Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Viên đạn ngọt - Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Viên đạn ngọt - Truyện ngắn
của Trần Quỳnh Nga

Tùy lặng yên. Trước mắt anh cảnh và người tưởng chừng như thân quen giờ đều trở nên xa lạ. Anh vẫn thường gặp trong giấc mơ của anh dòng sông Gấm trong đêm mùa đông sâu hun hút. Đồng đội anh phải níu vào chiếc dây thừng dài nối hai bên bờ để bơi qua sông trong cái rét tê người, càng không thể quên được khe Ve khi cả tiểu đội chỉ còn lại hai đứa cùng nhau chụm đầu ăn bữa cháo cuối cùng cạnh con khe nồng nặc mùi thuốc hóa học.
Quản ngồi như tượng trong phòng làm việc từ đêm đến sáng. Mắt chong chong nhìn lên trần nhà, trong đầu rối rắm bao ý nghĩ không biết phải bắt đầu từ đâu. Từ chiều qua, tin tức đã được tung ra trên mạng xã hội về việc nước sông Gấm bị ô nhiễm gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rồi. Anh muốn gỡ cũng không còn kịp nữa. Cuộc gọi vừa qua với anh Cả đã như gáo nước lạnh tạt vào mặt: “Việc không ai muốn. Chú giờ phải chịu thiệt một tí rồi…” đã như tiếng chuông cảnh báo khiến Quản bừng tỉnh.
Ngà đang ngồi trên bàn trang điểm, hình như theo kế hoạch cô sẽ tham gia một buổi thiện nguyện quyên góp cho trẻ em mồ côi ở trại trẻ. Tiếng xe đã đỗ xịch ngoài cửa, Quản xách vội chiếc cặp quay lại nói nhỏ với vợ:
– Nhà cửa bề bộn quá, anh nghĩ em nên dọn dẹp lại, càng nhanh càng tốt.
Như một điềm báo, lọ dầu thơm trên tay cô rơi xuống đất vỡ thành từng mảnh.
***
Trần Quản đã bị bắt. Trong chuyến xe áp giải về Thạch Sơn anh ta đã không nói được một điều gì.
Vụ ô nhiễm môi trường từ sự cố vỡ cống thoát nước thải ngầm dưới đáy hồ từ nhà máy tuyển nổi chì kẽm làm hàng ngàn mét khối bùn thải chảy ra đập Bún vào sông Gấm đã gây ô nhiễm nặng khu vực canh tác gây hiện tượng cá chết hàng loạt làm Tùy phải suy nghĩ. Bao lâu theo dõi công ty này, Tùy đã thấy có nhiều điều khuất tất. Nhưng càng đến phút cuối, trùm cuối ngày càng lộ dần anh càng không thể tin được đó là Quản đồng đội cũ cùng vào sinh ra tử một thời máu lửa.
Anh không nhìn Quản, Quản cũng không nhìn anh. Bao câu chuyện quá khứ và hiện tại cứ xen lẫn thành một thứ rối rắm khó gỡ.
***
– Quản, Quản mày nói gì đi.
– Nói gì?
– Cái thằng…
– Đã bảo có chết tao cũng phải chết sau mày mà.
Tùy ôm mái đầu bê bết máu và ám muội khói đen kịt của đồng đội mà cười. Cái thằng, quả bom nổ sát ngay bên cạnh mà nó vẫn còn sống được để mà tếu táo. Anh gắng gượng chút sức lực cuối cùng trong người kéo lê được thân xác to uỳnh của Quản tựa vào một hốc đất đã bị bom khoét thành một cái hang cạn, quấn lại vết thương trên đầu đang rịn máu, rờ khắp người đầy thương tích của Quản để xem tay chân có gãy không, đoạn mở bi đông đổ cho Quản một ngụm nước rồi mệt lả nằm xuống bên cạnh.
Ngày đó, sau trận tập kích của quân địch ở đèo Sa mù, trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có Quản và Tùy được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch. Cả tiểu đội 11 người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52 cuối cùng chỉ có Quản và Tùy còn sống.
Tùy đã ngủ bao lâu anh cũng không biết nữa, chỉ khi nghe tiếng chim rừng thúc thúc bên tai mới giật mình tỉnh dậy. Đêm sáng trăng loang từng vạt rừng đủ sáng để nhìn thấy Quản đang nằm nghẹo cổ, mắt mở trừng nhìn anh nhếch miệng cười. Tiếng thở của Quản xem chừng như hắn vẫn còn đau lắm, nhưng mắt ánh lên đầy niềm vui.
– Mày ổn chứ, thằng chó, mày làm tao lo tao không biết phải làm gì bên đống xác của mày.
– Thằng điên – Tùy cười nhìn đồng đội – đứa nào kéo mày vào hốc đất này đấy, để mày nằm phơi thây ngoài kia chắc lúc đêm đã làm mồi cho lũ thú đói.
Nghe đến làm mồi cho lũ thú rừng, tự nhiên Tùy và Quản đều nhìn nhau. Cơn đau hồi chiều đè bẹp cơn đói giờ như hết hiệu nghiệm. Tùy cầm lấy mẩu lương khô nhỏ trệu trạo nhai. Cơn đói nén xuống được một lúc.
Quản lục trong túi lương thực, còn một ít gạo tẻ, một hộp thịt cười như được mùa.
– Chừng này cầm hơi được ngày nữa.
– Tao nghe có tiếng suối, sáng ra chúng ta đến đó biết đâu còn tìm được thứ mà ăn. Mày gắng được không để tao đi chặt cái gậy cho mày chống, ta lại phía gần con suối.
Tùy nhìn khuôn mặt bê bết máu khô của bạn nói như an ủi. Anh biết đến giờ phút này là tròn 7 ngày lạc rừng chắc đơn vị cũng đã dời đi rồi, chẳng còn ai có thể đợi mình được nữa, phương tiện thông tin cũng không còn, nghĩa là mình đã được liệt vào dạng mất tích, người ta có muốn tìm cũng khó lòng tìm ra các anh. Chỉ hi vọng thôi, dù là mong manh cũng phải hi vọng. Tùy hiểu anh đã bị mất phương hướng rồi, nhưng lúc này đây, Quản bị thương nặng hơn. Sự cầm cự của Quản là sự bấu víu duy nhất để anh không phải rơi vào tình thế tuyệt vọng.
Trời một lúc sáng. Bình minh chiếu qua kẽ lá. Bầu trời trong veo soi rõ những hạt nhựa cây bị bom cắt ngang thân ứ ra đêm qua như những hòn bi ve trong văn vắt. Cả khu rừng không một tiếng động của gió, của chim chóc hay bất cứ một động vật sống nào khiến Tùy bần thần. Trong lúc tĩnh lặng gần như tuyệt đối đó, Tùy mường tượng ra tiếng suối chảy. Một nỗi hân hoan khó tả duyền lên trong anh khiến anh nuốt khan nơi cổ họng. Có nước nghĩa là niềm hi vọng được sống được kéo dài ra. Có nước, anh sẽ đỡ Quản xuống suối tắm rửa, kì cọ vết muội súng ám đầy mặt, băng lại vết thương cho Quản rồi đánh lửa nấu cháo. Trong khi chờ cháo trong chiếc cà men lúc búc sôi, anh sẽ xuống khe suối tìm ốc đá. Bọn anh sẽ vừa cầm cự vừa tìm đường, thể nào cũng trở về được đơn vị cũ.
Nhưng sự thật là Quản đang lên cơn sốt. Vết thương ở đầu máu vẫn rịn ra. Môi khô nứt nẻ tứa máu mấp máy liên hồi những từ không rõ. Tùy cũng đã bắt đầu nhận ra những ảo giác đã bắt đầu xuất hiện trước mắt anh. Anh cố trấn tĩnh, cố suy nghĩ để đưa ý thức của mình trở về với thực tại. Anh đã tìm khe suối nhưng vô vọng. Dưới khe suối gần như khô cạn là những vũng nước nhuốm màu xanh bốc mùi nồng nặc và những cột khói ngoằn ngoèo bay lên từ những đám cây cháy khô đang lan rộng ra cả đến chỗ hai người.
– Mẹ kiếp… bọn nó tập kết chất độc hóa học ở đây, cây cối cháy khô hết rồi. Tao mà sống sót tao viên chúng mày làm chả.
Tùy nhổ bãi nước bọt đã bắt đầu vón cục. Cơn khát đã lên đến đỉnh điểm. Anh tránh không nhìn Quản nhưng xem chừng Quản đã nhìn ra sự bất lực của Tùy. Quản là đứa ồn ào nhưng thật tâm và rõ ràng. Anh biết khi không thể tiếp tục nữa thì buông bỏ, chẳng cần phải cố cứu vãn điều gì, kể cả sự sống bởi anh tin những nhiệt huyết tuổi trẻ trong cuộc đời anh anh đã được trải qua thế là đã đủ mãn nguyện rồi.
– Dừng chỗ này thôi, đừng đi nữa – Quản nói rồi cười – Chỗ này cũng đẹp rồi, địa thế tốt, chết cũng đẹp. Tí mày mắc võng cho hai đứa nhé, tao phải dành sức viết ít dòng trước rồi thay bộ quần áo mới. Mày viết sau, ngắn gọn thôi rồi bọc kĩ sau này người ta còn tìm.
– Ừ, đành thế nhỉ!
Tùy nói rồi lặng lẽ mắc võng. Anh nhìn lên trời, bầu trời tháng sáu khô hạn, nóng bỏng bởi từng đợt gió Lào quất ràn rạt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ. Anh cố nhớ lại, hình như anh đã đi sâu vào phía trong một lúc một xa. Tùy đã từng nghe đến bãi tập trung chất độc của Mỹ có thể được chôn ở khu vực nào đó trong rừng già gần sân bay Asho, như thế nghĩa là anh và Quản đã vượt qua đèo Sa mù, Mỏ Quạ rồi mà không hề hay biết.
Quản cẩn thận chia số nước ít ỏi vào chiếc cà mèn để dành nấu bữa ăn cuối cùng.
Trời chiều dội xuống khu rừng chết một màu hoàng hôn đỏ ối buồn tẻ. Đất oi nồng khô khốc. Quản lại lên cơn sốt. Anh chẳng còn chút sức lực nào nữa để cựa mình, chỉ khẽ tựa đầu vào vai Tùy. Bóng tối dâng đầy trong mắt. Không biết bóng tối đến từ đâu, từ sâu trong tâm tưởng hay trời đang tối dần anh đã không còn phân biệt được nữa. Chỉ thấy hơi thở ứ nghẹn ở cổ không thở ra được, không nuốt xuống được. Tùy vòng tay ôm cơ thể đầy thương tích của Quản. Thể nào đêm nay cũng có mưa. Anh lo lắng, không biết Quản có kịp chờ cơn mưa sẽ đến.
Tùy cầm cà mèn cháo thổi quanh cho bớt nóng đưa cho Quản.
– Ăn đi mày.
– Đây là bữa ăn ngon nhất từ trước đến giờ mày nhỉ? – Quản nâng chiếc cà mèn lên miệng run run cười ê a – “này thân thể ta! hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (1)
Tùy lặng lẽ nhìn Quản ăn cố ghìm tiếng nấc. Anh không thể tin rằng sau bữa ăn này họ sẽ vĩnh viễn rời xa thế giới này. Anh muốn sống. Trong lòng anh cũng như bao người lính khác vẫn mong mỏi mình được sống trong niềm hân hoan vui sướng của ngày đất nước được độc lập. Nhưng Tùy hiểu, những đồng đội đã hi sinh và sẽ hi sinh đã nguyện làm những viên gạch lót đường cho đất nước đi đến ngày thống nhất. Biết dừng đúng lúc cũng được xem là một thành công rồi. Tùy nhìn mẩu giấy Quản đưa, Quản bảo dành sức để viết cho người ở lại mà cũng chỉ được mấy chữ nguệch ngoạc đẫm máu “chúng tôi đã sống và chết một cách rực rỡ”.
– Thế là đủ.
Tùy xếp mảnh giấy lại làm 4, bỏ vào túi ni lông rồi hơ lại mép dán lên lửa, cẩn thận vuốt phẳng rồi bỏ vào balo đeo bên người, đoạn quay sang Quản.
– Sẵn sàng chứ?
– Sẵn sàng!
Tùy ôm lấy Quản, nước mắt không chảy được nữa. Anh đỡ Quản nằm lên võng, đặt khẩu súng nghiêm ngắn bên cạnh Quản rồi ôm lấy mặt bạn thì thầm:
– Đêm nay mày thức mà canh cho tao ngủ, đêm mai tao thức canh cho mày.
– Ừ… tiếng Quản như lặng đi.
Đêm đó mưa rừng ào ạt dội mát lạnh trên tăng võng. Tiếng hai đứa đáp gọi nhau “Quản ơi!”, “Tùy ơi!” nghe được một lúc rồi bị át đi trong cơn mưa tầm tã.
– Thạch Sơn còn xa không thủ trưởng?
Tiếng cậu lái xe làm Tùy giật mình nhìn ra ngoài ước chừng rồi trả lời.
– Qua con đèo này, thêm một quãng nữa là đến trại giam Thạch Sơn. Đường đi khó và dốc, cậu cứ bình tĩnh mà lái.
– Bây giờ trong này người ta xây dựng hồ chứa nước lớn lắm từ thượng nguồn nên đường đi gần như được mở rộng, rải thảm gần hết. Chỉ hướng rẽ sang Thạch Sơn em chưa đi bao giờ nên không biết có khó đi không.
Tùy lặng yên. Trước mắt anh cảnh và người tưởng chừng như thân quen giờ đều trở nên xa lạ. Anh vẫn thường gặp trong giấc mơ của anh dòng sông Gấm trong đêm mùa đông sâu hun hút. Đồng đội anh phải níu vào chiếc dây thừng dài nối hai bên bờ để bơi qua sông trong cái rét tê người, càng không thể quên được khe Ve khi cả tiểu đội chỉ còn lại hai đứa cùng nhau chụm đầu ăn bữa cháo cuối cùng cạnh con khe nồng nặc mùi thuốc hóa học.
Tùy đã không biết vì sao hai con người mình đầy thương tích, cùng nằm trên hai tăng võng cạnh nhau lại có thể cùng lạc nhau mà sống sót. Nhớ năm đó, khi tỉnh dậy trong một ban quân y trong rừng già, anh thều thào hỏi về Quản, đã được cô y tá trả lời chung chung rằng có một số thương binh nặng đã được đưa ra Bắc không rõ sống chết. Lúc đó, anh đã thầm mong trong số đó có Quản, dù phần trăm sống sót ít thôi cũng mong có Quản, anh không cam tâm bỏ lại Quản trong rừng già.
Trong suốt thời gian dài sau đó, xông pha hết chiến trường miền Nam ra miền Bắc trong lòng Tùy vẫn có một nỗi day dứt không yên. Trong giấc mơ giữa những trận đánh anh vẫn nhớ đến lần cuối cùng anh ôm lấy mặt Quản nói Quản phải thức để canh cho anh ngủ mà canh cánh trong lòng một lần được trở lại rừng già.
Ấy vậy mà giờ đây, ngồi trước mặt anh là Quản, anh lại không thể nhìn Quản, lại không thể ôm lấy bạn mà khóc hay tát cho nó vài cái khi nó làm sai chuyện gì để rồi cùng nhau bỏ qua mà ngồi lại bên nhau như trước. Một tiếng đồng hồ mà dài như cả một cuộc đời. Anh không nhìn Quản nhưng cả hai dường như đã có một cuộc đấu trí rất dài.
“Rốt cuộc cuộc đời mày đã sang trang từ lúc nào hả Quản? Sao mày sống, tao sống mà chúng ta lại lạc mất nhau. Mà ta không lạc nhau luôn đi để còn giữ trong nhau những tháng ngày đau đớn mà đẹp đẽ nhất đó?”
“A, thì ra mày còn sống. Cái thằng, mày vẫn thế. Sau bao nhiêu năm rồi mày vẫn một kiểu nề nếp chỉn chu quân ngũ.”
“Lính nó thế.”
“Còn tao thì đã khác xưa, cả về ngoại hình lẫn tính cách, đến còn không nhận ra mình”- Quản nhếch miệng chua chát cười – “Tao ra khỏi cuộc chiến tranh ngơ ngác như một con nai lạc. Bị đẩy vào cuộc sống mới như một kẻ bị mất phương hướng và niềm tin để rồi không biết may mắn hay cay đắng mà gặp lại mày như thế này.”
“Sao mày làm ra cái trò này?” -Tùy hậm hực.
“Mày chả hiểu gì cả. Thương trường bây giờ còn hơn cả chiến trường, môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các mối quan hệ với quan chức, bởi cách góp vốn những đặc quyền trên sân sau của các nhóm lợi ích…mà tao chỉ là một con cờ mà nghe theo cũng chết và không nghe theo cũng chết.”
“À ra thế, mày hưởng lộc những ngày mưa tháng móc mà quên đi lương tâm và trách nhiệm của mày trước đời sống đồng bào mày. Mày có thể bán mạng mày để uống nước tinh khiết đóng lon và hưởng thụ đời sống xa hoa từ những đồng tiền mày kiếm được. Nhưng 5 triệu dân hằng ngày vẫn đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm đó, mày tính sao?”
“…”
“Mày không nhớ đêm cuối cùng ở rừng, khi tao xuống suối định hớt thứ nước lờ nhờ đó để nấu cháo cho mày tao đã không thể cầm lòng được. Tao có thể uống nó, mặc mẹ những hệ lụy sau này, nhưng lúc đó, mày bị thương quá nặng, nếu mày uống nước đó, mày sẽ chết. Hớp cháo cuối cùng mày ăn là chút nước sạch cuối cùng đấy, cuối cùng đấy.”
– Rẽ hướng Thạch Sơn rồi đấy thủ trưởng, qua con dốc này nữa là đến nhưng bị tắc đường rồi ạ?
– Sao tắc?
– Xe chở cá vớt từ các bè trên sông. Cá chết hàng loạt, dân họ tiếc của lại thuê xe chở đi nơi khác tiêu thụ.
– Sao không tiêu hủy?
Câu hỏi của Tùy vừa nói ra lọt tõm vào yên lặng. Một sự yên lặng khó chịu bao trùm lấy cả những người xung quanh. Vụ ô nhiễm nước thải và cá chết hàng loạt trên sông Gấm không phải bây giờ mọi người mới biết. Mới đây thôi, những người dân quá khích đã bức xúc chở từng xe cá đến đổ ở các trụ sở ủy ban huyện, cổng nhà máy làm xung quanh bốc mùi nồng nặc. Nhưng giờ đây, nhìn những bè cá lập lờ, những gương mặt nhầu nhĩ thất thần đến các cánh đồng một màu cỏ cháy khiến Tùy không thể cầm lòng. Đã mấy chục năm qua rồi, người dân và vùng đất nơi đây có lúc nào được yên. Cái đập Bún đó một thời là nơi quân giặc làm bãi tập kết thả những thùng chất hóa học dư thừa xuống. Con suối đó, mùa khô hạn năm nào, dòng nước lờ nhờ chảy khiến anh ngần ngừ không dám lấy nước nấu cháo cho Quản. Sau giải phóng, chúng ta đã điều đến đó không ít nhân lực thu dọn cho bằng hết những tàn tích của chiến tranh còn sót lại để người dân có thể yên tâm sản xuất. Vậy mà, rừng vừa mới lên xanh, mạch nguồn mới khơi trong trở lại chưa được bao lâu đã xẩy ra những sự cố như vậy.
Cậu lái xe cho xe chạy chầm chậm qua những trở ngại rồi dùng lẫy chuyển số sang chế độ thể thao cho xe lên đèo. Chiếc xe quân dụng gầm cao lao lên con đèo gấp khúc khuỷu có gương cầu lồi lớn, ôm cua một cách nhẹ nhàng rồi như thả theo con dốc thoai thoải. Tùy nhắm mắt. Đường vào Thạch Sơn một lúc một gần chỉ khiến anh thêm rõ ràng về vụ ô nhiễm môi trường này, dù trước đó, công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự, nhưng phải đình chỉ điều tra vụ án vì xác định “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Giờ đứng trước dư luận và bức xúc của người dân, công an tỉnh đang chủ trì thu thập chứng cứ, điều tra lại các sai phạm tại dự án trạm xử lý nước thải.
Chuyện của Quản sai thì rõ đã sai rồi nhưng anh vẫn không cam tâm khép lại chuyên án nơi đây. Viên đạn bọc đường mỗi khi đã được bắn ra thì không mấy ai có thể tránh được. Nhưng tại sao Quản lại cứ khăng khăng tự nhận lỗi về mình? Ai đã dựng lên kịch bản “cứu chúa” đổ tội cho Quản để bẻ cong chứng cứ, làm sai lệch hồ sơ khiến vụ án đi vào bế tắc.
Có những đêm không ngủ được, Tùy đã ngồi thật lâu trầm ngâm và suy tư. Trong bóng tối nhờ nhờ, anh ngồi nhìn bóng mình trong gương. Anh phải làm gì trong xã hội quan tiền này đây, trong khi thời thế đều đã thay đổi. Con người bây giờ không còn vị tha nữa, họ chà đạp nhau xuống để ngồi lên cao hơn. Họ mặc kệ những hệ lụy của nhân dân vì những ngân phiếu sẽ được gửi ở các ngân hàng lớn ở Thụy Sỹ. Anh đâu có ngờ những đồng đội đã cùng anh rong ruổi từ Bắc vào Nam gầy gò, tái tớt vì sốt rét trong rừng Trường Sơn không đủ sức đứng dậy vẫn nghiêm trang kiêu hãnh nhận danh hiệu anh hùng giờ lại trở nên lọc lõi khôn ngoan và băng hoại đạo đức đến thế.
Tùy đã thức bao đêm đọc đi đọc lại những hồ sơ liên quan đến Quản, lòng chỉ mong bạn mình không dính líu gì đến bọn tội phạm. Nhưng sự thật ngày càng rõ ràng hơn trong hồ sơ mật của anh, Quản đã vào tầm ngắm, bằng tiền, vàng, đô la và những mối quan hệ chằng chịt với một vài quan chức đã bán mình. Tùy biết, trong vụ án này, có một số đồng đội mình, đã từng là cao thủ điều tra trọng án hay có tên tuổi trong những vụ chống gián điệp từ trước đã không thể thoát được cái bẫy tiền tài và danh vọng đặt ra.
Quản từ khi gặp Tùy anh đã không thể thốt lên một lời nào. Nghĩ về những lời của anh Cả, Quản cảm thấy chạnh lòng. Đúng là dấn thân vào quan trường là phải đối mặt với sự bạc bẽo, nhưng bạc bẽo đến như thế này chính anh cũng không ngờ tới.
Và điều anh không ngờ tới nữa là anh lại gặp Tùy. Cái người mà trong căn phòng bí mật của mình anh vẫn dành để một bát hương nhỏ để mồng một ngày rằm cắm vào đó một nén hương. Cái người mà khi trên người chi chít vết thương vẫn dành cho anh miếng cháo cuối cùng để cho anh cầm cự đến phút cuối. Quản làm sao quên những cái thơm cuối cùng Tùy thơm lên mặt anh. Đó là cái ôm của tình ruột thịt, của sự che chở, nó làm cho con người ta khi đứng giữa cận kề cái chết mà thấy được thõa mãn, được yên lòng.
Sự thật trớ trêu, sau bao nhiêu năm hồi sinh làm người, làm tiền, trong lòng Quản cũng có chút chờn chợn vào cái gọi là niềm tin giữa con người và con người trong xã hội này khiến anh đề phòng. Nhưng giờ đây, đứng trước Tùy anh lại thấy mình yếu mềm trở lại. Trên đường vào Thạch Sơn, Tùy đã không nói một lời nào nhưng chính sự im lặng đó đã là trăm ngàn điều muốn nói. Ý Tùy là để cho anh tự vấn lòng mình, tự nhận ra được sự bạc bẽo của cái chốn vốn không có tình người. Chỉ vì tư lợi cá nhân mà bất chấp đạo đức. Giờ đây, Quản khi phải đối diện với lương tâm của chính mình, khuôn mặt Tùy khi chấp nhận cùng anh dừng bước trong rừng già nhuốm đầy khói độc hóa học lại hiện ra. Anh biết, lúc đó, nếu bỏ lại anh, cơ hội sống của Tùy sẽ cao hơn nhưng Tùy đã không làm thế. Mạng sống rất đáng quý, nhưng bản lĩnh và trách nhiệm của người lính đối với đồng đội được tùy coi trọng nó hơn cả tính mệnh.
Bởi thế, trong lúc phải lựa chọn cho mình con đường chết, ba từ “dừng lại thôi” đã khiến Quản dằn vặt. Từ trong sâu thẳm tâm trạng Quản cũng cảm thấy sợ hãi. Khi nằm trên tăng võng, anh càng thương Tùy hơn. Vết thương quá nặng có thể khiến Quản chịu ít đau đớn hơn Tùy. Cái chết đã là đáng sợ rồi, nhưng chờ đợi cái chết đến với mình còn đáng sợ gấp trăm ngàn lần, mà cái trăm ngàn lần đó, một mình Tùy sẽ phải gánh chịu.
Từ cổng chốt trại giam đi vào đến chỗ tạm giam phải qua một quãng đường dài chừng hơn cây số giữa rừng cây cối phủ khuất tầm mắt thì dừng lại. Tùy ngồi lặng yên trên xe, anh chờ cho lái xe đi khuất qua dãy hành lang thứ nhất mới quay người nắm lấy tay Quản nghẹn ngào: “Dừng lại thôi!”
“Dừng lại thôi, dừng lại thôi, dừng lại thôi…” tiếng gọi như vọng từ tiềm thức khiến Quản bừng tỉnh. Anh nhìn vào mắt Tùy rưng rưng, anh muốn ôm lấy khuôn mặt bạn mà thơm nhưng không thể, anh chỉ kịp nhìn mái đầu đã đốm bạc của bạn nhòe đi sau cửa kính xe đóng kín khi tiếng bước chân của những người áp giải đang đến rất gần khiến anh cúi gằm mặt xuống đất.
Kể từ đêm đó, trong phòng quản thúc chờ ngày ra tòa, Quản lặng nhìn qua lỗ thông gió, đếm ngược thời gian trôi. Anh nhớ lại những ngày đi lạc, những ngày trên ghế đệm điều hòa lại khiến anh hoang mang không tìm thấy lối ra. Vậy mà giờ đây, trong căn phòng lặng lẽ này, sự tuyệt vọng, sự vỡ lẽ lại khiến anh bối rối. Quản sẽ lại phải bắt đầu với những ngày dài dằng dặc, những cuộc đấu trí khiến anh hoang mang, vô vọng và mệt mỏi trước khi tìm được đáp án cuối cùng.
Sự mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng nhanh chóng đẩy anh chìm vào cơn mộng mị đáng sợ. Trong giấc mộng Tùy thấy mình đang cố vùng vẫy để thoát ra khỏi những chiếc vòi của con bạch tuộc để hướng về phía tia sáng nơi cuối chân trời…
18/11/2023
Trần Quỳnh Nga
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...