Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Hồ Xuân Hương và vai phận lẽ mọn: Mỹ học của cái khuyết

Hồ Xuân Hương và vai phận lẽ mọn: 
Mỹ học của cái khuyết
Thơ Hồ Xuân Hương ám ảnh bởi một nỗi buồn thương khôn tả, nhưng cũng đầy âm vang tiếng cười, phản ánh những cố gắng của con người muốn vươn lên trên số phận nghiệt ngã, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng giả tạo.
Không phải ngẫu nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện nhiều tiếng khóc. Thi sĩ đã từng làm người vợ cô đơn ngay trong thì xuân sắc. Thơ Hồ Xuân Hương ám ảnh bởi một nỗi buồn thương khôn tả, nhưng cũng đầy âm vang tiếng cười, phản ánh những cố gắng của con người muốn vươn lên trên số phận nghiệt ngã, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng giả tạo. Khóc hay cười ở Xuân Hương đều gắn với phần đời bất hạnh và cá tính của thi sĩ, đều bắt nguồn từ quan niệm của nhà thơ: con người cần phải sống, sống với tất cả nỗi vui buồn trần thế.
Trước Hồ Xuân Hương, văn học viết Việt Nam vẫn thiên về vẻ đẹp thanh cao, vẻ đẹp của con người khắc kỷ phục lễ. Tới thời Xuân Hương: Tư tưởng Nho giáo bị rạn nứt, các tín ngưỡng dân gian có thêm điều kiện nảy nở phát triển mạnh mẽ hơn. Thơ Hồ Xuân Hương nổi lên cảm hứng giải phóng đời sống tình cảm, trước hết là tình cảm yêu đương lứa đôi, và đồng thời là cảm hứng đấu tranh cho quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc chính đáng của con người...
Trước Hồ Xuân Hương thơ dùng để tỏ chí hướng, lý tưởng của nam nhi. Đến Xuân Hương, thơ trở thành phương tiện để ký thác tình cảm riêng tư, với những vui buồn trần thế nhất. Tự tình là một trường hợp cho thấy rõ điều đó. Tự tình được đặt tên chung cho ba bài thơ, trong đó Tự tình II là bài thơ đặc sắc nhất.
“Tự tình” nghĩa là bày tỏ tình cảm của mình, bày tỏ lòng mình, thân phận của mình. Xuân Hương bộc bạch nỗi niềm của mình cho chính mình nghe. Phải là một người có ý thức cá nhân sâu sắc trong khát khao được chia sẻ, cảm thông mới đặt thi đề như vậy. Cái tôi trữ tình của bài thơ là cái tôi cô đơn, bị bỏ rơi, bị quên lãng trên dòng đời. Đó còn là cái tôi táo bạo, muốn phá tung những trói buộc của hoàn cảnh, duyên phận, khao khát được hưởng hạnh phúc, tuổi xuân trọn vẹn.
Bài thơ mở ra từ một khoảnh khắc đặc biệt:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn    
Trơ cái hồng nhan với nước non
Đêm khuya là lúc mọi suy nghĩ, nỗi niềm của con người lắng đọng lại, con người đối diện với chính mình, sống thật với mình nhất. Hai chữ “đêm khuya” gợi cho người đọc liên tưởng tới hình ảnh con người bị bủa vây bởi thời gian lạng lẽo, một con người đương thao thức trong không gian mênh mông, quạnh vắng. “Đêm khuya” cũng là thời điểm Hồ Xuân Hương cảm nhận được trọn vẹn và sâu sắc thân phận mình. Cảm thức về thời gian, xét rộng ra là tâm thức về tuổi trẻ, tuổi xuân của con người.
Đối với người xưa, tiếng trống điểm canh thật đời thường và gần gũi. Khi tiếng trống canh vang lên, ấy là lúc con người ta giật mình cảm thấy thời gian đang trôi. Tiếng trống canh đêm nào mà chẳng vọng lại, để nhắc nhở con người về sự đổi thay, vận động trong trời đất, tạo vật. Nhịp trống hôm nào chẳng đều đều và buồn tẻ vậy, nhưng với Xuân Hương, tiếng trống đêm nay dồn dập, giục giã không như mọi ngày, không như mọi lần. Tiếng trống dồn dập như thúc giục xuân của đất trời và thời xuân sắc của đời người trôi đi. 
Bìa sách Hồ Xuân Hương - Thơ và đời (NXB Văn học)
Trong thơ Hồ Xuân Hương, hình ảnh âm thanh thường xuất hiện ở trạng thái “văng vẳng”. Âm thanh đó, có thể là tiếng khóc bi thương, hay tiếng gà gáy gọi dậy niềm oán hờn, uất hận: “Văng vẳng bên tai tiếng khóc chồng” (Dỗ người đàn bà chồng chết); “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì? (Bỡn bà lang khóc chồng); “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” (Tự tình 1)… Môtíp “văng vẳng” luôn gắn với một trạng thái mơ hồ, một khoảng lặng, một ám ảnh. Đây là tình huống trữ tình thường thấy trong thế giới thơ Hồ Xuân Hương. Tiếng khóc, tiếng gà và cả tiếng trống... một mặt là những âm thanh hiện tại xa xăm, mặt khác là sự ám ảnh khôn nguôi. Đó là một ký hiệu âm thanh. “Văng vẳng” là âm thanh từ xa vọng lại, âm thanh vụt hiện từ trong tiềm thức, từ trong giấc ngủ. Thì ra Xuân Hương đâu chỉ cảm nhận âm thanh mà còn lắng nghe bước đi của thời gian, lắng nghe lòng mình thổn thức, rạo rực trong trông ngóng khát khao. Dường như có tâm trạng buồn tủi, uất ức chất chứa trong nhịp thứ hai của câu phá đề. Thi sĩ sử dụng bút pháp lấy động tả tĩnh phác hoạ thành công một không gian hiu quạnh.
Câu thừa đề sử dụng thủ pháp đối lập làm nổi bật cảnh ngộ cô đơn của chủ thể trữ tình. Niềm khát khao ngóng đợi, nỗi lo âu thảng thốt của con người tự bao giờ đã trở thành vô vọng, tuyệt vọng. Trước mắt ta xuất hiện một con người đã hoá đá, trơ trọi giữa vũ trụ bao la. Biện pháp đảo ngữ kết hợp với cách ngắt nhịp rất lạ gây ấn tượng mạnh đối với người đọc về nỗi niềm cô đơn, buồn tủi của nữ sĩ. Xuân Hương cảm thấy mình nhỏ bé giữa không gian rộng lớn, cảm thấy không có nơi bấu víu, nương tựa trước dòng thời gian vô thuỷ, vô chung. Hai chữ “Hồng nhan” gợi ra nỗi xót xa bạc phận của đời người, gợi tả được sâu sắc sự bất công không phải riêng một kiếp người gánh chịu. Xuân Hương đồng bệnh, đồng cảnh với bậc tài nữ, tài tình trong xã hội đương thời. Từ cái vừa cụ thể hóa một thân phận cô đơn vừa vật thể hoá vẻ đẹp phụ nữ. Cụm từ “cái hồng nhan” gợi ra sự rẻ rúng, mỉa mai của tạo hoá về dung nhan thiếu nữ. Phải là một người thao thức đếm bước đi của thời gian, khao khát hạnh phúc lứa đôi mới thấy rõ thân phận hẩm hiu, đơn chiếc như vậy. Và phải là một người tự ý thức sâu sắc về cái vô hạn của cuộc đời (nước non) và sự hữu hạn của đời người mới thấy hết cái mỏng manh của duyên phận, duyên tình.     
Hai câu thực vừa là ngoại cảnh vừa là tâm cảnh. Nghệ thuật tiểu đối (chén rượu - vầng trăng, hương đưa - bóng xế, say - tỉnh, khuyết - tròn) góp phần làm nổi bật sự dở dang, mong manh của duyên phận. Câu thơ nào cũng gợi lên bi kịch.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn
Câu thứ nhất nhấn mạnh bi kịch tinh thần. Dường như Xuân Hương muốn mượn rượu để quên đi nỗi niềm xót xa, buồn tủi của mình. Nhưng hơi rượu thoảng qua không thể giúp thi sĩ quên được cảnh ngộ muộn màng, lỡ dở ấy. Xuân Hương “say lại tỉnh”, nghĩa là muốn trốn chạy thực tại bạc bẽo lúc bấy giờ mà không được. Bao nhiêu chua chát, đắng cay dồn tụ vào chữ “lại“. Từ “lại” vừa cho thấy - đây không phải lần đầu thi sĩ khao khát vượt thoát khỏi sự cô đơn vừa gợi lên cái vòng quanh quẩn của duyên phận con người. Say là trạng thái quên, giây phút chủ thể trữ tình rũ bỏ được những phiền muộn trong lòng. Tỉnh rượu là lúc con người trở về với thực tại, thấm thía cảnh ngộ bơ vơ và thất vọng vì hạnh phúc vẫn vượt quá tầm tay với. Nếu xem Say là lúc con người chìm trong giấc mộng, chìm vào hư ảo mênh mông, thì Tỉnh chính là sự vỡ mộng. Nỗi chán chường tăng lên gấp bội.
Theo lôgíc bài thơ, hình ảnh “chén rượu” đối với “vầng trăng”. Trạng thái “say - tỉnh” đối với qui luật “khuyết - tròn”. Nhưng say chỉ là ảo giác, giả tưởng thôi, còn tỉnh táo nhận ra duyên phận, duyên tình mới là sự thực. Vì ở đây, không hề có chén rượu nào để Xuân Hương quên đi cuộc đời đáng khóc. Thi sĩ ngồi nhẫn tàn canh nhưng đâu thấy mảnh trăng tròn đầy. Thi sĩ mong chờ nhưng đến cuối cuộc đời chẳng gặp ai hiểu nỗi lòng mình. Nàng đã đợi tới cuối thì xuân sắc mà đâu thấy tri âm.
Câu thứ hai thể hiện bi kịch éo le của duyên phận, của cuộc đời nhà thơ. Vầng trăng tàn khuyết chính là hình ảnh duyên phận con người. Vầng trăng khuyết đã bao mùa soi bóng lẻ, bao đời chứng kiến cảnh xanh lá bạc vôi ở dưới cõi người. Khao khát ngóng đợi vậy thôi, chứ Xuân Hương biết thân phận bạc như vôi của mình rồi. Tuổi xuân cứ vùn vụt trôi, tuổi trẻ thêm ngắn lại, duyên tình thì ngày càng xa tít ở đâu. Xuân Hương cũng như Kiều ở chỗ: “biết thân chạy chẳng khỏi trời“, nhưng khác Kiều ở cái ý nghĩ muốn “liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”.
Nếu vầng trăng hiện thân cho mơ ước về hạnh phúc vẹn đầy, là khát khao yêu đương đẹp đẽ thì Bóng xế là cảnh ngộ ngang trái, trớ trêu. Bề ngoài câu thơ gợi quy luật khách quan của tự nhiên: trăng khuyết rồi sẽ tròn, con người sẽ thoát khỏi nỗi đau phận bạc. Nhưng ngẫm kỹ, thì thấy thiên nhiên không hề thay đổi. Trăng vẫn khuyết như thuở ban đầu, tức điều ngang trái kia đã xảy ra rồi và trở lại nhiều lần trong cuộc đời thi sĩ. Ta biết: sóng vẫn dậy trong lòng thi sĩ Xuân Hương.
Nhắc đến trăng khuyết, trăng xẻ đôi người đọc thường nhớ tới nỗi đau chia phôi của con người. Trong tâm thức sáng tác dân gian, bao giờ trăng khuyết cũng trở thành một biểu tượng của cảnh ngộ lứa đôi xa cách. Trở về với thi liệu quen thuộc này, Xuân Hương sáng tạo thêm một mảnh vỡ khác: Đó là mảnh vỡ của duyên phận, của cả một đời người. Trăng khuyết được nhìn từ bi kịch cá nhân, trở thành một hình ảnh định mệnh. Trăng khuyết nghĩa là trăng cô đơn, trăng bị lãng quên ngay cả khi “lên ngôi” và khi sắp lặn. Mảnh trăng mỏng manh, nhỏ bé vậy mà cứ mờ nhòe, phai nhạt theo tháng năm. Trăng khuyết không xuất hiện như một kỷ niệm hay một dự cảm xa xôi; nó hiện ra như một nỗi đau thường trực.
Từ “khuyết” là nhãn tự của câu thơ, đồng thời của cả bài thơ. Thế giới Tự tình, đâu đâu cũng giăng mắc sự khuyết thiếu. Câu phá đề ứng với nỗi đau chợt vỡ òa, tức tưởi. Sự yên tĩnh không trọn vẹn. Nỗi đau thân phận không ngủ yên. Nó thức dậy dày vò con người. Câu thừa đề nhấn mạnh sự khuyết thiếu người tri âm. Xuân Hương bị bỏ rơi trên dòng thời gian vô tình. Nỗi xót xa buồn tủi không thể giấu được. Nụ cười ngạo nghễ thách thức ẩn đi, nhường chỗ cho giọt nước mắt đầy vơi. Cả câu thơ dâng đầy niềm cô quạnh. Câu thơ thứ ba tê tái và thấm thía hơn. Cuộc say ngắn ngủi, giấc mộng tan mau, con người muốn trốn chạy hiện thực phũ phàng rốt cuộc vẫn phải đối mặt với nó, sống trong nó. Chén rượu không đủ nồng nàn; hương rượu ở đâu thoảng lại, người thơ chuếnh choáng chốc lát. Thế là cuộc trốn chạy kia đứt gẫy dở dang. Cảnh đấy, tình này sao có thể ghìm giữ được. Sóng lòng cứ tự nhiên trào lên lớp lớp nhói buốt. Giữa biển rộng dài, mênh mông không bến bờ, chẳng ai có thể thấy được con sóng tâm trạng rong ruổi về đâu. Chỉ biết rằng, nó đã tan vào những dòng thơ nhoà lệ của thi sĩ. Cái khuyết ở câu thứ tư thì đã rõ rồi. Từ lúc hiện ra đến khi tàn bóng, trăng cứ đứng yên ở cuối trời hao khuyết vậy. Nhưng Trăng của đất trời hay hình ảnh của thân phận vậy? Trăng nào mà chẳng cô đơn, khuất nửa, lặng lẽ. Thiên nhiên và duyên phận con người đã hợp nhất, đồng nhất.
Cái khuyết do mỹ cảm sáng tạo ra, rồi tồn tại như một đối tượng khách quan đối với tác giả. Khuyết là nỗi đau nhức nhối, đầy tủi hờn. Khuyết chứ không phải thiếu, bởi thiếu như có thể bù đắp, có thể lấy lại được. Còn khuyết thì sự mất mát, trống vắng kia đã quá lâu rồi, đã in hằn lên khuôn mặt thời gian rõ rệt, và cơ hồ trở thành vĩnh viễn. Khuyết là kết quả của thiếu. Mạch thơ của Tự tình vận động từ thiếu tới khuyết. Câu thực thứ hai có ba nhịp, nhưng có đến hai nhịp thơ gợi sự tàn lụi và lẻ loi. Hai chữ “chưa tròn” vừa diễn nỗi đau ê chề, vừa khơi gợi một niềm hi vọng mong manh. Cả hai câu thực góp phần làm sáng tỏ bi kịch tinh thần dai dẳng ở Hồ Xuân Hương.
Hai câu kết đọng lại cảnh ngộ khuyết thiếu trong hạnh phúc lứa đôi.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Toàn bài có hai từ “xuân”. “Xuân” nào cũng thuộc về mỹ cảm chủ quan của con người. Chữ “xuân” thứ nhất chỉ thiên nhiên đất trời. Hai chữ “xuân lại” chỉ mùa xuân thứ hai, mùa xuân sau muộn màng, lỡ dở. Ấy là cảnh ngộ làm lẽ buồn đau vô hạn của thi sĩ. Xuân của đất trời trôi đi bạc bẽo. Xuân của lòng người cũng nồng đượm trong khoảnh khắc vội vàng. Mùa xuân của thiên nhiên tuần hoàn. Cảnh “lấy chồng chung” trớ trêu, ngang trái vẫn cứ trở lại nhiều lần trong cuộc đời thi sĩ. Lần nào Xuân Hương cũng sắm vai phận lẽ mọn, cô đơn bên gối lạnh. Chạnh lòng nghĩ tới kẻ “đắp chăn bông” mà giận tấm thân bạc và con tạo xoay vần. Xuân Hương “lấy chồng chung” nên được “mảnh tình” là phải rồi . Sự mỏng manh, nhỏ bé của cuộc tình ẩn náu vào hai chữ ấy. Xuân Hương hiểu nếu được vậy âu cũng đành phận. Nhưng trớ trêu thay, kẻ bạc bẽo kia chỉ “san sẻ tí con con”. Ngỡ Xuân Hương chỉ xót thương mình, thì ra thi sĩ còn trách móc sự hờ hững, bất công của người chồng, xét rộng ra là ngầm lên án chế độ đa thê. Câu cuối được viết từ nỗi niềm khao khát đan xen sự ngậm ngùi, tủi hổ. Xuân Hương chẳng phải đang “tự tình” với người đời đó sao?
Thi sĩ “tự tình” từ mấy trăm năm trước, biết bao người đã lắng nghe tiếng thở than từ trái tim người phụ nữ đa tình, đa cảm ấy. Nhưng chưa ai cảm hiểu hết niềm trắc ẩn của thi sĩ. Có sự bất hạnh nào hơn thế chăng?
Đọc Hồ Xuân Hương dễ nhận thấy, khao khát mãnh liệt nhất, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với thi sĩ là hạnh phúc lứa đôi. Phẫn uất chán chường, nếu có cũng vì niềm mong mỏi ấy không thành. Xuân Hương than thân, thương thân, xót thân vậy. Nhưng hơn ai hết, nữ sĩ luôn gắng gượng vươn lên. Cái tôi trữ tình không ngừng muốn mở rộng những giới hạn chật hẹp, tìm gặp những tâm hồn đồng điệu nhằm khoả lấp nỗi sầu đau cô lẻ. Người đọc ít thấy Xuân Hương qui phục số phận. Ý thức phản kháng, thái độ đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người thường đi liền với khao khát trần thế. Mạch cảm xúc này, từ lâu đã trở thành điệu hồn nổi bật trong kiến trúc ngôn từ tài hoa của nữ thi sĩ. Trong bài thơ Làm lẽ, ta thấy Xuân Hương “cố đấm ăn xôi” và “cầm bằng làm mướn”. Không ít lần Xuân Hương “dỗ người đàn bà than khóc” với một lời khuyên chân tình: “nín đi kẻo thẹn với non sông”. Xuân Hương gắng cười, dẫu tiếng cười chua chát. Xuân Hương xót đau âm thầm, nhưng luôn nói với ta bằng giọng điệu mạnh mẽ rắn rỏi. Xuân Hương hờn giận “thân này ví biết dường này nhỉ” và quả quyết trong niềm nuối tiếc “thà trước thôi đành ở vậy xong”, nhưng không bao giờ thi sĩ tự khép lại những ngả rẽ trong cuộc đời có thể đem đến cho mình một hạnh phúc vẹn nguyên.
Trở lại bài thơ Tự tình ta sẽ thấy rõ hơn bản lĩnh Hồ Xuân Hương. Hai câu luận của thi phẩm này, chuyển mạch bất ngờ, mà vẫn tự nhiên, hợp lý:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn
Thi liệu rất đời thường, giản dị, tưởng chẳng có chất thơ nào ở đây. Thế mà hình ảnh thơ vẫn sống động và giàu sức gợi. Xiên ngang, đâm toạc là những động từ mạnh diễn tả một cách độc đáo quy luật vận động của đá rêu. Với Xuân Hương, đâu chỉ có phong, hoa, tuyết, nguyệt mới thành thơ. Quả mít, con ốc, hòn đá, đám rêu... đều có thể hóa thân thành những tế bào thơ đầy ám ảnh vì chúng tiềm ẩn một nguồn sống dồi dào, bất tận lạ thường.
Ở Tự tình, nhà thơ phổ cho những rêu, đá tâm hồn. ấy là niềm ham sống, bản lĩnh sống, cả những ẩn ức nữa. Rêu - đá trong cảm quan của nữ sĩ không phải vật vô tri, nó sống cuộc đời của con người. Rêu xanh vừa mềm mại, mỏng manh vừa cứng cỏi, sắc mạnh. Chúng biết phá bỏ những rào cản trước mặt để tồn tại, chứ không buộc mình vào cuộc sống ngưng đọng, tù túng. Ngay đến sỏi đá cũng quyết liệt dữ dội tìm kiếm một miền đời mới để khẳng định sự hiện hữu của mình trên thế gian. Ta tưởng như Sỏi bất động, im lìm, khô khan nhưng trong lòng chúng lại chứa sẵn một sức sống khỏe khoắn. Xuân Hương càng không thể giấu mình trong cuộc đời ao tù. Nữ sĩ không cam chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến.
Nhà thơ khao khát yêu đương, khao khát được sống với con người thực của mình, do vậy đã đem những nhu cầu chính đáng của con người bị xã hội chôn vùi trong những điều cấm kỵ mà nói to lên, nói toạc ra tất cả. Hai câu luận đảo trật tự ngữ pháp gây ấn tượng mạnh mẽ về tâm thức quẫy đạp, phá cách ở người thi sĩ này.
Thơ Hồ Xuân Hương từ nội dung đến hình thức đều hướng tới biểu hiện vẻ đẹp của cái tôi mới mẻ, táo bạo, giàu nghị lực.
Mai Vũ
Theo http://toquoc.vn/


2 nhận xét:

  1. Bài viết hay lắm mong bạn sẽ viết thêm những bài như vậy nữa

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...