Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Thao thức cùng thác đổ

Thao thức cùng thác đổ
Đâu phải tự nhiên lúc nào ta cũng dễ dàng nghe được thanh âm tiếng thác đổ, nhất là tiếng thác đổ miên man tự đáy lòng của một người tài hoa hơn nửa thế kỉ dành cho âm nhạc. Phải chăng anh đã tự phát thảo chân dung một tâm hồn thơ ca âm thầm tìm về nguồn cội riêng cõi đi về lắng trong từng ca từ mà thanh âm lay động thấu cả mấy mươi triệu trái tim Việt thao thức không nguôi tiếng thác đổ năm nào: “Một hôm bước chân về giữa chợ/ Chợt thấy vui như trẻ thơ/ Đời ta có khi là đóm lửa/ Một hôm nhóm trong vườn khuya”(Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ) và tôi có thể hình dung bước chân rộn ràng của anh đâu đó trên khắp nẻo đường tìm đến anh em, tìm đến bạn bè chỉ vì cứ phải sợ “phụ nhau” như anh đã từng trăn trở: “Thuở đương thời, cụ Tuân và tôi kết nghĩa làm bạn vong niên. Thế mà cũng đã già một con giáp. Trời đất sinh ra con người sống chết biết thủy chung. Tôi chỉ trót lỡ một chuyến bay mà lỡ hẳn cả một phút gần gũi cuối cùng trong chuyến đi dài của cụ. Ngẫm cho cùng, thế cũng đã gọi là phụ nhau rồi”. Với anh, đâu chỉ còn là cảm xúc thoảng qua mà là nỗi đau sâu lắng, Ấy thế mới biết cái tình anh mênh mang, thân phận mênh mang. Người ấy thật gần gũi và thân thương với tất cả. Anh chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và anh đã dành cuộc đời mình cho âm nhạc từ những năm 1957 thế kỷ XX, lúc ấy anh mới vừa 18 tuổi. Trịnh Công Sơn ra đi lúc 12g45 ngày 01 tháng 4 năm 2001 trong tiếc nhớ không nguôi cho những người ở lại. Tưởng nhớ anh không là hương hoa mà là tiếng hát “Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi/ Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời/ Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới/ Để lúa reo mừng tựa vẫy tay…Và như thế tôi sống vui từng ngày …” (Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui). Một trái tim trong muôn vạn trái tim đang cần được sẻ chia giữa cuộc mưu sinh đầy bộn bề vẫn “hẹn hò” nơi đất võ Tây Sơn điểm qua không thiếu một ai, điểm lại vẫn nguyên số lượng cho đến khi “ông bầu” (cách nói của nhà văn Lê Hoài Lương gọi nhà thơ Trần Viết Dũng đứng ra tổ chức đêm tưởng nhớ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại quán cà phê Jin Jin) tuyên bố kết thúc.
Đến với “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” giữa một ngày cuối xuân khi chuyến xe buýt từ Quy Nhơn lên Tây Sơn hơn bốn mươi cây số, vừa dừng lại đã có Rêu Rêu ra đón. Trừ ban tổ chức, cứ ngỡ cặp nữ Quốc Tuyên và Phụng là người đến sớm, không ngờ đã có mặt cây gui - ta Lê Trung Tín và bạn bè đi xe riêng từ thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước đến tự lúc nào. Trời chưa tối hẵn, thị trấn Tây Sơn đã lên đèn, dòng người trên những tuyến đường hối hả sau một ngày tất bật áo cơm. Còn cà phê Jin Jin bắt đâu khởi động duyệt “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” trong tiếng hát của Trọng Khải và phần đệm đàn không ai xa lạ, vẫn là nhà thơ Trần Viết Dũng, chủ quán Jin Jin. Cho đến 19 giờ 30 chiều 31.3.2013, sân vườn cà phê Jin Jin đã kín trăm chỗ ngồi cho mọi lứa tuổi. Thường ngày Trần thi sĩ đơn giản trong cách ăn mặc mà giờ đây trịnh trọng với cà vạt, đai nịt áo quần tươm tất vừa là người đứng ra tuyên bố lý do tổ chức tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vừa là MC cho chương trình. 
Nếu như Trọng Khải, người con của đất Tây Sơn mở đầu với ca khúc “Cho một người nằm xuống”:… Bạn bè còn đó anh biết không anh/ người tình còn đó anh nhớ không anh/ vòm cỏ còn xanh/ Mặt trời còn lên… ” cất lên như nhắc nhở, lay động tâm hồn đang đắm chìm trong giấc mơ dài. Nhẹ nhàng mà thâm thúy ngỡ tiếng chuông ngân vang thiết tha, thúc giục cho một ngày mới lên xanh của Hồng Thủy tiếp nối:.. Áo xưa dù nhàu... cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...” (Hạ trắng). Rồi đến Lê Uyên với “Tình Xót Xa Vừa và Rừng Xưa Đã Khép”, Giọng nam trầm Võ Tế say sưa cùng “Dạ khúc cho tình nhân”, Dạ Oanh trong chất giọng khàn lắng đọng với “Giọt nước mắt cho quê hương”. Mà lạ thật, lúc này chưa đến Thu sao ngoài kia cứ lắc rắc mưa. Mưa như một linh ứng chạm vào nỗi nhớ trong tôi mơ hồ huyễn hoặc từ trong không trung đâu đây, cho hồn anh bay về quyện chặt kết nối nhịp đập những trái tim khao khát. Anh không định tạo ra một trường phái hay một triết học nào riêng biệt mà thấm đẫm lòng người từ những cảm xúc bất ngờ thánh thiện.
Còn MC Trần Viết Dũng chân tình nói thiệt “bí mật” từ chân đèo An Khê xuống, từ Quy Nhơn lên về những cuộc điện thoại đăng ký từ trước đã đến mấy chục bài hát rồi. Phân vân và lựa chọn bởi thời gian có hạn, dù không theo chủ đề, nhưng có lẽ những bài hát trong “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” được đong đầy bằng tình người thể hiện nâng niu trân trọng cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dẫu biết sự thật “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi/ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi…” (Cát bụi) của đơn ca nữ Thanh Hoa có lẽ không chuyên, nhưng tự thân bài hát của Trịnh Công Sơn cũng là tiếng nói chung cho mọi người về quan niệm sống.
“Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” còn đan xen những “Khát Vọng” của Thuận Yến mà chị Bùi Kiển đã thể hiện. “Mùa Xuân” của Phạm Minh Tuấn trong tiếng hát nhẹ nhàng của Nguyễn Kim Chi. Hay trong mối quan hệ khắng khít cùng tồn tại như “Tình cây và đất”được phụ họa của hai huấn luyện viên khiêu vũ Thanh Hồng, Thanh Thủy uyển chuyển mềm mại trong từng bước chân đi!
Hát về Trịnh Công Sơn thì nhiều, hát ở mọi lúc mọi nơi, nhưng có thể một năm chỉ được vài tiếng đồng hồ họp mặt nhau tưởng nhớ về anh thì chưa có lúc nào hội tụ đông đảo các cây guitar nổi tiếng như Lê Trung Tín, Lê Trọng Nghĩa, Trần Hà Nam,... Còn Đỗ Ngọc Hoánh cùng Nguyễn Mỹ Nữ cũng đã nhường sân cho Trần Hà Nam với “ Phôi Pha” trầm lắng, Trần Sĩ Hoàng với “Huyền Thoại Mẹ” đầy biết ơn trân trọng…
Rồi từ phía MC “ông bầu”, nhà thơ Trần Viết Dũng ngập ngừng sợ phải nói lời chào tạm biệt. Có lẽ mọi người đến với Jin Jin đều hụt hẫng, luyến tiếc, nhưng đưa tay nhìn thời gian đã quá 22h30. Đêm của “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” bao nỗi xôn xao nhung nhớ và trên cao mặt trăng đã là dấu chấm vàng chênh chếch rộn ràng cho: “Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội/ Tôi xin làm quán đợi buộc chân em ghé chơi/ Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội/ Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài…” (Biết Đâu Nguồn Cội). Và thương nhớ quá hạt mưa đêm nay đã thấm lên trên mái tóc tôi, da thịt tôi cùng với mọi người…
2.4.2013
Nguyễn Thị Phụng
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...