Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Trong những vọng âm từ con chữ

Trong những vọng âm từ con chữ

Lẽ thường, nhà văn viết tiểu luận khi đã có một độ chín (hay một độ chững) nhất định của nghề nghiệp, đặc biệt là, khi anh ta cảm thấy những suy niệm của mình có gì đó đáng tin, và cần được nói ra. Nhìn chung, viết tiểu luận về nghề văn là một công việc thú vị và khó, và một phần vì khó, cho nên thú vị.
Sinh năm 1977, bốn tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, một tản văn gây tiếng vang, Uông Triều, sau những thành công đạt được, có lẽ vừa chớm bước vào giai đoạn vững chãi và trầm tĩnh để suy tư về nghề viết. Một độ nén rất cần cho những khát vọng bứt phá khỏi các khung hình quen thuộc của mình. Một ngày nào đó mong chờ.
Thế giới của sáng tạo là tập tiểu luận văn học đầu tiên của Uông Triều. Một cuốn sách rất hữu ích với người nghiên cứu và giảng dạy văn học. Và tất nhiên, nó không giới hạn đối với những người yêu thích văn chương. Thế giới của sáng tạo là thế giới của người viết, sự viết và sự đọc. Theo Uông Triều, sáng tạo không phải phẩm chất, mà là một “thuộc tính căn bản”, tức bản mệnh của văn học. Sáng tạo ở đây “vừa là thách thức vừa là động lực hấp dẫn vô biên với những người viết”.
Thế giới của sáng tạo là một cuốn sách viết tỉnh táo về những điều say mê.
Sách gồm 2 phần, được chia tương đối: Phần 1. Nhà văn và nghề văn; Phần 2. Tác phẩm và sự đọc. Nói tương đối là bởi giữa 2 phần có những đan xen khó có thể rạch ròi, chẳng hạn, “Nhân vật đến từ đâu”, “Ngôn ngữ ưu thế” trong Tác phẩm và sự đọc có thể đưa lên Nhà văn và nghề văn; “Dostoevsky và Lev Tolstoy” trong Nhà văn và nghề văn lại có thể xếp vào Tác phẩm và sự đọc.
Phần 1 cuốn sách tập hợp các bài theo chủ đề “nhà văn và nghề văn”, thực ra là những vấn đề cốt yếu của văn chương: “Văn học để làm gì?”, “Quyền lực của sáng tạo”, “Viết nhiều và viết ít”, “Tuyệt kĩ vô chiêu”…
Trong tiểu luận mở đầu “Nhà văn và nhà phê bình”, Uông Triều thể hiện thái độ chuyên nghiệp của mình về mối quan hệ giao tiếp đặc biệt, tốn giấy mực (và cả tốn nước bọt) này. Ai cũng biết, ở ta bấy lâu đã dư thừa giai thoại về quan hệ nhà văn và nhà phê bình. Nào “giễu nhại phê bình”, nào “phê bình giễu nhại”. Lỗi này không phải của riêng ai, mà do trình độ tự ý thức về văn học của chúng ta non yếu quá. Khen nhau thì chén tạc chén thù, chê một tí thì chụp ngay, nhà văn bảo phê bình “không đọc thủng văn bản”; nhà phê bình bảo văn “viết lăng lăng”…
Uông Triều khẳng định, không ai ngáng trở những mẫu số chung về sự đọc, song việc nhà phê bình đọc không tập trung vào tìm “chủ ý” của nhà văn là điều rất bình thường. Khoa học về nghệ thuật là khoa học về cái đẹp. Sáng tác và phê bình, mỗi loại hình công việc đều có những mục đích riêng. Nhà văn khai thác chất liệu cuộc sống và ngôn ngữ. Nhà phê bình, đến lượt mình, lại lấy sáng tác văn chương làm chất liệu để giải quyết vấn đề của mình (văn học, văn hóa, triết học, thời đại…). Theo đây, nhà văn cũng chỉ là một văn bản mà thôi. Phê bình thường gắn với khen chê, song hoàn toàn có thể vượt ra/vượt xa khỏi những giới hạn đó. Điều này khác với nhận thức khá phổ biến của giới cầm bút ở ta, cho phê bình là một công việc, hoặc chạy theo, tán tụng sáng tác, tô vẽ cho sáng tác, hoặc “choảng nhau” với sáng tác. Thỉnh thoảng, nhà văn đòi phê bình phải dẫn đường, nhà phê bình đòi sáng tác phải hay. Đó là những điều nực cười. Trong “Quyền lực của nhà phê bình”, Uông Triều tiếp tục nhấn mạnh, cũng như nhà văn, nhà phê bình có sân chơi riêng, “quyền lực” riêng. Nhà văn, nhà phê bình cần ở nhau sự thẳng thắn và trung thực. Cả hai, khi đánh giá, cần được đặt trên cùng một mặt sân giá trị.
Suy nghĩ về nghề viết, Uông Triều cho dấu hiệu của một nhà văn chuyên nghiệp là anh ta biết “quy hoạch về sự viết” của mình. Viết không phải cái gì cảm tính, được chăng hay chớ, đợi chờ xúc cảm. Mà, dẫu thành hay bại, viết phải là một hoạt động nghề nghiệp cần có dự đồ, cần được chuyên môn hóa. Tiểu thuyết thì lại càng như vậy.
Thế giới của sáng tạo – tập tiểu luận của Uông Triều, Nxb Hội Nhà văn, 2020
“Văn học để làm gì?” là tiểu luận bàn về chức năng – giá trị, một bình diện cốt tử của văn chương. Bằng trải nghiệm cá nhân, nhà văn khẳng định giá trị của văn chương nằm ở sự thống hợp các vấn đề về thẩm mĩ, giải trí, nhận thức và khả năng giúp con người sống tử tế hơn. Và, dầu luôn đặt văn học ở bậc thang khiêm nhường trong gia đình nghệ thuật đương đại, nhà văn luôn có một niềm tin sâu thẳm vào bản mệnh của chữ nghĩa, vào sự trường tồn của văn chương. Như là tin vào điều không thể khác.
Về tương quan giữa “viết nhiều và viết ít”, Uông Triều cũng có những kiến giải thú vị, lô-gic đa chiều. Theo tác giả, “nghệ thuật cần sự tinh túy, sự chưng cất của tâm hồn, cốt không cần nhiều mà cần hay và độc đáo”.
Cho rằng nền văn học của chúng ta hơi thiếu tiếng cười (“Những người không thích đùa”), và do thế, nó cũng phần nào thiếu đi sự sống động ở những chiều kích khác, Uông Triều có những kiến giải nhiều chiều từ thực tiễn. Tuy nhiên, là một người sáng tác, chắc anh hiểu, người ta đâu dễ tiễn đưa cái xấu xa vào quá khứ bằng một tiếng cười. Làm sao nhà văn có thể “thích đùa” (hay đùa thỏa thích) khi văn học còn phải gồng mình thực hiện bao thiên chức lớn lao. Làm sao tìm được tiếng cười khi phần lớn nhà văn còn muốn chen chân ngồi vào chiếu giữa… Ngoài tiếng cười của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà…, tiếc là một số nhà văn “thích đùa” lại không hoặc chưa thuộc vùng bao quát của Uông Triều. Như Phạm Thị Hoài, hay Đặng Thân chẳng hạn (và chỉ giới hạn trong truyện ngắn thôi). Do thế, khi nói về cái cười trong văn học, anh chưa chỉ ra tính chơi giỡn trong sáng tác của một số nhà văn. Trừ Vũ Trọng Phụng, anh chỉ tìm thấy trong văn học Việt Nam hiện đại tiếng cười gằn, cười chua chát, mỉa mai, cười cay đắng, cười ra nước mắt.
Trong “Tâm thức viết về lịch sử”, Uông Triều khẳng định, lịch sử của nhà văn cần tôn trọng những điểm mấu chốt của lịch sử dân tộc. Điều này hoàn toàn hữu lí. Tuy nhiên, ở đây, tác giả cũng chưa dừng lại để đào sâu hơn vấn đề thế nào là sự thật lịch sử. Bởi, suy cho cùng, cái ta gọi là sự thật lịch sử chẳng qua chỉ là một diễn ngôn về sự thật mà thôi. Nhà văn viết về lịch sử là thiết tạo một diễn ngôn trên một cánh đồng các diễn ngôn. Nó là lịch sử trong sương mù (như Sương mù tháng Giêng, chẳng hạn). Việc bàn luận đúng/ sai ở đây sẽ phức tạp hơn nhiều nếu nhà văn và bạn đọc không có được một “thỏa thuận ngầm” với nhau về lịch sử.
“Nhà văn chịu ảnh hưởng từ ai?” là tiểu luận mổ xẻ một câu chuyện văn chương phức tạp và tế nhị. Chăm chú diễn giải thực chứng, Uông Triều lần lượt chỉ ra những liên hệ, gợi ý, liên văn bản, ảnh hưởng của nhà văn này đến nhà văn khác trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thiết nghĩ, bạn đọc, đến lượt mình, hoàn toàn có thể chứng minh (thậm chí “bắt quả tang”) dấu ấn của các nhà văn nổi tiếng đối với chính Uông Triều. Chẳng hạn, dấu vết dòng tâm tư, mô-típ hóa thân, kĩ thuật cấu trúc của văn học phương Tây hiện đại trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của anh (Người mê, Cô độc, Nhân cẩu, Giấc mơ của ông già và cô gái trẻ…). Đây đó, văn xuôi Uông Triều cũng phảng phất dáng bóng Nguyễn Bình Phương trong cấu trúc, hành ngôn, mô-típ (Bò hoang phố cổ, Trong đám tang của mình), những ảnh hình, đối thoại, câu văn gợi nhớ về Nguyễn Minh Châu (Bò hoang phố cổ…).
Bỏ lại sau lưng buồn vui của nghề dạy học, Uông Triều phải đối diện với những áp lực rất lớn từ công việc viết. Một sinh quyển văn chương với rất nhiều tên tuổi lớn. “Văn học để làm gì?”, “Nhà văn làm nghề gì”, “Nhà văn, xin đừng tự sát”… hé lộ thêm những khoảng trống trong tâm hồn nhà văn. Một sự đánh đổi có thể là được/ mất trong con mắt người này hay người khác song với Uông Triều, tôi tin anh đã tìm được niềm vui sống đích thực của mình. Ở nơi đó anh được là mình nhiều nhất.
Phần 2 cuốn sách tập trung vào chủ đề “nhà văn và sự đọc”. Trong đây, tác giả bàn luận nhiều câu chuyện thường hằng song luôn thú vị, gợi mở đối thoại, chẳng hạn: “Nhà văn thì đọc gì”, “Thế nào là tác phẩm hay?”, “Bao lâu cho một tác phẩm”… Trong tiểu luận “Thế nào là tác phẩm hay?”, Uông Triều ý thức rất sâu, rằng những cách tân thi pháp nghệ thuật không thể tách rời hay thế chân câu chuyện về thân phận. Và, nếu thiếu đi cái nhìn chiều sâu về cuộc đời thì mọi “xảo thuật” của nhà văn cũng chẳng thể giúp ích gì trong việc làm nên sức hấp dẫn và thuyết phục cho tác phẩm. Cũng có lẽ bởi thế mà, trên hành trình sáng tạo của mình, Uông Triều luôn ý thức đào sâu những khuất khúc thân phận con người và diễn tả nó bằng một lối viết hiện đại, tự nhiên. “Văn học có cần đi cùng điện ảnh” là câu trả lời về vấn đề chất liệu và cách xử lý chất liệu trong các loại hình nghệ thuật, một sự lí giải cần thiết cho những lợi thế to lớn của văn chương với tư cách nghệ thuật ngôn từ.
“Nhân vật đến từ đâu”, “Bây giờ ai còn đọc sách”, “Sự đọc lại”, “Ngày tàn của sách giấy”, “Thời của tiểu thuyết ngắn”, “Bán chạy và bán ế”, “Đầu tiên và cuối cùng”, “Bao lâu cho một tác phẩm”… là những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về các vấn đề muôn thuở của văn chương.
Uông Triều có một sức đọc đáng nể. Dường như anh có tham vọng đọc tất cả những gì thuộc về kinh điển. Sự tinh tế của người viết giúp anh có nhiều phát hiện từ sự đọc. Với cách đặt vấn đề, cách viết cá tính, gai góc song không bốc đồng, những câu chuyện bản chất của văn chương như chức năng – giá trị, trạng thái tâm lí, hành trình sáng tác, chủ đề của văn học, sự đọc, cách cấu trúc tác phẩm, ngôn ngữ… dần được hình thành theo các lớp lang khác nhau. Đọc tiểu luận của Uông Triều, thấy sự sống động của suy tư qua từng con chữ. Sự trăn trở nghiêm túc với nghề nghiệp, học thức và thái độ cầu thị đã tạo nên một Uông Triều lịch lãm trong văn chương.
Thế giới của sáng tạo là một tiếng nói tri âm, một cuộc đối thoại của nhà văn với bạn đọc và với chính mình, trong những vọng âm từ con chữ.
17/3/2021
Phùng Gia Thế
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...