Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Khúc ru vườn cũ

Khúc ru vườn cũ

Út không phải là ma. Chẳng phải chỉ đêm ấy mà bao giờ tôi cũng nghĩ thế. Mùi thị chín đưa tôi ra đến ngoài bãi rồi tụ lại đúng chỗ doi đất mẹ tôi ngồi với Út ngày xưa. Gió từ sông lên quẩn dọc chân người. Bên kia, bờ bãi Thanh Hà và núi đồi Đông Triều vẫn lặng yên như hàng ngàn đêm trước. Tôi gọi Út ơi, mấy chục năm giờ con lại ngồi với Út chỗ này. Út biết không, vườn của Út mùa này quả rộ cùng một đợt, sáng nay tất cả bắt đầu thơm…
… “Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ…” (Trịnh Công Sơn)
Tôi nhấc cây gậy tre, hạ tấm giại xuống chắn cho nắng khỏi tràn vào trùm lên mặt chõng. Tháng sáu ngoài kia đốt không khí chảy thành dòng nhưng trong này hơi đất vẫn lên, bốn bề vẫn mát và êm như giăng lụa. Qua kẽ phên nan, trong những dọc sáng xiên chéo li ti vẩn bụi đôi lúc vẫn nhìn thấy thấp thoáng vài vệt xanh mờ. Bóng đất. Cái thứ sương khói mơ hồ vụt có vụt không cứ quẩn quanh bên mình chỉ cần chìa tay ra là chạm… Bóng đất không màu, trong tối không nhìn thấy, ra sáng là tan, chỉ xuất hiện nơi đây – trong căn nhà lợp tranh giữa vườn thị cổ thụ ba bề um sắc lá chỉ chừa khoảng sân nhỏ trước hiên là có mặt trời. Ở chỗ này, bốn mùa tôi nghe sau lưng tiếng sông rì rầm – tiếng dòng Kinh Thầy chảy xuôi ra Cửa Vận và nếu ngẩng đầu lên sẽ nghe qua lá vườn tiếng tàu ngang trong gió.
Tàu Hà Nội – Hải Phòng qua Ngã Ba Hàng bao giờ cũng kéo còi. Đường sắt phía trên cao. Tiếng tàu xoải xuôi theo triền đá răm, len qua trùng trùng hoa cúc dại, qua cánh đồng, về đến vườn là đã loãng gần hết vào mây nên ban ngày, cũng đủ cả bốn mùa tôi đều nghe còi tàu mơ hồ quẩn trong tiếng lá. Còn ban đêm, những chuyến tàu không ở tít ngoài kia mà sầm sập ngay sát hiên nhà. Chuyến cuối cùng bao giờ cũng về ba giờ sáng. Khi tiếng bánh sắt chạm vòng đường ray xoáy vào tận óc, những tia lửa ma sát bắn xẹt qua khe cửa vào tận chỗ tôi nằm thì bất ngờ hàng loạt tiếng nổ hất tung tất cả. Lúc đầu chát chúa. Sau đó rền vang. Tiếng các toa sắt xô vào nhau… Tiếng tàu lật… Các âm thanh trong lòng đêm khoét vào mặt đất đang rung lên bần bật một khoảng sâu không đáy. Từ dưới ấy vẳng lên đôi ba tiếng súng rời rạc. Tiếng gào khóc. Tiếng gọi nhau. Toàn tiếng đàn ông. Lúc đầu hỗn loạn. Sau đó chìm đần xuống trong mơ hồ tiếng đàn ghita gỗ, tiếng đàn ông hát những giai điệu chậm và buồn, tiếng mõ tre đều đều, tiếng tụng kinh rì rầm và tiếng sóng sông Kinh Thầy dội vô hồi vào bờ, từng lớp, mượt phù sa.
… Có tiếng động phía sau lưng. Hơi đất cuộn thêm vài vòng ẩn hiện mơ hồ trong khoảng tranh tối tranh sáng trước hiên. Có mùi vôi tôi nhàn nhạt quết nhẹ lên phiến trầu không hăng hắc. Mùi vỏ quạch chát đằm giở ra sau lần lá chuối khô xốp như bông. Tiếng lanh canh chày đồng chạm vào thành cối giã mảnh và trong như một nét chuông. Bà tôi ngồi kia, trên chiếc giường gỗ rẻ quạt, lúi húi giã trầu bên khung cửa sổ có song gỗ tiện tròn. Cái bóng ngược sáng tô một vệt đẫm màu trên nền chiếu Đậu gập gồ những dát nan tre, lấp loáng vài bóng lá ngoài vườn lọt vào theo chiều nắng.
“Đêm qua không nghe tiếng súng… Tàu cũng chỉ qua ngoài ngõ, không sát bên thềm như mọi bận. Phải không con…”.
“Vâng. Mấy chục năm… Nếu bà không nhắc nữa…”
“Ừ! Như thế liệu có yên?”
Lần đầu tiên bà hỏi tôi câu đó, kể từ cái đêm mẹ tôi bỏ hai bà cháu mà đi. Theo dượng ra ngoài phố. Mẹ bảo âm u thế đủ rồi. Ở vườn, ban ngày may còn thấy đời qua tiếng lá. Nhưng đêm tàu cứ quần nát cả người. Ngột lắm. Nhoai vào đâu cũng không thở được. U không đi thì con mang cháu đi. Bà bảo tùy mẹ mày thôi. Chỗ nào mà tâm an thì ở. Chỉ có điều hỏi con bé ấy. Xem nó thích ở đâu. Nó lớn rồi. Tôi lắc đầu con không đi! Phố với đây cách hơn cây số, nhà dượng lại ngay ngã ba, đối mặt với đường tàu. Bà gật đầu: “Chỗ ấy thế nào cả vùng này đều biết… Mà nhà mình bao năm nay ai cũng nghe thấy tàu đêm qua cửa thì tao nghĩ đi đâu cũng đất trời này…”.
Mẹ tôi khóc tu tu, xách túi đồ bước từ ánh đèn vào bóng tối. Ngoài kia, xe của dượng vẫn chờ. Tiếng guốc gõ nhỏ dần trên nền sỏi ngõ tre dân nhưng tiếng người thì vọng mãi: “Giá đêm xưa U cứ để con chết bên sông…”.
Cái dòng sông vọng lại từ ngõ tối là dòng Lai Vu, nhánh tách ra từ sông Kinh Thầy, đứng bên đây – chỗ bãi Cùng làng Vũ Xá nhìn sang sẽ thấy những vệt xanh mờ núi đá Kinh Môn. Và cái đêm mẹ nhắc là một đêm cuối mùa đông 1953.
Năm ấy mẹ tôi vừa tròn sáu tuổi…
… Bà tôi là con gái Vũ Lam lấy chồng bên Vũ Xá. Đất Vũ Xá kéo một vệt ngang như cái đòn gánh tre còn đường Năm lại chạy dọc, chia đôi làng thành hai bên quang gánh. Bên nào cũng chạm mặt đường bằng mênh mông đồng và kết thúc là bãi giáp sông. Ruộng mật bờ xôi, đất phù sa mềm như bột thế mà dân cả bốn mùa què lê đói rệt. Vì sao con biết không?
Ngày tôi còn bé, tối nào bà cũng hỏi tôi câu ấy. Hỏi mà chẳng cần biết tôi có nghe hay đang mải nghịch cái gì, rồi cứ thế ngồi nguyên trong bóng tối rì rầm kể về vùng đất giáp gianh. Nhìn từ Đồng Vàng về phía cầu Phú Lương sẽ thấy bốt Vũ Lam với mấy lô cốt há họng đen ngòm, ngày nào cũng dội sang đủ ba cữ pháo. Còn đằng sau, mạn sâu  đất Thanh Hà, Chí Linh lại là khu du kích. Vũ Xá mình lửng lơ ở giữa. Bên nào cũng muốn chiếm nhưng chẳng theo ai. Cùng một nhà nhưng cánh đàn ông vượt sông lên rừng kháng chiến còn mấy cô em gái lấy Tây, lấy Đội là thường. Nhà mình cũng thế. Bà bé Út lấy ông Tây đồn trú. Út đẹp gái nhất vùng…
Bà không nói thì tôi cũng biết Út của bà có gương mặt mịn như sứ nõn. Trong bóng tối, bao giờ ánh sáng từ gương mặt Út cũng rời rợi hắt ngược ra. Bây giờ Út đang nằm kia, gối đầu lên lòng bà, nhìn tôi, ánh mắt trong và buồn như nước đầm Mực những ngày đông chí. Bà vuốt tóc Út – mái tóc dài đến tận ngang hông bằng bàn tay gầy trơ những đốt rồi rì rầm hát: “Có chồng thì lụy theo chồng. Nắng mưa phải chịu mặn nồng phải cam”. Út nhắm mắt. Hình như đang ngủ. Bà cứ hát như ru. Giọng bà đục và run. Bà già quá rồi mà Út của bà không tuổi, vẫn mãi là cô bé mới mười bảy hôm ấy theo chị dâu đi chợ tết Vũ Lam.
… Bà kể giấc ấy lưng lửng buổi. Thời loạn, chợ Tết vãn sớm, đường về vắng người, Út đi sau bà cắp cái thúng con đựng mớ lá dong và bó mùi già còn nguyên mấy chấm hoa trắng trên chùm nhánh quả xanh li ti như ngọc. Đê cuối đông cỏ lụi chạy tít một màu xám xịt đến khi chạm màu trời âm âm như sương mới dừng. Út bảo chị nhìn đi, hôm nay ẩm trời mà phía Đông Triều núi lên rõ thế. Ba anh nhà mình đều trên ấy cả. Tết này vẫn không về. Bà gật đầu dịp này hai bên đánh rát, nhắn được một câu còn hiếm nói gì về. Anh Cả cô còn chưa biết mặt thằng Cu. Tôi sinh nó nhằm dịp thanh minh, loáng cái đã gần hết năm. Kiểu này cứ đêm du kích đánh qua, ngày pháo đồn dồn sang nát đất, mình ở giữa chẳng biết thế nào. Út lật mê nón gạt tóc xòa bên má lem nhọ bếp chỉ tay về phía làng: “Nhà mình kia! Cái vòm cao vượt hẳn lên đấy!”. “Ừ nhỉ! Mấy cây thị vài năm nữa khéo xòa kín vườn. Cô thấy lạ không, cái giống thị ta quả nhỏ nhưng lây đều, càng héo càng thơm sao chỉ đất nhà mình trồng được nhỉ? Mà thầy cũng chiều con gái, ương cho cô cả một vườn. Sau này yên hàn…”. Út lấp lánh mắt cười: “Sau này yên hàn, em bảo thầy và các anh làm cho em một chái ngay đầu hồi em ở. Dưới gốc cây to nhất ấy. Mùa quả, em mở cửa vườn cho trẻ con vào hái. Em tết dây chuối làm rọ, treo thị chín khắp nhà…”.
Có tiếng xe cam nhông theo gió quẩn dọc triền đê. Bà giục Út đội cái nón lên. Cúi mặt xuống. Mặt mũi lem nhem, tóc tai xõa xượi nữa đi. Rảo chân nhanh về phía lũy đầu làng mọi người đang ngồi kia! Xe bọn Tây bốt Vũ Lam sắp ngang qua đấy!
“Út của bà gặp ông Tây đồn trú hôm ấy phải không?”.
Cả nhà tôi, kể cả bà, đều gọi chồng Út là ông Tây đồn trú. Không gọi thằng Tây như mọi người. Cũng không gọi tên. Bà bảo một ngày còn nên nghĩa huống chi ông ấy cũng người tử tế. Nếu không phải vì chiến tranh chắc chẳng phải sang đây bắn giết làm gì.
“Lúc đầu Út không đồng ý phải không bà?”.
“Cả nhà mình nữa. Không một ai. Nhưng ông ấy đi lại dễ đến nửa năm. Tử tế người ta mới thế chứ nếu như đứa khác nó cứ bắt về đồn cũng phải chịu. Sau Út bảo em đi chị ạ. Em nghĩ rồi. Người ta biết nhà mình rõ lắm. Biết thầy theo Việt Minh, biết các anh trên rừng vẫn thi thoảng đảo về, em với chị đàn bà con gái, hai đứa còn nhỏ, chỉ một trận càn qua là tan tác hết. Giờ em đi may ra giúp được gì…”.
Út đi lấy chồng vào đầu hè năm 1953. Bà gặp Út một lần duy nhất. Lúc ấy tháng tám mùa quả chín, Út về, áo cánh nâu quần đen, cái nón hơi nghiêng che chiều nắng cho em bé trong bụng, mắt buồn: “Em nhớ mùi thị quá. Chồng em bảo hết đợt này thì cố xin về nước. Tay nhuốm máu, oán thù chồng chất đẫm lắm rồi. Em không muốn đi theo… Chị nói các anh với thầy cẩn thận. Súng đạn vô tình. Em cố giữ yên cho người nhà mình lúc nào hay lúc ấy chứ để bị bắt lên đồn là mất xác. Thằng đồn phó không tha ai đâu. Nó ác lắm, bắt nhiều người lắm. Đêm nào em cũng nghe nó tra tấn, nó cắt cổ người. Nghe cả tiếng máu phun qua cổ họng… Chị ơi…”. Bà bảo đất trời tao loạn như này sống chết nhờ giời chứ không ai nói trước. Lấy chồng phải lụy theo chồng. Nếu chồng đi thì Út cũng phải đi, sau này nguôi ngoai, còn nhớ vườn thì về cũng được. Hay chị ương sẵn cho Út mấy cây thị nhỏ, lên tàu mang theo. Biết đâu hợp đất hợp trời…
Cây của Út bà ương ngày ấy bây giờ xòa tán giữa vườn. Nhà của Út nằm dưới vòm cây mỗi khi nắng xuyên qua giại tre lại thấy chập chờn bóng đất. Cuối năm ấy Út và ông Tây đồn trú không lên được chuyến tàu về đất Pháp mang theo đứa con chưa sinh và bầu đất nhỏ ương cây thị góc vườn…
… “Năm nào nhà mình có một cái giỗ chung. Gọi là giỗ Cả. Con nhớ giỗ ai không?”.
Tôi lặng im không đáp lời bà vì tôi biết đêm nào bà cũng hỏi tôi câu ấy rồi lại tự trả lời ừ nhiều quá biết làm sao được. Trong hàng mấy trăm con người ấy có những người tôi gọi được tên. Đó là ba ông tôi. Là cụ. Là cả Út và ông Tây đồn trú. Họ rủ nhau đi hết cùng một lượt. Chỉ hơn kém một ngày sau trận Việt Minh đánh đường sắt Hà Nội – Hải Phòng dưới chân dốc Phú Lương. Bà kể đận ấy mưa nhiều mà ngằn ngặt rét, một đêm bất chợt ông tôi về, ướt sũng đất bùn chỉ nhìn rõ hai hố mắt bảo có cái áo ấm nào không, ngoài kia rét quá, ngâm nước ngoài đồng lác mấy hôm nay máu đông thịt quắt hết cả rồi. Ba cái nhà ạ. Ba anh em tôi. Nhà đừng hỏi gì. Nghe tôi dặn. Ngày mai nhà mang dậm ra ngoài đầm Mực. Đi quá sang bên kia, góc quai vạc, chỗ ấy nhìn lên thấy quãng đường sắt dốc Phú Lương. Cứ đánh dậm bình thường nhưng để ý nếu tàu quân sự Hải Phòng về, đúng từ dốc cầu cao chớm xuống thì giơ mõ dậm lên. Đừng đi sớm quá kẻo chúng nó nghi. Nếu mai không được thì cứ hộ tôi hai hôm nữa thế… Ở nhà lúc nào cũng phải nghe ngóng, nếu bất thường thì đưa ngay thầy với các con chạy lên Đông Triều. Anh em tôi trên đấy cả…
“Hóa ra trận đường sắt ấy ông đánh phải không bà?”
“Bốn người con ạ. Trong đó có ba ông nhà mình. Chuyện ấy mãi sau bà mới nghe kể… Pháp chuyển quân từ Hải Phòng về Hà Nội. Hình như tiếp viện cho Điện Biên. Người nhà mình thông thạo địa hình lại có kinh nghiệm đánh bộc phá công đồn nên tất cả cùng về trận ấy. Con hỏi làm sao bà phân biệt được tàu quân sự và tàu khách? Biết chứ. Tàu quân sự thường hay được chặn đầu chặn đuôi bằng các đoàn tàu khách. Các cửa toa đều có lính canh. Tỉnh mắt nhìn từ xa cũng thấy…”.
Bà lặng im hồi lâu, lần tay vào bóng tối. Rồi tiếng mõ tre lại vang lên. Lẩn quất đều đều từng nhịp. Tiếng mõ hàng chục ngàn đêm không tan cứ úp chụp lấy vườn. Rồi lẫn đâu đó, lại tiếng bà, lúc có lúc không: “Dốc Phú Lương đổ xuống Ngã Ba Hàng ngày đó cao lắm. Đường sắt cũng trên cao chứ không ngang một vệt với quốc lộ như giờ… Đánh chỗ ấy là điểm vào tử huyệt. Gần tạ thuốc nổ hất đoàn tàu tung lên rồi gẫy làm đôi. Từ trên lao xuống sắt cũng nát nói gì người. Chết nhiều lắm con ơi… Lính Âu – Phi… Cả lính Việt mình…  Ông Tây đồn trú cũng đi đón quân trong chuyến ấy…”.
“Thế các ông nhà mình thì sao hả bà?”.
“Cũng chỉ là nghe kể… Lúc mìn nổ, bà lẩn vào đồng lác thoát về làng cũng là lúc các ông bật nắp hầm rút lui. Nhưng vì hầm chật, lại ngâm nước lạnh, ngấm rét mấy ngày nên chân rệt cứng… Chúng nó phát hiện, bắn đuổi theo… Cả bốn người cùng chết…”.
… Bà lại lặng im. Tiếng mõ cũng im thôi không dội ngược vào trong óc. Tôi nhìn Út nằm nhắm mắt, gối đầu lên lòng bà tưởng như đang ngủ. Nhưng không phải. Tôi nghe tiếng Út: “Hát đi con! Ngày xưa, chiều nào trong đồn Út cũng được nghe hát.”. “Vâng con biết! Ông nhà mình mang từ Pháp sang một cây ghita gỗ…”.
Và tôi hát. Không phải câu hát của bà bao đêm đệm bằng tiếng mõ mà là khúc hát của tôi với cây ghi ta cũ dây chùng: “Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn…”. Tóc Út kia, lấp loáng chảy thành dòng trên mặt chiếu. Suôn lạnh và ướt sũng… Từ ngày Út về đây, đêm nào tôi cũng hát cho Út nghe. Không biết Út có ngủ hay không nhưng không khóc như ngày xưa nữa…
“Từ ngày Út đi, bà chỉ gặp Út một lần vào mùa thị chín phải không bà?”.
“Ừ! Bà trông thấy Út lần ấy. Còn lần sau Út về chỉ nghe tiếng ngoài hiên. Đêm cái trận đường sắt, cả làng cài liếp tắt đèn không ai dám ló mặt ra. Ngồi trong bóng tối bà bảo thầy ơi, mai thầy tìm cách nào hỏi dò tin nhà con và hai chú. Con sốt ruột lắm… Lúc nhà con dặn, con làm theo cũng chỉ tưởng đánh tỉa như mọi bận…  Có ngờ đâu sấm ngang chớp dọc thế này. Mấy anh em lành ít dữ nhiều rồi… Mà sao từ chiều đến giờ chưa thấy chúng nó đi càn? Mọi bận có chuyện là lính vào làng lùng sục ngay… Mà sao tự nhiên con lo cho Út quá… Giờ mới canh ba… bao lâu nữa thì hết đêm… Con khó thở… Thầy có thấy quanh đây nặng mùi máu không thầy…”.
Đêm ngoài kia không tiếng động. Không có gió. Chỉ thấy hơi sương như mưa quẩn, đặc bốn bề… Rồi bất chợt bà nghe đập cửa, Tiếng Út… Út về bao giờ mà cả nhà không ai biết, lập cập, hối hả giục chị đưa thầy với hai đứa đi ngay… Nó cho người về bắt… Bà nhao ra, chưa kịp gọi thì Út đã lẫn vào sương…”.
Bà cứ rì rầm kể. Tôi cứ lặng yên đếm. Tiếng mùa thu ngoài kia đã bước vào đến giữa vườn. Đêm đang trở mình trong mùi thị rụng lăn trên nền đất ẩm những vệt tròn và mượt như nhung. Thị thêm một mùa quả. Và tôi thêm một đêm nữa tiếp hàng ngàn đêm, ngồi trong bóng tối, nghe bà kể chuyện một mình. Bà bảo lúc ấy, khi chạy ra chỉ thấy sương mà không thấy Út, bà quay vào bế hai con đặt trong lòng thúng, quàng ngang lưng ruột tượng gạo, giục thầy ơi, thầy nghe Út báo chưa?
Đêm ấy sương nặng lắm. Lại còn mưa. Gánh mẹ mày và cậu út ra đến ngõ, bà định băng tắt ngang đồng về phía bãi thì lại nghe tiếng Út từ đâu vẳng về. Khàn đặc nhưng bà nhận ra ngay, bảo qua lối gò chị ơi. Đừng đi đường ấy, nó phục kích… Bà hỏi Út sao về được? Giọng làm sao thế? Chờ chị với…Nhưng tiếng Út xa lắm. Cứ như trôi trong sương. Bà gọi Út ơi, chị giục thầy đi không được. Thầy bảo ở lại ngóng tin mấy anh em rồi lên sau. Chúng nó vào làng rồi Út ơi! Súng rát quá! Chỗ nhà mình lửa cháy… Không biết thầy có chạy kịp không… Út nói gì bà nghe không rõ. Rồi cứ theo tiếng, mãi đến bãi mới chập chờn thấy bóng, hình như ngoảnh lại bảo chị cho em cu sang sông trước. Em bên này trông con hĩm. Nhanh lên nó lại bắn pháo sáng bây giờ. Bà đội thúng lên đầu, bơi đứng, đưa cậu mày sang đến giữa sông còn nghe Út dặn chếch lên một tí, bờ bên ấy có cái ngoàm đất vừa mới lở, đặt con vào, nếu pháo sáng thì đất che cho thế mà khi quay vòng lại chỉ thấy mẹ mày ngồi một mình bên mép sóng, tay khư khư cái rọ đay đựng quả thị khô. Hỏi Út đâu, nó chỉ tay về cuối bãi. Sau sương phía ấy là đường Năm…
… Út đi về cuối bãi. Qua sương. Về dốc cầu Phú Lương đổ xuống Ngã Ba Hàng…
Chuyện ấy, mãi sau này về làng, gặp mọi người, nghe kể bà mới biết.  Ông Tây đồn trú chết. Ba anh trai bị kéo xác về phơi ngoài lô cốt chán rồi thả trôi sông. Thằng đồn phó đích thân bắt Út quăng xuống trại lính Âu – Phi. Tối ấy con Út chết… Chúng nó ném hai mẹ con qua tường bốt ra hào. Nước lạnh, Út hồi lại, bò lên… Bò đến đâu máu thành vệt dài theo đến đấy. Hàng cây số… Tận đến bên đường tàu, chỗ có phiến đá xanh, đoạn ông Tây đồn trú chết mới dừng…
… Bà lại khóc. Lần nào kể đến đây bà cũng khóc. Những giọt nước mắt khô, keo sắt lại lăn lẫn trong tiếng mõ lẩn quất đâu đó giữa đám lá vườn: “Xót Út lắm con ơi! Nếu không có đận ấy thì chỉ sang tháng là Út lên tàu với ông Tây đồn trú… Con Út giờ lớn lắm… Mà cây thị bà ương cho Út biết đâu hợp đất hợp trời… Ai ngờ cơ sự ấy… Tại bà hết…  Út không trách nhưng bao nhiêu năm cứ lang thang đường sương rệ cỏ gọi mãi không về…”.
Đúng thế… Tàn chiến tranh bao nhiêu năm bà gọi mãi Út không về…
… Mẹ tôi kể khi hai chị em dắt díu nhau theo bà về vườn cũ thì nhà xưa cháy rụi, trơ nền đất chai như sành nhưng khoảng sân trước mặt cỏ gừng cao lút gối. Cây thị đầu hồi chết nỏ, chỉ chờ người về chạm chân vào đất cũ là rũ cành khô thân mục xuống vườn. Mộ cụ tôi toen hoen một nấm cạnh cây thị bà ương cho Út đã cao vượt lên, dáng không thẳng mà nghiêng hẳn về phía mộ, tầng lá đầu tiên đã xoà tròn như bóng nón che mưa nắng bốn mùa. Bà bảo ngày xưa Út ước hết chiến tranh sẽ về dựng một căn nhà nhỏ chỗ đầu hồi này. Giờ nhà mình tan tác hết… Chỉ còn mấy bu con…  Mẹ tôi bảo thế bu làm cho Út cái nhà trên nền cũ. Con bứng cây thị của Út về. Cái đêm ở bến sông Út đưa cho con cái rọ thị này, bảo trong đồn không có dây chuối, phải dỡ bao gai bọc đạn pháo lấy sợi để đan. Quả thị mang từ vườn nhà, Út giữ khéo lắm nên chỉ héo khô lại mà không thối. Dặn sau này mùa đến, nhớ hái một ít, treo bên cửa sổ. Út theo mùi quả sẽ về…
Ngôi nhà trong vườn thị bao năm nay là nhà của Út, mẹ con bà cháu tôi chỉ là người ở nhờ. Cây thị từ ngày về đầu hồi vẫn nghiêng nguyên dáng cũ, tán mênh mông che khuất mặt trời. Nhà của Út. Cây của Út. Và vườn xưa của Út. Kể cả cái quán lá dưới gốc đa, cạnh đường làng, quá lên một chút chỉ tầm hai chục mét nữa sẽ cắt ngang đường sắt sang Ngã Ba Hàng bà cũng bảo là quán của Út. Mấy mươi năm đường cũ làm lại bao lần, dốc cầu Phú Lương giờ xoải xuôi một vệt êm như cánh chim nghiêng, từ trên tàu nhìn qua khung cửa sổ che lưới mắt cáo vẫn thấy đất Vũ Xá như hai đầu đòn gánh, đồng gần vẫn xanh rời rợi còn bãi bờ xa vẫn bốn mùa yên lặng lẫn vào trời. Bình an thế nên chẳng mấy ai ngang qua còn biết chỗ này ngày xưa từng có lần giời long đất lở. Chỉ có người làng là rõ Vũ Xá chẳng có đêm nào thực sự bình yên.
“Ngày xưa bé theo bà ra đây dựng quán, hai bên đồng còn thoáng, từ gốc đa này nhìn ra, rõ lắm… Nhất là những đêm trăng lu… Toàn đàn ông. Đứng ngồi la liệt cả. Tàu đêm chạy qua họ tản rồi lại tụ. Bây giờ vẫn thế. Chỉ có điều bị hàng quán đuổi họ phải dạt ra tít phía đồng kia. Đất này độc. Loạn lạc không nói nhưng hòa bình lâu rồi mà chỉ loanh quanh chỗ ngã ba giao giữa đường tàu với đường Năm cũng bao nhiêu mạng… Tàu sầm sập, còi hú ngang trước mặt mà có người cứ nhao đầu vào cho tan xương nát thịt. Âm khí ngày một quẩn không tan rồi cứ thế dâng lên mờ cả mắt người. Cứ thế này thì còn chết nữa. Hồn lang thang cũng có người lành người dữ. Út nhà mình cũng lang thang. Nhưng không dữ. Út hiền…” – Mẹ tôi ngồi bó gối trên  bậc hè đất trước cửa quán, trong nắng quái đỏ bầm màu máu, nhìn đăm đăm về phía Ngã Ba Hàng rì rầm kể chuyện tôi nghe. Mẹ bảo, ngày mới ở rừng về, đêm nào bà cũng dẫn hai chị em ra đây chờ Út. Cái quán này cũng thế, lúc đầu, chỉ là túp lều ba mẹ con tránh sương đêm. Sau có thêm tích trà xanh, ấm vối. Người làng qua, người ngang đường ghé, có buôn bán gì nhưng lâu dần ai cũng gọi là quán. Bà bảo ừ thì quán. Bu con mình cứ chờ Út ở đây… Đấy, lúc đầu đồng không mông quạnh, cái lều nhỏ đêm thắp đèn đêm không. Thế mà sau này thấy bóng đa rộng lại đua nhau đắp nền dựng vách bán buôn đủ kiểu. Mẹ bảo bu ơi, ngày xưa đã thế, giờ nhộn nhạo như này… Nhưng bà bảo mấy chục năm rồi vẫn đợi, biết đâu Út nghĩ lại… Con thấy đấy, cái gì làm được cho Út mẹ làm hết rồi. Nhà xưa dựng lại, cây thị của Út mẹ và cậu mang từ vườn về đặt ở đầu hồi, cạnh khung cửa sổ song tiện treo cái rọ thị tết bằng sợi gai…
Tất cả cùng đợi…
Thế mà gọi mãi Út không về…
Bà bảo đêm nào bà cũng nhìn thấy Út nhưng không rõ mặt, chỉ thấy cái dáng mờ, bế con ngồi bên rệ cỏ. Cả ông Tây đồn trú nữa. Hai vợ chồng tách hẳn ra, lủi thủi gục đầu đi về cuối đường sương. Bà còn nghe Út hát ru con: “Ai làm cho bướm lìa hoa. Cho chim xanh chết khi qua vườn hồng. Ai làm cho cánh lìa bông. Cho ai chất chứa sầu đong vơi đầy”. Bà khóc Út ơi, Út giận chị phải không… Tại chị cả… Út về với chị đi… Út chửi Út mắng gì cũng được… Cho chị gặp một lần thôi…
“Thế Út không nói gì hả mẹ?”.
“Có! Đêm ấy mùa đông. Mưa lắm. Cả nhà Út ba người bồng bế nhau đứng ở ngã ba, lặng im nhìn về quán, bóng Út nhập nhòa lẫn vào mưa. Bà chạy ra nhưng đuổi theo bước nào là mờ thêm bước ấy. Mẹ gọi Út cũng không dừng nhưng tiếng vọng thì rõ lắm, bảo chị cho hai đứa về đi. Ở đây âm khí, ám vào trẻ con không tốt… Đấy, mấy chục năm có lần duy nhất đấy… Nhưng sao từ ngày về nhà, đêm nao mẹ cũng nghe tiếng tàu qua cửa. Không bao giờ ngủ trọn. Toàn ác mộng… Đi lấy chồng cũng thế. Vợ chồng bỏ nhau cũng vì thế. Mãi sau này may gặp dượng, có người thông cảm, đêm đêm nghe mình gào thét cũng không bảo mình điên. Nói thật, ngày ấy mẹ cứ tưởng bỏ đi khỏi vườn là thoát… Ai ngờ bà nói đúng. Đâu cũng đất trời này…”.
Tôi lặng im, nhìn cái bóng gầy hắt một vệt dài đen sẫm trên nền đất. Nắng quái đột ngột hực lên những vệt đỏ cuối cùng rồi bất ngờ tắt ngấm, kéo đêm lừng lững dâng lên che khuất mặt người. Phố trước làng sau bốn bề lần lượt lên đèn cả. Chỉ chỗ tôi với mẹ ngồi đây, đằng sau cả một vệt dài quán hàng lô nhô cao thấp là đang dần lẫn vào bóng tối. Những cánh cửa sắt kéo kín, cái nhốn nháo ồn ào của ngày biến mất, trả lại Ngã Ba Hàng im lìm trong khoảng âm âm không biết đất hay trời…
“Sắp chưa con?”.
“Rồi mẹ ạ!”.
Lửa xòe lên. Ánh đèn bão vàng một quầng như cái nong tằm nhỡ chập chờn di chuyển. Trước mặt tôi, cách hơn hai chục mét là Ngã Ba Hàng. Ngoài đường Năm, ánh sáng hắt qua đường tàu sang nhập nhoạng quãng sáng quãng tối. Tôi xách quầng sáng đi ngược về phía ấy – chỗ có phiến đá xanh to bằng nửa cái chiếu đơn bên rệ đường – chỗ Út đứng chiều qua…
… Chiều qua tàu Hà Nội – Hải Phòng về muộn hơn thường lệ. Lúc ấy tầm ba giờ, tôi đang ngồi trong quán nhặt những trái thị bé xíu nhưng trái nào cũng lấp lánh ánh vàng hệt như những giọt nắng đầu thu từ vườn lăn về đọng trong lòng thúng đặt vào những chiếc khay mây lót lớp lá vàng khô trên cái thồi gỗ mít bé tẹo của Út chuẩn bị cho ngày giỗ Cả thì nghe tiếng còi tàu. Không mơ hồ lẫn vào tiếng lá, cũng không trầm hiền nhưng náo nức hai ngắn một dài như thường lệ mà chói gắt dồn dập từng hồi lẫn trong tiếng toa sắt xô vào nhau cùng tiếng bánh xe kim loại miết trên đường ray quật ngang mặt những vệt âm thanh sắc như lá mía mùa đọng mật…
“Mẹ cũng nghe thấy thế – Có tiếng mẹ tôi thì thầm ngay trong bóng tối sau lưng –  Nghe cả tiếng bà gọi mẹ lẫn trong tiếng vườn…”.
“… Nhưng ngay sau đó tiếng tàu im. Con chỉ nghe tiếng loa thùng hát bên quán nhà chú Nhỡ. Tiếng ai đó cãi nhau… Ầm ĩ lắm… Toàn tiếng người. Rồi con nghe nó gọi. Bảo mày sang phố với tao không… Chúng con chỉ cách nhau vài bước. Trước mặt, chỗ Ngã Ba lúc ấy nhiều người, trai gái trẻ già đủ cả, cứ gọi mau lên cho vui. Nó đi trước, chìa tay ra cho người ta đón. Con chưa kịp lên theo, mới chớm đến  chỗ phiến đá xanh thì có người lôi giật lại. Lúc văng xuống rệ đường đầy cúc dại, nghe tiếng rít trên đầu mới biết tàu qua…”.
Mẹ tôi quỳ xuống đưa những ngón tay khô quắt như que củi lần khắp mặt đá ướt sương, lặp đi lặp lại những âm thanh rời rạc, vô hồn: “Tan nát hết… Tan nát hết…”. Tôi cũng khóc, lấy trong cái túi vẫn đeo bên mình ra mấy món đồ đặt lên cái khay đan bằng cỏ tế bảo nó rủ con đi mua những thứ này. Chúng con có nhìn thấy, có nghe thấy gì đâu. Người ta gọi rồi chìa tay ra đón. Mẹ bảo Út cứu con phải không? Con thấy cái bóng trẻ, khoác cái áo dài ngang đầu gối. Rách lắm… Màu vàng…
Mẹ tôi vẫn quỳ trên đá, hỏi tôi không biết hôm qua Út đứng chỗ nào. Giá mẹ gặp Út một lần, để mẹ hỏi sao Út cứu được con, cứu được người nhà mình mà không cứu nốt con bé ấy? Sao Út vẫn quẩn quanh đây mà không chịu về nhà? Mẹ còn phải hỏi Út ơi con có làm gì đâu mà đời con khổ thế. Đêm nào cũng không yên. Sao thoát được khỏi vườn ra đây ông giời còn bắt con thêm việc đi nhặt xác người?
Hai bàn tay mẹ xòe ra trước mặt tôi. Ánh đèn chao nghiêng qua bóng tối soi từng vệt dài loang lổ như vệt máu: “Từ ngày ra với dượng, mỗi khi tàu ngang qua mà sắp có chuyện mẹ đều nghe thấy đầu tiên. Âm thanh khác lắm. Từ tiếng còi đến tiếng gió rít trên đường ray… Lần nào mẹ cũng nghe bà gọi… Nhưng lần nào sang đến nơi cũng tan nát hết rồi… Cũng không hiểu sao ngày còn ở vườn với bà thấy máu đã sợ thế mà giờ chẳng biết ai bắt mẹ thế này…”.
Mẹ ngồi ngay dưới chân tôi. Rất gần. Nhưng tiếng thì xa. Tận đâu đó lẫn về trong tiếng gió. Đầu mẹ gục xuống. Mỏm xương đầu hai vai nhô lên như hai mấu đòn gánh dưới lần áo mỏng cứ nhòa dần đi trong đêm mười tư tháng bảy đẫm đìa trăng. Hôm qua, lúc nhặt nhạnh, sắp xếp xong từng mảnh da thịt của bạn tôi đặt vào trong lòng chiếu mẹ cũng ngồi lặng im y như thế mãi đến khi ai đó giúi vào tay khúc thân chuối cắm bó hương nghi ngút khói bảo em sợ, chị hộ em để vào cạnh chỗ cháu mới ngẩng lên, đỡ đẫn nhìn, hình như còn không nhận ra tôi…
… Có tiếng còi tàu vẳng về trong gió. Từ bóng đêm xa tít đằng kia tiếng bánh sắt rõ dần. “Chờ tàu qua đã con!” –  Mẹ tôi đứng dậy đón cây đèn bão, bước sang bên kia đường. Cái bóng gầy lẫn vào trăng nhưng ánh sáng từ ngọn đèn giơ cao trên tay lại rực lên như lửa. Đằng sau mẹ toán công nhân may tan ca muộn dừng lại. Tàu sắp về hả cô? Đi qua chỗ này không có cô sợ lắm…
Có bước chân dừng lại phía sau tôi. Bước con gái. Nhẹ và êm hệt tiếng lá khô rụng trên nền đất vườn sau mùa quả chín. Tôi giơ tay ngăn lại bảo chị chờ một chút, tàu sắp qua rồi. Lặng yên…. Tiếng bước chân lùi lại thêm quãng nữa. Cái bóng bé nhỏ lủi thủi nổi bật lên trên nền quán chợ nham nhở, trông thương. “Chị đi đâu muộn thế?”. Tiếng trả lời vẳng lại lẫn vào tiếng đầu máy rít trong tiếng gió. Người lái tàu  vẫy tay chào mẹ từ trên buồng lái ngập ánh sáng vàng. Rồi dòng ánh sáng kéo nhau trôi trả lại Ngã Ba Hàng mang mang trong trăng mờ như khói. Tốp công nhân líu ríu bước qua. Tôi quay lại. Cái bóng mờ dần rồi biến mất cuối vạt cúc dại cao ngang ngực bỏ lại mình tôi trong hương thị chín giữa một vùng mênh mông đồng tháng bảy đục màu sương…
Bước chân lạo xạo trên vạt đá dăm khựng lại. Mẹ tôi cũng vừa sang đến nơi. Quầng sáng vàng rơi xuống đổ nghiêng về phía trước: “Mùi quả chín… Con nghe không?”. “Có người vừa đứng sau lưng con… Mùi vườn mẹ ơi… Mùi thị… Mùi thơm rọ chuối… Út nhà mình thì phải! Út đứng sau lưng con… Út đi về phía kia. Chỗ bụi cúc. Mẹ đừng khóc… Để im con gọi Út về…”.
Nắm hương quẩn đặc khói trên tay tôi bùng lên rừng rực. Bó hồng trắng đổi màu chập chờn loang như máu giữa nền đêm. “Út ơi! Hoa cho bạn con đây! Cả đống đồ này… Chúng con rủ nhau đi mua nhưng chưa kịp… Hôm nay là sinh nhật nó… Người ta bảo chỉ còn đêm nay thôi, mai cửa ngục khóa, muốn gửi gì cho người chết thì phải chờ đến lễ xá tội sang năm. Nó làm gì có tội mà phải chờ được xá Út ơi? Nó làm sao mà phải chết? Còn bao nhiêu người phải như thế nữa Út có biết không? Mấy chục năm rồi mà không yên, cứ người nọ kéo người kia đi thế này đến bao giờ hả Út?  Út cứu được con sao không cứu mọi người? Út làm gì đi! Út bảo ông Tây đồn trú làm gì đi… Ngày xưa ông ấy là quan Hai quản cả bốt Vũ Lam giờ Út bảo ông quản Ngã Ba Hàng này đi Út…”.
Đêm lặng yên đập lại tôi rõ từng lời. Đâu đó hình như có tiếng mẹ tôi khóc vẳng trong tiếng gió bảo Út ơi con xin lỗi, nó thương bạn quá quẫn chí mất rồi. Tôi bảo không, con nói thật. Con phải đi tìm Út. Út cứu được con thì phải cứu được mọi người. Con còn phải hỏi cái gì làm Út sợ, cái gì làm mấy mươi năm Út nhớ vườn lắm mà chẳng dám về…
Nắm hương tàn thành tro giữa bốn bề đêm quánh như hồ. Gió ngừng. Rồi bất chợt đâu đó từ đáy đen thăm thẳm phía Hải Phòng vẳng lại những âm thanh quen thuộc. “Tiếng gì thế?”. “Tiếng tàu mẹ ạ. Nhưng giờ này không phải lúc tàu qua… Mà gió rít trên đường ray sắc lắm… Sắp ngang đây rồi…”.
Mẹ tôi chỉ kịp vơ cây đèn bão giơ lên thì một khối đen đã sầm sập lao về sát ngay trước mặt. Lại tiếng bánh sắt chạm vòng đường ray xoáy vào tận óc. Tàu đêm nhưng không ánh sáng chỉ thấy những bóng đen chen nhau lừng lững đứng im lìm như tượng – những bóng đen khoác súng trên vai. Lửa ma sát xẹt lên chạm với lửa đèn soi chập chờn ánh mắt trên những gương mặt lạ lặng lẽ nhìn…Tàu lính Âu – Phi… Lính của ông Tây đồn trú… Hình như ông vừa lướt qua tôi… Ông đứng ngay cửa toa cuối cùng chìa tay ra vẫy vẫy. Tôi chạy theo nhưng không kịp. Đêm trước mặt mở ra như ngoàm ếch nuốt chửng đoàn tàu, hắt trả lại những tia ma sát nối nhau thành vệt dài rơi xuống bụi cúc dại ven đường. Lửa bùng lên lướt vệt lưỡi dài dọc đường về làng. Hình như gió nổi lên từ quán Út vì tôi thấy cột lửa bốc lên từ đấy rồi loang ngược lại dãy lều quán đằng sau thốc lên thành biển lửa rừng rực nối với trời. Tôi không nghe tiếng gọi. Không nghe tiếng người gào thét. Chỉ thấy bóng Út chập chờn trong màu lửa. Út nhìn tôi rồi lặng lẽ quay lưng về phía bãi…
Đêm ấy tôi đi tìm Út. Đêm mười bốn lịch âm. Hôm sau là giỗ Cả. Mấy chục năm, bà và mẹ tôi đều làm giỗ Cả vào ngày rằm tháng bảy – ngày xá tội vong nhân…
“Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn… Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm… Giận hờn sẽ qua…”
Tôi vẫn hát. Út vẫn nằm nhắm mắt gối đầu lên lòng bà. Tóc vẫn chảy thành dòng lấp lánh trăng. Ngỡ như đang ngủ. Nhưng không phải. Tôi nghe tiếng Út như gió qua.
“Sao đêm ấy con dám một mình đi tìm Út? Đồng hoang bãi vắng… Bốn phía  ma đường tàu…”.
“Út không phải là ma. Cả em bé và ông Tây đồn trú…”.
… Út không phải là ma. Chẳng phải chỉ đêm ấy mà bao giờ tôi cũng nghĩ thế. Mùi thị chín đưa tôi ra đến ngoài bãi rồi tụ lại đúng chỗ doi đất mẹ tôi ngồi với Út ngày xưa. Gió từ sông lên quẩn dọc chân người. Bên kia, bờ bãi Thanh Hà và núi đồi Đông Triều vẫn lặng yên như hàng ngàn đêm trước. Tôi gọi Út ơi, mấy chục năm giờ con lại ngồi với Út chỗ này. Út biết không, vườn của Út mùa này quả rộ cùng một đợt, sáng nay tất cả bắt đầu thơm. Cái rọ của Út mẹ con mang về hỏng rồi Út ạ. Con đan lại cái khác cũng bằng sợi gai, treo bên cửa sổ, chỗ nhìn ra gốc thị đầu hồi. Vườn cây của Út ngày xưa có bao nhiêu gốc giờ con vẫn giữ bấy nhiêu. Bà bảo con giống Út cái nết chăm vườn, cứ lẩn mẩn từng cái lá rồi khéo không ra được đến ngoài đâu. Nhưng con bảo không, con vẫn đi học, vẫn đi làm, con học đàn ghita, con chăm vườn chờ Út…  Để sau này Út về, con sẽ giống ông Tây đồn trú, mỗi chiều lại hát Út nghe… Đừng oán thù nữa Út ơi! Út bảo mọi người về vườn với con đi Út!
“Ru mãi ngàn năm vừa má em hồng…Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son… Cho vừa nhớ nhung…”.
Có bóng người ngồi xuống bên tôi. Không phải Út. Là ông Tây đồn trú. Ông cởi trần vận manh quần rách, trên tay ôm bé trai quấn trong mớ giẻ cũng nát tươm. Rồi đến Út. Khuất sau ông, co ro trong cái áo dài ngang đầu gối. Út mặc áo của chồng… Bàn tay gầy lạnh ngắt đón lấy tay tôi, Út cũng khóc, nước mắt nhoà hết mặt, tóc ướt sũng chẳng biết có phải vì sương: “Con nín đi! Út về với con đây rồi…”.
Bàn tay Út trong tay tôi. Ướt lạnh và mềm. Út kể tôi nghe đêm đêm ngồi rệ cỏ lúc nào cũng thoang thoảng quanh mình mùi thị chín. Út hay hỏi chồng mùa này vườn ẩm, anh có nghe thấy tiếng hoa thị bung từng cánh, thấy mùi hoa mát như mùi mưa không? Giá như đừng đánh nhau, em đưa anh về vườn. Cả nhà thương em lắm… Chồng Út bảo về làm sao được. Ba anh bị quăng mất xác… Thầy bị thiêu sống… Oán thù chồng chất thế ai cho về mà về. Thế là lại khóc. Cứ lẩn lút gốc đa bụi duối. Đói nhặt cỏ, khát uống sương. Ngày Út chết một mảnh vải  che thân không có nên càng không dám gặp người…
Tôi mở cái bọc vẫn mang theo bên mình. Mùi vải mới thơm như nắng: “Thôi Út đừng khóc… Áo Út đây…   Để con mặc cho Út… Út về… Út sẽ đẹp như xưa…”.
Bốn phía quanh tôi dâng ngập mùi quả chín. Trăng trên cao kia trong vắt như thủy tinh. Út vẫn gối đầu lên lòng bà. Như đang ngủ. Có tiếng còi tàu thênh thang theo gió, vắt qua vườn một dải âm thanh ấm và mềm. Tôi hỏi từ ngày mọi người dẹp hết dãy hàng quán cháy trả lại hai bên đường khoảng lưu không mênh mông cúc dại như ngày xưa tiếng còi tàu hiền hơn phải không hả Út?
Hình như Út mỉm cười. Có tiếng ghi ta gỗ bập bùng đâu đó. Lẫn trong tiếng hát đàn ông trầm trầm là tiếng Út, êm như gió qua vườn. Út bảo ông nhà mình đốt đấy. Đốt cả cái quán chờ Út để người đi thoáng tầm nhìn. Từ ngày lính của ông về vườn, bớt khí âm che mắt người dương, Ngã Ba Hàng êm hơn rồi con ạ… Đêm nay mười tư, mai là giỗ Cả… mấy trăm con người đang đợi, con hát Út nghe đi…
Đêm ngoài kia xa lắm. Tàu Hà Nội – Hải Phòng đang sầm sập ngang qua phố nhỏ. Cuối con đường mảnh như chỉ dưới trăng thấp thoáng bóng mẹ tôi đứng trên phiến đá xanh, tay giơ cao cây đèn bão. Ngoài sân, các ông tôi đang nói gì đó với ông Tây đồn trú. Tiếng cười rộ lên…
Đông lắm…
Rất hiền…
Và tôi lại đón lấy cây ghi ta cũ lướt ngón tay trên hàng phím dây chùng “Ru mãi ngàn năm…”.
21/11/2023
Nguyễn Hải Yến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...