Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Người đẹp bên suối

Người đẹp bên suối 
- Chiều nay, cô Tơn tưới rau gần bãi sắn đội xe đã bắt quả tang anh Vĩnh ngồi trong luống sắn xem cô giáo Ngần tắm ở bờ đập dưới suối.
Tôi tê tái nhìn Vĩnh, rồi hỏi Tơn:
- Lúc đó, cậu Vĩnh đeo kính không?
- Không.
- Cậu ấy cận thị, không đeo kính làm sao từ trên bãi sắn nhìn thấy tận dưới bờ suối?
Đó là bờ suối Đoan ở xã Đoan Tĩnh, huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Vào thời điểm xảy ra câu chuyện này, cuối năm 1966, dân số Móng Cái còn thưa thớt, với hơn 90% người Hoa, phần còn lại là người Dao và người Kinh. 
Hồi đó, tôi mới 21 tuổi, là trưởng tổ thợ theo đội xe 5, Công ty ô tô Lâm nghiệp, từ Cẩm Phả, ra chở gỗ mới khai thác từ Lâm trường Hà Cối, cách Móng Cái chừng 25 cây số, theo quốc lộ 18B, ngược ra Móng Cái, đổ ở bãi chân cầu Ka Long, để từ đó, gỗ được đóng bè hoặc đưa lên sà-lan, theo sông Ka Long, con sông lớn chảy dọc biên giới Việt - Trung, ngoại vi thị xã, phân phối đi các nơi. Đội xe đóng quân nhờ ở khu nhà ngói cong mới xây của đội trồng rừng Đoan Tĩnh, bên bờ suối Đoan, cách quốc lộ chừng 2 cây số, vùng đất hoang vắng, chó ăn đá, gà ăn sỏi, không có cả khỉ ho, cò gáy, ban ngày có việc làm còn đỡ, hễ chiều tối xuống là buồn đến nhạt miệng, đờ mắt.
Tổ thợ chúng tôi có 5 đứa, cùng lứa học sinh Hà Nội đi Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế miền núi. Có xe hư thì sửa, không có xe hư thì làm bảo dưỡng định kỳ, hết việc thì hoặc theo xe đi Hà Cối, hoặc la cà vào mấy bản người Hoa, người Dao cho đỡ buồn.
Nhưng kể từ tuần thứ hai, khi đã quen đất, quen đường, không đứa nào chịu ở nhà, mà đều kiếm chuyện để theo xe đi Hà Cối.
Nguồn gốc bắt đầu từ khi cánh lái xe, kể cả đội trưởng kiêm bí thư chi bộ Vụ, mỗi chiều tối, sau khi đổ gỗ ở Ka Long về, trong bữa cơm, rượu vào, lời ra, hể hả tán như pháo rang đủ chuyện về đường ngầm "tiên nữ". Đó là đoạn đường ngầm qua công trường muối Quất Đông, cách Đoan Tĩnh chừng 5 cây số, chiều đến, sau giờ làm việc, hàng trăm chị em công trường kéo nhau ra con đập phía trên đường ngầm chừng 30m, tắm theo kiểu tiên nữ; thấy xe lâm nghiệp chạy qua, chị em không những không tránh mà còn hò hét vẫy chào, tự giới thiệu tên mình, hỏi tên cánh lái xe, tìm đồng hương, thậm chí, thách xuống tắm chung. Kể từ khi đường ngầm "tiên nữ" được phát hiện, năng suất vận chuyển của đội xe tăng vọt hẳn, không thấy anh nào chê Móng Cái buồn tẻ như lúc mới đặt chân.
Vĩnh "cận" theo xe có một ngày, tuyên bố không đi nữa. Tôi hỏi:
- Tại sao?
- Không hiểu sao họ có thể tắm như thế? Và tại sao chúng mày lại có thể thích thú trước những cảnh như thế?
Lúc đó, hai đứa đang ngồi trong nhà bếp, ăn sáng bằng khoai sọ luộc chấm muối vừng. Tôi cố nuốt mà không trôi. Không may cho Vĩnh, câu nói đỏ lạt vào tai đội trưởng Vụ tình cờ bước vào.
- Nói bố láo - Vụ mặt đỏ tía tai, chỉ mặt Vĩnh: Đừng giở giọng đạo đức giả. Chúng nó tắm cách đường hàng trăm mét, xe chạy vèo một cái là qua. Chỉ những thằng đeo kính tiểu tư sản như mày mới nhìn méo mó, chứ Phú Thọ quê tao, đàn ông đàn bà cùng tắm truồng bên bờ giếng là chuyện thường. Không thích theo xe thì ở nhà trồng sắn.
Vụ đi rồi, Vĩnh vẫn ngồi cúi gằm. Cặp kính gọng nhựa thông cảm với chủ, rơi trễ xuống cánh mũi như muốn chạy trốn khỏi khuôn mặt. Giá hồi đó, 24% học sinh cả nước cận thị như bây giờ, thì một anh thợ đeo kính cận như Vĩnh chắc chắn không bị lên án nặng như thế.
Hôm ấy, vì thương bạn, tôi cũng không đi theo xe, ở nhà trồng sắn với Vĩnh. Đối với thợ và lái xe trong đội, trồng sắn, trồng rau, nuôi gà, không phải hình thức kỷ luật, mà là chỉ tiêu thi đua tự túc lương thực, nên hai đứa chẳng có gì bực mình.

Cuộc đụng độ giữa Vụ và Vĩnh, nghĩ cho cùng, cả hai đều có lý. Vụ chỉ sai ở chỗ khoảng cách giữa đập, nơi các tiên nữ tắm, đến đường xe chạy, là 30m chứ không phải trăm mét. Còn Vĩnh sai ở chỗ lấy cái thước văn hóa ở thủ đô để đo diện tích kinh tế nghèo nàn lạc hậu ở miền núi.
Một buổi chiều, sau khi cùng chỉnh xong bơm cao áp một chiếc xe, tôi lên nhà, không thấy Vĩnh đâu. Đoán cậu ta đi vun gốc sắn, tôi theo con đường mòn sườn đồi sau nhà, ra bãi sắn của đội xe phía bờ suối. Kể từ hồi bắt đầu vùi hom đến nay hơn 4 tháng, lườn đồi đầy cỏ dại ngày nào đã thành bãi sắn tươi ngan ngát, cây nào cũng tăm tắp ngập đầu người.
Vĩnh đang ngồi nghỉ trên cán cuốc trong luống sắn, mắt nheo nheo hướng xuống đập nước ngăn dòng suối dưới chân đồi. Từ hồi Vụ quy kết chiếc kính tội tiểu tư sản, Vĩnh không dám đeo kính vào ban ngày. Theo hướng nhìn của Vĩnh, tôi giật mình. Bên bờ suối, một cô gái khỏa thân trắng ngần, tóc vấn cao, đang vốc nước lên bộ ngực đầy nhựa sống của thần vệ nữ.
- Ai đấy? - Tôi hỏi.
- Cái Ngần. Chiều nào cũng hái dâu bên kia suối rồi xuống tắm ở đấy.
- Tao khuyên mày từ nay nên chấm dứt.
Tôi bỏ về. Vĩnh miễn cưỡng đứng dậy, về theo:
- Tao chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện để vẽ nghệ thuật, khác với chúng mày xô bồ tán dung tục.
Về đến nhà, sợ tôi giận, Vĩnh lục ba lô, đưa tôi xem xấp tranh ký họa khổ A4 bằng giấy crôki, tấm dùng chì đen, tấm dùng mầu nước, một số là phong cảnh rừng, suối, làng, bản, cảnh sinh hoạt quanh lâm trường, đa số còn lại đều là hình Ngần khỏa thân nhiều tư thế đứng ngồi rất đẹp khi tắm, lúc dưới suối, lúc trên bờ. Tôi ngơ ngẩn thầm phục tài năng của Vĩnh.
- Theo tao... - Tôi nói - ... tốt nhất là đốt đi.
- Mày cũng khuyên tao thế à? - Vĩnh tiu nghỉu.
Trong tôi, lúc đó, có hai con người. Một thằng bạn cùng lớp với Vĩnh suốt 10 năm phổ thông, muốn trân trọng lưu giữ những bức tranh ấy; một thằng tổ trưởng tổ thợ, kiêm Bí thư chi đoàn đội xe, biết trước những bức tranh ấy lộ ra sẽ thành đại họa cho chính Vĩnh.
Ngần là người Hoa lai Dao, con gái Chủ tịch xã Lý Voòng, cô giáo dạy Trường cấp 1 Đoan Tĩnh. Trường nằm cạnh quốc lộ. Xe chúng tôi ngày nào cũng qua lại ít nhất hai lần. Ngần lại đẹp, nên dân đội xe chúng tôi phát hiện ra cô rất nhanh. Cô mảnh người, nhưng đầy lẳn, làn da trắng tơ, mắt đen láy, đôi môi lúc nào cũng đỏ tươi; ở tuổi 20 nhưng gương mặt cô trong sáng chỉ như 16, 17. Gia đình Lý Voòng thuộc loại giàu trong xã. Vợ ông, người Dao, khoảng 45 nhưng vẫn trẻ đẹp, rất giỏi nghề dệt vải cạp xá và thổ cẩm. Những người làm nghề dệt khắp vùng Hải Ninh cũ và bên Đông Hưng, Trung Quốc vẫn đến mua mẫu hàng của bà. Nhà Lý Voòng cách đội xe hơn hai cây số đường đồi rừng bạch đàn, lại phải lội qua hai con suối, nhưng đám lái xe và thợ sửa chữa chúng tôi, dù chẳng ai biết giá trị của vải cạp xá lẫn vải thổ cẩm, tối nào cũng kiếm chuyện xem hàng để đến chơi, tán tỉnh cô giáo Ngần. Ông bà Lý Voòng và mấy chị em Ngần chẳng lạ gì mấy đứa đội xe gốc Hà Nội.
Chiều muộn. Tôi đang tắm ở giếng để lên ăn cơm, thì Vụ đâm bổ từ khu nhà ở ra gọi:
- Tuấn! Lên ngay có chuyện.
Tôi mặc vội quần áo, tất tả theo Vụ. Trong gian phòng đầu hồi dãy nhà ở tập thể của đội trồng rừng, dùng làm văn phòng, có Cầu, đội trưởng, Tơn, thư ký công đoàn, còn Vĩnh mặt cúi gằm, ngồi ở chiếc ghế bên ngoài, đối diện với Cầu. Thấy tôi vào, Vĩnh hơi ngước lên, mặt tuy tái xanh, nhưng mắt vẫn chứa đầy sự ương ngạnh.
Vụ căng thẳng nói với Cầu:
- Đồng chí Tuấn, bí thư chi đoàn đội xe, tổ trưởng tổ thợ, đồng chí làm việc đi.
Cầu đắc ý nhiều hơn nghiêm trang:
- Chiều nay, cô Tơn tưới rau gần bãi sắn đội xe đã bắt quả tang anh Vĩnh ngồi trong luống sắn xem cô giáo Ngần tắm ở bờ đập dưới suối.
Tôi tê tái nhìn Vĩnh, rồi hỏi Tơn:
- Lúc đó, cậu Vĩnh đeo kính không?
- Không.
- Cậu ấy cận thị, không đeo kính làm sao từ trên bãi sắn nhìn thấy tận dưới bờ suối?
- Sao lúc tôi nói, đồng chí ấy không cãi?
Vụ vội lấn át:
- Nó đang đi đồng trong luống sắn, không lẽ tô hô mà cãi à? - Anh nhẹ nhõm vỗ vai Vĩnh: Về.
Ba chúng tôi cùng hiên ngang ra khỏi phòng. Lúc khuất hẳn dãy nhà của đội trồng rừng, Vụ với túm ngực áo Vĩnh, kéo ra hẳn phía sau rừng bạch đàn.
- Lẽ ra tao phải đấm vỡ mặt mày. Chúng tao công khai xem bọn con gái công trường muối tắm, mày khinh, còn mày lén lút xem cô giáo Ngần tắm thì sao? Mày tưởng gỡ cái kính ra là hết thói tiểu tư sản hả? - Vụ đẩy Vĩnh ngã bệt: Tao sẽ báo cáo phòng tổ chức công ty về việc này. Rồi anh ta hằm hằm bỏ đi.
Tôi đỡ Vĩnh đứng dậy:
- Tao bảo rồi, sao mày không nghe?
- Tại cô ta vẫn cứ tắm ngay trước mắt.
Mấy ngày sau, khi ông Bắc, Phó giám đốc phụ trách tổ chức công ty ngồi xe com-măng-ca GAT 69 từ Cẩm Phả, chở theo viên đại úy công an tỉnh, ra đội xe, tôi mới biết Vụ không chỉ dọa.
Và tại đội xe, ông Bắc đã làm những chuyện mà ngay cả Vụ cũng phải hối hận về việc báo cáo của mình. Nhìn vấn đề to ra thành quan điểm tiểu tư sản và vi phạm chính sách dân tộc, ông Bắc và viên đại úy đã gặp lại Cầu, Tơn, hỏi kỹ về hành vi của Vĩnh ở bãi sắn, sau đó, mời hai người này làm chứng để kiểm tra ba lô của Vĩnh, lúc cả đội xe không có nhà, phát hiện ra 52 bức tranh chì và mầu nước, trong đó có 34 bức vẽ Ngần khỏa thân.
Vĩnh bị nghỉ việc để làm kiểm điểm. Còn đội xe, suốt hai tuần, ngày đi làm không sao, cứ tối về, sau bữa cơm, là họp đến 12 giờ đêm để kiểm điểm Vĩnh.
Vĩnh sợ đến phát ốm. Cậu ta khổ sở thanh minh, đó là những bức tranh nghệ thuật! Vô ích. Cậu ta vừa khóc vừa nói, hồi ở nhà, khi theo học hệ trung cấp hội họa, việc xem người mẫu khỏa thân để vẽ là chuyện bình thường, nên khi xem Ngần tắm để vẽ, cậu ta cũng nghĩ đơn giản. Thực tế, cậu ta chỉ xem 7 lần. Sau khi tôi nhắc, cậu ta đã thôi rồi… Vô ích nốt. Xem trộm gái Kinh tắm, tội một; xem trộm gái Hoa tắm, tội mười. Ông Bắc dứt khoát khẳng định: Vẽ khỏa thân là đồi trụy. Căn cứ vào 34 bức tranh rất rõ mọi đường nét, ông quả quyết Vĩnh phải xem Ngần tắm 34 lần và phải nấp ngay cạnh bờ suối chứ không phải tít trên bãi sắn.
Đội trưởng Vụ và anh em trong đội xe, lúc đầu, do định kiến với vài cá tính của Vĩnh, cũng tham gia phê phán; sau thấy sự việc đi quá xa, mọi người chuyển sang thông cảm, không giơ cao đánh mạnh nữa. Nhân đà đó, khi được ông Bắc chỉ định phát biểu với tư cách bí thư chi đoàn, tôi nói:
Theo tôi, chúng ta nên phân tích việc chiều nào anh em đội xe, trong đó có tôi, cũng xem chị em công trường muối tắm ở đập Quất Đông với việc đồng chí Vĩnh xem cô giáo Ngần tắm ở suối Đoan Tĩnh, khác nhau chỗ nào, nếu không, sẽ bị hiểu, cùng một hành vi, nếp tập thể thì được coi là lành mạnh, còn cá nhân, lại là suy đồi bệnh hoạn. Còn việc đồng chí Vĩnh vẽ cô giáo Ngần khỏa thân, tôi cũng công nhận là vi phạm đạo đức đoàn viên, cần nghiêm khắc phê phán, nhưng khi những bức tranh đó còn cất trong ba lô, chúng ta chưa nên nói đồng chí ấy tuyên truyền văn hóa đồi trụy.
Ông Bắc chỉ ngay mặt tôi:
- Bí thư chi đoàn mà mất lập trường thế hả? Có người ở lâm trường báo tôi, anh cũng có ít nhất một lần cùng anh Vĩnh xem cô Ngần tắm.
Mấy hôm sau, ông Bắc bảo tôi đưa đến nhà Chủ tịch xã Lý Voòng. Theo ông, người đội xe gây ra vụ “vi phạm” nghiêm trọng như thế, lãnh đạo công ty không thể không có lời với chính quyền địa phương và gia đình cô Ngần. Tôi can ông:
- Ở xã và gia đình Ngần có ai biết gì đâu, mà mình phải “lạy ông tôi ở bụi này”?
- Phải đợi đến khi họ biết, báo cáo lên huyện, lên tỉnh, rồi lãnh đạo công ty nhận luôn kỷ luật về tội bao che thằng Vĩnh hả?
Tôi đành đưa ông Bắc đến nhà Lý Voòng.
Ông Voòng nghe xong, cười xòa:
- Không có gì đâu, đồng chí à. Ở miền xuôi, con trai, con gái nhìn nhau tắm không được, chứ miền núi chúng tôi là chuyện bình thường, gia đình không bận tâm đâu - Ông vui vẻ gọi vào nhà trong: Ngần à! - Đợi Ngần ra chào khách, ông nói: Đồng chí giám đốc đoàn xe đến nói có người đội xe thấy con tắm ở suối đội trồng rừng...
Ông Bắc lúng túng:
- Dù đồng chí thông cảm, coi là chuyện nhỏ, chúng tôi vẫn phải nhìn nhận vấn đề nghiêm túc. Trước hết, chúng tôi xin lỗi gia đình và cô Ngần.
- Không sao đâu ạ - Ngần chỉ thoáng đỏ mặt, sau đó cười nhẹ: Em đi hái dâu ở đó, nên tắm luôn cho tiện thôi. Chuyện ai nhìn thấy không sao đâu.
- 34 lần cũng không sao? - Ông Bắc hỏi.
Ngần hơi sững ra, sau đó tái mặt. Dường như nhận ra 34 lần khác 1 lần không chỉ ở số nhiều, cô ứa nước mắt, quay ngoắt luôn vào gian trong.
Câu chuyện bỗng trở thành vụ án lớn. Vĩnh bị khởi tố về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy. Và chính ông Bắc cũng bị bất ngờ. Thâm tâm, tuy giơ cao, đánh mạnh, nhưng ông không hề muốn kết thúc vụ việc bằng phiên tòa.
Ngần bị ốm liệt giường. Lúc đó, tôi mới hiểu tâm lý phụ nữ, khi họ tắm, bị đàn ông nhìn lướt một lần là khác, còn bị nhìn kỹ nhiều lần là rất khác. Tôi bàn với Vĩnh: - Dù ốm, mày cũng phải đến nhà, xin lỗi ông bà Lý Voòng và cái Ngần. Vĩnh đồng ý. Nhưng anh em trong đội bảo tôi nên đi trước thăm dò. Để Vĩnh sang đột ngột, nhỡ thương con gái, ông nổi giận, chém cho một nhát là thiệt thân.
Vừa thấy tôi đến, ông Lý Voòng nói:
- Hôm nay, lên huyện họp, nghe vụ chú Vĩnh vẽ hình con Ngần, sẽ bị xử điển hình ở thị xã Móng Cái, sau đó, tuyên truyền ra toàn tỉnh để làm gương, tôi và nhiều người phản đối, bí thư huyện cũng không muốn, nhưng về đây vẫn thấy lo cái bụng quá. Bây giờ, chú Vĩnh thế nào?
- Nó đang sợ phát ốm, muốn sang đây xin lỗi hai bác mà không dám.
Bà Lý Voòng ở nhà trong đi ra, ngồi xuống chiếc ghế gần tôi:
- Chú Tuấn này. Tôi biết chú Vĩnh nhìn con Ngần tắm rồi vẽ cũng như tôi tìm mẫu để dệt vải cạp xá, vải thổ cẩm thôi. Nhưng con Ngần, lúc đầu, không biết ai nhìn, nó ốm vì sợ. Nhìn 34 lần. Đến là chồng, cả đời cũng không nhìn vợ tắm nhiều như thế. Nhưng bây giờ biết chú Vĩnh nhìn, nó không còn sợ, mà chuyển sang ốm tương tư rồi.
- Ai bảo bà thế? - Ông Lý Voòng trừng mắt với vợ. Một lúc sau, ông chậm rãi bảo tôi: Chú về nói với chú Vĩnh, nhà tôi không ai giận đâu. Nhất định tôi sẽ nói với nhiều người để cứu chú ấy.
Biết tôi đến nhà Lý Voòng, ông Bắc yêu cầu tôi phải báo cáo lại. Khi nghe tôi nói, Ngần đang ốm tương tư, ông bất ngờ hứng thú với việc ghép Vĩnh vào với Ngần.
- Chỉ có cách ấy mới gỡ được tội thằng Vĩnh. Một mối tình Kinh - Hoa nảy nở sau những sự hiểu lầm văn hóa. Đẹp quá đi chứ.
Nhưng Vĩnh kiên quyết phản đối. Cậu ta phẫn nộ nói với tôi:
- Mày quên Ngọc Châm của tao ở Hà Nội rồi à? Tao thà vào tù còn hơn lấy người tao không yêu.
Tôi chỉ còn biết thở dài. Không lẽ lại bảo nó: Người không yêu mà đẹp như Ngần, cũng có thể lấy được.
Bố Vĩnh, họa sĩ Huy Ngọc nổi tiếng, nhận được công văn khẩn của ông Bắc, vội đi xe ca từ Hà Nội ra tận Móng Cái. Không biết trong công văn ông Bắc nói gì, nhưng vừa gặp tôi, ông Ngọc nói ngay:
- Chuyện thằng Vĩnh vẽ tranh khỏa thân, không lỗi 10 cũng lỗi 5. Người ta có đánh quá tay, mình cũng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bác sẽ tùy tình hình tìm cách gỡ cho nó được tí nào hay tí đó. Nhưng bác kịch liệt phản đối việc ghép nó cưới con ông chủ tịch xã để xóa tội. Thời buổi bây giờ, hôn nhân phải dựa trên tình yêu và đồng cảm văn hóa chứ.
Ông không mắng mỏ, nặng lời với Vĩnh một câu. Sau khi cảm ơn và làm việc riêng khá lâu với ông Bắc ở đội xe, buổi chiều mát, ông bảo tôi đưa ông đi thăm nhà ông bà Lý Voòng.
Ông Voòng đi họp trên huyện chưa về. Bà Voòng sang Trung Quốc bán hàng thổ cẩm và mua thuốc bắc về sắc cho Ngần. Nhà chỉ có Ngần và mấy đứa em. Vào nhà, mặc tôi trò chuyện với Ngần, ông Ngọc dửng dưng đi quanh phòng, chăm chú xem những tấm thổ cẩm treo trên vách vừa để trang trí, vừa làm hàng mẫu bán cho khách.
- Những tấm thổ cẩm này, ai dệt?
- Mẹ cháu.
- Lấy mẫu từ đâu?
- Những mẫu mầu sẫm của mẹ cháu, còn mầu tươi của cháu.
Ông Ngọc ngồi xuống ghế, ngắm kỹ gương mặt Ngần. Rồi hỏi:
- Cháu ốm tương tư vì thằng Vĩnh nhà bác à?
- Tại vì anh ấy nhìn cháu tắm những 34 lần.
Ông Ngọc khẽ lắc đầu, cười nhếch miệng với tôi. Chờ đến tối, không thấy ông, bà Lý Voòng về, ông từ chối lời mời ở lại ăn cơm của Ngần, điềm đạm chào cô, rồi cùng tôi ra về. Trăng đầu tuần lên sớm từ sau những dãy núi cao trùng điệp mé Đông Hưng. Suốt đường đồi bạch đàn hơn hai cây số, lội qua hai con suối, ông Ngọc không hé miệng nói một câu nào.
Cuối cùng, đám cưới "vui duyên mới không quên nhiệm vụ" giữa Vĩnh, anh thợ sửa xe dân Hà Nội, với Ngần, cô giáo Hoa lai Dao, diễn ra rất vui vẻ do ông Bắc, phó giám đốc phụ trách tổ chức công ty, đứng làm chủ hôn, không hẳn từ thiện chí.
Sau đám cưới, ông Ngọc không để Ngần ở Móng Cái mà đưa ngay về Hà Nội "làm dâu", thực ra là để tích cực ôn tập, sang năm kịp thi vào hệ trung cấp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Sang năm 1968, Vĩnh lên đường nhập ngũ. Tôi và Vĩnh chia tay nhau từ đó.
Rồi chúng tôi cùng lần lượt trưởng thành theo thử thách khắc nghiệt của thời gian và trường đời. Ngần bây giờ là một họa sĩ tài năng, trong số các nữ họa sĩ hàng đầu Việt Nam. Còn Vĩnh, sau chiến tranh kết thúc, mới giải ngũ về học Đại học Mỹ thuật, hiện là nhà lý luận phê bình hội họa rất nổi tiếng.
Ông Bắc, sau này, về Hà Nội làm Thứ trưởng một Bộ, thuộc ê kíp lãnh đạo có tinh thần đổi mới nhất trong lịch sử của ngành đó. Khi chưa về hưu, thỉnh thoảng có dịp vào Sài Gòn công tác, ông vẫn ghé nhà tôi. Uống với nhau ly rượu, chúng tôi vẫn hay nhắc lại những kỷ niệm cũ ở Quảng Ninh, trong đó có chuyện tình bên bờ suối của Vĩnh và Ngần.
- Không thể ngờ chúng ta lại có một thời ấu trĩ đến cực đoan như vậy - ông Bắc hay nhắc lại nhiều lần câu này.
Tôi rất muốn biên tập lại hai chữ "chúng ta", và cũng chưa tin lắm một người hôm qua như vậy, hôm nay lại có thể đổi mới, nhưng mấy chục năm xa cách, gặp nhau vẫn tốt hơn không gặp.
Mỗi khi có dịp ra Hà Nội, tôi vẫn đến thăm vợ chồng Vĩnh, Ngần. Họ có hai con, một trai, một gái đã trưởng thành, cùng theo nghề bố mẹ và đều khá nổi tiếng. Trong phòng tranh rộng nhà Vĩnh, Ngần, lúc nào cũng treo đủ 34 bức tranh sơn dầu và sơn mài, hình Ngần khỏa thân bên bờ suối ở Đoan Tĩnh, Móng Cái thời xa xưa. Khách đến trả vài chục ngàn đô-la một bức, hai vợ chồng nhất định không bán. Ông bà Huy Ngọc vẫn ở với họ.
Thấy tôi ra, ông bà mừng lắm. Ông nói:
- Hồi đó, bất ngờ, phát hiện con Ngần có năng khiếu hội họa đặc biệt, nên tôi quay ngoắt 180 độ, đồng ý cho thằng Vĩnh cưới nó ngay.
- Bác bất chấp chuyện Vĩnh không yêu Ngần và có Ngọc Châm ở nhà?
- Ôi chà! Hy sinh mười mối tình lãng mạn, để đất nước có thêm một họa sĩ tài năng, cũng chẳng lấy gì làm tiếc.
- Nhưng ai bảo thằng Vĩnh không yêu vợ? - Bà Ngọc nói: - Chúng nó phải như thế nào, ông mới gọi là yêu?
Có trời biết việc Vĩnh treo đầy hình ảnh vợ trong phòng tranh là tình yêu hay nghệ thuật. Nhưng tôi thừa nhận, thường xuyên hai mắt của Ngần và Vĩnh vẫn có những nét buồn lặng âm thầm. Vĩnh vẫn nhớ thương Ngọc Châm, dù bây giờ Châm đã có chồng con. Ngần cũng biết như vậy.
Nhưng biết làm sao được. Trên thế giới này, tình yêu không có bi kịch, các nhà văn lãng mạn sẽ chẳng có chuyện gì để viết.

Nguyễn Mạnh Tuấn
Theo http://vanhaiphong.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...