Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Đồng dao cho người lớn

Đồng dao cho người lớn 
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội, 1994
Tựa
Thế giới hiện đại ưa chuộng một gã người có bộ mặt bông đùa dễ thương, gọi là Homo ludus, Người Ham Chơi. Khác với những tiền bối của nó là Người Làm (Homo fabien) và Người Biết (Homo sapien) vốn đã có mặt từ văn hóa nhân loại cổ xưa. Người Ham Chơi cũng Làm, cũng Biết thông thái mọi điều. Nhưng gã lại là một tay giang hồ khí cốt, nhìn đời như một khu vườn hoan lạc, nơi đó gã sa đà theo những cuộc vui với một tâm thức cóc cần nhẹ nhõm. Cũng có người nhăn nhó khi nói đến gã, nhưng gã không bận tâm về điều ấy: Người Ham Chơi lãng đãng giữa cõi đời cũng là để làm nhẹ bớt căn bệnh hay cau mặt của những kẻ thích tỏ ra nghiêm nghị.
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN, theo cảm nhận của tôi, là tiếng hát ngu ngơ của Người Ham Chơi. Đồng dao lũ giang hồ đàng đúm đông hơn họp, đồng dao đêm cộng cảm nhảy múa với ma, đồng dao tượng mồ khoe Âm khoe Dương, cánh cửa phòng mở ra khép lại, cuộc tình bên miệng núi lửa, hoặc tiếng mèo rên lạnh buốt linh hồn. Đồng dao lang thang. Đồng dao rượu. Đồng dao em. Và đồng dao chợt nhiên cánh hoa đào rơi lặng im trong giấc ngủ… Người Ham Chơi ta bà qua bao nhiêu nẻo đường không tên của trần gian, đi xuyên đá để tới bên vực thẳm của phế tích, và đến cùng kiệt gã theo tờ lịch mỏng manh nhảy vào kiếp luân hồi.
Cuộc phiêu du của tâm linh tự do trước những ngã ba ngã tư bất ngờ được Nguyễn Trọng Tạo thuật lại bằng giọng lịch lãm bẩm sinh của con người Ham Chơi, với nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch và những ý tưởng ngu ngơ nhưng thông minh lạ thường. Ừ thì vậy, “chia cho em một đời say - một cây si/ với/ một cây bồ đề”. Đừng hỏi ta sao đem chia cây cối cho em làm gì, ta đâu có biết, có thể nhiều đ6m say ta đã ngủ bên đường...
Nhớ lại mười lăm năm trước, tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo trên báo Văn Nghệ, qua một bài thơ rất hay, với điệp khúc nhắc lại nhiều lần về một điều:
thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
câu trả lời thật không dễ dàng chi
Bài thơ đó làm nhiều người khác khó chịu, bởi nó đã đụng đến nhiều thứ ngụy tín dầm dề của một thời. Riêng tôi, tôi thích thú giọng bông đùa tưởng như rất dễ dàng của nhà thơ lính hơn chục năm chiến trận này, để nói những điều nghiêm trọng thường khiến những người không thích đùa phải cau mặt. Nhớ một câu của Tùng Thiện Vương khen thơ Nguyễn Hàm Ninh rằng: “Cười một hơi mà thành ra bài thơ, không hề thấy câu chạm trổ đẽo gọt ở chỗ nào”:
Đọc lại Nguyễn Trọng Tạo qua những bài ĐỒNG DAO đây, tôi nhận ra rằng quả thực mười lăm năm qua, nhà thơ vẫn không đổi giọng, chỉ thêm là bây giờ tôi đã gọi đúng tên chàng, Người Ham Chơi.
Nhưng không ai có thể dông dài suốt cuộc đời mình, và Người Ham Chơi có lúc cũng phải quay về.
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương mộ Tổ
biết bao giờ về…
Ở thời điểm khuya khoắt đó, thi sĩ chợt khám phá ra nỗi cô đơn nguyên thủy của con người, rằng Người Ham Chơi chỉ là hiện thân của Ý thức lưu lạc. Người Ham Chơi bao giờ cũng giữ riêng cho mình một Cõi Nhớ, nhớ về một cái gì đã mất, và lầm lũi đi tìm. Dù đó chỉ là chiếc trâm Cỏ Thi em đã cài tóc thuở lòng còn khát vọng, và dù ta “rồi cũng khóc như em, khóc cho điều đã mất”. Chính giọt nước mắt rơi xuống cỏ giống như giọt sương hiếm hoi rốt cuộc đã bộc lộ một chút gì trong trẻo muôn đời vẫn thuộc về căn cốt của giống nòi thi sĩ:
nhưng tôi người cầm bút, than ôi
không thể không tin gì mà viết…
Huế, Mùa Hạ 1994
Hoàng Phủ Ngọc Tường
1. lưu lạc
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
1992
TIN THÌ TIN KHÔNG TIN THÌ THÔI
bốn lăm bậc thời gian dốc ngược
tôi đã vượt qua
em cách một sợi tơ
tôi đã không qua được
tin thì tin không tin thì thôi
tôi đã tới hang động yến sào tôi đã thèm ăn yến
vậy mà chưa được nếm bao giờ
hàng quốc cấm
nghe nói từ xưa làm vua sướng lắm
mà đôi khi tôi cũng sợ làm vua
tin thì tin không tin thì thôi
có anh hề đã nói với tôi
– đời thằng hề buồn lắm anh ơi
và tôi đã khóc
tin thì tin không tin thì thôi
nhưng tôi người cầm bút, than ôi
không thể không tin gì mà viết.
tin thì tin không tin thì thôi!
1991
TÁI DIỄN
bệnh dạ dày tái diễn những cơn đau
trái đất toát mồ hôi tái diễn trò súng đạn
kẻ tái diễn những vinh quang nhàm chán
người ngửa tay tái diễn nỗi buồn câm
tôi trở lại cơ quan gặp nụ cười ẩm mốc
chuột quá nhiều chuột chẳng chịu giảm biên
tôi trở lại dòng sông bờ Cỏ Thi xanh mướt
xưa em đánh mất trâm giờ lặng lẽ tìm tôi
rồi cũng khóc như em khóc cho điều đã mất
trâm Cỏ Thi. ừ nhỉ, cỏ thôi mà
nhưng nước mắt… cũng như em, tôi đã
thêm một lần tái diễn trước cỏ hoa…
17.3.1993
ĐÊM CỔ ĐIỂN
sau Rock Rap nổ tung nhịp điệu
sẽ còn gì điên cuồng ơi
tôi mặc lại complet cravat
symphonie cổ điển tấu lên rồi
hoa đã tặng. Người đã không còn nữa
em đã yêu. Em đã bỏ tôi đi
sẽ dở hơi nếu là tôi khóc
nhưng cười vui thì tôi sẽ còn gì
còn Rock rap hay còn đêm cổ điển
điên cuồng ơi mơ mộng bỏ tôi rồi
niềm Hy Vọng vẫn chưa hề lụi tắt
khi bên chồng em lại nhớ về tôi…
1993
SONNÊ KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC
ngơ ngác rơi giọt nước mắt cuối năm không rõ buồn vui
xe chậm lại trên đường không rõ về nơi chốn nào
tung tăng thanh xuân trôi ngược chiều
phút chốc mộng du lên phiêu diêu
mặt trời vầng trăng ngôi sao mắt ướt
ngực núi phồng căng dòng sông duỗi chân vào bao la
một bài ca xa thật xa tận miền quê ấu thơ
ta đây ư? em của ta đấy ư?…
những lèn đá marathon truyền thanh câu hỏi
mọi sự giản đơn đều bất lực
ta thèm bài thơ tấm ảnh bức tranh không hiểu hết
rồi mùa xuân sẽ qua thanh xuân không lặp lại
thuốc trường sinh đồng lõa với dối lừa
cây-mười-hai-cành chết rồi sao bóng râm cứ còn mãi trong Thơ?
12.1993
CÁI ĐẸP SÁU NGÓN
Tặng Đà Linh và Thanh Thảo
không có số đo chuẩn mực cho tình yêu buồn thương thù hận
anh viết văn làm thơ theo chuẩn mực nào đây
nàng sẽ để tuột anh nếu tay nàng năm ngón
ôi nhân loại giống nhau đời thật là nhàm chán
làm sao mang cố tật lại cho người
anh thích hoa dại trong rừng kẻ thích cây cảnh đầu sân
cái ngón tay thừa ra ấn trúng nốt đàn vàng
anh nhận cảm bầu trời qua sáu ngón
rùng mình mùa xuân tua tủa cỏ non…
12.12.1993
BÓNG
không trắng không xanh không đen
hắn lờn lợt không đời không đạo
không xuân không hạ không thu
không nóng lạnh hắn cũng không âm ấm
hắn là hắn hắn chính là chiếc bóng
không âm thanh không màu sắc không buồn vui
thế mà hắn suốt đời sát kề tôi
không xóa được tôi đành chào thua hắn
tôi đã chào thua khối người như chiếc bóng…
1992
MỘNG DU
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang đường phố
cây thả xuống ta lá vàng
gió thả xuống ta mù sương
trộm cắp đâm nhau dưới đèn mờ
xích lô máu me cấp cứu
tham nhũng nâng ly mừng thắng lớn
ú ớ nói mơ người đói không nhà
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang rừng già
những người lính năm xưa sống dậy bao vây ta
người thủng tim người thủng đầu
người cụt chân người cụt tay
người bên ta người bên địch
những viên đạn rỉ dét ánh lên màu vàng chói chang
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang mây trời
Ngọc Hoàng ngủ gật
Chúa một bên và Phật một bên
những nhà thơ chìm đắm biển thơ tình
những nhà báo xô vào ga đĩa bay
những con cóc cổ dài kêu khản tiếng
trong giấc ngủ ta thấy lang thang thế giới
mặt nạ bày bán khắp nơi
trên sân bay trên xe con trên bàn tròn bàn vuông
bàn chữ U bàn chữ nhật
trên đạn bom trên lợi nhuận
trên âm mưu mong cứu rỗi con người
trong giấc ngủ ta thấy ta lang thang xa vời
những xanh hồng vàng tím
ôi thiên nhiên
thiên nhiên quay cuồng hoan lạc
chẳng lẽ ngươi
đang sinh ra những đứa trẻ vô vi?
27.7.1991
BÁ KIẾN THỜI HIỆN ĐẠI
Tặng Chí Phèo, Thị Nở
khát uống đói ăn mỏi nằm mệt nghỉ
nay ta đủ đầy mời ngay anh Chí
bia ngoại rượu tây anh uống tối ngày
quanh năm suốt tháng vịt tần gà quay
ăn đẫy uống say sẵn bày nơi chốn
nhà ta bốn lầu mời anh lầu bốn
chỉ thương Thị Nở trôi dạt trời tây
bán mình nuôi miệng xanh xao mặt mày
rồi sẽ có ngày Thị quay trở lại
cho anh bốn lầu tha hồ thoải mái!
1993
NGHIỀN NGẪM
người ta nói: 
gương mặt con người là mảnh đất
khám phá không bao giờ biết chán
người ta cũng nói: nhìn mặt buồn nôn
em lộng lẫy mộng mơ giờ nhàu nát bên đường
anh là kẻ vớt trăng bao lần trăng vỡ nát
người ta nói: con số không đấy chính là sa mạc
người ta cũng nói: quá khứ hiện tại tương lai
đồng hiện trên cát mênh mông
sao anh bỗng thèm chết đuối cùng trăng
đừng ai vớt, đừng hoan hô đả đảo…
12.11.1993
ĐÊM CỘNG CẢM
múa hát với ma đêm nay ăn uống với ma đêm
nay ngủ với ma đêm nay
ngày mai vĩnh viễn chia tay
nhà ta đã làm cho ma trâu ta đã giết cho ma
ngày mai gạo ta sẽ rắc ngày mai gà con ta sẽ thả
ngày mai chỉ còn bên ma những tượng mồ
đêm ái ân lần cuối
đêm cộng cảm sáo đàn cồng chiên trống cái
lục lạc rung dây chuỗi tiếng hú dài
rồi những con quỷ đen vui nhộn sẽ ngủ vùi
những ghè rượu cần sẽ nhạt
rồi sừng trâu sẽ treo trước cây nêu rồi mặt trời sẽ mọc
đừng trách gì nhau đừng nhớ gì nhau…
múa hát với ma đêm nay ăn uống với ma đêm
nay ngủ với ma đêm nay
ngày mai vĩnh viễn chia tay!
27.2.1994
TƯỢNG MỒ
đàn bà khoe Âm đàn ông khoe Dương
hài nhi người già ôm mặt buồn thương
đây vợ địu con đây chồng săn bắn
chim cú chim cu gật gù hoang vắng
nhà mồ im ắng lẳng lặng bóng người
hồn ma lang thang về nơi cuối trời
chỉ còn tượng mồ phủ đầy lá dại
chỉ còn thời gian nắng mưa dầu dãi
chỉ còn Bana Êđê Gairai
tượng mồ tượng mồ rữa mục hồn ai…
2.1994
CẢM GIÁC BIỂN HỒ
HAY LÀ THƠ BÊN MIỆNG NÚI LỬA
rơi vào miệng núi lửa bao giờ mà anh không hay
toàn thân ngập chìm hun hút
ngỡ bên kia cũng đầy trời đầy nước
nước ừng ực anh nước đẩy tung anh
anh nặng như núi anh nhẹ như mây
răng rắc vặn mình lim cổ thụ
giông giữa ngày xuân bão giữa ngày hè
cao nguyên ngả nghiêng sụt lở
anh nín thở đến kiệt cùng máu ứa
cột lửa phun nham thạch phì nhiêu
rồi chết lịm trong vỗ về mơn trớn
mười ngón dài thon của gió chiều…
26.2.1994
RƯỢU CẦN
cũng liều uống rượu cùng em
bởi chưng người đẹp lại thêm rượu cần
cái ghè rượu hóa chứng nhân
chúng mình mỗi đứa một cần vít cong
một can (*) cho má em hồng
hai can anh đã vội trồng cây si
ba can đừng bỏ anh đi
anh buồn. Ghè rượu có khi lây buồn
bốn can anh muốn chết luôn
năm can… em đã thúc dồn sáu can
đã liều chết cũng chẳng oan
bảy can anh uống. Em van anh rồi
thôi thì một can hai người
hai đôi môi khát một thời tìm nhau
chín can… rượu chẳng còn đâu
còn em hóa rượu. Cúi đầu, anh say…
1994
* can: đơn vị đo làm bằng que nứa
MÙA THU ÁO ẤM
đồi núi. Thông xanh. Villa. Biệt thự
áo ấm. Dù hoa. Má đỏ. Tóc mềm
những con đường. Những con đường. Cao. Thấp
ngày bốn mùa. Đà Lạt. Chập chùng. Em
em cười nói tự thuở nào thác đổ
Langbian. Nghiêng. Thung lũng Tình yêu
ôi sự sống nơi đỉnh trời chân cỏ
thoáng heo may. Nghe mình chợt sang chiều
tôi bè bạn cùng mùa rau xứ lạnh
cùng cải chua. Cà muối. Khô nai
cùng rượu chát
cùng đớn đau thông rụng
giọng buồn tôi run rẩy phát qua đài
rồi xa lắc. Bỏ một trời nhung nhớ
ơi mùa thu áo ấm đã mặc chung
rồi biền biệt. Hoa vàng như hơi thở
mimoza. Giọt nắng. Có theo cùng?…
11.9.1989
QUI NHƠN KHÔNG ĐỀ
con đường Mỹ Thổi đầm thành phố
bia ngoại rượu tây em dịch vụ
đổ thêm xăng Qui Nhơn gọi đi
nhỏ của anh giờ đã phát phì
nhỏ của anh nói cười như bà lớn
tiếng cổng sắt xa dần nghe rờn rợn
hoa li vàng mùa hạ đã xa xôi
đường nở trắng một màu hoa trứng cá
anh nín thở vòng qua eo Nín Thở
biển xanh hiền trăng thi sĩ lên ngôi…
6.1992 
CẦM LÒNG
cho Ban và Hùng
cầm lòng thôi khỏi khóc cười
có người nuôi nhớ bởi người nuôi quên
cầm lòng rời bến ơi thuyền
thuyền xa bến hẹn sông hiền sóng ngoan
cầm lòng một mái thời gian
một đèn lẻ bóng một trang động tình
người về Hà Tĩnh xa Vinh
nửa thân ngoài nớ nửa mình trong ni…
cầm lòng sao cứ vân vi
mây thì nặng trĩu núi thì nhẹ tênh…
1993
HƯƠNG SƠN
viên sỏi hồng nốt ruồi son đáy sông
em là dòng Ngàn Phố gương trăng đêm hè năm Tân Hợi
con đò quay như chiếc lá tre đen
ném cho nhau một vốc vàng trăng
đêm gửi nhòe sương đôi bờ cỏ mượt
một lần trao nhau rồi biền biệt
em hươu sao ngoan hiền bên suối diêm sinh
đừng trách chiến tranh
trách anh vô tình
bỏ em yếu mềm bị thương bên suối cạn
anh trở lại lơ ngơ em hai lần thị trấn
viên sỏi hồng mùa lũ cuốn nơi nao
hươu sao hươu sao
Nầm Sơn Châu Phố
Từ Thức hoàn Trần làm khách lạ người xưa…
1993
ĂNG-KO
bay trên đá và đi trong đá
ôi Ăng-ko! làm sao hiểu nổi người
những nghệ nhân đã chết tự lâu rồi
người sau đến đôi mắt tròn ngơ ngác
ngỡ núi đá được đẽo thành ngọn tháp
và đá mềm như đất dẻo… Ngày xưa
Apxara những vũ nữ Hoàng Gia
dính vào đá trong giữa chừng điệu múa
bay trên đá và đi trong đá
ôi Ăng-ko! làm sao hiểu nổi Người
chàng Bayon bốn mặt cứ nở cười
nụ cười đá nói gì cùng du khách
mưa đọng giọt bỗng tạt vào khóe mắt
đá buồn vui bí mật tự bao đời
nghe âm u tiếng gió đá thở dài
nghe rần rật lửa bừng trong đá cháy
qua cửa sổ máy bay tôi nhìn thấy
dáng tôi đi trong ruột đá không cùng
tôi đi từ Địa ngục tới Thiên đường
từ Xác đá tới Linh hồn của đá
ôi Ăng-ko! thăng trầm bao thế kỷ
đỉnh máu xương hóa đá dựng lâu đài
Người từ đâu?
và Người chính là ai?
tôi hỏi đá. Đá mỉm cười tin cậy…
Xiêmriệp 3.9.1989
THỜI GIAN 1
ngày bóc tờ lịch
gián vào đời tôi
ngày bóc đời tôi
ném vào đen đỏ
rồi thua xanh cỏ
rồi tóc trắng vôi
rồi thua ngọn gió
một trời rong chơi
vẫn bóc vẫn gián
vẫn đầy vẫn vơi
còn tôi cái lõi
ngày bóc luôn rồi
còn chi bóc nữa?
hãy bóc hồn tôi
tôi thành tờ lịch
bóc sang Luân hồi…
Nguyên đán Qúy Dậu
THỜI GIAN 2
từng giọt thời gian ngưng thành mai vàng
tích tắc nhịp tim sao ta bàng hoàng
ôi xuân đã sang mà người chẳng tới
từng hạt thời gian gieo vàng mong đợi
mùa xuân mời cưới lấy ai đi cùng
ta đi một mình thời gian mông lung
nay còn trẻ trung mai đà bạc tóc
từng giọt thời gian ứa tràn khóe mắt
thôi người đừng khóc rụng rơi bông vàng
buồn vui làm ngọc kết thành thời gian…
Nguyên đán Giáp Tuất
KHÓI CAY
buồn đốt hết ngày
đêm dày tàn tro
buồn đốt bài thơ
bài thơ thành khói nào ngờ… khói cay
12.1993
TỰ VẤN
ngày vung vãi đức tin
đêm gặp mình đơn độc
ranh khôn giữa muôn nghìn
trở về thành thằng ngốc
mướn niềm vui kẻ khác
có gì như tham lam
mướn nỗi buồn kẻ khác
có gì như nhàm nhàm
cây khế nở hoa cam
cây bàng nở hoa bưởi
ăn mãi món mật ong
biết đâu đời đắng lưỡi?
11.1991
CẢM THÔNG
mùa xuân mặc áo màu gì
mà xanh biếc lá thầm thì cùng hoa
mà em áo rách không nhà
lang thang chợ vắng sân ga không tàu
mình anh khoác cả nỗi đau
ngày xuân mưa rắc lên đầu muối tiêu
giật mình nghe tiếng pháo kêu
em ơi nhặt pháo được nhiều không em
túi anh còn một bao diêm
một đòn bánh tét nào em lại cùng
xòe diêm nổ qua pháo đùng
cùng nhau tét bánh. Ngại ngùng làm chi
mùa xuân mặc áo màu gì
bánh thì áo lá pháo thì áo hoa…
1993
CÓ KHI
có khi nắng chết trong màu lá
mẹ nhặt về nhen ngọn lửa chiều
có khi mưa chết trong đất khát
em gặp mùa hoa tặng người yêu
có khi bài hát xa xưa quá
bỗng đến bất ngờ an ủi ta
và em thuở ấy đi biệt xứ
sao lại về đây. Lấp lánh. Và
mưa trắng đường mưa nắng ngất ngư
ai đem lụa trải tận xa mờ
có khi người chết nghìn năm trước
hồn vẫn bồng bềnh những giấc mơ.
Bên mộ Hàn Mặc Tử, 1993
XỨ ĐẦU TIÊN
không giờ ngày đầu tiên tháng đầu tiên năm đầu tiên
rùng rùng pháo nổ
tôi ngạc nhiên tái sinh
oa oa cây cỏ
không gian trắng tinh khôi lót tã
môi chúm chím đào son đầu xòe mũ mai vàng
những sợi mưa đầu tiên vương vương giêng sang
ngày mới nguyên giấy bạc
trẻ con nói cười người lớn chào mời
như chưa hề tủi cực
nguyên đán thiên đường mặt đất
A-MEN!
ly rượu mừng ngấm men
người nhẹ tâng rụng rơi thù hận
nhớ câu thơ bỏ quên
vui nỗi buồn quá vãng
mang trái tim đi một vòng bè bạn
nhặt bao nhiêu tươi đẹp dọc hành trình
tươi đẹp dâng xứ đầu tiên mơ mộng
thấy Chúa cười trên thánh giá đóng đinh…
1993
LƯU LẠC
lạc vào kinh kệ
u mê chiều tà
lạc vào quyền chức
kiếp nào gỡ ra
con đường thì xa
chỉ tay mạng nhện
ta lạc ngoài ta
đi hoài không đến
một băng nhạc sến
ướt chùng chiều mưa
có một gã thừa
lạc vào nhăng nhố
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương Mộ Tổ
biết bao giờ về…
25.7.1991
2. cõi nhớ
SONNÊ BUỒN
xin gọi tên Em là Buồn
Buồn ơi buồn hỡi ngọn nguồn Buồn đâu
Buồn mồ côi đã từ lâu
đời ta rồi cũng bạc đầu vì thương
là khi tỉnh giấc trong đêm
một mình ta thấy ngồi bên: Nỗi Buồn
là khi cạn một ly tràn
đáy ly ta lại thấy làn mi xanh
mi xanh Buồn cứ long lanh
gặp long lanh thấy mong manh là Buồn
buồn đừng đi! Buồn đừng tan!
mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi
Buồn ơi Buồn có thương tôi
đừng làm tôi phải mồ côi Nỗi Buồn!…
1989
THIÊN THẦN
em mười chín tuổi nghìn năm trước
sao đến bây giờ mới hai mươi
môi mềm ngực nõn vòng tay xiết
anh là đá tảng cũng tan thôi
cứ tưởng một lần cho đỡ khát
nào ngờ bùa ngải lú trời xanh
nghìn sau gặp lại… em hăm mốt
môi ngực vòng tay vẫn thiên thần.
1991
CỎ VÀ MƯA
em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ
cỏ uống mưa run rẩy
cỏ đang thì
mưa rào đến rồi đi
cỏ xanh niềm ngơ ngác
ta biệt em
lớ ngớ chẳng hẹn gì.
Biệt Điện, 2.5.1991
KHÔNG DƯNG
không dưng em khóc dưới cội me
không dưng tôi dừng lại lắng nghe
không dưng tiếng vạc kêu thảm thiết
không dưng đang vui, buồn ly biệt
không dưng tôi gửi một tờ thư
rồi thư bặt tin theo sương mù
không dưng hoa lý thơm vào tối
chợt nhớ một người không nhớ tuổi
ra khỏi cổng rồi tôi đi đâu
không dưng lá me vương mái đầu…
1992
CÕI NHỚ
Tặng Phan Lạc Hoa, 
Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
ta như chai rượu đã cạn rồi
cốc chén buồn tênh úp trên đĩa
ta như bình gốm chẳng hoa tươi
câu thơ bạn viết cho ta yêu
bài ca cho ta có sông Cầu
giọng hát xôn xao niềm câm lặng
gặp gỡ cho ta thêm nhớ nhau
bạn bè ơi, nếu mà không các bạn
những lúc lang thang ta về đâu
không nơi để Nhớ- nghèo biết mấy
ta như sao lạc giữa ban ngày
trái tim bạn giữ cho ta đây
niềm vui bạn giữ cho ta đây
nước mắt bạn giữ cho ta đây
giữ cho ta Cỏ với trời mây
bạn bè ơi, hãy thương nhiều thương mãi
thương niềm vui thương buồn đau
thêm lần nâng chén, nào các bạn
mai rồi bạc tóc đi tìm nhau!
Hà Nội, 1981
KHÔNG ĐỀ CHO ĐỖ TOÀN
mưa bay gió lạnh đầy trời
một đời thi sĩ mấy đời lang thang
ta làm khách trọ thời gian
con đường hè phố quán hàng bóng cây
ta làm khách trọ em đây
tình yêu mà ngỡ như cây sống nhờ
ta làm khách trọ bài thơ
chưa tan men rượu sững sờ chiêm bao
biết tìm gõ cánh cửa nào
vô tình gió lạnh lách vào đáy tim
giữa bao còn mất vui phiền
câu thơ dang dở que diêm cuối cùng…
1983
HUẾ 1
sông Hương hóa rượu ta đến uống
ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say
1982
HUẾ 2
về Huế sao thèm thơ Nguyễn Bính
hoàng thành còn đó cung nữ không
áo dơi quần thụng đi ra phố
xe cub xe con phả khói nồng
sông Hương se lạnh chừng co lại
phố phường xộn xạo chợ lấn bờ
rượu ngon quán Mệ người thưa uống
bia nổ nhà hàng nhạt tiếng thơ
khách lạ hỏi thăm lăng tẩm cũ
xích lô đói khách đạp lượn vòng
cây chiều trút lá mong manh áo
sương khói qua cầu ướt mi cong
Huế đẹp đã đành xa xôi lắm
bỗng gặp mai vàng nở choàng vai
có ông sư trẻ chừng muốn bán
hoa Tết vườn chùa một cành mai…
12.1990
NỖI NHỚ KHÔNG TÊN
lang thang đường phố Huế
nhớ chiều nào xa Vinh
trời thắp vì sao xanh
thương nhớ về mắt biếc
đường xưa toàn Người Đẹp
nay đỏ trời PhượngBay
Huế dầm mưa Nguyễn Bính
Vinh nắng hừng phương ai
còn chi là rượu nữa
uống hoài mà không say
bia biệt ly quán lạ
ngả nghiêng bao tháng ngày
ngỡ sông là cánh tay
mát mềm như ngà ngọc
ngỡ chiều như chiều nay
gió thổi mùa xanh tóc
có một chàng đơn độc
bước trên đường Không Tên
có một nàng Hạnh Phúc
ở số nhà Lãng Quên
1992
BẠN BÈ Ở HUẾ
bạn bè ở Huế đông vui lắm
túi đầy thơ tặng túi đầy trăng
thấy nhau là nhớ mùi rượu Hiếu (*)
mưa nắng sá gì dốc Phú Cam
sẵn tiền vài lít chưa là bốc
trắng tay mươi xị dễ đâu gàn
vui chơi cũng lạ đông hơn họp
vàng nát không chừng cốc đã tan
đất trời lướt khướt dìu nhau bước
đắc đạo rượu ngon đắc đạo tình
bạn bè ở Huế thương nhau thiệt
một đứa vợ la… chục đứa kinh.
1987
(*) lò rượu chị Hiếu trên dốc Phú Cam, nổi tiếng ngon
CHIỀU RƠI
Tặng anh Trường
chiều rơi. Vàng tóc. Vàng da
vàng cây. Vàng đá. Vàng ta. Vàng người
rượu ngon nhắm với nói cười
nghe thời gian tím một trời Phù Dung.
1994
NGƯỜI ĐẸP NHÌN TÔI
người đẹp nhìn tôi trên đường
về đêm tôi cảm thấy buồn
tôi gặp người đẹp đèo con
biết đâu chẳng phải con nàng
tôi gặp người đẹp bên chồng
chắc chi chồng nàng trẻ thế
một lần giòn tan pháo nổ
cô dâu tôi gặp ngỡ ngàng
người đẹp nhìn tôi cười mỉm
nụ cười xuống bến sang ngang
biết vậy sao tôi cứ ước
cô dâu không hẳn là nàng!…
1988 
QUÀ SINH NHẬT
hai mươi bài hát vui
hát tặng một nỗi buồn
hai mươi bài hát buồn
hát tặng nỗi buồn hơn
em mỏng mảnh trăng non
mê chi lời anh hát
mê đến lúc trăng tròn
e còn đâu nước mắt
hai mươi bài đắng chát
hai mươi bài men say
chao ôi là âm nhạc
không cánh mà lượn bay
anh hát đến hao gầy
hai mươi mùa lạnh giá
em hóa thân ngọn lửa
hai mươi cây nến chầu
hai mươi bông hồng nở
trên cây đàn muôn dây…
10.1990
SONNÊ LÁ NON
bay vào phòng anh một chiếc lá non
ngoài kia đã bão lại còn mưa xiên
lá non bay ngả bay nghiêng
phòng anh cũng chẳng bình yên đâu mà
bài thơ anh viết dang dở ngày qua
ngờ đâu chiếc lá non sa giữa dòng
câu thơ buồn một đời không
bỗng dưng trang giấy phập phồng tơ non
cây ơi, nếu cây có đi tìm con
đừng buồn tìm mãi lá non không về
bởi thời gian đã mang đi
bài thơ cùng với một thì lá non
và căn phòng ấy sau đấy chỉ còn
dấu nằm của lá nụ hôn của Trời…
10.11.1989
BỨC TRANH ĐEN
thế rồi nàng lẫn vào đêm
áo dài ngọn gió đen huyền ruổi theo
nỗi buồn than đá trong veo
dòng sông sánh lại mái chèo ngẩn ngơ
thế rồi cặp mắt ngủ mơ
thấy hai con mắt dại khờ tuổi yêu
thấy con đường nhựa ba chiều
thấy mình sững giữa cô liêu không người
thế rồi có đóa hồng tươi
giấy đen tôi bọc như người áo đen
con mèo tôi mới làm quen
làm quen là bởi nó quen quá chừng
mặt trời tôi vẽ không ngừng
mặt trời đen. Cũng xin đừng trách tôi
bức tranh chỉ một màu thôi
đen như màu áo xui tôi nhớ nàng…
3.1993
TẶNG MỐI TÌNH CUỐI CỦA GOETHE
em mười chín tuổi đi đêm
ta ngoài bảy chục lạc miền hoang sơ
rừng trăng cây cỏ đứng ngơ
tưởng là sói dữ nào ngờ… sói con
cái đêm trăng ấy trăng non
phố phường xa lắc lối mòn cũng xa
một vùng không rượu không hoa
sói con uống cạn cùng ta suối nguồn
cái đêm trăng ấy bỏ buồn
bỏ men thương nhớ bỏ hương ái tình
bỏ ta tỉnh dậy một mình
bỏ em lạc chốn bùng binh sương mờ
một mai ta có sững sờ
là khi trăng mọc bất ngờ sói con…
1989
ĐÀO PHAI
hoa đào vương kiếp đào hoa
thắm tươi một thuở phôi pha một ngày
tôi nhìn từng cánh đào bay
thời gian lõa thể rụng đầy chiêm bao
giật mình tôi gọi ơi đào
giang tay níu lại thuở nào thắm tươi
nhưng nàng chẳng chịu nghe lời
lặng im trút xuống quanh tôi phai tàn.
1992
HOA ƠI TA YÊU NÀNG
trên mặt hồ tĩnh lặng
trên thành quách rêu phong
người từ trời cao xuống
người từ nước hiện lên
thắm tươi và mê đắm
hoa ơi ta yêu nàng
trên con đường nắng sáng
trên đèo dốc mù sương
ta thấy người thấp thoáng
ta thấy người nồng nàn
thắm tươi và mê đắm
hoa ơi ta yêu nàng
trong ly rượu chói chang
trong căn phòng huyền ảo
trong lặng yên trong bão
trong tỉnh táo mơ màng
thắm tươi và mê đắm
hoa ơi ta yêu nàng
ta muốn đổi không gian
cho người gần ta mãi
ta muốn đổi thời gian
cho bốn mùa hoa ấy
nhưng than ôi tỉnh dậy
trong hương thơm không nàng
rồi một ngày hoang vắng
rồi một cõi vĩnh hằng
trên mặt hồ lặng sóng
trên thành quách rêu phong
những cánh thơm rụng xuống
vẫn tươi nguyên sắc hồng
chiếc bóng ta lưu lại
cúi nhặt giữa mênh mông
hai trái tim không tuổi
hai cây đàn không tên
và bài ca số phận
hoa ơi ta yêu nàng!
4.1989
ĐỊNH NGHĨA
anh là hổ dữ dằn
trước cửa em khóa trái
anh là chú thỏ con
dưới tay em, vụng dại
xa rồi anh trở lại
cửa mở. Phòng trống không
thỏ buồn đi lãng tử
hổ mềm lòng ngóng trông.
1993
THIÊN AN
thế là ta một mình cùng chốn ấy
thông xanh thông xanh thông xanh
lưng cỏ mọc xuyên trái tim sỏi đá
mây trắng bay tháp nhọn mắt ta nhìn
ôi những chiếc lá kim
rơi chi mãi nỗi buồn
heineken heineken
tiếng va chạm cô đơn
ta ngỡ uống cạn suối nguồn mây trắng
ta ngỡ uống cạn suối nguồn xanh thắm
giờ Thìn qua
giờ Ngọ cũng trôi qua
ta tích tắc nỗi nhớ mong gặm nhấm
em thân yêu phiêu bạt phương nào?
từ biệt nhé ngọn cỏ rừng râm tĩnh
ta bay theo mây trắng ngổn ngang trời
có một phút một đời một yêu thương vĩnh cửu
ấy là ta rong ruổi bên người
từ biệt nhé những chiếc kim xinh nhỏ
em hãy khâu áo lá một vùng đồi
ta là gió
thổi đến ngày kiệt sức
tự trời cao tan vào giọt mưa. Rơi…
18.4.1989 
CHỢT
chợt khép cánh cửa là em có anh
chợt khép cánh cửa là em mất anh
chợt nói loanh quanh lạc đường mưa gió
chợt thức chợt ngủ bài thơ chợt còn
con sáo sang sông mùa thu tuổi tác
con người bội bạc cười vui chợt buồn
ơ cái trống cơm lên bông câu hát
cái say chợt khóc cái điên chợt cười
bao giờ người ơi vô vi rộng hẹp
chợt đi một đời chợt về cửa khép
dưới chân vẫn dép trên đầu trời thanh
đời lên chót đỉnh một mình mong manh.
13.4.1990
NGÔI SAO BUỒN
chấm buồn dưới mắt buồn em
ngôi sao buồn cuối trời đêm mơ buồn
đèo mù sương biển mù sương
ngôi sao buồn ấy vẫn thường hiện lên
anh nghèo anh giữ làm tin
ai mua chẳng bán ai xin dễ nào
giật mình tưởng mất ngôi sao
cô đơn thoáng chốc đã hao hao gầy
sao buồn mắt vẫn buồn đây
sau mưa cây lá ngưng đầy chiêm bao
trời lên cao gió lên cao
ngôi sao khẽ chớp khép vào mi thanh
niềm vui rồi dễ phai nhanh
cuộc đời lắng lại long lanh nỗi buồn
em mù sương anh mù sương
ngôi sao buồn ấy vẫn thường hiện lên…
24.3.1989
CUỐI NĂM NGẪU HỨNG CHỢ CHIỀU
nàng xưa ngán ngẫm chợ trưa
ta nay đủng đỉnh bán mua chợ chiều
vui kia giá được bao nhiêu
buồn này sao lại bọt bèo nàng ơi
thời gian rụng úa vai người
ước chi mua được nụ cười còn nguyên
này Lan, này Hạnh, này Duyên (*)
trăng non cái lúm đồng tiền còn không?
lên đèn mà chợ vẫn đông
ta đi tìm mãi sao không thấy nàng
thôi đành mua lại thời gian
tìm về chốn cũ tặng nàng ngày xưa.
11.1993
(*) Câu thơ Ngô Kha, 1965
ĐĨA HÁT BỐN MÙA
thời gian quay tròn đĩa hát
ly cà phê mùa xuân
mùa đông chưa uống cạn
thời gian quay tròn đĩa hát
điếu thuốc lá mùa thu
mùa hè chưa cháy hết
thời gian quay tròn đĩa hát
nụ cười tươi một năm
nụ hôn dài một năm rưỡi
chiếc đĩa hát bốn mùa quay mặt này sang mặt khác
năm này sang năm khác
nồng nàn da thịt tân hôn
nhưng đấy chỉ là một đêm
trôi bên ngoài đĩa hát.
12.1990
BÂY GIỜ YÊU
bây giờ yêu nghĩa là vào sàn nhảy
anh quê mùa ngồi nhai keo cao su
bây giờ yêu nghĩa là vèo xe cub
xe đạp anh xẹp lốp cả tứ mùa
bây giờ yêu nghĩa là vào quán nhậu
trăm phần trăm cay đắng chẳng hợp gu
anh ngồi nhớ dậu mồng tơi Nguyễn Bính
tiết thanh minh e ấp thuở Nguyễn Du
anh ngồi nhớ nụ tầm xuân xanh biếc
nét cười duyên sau quai nón vải dù
nhưng trời ạ làm sao anh biết được
bây giờ yêu mai mốt hóa trò đùa?…
1992
CHIÊM CẢM
có lúc ngôn từ biệt tích
đam mê trơ đá gan lì
em mèo ơi đừng đến nữa
sợ em dựng dậy tử thi
có lúc trời ơi hồng xanh tím
khỏa thân chết đuối cứng tường đêm
ta thấy ta thành cây cọ
vẽ trong veo tơ lụa mặc cho em
có lúc trên ngai vàng nguy biến
lạnh người
nghe một tiếng
mèo rên.
2.11.1991
TẠ TỪ
tạ từ da trắng áo hồng
tôi về tháp cổ rêu phong một đời
tạ từ. Ai tự từ tôi
chập chờn Tiên Nữ nói cười xa xăm
buồn như trăng đã lên rằm
thương như người đã trăm năm. Tạ từ…
1992
CHIA
chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…
1989
(Trang bìa sau - Thụy Khuê)
“Anh làm mới thơ, đôi khi bằng nhịp điệu khác thường trong thơ lục bát, bằng một từ đột xuất, một đảo ngữ chênh vênh, hay một hư từ đặt không đúng chỗ, hoặc bằng một hình ảnh không giống ai: “ta như sao lạc giữa ban ngày”. Những câu thơ hay như thế bất chợt đến, bất chợt gặp trong thơ anh rất nhiều.
“Thơ anh thảnh nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng như những hình tượng đã có sẵn trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống Thơ anh.
“Nguyễn Trọng Tạo là một Người Thơ nghịch ngợm, thơ thẩn đi giữa dòng đời rồi bỗng dưng bị lạc. Anh chàng ấy thỉnh thoảng tung ra một vì sao để soi rạng Cõi Đi. Chúng ta may mắn nhặt được những Vì Sao Lạc ấy, và thấy sáng lại lòng mình…”
Thụy Khuê
Paris, 1993
NGUYỄN TRỌNG TẠO - Tiểu sử
Sinh ngày 25.6.1947
tại làng Tràng Khê, Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế 1989-1994
Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam 2000-2005
Trưởng ban biên tập báo Thơ, Hội Nhà Văn Việt Nam 2003-2004.
Hiện sống tại Hà Nội.
Đi lính (bộ đội), 1969. Học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá 1. Làm thơ từ năm 14 tuổi. Giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và các giải thưởng thơ của các báo Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhân Dân (1978), 2 lần Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Cố Đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ Thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi.
Đã có thơ và truyện ngắn dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan…
Là nhạc sĩ, hiện công tác tại tạp chí Âm Nhạc và Thời Đại của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
8 giải thưởng âm nhạc. Đã phát hành album Tình khúc bốn mùa (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ VN, 1996). Những bài hát nổi tiếng: Làng quan họ quê tôi (lời thơ của Nguyễn Phan Hách), Đôi mắt đò ngang, Khúc hát sông quê (lời thơ của Lê Huy Mậu).
Đã vẽ khoảng 500 bìa sách, trong đó có bìa Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Vẽ nhiều minh hoạ trên báo, tạp chí, và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt bộ đầu tiên (1990-1992), báo THƠ, mẫu măng-sét tạp chí SÔNG HƯƠNG, HỒNG LĨNH, SÔNG LAM, v.v…
Các tác phẩm chính:
Thơ: Gửi người không quen, Sóng thuỷ tinh, Đồng dao cho người lớn, Thư trên máy chữ, Tản mạn thời tôi sống, Nương thân, Thơ trữ tình, Thế giớI không còn trăng, 36 bài thơ…
Trường ca: Con đường của những vì sao, Tình ca người lính.
Văn xuôi: Khoảnh khắc thời bình, Miền quê thơ ấu, Ca sĩ mùa hè, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, Văn Thơ Nhạc tuổi thơ…
Tiểu luận phê bình: Văn chương cảm và luận.
(Trang bìa sau - Hoàng Ngọc Hiến)
“có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”
thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt…
“mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió”
hai thế kỷ trước đây một nhà thơ cổ điển viết:
“cỏ non xanh tận chân trời”
Và một nhà thơ cổ điển khác viết:
“hồn tử sĩ gió ù ù thổi”
“Xanh vẫn cỏ”, “hồn vẫn gió” không phải là thơ tả cảnh.
Nguyễn Trọng Tạo không làm thơ tả cảnh.
“và em thuở ấy đi biệt xứ
sao lại về đây. Lấp lánh. Và…”
Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt…
Hoàng Ngọc Hiến
Nguồn: Nguyễn Trọng Tạo. Đồng dao cho người lớn, 
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội, 1994
Theo https://phebinhvanhoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...