Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Bên đường Thiên Lôi 1

Bên đường Thiên Lôi 1
Bên đường Thiên Lôi
Hắn ta đang đi lang thang trên vệ đường bên cạnh vườn hoa, bỗng có một người đàn ông má hóp, đeo kính đen, mặc quần áo tây, giữ hắn ta lại rồi nói:
- Tôi trông anh ra vẻ một người đi ở chưa có việc. Vậy anh muốn về làm với tôi không? Tôi đang cần một người ở kéo xe cẩn thận, mà chưa tìm đâu được.
Hắn ta mừng quá, không ngờ đến lúc tuyệt vọng lại gặp được ông phúc tinh này.
Trước kia hắn cũng ở kéo xe cho một ông tham ngoài tỉnh. Vì ốm nặng, phải về quê uống thuốc, đến khi hắn lại ra ở với chủ cũ thì ông tham đã gọi người khác rồi. Hắn bơ vơ mất bốn, năm hôm, chạy khắp tỉnh Hải Phòng mà không ai cần người kéo xe hết.
Chiều hôm ấy, hắn dẫn từng bước một bên những người hấp tấp xuôi ngược, chưa biết nên đi ăn mày ở ngoài tỉnh hay về chết đói ở nhà quê; thì bỗng nhiên gặp ngay người đàn ông kia cứu hắn trong lúc cùng khốn.
Hắn vừa mừng, vừa lấy làm lạ, chưa trả lời được thì người ấy lại hỏi:
- Anh có kéo được xe không?
- Bẩm, kéo được.
- Thế thì anh theo tôi về ngay. Nhà tôi ở xa lắm.
Rồi không hỏi gì thêm nữa, người ấy trao cho hắn một gói sách to bọc sơ sài trong một tờ nhật trình và đi trước để cho hắn theo sau. Hắn bước lên, vừa cân nhắc gói sách trên tay, vừa nhìn người đàn ông kia bằng đôi mắt ngạc nhiên. Hắn toan nói với ông ta để mình lại hàng cơm lấy bọc quần áo về đã, nhưng thấy người ấy cử chỉ khác thường như thế, nên lại thôi.
Người ông ta cao và gầy; chiếc áo tây màu đen đã bạc, lùng bùng phủ lên chiếc thân lẳng khẳng và hơi khom khom; dáng đi vội vàng, hai tay buông thõng ở cạnh sườn, đầu như chực đâm về đằng trước. Cái mũ dạ màu vàng bẩn, dúm dó và chật, chụp mám lên đám tóc lâu không húi; hai tai xòe ra như hai cái cánh sắp bay.
Hắn theo người đàn ông từ vườn hoa nhà hát tây đi thẳng xuống vườn bách thảo, cách Hải Phòng hơn ba cây số, mà vẫn không thấy người ấy nói một lời nào qua. Mãi đến khi rẽ sang tay phải đi về phía đường Thiên Lôi, người ấy mới rủa lên một câu bằng tiếng Tây: vì chân vừa vấp phải một hòn đá lớn. Lúc ấy, người đàn ông mới nhìn lại một cái, rồi cắm đầu đi ngay.
Bấy giờ vào khoảng 4 giờ hơn, mặt trời vàng chói của buổi chiều thu chênh chếch ở tay trái hai người, ngả dài những bóng cây găng đứng xếp hàng trên mép đường đá vắng.
Hai bên đường toàn là đông quạnh, chỉ lác đác mấy nóc nhà rạ úp sụp lên mặt ruộng lúa xanh rờn.
Hắn ta không hiểu sao người đàn ông kia lại ở về miền xa vắng này như thế, đang có ý xem xét tứ phía, bỗng người ấy như sực nhớ ra, đứng dừng lại ở bên một con đường đất rẽ vào trong ruộng và dẫn đến một lớp nhà ngói cũ ẩn hiện trong những khóm tre lớn và những vừng găng sơ rơ. Người đàn ông chỉ tay:
- Nhà tôi ở chỗ ấy!
Hai người đi lên con đường đất độ hai trăm thước thì đến nơi. Chung quanh nhà chỗ nào không có tre hay găng mọc thì rào thêm nứa. Lớp nhà thấp, mái dốc và đã lún; cửa gỗ ván, mọt đục be bét; tường lở vữa và đen cáu những rêu khô. Phía tả có một chái hiên lợp lá gồi, sạch sẽ như vừa làm xong, đó là chỗ để một chiếc xe nhà màu đen, mới sơn lại.
Người đàn ông đẩy cổng vào trước rồi đẩy cửa vào nhà. Nhà có ba gian như kiểu nhà cổ. Công việc thứ nhất của ông ta khi vào đó là đến ngồi sau một cái bàn lớn đầy những giấy má và kê ở một gian bên cạnh, gần cửa sổ; rồi cặm cụi viết hoài.
Trông sang gian giữa thì thấy trơ trọi có một bộ ghế ngựa với ba chiếc ghế gỗ không giống nhau. Gian ở đầu nhà bên kia thì khuất sau một tấm màn gió xanh; thỉnh thoảng gió thổi, mép màn bay vén lên để cho trông thấy bên trong kê một chiếc giường tây với một cái tủ đứng. Khắp nhà mập mờ tối, vì cánh cửa mở lúc vào đã khép lại; ánh sáng chỉ soi vào bởi hai cái cửa sổ nhỏ ở hai gian bên.
Hắn đang ngớ ngẩn nhìn cái tủ kính xếp chật những sách, kê ở gần bàn giấy, chợt để ý một vật trăng trắng trên nóc tủ. Hắn nhìn kỹ, thì, lạ lùng quá, đó là một cái đầu lâu.
Hắn kinh ngạc đến lạnh người đi, không biết nhà này là nhà gì, mà người kia là người thế nào? Từ cử chỉ, dáng điệu, cho đến nơi ăn, chốn ở của ông ta cũng dị thường lắm.
Hắn chưa biết nên vững lòng mừng vì tìm được một người chủ mới, hay nên lo. “Mà sao ông ta chẳng nói với mình một tiếng nào từ bấy đến giờ? Không hỏi xem quê quán mình hay tên tuổi mình như mọi người chủ khác?...”
Cái đầu lâu nhăn răng ra cười một cách độc địa... Ngay lúc ấy, một câu hỏi như vừa dịp trả lời những điều hắn nghĩ trong trí: “Này, tên anh là gì?” làm cho hắn giật thót mình lên. Hắn quay lại thì người đàn ông sau bàn giấy đã bỏ mũ, bỏ kính ra, đang nhìn hắn bằng đôi con mắt sáng một cách kỳ quặc.
Hắn rụt rè để bọc sách lên bàn giấy rồi thưa:
- Bẩm, tên con là Sắc.
- Là gì?
- Là Sắc ạ!
- Bao nhiêu tuổi?
- Bẩm, con hăm ba.
- Anh thực biết kéo xe chứ?
- Bẩm, trước con đã làm xe rồi.
- Ừ được, anh ở cho tôi, thì ngoài việc kéo xe lên phố, lại phải thổi nấu cho tôi ăn. Tôi sẽ trao tiền chợ từng ngày cho anh. Bây giờ, tôi trả anh một tháng năm đồng cơm nuôi. Về sau, nếu anh chăm chỉ, cẩn thận, tôi có thể tăng cho năm hào hay một đồng nữa.
Người ấy ngừng lại một lát rồi lại nói tiếp:
- Nhưng anh phải làm giấy giao ước ở với tôi ba năm liền kia!
Hắn chưa dám thuận ngay, vì sự bắt buộc ở lâu với người chủ kia có vẻ khác thường, khiến cho hắn phải lo ngại.
Người kia lạị, hòi:
- Thế nào? Sao anh lại không trả lời tôi?
Rồi lại nhìn hắn một cách rất lạ lùng, hai mắt lấp la lấp lánh.
Hắn bỗng rợn người lên một cái, ngập ngừng vừa nói, vừa nghĩ:
- Thưa, bẩm ông... con... cũng muốn...
Thì người đàn ông ngắt:
- Anh có bằng lòng không?
- Vâng, con bằng lòng.
Hắn nói rồi sợ hãi, hối hận như lỡ mồm nói một câu rất quan trọng có thể nguy hại cho mình.
Người kia thì nhe bộ răng nhỏ và khấp khểnh ra cười, rồi thảo một tờ cam đoan cho hắn ký tên xuống dưới.
- Con không biết chữ quốc ngữ.
- Chữ nho cũng được, miễn là có tên ký.
Tay hắn run lẩy bẩy, viết được ba chữ Ngô văn Sắc thì thấy khô cả cổ họng, nuốt nước bọt không trôi.
- Được rồi! Bây giờ anh xuống dưới bếp với tôi để tôi bảo ông Quáng biết là tôi đã mượn người khác.
Vừa nói, ông ta vừa mở cảnh cửa sau mà lúc đó Sắc mới trông thấy. Rồi hình như biết hắn chưa hiểu rõ, ông ta lại cắt nghĩa thêm:
- Ông Quáng là một ông già thổi nấu giúp tôi. Nhưng ông ấy không biết kéo xe, tôi mới mua lại được chiếc xe nhà để đi lên phố cho tiện... ông ấy lại yếu, muốn xin về nhà quê...
Lúc ấy, ông Quáng đang cúi gấp những quần áo cũ nhét vào một cái tay nải nâu đặt trên chõng. Thấy người chủ xuống ông ta đứng thẳng lên chào một cầu nhỏ:
- Thưa thầy đã về...
- Phải ông Quáng. Anh này là người đến để thay ông đây. Anh ta trông cũng nhanh nhẹn có thể ở giúp tôi được lắm. Vậy ông bảo cho anh ta biết các công việc hằng ngày.
Nói rồi, người đàn ông quay ra, nhưng trở lại ngay tức khắc. Ông ta móc túi trong lấy ra một cái ví tiền đầy những giấy bạc, đếm sáu tờ một đồng đưa cho ông Quáng:
- Đây, tôi đưa trước cho ông tiền về tàu, đến mai khỏi phải đưa.
Lúc ông chủ kỳ khôi kia đi lên nhà rồi thì Sắc ngồi thừ trên chiếc chõng tre dưới bếp. Hắn vừa trông ông Quáng nhặt nhạnh quần áo vừa nghĩ vẩn vơ. Sau thấy người đầy tớ già cứ lóng ngóng mãi mà vẫn không gấp được gọn gàng, nên hắn xin làm đỡ. Ông già rách mồm ra cười một cách yên lặng để cám ơn.
Sắc nghĩ bụng: “Sao ông chủ lại mượn người lẩm cẩm thế này? Có lẽ vì không ai ở với ông ta được”.
Lúc gói ghém xong đâu đó, Sắc se sẽ hỏi người đầy tớ già:
- Ông ở với ông chủ đây được bao lâu?
Người kia nhìn hắn bằng đôi mắt ám khói, bộ mặt ngạc nhiên, miệng cười như khóc:
- Cũng mới được độ năm, sáu tháng nay. Ông giáo ưa tôi lắm, vì tôi làm ăn cẩn thận. Nhưng tôi già yếu lắm, lại không kéo được xe, nên tôi phải nói với ông giáo tìm người khác.
- Trước ông, vẫn có người kéo xe chứ?
- Không. Xe ấy ông giáo mới mua được bốn hôm nay.
Sắc ngồi im, trông lên nhà trên, rồi bỗng hỏi:
- Ông giáo dạy học đâu mà lại ở tận đây thế hở ông?
- Chả dạy đâu cả. Mà cũng chả quen thuộc ai cả, nên chả thấy ai đến chơi bao giờ. Tôi thấy lúc nào ông ấy cũng xem sách, mà mỗi khi lên phố lại thấy mang sách với nhật trình về, nên tôi gọi là ông giáo... Rồi cứ thế, quen mồm đi.
Sắc lại hỏi:
- Lớp nhà đây là của ông giáo chứ?
- Không phải. Chắc hẳn ông giáo thuê lại, chắc hẳn thuê một hạn lâu lắm...
- Sao lại “chắc hẳn”? Thế ra ông cũng không biết rõ hay sao?
- Biết rõ gì?
- Biết rõ ông chủ là người thế nào?
- Việc gì phải biết rõ? Mình đi ở thì biết là đi ở, chứ vạ gì mà... Vả lại ông giáo không ưa cái thói tò mò thóc mách, không ưa nói nhiều mà cũng không thích nói nhiều.
Thế rồi hình như cũng theo cái gương ít lời kia, người đầy tớ già không nói câu nào nữa.
Sắc ngồi trên chõng, tay mân mê cái miệng nải mới thắt, nghĩ đến cảnh đi ở lạ lùng của mình. Hắn bằng lòng hầu bất kỳ ai, miễn là người ta có đủ cơm nuôi với tiền công trả hắn. Nhưng đến ông giáo này thì hắn không thể đừng băn khoăn nghĩ ngợi được.
Hắn hỏi ông Quáng đến công việc của hắn phải làm hàng ngày. Công việc cũng chẳng có gì, ngoài việc kéo xe cho ông giáo thì chỉ phải chợ búa, thổi nấu với quét tước thôi. Nước thì không phải đi gánh xa, vì nhà đã có giếng.
- Thực rỗi lắm, anh ạ. Làm xong việc rồi thì tha hồ chơi. Hay ngủ cũng được, ông giáo không nói gì bao giờ.
Sắc vẫn lấy chuyện quét dọn để nói đến những sách vở bề bộn trong nhà, rồi nhân đó nói đến cái bàn giấy, cái tủ sách với cái đầu lâu. Hắn nghĩ đến cái đầu lâu cũng đủ rùng mình, nhưng hắn cố làm mặt tự nhiên, cổ nói thản nhiên để ông Quáng không cho rằng hắn có ý thóc mách. Nhưng ông già cười sằng sặc, nhìn hắn một cách ngộ nghĩnh và nói:
- Anh không sợ cái đầu lâu ấy ư? Tợn nhỉ. Hồi tôi mới đến ở thì tôi chẳng còn hồn vía nào nữa. Gớm! Của đâu lại có của lạ đời!
Rồi vừa cười, vừa ho, ông già nói tiếp:
- Mà xem ra ông giáo quý lắm, giữ gìn rất cẩn thận... còn tôi thì tôi không dám đến gần bao giờ, cũng không dám nhìn đến nó... vì hình như lúc nào tôi cũng tưởng nó nhìn mình, như nó muốn nói gì với mình. Nhưng được cái lâu dần đỡ sợ đi... Bây giờ thì tôi đã quen với nó.
Sắc hỏi:
- Ông quen với cái đầu lâu ấy?
- Không. Quen nghĩa là trông quen đi ấy mà, chứ mình là người sống thì làm quen sao được với những của ấy.
- Sao ông giáo lại có cái đầu lâu thế nhỉ?
- Không biết, vì tôi không dám hỏi. Nhưng ông giáo thường bảo tôi rẳng cái đầu ấy là một vật hiếm có lắm, quý lắm kia đấy. Ông giáo dặn tôi phải có ý tứ, đừng đụng chạm đến bao giờ... Có một lần tôi thu dọn ở nhà trên, lỡ tay đánh rơi một cái đồng hồ to xuống đất. Ông giáo đang ngủ, hốt hoảng chạy ra, luôn miệng nói một câu: “Thế là xong rồi, thế là hỏng rồi!” Tôi lo sợ không biết ngần nào, nhưng lúc ông giáo trông thấy cái đầu lâu vẫn còn đó thì liền đổi ra vẻ mừng rỡ, không mắng tôi một tiếng nào qua. Cái đăng hồ quả lắc đem lên phố chữa mất ba đồng bạc mới lại chạy được.
Thấy Sắc chú ý đến câu chuyện của mình, ông già không hà tiện lời như trước nữa. Ông ta bèn đem chuyện nhà quê, chuyện ruộng nương, chuyện con cháu nhà ông ta ra nói mãi.
Song câu chuyện của ông lão sắp được về quê kia không có ý vị gì đối với Sắc cả. Hắn mấy lần toan ngắt lời để hỏi ông ta những điều hắn muốn biết, nhưng thấy ông Quáng nói chuyện ra ý sung sướng lắm nên hắn nể, cứ phải ầm ừ cho qua. Ông già vừa ngừng lời, Sắc chực hỏi một câu thì trên nhà có tiếng gọi ông Quáng. Sắc ngồi một mình dưới bếp, bực dọc buồn chán lắm, bụng bảo dạ:
“Hay là mình không ở đây nữa?”
Ở với người chủ lạ thường như thế hẳn là một sự không lành. Vì đâu? Hắn không biết. Nhưng hắn có cái cảm giác đáng lo sợ, đáng phải giữ dè cẩn thận, để phòng những điều nguy hại hắn không biết trước được, nhưng thế nào cũng có ngày hiện ra... Cái nhà ẩm tối mà hẻo lánh... Ông chủ hom hem, hai con mắt sáng như lửa... Cái tủ sách... Cái đầu lâu! Trời ơi! Sao lắm điều kỳ quái vậy?
Hắn ta đứng lên, nhất định đi nói với ông chủ để ra ngay lập tức. Hắn đương lựa những cớ để không ở đây một phút nào nữa, chợt nghĩ đến tờ giao ước ba năm. Thôi! Thế là nguy, thế là chết! Ba năm trời đằng đẵng phải ở với ông giáo kỳ dị kia, ở một chỗ đồng không mông quạnh này, để mà lo sợ không biết bao nhiêu việc quái gở phi thường!... Sao mà cái số của hắn mạt đến thế?
Ông Quáng trên nhà xuống giục hắn nhóm bếp thổi cơm. Lúc ấy hắn mới nhớ ra rằng từ sáng hắn chưa được chút gì vào bụng. Hắn thấy thịt, cá mua sẵn về còn thừa nhiều thì tưởng ông Quáng mua đem về quê, nhưng ông già bảo hắn rằng ông giáo rộng rãi lắm. Cái ăn uống ông muốn thật kỹ càng, sạch sẽ, mà phải nhiều, thừa thãi cũng được, nhưng không được thiếu bao giờ.
“Đồ ăn ngon lành, gạo thơm mà trắng, ta cứ ăn đã, rồi sau muốn ra sao thì ra”.
Sắc nghĩ thế rồi sẵn lòng đi chất bếp.
Bữa cơm dồi dào buổi chiều hôm ấy làm cho Sắc vui vẻ và quên hết các điều lo ngại. Hắn tự nhủ rằng ông già này còn ở được với ông giáo huống chi mình. Vả hình như lúc đầu, người chủ mới đã tỏ ý ưa hắn thì phải.
Nhưng đêm ấy Sắc không ngủ được, nằm trên chõng, bên ông Qụáng, nghe ông ta lảm nhảm nói mê với nghe tiếng chuột chạy rúc rích trong bếp thì bao nhiêu cái chán nản với cái nghi ngờ lo ngại lại hiện đến dần dần.
Rồi đến sáng hôm sau, lúc ông Quáng từ giã hắn để ra tàu, hắn đứng ngoài cổng trông theo ông ta, lòng bâng khuâng trơ trọi và buồn bã không biết ngần nào.
Sau hắn lấy thau, ra cái giếng gần bếp múc nước để ông chủ dậy rửa mặt, rồi rón rén đẩy cửa lên nhà trên.
Nhà tối và vắng yên.
Từ cái cửa sổ con đưa vào một thứ ánh sáng lạnh lẽo mờ xanh hòa với ánh lửa ngọn đèn trên bàn giấy. Gian bên kia, tấm màn gió hơi uyển chuyển cử động. Một tiếng ngáy dài dồn lan ra một lát. Rồi im lìm.
Sắc như bước vào một nơi kỳ quái hoang vắng lạ.
Hắn đứng nhìn khắp nhà một lượt, nhưng không dám trông đến cái tủ kính. Tuy thế, hắn cũng biết có cái đầu lâu trên nóc tủ, mà cái đầu lâu ấy hình như là đầu lâu của một bộ xương người đứng trong tủ nhô lên.
Một tràng ngáy nữa lại đưa ra... rồi lại im... để cho tiếng tích tắc thong thả của chiếc đồng hồ treo điều hòa điểm vào sự yên lặng.
Sắc đợi cho trống ngực đập chậm lại một chút, thở dài một tiếng mạnh, đặt thau nước lên cái ghế thấp cạnh bàn giấy, rồi đi ra giữa nhà.
Bỗng nhiên, hắn bước vội lên, cố nín một tiếng kêu khiếp sợ. Trong chiếc tủ kính mà hắn vừa qua, hắn thoáng thấy có người cử động. Ngành liếc lên mặt kính, hắn mới biết rằng đó chỉ là bóng mình.
Tuy thế, Sắc cũng mất hết can đảm.
Hắn nghĩ mãi mới nhớ ra rằng mình lên đây để xem “ông giáo” đã dậy chưa. Nhưng nghe tiếng thở đều, hắn biết rằng chủ hắn còn ngủ say. Hắn không biết nên lẳng lặng đi xuống hay nên đánh thức ông ta dậy.
Đang phân vân thì Sắc trông thấy cái chổi lúa dựng bên một chân ghế ngựa. Hắn liền cầm lấy, ngẫm nghĩ một lát, rồi đi vắt cái màn gió xanh lên để quét nhà.
Bấy giờ vào khoảng tám giờ. Ánh nắng vàng hoe soi lùa vào bức màn tây trắng. Trong màn, “ông giáo” nằm cứng thẳng dưới tấm chăn mỏng: mặt gầy, da xanh, mắt sầu và nhắm chặt - y như người chết rồi. Sắc đứng lặng nhìn một hồi lâu, trong bụng nôn nao sợ hãi... Hắn trông thấy có ánh nắng soi vào và thấy bên ngoải cây lá đang rung động, mới hơi được vững dạ.
Lúc hắn thôi nhìn qua cửa sổ, ngoảnh đầu trông lại thì ông giáo đã mở mắt từ lúc nào không biết, và đang nhìn hắn trừng trừng.
Nhưng ông ta vẫn nằm yên, miệng ngậm, chân tay duỗi thẳng. Sắc bối rối quá, hết sức định thần lại, vừa ấp úng nói:
- Con đã lấy nước... mời ông...
Thì người kia bỗng ngắt:
- Kéo cái màn gió xuống, rồi để tôi nằm yên!
Sắc chưng hửng một lát, không hiểu.
- Đã bảo kéo cái màn xuống. Anh lên đây làm gì?
Sắc lúng túng thưa:
- Dạ... bẩm... bẩm con lên quét nhà.
Ông giáo hơi liếc ra phía nhà ngoài:
- Quét gì bây giờ? Đi xuống đi. Đến bốn giờ chiều mới được gọi tôi dậy.
Sắc không dám hỏi đến việc cơm nước buổi sáng, quay lưng đi xuống thì ông giáo gọi giật lại. Hắn hỏi:
- Thưa ông bảo gì con?
- Bảo gì? Cái màn gió kia sao không buông xuống?
Sắc sực nhớ, buông vội bức màn xanh rồi lật đật xuống ngay bếp.
Hắn vừa mới ngồi trên chõng ôm đầu ra dáng bực dọc chưa được vài phút, bỗng thấy tiếng kẹt cửa. Hắn ngừng lên thì “ông giáo” đã đứng trước mặt, nhìn hắn bằng đôi mắt kính đen. Ông ta lúc ấy mặc chiếc sơ-mi xám và dài phủ xuống vừa đến gấu cái quần đùi đen và ngắn; người như một bộ xương mặc áo, hai chân ống sậy tua tủa những lông đài.
Ông ta nhìn Sắc một lát rồi mới nói:
- Từ nay trở đi, hễ sáng dậy thấy tôi chưa tắt đèn trên nhà thì anh phải lên tắt đi nhé. Bây giờ lên bỏ thau nước xuống.
Sắc chỉ “Vâng!” một tiếng rồi đứng yên vì người kia vẫn án ngữ trước cửa.
- Anh đã đun nước chưa?
Sắc nhớ ngay đến ấm nước đun sôi từ sớm vẫn còn để quên trên bếp.
- Thưa ông, đun rồi nhưng chưa pha. Con tìm không thấy chè với ấm tích đâu cả.
- Thế ra ông Quáng không bảo cho anh biết rẳng tôi không uống chè ư?
- Bẩm không.
- Cũng không dặn gì về giờ ăn, giấc ngủ của tôi?
- Bẩm chưa.
- Mà cũng không bảo cho anh biết những công việc hàng ngày sao?
- Bẩm có, nhưng...
- Nhưng dặn không cẩn thận chứ gì? Thôi được. Vậy từ nay anh phải nhớ rằng bao giờ tôi cũng ngủ đến bốn giờ chiều mới dậy. Trong lúc ấy thì phải yên lặng hết sức, có dọn dẹp gì thì chỉ ở phía ngoài cái màn gió thôi... Cái màn ấy lúc nào cũng phải buông. Mà làm thì phải cho nhẹ tay, nhất là đừng có đụng chạm gì đến những sách vở của tôi trên bàn giấy.
- Vâng.
- Còn cơm nước thì mỗi ngày chỉ phải làm có một bữa... mà làm cho dồi dào. Anh muốn ăn lúc nào hay ăn mấy bữa tùy ý nhưng cứ đúng bốn giờ chiều là phải dọn cơm riêng cho tôi. Bây giờ anh lên đây để tôi đưa tiền chợ cho.
Sắc theo ông giáo lên nhà. Ông ta đến ngồi sau bàn giấy mở ngăn kéo lấy ra một tờ giấy bạc một đồng, nhìn thẳng vào mặt Sắc, nhưng nói một cách ôn tồn:
- Tiền chợ này, cứ hai ngày tôi lại đưa cho anh một lần tùy ý anh xoay đổi món ăn cho khéo... Tôi biết anh là người trung hậu thật thà, tôi mới mượn... tôi muốn cho anh ở lâu với tôi. Anh ở đây phải kín đảo, lễ phép và thấy tôi làm việc gì cũng không được tò mò thóc mách như mấy người trước... Lại không bao giờ được đi đâu mà không xin phép tôi.
Ngừng một lát để ho mấy tiếng rồi ông giáo lại tiếp:
- Anh phải nhất định ở với tôi ít ra là ba năm như trong tờ giao ước đã nói, anh nghe không? Tôi không muốn bắt anh phải khó nhọc gì đâu. Tôi làm thế là vì mấy người trước tôi gọi đến để thay ông Quáng, không người nào được cẩn thận lại không có bụng trung hậu, vì người trung hậu hay không tôi cũng biết. Họ ở với tôi chừng nửa tháng là xin ra ngay. Tôi không muốn thay đổi đày tớ luôn như thế, nên tôi bắt anh phải ký giấy cam đoan hẳn hoi. Vậy anh đừng tìm cách bỏ tôi đấy, anh nghe chưa?
- Vâng... con nghe rồi... mà con đâu dám bỏ ông.
- Vậy thì hay lắm. Bây giờ anh đi rót nước vào cái bình trên bàn giấy này, rồi để cho tôi ngủ yên.
Sắc bưng thau nước trên nhà xuống, vừa đi vừa ngẫm nghĩ đến lời nói và cử chỉ của người chủ mới, bụng bảo dạ: “Không biết ông này là người thế nào mà không mấy ai dám ở lâu... đến nỗi phải bắt ta làm lấy cam đoan để giữ ta lại...”
Hắn ngồi xổm trước cái bếp gần tắt, tay đặt củi gầy lại một cách đãng trí, mặt rõ rệt lộ ra vẻ băn khoăn: “Kể công sá thì chả còn đâu hơn, mà việc làm ăn, nếu chỉ có việc kéo xe với thu quét vặt vãnh thôi thì cũng chẳng đâu rỗi hơn nữa... Nhưng xem ra ông này là người kỳ dị quá!” Hắn thổi cho bếp cháy to rồi lại nghĩ: “Mà cơm nước sao chỉ ăn một bữa? Lại ngủ cả ngày, đến bốn giờ mới dậy... Dễ thường đêm phải thức, mà thức làm gì? Lúc sáng mình lên thấy cái đèn vẫn cháy to”.
Hắn lại nhớ đến cái đầu lâu với những sách vở bề bộn trên nhà, rồi hắn hối hận rằng sao không tìm cách hỏi ông Quáng cẩn thận để biết rành mạch những điều hắn muốn biết. Nhưng xem ra người đày tớ già này cũng mập mờ lắm: chẳng biết vì kín đáo hay vì ngu độn, động hỏi đến thì ông ta lại trả lời một cách vu vơ... “Nhưng dẫu sao, người đã phải ở biệt tịch một nơi như chỗ này, tất không phải là người thường, tất có chuyện gì đây chớ chẳng không. Ta gặp được chủ mới đã tưởng có chỗ nương thân, không ngờ lại gặp phải người lạ lùng như thế... Vậy ta cứ biết ở đây ngày nào hay ngày nấy, rồi sau ta sẽ liệu dần...”
Ấm nước bỗng reo. Hắn đẩy củi đợi cho sôi lên rồi đem rót vào cái bình thủy tinh lớn trên cái bàn bừa bãi những giấy, sách và nhật trình.
Lúc ấy chủ hắn đã vào giường ngủ lại.
Sắc đang ghé đọc nhan đề của mấy quyển sách Tàu để bên những tập sách dày xộc xệch, thì đồng hồ điểm chín tiếng. Sau màn, tiếng ngáy đưa ra dài và to hơn.
Sắc vội vã cất ấm nước xuống bếp, tìm lấy một cái rổ con và một cái rá, ra ngoài đi về phía vườn Bách Thảo, hỏi thăm đường ra chợ Rào mua thức ăn để làm bữa cơm chiều.
Chiều hôm ấy, cơm nước xong, “ông giáo” vừa xỉa răng vừa gọi bảo Sắc:
- Anh ăn cơm rồi lên dọn giường chiếu, đem những quần áo tôi thay để mai giặt. Cả quần áo tây nữa, vì tôi không cần là. Rồi quét tước, lau chùi bàn ghế và rót dầu vào cái đèn trên bàn giấy cho tồi.
Sắc rửa mâm bát, dọn dẹp dưới bếp xong, lúc cầm chổi lên nhà trên thì người chủ của hắn không còn trên đó nữa. Hắn lấy làm lạ chạy ra sân, rồi lại ra ngoài cổng trông ngơ trông ngác mãi mới thấy ông ta đã mặc quần áo, đội mũ, đang lững thững đi trên con đường Thiên Lôi về phía làng Đôn Niệm đầu cúi ra đáng nghĩ ngợi, hai tay chắp sau lưng.
Thoạt tiên, hắn muốn bước theo xem ông ta đi đâu, song hắn ngừng lại ngay, trở vào thu dọn trong nhà để nhân tiện xem xét cẩn thận.
Hắn chú ý đến cái tủ sách hơn cả. Lúc ấy thì hắn đã quen với cái bóng mình thấp thoáng trên mặt kính. Nhưng mỗi khi qua đó hắn cũng thấy giật mình.
Sau cùng khi đã thu dọn quét tước xong, hắn cầm lăm lăm cái khăn trong tay, táo tợn bước thẳng đến trước mặt cái tủ, vừa đi vừa lẩm bẩm nói:
“Thì việc quái gì mà sợ nào!”
Hắn đứng sững, trợn mắt nhìn vào trong tủ đến hai, ba phút rồi mới dịu mặt lại, vừa lau vừa xem.
Tủ này có năm ngăn đều nhau, ngăn nào cững chật ních những sách dựng đứng: Những sách gáy vải đen, chữ in vàng, những sách gáy da đỏ và da xanh, để ở hai ngăn trên; những sách bìa giấy vàng, dầy và nhỏ khổ; những sách lớn đã mất bìa long gáy, với những sách rộng, mỏng, nằm ngang trên những sách xếp đứng; lại có những sách chữ nho, vừa dầy vừa mỏng đến chừng ngót hai chục quyển để ép vào một góc và xếp gọn ghẽ như ít khi lấy ra,
Ngăn dưới cùng thì để mấy pho sách rít dầy, to bằng bảy, tám quyển khác, trên đó ngổn ngang những giấy cũ từng đệp, từng vở, từng cuộn, với những cọc nhật trình.
Lúc ấy trong nhà vắng lặng, mọi vật im lim trong bóng tối mập mờ. Quả lắc đồng hồ treo trên tường thong thả đưa những tiếng đều hòa một cách dai dẳng. Sắc không dám cử động mạnh. Cái đầu lâu trắng trên nóc tủ hắn không dám để ý đến và chỉ muốn quên đi mà không được. Hắn lại thấy cái cảm giác khó chịu là bị “nó” đang dò xét những cử chỉ của mình.
Sau hắn hết sức thu lấy can đảm, ngửng phắt lên, ngạo nghễ trông vào cái đầu lâu. Cái đầu lâu trắng trong khoảng mờ đen vẫn nhe răng ra cười, nhưng hắn cố tình “cắm” mãi đôi mắt hắn vào hai cái lỗ mắt sâu tối của nó, nhất định không nhìn đi chỗ khác.
Bỗng nhiên, hắn rợn người lên... vì, bên cái sọ trắng kia, hắn vừa thấy như có một vật gì đang cựa mình. Hắn còn tưởng mắt trống nhầm, thì một tiếng kêu kỳ quái đưa lên, - một tiếng kêu rền rĩ, khàn và dài như tiếng khóc của đứa trẻ ốm sắp chết. Ngay lúc ấy, một cái bóng đen ở giữa có hai điểm trắng xanh lèn lẹt nhô cao lên một cái, rồi nhảy ngay xuống chân Sắc làm cho hắn cuống cuồng lên. Nhưng cái bóng đen đã nhảy vụt ra giữa nhà, nhảy vào sau bức màn gió rồi văng mình qua cửa sổ biến mất. Tuy vậy Sắc cũng kịp nhận ra đó là một con mèo đen.
Sắc không còn trí nào lau dọn nữa, gieo người ngồi thừ trên tấm ghế ngựa gian giữa, vừa thở vừa lau mồ hôi trán, luôn mồm lẩm bẩm:
- Trời đất ơi! Trời đất ơi! Sao lắm cái kỳ quái vậy!
Hắn ngồi đó rất lâu, cho mãi đến quá năm giờ, ông giáo ở ngoài đẩy cửa vào, hắn mới đứng dậy.
Nhưng ông ta không để ý gì đến hắn, và không kịp bỏ mũ, áo, đến ngồi sau bàn giấy cắm cúi viết hoài. Ông ta có dáng vội vàng như sắp sửa đi đâu tức khắc. Viết được chừng năm phút, thấy ông ta ngừng tay, Sắc tưởng ông ta sẽ đứng lên, nhưng ông ta ngồi nghĩ một hồi lại cúi xuống viết nữa - cứ như thế đến bốn, năm lần.
Hắn đứng ráng một lúc rồi rón rén đi ra.
Vừa khỏi cửa nhà trên, hắn đã thấy con mèo đen ngồi gần bờ giếng, quay lưng lại hắn và đang ve vẩy đuôi. Hắn bèn cắn lấy môi, hết sức nhẹ nhàng đi lại sau con mèo, lấy cái chổi lúa cầm tay ném vào nó một cái thực mạnh.
Con mèo gào lên một tiếng ngắn rồi biến vào trong bụi mất. Sắc đi nhặt chổi, lúc quay trở lại, thì ông giáo tay cầm cái quản bút lớn, đang đứng đợi hắn ở trước cửa lên nhà trên.
- Anh làm gì mà tôi gọi không thưa?
- Bẩm ông... con đuổi con mãn.
- Con mãn nào?
- Bẩm, con mãn đen nó vào rình trong nhà lúc nãy.
- Thì việc gì mà đuổi nó?
- Con tưởng là mãn của người ngoài...
- Tôi cũng không nuôi mãn, nhưng đuổi nó làm gì? Anh lên nhà thắp đèn lên cho tôi. Rồi tối lên trên ghế ngựa trên nhà mà ngủ nhé!
Tuy hắn vâng, nhưng sau khi thắp đèn rồi, hắn xuống dưới bếp nằm trên chiếc chõng suy nghĩ mãi: xưa nay hắn quen ăn ở nơi xó bếp và cho chỗ giường cao, chiếu sạch không phải là chỗ mình được nằm ngồi. Ông chủ dẫu cho phép, mình cũng phải từ chối đi. Nhưng đối với ông này chẳng biết làm thế có nên không, hay ông ta lại cho mình có ý nghi ngại. Chính ra thì Sắc cũng có điều e ngại thực. Hắn tự dưng thấy mình sợ người chủ vả sợ cả nơi ăn chốn ở của ông ta. Hắn nằm nghĩ vẩn vơ một hồi rồi ngủ quên đi mất.
Vào khoảng nửa đêm, hắn nằm mơ toàn thấy những cái quái lạ hết sức: hắn đi theo ông giáo đến một bãi tha ma kia; ông giáo đầu trọc bóng nhoáng, vừa cười, vừa xắn ống quần đen lên quá đầu gối, để lộ ra hai ống chân gầy và đặc những lông; ông ta lấy cuốc, cuốc lên một cái đầu lâu trắng với một con mèo đen rất to. Rồi cả ông giáo cả cái đầu lâu, cả con mèo cùng vây chung quanh hắn mà nhăn răng ra cười. Sắc vừa chực co chân chạy đi thì bỗng giật mình thức dậy, mồ hôi ướt đẫm lưng. Trong bếp đen tối mịt mù; tiếng giun dế âm thầm kêu trong tiếng chuột chạy rúc rích.
Sắc không dám ngủ nữa, ngoảnh trông ra phía cửa bếp thì thấy mấy ngôi sao đang nhấp nháy trên nóc nhà trên. Trong nhà vẫn còn thấy ánh đèn chiếu ra, hắn mới nhẹ nhàng chống tay ngồi dậy.
Vừa lúc đó hắn nghe có tiếng lẩm bẩm nhỏ và tiếng giấy sột soạt.
Hắn đứng lên, rón rén đến tận cửa, cúi xuống ghé mắt sau một khe ván nhìn vào trong. Dưới cái chụp đèn xanh, hắn trông rõ thấy cái đầu hói của chủ đang cắm củi trên một đệp giấy trắng. Một ngón ở cái bàn tay đang cầm bút chậm chạp gãi lên cái trán rộng; mắt sáng quắc, nhìn trừng trừng vào cái đầu lâu ở trước mặt; miệng nhách về một bên, không biết là cười thầm hay là nhăn. Sau đó chừng hai, ba phút mới thấy ông ta chấm mực rồi viết, viết rất nhanh ra dáng vội vã. Khi nào ngừng viết lại chỉ giương mắt nhìn cái đầu lâu.
Sắc chú ý xem viết được chừng bốn, năm trang giấy - mỗi trang viết xong, ông ta lại cẩn thận hai tay nâng để sang bên cạnh - thì đồng hồ đánh một giờ. Ông giáo bỗng quay đầu nhìn ra cửa sau, làm cho hắn đang lúc vô tình, bất giác bước lùi ngay ra, rồi lẩn vào trong bếp, trống ngực đập thình thình. Sắc lo sợ quá, chưa thoát khỏi hai ngọn lửa của đôi mắt kia soi vào tâm hồn hắn, thì bỗng thấy những tiếng lẩm bẩm rất nhanh ra ý gắt gỏng, tiếng quăng bút, vò giấy, tiếng bước chân đi đi lại lại, rồi một chốc thấy im.
Sắc đồ chừng ông giáo lại ngồi xuống viết nữa, rón rén bướr lên coi. Bất đồ vừa tới cửa nhà trên thì cửa bỗng bật mở ra, ông giáo đã đứng sững đó. Ông ta đột ngột hỏi:
- Anh làm gì dưới này?
- Dạ... thưa ông... không!
- Không làm gì? Không làm gì, sao đứng đây?
Sác không biết nói sao, đứng nín thở mà đợi những tiếng chửi mắng dữ tợn. Nhưng ông giáo không nói gì. Ông ta nhìn lên trời, lẩm bẩm mấy câu tiếng Tây, rồi như người sực nhớ ra, hỏi Sắc:
- Tôi đã bảo anh lên trên ghế ngựa trên nhà mà ngù, sao anh không nghe?
- Bẩm... con đã có cái chõng dưới bếp.
- Không! Tôi muốn anh lên ngủ trên nhà.
Nói rồi, ông ta lui vào.
Sắc thấy chủ không đả động gì đến việc mình đứng nhòm trộm, nên đã bớt sợ. Anh ta lại thấy nhà trên sáng sủa, ấm áp hơn cả ban ngày, nên lúc leo lên bộ ghế ngựa giữa nhà anh ta cũng hơi được yên bụng. Sắc nằm quay mặt vào tường, đầu về phía bàn giấy, tuy nhắm mắt, im tiếng, nhưng vẫn để tai nghe. Ông giáo hình như đứng lặng nhìn hắn; và khi thấy hắn nằm yên mới đi kéo ghế ngối sau bàn. Một lát Sắc lại nghe thấy tiếng ngòi bút gại trên mặt giấy.
Đến quá ba giờ, Sắc mới ngủ đi được. Lúc thức dậy thì trời sáng đã lâu, đèn trên bàn giấy đã tắt, cái xương đầu lại thấy đặt cẩn thận trên tủ sách và “ông giáo” thì đang ngáy ở sau tấm màn gió xanh.
Sắc ở với người chủ kỳ quặc mà hắn bắt chước người đày tớ già gọi tên là “ông giáo” kia đã được hơn một tháng. Nhưng hắn không thể nào hiểu được một ly một tí gì về lai lịch và những công việc lạ lùng của ông ta.
Còn công việc của Sắc thì chả có gì.
Thỉnh thoảng hắn mới phải kéo chủ lên thư viện Hải Phòng và ngồi đợi ở đó từ bày ruỡi, tám giờ đến mười một giờ tối.
Ông giáo chỉ ăn cơm có một bữa, uống toàn nước lã đun sôi; ba ngày mới thay một bộ quần áo trong; rửa mặt thì chỉ rửa nước lạnh; nhà có giếng tốt, hắn không phải lo đi xa gánh nước; củi với gạo, hắn mua trữ sẵn, một ngày một lần ra chợ Huyện Rào mua thức ăn.
Bởi thế Sắc nhiều thì giờ rỗi quá, có khi suốt bốn, năm giờ đồng hồ, hắn ngồi buồn bã một mình ở trước cửa bếp hay ở bờ hè nhà trên, trông đồng lúa đằng xa, dưới ánh nắng hanh, ẩn hiện sau những cây găng sơ rơ gió lạnh thổi qua từng trận.
Bên trong thì ông giáo chốc chốc lại đưa cao tiếng ngáy, - chiếc đồng hồ treo chậm chạp điểm thời khắc, và cả ba gian nhà cũ vắng lặng như cũng theo ông giáo ngủ một giấc nặng nề.
Đến bốn giờ chiều cơm nước làm xong, Sắc lên nhà đánh thức chủ dậy. Nhưng nhiều khi hắn vừa vén chiếc màn gió lên, đã thấy ông chủ mắt đeo kính đen ngồi ngáp ở mép giường và nhìn theo cử chỉ của hắn.
Ông giáo súc miệng qua rồi ăn cơm ngay ở trên bộ ghế ngựa hắn vẫn nằm ngủ. Ông ta ăn rất chậm, hai mắt trông đây, rồi trông đó, gặp cái gì cũng nhìn có lúc nhìn rất chăm chú, nhưng thực ra thì như không trông thấy gì. Thường khi đang nhai nhấm mai miếng cơm, ông ta bỗng buông đũa bát xuống chạy ngay đến bàn giấy nguệch ngoạc mấy chữ lên một quyển vở rồi lại ngồi vào mâm.
Cơm xong, rửa mặt sơ sài, ông ta lẳng lặng mặc áo đội mũ đi liền. Mà bao giờ cũng đi trên đường Thiên Lôi, về phía làng Niệm Nghĩa.
Chừng sáu giờ thì ông ta về, mặt có vẻ tư lự lắm.
Ở ngoài ngõ vội vã bước vào, ông ta đến ngay bàn giấy ngồi cắm cổ viết đến mươi, mười lăm phút. Có khi ông giáo cứ thế ngồi cho đến tối, không bỏ mũ, không bỏ áo và hình như cũng không để ý đến ai.
Một lần Sắc quên không thắp đèn mà ông ta vẫn cứ cắm cúi viết mò trên mặt giấy.
Đãng trí là một tính đặc biệt nhất của ông giáo. Nhiều khi ở phía Niệm Nghĩa về, ông giáo đi đến chỗ đường đất rẽ vào nhà mà vẫn cứ tiến thẳng, được một lát mới tất tả quay trở lại. Ông ta sợ quên những ngày định vào thư viện, phài đánh dấu trước lên một tờ lịch nhỏ, dặn Sắc ngày nào cũng bóc, mà khi thấy đến tờ có gạch bút chì xanh thì phải nhớ kéo xe ông ta lên Hải Phòng. Có chiều Sắc đang rót dầu vào đèn ở ngoài sân, bỗng thấy chủ gọi. Lúc chạy vào thì ông giáo ngồi chống cằm nhìn mình một cách ngạc nhiên, không nói năng gì. Sắc vừa quay đi thì ông giáo mới sực nhớ ra, gọi Sắc lại và thản nhiên bảo:
- Tối rồi thì phải, sao anh chưa thắp đèn lên?
Mũ áo mà lúc ở ngoài về mà ông ta quên chưa kịp bỏ ra ngay, có sáng Sắc thức dậy thấy vứt bừa trên ghế hay để rơi cả xuống chân bàn; có lẽ lúc vào giường đi nằm, ông ta xéo cả lên mà không biết.
Tuy vậy đối với công việc ăn mặc, ông ta lơ đãng, cẩu thả chừng nào, thì đối với cái công việc viết lách bí mật của ông ta, ông ta lại cẩn thận chăm chú chừng ấy.
Cái đầu lâu, những sách vở trong tủ kính, cùng với giấy má trên bàn, xem ra có liên lạc quan trọng với nhau. Mà tưởng chừng chả còn người nhà giàu nào quý hóa giữ gìn những lọ cổ của mình hơn là ông giáo quý cái đầu lâu với những sách vở ấy. Sắc thường thấy mỗi khi lấy một quyển nào ở trong tủ ra, hay đem một quyển ở trên phố về, ông giáo lộ ra vẻ sung sướng, nâng niu đặt lên bàn, và lấy vạt áo lau nếu sách có bụi hay mốc bám. Hắn lại không bao giờ quên được cái vẻ mặt đạo mạo, cái giọng nói nghiêm nghị, lúc ông giáo dặn dò hắn phải có ý tứ, đừng động chạm tới cái “đầu” của ông ta.
Không đêm nào ông giáo không nâng cái đầu lâu trên nóc tủ mà đặt xuống bàn một cách trân trọng ở trước mắt mình.
Ông ta ngồi làm việc suốt đêm: viết, đọc hay yên lặng suy nghĩ. Thỉnh thoảng ông ta lại cầm lấy cái sọ nhìn một lúc, rồi lẩm bẩm như nói cho nó nghe. Nói có khi rất lâu. Giọng nói lúc thì buồn bã, lúc thì bực tức; nhưng Sắc không nghe rõ được mấy nên không hiểu là nói những gì.
Có đêm Sắc đương mơ mơ màng màng, bỗng nghe tiếng gắt mắng ầm lên. Hắn hốt hoảng mở mắt nhìn ra thì thấy ông giáo đang mắm môi, trừng mắt một mình, hoặc thấy ông ta đẩy ghế đứng lên đi đi lại lại quanh bàn giấy. Hắn ngạc nhiên quá, nhắm mắt lại để nghe ngóng nữa thì chỉ thấy ông giáo lẩm bẩm rồi lại ngồi yên.
Câu nói mà trong những lúc này hắn thường thấy nhắc tới luôn, lại là câu hắn thấy vô nghĩa nhất.
Ông giáo nói câu đỏ một cách chán ngán, giọng nói kiểu cách như người đọc văn: “Ôi! Hư vô! Ôi! Cõi thuần lý! Bao giờ ta mới bước được tới chốn vô cùng vô cực đó? Bao giờ sự chết kia đối với ta không còn một mảy may bí mật gì?” Tiếp sau đó là những câu khó hiểu hơn, trong đỏ len vào toàn những tiếng: “hư linh, thực nghiêm, chủ nghĩa, thần quái, ảo tưởng...”
Những tiếng này, dưới kính hiển vi của sự nghi hoặc lo ngại, thường phóng ra những điều hết sức dị kỳ. Sắc, bởi thế, cho rằng chủ hắn là một hạng kỳ nhân, có cái trí thức siêu phàm và có cái quyền phép giao tiếp được với giống yêu ma tinh quái. Cái sọ người mà ông ta giữ gìn như một thứ phù chú, với cái tính lấy đêm làm ngày kia lại càng làm cho điều phỏng đoán của hắn càng ngày càng chắc chắn thêm. Có phen Sắc đã tự hỏi mình rằng người mà hắn hầu hạ và ở chung đụng bấy lâu có thực là một người trần không, hay là một thứ vong hồn hiển hiện?
Sắc vẫn nhắc đi nhắc lại một mình rằng: ở đây chẳng qua là nương thân tạm bợ ít lâu thôi, chứ ông chủ có một kia, dẫu không phải là ma cũng không phải là người để nhờ cậy được. Cho nên Sắc hay nghĩ kế đi trốn. Hắn làm ra mặt thản nhiên, và quét tước, nấu nướng, giặt giạ, một cách chăm chỉ hết lòng để cho chủ hắn không ngờ gì cả. Xem ra ông giáo cũng không ngờ vực hắn bao giờ.
Hai bận ông giáo mải làm việc ở nhà không lên thư viện được, sai hắn cầm mấy chữ lên nói với người thư ký ở đó trao sách vở cho hắn cầm về: những sách vở báo chí mà ông giáo nhờ mua hộ. Sắc khéo lựa lời dò hỏi thì biết người thư ký là người thay mặt ông giáo giao tiếp với các nơi khác, nhưng còn lai lịch ông giáo thì người này cũng như Sắc, không biết tí gì qua. Lúc Sắc ngỏ những nỗi lo ngại của mình thì ông ta chỉ cười một cách thờ ơ mà bảo hắn:
- Nhà thông thái ấy thực lạ lùng!
Một buổi tối kia, Sắc lại được chủ sai lên Hải Phòng: lần ấy là để cầm về một số tiền năm chục đồng mà ông thư ký thư viện lĩnh hộ. Sắc thấy chủ ham công việc quá và hình như không cần nghĩ gì đến việc ngoài, nên lúc ở cửa thư viện bước ra, hắn đã toan nhân cơ hội mang số bạc đi trốn. Nhưng không biết tại sao, chân hắn cứ bước về vườn Bách thảo, như có sức gì lôi mình về. Hắn nhớ đến tờ cam đoan mà hắn phải ký hôm xưa. Hắn quyết không sợ tờ giấy ấy về phương diện pháp luật. Song ba chữ Ngô văn Sắc hắn ký lên đó, hắn thấy quan trọng bằng ba chữ máu viết bán hồn mình cho một hung thần như trong truyện truyền kỳ. Hắn tin rằng hắn đã cầm bút ký, tên hắn đã ở trong tay người chủ, thì hắn không thể đi đâu thoát trước khi mãn cái hạn ba năm. Cho nên lúc về nhà cầm số bạc với tập giấy đưa cho chủ xong, hắn bước ra đằng sau, mừng mà tự báo mình rằng: “Tí nữa thì ta làm một điều dại dột”.
Hắn nhớ lại đôi mắt của ông giáo nhìn hắn lúc nhận tiền, với cái cười ở miệng ông ta, cái cười rất có ý nghĩa đối với hắn. Hắn nghĩ bụng: “Ông ta sai mình làm những việc đó để thử bụng mình đấy. Mà nếu để mình trốn được hắn đã không sai mình đi...”
Đêm hôm đó, Sắc thức dậy luôn, lần nào mở mắt ra cũng thấy chủ hắn càu nhàu luôn mồm, không thì quăng bút xé giấy ra vẻ bực tức lắm. Nhưng đến ba giờ sáng, hắn thức dậy lần nữa, thì thấy im. Hắn mở mắt ra xem: Ông giáo đang cúi xuống nhìn vào mặt hắn trân trân, một tay đang co về, hình như vừa mới nắm cổ tay hắn.
Sắc ngơ ngác không hiểu, định ngồi trở dậy thì ông giáo nhếch mép cười lắc đầu nói:
- Không, anh cứ nằm yên. Từ giờ anh đừng nghĩ ngợi lẩn thẩn như thế nữa nhé.
Sắc ấp úng nói:
- Dạ... bẩm con có nghĩ gì đâu?
- Có. Vừa rồi anh nằm mơ phải không? Anh nằm mơ anh lấy được tờ giấy... tờ cam đoan của tôi... rồi anh trốn đi. Trốn đi đâu? Không biết, nhưng anh trốn đi. Anh đi rồi anh trở lại, vì anh sợ có người theo bắt... Tôi theo phải không? Anh nằm mơ thế là anh có ý thế. Nhưng không nên. Việc gì anh định làm tôi cũng đoán biết cả.
Ông giáo nói đúng. Sắc vừa mới nằm mơ như thế thực. Giấc mơ nhắc lại những ý định của hắn lúc ban ngày. Nhưng điều mà Sắc không thể hiểu được ra, là làm thế nào mà chủ hắn thấy cả những việc của hắn trong mộng?
Kể từ hôm ấy trở đi, Sắc xem ra tính khí ông giáo có hơi đổi khác.
Chủ hắn trước đã ít nói năng với hắn, nay lại càng yên lặng thêm. Ông giáo mặc cho hắn muốn làm gì thì làm. Ông ta ngủ dậy, ăn cơm xong, đi bách bộ ở đường Thiên Lôi về, trông thấy Sắc hầu hạ bên mình mà vẫn làm như nhà không có hắn. Có lần Sắc đã phải bịa ra một câu gì hỏi chủ để xem trả lời ra sao, thì chỉ thấy ông ta nhìn hắn một lát, rồi quay đi; rồi buông xuống mấy tiếng hững hờ:
- Được, cái đó tùy ý.
Trái lại, cái thói quen nói lẩm bẩm một mình trong khi làm việc ban đêm và những cử chỉ dằn dỗi của ông ta cứ ngày một tăng lên mãi. Cho đến hồi đầu tháng chín ta thì ông giáo thành một người tính khí rất dị kỳ.
Nhiều đêm ông giáo vỗ mạnh tay xuống bàn, quát tháo ầm lên; xé tan tành hàng tập giấy một, gạt những chồng sách xuống đất; đẩy đổ ghế, đứng thẳng dậy; giở rất nhanh những tờ báo lớn mà ông ta không đọc kỹ rồi giơ thẳng cánh hết sức ném xuống chân. Sắc đương ngủ thường sửng sốt ngồi sững lên nhìn. Nhưng ông giáo không để ý gì đến hắn.
Song bao giờ cũng thế, những lúc giận dữ đó chỉ là những cơn dông tố rất chóng qua: ông giáo đang dằn dỗi gắt mắng đùng đùng, bỗng dưng ngừng ngay lại, cẩn thận nhặt các sách, báo xếp lên, sắp gọn những tập giấy lộn xộn bên cái đầu lâu mà dẫu sao ông ta cũng không động tới: rồi ngồi vào bàn giấy, tay cầm bút, tay nâng trán, nghĩ ngợi một cách chăm chú bình tĩnh.
Cũng vào thời kỳ đó, những sách, báo với thư từ ông giáo nhận được nhiều hơn lên; Sắc phải kéo chủ lên thư việh thường hơn trước. Sắc thấy mỗi ngày ông giáo một thêm tư lự, cơm đã ăn có một bữa, lại ăn kém đi, ban ngày ngủ không yên giấc, mà làm việc lại nhiều mãi lên: có hôm đến hơn bảy giờ Sắc còn thấy ông giáo ngồi cắm cúi sau bàn giấy. Lên thư viện ông chỉ ở độ năm phút: rồi lúc ra, vừa bước lên xe là giục hắn chạy mau.
Lúc nào cũng sốt ruột, lúc nào cũng vội vàng, nhưng khi đã ngồi vào bàn giấy dưới ngọn đèn chụp xanh thì ông ta quên hết cả việc đời, đọc viết một cách rất lặng lẽ và nổi giận một cách rất dữ dội.
Sắc biết rằng trong cuộc đời của chủ mới xảy ra một điều khác thường nữa. Hắn càng thêm băn khoăn và gờm sợ con người bí mật ẩy, nhưng cũng đem lòng ái ngại giùm.
Hắn thấy ông giáo ngày một rạc người đi, ngày một xanh xao, thân hình chẳng khác gì một cái xác khô khan chỉ linh hoạt ở hai con mắt. Hắn nghĩ bụng: “Nếu cứ thế này mãi thì ông ta đến ốm mất. Lúc ấy mình sẽ khu xử ra sao?”
Sắc cố dò xem cái mối lo âu bực tức kia bởi đâu mà ra, nhưng ngoài những tiếng hắn bắt chợt được trong các câu nói lẩm bẩm hay trong lúc quát tháo của chủ ra, hắn không biết thêm điều gì lạ nữa. Sắc do những tiếng đó mà phỏng đoán rẳng chủ hắn đang “can đảm chống nhau với Ngụy biện với Tà thuyết” - Ngụy biện và Tà thuyết treo trí tưởng tượng của Sắc tất là hai vật linh thiêng gì, ở trong cái thế giới huyền ảo vô hình mà ông giáo kia thường giao tiếp với. Nhưng điều hắn mới tìm ra đó chỉ làm cho sự bí mật của chủ càng đáng sợ thêm.
Rồi một đêm kia, trong cái nhà cổ hẻo lánh giữa đồng không. Sắc bỗng có cái cảm giác quái lạ là chủ hắn nhiều lúc không có hồn, nhiều lúc để cho linh hồn rời khỏi xác.
Đêm ấy Sắc đang ngủ, cũng hoảng hốt thức dậy như mọi lần. Nhưng hắn không thấy ông giáo gắt gỏng hay lẩm bẩm gì, chỉ nghe sau nhà có tiếng gào se sẽ của con mèo đen mà thường ngày hắn vẫn thấy lẩn lút quanh đấy. Hắn biết con mèo không có liên lạc gì đến việc riêng của chủ, song cái cảm giác khó chịu gặp nó hôm đầu vẫn còn rõ rệt, nên hắn thù ghét và coi con vật ấy như một giống quái ác thích hợp với nơi hoang vắng này. Con mèo kêu tiếng dài, nghe ghê rợn và thê thảm, hình như có ai đang bóp cổ nó cho chết dần.
Trong nhà thì yên lặng lạ thường. Nhưng trên phía đầu giường hắn, chiếc đèn chụp xanh vẫn cháy sáng. Hắn nằm yên nghe ngóng tới năm phút mà vẫn thấy như không còn ai trong nhà. Hắn liền ngước đầu trông lên. Ông giáo vẫn ngồi yên đó. Đầu ông ta cúi gằm xuống, hai nắm tay nắm chặt đỡ lấy hai thái dương. Cạnh đó là cái sọ người, cùng với cái đầu hói của chủ hắn là hai vật tròn sáng và nổi nhất dưới ánh lửa. Hắn đợi thêm năm phút, rồi mười phút, mà vẫn không thấy ông giáo nhúc nhích; liền cắn lấy môi nhẹ nhàng chống tay ngồi dậy; trong bụng ngờ rằng ông giáo ngủ quên. Nhưng lúc nhìn kỹ thì hai mắt ông giáo vẫn mở trân trân, đang nhìn mãi cái mặt bàn bề bộn những giấy má.
Tiếng mèo sau nhà đã nhỏ dần, rồi tắt hẳn. Tiếng quả lắc đồng hồ điểm đều hòa... Ông giáo vẫn giữ nguyên cái vẻ yên lặng vô tri của một pho tượng đá.
Sắc nghi nghi, hoặc hoặc, dè giữ lê ra đến mép ghế ngựa, ngồi đó đợi đến chừng mười phút nữa, rồi se sẽ đứng lên.
Ông giáo vẫn không biết gì.
Sắc rón rén tiến đến gần, đứng lại nhìn một hồi lâu, và nghẹn tiếng gọi:
- Ông!... Ông ơi!
Nhưng tiếng gọi nhỏ quá, có lẽ chủ hắn chưa nghe thấy.
Trống ngực hắn đập không đều và rất mạnh. Hắn toan gọi chủ một lần nữa rõ hơn thì cái đầu kia bỗng ngửng bật ngay lên, hai mắt xuyên vào mắt hắn một cách dị thường. Hắn rủn cả người, loạng choạng lùi lại phía bộ ngựa.
Rồi hắn ngồi im trên đỏ, không dám cử động, và cam lòng chờ đến các điều không hay.
Song ông giáo vẫn lặng ngồi, vẫn lặng nhìn, và lạ hơn hết, vẫn không trông thấy Sắc. Mắt ông ta nhìn thẳng về phía hắn, mà hình như đắm vào cõi hư vô nào. Cứ thế đến chừng một khắc đồng hồ, mới thấy ông ta hơi nhách miệng về một bên như muốn cười rồi chậm chạp nói:
“Có lẽ nào sự huyền bí bao giờ cũng còn là sự huyền bí mãi? Ánh sáng khoa học lại không soi được vào sự bí mật của vũ trụ lấy một vài phần ư?”
Rồi ông giáo thở một tiếng rất dài, rất buồn, nói một cách mỉa mai và văn vẻ:
“Chân lý là gì? Có phải chẳng qua chỉ là cái công việc đi tìm chân lý đó chăng?... Nếu vậy sự nghiệp của loài người toàn là những điều hư ảo cả sao? Không! Đến nỗi thế ư? Không! Ta phải quyết đi cho tới cùng, ta phải thắng nổi những tà thuyết của phái Nguỵ biện mới được!”
Sắc nghĩ bụng: “Trời ơi! Đến bao giờ ta mới thoát khỏi tay con người kỳ quái này?”
Chiều hôm đó, một buổi chiều tháng chín ta, tiết trời bắt đầu lạnh, gió heo may xào xạc thổi trong những cụm tre già cằn. Sắc ngồi ở bực cửa bếp, trông những vừng mây đen lớn ở phía trời tây, những vừng mây thấp, dài và nặng trĩu nỗi ngao ngán lo ngại.
Lúc ấy đã quá năm giờ rồi, mà ông giáo chưa ngủ dậy, hắn không dám đánh thức, vì suốt ba ngày ba đêm trước chủ hắn làm việc không lúc nào ngơi, và mới nằm nghỉ được chừng sáu, bảy giờ.
Hôm ấy, cũng như năm hôm vừa qua, hắn không phải làm cơm, vì chủ hắn chỉ ăn cháo trừ bữa. Hắn lấy làm lạ rằng ông giáo thức nhiều ăn ít như thế mà vẫn sốt sắng đọc viết được hoài. Ông ta vẫn giữ lệ đi bách bộ trên đường Thiên Lôi, nhưng đi rất chóng, và hai hôm sau cùng, Sắc thấy ông ta chưa ra khỏi nhà được hai trăm thước đã trở về ngay. Cái tính bẳn gắt ngày một bớt dần; đến hôm cuối cùng lại thấy mất hẳn. Nhưng Sắc cho đó là cuộc thái bình tạm thời thôi: hắn vẫn nơm nớp sợ rằng còn nảy ra những việc lạ lùng hơn nữa.
Cho nên mười giờ sáng hôm đó, lúc thấy ông giáo đẩy ghế đứng dậy thì hắn chắc rằng sắp có một phen dông tố: ông giáo thế nào cũng sẽ vùng vằng quát tháo, xé giấy đập bàn. Nhưng không, không xảy ra việc gì. Bấy giờ Sắc lúi húi lau tủ sách quay lại nhìn thì ông giáo đang nhách miệng ra cười, hai tay xoa vào nhau mà trông đệp giấy mới viết trên bàn, ra chiều thích ý lắm.
Đoạn xếp giấy lại cẩn thận, ông giáo vươn vai ngáp dài một tiếng và lảo đảo đi vào phía nhà trong.
Sắc tưởng chóng ra thì cũng đến ngày hôm sau chủ hắn mới thức dậy. Không ngờ ngay sáu giờ rưỡi tối hôm ấy, lúc hắn mở cửa lên nhà định đi ngủ sớm thì ông giáo đã ngồi dụi mắt trên bộ ngựa và giục hắn đi thắp đèn.
Đèn thắp, ông giáo rửa mặt xong, ăn một bát cháo hoa nguội Sắc bưng lên rồi đến thu gọn mớ giấy trên bàn bọc thành một bọc lớn. Cái đầu lâu vẫn để trên một chồng sách, ông ta cầm lấy ngắm nghía một hồi, lấy giấy dầy gói lại, buộc dây bên ngoài rất kỹ lưỡng, rồi quay lại bảo Sắc:
- Anh sắp sửa thắp đèn xe rồi kéo tôi lên thư viện. Tôi cần gửi cái này đi ngay.
Sắc nghe lời nói ôn tồn, thấy sắc mặt hết vẻ lo âu của chủ, lại thấy ông ta không giữ cái đầu lâu kia nữa, nên hắn cũng có bụng mừng. Hắn liền đi đóng cửa bếp, khóa cửa nhà trên, đánh xe ra một cách lẹ làng, và lúc kéo khỏi con đường đất ra tới đường cái thì hắn rảo chân chạy.
Lên tới thư viện thì vừa đúng tám giờ tối. Hắn kéo xe về một góc sân ngồi đợi chủ. Sắc được nói chuyện với hai anh xe khác ngồi đó lấy làm vui vẻ lắm, vì đã lâu lắm hắn không được biết gì đến những việc xảy ra “bên ngoài”.
Hồi đó, ở Hải Phòng đang có cái nạn mẹ mìn. Khắp thành phố xôn xao lên vì con em trong nhà bị dỗ đi một cách rất lạ. Nhân đó, những kẻ hiếu kỳ, thường thuật lại những chuyện tinh ma ở lẫn với người và đêm tối biến ra những “công tử” với “tiểu thư” vơ vẩn ở các đường vắng. Sắc chú ý nhất đến chuyện một anh phù thủy ít lâu nay không ai thấy mặt và trước kia thường ăn ở một cách bí mật dưới túp lều lá gần một ngôi chùa. Theo lời người ta đồn thì người phù thủy trước hôm rời bỏ nhà, có thuê xe giờ đi chơi suốt đêm, đến tang tảng sáng người phu xe ngoảnh lại xem thì chỉ thấy trên đệm xe một nắm giẻ rách.
Sắc trong bụng nghi hoặc, muốn hỏi rành mạch thêm, bỗng một tiếng cười quen quen làm cho hắn trông lên cửa thư viện: ông giáo đã đứng đó, cúi chào viên thư ký một cách lễ phép rồi bước xuống thềm.
Tay ông giáo mang năng một chồng sách với bọc nhật trình. Lúc bước lên xe, không biết vì lóng ngóng thế nào ông ta làm rơi mấy quyển xuống chân Sắc. Hắn cúi xuống nhặt thì đầu hắn sát với đầu ông giáo. Không bao giờ hắn đứng gần chủ như lúc ấy: hắn thấy chủ thở một cách chậm chạp và ra dáng nhọc nhằn. Nhặt đã gần hết thì đệp thư từ với tập báo lại rơi xuống theo. Trong lúc lúng túng vội vàng, Sắc đưa một phần giẩy má cho ông giáo, còn mấy bức thư nhặt sau cùng thì hắn nhét vội vào túi định lúc về tới nhà sẽ đưa.
Hắn nâng tay xe lên thì thấy một thứ cảm giác rất lạ thường: người ông giáo nhẹ bổng đi, đến nỗi hắn phải ngừng chân ngoảnh lại trông xem chủ hắn còn hay đã biến mất. Ông ta bắt chân chữ ngũ - cử chỉ khác hẳn với mọi bận - ngồi ngất ngưởng trên đệm, trông hắn đẩy xe ra, miệng tủm tỉm cười, lại phì phèo một điếu thuốc lá gần tắt. Sắc nghĩ bụng chẳng biết đó là một triệu chứng hay, hay dở.
Xe qua phố Cầu Đất, rồi qua trại lính khố xanh. Đến trường đua ngựa thì đèn điện thành phố đã thưa và đường thêm vắng... Trước còn thấy thỉnh thoảng ông giáo lại khạc nhổ. Sau cứ thấy im. Mà quái lạ, hắn chưa bao giờ thấy chủ nhẹ bằng lúc này: trên xe hình như không có ai ngồi cả. Hắn nghĩ tới chuyện cái giẻ rách mà người phù thủy lúc biến đi để lại trên xe, tưởng đến những chuyện người cõng ma, ma quyến rũ người và đem ráp vào những điều hắn nghi ngờ từ trước. Hắn se sẽ quay đầu trông lại thì thấy chủ vẫn ngồi yên.
Gần đến quán bà Mau thì trong một gian của lớp nhà cuối cùng, đồng hồ điểm mười một tiếng. Rồi từ đó, ngoài tiếng chân hắn đập trên đường nhựa, không còn một tiếng gì của trần gian. Sương xuống một nhiều một thêm thấm thía. Trời về khoảng trung tuần tháng chín, đêm lờ mờ sáng, mặt trăng yếu đuối bị che kín trong từng mây âm u. Hai bên đường cái, phần nhiều là đồng nước mặt sáng và phẳng như gương, trên đó từng đám cỏ ngắn đâm lên, cứng và thẳng như những đám rừng tăm đen nghịt.
Cái lạnh lùng vắng vẻ của đêm khuya làm cho Sắc trong lòng như cảm thấy một điều gì không hay sắp xảy đến. Mà xe càng chạy, nỗi lo ngại của Sắc càng thấy tăng... Hắn muốn nói lên một câu gì để được nghe thấy tiếng mình, nhưng hắn vẫn lẳng lặng..
Xe đến vườn Bách Thảo thì Sắc rảo cẳng chạy cho mau tới nhà; hắn đã hơi được yên lòng vì tưởng trước đến lúc được thắp to ngọn đèn trong nhà lên và xua đuổi những điều nghĩ ngợi vẩn vơ trong trí.
Từ đường cái rẽ vào nhà, con đường đất hơi gồ ghề nên hắn phải đi chậm lại. Hắn thấy một vật đen sì lù lù ngồi ở giữa lối biết ngay là con mèo; nhưng con vật ngạo nghễ cứ ngồi lì đó cho đến lúc xe hắn sắp đè lên mới chạy.
Khi đến cổng, khóa đã mở mà dây xích còn vướng, Sắc phải hạ xe để gỡ thì bỗng một vật gì lăn xuống ôm ngay lấy chân mình. Sắc vùng nhảy sang một bên. Vật đó ngã chúi đầu xuống chân xe: nhìn lại thì là ông giáo. Sắc tái người đi vì kinh ngạc, không dám đến gần mà cũng không dám chạy. Chạy thì thế nào “nó” cũng đuổi theo. Hắn đứng lặng, tráo mắt nhìn đến hơn năm phút, không biết nghĩ ra sao. Ông giáo vẫn không nhúc nhích.
Dần dần hắn định thần lại, thoáng nhận hiểu cái tình thế kỳ quái lúc đó; rồi, táo tợn như một kẻ đánh liều với số mệnh, hắn bước đến bên ông giáo, cúi xuống xem. Ông giáo, mắt lim dim, người cứng đờ, hắn cố nghe cũng không thấy tiếng thở. Hắn đưa một tay ghê rợn sờ lên trán chủ thì thấy lạnh toát như đá. Ông giáo đã chết rồi!
Tức khắc, hắn đẩy cổng rất mạnh, vào nhà thắp cây đèn trên bàn giấy lên; mạnh bạo ra bế ông giáo vào, đặt nằm thẳng trên giường; đem cất xe vào sân, rồi đến ngồi trên bộ ghế ngựa giữa nhà, và đợi.
Mắt hắn lộ ra vẻ quả quyết hết sức. Hắn tưởng trước đến đủ mọi sự ghê gớm quái gở, nhưng hắn nhất định chống cự với các điều nguy khốn có thể xảy ra. “Vì ta sợ cũng vô ích kia mà! Ta cứ bướng xem, chúng nó muốn giở trò gì ra thì giở?”
Nhưng đêm tối chung quanh vây bọc lấy cái nhà nặng nề tử khí kia, làm cho lòng Sắc mỗi lúc một thêm sờn... Hắn nghe tiếng lá khô chạy trên sân, nghe tiếng giun dế rù rì trong bóng tối, với tiếng đồng hồ đếm dần thời khắc, thì cứ thấy cái can đảm quả quyết một tiêu tán dần...
Mười hai giờ đêm.
Một cơn gió lạ thổi qua làm xào xạc bụi cây bên ngoài. Bỗng ở sau nhà có tiếng gừ gừ đưa vào mỗi lúc một rõ thêm. Sắc nhận ra ỉà tiếng con mèo đen lớn.
Hắn thấy thỉnh thoảng cái màn gió xanh lại động đậy như có ai giật mạnh, nên không dám quay mặt đi chỗ khác. Mắt hắn đăm đăm nhìn vào đầu giường người chết và tưởng đến những chuyện quỷ nhập tràng: “Làng xóm thì xa, đêm hôm khuya vắng như thế này, mà ngộ cái xác kia đứng dậy thì làm thế nào?” Hắn nghĩ bụng thế và thấy ghê rợn khắp người. Tiếng mèo bên ngoài kêu lại thê thảm hơn lên trong những tiếng gió rít qua khe cửa. Sắc ngồi im lặng như pho tượng, chung quanh mình như có những bóng phảng phất đang qua lại và đang thì thầm bàn chuyện hại mình... Hắn thấy tâm trí khổ sở và như bị đè nén rất nặng nề. Hắn muốn đứng phắt lên, muốn nói lên, kêu lên, quát lên; nhưng không biết có sức gì giữ hắn lại.
Tiếng mèo kêu dần dần đã ngớt. Rồi tắt hẳn. Tiếng gió cũng dần dần thưa. Cái màn xanh chỉ thỉnh thoảng hơi đưa đẩy.
Sắc thấy cái sợ đã bơn bớt, thở dài lên một tiếng mạnh, bỗng thấy một tiếng thở dài nữa họa theo. Hắn tái người đi, nín thở nghe xem, nhưng không thấy gì lạ.
Hắn chắc rằng tiếng thở vừa rồi chỉ là một tiếng vang của mình, vừa định thở một tiếng nữa thử xem thì cái “tiếng vang” kia đưa ra trước! Hắn nhìn dính lấy cánh cửa, hai tay bíu chặt lấy mép bộ ghế ngựa, tâm trí tán loạn như sắp phát điên. Bỗng lại nghe thấy một tiếng thở nữa dài hơn, rõ hơn, rồi từ sau tấm màn gió đưa ra mấy tiếng rền rĩ gọi chính tên hắn:
“Sắc ơi...! Sắc ơi!...”
Sắc tưởng chừng cả thần hồn mình rơi rụng mất, vội đứng phắt dậy, mở cửa đánh sầm một tiếng, rồi cắm đầu chạy như thằng rồ.
“Sắc ơi...! Sắc ơi!”
Cái tiếng rền rĩ gọi Sắc vẫn vẳng bên tai, nhưng Sắc đã ra khỏi cổng, đã tới đường cái, và đang bán sống bán chết băng về nẻo vườn Bách Thảo.
Qua con đường lượn quanh vườn Bách Thảo gặp dải đường lớn đưa về Hải Phòng. Nhưng Sắc không tiến thẳng. Hắn chạy được mấy trăm bước trên đường nhựa rồi bỗng quặt rẽ sang con đường nhỏ phía tay phải qua làng Trung Hành. Hắn không đám chậm bước và không kịp suy nghĩ, cứ một mạch chạy về phía ngã tư quán bà Mau. Nhưng đến gân Phọng Bớp thì Sắc đứt hơi ngã vật xuống bên gốc một cây đa lớn.
Sắc ngất đi không biết bao lâu. Lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ, mấy người nhà quê gánh rau lên tỉnh bán đang đứng xúm xít quanh mình. Hắn ngơ ngác nhìn ra cánh đồng lúa dưới áng sương hồng lúc bình minh và nhớ đến những việc kỳ quái đêm qua như người ôn lại một giấc mộng dữ. Rồi hắn đứng dậy trả lời bọn người tò mò mấy câu vơ vẩn, và lững thững bước lên. Hắn đi bộ mất ngót nửa giờ, tới ngã tư quán bà Mau là chỗ gặp con đường nhựa chạy ngang. Đến đó, hắn dừng gót lại. Sắc chưa biết nên rẽ về phía vườn Bách Thảo để xem xét tình hình nhà chủ hay nên rẽ về lối Hải Phòng.
Tay hắn vô tình thọc vào túi, thấy mấy bức thư mà chủ hắn đánh rơi tối hôm trước. Hắn lấy ra coi thì phong bì đã mở, liền nghĩ ra một ý hay, và mau chân bước về phía thành phố. Đến trước trường đua ngựa thì vào khoảng gần tám giờ. Hôm ấy là Chủ nhật. Hắn đứng lại, chú ý nhìn những người qua lại đó, rồi chạy đến bên một người thiếu niên ra dáng học trò. Hắn trông trước trông sau, nói mấy câu lễ phép rồi đưa một bức thư ra nhờ người kia đọc.
Lời thư như sau này:
“Kính thưa ông Trần Lãn.
Công việc nghiên cứu của ông thực có kết quả mỹ mãn. Các báo chí Tây, Nam đều hết lời ca tụng, và gần đây bản báo tiếp được giầy của Hội Khoa học nhờ bản báo mời ông lên diễn thuyết ở Hà Thành.
Còn về phái phản đối, thì tuy họ vẫn chưa chịu, nhưng mấy bài sau gửi lên thực là nhát búa cuối cùng đánh lên những lý luận không vững vàng của họ. Chúng tôi dám quyết phần thắng là về ta.
Cái sọ người về thời đại thượng cổ kia, trước khi đem tặng bác cổ viện theo lời ông hứa, chúng tôi sẽ chụp lấy nhiều ảnh để in dưới những bài khảo luận mới. Vậy xin ông gửi ngay lên cho.
Chủ nhiệm Khoa Học Tăn Văn
Kính bút”
Bức thứ hai cũng một giọng tương tự như thế, người viết thư có hẹn sẽ ở trên Hà Nội xuống chơi bàn với ông Trần Lãn một việc cần...
Sắc nghe thấy những tiếng “nghiên cứu” “ý luận”, “cái sọ người thượng cổ”, “bài khảo luận”... thì thoáng nhớ lại những cử chỉ và công việc của chủ. Hắn đã thấy soi vào trong những việc bí mật ở gian nhà bên đường Thiên Lôi một tia sáng lờ mờ. Hắn cảm ơn cậu học trò rồi toan bước đi, bỗng thấy một cái xe qua đấy, hắn mừng quá vừa chạy theo xe vừa gọi ầm lên:
- Ông ký ơi! Ông ký ơi!
Chiếc xe kia dừng. Trên đó là người thư ký thư viện.
Sắc hớt hải chạy đến thì thấy một người đàn ông nữa cũng dừng xe ngay bên cạnh. Người này đeo kính trắng và mặc quần áo tây. Viên thư ký ngoảnh nói với ông ta một câu tiếng Pháp rồi quay lại bảo Sắc:
- Tôi đang tính dẫn ông chủ báo đây xuống tìm nhà ông Lãn, may sao lại gặp anh. Anh đi đâu thế?
Sắc cúi mặt buồn rầu đảp:
- Thưa ông, ông chủ con mất rồi!
Hai người sửng sốt hỏi dồn:
- Sao? Sao? Ông Lãn làm sao?
- Bẩm... mất rồi?
- Ồ! Có lẽ nào? Thế mất bao giờ?
- Bẩm, mất lúc tối hôm qua!
Viên thư ký nói:
- Tối qua ông Lãn còn lên thư viện kia mà?
- Vâng, nhưng lúc con kéo đến nhà thì mới biết chủ con đã mất từ lúc ngồi trên xe.
Rồi Sắc đem việc tối hôm qua từ lúc ở thư viện ra đến lúc hạ xe xuống cổng kể rành mạch lại.
Viên thư ký cứ lắc đầu chép miệng hoài, còn người đeo kính trắng thì ra chiều thất vọng lắm:
- Ông Lãn mất thực là một điều thiệt lớn cho Khoa học nước nhà. Mà những công việc của ông đến đây phải bỏ dở dang thực đáng tiếc...
Hai người hỏi tại sao Sắc không ở trông nom ông giáo lại lên đây. Sắc tưởng giấu diếm cũng không nổi, bèn lại đem việc thấy tiếng gọi tên hắn ra kể nốt.
Hai người càng lấy làm kinh ngạc, tức khắc gọi thêm cái xe nữa rồi bảo Sắc lên xe đưa họ về nhà xem. Sắc ngại ngùng chưa quyết bề nào, thì người đeo kính trắng an ủi:
- Anh không sợ gì cả. Việc này còn nhiều điều đáng ngờ... Vì tôi sợ anh nghe lầm...
- Bẩm con nghe rất rõ ràng gọi: “Sắc ơi”.
- Được, nếu anh nghe không lầm thì cũng còn điều khác nữa... Vì ông Lãn lại là một nhà siêu linh học uyên bác.
Sắc không hiểu gì cả, người kia lại tiếp:
- Vả lại đằng nào cũng phải về xem sao.
Sắc miễn cưỡng lên xe, đinh ninh rằng về nhà bây giờ tức là dấn thân vào chỗ chết.
Xe chạy càng gần tới nơi, Sắc càng thêm lo sợ. Khi đã rẽ sang đường Thiên Lôi thì mắt hắn chăm chú nhìn mãi vào lớp nhà cũ. Thốt nhiên hắn kêu rú lên một tiếng, mặt tái mét, hàm răng va vào nhau cầm cập, cố nói mới được một câu:
- Trời ơi! Ông giáo con!...
- Ông giáo làm sao?
- Ông giáo con vừa ở dưới bếp bước lên nhà... mà ra dáng dữ tợn lắm!
Xe vừa đỗ, hắn liền nhảy xổ xuống toan chạy, nhưng bị hai người giữ chặt lấy... Hắn chắp tay van:
- Con cắn rơm cắn cỏ con lạy hai ngài, hai ngài cứu con... con vào thì con chết...
Cái sợ của Sắc chừng cũng lây đến hai người chút ít, nên tuy ép Sắc bước vào trong cổng mà hai người cũng không được yên lòng. Sắc thì cứ níu lại, luôn miệng rên:
- Lạy hai ngài... đừng bắt con đi... con chết mất!
Bỗng cánh cửa đằng trước mở toang ra. Mọi người đứng ngây ra nhìn: ông giáo mắt đeo kính đen đứng đó nhìn lại.
Sắc níu lấy hai người, mắt mở rất to, làm cho hai người không biết nghĩ ra sao. Còn đang lúng túng thì thấy ông giáo nhách mồm ra cười, đưa hai tay ra đằng trước rồi vừa tiến lên vừa nói:
- Ồ kìa, cả ông Phán, cả ông bạn tôi ở Hà Nội cũng xuống. Thảo nào tôi đang nghĩ đến các ông...
Tiếng nói vẫn như thường không có vẻ gì là khác. Sắc lại thấy hai người đàn ông đi với mình bắt tay ông giáo mà không việc gì, nên cũng hơi vững lòng. Tuy thế hắn vẫn đứng lùi lại đằng sau và chỉ dám liếc trộm chủ. Ông giáo nhìn Sắc tỏ ra vẻ thương hại một cách khôi hài rồi bảo hắn:
- Khốn nạn! Bây giờ còn chưa hết sợ... Thôi, đi vào trong nhà sắp mấy cái ghế ngồi.
Sắc vẫn ngơ ngẩn như người mất trí, tự hỏi không biết mình thức tỉnh hay đang nằm mơ.
Viên thư ký nói:
- Hắn vẫn còn tưởng ông chết rồi đấy. Nhưng sao lại có chuyện lạ như thế?
Người đeo kính trắng cũng nói:
- Phải. Chúng tôi thực không hiểu.
- Được. Các ông hẵng cứ vào trong nhà ngồi chơi.
Trong nhà vẫn không có gì khác thường, chỉ thấy một nồi cháo đang nghi ngút khói trên bộ ghế ngựa với một cái bát chiết yêu để bên. Ông giáo cắt nghĩa:
- Tôi mãi hôm nay mới đói, mới thực biết đói; vì hôm nay tâm trí mới thực bình yên. Nhưng lúc muốn ăn thì tên đày tớ của tôi lại trốn mất... Vừa rồi, hì hục mãi mới hâm được chút cháo này.
- Nhưng còn câu chuyện ông chết đi tối hôm qua?
- À, có gì đâu? Tôi ngất đi một lúc đấy thôi... Chứ chết được đã khá.
Rồi ông giáo nhe cả bộ răng khấp khểnh ra cười và nói tiếp:
- Phải, chết được đã là may, đã giải quyết được những điều... chưa ai giải quyết được. Có lẽ tôi làm việc dữ quá, không nghĩ đến sức khỏe nữa. Các ông tính, thức suốt ba đêm ngày nay...
Hai người khách đồng thanh:
- Trời! Làm việc suốt ba đêm ngày!
- Nhưng có thế mới an tâm được. Tôi quyết những bài sắp đăng vào Khoa Học Tân Vân sẽ làm cho bọn phản đối tôi không còn đường nào mà cãi nữa... Tối hôm qua, tôi đã gửi cả “mớ giấy” lẫn cái sọ người lên Hà Nội rồi...
Người chủ báo thưa:
- Vâng, tôi đã rõ. Chừng đến trưa hôm nay, tòa soạn sẽ tiếp được. Nhưng bây giờ ông có việc gì không?
Ông giáo hỏi lại:
- Việc gì kia?
- Nghĩa là trong mình ông có việc gì nữa không?
- À! Có hề gì bao giờ đâu. Tôi hễ cứ lo lắng làm việc nhiều là lại ngất đi như thế một lúc. Lần này có lẽ ngất đi khá lâu... Lúc tôi tỉnh dậy gọi Sắc lấy cho cốc nước, không ngờ lại làm cho hắn hoàng sợ. Thì ra hắn tưởng tôi chết thực, rồi hiện về nhát hắn, có phải anh sợ thế không?
Rôi ông giáo sẽ lắc đầu mỉm cười, Sắc đứng khoanh tay không đáp.
Người đeo kính trắng ngỏ ý mời ông giáo Lãn lên Hà Nội diễn thuyết thì ông nhận lời tức khắc, lại hứa sẽ ở luôn đó để làm việc cho tiện hơn:
- Vì tôi đã chán ớ đây rồi, và cái yên tĩnh chưa đủ cho công cuộc khảo cứu đó. Tôi cần phải có viện Bác Cổ, phải có cuộc đàm đạo. Cái kết quả cuộc tranh biện này làm cho tôi sẽ hăng hái để bênh vực những học thuyết của tôi. Chừng hai hôm nữa, tôi có thể lên Hà Nội được.
Sắc vin lấy cớ ấy xin ra tìm chủ khác, thì thấy ông giáo nhìn hắn không nói gì.
Một lát, ông ta lấy ra một bức thư đưa cho hắn và thong thả bảo:
- Anh cầm thư này hỏi thăm nhà ông Bá Chánh ở Thư Chung, mời ông đến chơi đây ngay. Tôi sẽ giao trả nhà này và sẽ để lại cho ông ta hết các đồ đạc ở đây, chỉ đem có cái tủ sách kia lên Hà Nội thôi...
... Còn anh, anh cũng phải theo tôi lên đấy, vì theo như tờ giao ước, anh phải ở với tôi đủ ba năm kia mà!
Vì tình
Anh Trần Văn quả không phải là người đẹp trai. Độc giả hãy tưởng một người trạc hai mươi nhăm, nước da đen, mũi to, nhô đại ra ngoài, cái trán cũng nhô trông như cái bướu, đôi lông mày rất rậm, làm cho cặp mắt cận thị của anh ta có một vẻ dữ tợn đến kỳ khôi. Anh ta ăn mặc quần áo tây nhưng người lùn mà cả ngang, dáng đi láu táu trông rất ngộ nghĩnh. Cả người anh ta cái gì trông cũng buồn cười.
Tôi yêu bạn tôi đến đâu cũng phải nhận rằng bạn tôi trông xấu quá!
Văn cũng tự biết thế. Có khi anh lại tự chế giễu mình để làm cho bạn hữu vui cười. Nhưng anh ta là một người tính nết thật thà, dễ tin người và có một tấm lòng tử tế hơn ai hết thẩy.
Tôi lại phải nói cho độc giả hay rằng con người giản dị thực thà kia lại là người đa tình nữa. Chẳng biết đó có phải là điều “mai mỉa của số mệnh” không? Chỉ biết bạn tôi biết yêu, mà yêu say, yêu đắm, yêu thiết, yêu tha; tình yêu trong huyết mạch người con trai này sôi nổi như sóng bể. Nhưng trong bao nhiêu thiếu nữ mà anh ca tụng nhan sắc, anh ta không được lấy một cô nào để ý đến mình. Cái đó cũng không lấy gì làm lạ.
Ấy vậy mà anh Văn cũng có một chuyện tình, hay một chuyện mà anh sẵn lòng gọi là chuyện tình thì đúng hơn. Câu chuyện thực chẳng hay gì cho anh ta, nhưng bạn tôi không muốn quên, mà mỗi khi nhắc tới, lại ra ý cảm động như người âu yếm vuốt ve một điều ký vãng êm ái.
Đầu đuôi câu chuyện như thế này:
Tháng chạp năm ấy, anh Văn lên Yên Bái, thăm một người bà con. Lúc trở về anh gặp một người thiếu nữ, ăn mặc giản dị, người rất đẹp, và rất có duyên, cùng đi với anh ta một chuyến xe hỏa.
Người ấy ngồi ngay ghế trước mặt Văn, khiến cho anh chàng mở một quyển sách ra nhưng không đọc được câu nào hết. Văn là người nhã nhặn lễ phép, nên không dám nhìn lâu, sợ người thiếu nữ ngượng. Anh ta thỉnh thoảng mới sẽ kín đáo trông lên, để cho mắt được hưởng cái nhan sắc kia trong giây lát thôi. Cái lòng yêu mộ của bạn tôi thì thực nồng nàn, song chỉ dám biểu lộ ra đến thế là hết. Vả anh ta biết rằng mong hơn cũng chẳng được nào. Người thiếu nữ thì trắng trẻo thế kia, yêu kiều thế kia, trên khuôn mặt thanh tú ấy không chỗ nào đáng chê, còn mình thì... Ôi chao! Bạn tôi chép miệng thở dài một cách rất chua chát.
Rồi anh ta nghĩ bụng:
“Giá mình được là người quen với con người nhan sắc như thế cũng đủ lắm rồi”.
Anh ta bèn cố tình đợi dịp làm quen. Thì may sao cái dịp ấy hiện ngay đến sau khi người thiếu nữ ra cửa toa để nhổ quết trầu.
Xe hỏa về ngày gần Tết, nên rất đông; lúc cô kia ở cửa toa trở vào thì đã bị hai bác nhà quê chiếm mất chỗ. Người thiếu nữ thấy họ ra chiều không nể gì ai hết nên không nói gì, chỉ cau mày vịn tay lên mép cửa sổ gần đấy đứng nhìn ra cảnh tượng bên ngoài.
Văn ngồi bên này tức hộ cô kia, liền mắng cho mấy bác đàn ông vô lễ mấy câu ra phết lắm. Đoạn anh ta đứng dậy, đến bên người thiếu nữ, lúng túng một chút rồi mời cô ngồi xuống chỗ mình. Người thiếu nữ không từ chối. Cô ta vén áo ngồi xuống, lại cám ơn anh Văn bằng một nụ cười. Thế là đủ cho bạn tôi bay ngay lên tận chín tầng mây.
Anh Văn đứng bên người thiếu nữ, không giấu được sự vui mừng. Anh ta lấy dáng bộ rất tình tứ, làm như mình chẳng lùn một tý nào hết, và quên bẵng đi rằng mình hiện làm chủ nhân một cái “mũi sư tử”, đôi mắt cận thị với cái trán gồ. Nhưng dẫu cho bạn tôi có nhớ đến cái xấu đáng giận của mình cũng không hề gì mấy,- anh ta cũng vẫn sung sướng được, bởi vì người thiếu nữ hình như không trọng bề ngoài lắm, và hình như chỉ cảm riêng vì tấm lòng quý báu của anh Văn tôi.
Coi lối ăn mặc nhã nhặn của cô ta, Văn đoán là người nền nếp ở tỉnh nhỏ. Thế thì cô đã không có cái thói đỏng đảnh khinh người như bọn tiểu thư Hà Nội, họ chỉ ưa chuộng những công tử tốt mã bề ngoài. Anh ta lại thấy cô kia đi có một mình nên mới lấy thứ giọng bao dung và rất nhã nhặn mà hỏi:
- Thưa cô, cô đi đâu?
- Thưa ông, em xuống Hà Nội.
- Thưa cô, cô xuống chơi hay có việc?
- Thưa ông, em xuống hỏi nợ một người chịu tiền hàng.
Rồi cô ta hỏi lại Văn:
- Ông cũng về Hà Nội ư?
- Thưa cô vâng.
Thế rồi câu chuyện của hai người cứ thân thiết hơn, đằm thắm hơn lên, mà con mắt đắm đuối của người thiếu nữ thêm lóng lánh, thêm tình tứ...
Anh Văn thì chưa thấy bao giờ mình có duyên đến thế.
Anh ta cười bằng miệng cười xinh đẹp nhất, hắng giọng luôn để đỡ cảm động, và cứ chớp hoài đôi mắt cận thị để cho mình biết chắc rằng đây là sự thực, chứ không phải trong giấc mơ. Người bạn tốt của tôi thực không ngờ rằng lại được hưởng những giây phút êm đềm quá đáng ấy.
Mà cái hạnh phúc mỗi lúc một tăng lên! Một lần tầu đỗ, hành khách lên ít, xuống nhiều. Người thiếu nữ lại ngồi nhích ra một bên, để cho Văn ta được ngồi cạnh. Lại một lần khác, người thiếu nữ đánh rơi chiếc khăn tay lụa, anh Văn nhặt lên hộ, lúc trả, được chạm đến bàn tay ngà ngọc của mỹ nhân. Rồi lại được mỹ nhân mời ăn trầu. Văn răng trắng, diện tây, nhưng cũng nhận lấy một cách rất lịch sự.
Anh ta cứ hết lòng cảm tạ sự tình cờ đã làm cho anh gặp được người thiếu nữ, và trong trí đã thấy trước những chuyện tình duyên êm ái sau này. Có một người nhan sắc để mà yêu, để mà nhớ thương, để mà mong đợi đến cái ngày tốt đẹp kia là ngày được sánh vai người ngọc! Ồ, còn gì sung sướng cho đời người hơn! Anh Văn thường ngỏ riêng với tôi rằng: “Tôi xấu thế này, chỉ mong lấy được một người có duyên thôi, thế cũng đủ mãn nguyện”. Thế mà người thiếu nữ kia đã có duyên lại đẹp, lại sắc sảo, lại lễ phép, lại con nhà nền nếp, đủ mọi điều hay! Mà lại còn tỏ ra lòng quyến luyến anh Văn nữa kia! Cho nên một lời nói của cô ta, một cử chỉ của cô ta, cùng những ý tứ ở đầu mày cuối mắt cô ta, đã khiến cho trái tim bạn tôi nhiều lần đập mạnh lên dữ dội.
Ngồi bên một người đẹp như thế thì đường dài đến đâu cũng là ngắn. Chả mấy chốc, xe lửa đã tới Gia Lâm.
Rồi qua cầu.
Rồi qua ga Đầu Cầu.
Mọi người đều thu xếp để xuống. Người thiếu nữ buộc lại khăn vuông ra đằng sau gáy rồi đến đứng bên một cái va ly là hành lý của cô ta. Anh Văn lại bên hỏi:
- Cô có ai ra đón tầu không?
- Thưa ông, không ạ!
Văn mừng thầm sẽ được dịp xách hộ va ly. Anh ta lại nói:
- Từ Hàng Da tới Cửa Nam cũng gần, vậy trước khi ngược Yên Bái, cô ghé qua vào chơi nhà tôi.
- Xin vâng.
Người thiếu nữ lúc ấy đưa đầu ra ngoài cửa sổ trông về phía ga.
Tầu dần dần chạy chậm lại. Văn đang tìm câu gì nói nữa bỗng nhiên cô ta quay lại, tái mặt đi. Văn ân cần hỏi thì cô ta gượng cười đáp:
- Em đi tầu không quen, nên vừa đứng dậy đã chóng mặt.
- Thế mà tôi tưởng cô phải cảm... Nhưng cô ngồi xuống, không mệt thêm.
Người thiếu nữ ngồi xuống, mỉm cười nhìn Văn bằng đôi mắt mệt nhọc, dịu dàng và... âu yếm. Văn sướng quá, đỏ cả má, đỏ cả mũi, lần hết túi ba đờ xuy đến túi áo trong định tìm một vật mà không thấy, rồi phàn nàn:
- Buồn quá! Tôi bỏ quên lọ dầu ở nhà ông bạn rồi. Không thì cô lấy một chút xoa cũng đỡ.
- Nhưng không hề gì cả! Em cũng chỉ choáng váng một chút thôi.
- Tuy thế cô cũng nên ngồi yên đấy để tôi mang hành lý xuống trước đưa cho mấy người nhà đứng đợi ở ga rồi tôi lên đón cô sau.
Người thiếu nữ tỏ ý mừng rỡ và cám ơn Văn, nhưng cũng nói:
- Như thế phiền ông quá.
- Không. Nào, cô có những gì?
- Em chỉ có cái va ly đó thôi. Nhưng phiền ông quá!
- Không có gì mà phiền. Tôi đi không cũng thế.
Lúc ấy tầu vừa đỗ.
Cái va ly nặng lắm mà Văn ta làm ra bộ rất khỏe, coi như rất nhẹ, rồi hăng hái xách bước xuống sân ga. Bấy giờ thì anh ta cao lớn lực lưỡng lắm.
Người thiếu nữ đứng trông theo Văn, tay bóp thái dương. Anh ta thấy mỏi cánh tay mà chưa dám nghỉ vội. Đi đến gần lối ra hạng ba, anh ta mới dám đặt va ly xuống. Đợi một lúc mà đám người chen chúc trước mặt vẫn không chịu tiến lên, Văn nóng ruột hỏi một người đi cạnh mình:
- Sao lại đứng cả lại thế này?
Người ấy trả lời:
- Họ khám hành lý.
Văn quay lại nhìn thì người thiếu nữ chắc đã ngồi xuống, trông qua cửa sổ xe hỏa không thấy nữa... Văn sợ cô ta đợi lâu quá liền cố sức lách lên trước thì bị mấy người đội đoan cản lại, bắt đưa va ly cho họ xem.
Một người lính đoan bảo Văn:
- Chúng tôi vừa nghe tin báo có người đem thuốc phiện lậu đến Hà Nội nên phải khám hành khách.
Văn mỉm cười, đáp:
- À, tưởng gì!
Vừa nói dứt lời thì cái va ly người thiếu nữ gửi, mở tung ra, trong thấy đầy những hộp bằng đồng, gắn kín và to bằng quyển sách dầy cộp.
Một người đội đoan cười gằn, nói tiếng Pháp:
- Lần này thì anh không thoát được tay tôi!
Văn chưa hiểu ra sao thì đã bị người ta điệu về Sở Thương chính.
Tuy rằng bạn tôi hết sức phân trần rằng mình là con nhà lương thiện, không bao giờ làm điều trái phép, nhưng không ai tin. Cái va ly thuốc phiện lậu đó là cái cớ buộc tội rất hùng hồn. Anh ta khai rằng anh ta quá tin người, rằng người ta lợi dụng mình; song nhất định không chịu nói rằng đó là một người con gái.
Nhờ nhiều người có thế lực che chở nên Văn mới được tại ngoại hậu cứu, sau khi bị giam đến gần nửa tháng - từ hăm ba tháng chạp tới mồng mười tháng giêng. Đến lúc ra tòa, anh ta mạnh thầy cãi, nên chỉ phải phạt có hai tháng tù án treo với bồi thường cho Sở Thương chính ba nghìn bạc.
Lúc kể chuyện này cho tôi nghe xong, bạn tôi thản nhiên kết luận:
“Tuy vậy, tôi cũng được ngồi nói chuyện với người nhan sắc ấy... hơn hai tiếng đồng hồ”.
Dòng máu đứt quãng
Năm giờ sáng hôm ấy, hai người cảnh sát hết giờ đi tuần đêm, đang từ cuối phố hàng Đẫy thong thả đi xe đạp về bóp chính Bờ Hồ, bỗng có tiếng gọi đằng sau:
- Ông đội xếp ơi! Ông đội xếp ơi!
Hai viên cảnh sát cùng quanh xe trở lại, thì thấy một người đàn ông mặc quần áo nâu từ xa chạy lại, vừa vẫy tay, vừa gọi rối rít.
Một người cảnh sát càu nhàu:
- Suốt đêm không sao, bây giờ mới lại sắp giở chuyện.
Rồi xẵng tiếng hỏi người đàn ông đang tiến lên:
- Cái gì mà ngậu mãi lên thế?
Người kia đứng dừng lại trước hai cái xe đạp, hổn hển thở ra được một câu nhát gừng:
- Thưa hai ông... ông cai Bốn bên nhà tôi... sáng hôm nay... thấy nằm chết... ở... trước cửa.
- Trước cửa nhà ai?
- Nhà ông ấy.
- Nhà người ấy ở đâu?
- Ở bên nhà tôi.
- Mà nhà tôi ở đâu chứ?
Người đàn ông thở mạnh một hơi rồi thưa:
- Bẩm ở ngoại ô, bên đường cái. Tôi toan lên bóp trình, đến đây thì gặp hai ông... May quá!
Hai người cảnh sát tức khắc đạp xe xuống phía Ô Cầu Giấy. Người đàn ông chạy theo, vừa thở vừa thuật:
- Sáng hôm nay, tôi dậy sớm, mở cửa ra thì thấy cái cửa liếp nhà ông cai Bốn đổ xuống bên đường, rồi tôi trông thấy ông ta nằm chết trên đó, tôi sợ quá vội đi trình Cẩm... Hai ông đến mà xem.
- Trên người có thương tích gì không?
- Tôi không biết.
Qua dãy đèn điện thành phố, đi chừng năm phút nữa thì đến một lớp nhà lụp sụp ở bên tay trái. Một bọn bảy tám người, vừa đàn ông vừa đàn bà, trẻ con đang xúm xít trước gian nhà lá cuối cùng. Người đàn ông áo nâu chỉ tay nói:
- Nhà ông cai Bốn ở đấy.
Bọn người thấy “đội xếp” đến thì đứng rẽ ra hai bên. Hai viên cảnh sát liền trông thấy xác một người đàn ông lực lưỡng, trạc độ ba mươi lăm, bốn mươi tuổi, mặc quần tréo go thâm, áo cánh trắng. Người ấy nằm ngửa, đầu về phía đường, đè lên cánh cửa liếp, nét mặt trông già dặn mà không đều, hai mắt mở rất to, nhìn lên mái nhà một cách dữ dội, cái cằm vuông nổi cả xương quai hàm lên, mồm hơi mở, để hé ra hai cái hàm răng cắn chặt lại. Một tay người ấy bấm xuống mặt liếp, còn một tay thì đặt ngang mình. Một chân gập lại bị đè dưới một chân duỗi thẳng.
Cảnh tượng ẩy tỏ ra người đàn ông kia chết một cách khác thường lắm.
Nhưng sao trên người không có qua một vết thương nào? Hai viên cảnh sát đương cúi nhìn, bỗng một người nói:
- Kìa, ông nhìn trên ngực người chết xem, kia kìa, ở phía dưới cái cánh tay để ngang bụng ấy. Hình như những giọt máu thì phải...
Người cảnh sát thứ hai gật đầu:
- Ừ, phải đấy, có nhẽ là những giọt máu thực.
Quả nhiên là ở phía bụng trên người chết có đến năm, sáu giọt máu đỏ thẫm, to bằng đầu đũa một, chạy thành một hàng trên chiếc áo cộc trắng. Nhưng ngoài những vết máu không biết từ đâu mà có ấy, thì không thấy thương tích nào.
Hai người cảnh sát xem xét xong, cùng đứng lên nhìn nhau, cùng có một ý nghĩ giống nhau, nên cùng nói:
- Thực lạ lùng!
Rồi một người quay lại hỏi:
- Thế vợ con người chết đâu?
Người đàn ông lúc nãy thưa:
- Không thấy vợ con gì cả. Ông ta mới đến ở đây được ba, bốn tháng.
- Làm nghề nghiệp gì?
- Bẩm, ông ta làm Cai lục lộ.
- Không ai thổi nấu cho ư?
- Bẩm có. Trước thì ông ta ăn cơm hàng trên phố, vì phải đi vắng cả ngày. Sau ông ta nhờ chúng tôi thổi nấu cho...
- Có hay cãi nhau, đánh nhau bao giờ không? Có ai thù oán không?
- Bẩm, ông ta hiền lành lắm, không mất lòng ai bao giờ... Cũng không chơi bời gì bao giờ... Làm ăn kể cũng được khá tiền, nhưng ông ta tiếng vậy mà thỉnh thoảng lại khó ở trong mình, phải uống thuốc luôn, nên ăn tiêu cũng không được rộng rãi lắm.
Người cảnh sát lại hỏi:
- Thế ra ngưài này đau yếu luôn ư?
- Bẩm vâng. Nhưng mấy hôm nay ông ta phải bận đi làm cả ngày thì lại ra dáng khỏe mạnh. Tối hôm qua, ông ta còn sang đánh cờ với tôi và ông phó Nhớn bên nhà mãi khuya mới về ngủ. Bên này tôi còn nghe thấy ông Bốn quạt và thỉnh thoảng lại kêu bức.
- Chúng tôi cũng vì trời nóng, mãi đến hơn một giờ đêm mới ngủ được, mà vẫn không thấy nhà ông Bốn có chuyện gì.
- Thôi được rồi. Khai thế là đủ.
Nói đoạn viên cảnh sát quay lại bảo người bạn đồng sự:
- Ông đứng đây coi, để tôi về sở trình. Đừng cho ai vào trong nhà kia nhá!
Viên cảnh sát vừa nhảy lên xe đạp thì mấy người đàn bà hàng xóm hình như sợ liên lụy đến mình, nên tìm những lời lễ phép kể cho viên cảnh sát đứng coi đó về cách ăn ở của ông cai Bốn. Họ hết lời tỏ lòng thương hại cho con người hiền lành tử tế như thế mà lại chết một cách thảm hại như thế. Cái tình lân lý của những kẻ già mồm hay chửi nhau kia, có lẽ chưa bao giờ đằm thắm bằng lúc này. Nhưng họ thấy người cảnh sát khoanh tay đứng đó, nét mặt vẫn thản nhiên, vẫn lạnh lùng, nên phải đành những tiếng chép miệng, thở dài với những lời xót thương cho các người qua đường nghe vậy.
Trong bọn người chen chúc nhau, có một người thiếu niên, đầu trần, đi xe đạp với tôi là chú ý đến việc này.
Tôi biết vụ án mạng từ lúc năm giờ sáng, chính là lúc tôi đi xe đạp bên cạnh hai viên cảnh sát ở phố hàng Đẫy và nghe thấy tiếng gọi “đội xếp” ở đằng sau. Tôi liền bỏ cuộc đi chơi sáng thường ngày của tôi và cùng đi tới đây với họ. Còn người thiếu niên kia, có lẽ cũng là người đi chơi sáng - thì đến sau tôi ít lâu.
Từ lúc viên cảnh sát thứ nhất đi rồi, tôi thấy chàng ta cứ cúi xuống hoài mà nhìn cái xác chết một cách rất cẩn thận, rồi lại ngẩng đầu chăm chỉ nhìn gian nhà. Trong nhà, ngoài chiếc giường cầu với một cái rương kê một bên không còn bày biện gì nữa. Nhưng hình như người thiếu niên còn muốn tìm ra một vật gì khác nữa thì phải, nên cứ hết nhìn cái xác lại nhìn vào trong nhà, mãi không thôi.
Tôi thấy vậy, đứng lại bên chàng ta sẽ hỏi:
- Ông cho việc này có lạ không?
Chàng ta đứng thẳng người lên, ngẫm nghĩ một hồi, rồi đáp:
- Lạ, thì còn nhiều cái lạ hơn... Nhưng thế nào mà chả có một... nguyên ủy?
Tôi ngạc nhiên trông thẳng vào mặt người kia. Chàng ta yên lặng nhìn tôi rồi nói tiếp:
- Phải, việc này thoạt thấy kể cũng lạ đấy... Nhưng xét kỹ thì cũng chẳng có gì là kỳ dị lắm... cũng là một việc thường.
- Một việc thường! Vậy ông bảo người này chết vì đâu? Trong mình còn có thương tích nào nữa không? Mà sao lại có những giọt máu lạ lùng ấy?
Người thiếu niên vuốt lại tóc mỉm cười:
- Ông hỏi tôi một cách thực thà quá, làm như trong giây phút tôi có thể trả lời ông được ngay bằng ấy câu. Nhưng thế cũng chưa phải là một cớ để nói rằng việc này không thể cắt nghĩa được.
Tôi nghĩ bụng: “Thực là giọng lưỡi trong tiểu thuyết trinh thám... Có lẽ người nói chuyện với mình đây là một tay Sherlock Holmes thứ hai cũng nên”.
Từ đó tôi lại càng để ý đến người thiếu niên hơn trước. Chàng ta mặc áo trắng dài chân đi dép tóc hất ngược và dài, bù rối như không bao giờ chải. Vẻ mặt lạnh lùng và thỉnh thoảng lại như hơi có dáng mỉa mai. Hai mắt đen và sáng ở trên cái sống mũi cao.
Thỉnh thoảng chàng ta lại se sẽ gật đầu như đang hiểu ra được một điều gì mới tìm thấy.
Tôi toan hỏi thì một tiếng còi xe hơi hách dịch réo lên, báo hiệu cho mọi người biết rằng ông Cẩm đã đến.
Đám người rẽ tản mát ra để lấy lối. Viên cảnh sát đứng thẳng người lên chào lối nhà binh.
Từ trên xe bước xuống bốn người: một viên Cẩm, một viên mật thám Tây, một ông đốc tờ với người cảnh sát về báo lúc nãy.
Lúc đó mọi người bị hai viên cảnh sát bắt đứng ra xa. Tôi phần phải giữ xe đạp, phần bị chen và đẩy lùi lại đằng sau không thể nào tiến lên được, nên không biết các nhà chuyên trách tra vấn, khám nghiệm ra sao cả.
Một lát tôi ngoảnh lại định nói chuyện với chàng thiếu niên thì không thấy chàng ta đâu nữa, mà cái xe đạp của chàng ta thì thấy dựng ở một gốc cây bên đường. Tôi nhớ lại những cử chỉ của người thiếu niên và sinh ra nghi hoặc. Bụng bảo dạ: “Con người kỳ khôi thực, không biết sao lại chú ý đến người chết quá như thế nhỉ... Mà bây giờ lại lủi đi đâu mất? Không biết có liên lạc gì với cái ‘án mạng’ ly kỳ này không?”
Bấy giờ vào khoảng bảy giờ. Trên trời xanh ngắt không có một sợi mây nào. Ánh nắng về sáng mà đã thấy khó chịu.
Trong gian nhà lá, mấy nhà chuyên trách đã khám xét xong. Nhưng hình như chưa tìm ra được manh mối gì cả. Viên đốc-tờ cùng với viên chánh mật thám, vẻ mặt mệt nhọc và tư lự, vừa bước ra đường vừa chấm mồ hôi trán. Hai ông nhắc đi nhắc lại một câu nói:
- Thực là một chuyện tối ly kỳ.
Viên cầm Tây cũng đạo mạo gật đầu:
- Phải. Thực ly kỳ lắm!
Rồi họ cùng bước lên ô-tô. Trong lúc ấy thì người ta khiêng cái xác ông cai Bốn lên một chiếc xe tay để đem về nhà xác.
Tôi đứng đó nhìn theo và nghĩ bụng rằng những điều bí mật trong cái chết khác thường kia chưa biết bao giờ mới khám phá ra được, tất cũng lại vùi lấp đi, rồi quên đi, cũng như bao nhiêu cái chết tối tăm khác. Rồi tôi cứ bùi ngùi thương con người xấu số ấy hoài... Bỗng một tiếng nói đàng sau tôi làm tôi sửng sốt, ngoảnh trông lại: thì ra người thiếu niên.
Chàng ta mỉm cười bào tôi:
- Ông nghĩ gì vậy? Họ có bắt ai đi theo không?
- Họ là ai kia?
- Các nhà “chuyên trách” ấy mà!
- À! Không. Không bắt ai cả.
Người thiếu niên ra ý vui vẻ:
- Nếu vậy thì may! Bởi vì những người hàng xóm đây, cũng như ông với tôi, không có liên can gì đến việc này hết. Tôi chỉ sợ họ bắt oan, rồi làm khổ những người vô tội. Các nhà chuyên trách không thể hiểu việc này được, vì họ khám xét sơ sài quá. Nhưng có gì là lạ lắm đâu?
Tôi hỏi:
- Ồ, thế ra ông biết được những việc xảy ra ư?
- Không. Tôi đã bảo tôi cùng như ông: là một người ngoại cuộc. Nhưng cái bí mật ấy tôi lấy trí mà dò xét, tôi khám phá ra gần hết rồi.
- Ông khám phá ra được?
- Phải. Có gì là lạ? Ông hãy dựng xe đạp một chỗ rồi nhân lúc bọn người kia đang bàn tán hão với nhau, ta vào trong nhà này dò xét lại xem.
Vừa mới bước chân vào nhà, người thiếu niên đã chỉ cho tôi thấy một điều lạ: trên mặt đất đen và ẩm, có một tràng máu nữa, giọt máu cũng to bằng những giọt trên mình người chết, chạy từ một bên cửa đến dưới chiếc giường cầu. Chiếc giường này áp vào bức vách hậu ngay dưới một cái cửa sổ đóng lại bằng một mành phên. Cái chiếu cũ trên giường hơi lệch về một bên, trên mặt chiếu lại thấy những giọt máu chạy thẳng một chiều; như nối theo tràng máu dưới đất, và chạy từ thành ngoài cái giường gỗ cho đến cái cửa sổ ở bức vách sau. Trên mặt vách, khoảng trên cái thành giường trong và dưới cửa sổ, cũng có một giọt máu nữa, nhưng dài và nhỏ hơn.
Người thiếu niên nói:
- Ông có thấy cái gì khác ở tràng máu trên giường này không?
- Tôi chỉ thấy ở giữa giường hình như tràng máu đứt một quãng.
- Chính thế! Những giọt máu từ cửa vào đây vẫn liên tiếp và cách nhau thực đều... Cả ở chỗ hai chân người chết đè lên cũng vậy? Duy có chỗ này là đứt quãng đến hai gang tay. Thế nghĩa là lúc tràng máu chạy từ ngoài, qua giường mà ra ngoài cửa sổ kia thì người chết, người đã chết, ông nghe chưa, vẫn nằm trên giường, nằm ở chỗ tràng máu bị đứt. Mà khoảng máu ấy...
- Thì ở trên minh người chết chứ gi?
- Phải. Đấy ông xem. Dễ hiểu lắm.
- Nhưng sao ông biết người ấy chết rồi mới có những giọt máu trên mình?
- Vì theo lời ông đốc-tờ mà tôi nghe lỏm được lúc nãy, thì người này chết đã được hơn bốn giờ... nghĩa là vào khoảng trước hai giờ đêm. Hai giờ đêm đến giờ thì những giọt máu đọng kia không thể còn tươi như thế được: bây giờ máu mới hơi se và bắt đầu thâm dần. Vậy lâu lắm thì những giọt máu kia cũng mới có tự ba rưỡi, bốn giờ sáng.
- Thế sao người chết lúc chết thì nằm trên giường... để cho những giọt máu kỳ lạ kia nhỏ được lên mình, mà sao lại thấy nằm dưới đất?
- Điều quan hệ là ở trong câu hỏi đó.. Nhưng ông để cho tôi phân giải có đâu đuôi.
... Tôi biết rằng người ấy chết lúc hai giờ, rồi tôi lại biết người ấy chết một cách tự nhiên, bình thường, chết vì thứ bệnh mà người lao động dẫu khỏe mạnh đến đâu cũng có khi mắc phải. Đó là bệnh đau tim.
- Bệnh đau tim?
- Phải. Bệnh này, người mắc thường không tự biết hay có biết nhiều người cũng coi thường... Rồi đột nhiên, hoặc trên giuờng hoặc đang ngồi chơi, hoặc đang đi, bỗng lăn ra, tắt hơi, quả tim ngưng đập, không thể cứu được. Cho nên tối hôm qua, hàng xóm vẫn thấy ông cai Bốn đi lại như thường, rồi lúc ông ta chết không ai biết gì cả.
- Tôi vẫn không hiểu rõ. Ông chỉ nói cho tôi biết cái tính nguy của chứng bệnh nhưng không nói tại sao ông biết người ấy đau tim?
Người thiếu niên liền đưa cho tôi xem những mảnh giấy trắng nhỏ đã bẩn, đã nát, và bảo tôi:
- Chứng cớ ở đấy. Những chữ viết trên giấy này đã mờ nhưng cũng đủ rõ cho tôi biết được đó là những giấy gói thuốc: “Bromure de sodium” mà người ấy xin ở nhà thương Bảo Hộ. Giấy này tôi thấy rất nhiều, vứt ra sau nhà, nên tôi đoán người uống thuốc mang bệnh đã nặng lắm. Ông đã nghe ra chưa?
- Tôi nghe ra rồi. Nhưng nếu chỉ chết về bệnh thì sao đến nỗi thế kia...
- Vâng, chính vậy. Nếu không có gì xảy ra hết, nếu người chết không vì một sức gì làm cho cử động được, thì chả ai cho là lạ cả, thì các nhà chuyên trách không phải bận đến khám xét, mà tôi không được cái hân hạnh nói chuyện với ông ở đây...
... Bây giờ tôi nói đến cái điều mà ông nóng nghe... nói đến những giọt máu và cái cảnh tượng khác thường mà ta đã trông thấy. Chính những giọt máu đó là những vết tích chứng cho ta biết rằng: Có một vật bị thương, từ ngoài đường đi vào, nhảy qua giường người chết, khiến cho người chết vùng dậy, đứng xuống đất.
- Ông bảo sao? Người chết đứng được xuống đất?
- Phải, rồi như cái máy, loạng choạng nhảy lùi ra cửa rồi ngã ngửa lên chiếc cửa phên kia!...
Tôi hỏi dồn:
- Ồ, thế thì quái lạ thực! Một vật làm cho người chết đứng được dậy, vùng ra cửa... nếu vậy thì ra là... là...
- Là quỷ nhập tràng! Phải rồi, người chết bị quỷ nhập tràng... nhưng ông đừng nhìn tôi một cách kinh ngạc quá như thế... Việc này không phải là một điều quái gở đầu. Chắc ông cũng thường thấy nói rằng một người mới chết, nếu có một con mèo nhảy qua, thì sẽ đứng dậy, cử động được một lúc như có luồng điện sai khiến vậy.
- Tôi vẫn biết là thế... Nhưng vì đâu mà ông biết rằng người chết bị quỷ nhập tràng được?
- Có gì đâu? Đó là vì sau khi tôi xem xét người chết, thấy những vết máu trên bụng hắn, tôi lại thấy những vết máu giống như thế rơi trên mặt đất thì tôi thoáng có một ý kiến khác hẳn của các nhà chuyên trách: tôi nhất định tin rằng việc này không có tay người dính vào... Đã có cái ý nhất định ấy rồi, nhân tình cờ tôi lại gặp một điều “lạ” mà giá lúc khác thì mình coi thường không chú ý đến. Đó là một vết đo đỏ tôi thấy trên mặt đường đá, ngay bên cái bánh xe ô-tô đỗ trước cửa nhà này. Vì nghĩ đến xe ô-tô, và vì lại trông thấy cách đó mấy bước có một vết mờ mờ đo đỏ nữa, trong trí tôi liền nảy ra một tia sáng cho tôi đoán được các việc xảy ra. Tôi đoán rằng hồi gần sáng - lúc ấy ông cai Bốn đã chết nằm trên giường - có một con vật chạy qua đường thình lình bị xe ô-tô nghiến què một cẳng. Cửa liếp nhà ông Bốn không buộc cài ở trong. Con vật đau cuống lên, lẻn vào trong nhà, nhưng vẫn còn hoảng sợ. Nó trông thấy cái cửa sổ lúc ấy vẫn mở, liền nhảy lên giường, vượt qua cái xác chết mà ra ngoài. (Lúc qua cửa sổ, nó làm rơi cái thanh tre chống tấm phên nhỏ, cái thanh tre rơi xuống chân vách ngoài, tôi đi tìm thấy). Cái việc ấy xảy ra không đầy nửa phút... Người chết bị con vật nhảy qua vùng đứng phắt ngay dậy, rồi như một người máy không hồn loạng choạng đến gần một phút, rồi sau đến ngã ngửa lên chiếc cửa liếp kia.
Đấy, câu chuyện theo những điều tôi xét thì chỉ có thể... Nếu ông chưa tin, thì đây, tôi đã có chứng cớ.
Nói đoạn, người thiếu niên dẫn tôi ra đàng sau nhà, đi năm sáu bước nữa đến một bụi cây rậm. Chàng ta cẩn thận vạch một cụm lá ra, rồi chỉ cho tôi trông thấy một con mèo vàng to, và gầy, bị nát một nửa chân sau, đang nằm nép trong một xó.
Cái xác đuổi người
Tôi tắt đèn điện trong phòng khách, mở rộng hai cánh cửa sổ, rồi ngồi ngắm cảnh ngoài vườn. Lúc ấy vào khoảng hơn mười giờ, một đêm trăng mùa hạ.
Ngoài vườn, gió thổi trong đám cây âm u, làm nhấp nhánh những ánh trăng trên lá, thỉnh thoảng lại đưa vào một lớp hương êm mảt của cỏ hoa. Tôi đang lắng nghe những tiếng rì rào kín đáo của ban đêm, bỗng có người rón rén bước tới rồi nói:
- Thảo nào! Chả nhẽ anh đi ngủ sớm thế?
Tôi quay lại thì là Ngô Đàm. Đàm là một người bạn tôi quen được ít lâu nay, và tôi đã có lần giới thiệu với độc giả nhân một câu chuyện ly kỳ [1].
- Ngồi đó mơ tưởng gì thế?
- Ngồi ngắm cảnh đêm trăng. Anh đi đâu rồi ghé qua vào đây hẳn?
- Chả đi đâu cả. Tôi định lại nói chuyện với anh cho đỡ buồn, thấy đèn tắt, tôi ngạc nhiên, vì thường anh vẫn làm việc khuya lắm.
Tôi kéo ghế mời bạn ngồi rồi toan đi bật đèn. Nhưng Đàm ngăn lại:
- Để tối thế này, thú hơn... Thế hợp với câu chuyện tôi định kể cho anh nghe hơn. Nhưng thuốc lá đâu? Đưa tôi một điếu.
Tôi đưa thuốc lá cho Đàm và hỏi:
- Chuyện gì?
- Một chuyện ly kỳ lắm. Vừa rồi nhân đọc một cuốn sách Tây mới sực nhớ đến. Anh là người ưa những chuyện lạ, chắc anh thích nghe.
Trong nhà mờ tối một cách huyền ảo. Người bạn ngồi trước mặt tôi chỉ là cái bóng nửa thực, nửa hư. Chốc chốc lửa thuốc lại làm cho mặt anh ta sáng đỏ lên một lát.
- Chuyện thế nào? Anh kể đi.
Bạn tôi gật đầu, hút một hơi thuốc dài, ngả người lên lưng ghế rồi bắt đầu nói:
- Anh có biết thế nào là một cái nhà tràng không? - Nhà tràng tức là một thứ trường học lớn, một nơi đào luyện các nhà tu hành của đạo Thiên Chúa ấy mà, anh hiểu chưa? Câu chuyện này xảy ra ở đó; mà chính một người “nhà thầy” đang học ban “phi lô” thuật lại cho tôi nghe. Anh nên biết rằng người ấy không đời nào bịa đặt ra một điều gì cả.
Hồi bấy giờ, anh ta còn đang học ở lớp La Tinh năm thứ tư, nghĩa là trước khi lên ban “phi lô”, còn phải học ba năm nữa. Học sinh ở năm ấy đã qua cái thời kỳ làm “cậu bé”, nhưng chưa lên tới bực “các thầy lý đoán”; phần nhiều đã nghiêm trang, đạo mạo, song cũng có người tính hay đùa bỡn, hay nghịch tinh. Cho nên trong cuộc đời học tập nguyện cầu kia mới có những chuyện vui, chuyện lý thú, với cả những chuyện lạ như chuyện này nữa.
Hôm ấy, đang buổi học chiều, cha Chính coi tràng vào báo cho học trò năm thứ tư biết tin một người bạn cùng năm mới tạ thế, và hỏi lấy hai người tình nguyện coi xác người chết trong một đêm.
Mọi người xì xào bàn tán một hồi lâu rồi ngồi im, không ai nói chi hết. Bởi vì ai cũng biết rằng nhà xác đứng trơ trọi ở một góc vườn rộng và vắng, - mà những chuyện ma quỷ hiện hình không phải là những chuyện họ sẵn lòng bỏ ngoài tai. Mọi khi thì vẫn giao việc coi xác cho một bõ già, không biết gì là sợ hãi, nhưng lần này ông ta lại có việc lên nhà xứ mãi hôm sau mới về.
Cha Chính phải hỏi đến ba, bốn lượt mới có một người đứng dậy: Đó là anh Phê. Anh Phê là một người học trò ranh mãnh, táo tợn nhất, nên không ai lấy làm lạ mấy. Nhưng đến lúc một anh khác, tên là Nhiệm, cũng xin đi coi xác, thì mọi người cùng ngạc nhiên. Anh này chẳng qua chỉ làm mặt bạo dạn đấy thôi, chứ cả trường La Tinh người sợ ma nhất lại là anh Nhiệm. Song có lẽ sợ ma là một chuyện, mà có lòng tốt với một người bạn qua đời là một chuyện khác, nên lúc cha Chính hỏi lại lần nữa, thì Nhiệm vẫn quả quyết xin thức với Phê. Một vài anh thì thầm: “Anh chàng trót nhận lời rồi, hối lại không kịp nữa”. Cha Chính hẹn cho hai người sau hồi chuông nguyện sáu giờ sẽ xuống nhà xác.
Nhà xác là một chiếc nhà gạch cũ và thấp có hiên rộng đằng trước và hai bên. Trong nhà kê ba chiếc giường nhỏ phòng khi có xác các chú bé. Người bạn mới từ trần nằm trên một chiếc phản gỗ hẹp và dài, mình phủ tấm khăn liệm trắng. Chiếc phản gỗ kê phía trong, sau một bức màn gió xanh kéo che gần một nửa gian nhà, hai cây nến hai bên phản đang yên lặng cháy.
Lúc mới bước vào, Nhiệm bạo dạn lôi một chiếc ghế đẩu ngồi ở phía ngoài bức màn, ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ đằng sau, tươi cười nói:
- Ở đây mát thật, anh Phê nhỉ?
Phê không trả lời. Anh ta nhìn Nhiệm một cách hóm hỉnh và mỉm cười, vì anh ta biết rằng Nhiệm chỉ làm ra mặt bạo dạn. Một lát, Phê bỗng gọi Nhiệm:
- Này! Anh Nhiệm coi!
- Cái gì!
- Coi cái tấm màn nó động đậy!
Nhiệm thản nhiên đáp:
- Gió làm động đấy chứ có gì đâu!
- Thế mà trông như có ma nấp ấy nhỉ?
Câu nói nửa thực nửa ngờ của Phê làm cho Nhiệm khó chịu. Nhưng anh lẳng lặng đưa mắt nhìn bốn góc nhà xác, nhìn cái săng đặt bên tường và không đậy nắp, nhìn những tấm ảnh nhân từ với một tượng chịu nạn phía trên đầu người chết. Mắt anh chỉ liếc qua lên mặt cái xác nằm trơ đó rồi tức khắc quay đi. Anh ta lấy tràng hạt ra và khuyên Phê đọc kinh, nhân để tránh những câu nói không vui gì của bạn. Nhưng nào có đọc kinh được! Trong lòng Nhiệm cứ nao nao như sợ một cái nguy hại vô hình.
Trời đất một thâm dần lại. Hai ngọn nến cao sáng thêm ra. Nhiệm thở dài. Cái yên lặng dai dẳng càng khắc càng nặng nề. Cảnh vật chung quanh như liệm vào cõi chết.
Nhiệm se sẽ nói:
- Này anh Phê ạ, bây giờ hơn bảy giờ mà cũng chưa tối lắm nhỉ?
- Phải, vì ngày tháng năm thì dài.
- Trong này còn nến nữa không?
- Để làm gì?
- Để tí nữa... tối rồi thắp lên cho thêm sáng.
- Tôi thì tôi thích tối. Anh sợ tối à?
Nhiệm trả lời:
- Việc gì mà sợ! Tưởng còn nến thì thắp lên cũng được, mà không thì... chậc... cũng không cần.
Nhiệm nói rồi lại nhìn đi, mặt cố giữ vẻ bình tĩnh. Phê nghĩ bụng: “Cu cậu sợ chết đi ấy lại còn cứ vờ”.
Rồi anh ta tìm cách ghẹo bạn chơi. Thỉnh thoảng anh nói với Nhiệm một câu rất đột ngột, một câu “nát đảm” để được thấy cái lo sợ thoảng trên mặt Nhiệm.
Đêm ấy là đêm rằm. Trăng lúc ấy soi vào gần tới bậc cửa. Hai người ngồi lẳng lặng trông thì giờ dần qua.
Đồng hồ trên nhà nguyện văng vẳng điểm tám giờ... Rồi điểm chín giờ... Rồi mười giờ... Phê thỉnh thoảng lại định nói chuyện nhưng Nhiệm không thèm nghe. Sau cùng, Phê bỗng kéo tay Nhiệm, ghé tai nói:
- Bây giờ mà cái xác kia đứng dậy đi ra ngoài với chúng mình thì anh bảo sao?
Nhiệm rợn người lên, nhìn Phê ra ý trách móc:
- Khiếp! Nói toàn những cái...
- Cái gì?
- Cái vô lý chứ gì?
- Phải. Vô lý. Nhưng anh cứ thú thực ngay rằng anh sợ...
- Tôi chả sợ gì hết. Anh nói vậy chứ, giá có ma thực hiện lên, tôi cũng không coi vào đâu.
Phê nghĩ thầm:
“Nếu vậy được lắm”.
Rồi anh ta không nói qua một lời nào nữa, làm mặt tử tế ngồi giả tảng đọc kinh.
Trăng lên cao càng thêm sáng. Cái tối tăm chỗ hai người ngồi trong nhà xác thực lạnh lẽo, âm thầm. Tiếng giun dế rủ rỉ dưới chân cỏ.. Tiếng gió thổi làm động những tàu chuối... Bỗng chốc một tiếng chim đêm, kêu dài và thảm.. Mười một giờ rồi.
Đồng hồ vừa dứt tiếng sau cùng thì Phê bỗng lại nói:
- Anh Nhiệm ạ, anh ngồi đầy để tôi ra ngoài một lát nhé.
- Hử? Anh ra ngoài à?
- Ừ. Mình ngồi suông đây với cái xác kia một đêm cũng buồn... Tôi muốn ra vườn tảo cái gì vào đây chén.
Ý kiến hay lắm. Song Nhiệm vẫn ngần ngừ chưa biết trả lời ra sao thì Phê lại nói:
- Ngoài vườn nhiều ổi, nhãn, tôi muốn trẩy về đây ăn với anh cho đỡ buồn... Nhưng tôi trèo vụng quá! Mà ổi, nhãn ở những cây thấp thì còn xanh. Này! Hay là... anh để tôi ngồi coi đây... anh ra vườn trẩy hộ tôi...
Nhiệm tuy không muốn ra vườn, nhưng lại càng không muốn ngồi một mình trong này, nên anh ta liền nhận lời bạn.
Phê dặn với:
- Anh lấy cho rõ nhiều nhãn ấy nhé, cả ổi nữa, rõ nhiều ổi, ta ăn suốt đêm kia mà.
- Được, được. Anh cứ để mặc tôi.
Thế là Nhiệm bị trúng kế.
Nhiệm vừa đi khuất, Phê liền đứng ngay dậy vừa đi đến bên cái xác vừa nói:
- Cứ làm bộ can đảm mãi... nào, thử xem bạo được đến đâu.
Rồi không rụt rè, anh ta lật bỏ cái khăn trắng phủ người chết ra một bên và dựng cái xác đứng xuống đất.
Cái xác vẫn cứng thẳng như một bó nứa, và nặng lắm, không tiện vác lên vai: anh ta phải kéo giật lùi đến bên cạnh cửa rồi dựng ở đấy. Đoạn, ngó nhanh ra ngoài một cái, anh ta đến nhảy lên cái phản gỗ, tắt bớt một ngọn nến đi, ngả lưng xuống, duỗi thẳng cẳng ra, kéo cái khăn trắng lên phủ khắp mình, và nằm đợi.
Được chừng năm phút thì thấy tiếng chân Nhiệm bước vào, Nhiệm tới cửa đã vui vẻ nói:
- Nhiều ổi chín thơm lắm, nhưng chỉ lấy được có ít nhãn... Mà... ô này! Anh Phê đâu?
Không ai trả lời.
Nhiệm vẫn cẩn thận giữ bọc ổi, nhãn trên vạt áo. Anh ta bước đến bên cái ghế đẩu mà Phê ngồi lúc nãy. Cái xác đứng trong phía tối; song anh ta vừa ở ngoài sáng vào nên không trông thấy.
- Anh Phê đâu?
Im lìm.
- Anh Phê?
Vẫn im. Nhiệm sẽ đưa mắt vào phía trong, phía người chết nằm, nghẹn tiếng gọi nữa:
- Anh Phê?
Phê liền thở lên một tiếng thực dài... rồi chậm chạp ngồi lên, nói lơ lớ tiếng:
- Hử! Cá... ái gì?
Nhiệm chưa hiểu, trợn mắt rất to nhìn, bỗng thét lên một tiếng ghê gớm, bao nhiêu ổi, nhãn tung cả xuống đất, rồi vùng chạy ra.
Phê sằng sặc lên cười, khoác cái chăn liệm trên mình toan đuổi theo, thì... cái xác chết chạy ra đuổi trước.
Tôi hỏi:
- Hử! Anh bảo sao? Cái xác đuổi?
Đàm gật:
- Phải! Lúc Nhiệm chạy ra khỏi cửa thì cái xác đuổi theo liền... rồi cứ Nhiệm đuổi hoài.
Phê ở rrong này nằm điếng người đi vì khiếp.
Còn Nhiệm thì chạy bán sống, bán chết. Anh ta lúc ấy cũng còn đủ thần hồn để hiểu rõ cái tình thế quái gở: là bị một cái thây ma đuổi theo. Thế mà chạy càng nhanh càng bị đuổi gấp, anh ta không dám quay cổ lại, không dám nghĩ đến lúc kết cục, chỉ biết rằng nếu chậm một tí là bị người chết nắm được mình. Hình như anh ta có kêu lớn lên hai, ba lần nhưng tai chẳng nghe thấy gì cả.
Chạy khỏi những ruộng cỏ đầy nhưng vũng nước, anh ta qua một ruộng khoai gồ ghề thì tưởng đứt ruột ra không chạy được nữa. Cố hết sức dướng lên một độ nữa thì bỗng vướng quần ngã dúi xuống bên một luống dâu. Cái xác nằm đè lên như ôm choàng lấy Nhiệm.
Nói đến đó, bạn tôi ngồi yên, với tay lấy diêm châm điếu thuốc lá nữa. Tôi nóng ruột hỏi:
- Thế là hết?
- Không. Còn! Nhưng không còn gì là lạ mấy! Lúc cả nhà chung, vì tiếng chó cắn dữ quá thức đậy, đổ tìm khắp các ngả thì thấy Nhiệm nằm như chết dưới cái thây ma. Nhưng anh ta mới ngất đi thôi: trống ngực vẫn thoi thóp đập.
Mọi người cùng kinh ngạc, khiêng hai cái thây: thây người sống và thây người chết vào nhà xác, thì Phê ở trên chiếc phản gỗ bấy giờ đã tỉnh dậy ngơ ngác nhìn.
Song mọi người không phải kinh ngạc lâu, vì lúc Phê hoàn hồn liền đem đầu đuôi việc tinh nghịch của mình thú thực hết cả.
- Nhiệm cũng không hề gì chứ?
- Không hề gì. Các cố tìm cách cứu tỉnh ngay. Nhưng mất đến một tháng, anh ta cứ ngẩn ngơ như người ra dại. Bây giờ thì khỏi hẳn, vẫn học hành tấn tới như thường. Anh ta không hay nhắc tới chuyện xưa, nhưng vẫn nhớ rõ rệt cái cảm tưởng quái gở của mình trong lúc bị xác chết đuổi.
Tôi hỏi Đàm:
- Nhưng quái lạ! Sao cái xác chết lại đuổi nhỉ? Anh có tin là có ma quỷ thực không?
- Tin hay không thuộc về chuyện khác. Nhưng trong việc này, tôi quyết không có ma quỷ nào hết. Tôi cũng cùng một ý kiến với một vài ông cố Y Pha Nho ở đấy, lấy nhẽ khoa học cắt nghĩa ra... Tôi cho việc này cũng gần có một tính cách như những “quỷ nhập tràng” mà tôi vẫn để tâm nghiên cứu.
Người chết ở đây tuy không bị một con vật gì nhảy qua, nhưng bị một thứ “hấp lực” làm cho chuyển động.
Người sống thì tưởng là bị xác chết kia đuổi, nhưng thực ra thì cái xác bị cái “hấp lực” kia hút theo. Lúc các người trong nhà tràng tìm được người học trò lớp La Tinh ở luống dâu thì thấy cái xác đè sấp trên lưng anh ta, chân tay vẫn cứng thẳng như lúc còn ở trong nhà xác; vừa rồi tôi nói cái xác chuyển động thì chưa đúng, vì cái xác không động chỉ bị chuyển thôi, nghĩa là bị hút theo người tưởng là mình bị đuổi. Mà cái “hấp lực” ấy, tôi cho là cái sợ hãi quá sức của người sống, lúc vụt chạy ra...
Tuy vậy, cắt nghĩa như thế cũng chưa đủ, việc này đối với tôi vẫn còn bí mật như các điều huyền bí khác mà ánh sáng khoa học mới lờ mờ ló tới. Cho nên các điều tôi phân giải chỉ là một “giả thuyết” tầm thường thôi.
Chú thích:
[1] Người thiếu niên ở trong truyện “Dòng máu đứt quãng”.
Hai lần chết
Tối hôm ấy, chúng tôi đi viếng một người bạn ở phố Hàng Bột mới từ trần. Lúc ra về đến giữa phố Sinh Từ thì trời đổ mưa, chúng tôi kéo cả lên nhà anh Tri. Tri bàn mọi người nên ngủ lại nhà mình để mai đi đưa ma cho tiện.
Anh em lâu không họp mặt, chuyện trò đến hơn mười hai giờ đêm.
Câu chuyện dồn cả vào sự nghiệp và tính nết Đàm văn Tâm, người thiệt mệnh.
Anh Tâm là một thiếu niên thông thái, có khiếu về khoa học và đối với bạn là một ngưòi tử tế thật thà. Anh ta không lấy vợ, cha mẹ mất sớm, bao nhiêu của cải của ông chú ruột để lại cho chỉ dùng vào công cuộc khảo cứu mà chúng tôi biết là có giá trị. Tâm cùng cộng tác với anh Đinh văn Mão, một người bạn học cùng chí hướng với anh ta. Sự nghiệp về khoa học của Tâm đang chừng có vẻ rực rỡ, thì bỗng không bệnh mà chết. Họ hàng không có, nên Mão đứng lên lo việc tang ma.
Cái chết đột ngột của một người bạn còn trẻ gây cho chúng tôi một thứ cảm giác phảng phất, lo sợ, nhất là vì đêm ấy lại mưa gió sụt sùi. Tính vui đùa của anh Tính cũng không làm bớt được lạnh lẽo, nặng nề trong gian phòng sáng bởi một cây đèn dầu hỏa. Tính nói:
- Chết sớm, càng được nghỉ sớm chứ sao?
- Anh thì anh chỉ thích nghỉ thôi. Giá có chết cũng không thiệt cho ai. Còn anh Tâm...
Tính gật đầu:
- Phải. Quốc dân thiệt mất một nhân tài...
Rồi lại tiếp luôn:
- Nhưng sống khôn chết thiêng, hẳn ngài nhớ đến bọn ta, sẽ về phù hộ.
Một người bạn mắng:
- Chỉ nói nhảm. Anh này việc gì cũng đem pha trò...
- Kìa! Pha trò đâu? Tôi nói thực đấy. Tâm chả nhiệt thành tin thuyết “Linh hồn hiển hiện” là gì? Phải không anh Ngôn?
Tôi đáp:
- Phải. Tâm hay bàn về vấn đề ấy lắm. Có lần anh hẹn tôi rằng khi nào chết sẽ về báo hiệu cho tôi biết. “Tôi chết, tôi sẽ về gãi chân anh”.
- Y như trong sách của Camille Flammarion ấy nhỉ?
- Mà không phải là câu nói đùa đâu!
Tính nói nửa thực nửa bỡn:
- Nếu vậy, có lẽ anh Tâm sắp hiện lên giữa chúng ta...
Mọi người cùng cười thào lên một tiếng nhạt, rồi cùng ngồi im. Bên ngoài tiếng ướt át rì rào của mưa gió vẫn không ngơi. Tri ngẫm nghĩ thế nào chợt se sẽ nói:
- Ừ, thế ngộ anh Tâm hiện hồn lên bây giờ thì sao?
Nhưng câu ấy không có ai trả lời, rơi vào trong vực yên lặng mất.
Bỗng nhà dưới có năm, sáu tiếng gõ cửa, tôi toan nói một câu, liền nín lại. Tiếng gõ cửa ra dáng gấp, và cứ mạnh thêm.
Đức nói thầm:
- Hay là anh... Tâm về...
Tôi:
- Có lẽ nào?
Nhưng chúng tôi đồng lo sợ. Tiếng gõ nhà dưới ra chiều thúc giục - tiếng cửa mở rồi khép, rồi một lát thằng nhỏ đi lên, vừa ngái ngủ, vừa thưa vào:
- Thưa cậu, cậu Tâm lại chơi.
- Hử? Cậu Tâm nào?
- Thưa, cậu Tâm Hàng Bột.
Chúng tôi kinh ngạc nhìn nhau. Tri cau mày gắt:
- Mày nói láo! Còn cậu Tâm nào ở Hàng Bột nữa? Sao mày không hỏi xem ai?
- Bẩm, chính cậu Tâm... Cậu đang đi lên.
Chúng tôi như gặp luồng gió lạnh, nhìn ra thấy anh Tâm thực.
Tâm đứng ở khung cửa, đầu tóc bơ phờ, mặt mày ngơ ngác, mình mặc bộ quần áo trắng dài là bộ mặc cho anh ta lúc đặt nằm trong áo quan. Hơn một phút, chúng tôi không ai nói gì, ngồi đực ra như bị thôi miên. Sau, một người bạn đi đạo lấy tiếng dõng dạc hỏi:
- Nhân danh tình bằng hữu thiêng liêng của chúng ta, tôi xin hỏi vong hồn Đàm văn Tâm có oan ức điều gì không?
Tâm, hay linh hồn hiển hiện của Tâm không đáp, cứ trân trân nhìn chúng tôi một lúc lâu. Tiếng dõng dạc lại hỏi lên lần thứ hai:
- Nhân danh tình bằng hữu thiêng liêng... tôi xin hỏi vong hồn...
Thì Tâm bỗng đưa tay gạt đi, dịu nét mặt lại rồi thong thả nói:
- Tôi không phải là vong hồn... vì tôi chưa chết.
Chúng tôi vẫn không hiểu. Tâm lại nói:
- Phải. Tôi còn sống thực, có xương, có thịt, có máu chạy trong mạch... chứ không phải là một vật hư vô...
Rồi Tâm yên lặng tiến lên, nhìn mọi người một cách xoi mói, dò xét, rồi lại kéo một chiếc ghế ngồi. Chúng tôi bất giác ngồi giãn cả ra, thì Tâm buồn rầu, mỉm cười, nói:
- Không. Tôi không chết đâu, tôi chưa chết. Tôi muốn... tôi hỏi các anh: Tôi có thể tin ở sự kín đáo của các anh được không? Tôi có thể tin ở tình bằng hữu thiêng liêng của chúng ta mà anh Đào vừa nói, được không?
Chúng tôi trả lời:
- Được. Nếu anh có oan uổng điều gì...
- Tôi đã bảo tôi còn sống mà! Sống như các anh, thực thế.
- Ừ, chúng tôi muốn tin rằng thế, song anh Tâm đã chết thực, đã có giấy chứng nhận chôn, chúng tôi cũng đã đến viếng...
- Nhưng tôi chưa chết. Tôi ở trong săng dậy đây.
Yên lặng một phút. Sau tôi hỏi:
- Thế còn anh Mão ngồi coi bên săng? Anh ấy đâu?
Tâm bóp trán thở dài. Bỗng anh ngừng phắt lên, hai mắt lóng lánh, đột ngột nói:
- Mão chết rồi. Phải, chết rồi. Mà chính tôi, tôi, các anh nghe chưa? Tôi giết nó đấy...
- Sao lúc chập tối chúng tôi còn thấy anh Mão khóc, chúng tôi lại nhận rõ mặt anh trong săng?
- Nhưng tôi vừa giết Mão xong, giết vì bất bình, vì điên dại... Các anh hãy ngồi yên, tôi kể đầu đuôi cho nghe. Tôi thực là một người khổ sở hết sức!
Rồi Tâm ôm mặt se sẽ khóc trước năm bộ mặt kinh dị của chúng tôi. Một lúc lâu, anh ta mới lại nói:
- Tôi không ngờ đâu lại thấy những điều cay độc, mỉa mai đến như thế... Tôi tưởng phát điên lên mất - không ngờ đâu lòng người mà lại đến thế. Các anh thử xét mà coi. Các anh vẫn biết Mão với tôi là hai người bạn thân hơn ruột thịt, vì tôi thương anh ấy nghèo và chăm chỉ, lại muốn cùng theo đuổi một công cuộc với tôi. Chúng tôi thề suốt đời không lấy vợ, để đem hết tâm trí hy sinh cho khoa học. Trong hai năm trời Mão càng ngày càng tỏ ra một người có chí và hết lòng với bạn, nên tôi càng ngày càng yêu thêm. Tôi muốn cho Mão vững tin ở lòng thành thực của tôi, nên viết một tờ “chúc thư” để gia tài của tôi với sự nghiệp của tôi lại cho Mão. Đó là một điều gàn dở, nhưng trong lúc nồng nàn hăng hái ấy thì tôi có trông thấy xa đâu? Tôi có ý tỏ cho Mão biết rằng của tôi cũng như của anh ta, mà nếu bất hạnh tôi chết trước, thì bổn phận anh ta là phải đi cho tới mục đích bước đường mà tôi bỏ dở.
Từ lúc tôi ký tờ giấy kia đến nay đã được hai năm rồi, không có điều gì hết. Mão vẫn yêu tôi, vẫn hết lòng làm việc với tôi như trước. Mà nếu rủi tôi chết sớm thì chắc Mão là người thương tôi hơn cả. Có ngờ đâu người bạn thân thiết ấy lại là một giống sài lang! Năm năm về trước, nguyên tôi vẫn mang một chứng bệnh thần kinh, thường khi đang yên bỗng ngã lăn ra bất tỉnh. Nhưng từ khi ông chú tôi mất, bệnh ấy như khỏi đứt, tôi không để ý đến nữa - rồi quên bẵng đi. Bệnh đó tới nay lại phát khởi lên xem chừng nặng hơn trước nhiều lắm. Mấy ngày trước tôi thấy những triệu chứng thứ nhất và bắt đầu lo. Song tôi vì bận viết một bài khảo biện rất dài cho một tạp chí chữ Pháp, nên không kịp nói chuyện với Mão. Ba giờ sáng hôm qua, lúc buông bút đi ngủ, bỗng tối sầm mặt lại, ngã gục xuống rồi từ đó lịm đi...
Lúc mở mắt ra thì thấy mình bị ép hai bên trong một xó tối và khó thở, tôi định tâm vừa nghĩ vừa sờ soạng mãi mới biết là mình nằm trong săng. Nhưng trông lên thấy mờ mờ có ánh lửa soi vào hai bên nắp săng và lắng tai còn nghe thấy quả lắc đồng hồ tích tắc đưa chuông điểm. Tôi đoán rằng tôi ngất đi đã lâu lắm - vì bụng thấy đói dữ - có lẽ mọi người tưởng chết thực và đã cho mình vào săng sắp sửa đem chôn. Tôi nâng nắp săng thì thấy còn mở, bèn yên lặng ngồi lên. Lúc ấy mới biết là hơn mười hai giờ đêm. Mão đang xem một tờ giấy bỗng quay ngoắt kêu lên một tiếng khẽ. Tôi cười để cho hắn khỏi sợ và nói: “Tôi không chết đâu... Sống đây mà!”
Mão vẫn trừng mắt nhìn tôi. Thấy tôi cười nói tự nhiên và chờ anh ta nâng hẳn nắp săng đỡ tôi dậy, thì như đã hơi định thần, hắn nhìn tờ giấy mà tôi nhận ra là tờ “di chúc” rồi lại nhìn tôi. Bỗng nhiên hắn rảo bước lại bên chiếc quan tài, mắt long lanh một cách lạ thường, rồi nhanh tay ấn mạnh tôi xuống đậy nắp săng lại.
Trước tôi còn ngờ hắn hoảng hốt vì sợ hãi quá, sau bỗng nghĩ ra một điều rất ghê gớm: Mão muốn giết tôi.
Phải rồi... tờ “chúc thư” mà hắn làm bộ không nói đến bao giờ... cái gia tài quan trọng của tôi... mà đối với mọi người thì tôi đã chết. Phải. Tôi chết là hắn được hưởng, mà tôi đã không chết thựcthì hắn giúp tôi chết nhân thể, ai biết đấy là đâu?
Trong có một giây đồng hồ mà tôi cũng thoáng thấy được cái kế hiểm độc của bạn với cái tình thế nguy hiểm bấy giờ. Tôi căm giận không biết ngần nào, đấm nát tay lên cái nắp săng, nhưng cái nắp bật hé được lên lại bị ấn xuống. Chân tôi không bị buộc trói như thói thường trong lúc khâm liệm, nhưng không thể cử động được dễ. Bên ngoài, tôi nghe thấy tiếng chân vội vàng chạy xa dần. Tôi đoán chắc hắn đi tìm cái gì để đè lên mặt săng cho nặng thêm. Nhân cơ hội tôi thét lên một tiếng rất dữ, đạp một cái hết sức mạnh, nắp săng bật ra một chỗ, tôi ngồi dậy thì hắn đã tiến đến, cái ống tiêm thuốc độc cầm ở một tay. Tôi vùng đứng lên, vừa sợ vừa giận. Hắn bước tới, tôi liền níu lấy tóc, nghiến răng ấn đầu hắn xuống rồi nhảy xổ lại đè lên mình hắn: cái ống tiêm rơi xuống, vỡ tan ra. Hắn bị tôi cưỡi lên ngực, hai cánh tay bị dập dưới đầu gối tôi, và cổ bị hai bàn tay tôi thắt vào đến hai mươi phút. Tôi càng nhìn cái mặt thú vật của nó, cái bộ mặt mà mới hôm trước đây, tôi còn yêu quý, thì cơn giận cứ bốc lên mãi, tôi bóp ghì lấy cổ nó mà vẫn không rõ là mình làm gì. Lúc nó đã tắt thở rồi, tôi mới buông tay ra. Bấy giờ đúng mười hai rưỡi.
Tôi không sợ hãi, không hối hận, không vội vàng, vì không cho sự giết thằng khốn nạn ấy là một tội ác. Tôi xốc nó lên, bỏ vào săng đậy nắp lại tử tế, thu xếp ít tiền bạc, giấy má, định gieo thành một mối bí mật, rồi đi.
Nhưng tôi nghĩ lại ngay, nên thuê xe đến gọi anh Tri kể cho anh nghe để cùng với anh khu xử việc này... Lúc tôi vào bước lên đây, trông thấy các anh, tôi thú thực rằng hơi có ý nghi ngờ các anh... đồng lòng với Mão. Bởi vì... các anh xét hộ, tôi bị một kẻ tâm giao độc nhất xử với tôi một cách ghê gớm như thế... làm cho tôi tưởng phát điên lên mất, tôi tưởng rằng ở đời này thế cả... họ thấy lợi là họ quên cả tình nghĩa... Các anh tha thứ sự nghi ngờ ấy cho tôi.
Tâm nói đoạn thở dài một tiếng rất cay đắng, gục đầu xuống sụt sùi. Chúng tôi ngồi lặng nhìn nhau...
Đêm hôm ấy, chúng tôi không ngủ, sau bàn nên để anh Tâm ở yên một chỗ, dựa theo cái ý kiến mà Tâm đã nghĩ tới, xoay việc án mạng kia thành một thiên bí mật để không ai dò được manh mối ra sao.
Chúng tôi làm như người ngạc nhiên trước nhất về chuyện này, đi trình các nhà chuyên trách đến khám xét chỗ ở của Tâm và thản nhiên, trả lời rất khéo những câu hỏi mà chúng tôi đã đoán biết từ trước.
Bỗng nhiên, ngay sáng hôm ấy, đang khi tra vấn kỹ lưỡng thì anh Tâm lại lù lù hiện ra, nói rằng mình đi vơ vẩn suốt đêm, rồi đem kể hết đầu đuôi việc xảy ra đêm trước.
“Tôi đã giết người, các ông dẫn ngay tôi vào ngục”.
Đó là câu nói sau cùng của anh ta.
Cuộc thẩm vấn, chúng tôi cố chạy cho mau chóng và rất công minh, nên một tháng sau, lúc ra tòa, Đàm văn Tâm được trắng án. Chúng tôi cũng không được vui mừng lắm, vì Tâm vẫn giữ vẻ nhẫn nhục, rầu rĩ như hôm mới bước chân vào đề lao.
Anh cám ơn công săn sóc của chúng tôi, rồi tự giam mình trong gian nhà phố Hàng Bột, nhất định không tiếp ai cả: sống ở đấy một cách yên lặng, kín đáo, bảo là một cách thầm vụng cũng được, như muốn cho người ta quên mình đi.
Một hôm, người đầy tớ già của Tâm đến nhà anh Tri nói rằng chủ mình đã hai hôm nay ở tịt trong phòng. Chúng tôi đến, phá cửa vào xem thì thấy anh ta gục đầu lên bàn trên một tờ chúc thư để của cải cho các viện tế bần, người lạnh ngắt và cứng đờ.
Lần này thì anh Tâm chết thật.
Lưỡi tầm sét
Bên ngoài mưa như trút bao nhiêu nước xuống; sấm chớp làm rung chuyển các cửa kính. Trong một phòng ngủ trường Cao Đẳng tối hôm đó, các sinh viên đã mặc quần áo tử tế, ngồi bực dọc trên mấy chiếc giường con. Một người Sài Gòn tì trán vào mặt kính cửa sổ trông ra, nhắc đi nhắc lại mãi một câu:
“Giận quá! Trời mưa hoài”.
Vì tối hôm đó là một tối thứ bảy, họ tự cho phép lãng quên sách vở để đi diễu các phố hay tìm đến những nơi hò hẹn, tư tình. Cái buổi tối vui thú chờ đợi trong cả một tuần lễ nay mà lại gặp phải trời mưa, ai chẳng lấy làm khó chịu?
Năm, sáu người đang xúm nhau nói đến những chuyện tình duyên, chuyện “săn đuổi” cho qua thì giờ, bỗng một tiếng cười bật to lên; ai nấy quay lại xem, thì là anh Chung, một sinh viên mỹ thuật. Chung vứt mẩu thuốc lá xuống, chống tay ngồi thẳng dậy:
- Tôi sực nhớ đến một câu chuyện kỳ khôi lắm, các anh muốn nghe không?
Mọi người giục kể, thì Chung thong thả nói:
- Phải. Một chuyện lạ thường, lại hình như huyền hoặc nữa. Nhưng các anh nên biết là chuyện có thực, vì chính có cả tôi ở trong.
Mùa hè năm kia, tôi về chơi nhà một người bạn học cũ tên là anh Lê Kỳ. Một chiếc nhà mái lá cửa gỗ ba gian, đứng trơ trọi ở bên con đường đất đi về làng Phương Canh, dưới một cây đa. Chung quanh toàn là đồng khoai ruộng lúa rộng bát ngát.
Thỉnh thoảng bỏ cảnh náo động Hà Nội về nghỉ đây ít ngày còn chịu được, chứ cứ ở luôn trong nơi vắng yên đó thì tôi đến chết vì buồn.
Kỳ lại khác. Anh ta yêu chỗ ở của mình một cách lạ lùng, không bao giờ vắng nhà đến một ngày. Quanh năm cặm cụi với đống sách mà anh ta không bao giờ tiếc tiền mua. Anh ta là hạng người sống về ngòi bút như ta thường nói, sống một cách thanh đạm, bình tĩnh, nhưng tự do. Cái vui thú duy nhất của anh là viết được bài khảo cứu hay, hoặc tìm được quyển sách có giá trị. Lại phải nói cho các anh biết rằng Kỳ không ưa đàn bà một ly nào cà. Đó là vì bẩm tính của anh ta cũng có, nhưng phần nhiều vì anh ta là người cư xử rất vụng về. Cái đời làm việc bằng trí khôn ở trong một xó nhà quê đã khiến cho anh ta thành yên lặng và không thiết để ý đến sự ăn mặc. Đầu húi ngắn, vẻ mặt thật thà, trông anh ta chẳng khác gì một bác “nhà thầy” hiền lành. Người như thế, ở một nơi như thế thật hợp lắm.
Trong các bạn học cũ ở Bưởi chỉ có tôi là còn đi lại với anh Kỳ, chỉ có tôi hiểu và yêu tấm lòng giản dị của anh ấy thôi. Một, hai năm, rồi lại về ở với anh mấy ngày. Năm ấy, tôi định ở chơi luôn hai tháng hè và nghỉ dưỡng sức ở đó nhân thể.
Chiều hôm đầu tôi đến, Kỳ nghỉ làm việc sớm, hai tay xoa vào nhau, cười một cách rất sung sướng thơ ngây và bảo tôi:
- Nào, lại buông võng ngồi nói chuyện như mọi khi đi! Rồi anh kể cho tôi biết việc học hành của anh nhé.
Đó là một cái thú riêng của chúng tôi. Những lúc hai người cùng đưa qua đưa lại trên chiẽc võng đay, nghe tiếng kẽo kẹt trên kèo tre trong cái yên lặng mông mênh của nhà quê, mà nhắc đến những hồi còn nhỏ, hồi mới biết nhau; nói đến những việc mình đang làm, mình định làm, hay là bàn về chuyện tương lai, thì thấy sung sướng như được đọc một quyển sách rất hay hoặc đi xem những cảnh thích mắt. Chúng tôi ngồi với nhau như thế hằng bốn năm giờ một, có khi quên cả buồn ngủ, quên cả đêm khuya.
Chiều hôm ấy, mới có hơn năm giờ, lại về mùa hè, mà trời bỗng tối sầm xuống. Chiếc mành trước nhà vật mãi vào cửa, trên mái lá tiếng kêu sột soạt như có tay ai xoa lên hoài. Không khí nóng bức và nặng nề rất khó chịu. Chúng tôi ăn vội bữa cơm thằng nhỏ dọn lên, rồi đóng các cửa vào, thì mưa bắt đầu đổ xuống tường không đời nào hết nước. Cứ thế cho đến tám giờ tối. Chúng tôi chắc cơn mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, không ngờ mười lăm phút sau, nước trút xuống càng dữ. Gió đổi chiều táp mãi hạt mưa với bức mành lên mặt gỗ, nước trên cửa chảy xuống chạy vào cả trong nhà. Sấm sét bắt đầu nổi lên ầm ầm, luôn bên tai chúng tôi thấy như núi lăn, đá vỡ. Chiếc đèn treo giữa nhà se sẽ đưa đẩy, bóng đèn va vào chụp thành những tiếng kêu khẽ, ngọn lửa bồng bồng, chốc chốc lại đưa cao lên một lát, trông đỏ lừ.
Giỏ thổi càng già thêm, tiếng vụt qua khe cửa nghe rít lên từng hồi giận dữ và thê thảm. Không khí trước mát, sau hóa lạnh dần.
Mỗi lúc sấm dồn sét nổ lên, tôi lại lo ngại thêm.
Anh Kỳ ngồi trên võng sát với tôi, vẫn thản nhiên như đã quen với những phút kinh hoảng ấy. Tôi muốn bắt chước Kỳ, nhưng không thể nào trấn tĩnh được. Trong bầu trời mưa gió ầm ầm tối hôm ấy hình như nồng nặc chất chứa những luồng điện, khiến cho lòng người càng khắc càng nặng thêm.
Mấy lần tôi nói ra được một câu đều bị tiếng sấm sét át đi mất; sau tôi hỏi Kỳ:
- Anh có sợ sét không?
- Không. Việc gì mà sợ?
Một cái chớp loáng, làm tôi nín thở. Sau một tiếng nổ to và gần, Kỳ thấy sắc mặt tôi biến mới hỏi:
- Thế ra anh sợ sét ư?
Tôi gật:
- Sợ. Nhưng không phải sợ bị sét đánh. Tôi dẫu ở trong trường có cột thu lôi cũng thế, cứ nghe tiếng sấm sét là khó chịu rồi. Nhưng khi có người ngồi cạnh hay có đông người là tôi đỡ hồi hộp.
Tôi thú thực được cái tính nhát của mình với anh Kỳ nên không phải giữ gìn như trước nữa, tôi ngồi sát lại mình bạn mỗi khi có chớp loáng, và hai tay bịt chặt lấy hai tai.
Nhân đó, câu chuyện của chúng tôi xoay ra nói về sấm sét. Tôi được dịp thấy cái học rộng rãi và những điều phán đoán sâu sắc của anh Kỳ. Anh kể cho tôi nghe đến những sách lạ khảo cứu về điện học và những lý thuyết mới về “thiên lôi”. Lại không quên kể những điều dị đoan của từng dân tộc. Tôi chú ý nhất đến những chuyện truyền thuyết của ta về “lưỡi sầm sét” mà Kỳ kể ra một cách rất có duyên... Nhưng sự chú ý của tôi chỉ làm cho tôi thêm mạnh lòng mê tín.
Nghe tiếng gió chạy như cuống, tiếng mưa đập từng trận trên mái nhà và bốn chung quanh, nghe tiếng sấm sét rung chuyển cả một bầu trời tối tăm, tôi lại tưởng đến những chuyện yêu quái núp vào những gốc đa hay chùa cổ để ẩn tránh lưỡi tầm sét. Khi người ta gặp điều lo sự thì lòng dễ sinh yếu đuối, dễ nhận những điều mê hoặc, dẫu mình là người có học thức. Tôi cũng vậy. Kỳ thấy tôi mỗi lúc một băn khoăn thêm thì nói đùa:
- Thế giá anh ở một mình ở đây thì sợ đến đâu?
Tôi đáp:
- Chả bao giờ tôi ở một mình.
Im một lúc, tôi lại nói:
- Này anh Kỳ ạ, nói bỡn mà chơi chứ, nếu có con ma, con tinh nào chạy trốn vào đây bây giờ thực thì anh bảo sao?
Kỳ phá lên cười, nhưng một luồng chớp sáng lạ lùng loáng lên, rồi liền đỏ một tràng sét đổ lăn bên tai chúng tôi cùng một tiếng ghê gớm. Cả chiếc nhà rung lên một lượt. Tôi nắm rất chặt lấy tay Kỳ, quả tim chừng đứng lại.
Tiếng sét nổ gần lắm, đến nỗi mùi điện khét lẹt xông nặc lên. Đến gần mười phút đồng hồ, chúng tôi không ai nói gì qua: Kỳ như cũng lây cái sợ của tôi. Mưa bên ngoài vẫn như thác rộn, sóng gầm, sấm sét cứ liên hồi chạy từ góc trời này sang góc trời nọ.
Kỳ lắng tai, đưa một ngón tay thong thả đánh nhịp lên trên không như đếm cái gì... Tôi hỏi:
- Anh làm gì thế?
- Nhà dột... Đấy, anh có nghe tiếng nước nhỏ xuống không?
- Có. Nhà hay dột thế kia ư?
- Không. Tại hôm nay mưa to quá. Tôi phải đi xem mới được.
Rồi Kỳ nhảy xuống đất, đến bên cái bàn ở gian bên kia, thu gọn đám sách bị ướt sang một chỗ rồi lấy cái cốc lớn hứng lấy những giọt nước rơi.
Một cái chớp loáng nữa, Kỳ vội chạy đến với tôi. Tiếng sét vừa nổ xong thì bỗng có tiếng đập cửa sầm sầm. Chúng tôi kinh ngạc trông ra thì tiếng đập cửa càng thêm mạnh, càng thêm gấp, Kỳ hỏi lớn:
- Ai đấy?
Nhưng chỉ có tiếng tay nện vào cánh cửa trả lời. Một lát mới thấy tiếng kêu, tiếng kêu the thé rít lên cùng với tiếng gió thổi:
- Mở... cửa... cho tôi...! Mở cửa cho tôi với!
Chúng tôi nhìn nhau không nói gì. Ngoài cửa, tiếng gọi, tiếng đập như thúc giục:
- Mở cửa mau lên!
Tôi hỏi Kỳ:
- Thẳng nhỏ đâu?
- Nó đắp chiếu ngủ kia.
- Đánh thức nó dậy mở cửa xem.
- Thôi, để tôi mở.
Tuy vậy, Kỳ vẫn ra chiều lưỡng lự. Anh chậm chạp xỏ chân vào đôi guổc, như người đang suy tính. Tiếng đập cửa càng thêm gấp. Kỳ chắc lưỡi một cái rồi quay ra mở cửa liền.
Then vừa rút thì cánh cửa bị đẩy mở tung ra. Một trận gió mạnh xông ồ vào làm cho ngộn đèn treo vụt tắt. Tôi thoáng thấy một bóng trắng ở ngoài vừa chạy qua bực cửa vào nhà. Kỳ cố sức đẩy mới đóng được cánh gỗ lại và gọi tôi rối rít:
- Anh Chung, anh Chung lấy hộ tôi bao diêm...!
- Để đâu?
- Trên mặt hòm ấy!
Tôi đánh diêm thắp được đèn lên thì thấy hiện ra mộc cảnh tượng rất quái lạ: một người đàn bà - một người con gái thì đúng hơn - mình mẩy trần truồng, chỉ còn mấy mảnh quần rách bươm không đủ che thân, đang đứng vừa run vừa nhìn chúng tôi một cách kinh hoàng. Mặt xanh xám, nhưng trông vẫn thấy vẻ đẹp. Lạ hơn hết là đầu tóc cô ta trụi như mới cạo - cả đôi lông mày cũng trụi, chỉ còn trên mắt hai nét lờ mờ xanh.
Kỳ đứng ngay cạnh cô ta, trông lại nực cười hơn. Anh chàng há mồm ra, đôi mắt mở rất to, đến hơn một phút đồng hồ không cử động mà cũng không nói nửa tiếng. Các anh nên nhớ rằng Kỳ không ưa gần đàn bà, con gái; thường ngày cứ gặp họ thì đâm ra lúng túng, mặt đỏ đến tận tai.
Ba người đương giương mắt nhìn nhau bỗng chớp lại loáng lên, một hồi sét nổ dồn lại nghe rất gần. Người con gái đang run, bỗng giật nẩy mình, cuống cuồng lên, rồi... ôm choàng ngay lấy Kỳ không chịu bỏ ra nữa. Mặt cô ta lộ ra vẻ kinh hãi hết sức, mắt long lên sòng sọc, môi lẩy bẩy kêu mãi mới ra một câu: “Giời ơi! Sét! Sét đánh!”
Kỳ vừa toan gỡ cái cánh tay trắng xanh kia ra, vừa trông tôi ra ý cầu cứu. Anh ta thấy tôi phì cười lại càng lúng túng, mắt ngơ ngác nhìn quanh nhìn quẩn, lúc nhìn đến cái thân lõa lồ của người con gái, anh ta mắm miệng lại một cách chán nản rồi quay đi.
Mưa lúc ấy tuy ngớt dần, nhưng sấm vẫn cứ ù ì chuyển.
Kỳ ngượng quá, phát cáu, ghé vào tai cô kia hỏi lớn:
- Làm sao lại thế này mới được chứ?
Thì người con gái chỉ lắc đâu không thưa.
Sau cùng tôi phải lấy cái áo đi mưa của Kỳ khoác cho cô ta, cố sức giằng cô ta ra và ấn ngồi xuống bộ ngựa gần đó. Cô ta run như cầy sấy, ngồi nép vào vách, đôi mắt mở lớn nhìn trân trân về một phía như không nghĩ ngợi gì.
Tôi cúi xuống se sẽ hỏi, nhưng cô ta không đáp, hình như không nghe thấy lời tôi.
Kỳ kéo tay tôi bảo:
- Người ta vẫn còn sợ, anh đừng hỏi vội, để người ta hoàn hồn đã.
Chúng tôi lui sang gian bên cạnh, bàn nhau lấy mấy cái quần áo đưa cho cô mượn. Nhưng khi mang quần áo ra thì người con gái vẫn ngồi nép vào vách, ngơ ngác như người mất trí khôn. Cô ta giương tráo mắt nhìn bộ quần áo rồi lại lén lút nhìn chúng tôi. Tôi nói:
- Cô mặc áo vào.
Cô ta không nói gì. Tôi phải giục:
- Cô mặc áo vào cho khỏi lạnh.
Cô ta vẫn ngồi yên. Tôi quay lại khẽ gọi Kỳ:
- Có lẽ cô ta điên, anh Kỳ ạ.
- Không. Họ sợ chứ không phải điên.
- Nhưng sợ gì?
- Chắc họ gặp sét. Họ bị sét đánh!
- Tôi không hiểu. Gặp sét đánh sao không chết...?
- Cái đó, tôi cũng không hiểu nốt.
Tôi nói:
- Dẫu sao, ta để cho cô ta thế cũng không tiện, ta mặc quần áo hộ cô ta.
Người con gái để chúng tôi đỡ dậy và mặc xống áo cho như đứa trẻ con, không ngượng, không thẹn, mơ hồ không biết gì hết.
Nhìn đồng hồ thì đã gần mười rưỡi. Gió đã đỡ mạnh, mưa cũng tạnh dần. Tôi khoác thêm lên vai cô khách kỳ khôi kia một cái chăn mỏng mà Kỳ vừa đưa cho tôi, và để cô ta ngồi yên đó.
Kỳ mặc tôi coi người con gái, còn mình thì đi súc ấm, lấy chè và đánh thức thằng nhỏ dậy xuống bếp lấy nước lên đun. Thằng nhỏ thấy người lạ thì hơi ngạc nhiên, nhưng không nói gì cả.
Khi ấm nước trên ngọn đèn cồn đã sôi, chúng tôi đang chăm chú pha chè thì cô khách bỗng thở một tiếng dài.
Không hiểu sao, tôi lại thấy rợn người lên; quay lại xem, thì cô ta đã ngồi thẳng dậy, hai mắt tinh nhanh vừa chớp vừa nhìn chúng tôi như người đang tỉnh giấc mộng.
Cô ta thong thả trông sau trông trước, trông ngọn lửa đèn cồn đang nhảy nhót rồi nhìn xuống bộ quần áo đàn ông rộng và xốc xếch cô mặc trên mình... Rồi cô đưa tay lên đầu, thấy đầu trọc nhẵn không còn qua sợi tóc nào thì giật mình. Nước da tái mét lúc trước đã dần dần đỏ, mặt có vẻ e thẹn và ngượng ngập quá chừng. Cô hé miệng ra toan nói, nhưng lại thôi ngay, bỏ cái chăn đơn với chiếc áo tơi phủ trên mình xuống.
Tôi bưng một chén nước nóng lại mời, nhưng cô ta bẽn lẽn không cầm. Trông cái đầu ni cô không có khăn vuông kia với bộ quần áo cộc trắng đàn ông lụng thụng phủ chiếc thân bé nhỏ kia, lúc khác thì tôi buồn cười, nhưng lúc ấy tôi chỉ lấy làm lạ.
Chúng tôi đứng yên xem cô ta định làm gì, thì thấy cô ta tiến lên, bước nhẹ nhàng và e dè, ra mở cánh cửa mà thằng nhỏ chưa cài then, quay lại nhìn chúng tôi lần sau cùng, rồi bước ra, một tay đóng trái cửa lại.
Chúng tôi càng thêm kinh ngạc, đứng nhìn nhau đến ba, bốn phút, anh Kỳ thì vừa cắn môi, vừa nghĩ, còn tôi thì ngờ ngờ, vực vực, lẩm bẩm nói:
- Người hay là ma?
Rồi cái ý tưởng vô lý này cứ vẩn vơ trong trí tôi hoài, muốn quên đi mà không được, tôi bỗng trông thẳng vào mặt Kỳ, nói:
- Người gì mà lạ thế, anh nhỉ?
Kỳ không đáp.
Tôi nhắc lại:
- Người gì mà lạ lùng kỳ quái đến thế?
Trong hai tiếng “người gì”, tôi có ý nói không phải là người thường... không phải là người.
Kỳ như hiểu tôi, sẽ lắc đầu, trả lời như có ý trách:
- Sao anh lại có óc mê tín đến thế!
Tôi đáp:
- Có lẽ tôi mê tín thực, nhưng ta thử ra xem “hắn” đi đâu?
Chúng tôi mở cửa ra ngoài. Một cơn gió lạnh thổi qua mặt tôi. Mưa đã tạnh hẳn.
Chung quanh, những ếch, nhái đã bắt đầu lên tiếng. Trên trời, một nửa trăng đang chui qua vừng mây đen lớn: hồi ấy vào khoảng trung tuần tháng năm.
Chúng tôi ra khỏi cái cổng không đóng bao giờ, nhìn lên con đường mờ mờ và xa tít len lỏi vào đám ruộng bát ngát.
Trên mặt đường, từng vũng nước lấp lánh vì ánh trăng sáng. Không thấy bóng người mặc quần áo trắng đâu.
Đêm ấy, chúng tôi cứ lấy làm kinh dị hoài gần sáng mới ngủ được.
Chung kể đến đó thì ngừng lại lấy thuốc lá hút. Một người bạn nóng ruột hỏi:
- Thế rồi sao nữa?
- Thế là hết câu chuyện dị kỳ đêm hôm ấy...
- Nhưng chả nhẽ câu chuyện chỉ có thế. Anh phải kể nốt: rồi sau ra sao?
- Rồi sau chúng tôi không còn thấy gì nữa. Trong hơn một tuần lễ, tôi ở chơi với Kỳ, ngày nào chúng tôi cũng nói đến người con gái hôm xưa. Tôi đã có lần ngờ là gặp ma, còn Kỳ thì chẳng ngờ gì hết. Anh ta cũng không phân giải được ra sao. Rồi chuyện đó quên dần đi, chúng tôi chỉ để tâm đến công việc riêng mình. Hồi ấy Kỳ đang soạn một cuốn sách mà anh ta muốn làm cho thành một tác phẩm có giá trị.
Tôi ở đó lâu cũng sinh chán, muốn từ giã Kỳ để đi chơi nơi khác, nhưng bạn tôi cố giữ lại cho đến gần hết nghỉ hè.
Một hôm, tôi đi dạo một mình, lúc trở về đến cổng thì gặp một người con gái nhà quê ở đó đi ra; cô này trông rất đẹp, áo nâu, quần lĩnh, đầu chít khăn vuông. Dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng, tôi cứ tấm tắc khen ngợi mãi. Tôi lấy làm lạ rằng cái bác “thầy tu” kia sao lại có người khách yểu điệu đến thế, sực nhớ ra cô gái trần truồng, trụi mày trụi tóc đêm xưa.
Tôi bước vội vào nhà thì Kỳ ta mặt đỏ bừng, đang ngồi giở xem một bộ quần áo trắng để bên mấy bao chè tàu mới nguyên. Thấy tôi, Kỳ vừa bẽn lẽn, vừa vui mừng, anh nói với tôi mà giọng run run, ra chiều cảm động:
- Cô con gái hôm nọ lại cảm ơn chúng mình đấy.
- Thảo nào tôi trông quen quen.
- Thế ra cô gặp anh?
Tôi gật, rồi mỉm cười trông bạn. Anh ta lại đỏ bừng mặt lên.
Một lát, Kỳ trấn tĩnh được ngay, anh nói:
- Cô ta đến để trả bộ quần áo đêm nọ mình cho mượn, và đền ơn mấy bao chè. Tôi đã cố chối từ, nhưng cô ấy cứ nài, nên tôi chả làm thế nào được. Cô ta kể cho tôi nghe rằng hôm ở đây ra về bị ốm một trận đáo để, ốm vì sợ hãi quá. Bao nhiều điều tôi đoán về cô ta đều trúng cả nhưng tôi chưa nói với anh là vì tôi chắc anh sẽ không tin. Tôi biết rằng cô ta bị sét đánh rách hết áo quần và “gọt” hết tóc với lông mày, nhưng không chết. Nghe cô ta nói thì quả thực vậy. Đêm hôm ấy, cô ta đi thăm người bà con ở làng bên ốm nặng, lúc về nửa đường thì gặp mưa. Cô ẩn dưới cây đa to cách cây đa nhà ta chỉ độ ba trăm thước. Đợi mãi mưa không ngớt, cô ta định chạy vào đây trú, nhưng cô biết tôi ở đây có một mình, lại không quen tôi... mà đàn bà, con gái đêm hôm... Sau thấy sấm sét dữ quá, cô đánh bạo chạy về đây thì ngay lúc đó, một tiếng sét đánh vào cây đa to, luồng điện đi qua vật cô ta xuống. Lúc cô ta đứng được dậy cũng vẫn còn mê mẩn vì khiếp sợ, thân thể lõa lồ cũng không biết, chỉ tìm cách trốn thoát “lưỡi tầm sét” của ông “thiên lôi” thôi. Rồi lúc vào đây, lúc ta mặc quần áo cho thì cô ta còn trong cơn kinh hoảng không e thẹn gì. Mãi sau, khi hoàn hồn rồi, mới biết xấu hổ... Cô ta ra khỏi nhà liền theo đường tắt một mạch chạy về làng...
- Nhưng “thiên lôi” gì lại đánh người ta một cách kỳ khôi thế?
- Tôi chỉ biết đó là sự thực, còn tại sao bị sét đánh mà không chết thì cũng chịu không cắt nghĩa được. Ở một cuốn sách khảo cứu về “sấm sét” của Flammarion [1], tôi thấy có chuyện tương tự như thế, mà người bị đánh còn bị văng ra đến ba, bốn chục thước nữa kia.
- Thế thì lạ thực. Còn người con gái kia... anh có biết là người ở đâu không?
- Người ở trong làng, con ông Hương, ông Lý nào đó thì phải. Sau hôm đó, cô ốm gần một tháng, ốm vì bị sét đánh thì ít, mà ốm vì sợ hãi thì nhiều... Người nhà định đem trả quần áo tôi đã lâu, nhưng cô ta muốn tự mình đem đến, để nhân tiện trả ơn mình. Mà không đem đến ngay, tôi chắc là... vì lông mày với tóc chưa mọc đủ.
Ngừng lại một lát, Kỳ lại tiếp:
- Cô ta... kể cũng có duyên đó chứ.
Lần đầu tiên, tôi thấy bạn tôi nói ra một câu bình phẩm như câu này.
Chú thích:
[1] Camille Flammarion: “Les caprices de la Foudre”.
Thế Lữ
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...