Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Yôk Đôn hoài niệm

Yôk Đôn hoài niệm

Già làng Ây Nô ở Buôn Trí, thuộc vùng đất nổi tiếng Bản Đôn (Đắc Lắc) đến nay đã sống qua 90 mùa rẫy. Da của Già đã răn reo như da voi trăm tuổi, tóc đã bạc như đồi lau trắng giữa mùa khô. Thế nhưng cái đầu của Già thì vẫn còn nhớ mọi chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ, y như vừa mới hôm qua, hôm kia vậy. Cách đây hơn tháng, khi tôi đến nhà của Già hỏi chuyện về rừng Yôk Đôn xưa, Già bỗng quay đầu nhìn vô định qua cửa sổ, nét mặt thoáng đăm chiêu. Phải mấy phút sau Già mới nói chậm rãi:- Kể chuyện Yôk Đôn thì cái bụng tao nó buồn lắm, cái nhà tao nó cũng buồn lây. Thôi đừng kể trong nhà, ta ra bờ sông để cái buồn nó trôi theo nước chảy…
Hoài niệm của Già làng
Ngồi bên bờ sông Sê rê pôk buổi chiều đầu mùa khô se se gió. Bờ dã quỳ vàng rực trải dài bên sông như làm cho nắng chiều vàng hơn và buổi chiều vui hơn. Nước sông mùa này đã chuyển màu từ sắc đỏ lờ lờ sang sắc xanh nhạt, mát mắt. Nhưng nét mặt của Ây Nô thì chẳng vui lên chút nào. Già đang man mác buồn. Nhìn vào ánh mắt ông tôi biết điều đó. Chỉ tay sang bên kia sông Già nói:- “Đấy là rừng Yôk Đôn. Đấy là cái kho của cải Giàng làm ra để tặng cho con người. Đấy là nơi đã cho tao và cả cái buôn này, cả cái vùng đất này cái ăn, bóng mát, niềm vui, nuôi lớn bao con người từ nhỏ, như là bà mẹ thứ hai vậy. Đấy là nơi ngày trước bộ đội ta từng ẩn núp, rồi đêm đến thì bơi sang bên này để đánh thằng Pháp, thằng Mỹ xâm lược… Nhưng bây giờ mỗi lần nhìn sang Yôk Đôn tao buồn lắm, tao muốn khóc, tao lại thương rừng đau quặn cái gan, cái ruột! Năm 1947, tao từ Pắc Sế nước Lào, theo ông chú Khăm Xay cưỡi voi xuyên rừng sang đây mua bán bạc, vàng, ngà voi, muối, vải… với người M’nông; sau đó thấy đất này dễ ăn, dễ làm, dễ sống thì ở lại đây luôn. Lúc ấy tuổi tao mới đi qua 15 mùa ong mật. Rừng Yôk Đôn thời ấy nó rộng, dài, cây nhiều, cây to, cao, ngửa mặt nhìn không thấy đỉnh. Thời ấy gỗ cà te, cẩm lai, hương… nhiều lắm. Bước chân sang bờ sông bên kia, chỉ cách chỗ tao với mày ngồi đây chưa đến hai lần quăng dao đã thấy những cây cà te, cây hương to, phải ba người giang tay ôm mới hết. Thời ấy, voi rừng được thần Ngoắc Ngoan bảo vệ, cứ vào mùa Giàng đổ mưa lại về đầy bên kia sông, hết đàn này đến đàn khác, có đàn tới năm, sáu chục con, con nào cũng to, cao, da căng, bóng mượt. Mỗi lần đàn voi di chuyển từ xa đã nghe tiếng ào ào, đất rung chuyển như có bão rừng. Thời ấy còn nhiều lắm nai cà tông, bò tót, bò rừng… Mùa khô ngồi bên này sông thỉnh thoảng lại thấy nai, hoẵng, bò rừng…mò xuống sông uống nước. Mà mày đã biết nai cà tông chưa? Bây giờ nó bị giết chết cả rồi. Vì nó có bộ sừng đẹp, có 4 – 5 nhánh, 2 nhánh chính lượn mềm như hình vòng cung trên đỉnh đầu, các nhánh khác ở đỉnh sừng xòe ra như bàn tay. Người ta lấy sừng của nó để làm đẹp trong nhà. Nó bị giết hết, vì cặp sừng của nó quá đẹp! Còn chồn, nhím, rùa, ba ba, sóc, thỏ… thì nhiều lắm. Khi ông mặt trời sắp đi ngủ, ráng vàng hắt ngược sau đỉnh Yôk Đôn, sang bên kia sông, nhiều hôm thấy thỏ, rùa, nhím… chạy cả đàn, muốn bắt một vài con cũng dễ dàng như bắt trong chuồng vậy. Vào mùa mưa, khi những thảm cỏ dọc bờ sông đã lên xanh mướt, buổi sáng đứng bên này sông nhìn sang bên kia, nhiều hôm thấy những đàn công năm, bảy con đùa giỡn nhau, giang cánh, xòe đuôi múa lượn trong nắng, giống như lũ con gái của buôn múa hát và giỡn nhau trong những đêm hội.
Cũng nhờ vậy mà ngày xưa vùng Bản Đôn này giàu có lắm, đông đúc lắm. Người M’nông, người Ê Đê, người Lào, người Gia rai cùng quy tụ về đây sống hòa thuận với nhau, cùng nhau đi săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà. Cũng nhờ vậy mới có vua săn voi Y Thu từng bắt được 497 con voi rừng, mới có Ama Kông lừng danh, vừa biết bắt voi giỏi, vừa biết bắt bò tót bằng tay không; và Bản Đôn mới trở thành tỉnh lỵ nhiều năm của tỉnh Đắk Lắk trước khi người Pháp thành lập tỉnh lỵ mới ở  Buôn Ma Thuột…Còn bây giờ Yôk Đôn đã bị người ta băm nát. Gỗ quý như cà te, cẩm lai đã là của hiếm, giáng hương cũng sắp hết. Hổ, gấu đã vắng bóng. Voi, cả vùng đất rộng lớn này chỉ còn vài ba chục con. Cả những con thú nhỏ như chồn, nhím, thỏ…cũng đã bị người ta bắt ăn thịt gần hết. Cứ phá, cứ bắt, cứ giết như thế này thì năm, bảy năm nữa Yôk Đôn chỉ còn lùm bụi, lau lách thôi”…
Kể đến đó rồi Ây Nô thở dài thườn thượt, đầu cúi nhìn hai bàn chân răn reo của mình, như để nhìn lại những lối mòn trong rừng Yôk Đôn mà ông đã có bao năm tháng, có bao ngàn lần đi lại ngang, dọc trong suốt cuộc đời mình. Tôi vỗ nhẹ vào vai ông an ủi: -“Già ơi, rồi người ta sẽ củng cố việc quản lý bảo vệ rừng. Rừng Yôk Đôn không mất đâu, sẽ vẫn còn và còn mãi với bà con Bản Đôn với Tây Nguyên này. Đấy Già xem, những cây non người ta mới trồng bên kia sông đang vươn cành xanh biếc…”.Thế nhưng ông vẫn không ngẩng mặt, vẫn đăm đăm nhìn vào hai bàn chân răn reo của mình và nói bằng thứ giọng đục đục kéo dài trong cổ họng: –  “Tao…không…tin… không… tin…”. Vốn là người sống vui vẻ, lạc quan, hay nói chuyện vui, phải thốt ra cái điều đó, tôi biết ông đã vô cùng thất vọng về công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây.
Hoài niệm của người viết
Năm 1991 thành lập Vườn quốc gia Yôk Đôn, chúng tôi vào dự lễ và sau đó được ông Hồ Viết Sắc – giám đốc – dẫn đi tham quan, được nghe giới thiệu khá tỉ mỉ về những đặc điểm nổi bật của hệ sinh thái ở đây. Với vẻ mặt đầy hứng khởi, với chất giọng Huế nhẹ nhàng, cuốn hút, ông Sắc cho hay: -Vườn quốc gia này (VQG) rộng 58.000 ha. Khác với tất cả những VQG trong nước, hệ sinh thái ở đây là hệ sinh thái rừng khộp có tính đặc trưng, nổi bật không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Thực vật ở đây chủ yếu là các cây họ dầu, rụng lá về mùa khô. Việc rụng lá sẽ giúp cây giảm thoát hơi nước, qua đó bảo toàn được sự sống trong suốt 6 tháng mùa khô khắc nghiệt không hề có mưa. Đây chính là một sự thích ứng, được chọn lọc và hình thành qua hàng vạn năm của thiên nhiên kỳ diệu. Dẫu vậy, khi mùa mưa đến thì tất cả bỗng ào ạt bật lá, trổ mầm, cây nào cũng xum xuê hoa lá, rừng bỗng mơn mởn màu xanh, rực rỡ những sắc màu đỏ, hồng, vàng, tím và ngào ngạt hương thơm của các loài hoa. Chính vì vậy, rừng ở đây có tính đa dạng sinh học rất cao, hệ động, thực vật cực kỳ phong phú. Về thực vật có 474 loài thuộc 101 họ, 328 chi, trong đó có 19 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Về động vật có 66 loài thú, 241 loài chim, 46 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 30 loài cá, trong đó có 70 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Không chỉ là kho tài nguyên quý giá về gỗ quý, về dược liệu, về thực phẩm, mà rừng Yôk Đôn còn góp phần quan trọng phòng hộ cho sông Sê rê pôk, phòng hộ cho Tây Nguyên và cả nước bạn Cămpuchia…Tôi nhớ mãi buổi trưa hôm đó, ông Sắc cùng chúng tôi nghỉ chân bên cây giáng hương lớn, đường kính khoảng 1,5 m, cao chừng 15m. Từng được nghe nhiều, đọc nhiều về cây giáng hương, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi được trực tiếp thấy giáng hương với thân thẳng đứng, vỏ nâu sẫm, tròn lẳn, dáng hiên ngang như quân tử, hoa kết thành từng chùm, mọc ra từ nách lá, cánh nhỏ, màu vàng, hương thơm thoang thoảng…Ông Sắc cho hay: – Chỉ một cây hương này thôi đủ để làm đồ nội thất cao cấp, sang trọng cho gần chục ngôi nhà. Chúng tôi ai cũng tấm tắc, xuýt xoa…Rồi ông chỉ sang trái, sang phải, phía trước, phía sau: -Đây cũng là cây giáng hương, đây là cây cà chít gỗ tốt như gỗ lim ở ngoài Bắc, đây là cây căm xe gỗ có màu nâu hồng, không mối mọt, làm khung ngoại, ván sàn thì tuyệt vời, đây là cây dầu gió, kia là cây dầu đồng…Nhìn ra bốn phía, phía nào chúng tôi cũng thấy cây gỗ san sát, cây nào cũng đeo trên mình ít nhất bốn, năm khóm phong lan, đung đưa sắc tím, sắc vàng… cây nào cũng phát ra từ vòm xanh những tiếng chim, lúc nghe lích chích như lời tâm tình, lúc nghe thánh thót cao vút như hồ hởi, reo vui…
Ấy vậy mà bây giờ…
Bây giờ VQG Yôk Đôn đã được mở rộng lên 115.454 ha, nhưng thực ra nó chỉ còn … cái tên và cái vỏ – tôi dám khẳng định như vậy; bởi vấn nạn lâm tặc hoành hành suốt cả mấy chục năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, nên “phần ruột” của vườn, gồm hầu hết gỗ quý đã bị khai thác gần hết, nhiều tiểu khu các loại gỗ “có tên có tuổi” đã hoàn toàn vắng bóng.
Có dịp vào rừng Yôk Đôn cách đây hơn một năm, chúng tôi được thấy rõ lâm tặc đang “làm chủ” VQG ở đây như thế nào. Từ tiểu khu 441, 434, 447 đến tiểu khu 508, nơi gần với đỉnh Yôk Đôn, chỉ còn cách điểm trung tâm vùng lõi của Vườn vài ba cây số…đến đâu chúng tôi cũng thấy dấu vết của lâm tặc hoạt động. Chúng sử dụng các phương tiện khai thác hiện đại, như máy kéo, xe công nông, cưa xăng, rồi sục sạo kiếm tìm những cây gỗ quý, có giá cao cả trăm triệu đồng/m3 như cà te, cẩm lai để “ưu tiên” khai thác trước. Tiếp đến chúng khai thác các loại gỗ ít tiền hơn như hương, cam xe, rồi đến cà chít, sến…220 cán bộ nhân viên của Vườn, trong đó có 120 nhân viên kiểm lâm gần như chỉ làm mỗi nhiệm vụ… “vuốt đuôi” lâm tặc. Bởi chỉ khi lâm tặc chặt, xẻ, chở gỗ đi rồi thì kiểm lâm mới “phát hiện”. Bấy giờ kiểm lâm chỉ còn làm nhiệm vụ ghi vào gốc cây bị chặt: ngày, tháng, năm (“phát hiện” bị chặt), đường kính, và thu dọn “chiến trường” (tức là thu gom cành nhánh và những đoạn gỗ lâm tặc bỏ lại, nhưng còn sử dụng được), chở về trụ sở hạt kiểm lâm, xem đó như là “chiến lợi phẩm quan trọng” để lấy thành tích và hưởng lợi. Việc kiểm lâm kịp thời phát hiện lâm tặc đang vào rừng, hoặc đang chặt gỗ và có ngay biện pháp ngăn chặn, bắt giữ chỉ rất ít, một năm vài ba vụ trong số hàng trăm vụ vi phạm lâm luật đã xảy ra. Chúng tôi cũng rất lấy làm kỳ lạ, là lâm tặc chặt gỗ ngay bên đường tuần tra của kiểm lâm và cả bên trạm kiểm lâm, chỉ cách trạm khoảng hơn 150m đường chim bay, nhưng kiểm lâm chẳng thể nào nghe được tiếng máy cưa, máy xẻ, máy kéo. Mà đâu phải lâm tặc chỉ chặt một cây, chặt tới chục cây giáng hương, tiếng cây đổ, tiếng động cơ ầm ầm như thể động rừng, kéo dài tới ba, bốn tiếng đồng hồ, nhưng cả trạm kiểm lâm hơn chục người đều không nghe, tất cả như đang ngủ ngon trong tiếng ru của mẹ thuở còn nằm nôi. Đấy thực sự là một chuyện lạ. Phải chăng tất cả họ đã bị lâm tặc “đánh thuốc mê”?
Có lẽ đấy là lý do buộc già làng Ây Nô phải thốt ra câu:- “Không tin, không tin” công tác quản lý bảo vệ rừng ở VQG Yôk Đôn hiện nay.       
Đêm cuối thu, tôi nằm nghĩ về VQG Yôk Đôn, nghĩ về hàng trăm tin, bài của tôi và đồng nghiệp đã viết về nạn phá rừng ở đây trong cả chục năm qua, nhưng công tác quản lý bảo vệ rừng của Vườn chẳng thấy khá lên, cũng chẳng thấy ai bị xử lý về việc để mất rừng; nghĩ về lời của già làng Ây Nô “năm, bảy năm nữa Yôk Đôn chỉ còn lùm bụi, lau lách”, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ trong một bài thơ mình đã viết để khóc thương cho sự “ra đi” của rừng Bản Đôn – Ea Súp:
Rừng xưa giờ đã về đâu
Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc đầu?
Ngàn lau xao xác u sầu:
Rừng xưa đã hóa nỗi đau nhân tình…
Ôi, nếu như năm, bảy năm nữa VQG Yôk Đôn chỉ còn lùm bụi, chỉ còn lau trắng một màu tang tóc như rừng Bản Đôn thì “nỗi đau của nhân tình” sẽ trời biển đến nhường nào? Ai sẽ cứu được VQG Yôk Đôn khi nó còn đang bị trọng thương? Ai sẽ mang lại được niềm tin cho già làng Ây Nô và bao người khác, rằng VQG Yôk Đôn sẽ mãi còn với Tây Nguyên, còn mãi với đất nước này như là hy vọng mà tôi đã nói với già làng?.
11/4/2022
Đặng Bá Tiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...