Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Xin để yên chữ quốc ngữ

Xin để yên chữ quốc ngữ
Trên tờ Đương Thời số 35 (2011), sau khi dẫn chứng và phân tích các ý kiến khác nhau về việc “Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, nhà nghiên cứu An Chi cho rằng “chúng tôi hoàn toàn tán thành ông Trần Chút là chỉ chấp nhận 4 chữ cái đó như yếu tố ngoại biên, giống như từ điển tiếng Ý đã làm. Không việc gì phải thay đổi bảng chữ cái của chữ quốc ngữ”.
Dưới nhan đề “Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, báo Tuổi Trẻ ngày 9.8.2011 đưa tin:
“Tối 8.8, ông Quách Tuấn Ngọc- cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư trên- cho biết dự thảo sẽ công bố trong tháng 8.2011 để xin ý kiến các nhà ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến ban hành chính thức vào tháng 10.2011.
“Giải thích về việc bổ sung các ký tự trên vào bảng chữcái tiếng Việt, ông Ngọc cho rằng chữ viết của VN hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm ký tựF, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.
“Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các ký tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.” (tr.15).
Ngày 10.8, Tuổi Trẻ đưa tiếp tin “F, J, W, Z không thể nằm ngoài bảng chữ cái”, với một khung nhỏ (box) nhan đề “Sẽ công bố và tiếp thu ý kiến trong vòng 60 ngày” (tr.13), mặc nhiên coi như vấn đề đã được quyết định. Nhưng đến 11.8 thì báo Thanh Niên in ngay trang 1 hàng tít “Bộ GD-ĐT không có chủ trương thêm ký tự F, J, W, Z” và đăng cụ thể tại tr.2 mẩu tin ngắn do Tuệ Nguyễn viết:
“Sau khi một số báo thông tin về việc dự thảo “Thông tư ban hành quy định về sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân” của Bộ GD-ĐT có nội dung “thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”, ngày 10.8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các báo thông báo ý kiến chính thức về vấn đề này. Theo đó, “Việc đề xuất “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt” chỉ là ý kiến cá nhân một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ GD-ĐT”. Công văn cũng nêu rõ: Theo quy định, trong quy trình xây dựng thông tư, có việc xin ý kiến rộng rãi qua mạng. Nhưng đến nay bản dự thảo vẫn chưa có phiên bản đầu tiên, chưa có nội dung cụ thể để phát triển thành văn bản của thông tư, nên chưa đến giai đoạn công bố để xin ý kiến rộng rãi.”
Cùng ngày, Tuổi trẻ đã mở mục thảo luận “Thêm ký tự F, J, W, Z: nên không?” (tr.13), với ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Tình (Nên), GS.TSKH Nguyễn Đức Dân (Nên), PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Không nên), đặc biệt là với box “Bộ GD-ĐT: Chỉ là ý kiến cá nhân ”. Ngày 12.8, Tuổi Trẻ khép lại việc thảo luận dưới đề mục “Đề nghị có luật ngôn ngữ, văn tự” (tr.12), với ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết (Cần có chuẩn chung và sớm đưa vào luật), GS.TS Đinh Văn Đức (Là chuyện đại sự của văn hoá), ông Trần Chút (Chỉ chấp nhận như yếu tố ngoại biên), TS Giáo dục Lê Vinh Quốc (F, J, W, Z là các chữ cái thông dụng).
Trở lên, chúng tôi đã điểm lại vấn đề thông qua Tuổi Trẻ và Thanh Niên là hai tờ báo giấy có số lượng phát hành thuộc loại cao nhất để bạn đọc có điều kiện tìm hiểu một cách dễ dàng và rộng rãi vấn đề quan trọng và tế nhị liên quan đến chữ quốc ngữ. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn nói đến những câu trả lời rất đáng chú ý của GS Trần Trí Dõi cho cuộc phỏng vấn do Nguyễn Hường (VietNamNet) thực hiện nữa. Riêng chúng tôi thì, cũng như nhiều người khác, đã làm quen với thứ chữ này từ thuở lên năm, với những a, á mặt trăng (ă), ớ đội nón (â), bê có bụng (b), xê cù ngoéo (c), dê có đít (d), đê gạch đầu (đ), v.v., cho đến i cà rết (y) nên nếu tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ đậm đà bao nhiêu thì tình yêu dành cho nó cũng đậm đà bấy nhiêu.
Nói một cách tuyệt đối khách quan – nên chẳng có gì là không công bằng –  thì chữ quốc ngữ ra đời chỉ là do nhu cầu truyền đạo của Giáo hội Công giáo La Mã – có mục đích chính trị nào hay không thì chúng tôi không bàn đến ở đây – chứ dứt khoát không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người dân Đại Việt cả. Một số giáo sĩ phương Tây, với sự giúp đỡ của một số giáo dân người Việt vô danh, đã tạo ra một thứ chữ, không biết đã giúp ích cho việc truyền đạo của họ đến đâu, nhưng đã được người Việt Nam nhận lấy mà biến thành một lợi khí vô cùng hữu hiệu cho việc phát triển văn hoá và văn học của dân tộc. Vì nhận thức như thế cho nên, không kể đến thái độ và lập trường chính trị cụ thể, chỉ riêng về vấn đề trên thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Charlie Nguyễn khi tác giả này cả quyết rằng các giáo sĩ thừa sai không phải là những người có công với văn hóa Việt Nam. Không, một triệu lần không! Và chúng tôi cũng hoàn toàn tán thành luận điểm sau đây của tác giả đó:“ Chữ quốc ngữ đã được sáng tạo trong khuôn khổ chiến lược xâm lăng Á Châu của Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVII.” Cho nên ta có thể khẳng định một cách ung dung, bình thản rằng việc người Việt Nam biến thứ văn tự đang xét thành “Chữ Quốc Ngữ” và thành lợi khí cho việc phát triển văn hoá và văn học của dân tộc chỉ là chuyện “gậy ông đập lưng ông” (chữ của Charlie Nguyễn) đối với bọn xâm lược mà thôi. Bây giờ, chữ quốc ngữ đã hiển nhiên là quốc gia văn tự. Từ một công cụ có lẽ cũng chẳng lấy gì làm trơn tru, trôi chảy cho việc truyền đạo của La Mã, nó đã trở thành quốc bảo của người Việt Nam.
Đã là quốc bảo thỉ phải mang những đặc thù của quốc bảo. Không có các chữ cái F, J, W, Z là một trong những đặc thù của chữ quốc ngữ. Có 5 dấu thanh là một đặc thù khác nữa của nó. Có 6 chữ cái ghi nguyên âm có mang dấu phụ là đặc thù thứ ba của chữ quốc ngữ. Những đặc thù này đã được định hình, định vị và từ lâu đã trở thành truyền thống mà không gây phương hại gì cho công cuộc hội nhập của Việt Nam với thế giới. Ông Quách Tuấn Ngọc nói rằng việc thiếu mất bốn chữ F, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế thì chỉ là nguỵ biện cho mục đích riêng của công nghệ thông tin mà thôi. Cũng xin nói thêm rằng trong 26 chữ cái La Tinh thông dụng và quen thuộc hiện nay thì tiếng La Tinh cổ điển chỉ có 20 chữ, không có 6 chữ J, K, U, W, Y và Z, trong đó có J, W và Z mà ông Ngọc và những người cùng quan điểm đòi thêm vào. Lại xin nói thêm rằng tuy đều thoát thai từ tiếng La Tinh nhưng tiếng Pháp thì công nhận đủ 26 chữ, tiếng Ý chỉ thừa nhận có 21 chữ truyền thống, trừ 5 chữ J, K, W, X, Y (tuy 5 chữ này vẫn được ghi nhận làm “chữ cái” trong từ điển, với số từ hữu quan có thể đếm trên đầu ngón tay), tiếng Tây Ban Nha có 29 chữ truyền thống vì có thêm CH, LL và Ñ còn tiếng Bồ Đào Nha thì chỉ có 23 chữ, đến 1990 mới chính thức thêm K, W và Y thành 26 chữ. Trong khi tiếng Tây Ban Nha xếp những chữ kép CH và LL vào bảng chữ cái thì tiếng Bồ Đào Nha lại không làm như thế: LH của Bồ, tương đương với LL của Tây,  nhưng Bồ không xếp vào bảng chữ cái như Tây. Ngay trong  nhóm ngôn ngữ cùng có xuất xứ là tiếng La Tinh mà mỗi ngôn ngữ lại xử lý một kiểu thì việc đòi đưa 4 chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái quốc ngữ (mà lại chỉ là để tạo thuận lợi cho công nghệ thông tin) thì chỉ là chuyện “nhiễu sự” mà thôi. Sinh sự thì chưa biết sẽ còn sự gì sinh ra nữa! Đây là ta chỉ mới nói đến các ngôn ngữ cùng sử dụng loại hình chữ cái La Tinh chứ đối với những ngôn ngữ sử dụng các loại hình chữ cái khác, chẳng hạn tiếng Nga dùng chữ Cyrillic hoặc tiếng Hy Lạp sử dụng chữ Hy Lạp thì sao? Thêm những tên cha căng chú kiết của hệ chữ cái khác vào để “hội nhập”, nghĩa là để “sinh sự” chăng? Thì đây, ta hãy nghe GS Trần Trí Dõi phát biểu :
“Nếu như chỉ xuất phát từ yêu cầu “điều chỉnh” của “công nghệ thông tin” thì chỉ là công việc của riêng môn “công nghệ thông tin”. Không nên gắn nó với việc điều chỉnh bảng chữ cái chính tả tiếng Việt liên quan đến hoạt động giáo dục hiện nay, vì chữ viết và chính tả là một vấn đề xã hội. Việc điều chỉnh bảng chữ cái chính tả tiếng Việt liên quan đến hoạt động giáo dục chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều “tiền thuế của dân” và nhiều chuyện chi phí vô hình khác (Chúng tôi nhấn mạnh – AC). Liệu chúng ta đảm bảo với người dân việc chi tiêu ấy chắc chắn đã đến lúc là cần thiết và có kết quả tốt?”
Huống chi, riêng về mặt thuần tuý chuyên môn thì những gì ông Quách Tuấn Ngọc nêu ra cũng đều thực sự phi lý. Vẫn là lời GS Trần Trí Dõi:
“Tôi xin nói rằng về mặt ngôn ngữ học không có chuyện tiếng Việt và chữviết của nó lại là trở ngại cho việc nó hòa nhập quốc tế (Chúng tôi nhấn mạnh- AC). Cái trở ngại là do người sử dụng nó, người nhận nhiệm vụ làm cho nó hòa nhập thếgiới không đủ hiểu biết để thực hiện nhiệm vụ nên đã đưa ra lý do để biện minh cho mình mà thôi. Nhiều chữ viết trên thế giới có thuận lợi bằng chữ viết của tiếng Việt đâu mà người ta vẫn không đặt ra vấn đề "khó hòa nhập quốc tế".”
Nói chung, những ý kiến tán thành việc thêm 4 chữ cái kia đều không có tính thuyết phục, trong đó có ý kiến của GS Nguyễn Đức Dân, là người đã nêu chủ trương “đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt” mà chúng tôi đã cực lực bài bác trên Đương Thời 31 (tháng 5.2011). PGS.TS Phạm Văn Tình thì nhận xét rằng “từ điển tiếng Việt đã sử dụng 33 chữ cái”, hàm ý rằng trong đó đã có F, J, W, Z. Ta hãy thử quan sát vần “J” trong Từ điển tiếng Việt 2003 của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. Vẻn ven chỉ có 12 mục, trong đó một mục dành cho chính chữ J và một mục là J, ký hiệu của Joule. Chính thức là từ thì chỉ còn đúng một chục : – jacket, – jambông, – javel, – jazz, – jean, – jeep, – jiujitsu, – joule, – judo, – jun. Trong một chục từ này thì jun và joule chỉ là một nên thực tế chỉ có 9 từ có phụ âm đầu J; mà trừ jambông đầu gà đít vịt ra, 8 từ kia đâu có phải là tiếng Việt. Thế thì cái giá trị của vần J ở đây chỉ là zero (bản thân chữ này cũng không hề là tiếng Việt!). Vần W chỉ có 7 mục; đến như Z thì vần này chỉ có 6 mục, trong đó Z là bản thân chữ cái, zeta là tên một chữ cái Hy Lạp, zloty là tên đơn vị tiền tệ của Ba Lan, Zn là ký hiệu hoá học của nguyên tố kẽm. Chỉ có vần F thì tương đối “phong phú” nhưng vẫn chưa đầy 50 mục từ, trong đó nhiều trường hợp là đồng nghĩa dị tự, có những trường hợp chỉ là ký hiệu, có trường hợp như FOB chỉ là acronym (tên tắt bằng chữ cái đầu của mổi từ trong cụm). Nói tóm lại thì ta không nên hiểu lầm cái ý của TS Tình, mà Tuổi Trẻ ngày 11.8.2011 đã lấy làm đề mục (“Từ điển tiếng Việt đã sử dụng 33 chữ cái”). Ông chỉ chủ trương đưa thêm 4 ký tự trên để mở rộng khả năng xử lý văn bản mà thôi. Vì vậy nên, ở đây, chúng tôi hoàn toàn tán thành ông Trần Chút là chỉ chấp nhận 4 chữ cái đó như yếu tố ngoại biên, giống như từ điển tiếng Ý đã làm. Không việc gì phải thay đổi bảng chữ cái của chữ quốc ngữ.
Gút lại , trước cái cách lập luận của ông Quách Tuấn Ngọc, để kết luận, chúng tôi muốn mượn lời của GS Trần Trí Dõi:
“Nếu chỉ là việc “thêm các ký tự này” dùng cho “công nghệ thông tin” thì  không liên quan gì đến bảng chữ cái tiếng Việt. Môn học này, hay tài liệu giới thiệu về “công nghệ thông tin” chỉ cần nêu “phàm lệ” là đủ, không cần phải điều chỉnh bản chữ cái của tiếng Việt làm gì.
“Nhân đây, tôi xin nói thêm rằng tiếng Việt là một vấn đề của ngôn ngữ học nên bản chất của nó là một vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là một vấn đề của kỹ thuật. Cách suy nghĩ xuất phát từ kỹ thuật và nói rằng ngôn ngữ không đáp ứng cái yêu cầu của mình nó gần giống như việc người đóng giầy yêu cầu khách đẽo chân cho vừa với giầy mình đóng.”
 An Chi
Nguồn Đương Thời 35
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh 26 Tháng Bảy, 2023 Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao ngời con đã ngã xuống ch...