Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Câu thơ bật một tiếng cười tri âm

Câu thơ bật một tiếng cười tri âm 
(Đọc KHOẢNG MỎNG, thơ Lê Bá Duy, NXB Văn học 2011)
Có nhiều cách định nghĩa về thơ, dù thế nào thì theo tôi thơ đối lập với văn xuôi. Nhưng ngược lại văn xuôi trữ tình có thể giống thơ bởi ngôn ngữ diễn đạt luôn bóng bẩy mang tính nghệ thuật cao và có hàm ý sâu sắc. Dựa vào những ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình của thơ ca, tập Khoảng Mỏng (NXB Văn học- 2011) của Lê Bá Duy có lẽ được xếp vào diện mạo văn học nước nhà, khi mà bên cạnh có hàng loạt những tập thơ ào ạt xuất bản trong thời buổi cơ chế thị trường hôm nay. Nói như thế không phải là cực đoan với Khoảng Mỏng, ta thử nghe nhà thơ bộc lộ xúc cảm của mình: Một mình/ chát/ với một mình/ Một mình/ chát/ với vườn tình/ trống trơn/ Một mình/ chát/ với nguồn cơn/ Một mình/ chát/ với cô đơn/ một mình.
Quả bài thơ Chát một mình (tr.39) nằm trong khuôn khổ thể lục bát quen thuộc bình dị như ca dao thường ngày, nhưng đầy thú vị khi thi sĩ ngắt nhịp xuống dòng làm cho tứ thơ ngỡ như rời rạc, dàn trải, những từ ngữ lặp lại nhấn mạnh diễn tả cảm giác cô đơn trống vắng chơi vơi của một cái khoảng không như tự soi mình vào tấm gương nhân thế, muốn bộc lộ nỗi niềm cùng chia sẻ đầy vơi nhung nhớ từ trái tim chân chính của một nhà giáo, nhà thơ ở độ tuổi trung niên. Hay có thể một ai đó đọc đến đây không khỏi tủm tỉm cười gã thi sĩ lập dị đang mắc chứng bệnh thần kinh. Đúng ra phải có đối tượng mới chát, Lê Bá Duy chỉ chát với cô đơn giữa ngày hay đêm đây?!... Lạ thật, cả tập Khoảng Mỏng đến mấy chục bài hầu hết là những suy tư trăn trở, khát vọng ước mơ, một niềm tin yêu rực cháy giữa đất trời mênh mông, xoay vần theo kim đồng hồ tích tắc đều đặn nhẹ nhàng chừng mực, hết tối đến sáng, hết đêm đến ngày, như dòng luân lưu con nước từ suối sông ra biển cả rồi ngược lại trong cõi nhân sinh ấm áp yêu thương.
Tôi đã từng đọc những tập thơ trước đây của Lê Bá Duy in riêng hay in chung theo trình tự thường năm. Thì chính những tập càng về sau như là nấc thang đăng quang, nhà thơ có thể ngẩng cao đầu nhận vòng nguyệt quế với những bông hoa trắng muốt tinh khiết phảng phất hương thơm lan tỏa đâu đây cho rạo rực dâng đầy, đón nhận:
Tạ ơn mùa xuân!
Tạ ơn Người!
Tạ ơn tất cả…
Kết đóa hồng
Nở thắm trong ta…
(Viết cho ngày sinh nhật, tr.22)
Nào đâu là trống vắng cô đơn, hoàn toàn đối lập khi phải chát một mình, phải chăng đó là cái cớ của chàng thi sĩ tham lam muốn dang rộng đôi tay ôm trọn cõi đất trời vào làm của riêng mình! Và khi đã có "Bốn mươi ba mùa xuân - yêu thương - khát vọng/ cháy cuồng đam mê cuộc sống…” rồi, thì ngùn ngụt trào dâng cảm xúc trong tiếp nối màu xanh biển rộng sông dài, bầu trời bao la vô tận kia:
Tôi nhìn tôi
Bằng màu áo lính của cha…
Tôi nhìn cuộc đời
Bằng màu xanh cỏ cây, trời biển,…
Tôi nhìn các con tôi
Bằng màu xanh hy vọng…
Chảy dài theo: "Ước mơ xanh phủ bốn phương trời” cho "Trái đất xanh màu niềm tin, sự sống” (Xanh, tr.30). Bá Duy lang thang thả hồn trôi theo mây trời mùa thu càng lên cao gặp khí lạnh tích tụ lại thành hơi nước trong lành đổ mưa xuống tưới tắm lá cỏ ngọn cây, hoa quả xôn xao được mùa mọng chín thơm lừng, đất đai tươi xốp cho cội rễ tha hồ đêm ngày căng từng sợi lông tơ bóng mượt mà hút lấy hút để dự trữ tháng năm như con kiến nối đàn tha mồi về tổ vậy. Hay lúc bác mặt trời giận dữ tác oai tác quái đổ lửa xuống trần gian, thì những đám mây kia khác nào chiếc nón lá xinh xắn che chắn con đường ban trưa rát bỏng bức nồng, che chắn tấm lưng gầy gò của mẹ còng lưng nhổ cỏ trên đồng chăm cây lúa trĩu hạt uốn câu căng đầy, che chắn đôi vai tất tả ngược xuôi cơm áo cho cả gia đình:
Tôi lần theo đất mới lòng đê
Lặn ngụp suốt một chặng đời lam lũ
Kỉ niệm xưa tưởng chừng đã cũ
Nay lại về căn phòng nhỏ ba tôi…
Thắp lên ngọn lửa yêu thương trân trọng bằng cái nhìn nhân sinh hiện hữu giữa cuộc đời này. Qua hình tượng ngữ nghĩa ta tìm ra được nét mới trong nhịp đập dồn nén của nhà thơ:
Chiếc gương soi chợt thảng thốt bên tường
Cậu bé nhỏ sao giờ khác thế?
Râu tóc bạc mà ngỡ mình còn trẻ
Nở nụ cười dâu bể nhân gian…
Từ cái vật vô sinh chiếc gương soi là hình ảnh hiện ra trước mắt đã được tác giả nhân lên thành chủ thể hữu sinh, biết thảng thốt ngạc nhiên lạ lẫm khi nhìn con người rồi nhận xét- cậu bé kia lúc nào trẻ trung của một thời mà giờ đây râu , tóc đã bạc rồi. Phải chăng màu thời gian gội nhuộm đâu chỉ riêng cho cậu bé, còn cả cô bé nào đó nữa cơ!... Cứ thế tiếp nối hết thế hệ này tới thế hệ khác. Tôi trân trọng tấm lòng người con trong bài thơ Trong căn phòng của ba (tr.36) suốt đời là đứa con hiếu thảo. Lòng biết ơn vô tận năm tháng lặn lội gieo neo, đức hi sinh khó nhọc, chắt chiu chăm chút của bậc sinh thành. Bởi gia đình chính là chiếc nôi duy trì nhân cách tâm hồn, nuôi dưỡng con người trưởng thành. Rồi ngậm ngùi tuổi xuân đi qua vội quá! Vâng, đây chính là quy luật tự nhiên, đâu thể nào đi ngược lại được. Nhưng khát vọng của thi sĩ lại khác, muốn tô đậm sắc hương mỗi ngày được tươi tắn hơn, vì thế thơ Bá Duy thường hay dùng nhiều từ ngữ như khát, khát vọng, khát khao… đây chính là tín hiệu mở ra cho tương lai đong đầy đắp đủ. Hay những từ ngữ Hán Việt như thế cuộc, bể dâu, dâu bể, duyên phận,… trăn trở một đời, hay đặt vào niềm tin: Mẹ ta trong bóng sương nhòa/ rưng rưng khấn nguyện ông bà hiển linh/ Một đời sắp biệt vẫn tin/ Gieo nhân gặt quả tâm vin cội nguồn (Chào xuân, tr.66).
Thơ Lê Bá Duy cứ se thắt nghẹn ngào:
Có tảng đá trong ngực
Đẩy mãi vẫn chưa ra
Có cô đơn thao thức
Tứ - thơ - ta - vỡ - òa…/
(Khổ, tr.77)
Day dứt khôn nguôi:
Cứ buồn thơ lại đến
Nhuộm hồn xanh máu tươi
Hét vang những hiển hiện
Năm tháng nở hoa cười/
(Thơ, tr.79)
An nhiên trước cuộc sống dù gian khổ vẫn bền lòng, nhưng điều rất lạ, có phải là cái nghiệp chung của các nhà thơ hay không?! Cứ đeo mang lận đận duyên tình đâu thể thoát ra được. Nào chấp nhận an phận hạnh phúc gia đình, luôn đeo đuổi bóng hồng xa kia, cho tâm hồn rong rêu bèo bọt, muốn làm tầm gởi bám vào thân cây giữa trời cùng gió đu đưa, cùng tắm mưa sưởi nắng mà sống bên nhau cho hết kiếp phù du của ba vạn sáu ngàn ngày trọn vẹn chưa: Đó là/ khoảng mỏng thời gian/ Vương trên môi má/ võ vàng tháng năm/ Đó là/ khoảng mỏng ánh rằm/ Yêu thương/ trót đã ngàn năm thẫn thờ/ Đó là/ khoảng mỏng câu thơ/ Mong manh/ mỏng/ đến bất ngờ/ mong manh (Khoảng mỏng, tr.15). Sự lặp từ Đó là/ khoảng mỏng… của một hình tượng thơ nêu cái phần không gian hoặc thời gian được giới hạn một cách đại khái, hay ước lượng, khoảng độ như khoảng trời. Giờ kết hợp với một tính từ mỏng tạo biên độ giới hạn bé lắm, nào đã đủ đầy khi ta không kịp thời bắt lấy, để vụt qua mau, rồi nuối tiếc không?!... Đôi lúc thấy mình lạc lõng:
Tần ngần đi giữa phù vân/ Tần ngần sấp ngửa tần ngần sắc không/ (Tần ngần, tr.50). Bá Duy gởi gắm nhớ nhung: Mai này khuyết nửa vầng trăng/ Vắng anh nỗi nhớ vết hằn thời gian (Nửa vầng trăng, tr.71) Say sưa thả hồn: Một đời khát trọn cuộc tình/ Một đời khát chẳng bóng hình cô đơn (Nhớ em, tr.46).
Biên độ mỗi bài thơ dù cho dài cả trang hay ngắn lắm là bài tứ tuyệt dồn nén, đều thể hiện rõ nét chân dung của nhân vật trữ tình, thông qua câu chuyện diễn đạt bằng chất liệu ngôn ngữ thơ theo tầng nghĩa ẩn dụ, ta nhận ra thi sĩ muốn gởi gắm chút gì về thói đời được - mất, hơn - thua, có - không trong bản hợp âm bộ của não tí tẹo có đủ phán đoán đúng - sai hay thắng - bại giữa cuộc đời chông gai bão tố: Cuộc chinh phục thiên nhiên đầy thương tích/ Gió mưa bão tố qua rồi/ Hun hút gió xênh xang bài ca chiến thắng/ độc hành ý nghĩ lặng lẽ hát vang (Những chú kiến trèo lên đỉnh quang minh, tr.83)... Nhà thơ mở ra không gian mát mẻ yên bình:
Thu đã qua rồi ta đón đông
Mà nghe xao xuyến dậy trong lòng
Tình ai trong gió mang hơi ấm
Thổi suốt trăm năm một nụ hồng
(Tản mạn thu,tr.31)
Khoảng Mỏng là tên gọi tập thơ, một bài thơ, nhưng qua đó mới hiểu hết trọn vẹn tấm lòng bao dung, nhân từ của nhà thơ, nhà giáo Lê Bá Duy bốn mùa trăn trở, vô tư gieo hạt mong góp nhặt chút phấn hương trang trải đồng đều cho cuộc đời hồn nhiên tĩnh tại: Nửa đêm/ Trăn trở/ đón ngày/ Nửa đêm/ đốt lửa/ đi cày/ đồng văn… (Nửa đêm, tr.35) cứ thế mà lầm lũi xới cày câu chữ vần điệu, tiết tấu làm sáng tứ thơ như đang bắt gặp kịp thời hạt sương sớm mai đón nhận ánh sáng mặt trời tạo nên những tán sắc lung linh, như để tìm ra con đường đi tới thơ ca của đất nước mình đâu dễ gì có được sức thu hút với độc giả hôm nay.
Tuy Phước, 20.7.2011
Nguyễn Thị Phụng
Theo http://newvietart.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… 8 Tháng Sáu, 2022 Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con ...