Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Thương nhớ quê nhà

Thương nhớ quê nhà

“Một đêm bước chân về gác nhỏ,
chợt nhớ đóa hoa Tường Vi…”
(Đêm thấy ta là thác đổ – TCS)
Lần thứ ba tôi phải bay qua châu Âu trong mùa dịch để đưa các con tôi nhập học, bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời bọn trẻ. Chuyện hệ trọng, kế hoạch định ra đã hai năm nay nên cả nhà phải lên đường trong tâm trạng vô cùng lo lắng bất an. Khác với hai lần trước, khi đó tình hình trong nước rất an toàn, số ca nhiễm ít, việc phải đi tới những nơi được xem là ổ dịch của cả thế giới hết sức rủi ro, nếu không nói là liều lĩnh. Nhưng lần này thì ngược lại, lục địa già đã an toàn hơn, trong khi số ca nhiễm và tử vong trong nước mỗi ngày một tăng, lên tới những con số không thể nào tưởng tượng nổi vài tháng trước. Nên ngoài nỗi lo lắng bất an cho sự an toàn của các con trong suốt hành trình, lòng tôi còn dấy lên một cảm giác khác, rất khó chịu: việc tôi bay đi lúc này chẳng khác nào một cuộc đào tẩu.
Vốn là kẻ đam mê dịch chuyển, mỗi chuyến đi đâu xa tới một vùng đất lạ dù với lý do gì tôi đều cố gắng thực hiện như mỗi trải nghiệm mới mẻ trong đời mình. Nhưng trong chuyến đi này, điều duy nhất tôi có thể nếm trải được chính là sự hổ thẹn của một kẻ rời bỏ quê nhà, bỏ mặc anh em, bằng hữu ngay trong những ngày nguy khó nhất vài mươi năm nay của quê hương, của thành phố, của xóm nhỏ ngoại thành, nơi tôi được nuôi dưỡng, lớn lên và bay nhảy.
Nỗi dằn vặt, cùng với niềm nhớ nhung da diết những người thân yêu ở quê nhà cứ đeo bám tôi dai dẳng ngày đêm, không thể nguôi ngoai được. Suốt hai tuần đầu tiên kể từ ngày qua đây, tôi gần như chỉ ở trong nhà, nhìn ra bầu trời xanh cuối mùa hạ và im lặng, có việc liên quan giấy tờ hay phải mua sắm cần thiết lắm mới đi ra ngoài. Thi thoảng chiều chiều, hai cha con tôi xuống sân cỏ trong khu chung cư chơi đá bóng qua lại, hoặc lang thang tản bộ một chút cho khuây khoả trên những con đường nhỏ quanh khu nhà.
Tôi có mấy người bạn thân nơi quê nhà. Một trong số đó, tên Vương, nhắn rồi gọi hỏi han suốt chặng đường cha con tôi đi, nhớ cả giờ giấc tôi quá cảnh để quan tâm, cho đến khi tới nơi và cả những ngày sau đó. Trong những người bạn thân ít ỏi, tôi khá thân thiết với Vương và Phê, đều ở Hà Nội, dù cả ba anh em ba thái cực khác nhau một trời một vực. Tình cảm anh em bắt đầu từ vài thú chơi phù phiếm, nhưng dần dà vượt ra khỏi ranh giới đó để có thể chia sẻ chuyện trò đủ thứ với nhau. Tôi thuần túy kỹ thuật, lại là dân kinh doanh. Vương hơn tôi mười mấy tuổi, sống bằng chữ nghĩa hoặc đại loại vậy, thâm trầm, hài hước và sâu sắc. Còn thằng Phê, nhỏ nhất trong ba anh em nhưng cũng đã qua hàng bốn, không vợ con, lêu bêu suốt ngày với gà chọi cây kiểng, chả biết kiếm sống bằng món gì, gặp nhau lúc nào cũng tếu táo và ngổ ngáo. Vương hay chọc nó là đệ cưng của tôi…
Những ngày đầu Hà Nội còn chưa giãn cách, hàng quán vẫn buôn bán thoải mái. Hai anh em Vương, Phê ở nhà đi ăn phở đều chụp hình gởi sang chọc ghẹo tôi. Có khi đang chơi đá bóng cùng con trai, thấy tin nhắn mở ra xem. Đập vào mắt hai tô phở lõi Khôi Hói phố Hàng Vải nghi ngút khói, cùng với bát quẩy vàng ươm gợi âm thanh giòn tan khiến tôi lên cơn thèm hương vị quê nhà đến bủn rủn tay chân, đá trái bóng lăn đi không nổi.
Món phở lõi cùng với bát quẩy thần thánh này mấy anh em tôi nghịch ngợm đặt cho mật hiệu LQ2T bí hiểm một thời trên các diễn đàn, rồi ba thằng già đầu comment qua lại hi hí cười với nhau, chả còn gì hình ảnh những thằng đàn ông kiêu bạc hai thứ tóc trên đầu chọc trời khuấy nước từ vực thẳm sông sâu đến non cao biển rộng. “Khắp Hà Nội chỉ chỗ này thật có phở lõi”, Vương hay nói với tôi câu đó mỗi khi chở tôi đến hàng Khôi Hói. Vương cũng nhiều lần đưa tôi đi ăn phở Hàng Đồng, nước lèo trong vắt không một chút gợn mỡ nhưng ngọt lịm đến tận xương tuỷ, hay quán bún dọc mùng đối diện cửa hàng sách số 5 Bát Đàn của cụ Phan Trác Cảnh, gắn liền với số phận nổi chìm của ông chủ nhà xuất bản Minh Đức xưa.
Hàng nước ngay góc số 1 Bát Đàn cũng là chỗ anh em chúng tôi hay ngồi, với món giải khát được đặt mật hiệu SDLN cũng bí hiểm không kém trên diễn đàn. Có một dạo, LQ2T cùng với SDLN được mấy tay chơi rỉ tai nhau là bí danh của món hàng nào đó kinh khủng lắm, phải gọi bằng mã hiệu như những bí số của các vụ trọng án để tránh lộ nguồn hàng.
Đó cũng là những quán xá gắn liền với các cuộc trò chuyện hài hước không chỉ của riêng anh em chúng tôi. Giữa anh em bạn bè chúng tôi, nơi chốn kỷ niệm đáng nhớ nhất không chỉ ở Hà Nội mà còn là những quán xá Sài Gòn, chẳng hạn quán phở Dậu trứ danh thu hút cả ngàn thực khách vào mỗi sáng hay những quán café lề đường. Giờ đây, khi xa quê hương vạn dăm, nỗi nhớ cái không khí thân thuộc ấy nhiều khi khiến tôi quặn thắt cả lòng.
Đến lúc này, tôi mới hiểu tình yêu quê nhà đúng là lặn vào trong từng miếng ăn miếng uống và vì sao Vũ Bằng có thể viết nên một thiên tuyệt tác Thương nhớ mười hai dựa trên màu của nỗi nhớ ẩm thực da diết đến vậy.
Những đêm Sofia gần như tôi không ngủ được. Tôi hay ra ban công ngồi im lìm nhìn dãy núi Vitosha mờ ảo xa xa, nhớ những chuyến đi dọc miền đất nước, thèm cảm giác ngủ bụi ngủ bờ nơi một trạm xăng ven quốc lộ đến nao người. Tôi thương nhớ quê nhà xa lắc xa lơ đang ngập chìm trong tang thương đại dịch, con số người tử vong mỗi ngày làm hồn tôi rỗng rễnh. Ôi thành phố nơi tôi sống đã quá nửa đời người, “thành ghế đá, chiều công viên, ngày xưa…ngày xưa…”
Ngày hôm đó người em trai gởi tôi tấm ảnh chụp bố mẹ tôi lụi cụi vác túi đồ ăn tiếp tế về nhà từ hàng rào phong toả đầu hẻm. Con đường tuổi thơ tôi vắng ngắt, im lìm như con đường chết, không còn một chút sức sống nhộn nhịp nào của mỗi ngày. Hình ảnh bố mẹ tôi bước đi đơn độc giữa trời nắng chang chang, giữa trùng vây dây giăng dọc ngang cách ly khiến tôi lặng người suốt cả mấy ngày sau đó.
Những con người như bố mẹ tôi, trải qua bao nhiêu sóng gió cũng không thể nói cho hết được, từ một thời chiến tranh ác liệt trong suốt tháng ngày tươi trẻ của cuộc đời đến bao năm trời bầm dập nơi rừng thiêng nước độc, rồi trở về thành phố lạc loài bên rìa xã hội, đi mót lúa, nhặt ve chai, còng lưng đạp xe chở nặng cả trăm cây số mỗi ngày lo cho bầy con, cuối đời tưởng sẽ bình yên an nhàn nơi căn nhà nhỏ bên ngôi giáo đường có tiếng chuông rộn ràng ngân vang mỗi chiều.
Dịch bệnh tới, sau những tháng ngày an toàn, bỗng bàng hoàng trong phút chốc. Mỗi ngày tôi lại nghe thêm tin một người hàng xóm qua đời, những người bạn của bố mẹ tôi trở về nhà trong những hũ tro, ngôi nhà của những gia đình đi cách ly trống hoang trống hoác. Tiếng chuông nhà thờ xóm ngoài im bặt, cổng ngôi chùa xóm trong cũng đóng kín lặng câm, nghĩa trang xưa tiêu điều trong ngày rằm tháng bảy. “Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi”, tôi nhớ câu thơ của Du Tử Lê, thấy hợp làm sao. Qua sóng điện thoại, thi thoảng vọng từ quê nhà tiếng chó tru trong những đêm tôi ngồi nhìn bất động dãy núi Vitosha ảo mờ sương phủ, rét căm căm. Người em gái vừa gởi sang một ngàn chiếc ôm, ấm áp; chị Hai nhắn sớm về nấu cho bát canh chua. Những người chị em ruột thịt, những người bạn trời cho.
H. thường gọi tôi lúc nửa đêm về sáng, như đã biết rõ đồng hồ sinh học của tôi. Giờ đó Hà Nội đã thức giấc, còn tôi vật vờ trong cơn nửa tỉnh nửa mê. Lần nào nói chuyện, H. cũng làm tôi nhẹ nhõm và vui cười. H. kể tôi nghe về công việc cơ quan mỗi tuần phải lên một vài ngày tán dóc hay chỉ để gõ lọc cọc bất định vào bàn phím rồi thôi, kể về những con mối đục khoét cái tủ bếp, về những bông hoa Ngọc lan thơm ngát mới nở đêm qua…
Tôi kể cho H. nghe về tiếng chó tru sóng điện thoại nhưng giờ đã ám suốt trong đầu, về trạm xe bus đầu phố mà tôi hay ra đứng đó chỉ để nhìn những anh chàng hippy đầu trọc hay những cô nàng xanh mắt bồ câu chậm rãi lên xuống xe, mỉm cười chào tôi bằng ngôn ngữ xa lạ, bỏ lại sau lưng một làn khói thuốc. Tôi cũng kể H. nghe về những container mọc đầy trong phố để bất cứ ai cũng có thể ghé vào tiêm vaccine, nhưng vắng ngắt. Hôm tôi dẫn các con tôi tới, trời nắng thật đẹp, những nhân viên y tá đang ngồi ngáp ruồi và chơi phóng phi tiêu. Tôi nhìn vào tủ đựng vaccine, bỗng loé lên cái suy nghĩ trẻ con làm sao gom được hết gởi về nhà, như ngày xưa từng lén trộm viên kẹo ngọt ở hàng bà Bốn góc nhà thờ, rồi dè sẻn mãi không dám ăn, đến khi mở ra lại hậu đậu làm rơi xuống đất, tiếc ngẩn tiếc ngơ cả một thời hoa mộng thơ bé.
Tôi nhớ Huế da diết. Trở đi trở lại trong tôi cái buổi chiều tôi chở mẹ tôi đi từ Quảng Bình về Đà Nẵng, đưa mẹ qua phá Tam Giang, về ngang Huế lúc chín giờ tối. Hai mẹ con lang thang trong chùa Thiên Mụ đã phủ đầy bóng đêm, giữa muôn côn trùng kêu rả rích. Bất giác tiếng chuông chùa ngân lên, mặt nước sông Hương bàng hoàng tê dại.
Đêm Sofia cũng bàng hoàng tê dại. Những người tôi yêu thương lại hiển hiện cùng dãy Vitosha ẩm đục trước mặt. Một vầng trán thanh cao, một ánh mắt cúi nhìn nhu thuận, một mặt hồ tháng mười hai, như nợ duyên tiền kiếp. Tôi hay tự hỏi, những lúc buồn vui ghi nhớ trong cuộc đời mỗi con người, những yêu thương luyến nhớ ấy đang ở đâu, và vì lẽ gì lại gặp được nhau, có phải để trả hết những nợ nần tiền kiếp, hay mỗi phần đời hiện sinh sẽ được nâng niu, chắp cánh với những yêu thương duyên nợ ấy.
Ngẫm cho cùng, mọi thứ rồi sẽ qua mau; nếu có mắc nợ gì cuộc đời này chắc chỉ có duy nhất là tình người tương thân tương ái.
Th. nhắn tin chỉ cho tôi một nơi có thể mua được vài món gia vị quê nhà, từ Budapest bên Hung nhập sang. Lần đầu tiên sau hơn một tháng, tôi lái ô tô đi xa vài cây số. Đó là một ki ốt nhỏ trong khu chợ Iliyansti vắng vẻ gần công viên phía Bắc, mà trước khi đi Th. nhắn tôi cố đừng sốc khi tới.
Nhưng chính cái gian hàng xập xệ giữa một đất nước EU như một quầy tạp hoá quen thuộc của một thôn xóm Việt Nam nào đó khiến tôi có cảm giác thân thương gần gũi hết sức. Đủ mọi loại hàng khô được bày bán ở đây, những món mà chưa bao giờ tôi để tâm đến khi ở quê nhà, bỗng nhiên trở nên một nỗi cần thiết dịu dàng quá đỗi. Phở khô hay bún khô hơi cứng sẽ được luộc lên không sao cả, bánh tráng dày và giòn một chút nhưng cuốn thịt ba rọi luộc cũng sẽ ngon đáo để, chai nước mắm nhĩ không biết được chắt từ lu vại nào vùng biển nào nhưng vị ngọt và mặn nồng đang ngấm đang tan vào hàng tỉ tế bào thịt xương của kẻ xa nhà.
Chị B., chủ quầy hàng, người Quảng Ninh, sang đây đã hơn 40 năm. Vừa gói đồ cho tôi, chị vừa kể lể về chồng về con như đã lâu chưa được tâm sự cùng ai. Những đứa con hai dòng máu được sinh ra ở Bulgaria, giờ đang lưu lạc khắp Châu Âu bươn chải, chỉ những dịp Giáng Sinh hiếm hoi mới có thể trở về nhà, ôm lấy người mẹ, nói vài câu chúc mừng năm mới, rồi lại đi. “Cả chục năm chưa về thăm nhà, giờ dịch giã thế này còn khó khăn hơn!”, chị B. nói với tôi hay tự nói với mình, tôi chẳng biết, rồi lầm lũi đóng cửa hàng. Tôi lái xe về, bầu trời cuối hạ đã sập tối sớm hơn.
Trên đường về tôi ghé siêu thị, lục lọi mua tất cả những gì mà tôi nghĩ có thể nấu được thành một nồi phở. Hình ảnh các món ăn hấp dẫn tôi nhận được đều đặn hàng ngày khiến tôi vừa vui, vừa buốt nhói trong lòng, khi những cảm xúc cứ dềnh lên rồi tự chìm nghỉm vào vô vọng. Thôi gạt đi những cảm xúc, gạt đi những buốt nhói tâm can, tôi và các con lăn vào bếp. Cũng xương hầm cũng hồi cũng quế, rau thơm không có được thay bằng hành tây lát mỏng, bánh phở khô được luộc chín cũng trong ngọc trắng ngần hương gạo thơm, rồi hành rồi tiêu, vài cọng ngò basil dùng tạm…
Đến đêm muộn, bát phở bốc khói đã thành hình giữa những cái bụng đói sục đói sôi. Bát phở có đầy đủ hương vị từ Khôi Hói đến Hàng Đồng, từ Lò Đúc đến Dậu, chả thiếu vị nào, thêm nỗi nhớ nhà, nhớ người đến quay quắt tâm can.
Đêm đó, Vương comment mỉa mai thâm thuý trong một status, quê nhà đang tang thương, vậy mà ai đó trốn qua EU sung sướng. Vài phút sau, Phê vào gởi nụ cười nham nhở. Vương ơi Phê ơi, cái cảm giác hổ thẹn tưởng đã lắng xuống sao nỡ lòng nào lại khuấy lên nhức nhối thế này?
Vợ chồng Th. và M. ghé chơi vào một buổi chiều muộn cuối tuần, mang theo bịch trái cây, một chai rượu Rakia và giỏ hoa thật thơm. Th. cười nói suốt như mọi lần, luôn làm bầu không khí vui vẻ chộn rộn ở những nơi cô ấy có mặt. Tôi và gia đình quý mến Th. như người thân trong nhà, những khó khăn bỡ ngỡ những ngày đầu qua đây của các con tôi đã được vợ chồng Th. và M. quan tâm hướng dẫn giúp đỡ mọi thứ.
Quen nhau mấy năm nay, tôi lúc nào cũng thấy cô gái quê Hải Phòng này lạc quan, tràn đầy năng lượng và bản lĩnh. Th. qua đây sinh sống theo người chồng Bulgaria hiền lành và thông minh, đến nay cũng hơn năm năm.
Chúng tôi ngồi ngoài ban công trong tiết trời lành lạnh chớm thu, uống thứ rượu quốc hồn quốc tuý của dân Slavo với đĩa tôm khô quốc hồn quốc tuý của dân Việt mà tôi mang theo từ quê nhà, ngắm dãy núi Vitosha đang dần chuyển sang màu vàng úa. Thứ rượu Rakia nấu từ hoa quả thơm ngon lạ kỳ, nhất là loại Rakia nấu từ mận của vùng núi Troyan. Không chỉ ở Bulgaria mà các quốc gia vùng Balkan khác cũng nấu rượu Rakia, sử dụng hằng ngày trong mọi sinh hoạt, nghi lễ. Tôi từng dự một tang lễ của một người theo Chính thống giáo, khách tham dự được mời bánh mì và rượu Rakia; họ tưới Rakia trên mộ phần cùng lời chúc thật lớn: “Hãy yên nghỉ an lành”, và uống vì linh hồn người đã khuất. Tục ngữ dân gian Bulgaria có câu: “Nếu có gì đó không thể chữa khỏi bằng rượu Rakia thì đó là bệnh nan y không thể chữa được!”
Từ ngày qua đây, tôi đã uống hết chai Rakia thứ mấy không nhớ nữa, nhưng những nhớ nhung dằn vặt, những day dứt tâm can chẳng thể nguôi ngoai mà cứ ngày một lớn dần, dồn nén đến nghẹt thở, và cả nỗi hổ thẹn mà hai ông bạn thân cứ tình cờ mỉa mai khơi dậy. Có lẽ, những bệnh tưởng trong tôi đã thành nan y mất rồi!
Hình như tôi nhận thấy điều này chắc chắn từ hôm qua, khi tôi tản bộ lên đến Ring Road rồi quay về, trời bỗng đổ mưa. Chả hiểu sao tôi cứ thản nhiên đi trong cái lạnh tê tái thịt da, áo quần ướt nhẹp. Về đến căn hộ, vẫn với bộ dạng ướt mèm, tôi nhìn ra dãy Vitosha chìm trong màn mưa bay, nhớ đến thành phố cao nguyên ghi dấu những kỷ niệm êm ả nhất những năm qua, nhớ tới hai câu thơ thiền của triết gia Phạm Công Thiện:
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông”.
Th. rót thêm cho tôi chút Rakia. Tôi chậm rãi nhâm nhi, và nghe tiếng Th. buồn rầu lạ lẫm: “Bố em vừa ngã xe hôm qua!”.
Hai anh em nhìn nhau, lại thấy quê nhà, buốt nhói…
30/10/2021
Nguyễn Ngọc Hoài Nam
Nguồn: Viết và Đọc mùa đông 2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...