Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Một ngôi sao chổi “Chơi giữa mùa trăng”

Một ngôi sao chổi “Chơi giữa mùa trăng”
Chúng tôi vào thành phố Quy Nhơn đúng dịp kỷ niệm 100 ngày sinh thi sỹ Hàn Mạc Tử. Đến Quy Nhơn tôi bất ngờ gặp một con đường chạy dọc bờ biển mang tên một nhà thơ nổi tiếng ở quê tôi Hà Tĩnh là: Xuân Diệu. Người mà “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong - Ông Đồ Nghệ lấy cô hàng nước mắm”. Cả hai thi sỹ Hàn Mạc Tử và Xuân Diệu có chung một nỗi “Cô đơn thi sỹ”. Họ đều sống độc thân đến cuối đời do hoàn cảnh mỗi người.
Ngay từ hôm đầu tiên đến Quy Nhơn, bạn tôi - Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương ở Trường Đại học Quy Nhơn đã đưa tôi đến viếng mộ Hàn Mạc Tử. Ông tiến sỹ giáo dục học này là người đầu tiên thành lập thư viện cá nhân tặng cho An Lộc quê hương anh ở Hà Tĩnh. Một thư viện có đầy đủ phòng đọc sách, trưng bày, lưu trữ với hàng nghìn đầu sách quý giá, anh Cương còn trả lương cho một thủ thư làm việc ở đây và hàng năm anh đều dành thời gian về thăm quê tặng ti vi - loa đài cho ban văn hoá xã và đầu tư thêm sách quý cho thư viện của mình. Thật lạ, ở giữa phòng thư viện có treo 3 chân dung thi sỹ nổi tiếng đó là: Nguyễn Du, Xuân Diệu và Hàn Mạc Tử. Có mối liên hệ nào giữa ba thi sỹ chăng?. Thầy giáo dạy văn Nguyễn Quang Cương kể rằng: Gần như tháng nào anh cũng đến đây để thắp hương cho Hàn thi sỹ. Từ nhà anh đến đồi Thi Nhân này phải đi trên con đường mang tên nhà thơ Xuân Diệu và anh đã trở thành khách quen của một nhân vật khá nổi tiếng ở đây là “Dĩ nhân” là “nghệ nhận” dựng lều thơ, chép thơ cạnh mộ Hàn Mạc Tử với cây bút lửa tên là: Dzu Kha. Tên thật của ông là Trương Vũ Kha sinh ra và lớn lên trên quê hương Phù Cát, Bình Định. Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật ông về Quy Hoà với một tâm nguyện mở phòng tranh “Giữ lửa” thơ Hàn Mạc Tử. Tại đỉnh núi Gềnh Ráng (Quy Nhơn): cơ ngơi là một túp lều tranh bên cạnh Hàn Mạc Tử. Tài sản quý giá nhất là cây bút lửa và toàn bộ thơ ca Hàn Mạc Tử. Ông là người đầu tiên viết lửa trên gỗ và vẽ bút lửa trên giấy. Chiếc bút lửa được làm bằng vòng sắt tròn nhỏ ở phía trước (gọi là ngòi bút) nối với một thân gỗ bằng gỗ khi viết, vòng tròn ở phía trước đỏ hây đưa vào giấy với những nét bút điệu nghệ lả lướt thăng hoa qua những nét chữ tuyệt vời. Khi nghe tôi hỏi về bút danh Dzu Kha, ông cười: Mình vốn là dân nhà võ, ngày xưa đến đây từng được gọi là đại ca họ Trương, lấy xuất phát từ ngôn ngữ thổ dân xứ Phù Cát “Vũ” người ta gọi là “Dzu” kết hợp làm bút danh thôi. Sáng nào cũng vậy, dù mưa hay nắng ông cũng đến bên mộ Hàn thắp những nén nhang ngồi tâm sự với Hàn. Đã mấy chục năm ông làm tiệc sinh nhật cho Hàn thi sỹ. Ông viết: “Bạn lên phố thị xênh xang – Riêng ta ở lại đa mang xứ Gềnh” - Phồn hoa náo nhiệt lãng quên - Hoạ thi bút lửa sẵn bên mộ Hàn”.

Ông còn lặn lội ra Bắc vào Nam sưu tầm tư liệu liên quan đến Hàn Mạc Tử và quảng bá thơ cho Hàn. Ông giải thích đơn giản “Tôi dựng lều cỏ, đọc thơ Hàn” lưu “Bút lửa” thơ Hàn để người đời nhớ đến Hàn Mạc Tử chỉ vì tôi yêu Hàn Mạc Tử”. Khu đồi Thi Nhân ở đồi Gềnh Ráng, từ ngày có ngôi lều tranh của người chép theo đã trở thành điểm du lịch văn hoá có “hồn” hơn sống động và thân thiết gần gũi hơn. Tôi có cảm giác đến đây như được gặp lại Hàn Mạc Tử. Bởi vậy, bọc xung quanh tôi là những bức thi pháp chép thơ Hàn tuyệt đẹp bay bướm.

Dzu Kha - người “giữ lửa” thơ Hàn Mạc Tử
Chúng tôi đến đây vào dịp gần rằm Trung thu cứ ngỡ như cùng Hàn Mạc Tử “chơi giữa mùa trăng” tên một bài thơ văn xuôi khá nổi tiếng của thi sỹ. Nhà thơ Thanh Thảo phát hiện ra một chi tiết rất thú vị và độc đáo mà lâu nay chúng ta ít biết, một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên như là sự sắp xếp kì diệu của tạo hoá: Hàn Mạc Tử sinh ngày 22/9/1912 (tức là ngày 12/8/ÂL), ông sinh ra giữa mùa trăng và mất cũng giữa mùa trăng (ngày 12/10/ÂL). Thi sỹ sinh vào tháng rằm Trung thu và mất vào tháng mưa sùi sụt ở Quy Nhơn. Đến đây tự nhiên những câu thơ về trăng của Hàn Mạc Tử đã ám ảnh tôi, bất giác tôi nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du quê tôi với khu mộ mà “Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề” ở “một vùng cồn bãi trống trênh” có “xạc xào lá cỏ héo hon – bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi”.
Có một sự trùng hợp lạ kỳ giữa hai thi nhân là mộ Hàn Mạc Tử cũng giống như mộ Nguyễn Du phải qua 3 lần cải táng mới yên giấc ngàn thu. Hạnh phúc cuối đời của Nguyễn Du là được về nằm trong vòng tay của đất mẹ thân thương quê ông để được “trái tim lớn giữa thiên nhiên – tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa” thì Hàn Mạc Tử cuối cùng cũng đã về được với đồi Thi Nhân nơi mà Hàn đã viết những bài thơ cuối đời.
Đến mộ Hàn chúng tôi leo qua hơn trăm bậc thang đá giữa hai hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào bốn mùa đón gió biển. Mộ Hàn nằm dựa lưng vào núi nhìn bao quát cả dãy bờ biển Quy Nhơn. Ngôi mộ rộng chừng dăm thước vuông ốp đá đơn sơ có gắn dòng chữ Ríp (EestinpeaCe – dịch nôm na: Yên nghỉ ngàn thu) màu trắng nổi bật trên nền đá ốp hồng. Phía trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. Mộ chí không ghi tên ông là nhà thơ nổi tiếng mà chỉ ghi khiêm nhường: “Đây an nghỉ trong tay mẹ Maria: Hàn Mạc Tử tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí” tôi cứ nghĩ Hàn là nhà thơ của nước không phải như nhà thơ của đất như Nguyễn Du. Bởi Hàn không bận tâm đến những gì xẩy ra trên mặt đất từ đời người đến kiếp người, đến mộ phận, cõi âm, báo mộng như Nguyễn Du trong “Văn chiêu hồn” và “Truyện Kiều” thi phẩm nổi tiếng. Tất cả những gì xẩy ra trên mặt đất Hàn đều bắn lên không trung.
 Trong suốt thời gian ngắn ngủi của đời mình Hàn có hai không gian thơ: Một không gian thổ huyết của bệnh tật và một không gian trong suốt như pha lê của hạnh phúc, đặc biệt ở Hàn là sự quy hồi hạnh phúc trong đoạn sống sau cùng, thơ đã rời tất cả đau thương, hệ lụi để trở về không gian trong sáng xưa như bài “Đây thôn Vĩ Dạ” viết trước lúc thi sỹ mất mấy tháng “Gió theo lối gió, mây đường mây - Dòng nước buồn thiu hoa Bắp lay - Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay”. Nếu như trăng của Nguyễn Du nói về sự chia ly của cảnh ngộ đời thường có số phận nhân vật: “Vầng trăng ai sẻ  làm đôi – nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” hay trăng của Xuân Diệu với cái nhìn hiện thực dù đã được thổi vào đó cái miền ảo vọng của thi nhân thì vẫn còn thấy rõ: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá - Ánh sáng tuôn đầy các lối đi” thì trăng của Hàn Mạc Tử ám ảnh và siêu thực hơn nhiều. Trăng của Thơ Hàn có cả hiền mộng và ác mộng, trong sáng, đắm say và đau thương kinh hoàng gắn bó với nhau như hai mặt cuộc đời. Trăng vừa là người yêu, là cõi mộng mà thoắt đây trăng đã trở thành yêu ma, thần chết. Có thể kể những câu thơ rất hay của Hàn Mạc Tử về trăng: “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm - Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” hay “Người trăng ăn vận toàn trăng cả” và đặc biệt có một câu thơ toàn hư từ mà ám ảnh lạ lùng: “Trăng trăng trăng và trăng, trăng, trăng” cũng như Nguyễn Du đã từng viết: “Mai sau dù có bao giờ”. Hình như những câu thơ xuất thần này bắt đầu bằng cảm giác đột biến thần linh như kiểu “Biến đổi gen”: trong ngôn ngữ.
Đến đồi Thi Nhân vào giữa mùa trăng này tôi mới cảm hết được những hình ảnh ngỡ như là siêu thực, tượng trưng trong thơ Hàn, nhưng thi sỹ lại cấp cho nó một đời sống mới thổi linh hồn vào thể xác của nó còn tươi rói, run rẩy như cỏ cây hoa lá, hay cao hơn là xác thịt con người: “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối - Gió thu lọt cửa cọ mài trăng” với những chữ “leo song” “rờ rẫm” “cọ mài” Hàn đã cấp cho trăng gió, gối chăn một nội dung hoàn toàn mới, sống động hơn, gợi cảm hơn, tránh được những ẩn dụ sáo mòn.
Hàn Mạc Tử đã không gian hoá việc hành trình: Chắp nối, bóng nguyệt với gối chăn, hai đối tượng một trên trời, một dưới đất. Đến không gian của đồi Thi Nhân tôi mới cảm hết được khung cảnh thiên nhiên nơi này đã nhuốm vào thơ Hàn hồi nào: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” ở giữa đỉnh trời và đất Hàn treo những cô gái: “Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Tiếng hát của họ bay lên thượng tầng khí quyển, choán toàn bộ không gian khi cao vút, khi thì thầm: “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi - Hổn hển như lời của nước mây - Thầm thì với ai ngồi với trúc” Dưới chân đồi Thi Nhân là Gềnh Ráng, với bãi tắm của những vạt đá trứng tròn nhẵn rất đẹp sắp xếp như một tạo hoá kỳ lạ nơi mà Hoàng hậu Nam Phương đã từng chọn làm bãi tắm của mình, ở đây còn lưu truyền huyền thoại Tiên Sa.
Làng phong Quy Hòa nơi Hàn đã từng điều trị bệnh và trút hơi thở cuối cùng, nay đã có nhiều thay đổi, làng bình yên như ngàn vạn làng quê trên đất nước, có đường làng rợp bóng cây, có rất nhiều trẻ khúc khích cười, có ngư dân đan lưới như một bức tranh trong thơ Hàn Mạc Tử năm xưa: “Trong làn nắng ửng khói mưa tan – Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng – Sột soạt gió trêu tà áo biếc – Trên giàn Thiên Lý bóng xuân sang”. Thơ Hàn Mạc Tử đi từ trong sáng đến đau thương, chết chóc rồi trở về những tinh khiết ban đầu, như chưa bao giờ bợn gợn những vật vã, kinh hoàng trần thế. Thơ đi cùng Hàn Mạc Tử từ thời thơ ấu, đến thì thanh niên với những say mê đắm đuối với bao mối tình lãng mạn như những huyền thoại. Rồi thơ mắc bạo bệnh về cõi chết cùng Hàn. Nhưng ở giữa giây phút khắc nhiệt nhất, hoảng loạn nhất vẫn có hai Hàn, hai thơ: Một Hàn của mộng đẹp khi cơ thể đau lắng xuống và một Hàn mộng dữ khi cơn đau dày vò cực điểm, một Hàn thổ huyết và một Hàn trở lại bình an sau những sóng gió phong ba.

Đến Gềnh Ráng giữa mùa trăng rằm Trung thu tôi lại càng thấy giữa trăng và Hàn Mạc Tử có mối quan hệ đặc biệt. Có người cho bệnh phong có một tương tác đặc hiệu nào đó với trăng kiểu như con nước thuỷ triều. Điều đó có thể có hạt nhân hợp lý. Tuy nhiên, nếu có đấy cũng chỉ là “cú hích ban đầu” thúc đẩy cỗ xe thơ sáng tạo lăn bánh chứ không phải là động cơ trực tiếp. Điều đáng nói là một nhà thơ lớn bao giờ cũng biết khai thác đến tận cùng tiểu sử cụ thể của mình. Nếu không bị bệnh phong thì hẳn Hàn Mạc Tử không chú ý đến sắc độ dị thường trên gò má “Người trăng ăn vận toàn trăng cả, gò má riêng thôi lại đỏ hườm”.
Nếu bản thân không nghèo đói, không yêu trăng thì thi sỹ không thể có những câu thơ: “Áo ta rách rưới trời không vá” hoặc “Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói – Gió trăng có sẵn làm sao ăn” chỉ có Hàn Mạc Tử mới có thể nói về cái thiếu thiếu, cái thiếu vắng của mình cao sang đến như vậy. Một kinh nghiệm hay một giải pháp đau thương khác của Hàn Mạc Tử là hoà tan vào vũ trụ bay sang một thế giới khác. Đọc thơ ông thường bắt gặp những từ chỉ sự biến đổi này với một tần số cao như tan, hoá, tiêu tán: “Bao giờ mặt nhật tan thành máu – Và khối lòng tôi cứng tợ si”. Hàn Mạc Tử diễn tả cảm giác hay ý thức tiêu tán qua những biến đổi ngược chiều: Những gì thường ngày liên tục tuôn chảy như dòng đời, nguồn sống thì cứng đông lại, còn cái gì chắc chắn có hình thù khối lượng thì tan loãng ra. Hàn Mạc Tử có thái độ thiết tha với cuộc sống, càng vơi cạn thì càng tha thiết. Thoạt đầu có chút hoảng hốt, gào thét nhưng dần dần đi đến chấp nhận, an nhiên, lúc này ý thức tiêu tán chuyển đến mơ ước một thể sống mới, một dạng vật chất mịn hơn, nhẹ nhàng thanh thoát không giới hạn: “Đây là tất cả người Anh tiêu tán - Cùng trăng sao bàng bạc xứ mơ say”. Tiêu tán thân phận hữu hình, hữu hạn để được sống trường tồn với trăng sao vũ trụ vô hạn, trở về với sự nhất thể, tính vĩnh hằng giữ con người với tự nhiên. Đây cũng là một kinh nghiệm sống chiêm nghiệm từ thơ Hàn.
Khi sống Hàn Mạc Tử đã linh cảm: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc, với trăng sao anh nằm chết như sao”. Bây giờ Hàn đã về với đồi Thi Nhân, với Gềnh Ráng tiên sa và mãi mãi đúng như Chế Lan Viên đã đánh giá: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói loà rực rỡ”…
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Theo http://baolamdong.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...