Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Người họ Trương trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, xã hội

Người họ Trương trong lĩnh vực 
văn hoá, nghệ thuật, xã hội
Á hậu Trương Thị May như… mây
Trương Thị May sinh năm 1988 đều có bố mẹ là người dân tộc Khmer, sinh ra tại Phnom Penh, Campuchia, hiện đang sống cùng mẹ và các em gái tại Tp.HCM. Cô là một Phật tử ăn chay trường.
Cô đạt giải Á hậu 1 trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Hiện cô đang trở thành tâm điểm trong làng mẫu Việt bởi vẻ đẹp sáng ngời, mạnh mẽ nhưng cũng rất hấp dẫn và tinh thần làm việc hăng say, rất chuyên nghiệp. Nhiều nhận định cho rằng Trương Thị May sẽ trở thành gương mặt sáng giá, soán ngôi của những vị trí người mẫu hành đầu trong năm 2010 này.
Trương Thị May từng là một trong những chân dài thể hiện xuất sắc nhất trong bộ sưu tập Like a bird (Như một cánh chim) trong chương trình thời trang DFS8 - Cuộc hành trình tìm kiếm Tự do tổ chức hồi tháng 9/2009 (sự kiện được đề cử giải thưởng Sự kiện thời trang hàng đầu Châu Á 2009 diễn ra từ 6/2 đến ngày 8/2/2010 ở Hàng Châu, Trung Quốc).
Cô từng đoạt danh hiệu Á hậu cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ VN qua ảnh của báo Thế Giới Phụ Nữ năm 2006.
Trương Thị May nhận được sự trợ giúp rất đắc lực của mẹ trong công việc với vai trò vừa giống như một người quản lý vừa như một người tạo hình ảnh đầy hiệu quả.
Trương Thị May, chuyên viên trang điểm năm 18 tuổi (2006) đoạt giải Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2006. Hình như cái tên May cũng đem lại may mắn cho mình.
Hỏi May từ sau khi đoạt giải, cuộc sống đã có thay đổi gì nhiều chưa, cô bạn nghĩ mãi rồi à lên hồn nhiên: "Vui lắm! Bác xe ôm mà mình hay bắt xe, khi gặp thì trêu "Á hậu mà vẫn đi xe ôm sao?". Còn chị bán nước sâm thì kêu: "Á hậu vẫn uống nước sâm hả?" làm mình ngại quá. Dù có đoạt giải thì mình vẫn là mình thôi mà! Nhưng dù sao được mọi người gọi là Á hậu thì cũng... tự hào một chút!".
Trương Thị May đến với cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh khá tình cờ. Cô gái gốc An Giang có dáng người cao nhưng hơi "mũm mĩm" và nước da đen giòn ngày nào không hề biết mình có tố chất cho tới khi gặp Phúc Nguyễn, giảng viên Trung tâm thẩm mỹ Tầm Nhìn Mới. "Anh Phúc Nguyễn đã truyền cho May niềm tin chiến thắng, đề ra phương pháp tập luyện hợp lý để May có được vinh dự ngày hôm nay. Tuy vậy, trước các vòng thi May cũng hồi hộp lắm, vì mình là thí sinh "tay ngang". Trước cuộc thi này May chưa hề xuất hiện trên bất cứ sàn diễn thời trang nào, trong khi nhiều bạn thí sinh khác đã là người mẫu chuyên nghiệp". Nhưng cuối cùng May giành ngôi Á hậu, có lẽ cùng vì sự trẻ trung tươi mới cô mang tới cuộc thi này.
Ít ai biết cô gái có chiều cao khá lý tưởng 1m70 này lại là người... ăn chay trường. Từ nhỏ, May đã hay đi chùa và ăn chay. Khi lên chùa, May cảm thấy trong lòng thanh thản, bình yên. Cũng vì nghĩ đến tiếng kêu đau đớn của loài vật khi bị giết thịt, May không đụng tới các món ăn có nguồn gốc từ động vật. Tuy vậy, thói quen này không cản trở gì việc cô nàng tụ tập ăn uống vui vẻ cùng với bạn bè. Ví dụ tại tiệm ăn nhanh này, May gọi cho mình món khoai tây chiên. Khi được hỏi việc ăn chay có đảm bảo đủ sức khỏe, cô bạn khẳng định: "Bí quyết của mình là biết ăn chay hợp lý, như thế thì sẽ hoàn toàn đủ chất. Cơ thể May lúc nào cũng rất khỏe khoắn, sẵn sàng cho mọi hoạt động trong ngày".
Đoạt ngôi Á hậu là một bước ngoặt lớn của cô gái 18 tuổi này, thế nên năm 2007 sẽ là năm rất bận rộn của May. Cô dự tính sẽ không theo con đường trở thành người mẫu thời trang chuyên nghiệp, mà May sẽ luyện tập thêm về vũ đạo và phát triển giọng hát - cô bạn gái này nhắm đến làng ca nhạc. May cho biết: "Đồng thời sắp tới May cũng học thêm về diễn xuất trước ống kính. Sau đêm đoạt giải, đã có một vài đạo diễn ngỏ lời mời mình vào vai, nhưng May nghĩ là mình phải chuẩn bị hành trang thật kỹ càng trước đã".
Á hậu Các dân tộc Việt Nam Trương Thị May được chọn làm gương mặt ảnh bìa cho số tạp chí Duyên dáng Việt Nam đầu tiên, sẽ ra mắt vào ngày 1.5 tới.
Thông tin và hình ảnh trên được công bố trong Lễ ra mắt manchette của tạp chí Duyên dáng Việt Nam, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị White Palace (TP.HCM), tối 28.3.
Trương Thị May cho biết, là người mẫu khá gắn bó với chương trình ca múa nhạc nghệ thuật Duyên dáng Việt Nam trong thời gian qua, cô rất vui mừng và hạnh phúc khi được chọn làm gương mặt ảnh bìa đầu tiên cho tạp chí gắn liền với chương trình này.
Tạp chí Duyên dáng Việt Nam là ấn phẩm hợp tác giữa Báo Nhà báo và Công luận, Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và Vietnam Airlines.

Được biết, tạp chí này dự kiến sẽ phát hành với số lượng khoảng 60.000 bản mỗi kỳ, trên tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines, tại các cao ốc, trung tâm thương mại ở những TP lớn trong cả nước, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp và hệ thống sạp báo toàn quốc.
Nhà thơ Trương Quang Thứ
Có lẽ ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), không ai là không biết nhà thơ Trương Quang Thứ. Chú nổi tiếng khắp huyện không chỉ bởi thơ hay, mà chú còn có một nghị lực siêu phàm, khiến ai cũng phải nể phục. Chú kể: “Năm 1972, lúc ấy chú vừa tròn 22 tuổi. Khi đang ở nhà và tham gia dân quân du kích, chú bị một mảnh đạn găm vào chân. Điều trị mấy tháng mới khỏi vết thương nhưng sau đó bị nhiễm trùng rồi sinh ra bệnh khớp và nhiều tai biến khác. Tệ hại hơn là sau này cột sống của chú bị tê liệt, mọi sinh hoạt đều phải đứng để làm”.
Quả đúng như vậy! Ngoài thời gian ngủ ra còn các hoạt động khác chú đều phải đứng; thậm chí là tiếp khách, ăn cơm. Cũng chính vì tai nạn trái ngang ấy mà chú phải chịu rất nhiều thiệt thòi cả trong cuộc sống và trong sáng tác. Nhưng chú Quang Thứ không buồn. Bởi theo chú, chính nhờ có những ngày nằm viện ấy mà chú có được một người vợ chăm chỉ và rất đảm đang. Để sau này, chú và người bạn đời của mình đã cùng nhau xây dựng nên một mái ấm hạnh phúc, các con của chú đều thành đạt. Hai người con lớn đều tốt nghiệp đại học và đã có nghề nghiệp ổn định. Còn người con thứ ba, Trương Quang Phương, vốn là sinh viên của trường Đại học Vinh (Nghệ An), nay đã ra trường và đi làm.
Được vợ “ưu tiên”; các con đều đã lớn nên chú Trương Quang Thứ càng có nhiều thời gian dành cho công việc sáng tác. Đó không chỉ là niềm vui, là nghị lực để chú vươn lên mà đó còn là cách thức để chú phụ giúp cùng vợ chăm lo cho cuộc sống gia đình. Có thể nói, chú Quang Thứ là một “chiến sĩ” cần cù trên nhiều “mặt trận”. Ngoài làm thơ, chú Thứ còn viết báo, viết văn, truyện cười... Chú viết cho cả người lớn và thiếu nhi. Từ nhiều năm nay, chú là cộng tác viên quen thuộc của nhiều tờ báo, trong đó có báo Thiếu niên Tiền Phong. Năm 2000, chú Trương Quang Thứ đã đạt giải Nụ cười vàng do báo TNTP tổ chức. Ngoài tập thơ “Tình trăng” dành cho người lớn, được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, chú Trương Quang Thứ còn cho in tập thơ “Mâm quả biết đi” dành cho thiếu nhi. Tập thơ là những câu chuyện ngộ nghĩnh, thú vị được một người có nhiều tâm huyết với thiếu nhi kể lại. Những câu chuyện về thế giới loài vật, được chú Quang Thứ kể bằng thơ bỗng sinh động, tươi vui y như cuộc sống của thiếu nhi vậy!
Chùm thơ của nhà thơ Trương Quang Thứ:
Mâm quả biết đi
Hai đứa cùng đi hái quả
Sóc leo tít tận cành cao
Nhím không biết trèo đứng gác
Liệu lo hứng quả gom vào
Nhím bảo bạn tung quả xuống
Mình xoè lông nhọn giương lên
Thế là bao nhiêu quả chín
Găm vào lông Nhím như in.
Cả hai nhìn nhau thích thú
Ăn no, còn lại đưa về
Quả treo đầy trên mình Nhím
Như là mâm quả biết đi.
Nắng
Sáng dậy nắng làm việc
Xa gần khắp mọi nơi
Mãi khi lặn mặt trời
Mới chịu về ngơi nghỉ
Có phải nắng thương mẹ
Vất vả trên ruộng đồng
Nên lặn vào hạt lúa
Giục mùa vàng trĩu bông?
Ngủ
Quả ngủ ở trên cây
Cá ngủ ngay dưới nước
Nắng ngủ trong mặt trời
Mưa ngủ mây sũng nước.
Thuyền ngủ nghiêng bãi cát
Sương ngủ suốt trong đêm
Lửa ngủ trong que diêm
Khói ngủ liền trong bếp.
Cây xấu hổ lạ thiệt
Ai động vào ngủ ngay
Đồng hồ bận đêm ngày
Nguồn: http://blog.yume.vn/
Họa sĩ Trương Bé
Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942.
- Quê quán: Tỉnh Quảng Trị
- Nguyên Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Hà Nội
- UV Thư ký Ban chấp hành Hội Mỹ thuật VN
- UV Hội đồng Nghệ thuật TW Hội Mỹ thuật VN

Trương Bé đã chọn nghiệp và anh đi suốt đời mình. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1974, hoạt động mỹ thuật tại Quảng Trị, thực tập tại Budapest 1983 – 1986, công tác giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Huế, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế và hiện là Ủy viên BTK Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2000 – 2005, và giảng dạy tại trường Đại học Nghệ thuật Huế và một số trường các tỉnh miền Trung.
Tuổi 60 – Hoa giáp của một đời người, cái tuổi có thể nghĩ về sự viên mãn hay câm giận chính mình. Trương Bé ở cái ngưỡng 60, có 30 tuổi nghề, với bao trăn trở, sống và lớn lên ở một miền quê nghèo Quảng Trị, đã trải qua trong chiến tranh, giữa cái sống và cái chết, bao nhiêu lo toan để nuôi sống và gầy dựng một mái ấm gia đình, giữa đời thực và cái ước mơ. Cũng như bao người khác, bao nghệ sĩ khác, họ càng lắm cái trải nghiệm thì trong họ càng có những nội lực thâm sâu chừng ấy, hình như ai cũng có cái hạnh phúc và dằn vặt khổ đau, đã trải qua. Thoắt cái, mới đó mà đã 60 năm. Suy cho cùng, không ai vừa lòng cái mình có, điều ước muốn của người họa sĩ là sống được với nghề, mà sống được với nghề đâu có dễ, mấy ai vẽ tranh và bán được tranh vẽ khi mình đang sống, nhìn hàng đống tranh vừa tự hào vừa chua xót đôi lúc tự hỏi mình là ai. Mâu thuẫn với mình giữa cái mình muốn và cái mình có thực.
Đúng là cái Nghiệp.
Từ năm 1976 anh đã liên tục triển lãm trong và ngoài nước như:
- Đã tổ chức triển lãm cá nhân 1992 tại Huế, triển lãm Cha và con ở Hà Nội.
- Tham gia nhóm tác giả năm 1988 và các cuộc triển lãm chung ở Thái Lan, Pháp, Mỹ, và anh không bao giờ vắng mặt trong tất cả các cuộc triển lãm trong nước và trong tỉnh. Ở anh sự tìm kiếm là thường trực, anh không dừng ở điểm nào, từ hiện thực sang trừu tượng anh đã dám xông vào cái mà người ta còn e ngại trong hoàn cảnh lịch sử lúc ấy. Tranh trừu tượng thì không lạ gì với Huế vì trước đó đã có những họa sĩ đã tổ chức nhiều triển lãm, song anh đi tìm kiếm ở đó một ngữ riêng biệt để nói hết những cái mình muốn nói, và rồi từ đó trong cuộc đời sáng tạo, anh đã dừng tạm thời ở tranh trừu tượng. Từ hiện thực sang trừu tượng, với Trương Bé là cái không hình là cái không có giới hạn để mình gửi gắm những ý tưởng đến nhân gian nhiều nhất, những vệt màu vung lên một cách mạnh mẽ để tạo những mảng lớn hay những nét thả lỏng hững hờ dường như mất hút vào nền vải, những mảng màu khô quánh cào xướt lên mặt tranh hay dịu dàng nhẹ trôi êm ả, cảm xúc trong tranh Trương Bé có khi mạnh mẽ bạo liệt nhưng cũng có khi trầm tĩnh duy lý đến từng phân vuông. Nó luôn biến, sự biến hóa của hình, của màu tạo nên cái động, là cái cốt lõi trong tác phẩm của anh.
Ở giai đoạn này, những tiết điệu như chảy vào các ngõ ngách, dù có khoảng trống cần thiết cho một sự tĩnh lặng, người ta có cảm giác sự đầy ắp bên trong vuông tranh của anh luôn là sự ham muốn vươn tới cái vô cùng, những gam màu sáng, trầm ấm của sơn dầu hay chín sẫm của son tươi và màu cánh gián, rạn vỡ của vỏ trứng và rực rỡ vàng quỳ trong sơn mài, có lúc anh chỉ sử dụng đơn sắc, những thể nghiệm chất liệu, thì tiết điệu trong tranh vẫn là cái mà anh luôn tìm và giữ nó đến tận giờ, anh chọn hướng đi vào cõi bên trong, anh tìm cái thấu đáo, tìm cái Đạo, cái lẽ tự nhiên. Như trong các tác phẩm "sắc không", "mơ diều", "miền hư ảo", "vòng nhân sinh", cùng "sự sống dòng chảy trái đất"... Và màu của anh đã tinh lọc đến tối đa, gần như đơn sắc, gần với hội họa phương Đông với cái mạnh mẽ của nét, nền nã biến hóa của màu và sắc độ, chính cái đơn giản, tính chất ấy mới là sự điêu luyện của nghề. Trong các tác phẩm mới nhất của anh người ta thấy ở loạt tranh trừu tượng đen trắng hoặc đen, trắng, đỏ, một lối ra của anh mới khởi đầu. Cũng như trong "sắc không" và "mơ diều" anh thể nghiệm đơn sắc bằng một chất liệu khác như giấy dó, dây gai là chủ đạo, nhưng người ta thấy ở đó một sự mênh mông và thanh thản đến lạ lùng.
Tuy sơn mài, anh kỳ công trong xử lý, giữa độ sâu của màu và chuyển động của nét cũng đã tạo nên những nhịp điệu rung động và ở đó ta thấy cái mạnh mẽ và mềm mại quyện lại như khí lực của một vũ điệu có cả 2 tính cương, nhu làm cho nó sinh động và biến hóa đến bất tận.

Hội họa Trương Bé và cái tinh chất cô đặc mang tính triết lý, nó không thành tiếng nhưng giai sắc tuôn tràn trong dòng chảy thời gian không gian, những dấu vết cổ tích, niềm đam mê, sự tự vấn luôn làm cho anh thất thường trong lúc sáng tạo và ngay cả đời thường, có lẽ vậy thôi, làm sao nỗi day dứt về một miền lạc phúc ở tương lai hay quá khứ mà một lúc có thể miêu tả vào trong vuông vải hữu hạn, nên chi anh đã miệt mài và cố để không thét lên rằng thời gian thì rất ít mà nỗi đam mê trần thế đến khôn cùng.
Tuổi 60, độ chín của anh đang trên đà cô đặc, tinh chất, nghệ thuật vẫn luôn là cái phải tìm phía trước, hôm nay anh đang thanh thản để gặt hái những gì do tích lũy, và nội lực của anh đang độ sung mãn.
Mong cho anh giữ cái nghiệp mà anh đã chọn và anh sẽ sống được với nghề, cái nghề họa sĩ của mình. Mừng cho anh có cái riêng của mình, người đời nhận diện anh rõ hơn trong đám đông nghệ thuật.
Huế, tháng 10 năm 2002
Đặng Mậu Tựu
Nguồn: TCSH số 165 - 11 – 2002
“CỘI NGUỒN” TRIỂN LÃM CỦA HỌA SĨ TRƯƠNG BÉ
TRỊNH HOÀNG TÂN
Nghệ thuật của Trương Bé là sự chuyển động và biến hóa đến bất tận, mang tính triết lý, tuôn tràn trong dòng chảy thời gian, không gian, được kết nối bởi những dấu lặng vừa có tính tượng trưng vừa mang một không khí ẩn dụ, huyền bí.
Hai mươi bức tranh trừu tượng của họa sĩ Trương Bé có mặt tại Quảng Trị trong triển lãm cá nhân của ông tạo nên bởi những hòa sắc mang biểu cảm mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa đường nét với mảng màu tươi (đỏ, vàng) được bố cục chặt chẽ thể hiện thế giới nội tâm, ước vọng nói lên ý thức hệ, bộc lộ sự nhạy cảm. Trong bức tranh Tích hợp Đông - Tây (sơn mài, 180x360cm) sáng tác năm 2006, 2007, ông dùng những chấm sáng, tối, kết hợp sự biến hóa của đường nét, của mảng màu nhằm dự báo sự sinh hóa kết tinh từ vũ trụ, vạn vật, con người. Đó là sự sinh sôi, hứa hẹn những điều có thể là tốt lành nhưng cũng có thể là bất an của thế giới đầy bí ẩn. “Hỗn độn hài hòa” (sơn mài, 135x273cm), Nhịp điệu giây bí ẩn (sơn mài, 180x360cm) là một mắt xích vĩnh cửu giữa họa sĩ và cội nguồn của mình, và khuynh hướng suy tưởng về trời đất, có tác dụng tạo nên ấn tượng. Sáng tác của họa sĩ Trương Bé là thế giới của mơ mộng, của huyền thoại, của tâm thức được tín hiệu hóa. Người nghệ sĩ đã làm nên một nhịp sống trên tác phẩm, bởi nó là sức sống đây đó của thần trí chúng ta qua nhịp điệu của vạn vật...
Các tác phẩm trừu tượng sơn dầu có kích thước nhỏ hơn của ông màu sắc chủ đạo là xám, trắng, đen, đỏ biểu hiện mối quan hệ biện chứng, nhất là sự vận động của sắc đỏ cảm giác như vô tận khiến người xem phải chú ý hình dung sợi dây kim chỉ nam đó đi về đâu. Người ta có thể thấy gió lướt trên tranh, hơi thở của đời sống, cảm thấy sự tìm kiếm nhịp điệu và bản thể của thiên nhiên.
Bức Mạch nguồn sự sống (sơn mài, 90x120cm) như một cơn gió xoáy nóng, ngổn ngang những nét dày đặc, thưa dần, và có xu hướng tan hòa. Chất hội họa ngồn ngộn. Trong cái rối tung mịt mù ấy là ánh sáng của sự hài hòa và mạch nguồn của sự sống. Chúng có những ý bao hàm về cảm xúc sâu sắc. Suy cho cùng không có tưởng tượng thì không thể có nghệ thuật và cần có trí tuệ hóa cảm thụ để khai triển những hiểu biết. Cái gì là hạnh phúc của người làm nghệ thuật? Đó là được chia sẻ qua tranh, niềm vui cũng như nỗi buồn và luôn mong có được sự đồng cảm, tri âm, tìm mối dây liên kết những người đồng điệu, đồng tâm, nó là cầu nối giữa một tâm hồn này với một tâm hồn khác, là sợi dây tình cảm gắn bó các cá nhân lại với nhau bằng tình yêu và cái đẹp.
Hội họa Trương Bé diễn tả một thiên nhiên khác, sáng tác đi từ một thế giới tưởng tượng bằng những phương tiện của nghệ thuật tạo hình - từ hiện thực đến trừu tượng, giữa độ sâu của màu và sự chuyển động của nét đã tạo nên những nhịp điệu rung động, một ngôn ngữ đầy sức mạnh nội tại.

Hội họa trừu tượng của họa sĩ Trương Bé chỉ lột bỏ lớp da bên ngoài của thiên nhiên chứ không từ bỏ những quy luật đã tạo nên vũ trụ. Đó là cảnh tượng của một thế giới nội tâm đang sục sôi, không thể không gợi nhớ đến một nơi chốn xa vời, đến một thời gian khuất hút vào dĩ vãng bằng những sắc màu của những xung động bởi các ký hiệu tượng hình kỳ ảo lung linh theo từng đổi thay của ánh sáng. Những ký hiệu tượng hình có hình sao, hình tam giác, hình vuông, hình tròn, hình xoắn... cuồng nhiệt bước vào dạ tiệc của màu sắc, tạo ra hình thức của cái vô hình, cuốn xoáy vào siêu thực và trừu tượng. ẩn dụ và tượng trưng trong văn học thông qua ngôn ngữ để đánh thức sự nếm thưởng, sự liên tưởng tư duy hình tượng ở người đọc; hội họa thì cần dựa vào hình tượng tạo hình biến hóa mang tính ẩn dụ và tượng trưng, phiêu diêu và bàng bạc, siêu nghiệm và siêu thoát nhằm kích thích trí tưởng tượng của người xem.
Trong các tác phẩm sơn mài mới nhất của Trương Bé khắp nền tranh màu tối, sáng ẩn hiện lộ ra theo một nhịp hữu cơ để làm sâu thêm cái không gian nội tại và làm cho những dải màu sắc chuyển động.
Nghệ thuật của Trương Bé là sự chuyển động và biến hóa đến bất tận, mang tính triết lý, tuôn tràn trong dòng chảy thời gian, không gian, được kết nối bởi những dấu lặng vừa có tính tượng trưng vừa mang một không khí ẩn dụ, huyền bí. Mạch suy ngĩ ấy ở tiếng vọng vang từ một tâm hồn, hội họa mang hơi thở và dấu ấn cội nguồn, nhắc đi nhắc lại những dòng suy nghĩ về lẽ sống cuộc đời. Mọi hình tượng trong tự nhiên và xã hội đều có thể trở thành hình tượng hội họa, đều có thể góp phần biểu hiện thế giới tâm cảm của người nghệ sĩ trước tự nhiên và xã hội. Và như vậy, vấn đề cơ bản nhất trong sáng tạo nghệ thuật, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của chủ thể sáng tạo nghệ thuật là khả năng sử dụng một cách có hiệu quả nhất, một cách khoa học về sự hòa hợp các màu sắc, đường nét để tạo dựng hình tượng nghệ thuật. Đây cũng là quan điểm nghệ thuật, tình cảm trong mỗi tác phẩm hội họa của họa sĩ Trương Bé.
Triển lãm hội họa “Cội nguồn” của ông là sự trở về quê hương yêu dấu, là sự bày tỏ lòng tri ân và biết ơn mảnh đất yêu thương Quảng Trị.
Trịnh Hoàng Tân - http://www.vietnamfineart.com.vn/ 
TRƯƠNG BÉ THỜI KỲ 1996 - 2006
Nhà xuất bản Mỹ thuật - 2007
Đây là một tập tranh mỏng (hiểu theo nghĩa số trang: 45 trang) nhưng lại dày dặn khi ta thỏa sức ngắm nhìn về bút pháp và hiện dần về những điều trong nghệ thuật của một Trương Bé họa sĩ, người đã biết cách lọc đi những công việc, lo toan thường nhật để khi cầm bút sáng tác một cách tự do, tung tẩy, dãi bày trên bề mặt của nền toan, vóc những ngẫm ngợi về con người, về lịch sử và số phận. Tranh trừu tượng ở Việt Nam được hội nhập với thế giới muộn mằn nhưng không vì thế mà mất đi sự cuốn hút. Trong những tác giả tranh trừu tượng ở Việt Nam, Trương Bé có một góc riêng, tự tin, bình tĩnh như viên đá mài trên mặt vóc dần hiển hiện nét và màu, trên nền đen hay đỏ với những nét cắt tung hoành, những mảng lặng và rất nhiều đốm li ti như ánh sao rụng rơi trên nền, khoăn nhặt và phóng túng... Tranh trừu tượng sơn dầu của Trương Bé có sự bổ sung của những màu lạnh và giàu triết lý như thu lại suy tư của một cõi lòng riêng.
Đến với tranh trừu tượng của Trương Bé là sự phiêu du trong cõi hỗn mang, ở đó, ta có thể và không thể tìm thấy điều mà ta muốn hiểu. Nhưng dù vậy, mà có lẽ vì vậy mà nghệ thuật luôn là sự kiếm tìm giữa thực và hư, giữa hữu hạn và vô hạn trong thời gian trôi nhanh.
Nguồn: www.vietnamfineart.com.vn/ 
Họa sĩ Trương Minh Dự
quê Xuân Thủy, Lệ Thủy,Quảng Bình.
Sau khi ra trường anh vào công tác ở Quảng Trị suốt mấy chục năm nay và xem Quảng Trị như là quê hương thứ hai của mình.
Gia đình của anh là gia đình nghệ thuật, hai cô con gái:
Trương Minh Hồng (giáo viên âm nhạc),
Trương Minh Hằng (GV mỹ thuật)
công tác trong ngành giáo dục Hải Lăng.
Trương Quang Thông
Theo http://hotruong.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...