Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Một thời tuổi trẻ hồn nhiên

Một thời tuổi trẻ hồn nhiên 
Âm hưởng  lạc quan trong thơ Phạm Tiến Duật
Người chiến sĩ những năm chiến tranh thường tự trình diện như những con người có một đời sống tinh thần hồn nhiên nhẹ nhõm. Các anh rất dễ vui, và niềm vui của các anh rất trẻ, khoẻ. Hành quân nhọc mệt nhưng đặt ba lô nghỉ là nói đùa, nói “trạng”. Leo những cái dốc “ê ẩm”, đặt cho dốc đủ mọi thứ tên để cười. Làm được cái hầm đẹp đã vui. Cải thiện được bữa rau rừng cũng vui! Đánh xong trận ác liệt về, các anh lại càng tìm thấy nhiều chuyện vui. Cái lạc quan, cái vui được xem như một nét bản chất của người chiến sĩ, nó nảy sinh trong mọi hoàn cảnh, như một thứ thách thức vượt lên khó khăn; nó là cái hơi ấm toát lên từ tâm tình của những người tự tin và đang chiến thắng.
Phạm Tiến Duật luôn luôn có mặt giữa những người chiến sĩ như thế. Anh đi với lái xe, với công binh, với thanh niên xung phong trên một tuyến đường vận tải quân sự đặc biệt, và những bài thơ của anh in lại trong Vầng trăng quầng lửa,trong Thơ một chặng đường chính là được bắt nguồn từ cái vui, cái lạc quan của cảnh và người anh sống, anh gặp trên đường. Như là có một sự gặp gỡ đặc biệt giữa tâm hồn một người chiến sĩ và một người làm thơ. Và chúng ta có một tiếng thơ khá độc đáo.
Trong văn học, từ việc sống đến việc viết, có nhiều cách thức khác nhau. Có người đi rất nhiều nhưng chỉ cốt nắm lấy không khí, cái “thần” chung nhất của khung cảnh. Đọc những trang viết của họ, nhiều khi thấy ánh lên một cái gì rất mới mà không bao giờ có địa chỉ rõ ràng. Phạm Tiến Duật không như thế. Anh đi đến đâu, anh gặp những ai, ta dễ đoán biết. Anh muốn mang vào trong thơ cả những chi tiết bộn bề như văn xuôi: những chuyến xe bom giật, bom rung vỡ kính; những đêm “cao xạ thình thình điểm đầu canh ba”; khu vực kho một ngày 17 trận bom Mỹ dội. Gợi ý cho bài thơ của anh là một cái cặp tóc ai để quên trên cỏ, tiếng đuổi gà của bà mẹ khi lúa chín trên đồng. Đọc thơ như được cùng anh vào một cuộc đi xa xôi và đầy hứng thú. Mọi thứ đều được anh chăm lo, chi chút. Lúc nào anh cũng giữ được một thứ ngạc nhiên, một niềm say mê “say miền đất lạ” rất tự nhiên.  Qua những người, những cảnh cụ thể mà Phạm Tiến Duật, mọi người khác, ở những đơn vị khác, đều có thể tìm thấy một sự thông cảm. Trong khi nói rõ những vất vả đến với mỗi chúng ta trong cuộc chiến đấu nhà thơ không làm chúng ta băn khoăn do dự. Dù có thế nào  vẫn “không có chuyện gì” về tất cả những người ở đây hết. Những xa cách “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” không làm cho ai buồn. Trong cái đêm bom rung vỡ cả mái ngói, người chiến sĩ vẫn ung dung ngủ lại với gió sông Lam. Phải lạc quan lắm mới có được một giọng thơ như trong bài Qua một mảnh trời thành phố Vinh ấy!
Càng đi vào những miền trọng điểm như Seng Phan, “tiếng bom như tiếng thú” nghe lại càng nhỏ. Và hơn thế nữa, không những ung dung tự tin, người chiến sĩ còn tìm được những niềm vui ấm áp. Anh không bỏ qua một đàn bươm bướm trên lèn đá, một câu hò trong đêm bốc vác rộn ràng. Biết tiếng hát trong rừng “nhịp với phách xem chừng sai cả” anh vẫn lắng nghe. Một tình thương mến bao trùm.
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Trong những bài Gửi em, cô thanh niên xung phong Khi em qua đèo, Nghe em hát trong rừng, tình cảm giữa  anh bộ đội và cô thanh niên xung phong, được biểu hiện thật  tự nhiên mà thấm thía.
Tất cả những tâm tình chiến sĩ ấy là rất phổ biến, nhưng lại mang một dáng vẻ riêng của Phạm Tiến Duật. Anh hóm hỉnh nghịch ngợm mà đôn hậu thương yêu. Anh dễ dàng sao trong việc làm thân trò chuyện với mọi người! Và không chỉ có vui, anh còn có dụng ý muốn mang tới chúng ta những suy nghĩ khái quát. Về mặt này, bài thơ dựng cảnh Vầng trăng quầng lửa khá tiêu biểu. Trong ánh chớp nhoáng nhoàng của bom đạn, tiếng hát vẫn cất lên, mọi dấu hiệu của sự sống vẫn nảy nở. “Và vầng trăng, vầng trăng đất nước - vút qua quầng lửa vụt lên cao” - như là có một thoáng tượng trưng, nửa thực nửa hư, về đất nước, về chiến thắng như cùng trở về trong ta. Sức thuyết phục của bài thơ là ở cả một không khí được gợi lên khá trọn vẹn.
Không phải ngẫu nhiên, trong những năm chống Mỹ, thơ Phạm Tiến Duật thường được mọi người nhắc nhở. Đó là một tiếng nói trẻ, thứ tiếng nói mới trong thơ. Anh chọn được tình thế đáng nói. Anh biết nói một cách đặc biệt, thường lướt qua những chỗ lặt vặt, giành bất ngờ cho cái chốt chính, cái kíp nổ của bài thơ. Đọc thơ anh, dễ có những thoáng giật mình: sao có những điểm thi vị thế này mà không ai nhìn ra! Trong lúc say thơ, nhà thơ này đôI khi ra khỏi một số khuôn sáo thông thường. Về mặt giọng điệu, nếu xưa nay thơ của nhiều người như một tiếng hát, thì Phạm Tiến Duật làm cách khác: Anh muốn trò chuyện với người đọc. Anh luôn luôn đi bên cạnh ta, thì thầm với ta điều kia điều nọ. Cách viết này mang lại cho tác giả một lối đi riêng, hợp với sức viết đang độ khoẻ. Cái tài hoa, cái khéo léo tay nghề, là tương ứng với cách cảm, cách nghĩ của anh và hai mặt đó gắn bó làm thành một phong cách thống nhất. Tại sao lại nảy sinh và tồn tại phong cách đó? Từ những năm chống Mỹ, trong bộ đội ta đã hình thành một lớp chiến sĩ mới, với cách sống, cách chiến đấu mới, dáng dấp tâm lý mới, có phần kế thừa mà có phần phát triển so với các thế hệ cha anh. Họ vẫn đọc những bài thơ của các nhà thơ lớp trước. Nhưng họ cần có tiếng nói của mình trong văn học. Thơ Phạm Tiến Duật là một trong những tiếng nói đó.
Có điều không nên cường điệu, coi thơ Phạm Tiến Duật là một mẫu mực, hơn nữa, một mẫu mực duy nhất cho tiếng thơ của cả thế hệ cùng tuổi với anh. Chỗ yếu trong thơ Phạm Tiến Duật là bề ngoài bao quát được một hiện thực nhiều mầu sắc, song vẫn có cái vẻ đơn điệu của nó. Đây đó, một vài bài thơ dường như chỉ khác nhau về đề tài, về khung cảnh, về cách nói, mà ý tứ thì lặp lại. Thực tế lớn lao quá! Có lúc, tác giả như bị ngợp: Anh chỉ kịp làm những đoạn “ống kính chụp nhanh” mà chưa có sự cảm thụ và chuyển hoá sâu sắc. Thường khi anh chạy theo những thay đổi ở bề ngoài khung cảnh mà quên lắng nghe đúng mức về những phản ánh, những vang vọng của mọi thay đổi đó trong lòng, để sự kiện có dịp hòa cùng nhịp điệu với lòng mình. Cũng như nhiều người viết trẻ khác, một số khái quát ở Phạm Tiến Duật hoặc không sáng rõ, hoặc rơi vào chỗ đơn giản, sơ lược. Niềm vui mà anh gợi lên có phần dễ dàng, nhưng lại chưa thật sâu lắng. “Say miền đất lạ”, anh đâm ra sa đà vào những cái ngồ ngộ, kỳ lạ, rồi tự bằng lòng, cười đùa vui vẻ mà không thấy hết những cái mới cơ bản trong khung cảnh và trong lòng người. Trong đời sống cũng như trong văn học, kinh nghiệm cho biết chưa bao giờ những cái ngồ ngộ đó có khả năng biểu hiện những điều quan trọng nhất trong đời sống tinh thần con người. Cũng như về mặt cách viết, khi nào cố làm ra vẻ đơn giản Phạm Tiến Duật lại rơi vào một sự sắp xếp, thành ra một thứ sáo mới, muốn làm duyên hơn là có duyên thật sự.
Phạm Tiến Duật là người có bản sắc mạnh mẽ, bản sắc không giống ai, nên rất khó thay đổi. Mà có thay đổi, thì vẫn là đổi mới trong cung cách của mình. Nhưng có điều chắc chắn: ngay trong chiến tranh nó đã là một kích thích tốt cho những tiếng nói bằng thơ khác đang tiềm tàng trong lớp người trẻ tuổi đang cầm súng.
Đỗ Chu như một nhà văn của những vùng quê chiến sĩ
Trên những con đuờng giao liên, những con đường mòn đi dọc Trường Sơn, người rải khắp đường, người đI ra cụng đầu người đi vào. Rừng núi im lìm, lắm lúc thật thèm bạn trò chuyện. Nhưng hỏi nhau về đơn vị, về nhiệm vụ chiến đấu thì không tiện. Bao giờ cũng chỉ còn một câu hỏi đầu miệng:
– Đồng hương đâu đấy?
– Phú Thọ đây.
– Hải Hưng đây.
Lâu ngày, đối với người lính, đó là một lời chào, là một tình cảm.
Ở những đoạn đường đặc biệt, đi trên đường cái lớn, đối với người lính, còn có một niềm vui khác: gặp những cô thanh niên xung phong. Giữa những nơi những cô gái đi mở đường ấy âm thầm làm việc, không khí rộn rã lên khi họ gặp những người lính đi chiến đấu. Và câu đầu tiên đôi bên hỏi nhau cũng là: “Quê đâu đây?”. “Đồng hương đâu ta vậy?”
Những năm chiến tranh, bao nhiêu thanh niên trẻ tuổi của chúng ta vừa rời ghế nhà trường thì ra đi, có mặt trên mọi ngả đường chiến đấu. Đi bao nhiêu nơi, làm bao nhiêu việc, có lúc tưởng gian khổ và mệt mỏi đã làm cho họ xao lãng mọi kỷ niệm, cằn đi trong suy nghĩ. Nhưng không, chỉ một số rất nhỏ thôI, một tiếng hát, một lá thư, một người cùng quê đi qua đủ làm cho họ xao động cả lên. Bắt đầu là nỗi niềm nhớ quê rồi ít nhiều kỷ niệm tuổi trẻ cùng những mong mỏi, dự định tương lai. Những kỷ niệm đến với họ như một nhắc nhở, một chỗ dựa, nhờ đó mà họ thấy công việc có ý nghĩa thêm.
Có những người viết trẻ nhận lấy việc viết về những con người như thế. Các anh các chị tìm thấy ở họ những điều tâm sự của tuổi trẻ chính mình. Hiện lên trên trong sáng là những nhân vật xứng đáng được gọi là những người con trai con gái của đất nước, những năm đất nước gian lao.
Một trong những người viết đó là Đỗ Chu.
Với tác giả,việc viết văn  dường như là việc nói về những người đồng đội, những người cùng tuổi với mình, trong nhiều công việc khác nhau, ở nhiều ngả đường khác nhau trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Đó là Lưu, cô con gái nghèo của một thị xã, thuở nhỏ thích không biết bao nhiêu là nghề, rồi rất ngẫu nhiên và cũng rất tất nhiên, vào đội thanh niên xung phong, mở đường, phá đá (Ghi chép trên một chặng đường). Đó là Chuyên, cô chính trị viên một đội thanh niên xung phong khác, dịu dàng, mau mắn, những khi thì chỉ huy đội bảo đảm đường cứu xe, khi thì đi làm lán, giữ kho, cuối cùng hy sinh trong một trận cứu xe rất dũng cảm (Ráng đỏ). Người yêu của Chuyên là Nam, một người lính lái xe tháo vát, trách nhiệm, đầy xúc cảm với cuộc sống và mang được những say mê đó vào công việc của mình. Còn bạn của Lưu thì là Thuyên, một cậu lính pháo ở một tác phẩm như Đám cháy trước mặt chẳng hạn. Có đến vài chục nhân vật của Đỗ Chu là những người thuộc cái đơn vị pháo, ở đủ mọi cương vị: liên lạc, thợ chữa pháo, anh nuôi, pháo thủ. Bao giờ thì đó cũng là những chàng trai mau mồm mau miệng, khéo léo, hay đùa nghịch, giữa bom đạn cũng có thể đùa tếu được, đối đáp được, nhưng chiến đấu thì dũng cảm, thông minh, tài hoa.
Còn những người con gái thì cũng không kém, có người đáo để, có người hiền lành, nhưng toàn là những người biết làm ăn, chịu thương chịu khó. Đã hình thành một thứ nhân vật riêng của Đỗ Chu, những con người của làng xóm nông thôn, của thị xã, phố huyện, có học hành, nhưng còn nguyên dáng dấp của những đứa con những gia đình nghèo, chăm chỉ lao động, yêu cuộc sống, nhanh chóng thích hợp với cuộc chiến đấu hiện nay. Họ tự nhận sự nghiệp chống Mỹ là hoàn cảnh giáo dục họ: tâm hồn thật trong trẻo, họ đi vào cuộc chiến đấu gian khổ một cách thanh thản, thoải mái. Họ bắt đầu triết lý, bắt đầu nói nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là những con người giàu xúc cảm, bằng tình cảm của mình mà hiểu hết ý nghĩa công việc mình đang làm. Họ âm thầm chịu đựng mọi khó khăn, nhưng nhờ thế, mà họ trưởng thành. Nghĩ tới họ, bao giờ ta cũng ấm lòng, tin tưởng.
Mai đây người ta sẽ nhắc đến những ngày hôm nay như thế nào nhỉ? Hẳn không ai có thể quên những người con trai con gái hôm nay đang có mặt trên khắp các nẻo đường đất nước, đã sống những ngày đầy cực nhọc nhưng cũng phơi phới một niềm tin tưởng, đã biết gắn bó cuộc đời mình với sự sống còn của Tổ quốc, với số phận của nhân dân. Những năm này là những năm chúng ta lên đường đánh giặc, những năm đi xa. Lịch sử đã mở tung cửa cho cả một thế hệ tốt đẹp và đầy kiêu hãnh bước ra cuộc đời rộng lớn. Và đó là hạnh phúc của đất nước.
Những người con trai, con gái của đất nước. Những nhân vật của Đỗ Chu có thể được gọi như thế lắm. Họ khá đông. Khó lòng nói Đỗ Chu đã hiểu biết họ đầy đủ và dựng họ thành những nhân vật độc đáo, có cuộc sống riêng… Nhưng Đỗ Chu đã  cảm thấy họ, và cảm xúc của tác giả là gần với họ, lấy họ làm nền cho những điều định nói.
Bởi vì, nhân vật chính trong truyện, ký của Đỗ Chu bao giờ cũng là chính Đỗ Chu.
Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, anh đã đi theo một đường hướng về truyện mà anh theo đuổi cho đến hiện nay. Có người gọi là truyện giầu chất thơ. Có người gọi là những truyện ngắn trữ tình, có màu sắc chủ quan. Những nhân vật của Đỗ Chu thường đơn giản và trở đi trở lại trong một dáng nào đó. Mà truyện đứng được cũng không phải là do những tính cách ấy. Đúng hơn, chưa có tính cách, chỉ có những tính nết, những cá tính nhân vật, nên chắc là không làm sao đứng được. Đỗ Chu đến với người đọc là ở những cái khác, nó là một cái chất Đỗ Chu bàng bạc khắp truyện. Mới nhìn thì cũng dễ thấy có gì đó giống nhau giữa tác giả và các nhân vật. Nhưng tính cách tác giả bao giờ cũng là một cái gì sâu sắc hơn, quán xuyến hơn, và đúng ra, đó là cái cuối cùng người ta xét đoán, khi đánh giá một tác phẩm, nhiều tác phẩm tiếp nối.
Phải chăng từ những cảm xúc bao trùm, những khung cảnh, những con người nói tới, đều có thể thâu tóm lại thành một cái nhìn cuộc sống kiểu Đỗ Chu. Như đã nói trên, cảm hứng chủ đạo trong anh thường chân tình, đầm ấm. Đó là một cái nhìn cuộc sống trong trẻo, yêu thương. Trải qua những vất vả gian khổ, sự trong trẻo đó, nỗi yêu thương đó không bao giờ mất đi trong nhân vật cũng như trong tác giả của nó. Đỗ Chu chưa chỉ rõ cho người đọc cuộc sống là như thế nào. Nếu có, anh còn dừng lại ở những phần bên ngoài. Nhưng Đỗ Chu lại muốn nói với mọi người cuộc sống còn là thế nào, còn những chỗ như thế nào. Anh muốn nói một cái gì bền vững, sâu xa trong lòng người và anh quan niệm những cái đó là những động lực cho người ta sống và làm việc. Ví dụ như tình yêu đối với quê hương, gia đình. Ví dụ như tình nghĩa đối với đồng đội, bạn bè. Và cái lớn lao nhất là lòng yêu nước, là yêu cầu và tự hào được sống, thương yêu đùm bọc giữa nhân dân. Nó là những gì phảng phất, mơ hồ, nhưng lại thiết tha, thấm thía trong lòng mỗi người. Đứng về một phía nào đó, thì cách cảm thụ cuộc sống của Đỗ Chu là còn nông cạn, cuộc sống mới vào tác phẩm với cái vẻ phong phú bên ngoài của nó. Nhưng đứng về một phía khác, lại thấy như Đỗ Chu nắm bắt được tinh chất trong con người anh gặp, cuộc sống anh trải qua, và anh biết quy nó vào đúng cái điều mà anh thường săn sóc. Và đó là tất cả những gì người đọc đã cảm thấy từ tập truyện ngắn đầu tiên, tập Phù sa. Lấy cảm hứng chủ yếu ở sự hồi sinh của cuộc sống và sự nảy nở của những cái mới trong sinh hoạt nông thôn ta trước cuộc sống và sự nẩy nở của những cái mới trong sinh hoạt nông thôn ta trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, tập truyện quả thực đã bắt vào cái mạch chính của Đỗ Chu. Những tác phẩm về sau cứ như được từ đấy mà khơi ra, nối tiếp mãi. Mọi nhân vật của anh đều từ cái quê hương đồng bằng, đất Kinh Bắc tài hoa văn vật ấy mà ra đi. Mọi tình cảm của anh có phát triển thế nào rồi cũng hay trở về với cái âm điệu chủ yếu của nó: Vui, ấm áp, duyên dáng. Những nhân vật của Đỗ Chu đi vào kháng chiến, thăng trầm, chìm nổi, nhưng bao giờ cũng nói đến quê hương với một tình cảm chân thành, bao giờ cũng lấy đó làm chỗ dựa cho mình, trong cảnh bom rơi đạn nổ có thể kể cho bạn bè mình về những ký niệm của tuổi trẻ. Với họ, với chính Đỗ Chu, cuộc chiến đấu hiện nay như một cuộc đi xa, nhưng ở cái đầu mút bên kia, ở cái đích của chuyến đi, trong khung cảnh huy hoàng của thắng lợi mà họ hình dung, bao giờ cũng có cái quê hương của họ, những con người quen thuộc của họ.
Lần theo những trang sách, rất dễ dàng nhận ra một cách cảm cách nghĩ quen thuộc của Đỗ Chu như thế. Dù Đỗ Chu nói về cái gì hoặc là mảng rừng Trường Sơn hoặc là thủ đô Hà Nội, thì bao giờ cũng cảm thấy một không khí thị xã khiêm nhường, điềm đạm nó ăn vào nhập vào trong toàn bộ khung cảnh. Thủ đô Hà Nội sôi nổi và ồn ào thì như nép mình lại, trở nên dịu dàng và xinh nhỏ. Còn cánh rừng Trường Sơn tự nhiên lại rộn rã và có một cái gì đó bao la của đồng bằng. Chỗ mạnh và chỗ yếu của Đỗ Chu gặp nhau ở đấy. Cuộc kháng chiến chống Mỹ với tất cả quy mô của nó, với tất cả vẻ sôi nổi dữ dội, sự lay chuyển nhiều mặt của nó, chưa và vào tác phẩm Đỗ Chu một cách mãnh liệt. Không khí cuộc sống hôm nay, trên những trang viết của anh, sao vẫn có một cái gì phảng phất như trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần trước, mà đã kết tinh lại trong Làng (Kim Lân, 1948), trong Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tuởng - 1968). Còn những nhân vật của Đỗ Chu, và tác giả của nó, sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống, vẫn có một cốt cách rất tĩnh trong cách suy nghĩ và xúc cảm. Cách thức làm việc của Đỗ Chu là bao giờ anh cũng cho các nhân vật có một quá khứ những ngày kháng chiến chống Pháp để giải thích và làm nền cho những ngày hôm nay. Nhưng cái khác nhau trong hai thời kỳ, sự đổi mới bên cạnh sự kế tục của ngày hôm nay so với ngày hôm qua thì chưa được anh cảm thấy và thể hiện một cách đầy đủ.
Có lẽ sẽ không ai thoả mãn nếu muốn tìm ở trên trang sách của Đỗ Chu cuộc sống với những vấn đề rất cấp thiết những vấn đề ở đây, hôm nay của nó. Anh chưa sống hết với các nhân vật, và để cho các nhân vật sống hết với nhau một cách kỹ càng. Tình huống thường thấy trong truyện của Đỗ Chu gần đây thường là những cuộc hội ngộ: chiến tranh đẩy các nhân vật vốn cùng gốc gác của anh đi theo những chặng đường khác nhau, rồi chiến tranh lại đưa họ về một con đường, họ lại gặp nhau và nhận ra nhau vẫn như xưa. Họ chưa kịp sống chung với nhau thì truyện đã chấm dứt. Nói Đỗ Chu lảng tránh, e có quá đáng? Nhưng một thứ cốt truyện hội ngộ như thế, để nói về cuộc chiến đấu hôm nay, thì rõ ràng là còn đơn giản lắm. Mà cái đó nghe đã kéo dài và sớm ổn định trong Đỗ Chu.
Trong ghi chép Tiếng vang của rừng, Đỗ Chu có nói về một nhân vật:
“Những người trong trạm giao liên nhìn Trung bằng con mắt thán phục và tin yêu ra mặt. Họ đánh giá người lính pháo đến nhà họ hôm nay là một tay không phải xoàng, đó là một tay kể chuyện rất có duyên, và rất tự nhiên, mọi người đều nghĩ bụng: “Con gái gặp sẽ say bằng chết, cái thằng này, thế mới biết lính mình cũng có lắm tay tài hoa“
Ở trong Ráng đỏ, cũng lại một đoạn đối thoại:
– Anh mới đến mà đã hỏi cặn kẽ thế, không khéo lần sau thì đã là “thổ công” nhà chúng em rồi.
– …
– Các anh lái xe anh nào ăn nói cũng gớm cả, em chịu đấy
– Tôi lại có cảm tưởng là tất cả các cô ở đây đều ăn nói được cả.
Cái sự thực ở đây là những nhân vật của Đỗ Chu bao giờ cũng mang dáng dấp của Đỗ Chu chút ít. Như cái tài ăn nói và những nhận xét bén nhạy nói trên chẳng hạn. Chính Đỗ Chu đó. Cho nên, có thể lần theo các đoạn nói về các nhân vật để hiểu Đỗ Chu.
Về cái duyên dáng trong câu chuyện của anh, là đoạn về Chi trong Tiếng vang của rừng:
“Rõ ràng hai bên đang bắt dầu vào một câu chuyện vui, loáng thoáng có tiếng đối đáp ráo riết, rồi sau đó, câu chuyện nở tung ra thành những chuỗi cười giòn giã, quấn quýt bay trong khoảng rừng thưa và sáng”
Về những tình cảm chủ đạo trong anh là cái tâm sự của Lựu trong Ghi chép trên một chặng đường:
“Thật là kỳ diệu, cô đã đến rất nhiều nơi và gặp rất nhiều người, không ai giống ai, nhưng trong nếp suy nghĩ, trong nhân cách, trong khuôn mặt tinh thần của mỗi người cô vẫn thấy nét gì giống nhau. Phải chăng đó là một vẻ đẹp thông minh, một tâm hồn đa cảm, yêu thương sâu sắc và rất khỏe khoắn”
Đỗ Chu đã có một nét mặt tinh thần riêng biệt. Đỗ Chu đã hình thành, như một phong cách, với những chỗ mạnh chỗ yếu rõ rệt. Nhưng thôi - mượn cách nói của Ráng đỏ -, điều thú vị là tiếng nói văn học của anh đã có chỗ đứng trong đời sống tâm hồn nhiều người, cả những người chiến sĩ lẫn những người không mặc áo lính. Tất cả chúng ta đều là những người cùng quê của anh.
1971
Vương Trí Nhàn
Theo https://vuongtrihai.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...