Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Nam Bộ trong đời thơ Nguyễn Bính

Nam Bộ trong đời thơ Nguyễn Bính
Nguyễn Bính vốn là người ưa giang hồ, xê dịch. Hồi ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương và Cát bụi chân ai của Tô Hoài đã có những trang rất sinh động về những chuyến giang hồ vặt của Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Tô Hoài, Nguyễn Bính… lên Bắc Ninh, phủ Lạng Thương, Hải Phòng… Bệnh thích xê dịch, giang hồ đã ăn sâu vào máu thịt của ông:
Nửa đêm nghe tiếng còi tàu,
Ngày mai ta lại bắt đầu ra đi
Sông ngang núi trái quản gì 
(Nửa đêm nghe tiếng còi tàu)
Ông đã từng ở Huế, thấm thía với những ngày mưa lê thê ở Huế:
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra xuống mấy ngày
(Giời mưa ở Huế)
Nhưng Nam Bộ có lẽ là nơi níu chân ông lâu nhất. Ông đã nhiều lần vào Nam. Khoảng năm 1939, Nguyễn Bính đã đến Sài Gòn, lê gót ở Chợ Quán, Đa Kao rồi về Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Phương Nam đã đem đến thơ ông một giọng điệu hào sảng:
Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua, én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may
(Hành phương Nam)
Năm 1944, Nguyễn Bính đã lặn lội xuống Hà Tiên thăm đôi thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết. Trong bài hồi ký Để nhớ Nguyễn Bính, những ngày ghé bến Hà Tiên, Mộng Tuyết kể: "Bính thường quấn quít bên tôi như một chú em ngoan ngoãn. Bính thường kể chuyện Hà Nội, chuyện giang hồ, chuyện chị Trúc - người chị tinh thần đã an ủi Bính những khi buồn nản và hứa xem tôi như một người chị thứ hai của mình... Mỗi ngày, sau khi ăn sáng tại nhà anh Đông Hồ, Bính lại theo tôi ra Yiễm Yiễm thương điếm để "trông cửa hàng cho chị", để "nhìn chị may áo" và để "đi gửi thư cho chị"... Ở tỉnh nhỏ, hầu như nhà ai cũng đốt đèn dầu dừa, dầu cá... riêng trên Nam phong tiểu các thì anh Đông Hồ dành riêng cho Nguyễn Bính những ngọn hồng lạp để đêm đêm hồn thơ phát tiết...".
Theo Mộng Tuyết, đó là những ngày Nguyễn Bính sống rất yêu đời, lành mạnh, vui vẻ, mẫu mực. Sơn Nam sau này cho biết, đó là những ngày Nguyễn Bính ép mình để xa lánh ả phù dung. Trong thời gian ở Hà Tiên, Nguyễn Bính có viết truyện thơ lục bát Thạch xương bồ, nhưng đang dở dang thì ông lại ra đi theo tiếng gọi giang hồ. Sau đó ít lâu, ông có gửi về cho Mộng Tuyết Bài thơ vần rẫy, cuối bài ghi là “Khả thủy sơn nhơn” (chiết tự từ hai chữ Hà Tiên) [1], trong đó ông tâm sự rất thiết tha:
Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên
Chiều chiều cùng chị vào trong Rẫy
Đường mòn, nắng nhạt soi tà tà
Biển khơi, gió mặn thổi hây hẩy...
Dần dà nói đến chuyện nhân duyên
Chị có cô cháu tuổi mười bảy
Tóc dài chấm gót, má hồng tươi
Mi vòng cánh cung, mắt đen láy
Chị ơi! Trôi nổi là thân tôi
Cánh buồm bạt gió thân hồ hải
Than ôi! Không có giá liên thành
Để đổi cho tròn viên ngọc ấy
(Bài thơ vần Rẫy)
“Viên ngọc” ấy, cô gái “tóc dài chấm gót, má hồng tươi/ Mi vòng cánh cung, mắt đen láy” đó chính là cháu gái của Mộng Tuyết, tên thật là Hồng Tú Ngọc, khi ấy vừa tròn mười bảy tuổi. Cứ mỗi tối Tú Ngọc lại đọc truyện Tam quốc chí cho mẹ của Mộng Tuyết nghe. Thế là tối nào Nguyễn Bính cũng về xóm Rẫy để nghe người ngọc đọc sách. Có khi vào trễ cửa đã cài then, Bình ngồi ngoài hiên cho tới khuya mới về mà không dám gọi cửa. Nguyễn Bính kể: Ngồi trong đêm sương khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín, cũng có một thú vị riêng. “Cháu” Tú Ngọc cũng đã từng thêu trên vạt áo của Nguyễn Bính mấy chữ “Khả thủy sơn nhơn” mà ông sau này ghi dưới  Bài thơ vần Rẫy như là một kỉ niệm.
Năm 2007, tức sáu mươi ba năm sau, nhà văn Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính và tôi nhân dịp về Hà Tiên đưa tiễn nữ sĩ Mộng Tuyết về nơi an nghỉ cuối cùng, đã đến thăm “người ngọc” ở Xóm Rẫy, Hà Tiên. Tuổi đã gần tám mươi, nhưng má bà Tú Ngọc vẫn ửng hồng khi nhắc đến những kỷ niệm với người xưa Nguyễn Bính.
Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Bính đang ở Mỹ Tho. Ông đã cùng nhân dân miền Tây kéo về Sài Gòn ủng hộ Cách mạng. Nhà văn Phạm Tường Hạnh cho biết đã nhìn thấy Nguyễn Bính trong đoàn người tiến về Sài Gòn với miệng cười rộng mở, hai tay giương cao ngọn cờ như chưa bao giờ ông được cười sung sướng đến vậy [2].
Sau đó Pháp tái chiếm Sài Gòn, chiến sự diễn ra ác liệt nên Nguyễn Bính mất liên lạc với tổ chức. Ông đi sâu về vùng cực Nam, có lúc phải tá túc ở đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá. Tại đây ông đã thu nhận một người học trò sau này cũng rất nổi tiếng là nhà thơ Kiên Giang. Theo lời kể của nhà thơ Kiên Giang, lúc ở Rạch Giá ông đã từng có những câu thơ rất khí khái:
Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những phường bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu
(Từ độ về đây)
Trên đường tìm đến kháng chiến, có lúc Nguyễn Bính đã bị hiểu lầm là gián điệp của Pháp, đã phải ngồi tù Việt Minh và suýt nữa bị mất mạng. May mà có người trong ban xử án biết tên tuổi của ông nên ông kịp thời thoát nạn. Cũng nhờ sự nhầm lẫn này mà ông đã nối lại được liên lạc với kháng chiến.
Trở thành một nhà thơ cách mạng, ngoài việc làm thơ, ông còn làm tất cả những công việc mà kháng chiến giao cho, kể cả làm ca dao, hò, vè để phục vụ kháng chiến, như Tú Mỡ giai đoạn đó đã làm ca dao vận động nhân dân tiêu tiền rách, Chế Lan Viên làm phóng viên cho tờ Quân du kích, Thanh Tịnh sáng tạo ra thể độc tấu để tuyên truyền cho kháng chiến…
Không như nhiều nhà Thơ mới đã quen lặn sâu dưới đáy của cái tôi cá nhân hoặc đắm chìm trong tình yêu đôi lứa, vì thế khi đến với cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, họ đã lúng túng một thời gian dài để có thể gột rửa cái cũ trước khi hình thành một giọng điệu, một phong cách Thơ mới, Nguyễn Bính đã nhanh chóng sớm có những thành công, như Sơn Nam đã từng đánh giá: “Nguyễn Bính là thi nhân duy nhứt có tên trong Thi nhân Việt Nam đã tham gia kháng chiến tại miền duyên hải vịnh Xiêm La. Anh khởi xướng việc thành lập Đoàn văn hóa Cứu quốc tỉnh Rạch Giá, cho ra mắt tập thơ yêu nước sau khi vào chiến khu chừng một đôi tháng... Vài tháng sau, Nguyễn Bính lãnh trách nhiệm Phó chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá rồi về Ban văn nghệ Khu 8...
Các bài thơ sáng tác trong thời gian ở Ban văn nghệ Khu 8 được gom vào một tập nhan đề là Sóng biển cỏ. Biển cỏ tức là vùng cỏ bao la Đồng Tháp Mười... Thơ của anh đáng ca ngợi ở nội dung yêu nước. Làm thơ yêu nước là chuyện khó. Phải phối hợp hình thức với nội dung, ngôn ngữ kĩ thuật, tâm tình cá nhân với hoàn cảnh chiến đấu của dân tộc... Nguyễn Bính đã thành công lớn trong giai đoạn mà ít ai thành công” [3].
Có thể là Sơn Nam đã hơi quá lời khi cho “Nguyễn Bính đã thành công lớn”, nhưng so với Huy Cận viết rất ít và hầu như không làm được bài thơ nào có giá trị trong suốt 9 năm kháng chiến, Chế Lan Viên trong 9 năm chỉ có tập Gửi các anh với vỏn vẹn mười hai bài thơ, Tế Hanh chỉ được nhắc đến với Người đàn bà Ninh Thuận, Anh Thơ có mỗi Kể chuyện Vũ Lăng… thì với hàng loạt trường ca và thơ dài như Đồng Tháp Mười, Cửu Long giang, Ông lão mài gươm, Người của ngày mai, Con tằm, Những người áo trắng; kịch thơ như Chiếc áo đêm trăng…, đóng góp của Nguyễn Bính cho thơ ca kháng chiến chống Pháp xứng đáng được chúng ta ghi nhận.
Thành công đó của Nguyễn Bính, sự gặp gỡ của tâm tình cá nhân của ông với hoàn cảnh chiến đấu của dân tộc như Sơn Nam đã nhận định ở trên có lẽ bởi tâm tình trong thơ ông trước Cách mạng tháng Tám cũng là tâm tình của nhân dân lao động, bởi ngôn ngữ thơ của ông cũng đã rất gần với ngôn ngữ của đông đảo quần chúng. Cách mạng, kháng chiến là ngọn lửa đã thổi bùng lên cảm hứng công dân trong ông, đã giúp cho thơ ông có thêm một giọng điệu hùng tráng chưa từng thấy:
Tám mươi năm đen tối
Chao ôi! thèm khát mặt trời
Đến một buổi
Lửa uất hận bùng sôi cùng máu đổ
Mầm đấu tranh vút mọc với sao vàng
Khắp xóm cùng làng
Reo hò chuyển đất
Say sưa ngây ngất
Cùng với giang sơn
Mừng ngày độc lập
(Đồng Tháp Mười)
Giọng điệu hào hùng, lòng yêu nước thiết tha đó còn được ông thể hiện sâu sắc trong nhiều tác phẩm khác trong thời kỳ kháng chiến, trong đó có bài thơ Cửu Long giang, sau được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc với tên Tiểu đoàn ba lẻ bảy:
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Nguyện một lòng gìn giữ non sông
Bài thơ sau khi được phổ nhạc đã trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của kháng chiến Nam Bộ.
Cũng trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Bính đã trở thành người con rể của quê hương Nam Bộ, đã có hai người con gái là Hồng Cầu và Hương Mai, sau ngày ông tập kết ra Bắc vẫn còn ở lại miền Nam.
Gắn bó máu thịt với miền Nam như thế, nên khi trở về đất Bắc, Nguyễn Bính luôn đau đáu một nỗi nhớ quê hương miền Nam, nơi nhiều đồng đội, đồng chí, bạn bè và nhất là vợ con ông vẫn còn ở đó. Tình yêu tha thiết đối với vợ con, ước mơ đoàn tụ đã được ông gửi gắm trong nhiều tác phẩm, như Đêm sao sáng, Đôi mắt, Lá thư, Xuân nhớ miền Nam, trong đó bài thơ dài Gửi người vợ miền Nam với rất nhiều kỉ niệm riêng tư và cả ước mơ đoàn tụ chưa thành:
Ta những tưởng hai năm đoàn tụ
Mà vì đâu để lỡ hẹn hò
Ngờ đâu trong đợi ngoài chờ
Hồng thưa nhạn vắng đôi bờ cách xa
(Gửi người vợ miền Nam)
Tâm trạng đó của ông cũng là tiếng lòng của hàng vạn người con miền Nam đang sống cảnh ngày Bắc đêm Nam trên đất Bắc.
Thơ viết về Miền Nam, Nam Bộ của Nguyễn Bính do đó không phải là những sáng tác do tưởng tượng, hư cấu mà là máu thịt, là những trải nghiệm bằng máu và nước mắt của chính ông, vì thế những vần thơ chân thực này đã lay động người đọc một sách sâu sắc. Tiếc là một số sáng tác của ông viết ở Nam Bộ trong kháng chiến đã bị thất lạc, như trường ca Những người áo trắng chẳng hạn, khiến cho chúng ta chưa thể hình dung hết về những đóng góp của Nguyễn Bính cho thơ ca kháng chiến. Nhưng những gì còn lại cũng đủ cho thấy tâm huyết của Nguyễn Bính đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, cho thấy Nam Bộ đã có một vị trí rất đặc biệt trong đời thơ giàu có của ông.
Võ Văn Nhơn
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. 
 Nhiều tác giả. Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học & Trường Đại học Văn Lang tổ chức. NXB Hội Nhà văn, 07-2018.
Theo https://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thiên sử về một ‘chế độ (độc quyền) thất nhân tâm’ bậc nhất trong nền cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương 23 Tháng Bảy, 2022 Với mụ...