Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Bước ngoặt của tình yêu

Bước ngoặt của tình yêu
Hay tin thầy mất, vợ chồng Thịnh Vượng sắp xếp công việc và gởi con trai lên bảy tuổi đang học lớp hai cho ông bà nội, rồi lên tàu tốc hành về thắp hương cho thầy. Vượng cứ day dứt khi nghe thầy ốm cả tuần mà chỉ điện thoại thăm hỏi, chưa thuốc thang cho thầy, quả thật chưa phải đạo. Nhưng sự việc đã rồi, thầy đi nhanh quá, xin thầy thứ lỗi cho khi Vượng rưng rưng cầm cây nhang khấn trước linh cữu của thầy. Theo dòng người đưa đám, hầu hết là cựu sinh viên của trường đại học và một số đồng nghiệp cùng trường, đặc biệt có cả một rừng hoa kính viếng đắp kín quanh ngôi mộ thầy giữa khói hương lan tỏa trong nắng ráng chiều đỏ rực.
… Vượng nghe mẹ kể về thầy từ khi vào trường đại học, mà cho đến năm thứ hai Vượng mới được trực tiếp học thầy. cái tên Diệp Lục Tố có gì đâu mà lạ, nhưng hễ mỗi khi thầy xuất hiện luôn đi kèm với những lời bình có khen có chê. Nào ai chẳng có những khiếm khuyết, không khiếm khuyết thì đâu phải là người. Bởi người xưa đã nói nhân vô thập toàn. Thầy vẫn như những thầy khác dạy trong trường lôi cuốn sinh viên trong những giờ lên lớp. Sức thu hút của thầy mạnh mẽ hơn dù tuổi đã cao nhưng vẫn sống độc thân, thầy rất hào hoa phong độ đã làm chết mê chết mệt biết bao nhiêu cô giáo cùng khoa, và còn biết bao nhiêu là lớp sinh viên đang ngồi nghe thầy giảng nhất là sang học phần Văn học Trung đại. Vụ án Lệ Chi Viên mà thầy cứ ấm ức ấm ứ mãi cái bọn quan tham, không chỉ xót xa luyến tiếc cho tộc họ Nguyễn Trãi mà đau đáu nhớ thương Thị Lộ. Thầy còn bảo giá như lúc đó có thầy thì thầy đã đưa Thị Lộ sang bên kia Thái Bình Dương, theo thầy thì phải luôn bảo vệ người đẹp, người đẹp còn là đề tài cho thơ ca thăng hoa cảm xúc. Được thể mấy thằng nam vỗ tay rầm rầm. Lúc ấy thầy cười đỏ mặt để lộ cái đồng tiền lúm sâu hơn khi hàm răng cấm của thầy rụng đã gần hết. Nhìn kĩ mới thấy nếp thời gian chất chồng lên khuôn mặt, khóe mắt của thầy. Thầy ở độ tuổi sắp nghỉ hưu rồi mà.
Mấy lần Vượng đi ngang qua phòng giáo sư Diệp Lục Tố, cô muốn gõ cửa nhưng còn ngại. Chiều thứ bảy hôm đó, Vượng lấy hết can đảm gọi thầy ơi, có thầy trong phòng không ạ! Không nghe tiếng trả lời, Vượng đưa tay nắm ổ khóa vặn mạnh, cánh cửa mở ra, Vượng bước vào phòng. Chiếc giường cá nhân đặt góc trái trải tấm ga trắng, phía phải là cửa nhỏ ra sau. Giữa phòng kê bộ bàn ghế gỗ hương hình chữ nhật, bên trên là một lọ hoa hồng nhung cắm cùng một cành liễu. Tất cả đều nhỏ nhắn xinh đẹp. Nhìn kĩ góc tủ sách, tấm hình trắng đen đã nhòe một cô sinh viên gương mặt thon thon, tóc dài với nụ cười hiền hòa. Vượng nhớ khuôn mặt quen lắm, như từng thấy ở đâu đây, lúc này Vượng chưa nghĩ ra. Tim Vượng đập nhanh khi nghe tiếng giày cộp cộp gần hơn, rồi “cắt” một cái, cánh cửa mở ra, Vượng lúng túng nhưng cố lấy lại bình tĩnh:
- Chào thầy, em thấy cửa khép hờ, em chờ thầy…dạ em mới vào chừng một phút!
- Chào em! Sao tôi lại hay quên đóng cửa trước khi ra ngoài!
Vừa nói thầy vừa lấy mũ móc lên vách tường gần cánh cửa ra vào. Khi giáo sư vừa quay lại thì Vượng đã bước gần đối diện và đưa hai tay ôm cả thân mình giáo sư:
- Thầy ơi, em xin lỗi, thầy cho em giây phút này, một chút thôi nghe thầy!...
Diệp Lục Tố giật mình ngỡ như trong giấc mơ của hơn ba mươi năm về trước, khi anh mới vừa lấy tấm bằng thạc sĩ, cũng nơi đây, trong bộ áo dài màu trắng ôm kín cái dáng cao mảnh khảnh của nàng, mái tóc dài chấm lưng ong cứ quấn riết lấy anh, con người ấy không còn là sở hữu của mình. Hai tai giáo sư lúc này cứ ù lên, không biết khuôn mặt như thế nào mà hừng hực như lửa cháy và từ trong lồng ngực có một cái gì đó chặn lại không cho mạch máu lưu thông. Còn Vượng cứ lặp đi lặp lại: Thầy ơi, em xin lỗi, em yêu thầy!... Giáo sư đứng chôn chân tại chỗ như để hồi tưởng lại kỉ niệm thuở nào, nhưng anh không ôm riết cái dáng hình bé nhỏ ngày nào mà hai tay buông thỏng mặc cho Vượng đưa tay vuốt lên tóc rồi đưa dần xuống gáy. Vượng còn đòi hỏi thầy chưa hôn em thì em không buông thầy ra đâu. Ừ thì…thầy hôn đây. Giáo sư cúi xuống đặt nụ hôn lên mái tóc trước phủ lên trán Vượng. Giáo sư nói rõ từng tiếng:
- Vượng à, em còn nhỏ tuổi lắm, mà thầy thì đã già! Cho thầy xin lỗi!
- Trong mắt em, thầy còn rất trẻ. Khi yêu đâu phân biệt địa vị, tuổi tác, tình yêu là vị thần bình đẳng mà thầy. Vượng được dịp ghì khuôn mặt thầy xuống hôn vào đôi mắt của thầy thật sâu.
Giáo sư luôn tránh Vượng và nhờ cậu sinh viên năm thứ tư khoa báo chí sắp ra trường điền vào khoảng trống cho nàng. Năm năm sau, ngày cưới của Thịnh với Vượng là ngày giáo sư nghỉ hưu. Thầy đến muộn nhưng món quà thật lớn, khi mở ra đó là con búp bê hồng xinh xắn cộng với một sổ tiết kiệm năm mươi triệu đồng mang tên Thịnh và Vượng. Đêm tân hôn họ nằm bên nhau kể chưa hết chuyện về thầy Diệp Lục Tố mà trời đã sáng rồi. Thịnh đặt nụ hôn lên môi vợ thì thầm em là người hạnh phúc nhất thế gian!...
Trong ngày giỗ đầu của giáo sư, mẹ làm mâm cơm thật tươm tất đủ những món mà thường ngày thầy thích dùng. Còn ba đặt bình trà lên bàn thờ thầy, đưa tay rót nước trà ra hai cái li nhỏ, hương trà trộn lẫn hương trầm bay lên, lúc này đôi mắt thầy nhòe đi. Mà sao mẹ lại khóc. Mẹ khóc thật nhiều, lần đầu tiên Vượng thấy mẹ khóc, ba chỉ lặng thinh rồi dìu mẹ vào ghế ngồi. Thức ăn từ trên bàn thờ đưa xuống đâu còn nóng hổi như khi vừa mới múc ra. Nếu không có tiếng bé Thúy ba tuổi lêu lêu bà ngoại khóc thì bữa cơm tẻ nhạt biết chừng nào…
Chờ cho hai con đã ngủ hẳn, Vượng mở túi xách lấy ra quyển nhật kí của thầy mà ba và mẹ đã đưa cho trước khi Vượng lên tàu vào Sài Gòn.
Ngày…tháng…năm
Vượng không thể đọc được, lấy tay quẹt nước mắt sang bên phải rồi sao cứ ràn rụa chảy xuống hai bên mũi thấm vào môi mằn mặn. Nhớ chiều hôm qua tàu trễ gần cả tiếng đồng hồ cũng là dịp ba má Vượng sẻ chia cảm xúc ngọt ngào day dứt quá.
…Chuyến bay Quy Nhơn- Sài Gòn vừa cất cánh, Tùng dìu Lan ra khỏi phòng chờ, hai người ngồi trên xe buýt về lại An Thường mà mỗi người một suy nghĩ. Lan chỉ lo cái thai gần hai tháng từng ngày lớn lên trong bụng không biết nó là con trai hay con gái, rồi làm sao đối diện với sự thật khi làng quê nào cũng lắm tiếng thị phi, ba mẹ của Lan lại khắt khe chuyện chưa cưới hỏi lại có chửa trước làm như vậy chẳng khác nào bôi tro trát trấu vào mặt, xấu mẹ xấu cha, xấu cả dòng họ tổ tông. Chắc Lan không thể giữ cái thai này lại… Tiếng “kít” thật mạnh làm mọi người ngồi trên xe cùng đều chúi về phía trước, Lan giật mình… không thể làm được điều đó, tội lỗi quá! Lan yêu Diệp Lục Tố chân tình từ năm thứ ba đại học cho đến giờ cũng đã bốn năm rồi.
Còn Diệp Lục Tố lại bảo Lan gắng chờ anh tìm ra được họ hàng của mình dù chỉ một người là anh sẽ cưới Lan. Tuổi thơ của anh lớn lên từ cô nhi viện nên có những mặc cảm về thân phận mình. Rồi anh bảo Lan cố gắng chờ trong hai tu nghiệp ở Pháp về, anh sẽ có thêm một ít vốn, mình làm đám cưới không muộn nghe em. Tùng cũng rất yêu Lan, mối tình tay ba nhưng với Tùng như là người ngoài cuộc. Anh tôn trọng Lan, tôn trọng tình yêu của Lan với Diệp Lục Tố. Sẵn sàng giúp Lan khi Lan nhờ đến việc gì. Tùng nhắm nghiền đôi mắt như thể đang ngủ, gió đồng lùa vào cánh cửa xe mát rượi, Lan ngồi nhìn sang khẽ gọi:
- Không khí quê mình mát mẻ quá anh Tùng ơi!... Em muốn bàn với anh một chuyện.
- Anh nghe đây. Mắt vấn nhắm, chỉ có đôi môi mấp máy: nhưng còn vài cây số nữa xe vào bến mình ghé quán nước nghỉ rồi nói chuyện, em đồng ý với anh!?
- Dạ! Lan lí nhí chỉ vừa đủ Tùng nghe.
Trong quán nhỏ vắng khách chỉ có hai người ngồi uống hai trái dừa nước mà không ai nói với ai lời nào. Tùng đánh tan chiều vàng chùng chình mệt mỏi gần tiếng đồng hồ rồi nhìn vào đôi mắt Lan:
- Anh muốn nghe ý của Lan!
- Em sợ, em xin lỗi anh, em có lỗi với anh, em biết anh yêu em!...
Tùng lim dim đôi mắt, sợ mình ngủ quên, anh giật mình tỉnh táo:
- Em nói tiếp anh nghe đây!
- Nhưng… em lại có…em lại yêu anh Tố, làm sao bây giờ!...
Bất chợt hơi sương lành lạnh buông xuống mau quá, dưới bóng dừa làm cho cái quán nhỏ đã phải lên đèn. Ánh mắt khẩn cầu của Lan cứ chăm chăm trong đôi mắt Tùng. Anh hiểu ra điều đó. Và ai cũng ngạc nhiên nhận thiệp hồng của Tùng và Lan chỉ đúng ba mươi ngày khi Diệp Lục Tố sang Pháp...
Lan chẳng thể li hôn sau ba năm Diệp Lục Tố trở về. Dù biết rằng Tùng không có con.
Vượng đưa tay vuốt ve ngoài trang bìa quyển nhật kí của giáo sư Diệp Lục Tố. Mấy mươi năm được bọc trong bì nhựa. Vượng sẽ giữ kín để không bị lớp bụi nào làm hoen đi những dòng chữ của ba.
Đồng hồ trên tường gõ đúng mười tiếng trong veo, Vượng nghĩ không biết ở nhà ba Tùng đang làm gì! Vượng nhớ trước khi đi còn dặn mẹ nhắc ba Tùng uống thuốc đúng theo toa bác sĩ.
6.5.2012
Nguyễn Thị Phụng
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa x...