Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Hàn Mặc Tử - Con đường tình một chiều

Hàn Mặc Tử - Con đường tình một chiều 
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22.9.1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới. Thuở nhỏ ông học trung học ở Huế (1928-1930), làm viên chức sở đạc điền ở Quy Nhơn (1932-1933), vào Sài Gòn làm báo rồi lại trở về Quy Nhơn (1934-1935). Ông mắc bệnh phong từ năm 1937, phải vào nhà thương Quy Hoà tháng 9.1940, rồi mất ở đó vào ngày 11.11.1940.    
Hàn Mặc Tử bắt đầu làm thơ rất sớm với thể thơ Đường luật và các bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần; nổi tiếng vì được cụ Phan Bội Châu hoạ thơ và đề cao. Từ năm 1935 ông đổi bút hiệu thành Lệ Thanh, rồi Hàn Mạc Tử, và cuối cùng Hàn Mặc Tử. Tác phẩm tiêu biểu gồm các tập thơ "Gái quê" (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản khi tác giả còn sống), Đau Thương (hay Thơ Điên), Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi Giữa Mùa Trăng...    
Hàn Mặc Tử đem đến cho Thơ Mới một phong cách độc đáo và sáng tạo: bên cạnh những tác phẩm bình dị, trong trẻo, chan chứa tình quê là các tác phẩm đầy những cảm hứng lạ lùng, huyền bí, thậm chí đến điên loạn, phản ảnh trực tiếp một tâm hồn yêu thơ, yêu đời chan chứa, nhưng lại quằn quại vì cơn bệnh đau đớn dày vò. 
16 tuổi Nguyễn Trọng Trí đã làm thơ với các bút danh chớm mùi lận đận: Phong Trần, Lệ Thanh... đến 24 tuổi mới ký Hàn Mạc Tử. "Hàn Mạc Tử" là "chàng bức rèm lạnh" hay "chàng đơn lạnh". Tên ấy ứng với dự cảm về bốn năm cuối trên đỉnh thơ cô đơn lẻ lạnh của riêng ông. 
Để cho... đỡ "lạnh" - giai thoại kể lại - một người bạn đã đặt vầng trăng lên để "Mạc" biến thành "Mặc". Từ đó, trăng vào bút danh Hàn Mặc Tử? Hay trăng vốn dĩ biến tấu, nén nở... mãn tính trong huyết mạch của nhà thơ mắc bệnh phong, dạo đó là thứ bệnh nan y, bất trị?   
Khi biết thân thể tàn rã khốc liệt, ông quằn quại viết tập thơ "Đau thương" (còn gọi là tập Thơ Điên), trong đó khát vọng sống có lúc đẩy ông vào những cơn điên loạn. Bất lực trước cảnh đẹp, tình thơ ông đã từng cuồng nộ hét lên:   
Trời hỡi làm sao cho hết đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn!   
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, xác ấy rữa rã ra thành muôn mảnh phô-tông lấp lánh mây-yêu và hồn-trăng-thơ rồi!   
Sống và yêu là khát vọng luôn sáng tỏ như trăng nhưng cũng lại xa mờ như... trăng trong thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" trong tập "Đau thương" là giọng tình day dứt trong trái tim thơ;   
Đây thôn Vỹ Dạ    
Sao anh không về chơi thôn Vỹ 
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
 
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
    
Gió theo lối gió, mây đường mây 
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
 
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
 
Có chở trăng về kịp tối nay?
    
Mơ khách đường xa, khách đường xa 
Áo em trắng quá nhìn không ra
 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
 

Ai biết tình ai có đậm đà?   
Bằng cách hỏi "sao anh...", khổ thơ hiện lên bức tranh ký ức tình cảm mượt mà. Còn gì đáng yêu hơn lòng "nắng mới lên" quyện duyên "cau" thắm? Xưa Vỹ Dã vốn là đồng lau hoang dại, sau giọng Huế phát âm trại thành Vỹ Dạ. Thôn ấy bên bờ sông Hương thơ mộng lại càng trữ tình vớn bao "vườn ngọc". Nhưng "vườn ai mướt quá xanh như ngọc" mới thật sự đáng yêu hơn cả, bởi nơi đó có "lá trúc che ngang mặt chữ điền". Câu thơ xanh chất ẩn dụ thi vị yêu đời của đôi mái đầu kề nhau thì thầm trăm điều ước hẹn. Nhưng bóng câu vút đi và nẻo đời chia lối:   
Gió theo lối gió, mây đường mây  
Thì liệu tay nào ghì giữ được dòng Hương, hoa bắp:     
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay   
Đâu? Thuyền ai một dạo đã đậu bến sông Trăng, bến Hàn Mặc Tử? Hay giờ chỉ còn là thuyền trăng hoài niệm. vậy mà nhà thơ vẫn đắm đuối hỏi:   
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?   
"Trăng Tử" đã vắng "thuyền ai" nên trăng tán sắc, tan rã trong giấc mơ của khổ thơ cuối:   
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra   
Than ôi! Người mơ xưa nay hoá thành "khách đường xa", vâng  chỉ là "khách đường xa", xa tít tắp vô bờ, không với tới được nữa. Càng xa, "áo em" càng trắng. Trắng quá, xa xôi quá thành... xa lạ chăng?   
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?   
"Ở đây" tức là ở trong hồn thơ vẫn thấp thoáng ẩn hiện sắc sắc không không, mờ mờ sương khói...Lòng ai đi mãi miết, "ai biết" lòng kia có còn đậm đà luyến nhớ mối duyên xanh? Giữa hai đại từ "ai" chì còn lại nẻo đường tình một chiều, thôi thúc nhà thơ về phương trời xa vô định...   
Đường qua thôn Vỹ ra sao nhỉ? Đó là màu sắc mướt xanh khát vọng, chuyển sang nhạt vàng hoài vọng rồi trắng nhoà ảo vọng trong Hàn Mặc Tử? Thôn Vỹ là con đường yêu thương dẫn tới vườn thơ xanh, qua sông trăng vàng nhớ tới loãng tan màu áo sương khói mịt mùng...   
Hàn Mặc Tử đã đi trên con đường tình một chiều mà không thể quay lại tìm duyên "cau", "lá trúc" được nữa.   
"Ai mua trăng tôi bán trăng cho", Hàn Mặc Tử có thể bán trăng, bán hồn mình chứ "chẳng bán tình duyên" dẫu ai kia xuôi xa quên lãng... "Đây thôn Vỹ Dạ" lấp lánh hương màu ẩn dụ: có nắng lên, có trăng đợi, có sương khói... đã ám ảnh vào tâm trí của chàng thơ tài hoa bạc mệnh.   
Dù sớm vội đi nhưng Hàn Mặc Tử cứ mãi yêu người, yêu đời với cả tấm lòng đắm say khát sống.   
A.H   
HÀN MẶC TỬ VÀ NHỮNG CÂU THƠ ĐẦY MA LỰC 
Những năm 1938 - 1939, thi sĩ đau đớn dữ dội bởi bệnh tật, nhưng trước mặt bạn bè, chàng cố kìm nén. Chàng chỉ gào thét trong thơ: "Trời hỡi! bao giờ tôi chết đi /Bao giờ tôi hết được yêu vì/ Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi cứng tựa si".    
Lúc này, sau một thời gian chữa chạy bằng đông y, chẳng những căn bệnh phong cùi không thuyên giảm chút nào mà ngược lại còn làm thân thể chàng ngày một tiều tụy đi vì những tác dụng phụ của thuốc. Mặt khác, thông tin về việc chàng bị mắc bệnh phong đã đến tai chính quyền địa phương. Do đó, chàng phải liên tục thay đổi chỗ ở để tránh sự truy đuổi gắt gao của Sở Vệ sinh công cộng thành phố Quy Nhơn. Cuối cùng, gia đình tìm thuê cho chàng được một nơi ở khá kín đáo trong khu lao động nghèo nằm bên cồn cát trắng ven biển. Đó là một túp lều tranh mà theo Hoài Thanh kể là rách nát đến độ phải lấy giấy báo và bao thư che những chỗ dột trên mái nhà.     
Trong thời kỳ bệnh tật, Tử sáng tác được ba tập thơ là Thơ điên, Xuân như ý và Thượng thanh khí. Nhưng có điều đặc biệt là, những câu thơ của chàng cứ tiến dần đến chỗ rối rắm khó hiểu theo tiến triển bệnh tật. Nhiều câu thơ đọc lên nghe rất hay nhưng độc giả hầu như không ai hiểu tác giả muốn nói gì. Tuy nhiên, theo lời Quách Tấn thì, điều lạ lùng là dù rối rắm khó hiểu như thế nhưng thơ Tử được người đời chuyền tay nhau đọc thuộc lòng, đọc như đọc kinh, không hiểu gì cũng đọc thuộc làu làu. Như thể thơ của chàng lúc đó có ma lực. Hoài Thanh cũng xác nhận điều lạ lùng này: "Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mặc Tử đâu phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu, bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ".     
Chúng ta biết rằng, lúc Hàn Mặc Tử còn sống, chàng chỉ mới xuất bản được mỗi một tập Gái quê vào năm 1936, khi chàng còn khỏe mạnh và có tiền. Còn phần lớn thơ chàng làm ra trong thời kỳ bệnh tật này thì đến với người yêu thơ qua cách người này cho người khác mượn sổ để chép tay. Thơ của Tử không chỉ làm thích thú những cô cậu học sinh trung học vốn mơ mộng mà còn lan tỏa ra nhiều giới khác. Và thật đáng ngạc nhiên, nó còn lay động đến cả giới tu hành. Có một nữ tu trẻ đẹp chừng mười bảy mười tám tuổi ở ngôi chùa Liên Tôn gần đó, vì ái mộ thơ Tử nên đã không ngần ngại căn bệnh phong cùi gớm ghiếc, ghé vào căn chòi để thăm chàng. Về sau chàng đã đưa ni cô vào trong thơ của mình với những tình cảm khá đặc biệt.     
Một điều nữa, không những ma lực có ở trong lời thơ Tử mà còn nằm trong chính con người Tử khi chàng cất giọng đọc thơ. Yến Lan kể: "Nếu ai đã có lần nghe anh ngâm thơ thì mới cảm thấy hết cái cảm giác kỳ lạ lần đầu bắt gặp: nôn nao, nôn nao. Và cộng với lời thơ, gây nên một không khí mông lung. Chúng tôi như bị dồn vào thế giới nào có suối, có đồi, có bóng dáng những cuộc hành hương, và nhạc điệu cung văn, đồng bóng".     
Yến Lan, Chế Lan Viên, Hoàng Tùng Ngâm, Trần Kiên Mỹ... là những người bạn thân thiết thường ghé thăm chàng để an ủi chàng, một tâm hồn quá khổ đau lúc này như chàng viết: "Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh/ Hơn hết u buồn của nước mây/ Của những tình duyên thương lỡ dở/ Của lời rên xiết gió heo may". Bạn bè đã được nghe chàng đọc những vần thơ như chảy ra từ xương tủy. Yến Lan kể tiếp: "Anh đã biến thành những chuỗi dài đau khổ, cao thấp chen nhau như từng tia lửa bùng lên, như mảnh lụa tươi vàng bị xé vụn. Anh đã lấy xác thịt minh họa cho lời thơ. Có khi chúng tôi chảy nước mắt. Còn anh, anh đã thành một người say. Các lần ngâm thơ của anh đều diễn ra như thế vì những bài thơ ấy đều là những bài xót xa nhất. Đặc biệt là hôm anh ngâm bài Thánh nữ đồng trinh Maria. Xáo trộn trong đau thương, còn có nỗi trìu mến hân hoan kỳ lạ".     
Hàn Mặc Tử đã đắm mình trong cái không gian vừa đau thương vừa bay bổng đó để làm ra những vần thơ khiến người đời say đắm cho đến lúc chàng phải bước chân vào trại phong Quy Hòa ngày 20/9/1940.    
Nguồn Báo Thanh Niên  
 Theo http://ltxcvntls.clicforum.com/

1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...