Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Bẽn lẽn - Thơ Hàn Mặc Tử

Bẽn lẽn - Thơ Hàn Mặc Tử
Bài thơ có sức hút kỳ lạ, đặc biệt với giới phê bình ngay từ khi nó xuất hiện, Trần Thanh Mại từng có lời bình: “Chỉ trong mười hai câu đã kết tinh lại biết bao rung cảm say sưa, mà nhất là biết bao ảo thuật quái dị. Mỗi chữ trong đây đều có một linh hồn, mỗi chữ là một "hoạt động lực", nó bắt tay nhau mà nhảy lên một bản khiêu vũ thần tiên”. (Hàn Mặc Tử, in lần thứ nhất, Tân Việt, Sài Gòn, trang 50).
Xin trân trọng giới thiệu.
Hàn Mặc Tử
Bẽn lẽn
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi
Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em
Nguồn: Hàn Mặc Tử, Gái quê, Nxb Hội nhà văn, 1995
BÌNH GIẢI: ĐỖ TRỌNG KHƠI
Hàn Mặc Tử sáng tác thơ, dường như, lúc nào cũng trong trạng thái cảm xúc: Mỗi lời thơ đều dính não cân ta… Vì vậy chăng, cho dù khi trước sự vật ở dạng bóng ảnh, mộng mị, hư huyễn thì với sức bút của ông tất cả đều có khả năng hóa tượng hình, tượng thanh sống động. Hướng thi pháp này, có thể nói, mang khả năng thực thể hóa ảo giác và tâm thức. Bài thơ BẼN LẼN là một trong những bài tiêu biểu của hướng thi pháp này.
Trăng nằm sõng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi …
Đối tượng miêu tả chính là "trăng". Trăng - trong cuộc tình với "gió đông" và trước sự đồng điệu, ứng tác của hoa lá, suối khe. Đề bài nói về bẽn lẽn là nói chơi, nói điệu. Và nói vậy phần do cái tâm lý tự vấn, mặc cảm trước vẻ hồn nhiên phô diễn hết mình, thật mình của vẻ đẹp thiên nhiên, mà con người với bao ý nhị buộc giàng đã không dám được vậy; chứ xem cách thức, hành vi tỏ tình của thiên nhiên kia và cách cảm nghĩ, tỏ bày của con người ấy thì rõ không có vẻ "bẽn lẽn" gì. Từng sắc diện của ảnh chữ đã xác nhận điều đó. Hơn thế, lòng người - em trong thơ còn thầm mong được chiêm ngưỡng và cũng mong được khoe mình: Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi. Hồi hộp đến nín thở, nín tiếng: Tiếng lòng ai nói? Sao im đi? … để mà xem, kẻo tan vỡ cảnh mộng tình: 
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm 
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe …
Theo trình tự hình ảnh thơ, từ lúc không gian còn rộng mở, trăng còn ở trên cao, ở xa xa: trên cành liễu để đợi chờ … thì tới phần giữa bài, không gian đã thu gần lại, hình ảnh trăng cũng đã trở lên cụ thể có hình khối, hình sắc hơn. Từ lúc hình ảnh hiện diện còn ít nhiều mờ ảo, trăng - nằm - sõng - soãi … tới lúc hình ảnh phô bày lồ lộ, trần - truồng - tắm; qua nét tạo hình, gợi tình của không gian sống ấy ta như thấy được nhịp chuyển của các đối tượng, thấy trăng và người - Người em đang tiến gần lại nhau, mang tinh thần, khát vọng hòa nhập vào nhau. Trăng đã đến điểm hoàn toàn khỏa thân phô sắc trước con người; và con người cũng đến điểm lòng hết hồi hộp, thôi ẩn nấp trong đám "vi lau" đã tiến gần lại chỗ ái ân, gần đến cỡ để gió - gió đông, bạn tình của trăng - hôn lên má. Nhịp chuyển của không gian cảnh sắc và không gian tâm lý diễn ra như vậy là rất hợp với tiến trình tình cảm và có quy trình ngôn ngữ - thi pháp.
Cách sử dụng danh từ của bài thơ này cũng có nét đáng bàn đến. Tác giả đã sử dụng ba cách gọi tên của trăng, là trăng - chị Hằng và bóng nguyệt. Đây cũng là điểm ít gặp ở một bài thơ. Mở bài, ở câu thơ đầu gặp từ "trăng" - trăng nằm sõng soãi … thì thấy vầng trăng xuất hiện ở đây mới ở dạng vật thể, có hình khối chưa rõ hình lượng và hình sắc. Tới lúc "Đợi gió đông về để lả lơi" thì tình cảm mới thực sự được chuyển hóa, vầng trăng - vật thể chuyển sang dạng sinh thể và do vậy, khi đó trăng mới được mang tên gọi giống con người, chị Hằng. Và cuối cùng khi tên gọi "nguyệt" được sử dụng là lúc vầng trăng hiện diện gần nhất, rõ ràng về hình sắc nhất: trần truồng tắm.Đúng là nếu để trăng trần truồng tắm thì mới là cách tả màu mè và không họa rõ được hình sắc. Trăng phải phô bày thế nào mới toát lên vẻ trần truồng? Còn nói, chị Hằng trần truồng tắm thì thiếu lễ độ, chẳng mấy ý vị nữa. Chỉ có tả "bóng nguyệt trần truồng tắm" mới thật thích hợp. Vì từ "nguyệt" gợi lên hình ảnh đối tượng con người tuổi trẻ. Với lẽ chữ ấy, hình ảnh khỏa thân lồ lộ kia mới có ý vị. (Tất nhiên, cách sử dụng từ ngữ ở bài thơ này ít nhiều còn tính đến niêm luật bằng trắc của thể loại).
Hình thơ thì lộ, tình thơ thì bạo mà giọng thơ lại khá ỡm ờ.
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được …
Cung cách sống lưỡng lự, đôi đường này có lẽ, nó là một thuộc tính người. Con người thời kỳ Hàn Mặc Tử sống càng dễ mang tính cách này. Đó là thời kỳ đời sống xã hội - văn hóa - tinh thần đứng trước sự giao thoa, sự mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Trong dòng chẩy của nghệ thuật thơ ca, cuộc cách tân thi pháp đang diễn ra và nó còn gặp nhiều trở ngại từ phía quan niệm nghệ thuật truyền thống. Sự ngập ngừng, lưỡng lự vừa muốn được tự do hiện mình vừa ít nhiều còn e dè nghi ngại về quan niệm đạo đức cũng như về tư cách nghệ thuật.
Phải chăng, BẼN LẼN vừa mang tính cách hồn nhiên của thi pháp Hàn Mặc Tử, vừa mang ý đồ thể hiện sự lưỡng lự dấn thân, hiến thân của tư tưởng văn hóa và nghệ thuật của cả xã hội đương thời?.
Đỗ Trọng Khơi
Theo http://vanhaiphong.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...