Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Mưa - Đưa tay chạm giọt mưa rơi

Mưa - Đưa tay chạm giọt mưa rơi

Mưa
Tháng Tư, trời đã vào xuân bỗng dưng chuyển lạnh. Cơn mưa chiều trở về bất chợt khiến tôi nhớ đến những cơn mưa của Sài Gòn mà lòng không khỏi nôn nao. “Em còn nhớ hay em đã quên...” Chẳng bao giờ quên được hình ảnh những ngày mưa dầm vội tạt vào một mái hiên nhà bên đường chờ cơn mưa tạnh hay những ngày mưa nhẹ lất phất cứ khoác chiếc áo mỏng mảnh đạp xe trên phố thấy giọt nước nhẹ lây phây qua mắt, qua môi. Trong sự vô thường của vạn vật, những ngày mưa rơi luôn cho tôi một cảm xúc rất ngọt ngào. Nhớ lại những bài luận văn thời lớp Bốn, lớp Năm, “Em hãy tả cảnh trời mưa.” Cơn mưa thời niên thiếu có cơn mây xám vần vũ, gió thổi mạnh cuốn lá bay trên đường, đứng ở đầu này mà thấy mưa rượt ở sau lưng. Cứ thế mà viết chắc chắn sẽ được cô giáo phết cho con số 9 tròn trĩnh. Ngày ấy còn bé quá nên nhìn gì cũng thấy to lớn đáng nể lắm. Mưa là nhốn nháo hẳn lên, người lớn lo kéo quần áo đang phơi ngoài sân, hứng nước vào lu; trẻ con thì nhấp nhổm đi tắm mưa, nghịch nước. Trời Sài Gòn có những cơn mưa rào bất chợt chẳng báo trưóc. Trời đang nắng chang chang thoắt lại mưa ào xối xả. Bởi thế khi nghe tin thời tiết báo những câu vô thưởng vô phạt “trời hôm nay mưa nhiều không có nắng” (phải nhận rằng ông thi sĩ Nguyên Sa rất tài) nên cũng chẳng ai bận tâm đến chuyện mưa hay nắng của Sài Gòn.
Thời gian thật lạ kỳ. Có những lúc cứ tưởng nó đã vùi lấp mọi thứ nhưng cũng có đôi lúc ký ức cứ luôn yên vị trong một khoảnh khắc của quá khứ không hề suy chuyển. Đã qua bao nhiêu năm rồi mà cảm giác của một đứa trẻ ngồi bám song cửa đong đưa đôi chân ra nghịch nước vào một chiều mưa ngày nào vẫn còn nguyên vẹn. Khám phá và thích thú trước những giọt mưa rơi trên sân ngập nước, bong bóng nước nổi phập phồng tròn xoe, mỏng mảnh rồi vỡ tan khi giọt mưa khác rơi xuống. Kiếp bong bóng nước phù du là thế. Nhớ có lần xem kịch Lá Sầu Riêng của cô Kim Cương, người mẹ trẻ hát câu hò ru con “Trời mưa bong bóng bập bồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai.” nghe sao buồn quá. Bao nhiêu nước mắt của phận người đã nhỏ xuống theo mưa? Đó là ngày còn bé. Lớn lên chút nữa nhìn mưa lại thấy thương người nghèo lam lũ. Mưa đồng nghĩa với buôn bán ế ẩm. Mưa đồng nghĩa với cái nghèo đeo đẳng lên một kiếp người. Nghe “Phố buồn” của Phạm Duy càng thấy thương cơn mưa Sài Gòn da diết. “Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em. Bùn lầy không quên rơi lên lối ngõ không tên. Qua mấy gian không đèn, những mái tranh im lìm, đường về nhà em tối đen.” Đời sống một góc phố thị Sài Gòn tăm tối buồn thiu như những tiếng mưa rơi rơi trên mái…Tiếng mưa rơi trên mái tôn luôn là tiếng mưa buồn của cung tơ lòng trầm lặng, của những ai mang nỗi lòng chất ngất bẽ bàng câm nín giờ chỉ muốn tuôn trào theo nhịp rơi rào rạt trên mái ngoài kia.
Kỷ niệm về mưa thì nhiều lắm, không ai mà không cảm thấy có một lần lòng mình phải chao đảo theo mưa. Đến tuổi học trò tấp tểnh biết yêu, mưa càng tha thiết lãng mạn hơn nữa. Hãy nghe nhà thơ Phạm Thiên Thư vẽ một bức tranh rất thơ bằng ngôn từ về một buổi chiều mưa “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ. Chim non giấu mỏ. Dưới cội hoa vàng.” Về sau nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ này và người con gái tên Ngọ trở thành dáng dấp yêu kiều trong mơ của những chàng trai mới lớn đứng lơ ngơ trước cổng trường con gái. Sự giao duyên tài hoa giữa thơ và nhạc hẳn phải bắt nguồn từ tình yêu nét đẹp của thiên nhiên tha thiết lắm mới tạo ra được những cung bậc diễm tuyệt như thế khiến lòng ai cũng thấy man mác một nỗi nhớ nhung về một thưở xuân thì.
Mưa vẫn là đề tài muôn thưở để người nghệ sĩ gửi gấm nỗi lòng chất ngất. Hỏi người xa quê có thấy lòng xót xa không khi vào một chiều mưa giữa phố Sài Gòn mà nghe tiếng ai buồn tha thiết trong “mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. “Mưa hoàng hôn trên thành phố buồn gió heo may vào hồn. Thoảng hương tóc em ngày qua. Ôi người em hồ Gươm về nương chiều tà… Thương màu áo ngà… Thương mắt kiêu sa…” Mưa xao xuyến buồn, mênh mang gợi nhớ về kỷ niệm xưa cũ, về nỗi đau chia cắt đôi bờ quê hương. Người một lần ra đi để người ở lại với nỗi u hoài chất ngất. Mưa rơi xuống thay giọt nước mắt biệt ly, làm thức lên những kỷ niệm ấm áp của đời người, trôi đẫm hồn người tha phương biệt xứ. Hạnh phúc và đớn đau. Hội ngộ và ly biệt. Xót xa như một phận đời được định sẵn.
Tháng Tư. Trời đổ giọt mưa rơi…
Em còn nhớ hay em đã quên
Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn – Ca sĩ: Mỹ Linh
Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội
Nhạc sĩ: Phạm Đình Chương – Thơ: Hoàng Anh Tuấn – Ca sĩ: Khánh Ly

Đưa tay chm git mưa rơi
Ở đây mủa hạ thường bắt đầu bằng những cơn mưa giông bất chợt, bạn ạ. Tôi viết những giòng chữ này khi thành phố vừa qua một cơn mưa rơi xuống giữa đêm hè oi ả, nằm nghe mưa rơi sao nặng lắm nỗi niềm. Nhớ… Tiếng tơ trời thánh thót trong trẻo như sắc màu của con đường tuổi thơ chạy xuyên qua cánh đồng ký ức xanh ngắt. Nhớ… Tiếng mưa đêm luôn gợi dẫn về những ngày nhuốm cũ tưởng chừng ngủ quên trong giấc mơ đã cằn cỗi già nua.
Trong những giấc mơ ấy, một góc phố thị Saigon lại trở về rộn rã tiếng cười của lũ trẻ đang dầm mình tắm mát trong mưa. Tiếng vang xa, rõ và rất trong. Chẳng hiểu vì sao tiếng cười trẻ con xuyên qua làn mưa lại trong trẻo đến như vậy.Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống… Nước mưa trong lành mát rượi lắm bạn ạ, không thế thì sao mẹ lại tất tưởi nón lá trên đầu chạy vội ra sân mở nắp chiếc lu tròn hứng lấy suối nước trời cho. Bên hiên nhà hàng xóm có cô con gái hai tay ôm chặt mớ quần áo phơi hóng trên dây chạy vội vào nhà mà vẫn ngoái nhìn miệng cười khúc khích.
Mưa rơi rào rào trên mái tôn. Mưa rơi tí tách trên nón lá. Mưa vung vẩy tàu lá chuối non ngoài vườn sau. Đất thấm đẫm giọt mưa trong lành để ngày mai vươn mầm hoa thơm trái ngọt dâng tặng lại cho người.
Tôi thích ngồi nhìn những giọt mưa rơi trong buổi chiều muộn. Nếu được đứng ở phía trên cao, tầm mắt không bị che khuất bởi mái nhà lô nhô che chắn. Một buổi chiều mưa rơi giăng giăng, nóc nhà cao tháp nhọn của ngôi giáo đường xa xa chìm khuất dưới làn mưa luôn đẹp như thơ. Hình ảnh ấy làm cho người ta cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Một nỗi cô đơn thánh thiện khi họ chỉ có một mình. Đối diện với đất trời trong lành để thương con người sao cứ phải đa mang quá nhiều phiền nhiễu biết đến bao giờ ngừng lặng.
Tôi thường ngồi lặng ngắm nhìn mưa rơi từ những ngày còn bé. Chiếc máng xối bên hiên nhà dẫn nước mưa đổ xuống sân xối xả, vài ba đứa trẻ tranh nhau đứng tắm dưới dòng nước chảy. Đứa bé ngồi trong nhà tẩn mẩn gấp xếp chiếc thuyền con từ trang giấy học trò xé vụng rồi thả theo dòng nước trôi bên hiên nhà. Những chiếc thuyền giấy chở đầy ước mơ trong sạch đầy khát khao cuốn theo giòng nước trôi vô định. Có chiếc bị cuốn xoáy rồi nhận chìm dưới làn mưa. Có chiếc may mắn xuôi dòng trôi xa mất. Những chiếc thuyền giấy tuổi thơ của bạn, của tôi đã trôi đi đâu rồi. Tôi nghĩ những chiếc thuyền thơ ấu chẳng bao giờ đi tới bến vì những đứa trẻ ngày nào đã trở thành người lớn. Mà người lớn lại hay quên. Ký ức của người lớn chật chội với quá nhiều điều để nhớ nên quên mất rằng mình đã có một thời tâm hồn cứ trong trẻo như mưa sa giọt sáng ấy.
Cơn mưa đổ về đêm làm tôi mơ được thức giấc trong tiếng mưa rào trên mái tôn như ngày xưa còn bé ấy. Mưa ở nơi đây thinh lặng quá, chỉ có tiếng gió lao xao ở khung cửa ngoài kia. Nhớ lắm tiếng ì oạp của con ểnh ương đi lạc vào sân nhà. Nhìn làn da sù xì, đôi chân bóng nhẫy mà sợ gớm ghê. Vậy đó, giờ lại nhớ, lại ước được nghe âm thanh ì ộp đều đều, buồn buồn rất nhà quê thưở ấy.
Từng mùa mưa đi qua thật khó quên, mỗi kỷ niệm đọng về thêm sâu lắng. Đêm đắm sâu trong mưa dội vào lòng một nỗi niềm của gió chỉ muốn thả bước chân hoang rong ruỗi với đất trời.
Mở cánh cửa ngăn chia giữa ta và cuộc đời ra sẽ thấy tình yêu như đang xôn xao trở lại cùng mưa rơi ở khung cửa ngoài kia.
Chỉ một chạm tay là tới…
Nguyên Tú My
Tiếng mưa đêm
Nhạc sĩ: Đức Huy – Ca sĩ: Ngọc Lan
Cơn mưa hạ
Nhạc sĩ: Trúc Hồ – Ca sĩ: Trần Thu Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thời gian

Thời gian...! Có ai níu được thời gian! Níu lại những khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc, hay níu lấy thời gian mang lại cho ta sự vinh quang tr...