Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Thầy Chu Xuân Diên như tôi biết

Thầy Chu Xuân Diên như tôi biết

Văn chương là một thế giới khác lạ và tôi thích hình dung đó là thế giới của những mạng lưới liên văn bản rộng lớn gấp nhiều lần năng lực học hỏi của một cá nhân nhỏ bé. Thế giới ấy là nơi diễn ra rất nhiều cuộc gặp gỡ âm thầm, xa cách cả về mặt địa lý lẫn thời gian, và những trang sách, thậm chí chỉ là những bản thảo viết tay chưa từng được in ấn, hoặc những bài hát, câu hò, những truyện kể truyền miệng là phương tiện giao tiếp. Tôi có thể nói như thế về sự “quen biết” của mình với thầy Chu Xuân Diên.
Tôi được nghe kể lại, thầy Chu Xuân Diên tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp khóa I (1956-1959) và cũng thuộc thế hệ cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa được giữ lại từ sinh viên. Sinh ra và lớn lên khi đất nước chuyển mình trong thời kỳ Đổi mới, tôi thi đại học và đỗ vào Khoa Văn học đầu những năm 2000 nên không được may mắn học môn Văn học dân gian do các thầy Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn giảng dạy. Thầy Đinh Gia Khánh và thầy Võ Quang Nhơn đã nghỉ hưu từ lâu. Thầy Chu Xuân Diên chuyển vào công tác trong Nam từ sau năm 1985 và cũng nghỉ hưu từ năm 2000. Nên, tôi chỉ có cơ hội “nghe giảng” gián tiếp qua cuốn giáo trình Văn học dân gian Việt Nam dày hơn 500 trang khổ lớn. Giáo trình xuất bản lần đầu năm 1972-1973, gồm hai tập, tái bản lần thứ nhất vào năm 1977, tái bản lần thứ hai vào năm 1991, từ đó đến nay liên tục tái bản để lớp lớp các thế hệ học trò Văn khoa truyền nhau học tập. Vì vậy, sự biết của tôi về thầy không như những người học trò “chân truyền” hay được học thầy trực tiếp trên trường lớp.
Thật may, sau đó ít lâu, tôi chuyển công tác về bộ môn Văn học dân gian của Khoa Văn học. Bộ môn chính thức đổi tên thành bộ môn Folklore và Văn hóa Đại chúng từ năm 2020. Đây cũng là một nhân duyên đưa tôi đến gần thầy hơn nữa. Thời điểm tôi chuyển về, Khoa Văn đang bước vào một giai đoạn chuyển hướng mạnh mẽ tiếp theo, như đã từng ở các thời kỳ trước. Tôi lập tức được giao những nhiệm vụ chuyên môn có liên quan đến văn hóa và văn học dân gian. Đó là tham gia biên soạn các mục từ cho nhiệm vụ xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam, tập Văn học và đồng biên soạn phần văn học dân gian Việt Nam trong tập bài giảng Văn học Việt Nam đại cương. Quá trình thực hiện những nhiệm vụ của Khoa và Bộ môn giao đã cho tôi cơ hội để tìm hiểu về sự nghiệp, cuộc đời, kỷ niệm liên quan đến các thầy.
Những điều nghe kể và tự tìm hiểu cho phép tôi hình dung về thầy Chu Xuân Diên như một học giả cả đời lặng lẽ chuyên tâm đọc sách. Mặc dù khi nhắc đến những bậc thầy gạo cội trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, văn học dân gian giai đoạn từ sau 1954, Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên là “bộ đôi” thường được nhắc đến cùng nhau, nhưng thầy Chu Xuân Diên có một phong thái riêng. Thầy Khánh nổi bật, quyết đoán, xông xáo bao nhiêu thì thầy Diên trầm mặc, lặng lẽ bấy nhiêu. Nếu chỉ tiếp xúc với những cuốn sách đẹp đẽ được in trong những năm gần đây, người học sẽ không thể hình dung hết những sự nỗ lực, tâm huyết và trí tuệ của các thầy. Phần lớn đó là những công trình thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của những năm tháng chiến tranh mà bản thảo do các thầy viết tay trên những tập giấy học sinh hay giấy đánh máy nay đã ố vàng còn được lưu giữ trong phòng bộ môn của Khoa Văn học. Đến nay, đó vẫn là những công trình mẫu mực chưa thể vượt qua và là kim chỉ nam cho bao thế hệ sinh viên Văn khoa trên con đường học vấn.
Tác phẩm do đồng nghiệp và học trò Khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia TPHCM in ấn mừng thọ 90 tuổi thầy Chu Xuân Diên
Thầy Chu Xuân Diên giỏi tiếng Nga nên ngay từ đầu những năm 1960, khi mới ở lại Khoa Ngữ văn, thầy đã dịch những tài liệu lý luận về folklore của giới nghiên cứu Xô viết như: “Những vấn đề lý luận folklore” (của N.I Crápxốp, in lần đầu trên tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 1984), “Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kỳ” (của V.Ia. Prốp, in lần đầu trên tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 1989). Một số bản dịch đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, sau này được các học trò của thầy tập hợp lại và in trong cuốn Văn hóa dân gian. Những phương pháp nghiên cứu (1990). Ngoài ra, một số bản dịch được lưu trữ tại phòng tư liệu Khoa Văn học dưới dạng những bản thảo đánh máy, một thời được dùng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ nghiên cứu chuyên ngành và sinh viên năm cuối làm luận văn tốt nghiệp, ví dụ như “V.I. Lenin bàn về nhân dân và những vấn đề của khoa nghiên cứu văn học dân gian” của V. Guxep (1970) mà tôi chụp lại được dưới đây:
Bản dịch quan trọng nhất của thầy Diên có lẽ Tuyển tập V.Ia. Propp (2003) thuộc Tủ sách Văn hóa học do Tạp chí Văn hóa nghệ thuật chủ trương xây dựng, gồm 2 tập, tập 1 là Hình thái học truyện cổ tích (Chu Xuân Diên dịch), tập 2 là Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ (Chu Xuân Diên, Phạm Bích Ngọc, Trần Minh Tâm, Đỗ Đức Thịnh, Đỗ Lai Thúy dịch). Tôi được đọc bản dịch này khi đang theo học cao học tại Khoa Văn học, chuyên đề “Nghiên cứu văn học dân gian theo loại hình” do thầy Lê Chí Quế dạy. Người ứng dụng thành công nhất lý thuyết hình thái học truyện cổ tích của Propp là Đỗ Bình Trị, với công trình Truyện cổ tích thần kỳ Việt đọc theo Hình thái học của truyện cổ tích của V. Ia. Propp.
Sự biết của tôi về thầy không thể sánh với những điều mà người “cựu sinh viên” Văn khoa trực tiếp thụ giáo và làm việc với thầy là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian, nay là Viện nghiên cứu Văn hóa, tổng kết trong cuốn sách Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian (in lần đầu năm 1995) về những đóng góp nổi bật cho lý luận folklore nước nhà của thầy Chu Xuân Diên ở những phương diện sau:
– Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết: năm 1966, thầy Chu Xuân Diên đăng bài viết trên tạp chí Văn học (số 1), “Nhà văn và sáng tác dân gian”. Vấn đề thầy Chu Xuân Diên gợi mở được tiếp nối bởi một số nhà nghiên cứu như Võ Quang Trọng, Trần Đức Ngôn sau này.
– Vấn đề văn học dân gian hiện đại: năm 1969, trong hội nghị Văn học dân gian hiện đại tổ chức tại Viện Văn học, thầy Chu Xuân Diên đọc bản báo cáo đề dẫn, sau đó được đăng lại trên Tạp chí Văn học, số 4 năm 1969, với tựa đề “Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại”. Bài báo nêu lên những luận điểm cơ bản cho việc nghiên cứu lĩnh vực mới mẻ này như: khái niệm và đối tượng của văn học dân gian hiện đại, sự phân biệt giữa văn học dân gian hiện đại và các loại hình văn học khác (văn học thành văn, văn học quần chúng), những điều kiện lịch sử cho sự tồn tại và phát triển của văn học dân gian hiện đại. Hướng nghiên cứu này được một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Xuân Kính, Trần Thị Trâm,… triển khai và đã có những thành tựu nhất định.
– Sự cần thiết của việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian: vấn đề này được thầy Chu Xuân Diên nêu lên trong Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về văn hóa dân gian. Luận điểm đáng chú ý của thầy là nhấn mạnh sự cân bằng, hợp lý trong việc đánh giá vai trò của các thành tố văn bản văn học dân gian và các yếu tố diễn xướng, tránh tuyệt đối hóa một trong các thành tố. Hướng nghiên cứu thi pháp văn học dân gian cũng được phát triển thành công bởi các nhà nghiên cứu tiêu biểu như Tăng Kim Ngân (với Cổ tích thần kỳ người Việt: Đặc điểm cấu tạo cốt truyện), Nguyễn Xuân Kính (với công trình Thi pháp ca dao), Nguyễn Thái Hòa (Tục ngữ Việt Nam: Cấu trúc và thi pháp), Phan Thị Đào (Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam), Nguyễn Xuân Đức (Những vấn đề thi pháp văn học dân gian), Lê Đức Luận (Thi pháp văn học dân gian)…
– Đặc trưng của văn học dân gian và đặc trưng của một số thể loại văn học dân gian: trong bộ giáo trình Văn học dân gian của Khoa Ngữ văn, thấy Chu Xuân Diên đảm trách biên soạn phần “Những đặc trưng của văn học dân gian”. Trong khuôn khổ 70 trang giấy, thầy trình bày súc tích những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian như tính nguyên hợp, mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và tập thể, truyền thống và ứng tác, tâm lý sáng tạo tập thế… Ngoài ra, cũng trong bộ giáo trình này, thầy còn biên soạn chương “Cấu tứ trong thơ trữ tình dân gian và những truyền thống nghệ thuật của ca dao dân ca Việt Nam” nhằm làm rõ đặc trưng của các thể loại trữ tình dân gian.
Thành tựu đáng chú ý nhất của thầy Chu Xuân Diên trong lĩnh vực nghiên cứu thể loại văn học dân gian có thể nói là công trình Tục ngữ Việt Nam. Khởi đầu từ một tiểu luận (gần 200 trang), công trình sau đó được mở rộng thêm phần sưu tầm và phân loại tục ngữ với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu khác như Lương Văn Đang và Phương Tri, xuất bản lần đầu năm 1975. Công trình này được đánh giá là mẫu mực trong nghiên cứu tục ngữ Việt Nam và đến nay vẫn chứng tỏ được giá trị của nó. Những công trình nghiên cứu và sưu tầm tục ngữ trong bộ Tổng tập Văn học dân gian người Việt do Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian thực hiện và trong các công trình nghiên cứu và sưu tầm văn học dân gian theo vùng miền của Nam Bộ do Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đều cho thấy sự tham khảo các phương pháp và cấu trúc cuốn Tục ngữ Việt Nam.
Năm 1989, thầy Chu Xuân Diên ra mắt một công trình lý luận đáng trân trọng nữa là Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, trong đó đề cập đến những vấn đề lý luận nghiên cứu truyện cổ tích như: phân loại truyện cổ tích, mối quan hệ của truyện cổ tích với thực tại, những sai lầm của việc áp dụng những quy phạm của văn học viết vào việc nghiên cứu truyện cổ tích.
Các thế hệ học trò bộ môn văn học dân gian đến thăm gia đình thầy Chu Xuân Diên ở TPHCM
Trong ấn tượng và ký ức của nhiều đồng nghiệp và học trò của thầy Chu Xuân Diên, tinh thần tự học không ngừng của thầy đã giúp thầy nắm bắt các thành tựu lý luận nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian trên thế giới từ rất sớm và đưa ra những quan điểm mới mẻ trong bối cảnh học thuật bị hạn chế nhiều mặt do hoàn cảnh chiến tranh và hậu chiến thời kỳ trước Đổi Mới. Ngay cả khi tuổi thầy đã ngoài 80, một vài người quen biết thầy kể vẫn bắt gặp thầy tự đi mua sách ở các nhà sách lớn trong Nam. Tấm hình này chụp thầy trong một lần như vậy.
Nhìn lại cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu folklore của thầy Chu Xuân Diên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính nhận định: “Những thành công của Chu Xuân Diên không tách rời với từng bước vươn lên của ngành folklore học Việt Nam. Điều cần chú ý là, trong hơn 30 năm qua, cùng với bước đi của ngành, ông luôn luôn là một trong số ít người đứng ở vị trí đề xuất hoặc góp phần giải quyết những vấn đề lý luận về văn học dân gian nói riêng, về văn nghệ dân gian nói chung. Ông thuyết phục mọi người bằng vốn tri thức phong phú, bằng sự cập nhật những thông tin mới, bằng sự chân thành và khiêm tốn”.
Là một học trò đọc sách của thầy mà trưởng thành, nay công tác tại chính bộ môn nơi thầy từng làm việc hơn hai mươi năm, nhân dịp mừng thầy 90 tuổi, tôi muốn bày tỏ tấm lòng tôn kính nhân cách mẫu mực của một nhà giáo và tri ân những đóng góp cho nền khoa học nước nhà của một nhà nghiên cứu thầm lặng, tâm huyết.
Tác giả Tạ Thị Thanh Huyền là Giảng viên Bộ môn Folklore và Văn hóa Đại chúng, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hà Nội, 2/8/2023
Tạ Thị Thanh Huyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...