Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Công lý và báo thù

Công lý và báo thù

Hồng Nguyên Hoàng
Ở Việt Nam khoảng giữa thập niên 80 thế kỷ trước, một cuốn phim Ấn Độ được bàn tán xôn xao và có nhiều người hăm hở tìm xem. Vào Việt Nam, nó được mang tên là Công Lý Và Báo Thù. Ở Ấn Độ, nó có 6 tên khác nhau vì được làm lui làm tới 6 lần. Lần đầu là năm 1981 và lần thứ sáu là năm… 2011. Người dân Ấn Độ xem hoài xem mãi mà không thấy chán là nhờ nội dung cuốn phim. Nó phản ảnh mặt trái của nền pháp lý Ấn Độ mà người dân phải chịu đựng suốt bao năm qua. Cuốn phim nêu bật sự yếu kém của việc xét xử: kẻ có tội được trắng án còn người vô tội bị kết án oan.

Sự phẫn nộ của dân chúng Ấn Độ
Một trong những yếu tố cần thiết nhất để việc xét xử được công minh là phải có sự cân bằng về tài năng và công tâm của hai bên: công tố viên và luật sư biện hộ. Nếu bên giỏi bên dở hoặc hai bên đều dùng mọi thủ đoạn để thắng đối thủ thì công lý khó đạt được. Thành ra mục đích thực sự của công tố viên và luật sư biện hộ nên là bảo vệ công lý chứ không phải truy tố hay biện hộ cho bị cáo. Dĩ nhiên, để đạt được mục đích ấy, cả hai bên đều phải làm tốt vai trò của mình (truy tố hoặc biện hộ) một cách chuyên nghiệp mà không bị cảm xúc cá nhân chi phối. Có lẽ ngành nghệ thuật thứ bảy này của Ấn Độ không nên làm tiếp cuốn phim ấy lần thứ… bảy mà nên làm một cuốn khác với nội dung đề cao hai vai trò ấy của công tố viên và luật sư biện hộ. Nhất là vai trò biện hộ dường như không được các luật sư nước này nhận thức đúng đắn. Điều này được biểu lộ rõ ràng trong một vụ án mới đây.
Hôm 16 Tháng 12 vừa qua, một nữ sinh đi xem phim (về) với bạn trai đã bị đánh đập và cưỡng hiếp trên xe buýt rồi qua đời hai tuần sau đó vì thương tích. Nghi can gồm 6 kẻ đàn ông độc thân từ 17 đến 35 tuổi. Việc này đã làm chấn động dư luận cả nước Ấn Độ. Từ hôm ấy đến nay, rất nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra đòi hỏi công lý phải được thực thi. Vậy mà có một nhóm người đóng vai trò tối quan trọng trong việc thực thi công lý lại không muốn thế. Họ là hai ngàn năm trăm (2500) luật sư có giấy phép hành nghề tại tòa án nơi sẽ xét xử những nghi can trên. Đại diện cho những luật sư này, ông Sanjay Kumar, nói với báo chí rằng không luật sư nào sẽ tham gia biện hộ trong vụ án này vì biện hộ cho những kẻ ấy là… vô đạo đức! Tương tự như thế vào năm 2008, các luật sư Ấn Độ cũng từ chối biện hộ trong vụ xử một kẻ khủng bố làm chết 166 người tại Mumbai. Đương nhiên trong cả hai trường hợp, tòa án sẽ chỉ định một luật sư ăn lương nhà nước cãi… thí cho bị cáo để việc xét xử được (có vẻ?) công bằng.


Ông Sanjay Kumar
Lẽ tự nhiên ở đời, yêu cái thiện thì sẽ ghét cái ác. Tuy nhiên, ghét cái ác tới mức quên mình là… luật sư thì hơi… ác! Người khác nói thì không sao; chứ chính luật sư mà nói rằng biện hộ (ở tòa) cho những kẻ vô đạo đức là “vô đạo đức” thì quả là một quan niệm thiếu… đạo đức (nghề nghiệp). Thà các ông ấy cứ cãi vì… tiền mà có khi còn… đạo đức hơn. Nếu làm việc vì tiền mà tròn trách nhiệm thì vẫn hơn vì “đạo đức” mà không làm gì cả. Thực ra, nếu muốn cãi vì tiền cho những nghi can này cũng khó bởi vì họ không có… tiền. Kẻ thì bán rau quả rong ngoài chợ; kẻ thì lái xe buýt hoặc đi phụ xe.
Không một ai ở Ấn Độ, kể cả báo chí, nói gì về quan niệm thiếu chuyên nghiệp của các luật sư ấy. Ngược lại, nhiều người (và báo chí) đã phẫn nộ khi ông Asharam, một giáo sĩ lãnh đạo tinh thần cho Ấn Độ giáo, đưa ra một nhận xét rất… “chuyên nghiệp” rằng lẽ ra nạn nhân lúc ấy nên cầu nguyện Thượng Đế và quỳ xuống chân bọn hiếp dâm thì sự việc đã khác. Một bên cần tính chuyên nghiệp thì không có; một bên thì đem sự “chuyên nghiệp” ra xài bậy. Cái dở của dư luận nước này là chỉ thấy có một nửa.
Hiện giờ nhiều người dân Ấn Độ như muốn đứng về phía người mẹ của nạn nhân để báo thù. Bà mẹ mong muốn tất cả các nghi can làm hại con gái của bà sẽ lãnh án tử hình. Sự báo thù đúng hay sai về đạo đức còn tùy quan niệm (và tôn giáo) của mỗi người. Tuy nhiên, điều chắc chắn, báo thù mà không có công lý thì không thể nào đúng (đạo đức) được! Có lẽ quan niệm mấy ngàn năm trước của Khổng Tử vẫn còn đúng với xã hội ngày nay: dĩ ân báo ân, dĩ trực báo oán!
Muốn “dĩ trực” trước hết không nên yêu hay ghét cái gì quá đáng!

Theo http://baotreonline.com

Công lý và Báo thù (1983) - Vietsub - part 01


Công lý và Báo thù (1983) - Vietsub - part 12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...