Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Viết như là một khám phá

Viết như là một khám phá

“Viết, bởi vậy, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nóng vội, hấp tấp, người viết sẽ chỉ cho ra những tác phẩm hời hợt”. Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Nước Việt Nam đương đại: văn học, điện ảnh, ngôn ngữ” diễn ra tại Paris, Pháp tháng 3.2014, nhà văn Phong Điệp trình bày tham luận Viết như là một khám phá khá thú vị mà đến nay vẫn rất có ích cho các bạn văn trẻ đam mê sáng tạo. Vanvn xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc!
Tôi viết các tác phẩm của mình như thế nào?
Không có bất kỳ một công thức chung nào cho việc viết ra các tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một cuộc hành trình với đủ mọi cung bậc cảm xúc.
Khi mới bắt đầu dấn bước vào văn chương, tôi viết rất nhanh. Cảm xúc có sẵn ở trong đầu và chỉ chờ tôi ngồi vào bàn viết, câu chữ lập tức tuôn ra dào dạt. Thậm chí tôi viết không kịp với tốc độ của tư duy. Nó làm cho các ngón tay của tôi phát điên lên để cố gắng theo kịp với những ý tưởng nảy nở trong đầu, chúng đến nhanh như một trận mưa rào.
Nhưng dấn sâu vào nghề này tôi nhận ra một điều quan trọng: nếu chỉ trông chờ vào cảm xúc, bạn sẽ phải đối mặt với một thực tế: cạn cảm xúc, nghĩa là bạn không thể viết. Cần phải thiết lập một cơ chế làm việc chuyên nghiệp hơn. Nghĩa là chính người viết phải ngồi vào bàn như một mệnh lệnh cần phải được thi hành nghiêm ngặt. Những cuốn tiểu thuyết cần phải được lên kế hoạch. Nếu trông chờ vào cảm xúc, thêm vào đó là công việc của bạn lại quá bận rộn, thì có một nguy cơ cao là bạn sẽ không thể kết thúc được cuốn sách đó. Và nhiều năm trời, bạn sẽ chỉ lải nhải duy nhất một điều “tôi đang viết”, “tôi vẫn đang viết”. Nhưng rốt cuộc thì cuốn sách chẳng thể ra nổi.
Đó là một bi kịch.
Có hai câu hỏi lớn thường trực đặt ra mỗi khi tôi bắt đầu một tác phẩm mới. Viết gì? Và viết như thế nào?
Viết gì? – chính là nội dung của câu chuyện mà nhà văn muốn kể cho độc giả của mình.
Viết như thế nào? – chính là cách mà nhà văn kể ra câu chuyện đó.
Chính cách kể của mỗi nhà văn tạo lập nên phong cách văn chương của họ và tạo ra sự khác biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác.
Hãy thử hình dung thế này: có 10 nhà văn cùng dự định kể một câu chuyện có nội dung giống nhau. Nhưng tôi xin cam đoan 10 người sẽ có 10 cách kể khác nhau. Sẽ có người kể theo lối giả tưởng. Sẽ có người kể theo kiểu hồi ức. Sẽ có người viết theo lối ghi chép. Sẽ có người kể theo lối hoạt kê…
Luôn có vô vàn những cách thức khác nhau để bắt đầu và kết thúc một câu chuyện. Chính sự khác biệt đa dạng này tạo nên sự hấp dẫn của văn chương.
Mỗi câu chuyện luôn cần một hình thức thể hiện riêng. Giống như một người chuẩn bị xây nhà, cần một bản thiết kế cho riêng mình, phù hợp với nhu cầu của gia đình mình. Đừng trông chờ vào một khuôn mẫu nào hết. Không thể sao chép mảnh vườn nhà ông hàng xóm trong khi mảnh đất của bạn chỉ đủ dựng lên một ngôi nhà nho nhỏ. Đừng xây cửa sổ to hướng ra ngoài trời trong khi cả ba bức tường nhà bạn đều bị bịt kín bởi các nhà hàng xóm. Đừng sơn nhà bạn đỏ rực như tháp nước dù bất chợt trên phố có thể bạn bắt gặp một bức tường có màu như vậy khiến bạn thích thú. Sự cóp nhặt, lắp ghép chỉ khiến cho tác phẩm của bạn thiếu sinh khí mà thôi.
Dựng một bản thiết kế sai, không phù hợp với câu chuyện thì có nghĩa là bạn đã thất bại.
Có những câu chuyện tôi đã đeo đuổi hàng năm trời chỉ để tìm cho nó một bản thiết kế phù hợp nhất. Tôi đã từng nhiều lần dựng thử những bản thiết kế khác nhau. Nhưng nếu chưa phải là phương án tối ưu, lập tức tôi sẽ nhận ngay lại cho mình một tác phẩm mà ở đó những câu chữ ngắc ngứ và vô duyên và cuối cùng tác phẩm trôi tuột đi như cách ta giật một bồn nước.
Chỉ khi nào tìm được bản thiết kế phù hợp, mọi việc mới có thể diễn ra trôi chảy và nhà văn mới có thể hoàn tất được tác phẩm của mình.
Truyện ngắn Tiếng ru đeo đuổi tôi khi tôi mới 15, 16 tuổi. Câu chuyện về một đứa bé tâm thần bị người đàn ông hàng xóm hãm hiếp nhiều năm trời ám ảnh tôi khủng khiếp. Nhưng tôi phải đợi mãi đến 10 năm sau mới đủ tự tin viết được ra nó. Viết, bởi vậy, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nóng vội, hấp tấp, người viết sẽ chỉ cho ra những tác phẩm hời hợt.
Truyện ngắn mới đây nhất tôi vừa đăng trên báo, tôi đã mất 3 năm để nghĩ về nó. Câu chuyện thì đã có. Nhưng vấn đề “viết như thế nào” thì vẫn còn lúng túng với rất nhiều phương án được đặt ra.
Câu chuyện kể về một nữ thanh niên xung phong còn sống sót sau chiến tranh, trong khi 13 người đồng đội của cô đều bị vùi xác sau một trận bom khủng khiếp. Sống trong thời bình, không giấy tờ xác nhận về thân phận của mình sau cuộc chiến, thành tích bị người khác “mượn mất”, người phụ nữ ngày ngày sống lặng lẽ như một cái bóng, bên cạnh 13 bát hương tưởng nhớ những đồng đội đã khuất.
Nếu chỉ kể theo một mạch truyện tuyến tính, từ khi nhân vật ra trận, chiến đấu và quay trở về đời sống thời hậu chiến, câu chuyện của tôi có nguy cơ giống rất nhiều những câu chuyện về đề tài tương tự đã từng xuất hiện trong văn chương trước đó.
Sau rất nhiều thử nghiệm, tôi đã chọn cho câu chuyện một hướng đi khác biệt hơn. Toàn bộ câu chuyện được tái hiện trong một chuyến đi xuyên đêm có màu sắc kỳ ảo, quay ngược trở lại quá khứ và giải mã cho hiện thực. Một nữ nhà báo trẻ nhập vào chuyến đi đêm kỳ ảo đó để bắt từng đầu mối, phục dựng câu chuyện, chứng kiến lễ kết hôn kỳ lạ nhất của hai người đã hi sinh trong chiến tranh. Mọi đầu mối của câu chuyện được giữ kín cho đến phút cuối cùng.
Làm thế nào để hình dung một cách cụ thể hơn về công việc của nhà văn?
Các bạn sinh viên thường bày tỏ sự nóng ruột để tôi có thể đưa ra cho họ những thao tác cụ thể hơn trong quá trình viết. Họ hỏi tôi về cách bắt đầu, về những nguyên mẫu, về một số thủ pháp tôi hay sử dụng kiểu như cách cắt ghép, phân đoạn theo kiểu dựng kịch bản phim. Về lối hành văn ngắn và lạnh. Thái độ khoanh tay của tác giả trước những tình huống éo le. Tại sao tôi lại làm như vậy? Lẽ ra tôi có thể nhảy vào để can thiệp với các nhân vật của mình.
Mọi sự tranh luận như vậy đều thú vị với người viết. Bởi vì tôi xác định bắt đầu một tác phẩm cũng như cách bạn bắt đầu một quá trình khám phá. Cuộc khám phá dành cho cả người viết và cả độc giả. Vì thực sự tôi đã từng có những ý định khác nhau với nhân vật của mình trong quá trình viết. Nhưng rồi, thật oái oăm, nhân vật lại lôi tuột tôi đi theo cách của họ. Vì rõ ràng họ không phải là tôi. Họ không thể hành xử theo cách mà tôi muốn.
Dù tôi chính là người dựng lên câu chuyện cho họ vào đó trú ẩn. Nhưng không có nghĩa là tôi muốn làm gì thì làm. Vì thế, viết văn chưa bao giờ là việc buồn chán với tôi. Luôn có những bất ngờ trong quá trình viết. Tôi chưa hề có ý định để nhân vật tự tử trong tiểu thuyết Blogger. Nhưng đúng vào thời điểm ấy, một đám tang đã được dựng sẵn. Tôi tham gia vào cuộc chơi. Với một chút nước mắt. Và cả sự giễu nhại chính mình.
Đôi khi, một cách cụ thể hơn, tôi so sánh viết văn giống với cách bạn là chủ một bữa tiệc. Hãy chọn một cách kể như cách bạn bày một bàn tiệc. Chọn một giọng điệu phù hợp như cách bạn chọn rượu để chiêu đãi mọi người. Chọn tiết tấu cho câu chuyện như cách bạn chọn một bản nhạc cho bữa tiệc. Chọn một bối cảnh như cách bạn thiết lập không gian cho bữa tiệc.
Còn rất nhiều thứ khác mà người viết cần phải tính tới khi bắt tay vào một tác phẩm. Giống hệt một vị chủ tiệc, mất ăn mất ngủ hàng tuần lễ để sao cho giấy mời được gửi kịp tay khách, hoa lễ được đặt đồng bộ dọc lối đi và nhạc cất lên đúng lúc khách bước vào. Việc đó giống như khi độc giả bước vào trang sách của bạn. Những câu chữ dẫn dụ. Những nhân vật nối đuôi nhau ra chào hỏi. Những kịch tính sẽ nổi lên. Cứ vậy, bạn quên mình thực ra đang ở thế giới khác. Thế giới của những trang sách. Chỉ đến khi chữ cuối cùng đã khép lại bạn mới bàng hoàng sực tỉnh. Thậm chí bạn lại có nhu cầu đọc lại một lần nữa.
Ở một số người, họ bỗng dưng muốn dựng lên những câu chuyện của chính mình. Và chúng ta lại tiếp tục đón chào những nhân vật mới với những cuộc khám phá mới.
16/3/2021
Phong Điệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...