Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Bức họa trung du

Bức họa trung du

Có một thị trấn vẫn leo lét sống, khuất bóng trong một đô thị hiện đại, như một bức tranh phố xưa chìm trong lớp phủ gesso, người ta vẽ đè lên tranh mới. Trên nền toile cũ bây giờ là những cao ốc chọc trời theo gu thời thượng. Các mắt vuông ô kính phản quang trên tầng cao thờ ơ nhìn xuống đại lộ, hắt trở lại bất kỳ mọi ánh nhìn tọc mạch, kể cả những xúc cảm quá vãng. Chằng còn thấy đâu những ô cửa thấp với hàng nan chớp tróc sơn, ẩn sau vòm lá xoan đào. Những ô cửa khép hờ như mắt người ngái ngủ, uể oải đợi chờ buổi lên đèn, sáng ấm một chiều mưa gió khi nghe tiếng bước chân người về.
Hôm nay Phán đang trở về cái thị trấn đầy kỷ niệm ấy. Nói đúng hơn, đó là một cuộc trốn chạy. Đại dịch Covid loang nhanh toàn thành phố như một cơn gió độc. Hà Nội bất an, phấp phỏng trong tiếng loa di động nhắc nhở vang vang. Nhiều con ngõ phấp phới chăng dây giữa các chốt kiểm soát. Sắp có lệnh giãn cách xã hội, chỉ chưa biết lúc nào mà thôi. Thời gian đọng cứng lúc 3h trên chiếc đồng hồ treo tường vì hết pin mà không thể đi mua. Chiếc kim giây màu đỏ giật giật một chỗ như đang lên cơn giãy chết. Không khí ngột ngạt. Có tin đồn từ đâu đó lan nhanh hơn dịch, rằng thủ đô sẽ có lệnh lockdown vào buổi sớm ngày mai.
Ở lại chẳng còn việc gì làm, Phán lẳng lặng khóa cửa căn hộ, ra bến đón xe bus lên Vĩnh Yên sau cuộc điện thoại hẹn lịch làm việc với một Tổng công ty xây dựng. Đối tác đang làm ăn phát đạt này nhắn mời Phán lên thiết kế logo từ tuần trước. Trái ngược với phần lớn mọi người, dù có xe riêng nhưng Phán vẫn thích dùng phương tiện công cộng, thích những chuyến đi ngẫu nhiên với đám người không quen biết. Thật may, đây là những chuyến xe bus cuối cùng. Ngày mai các phương tiện giao thông công cộng sẽ ngừng chạy. Lên trên đó rồi tính tiếp. Nếu công việc không thuận lợi mình sẽ về quê với mẹ, nghỉ ngơi ở trang trại một thời gian. Vợ con Phán cũng đã lên trên đó hồi đầu hè để tránh dịch. Từ Vĩnh Yên lên xứ rừng cọ đồi chè quê Phán còn vài chục cây số, đi gì cũng dễ.
Hơn hai chục năm trước, khi Phán đang học Mỹ thuật, Vĩnh Yên vẫn còn là một thị trấn trung du vắng vẻ. Mỗi lần từ trường về nhà, tàu hỏa dừng rất lâu ở đây. Chiếc bánh chưng sân ga ngày đói mỏng như cái lưỡi mèo. Nhúm nhân đỗ với khẩu mỡ hạt lựu đủ ngậy bùi suốt buổi chiều phát vãng. Lơ đãng chiều trung du viền khung cửa sổ con tàu. Ruộng nương cheo leo sườn núi Đinh, núi Thanh Lanh loang lổ nắng soi, giống những miếng vá nhiều màu đáp vụng. Cái áo blouson vải bạt tứ mùa của anh sinh viên nhà quê cũng chất chồng những mảng màu bết bát như thế. Nghèo và âu sầu, Phán khoác ống quyển đến trường, như như con vạc gầy cắp văn tự nợ nần dưới cánh.
Năm cuối, Phán nhận chép tranh cho các cửa hàng tranh nhái trên phố Nguyễn Thái Học, theo thầy Trần Lưu đi làm kẻ vẽ trang trí cho các nhà hàng, hội chợ, đắp đổi lần hồi cho việc học hành. Sau nhiều triển lãm tranh thầy bị ách lại vì nội dung, phong cách sáng tác không phù hợp, thầy bỏ không tham gia nữa. Mùa hè, thầy nhận một hợp đồng lớn, làm triển lãm Nông nghiệp Trung du trên này, kéo đám sinh viên đệ tử ruột đi cùng. Thợ mộc chí chát búa đục,  rộn ràng “mộc cắc- mộc cắc” lắp ghép các gian hàng. Thợ vẽ bắc giáo cởi trần, ràn rạt dựng tranh quảng cáo. Hợp đồng khai triển thuận lợi, hoàn thành mỹ mãn. Say ngất giữa trận liên hoan có em út xinh tươi phục vụ, thầy bỗng nổi khùng mắng tụi học trò: “Tấm toile trắng là bức tranh hoàn hảo tử tế nhất, sau đó tôi và các anh bắt đầu làm hỏng nó đi bằng cách bôi màu nhăng cuội lên đó theo gu bọn trọc phú, hoặc theo đơn đặt hàng của những kẻ có tiền có quyền. Đã thấy nhục chưa hả?”. Gỡ cặp kính nhòe nhoẹt nước mắt ra lau, thầy lại cười ha hả trỏ tay vào Phán, rành rọt từng câu hỏi như sát hạch vấn đáp:
Mùa cơ cấu mãn khai đêm quá độ
Ai móc tim ra đốt giữa ban ngày?
Mây quốc doanh phủ sân chùa mậu dịch
Phiếu tem nào bao cấp một đời say?
Thầy còn không biết thì trò sao dám biết, kế cả là anh trò giỏi trưởng tràng. Phán vẫy tay ra hiệu. Bộ giàn âm thanh trong phòng cách âm mở gần hết công suất. Tiếng hát mềm ngọt như mật mía, dìu dặt trong điệu valse. Quê em miền trung du, đồng xuôi lúa xanh rờn, giặc tràn lên thôn xóm. Dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ…Phán cũng say la đà, nhưng Phán không phải là giặc. Phán lên hứng rút cặp vẽ, phóng bút ký họa Kiều, cô gái váy đỏ ngồi cùng. Bức chân dung phóng tác với bút lực xuất thần. Kiều run rẩy sững sờ: “Em thật đây à? Em đẹp như thế này à?”. Chiếc váy đỏ trùm lên Phán. Một thân thể ấm nóng, một nụ hôn biết ơn nồng nhiệt trong tiếng vỗ tay ràn rạt từ các cặp đôi ngồi cùng. Thầy cầm bức ký họa săm soi, gật gù tán thưởng. “Được lắm! Hồn lắm! Tử tế gấp nghìn lần những pa -nô sáo rỗng ngoài triển lãm kia”. Chẳng biết thầy khen bức chân dung hay thầy khen Kiều. Mặt cô đỏ rựng lên vì sung sướng.
Tơ…roét…Tơ…roét…! Cây gậy điều khiển cảnh sát giao thông hiện ra vạch ngang kính gió. Chiếc xe bus bị ách lại ở dốc Láp, buộc phải quay đầu. Hành khách dăm ba người thưa thớt, xuống trạm kiểm dịch xét nghiệm nhanh trước khi được phép nhập thành. Mấy chiếc xe ôm lượn tới mời mọc. Phán xua tay. Phán muốn đi bộ. Đại lộ mùa dịch hiu hắt. Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…Khàn khàn giọng nữ trung Lam Ngọc đang giết chết mùa thu trong một quán cà phê vắng. Hàng cọ sân golf thiêm thiếp ngủ bên bờ nước một ngày nhiều gió. Đầm Vạc sóng sánh vàng, sủi bọt chiều như một cốc bia tươi vô tận. Những con sóng vẫn đuổi nhau, ì oạp vỗ vào rặng lau ngày ấy.
Đêm oi ả. Mất điện. Kiều kéo tay Phán, bước thấp bước cao dọc con phố đường đất ven đầm. Ánh trăng nhàn nhạt loang lổ tường ngõ, lối đi. Bóng lá xà cừ phủ chìm dãy cửa sổ vàng vọt đèn dầu. Quạt nan trắng lấp lóa trên tay đám đàn bà ngồi đầu ngã tư, vẫy như cánh lũ bướm đêm tụ tập buôn chuyện. Vòm phượng vĩ đỏ rực ban ngày giờ nhợt nhạt không màu, hăng hăng tỏa mùi phân xanh từ đám cánh hoa nẫu rụng.
Dãy nhà cấp bốn dài dằng dặc, tối đen như mực dưới rặng xoan đào. Lách xách tiếng Kiều mở khóa. “Hợp tác xã thêu ren đấy! Vỡ nợ rồi! Ông bảo vệ cho em thuê hai gian đầu” Kiều lào thào. “Ở đây sạch mát gấp trăm lần cái nhà khách sặc mùi thuốc lá với thuốc tẩy phòng bọn anh đang tá túc”. Kiều lần túi xách, lấy bật lửa châm ngọn nến lớn. Không gian giãn ra một khoảng hẹp trong ánh sáng vàng vintage. Các bức trướng gấm thêu phủ kín tường. “Hàng tồn họ gửi đấy”, Kiều bảo. Lửa nến lung linh run rẩy. Phán nhớ ngọn đèn Hoa kỳ bằng đồng gò hiệu Kim Long của mẹ. Cái thông phong thủy tinh đầy bọt, mờ ảo và ám muội soi những trang Sử sau buổi học khuya. Sử là môn thi bắt buộc. Ngọn đèn dầu cũng là lịch sử. Ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu. Chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa. Chính Hữu hay Trịnh Công Sơn cũng từng trót nhớ những ngọn lửa đèn ấm áp, dù hai người từng ở hai bên chiến tuyến. Ngay ngọn nến bé nhỏ này cũng hao gầy khi tự đốt cháy mình. Tuy nhiên đó là ánh sáng do tự nó tỏa ra, không phải thứ ánh sáng phản xạ lạnh lẽo của mặt trăng đi mượn, định kỳ vào những đêm rằm đang vằng vặc trên mặt nước ngoài kia.
Những con sóng ngầm dào dạt, hết lớp này đến đợt khác. Kiều nhiệt thành say đắm, nửa thành thục như cô giáo dạy học trò, nửa tận hưởng như một người tình tri kỷ. Hồn phách thân xác Phán ngập chìm trong lũ dâng triều ướt. Đêm trôi trong tiếng vạc điểm canh, tiếng chim cuốc bờ đầm gọi nhau khản giọng. Ngọn nến đã tắt, tàn hoa bấc lập lòe đỏ tỏa mùi khen khét. Bung phá hết mình sau những thác ghềnh thống khoái, Phán bải hoải ngồi dậy, ngắm thân hình ngọc nữ của Kiều trắng ngà trong ánh trăng lọt qua song cửa. Phán thèm thuốc ghê gớm. Như thấu được ý nghĩ người khác, Kiều uể oải với tay lấy chiếc bật lửa. “Em không hút thuốc, nhưng luôn giữ bật lửa cho đắt khách, nhiều lộc”, Kiều giải thích. Phán cười. Tay chủ tịch phường mỗi lần nhờ Phán ra dựng mấy cái pa-nô, tranh cổ động ngoài trụ sở ủy ban cũng hay châm thuốc mời “các đồng chí họa sĩ” bằng cái linh vật bất ly thân này. Ông ấy cũng không hút thuốc.
Re…eeng… re…eeng…! Điện thoại vang tiếng chuông nostalgia cổ điển. Phán thích đặt giọng chuông này cho các cuộc trao đổi công việc. Cổ điển luôn gắn với sự nghiêm cẩn. Sếp tổng công ty đối tác quan tâm sốt sắng, hỏi đã đến đâu? Phán thông báo đã gần tới nơi, đang đi bộ vì xe bus không được vào thành.
– Anh ở đâu, tôi cho xe đón ngay.
– Cảm ơn anh! Không cần. Tôi muốn đi dạo chút đỉnh.
– À, hiểu rồi! Vậy cứ tiêu khiển thoải mái đi, anh họa sĩ.
Giọng oang oang cùng tiếng cười rộ hào sảng trước khi máy tắt. Thằng cha này chắc cũng dễ chơi, Phán nghĩ thầm. Mình sẽ tạt qua Hợp tác xã thêu ren một lát, xem khung cảnh bây giờ nó thay đổi ra sao.
“Dậy, dậy nào! Chàng Roméo mất nết, con quỷ tham lam biết vẽ”. Phán mở mắt. Kiều đã gọn gàng trong bộ áo dài thêu màu phấn hồng, điểm trang óng ả nhưng đoan nghiêm như một cô giáo trước giờ lên lớp. Trên bức tường sau lưng Kiều, một bức trướng lộng lẫy bằng gấm đỏ viền tua vàng, thêu kim tuyến tên một trường phổ thông cùng hai chữ lớn “Dạy tốt – Học tốt”. Đêm qua cô giáo dạy tốt và mình học cũng không tồi, Phán phì cười. Kiều bảo “Lát nữa xe qua đây đón em đi dự lễ khởi công công trình. Anh về đi.” Phán rút cọc tiền dày cộp hôm qua được chia, tách đôi để vào túi xách cho Kiều cùng chiếc bật lửa cầu lộc. Kiều móc ra, cười khanh khách nhét trả vào túi Phán: “Đồ sinh viên kiết xác. Đưa em số điện thoại với địa chỉ thuê trọ. Rảnh rỗi em về qua làm mẫu không công”.
Tưởng nói chơi, hai tuần sau Kiều về Hà Nội tìm đến nơi Phán trọ thật. Cô ở với Phán một tuần. Tuần lễ cách mạng, biến cái ổ chuột hôi hám xóm trọ ven đê của Phán trở thành chuồng chim câu hạnh phúc. Kiều dọn dẹp, chợ búa nấu nướng, hầu cả đám bạn quỷ sứ của Phán xách rượu đến phá đám, đàn ca sáo nhị. Cô xỏ găng tay, ủng, lấy dao phay phát sạch những bụi lau rậm rì che kín phía sau nhà. Dòng sông Cái thần tiên bỗng hiện ra cùng tiếng máy tàu thủy sình sịch vang trong những buổi trưa vắng. Bên kia sông đã là mùa thu. Bên này sông nắng quái chiều cuối hạ vẫn viền vàng con đường ven phố. Chẳng cần đi qua cây cầu mé trên Bến Bạc lấp lánh ánh đèn kia, chỉ một màn sương đêm lỡ bay chấp chới là mùa sẽ đi lạc sang bờ.
Phán dựng giá chọn góc, miệt mài vẽ Kiều với một cảm hứng mãnh liệt chưa từng. Hừng hực sáng tạo, hừng hực làm tình. Bức chân dung sơn dầu hoàn thành cũng là lúc Phán rã rời thân xác ve sầu, cả ở trên giường lẫn bên giá vẽ. Bức chân dung sống động tỏa sáng căn phòng trọ tồi tàn. Kiều ngồi kia, trên ghế trúc trong tư thế chắp tay cổ điển. Mái tóc dài lệch vai, thả xuôi xuống màu phấn hồng tà áo. Nắng lọt mành thưa soi bừng khuôn mặt nàng đang mỉm cười, nhìn xa xăm về phía dòng sông, nơi có chiếc sà- lan neo đậu. Phán đã từng rất hạnh phúc khi thấy thùy đuôi như chiếc quạt nan đỏ rực cùng các tấm vảy màu đồng một con cá chép khổng lồ vùng quẫy dưới lòng sông Thao. Hôm ấy Phán cùng ông ngoại đứng bên bờ lở dựng đứng, nước lũ réo sôi sùng sục. Ông thì thầm, bảo ngài đang luyện võ để vượt Vũ môn hóa rồng. Tháng Sáu máu rồng, trời sắp có mưa lớn đấy! Ai hạnh ngộ ngài đường thi cử khoa bảng sẽ rất may mắn. Ngắm Kiều trong bức tranh, Phán cũng có cảm giác phấn khích, tràn đầy năng lượng như vậy, dù nàng không có vây như con cá chép năm nào.
Kiều bảo Phán giữ lại bức tranh làm tác phẩm tốt nghiệp. Phán không đồng ý. Sơn màu khô, Phán vào khung, gói ghém mang lên xưởng thêu cho Kiều cùng lô áo dài Phán tự thiết kế và đặt may. Chiều mưa trung du lạnh và mau tối. Giọt gianh hàng hiên lóc bóc rỏ đều như đếm nhịp, làm phồng lên những bóng nước lâu tan. Lại mất điện. Căn phòng tranh tối tranh sáng. Bức chân dung Kiều treo trên khoảng tường đầy trướng đỏ đám hiếu bỗng xuất hiện một vẻ u hoài kỳ lạ. Đôi khi nó sáng lên bí ẩn trong bóng đêm. “Như tranh thờ người chết”, Phán cay độc nhận xét. Kiều cười chua chát: “Thì em cũng đã bao giờ sống đâu? Em sẽ chỉ sống trong bức tranh kia thôi”. Khi người ta yêu một bức tranh đẹp, một cuốn sách hay, một bài thơ trác tuyệt… là người ta cảm nó qua năng lực thẩm mỹ, phông văn hoá, độ trải nghiệm riêng từ chính mỗi cuộc đời. Phán bắt đầu thấy buồn bực và ghen tức khi Kiều ngày càng trở nên đắt show kén khách. Bây giờ Kiều chỉ cho phép Phán lên xưởng thêu sau khi có lịch hẹn cẩn thận. Một tay chủ thầu xây dựng góa vợ đang o bế cô sát sạt.
Ngọn nến đêm chao đảo sau cú đáp của một con vạc sành. Con côn trùng hiếu sáng trong đĩa cố giãy giụa bốn chân giữa khối nến chảy mới đông. Đôi mắt màu tro của nó trong suốt, đờ đẫn nhìn lên ngọn lửa thôi miên như một tín đồ sùng đạo. “Tim mày nằm trên lưng mà cũng bày đặt đi theo ánh lửa ư? Đây đâu phải lửa từ trái tim Danko”, Phán thầm nhạo báng. Lại buột miệng câu đồng dao cũ: “Con vạc sành là anh kẻ trộm”. Kiều luồn tay dưới bụng Phán, ráo riết vuốt ve: “Chính anh mới là kẻ trộm tình. Tuần sau em về quê, đoan trang cho người ta hỏi cưới”. Phán cay cú bảo: “Giờ anh không muốn em là của chung cho bất kỳ ai”. Kiều cười rich rích, vò mớ tóc bù xù của Phán: “Cưới em đi, rồi cho em ăn trừ bữa bằng triệu triệu bông hồng à?”. Cô cắn nhẹ tai Phán: “Em muốn làm bà chủ, không muốn làm người đàn bà hát mãi. Nghe chưa chàng họa sĩ của em!”. Phán im lặng, cổ họng đắng nghét. Quả thực tình cảnh bây giờ không phải lúc ca bài một túp lều tranh hai trái tim vàng. “Tháng Chạp tới là anh ấy hỏi cưới em”. Kiều trườn lên ngực Phán, giọng tỉnh bơ như khiêu khích. Cuộc yêu bùng lên hối hả vội vàng trong bản năng sở hữu bị đe dọa khiến cả hai mệt nhoài.
“Không giờ rồi anh ngủ đi anh…”, Kiều ư ử hát khẽ, thỏa mãn chìm vào giấc ngủ. Lại bolero. Nữ hoàng bolero là nghệ danh của Kiều trong những phòng hát cao cấp. Những người thích nhạc bolero, tranh bờ hồ cùng thú vui tình ái cũng chẳng phải tội lỗi lớn lao gì. Họ muốn tìm những thứ dễ dãi thực tế hơn, kể cả cơ hội hôn nhân. Phán ngồi dậy châm thuốc, rít một hơi dài. Mà mình cũng đã ra cái chết mẹ gì mà đòi phán xử? Nợ nần chúa Chổm, vẽ dối vẽ láo xu thời với rất nhiều sám hối. Thấy gái xinh trên đường phố, thậm chí là phu nhân tổng thống gợi cảm trên truyền hình còn tưởng tượng ra cảnh làm tình với họ. Chẳng hiểu sao lại đốn đời đến thế! Làm gì có những thứ nhân cách toàn mỹ nào? Thiên lương cùng tội lỗi luôn ẩn trong tiềm thức loài người nên mới cần có Chúa có Phật, Phán tự an ủi. Đạo đức lẫn văn hóa thực ra là một cái vòng kiềm tỏa mà những kẻ sẵn sàng vi phạm lại to mồm rao giảng nhất. Chẳng thà thuần khiết bản năng như lũ cuốc kêu đêm gọi tình khản tiếng ngoài đầm kia.
Trụ sở công ty xây dựng đối tác tọa lạc đúng vị trí Hợp tác xã thêu ren cũ. Tòa nhà năm tầng đồ sộ, phong cách nửa Roman nửa Baroque đè bóng lên rặng xoan đào. Tổng giám đốc Mạnh ra tận sảnh công ty đón khách trong chiếc sơ mi lụa kiểu Hawaii. Sau cái bắt tay thật chặt, sếp thân mật khoác vai Phán vào phòng khách lớn: “Thông cảm nghe! Tiếp văn nghệ sĩ nên cho phép tôi thoải mái y phục chút”. Ngôn ngữ pha giọng Nam, trang phục không câu nệ, dạng người quảng giao bạt thiệp, đi nhiều và sống thoáng, Phán nghĩ nhanh.
Cô tiếp tân xinh đẹp trong tà áo dài hồng phấn bưng khay trà, nhẹ nhàng đặt lên bàn bộ trường kỷ gỗ trắc khảm trai đóng kiểu đời Minh. Những câu xã giao thăm hỏi qua nhanh. Sếp vẫy tay. Cô thư ký cũng áo dài phấn hồng đi vào nghiêng mình, hai tay trình cặp văn bản. Sếp tổng nói rành rẽ:
– Đây là dự thảo hợp đồng tôi cho phòng tài chính thảo sẵn. Chỉ mỗi khoản giá trị hợp đồng là bỏ trống, để anh có thể điền bất cứ khoản kinh phí nào anh muốn. Tôi hoàn toàn tin tưởng năng lực của anh.
Chịu chơi đây! Phán giở nhanh cặp tài liệu. Hồ sơ năng lực dày dặn, tập truyền thống công ty, slogan quảng cáo in ốp -sét màu giấy tốt. Đồng phục nữ thướt tha áo dài màu hồng phấn ám ảnh mọi tấm hình trong các lễ khởi công công trình.
– Chiều muộn rồi! Đêm nay anh sẽ nghỉ tại phòng tôi ở đây. Tôi đã đặt biệt thự nghỉ mát của công ty trên Tam Đảo cho anh tự do sáng tác. Bà xã tôi quản lý trên đó sẽ thu xếp hậu cần cho anh. Mai xe sẽ đưa anh đi. Còn giờ mình đi nhậu.
“Thánh Barthelemy… thánh Bét tè lè nhè… như chúng ta… đều thảm sát không thương tiếc… vô tội cả lũ… bạn hiền ạ…!”. Sếp nấc cụt, loạng choạng bá cổ Phán đưa vào phòng. “Bạn hiền… cứ tự do. Phòng tôi đây…! Toilet cửa này… Còn bà xã tôi kia…”, sếp chỉ tay lên tường. Cảm giác bất ngờ dội lên khiến Phán tỉnh rượu, ngây người. Trên tường, Kiều đang mỉm cười, nụ cười tỏa nắng bên dòng sông ngày nào trong bức chân dung Phán vẽ. Sếp tự hào đắc ý: “ Đẹp phải không…! Thùy Vân đã đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội khóa này. Trúng chắc luôn! Nếu ứng cử ở Hà Nội xin anh một phiếu. Giờ thì chúc ngủ ngon…!”.
Cửa phòng sập lại. Tiếng động cơ ô tô xa dần. Phán mở tủ lạnh, lấy chai nước tợp một hơi dài, ngắm nghía sờ soạng bức chân dung thật lâu như người lạ. Kiều trong tranh nhìn Phán, nụ cười nửa âu yếm, nửa giễu cợt. Dường như trong tranh cô ấy cũng đã già đi. Bây giờ thì cô ấy tên là Thùy Vân. Chết tiệt!
Phán thấy ngột ngạt, mở cửa sổ nhìn xuống mặt đầm. Cơn heo may đầu tiên đã về, dập dềnh xao xác bờ lau. Tiếng con cuốc lẻ đôi khắc khoải. Trong phòng máy lạnh vẫn chạy vo vo. Cái lạnh vô cảm của máy điều hòa không khí không thể thay thế cho một cơn gió mùa đông bắc. Nó là cái lạnh vật lý, không có ký ức, không có không gian cùng hương đồng thảo nơi cơn gió mùa đi qua, kéo theo những nỗi cô đơn vô định xa xăm. Và có lẽ hạnh phúc cũng chỉ là một trạng thái nhất thời cảm xúc chứ không phải là phương tiện hay đích đến của hành trình.
Ngày mai có nên ký hợp đồng không nhỉ? Ngày mai mình lên Tam Đảo sẽ thế nào? Màn hình điện thoại bỗng sáng xanh, báo một tương tác muộn trên trang Facebook. Phán nhỏm dậy, buồn tay gõ dòng trạng thái:
Hai năm Covid nằm nhà
Ngoài kia sông núi đã già chưa em
Đêm hè khản tiếng đỗ quyên
Giữa trang viết dở rụng lên hoa đèn.
Hà Nội, 12/8/2021
Trung Sỹ
Nguồn: Viết và Đọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...