Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Có thứ thuốc nào chữa đau nỗi lòng dân

Có thứ thuốc nào
chữa đau nỗi lòng dân…

Có một nhà thơ nằm trong bệnh viện/ Vết thương ông, lặn vào cõi tinh thần…/ Hội chẩn thế nào cũng không tìm thấy bệnh/ Có thứ thuốc nào chữa đau nỗi lòng Dân…// Lòng Dân trong ông là những người bất hạnh/ Từng nộp cho non sông giọt máu cuối của con mình/ Từng hiến cho quê hương hạt gạo cuối cùng trong rá rách/ Chỉ mong có cuộc sống ấm no, đất nước hòa bình…
 ĐI TRONG LÀNG SẤM
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn ở thời Mạc. Sấm kí là tác phẩm rất đặc sắc của Cụ, do người đời sau ghi lại, gồm những tiên đoán lạ kì và bí ẩn về Con Người và Cõi Thế. Rất khó minh bạch câu nào của Cụ và câu nào người đời sau thêm vào. Làng Sấm là tên tôi đặt cho làng Cổ Am, xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, quê hương của Sấm kí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Đi trong làng Sấm mà vô cùng im lặng
Nghe rào rào tiếng lá bạch đàn rơi trên đường bê tông
Tưởng Cụ Trạng vẫn còn kia, khăn xếp, áo lương,
guốc mộc
Phe phẩy quạt nan, lững thững đi ra cánh đồng
Cụ Trạng nghĩ gì, hầu hết chúng ta nay đã biết
Thơ Cụ năm trăm năm, trung nghĩa sáng ngời
Còn Sấm kí, biết câu nào là của Cụ
Ai giải mã được lẽ huyền vi
Ai hoạch định được lòng người…
Đất nước sáu nghìn năm sinh ra Thầy Khổng
Dựng tượng Thầy ở Cửa Trời(1) rồi lại cất Thầy đi
Thủng tầng ô dôn, thiên nhiên đã thay lịch
Tuyết tan giữa mùa đông, gió lạnh suốt ngày hè
Đã khác rồi, các khái niệm về tử sinh,
bạn thù và nước lửa
Trên am Bạch Vân,
mây trắng thời Cụ Trạng vẫn còn bay
Bao pho tượng cũng đã bay những nước sơn hào nhoáng
Sông lặng lẽ trôi, mà mài mòn cả bóng những đền đài…
Chỉ nên tin vào giọt mồ hôi còn nóng trên tay
và hạt cơm đang chín trong nồi
Xin trả cho gió mây,
hàng nghìn trang sách Kinh ấu trĩ và giả dối
Bạn tốt sốt ruột chờ ta chết, kề dao nhọn sau lưng
Kẻ thù ném bánh mì cho ta ăn, khi ta đang đói…
Mọi giá trị đã đổi thay, kể cả điều bí ẩn
Sấm Trạng đọc thế nào, trong ánh phản quang
của thời đại hậu hạt nhân
Thớt có tanh tao, ruồi chẳng còn mà đậu…(2)
Được lòng Trời mới có chốn dung thân … (3)
(1) Thiên An Môn
(2) Hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm (có nhiều dị bản):
Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến,
Ang không mật mỡ, kiến bò chi?
(3) “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”, tương tuyền là câu Sấm Trạng Trình dành cho chúa Nguyễn: Một giải Hoành Sơn, muôn đời dung thân. Nhà Nguyễn sụp đổ năm 1945.
TIẾNG GỌI
Bạn ơi
Bạn có bao giờ nghe thấy
Tiếng gọi mơ hồ và xa vắng của Thế Gian
Trên cao xanh kia
Khiến bạn phải ngẩng đầu
Và bạn nhìn sâu hơn vào chính bản thân mình
Bạn ơi
Có khi nào bạn lặng lẽ đi
Trong tĩnh mịch khuya khoắt
Mà chợt nghe vang
Tiếng gầm im lặng của đất đai
Khiến bạn phải bất ngờ ngừng bước
Và tim bạn đập rộn ràng hơn
Những khát vọng không cùng của những ngôi sao…
Bạn ơi
Có buổi chiều nào
Bạn ngồi bên cửa sổ
Nghe đâu đây
Tiếng rền tiếc nuối của Mùa Thu xưa
Trong chiếc lá vàng rơi từ vòm cây xanh
bên bờ con sông hiu quạnh cũ
Đã bỏ quên cánh buồm nâu cuối gió heo may
Mà thăm thẳm nhớ thương một người…
Bạn ơi
Có đêm nào bạn thao thức vì một lí do không thật rõ ràng
Nghe toàn thân rung lên
Hồi hộp lạ thường
Bạn muốn kêu to lên một tiếng cho chỉ một mình bạn nghe
Nhưng không thể
Và bạn nhận ra
Những gì mình đã có là vô nghĩa tầm thường nhạt nhẽo…
Chao ôi
Nếu chưa một lần
Vâng, nếu chưa một lần
Bạn nghe thấy những âm vang hư huyền xao xác ấy
Mà tâm can bạn bình yên
Thì làm sao, bạn có thể chứng minh được
Cuộc đời bạn là đáng yêu và cao đẹp biết nhường nào…
CÕI HOANG
Bao người mang những bí mật xanh rờn
Giấu dưới cỏ hoang, vài bông lau trắng toát
Không ít sai lầm, cũng không ít tội ác
Một đời họ đã làm. Chỉ họ biết mà thôi…
Những vinh quang… thiên hạ đón nhận rồi
Nhiều hơn cả những gì thực có
Hãy thương… giữa biển đời bão gió
Họ lựa sóng mà đi… để được cái phận mình…
Vẫn sống những bí mật động trời dưới cỏ hoang xanh
Dù xương trắng đã mục trong đất tối
Chỉ có bông lau khẽ run khi trăng mờ gió thổi
Muốn nói một điều gì… như có lại như không…
BÓNG TỐI
Anh chỉ tâm sự với một người
Thì hãy tin là anh đã nói với nhiều người
Và có thể với toàn thế giới
Anh có hiểu vì sao
Những tiếng rỉ tai trong buồng kín
Đã từng vang to trên mọi mái nhà cao…
Cái hớ hênh của bạn tốt
Sự vô tình của vợ con
Đều có thể hại anh
Chưa kể kẻ xấu bao giờ cũng nhiều
Kiên trì và thâm hiểm
Chúng ta thường nhìn vào ánh sáng
Mà quên bóng tối ở ngay sau lưng
Bóng tối không xua tan được
ánh sáng của một ngọn nến (*)
Nhưng hàng triệu ngọn nến
Chỉ làm cho bóng tối co lại và bền vững hơn
Bóng tối hùng vĩ và bạo liệt
Tồn tại hiển nhiên
Đầy những bất ngờ…
Đừng quên
Từ thủa mở trời
Trái đất đã quay
nửa mình trong bóng tối…
(*) Lấy ý từ Lời Phật
CÓ MỘT NHÀ THƠ…
Bài thơ này, tôi đã đọc cho Phạm Tiến Duật nghe khi tôi lên thăm ông lần cuối cùng (ngày 15-11-2007). Khi tôi đến thì ông đã ngồi bên bàn uống nước ở hành lang phòng ông nằm điều trị, đang đọc thư của ai đó gửi cho ông. Ông bảo: “ Minh viết về mình thế này là viết ở cái góc khuất của đời mình. Cảm ơn Minh. Viết đến thế là cũng hết rồi đấy. Sau này sẽ in được chứ bây giờ thì khó….”
Tôi đã giữ trong sổ tay của tôi từ ấy. 10 năm. Nhân Kỷ niệm 10 năm ngày Phạm Tiến Duật mất, tôi chia sẻ với các bạn thơ… Cũng là một nén tâm hương thành kính thắp cho ông…
4-12-2017
Có một nhà thơ nằm trong bệnh viện
Vết thương ông, lặn vào cõi tinh thần…
Hội chẩn thế nào cũng không tìm thấy bệnh
Có thứ thuốc nào chữa đau nỗi lòng Dân…
Lòng Dân trong ông là những người bất hạnh
Từng nộp cho non sông giọt máu cuối của con mình
Từng hiến cho quê hương hạt gạo cuối cùng trong rá rách
Chỉ mong có cuộc sống ấm no, đất nước hòa bình…
Nay đây đó đã ấm no, cả nước đã hòa bình
Họ bị hất lên thị thành, tự bán mình trong chợ (1)
Bán chẳng ai mua… Tự nghĩ số phận mình khốn khổ
Chẳng dám trách ai… Chỉ lặng lẽ cúi đầu…
Nhà thơ tự mình chuốc lấy nỗi đau
Cái vòng trống không… bị coi là bệnh hoạn (2)
Nhân dân yêu ông, gọi ông là Bạn
Nhưng khi ông lâm nguy… họ chỉ biết bó tay…
Nhà thơ nằm trong bệnh viện đã lâu ngày
Bệnh có giảm không?… Chỉ có Trời mới biết
Mà Trời thì xanh đến vô cùng bất diệt
Xanh tự nghìn xưa… Cũng chẳng để làm gì…
Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, 15-11-2007
(1): Trong khoảng 10 năm (từ 2001 đến 2010), những người nông dân không có việc làm kéo lên thành phố, tụ tập từng nhóm ở ngã ba đường hay cổng chợ, để có ai mượn mình thì đi làm thuê .
(2) Theo các tư liệu và hồi ức của bạn bè (đã đăng báo) thì vì bài thơ Vòng trắng, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bị khai trừ Đảng, hạ cấp quân hàm và xuất ngũ. Có khi uống chén rượu, ông đứng khóc hu hu. Ông lâm bệnh hiểm nghèo, trước khi mất 1 tháng, năm 2007, ông được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và 5 năm sau, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 4, năm 2012.
Bài thơ như sau:
Vòng trắng
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
PHẬN GÁI
Em không coi rét là gì
Chân trần, váy ngắn, áo thì phong phanh
Hình như qua tuổi xuân xanh
Giữ sao được vẻ trong lành, ngây thơ
Chưa chồng thì đợi, thì chờ
Thịt da khoe đến bao giờ mới thôi…
Trời đang lạnh thế, em ơi
Thương em mà dạ ngậm ngùi, không yên
Nào ai hiểu được lòng em
Những ngày trống trải, bao đêm lạnh lùng…
Thì thôi, cố… để  có chồng
Còn hơn bến vắng thuyền không. Một mình…
Làm sao mà dứt được tình
Rồi ra đen bạc, thác ghềnh… là đâu…
TÂM SỰ VỚI BẠN
Mình già rồi, có còn cái chi đâu
Câu thơ viết, hai phần ba nước mắt
Cố nói thật lòng mình, cố nói lên sự thật
Mà yên thân, đã là phúc lắm thay!
Mình già rồi, biết nghĩ thế nào đây
Sống lương thiện, bây giờ sao khó thế
Vừa là bạn thân, thoắt đã thành ác quỉ
Biết tin ai? – Đồng chí của chính mình!
Mình già rồi, màng chi đến lợi danh
Bao kì vọng biến mình thành lầm lỗi
Cả một đời, mình sẵn lòng đánh đổi
Lấy một câu thơ trung thực với Nhân Dân!…
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG…
Tôi luôn luôn nghĩ
Vẫn có ai chờ đợi tôi ở phía cuối con đường
Tôi không thể nào không đến đó
Và tôi đi
Mải miết
Nhọc nhằn
Con đường tôi phải tự mở ra
San đá phía bên này
Phát gai phía bên kia
Bão sắt, mưa chì, nước lửa, hùm beo
Xin chấp tất
Miễn là tôi tới được
Nơi bạn vẫn chờ tôi ở phía cuối con đường…
Bạn ơi
Bạn vẫn chờ tôi ở phía cuối con đường chăng ?
Tôi đang đi đến đây
Những bước chân chậm rãi nhưng chắc chắn
Ngón tõe ra bám riết trên đường đời lầy lội
Tóe máu
Nhưng tôi vẫn đi
Không một phút nghỉ ngơi
Sớm muộn thế nào tôi cũng đến
Xin bạn cứ chờ tôi ở phía cuối con đường
Trang bản thảo của tôi còn dang dở
Những khoảng trắng rợn người
Tôi đánh cược cuộc đời tôi vào khoảng trắng này
Bạn ơi!
Bạn ơi!
Bạn ơi!
Tim tôi đập ở đây
Phổi tôi thở ở đây
Hồn tôi cũng ở đây
Bạn có nhận ra chăng?
Có nỗi vui buồn ngọt đắng của riêng tôi
Cùng hơi ấm trời cao
Tôi phổ vào cây đàn thơ mà tôi đã lấy trộm
Của những đêm trăng buồn (1)
Tôi mang khúc ca này tặng bạn
Xin bạn cứ kiên nhẫn chờ tôi
Ở phía cuối con đường…
Chỉ cần có một người, một người thôi,  chờ đợi
Tôi cũng đủ sức đi trọn vẹn một đời thơ
Con đường đã mở ra
Bạn ơi
Bạn cứ chờ tôi
Sớm muộn thế nào tôi cũng đến!
Trời đã khuya rồi
Vầng trăng non đã tắt
Những ngôi sao mệt mỏi ngủ im lìm
Nếu bạn chẳng đợi tôi
Tôi đâu dám trách
Chỉ xin bạn tạo ra một cái gì giống bạn
Với vóc dáng hằng ngày quen thuộc
Nhưng bạn ơi
Bạn đừng nói với tôi điều đó
Để tôi tin là tôi vẫn còn có bạn
Đang đứng chờ tôi ở phía cuối con đường…
Mải miết
Nhọc nhằn
Không phút nghỉ ngơi
Khúc ca tôi cũng đã soạn xong
Tôi đã đến muộn chăng?
Xin dâng bạn
Dù bạn còn đứng đó hay không
Ở phía cuối con đường…
Chú thích:
(1) Ý thơ trong trường ca Bản Xônat hoang dã của Trần Nhuận Minh
14/4/2022
Trần Nhuận Minh
Nguồn: Viết và Đọc mùa đông 2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...