Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Triệu Từ Truyền - Hòn sỏi và giọt nước mắt ta bà

Triệu Từ Truyền - Hòn sỏi 
và giọt nước mắt ta bà
Tôi gọi đó là nợ. Món nợ của hòn sỏi nhỏ Triệu Từ Truyền, trót mang trên người giọt nước mắt ta bà của văn chương. Tập thơ Hạt sứ giả tâm linh* anh vừa đưa tặng có 79 bài, nhưng với tôi hầu như bài nào mang nặng một thứ. Cái thứ bồng bềnh như mây, lãng đãng như khói và mong manh như chút nắng chiều. Cái thứ là tiếng cười, là nước mắt, là những đêm thức trắng, ngày ngẩn ngơ. Là chiếc cầu bắc ngang qua con sông chữ, nhận chìm cả một đời Triệu Từ Truyền ngụp lặn trong đó, để có những vần thơ.
Trước sau vẫn vậy, hồi nào tới giờ vẫn vậy, nó ở trong thơ và nó đi vào đời, bình thản như một chứng nhân, một cơn gió nhẹ thoảng buổi trưa hè… Gọi nó bằng một chữ TÌNH của Triệu Từ Truyền liệu có đủ chăng?... Hay bởi tại cái đa mang của một tâm hồn nghệ sĩ, mà phó mặc cho con tim mình lên tiếng nói.  
Ngay từ ở thập niên 60 thế kỷ trước, thơ tình của chàng trai trẻ Triệu Từ Truyền đã không đơn thuần là những rung cảm của đôi trai gái, nó là sự hòa quyện của con người với chung quanh, nó luôn có sự hiện diện của thế giới mênh mông trong cái không cùng của trời đất, cái thênh thang của tự nhiên và đầy trăn trở của cuộc sống: 
Anh gắn lên môi điếu thuốc chưa đốt
vì không hộp quẹt
nhưng có dòng khói từ trong mũi bay ra
khói của lựu đạn cay
và giọt máu hồng
trên đầu điếu thuốc của anh
Anh nghĩ tới em
điếu thuốc đã tàn
dù không hộp quẹt 
(Điếu Thuốc - 25/11/1964,
Đêm Lên Cơn Dài/ Bộ lạc Mới xuất bản 1965-Saigon)
Cái tình chui vào trong nỗi đau.Nỗi đau hình thành thân phận tuổi trẻ ngày ấy và bây giờ. Cái tình đó cũng “lớn” dần theo thời gian. Nó ám ảnh, nó làm thành những câu hỏi, và Triệu Từ Truyền buộc phải trả lời nó bằng những câu thơ. Những câu thơ luôn ẩn chứa những thắc mắc, những đè nén của cái tình không tuôn cùng một lúc, cho tới bây giờ:
mù sương trôi chân núi
mây đục phủ đầu gành
cúi mình như tàn lụi
trong sợi nước mong manh
đá chồng chất chân thành
phơi lòng ra nắng gió
sao không thấy xuân xanh
mãi bươi tìm dưới cỏ…
(Vườn Xuân – trang 47)
Và cũng từ rất sớm, Triệu Từ Truyền đã mang thơ với ý tưởng là một thứ ngôn ngữ cử động, nó chất chứa ý nghĩa, nhu cầu tâm hồn, u uất siêu hình, mà tiếng nói hằng ngày không biểu hiện, bộc lộ hết được. Khát vọng bày tỏ xuất hiện trong tâm trí như một nhu cầu tự thân:
Tiếng khóc là tiếng hát
Mỗi giọt nước rơi trầm lạnh
Giọt khô buốt giá bay theo
Uất hận hình thành mầm sống
Bi đát trong mỗi tế bào
Ào ra theo từng lời hát
(Sao em khóc ra lời – trang 43)
Nếu coi thơ là phản ánh của vô vàn hiện tượng, là của những ẩn dụ cho tâm trí, thì thơ Triệu Từ Truyền gần gũi hơn, nhưng vẫn không thiếu những thứ mà người đọc phải tự nhốt mình vào trong đó để cùng trăn trở, cùng ngẫm nghĩ:
còn lại bức tường mùa xuân ở hướng đông
chỗ dựa đầm ấm cuối cùng
em nhớ cho
căn phòng không chỉ một bức tường
dù là phòng tân hôn 
(Bốn Bức Tường – trang 87) 
Những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện đi qua thường ngày, nhưng với Triệu Từ Truyền nó ngồn ngộn chất nhân sinh, đầy màu sắc, nó xô đẩy con người về đúng với bản ngã của mình:
… hòn sỏi tịnh tâm bên triền suối lạ
không nhận rong rêu quên hết cao xa
hòn sỏi làm tinh khôi giọt nước ta bà
ngấm hết vào tế bào thiếu phụ
cô gái ấy hồn nhiên giẫm lên suối cạn
tận bây giờ vẫn bước tới một lối xưa
vẫn chìm nổi giữa chốn sạch trơn giọt nước 
(Hòn sỏi và giọt nước mắt ta bà – trang 23) 
hoặc: 
… du tử lang thang khắp cỏi thiên đường
lại quay về chốn vườn tược quê hương
ôm nốt nhạc chạy vòng quanh trái đất
rồi tưới xuống hoa hồng mấy giọt sương…
(Du tử ôm nốt nhạc – trang 24)
Bìa tập thơ Hạt sứ giả tâm linh của Triệu Từ Truyền
Con đường thơ đã định hình, những lý giải rất riêng về tình yêu và tồn vong sinh tử trong một triết thuyết cũng đã đầy ắp những suy tưởng, làm thành một tính nhất quán, đồng hành để chuyên chở và đào xới từng ngõ ngách của tâm thức nhà thơ, rộng hẹp không còn cần thiết nữa, nhưng chắc chắn nó không hề phẳng lặng:
Chắc chắn tế bào trong anh đầy ắp hạt sứ giả của em
Ngược lại tim em tràn ngập từ trường tình anh
Bông cúc vàng rải hạt xuống lòng anh
Mảnh đất lành muôn thuở
Em về đâu đi đâu vẫn không đành
Người tri kỷ xưa sau vẫn vậy
Lá luôn bên cành
Bông sao đành bỏ vườn, mình ơi 
(Nói với mình – trang 124 ) 
Tư duy triết học vào thơ, bắt nguồn từ thực tại, từ những thành tựu của vật lý đương đại và đi từ “thức” tới “tâm” một cách mê hoặc, một cái nhìn mới về thế giới quan, cái ràng buộc giữa người và người, hạnh phúc hay khổ đau luôn có sẵn một tương quan và gắn kết hiển nhiên bằng những tương tác, tất nhiên là mọi chuyện còn ở phía trước và nhà thơ vẫn an nhiên đi tới: 
… mắt hoang dại và môi cười son nắng sớm
bàn tay nồng nàn bờ vai dốc đồi
em tương tác bóng với hình
cho quang tử đi hoang cuộc đời nắng ấm
giữa thung lũng cỏ xanh mướt tuổi
mùa hạ buồn tan vào khoảng không ngoài mắt lưới
còn lại mùa thu tiếc nuối
em nhả ra bóng em trong vũ trụ sáng
hình em trong vũ trụ tối phải không 
(Ảo giác mùa xuân – trang 61)
Ngày lại ngày và thơ tiếp nối, có lúc quá khứ tràn về, hiện tại ngây ngô đứng nhìn và tương lai chập chờn ẩn hiện, rồi đan quyện vào nhau:
… hiện tại trôi vào anh theo ngụm cà phê
dĩ vãng đọng trong bình trà cạn nước
tương lai sủi bọt đẩy nút chai rượu
xoay tròn trên chiếc mâm con một phiến đời
lùi xa chỉ là chấm sáng
hạt năng lượng của ái ân
(Chấm sáng – trang 189 ) 
Nắng tháng ba bỏng cháy, ngày ngùn ngụt khói, ngồi đọc “Hạt sứ giả tâm linh” như tự thưởng cho mình một ly nước mát. Những vô tri biến lặng, những phồn thực bốc hơi, những nghi toan gai góc nhường chỗ cho yêu thương dàn trãi, cho ngôn ngữ thả rong bơi lội trên dòng sông chữ nghĩa:
… mặt một khuôn mắt buồn môi ướt
giống hệt nhau nên cuốn hút không rời
tri kỷ tâm hồn tri âm thân xác
giữa hoang mạc đôi du tử long nhong
anh phiêu bạt không còn biết tuổi
em lăn tròn không đếm thời gian
hai ổ cỏ trên đường chân trời 
(Cỏ long nhong – trang 183) 
Thơ là mộng tưởng, nhưng là cái mộng tưởng bắt đầu từ cái thực, cho bài thơ mang mãi một hình ảnh, một cảm xúc rất thực. Em là ai?Em từ đâu đến? Vô nghĩa chăng khi nó được nhìn từ phía trái tim: 
anh tổng hòa bao số phận bi thương
em nói hiểu anh cớ gì ghẹo chọc
biết ngồi đâu đưng đâu chốn vô thường
đành phiêu lãng với hành trang văn học
biết có ngày anh đụng với big bang
vụ nổ lớn cho cuộc tình kỳ dị
tình chữ nghĩa nào có giấy kết hôn
ai làm vợ - ai hồng nhan tri kỷ…
(Tình chữ nghĩa – trang 5)
Những câu thơ dễ làm ngẩn ngơ và điếng lòng bởi cái điều tưởng chừng như rất tự nhiên của nó, đọc và thấy thấp thoáng mơ hồ phía sau nó những cái bóng, cái trãi dài của những hình ảnh, những thân phận, có khác chăng là càng đọc cái bóng càng rỏ hơn một chút, thay đổi đi một chút, gần gũi hơn một chút và nỗi cảm thông càng chất chồng lên nhiều hơn. Những câu thơ mang cái nhìn lạ mà quen. Cái nhìn từ nguồn cội bao dung của thơ mà có. Nó không phải nhìn từ những thứ ở trước mắt. Mà như ở một nơi cao và xa vời vợi, ở một nơi chỉ có ta và cô đơn làm bạn, ngửa mặt thấy trời, cúi xuống thấy cái tình rơi rụng, thấy cái bản ngã phơi bày, và những câu thơ lắc rắc như những hạt mưa phùn thấm lên áo những da diết yêu thương:
năm đi qua tôi còn đi lại
em đi ra khỏi câu chữ tới đây
rồi tặng tôi bầy từ hoang dại
lùa hết vào những tứ thơ bay
em viết như rải hạt muôn nơi
hạt tan ra sóng vỗ tim tôi
rồi tặng tôi bầy từ hoang dại
lớn ngược thời gian đường về nôi
… em tặng mỗi bông hồng vàng hư thực
con chim khách buồn khóc với đàn én vây quanh
thẹn với tiếng hót chính mình 
(Tình lạ - trang 8)
Luôn có những giằng co, những lý giải trong quá nhiều va chạm của dòng đời, những rung động vô tình mà ào ạt dậy sóng. Nhưng cũng sẽ vô cùng lạc lõng nếu như không có những rung cảm thực sự, những kết dính vô bờ, hạnh phúc và khổ đau đan chen miên viễn:
dây buộc ràng hình thành vũ trụ
đời xích gần đời cũng đẩy xa
phi lý chạy quanh nhân nguyên tử
ngõ hẹp bất ngờ hóa bao la
… tịnh tâm giữa rừng già giục giã
đau khổ triền miên mãi định danh
hạnh phúc làm nên hạt sứ giả
đến và đi luân chuyển nguyên lành 
(Nối kết – trang 137)
Cái đẹp có từ đâu nếu không phải từ cái nhìn, cái vàng vọt hay êm ả của chiều sắp tắt, cái cô quạnh hay ấm nồng của đêm cũng từ đó mà ra.Vậy thì còn hỏi tại sao yêu là hỏi thừa. Em là quỷ ma hay thần thánh, là thiên đàng hay địa ngục.Nhà thơ vẫn dành một chỗ đẹp nhất, êm ái nhất, và vĩnh viễn với Triệu Từ truyền em là thánh nữ. Thánh nữ ở trong thơ và ở trong người:
… nhớ đồng bằng êm đềm
nhẩm thơ giữa lặng im:
“nếu em là thánh nữ
anh xin chết vì em”
mù mịt làn sương dữ
đọc thơ như niệm chú
“địa ngục anh cũng tìm
nếu em là quỷ sứ”
… em lắc quả chuông tim
lồng ngực anh vang động
thánh nữ mãi là em
thánh nữ đỉnh kỳ vọng 
(Thánh nữ - trang 113)
Thơ có lúc như thầm thì, như kể, như tâm sự với chính mình, có lúc lại mênh mang, như soi rọi như nhắn nhủ với những tận cùng sâu thẳm nhất. Không có những mãng màu sặc sỡ, không có những điểm trang làm dáng, khuôn mặt thô mộc của chữ cứ hiện ra bủa vây, nặng trĩu và đỏ ối hạt cà phê ngày mùa trên cao nguyên:
cà phê chín đỏ vùng cao Đông bắc
từng bước đi đếm hạt nhớ em
sương lạnh túm chặt núi đồi
hiện ra đồng bằng Tây nam lạnh ngắt
ảo giác rồi rơi nước mắt
nhớ vườn hoa Nam bộ rộ mùa bông
em tưới vườn mừng độ Tết
… dáng em ẩn hiện trong dãy lụa mù sương
tưới vườn bông nhiệt đới
luôn ấm nồng gần xích đạo hơn anh
có một ngày bão tới
đừng nói em lạnh lắm nghe anh 
(Suối vô cảm – trang 120)
Mộng du của yêu thương là hạnh phúc, là hành trình đi về của những bến bờ quen thuộc, không có nó thơ chỉ còn là con ngưa thồ già nua, mệt mỏi kéo chiếc xe chở đầy những ưu tư, khắc khoải. Không có nó thơ chỉ còn là người lữ khách cô độc trong bóng tối của con đường dài thăm thẳm, những giấc mơ đêm biến dạng, và ngày nhọn hoắc chực chờ những vết đâm đau nhói: 
… cây cỏ bên nhà không chỉ sống tự nhiên
chúng luôn thấm đẫm tình người nồng thắm
nụ hoa biếc sẽ chia lòng xao xuyến
hạnh phúc trong em sưởi ấm nụ hoa buồn
người đã tới dù không còn chim khách
bây giờ mỗi đốm hồng gặm nhấm trên nền xanh
tia lửa nào phát sáng từ anh
thắp một chân trời hoa trổ 
(Trổ bông – trang 132)
Thơ yêu em từ thuở hồng hoang, thuở du mục dựng lều nghêu ngao cùng thế sự, đuổi bắt nhớ nhung trên những đồng cỏ bạt ngàn, ngửa cổ đón cơn mưa phùn rã rích những thanh âm êm ái mà tha thiết đến tận cùng: 
anh muốn tan ra hằng tỉ electron
chạy thi cùng hạt ánh sáng
rớt vào mắt em
hòa vào máu em
cho ngày ấy vĩnh hằng
… em ở đó mùa xuân thấm lạnh
đặt tên giùm anh cánh dã quỳ tội nghiệp
là tên nỗi nhớ nhung 
(Trên đỉnh nhớ nhung - 118) 
Quy luật của một kiếp người bày sẵn, muốn hay không muốn mà được đâu. Quay đầu nhìn lại chếnh choáng những cơn say, thơ mộng cũ nép mình nhường chỗ cho buồn vui, cho dằn vặt với những bước đi đầy rẫy những cung bậc thăng trầm, khi “Khép một vòng tròn” bước qua khỏi tuổi sáu mươi:
… số không của sáu mươi năm
của thế kỷ phương đông
anh ném váo canh bạc đời sạch túi thời gian
… ngày sinh nhật trong bảo tàng
anh đứng bên ngai vàng triển lãm
như nhốt một sinh vật vào Thảo cầm viên
con sư tử già rống lên đừng tuyệt vọng
chiếc ghế uy nghi mong hóa kiếp tro tàn…
(Khép một vòng tròn – trang 104) 
Và càng không thể làm ngơ, không thể quên đi vách núi dựng đứng, bờ vực sâu thẳm, những nhịp điệu chát chúa, với những khoảng không mờ nhạt và tiếng gào âm vọng của một thời:
đôi mắt sư tử già ngấn lệ
đẩy mỗi hòn đá nhỏ không xong
cát sa mạc trùm lên quá tệ
phóng một mình chưa thoát bão giông
… đã tới lúc sải bước độc hành
sa mạc bao la thân mong manh
chút lệ này đừng cho là khóc
tiễn trần gian một kiếp tung hoành
(Sư tử độc hành – trang 18) 
Thôi thì cứ tạm bằng lòng với chừng đó. Không thể viết hay nói về “ một đời thơ, một đời người” chỉ bằng vài dòng ngắn ngủi qua vài mươi bài thơ ít ỏi. Thiếu sót là chuyện tất nhiên. Chi bằng gấp tập thơ lại, trả cho không gian cái tĩnh lặng cố hữu. Và tôi cũng sẽ im lặng. Im lặng để soi rọi lại chính mình trong cái hổn quan thường nhật, để chia tay với phù phiếm và bỏ qua những lạc điệu vốn có. Im lặng để được trò chuyện với giới quan khác, với những hồi ức và trăn trở: 
anh cưỡi cá Hô bơi qua Sa Đéc
tiếng khóc sơ sinh ngược nước về Himalaya
chìm trong suối thở
lặng trong thác gào
lúc đất trời ân ái đầu nguồn Me Kong
… anh cưỡi cá Hô nhớ thuở lên năm
băng qua Cửu Long bằng xuồng tam bản
anh hay cá mắc cạn
bên dòng lịch sử hay dòng sông
(Trò chuyện với cá Hô – trang 54)
Im lặng để được nhìn thấy ở đâu đó, có một hòn sỏi nhỏ nằm trơ vơ bên bờ suối cạn, đang cười ngạo nghễ với giọt nước mắt ta bà như có như không…
* Hạt sứ giả tâm linh - tập thơ Triệu Từ Truyền; bìa: Tương tác nhân sinh, tranh sơn dầu 2005, Triệu Từ Truyền; Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2015.
Tháng 3.2015
Ngô Đình Hải
 Nguồn: nhavantphcm
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…...