng có một điều khá bất ngờ – “Con quỷ chất chứa Sự thật “, trong đó Basinsky truy tố ba người phụ nữ- theo ý kiến ​​​​của nhà nghiên cứu- có tội trong cái chết của Anna (tất nhiên là ngoài Anna). Đối với những ai còn nhớ nội dung tiểu thuyết của Tolstoy thì không khó để nhớ đến những người phụ nữ này.
Phong cách của cuốn sách phi hư cấu này là trực tiếp, rõ ràng, cụ thể, gần với tường thuật truyền miệng. Nói về cuốn tiểu thuyết được tạo ra cách đây gần một trăm năm mươi năm, Basinsky tự tin sử dụng những từ hiện đại như “trận chiến, điểm nóng, hệ thống”, nhưng sử dụng chúng một cách thích hợp; chúng không gây khó chịu mà còn tiếp thêm sinh lực cho văn bản. Sự phong phú của các câu hỏi tu từ và cảm xúc có tác dụng thu hút người đọc-người đối thoại tích cực vào những phán xét của tác giả.
Không thể không đả động tới phần phụ chú ở cuốn sách này. Trong phụ chú, trước hết, chứa đựng một phần ký ức của con trai cả của Lev Tolstoy – Sergei Lvovich – kể về những nguyên mẫu có thể có của một số nhân vật trong tiểu thuyết, cũng như về những tình tiết trong tiểu thuyết. Ví dụ: “Năm 1874, Hoàng tử Alfred xứ Edinburgh, người chồng của con gái Nga Hoàng Alexander II là Maria Alexandrovna, đã đến St. Petersburg. Rõ ràng Tolstoy đã nghĩ đến điều đó khi viết về vị hoàng tử ngoại quốc đi cùng Vronsky”. Thứ hai, một tập hợp các lời phát biểu về cuốn tiểu thuyết của nhiều nhà văn, đạo diễn và diễn viên Nga và nước ngoài tham gia chuyển thể phim, bắt đầu từ Turgenev và Dostoevsky đến Tatyana Drubich và Keira Knightley.
14/11/2023
Lev Tolstoy
Tô Hoàng dịch
Nguồn: Tạp chí Ngọn Cờ - Nga
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...