Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Nguyễn Đình Tâm, cái tôi trữ tình, cơn đau của sáng tạo và thăng hoa của thơ

Nguyễn Đình Tâm, cái tôi trữ tình, cơn đau
của sáng tạo và thăng hoa của thơ

Đọc thơ Nguyễn Đình Tâm cảm nhận đầu tiên, bao trùm và xuyên suốt là tâm hồn Nguyễn Đình Tâm rất giàu chất thơ. Chất thơ ấy, trước hết gắn với những cảm xúc trực tiếp trước thiên nhiên, trước cuộc đời, gắn liền với sự xúc động mãnh liệt trong trái tim nhà thi sĩ.
Sáng tác thơ ca là một nhu cầu tự biểu hiện, một sự thôi thúc mãnh liệt, dồn dập từ bên trong trái tim nhà thi sĩ. Trong hoạt động sáng tạo ấy, mỗi nhà thơ thường có những sở trường, năng lực tinh thần riêng của mình. Các nhà thơ thiên về cảm xúc, tâm hồn thơ dễ lay động với những đổi thay, những tác động từ bên ngoài. Có cây bút lại mạnh về mặt suy tưởng, từ những hiện tượng trong đời sống khách quan, họ đặt lại vấn đề, phát hiện ra mối quan hệ bản chất, cung cấp cho nó một ý nghĩa, biện giải một cách sâu sắc. Lại có những nhà thơ kết hợp được nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và suy tưởng, đồng thời có những điểm sáng của trí tuệ, triết lý và luôn luôn có ý thức cách tân, làm mới thơ. Thơ Nguyễn Đình Tâm thuộc về xu hướng thứ ba này.
Sinh ra từ xứ Nghệ, mảnh đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật, tâm hồn thơ Nguyễn Đình Tâm được ấp ủ ngay từ thuở ấu thơ. Những năm học ở trường phổ thông, ở Đại học Hàng Hải, anh bắt đầu xuất hiện trong làng thơ và ngay từ những bài thơ đầu tiên (cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước, anh đã gây được sự chú ý của bạn đọc. Từ đó đến nay gần năm thập kỷ đã trôi qua, bàn chân anh đã đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc. Trong chiến tranh chống Mỹ, với tư cách là một sĩ quan Hàng hải, anh tham gia các chiến dịch vận tải vũ khí, lương thực vào chiến trường. Trong hòa bình, anh đã đi dọc chiều dài, chiều rộng của đất nước, từ Trà Cổ đến Vũng Tàu, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ Sông Hồng nắng rực bờ đê đến đồng bằng sông Cửu Long cuộn sóng, rồi qua biên giới, đến Anbani, Triều Tiên, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản,… Và ở mỗi chặng đường ấy, hồn thơ anh nén lại rồi ào ạt tuôn trào. Các tập thơ: Sóng vào thu, Tình biển, Thức với mùa thu, Thức với biển, Một thời biển cả, Lời của chim Hải Âu, … đã ghi lại những dòng cảm xúc mãnh liệt ấy.
Đọc thơ Nguyễn Đình Tâm cảm nhận đầu tiên, bao trùm và xuyên suốt là tâm hồn Nguyễn Đình Tâm rất giàu chất thơ. Chất thơ ấy, trước hết gắn với những cảm xúc trực tiếp trước thiên nhiên, trước cuộc đời, gắn liền với sự xúc động mãnh liệt trong trái tim nhà thi sĩ. Trong nhiều bài thơ của anh, yếu tố cảm xúc ở dạng trực tiếp của chủ thể là một trong những nhân tố cơ bản để tạo nên chất thơ. Nếu xem việc giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về tư chất của nhà thi sĩ thì điều đó thể hiện rất rõ trong thơ Nguyễn Đình Tâm: “Tôi bồi hồi bắt gặp một làn mây/ mỏng manh quá đang trôi về Cửa Hội/ Lòng xao động như một thời nông nổi/ Thời mưa buồn lặng lẽ – tầm xuân” (Đêm Cửa Lò).
Trong thơ Nguyễn Đình Tâm cảm xúc không chỉ là cái gốc của hồn thơ mà còn là nhân tố chủ yếu để tạo nên hình tượng thơ: “Ánh mặt trời hạ thấp phía sau lưng/ Mặt biển xanh chuyển sang màu tím đỏ/ Chim biển ơi, sao chưa về tổ/ Cứ bồng bềnh trên ngọn sóng hoàng hôn/ Mây tạo hình dáng mẹ bồng con/ Đang ngóng đợi phía chân trời yên ả” (Trong chiều xa thành phố). Với Nguyễn Đình Tâm những cảm xúc bồi hồi, rạo rực đã tạo nên một trạng thái đặc biệt trong quá trình sáng tạo thơ ca, từ sự rung động thực sự ấy, những hình ảnh, cảm nghĩ cứ bay lượn, đi về, rồi niềm xúc động bùng lên mãnh liệt. Nhà thơ Gớt (Đức) từng nói: “Thơ phải làm cho người đọc không còn thấy câu thơ mà chỉ thấy tình người”, điều đó thể hiện rất đậm nét trong thơ Nguyễn Đình Tâm. Trong thơ anh, nhiều câu thơ được cấu tạo bằng thuần túy chất liệu của tâm hồn. Điều cần nhấn mạnh là chất thơ ấy không xa rời cuộc sống; chất thơ ấy lấy điểm tựa trong hiện thực, trong cuộc đời: “Bụi phấn của Thầy giờ đã trắng đầu ta/ Trái tim viết miệt mài chưa xong bản chính/ Những nếp sóng âm thầm trên vầng trán/ Đuổi nhau hoài mà chẳng kịp ước mơ” (Gặp mình).
Rất nhiều bài bàng bạc chất thơ, thấm đượm chất thơ (Nhớ biển, Ngã ba thu, Trung du, Thị xã hai cửa biển, Mùa hoa gọi bạn, Trước cửa biển, Thức đợi trăng lên, Biển quê hương, …). Đọc thơ Nguyễn Đình Tâm, ta gặp một hồn thơ tinh tế và đầy chất nghệ sỹ. Thơ anh có sự giao cảm màu nhiệm giữa thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm của nhà thơ: “Đêm Cửa Lò không có mưa tầm xuân/ Chỉ có gió, có trăng và điệp trùng con sóng/ Có em với hồn thơ rung động/ Tôi mơ màng trong tiếng sóng ru” (Đêm Cửa Lò). Ở đây, có sức gợi, góp phần tạo nên một cảm nhận tinh tế và trong chiều sâu của hình ảnh như đang trỗi dậy cả một sức sống.
Nếu trong thơ, cảm xúc là yếu tố cơ bản tạo nên hình tượng thì Nguyễn Đình Tâm tỏ ra có nhiều năng lực trong việc tạo cảm xúc. Năng lực này bộc lộ rõ trong khả năng động cảm với mọi người trong sự chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng loại, trong sự phân thân thành những đối tượng khác. Nhiều cảnh ngộ, nhiều trạng thái tình cảm của bạn bè, của người thân thường làm xúc động đến những tình cảm sâu kín nhất khiến cho nhà thơ tham dự vào đó như chính cảnh ngộ của bản thân mình (Canh lửa, Bất chợt trưa, Tôi tìm dằm đất cũ, Vinh và em, Khoảnh khắc, Tin không, …)
Trên nền tảng có sự xúc động, trong khi hòa quyện được cảm xúc và suy nghĩ, càng về sau thơ Nguyễn Đình Tâm càng mang đậm chất suy tưởng “Chân trời, Với niềm tin, Viết cho sinh nhật 2017, Dâng hiến, Nỗi nhớ, Em ạ, Ủ sóng, …). Ở những bài này hình tượng trong thơ anh là hình tượng của cảm xúc và suy nghĩ, của xúc động và ý tưởng, trong đó phần suy tưởng để lại dấu ấn rất đậm. Cảm xúc và suy tưởng trong thơ anh luôn luôn có khả năng chuyển hóa qua lại như một dòng của tư duy, một nguồn mạch đi về không có sự cách ngăn. Nhiều câu thơ giàu chất triết lý. Chất triết lý ấy không chỉ bộc lộ ở cấu từ mà còn được biểu hiện ở cách đặt vấn đề của tác giả, ở những lập ý, những liên tưởng, ở trí tưởng tượng, ở những chi tiết và hình ảnh “Đi theo lề trái hay lề phải/ Đều cũng chung nỗi nhớ tình thương/ Đều hướng về cội nguồn, về lòng biết ơn/ Ông Thọ – Nam Sơn – Thầu Chín – Bác Hồ” (Lề trái, lề phải).
Thơ Nguyễn Đình Tâm là tiếng nói của một cuộc đời từng trải, một tâm hồn sâu nặng yêu thương và cảm nhận sâu sắc. Cảm xúc, suy nghĩ trong thơ là sự chuyển hóa, biến hóa của một dòng năng lượng và dòng năng lượng đó bắt nguồn từ cảm xúc, để dần dần tăng lên thành sự suy tư, băn khoăn, suy tưởng, cuối cùng thành triết lý. Nhưng anh không triết lý một cách trần trụi, khô khan mà triết lý bằng hình ảnh – những hình ảnh được tạo nên từ cảm xúc mãnh liệt. Tâm hồn anh lắng đọng nhiều suy tư, cho nên đọc thơ anh, ta phải đọc thật chậm, đọc đi đọc lại nhiều lần, trong một không gian yên tĩnh, trong một thời khắc trầm lắng thì mới cảm nhận hết cái hay, cái sâu sắc của thơ anh. Trong tiếng nhạc âm vang của quá khứ, anh thường nghĩ đến thái độ sống trước hiện đại, anh muốn bình tĩnh, trong một thời khắc trầm lắng thì mới cảm nhận hết cái hay, cái sâu sắc của thơ anh. Trong tiếng nhạc âm vang của quá khứ, anh thường nghĩ đến thái độ sống trước hiện tại, anh muốn bình tĩnh để nghiền ngẫm những vấn đề thuộc về số phận, nhân bản, con người, tình yêu và cuộc đời… thông qua những cảm nhận, những rung động tinh tế của hồn thơ: “Trời nứt toác trong đêm rền chớp biển/ Vết thương lòng chợt tấy, nhói đau/ Bạn nơi đâu, dưới muôn trùng sóng, Đại dương “Thái Bình”/ Sao người phải xa nhau!” (Thái Bình Dương).
Nguyễn Đình Tâm biết giữ một thái độ trầm tư trong suy nghĩ, trong những liên tưởng kín đáo. Ở những khía cạnh cuộc sống mà anh đã từng trải qua, những kỉ niệm quá khứ, những gặp gỡ hiện tại, anh có những dự cảm, những ước đoán có chiều sâu, có vóc dáng của một tầm suy tưởng, trí tuệ, có cái da diết xoáy sâu vào vấn đề chủ yếu của cuộc sống, tình người. Thơ Nguyễn Đình Tâm là kết quả của một quá trình suy nghĩ, suy tưởng về những vấn đề mà anh hằng ấp ủ và rút ra từ thực tế cuộc sống. Có những câu thơ đầy ấn tượng: “Tia chớp rạch bầu trời/ Hạt mưa khâu vá vội/ Ta nhớ về quê nội/ Nơi lao đao bao số phận con người” (Mưa đại dương).
Thơ Nguyễn Đình Tâm thường gắn liền với trí tưởng tượng và sự liên tưởng. Trí tưởng tượng trong thơ anh là một đường dây nối liền những hiện tượng tưởng như riêng lẻ, cách biệt nhau thành một nguồn mạch thống nhất: “Rồi mùa đông cũng tan/ Trong tiếng cây tách vỏ/ Rồi mùa xuân cũng rơi/ Theo cách đào lá tá/ Rồi mùa hạ cũng tắt/ Trong tiếng ve nguội dần/ Rồi mua thu cũng bay/ theo lá vàng nức nở/ Chỉ màu xanh biển cả/ Xanh mãi tới vô cùng” (Em ạ). Ở những câu thơ này, cảm xúc của nhà thơ đã trực tiếp kích thích trí tưởng tượng và đến lượt nó, trí tưởng tượng lại làm cho cảm xúc thêm phong phú.
Trong thơ Nguyễn Đình Tâm cái tôi trữ tình rất đa dạng, nhiều màu sắc. Có khi cái tôi trữ tình được thể hiện dưới dạng trực tiếp của những tình cảm sâu đậm, những kỉ niệm đầy ấn tượng, những tâm trạng khắc khoải, bồi hồi gắn với cuộc đời riêng của nhà thơ. Ở đây, sự thống nhất giữa cuộc đời nhà thơ và cái tôi trữ tình trong thơ biểu hiện rất rõ, và trong trường hợp này, cái tôi trữ tình cũng chính là cái tôi của tác giả (Ngã ba thu, Đêm Cửa Lò, Gặp mình, Giữa cái chiều sâu ấy, Vinh và Em, Viết cho sinh nhật 2017, …). Cũng có khi cái tôi trữ tình không bộc lộ một cách trực tiếp nhưng nếu đọc kỹ, qua cách diễn đạt, người đọc vẫn thấy rõ cái tôi trữ tình và trong trường hợp này, cái tôi trữ tình chính là cái tôi của tác giả đã được nghệ thuật hóa trở thành nhân vật trữ tình trong thơ (Có một vầng trăng, Sau cơn bão, Trước thành nhà Hồ, Tháng ba, Lang thang, …)
Cái tôi trữ tình ấy được biểu hiện qua nhiều cung bậc của cảm xúc, có khi trầm tư trong giây phút trở về quá khứ (Ru tuổi thơ tôi, Tôi và sông La thế đấy) (Khúc Một), có lúc thiết tha trong tiếng nói yêu thương (Thơ dâng mừng mẹ tuổi 90), Bạn bè ơi! …), có khi thành kính, ngưỡng mộ (Lòng ngưỡng mộ), có lúc rạo rực, bồi hồi (Chia tay, Tiễn, …), có khi trằn trọc, băn khoăn (Thái Bình Dương, Với niềm tin, …)
Qua những biểu hiện của cái tôi trữ tình, người đọc thấy rõ thơ Nguyễn Đình Tâm là nơi gặp gỡ giữa hai nguồn thi cảm: lối về quá khứ với những kỉ niệm nao lòng, nẻo về hiện tại với nhiều trăn trở, suy tư.
Đọc thơ Nguyễn Đình Tâm, ta thấy rất rõ là anh có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật diễn đạt. Anh luôn có ý thức tự làm mới mình, làm mới một cách quyết liệt, triệt để và thường xuyên. Sự kết hợp giữa cái mới trong hiện thực với sức sáng tạo bền bỉ, dồi dào của Nguyễn Đình Tâm là cơ sở để tạo nên cái mới trong thơ anh, từ đó đem đến cho người đọc những rung cảm mới. Đây là cái mới trong tứ thơ, hình ảnh: “Một thị xã gối hai cửa biển/ Đủ rộng dài cho ta mông, ta mơ/ Đủ vang vọng một thời để nhớ/ Một tình yêu – Cửa Hội – Cửa Lò” (Thị xã hai cửa biển)
Phép nhân hóa đầy ấn tượng: “Sông Thêm xanh thổn thức, thao thức/ ánh đèn vàng/ Trăng ngủ cô đơn” (Nhớ sông Thêm).
Sự so sánh thú vị: “Lòng bâng khuâng gặp ốc đảo màu xanh/ Thấp thoáng bóng lạc đà hướng về Kim tự tháp/ Đàn cừu trắng như mây cuồn cuộn sà đất.
Mới lạ trong từ ngữ: “Và cánh rừng đã xa/ chỉ còn dòng sông nhỏ/ chảy về rưng rưng chiều” hoặc “Người đi theo ước mơ/ Phượng cháy bùng nỗi nhớ” (Mùa hoa gọi bạn).
Nhiều khi, sự phóng khoáng của tâm hồn kết hợp với sự tìm tòi, phát hiện đã sáng tạo ra được những hình tượng khắc sâu trong lòng người đọc: “Biển dang sóng khoát bắp săn cuồn cuộn/ ngực căng phồng thở gấp buổi triều dâng” (Tình biển).
Đề tài trong thơ Nguyễn Đình Tâm cũng rất phong phú nhưng ấn tượng nhất với độc giả là những bài anh viết về đề tài biển, là người đã trực tiếp tham gia chiến dịch vận chuyển vũ khí, lương thực theo đường biển vào chiến trường, anh rất xúc động và cảm phục sự hy sinh của đồng đội trên biển. Anh coi đó là món nợ lòng phải trả. Và trường ca “Thức với biển” 2015 và đã ra đời. Anh đã dành biết bao tinh lực, tâm huyết cho trường ca này, cảm xúc của anh như lớp lớp sóng xô dào dạt, chan chưá. Có thể xem Thức với biển là kết quả của những cơn đau sáng tạo, trải nghiệm, chất chứa, bùng nổ, thăng hoa, giải nhất cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải (2014-2015) trao cho trường ca Thức với biển thật là xứng đáng (sẽ có một bài viết riêng về tác phẩm này).
Trên đây, chúng tôi đã trình bày những cảm nhận bước đầu về thơ Nguyễn Đình Tâm. Những vấn đề khác của thơ Nguyễn Đình Tâm sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là thơ Nguyễn Đình Tâm luôn luôn lấy cái tình làm trọng, lấy sự chân thật, mộc mạc làm nền. Với anh, cảm xúc là cái gốc của hồn thơ. Hơn năm mươi năm lặng lẽ, cần mẫn, chắt chiu, gieo hạt trên cánh đồng thơ, Nguyễn Đình Tâm đã thu hoạch được những gì anh xứng đáng có. Những giải thưởng (trong và ngoài nước) anh được nhận đã nói lên điều đó. Tâm hồn Việt trong thơ anh đã được độc giả nước ngoài trân trọng đón nhận và lan tỏa trên các tạp chí Văn học của các nước: Rumani, Hàn Quốc, Ý, Nê Pan, Nga, Hy Lạp, Văn học châu Á và AWW (Asociation of World Writers)… Hi vọng rằng Nguyễn Đình Tâm sẽ cống hiến cho bạn đọc những vần thơ hấp dẫn hơn nữa.
Vinh, 4/8/2021
Đoàn Mạnh Tiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...