Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Đông về trong yêu thương

Đông về trong yêu thương

Những cơn gió bấc đầu tiên tràn xuống miền Bắc, báo hiệu một mùa đông nữa lại về. Ông trời thật đỏng đảnh, đêm qua mới chỉ se se, sáng nay đã lạnh cắt da cắt thịt. Khí hậu biển đổi bởi ô nhiễm môi trường nên các quy luật thời tiết đều thay đổi, đầu đông mà trời xám xịt, không khí đặc quánh hơi sương.
Tôi mở hé cửa sổ, đón cơn gió lạnh luồn qua da thịt. Tôi thích cảm giác này, cảm giác cơ thể khẽ run lên vì rét buốt. Lúc ấy, sao mà thấy thật thèm một vòng tay ấm áp, yêu thương. Mẹ mà biết thế nào cũng mắng, mẹ xót ruột khi con gái cứ thả trôi sức khỏe cho những xúc cảm trên mây trên gió. Bao lần mẹ to nhỏ dặn dò: phụ nữ đừng lãng mạn quá, lãng mạn là khổ một đời. Vậy mà, có bao giờ tôi nghe lời mẹ.
Tôi mở tủ lấy hộp quần áo đã được giặt giũ và xếp gọn từ cuối mùa đông năm ngoái. Chiếc áo khoác trần bông màu trắng có đính nơ ở cổ còn thơm mùi nắng là sự lựa chọn tốt nhất cho thời tiết hôm nay. Ngày còn bên nhau, anh rất thích tôi mặc chiếc áo này. Anh bảo trong tình yêu, màu trắng tượng trưng cho sự tinh khôi, trong sáng và bền chặt. Anh không ưa những sắc màu lòe loẹt. Vì vậy, từ ngày yêu anh, tủ quần áo của tôi ngập tràn sắc trắng.
6 giờ sáng mà trời tối mịt. Tôi thích ăn cháo nên sáng nào mẹ cũng dậy sớm nấu một nồi cháo nóng. Chiếc đèn tuýp trong căn bếp của mẹ hắt ra thứ ánh sáng màu vàng ấm áp đến kỳ lạ. Ba mất đột ngột vì tai nạn giao thông, mẹ ở vậy nuôi tôi. Mẹ chiều tôi lắm. Mẹ bảo cứ tận hưởng cho hết thanh xuân, nay mai có gia đình, con thơ cái quấn, thời gian dành cho bản thân chẳng có, lúc ấy mới thấy những tháng ngày thảnh thơi bên mẹ vô cùng quý giá.
Tôi hít hà hương khói thơm lừng và nhẩn nha đưa từng thìa cháo nóng lên miệng. Cái vị ngọt ngào nồng đượm này, tôi đã quen mười mấy năm nay, nhưng không hiểu sao mỗi lần ăn là một lần dạt dào cảm xúc. Mẹ tôi nấu cháo cẩn thận và cầu kì lắm. Gạo được mẹ lựa chọn kỹ lưỡng, bao giờ cũng là gạo mới và thường là gạo Bắc Hương. Buổi tối mẹ rang cho gạo vàng thơm để khi nấu không mất đi chất dinh dưỡng; sáng hôm sau mới đun nước thật nóng rồi đổ gạo vào. Nồi dùng nấu cháo là nồi đất có đế dày, miệng nhỏ thành cao để cháo sôi không bị trào ra ngoài. Nhân cháo hôm thì thịt gà, thịt lợn nạc, hôm thì tôm bóc vỏ rang mắm, đỗ đen, đỗ xanh…
Mùa hàu sữa, mẹ mua về rửa sạch, cẩn thận dùng dao nhọn lách vào giữa hai mép vỏ để tách vỏ hàu, lấy phần thịt bên trong ra xào với hành ngò hoặc lá răm, lá húng. Nhìn dáng mẹ mảnh khảnh luôn tay trong căn bếp nhỏ, sống mũi tôi cay nồng. Tôi buông thìa cháo, chạy lại ôm sau lưng mẹ, dụi đầu vào vai mẹ như đứa trẻ. Mẹ sững người một lúc, rồi đẩy tôi ra, gắt nhẹ: “Thôi nào, ăn đi cho nóng kẻo muộn làm đấy, lớn rồi còn bé bỏng nữa đâu”. Trước tôi, mẹ luôn tỏ ra mạnh mẽ, kiên cường, nhưng tôi biết, trong sâu thẳm, mẹ cũng như tôi, vô cùng mong manh, yếu đuối.
Trời sáng hơn nhưng vẫn bảng lảng hơi sương, gió rít từng cơn đuổi nhau trong con ngõ dài hun hút. Mẹ thấy tôi mặc chiếc áo trần bông trắng đi làm thì thở dài: “Cứ đắm đuối nặng tình thế này lại khổ thôi con ạ. Nó lấy vợ lâu rồi mà…”. Tôi vội vã dắt xe ra ngõ. Tôi không muốn mẹ thấy tôi nhòe nhoẹt nước mắt. Ai bảo tôi giống mẹ cơ chứ. Ở tuổi ngoài 50, mẹ đẹp đôn hậu và đầy u uẩn. Sau khi ba mất, nhiều người ngỏ ý với mẹ, nhưng mẹ đều lắc đầu từ chối. Mẹ viện cớ tôi còn nhỏ, lấy một người thương mẹ mà không thương tôi thì khổ cho tôi. Nhưng tôi biết, trong sâu thẳm, mẹ yêu ba nhiều lắm. Tình yêu đó quá lớn, đủ để trái tim mẹ không thể chấp nhận một ai khác nữa. Đến giờ, mẹ vẫn nâng niu, giữ gìn chiếc áo màu xanh bộ đội của ba, chiếc áo mà thời sinh viên ba đã mặc khi ngỏ lời với mẹ. Ngày nắng, mẹ mang áo ra phơi, phơi xong thì gấp gọn gàng trong tủ. Hơn chục năm rồi, năm nào cũng thế. Bà nội thương mẹ, một mực khuyên mẹ để con cho bà nuôi mà đi lấy chồng, nhưng mẹ chỉ ôm bà và khóc. Mấy năm sau, không chịu nổi nỗi đau đầu bạc tiễn đầu xanh, bà mất, mẹ lại ở một mình nuôi tôi…
Tôi chạy xe chầm chậm trên phố, cảm giác rõ rệt từng làn gió mỏng quất lên gương mặt. Người đi đường ai cũng lù sù khăn ấm và áo quần dày sụ. Rét quá! Tôi đã đeo găng len mà đôi tay vẫn đơ lại vì giá buốt. Nhớ quay quắt cảm giác ngồi sau xe anh, áp mặt vào lưng anh, luồn tay qua áo để chạm vào da thịt anh nóng ấm. Mới đó mà 3 năm rồi. Anh đã có vợ là con gái một ông sếp rất to trong thành phố. Đến giờ, tôi vẫn ngơ ngác tự hỏi: Tại sao ngày ấy anh thay lòng đổi dạ nhanh thế, tại sao anh đánh đổi tình yêu để lấy cuộc sống đủ đầy hơn? Những câu hỏi cứa vào lòng tôi nhói buốt, dù chẳng bao giờ có câu trả lời…
Đức Phật dạy: “Gặp nhau là duyên, xa nhau cũng là duyên”. Có lẽ tôi và anh chưa đủ duyên, đủ nợ để đi với nhau một đoạn đường dài. Tôi không trách anh, không giận anh, nhưng những kỉ niệm đớn đau của mối tình đầu thì chẳng bao giờ phai nhạt…
Nhà ai ven đường vừa mở bản tình ca da diết: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/Chút lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Bất chấp thời tiết giá rét, những bông hoa sữa cuối mùa vẫn lặng lẽ đưa hương…
23/11/2023
Nguyễn Ánh Nguyệt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...