Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Nắng mùa thu - Truyện ngắn của Đặng Thị Thúy

Nắng mùa thu - Truyện ngắn
của Đặng Thị Thúy

Buổi họp hội đồng giáo viên đầu tiên chuẩn bị cho năm học mới cũng là buổi họp cuối cùng của bà Lê trong hơn ba mươi năm dạy học của mình. Giáo viên đã ngồi đầy đủ ở phòng họp rồi mà bà vẫn chưa thể bước vào để bắt đầu cuộc họp. Có cái gì đó cứ nao nao trong người. Có cái gì đó như là chống chếnh, bâng khuâng.
Chỉ ngày mai thôi, bà sẽ không còn được ngày ngày đến trường nữa, sẽ không còn những giây phút tất bật với công việc, những ngày làm việc sôi nổi cùng chị em giáo viên, không còn được ngày ngày nhìn thấy đám học trò học hành, vui chơi ríu rít dưới mái trường này nữa… Chỉ nghĩ đến chừng ấy thôi là bà đã thấy nghèn nghẹn trong lòng, là nước mắt đã chực trào ra. Bà phải cố kìm lại bằng ý nghĩ : Bà đã từng miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hơn ba mươi năm rồi. Giờ đây khi tuổi già sức yếu, bà được nhà nước cho nghỉ hưu, ấy là quyền lợi của bà và cũng là cái lẽ thường tình của cuộc sống. Rồi bà sẽ có vô khối thời gian đi đây đi đó thăm thú bạn bè. Bà sẽ về quê nhiều hơn, vì nơi ấy bà vẫn đang còn có mẹ già và hai người chị gái thân thương, nhiều năm qua, vì bận việc nên bà chỉ có thể trannh thủ về rất nhanh và đi vội vã. Nghĩ như vậy, bà Lê thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn. Bà cầm tập sổ sách bước sang phòng bên, ngồi vào vị trí luôn dành cho hiệu trưởng và bắt đầu chủ trì cuộc họp như thường lệ.
Sau khi phân công đầy đủ các công việc cần thiết để chuẩn bị cho khai giảng, bà Lê dừng lại trong giây lát, chậm rãi nhìn khắp lượt và nói:
– Sau đây tôi xin thông báo về việc luân chuyển công tác đối với một số đồng chí…
Cả phòng họp im phăng phắc bởi sự hồi hộp.
Giọng bà Lê trầm hẳn :
– Thứ nhất là đồng chí Vũ Thị Hương lên nhận công tác ở trường tiểu học Bắc Sơn.
Cả hội đồng xôn xao, mọi ánh mắt đổ dồn về phía Hương. Những tiếng nói vang lên lao xao:
– Chết rồi, hai đứa con còn nhỏ thế mà lên tận Bắc Sơn thì làm sao đây.
– Chưa đi nghĩa vụ bao giờ thì phải đi là đúng quá rồi còn gì.
– Nhưng dù sao nó cũng là con bà phó chủ tịch.
– Ôi dào, bây giờ thì ai mà chẳng phải đi, thế mới gọi là công bằng chứ…Mà  ở đó bây giờ cũng đỡ khó khăn hơn rồi, sáng đi tối về, chỉ tội đường núi vòng vèo đi lại hơi vất vả thôi, chuẩn bị sửa xe lại cho tốt chứ đi giữa đường rừng mà hỏng thì nguy hiểm lắm.
Mỗi người một câu trong khi Hương chưa hết sững sờ. Và chị oà khóc.
Bà Lê khẽ thở dài nhìn chị, rồi lại đọc tiếp :
– Tiếp theo là đồng chí Hoàng Nam Ninh nhận công tác ở đảo Vĩnh Thực.
Bà Lê bỏ cặp kính khỏi mắt, nhìn về phía hai người vừa có quyết định chuyển trường và nói bằng giọng ôn tồn:
– Tôi biết là các đồng chí không ai muốn đi nhận công tác ở những vùng khó khăn, xa xôi như thế. Nhưng đây là nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải thực hiện, không trước thì sau. Tôi thiết nghĩ, các đồng chí còn trẻ, dẫu có khó khăn thì gắng khắc phục, nên vui vẻ nhận lệnh. Sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ, các đồng chí lại được chuyển về gần nhà, lúc đó sẽ yên tâm hơn. Tôi  mong các đồng chí dù ở đâu cũng luôn giảng dạy nhiệt tình, hết mình vì công việc chung… Cuộc họp dừng ở đây, mời các đồng chí nghỉ.
Bà Lê nói xong thì đứng dậy, cầm tờ quyết định bước tới đưa tận tay Hương vừa vỗ nhẹ vào vai chị:
– Cố lên cháu ạ, hai năm nhanh thôi mà. Hoàn thành nghĩa vụ ta lại được về đất liền, càng yên tâm công tác hơn.
Hương vẫn sụt sùi. Bà Lê bước tới chỗ Nam Ninh, con gái bà, và nói với giọng bông đùa:
– Đây, đồng chí con nhận quyết định công tác chính thức này.
Không ngờ, Nam Ninh bật đậy, gạt tay mẹ và chạy ù ra ngoài, vừa chạy vừa khóc, vẻ giận dỗi tức tưởi.
Bà Lê nhìn theo bóng con, lắc đầu thở dài.
Mấy năm nay, cứ chuẩn bị vào đầu năm học mới là mọi người lại có dịp xôn xao bàn tán về việc luân chuyển giáo viên về công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn. Ai cũng nghĩ dạy học ở thị xã biên giới này vốn dĩ đã là khó khăn nhiều so với các vùng đồng bằng rồi. Nhưng ở đây còn có những trường học nằm sâu trong vùng rừng núi, trong bản làng nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người hoặc ngoài đảo cách xa đất liền. Ở đó không có hoặc rất ít những giáo viên người bản địa, lại không có mấy người tình nguyện xung phong. Bởi vậy, phòng giáo dục thị xã phải thường xuyên điều chuyển giáo viên về dạy học tại những trường này. Năm nay cũng vậy, hầu hết những giáo viên trẻ đều nằm trong tầm ngắm trừ những người có con quá nhỏ hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì được phép hoãn lại năm sau. Năm nay Nam Ninh mới vừa tốt nghiệp sư phạm, bà Lê đã khuyên con gái nên xung phong ra đảo hoặc lên vùng núi cao để thực hiện nghĩa vụ khi còn trẻ trung son rỗi. Sau này, khi nào lập gia đình và có giáo viên trẻ lên thay thì xin chuyển về gần nhà cho đỡ vất vả nhưng Nam Ninh không nghe. Cô đã bảo với mẹ rằng:
– Dù sao mẹ cũng là hiệu trưởng của một trường có uy tín, chắc người ta cũng không nỡ bắt con phải đi ngay đâu. Mẹ cứ xin cho con được dạy ở trường của mẹ vài năm cho chuyên môn vững vàng, khi nào Phòng bắt buộc thì con đành chịu đi. Như chị Hương con cô  Lan phó chủ tịch thị xã đấy, chị ấy ra trường gần chục năm rồi mà có phải đi nghĩa vụ gì đâu. Nhưng mẹ nhớ là phải xin cho con đấy, mẹ nhé.
Nghe con nói vậy, dù nó nói cũng có ý đúng song bà Lê vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Bà không ngờ con mình lại có những suy nghĩ ỷ thế như vậy. Bà đã nhẹ nhàng khuyên nhủ con rất nhiều, rằng đã là nghĩa vụ thì bình đẳng, ai cũng giống ai,  bất kể là con ông to bà lớn nào. Nhưng Nam Ninh vẫn nhất định không nghe, cô nằng nặc đòi đến trường của mẹ để làm việc trong khi chờ quyết định, với niềm tin chắc chắn rằng mình sẽ được chính thức dạy học ở đây. Vậy mà hôm nay…
Bà Lê về nhà đã gần mười hai giờ trưa, nhà vắng hoe không thấy tiếng người, chắc hôm nay ông lại không về trưa. Uống vội cốc nước lọc, bà đến bên cánh cửa phòng đang khép chặt của con gái:
– Ninh ơi, mở cửa cho mẹ.
Bà phải gọi đến ba lần, Nam Ninh mới ra mở cửa. Cô cúi gằm mặt không hỏi bà lấy một câu rồi lặng lẽ quay vào nằm úp mặt lên cái gối trên giường, sụt sịt khóc. Bà bỗng thấy thương con khi biết chắc rằng Ninh sẽ lại phải xa bà để đi công tác ít nhất là hai năm nữa.
Bà Lê ngồi xuống bên giường, đặt nhẹ bàn tay lên vai Ninh :
– Đừng buồn con ạ, hai năm nhanh thôi mà. Con đi trước thì sau này mới yên tâm được. Chứ như chị Hương bây giờ có phải là khổ lắm không?
– Nhưng dù sao chị ấy cũng được ở gần nhà những tám năm, còn con vừa mới đi học xa ba năm, tưởng là tốt nghiệp rồi được về dạy gần nhà, ai ngờ…Con nghe nói ra đảo khổ lắm, cái gì cũng thiếu thốn, học sinh thì chẳng chịu đi học, phải vận động từng đứa một, lại còn hàng tháng trời mới được về nữa chứ. Chỉ tại mẹ không xin cho con nên con mới phải chịu đi ra đó. Mà biết con phải đi đảo rồi, mẹ cũng chẳng thèm nói trước với con một tiếng lại còn công bố thẳng trên cuộc họp, bây giờ thì con có muốn xin ở lại cũng chẳng được nữa rồi.
Bà nghiêm mặt nhìn con, nói:
– Con dám trách mẹ như thế à? Tất cả mọi người đều ích kỉ như con thì học sinh những vùng khó khăn ấy chắc sẽ mù chữ cả đấy, con biết không? Đây với đảo Vĩnh Thực vẫn còn là trong một thị xã. Chứ như mẹ ngày xưa…
– Lại chuyện ngày xưa, cái chuyện ngày xưa của mẹ cách đây đã mấy chục năm rồi. Con đang sống trong hiện tại chứ có phải trong truyện cổ tích của mẹ đâu? Nếu mẹ đã muốn thế thì con sẽ đi đảo ngay ngày mai, mẹ đã vừa ý chưa?
Ninh nói rồi oà khóc trong khi cơn giận của bà Lê cũng đang trào lên trong lòng vì những lời nói thiếu lễ phép của con. Đôi môi bà mím chặt, nén cho cơn giận khỏi trào ra bằng lời, lòng bà quặn thắt. Sáng sớm nay bà mới nhận được quyết định này, cũng vì muốn con sớm hoàn thành nghĩa vụ ngay khi còn trẻ để sau này đỡ vất vả nên bà đã quyết định làm như thế. Bà cũng không thể ngờ Ninh lại có thái độ phản kháng dữ dội đến vậy. Nhưng dẫu có nói gì trong lúc này cũng đều là vô nghĩa. Bà lê những bước chân nặng nhọc ra khỏi phòng, mặc cho Ninh còn thổn thức mãi không thôi.
Cả buổi tối hôm đó, Ninh không nói một lời nào, lặng lẽ sắp xếp đồ đạc cho chuyến đi. Bà Lê đưa cho ông Đĩnh hai quyển sách, bảo ông xếp vào túi sách vở của Ninh và động viên để con yên tâm. Còn bà cũng chuẩn bị để ngày mai đưa con ra nhận công tác ở trường mới. Không hiểu sao bà cứ thấy băn khoăn. Liệu rằng bà quyết định và làm như vậy có đúng không hay là bà đã làm khổ con? Nếu như những gì Ninh nói là đúng thì quả thật bà đã làm khổ con rồi. Chẳng lẽ sau ba mươi năm, bà lại phải chứng kiến cảnh con gái mình đi theo vết xe của mẹ năm nào trên con đường lập nghiệp? Chẳng lẽ ba mươi năm rồi, mọi việc lại vẫn như ngày ấy…
Ngày ấy, thời gian đầu những năm bảy mươi, khi đất nước còn đang trong thời kì chiến tranh chống Mĩ, cô Phạm Hồng Lê vừa mới tốt nghiệp  khoa văn sử trường sư phạm cấp hai Nam Hà. Cả khoá học của cô dạo ấy được đào tạo để chuẩn bị vào miền Nam dạy học khi đất nước thống nhất. Nhưng mãi đến đầu năm bảy mươi ba, ta vẫn chưa đánh đuổi được hoàn toàn quân xâm lược. Bởi vậy, cô cùng một số bạn cùng lớp được phân công về dạy học tại huyện miền núi Ba Chẽ thuộc tỉnh Quảng Ninh, tuyến đầu Đông Bắc của Tổ Quốc. Cái tên huyện lúc đầu nghe thật là lạ lẫm với những cô gái vùng đồng chiêm trũng. Nhưng với cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, các cô đã bịn rịn chia tay những người thân và hăng hái lên đường. Sau gần năm ngày ngồi trên chiếc ô tô quân sự cà tàng, vượt qua biết bao đèo dốc cheo leo, họ đã có mặt tại một bản làng heo hút của người Dao thuộc xã Nam Sơn. Không có những mái nhà chen chúc, không người đón chào, không có cả một ngôi trường mái rạ như họ tưởng tượng. Xung quanh chỉ toàn là màu xanh bạt ngàn của rừng cây, đi mãi, đi mãi mới gặp được một nóc nhà đơn sơ, xiêu vẹo của đồng bào dựng cheo leo nơi vách núi, sườn đồi  hoặc núp sau một cánh rừng thưa. Lúc đầu cả đoàn ở tạm nhà ông trưởng bản, sau đó bộ đội cùng giúp họ dựng lên một ngôi trường bằng tre nứa, nhà ở của các cô cũng liền đó luôn. Rồi họ cùng trưởng bản đi vận động bà con cho trẻ nhỏ được tới lớp học. Lúc đầu thưa lắm, ít lắm, nhưng dần dà thấy các thầy cô giáo nhiệt tình, trèo đèo lội suối đến từng nhà, học nói bằng tiếng Dao, cùng giúp bà con làm cái rẫy, giảng giải cho bà con nhiều điều hay, điều tốt của việc học cái chữ thì đồng bào cho con em tới lớp ngày càng đông. Từ đó, bản làng nơi vùng cao luôn vang tiếng trẻ i tờ. Những ngày ấy, đi lại còn khó khăn lắm nên hàng năm họ mới thay phiên nhau về được một lần. Từ  bản về đến quê chỉ hơn hai trăm cây số mà đi hết năm ngày, ấy là chưa kể những hôm bất ngờ gặp nước lũ đổ về, con suối nhỏ bỗng trở nên hung dữ hơn bao giờ hết. Mọi người đành phải  nằm lại bên suối chờ nước rút, có khi phải hàng chục ngày mới về tới nhà.
Sau giải phóng, những người bạn dần được chuyển đi các vùng khác nhau, trong đoàn đi ngày ấy giờ chỉ còn cô giáo Lê ở lại cùng dân bản. Thấm thoắt mười năm trôi qua, bàn chân cô đã đi mòn khắp con đường rừng từ Nam Sơn đến Đồn Đạc, cô mới được chuyển về dạy ở trường bổ túc của huyện, rồi trường thanh niên dân tộc, trường thiếu niên vùng cao. Mải miết với lớp lớp học trò, đến lúc này nhìn lại,  cô đã bước sang tuổi ba mươi tự lúc nào. Tấm nhân duyên bền chặt của cô với anh lính biên phòng Đĩnh dạo ấy cũng là nhờ sự mối lái của đồng chí bí thư chi bộ Đảng. Mãi đến năm tám mươi chín, ông được chuyển về đồn biên phòng cửa khẩu này, cả nhà mới được về theo… Mười sáu, mười bảy năm trời sống trên bản vùng cao ấy là những tháng ngày thật gian khổ nhưng cũng thật vinh quang bởi bà được sống trong tình thương yêu đùm bọc, sự kính trọng của dân bản. Bà uống nước suối của người Dao, ăn củ sắn, hạt gạo của người Dao, nói cả tiếng Kinh lẫn tiếng Dao. Dân bản coi ông bà đã là người của bản làng, cái gì bà con cũng nghe theo cô giáo Lê và anh bộ đội Đĩnh. Ngày gia đình bà chuyển đi, dân bản và học trò tiễn đến tận chân dốc với lỉnh kỉnh là gạo, sắn, gà và mật ong rừng…Nhưng bây giờ, nơi con gái của bà sẽ đến không phải là nơi ấy, bà cũng chưa tưởng tượng cuộc sống và công việc của con sẽ thế nào, liệu có còn vất vả, nhọc nhằn như bà hồi ba mươi năm trước ấy?
Dù cho bà Lê có nói thế nào thì Ninh cũng vẫn quyết định sẽ ra đảo một mình mà không cần phải có mẹ đi cùng. Bà Lê đành phải theo ý con. Bà đưa cô xuống bến đò, chờ cho đến khi đò nổ máy bà mới quay về. Con đò từ từ tách ra khỏi bến, xuôi theo dòng nước hướng thẳng ra phía cửa sông. Tiếng máy xình xịch đều đều tan loãng rất nhanh trên mặt nước. Ninh ngồi trên khoang thuyền, hai tay bó gối và bắt đầu quan sát xung quanh. Đây là đoạn cuối của dòng sông Ka Long nên nước đã bắt đầu đỏ đục và bập bềnh những rác. Lạ thật, khi triều lên, biển gửi theo con nước mang vào sự tinh khiết trong lành cùng biết bao tôm cá, cho con người thoả thích đánh lưới giăng câu; thì khi triều xuống, họ lại trả về cho biển những rác rưởi bụi bặm của cả một cuộc sống sôi động hai bên bờ. Vậy mà mẹ biển vẫn cứ dịu dàng, vẫn cứ đều đặn ban phát cho con người những gì tốt đẹp nhất mà mình sẵn có mà chẳng hề gợn chút băn khoăn:  liệu rằng họ có biết trân trọng những điều đó hay không? Ninh chợt ngẩn ra với sự so sánh, liên tưởng vừa chợt loé lên trong đầu… Độ một tiếng sau, con đò đã ra đến cửa sông. Gió biển thổi hơi nước lên mát rượi. Chiếc đò khẽ chao nhẹ mỗi lần có một con sóng xô tới. Anh lái cho đò vòng qua Mũi Ngọc thẳng tiến ra đảo. Ninh phóng tầm mắt nhìn ra khơi xa, cô chỉ thấy một dải núi tim tím, nổi lên giữa một vùng trời nước xanh biếc, bao la. Anh lái đò chỉ tay về phía những chiếc tàu đậu san sát phía xa và bảo với Ninh:
– Kia là cảng Vạn Gia, chốc nữa đò sẽ vào đấy. Lần đầu tiên ra đảo dạy học, chắc là khớp cái bụng lắm nhỉ?
Ninh hỏi mà không khỏi ngạc nhiên:
– Sao anh lại biết rõ về em như thế?
– Thì tôi lái đò bấy nhiêu năm rồi, chỉ cần nhìn là tôi biết ngay mà. Các thầy cô ra đảo mới mang nhiều sách vậy chớ…
Ninh bật cười trước sự suy luận của anh ta, cô hỏi lại :
– Vậy anh thấy chỉ có thầy cô mới mang nhiều sách vậy à?
– Ừ thì vậy…
– Thế anh là người trong đất liền hay là người trên đảo?
– Tôi ở ngoài đó, hồi nhỏ  cũng được học các thầy cô ở đất liền ra dạy, sau lớn lên thì lái đò, cứ ra về, về ra làm vầy. Cô ra ngoài này, chắc bọn trẻ khoái lắm, chúng chỉ thích các thầy cô ở đất liền ra dạy thôi.
– Sao lại thế, trên đảo còn có các thầy cô là người địa phương cơ mà?
– Ừ,  thì có. Nhưng các thầy cô ở đất liền kể nhiều chuyện hay, chuyện lạ. Ví như tôi đây này, nhờ thầy đất liền mới biết được mình đang sống ở vùng cực Đông Bắc của đất nước, thầy còn dạy tôi vẽ bản đồ, dạy cái điểm đặt bút đầu tiên khi vẽ hình chữ S. Đấy, cái điểm đó kia kìa, ngày nào đi qua tôi cũng nhìn thấy nó mà chẳng phải mất đồng xu nào, chứ cứ như bao nhiêu người ở tận đẩu tận đâu, tốn mất bao nhiêu tiền du lịch ra tận đây mới nhìn thấy ấy chứ.
Anh ta vừa nói vừa chỉ tay về dải đất xa xa phía bên trái kia, nét mặt rạng rỡ và nụ cười hể hả. Tự dưng Ninh cũng cảm thấy vui trong lòng.
Con đò lách qua những chiếc tàu lớn rồi từ từ cập vào bến. Anh lái đò khuân đồ đạc của Ninh lên bờ, gọi xe ôm giúp cô rồi mới quay xuống. Ninh cảm ơn anh ta rồi cũng theo xe đi. Con đường bê tông nhỏ quanh co, dẫn cô vòng qua mỏm núi vào sâu trong lòng đảo. Xã đảo nằm gọn trong thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi nối tiếp nhau. Thấp thoáng trong những vườn  cây xanh là mấy ngôi nhà đơn sơ với mái ngói đã ngả màu nâu cũ kỹ, thi thoảng lại gặp vài ba ngôi nhà tầng bám dọc theo  con đường. Người lái xe ôm đưa cô vào thẳng khu tập thể. Đó là một dãy nhà cấp bốn khá khang trang nằm phía sau trường.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cô dần làm quen với mọi người. Họ là những giáo viên trẻ từ nhiều huyện thị khác nhau: Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long, Cẩm Phả…. ra đây dạy học. Họ đang tất bật chuẩn bị cho lễ khai giảng ngày mai. Ninh được ưu tiên nghỉ ngơi, sắp xếp chỗ ở và chuẩn bị tinh thần để sáng mai khai giảng sớm.
Thế rồi cái giờ phút quan trọng ấy đã đến. Mới hơn 6 giờ mà học sinh đã đến đông đủ, trên gương mặt em nào cũng ngời lên sự náo nức vui tươi. Mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo: băng rôn, khẩu hiệu chào mừng năm học mới căng từ cổng vào. Lễ đài trang trọng như tất cả những  lễ khai giảng của các trường trong đất liền. Có chăng chỉ khác là tất cả vật dụng đều có vẻ cũ kỹ, đơn sơ hơn, từ bàn ghế đến phông màn. Có chăng chỉ khác là trường lớp còn quá nghèo nàn so với đa số các trường trong đất liền. Quang cảnh khiến trong đầu Ninh bỗng dưng hiện lên một phép so sánh giữa cơ sở vật chất của trường đảo so với một trường bình thường trong một thành phố mà cô đã qua. Ở đó, có những dãy phòng học cao tầng khang trang, có những dãy phòng chức năng dành cho ban giám hiệu, phòng thư viện, phòng đồ dùng với đủ loại thiết bị tối ưu nhất, có cả phòng máy tính dành riêng cho việc học tin học, hay phòng học ngoại ngữ riêng… Ở đó, sân trường thực sự là một sân chơi dành riêng cho trẻ em sau những giờ học với nền bê tông xen lẫn những thảm cỏ và bồn hoa sạch sẽ. Còn ở đây, tất cả đều thiếu thốn. Phòng học là những căn nhà cấp bốn với tường vôi  xỉn màu, lỗ chỗ. Bàn ghế cũ kĩ, mối mọt, cái thấp cái cao, cái dài cái ngắn. Sân trường giống như một bãi cát san phẳng với vài cây phi lao, mấy cây bàng  khẳng khiu được trồng làm bóng mát. Gió biển lồng lộng cuốn cát rồi tung lên trắng xóa. Nhưng tất cả những thiếu thốn đó dường như không hề gợn lên một nỗi băn khoăn nào trên những gương mặt vui tươi hớn hở kia. Dường như các em đã chờ lâu lắm rồi cái khoảnh khắc khai trường trọng thể này. Tất cả đã đứng thành hàng ngay ngắn. Tất cả đã hát vang lên bài quốc ca hùng tráng trong lễ chào cờ, đã im phăng phắc lắng nghe khi thầy hiệu trưởng trang trọng đọc thư của chủ tịch nước gửi  cho các thầy cô giáo và các em học sinh nhân dịp năm học mới. Rồi cái không gian yên ắng ấy bỗng xao động náo nức hẳn lên khi thầy hiệu trưởng gióng lên hồi trống khai trường rộn rã. Tiếng trống kiêu hãnh ngân dài và vang xa, làm xao động từng vòm lá, băng qua những nóc nhà, dội vào từng vách đá rồi hoà vào tiếng sóng ầm ào ngoài  bãi biển xa xa. Ninh thấy tim mình dường như cũng đang đập rộn ràng theo nhịp trống.
Sau một tuần mệt nhoài vì công việc chưa quen, vừa giảng bài lại vừa ổn định tổ chức lớp, cả buổi tối lại phải soạn giáo án chuẩn bị cho buổi lên lớp ngày hôm sau. Đến tận tối thứ bảy, Ninh mới có thể nằm dài trên giường, thả lỏng toàn bộ cơ thể. Khát quá. Giá như  ở nhà lúc này, chắc mẹ  đã pha cho Ninh một cốc nước mát lạnh. Nhớ đến mẹ, Ninh bỗng sực nhớ ra hai quyển sách hôm trước lẫn trong túi đồ của cô. Chắc là mẹ đã bỏ vào để lúc rỗi cô đọc cho đỡ buồn. Cô trở dậy lục tìm trong va li. Đây rồi, “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “nhật ký Đặng Thùy Trâm”, những cuốn sách đang bán chạy nhất đây. Ninh mở ra, chỉ định đọc lướt qua bởi đôi mắt cô đã cay xè vì buồn ngủ. Nhưng những dòng chữ như có một sức hút kỳ diệu khiến cho cô tỉnh hẳn. Ninh đọc ngấu nghiến như nuốt từng câu chữ, như chưa bao giờ cô được đọc một cuốn sách hay như thế. Mà dường như không phải là cô đang đọc mà đang được nghe những lời tâm tình, những gì thầm kín, sâu lắng tận tâm hồn của một người bạn thân: “Cuộc sống thanh bình chỉ cho ta giá trị chiều rộng, chiều dài của mảnh sân con thường đùa nghịch, của mảnh vườn tháng mười, mía đang ngọt dần lên ngọn, của ngôi nhà ấm cúng cho con ngồi viết bài thơ ca ngợi đất. Chưa biết rằng đất có chiều sâu, mà hôm nay vết bom thù đã khơi dậy cho con…Người ta chỉ muốn mãi mãi sống trong êm đềm, có dạo chơi, có mặt hồ lăn tăn, đủ nước cho con thuyền trôi nổi… Muốn nhắm nghiền mắt lại để tận hưởng cái thi vị điên cuồng và quên đi màu máu đỏ…đời làgiấc mơ…Là giấc mơ nên cuộc đời thoảng qua như một bóng mây mờ, u ám. Không âm hưởng, không hương vị. Một đám mây tơi tả, không tâm hồn; đám mây rách nát như giấc mơ đen, như cuộc đời của những người đòi hưởng thụ”…
Ninh mải miết đọc quên cả trời đã dần sáng tỏ ngoài kia. Những dòng chữ từ trong trang nhật ký dẫn cô đi qua những khốc liệt của cuộc chiến tranh, qua ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, cho cô thấy hết những trăn trở, khát khao của tuổi trẻ một thời cầm súng, cho cô thấy cái đẹp đẽ của những cuộc đời cống hiến cho lí tưởng, thật bình dị nhưng cũng thật cao cả, thiêng liêng…
Bà Lê đi chợ về thì đã có một bức thư cài ở cửa. Nhìn nét chữ trên phong bì, bà đoán ngay là của con gái. Bà mở vội bức thư, mải miết đọc.
“Mẹ thân yêu!
Chưa bao giờ con tưởng tượng rằng sẽ có ngày con viết thư cho mẹ từ nơi đảo xa này. Hai tuần trôi qua thật là nhanh mẹ nhỉ. Con đã nhận lớp và ổn định cuộc sống, mọi thứ đều không đến nỗi khó khăn vất vả như con tưởng tượng đâu mẹ ạ…Trước đây, con đã từng tự hỏi: “ Có bao giờ mẹ cảm thấy hối hận vì đã chọn và gắn bó với nghề dạy học này không? Con thấy nghề này ở thời nào cũng nghèo và vất vả cả, ngày xưa còn được kính trọng nhưng bây giờ có những người không quý trọng thầy cô đúng mực như mẹ kể…” Nhưng giờ đây suy nghĩ và nhìn kĩ lại, con chợt nhận thấy rằng đúng là ta không thể hoàn toàn trách họ được. Họ không tôn trọng ta là bởi vì nhiều người trong số chúng ta đã làm những việc không tôn trọng bản thân và nghề nghiệp của chính mình. Con tin chắc rằng, hơn ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học, chưa một giây phút nào mẹ cảm thấy hối hận cho dù không ít lần cuộc sống gặp phải nhiều cơ cực, lao đao. Đối với mẹ, nghề này vẫn luôn là một nghề cao quý và đáng tự hào nhất, vì thế mẹ đã hướng con đi theo con đường đó. Mẹ ơi, bây giờ con đã hiểu được cảm giác sung sướng khi được là người đem đến niềm hạnh cho biết bao thế hệ học trò. Khi đứng trên bục giảng, con đã nhìn sâu vào trong từng ánh mắt của học sinh, con đã thấy niềm khát khao khám phá cả thế giới đang chất chứa trong đó. Chính những ánh mắt ấy đã nói cho con biết con phải làm gì, mẹ ạ. Trước đây, con đã không thể hiểu được vì sao mẹ, bố và các cô chú ngày xưa lại có thể nhận về mình tất cả những khó khăn mà chẳng bao giờ đòi hỏi quyền lợi gì cả. Con đã từng nghĩ chẳng việc gì mà mình phải tự nhận lấy những vất vả nhọc nhằn khi mà mình còn có thể tránh được, khi mà còn có vô khối những người tìm mọi cách luồn lách để tìm được những vị trí tốt đẹp và thuận tiện hơn là những chỗ như ở đây…Nhưng bây giờ thì con thấy được phần nào những gì mẹ đã từng phải trải qua. Con đã hiểu được rất nhiều về những điều mẹ từng nói. Tất cả là nhờ những người đồng nghiệp đang sống, làm việc cùng con nơi đây và nhờ có cuốn sách mẹ cho con nữa, mẹ ạ. Con xin lỗi vì đã làm cho mẹ phải buồn lòng… “ Tương lai đang rộng cửa cho mọi người, rực rỡ biết bao và đẹp đẽ biết bao. Song con đường tới ngày mai tươi sáng ấy đâu có dễ dàng, giản dị”. Con hiểu điều đó và con cũng tin tưởng rằng khi bên cạnh con còn có mẹ, có bạn bè đồng nghiệp và có cả học trò, con sẽ vững bước trên con đường mà mẹ đã đi qua. Mẹ hãy tin ở con, mẹ nhé!
Con rất nhớ bố mẹ, khi nào ổn định mọi việc, con sẽ về thăm nhà. Con chúc bố mẹ vui khỏe.
Con gái
Nam Ninh.”
Bà Lê cứ để mặc cho những dòng nước mắt thánh thót rơi ướt nhoè trang thư của con gái. Giọt nước mắt nào là nỗi nhớ thương con? Giọt nào là của niềm hạnh phúc, sung sướng khi thấy con đã thực sự trưởng thành? Bà cũng không biết nữa. Nhưng bà rõ nhất một điều là ngay lúc này đây, trái tim bà đang tràn ngập niềm kiêu hãnh tự hào bởi con đường bà đã chọn không hề vô nghĩa. Bởi ngay khi bà không còn đủ sức đi tiếp thì chính con gái bà là người tiếp nối những bước chân, giữ ấm bầu nhiệt huyết và tự tìm ra chân lí của cuộc đời. Bà tựa lưng vào khung cửa, âu yếm áp lá thư của con lên vòm ngực, thanh thản ngước mắt nhìn lên. Một vòm cây xanh mát đang lao xao đón gió đầu mùa. Và phía trên những tán lá dày, bà thấy rõ cả một khoảng trời xanh trong vắt, cao vời vợi, lấp loáng với nắng vàng dịu nhẹ của mùa thu.
17/11/2023
Đặng Thị Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...