Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Phượng Trì trong Trường ca Hàn Mặc Tử

Phượng Trì trong Trường ca Hàn Mặc Tử
Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy được kết bằng một ca khúc vút bay từ cảm hứng “thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu” trong bài “Thánh Nữ Ðồng Trinh Maria”:    
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!    
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu    
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu    
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang. 
1.TA LÀ CHIM PHƯỢNG HOÀNG    
Nguyễn Bá Tín trong “Hàn Mặc Tử Anh Tôi” đã cho biết xuất xứ va ý nghĩa của tiếng kêu Phượng Trì:    
“Hôm ấy hai anh em chúng tôi đi xem một cuốn phim Tầu “Hỏa Thiêu Lầu Liên Tự. Nội dung là một câu chuyện kiếm hiệp được dựng nên trong bối cảnh vua Càn Long lợi dụng các môn phái võ hiệp để đánh phá ngôi chùa Hồng Liên, một cứ điểm quan trọng nhằm chống lại triều đình Mãn Thanh thời bấy giờ. Xong trận chiến, Cam Phượng Trì, người anh hùng lỗi lạc phái Nga Mi lên đỉnh núi cao, nhìn xuống chiêm ngưỡng chiến công đã đạt. Anh rùng mình khi thấy bao bạn bè anh bị tàn sát. Buồn rầu, anh quay gót phi thân lên ngọn núi, lấy đà, dùng thuật phi hành bay mãi lên cao cho đến khi mất dạng.    
Một nữ hiệp là Diệp Tiểu Thanh, vốn yêu mến anh chạy theo tìm. Tiếng nàng gọi: Phượng Trì, Phượng Trì... Phượng Trì, Phượng Trì... vang dội khắp nơi mà con phượng hoàng vĩ đại đó không quay trở lại. Hai tiếng “Phượng Trì” ám ảnh anh Trí một cách kì lạ say đắm đến nỗi đêm sau anh đi một mình xem chiếu lại, anh suýt xoa khen ngợi liền mấy hôm. Anh nói: Phượng Trì, cái tên thật tuyệt, nghe như bay lên cao, bay lên cao, hay quá !” (trang 78-79).    
“Anh có vẻ rất thích chí khi tìm được hai chữ “Phượng Trì”... lại rất gần gũi với biểu tượng phượng hoàng của anh” (trang 80):    
Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng    
Vỗ cánh bay chín tần trời cao ngất. 
2.KHÚC NHẠC LÀM MỌC CÁNH 
Beethoven đã chữa bệnh bằng nhạc cho chính đời mình, biểu trưng qua bản hòa tấu số 6 với tựa đề là “Mục Ðồng.” Ðang gặp chuyện buồn mà nghe bản Mục Ðồng là tự nhiên thấy lòng mình thảnh thơi hẳn ra. Hãy nhập thân làm một mục đồng dẫn đàn chiên ra cánh đồng cỏ, có suối chảy róc rách, tâm hồn thanh thản đầy nhựa sống, bạn bè nhởn nhơ vui vẻ. Dòng nhạc đoạn này thật nhẹ, êm như mây trời, đẹp như bờ hoa dại bên đường.    
Nhưng bỗng chốc cơn mây đen ùa tới phủ kín ngột ngạt. Sấm chớp hãi hùng. Tiếng nhạc giật đùng đùng gây ấn tượng sợ hãi như đang bị vất vào cơn giông bão khủng khiếp hết đường thoát.    
Vậy mà ở đoạn cuối nhạc lại diễn lên một cảnh thật ngạc nhiên. Bão tự nhiên hết, người mục tử hoàn hồn reo vui ca khúc tạ ơn, như thấy lòng mình mọc cánh bay lên một khung trời mới rộng mở thênh thang.    
Thì ra nghệ sĩ là người nhìn thấy diễn tiến ba nhịp trong một vũ khúc cuộc đời. Diễn tiến này khoa chữa bệnh tâm thần cũng đã khám phá ra. Bệnh nhân phải được hướng dẫn “nhớ” lại những lúc sung sướng được ấp ủ yêu thương trong đời mình. Rồi qua giai đoạn hai khó khăn hơn, là phải nhận diện và vật lộn với điều khổ tâm vốn cố tìm cách quên đi. Và giai đoạn cuối cùng là có thể “làm hòa” lại với những đau khổ đó. Qui trình này nhà tâm lý có thế giá bậc nhất thời đại là Karl Jung gọi là "Individuation," dịch thoát theo từ của Tagore là "thực hiện toàn mãn."    
Hàn Mặc Tử lại là chính hiện thân của diễn tiến cuộc vũ hóa xem ra rất mâu thuẫn này: từ những êm đềm thơ đẹp đến những vật vã cô đơn bệnh cùi, rồi được ơn tác động tìm lại niềm vui như mọc cánh thênh thang, không gì cản trở mình được nữa. Ðó là tiến trình mọc lông vũ, mọc cánh.    
Vậy thì đây cũng là con đường Việt Nam. Dầm bập khổ lụy chẳng sao hiểu nổi. Nhưng chỉ biết chắc một điều: có một Việt Nam khổ nạn, thì sẽ có một Việt Nam phục sinh, trong một diễn trình lớn hơn. Có một người cùi Hàn Mặc Tử, thì cũng có một thiên tài Hàn Mặc Tử. Ðó là mầu nhiệm cuộc sống: cơn khổ nạn sinh thành.
3.LỰC VŨ HÓA    
Trường ca Hàn Mặc Tử là một khúc vũ với tiến trình mọc cánh bay lên, hóa giải mọi oan khiên. Ðúng là Ðường Việt có nghĩa là Vượt. Vậy thì trường ca này phải là một Việt Ðạo Ca, khúc hát trên Ðường Vượt, điệu hò vượt đồi vượt nương những khổ lụy trong cuộc sống, mà cuối cùng là cái chết “đi vào ngàn mai” khi “nghe vang tiếng gọi càn khôn.” Vượt qua bờ hữu hạn sang bờ vô hạn, vượt bờ sinh tử, tử sinh, vượt qua cái tôi nhỏ bé to vo mà vươn tới hòa nhập vào cái “ta” đại thể. Phương thức vượt cần đến cánh chim thiêng. Ngàn mai nào? Tiếng gọi càn khôn nào? Có phải chỉ là một lực hút vũ trụ để tan loãng vào cõi mông lung mờ mịt đáng sợ đến lạnh người, hay là cảm nghiệm được chính Thiên Chúa “Tình Yêu rung động lờp hào quang” như Hàn Mặc Tữ đã thấy?    
Ðau khổ vốn gắn liền với kiếp người như một định mệnh. Có những đau khổ giải quyết được, có những đau khổ không thể giải quyết được. Ðau khổ là một phi lí đối với những ai chạy trốn nó. Ðau khổ lại là một mầu nhiệm mang ý nghĩa trong tiến trình chung đối với những người có con mắt để mà thấy như Hàn Mặc Tử. Mọi người cũng như Nguyễn Du với khúc Ðoạn Trường, dù có “Tân Thanh” hay “Vô Thanh” đều phải nhận:    
Thảo nào khi mới chôn nhau    
Ðã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!    
Giải quyết bằng biện chứng khoác lác “bước tiến tất yếu cúa lịch sử” duy vật, lấy lao động vinh quang thay Thượng Ðế thì bây giờ đã “cháy nhà ra mặt chuột.” Nơi Hàn Mặc Tử thì việc hóa giải thật lạ lùng: được biến đổi do thần lực Tình Yêu mà cũng là cứu cánh cuộc đời. Một khi đã cảm nghiệm thấy Chúa Tình Yêu, thì lạ quá: “mọi cù lao trôi nổi xứ mêng mông, sẽ qui tụ thâu về trong một mối.” Thì ra tình yêu mới là lực vũ hóa, mới là yếu tố then chốt trong lộ trình hóa giải của Hàn Mặc Tử. Tình yêu là thuốc thần và là năng lực thật theo khoa học ngày nay, như Teilhard de Chardin, một nhà thần học mà cũng là một nhà khoa học, đã chứng nghiệm sức mạnh lạ lùng ấy:    
“Một ngày kia, sau khi chúng ta đã làm chủ được gió, sóng biển, thủy triều, và trọng lực, chúng ta sẽ khai mở được năng lực của tình yêu; và khi đó, đúng là lần thứ hai con người khám phá ra lửa.”    
Con đường vượt này không còn do sức riêng nhỏ bé của mình được nữa, cũng không do bất cứ suy tưởng của đạo này đạo kia do loài người tìm ra, mà phải do chính “nguồn thiêng liêng yêu chuộng,” sức mạnh tình yêu của Chúa “là đường, là sự thật và là sự sống.” (Gioan 14:6)
4.CẢM TẠ PHÒ NGUY    
Lửa tình yêu đã biến đổi Hàn Mặc Tử, đã làm cho Hàn Mặc Tử mọc cánh là chim phượng hoàng theo đúng nghĩa. Ðó là một thực chứng. Tình yêu đó được biểu hiện qua Ðức Mẹ luôn sẵn sàng cứu giúp khi gặp nguy khó:
Maria, linh hồn tôi ớn lạnh    
Run như run thần tử thấy long nhan    
Run như run hơi thở chạm tơ vàng    
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.    
Lạy Bà là Ðấng tinh tuyền thánh vẹn    
Giàu nhân đức giàu muôn hộc từ bi    
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy    
Cơn lâm lụy vừa xảy ra dưới thế    
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ. 
Trong “Hàn Mặc Tử Anh Tôi”, Nguyễn Bá Tín đã cho biết lý do những thay đổi lạ lùng chứa chất nhiều bí ẩn nơi Hàn Mặc Tử:    
“Anh Trí là một người bình thường như mọi người, đôi khi còn tầm thường trong những cơn “hỉ, nộ, ái, ố, lạc” trong cuộc đời. Thế nhưng cái gì đã xảy đến, biến đổi anh trở thành khó hiểu như vậy?    
Tôi đã từng theo dõi những ham mê, những diễn tiến tâm trạng, những thay đổi tính tình, trong những năm ở gần anh, nên không thể không xem đó là một điều lạ lùng. Theo tôi biến cố anh xuýt chết đuối ở bờ biển Qui Nhơn là yếu tố quyết định cuộc thay đổi ấy. Mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn sợ hãi vì thấy anh không còn giống anh nữa, anh khác lạ đi với đôi mắt lạc thần. Cảnh tượng đó ám ảnh tôi mãi. Tôi tin anh đã được ơn cứu trợ lạ lùng của Ðức Me, và biến cố trên đã ảnh hưởng sâu đậm đến đường hướng sáng tác của anh."    
"Khả năng cảm thụ tế nhị trong văn chương, trong âm nhạc đều bắt đầu từ đó, từ lúc anh sống thu hình lại cả tâm hòn lẫn thể xác ngược với những ham muốn dồi dào đã có sẵn từ bẩm sinh. Ðang bồng bột nông nổi đầy sức sống, đi từ ham mê này đến ham mê kia, bỗn đột nhiên anh dừng lại, rồi chìm vào một trạng thái đăm chiêu đến xuất thần. Hiện tượng đó đã đến với anh một cách thình lình, như chớp lòa sáng chói, khiến anh ngất đi, ngơ ngác mù mịt, để rồi biến cải anh hoàn toàn.” (trang 113-114).
5.PHẠM DUY HÁT THÁNH CA TRÊN ÐƯỜNG VỀ    
Tìm đường vượt, hóa giải oan khiên Việt Nam và của mỗi người, Phạm Duy đã từ đạo ca vượt tới thiền ca. Rồi từ thiền ca vượt tới Trường ca Hàn Mặc Tử, hát thánh ca trên đường về cõi ánh sáng muôn năm. Ông Trần Văn Ân đã nhận xét về tác phẩm này: “Phạm Duy đã vượt Phạm Duy về mọi mặt, nội dung, chủ đề, hình thức, nhạc thuật. Trường ca Hàn Mặc Tử là biểu kiến của Phạm Duy về cuộc đời, về đất nước, về tình yêu, về con người và về Thượng Ðế. Nó là một lựa chọn phù hợp nhất, mãnh liệt nhất. Phạm Duy mượn Hàn Mặc Tử để nói lên cái đau khổ tột cùng của một kiếp người... mà chỉ có Ðạo, có Thượng Ðế mới cứu rỗi được thôi.” “Vào lúc xế chiều của cuộc đời, Phạm Duy mới dành cả một trường ca để xưng tụng một thi sĩ lỗi lạc, đồng thời cũng là để vinh danh Thiên Chúa. Như vậy là con người nghệ sĩ mà ai cũng tưởng là vô đạo, đã từng vào nhạc với tiếng chuông chùa, nay lại muốn đóng lại sự nghiệp của mình bằng tiếng chuông nhà thờ và bằng những lời ca vinh danh Ðức Mẹ Maria.” (Người Việt ngày 7 tháng 12.1993)    
Ðối với nhạc sĩ Phạm Duy, thì hình ảnh Ðức Maria “Bà rất nhiều phép lạ” thật dễ cảm và thật gần gũi.    
Người ngoại quốc thường nhận rằng người Việt mình có lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria một cách đặc biệt, có thể vì trong tiềm thức đã có sẵn hình ảnh chim Âu tổ mẫu bay suốt dọc dài lịch sử. Ðức Maria là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, là hiện thân nguồn “ánh sáng muôn năm,” là chim tiên, chim “Phượng Trì” theo ngôn ngữ riêng của Hàn Mặc Tử trong hình ảnh Ðức Mẹ Bay Lên Trời.    
Ba bài cuối của Trường Ca Hàn Mặc Tử là những khúc “nhạc thiêng liêng” nâng hồn những đứa con được “no rồi ơn vũ lộ hòa chan,” thành “thánh thể kết tinh,” có thể vượt thoát vòng hệ lụy nghiệt ngã mà bay bổng vào cõi “ngời chói vạn hào quang”:    
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền    
Không u tối như cõi lòng ma quỉ    
Vì có Ðấng Hằng Sống hằng ngự trị    
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp u linh.    
Trong “Hàn Mặc Tử Anh Tôi”, Ông Nguyễn Bá Tín đã nhận ra nguồn cảm hứng của anh mình phát sinh tứ lòng Ðức Maria là chính Ngôi Hai Thiên Chúa ra đời:    
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel    
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ    
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?    
Người có nghe náo động cả muôn trời?    
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời    
Ðể ca tụng bằng hương hoa sáng láng    
Bằng tràng hạt bằng hương hoa chiếu rạng    
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.    
“Anh nguyện được tâm tư trong sáng để lời thơ biến thành “muôn kinh trọng thể”:    
Ðây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kinh    
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý ...    
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước    
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm    
Thơ trong trắng như một khối băng tâm    
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu.    
“Ave Maria! Reo như châu ngọc, thơm tho như hoa hương, sáng láng như thất bảo, làm xôn xao tinh tú, náo động muôn trời và vạn vật. Ave Maria! Nguồn vô tận mà “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu.” Chưa bao giờ anh biểu lộ được hết tiên phong đạo cốt như trong bài Ave Maria. Anh nói đó là bài thơ đắc ý nhất trong cuộc đời anh.”(trang 83)
6.CHIM PHƯỢNG MARIA và ÐÀN CHIM DŨNG LẠC    
Ước vọng bay vượt thoát lên khỏi hiện trạng nghiệt ngã vốn nằm trong tiềm thức chung của nhân loại. Ai mà chẳng một lần mơ thấy mình đang bay. Ðặc biệt hình ảnh này nằm trong máu người Việt với truyện thiêng chim Tiên đẻ ra một trăm trứng nở ra một đàn chim con. Mẹ là chim thì các con cũng là chim. Những đứa con này cũng tập bay theo mẹ lên núi, mà đứa con điển hình là chú bé làng Phù Ðổng bay lên núi Sóc Sơn.    
Tín điều Ðức Mẹ hồn xác Lên Trời với lễ mừng ngày 15 tháng 8 là một tôn vinh cao độ đối với Ðức Maria từ thân xác con người hữ hạn có thể vươn lên vô hạn. Ðó cũng là lễ xác quyết phẩm giá con người vốn có thể bay lên như chim phượng là một biểu tượng, mà khoa uyên tâm học ngày nay đang tìm cách khai triển. Đây mới là nhân bản đúng nghĩa, chứ sao lại đi phân thây uống máu nhau để bắt cho bằng được nhận mình là con vật tranh mồi: "người là con vật kinh tế!"    
Lòng sùng kính Ðức Mẹ trong nghĩa này cũng chính là lòng xác quyết về chính mình (self-image). Lòng sùng kính Ðức Mẹ là một trong những nét nổi nhất của truyền thống Công giáo Việt Nam, qua chứng tích của Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam với thánh Dũng Lạc là con chim đầu đàn. Không vị nào mà không được nhắc đến việc cầm tràng chuỗi trong tay trong nhà tù cũng như khi ra pháp trường. Vì chắc chắn:    
Ðây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kinh    
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý    
như Hàn Mặc Tử cảm nghiệm, làm phương cách giúp mọc cánh bay lên được theo chim mẹ.    
Thánh Lê Bảo Tịnh đã nói: “Ðức Mẹ chẳng có thể chuộc tội cho ta được, song những ơn Chúa ban cho ta thì lại qua tay Ðức Mẹ... Ai kính mến Ðức Mẹ thật lòng thì Ðức Mẹ sẽ mở lòng cho người ấy kính mến Ðức Chúa Trời nữa.”
7.PHÚT THIÊNG LIÊNG KHỞI ÐẦU    
Thi hào Eliot đã để đời một lời thơ: “Ở cuối lộ trình, con người khám phá ra chỗ khởi đầu.”    
Lộ trình vũ hóa của Trường Ca Hàn Mặc Tử không phải là một thứ thuốc mê an thần cho quên đi đau khổ của mình và trốn thoát trách nhiệm liên đới đồng loại, nhưng là mở ra một cuộc hành trình mới, bước vào cuộc sống với con mắt đuợc khai mở: bỗng thấy Chúa hiện diện yêu thương qua mọi bước chân như hai môn đệ trên đường Emmaus. Ngài cũng đã và đang đi những bước như vậy trong cuộc sống mỗi người: “Ðức Kitô đã chẳng phải trải qua như vậy rồi mới được vinh quang sao?” (Luca 24:26). Mắt sáng lên hân hoan trở lại báo tin mừng cho anh em mình: Thầy đã sống lại và đang ở giữa chúng ta. Bằng con mắt nghệ sĩ đích thực, bằng con mắt đức tin, bằng con mắt tình yêu được khai mở, Hàn Mặc Tử đã thấy Chúa có mặt tỏ bày tình yêu và “giải nghĩa yêu” qua mọi sự, dưới đáy nước hồ reo, qua tơ liễu run trong gió...    
Ðây phút thiêng liêng đã khởi đầu...    
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều    
Ðể nghe dưới đáy nước hồ reo    
Ðể nghe tơ liễu run trong gió,    
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.    
Hàn Mặc Tử đã thấy được mọi cảnh vật dù rất tầm thường đều mang hương vị kỳ diệu như nhửng phép lạ: “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, vườn ai mướt quá xanh như ngọc...” Chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã nhận ra: “Tất cả đều phải rất mượt mà, rất đậm đà, rất ngọc ngà... dù áo em chỉ là áo trắng, hoa đây chỉ là hoa bắp... Bởi vì thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thấy Ðạo ở tất cả, ở đáy nước hồ reo, và nhất là ở tình yêu...”    
Ðúng rồi, Trời đang giải nghĩa yêu qua mọi sự... dù là cùi, dù là mồ thối. Ngài đã sống lại và đang hiện ra: “Thầy đây, anh em đừng sợ... Bình an cho anh em... Các môn đệ vui mừng vì trông thấy Chúa”.    
Phút thiêng liêng đã khởi đầu. Nào chúng ta cùng lên đường với trường ca vật lộn và phép vượt nhiệm mầu.    
(Một phần bài viết đã được trình bày trong "Đêm Thơ Nhạc với Trường Ca Hàn Mặc Tử" tại New Orleans, Louisiana, với sự góp mặt của nhạc sĩ Phạm Duy).    
Trần Cao Tường
Theo http://ltxcvntls.clicforum.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...