Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Pháp du hành trình nhật ký 1

Pháp du hành trình nhật ký 1
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Ghi chú về văn bản
Mấy năm gần đây, một số du ký và bài báo của Phạm Quỳnh (1892-1945) đã được in lại trong các cuốn sách như Mười ngày ở Huế, Luận giải văn học và triết học. Lần này, chúng tôi xin phép được giới thiệu một khía cạnh khác của ngòi bút tác giả, những trang nhật ký ông viết khi đi Pháp 1922 và được in trong Nam phong, từ số 58, tháng 4/1922, tới số 100, 10-11/1925. Việc giới thiệu Pháp du... là nằm trong chương trình của bộ sách Đi Tàu đi Tây mà Nxb. Hội Nhà văn đã cho in tập đầu vào năm 2002 (bao gồm Đi Tây của Nhất Linh, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân và Tôi thầu khoán hay là ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương).
Sinh thời tác giả, cuốn nhật ký này chỉ mới in báo và chưa hề được in thành sách. Việc hình thành bản thảo có phần đóng góp công sức của nhiều người mà trước tiên là những người trong gia đình tác giả. Đại diện của gia đình cũng đã đồng ý để chúng tôi lược bỏ một số đoạn trong văn bản xét ra thấy không cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay.
In lại một cuốn sách đã viết từ khoảng tám chục năm trước, một điều cần kíp là phải có được một bản chú giải tường tận để giúp người đọc tiếp cận một cách chính xác và đầy đủ những điều tác giả đã viết. Song đó là một công việc quá lớn, bước đầu người biên soạn chỉ cố gắng tra cứu để giải nghĩa những chỗ khác nhau trong việc vận dụng ngôn ngữ, nhất là những chữ Hán mà con người đầu thế kỷ quen dùng một cách tự nhiên nhưng ngày nay đã trở nên xa lạ. Chỗ dựa chắc chắn của chúng tôi trong việc này là những bộ Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, Thiều Chửu... Có một số trường hợp chúng tôi phải trở lại với cả Huỳnh Tịnh Của. Trình độ của người chú giải có hạn, cuốn sách chắc không tránh khỏi thiếu sót, rất mong bạn đọc góp cho chúng tôi những ý kiến cần thiết.
Vương Trí Nhàn
Viết thêm cho bản đăng trên talawas
Khi cuốn sách này đã được in ra ở Hà Nội thì người chú giải có tìm thêm được một tài liệu do Thanh Lãng viết trên Tạp chí Văn Học ra ở Sài Gòn số ra tháng 4-1963, có liên quan đến Pháp du hành trình nhật ký. Mặc dù đã chủ bụng không đi vào tìm hiểu và đánh giá tác phẩm mà chỉ chú giải, song được một đoạn văn quý, chúng tôi xin được phá lệ mà chép ra sau đây để bạn đọc cùng biết:
“Người ta có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài biên khảo của ông chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tuỳ bút trong đó Phạm Quỳnh đã để chan chứa những tình cảm say sưa. Phương chi các thiên hồi ký của ông như Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Ba tháng ở Paris (tức là bản tóm tắt của Pháp du hành trình nhật ký - VTN chú), thì ta phải nhận là những tập hồi ký giá trị, giá trị vì những nhận xét tỉ mỉ, những nét tả linh động, nhất là ở tình cảm say sưa của một nghệ sĩ chảy tràn lan trên giấy. Phạm Quỳnh, là một nhà thơ viết văn xuôi.
Có đọc các tập hồi ký ấy ta mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc xa quê hương đất nước như chúng ta tưởng...”
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 1
Tôi đi Tây chuyến này, định quan sát được điều gì hay, khi trở về sẽ biên tập thành sách để cống hiến các đồng bào. Song đợi đến khi về nhà thời lâu lắm; vậy trong khi đi, tôi có giữ quyển nhật ký, ngày ngày ghi chép, được tờ nào gửi về đăng báo trước, toàn là những lời kỷ thực [1], không có văn chương nghị luận gì; chẳng qua là những tài liệu để đến khi về nhà làm sách vậy.
I
Giữa bể, trên tàu Armand Béhic, ngày 16 Mars 1922.
Tôi được quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai trí tiến đức để dự cuộc đấu xảo Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn ở Paris, ngày 9 tháng 3 tây năm 1922 (tức là ngày 11 tháng 2 ta), xuống Hải Phòng để đáp tàu Armand Béhic về Pháp.
4 giờ chiều ngày 10 tháng 3, tàu mới cất neo chạy. Trong khi đợi tàu ở Hải Phòng, các ngài thân hào tỉnh ấy tiếp đón khoản đãi một cách rất ân cần. Số các phái viên Bắc kỳ đi dự đấu xảo Marseille cả thảy có bảy người: quan tuần Cao Bằng Vi Văn Định, quan huyện Phong Doanh [2] Trần Lưu Vị, thay mặt cho quan trường Bắc kỳ; ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Phạm Duy Tốn, thay mặt cho Tư vấn nghị viện; ông Hoàng Kim Bảng, thay mặt cho các nhà thương mại; ông Nguyễn Hữu Tiệp, thay mặt cho các nhà canh nông, và tôi là đại biểu của Hội Khai trí tiến đức. Trong bảy ông phái viên ấy, chỉ có bốn ông đi chuyến tàu Armand Béhic, là quan tuần Vi Văn Định, quan huyện Trần Lưu Vị, ông Nguyễn Văn Vĩnh và tôi; còn ba ông nữa xin ở lại đi chuyến tàu sau.
10 giờ ngày mồng 9 tháng 3 tới Hải Phòng, được đích tin rằng tàu Amand Béhic ở Hương Cảng lại đến trưa mới tới bến và chiều ngày mai mới chạy. Ông nghị trưởng Nguyễn Hữu Thu mời ăn cơm trưa ở nhà Hôtel du commerce. Buổi chiều đi lấy giấy thông hành (passeport) và đổi giấy đi tàu của Nhà nước (réquisition de passage) lấy vé tàu của công ty. Theo lệ mới thi hành trong một năm nay thì phàm người dân Đông Pháp muốn đi lại trong bản xứ hay là xuất dương sang Đại Pháp cùng những xứ thuộc về quyền chính của Đại Pháp, chỉ phải đem theo một cái thẻ căn cước (titre d'identité) là đủ; thẻ căn cước ấy do các quan hành chính các địa phương phát, như ai ở tỉnh nào thì xin quan Sứ tỉnh ấy, phải có lý trưởng làng mình nhận thực. Thẻ căn cước ấy không những dùng để xuất hành mà thôi, chính là một cái chứng chỉ về bản thân mỗi người, dùng được nhiều việc lắm: lĩnh tiền ở các kho các sở, ký nhận thơ từ hàng hóa của nhà Giây thép, v.v… Duy khi nào muốn xuất hành ra ngoài địa phận Đông Pháp thời phải đem theo thẻ căn cước đến lấy chữ quan chánh sở Cảnh sát ký nhận. Ấy theo lệ hiện hành thời chỉ có thể là đủ, và người An Nam đi sang Đại Pháp không cần phải giấy thông hành khác nữa. Nhưng từ Đông Pháp về Đại Pháp, tàu phải đỗ ở mấy nơi cửa bể thuộc về người Anh cai trị: Singapore, Colombo, Port Said. Muốn xuống chơi những cửa bể ấy – ba mươi ngày trên tàu, tới đâu mà chẳng muốn xuống, – thì một cái thẻ căn cước của ta không đủ, vì người Anh không công nhận. Bởi thế nên ai đi sang Pháp ngoài thẻ căn cước của mình, xuống đến Hải Phòng cũng phải lấy một cái giấy thông hành nữa. Giấy này do Toà Đốc lý Hải Phòng phát, không lấy tiền. Được giấy thông hành ở Toà Đốc lý rồi, phải đem ra sở Cảnh sát để ghi vào sổ. Đoạn rồi lại phải đem ra sở Lãnh sự nước Anh ký nhận cho phép lên các cửa bể thuộc quyền cai trị nước Anh. Lãnh sự nước Anh là ông quản lý chi điếm công ty (Denis frères) ở Hải Phòng. Lấy chữ ký này phải mất 0$40 lệ phí; nghe nói trong khi chiến tranh, tiền lệ phí ấy tới bốn năm đồng bạc.
Các phái viên [3] An Nam đi đấu xảo Marseille, được Chánh phủ chịu tiền tàu, và đi tàu thời được đi hạng nhì. Trước khi đi, sở Tài chánh ở Hà Nội đã phát cho mỗi ông phái viên một cái giấy đi tàu, gọi là “tống phiếu” (réquisition), nghĩa là giấy của Nhà nước tống đòi công ty tàu bể phải chở không, rồi sẽ tính tiền với Nhà nước sau. Giấy “tống phiếu” ấy, tới Hải Phòng phải đem lại công ty hàng hải Messageries maritimes là công ty có tàu Armand Béhic, để đổi lấy vé tàu. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Trần Lưu Vị và tôi cùng lấy vé một phòng thuộc về hạng nhì; quan tuần Vi Văn Định thời chịu trả thêm tiền để đi hạng nhất. Theo lệ thường các quan Tuần phủ, Thống đốc đều được đi hạng nhất cả; Sở hữu ti lần này lại đặt quan tuần vào hạng nhì cùng với các phái viên khác, cũng là một sự sơ ý; bởi thế nên ngài phải trả thêm tiền để đi hạng nhất cho rõ sự sơ ý ấy.
Tối ngày mồng 9, ông Bạch Thái Bưởi, ông Nguyễn Hữu Thu, cùng mấy ông thân hào ở Hải Phòng đặt tiệc ở nhà Hôtel de la marine để đãi các phái viên đi Pháp. Tiệc có nhà trò hát, bát âm kèm, vui vẻ lắm.
Trưa ngày mồng 10 lại dự tiệc ở nhà ông Hàn Hinh, là nghị viên Hải Phòng.
2 giờ chiều ngày mồng 10, đem hành lý xuống tàu. Phòng hạng nhì của chúng tôi có 6 giường, hiện đã có ba người đi tự Hương Cảng lại, chiếm mất ba giường, là hai ông cố và một con nít 10 tuổi. Hai cố là cố Robert, phó quản lý Hội Truyền giáo Viễn đông ở Hương Cảng, người danh giá và đạo đức lắm, mới được Chánh phủ Đại Pháp thưởng Bắc đẩu bội tinh, và cố Perreaux, trước giảng đạo ở Bình Định (Trung kỳ), gần đây sang Hương Cảng, nay đổi về Sài Gòn. Đứa con nít là con một nhà kỹ sư ở Hương Cảng, theo cố Robert, về Pháp để sang học bên Bỉ-lợi-thì (Belgique). Đi bể xa khơi, gặp được hai bậc đạo nhân làm bạn, cũng là một sự may.
Kể trong các tàu của công ty Messageries maritimes thời tàu Armand Béhic này là vào bậc trung bình, không được lịch sự như các tàu Porthos, André Lebon hay là Paul Lecat, nhưng cũng không bé nhỏ chật hẹp như nhiều tàu khác. Nói về sức chạy thời có lẽ vào bậc nhất nhì, tốc độ thường là 13 hải lí (noeuds). Nhưng phải một cái tật, là chạy xóc lắm: ra tới bể hễ hơi có sóng gió một chút thời mở cuộc “khiêu vũ” ngay, nào nhẩy, nào múa, nào nghiêng, nào lượn, uốn éo trên mặt sóng, chẳng hay người đứng ngoài trông có đẹp mắt không, chớ người ở trong thời thật là khó chịu. Lần này tôi mới biết say sóng là cái gì. Trước đi Sài Gòn cũng đã từng say sóng mất nửa ngày, nhưng chửa thấm vào đâu với lần này. Tàu ra chưa khỏi Đồ Sơn đã bắt đầu “múa” rồi: bấy giờ thấy đầu lảo đảo, bụng xôn xao, rồi oẹ, rồi nhổ, có gì trong bụng nôn ra hết. Từ Hải Phòng tới Sài Gòn, tàu chạy có ba đêm hai ngày, mà phải mất hai đêm một ngày say sóng, nằm dí trong phòng, không cất đầu lên nổi, và ba bữa không ăn uống một tí gì. Nhưng bệnh say sóng này cũng lạ: đương lúc say thời tưởng không có gì khổ bằng; qua lúc say thấy người tỉnh táo, khoẻ mạnh và ngon miệng muốn ăn ngay; bấy giờ như quên hẳn, không nhớ gì đến những khó chịu lúc trước nữa.
Say sóng dữ nhất là vào quãng ngang Tourane, Quy Nhơn. Gần tới Sài Gòn thời bể yên, tàu vững, người lại bảnh bao như thường.
5 giờ sáng ngày 13, tàu tới Sài Gòn, yết bảng đến 4 giờ sáng ngày 15 chạy về Singapore, đỗ ở Sài Gòn 48 giờ.
Thừa được thời giờ dài rộng như thế, bèn bỏ tàu xuống bộ, dạo chơi thành phố và thăm hỏi bạn bè. Nhưng trước khi đi chơi, anh em rủ nhau vào chào quan Thống đốc Nam kỳ Dr Cognacq, ngài chính là quan đại lý trông coi về việc đấu xảo ở bên Đông Pháp; ngài tiếp tử tế lắm, và chúc cho các phái viên vượt bể được bình yên, mạnh khoẻ. Nhân quan Toàn quyền Long [4] cũng ở Sài Gòn, các phái viên muốn xin vào chào ngài, nhưng bữa ấy ngài bận nhiều khách, không thể tiếp được, có hẹn đến 11 giờ hôm sau là ngày 14 lại. Hôm sau, đúng giờ ấy, các phái viên vào chào ngài, ngài hỏi han và nói chuyện ân cần lắm, nói rằng ngài sẽ gặp các phái viên ở bên Pháp, vì cách vài tuần nữa ngài cũng xuống tàu về Pháp.
Trưa ngày 13, anh em cùng nhau về Chợ Lớn, trước là xem phố phường, sau là thử vào ăn cơm một hiệu cao lâu ở đấy xem cách người Khách ở Nam kỳ tiếp người An Nam thế nào. Cách đó thật là lãnh đạm vô cùng. Người Khách ở Chợ Lớn tựa hồ như không cần gì người An Nam cả; mà những hàng trí thức trong Lục tỉnh ngày nay, đối lại với họ cũng lạnh nhạt như thế. Coi đó thời biết hai giống người ác cảm nhau đã sâu lắm; cái ác cảm ấy có lẽ cũng là một sự hay cho đường kinh tế nước ta sau này.
Chiều ngày 13, các ông Bắc kỳ buôn bán ở Sài Gòn đặt tiệc tại nhà ông Đắc là đại lý của hiệu Đào Huống Mai ở Sài Gòn để đãi các phái viên. Ông Đắc mới ra Hà Nội vắng, nhưng các bạn Bắc kỳ đến dự tiệc cũng đông, thật là tỏ ra cái cảm tình người đồng quận [5].
Tiệc đoạn ở hiệu Đào Huống Mai, thời các bạn Nam kỳ cho xe hơi đến đón đi xem trò “xiếc” (cirque) của người đồng bào mình mới mở tại Sài Gòn được vài bữa. Bọn xiếc này đặt tên là “xiếc Tân Nam Việt” (cirque du jeune An-nam), tài tử toàn là người An Nam cả, mà đứng chủ là ông André Thận, năm trước đã sung phái bộ ra xem Hội chợ ở Hà Nội. Bọn này mới tập có mấy tháng mà làm trò đã tài lắm, leo dây, múa rối, chẳng kém gì các bọn xiếc của người Mỹ người Ý đã sang làm trò ở bên ta. Có mấy vai tài tử xuất sắc nhất, tưởng sánh với người các nước cũng không thua, nhất là vai thầy Hào và vai cô Mão. Đàn bà An Nam ta mà làm trò xiếc trước nhất: chắc là cô Mão này.
Xong trò xiếc lại diễn thêm một bài tân kịch đề là “Vợ ngoan làm quan cho chồng” của ông Hồ Văn Lang đặt để giúp cho việc cổ động công thải 6 triệu đồng. Bài [6] kịch soạn khéo, người diễn cũng giỏi. Trước tôi vẫn biết trong Nam kỳ mấy năm nay mới xuất hiện một lối kịch mới gọi là “tuồng cải lương” thịnh hành lắm, nhưng chưa hiểu cải lương ra thế nào. Nay được xem bài kịch này mới rõ. Tuồng “cải lương” là một lối kịch đặt theo kiểu mới của Âu tây, nhưng vẫn giữ cái phong vị cũ của tuồng ta, là đương khi các vai nói chuyện như thường, lại pha thêm mấy đoạn hát theo điệu đàn, thành ra vừa là kịch, vừa là ca bản tân, bản cựu, tưởng cũng là một lối tuồng hợp với trình độ người mình hiện bây giờ. Ngoài Bắc ta thường có muốn cải lương diễn kịch, có lẽ cũng phải theo một lối ấy trong ít lâu, rồi mới mong tìm được một cái thể khác thích đáng hơn. Nếu thế thì đồng bào ta trong Nam kỳ đã thí nghiệm rồi, ta cứ việc nhân đấy mà châm chước.
Trưa ngày 14, ông Nguyễn Phú Khai, nguyên quản lý báo Tribune indigène, hiện làm chủ hiệu buôn nhập cảnh Thuận Hoà, mời ăn cơm ở nhà riêng ông đường Pellerin. Ông Nguyễn cũng có thể cho là một tay lãnh tụ trong “Tân Nam Việt” ta ở Nam kỳ, người thông minh, linh lợi, lại có cái tư tưởng cao về quốc gia, về xã hội, cách giao thiệp ôn hoà nhã nhặn, rõ ra một người có tư cách khác thường. Tân học mà được như ông cả, ấy mới thật là xứng đáng.
3 giờ chiều, ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem Hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên đã to tát như thế, mà chúng tôi thấy hưng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát li được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp.
5 giờ chiều cùng mấy ông ngoài ta đi xem vườn Bắc kỳ nghĩa trang, cách thành phố Sài Gòn 6-7 cây-lô-mét. Đó là nơi nghĩa địa của người Bắc ở Sài Gòn. Số người ngoài ta vào lập nghiệp trong ấy ngày một nhiều, mà hướng lai [7] không có một khu đất nào riêng để chôn những người bất hạnh mất đi. Nay nhờ có mấy ông hữu tâm xướng xuất lên, mua được một khu đất chừng mười mẫu, kinh doanh làm thành một vườn nghĩa địa, hiện nay đã có vài ba cái mộ mới chôn. Tình đồng quận, nghĩa tử sinh, thật là một việc đáng khen lắm.
7 giờ tối thời các bạn Nam kỳ đặt tiệc tại nhà Saigon-palace-Hôtelđể đãi phái viên Bắc kỳ. Dự tiệc bữa ấy, ngoài mấy anh em chúng tôi, có những vị như sau này: ông Nguyễn Phú Khai, ông Trương Văn Bền, ông Lương Văn Mỹ (công chính kỹ sư ở Chợ Lớn), quan Đốc phủ Chợ Lớn Nguyễn Tấn Sử, ông Nguyễn Phan Long, ông Nguyễn Chánh Sắt, ông Lê Hoàng Mưu, ông Nguyễn Tử Thức, ông Lê Đức, ông Nguyễn Văn Thường, ông Hồ Văn Lang, ông Tự An (ở báo Tribune indigène), ông Nghiêm. Tiệc thật là vui vẻ lắm, rõ hiểu cái tình liên lạc kẻ Bắc người Nam. Khi uống champagne, ông Nguyễn Phú Khai thay mặt các bạn Nam kỳ chúc phái bộ Bắc kỳ vượt bể bình yên và sang bên Đại Pháp quan sát được nhiều điều ích lợi cho đồng bào. Ông Nguyễn Văn Vĩnh thay mặt các phái viên Bắc kỳ cám ơn các bạn Nam kỳ.
Tiệc xong, ông Trương Văn Bền và ông Nguyễn Phú Khai đem xe hơi riêng đưa các phái viên đi chơi phố phường, về Chợ Lớn, rồi ra Sài Gòn theo đường bờ sông cho đến nơi gọi là Lang Thô, một bên thuyền bè đậu, một bên dẫy đèn điện dài nhấp nhánh như sao sa, trên trời, mặt trăng chiếu rọi, thật là một cảnh ngoạn mục.
Buổi tối này là một buổi tối cuối cùng của anh em chúng tôi còn để chân trên đất nước nhà, trước khi dời mình sang những phương xa cõi lạ. Từ Hải Phòng đến Sài Gòn, tuy lênh đênh trên mặt bể, nhưng vẫn chưa ra khỏi hải phận nước nhà; từ đây trở đi mới thật là băng miền di vực [8]. Cho nên trước khi từ biệt các bạn Nam kỳ để xuống tàu, ai nấy cũng thấy có chút cảm động trong lòng, cảm động vì cái tư tưởng cố quốc tha hương.
4 giờ sáng ngày 15, tàu cất neo chạy về Singapore (Tân-gia-ba). Ra khỏi Vũng Tàu (Cap Saint-Jac-ques), lại gặp sóng to, say sóng mất non một ngày, mãi đến hôm nay16, mới tỉnh dậy, ăn được một bữa, thấy người hơi khoan khoái, vào trong phòng khách, viết mấy dòng này.
Giữa bể, ngày 18 Mars 1922 (khỏi Singapore, gần Penang)
4 giờ sáng ngày 15 Mars, tàu dời bến Sài Gòn chạy về Singapore (Tân-gia-ba). Tự Sài Gòn ra đến bể có sáu chục cây-lô-mét tàu đi khúc khuỷu theo con sông Sài Gòn; đến 8 giờ sáng thì vừa tới Cap Saint-Jac-ques (Vũng Tàu), địa thế chỗ này cũng hiểm trở và cảnh trí cũng ngoạn mục: hai bên núi bao bọc như cái tay ngai, giữa một cái vũng to, nước nửa xanh, nửa đỏ, nước đỏ là nước sông chảy ra, nước xanh là nước bể dồn vào; ngoài xa là bể khơi man mác. Trên núi trông xa xa thấy những nhà lầu trắng xoá ở giữa đám cây xanh um tùm: đó là nhà biệt thự (villas) của các quý quan mùa nóng ra nghỉ mát, vì nơi Vũng Tàu này chính là một sở nghỉ hè như Đồ Sơn, Sầm Sơn ở Bắc kỳ vậy. Trong Nam kỳ nói đi chơi “Ô-Cắp” (Au Cap) cũng là một cách phong lưu lịch sự như ngoài Bắc nói đi tắm Đồ Sơn vậy.
Ô-Cắp không những là một nơi nghỉ chơi, lại là một cái chiến cảng để giữ cửa Sài Gòn và cả miền hải phận Nam kỳ, và là nơi sở tại của một quan đại lý thuộc về tỉnh Bà Rịa. Nên ngoài những nhà mát của các quý quan, lại còn những toà sở khác nhiều lắm, và thường khi có tàu chiến đậu. Đi ngoài trông vào, không khác gì một nơi tỉnh thành lớn.
Tự Sài Gòn ra Tân-gia-ba có đi ngang qua quần đảo Côn Lôn (Poulo Condore) nhưng đi tận ngoài xa, không trông rõ.
Mới ở Vũng Tàu ra, bể hơi có sóng gió, lại say sóng mất quá nửa ngày nữa, nhưng ra quá bên ngoài thời yên ngay, và cho đến tận Singapore đều được bình tĩnh như thường.
8 giờ sáng ngày 17 Mars, tàu tới Singapore. Đáng lẽ tới từ 4 giờ đêm, vì tự Sài Gòn đến Singapore đi có hai ngày tròn, nhưng nghe đâu người Anh có lệ không cho tàu ngoại quốc xuất nhập đương đêm. Cho nên tàu đến trước cửa Singapore tự nửa đêm mà còn phải đậu ở ngoài xa, đến sáng rõ mới quay mũi vào bến.
Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thủy vậy. Lần này mới được trông thấy một nơi hải cảng là lần thứ nhất, thật là một cái cảnh tượng to tát. Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể, tàu của khắp các nước đi tự Á Đông sang Ấn Độ và Âu Tây đều phải qua đấy.
Cửa Singapore này là đặt ở trên một cái đảo ở cuối bán đảo Malacca, ngay đầu eo bể Malacca, địa thế thật là tiện lợi cho đường buôn bán, và cũng tiện lợi cho sự quân bị. Người Anh ở á Đông, phía trên giữ được cửa Hồng Kông (Hương Cảng), phía dưới giữ cửa Singapore, thật là chiếm được hai nơi then chốt ở cõi á Đông này, địa thế hiểm yếu không đâu bằng. Mà hai nơi ấy trước kia là hai cái đảo nhỏ cùng tịch [9], bỏ hoang không ai đi đến bao giờ; nhất đán vào tay người Anh kinh doanh trong mấy chục năm, trở nên hai nơi hải cảng và thương phụ [10] nhất nhì trong thế giới: cái nghị lực của giống người Anh cũng khả kinh vậy.
Bây giờ bao nhiêu tàu bể của các nước đi qua lại bên Á Đông này, tất phải do qua hai cửa Singapore và Hồng Kông; hai cửa ấy lại theo cái chế độ “tự do mậu dịch” của nước Anh, đồ hàng hoá các nước đem vào không phải thuế thương chánh, nên cái phong trào buôn bán thật là có vẻ phồn thịnh hơn các cửa bể khác nhiều.
Trước khi tàu ghé bến, phải đợi cho quan thầy thuốc Anh xuống khám xem hành khách có ai mắc bệnh truyền nhiễm không. Đến khi tới nơi, hành khách chưa được xuống vội, phải đợi cho quan cảnh sát lên khám giấy thông hành. Trong khi chiến tranh thì ai muốn xuống bến cũng phải trình giấy thông hành cả, nhưng bây giờ thì chỉ người nào đỗ hẳn ở Singapore mới phải trình giấy mà thôi; còn các hành khách khác xuống chơi vài ba bốn giờ rồi lại về tàu thời được tự do đi lại; lệ có khoan hơn trước nhiều.
Trên bến thấy mấy viên quan cảnh sát Anh và lính cảnh sát toàn là người Mã Lai và người Ấn Độ cả. Còn những phu chở hàng và mang đồ hành lý thì phần nhiều là người Tàu và người Mã Lai.
Vào đến trong phố thời nghiễm nhiên là một nơi đô hội của người Tàu, chẳng kém gì thành phố Chợ Lớn. Phố xá đông đúc, san sát những hiệu Khách cả, có mấy dãy phố toàn những nhà tửu lâu khách sạn, ngày đêm tấp nập những khách ăn chơi, người đi lại. Đi lại trong phố phường, có xe kéo và xe hơi, xe kéo người Khách kéo, xe hơi người Khách cầm máy. Đại để, công việc gì cũng là người Khách làm cả, từ bán cháo rong cho đến làm chủ hiệu, tựa hồ như người Anh mở mang đất này riêng cho người Tàu đến sinh lý, còn thổ dân là giống Mã Lai thời bị khu trục [11] ra ngoài cái sinh hoạt giới tuyến vậy. Coi đó cũng đủ biết cái nghị lực của người Tàu, kể không kém gì người Anh vậy. Người Anh có cái tài sáng tạo kinh doanh, người Tàu có cái sức thừa hành lao động, người Anh là cái óc sắp đặt, người Tàu là cái tay làm lụng, hễ đâu có hai giống người ấy tất là nơi sinh hoạt phồn thịnh.
Singapore có thể chia ra hai phần: một phần là phố Khách, một phần là phố Tây; phố Tây cũng sầm uất bằng phố Khách mà lại có cái vẻ nguy nga hơn. Phố Tây ở Singapore này có khác phố Tây ở các nơi khác, nhất là khác các phố Tây của người Pháp ở, như trong các thành phố ta; người Pháp ở đâu thì những nhà lầu to lớn phần nhiều là các dinh thự công sở của Nhà nước; người Anh ở đâu thì những nhà lầu to lớn là các cửa hàng, các hội buôn, các công ty, các ngân hàng. Những hàng buôn của người Anh ở Singapore thật là những lâu đài vĩ đại, có khi chiếm từng dãy phố dài.
Ngoài các phố phường buôn bán, đến những nơi nhà ở riêng, làm theo lối “biệt thự” (villas) của người Anh, nhà xây ở chỗ đất cao, chung quanh vườn rộng, xe hơi chạy lùng khắp được. Những nhà ấy phần nhiều của người Anh, nhưng cũng có nhà của các chủ hiệu Khách lớn; ban ngày xuống phố làm việc, chiều tối về nhà riêng nghỉ.
Xe hơi ở Singapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào cũng như đường Catinat hết thảy.
Ở trên tàu xuống, anh em đi dạo qua mấy phố gần bến, mỗi người đổi mấy đồng bạc Đông Pháp lấy tiền Singapore để tiêu dùng cho dễ. Bạc Đông Pháp, nhất là bạc đồng, ở đây chuộng lắm; mỗi đồng bạc của ta, trừ tiền cáp còn được một đồng năm xu bạc Singapore; coi đó thời biết rằng bạc ta có giá trị, vì lệ thường đem tiền mình đi dùng ở xứ khác, chỉ có thiệt, không có lợi bao giờ.
Đi chơi vừa đến trưa, không trở về tàu ăn cơm, rủ nhau vào một hiệu cao lâu Khách, gọi là Shanghai Hôtel; cách bày biện tiếp đãi ở trong các cao lâu khách đây có ý lịch sự hơn các cao lâu ở Chợ Lớn nhiều. Khách trong cao lâu là người Quảng Đông cả; nhân trong bọn chúng tôi có quan tuần Vi thông tiếng Quảng Đông, nên nói năng giao thiệp cũng dễ. Người khách không biết chúng tôi là người An Nam, vì trước khi xuống bến anh em đã nhất luật cải âu phục cả. Họ hỏi có phải là khách Thượng Hải mới ở Mỹ về không. Chúng tôi cũng đáp rằng phải, và hiện nay đi du lịch sang nước Pháp. Coi đó thời biết rằng người Tàu hễ khác tỉnh thời không nhận biết được nhau nữa, vì ngôn ngữ bất đồng, người Quảng Đông với người Thượng Hải đối nhau cũng bớ ngớ như người khác nước vậy.
Người Khách ở Singapore chỉ có người Quảng Đông buôn bán to và người Phúc Kiến Triều Châu làm các nghề nghiệp nhỏ; còn người Thượng Hải ít lắm; cho nên trong khi đi dạo chơi các phố Khách, người Khách nào cũng cho bọn chúng tôi là người Thượng Hải.
Ăn cơm xong, anh em thuê hai cái xe hơi để đi dạo quanh khắp tỉnh thành một lượt trước khi tàu chạy. Xe hơi chạy thuê ở đây nhiều và rẻ lắm: ở các đầu phố thường đỗ hàng chục cái, giá thuê giờ thứ nhất là ba đồng, giờ thứ nhì hai đồng, đi hai giờ thời chạy vòng quanh được thành phố Singapore một lượt, đi tự dưới bến, qua các phố Khách phố Tây, men các đồi cao su ở sau bến, vào xem vườn hoa, rồi lại quay về bến, vừa đúng ba giờ, xuống tàu nghỉ chơi một lúc thời tàu chạy.
Tự Singapore đến Penang tàu chạy phải 36 giờ, chừng sớm mai thì tới nơi. Penang cũng là một cái cửa bể ở về phía tây bán đảo Malacca. Người ta nói rằng tự Singapore ra Penang có đường xe lửa liền, đi mất chừng 10, 12 giờ. Hành khách xuống chơi Singapore, có lỡ không về tàu kịp thời cứ xe lửa ra Penang, rồi đợi tàu ở đấy cũng được. Người làm trong tàu có khuyên chúng tôi nên làm như thế, cũng là một cách du lịch hay, nhưng nghĩ đến ngồi trong xe lửa 10, 12 giờ ở một xứ xa lạ mình không biết tiếng, tưởng cũng không có thú gì, nên anh em đúng giờ trở về tàu cả.
Chủ nhật, 19 Mars 1922
8 giờ sáng hôm nay tàu đến Penang, đỗ 6 giờ, đến 2 giờ chiều lại chạy. Tàu không ghé áp tận bến, đứng cách xa ngoài chừng một nghìn thước, hành khách muốn vào bến phải đi bằng cái “sà-lúp” của công ty, hay là thuê thuyền chở vào. Khách lên xuống ở bến này cũng ít, phần nhiều là người Chà Và (Ấn Độ).
Penang là một cái cửa bể ở trên một hòn đảo về phía tây bán đảo Malacca, tức đất danh là Poulo Penang, Poulo Penang là tiếng Mã Lai: poulo nghĩa là cù lao, penang nghĩa là cây cau, Poulo Penang là “cù lao cây cau”, vì ở đấy có nhiều cau lắm. Tên đất này cũng có quan hệ chút đỉnh với lịch sử nước ta: chính đấy là chỗ Đức cha Bách Đa Lộc [12] hồi sang giúp đức Cao Hoàng [13] ta thường đi lại ở đó, và chính đấy là chỗ có trường đại tập của dòng truyền giáo Gia Tô ở Á Đông, phần nhiều các cố đạo sang giảng giáo bên ta từ xưa đến nay và các thày giảng ta đều học qua ở đấy.
Penang bây giờ thuộc quyền cai trị của người Anh. Kể là một nơi thương phụ thì kém không bằng Singapore, phố phường không có đông đúc rộn rịp, sinh hoạt không có sầm uất phồn thịnh bằng. Nhưng kể là một chốn đô hội thời cũng là một chốn đô hội to, mà lại có một cái vẻ phong phú riêng khác với Singapore. Singapore là chỗ làm lụng, Penang là chỗ nghỉ ngơi. Đi ra ngoài mấy phố buôn bán, toàn là những nhà ở riêng của các phú thương người Anh, người Khách, cũng làm theo một lối “biệt thự”như ở Singapore, nhà giữa, vườn cây chung quanh, nhưng rộng rãi, mát mẻ hơn nhiều. Vườn nào cũng đặt đường chạy quanh cho ô tô đi được. Có nhiều cái vườn rộng mênh mông, trồng toàn cau và dừa, như vô số những cột thẳng một dóng cau, trên lá xoè như cái tán trông đẹp lắm. Các biệt thự của người Tàu có những hoành phi, câu đối, chậu hoa, ghế đá, đôn sứ, núi giả, nghiễm nhiên ra cái vẻ phong lưu của người Đông Á. Người Tàu lại còn có những nhà hội quán riêng, làm theo kiểu các “câu lạc bộ” (clubs) của người Anh, có câu lạc bộ cho đàn ông, lại có câu lạc bộ cho đàn bà. Nói tóm lại, người Tàu ở đây có cái vẻ phong phú, khác các nơi đô hội Tàu khác, là không ồn ào, rộn rịp, mà bình tĩnh êm đềm, ra cái phong vị các nhà phú ông điền chủ nước Anh. Các nhà biệt thự ở đây có lẽ là của những tay phú thương ở Singapore, ngoài thì giờ làm việc về đấy để hưởng cái thú thanh nhàn bình tĩnh.
Đến Penang có một nơi thắng cảnh tuyệt thú, khách du lịch ai cũng phải đến xem. Đến xem một nơi ấy cũng đáng công tự trên tàu xuống bộ. Nơi ấy là chùa “Cực lạc” của người Tàu đặt ở trên một ngọn núi, cảnh trí đã đẹp, đứng trên núi cao trông xuống dưới biển, kiến trúc lại công phu và có một cái vẻ cực kỳ tráng lệ. Tự dưới đi lên, xẻ thành đợt đá, như cái thang rộng, càng bước lên càng thấy những lầu những các, những đình những tạ, chồng chất lên nhau, trông thật là nguy nga. Ngoài những nhà thờ Phật, thờ Tổ, thờ các vong linh, lại có những nhà khách, nhà mát, chỗ thưởng ngoạn phong cảnh, cùng những núi giả, vườn hoa, cầu bắc ngang, suối nước chảy. Chỗ nào có mảnh đá lớn lại có những chữ đề vịnh của các văn nhân du khách đã qua đấy. Có mảnh đá đề bốn chữ lớn Vật vong cố quốc [14], thật là tỏ được cái chí của người Hoa kiều đã xây dựng ra cõi chùa này. Người Khách dời bỏ nước nhà mà đến lập nghiệp ở đây, may làm nên giàu có, không có quên tổ quốc, muốn gây nên một nơi cảnh trí phảng phất có cái phong vị nước nhà để làm chỗ du ngoạn cho di dưỡng tính tình. Vào đến cảnh chùa này không thể không cảm phục nghị lực khác thường của người Tàu, đi đến đâu cũng gây nên sự nghiệp cơ đồ lớn, nghiễm nhiên làm chủ nhân ông trong đất nước người ta, mà giữa cái cảnh phong lưu phú quý ấy không hề bao giờ quên cố quốc, đến đâu cũng cố giữ lấy cái phong vị cũ của nước nhà.
Ở Penang còn có một cái đền Ấn Độ của người Chà thờ thần Siva, Vishne. Trong đền cũng không có cái gì lạ, chỉ thấy trên trần treo lủng liểng những đèn cốc bằng thủy tinh nhuộm xanh nhuộm đỏ, và ở giữa thì có một cái buồng kín, đóng dóng sắt như một cái chuồng, trong có cái tượng thần bằng vàng.
Đến Penang, mấy anh em cũng cùng nhau thuê một cái ô tô đi chơi khắp mọi nơi như ở Singapore – Giá ô tô ở đây cũng giống như ở Singapore và tiền tiêu cũng một thứ như Singapore (Straits Settlements money), có điều lạ là ô tô ở đây đều chạy về tay trái cả không chạy tay phải như bên ta, mới trông cũng lạ mắt.
Vừa đi quanh đảo Penang được một lượt thời vừa đến giờ tàu chạy, vội vàng thuê một cái thuyền của người Chà để chở tự bến ra tàu. Ra đến nơi tàu vừa cất thang, đúng 2 giờ chạy về Colombo.
Quãng đường tự Penang đến Colombo dài lắm, phải bốn ngày ròng rã mới tới nơi. Bốn ngày đêm nằm trong tàu, bồng bềnh giữa bể Ấn Độ Dương, chung quanh không trông thấy mảnh đất nào, thật cũng chồn [15] thay! Ấy là không biết bể có yên lặng cho hay không, hay lại sóng gió mà say sóng nữa thời khổ quá!
Trên tàu, thứ tư, 22 Mars
Bể không sóng gió, nước vẫn phẳng lặng, thế mà tàu lúc lắc, đầu đảo điên, thế mới lạ. Ở bể ấn Độ Dương này, tuy trên mặt không có sóng, mà ở dưới có những “sóng đáy” (lames de fond), tự dưới đáy bể lên, sức lại càng mạnh lắm, làm cho cái tàu khi thì chồng chềnh bên này sang bên kia, khi thì nhảy chồm đàng sau ra đàng trước, chỉ lung lay có một phía thì còn chịu được, nếu vừa chồng chềnh hai bên lại vừa nhảy chồm hai đầu thì người mạnh đến đâu cũng phải say sóng. Nhà thuyền viên có tiếng riêng để chỉ những khi sóng dữ như thế: gọi là casserole, nghĩa là tàu nghiêng lộn như cái chảo đương đun nấu ở trên lò. Từ bữa nọ tới nay, tuy chưa hôm nào phải “làm chảo” như thế, nhưng mà bể có sóng đáy cũng khó chịu lắm; phải nằm luôn trên ghế dài, hễ ngồi dậy thời đầu lảo đảo ngay, thành ra mấy hôm nay không cầm bút viết được một dòng nào cả.
Cứ như thế mà nằm bốn ngày luôn ở trên tàu, lại từ Colombo đến Djibouti, nghe đâu còn phải 8 ngày nữa, chà chà! Nghĩ mà dài ghê! Mấy ngày đầu ở trên tàu còn thấy vui rồi sau chán quá!
Ngày nào cũng ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, bể lặng còn có thể đi bách bộ quanh tàu được, bể sóng thời đành nằm dí trên ghế, nói chuyện mãi rồi cũng đến hết chuyện, đọc sách thời nhiều khi váng đầu không đọc được, cứ thế luôn trong một tháng trời, phỏng có chán không?
Ghi chú:
[1] Ghi chép việc thực. (Từ đây về sau các chú thích có dấu (°) đều là của Vương Trí Nhàn.)
[2] Một huyện trước thuộc Ninh Bình, nay thuộc Ý Yên - Nam Định.
[3] Nghĩa như đại biểu ngày nay.
[4] Tên đầy đủ: Maurice Long.
[5] Như cách nói đồng hương ngày nay.
[6] Vở kịch.
[7 ] Từ trước đến nay.
[8] Xứ lạ.
[9] Xa xôi, quanh quẽ.
[10] Cửa biển mở mang cho ngoại quốc thông thương.
[11] Đuổi.
[12] Tên Pháp là Pigneau de Béhaine.
[13] Chỉ Gia Long.
[14] Chớ quên nước cũ.
[15] Chữ chồn ở đây, có lẽ là trong chữ bồn chồn lấy ra. Nay không dùng riêng.
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 2
II.
Giữa bể, khỏi Colombo, ngày 24 Mars.
Tàu tự Penang đi 2 giờ chiều ngày 19, đến 12 giờ trưa ngày 23 tới Colombo, chạy vừa đúng bốn ngày. Bốn ngày ròng rã ở trên tàu, nghe đã thấy chồn, nên tới nơi vội vã lên bộ ngay. Từ đây mới bắt đầu được thưởng cái nóng của mặt trời nhiệt đái. Thật là nóng như rang, nắng như lửa, cho nên người xứ này đen hơn củ súng.
Tàu đến đây cũng như đến Penang, không vào áp bến, nghe đâu vì nước không đủ sâu, nên đứng ngoài xa, hành khách muốn xuống bộ phải đi sà lúp hay đi đò vào. Bến Colombo này, ở về phía tây nam đảo Ceylan (Tích Lan), cũng là một nơi hải cảng và một chốn thương phụ to, ở giữa khoảng con đường giao thông Đông á với Tây Âu, các tàu lớn đi lại tất phải qua đó. Lúc tàu mới đến, đứng ngoài biển trông vào, cũng có một cái cảnh tượng vĩ đại, vì cái đê lớn nó bao bọc bên ngoài bến như một con trường xà [1] nằm quanh trên làn sóng biếc. Nguyên cửa Colombo ở vào trung độ con đường hàng hải Ấn Độ Dương, vị trí thật là tốt, nhưng địa thế không phải là một nơi hiểm yếu, đủ làm một chốn hải cảng kín đáo cho tàu bè đậu được. Phàm hải cảng phải ở vào giữa một cái vũng bể sâu, chung quanh kín cả, chỉ có một cái cửa cho tàu đi lại. Thành Colombo này ở ngay trên bờ biển, sóng rạt đến tận chân bến, những khi sóng gió không đủ làm chỗ ẩn nấp cho các tàu bè. Bởi thế nên người Anh mới xây một cái đê dài bằng đá, chạy thẳng ra bể, bao lấy hai mặt, làm thành ở giữa như một cái vũng bể nhân tạo cho tàu bè đậu được. Đó thật là một cái công trình to lớn, mắt trông cũng đủ biết. Tàu đến thì vào đậu ở trong đường đê, đã có sẵn những cọc bằng đá và bằng sắt để bỏ neo, rồi sà-lúp và đò ra đón hành khách vào bến. Hôm ấy, đậu ở trước cửa Colombo có một chiếc chiến hạm Anh cũng khá to, và nhiều các tàu biển khác nữa, hết thảy đều kéo cờ xí nhiều lắm, xanh đỏ trắng vàng, phấp pha phấp phới, coi rất ngoạn mục. Tàu chúng tôi vào đến trước bến cũng kéo cờ như các tàu khác. Hỏi ra mới biết thành Colombo vừa làm lễ nghênh tiếp Hoàng Thái tử nước Anh hiện đương đi kinh lược Ấn Độ. Vào đến thành phố còn thấy những cửa khải hoàn, những rạp điểm binh, hãy còn mới mẻ cả, vì Thái tử mới dời Colombo được mấy bữa, hiện ở Kandy, cách đây non một trăm cây-lô-mét.
Thành phố Colombo lớn hơn Penang, hơn Singapore nhiều, và có một điều khác lạ khác hai nơi đó là suốt trong phố phường không có một hiệu Khách nào, bao nhiêu nghề nghiệp buôn bán ở tay người bản xứ là người Chà hết thảy. Khách du lịch đã qua Singapore và Penang, an trí rằng đâu có đất cắm dùi, tất có người Khách ở, đến đây không thấy một chú Chiệc nào, không khỏi lấy làm lạ, và tự hỏi vì cớ sao. Vì cớ rằng trong thế giới chỉ có hai giống người có cái sức sinh hoạt mạnh ngang nhau, là giống Chi-na non bốn trăm triệu và giống Ấn Độ ngoại ba trăm triệu người. Hai giống người ấy không đủ sinh hoạt ở đất nước mình, thường phải di cư ra ngoài, làm các nghề nghiệp, bất cứ sang hèn, nghề gì kiếm ăn được thời thôi, dù kéo xe cũng được; cho nên những xứ nào người thổ dân lười biếng hay nhu nhược, không đủ giữ được lợi quyền, tất thấy người Chà và người Chiệc đến lập nghiệp nhiều lắm. Ở Singapore và Penang thời hai giống ấy chia nhau mà ăn hại người thổ dân là người Mã Lai. Nhưng ở đây là xứ sở của người Chà thì không còn dư địa đâu cho người Chiệc ở nữa. Bởi thế nên trong suốt thành phố Colombo không có một hiệu Khách nào; nghe đâu chỉ có một vài tiệm hút thuốc phiện là của người Khách mà thôi.
Người Chà ở Colombo lại nhũng hơn là ở Penang và Singapore hễ thấy khách lạ mặt thời sán đến tận nơi, kèm ngay bên cạnh, bám lấy không dời, đuổi không đi nữa; đứa thì mời đổi bạc, đứa thì chào đi xe, đứa thì gạ gẫm đi chơi, đứa thì nằn nì hút thuốc. Có mấy đứa cứ theo hoài để mời vào tiệm, dùng thuốc phiện, nói rằng chánh phủ Anh có lệnh cấm thuốc phiện, nhưng tiệm hắn đã có giấy phép riêng, xin mời cứ vào, không có ngại gì, vừa ngon, vừa rẻ! Nói vừa tiếng Anh, vừa tiếng Chà, lại pha mấy tiếng Pháp, dáng bộ gật gù, coi thật khả ố. Giống người Chà này thật là một giống đáng ghét. Người đen như củ súng, mặt thì nhăn nhăn nhở nhở, anh nào cũng như bộ gạ gẫm muốn “xoáy” tiền của khách lạ. Không biết làm sao người Anh lại dung túng những thói nhũng nhiễu như thế, vì những thói ấy đủ làm cho khách chán không muốn xuống bộ.
Tệ nhất là bọn Chà chở đò. Tàu không đỗ áp bến, và công ty chỉ có một chiếc sà-lúp để chở khách tự tàu vào bến và từ bến ra tàu nhiều khi chờ đợi lâu lắm phải dùng đò. Bọn Chà chở đò chở đến nửa chừng đòi thêm tiền, không thời cứ nhùng nhằng đứng đấy, khách sợ nhỡ tàu nhiều khi đòi bao nhiêu cũng phải cho.
Tiền tiêu ở đây là tiền roupies, có quan tiền Pháp hay bạc giấy Đông Pháp phải đổi ra roupies mới tiêu được. Đổi như thế thì thiệt lắm, bọn Chà đổi bạc ăn tiền cáp nhiều quá. Theo thời giá mỗi đồng roupies là ba quan, nhưng mười quan chỉ đổi được ba roupies mà thôi, mất hẳn một quan tiền cáp.
Chưa lên đến bến đã thấy một lũ Chà làm công của mấy hiệu ô tô đưa giấy mời lên xe đi chơi phố. Chúng tôi thuê một cái xe 6 chỗ ngồi của hiệu Colombo tourist office đi dạo quanh phố phường trong 3 giờ đồng hồ, lại vào nghỉ mát uống nước trà ở nhà khách sạn lớn trên núi Livinia, ở ngay trên bờ biển; cách Colombo bẩy cây-lô-mét; cả thảy mỗi người 6 roupies, 6 người 36 roupies (hơn 20 đồng bạc ta).
Ở Colombo, không có cái gì lạ, chỉ nhiều người, nhiều phố, nhưng cảnh trí không đẹp bằng Penang. Duy có một dải bờ biển, sóng dạt mãi đến tận bên cạnh đường, chiều đến diễu xe đi chơi mát tưởng cũng thú.
Nhân Hoàng tử Anh sang chơi, thành Colombo có mở đấu xảo các kỹ nghệ của người bản xứ, đặt thành như hội chợ ở bên ta, mỗi người vào xem phải mất một roupie, xem qua một lượt không thấy nghề gì là xuất sắc lắm, tưởng cũng không hơn gì các kỹ nghệ của ta.
Chúng tôi lại vào xem một cái chùa thờ Phật. Đạo Phật vốn phát nguyên từ ấn Độ, tức là đất Thiên Trúc đời xưa, vậy mà ngày nay trong suốt cõi ấn Độ, không còn đâu thờ Phật nữa [2] duy có ở đảo Ceylan (Tích Lan) này mà thôi. Trong chùa có một cái tượng Phật nhập Nát bàn to chật cả một gian chùa chung quanh treo những tranh vẽ về sự tích Phật. Vào xem phải rút giầy bỏ mũ ở ngoài, và mỗi người cầm một cái hoa để dâng trước Phật đài. Cửa Phật là chỗ thanh tịnh từ bi, thế mà cũng có một lũ Chà ngồi đấy để chực kiếm tiền của khách du lịch. Khách vào đến nơi, đứa nọ dắt đi bên này, đứa kia lôi đi bên nọ, chỉ trỏ huyên thiên, nói năng líu lường, đến lúc ra là nhất loạt ngửa tay xin tiền, cho một roupiekhông nghe, cho hai roupies cũng chưa bằng lòng. Giống buôn Thánh bán Thần, thật ở đâu cũng có!
Tối đến các cửa hàng trong thành phố, thắp đèn điện sáng trưng, đứng ngoài bến trông vào, coi rất ngoạn mục.
Đến 12 giờ đêm ngày 23, tàu cất neo chạy về Djibouti, chừng một tuần lễ nữa mới tới.
Giữa bể, ngày 27 Mars 1922
Quãng đường này là quãng đường dài nhất. Tàu đi tự Colombo đã hơn ba ngày còn chừng bốn ngày nữa mới tới Djibouti, càng chạy tàu càng lúc lắc, tàu càng lúc lắc đầu càng lao đao. Không say sóng lắm như mấy bữa đầu nhưng đầu nặng như đá, không thể ngồi mà viết lách hay đọc sách được. Viết mấy dòng này cũng phải nằm mà viết bằng bút chì. Cả ngày chỉ nằm dài, thật là buồn quá. Mong sao cho chóng tới nơi!
Giữa bể, ngày 28 Mars 1922
Muốn biết ngày giờ dài là dường nào, phải đi tày bể trong một tháng; ngồi trong tàu, chỉ trên trời, dưới nước, đằng đẵng hằng ngày không trông thấy bờ, mỗi ngày coi dài bằng một tuần. Lại thêm tàu lúc lắc, người lừ đừ, làm gì không được, đọc sách cũng chán, mới lại càng buồn nữa. Cứ ngày ấy sang ngày khác, ngày nào cũng như ngày nào, ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, người nhẫn nại đến thế nào rồi cũng phải chán.
Chỉ thỉnh thoảng trông thấy lũ cá bay, – gọi là cá bay, nhưng kỳ thực không phải là cá bay, chính là những cá bể thường bị sóng đánh bắn lên như ta đánh thia lia, – hay là gặp chiếc tàu khác đi ngang, là còn chuyện vui một chút. Lại chiều chiều đến, lúc mặt trời lặn, lên trên boong mà chực xem “lục quang tuyến” (les rayons verts), cũng thấy trong tàu rộn rịp được một lát, nhưng ai cũng chực xem lục quang tuyến, mà hồ dễ đã ai trông thấy lục quang tuyến. Người ta thường truyền rằng, giữa lúc mặt trời lặn xuống ở giữa bể, hễ trên trời không mây mù gì, thì trông thấy trong loáng một giây đồng hồ ở ngay chỗ mặt trời sụt xuống, một thứ ánh sáng riêng sắc xanh lục, gọi là “lục quang tuyến”, và thứ quang tuyến này chỉ thấy ở trong bể ấn Độ Dương mà thôi. Song ít thấy lắm, vì không mấy khi là trời thực quang đãng, không có chút mây mù nào. Cho nên ai đã được trông thấy một lần, thời cho là một sự may mắn không gì bằng, và tin rằng có ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của mình. ấy là người ta tương truyền như thế, nhưng xét ra có lẽ cũng là một sự mơ tưởng hay một sự quáng mắt mà thôi, vì ai cũng nói lục quang tuyến, mà hỏi ra chưa ai trông thấy lục quang tuyến bao giờ. Ngày nào, cứ đến khoảng 6 giờ chiều mặt trời lặn, cả tàu ra ngóng trông mà tịch không có ai trông thấy, khi trời tạnh cũng như khi trời ám.
Ngày hôm qua thứ hai 27 Mars, trong tàu có mở một cuộc đàn ca, trước là mua vui trong quãng đường dài, sau là giúp cho những việc làm phúc cho các con bồ côi lính thủy. Cuộc này do mấy ông hành khách hạng nhất khởi xướng ra, mời quan chánh coi tàu là ông Carré làm chủ toạ. Buổi chiều mở một cuộc rút số lấy đồ (tombola), tối thời các ông tây bà đầm kẻ đờn người hát, rồi sau nhảy đầm vui vẻ lắm. Hay nhất là lúc hai bà đầm hát bài Quốc ca Đại Pháp (La Marseillaise), một ông tây đánh đờn nhịp, cử toạ đều đứng dậy hạ mũ nghe, đến những đoạn hay lại đồng thanh hát nhịp theo, thật là cảm động, tưởng như cái hồn oanh liệt của Đại Pháp truyền khắp cả những người đứng đấy, dù là người quý quốc hay người nước ngoài, ai nghe cũng thấy như hưng khởi, phấn chấn tinh thần lên. Ôi! Mạnh thay là cái lòng ái quốc!
Thứ tư, 29 Mars 1922
Hôm qua, hôm nay, được hai ngày tốt quá: bể bình tĩnh, tàu yên lặng, lại có gió hiu hiu mát, không ngờ gần đến Hồng Hải là nơi có tiếng nóng xưa nay mà lại được cái khí hậu êm ái như thế này.
Bèn mở tập nhật ký để biên. Nhưng ngồi trong tàu giữa khoảng trời nước mênh mông như thế này, còn có chuyện gì mà biên chép. Lại từ đầu đến giờ biên được tờ nào gửi về báo cả rồi, không biết còn có chuyện gì quên chưa chép không. Mà những tờ gửi về ấy, cũng không hay có tới nơi cả không, vì những khi đỗ tàu ở Singapore, Penang, Colombo, phải gửi vào nhà dây thép [3] Anh để đợi có chiếc tàu nào chạy Đông Pháp mới chuyển giao, chắc không khỏi thất lạc.
Nhớ kỹ lại, nghe đâu trong mấy tờ trước quên chưa nói đến các ông phái viên Nam kỳ cũng đi sang Đấu xảo một chuyến tàu này và xuống tàu từ Sài Gòn ngày 14 Mars. Số phái viên Nam kỳ đi đấu xảo Marseille nhiều lắm, nghe đâu tới ngót ba mươi ông, phần nhiều là những tay điền chủ giàu có, tự xuất gia si để đi chơi. Nhưng chuyến này đi cùng với chúng tôi chỉ có bốn ông, là: ông Lương Khắc Ninh, thưởng thụ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh, có chân Hội đồng cố vấn Nam kỳ (Conseil privé de Cochinchine), ông vốn làm chủ mấy rạp hát ở Sài Gòn, có đem theo một bọn hát bội ba đào ba kép; ông Trương Minh Giảng, tri huyện tòng sự ở Phủ Thống đốc Nam kỳ; ông Võ Văn Chiêu, điền chủ, hiện làm cai tổng, tổng Hoà Đồng Hạ, tỉnh Gò Công; ông Võ Văn Cang, điền chủ, nguyên làm xã trưởng làng Tân Niên Tây, tỉnh Gò Công, người còn thanh niên, trước đã học qua một năm ở trường Cao đẳng Pháp chánh Hà Nội; ông tự xuất gia si [4] đem bà vợ và một đứa con gái đi theo, một nhà cùng du lịch, tưởng cũng là một cái khoái sự, ngoài Bắc ta chưa từng thấy bao giờ.
Bốn ông toàn là những người danh giá trong Lục châu, những khi lui tới chuyện trò, cũng có nhiều điều thú.
Thứ sáu 31 Mars
Hôm qua là 30 Mars, – giữa mồng 3 tháng 3 ta, – 2 giờ rưỡi chiều, tàu đến Djibouti. Ngồi tàu đã hơn một tuần lễ, ai cũng thấy mỏi mệt. Lại từ Sài Gòn đến mấy cửa bể đậu (Singapore, Penang, Colombo), toàn là cửa bể của người Anh cả, nay mới đến một cửa của Đại Pháp nên ai cũng có cái hứng muốn xuống bộ.
Tàu không đỗ áp bến, đứng tận ngoài xa, có những thuyền của người thổ dân ra đón khách vào bến.
Cửa Djibouti là một nơi hải cảng của Đại Pháp mới đặt được ba mươi năm nay ở ngay cửa bể Hồng Hải (Mer Rouge), đối với cửa Aden của người Anh. Cả một miền hải tần [5] này là nơi cùng tịch, toàn thị là sa mạc hết, mà khí hậu nóng như lửa đốt, cả năm không có được mười ngày mưa. Trông xa chỉ cực mục [6] một vùng cát trắng, không có một cái cây, không có một ngọn cỏ. Thật là một nơi thiên cùng thủy tận. Thổ dân lại là một giống dã man hung hãn, không có một chút văn hóa gì. Thế mà quý quốc trong khoảng hơn hai mươi năm gây dựng thành một nơi đô hội cũng khá to, thế thì đủ biết người Đại Pháp có cái công khai thác, có cái tài kinh doanh mạnh bạo là dường nào. Đem Djibouti mà sánh với Colombo, với Penang, với Singapore, thì không bằng thật. Nhưng phải biết rằng ba cửa bể của người Anh đó thành lập đã lâu, lại ở vào những nơi đất tốt, người đông, của nhiều, cho nên dễ phát đạt lên to.
Cứ xem như cái cảnh tượng một đảo Penang, khác nào như một cái rừng rậm xanh um toàn những cau cùng dừa cả. Nhà cửa của người ta như ủ ê dưới bóng mát cây xanh, mặt trời có chói lọi, khí nóng có nồng nàn, mà bóng cây gió bể làm cho sự sinh hoạt vẫn có vẻ êm đềm mát mẻ. Đến như Djibouti này thì thật là một cõi đất cháy. Người ta nói rằng cách hai mươi năm nay, bấy giờ Djibouti đã có đường phố nhà cửa rồi, trong suốt thành phố không có một cây nào, chỉ trong dinh quan Thống đốc có trồng một cây chà là bằng sắt tây sơn xanh để hình tượng loài thực vật mà thôi!
Thế mà bây giờ không những trong dinh quan Thống đốc có một cái vườn cũng khá xinh, mà trong đường phố nhiều nơi đã trồng cây hai bên, có chỗ trồng rặt một giống trúc đào, hoa tươi đỏ ói. Coi đó thời đủ biết cái công phu gây dựng khó nhọc là dường nào.
Bây giờ ở Djibouti các dinh thự công sở đã dựng lên san sát, nhà buôn cũng có dăm ba nhà lớn, còn những tiệm buôn nhỏ phần nhiều của người Chà (Indiens), người Do Thái (Juifs), người Hy Lạp (Grecs), người Ả-rập (Arabes). Người bản xứ là giống Somalis thì toàn làm những nghề đê tiện như đánh xe gánh đểu [7]. Có người nói rằng giống này là giống hèn lắm, chỉ ăn trộm, ăn cắp, làm biếng, nói dối, không thể nào khai hoá cho được; đành là một giống bỏ đi, như giống da đỏ ở Bắc Mỹ, giống thổ dân ở Úc châu vậy. Nhận kỹ đứa nào cũng gầy còm, không được mấy đứa mập mạp, và trông những con trẻ mười đứa thì đến tám đứa sâu quảng ở hai ống chân. Thế mà lại hung hãn nữa, hay làm giặc ăn cướp; người ta nói mấy năm về trước phải đặt lính đi tuần luôn ở chung quanh Djibouti, người thường mà ra ngoài địa phận mấy ngàn thước có khi bị giặc cướp bóc lột. Không biết ngày nay đã khỏi những sự nhũng nhiễu ấy chưa.
Ở Djibouti này có một hạng con trẻ lặn tài lắm. Hễ tàu đến bến thì nó lặn từ trong bến ra, lượn chung quanh tàu, xin hành khách cho tiền, rồi lặn xuống cho xem. Đứng trên tàu ném đồng xu hay đồng hào xuống, nó liền lặn xuống đón lấy được đồng xu đồng hào lên, mười lần không trượt lần nào, vì đồng tiền xuống không bao giờ mau bằng nó lặn. Lại có đứa lặn qua gầm tàu, tự bên này sang bên kia; lại có đứa nhẩy tự trên nóc tàu xuống; nhanh nhẹn dung dị lạ lùng, tưởng như một loài ếch loài cá chi, chứ không phải là giống người nữa.
Tàu đến bến, người thổ dân thường đem đồ lên bán, như ốc tù và, và lông đà điểu (autruche). Mua bán ở đấy có thứ tiền riêng của bản xứ, nhưng dùng tiền phật lăng của Đại Pháp cũng được.
Trong thành phố, không có gì lạ mà xem, đi dạo qua độ một giờ đồng hồ thì hết. Đi trong phố bằng một thứ xe ngựa, có mui, giá mỗi người mỗi giờ từ một đến hai phật lăng [8], tùy số người nhiều ít.
Lạ nhất là mấy phố của người bản xứ và người Ả-rập ở, nhà làm đều không có mái, chỉ có gác sân ở trên, vì xứ này không có mưa mấy khi. Mấy hôm trước khi tàu đến, nghe như có mưa một chút, vì đường phố còn nơi có dấu bùn, và khí hậu xem chừng có mát hơn những ngày thường.
Có một chỗ nên xem nữa, là nơi “Chợ củi” (Marché de bois). Một xứ không có cây cối như thế này, củi chắc là một vật quý lắm. Người bản xứ phải dùng lạc đà (chameaux) đi kiếm củi những nơi xa đem về họp chợ bán. Củi cũng không thành thân củi, toàn là những cành cây khô, tưởng đánh cái lửa thời cháy vèo hết.
Ở Djibouti này còn một trò để hiến các khách hiếu kỳ: là trò đàn bà múa bụng, theo nhịp thanh la ưỡn bụng mà quay tít. Nhưng bọn đàn bà này toàn là những con gái điếm cả, khách hiếu kỳ cũng phải nên cẩn thận.
Tàu đỗ ở Djibouti có 8 giờ, từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, nửa đêm ngày 30 thời đã cất neo chạy.
Qua eo bể Bab-el-Mandeb, thời vào Hồng Hải. Người ta thường nói vào đến đây thời nóng lắm, nhưng tôi thấy cũng không nóng hơn gì ở ngoài Ấn Độ Dương, có lẽ mùa này đương mùa mát chăng.
Qua Hồng Hải phải mất bốn ngày, một ngày thứ năm qua sông Suez, rồi mới tới Port Said.
III.
Thứ hai, 2 Avril 1922
Ở Djibouti vào là bể Hồng Hải (Mer Rouge). Cứ nghe người ta nói thì vào đến Hồng Hải trời nóng như luộc, không thể nào chịu được. Nhưng lần này vào không những là mát, mà lại có ý lạnh, có lẽ là vì có gió bắc nên thế.
Tại làm sao bể này gọi là Hồng Hải? Nước cũng xanh biếc như các bể khác, mà khí hậu thì không lấy gì làm nóng hơn ở ngoài. Duy ở hai bên bờ có những núi đá trơ trọi, mặt trời ánh vào như có sắc đỏ, có lẽ bởi thế nên bể gọi là Hồng Hải chăng. Nhưng bể tuy trông trong địa đồ hẹp, mà thực có quãng rộng tới hơn 300 cây-lô-mét, tàu đi ở giữa không mấy khi trông thấy bờ.
Trong Hồng Hải, ngay tự Djibouti đi, có một giống vịt trời, lội nước được, bay theo tàu từng đàn, ai ném miếng bánh miếng thịt thời sà xuống nước để ăn.
Lạ nhất trong quãng bể này là đêm đến thường thấy những đom đóm bể (phosphorescences), tàu đi giữa sóng rạt ra hai bên, sáng quắc như hai làn điện, trông đẹp lắm. Người ta nói rằng trong nước bể có vô số những con vật rất nhỏ có lân chất (phosphore) bị sóng đánh sát vào nhau bật lên lửa, bởi thế thành ra đom đóm bể; không biết có phải không, nhưng giữa đêm tối trông thấy ánh sáng như thế cũng đẹp.
Qua Hồng Hải mất hơn ba ngày, trời bể bình tĩnh, không có sóng gió gì cả, duy càng đi càng thấy có khí lạnh.
Bắt đầu đi tự Djibouti 12 giờ đêm ngày 30 Mars, đến sớm ngày 3 Avril thì vào vụng Suez (golfe de Suez), chợt thấy trời gió to, sóng nổi lên cuồn cuộn đánh tạt cả vào trong phòng tàu, mà gió thì lạnh ngắt, như gió đông vậy. Ai nấy phải mở hòm mở rương, lấy áo dạ áo nỉ ra mặc. Sóng gió như thế, tưởng tàu chồng chềnh khó chịu lắm thì phải, nhưng lạ thay không thấy gì cả, người ta nói có lẽ tại sóng gió tự đàng mũi lại, nên không việc gì, đi bể chỉ sợ nhất là sóng hai bên dồn lại và sóng đàng sau đẩy đi.
5 giờ chiều ngày 3 Avril, tàu đến Suez.
5 Avril
Suez là một cái bến nhỏ ở đầu kênh Suez (Tàu dịch là Tô-tư-yêu vận hà), đấy có những sở làm việc và nhà máy của “Công ty kênh Suez” (Compagnie du Canal de Suez). Ai cũng biết tên kênh Suez là một cái sông đào thông Địa Trung Hải với Hồng Hải, khiến cho các tàu đi tự Âu châu sang Á châu không cần phải đi vòng quanh Phi châu như xưa. Kênh ấy là công trình của một người nước Pháp, ông Ferdinand de Lesseps khởi ra tự năm 1857, đào mất mười năm, phí hàng trăm triệu, ngày nay do một công ty vạn quốc [9] đứng quản lý, gọi là “Công ty sông Suez”, trong công ty ấy các nhà tư bản nước Pháp vẫn còn giữ quyền lợi to. Mỗi năm các tàu lớn chạy qua kể hàng nghìn chiếc, mỗi chiếc ra vào phải nộp tiền thuế cho công ty, nghe đâu thuế tính theo trọng lượng tàu và số hành khách, cứ mỗi tấn là mười quan, mỗi người là bảy quan, mỗi năm công ty thu vào cũng nhiều tiền, dùng để phát lời cho các đông gia [10] nhưng công ty tiêu ra cũng nhiều, thứ nhất là phải dùng máy hằng ngày nạo (draguer) lòng sông cho đất cát khỏi sụt xuống mà làm nông mất đi.
Đến Suez, tàu đậu ở ngoài xa, không vào áp bến. Vả cũng không đậu lâu, nên hành khách không ai lên bến. Nhưng đứng trên tàu trông xuống cũng biết Suez là một thành phố khá lớn, song phần nhiều các nhà lầu là những ty sở của công ty sông Suez cả.
Khi tàu đến trước Suez thì có một cái sà-lúp trong bến ra cắm cờ Hồng thập tự: đó là các quan viên thầy thuốc lên tàu khám xem có người nào mắc bệnh truyền nhiễm không. Nghe nói đó là phái viên của một hội đồng vệ sinh vạn quốc đặt ra ở Suez để phòng bị cho các bệnh nguy hiểm khỏi truyền nhiễm sang Âu châu, vì đây tức là nơi cửa ngõ của châu Âu vậy.
Tàu đỗ có 3 giờ đồng hồ, tự 5 giờ đến 8 giờ tối thì chạy. Từ đây trở đi là vào địa phận sông Suez. Trước khi chạy phải buộc trước mũi tàu một cái đèn chiếu điện (projecteur électrique) mạnh lắm để soi đường ban đêm. Tàu đi trong sông phải đi rất chậm, vì lòng sông hẹp (chừng 50 thước tây), tuy số tàu đi lại rất nhiều mà chỉ đi được cái một, khi nào hai cái gặp nhau thì một cái phải đứng lại áp vào bờ cho cái kia chạy. Thường thường có những chỗ đào vũng vào trong đất gọi là “ga”, để cho tàu lớn tránh nhau.
Tiếc rằng tàu đi qua sông Suez giữa đêm, nên không được xem phong cảnh hai bên bờ, như làng Ismalia, như mấy cái hồ nước mặn, v.v…
Nhưng sáng hôm sau cũng còn được xem ít nhiều cảnh tượng sông Suez, vì mãi đến 10 giờ tàu mới tới Port-Said. Bờ sông về bên Á châu (Arabie) thì thấy những đất cát cây cằn, đủ biết là cõi sa mạc; bờ về bên Phi châu (Egypte) [11], nhờ có những ngòi nước ngọt, nên có chỗ nhiều cây cối xanh tươi. Chạy ngang với bờ sông, áp ngay bên sông, có một con đường xe lửa tự Suez đến Port - Said, thỉnh thoảng lại có một cái nhà ga, đến nhiều chỗ phong cảnh vui mắt, người ngồi trong tàu tưởng tượng như ngồi một cái “ghe” chạy trong cái kênh nào ở Nam kỳ vậy.
10 giờ sáng ngày 4 Avril đến Port - Said.
Port - Said thật là một nơi tụ họp đủ các giống người phần nhiều là người Italiens và người Grecs. Nhưng ở đây tiếng nói thông dụng nhất là tiếng Pháp, không phải tiếng Anh, mà nói tiếng Pháp ai cũng hiểu, dễ giao thông lắm. Nhật báo của người Ai Cập cũng bốn năm tờ làm bằng chữ Pháp, coi đó thì biết chữ Pháp ở Ai Cập thịnh hành là dường nào.
Bọn con buôn ở đấy thời cũng nhiều và hay lừa người chẳng kém gì ở Colombo. Mới ở tàu lên, đã có bọn “đưa đường” (guides) đến hiến công, đi bộ một giờ đồng hồ đòi năm sáu quan.
Tiền tiêu ở đây cũng gọi là piastres như đồng bạc ta, nhưng giá chỉ bằng nửa quan tiền tây (0f.50). Tôi đi vào một cửa hàng hỏi mua cái cravate, người bán hàng nói giá: mười đồng (10 piastres), tôi lấy làm kinh ngạc, sau hỏi ra mới biết rằng giá là năm quan (5 francs). Ở đây tiền nước nào tiêu cũng được, vì đầu phố nào cũng có người đổi bạc, nhưng người lạ đổi nhiều khi họ bắt cáp nặng lắm.
Port - Said chia ra làm hai phần: một phần phố Tây, một phần phố ả rập. Phố Tây thời nhiều nhà cao đường rộng, người các nước Âu châu mở những cửa hàng lớn để buôn bán, gần bờ bể lại có nhiều những nhà mát để ra hóng gió bể. Phố Ả-rập thời chật hẹp hơn, toàn những người Ả-rập ở. Nhà Ả-rập lạ lắm: mái toàn bằng gác sân, và tường thời hình như có khung gỗ cả. Người đàn bà Ả-rập, cách ăn mặc hình như cũng kỳ lắm: chùm một tấm vải đen kín cả đầu, cả mặt, cả người, chỉ có hai con mắt và mũi thì che bằng một cái ống đồng, trông không biết rằng già hay trẻ, xấu hay đẹp. Nghe nói theo tục Ả-rập, phàm nhà sang trọng đều phải ăn mặc như thế, chỉ trừ đàn bà con gái hạ lưu mới phải để hở mặt để đi làm ăn.
Người ta thường nói đến Port - Said mua sắm đồ gì cũng rẻ, vì đồ hàng vào không có thuế thương chánh. Nhưng tôi hỏi nhiều thứ thấy cũng đắt chẳng kém gì các nơi khác; có lẽ thấy khách lạ nhà hàng nói thách chăng.
Ở đây có một thứ mứt làm bằng các thứ quả, gọi là lucum, tương truyền là ngon lắm. Người bản xứ thấy tàu ngoại quốc đến, khách du lịch qua, đem đến bán từng hộp, vừa bán vừa rao: Rahatlucum! Rahatlucum!! (Rahat là tên hiệu), nói mau như tiếng tây đen, nghe buồn cười lắm. Ăn thử chỉ thấy ngọt lự, và chất nó giống như kẹo hồng ta.
Lại có một thứ cà phê, gọi là “cà phê turc”, là cà phê pha để uống cả cặn.
Dạo qua phố phường mấy giờ, đến chiều thì về tàu, 6 giờ tàu chạy về Địa Trung Hải.
Ở đầu đê, ngoài cửa bến có cái tượng ông Ferdinand de Lesseps đứng chỉ tay vào sông Suez, như chỉ đường cho các tàu ở Âu châu đi lại.
Nghe hành khách trong tàu nói chuyện đã biết tiếng Địa Trung Hải là dữ, sóng tuy nhỏ không bằng ở ngoài đại dương, mà hay sốc sáo, làm cho tàu bè điên đảo. Nay vào đến Địa Trung Hải lấy làm lo lắng vô cùng. Hẵng biết được một ngày hôm nay vô sự, không biết tự mai trở đi thế nào.
Ngày 6 Avril 1922
Say sóng dữ, nằm cả ngày.
Ngày 7 Avril 1922
Cả buổi sáng vẫn còn say sóng.
Đến quá trưa thấy bớt sóng, là vì tàu đã đi đến gần đất, trông đàng xa thấy hai bên có bờ cả.
3 giờ chiều thời qua eo bể Messine, một bên là đất Italie, một bên là đảo Sicile, hai bên làng xóm phố xá đông đúc, trông thật đẹp mắt, chiếu ống nhòm xem không khác một bức hoạ. Đất toàn là đất núi mà người ở không có sót một chỗ nào, đâu đâu cũng có nhà cửa; nhìn mắt không tựa hồ như những vết vôi trắng vẩy trên sườn núi, mà chiếu ống nhòm thấy toàn là nhà người ở cả. Coi đó thời đủ biết những xứ này dân cư phồn thịnh là dường nào. Tàu đi khí xa bờ quá, nên trông không rõ; nhưng người ta nói rằng những khi đi áp bờ và đi vào ban đêm, thời không cảnh tượng gì vui bằng. Trên bờ đèn thắp như sao sa, có khi nghe thấy tiếng đàn hát, tiếng người nói ồn ào.
5 giờ chiều đi ngang núi lửa Stromboli, nhưng đi xa, phải chiếu ống nhòm mới trông rõ, núi hình chữ kim, trên miệng ngày đêm phun tro, khói, lửa, trông xa còn thấy ngùn ngụt lưng chừng trời, thật là một cái lò bất tuyệt. Đêm đến, lửa phun lên, đi xa còn trông thấy sáng, như một cái cột đèn bể (phare) ở tận tịt mù vậy.
Ngày 8 Avril 1922
Tàu ra xa đất lại trông thấy sóng.
Hôm nay đi qua eo bể Bonifacio cách đảo Corse với đảo Sardaigne.
Sáng sớm mai thời đến Marseille, ai nấy tấp nập sửa soạn hành lý để mai lên sớm.
Mai là 9 Avril; tàu đi tự Hải Phòng ngày 10 Mars, thế là vừa tròn một tháng.
Tuy trong một tháng trời lênh đênh giữa bể, cũng nhiều khi nhọc nhằn vì sóng gió, nhưng nay đã tới nơi bình yên vô sự, thật cũng đáng mừng. Mà đáng mừng thật, vì mùa này chính là mùa đi bể tốt đó; người ta nói đi vào tháng bảy tháng tám, nhiều khi gặp bão bể còn khổ hơn nhiều, không những hành khách, thuyền viên đã quen bể cũng say sóng, mà sóng dữ đến nỗi người ta nằm trên giường bị đánh lăn xuống phản tàu!
Nay đã qua khỏi cái nạn say sóng, nghĩ đến chuyện say sóng mà nực cười; lại sực nhớ đến đoạn sách của ông Jules Renard mình đã đọc qua.
Ông nói rằng:
“Tôi đã từng đi chơi nhiều thứ tàu bể khác nhau, chủ ý nghiên cứu bệnh say sóng.
“Đi chơi lúc chưa ăn uống gì thời lần thứ nhất tôi nôn mửa, lần thứ nhì không, nhưng lần thứ ba lại nôn.
“Năm lần ăn cơm rồi, lại uống rượu sâm banh, cho khoẻ quân, thời ba lần nôn mất hết, còn được hai lần không.
“Đi đàng mũi tàu nôn, đi đàng lái không thấy nôn, nhưng đứng ở giữa lại nôn, ấy là lưng đã thắt cái thắt lưng bằng nỉ, có lẽ vì thắt chặt quá chăng? Lại có lúc, thân thể khinh khiêu [12], tinh thần hoạt bát, đi chơi bách bộ, mắt nhìn trời bể, theo như lời dặn, cố ý tư tưởng những sự tốt lành mạnh bạo cho nó khuây khoả phấn chấn, những lúc ấy thời có khi không thấy gì cả, mà có khi nôn mửa hết.” [13]
Ấy đó. Đố ai biết bệnh say sóng là cái gì?
Tôi đi bể một tháng trời, say sóng đến mười bận, thật không hiểu được say sóng là cái gì. Cho nên không lấy gì làm tức mình bằng thấy những ông may không bị say sóng trông thấy người ta say, làm ra mặt vững vàng bạo dạn, cứ nói hoài: “Phải phấn chấn lên!… Phải đi bách bộ!… Phải ra mũi tàu!… Phải ra lái tàu!… Phải ăn đồ ngọt!… Phải uống sâm banh!… Phải thắt lưng chặt!… Phải thở cho mạnh!… Phải ăn cho nhiều! v.v…”
Ai đi bể không say sóng là người ấy may; ai bị say, cũng là sự không may; chỉ có thế thôi, còn những bộ bạo dạn, những lời nói “hươu” là khoác lác cả!.
Ghi chú:
[1] Rắn dài.
[2] Không rõ ý tác giả thế nào, chỉ in theo nguyên văn.
[3] Nay gọi là bưu điện.
[4] Tiền riêng của gia đình.
[5] Miền ven biển. Năm năm hùng cứ một phương hải tần (Kiều).
[6] Tận cùng con mắt.
[7] Gánh thuê.
[8] Tức đồng franc.
[9] Công ty đa quốc gia.
[10] Cổ đông.
[11] Ai Cập.
[12] Nhẹ nhàng.
[13] Bỏ đoạn nguyên văn tiếng Pháp.
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 3
IV.
Marseille, Thứ ba 11 tháng 4, 1922
Tối hôm qua, nghe diễn thuyết ở Hội Nhân quyền. Có ông giáo K. ở Paris xuống, diễn về Hội Nhân quyền đối với việc chiến tranh và việc nghị hòa. Ông này nói mới hay chứ! Lời lẽ lưu loát, nghe như rót vào tai. Hai tay cắp sau lưng, cứ đi ngang đi dọc trên sân khấu mà vừa đi vừa nói trong hơn hai giờ đồng hồ, không vấp một chữ nào, không ngừng một lúc nào. Tôi chưa từng được nghe người Tây nào diễn giỏi bằng ông giáo này. Mà không phải là những lời hư văn đầu miệng đâu, những câu sẵn thuộc lòng đâu, toàn là những lời nghị luận, biện bác, công kích, chứng giải, đón trước rào sau, dự sẵn những câu người ta có thể bẻ mình được mà phản đối trước. Giỏi thật, giỏi quá! Mà giỏi nhất là dùng chữ không có miễn cưỡng. Thường những anh nói lém thì cứ nói tràn đi, người ngoài nghe tựa hồ như lưu loát lắm, nhưng tế nhận [1] ra thời lời nói loạn xạ, chữ dùng bậy bạ, râu ông nọ cắm cằm bà kia, và trước sau không có quán xuyến gì cả. Đó là những tay hùng biện giả. Nhưng nghe ông này nói, tôi đã có ý nhận kỹ, chữ nào dùng cũng nghĩa chữ ấy, lời với ý xứng nhau như in, tưởng giá dùng cách tốc ký mà biên lấy thời những lời ứng khẩu ấy không khác gì lời văn viết vậy.
Nghe người ta diễn thuyết mà hồi tưởng đến người mình, không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối, cũng ít người nói được. Chưa từng thấy ai nói cái gì chỗ đông người mà nói luôn được trong mươi phút, không vấp váp. Khi hội đồng thời chẳng khác gì như họp việc làng, tranh nhau mà nói, ồn ào lộn xộn, mà ít ai nói được câu gì có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu đâu. Khi yến tiệc thời đương câu chuyện vui, gặp có tiếng gì buồn cười, nhất là tiếng nói bẩn, thời ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, thế là cử tọa đều cười ầm cả lên đến vỡ đổ nhà; thế là câu chuyện tan. Chỗ công môn thời ông quan nói, muốn ra oai mặt sắt, chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng: nghe chưa?... nghe chưa? thằng dân thưa thời gãi tai gãi đầu, chỉ nghe thấy những bẩm, bẩm, dạ, dạ, nói không ra lời. Mấy cậu thiếu niên thời toa, toa, moa, moa, ngậu sị cả đường phố, nhưng nghe câu chuyện, không những vô vị mà thường bất thành ngôn nữa… Gia chi dĩ thời buổi nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi, chú bếp, con bạc, làng chơi, ả giang hồ, cậu công tử, tây không ra tây, tàu không ra tàu, ta không ra ta, có nhiều cái “xã hội” không biết họ nói thứ tiếng gì. Thử tìm khắp trong nước, được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá… Thôi, về khoa ngôn ngữ thì người mình kém thật.
Vẫn biết rằng “xảo ngôn lệnh sắc” [2] không phải là một sự hay, và nói nhiều làm ít, lại là dở lắm. Nhưng Trời đã cho cái lưỡi, những khi nên nói cũng phải nói cho ra lời; huống đời này lại là đời nhiều khi cần phải thiệt chiến [3]. Dẫu lý phải mà nói không vỡ lẽ thời phải cũng ra trái, thẳng cũng hóa cong. Người mình cần phải tập nói lắm.
Hôm nay gặp cụ Phan Tây Hồ [4], là một nhà chí sĩ nước ta, nay biệt xứ bên quí quốc. Hồi cụ khởi nghiệp, tôi còn nhỏ tuổi, nên chỉ biết tiếng mà không được biết người. Nay sang đến đây mới được gặp cụ, trong lòng ngổn ngang nhiều nỗi, không sao nói xiết. Cùng nhau đàm luận trong mấy giờ. Việc cụ làm chánh đáng hay không chánh đáng, tôi đây không muốn phẩm bình, nhưng xét cái thân thế cụ, dẫu ai có chút lương tâm cũng phải ngậm ngùi. Ừ, làm người ai chẳng muốn vợ đẹp, con nhiều, cửa cao, nhà rộng, bạc đầy tủ, thóc đầy kho; thế mà có người không muốn như thế, thời con người ấy, dẫu hay dở thế nào, tưởng làm kẻ quốc dân cũng không nên a dua nhẹ miệng mà gia tiếng thị phi vậy…
Thứ tư 12.4. 1922
Ở Marseill có cảnh đẹp nhất là nhà thờ “Đức bà Bảo hộ” (Notre Dame de la Garde), xây trên cái đống cao 150 thước, trấn hám cả địa thế thành Marseille; thờ Đức bà bảo hộ cho con nhà đi bể, khác nào như bà Thiên hậu của người Tàu. Một tòa nhà thờ chon von ở giữa cái đống cao, trên đỉnh gác chuông lại có một cái tượng Đức bà lực lưỡng cao ngót mười thước, nặng hơn bốn nghìn năm trăm cân, những buổi mây quang trời tạnh, đứng khắp thành Marseille ở đâu cũng trông thấy, rõ như bức tranh vẽ, thật cũng là một cái kỳ quan. Tự dưới phố đi lên nhà thờ, hoặc đi chân thời phải theo đường thang khuất khúc, hoặc đi bằng một thứ thang máy làm theo kiểu ròng rọc có khấc (système à crémaillère). Lượt lên đi bằng thang máy, phải mất tiền, lượt xuống đi chân, qua những ngõ xóm hẻo lánh của bọn bình dân ở, biệt ra một cái cảnh riêng ở thành Marseille.
Tối nghe diễn thuyết ở Hội Diễn thuyết thành Marseille. Ở Marseille này, trong một tuần lễ không có mấy ngày là không có diễn thuyết. Trong nhật báo đã có một mục riêng để báo các ngày giờ diễn thuyết ở các nơi, có ngày hai ba bốn nơi diễn thuyết về đủ các vấn đề: cách trí, văn chương, lịch sử, chính trị; lại có nơi gọi là “Maison de Provence”, là nhà hội quán của những văn sĩ viết bằng tiếng provençal là tiếng thổ âm của vùng Marseille, ở đấy thường diễn thuyết bằng tiếng provençal. Nghe nói ở Paris sự diễn thuyết lại còn thịnh hành hơn nhiều. Người Tây tiện cách học tập như thế, không trách cái trình độ trí thức cao hơn người mình.
Tối hôm nay là một bà nữ bác sĩ diễn thuyết về nước Nga. Bà vừa đi du lịch ở nước Nga về, bà thuật lại những sự kiến văn khảo nghiệm của bà về cái phong trào cách mệnh và cái chủ nghĩa quá khích ở nước Nga. Nghe bà nói đủ biết bà là một người nhiệt thành về chủ nghĩa ấy. Người đến nghe cũng phần nhiều là người thuộc về các đảng cấp tiến. Cho nên cuộc diễn thuyết này có một cái phong vị riêng. Ta thường đọc sách đọc báo chỉ thấy công kích cái phong trào quá khích ở nước Nga, cũng nên nghe có người tán dương cổ đãng [5] cái phong trào ấy, mới có thể chiết trung mà phán đoán cho đúng được. Ở đời này muốn quan niệm về một sự gì cho chánh đáng, thật là khó quá; tỉ như một cái chủ nghĩa quá khích đó, người nói xấu biết bao nhiêu mà kể, mà người nói tốt cũng nói tốt quá; nghe bọn trên thời tưởng nước Nga bây giờ là nơi âm ti địa ngục gì, chớ không phải là cõi nhân thế trần gian nữa, nghe bọn dưới thời ngờ là chốn bồng lai lạc địa. Đến khi mối lợi quyền đã mâu thuẫn, lòng tham dục đã xung đột nhau, thời công lý, công nghĩa không biết đâu mà dò nữa. Gặp những khi như thế mà lại càng tiếc cái đạo “trung dung” của đứng Thánh nhân phương Đông ta đời xưa. Nhưng đạo ấy đời nay có dùng được nữa không? Ngoài sự lý tưởng, đạo ấy có thể đem ra thực dụng ở cái thế giới cạnh tranh này không? Tưởng cũng khó quá.
Trong bài diễn thuyết bà nữ bác sĩ có nói tới vấn đề nữ quyền; có một đoạn bà nói về cái quyền người đàn bà được trụy thai, kể quá khích thời đến thế cũng là quá khích thật. Đại khái bà nói rằng luật pháp nước nào cũng cấm sự trụy thai [6], thế là không công bằng; đàn ông là một giống tối duy kỷ, họ chỉ biết cái sướng của họ, họ quyến rũ đàn bà con gái, đến lúc thai dựng họ bỏ họ đi; người đàn bà nếu không muốn đẻ con hay không có thể nuôi con được, thời phải cho người ta có quyền được trụy thai; trụy thai không phải là hại mạng người, không cho là tội giết người được, vì cái thai chưa phải là người, v.v… Mình nghe mấy câu ấy cũng hơi thấy sửng sốt trong người: có lẽ là cái óc mình hãy còn trần hủ mà chưa biết cảm những cái lý tưởng tối tân ấy chăng? Xét những người nghe chung quanh mình, ai cũng điềm nhiên cả, tựa hồ như cho là một sự tự nhiên vậy...
Diễn giả nói xong thời người nghe ai muốn phản đối hay chất vấn điều gì, được quyền nói. Bà nữ bác sĩ này nói cũng giỏi, tuy không được hùng biện như ông giáo mình nghe tối nọ, nhưng lời lẽ rõ ràng và lưu loát; ai biện nạn [7] câu gì, bà trả lời lập tức, và nhiều khi trả lời khéo quá, không còn bẻ vào đâu được nữa.
Nữ bác sĩ tuổi trạc ba mươi, học thức rộng thật, biện thuyết giỏi thật, nhưng nhan sắc thời quyết không phải vào bậc tuyệt trần. Nghe diễn thuyết xong, trở về trọ, mình vừa đi vừa nghĩ trong bụng rằng: “Người này thời chắc không sợ đàn ông nào quyến rũ được, chắc không bao giờ thi hành đến cái quyền “ám sát”, – vì nói khéo thế nào thì nói, chớ trụy thai tức là một cách ám sát, – đã hết sức chống chế vừa rồi...”.
Thứ sáu, 14 tháng 4. 1922
Gặp ông văn sĩ G. L. Ở Paris xuống. Ông nguyên làm hội trưởng “hội các văn hữu nước Pháp” (Société des Gens de lettres), hiện có viết trong mấy cái báo lớn ở Paris. Nhân xuống Marseille xem Đấu xảo, ông muốn quen biết mấy người học thức ở Indochine để phỏng vấn về tình thế bên ta thế nào. Các viên chức trong Đấu xảo có giới thiệu cho biết Nguyễn Quân [8] và tôi. Ba người nói chuyện trong giờ lâu. Xem ra ông có ý muốn biết việc bên ta lắm, nhưng coi chừng ông về “phái chánh phủ”, phàm những việc sở biết là theo những lời bá cáo của chánh phủ cùng những lời tự thuật của các quan lại Tây ở bên ta về; cho nên cách nghị luận lại biệt ra một phương diện riêng. Song nếu có dịp năng nói chuyện với bọn mình luôn thời cũng cải chính được nhiều điều thiên kiến.
Thứ bảy, 15 tháng 4. 1922
Gặp cậu P. M. Ở Toulouse. Cậu người Trung kỳ, sang tòng chinh [9] bên này, rồi khi chiến tranh xong xin ở lại học, hiện theo học ở ban Cách trí Hóa học tại trường Đại học Toulouse. Cậu xem ra người có chí lắm, nhưng ngặt vì không có tư lực [10] không biết có thể theo học được đến cùng không. Hiện nhờ được một vị phu nhân người quí phái có bụng yêu giúp đỡ cho, nhưng cậu nói không dám phiền người ta quá. Ấy cái tình cảnh học sinh ta bên Tây, người có chí học được thường không có tư lực, người có tư lực thời lại thường không có chí học; những hội học bên ta, - nhất là Hội Pháp học Bảo trợ, – phải kiếm những người thuộc vào hạng trên đó mà tư trợ thời mới phải.
Nhân nói về cách giúp đỡ các học sinh sang Pháp học, tưởng đó là một việc quan hệ lắm, hội "Pháp học Bảo trợ" ta ở Hà Nội phải nên đặt phương kế mà thi hành cho đến nơi đến chốn và nên mở mang cho rộng rãi thêm ra. Kén học sinh sang Tây phải chọn người thật có tư cách, trước khi đi phải dặn dò cho kỹ, trong khi ở bên Tây phải có cách giám đốc sự học hành và chỉ bảo mọi điều cho không được sai cái phương châm đã định, và đến khi về phải học cho thành tài. Như thế thì phải đặt một tòa thông tin ở Paris, hoặc là nhờ hội nào của người quí quốc đương cho việc ấy cũng được, nhưng nếu hội chánh ở Hà Nội có đủ sức đặt hẳn một nhánh ở Paris, thỉnh thoảng phái người sang điều tra giám sát và báo cáo về cho Hội chánh biết, thời hay hơn nhiều. Phải tổ chức thành một Hội du học thật to, thật có thế lực, vì bây giờ nước ta đương buổi cần đến nhân tài, mà nhân tài tất phải đào luyện tự các trường Đại học bên Pháp mới được, chớ Đại học bên ta không có đủ sức mà dạy đến nơi được.
Chủ nhật, 16 tháng 4, 1922
Hôm nay mở Đấu xảo. Tuy chửa được thập phần hoàn thành, nhưng cũng mở. Tuy hãy còn nhiều chỗ luôm nhuôm, nhưng cũng mở. Vì ngày đã định từ trước rồi, cho nên dù xong dù chưa xong, cũng làm lễ khánh thành và mở cửa cho thiên hạ vào xem, còn đâu sẽ làm nốt. Người vào xem, thấy nhiều chỗ bày biện còn chưa đủ, dẫu có không bằng lòng, – vì vào xem mất tiền, chớ không phải xem không, – cũng chẳng hề gì.
Khánh thành là hai quan Thuộc địa bộ và Thương nghiệp bộ Thượng thư [11] ở Paris xuống, đi xem qua một lượt các sở, rồi ăn tiệc, diễn thuyết.
4 giờ chiều thời quan Sarraut đến khu Bắc kỳ, vào dẫy phố An Nam, gọi là phố Hà Nội. Bọn phái viên mình phải bày hàng đứng đón đó; các ông chủ hiệu, các thợ cũng họp cả đấy, cả thảy mấy chục người. Anh em có cử mình ra chúc mừng quan Thượng thư. Văn chương thù tạc, xưa nay mình vẫn không hứng, nhưng, thôi, cũng phải nói dăm ba câu cho tắc trách, vì không thời sang đây làm gì? Nói rằng: “Bẩm quan Thượng thư, tôi xin thay mặt các anh em đồng xứ, là những nhà thương mại, công nghệ và thân hào Bắc kỳ có mặt tại đây, chúc mừng Ngài bước chân vào dẫy phố An Nam này. Những nhà tổ chức cuộc Đấu xảo đặt ra một dẫy phố An Nam ở giữa thành Marseille này, kể cũng là khéo nghĩ thật. Vừa vui vừa lạ con mắt cho người đi xem, mà lại vừa bày tỏ được cái xảo nghệ mĩ thuật của nước chúng tôi. Bọn chúng tôi sang đến đây, ở giữa cái thành phố Marseille to lớn này, bỡ ngỡ như người xa lạ, nhưng đến khi bước vào khu Bắc kỳ này, thời phảng phất như có cái cảnh sắc chốn quê hương, – Quan lớn trước khi trọng nhậm chức Thượng thư, ngài đã từng làm Toàn quyền bên Indochine, ngài trông thấy cảnh này chắc ngài lại nhớ lại thủa trước. Tôi xin nhân dịp đây thay lời anh em đồng xứ tỏ lòng kính mến ngài là quan Toàn quyền cũ của chúng tôi.” – ấy văn chương “nước ốc” như thế mà cũng có người cho là nghe được, thời đủ biết người ta cũng dễ tính quá.
Thứ hai, 17 tháng 4, 1922
Tối hôm nay đi xem rạp hát Alcazar hát một tích tả phong tục dân Marseille, bày cảnh diễn trò hiển nhiên như thực. Lối kịch này gọi là revue, là một lối tạp kịch buồn cười, lược thuật những việc hằng ngày xẩy ra. Xem trò này mà biết rõ được tính tình phong tục của bọn bình dân ở xứ này. Có đoạn diễn cái cảnh chợ hàng cá ở Marseille, các chị hàng cá chửi nhau ỏm tỏi, thầy “đội xếp” khệnh khạng chạy lại làm biên bản, thầy cứ biên mà họ cứ chửi, đến xông vào đánh nhau xé quần xé áo, rồi bị đưa lên sở Cảnh sát, đi đường vẫn không thôi, v.v…; trông rõ ra cái cảnh tượng các chợ hàng rau hàng cá, và rõ ra cái tâm lý các chị hàng rau hàng cá ở bên mình. Thế mới biết kẻ bình dân ở nước nào cũng vậy, trình độ như nhau cả. Các xã hội, các dân tộc hơn kém nhau là ở một số ít người trung lưu thượng lưu, còn trong dân gian thời đâu cũng như đâu vậy. Tôi thường đi chơi ngoài bến, đi chơi những xóm xa, thấy cách sinh hoạt làm ăn của bọn lao động, đại khái cũng không khác gì ở bên mình. Duy có một điều hơn, là thường thường họ không lam lũ lắm bằng người mình; làm ăn khó nhọc đến đâu, ngày chủ nhật cũng có được cái áo sạch sẽ đi chơi các phố phường, các công viên, hoặc ra ngoài giao dã. Tuy vậy, còn có một cái tật này cũng nguy, là tật uống rượu. Một thành phố Marseille, không biết mấy nghìn nhà bán rượu, gọi là bars, thường thường không có chỗ ngồi, khách qua đường vào mua cốc rượu đứng tợp một hơi rồi ra; ấy là không kể những nhà cà phê lớn, có bàn ghế hẳn hoi, cho khách lịch sự ngồi, vừa hút thuốc đọc báo, vừa nhắp cốc rượu hay cốc nước để tiêu khiển, quanh mình lại những ả mày ngài ngồi chờ “mệnh lệnh”, hạng cà phê đó cũng đến mấy trăm sở. Không biết trong một ngày thành phố Marseille dùng hết mấy mươi vạn chai các thứ rượu nước. Tưởng chất đống lên có lẽ cao “bằng mấy đầu người”.
Thứ ba, 18 tháng 4, 1922
Xem nhà “Thương nghiệp công quán” (la Bourse) thành Marseille. Nhà này ở đầu đường Canebière, là của Hội Thương mại (Chambre de Commerce) thành Marseille dựng ra tự năm 1852 đến năm 1860. Nhà lầu nguy nga; ngoài hiên đi vào, hai bên có hai cái tượng đá thật lực lưỡng, là tượng Thần Hàng hải, và tượng Thần Công Thương. Vào trong thời có gian chính giữa rộng thênh thang, tức là chỗ ngày ngày các lái hối đoái (agents de change) đến định giá các giá phiếu (cote des valeurs) cứ tự trưa đến bốn giờ chiều, người đông nghìn nghịt, kẻ xướng người gọi, tiếng om cả nhà, không cảnh gì vui bằng.
Hội Thương mại thành Marseille có đã lâu lắm, tự năm 1650; hồi đầu có mở ra công ti Phi châu (Cie d'Afrique) để buôn bán với các dân Bắc bộ Phi châu, công ti này có từ trước công ti ấn Độ (Cie des Indes) là một hội buôn trứ danh ngày xưa, giao thiệp với ấn Độ và Đông phương, làm môi giới cho nước Pháp khuếch trương thế lực sang cõi á đông về sau này. Hội Thương mại Marseille hồi xưa đã có thế lực lắm, trực tiếp thơ từ với các vua nước Pháp, tự chế binh thuyền chiến hạm để đánh các giặc biển Phi châu. Lại chính hội này đã xướng ra trước nhất đặt Lãnh sự ở các nơi; cái chế độ Lãnh sự bây giờ nước nào cũng có, hồi đầu là khởi điểm tự đó.
Ngày nay các tơ tào [12] của Hội Thương mại cũng to bằng một bộ thự của Nhà nước, và chức Hội trưởng tưởng cũng quan trọng chẳng kém gì các chức quốc vụ tổng trưởng vậy. ấy cái thế lực của các đoàn thể riêng nhiều khi mạnh như thế.
Trong việc tổ chức cuộc đấu xảo Marseille, Hội Thương mại thành ấy cũng có một phần to.
Thứ tư, 19 tháng 4, 1922
Cả ngày hôm nay đi chơi Aix, cách Marseille 36 cây-lô-mét, ở về phía Bắc, đi xe điện mất ngót 2 giờ đồng hồ. Marseille là nơi đô hội buôn bán và chốn hải cảng cho tàu bè các nước đỗ, công nhiên là chỗ thủ phủ của xứ Provence, nghĩa là cả miền Đông Nam nước Pháp; nhưng về đường trí thức thời không có gì cả, chỉ có một trường trung học mà thôi. Phải đi lên Aix mới có trường Đại học, có hai ban văn học và luật học có tiếng lắm; cho nên người ta nói thành Aix là chốn thủ đô về đường trí thức của xứ Provence.
Ở Marseille đến đây, thấy cái khí vị khác hẳn; dưới kia náo nhiệt bao nhiêu thời trên này bình tĩnh bấy nhiêu, rõ ra cái phong vị một chỗ học hành và một nơi cổ tích [13]. Vì tra sử nước Pháp thời thành Aix này chính là nơi người La Mã sang ở nước Gauletrước nhất, là nơi được hưởng thụ cái văn minh La Mã sớm nhất, cho nên ngày nay còn nhiều những di tích về đời bấy giờ, như cầu, cống v.v…
Đi dạo chơi trong thành phố thời buồn dứt vắng tanh, nhưng có cái thú êm đềm tĩnh mịch. Những người ưa yên ổn, cùng những người làm việc bằng trí não, ở Marseille quyết là không được; ở đây thời phải lắm.
Ở giữa thành phố có một cái công trường rộng và đẹp, gọi là “công trường Mirabeau”, hai bên trồng cây, ở giữa có tượng đá và bể nước; ở đầu có tượng Thần Công nghệ và Thần Học vấn, ở giữa có mấy cái bể nước chảy cả ngày, một cái chảy ở cái ôn tuyền [14] ra, nước nóng. Hai dẫy phố hai bên, phần nhiều là những nhà lầu về thế kỷ thứ 17 và 18, có nhiều nhà kiểu đẹp lắm.
Nhưng lạ nhất ở thành Aix, là có một tòa nhà thờ cổ (Cathédrale Saint-Sauveur) và một sở bảo tàng những tấm thảm và đồ gỗ cũ. Nhà thờ dựng tự thế kỷ thứ 11 và 12, qui mô thời cũng không có gì đẹp hơn nhà thờ cổ các nơi khác, duy ở trong có mấy bức tranh cổ của mấy nhà danh họa Hòa Lan về thế kỷ thứ 15 diễn về các tích Thánh, tương truyền là đẹp lắm, và mấy tấm cửa giữa bằng gỗ dẻ tây, chạm nổi tích bốn ông Tiên tri (Prophètes) và mười hai mụ Vu nữ (Sibylles), chạm công tế và tinh thần [15] lắm, cũng thuộc về cuối thế kỷ thứ 15 đầu thế kỷ thứ 16 ngoài có một lần cửa phụ đóng áp kín lấy, muốn xem phải hỏi người thủ tục mở khóa ra mới xem được; cạnh nhà thờ có một cái đạo viện (cloitre) nhỏ kiểu lô-măng (roman), coi cũng cổ kính lắm. Nhà bảo tàng thời ở vào cung giám mục cũ; đấy có một sắp những thảm kiểu Bô-ve (Tapisserie de Beauvais), to bằng mấy chiếc chiếu một, dệt những tích Đông-ki-sốt (Don Quichotte) và những tích truyện cổ đẹp và tinh tế không khác gì vẽ vậy.
Đến 6 giờ chiều mới trở về Marseille.
Thứ năm, 20 tháng 4, 1922
Tối hôm nay lại đi nghe diễn thuyết. Đọc nhật báo thấy có một hội “Thiếu niên Văn sĩ” mới lập, mở một cuộc diễn thuyết về văn chương và mĩ thuật. Đọc lời bá cáo thời như rồng như phượng cả, mà đến nghe thời chán như cơm nếp nát. Diễn giả, hội trưởng, phó hội trưởng, thư ký, cùng các ngài trị sự trong Hội, toàn trạc trong và ngoài hai mươi tuổi cả. Ngài nọ đứng lên giới thiệu ngài kia, ngài kia đứng lên cám ơn ngài nọ, ngài thì đọc lời bá cáo, ngài thì tuyên bài phi-lô [16] “bí beng” một lúc, chẳng biết ngài nào là ngài nào cả, vì toàn là những “danh sĩ” chưa ai từng biết tên bao giờ.
Đến khi diễn giả đăng đàn thời cầm tập giấy đọc một hồi như người tụng kinh, tiếng đã nhỏ mà giọng lại có tật, đọc cứ phều phào, chẳng ai nghe ra cái gì cả. Đọc độ ba khắc đồng hồ xong, thời một người thiếu niên, – chừng là ngài hội trưởng, – lên thay mặt Hội cám ơn diễn giả vừa cho nghe một bài văn hùng hồn như thế! Ngài hội trưởng nói cũng hơi lắp bắp và lời cầu kỳ mà không được thông. Cử tọa vỗ tay một hồi lâu… (cơ trong đó chắc có nhiều quan viên hàng hội và bè bạn của diễn giả).
Đoạn rồi, mấy ngài thiếu niên văn sĩ nữa lên sân khấu ngâm thơ, ngài thì ngâm thơ cổ, ngài thì ngâm thơ tự mình làm, vừa ngâm vừa đánh đàn, vừa uốn éo làm bộ làm dạng, lại “bí beng” một hồi nữa rồi tan cuộc.
Có người ngồi bên tôi ghé tai nói: “Bọn này họ muốn bắt chước phường hát bội mà bắt chước không nên thân…”.
Coi đó thời biết không những ở nước ta, mà ở quí quốc cũng có hạng văn sĩ đặc biệt đó. Song nghe nói ở Marseille này là chỗ buôn bán phồn tạp văn học không có gì, nên những hạng ấy mới xuất lộ ra được, chứ ở Paris thời giống đó không thể có được, vì nếu có mọc mầm ra cũng bị người ta cười mà phải thui đi.
Thứ bảy, 21 tháng 4, 1922
Ông X. là người đồng xứ ta, có mời các phái viên họp để bàn chuyện lập một hội thân ái người Pháp và người Nam ở Marseille. Tôi không hiểu ý ông lập hội để làm gì, vì phần nhiều người An Nam mình chỉ ở đấy trong mấy tháng đấu xảo, rồi về, còn hội học sinh thời ở Paris nghe đã có đặt rồi. Hỏi ông đến hội Paris thời ông nói mục đích không giống. Thế thì mục đích ông muốn gì? Nghe ông nói không được phân minh lắm. Có người nói ý ông là muốn đặt riêng một hội để bầu ông làm hội trưởng cho nó tăng thêm cái giá trị riêng của ông. Nếu thế thì cái tính hiếu danh, cái thói “dĩ công vi tư” của người mình, dẫu sang đến đất văn minh cũng không quên hết. Song, dù thế nào cũng là người đồng quận, nên ông mời cũng phải ừ ào cho xong chuyện, ông bảo đóng tiền cũng xin vâng, nhưng anh em mình ai cũng có ý lạnh nhạt, xem ra ông giận, trách rằng không có bụng nhiệt thành về việc công. Nhưng chẳng hay việc là việc công, hay việc tư, nhỉ?...
Buổi chiều hôm nay lại đi nghe diễn thuyết. Một ông thày kiện diễn về ông Mirabeau là một nhà hùng biện về đời Cách mệnh nước Pháp. Nhưng bài diễn thuyết thời không được hùng biện lắm. Thày kiện mà nói thế thì cũng tầm thường quá. Nhưng mà ở đâu chẳng có người tầm thường; chỉ phiền là tầm thường mà không tự biết rằng tầm thường mà thôi.
Chủ nhật, 23 tháng 4, 1922
Hôm nay có thi ngựa. Nhân đi xem thi ngựa, vào nơi công viên Borély, dạo chơi trong vườn và xem nhà bác cổ quán [17] Borély ngót nửa ngày. Nơi công viên này là chỗ nhàn du rất thú vị của người Marseille. Rộng ngót năm mươi mẫu tây, chia làm ba phần: phần chính giữa, ngay nhà bác cổ quán (xưa là một cái biệt trang có tiếng ở Marseille) trông ra là cái “vườn kiểu Pháp” (jardin francais), đặc sắc là ngang bằng sổ ngay, hai bên hai dẫy ngô đồng lá sửa thẳng như đường kẻ, giữa những tấm cỏ, những bể nước, đứng trên sân nhà bác cổ nhìn ra thấy cực mục như một cái thảm gấm ngũ sắc, hai bên có hai cái rìa xanh um, trông cũng có khí tượng [18] lắm; người ta nói ở Paris, còn có nhiều cái “vườn kiểu Pháp” đẹp hơn nhiều; - bên hữu là trường thi ngựa; – bên tả là cái “vườn kiểu Anh” (jardin anglais), đặc sắc là âm u khuất khúc, như các hoa viên của Tàu, có bụi rậm, có thác nước, có đình tạ, có hồ kiều, có lối đi quanh quất dưới bóng cây, thật là: Có cây có đá sẵn sàng, có hiên "Lãm thúy" nét vàng chưa phai. Vườn kiểu Pháp thời sáng sủa mà có khí tượng, vườn kiểu Anh thời u sầm mà có phong thú [19], hai kiểu cùng đẹp cả mà theo ý tôi thời ưa riêng kiểu Anh, nên vào nơi biệt tịch trong vườn, ngồi dưới bóng cây, trên phiến đá, đến giờ lâu không thấy chán. Có một chỗ thú nhất, là cái rừng thông nhỏ, trong có ghế đá ngồi, giữa có cái tượng đá ông Puget là một nhà điêu khắc có tiếng ở Marseille tự thế kỷ thứ 17, tượng hình đứng, tay cầm cái búa và cái đục, mắt như đương ngắm nghía cái gì, dưới tượng có khắc một câu rằng: “Đá cẩm thạch trông thấy ta phải rùng mình” (Le marbre tremble devant moi), nghĩa là cái tay ông chạm khéo đến nỗi phiến đá trông thấy cũng phải rung động, câu ấy tưởng cũng có ý tứ lắm vậy.
Thứ tư, 26 tháng 4, 1922
Hôm nay tàu André Lebon ở bên ta sang, có ba ông phái viên Bắc kỳ ta là ông Phạm, ông Hoàng và ông Nguyễn cũng sang chuyến này. Tàu chuyến này lại đỗ tại ngoài bến Pinède, là bến xa hơn nhất. Ra đón các ông, hỏi chuyện đi tàu, chuyện nước nhà, anh em gặp nhau vui vẻ lắm.
Thứ năm, 27 tháng 4, 1922
Nghe diễn thuyết của bọn học sinh thuộc về đảng “Quốc gia hành động” (étudiants d'Action française). Đảng này ở nước Pháp, tuy số ít người, mà thế lực mạnh lắm, vì đảng nhân có kỷ luật và lãnh tụ là những người giỏi cả, nhất là hai ông Charles Maurras và Léon Daudet, cùng làm chủ bút báo Action française ở Paris. Đảng này chính là đảng quân chủ ở Nghị viện, thuộc về bên hữu, chủ ý là muốn lấy quân chủ thế vào dân chủ, nhưng hiện chưa thực hành được thời hẵng hết sức bảo thủ những nền nếp cũ trong nước, và thứ nhất là công kích đảng quá khích làm loạn. Tuy cái chủ nghĩa quân chủ thật là trái với phong trào dân chủ đời nay, cho nên nhiều người không phục thật, nhưng mà cái chủ nghĩa duy trì trật tự, bảo tồn quốc túy thời nhiều người lấy làm ưa, và từ khi chiến tranh chi hậu, quốc dân theo về đảng này càng ngày càng thấy nhiều. Nhưng xét ra đảng này có thế lực, phần nhiều là nhờ cái tài cổ động của hai người lãnh tụ trên kia, hai ông viết báo thật hay, dẫu ai không phục cái chủ nghĩa của hai ông cũng phải chịu hai ông là người không tầm thường. Cách cổ động khéo lắm, chú ý nhất là bọn học sinh các trường, nhất là các trường trung đẳng và cao đẳng, vì biết rằng tương lai nước nhà là ở bọn đó. Ông Maurras vốn là người ở gần Marseille, nên đảng nhân ông ở tỉnh này nhiều; học sinh các trường cũng họp thành một nhánh nhỏ. Bữa nay là bọn học sinh họp nhau lại để diễn thuyết về cái chủ nghĩa “quốc gia hành động”, nghĩa là vì nước mà hành động, tức là cái chủ nghĩa ái quốc, nhưng ái quốc một cách hoạt động vậy. Tuy là những người thanh niên cả, nhưng coi ai cũng có vẻ nhiệt thành về một cái chủ nghĩa cao thượng, nên lời nói thiết thực, không có phiếm [20] như bọn văn sĩ nỏi [21] mình mới nghe diễn thuyết hôm nọ. Người có chủ nghĩa với người không có chủ nghĩa, không cứ người già hay người trẻ, coi cái thái độ, sự hành vi có khác nhau lắm.
Thứ bảy, 29.4.1922
Nhà “Pháp-Việt phạn điếm” (Restaurant franco-annamite) trong đấu xảo khai trương, có làm tiệc mời các phái viên đến dự vui vẻ lắm. Nhà này là của mấy người Tây buôn ở Sài Gòn lập tại trường Đấu xảo để dọn cơm An Nam cho người Tây dùng. Người Tây nếm cơm An Nam nhiều người khen ngon; thứ nhất là khen nước mắm của ta, nói rằng trong các thứ nước chấm không gì bằng nước mắm (đây là nói thật nước mắm Phú Quốc, không phải những thứ pha phách như ngoài Bắc ta). Thế mới biết: “Bụt nhà không thiêng”, đồ ăn của mình, mình cứ khinh thường, mà người ta lại lấy làm trọng.
5 giờ chiều hôm nay có cuộc diễn thuyết to ở nhà “Vạn quốc kịch trường” (Théâtre des Nations). Cuộc diễn thuyết này là do Hội “Liên hợp các hội đảng lớn nước Pháp” (Union des grandes Associations françaises) tổ chức, không những ở đây, ở khắp các tỉnh thành trong nước Pháp nữa. Diễn giả kỳ này là quan Đại tướng Mangin ở Paris xuống. Đại tướng là một tay võ tướng đã có công to trong cuộc chiến tranh vừa rồi, nhất là trong khi chống giữ thành Verdun. Từ khi chiến tranh xong thời ngài được Chính phủ đặc phái đi diễn thuyết ở các nước phía Nam châu Mĩ, đi đến đâu cũng được hoan nghênh lắm. Lại thường viết bài trong các báo chí bàn về việc hành quân trong khi chiến tranh, nghị luận tự do, khám phá được nhiều điều u ẩn và cải chính được nhiều việc sai lầm, thực đã giúp được nhiều tài liệu quí báu cho nhà sử học sau này nghiên cứu về cuộc chiến tranh vừa rồi. Trong quân đội ngài có tiếng là một bậc mãnh tướng, quả quyết và can đảm lắm. Trước khi chiến tranh thời ngài đã phần nhiều lập công ở các thuộc địa châu Mĩ, biết cái tính chất hiếu võ của những dân da đen ở các thuộc địa ấy (nhất là dân Sénégalais), nên đã một hồi ngài xướng lên cái thuyết nên lập một quân đoàn bằng người da đen để giúp việc phòng bị cho nước Pháp. Ngài thường nói: “Nước Pháp không phải là một nước chỉ có 38 triệu người mà thôi đâu, nước Pháp chính là một nước có một trăm triệu người đó”, là có ý kể cả số người các thuộc địa vậy. Coi đó thời biết cái tính cách của người diễn thuyết hôm nay thế nào. Đại tướng Mangin chính là một người nhiệt thành về cái “đế quốc chủ nghĩa” đó, nghĩa là muốn khuếch trương thế lực nước Pháp cho rất to rất mạnh, khiến cho thành một cái đế quốc lớn trên thế giới. Ngài là một ông võ tướng, có cái tư tưởng hùng cường thế, cũng không lấy gì làm lạ vậy. Nay ngài ra diễn thuyết, ta thử nghiệm xem người đến nghe đối với ngài thế nào, thời tức là dò được cái dư luận nước Pháp đối với cái chủ nghĩa ấy thế nào vậy.
Một cuộc diễn thuyết của một hội lớn như thế tổ chức thì chắc là chỉnh bị lắm. Trong ngoài cảnh sát rất là nghiêm ngặt, vì đại tướng cũng là một bậc yếu nhân của Nhà nước, vả lại trong số những người đến nghe, các quan to ở Marseille và các trọng yếu nhân vật cũng nhiều. Người vào nghe phải mất tiền mua vé trước, tùy hạng ngồi, như mua vé xem hát vậy. Nhà kịch trường kể cũng đã rộng, mà người ngồi các hạng chật hết cả, kể có tới hai nghìn con người.
Đại tướng diễn thuyết về “nguyên nhân và kết quả sự chiến thắng của Đại Pháp”, đại khái tán dương cái công của nhà quân đã thu hoạch được sự chiến thắng ấy. Bọn quân nhân và bọn trung lưu xã hội đến nghe nhiều lắm, cho nên đến những đoạn tán dương như thế thì vỗ tay như pháo ran. Ngài nói cũng bình thường, không lấy gì làm hùng biện lắm; xét ra vỗ tay phần nhiều vì người hơn là vì lời nói.
Nói độ chừng một giờ đồng hồ, đọc bài viết sẵn, chớ không phải ứng khẩu nói. Nói đến chỗ “nước Pháp là một nước có trăm triệu người”, cử tọa vỗ tay một hồi lâu. Cứ xem như thế thì phần nhiều người nước Pháp còn ưa cái “quốc gia chủ nghĩa” lắm. Cái phong trào quá khích mới, tuy cũng có nhóm lên nhiều nơi, nhưng ngoài bọn lao động, trong dân gian ít người theo. Xét như một cuộc diễn thuyết hôm nay thì đủ làm minh chứng vậy.
Duy đến khi diễn thuyết xong, đại tướng dời nơi kịch trường lên xe hơi đi, thời thấy ngoài phố lao nhao, người túm đông túm đỏ, cảnh binh chạy tấp nập (lúc này trông mới biết lính cảnh sát nhiều), không ai hiểu là chuyện gì, vì người đông quá. Nhìn kỹ ra thì thấy cảnh binh đương nắm bắt một người mà người ấy chống cự, không chịu cho bắt. Người đứng xem, kẻ nói ra, kẻ nói vào, kẻ thì bênh người ấy, kẻ thì nói nên bắt; sau thấy tha, và người ấy lại tự do đi như thường. Hỏi ra thì đâu là người thuộc về đảng quá khích, khi đại tướng ở nhà hát ra có lên tiếng thóa mạ, và muốn chạy lại xâm phạm vào người, nhưng bị người ta đẩy ra. Sau nghe đâu xét trong người không có khí giới, nên cảnh sát cũng tha. Lại xét một việc này thì biết cái phong trào quá khích cũng nhom nhóm trong dân gian vậy.
Thứ tư, mồng 3 tháng 5, 1922
Đến thứ bảy này thì quan Giám quốc Millerand [22] đi kinh lược ở Bắc Phi châu về, sẽ đến Marseille. Nên mấy ngày nay trong thành phố sửa soạn đón tiếp ngài. Gần nhà trọ mình có làm cái bài phường, chăng đèn điện, tối thắp đẹp lắm. Mấy bữa nay đi chơi phố buổi chiều vui vẻ lắm. Nước này là nước dân chủ, mà sửa soạn đón ông Giám quốc cũng linh đình tấp nập như người ta đón ông quân chủ vậy.
Trong đấu xảo mấy hôm nay cũng thấy làm riết. Vì đến chủ nhật quan Giám quốc sẽ vào xem đấu xảo. Bọn mình cũng phải sắp sửa áo gấm để hôm ấy ra nghênh tiếp đây! Chắc là sẽ trọng thể lắm.
Thứ năm, 4.5.1922
Chiều hôm nay lại đi nghe diễn thuyết. Ở Marseille này, người diễn thuyết hay thì ít, nhưng cái phong trào diễn thuyết coi ra thịnh. Từ bữa mình đến đây tới giờ, đi nghe không biết mấy lần rồi; ấy là chưa đi được khắp đấy. Nếu cứ xem nhật trình mà đi cho hết thì không tối nào không, mà có tối đến hai ba nơi cùng diễn một giờ.
Bữa nay là cuộc diễn thuyết của Hội “Nữ quyền” (Ligue française pour le droit des femmes). Diễn giả là một bà thày kiện nói về vấn đề “cần phải cho đàn bà làm quan thẩm phán”. Đàn bà đến nghe đông lắm. Cả tòa trị sự hội toàn là đàn bà hết. Hội trưởng hay là trưởng chi hội ở Marseille là một bà cụ đã già, trông đạo mạo, đứng lên trước giới thiệu bà diễn thuyết cho người đến nghe, nói rõ ràng và mạnh bạo, ra người thông thạo và có tài ngôn ngữ.
Rồi đến diễn giả nói trong một giờ đồng hồ. Diễn giả vốn làm thày kiện, nên pháp luật thuộc và biện bác giỏi lắm. Nói thong thả mà rõ ràng. Thường nhận ra đàn bà diễn thuyết bao giờ cũng rõ ràng thong thả, ít khi hùng hồn được như đàn ông, nhưng thường dịu dàng dễ nghe; đó cũng là sự tự nhiên, song xem đó thì biết đàn bà diễn thuyết về mĩ thuật văn chương có lẽ hay hơn về chính trị pháp luật.
Ghi chú:
[1] Xem kỹ ra.
[2] Lời nói khéo, nhan sắc đẹp.
[3] Dùng lưỡi để chiến đấu.
[4] Tức Phan Chu Trinh.
[5] Hò reo, lay động, ủng hộ.
[6] Tức nạo thai.
[7] Hỏi cho ra những nghĩa khó.
[8] Tức Nguyễn Văn Vĩnh.
[9] Đi lính.
[10] Khả năng tài chính.
[11] Thượng thư: Bộ trưởng.
[12] Có thể hiểu: các cơ quan.
[13] Địa điểm có ý nghĩa lịch sử.
[14] Nghĩa đen: ôn: ấm, tuyền: suối.
[15] Chạm trổ kỹ càng và có sức biểu cảm.
[16] Nói bằng ngôn ngữ triết học.
[17] Một loại bảo tàng.
[18] Gợi không khí riêng.
[19] Ý vị thanh nhã.
[20] Trôi nổi, không đâu vào đâu.
[21] Một từ cổ, ngày nay không thấy ghi trong các từ điển. Riêng Từ điển Việt - Hán ghi là mới nổi lên (tân khởi).
[22] Tổng thống Pháp 1920-1924.
Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 4
V.
Marseille, thứ bảy, 6.5.1922
Chiều hôm nay quan Giám quốc Millerand đi kinh lược ở Bắc Phi châu về, đến Marseille, dân thành Marseille đón long trọng lắm. Người ta thường nói nước Pháp là nước dân chủ mà vẫn còn cái nghi vệ di truyền tự đời quân chủ, thật thế! Cứ xem cách nghênh tiếp ông quốc trưởng như nghênh tiếp một ông vua thì đủ biết. Song xét ra chỉ có cái nghi vệ trang nghiêm để cho tráng quan chiêm [1] và trọng sự thể mà thôi, chớ trong dân gian không có cái lòng sùng bái ông quốc trưởng như người Đông phương ta mê tín ông vua vậy. Tối hôm nay các phố phường trưng đèn đẹp lắm, trưng để đón mừng ông Giám quốc thì ít mà nhân tiện để cáo bạch chiêu hàng thì nhiều. Các tòa, các sở, các nhà buôn được nghỉ cả, nên người đi chơi đi xem đông lắm. Mình cũng đi lẫn với bọn họ xem cái thái độ họ thế nào và họ bình phẩm làm sao. Phần nhiều người thời cũng có cái tính háo hức như người mình, thấy người ta đi xem cũng đi, mà vị tất đã xem thấy gì, chẳng qua là “người xem người” mà thôi. Mà xem thấy nữa, thì bất quá thấy một ông mũ cao áo dài, ngồi xe tứ mã, cũng không có gì lạ hơn. Thế mà nhiều người nô nức, chen nhau cho cố xem lấy được. Cho hay cái tính “ngơ ngáo” (tiếng Tây gọi là badaud [2]) thật là một cái thông tính của kẻ bình dân, nước nào cũng vậy. Như bên mình, mà bên này cũng thế, có đám đánh nhau, đám to tiếng, bao nhiêu đàn ông, đàn bà, trẻ con, người lớn, chạy lại đông như kiến cỏ; để làm gì? để xem; xem cái gì? nhiều khi không biết! Đám đánh lộn còn vậy, huống chi là quan Giám quốc. Nghe những người đi xem họ nghị luận với nhau mới biết rằng tuy có nô nức hiếu kỳ như thế mà người ta không có cái lòng sùng bái kẻ quan quyền như người mình. Thường nghe thấy người nói: “Quan Giám quốc là gì? Quan Giám quốc cũng là người như mình, cũng là một kẻ công dân như mình, chớ gì?”.
Quan Giám quốc đi đến đâu, có quân đội và cảnh binh hộ vệ đến đấy, để phòng sự bất kỳ, vì người bên này họ tự do lắm, không biết sự xẩy ra thế nào. Vả quan Giám quốc chẳng qua là người một đảng, dẫu đảng ấy số nhiều mà đắc thế, còn đảng khác số ít mà thất thế, ở một nước tự do bình đẳng, sự đảng tranh nhiều khi kịch liệt lắm. Không những ông Giám quốc cần phải phòng bị cẩn mật, mà ông thủ tướng, ông thượng thư, cùng các yếu nhân trong chính giới, quân giới, v.v... đều như thế cả. Ở các xã hội Tây phương, sự mạo hiểm cũng như sự hoạt động, là cái tư cách người ta ai cũng phải có.
Chủ nhật, 7.5.1922
Bốn giờ chiều hôm nay quan Giám quốc vào trường Đấu xảo xem. Bọn mình cũng phải mặc áo đẹp ra đóng vai mất ít lâu; nhưng không khó nhọc gì, chỉ phải đứng dưới thềm trước cái sân lớn sở Angkor, khi quan đến thời cúi đầu chào, thế mà thôi.
Quan Giám quốc đi cùng với quan Thượng thư Sarraut. Khi đến trước bọn mình thời quan Thượng thư giới thiệu: “Đây là các thân hào Việt Nam”, quan Giám quốc bắt tay vài ba người, bọn mình cúi chào, rồi các quan tiến lên, bọn mình lui về, thế là xong chuyện. Nhưng khi về nước nhà, thuật lại với bà con, cũng được cái hãnh diện rằng đã được bắt tay quan Giám quốc!
Chín giờ tối, trong trường Đấu xảo làm hội đêm để mừng quan Giám quốc. Trưng đèn điện thật nhiều, rất là rực rỡ. Người đến xem có tới mấy vạn con người, trường Đấu xảo đã rộng như thế mà chỗ nào cũng đông nghìn nghịt.
Hội mở ở trước sở Angkor; hai bên bắc đèn chiếu thật mạnh, chiếu sáng vào nơi sở chính, lộng lẫy như một cái cung thủy tinh. Chung quanh những cây cao bóng tối, đèn điện lấp lánh như sao điểm, người xem chật ních như nêm cối, tiếng người nói, tiếng kèn thổi, ồn ào rộn rịp, giữa đột lên một đám sáng rực như thế, thật cũng là một cảnh li kỳ, như cái cung điện trong mộng đem đến giữa chốn phồn hoa vậy.
Trên cái sân lớn, hai bên có đặt ghế cho người xem ngồi, chỉ người nào có giấy mời riêng mới được vào. Đúng 9 giờ, xong tiệc ở trong “Sở máy”, quan Giám quốc, các quan văn võ cùng các khách mời đến giải tọa ở đấy. Đèn chiếu mở sáng thêm, cảnh tượng lại rực rỡ hơn. Sân cao hơn mặt đất, đứng trên trông xuống, cực mục như một cái bể người, nhấp nhô như những làn sóng.
Được một lát, thấy im phăng phắc, lặng như tờ, như ai nấy đều ngưng thần chú ý để đợi một sự gì lạ, mà sự lạ ấy sẽ ở đâu trong đám tối sau cái cung thủy tinh kia mà ra. ĐÃ nhận phàm cảnh gì xuất hiện ban đêm cũng có cái vẻ li kỳ huyền bí; dẫu cảnh rất tầm thường cũng vậy. Không trách đời cổ sơ cho đêm là cái đại bí mật, là cái phần thời gian thuộc về những giống khác giống người, những giống lị vị võng lưỡng [3] gì, cho nên sự gì xẩy ra ban đêm cũng khiến cho người ta rùng mình chột dạ. Như tiếng gió thổi trên ngọn cây, tiếng sếu kêu giữa khoảng trời, ban ngày mấy ai để tai nghe, để ý nhận, mà đêm đến thời thành những tiếng phong thanh hạc lệ [4], làm cho người ta lạnh lẽo trong lòng…
Chợt nghe thấy một hồi quân nhạc, rồi đến thứ kèn thổi giục, nghe thật lạ tai, không biết là hiệu kèn gì. Hỏi ra mới biết là kèn Ả-rập. Ai ai cũng ngóng trông về phía tiếng kèn, mà chưa thấy gì cả. Bấy giờ lại lặng lẽ hơn lúc trước nữa. Được một lát thời mới thấy những đèn những đuốc tự đàng xa ngổn ngang kéo lại, đi tự dưới chân sở Angkor mà tiến lên, trước còn mập mờ chưa nhận rõ là gì, sau lên đến trên sân, trước ánh đèn chiếu, mới biết là một đám rước kiểu mới. Có lẽ người đứng đàng xa, tận bên dưới mà trông, còn đẹp hơn nhiều. Đám rước này là rước các thuộc địa diễn chào trước mặt quan Giám quốc. Nào là da đen, da vàng, hung hung, nhuôm nhuôm, đủ các sắc người, đủ các giống người, người Arabes, người Marocains, người Malgaches, người Sénégalais, người Annamites mình đi sau cùng cả, giống nào có cái trò gì lạ thì phô ra hết.
Trông thật cũng vui mắt, và vào địa vị người quí quốc, vào địa vị quan Giám quốc ngồi chủ cuộc diễn kịch này, tưởng ngoài cái cảnh vui con mắt, lại còn có một cái tư tưởng rất tự hào ở trong lòng, tự hào mình là một cường quốc, dưới chân biết bao nhiêu dân tộc phải thần phục. Nhưng vào cái địa vị mình đứng đấy thời cái quan cảm nó phiền phức lắm, khó nói ra được. Trong người các giống kia trẩy trước mắt, quên đi cũng lấy làm vui, nhưng gần đến lượt người giống mình, thời trong lòng như có ý nơm nớp sợ… sợ không biết người mình sẽ bày cái trò gì cho người quí quốc xem, mà sợ nhất là trông thấy những ông mặc áo rộng vái huyên thiên, thì đến chết mất! Bấy giờ trống ngực đánh thòm thòm, như nghẹn đến cổ. May sao! Đến lượt người mình thời chỉ có rước một cái kiệu thần không, với mấy cái tàn quạt và trống chiêng, còn theo sau thời có… phường hát bội của ông Lương Khắc Ninh!...
Thứ hai, mồng 8 tháng 5, 1922
Gặp ông K., cùng với bà vợ mới ở Montpellier lại.
Ông là người Nam kỳ, sang học luật khoa ở bên này, lại có đem cả bà theo. Người có tư tưởng lắm, tôi quen biết từ năm xưa, hồi về chơi Nam kỳ hơn một tháng. Trong anh em cho ông là người có chí. Bà lần này tôi mới biết, coi cũng ra người thông tuệ. Cùng ông bà ăn cơm An Nam ở “Pháp-Việt phạn điếm” trong trường Đấu xảo, nói chuyện giờ lâu. Trong bọn đồng bào mình ở bên này, ít gặp ai có thể nói chuyện được như với ông, vì ông cũng có cái tư tưởng về việc đời vậy. Không những ít gặp người đồng chí, mà trong bọn nghe đâu lại có mấy kẻ rất khả ố, là cái giống trành [5]. Thật nhiều khi riêng giận một mình mà không thể không than rằng người Việt Nam mình hèn thật: chỗ nào có đến mười người An Nam là ở trong có một người thuộc về cái giống đê mạt ấy. Nhưng họ làm cái nghề ấy, mà thường dốt nát, có biết gì đâu.
Thứ ba, mồng 9.5.1922
Mình ở Marseille đã lâu rồi, nóng ruột muốn lên Paris. Sau cuộc nghênh tiếp quan Giám quốc, định lên ngay, nhưng nghe nói có quan Toàn quyền Long ở bên Đông Dương sắp sang, nên đình lại mấy ngày nữa, đợi cùng anh em đón ngài rồi mới đi. Nhưng ở Marseille đã thấy chán rồi. Người ở đây những kẻ trí thức xem ra ít, phần nhiều là những hạng doanh nghiệp cả, ít quen biết được người hay. Còn cái xã hội An Nam mình ở trong Đấu xảo, kể số người cũng khá đông, nhưng mà bác tạp lắm, vả tính cách cũng như bên mình, cũng những cách vận động, cũng những lối úp mở như thế, dẫu đi xa, vẫn giữ cố thái [6]; giao du thật không có thú gì.
Hôm nay đi chơi Château d'If, là một cái thành cổ, ở trên cái đảo nhỏ, ngoài bể, cách Marseille mấy dặm. Ra bến Canebière đã có sà-lúp sẵn, chạy chừng nửa giờ thời đến nơi. Ra đến bể, trông vào trong bến lố nhố những thuyền tàu, trong phố chồng chất những nhà cửa, thật là vui mắt.
Tra trong sách, đảo If này có 290 thước dài, 168 thước ngang, và 850 thước quanh. Tàu đỗ trước một con đường nhỏ sẻ vào trong đá. Đường gồ ghề khúc khuỷu, trèo lên thời tới thành, đấy có mấy cái nhà trước dùng làm trại lính, sở pháo binh và kho thuốc đạn; bây giờ có một hàng cơm cho khách du lịch nghỉ ngơi ăn uống.
Lạ nhất là cái lâu thành (le donjon), ngoài có một cái cầu cất (pont-levis), có khắc chữ năm 1592, là năm dựng ra thành này. Trông địa thế thời hình vuông, nhưng bốn góc có bốn cái tháp tròn, ba cái bằng nhau, còn một cái về phía tây vừa cao vừa tròn hơn.
Thành này dựng ra chủ ý để dùng làm ngục giam của Nhà nước; khác nào như thành Bastille (Tàu dịch là Ba-ti-đích) ở phương Nam vậy. Chính tay vua François thứ I đặt viên đá thứ nhất ngày 20 tháng 12 năm 1524, dưới viên đá ấy có đặt một lọ dầu, một lọ rượu và một hộp sắt đựng lúa mì và một mảnh da đề ngày tháng khởi công. Năm ấy vua François thứ I ngự du Nam phương để cám ơn dân Marseille đã có công giúp đánh được kẻ thù của vua là quận công Bourbon. Dân mở hội mừng vua, đặt ra một cuộc hải chiến, giả lấy quả cam làm đạn ném; vua chơi đùa vui vẻ lắm, sau về Paris vẫn còn nhớ buổi hôm ấy, trong sử còn ghi chép.
Ngày nay thành If không còn dùng gì về việc quân phòng nữa, thiên hạ ai ai muốn vào xem cũng được, ngày thường phải một quan, chủ nhật và ngày lễ 0f.25. Có người lĩnh trưng phát vé thu tiền ở đấy, mỗi năm phải nộp vào công quĩ Nhà nước 30.075 quan, như thế thì hơn bù kém số người đến xem mỗi năm trung bình cũng được từ 5 đến 6 vạn người.
Ở trong lâu thành coi cũng buồn rứt như các nhà ngục khác; ở giữa có một cái sân vuông cũng khá rộng, chung quanh có 14 cái ngục tối, bây giờ mở rộng ra hơi có chút khí trời và ánh sáng, chớ xưa kia thời có lẽ không khác gì cái hầm chôn người sống vậy.
Năm cái ngục ở từng dưới, vào xem đấy trước. Có hai cái tương truyền là Edmond Dantès và cố Faria trong bộ tiểu thuyết trứ danh đề là Bá tước Monte Cristo của ông Alexandre Dumas, bị giam ở đấy, một người 14 năm, một người 18 năm.
Cứ xem tường dầy như thế, ngục sâu như thế, thời biết những người phải giam ở đấy khổ biết chừng nào! Những người nào đã đọc bộ tiểu thuyết của ông Dumas rồi mà đến xem đấy, thật không khỏi rùng mình.
Người ta có kể chuyện chính ông Dumas một hôm cao hứng muốn đi xem lại mấy cái ngục ông đã tả trong bộ tiểu thuyết. Bấy giờ coi ở đấy và dẫn khách đi xem có một lão già tên là lão Grosson. LÃo đưa ông đi xem khắp các ngục, đến cái ngục cố Faria, lão chỉ cho ông xem cái lỗ hổng của cố đục qua tường bằng một cái xương cá để thông với ngục Bá tước, thuật y như lời trong tiểu thuyết của ông, rồi nói rằng: “Ông cứ về mua lấy bộ tiểu thuyết của ông Dumas mà xem thì biết hết chuyện.” - Ông Dumas bèn nói: - Chà! Ông Dumas ấy giỏi nhỉ! Thế lão có biết ông không? - Có, tôi biết lắm, ông là bạn thân của tôi. - Ông Dumas nắm lấy tay lão, đưa cho hai đồng tiền vàng, cười mà rằng: - Thế thì ông ấy cám ơn lão nhé! - Lão ngẩn người ra, không hiểu ra làm sao.
Ở cửa ra, về bên tay trái, có một quyển sổ để cho khách du lịch ai muốn biên gì làm kỷ niệm thì biên. Xem những lời biên trong ấy, nhiều câu lạ lắm. Có một câu như sau này của ông nghị viên Clovis Hughes biên ngày mồng 4 tháng 9 năm 1894, tưởng đủ diễn được cái cảm giác chung của khách du lịch đến xem đây; lời rằng:
“Thành này từ xưa đến giờ vẫn dùng làm chốn lao lung cho quyền áp chế. Ước gì về sau này chỉ trông thấy cái cảnh tượng lòng bác ái chứa chan trong thiên hạ, cũng như ánh mặt trời chói lọi mặt bể khơi!”.
Ai đến xem đây, khi trở về chắc trong lòng cũng ước ao như vậy.
Thứ tư, mồng 10 tháng 5, 1922
Ăn cơm trưa ở nhà quan cai trị X… Quan ở bên Đông Dương là một tay hách dịch có tiếng, nay hạ cố mời chúng mình thế này cũng đã là nhũn lắm. Nhưng cái không khí đây không giống cái không khí bên mình, đây là thuộc về ôn đới, nên cũng mát mẻ dễ chịu hơn ở nhiệt đới nhiều.
Quan đây có tiếng là người thâm lắm, nhất là đối với bọn quan lại ta. Thấy nhiều ông quan người mình nhu nhược và đê tiện quá, ông cũng tức thay, và thường làm lắm cái thủ đoạn “chơi khăm”, kể cũng “điếng” cho bọn kia, mà bọn kia vẫn không hiểu, vẫn không biết phấn chấn tự cường lên chút nào.
Người Tây thường có tính “hiếu thắng”, nghĩa là mạnh bạo tự cường, muốn cho kẻ khác đối đãi với mình cũng có cái tính ấy; nhưng người Việt Nam ta đối lại, - nhất là trong bọn quan liêu, - thời lại nhu nhược rút rát quá, nói không dám nói lời thẳng, đứng không dám trông ngay mặt, tựa hồ như kính sợ mà kỳ thực là siểm mị [7] một cách đê tiện; người ngoài người ta trông thấy vô nhân cách như thế cũng phải tức thay, tức mà sinh ghét, ghét mà muốn nhục đãi cho xấu hổ để chừa đi, nhưng không biết rằng những kẻ ấy nhiều khi không còn biết xấu hổ là gì vậy.
Nói ra thời mất lòng người mình, nhưng tưởng trong xã hội ta có nhiều thứ người đãi đến thế nào cũng đáng.
Thứ năm, 11 tháng 5, 1922
Sáng sớm hôm nay, 6 giờ 30, tàu Amboise ở Đông Dương sang vừa đến bến. Quan Toàn quyền Long và quan chánh Văn phòng Châtel đi chuyến tàu này. Vậy cùng anh em dậy sớm ra bến Pinèdeđón. Lên tàu chào các ngài, các ngài tiếp chuyện ân cần vui vẻ. Quan Toàn quyền nói ngài chỉ ở Marseille vài bữa, rồi lên Paris ngay để thương thuyết với quan Thuộc địa Thượng thư nhiều việc.
Đón quan Toàn quyền rồi, về trọ sửa soạn hành lý để sớm ngày thứ bảy đi Paris. Trong bọn phái viên có ba ông cùng đi với mình. Mấy người bàn nếu đi thẳng lên Paris luôn một ngày thì nhọc lắm, và không được xem thành phố Lyon, là nơi đô hội thứ nhì của nước Pháp, vậy định hẵng đi từ Marseille lên Lyon, ở đấy mấy bữa, rồi sẽ lên Paris.
Về phần riêng mình thì từ hôm tới Marseille đến giờ nhận được mấy cái giấy ở Paris giục lên diễn thuyết, vậy thể nào cuối tháng này cũng phải có ở Paris, và nếu ở chơi Lyon cũng không thể ở lâu được. Nói đến diễn thuyết, lại càng sốt ruột quá. Mình đã chọn mấy cái đầu bài, định soạn trước từ hôm mới đến đây, vậy mà đã một tháng nay chưa viết được dòng nào cả! Song sang bên này, sao mà thấy thì giờ nó mau thế: ngày nào cũng đi ăn hai bữa, dạo chơi mấy vòng, thế là tối ngày. Tối đến cũng phải tiêu dao phố phường, cho nó biết cái phong vị bên Tây, thành ra không có mấy thì giờ mà nghĩ mà viết cả. Nhưng mình sang đây là để quan sát, phải đi đây đi đó, xem thấy cho nhiều, nếu đến đây mà cũng đóng cửa buồng ngồi làm văn như ở nhà thì còn có ích lợi gì. Thôi, diễn thuyết mặc diễn thuyết bao giờ đến kỳ sẽ hay.
Thứ sáu, 12 tháng 5 1922
11 giờ sáng hôm nay, quan Toàn quyền Long vào xem Đấu xảo. Bọn phái viên ta cũng phải vào đón ngài ở trước sân đình trong phố Hà Nội.
Thôi, lần nghênh tiếp này có lẽ là lần cuối cùng, vì sớm mai mình sẽ dời thành Marseille mà lên Paris, đoạn tuyệt quan hệ với sở Đấu xảo vậy. Mình ở Đấu xảo trong bấy lâu, cũng đã cùng anh em “đấu xảo” được nhiều lần rồi, và có lẽ hình ảnh mấy bác “thân hào Việt Nam” ta cũng đã thu trong kính ảnh, in vào “phim” bóng rồi, một ngày kia sẽ được truyền đi khắp các nước. Bao giờ ảnh chúng mình đem ra chớp bóng ở mấy rạp bóng Hà Nội hay Sài Gòn, cho bà con nước nhà xem, biết mình đi Tây có công cán như thế, bấy giờ mới thật là vẻ vang!
Buổi chiều đi từ biệt mọi người để sáng mai đi sớm.
VI.
Thứ bảy 13 tháng 5 năm 1922 (ở khách sạn Terminus, Lyon)
Sáng hôm nay dậy sớm để đi chuyến xe lửa 8 giờ 30 lên Lyon. Tối hôm qua đã thức khuya sửa soạn hành lý. Hồi ở nhà đi đem một cái hòm (cái rương) lớn đựng quần áo với một cái vali to đựng đồ vặt. Khi lên tàu xuống tàu mới biết rằng lịch kịch bất tiện quá: đi xa không nên đem hòm lớn, nếu có nhiều đồ thời để san ra làm mấy cái vali tiện hơn. Vả cũng không nên đem nhiều đồ quá. Ai cũng tưởng rằng đi xa phải phòng bị cho đủ thứ, nhất là đồ ăn mặc; nhưng mà giá đi những phương xa lạ đâu đâu, chắc rằng không có đủ những thức mình cần dùng, thời phòng bị như thế là phải; chứ đi sang Tây thời cần gì? Chỉ sợ không có nhiều tiền mà sắm đồ thôi, không lo thiếu đồ dùng. Càng kỹ bao nhiêu thời lại càng phiền bấy nhiêu. Như cả ngày hôm qua lo về đồ đạc hòm đũng thời đủ biết. Đành là không thể đem cái hòm lên Paris được, phải gửi lại nhà trọ ở Marseille và mua thêm một cái vali nữa để đựng những đồ cần dùng. Vả những đồ quần áo trong hòm cũng không dùng đến, vì phần nhiều là quần áo An Nam cả, khi ở nhà đi, tưởng sang bên này cứ giữ quốc phục, sang đến đây mới biết rằng không tiện. Mình sang đây là để xem người, không phải cho người xem mình; như vậy mà cứ thướt tha như anh lễ sinh, đi nghênh ngang ngoài đường phố, thời khác nào như làm một cái vật “đấu xảo” giong đường cho người quý quốc xem, nghĩ nó cũng dơ dáng dạng hình quá! Bởi thế nên từ ngày tới Pháp đến giờ, phải bận Âu phục luôn, trừ những khi dự các hội tiệc thời mặc quốc phục cho trọng thể. Còn nhớ mấy ngày đầu mới ăn mặc Tây, rõ phiền quá. Tôi bắt đầu thử mặc tây tự Sài Gòn đi, để tiện xuống chơi các bến tàu đỗ. Hôm xuống Tân Gia Ba là ngày mặc Âu phục lần thứ nhất: hôm ấy trời lại nóng nực, mình quen mặc rộng rãi thênh thang, bây giờ bó buộc như thằng hình nhân, lấy làm khổ quá; nào là quần trong, quần ngoài, nào là áo “sổ mi”, nào là “bờ-lơ-ten” [8]; khổ nhất là đeo cái “phô-côn” [9] cho ngay ngắn, thắt cái “cà-vạt” cho dễ coi.
“Cà vạt” có thứ đã thắt sẵn, chỉ việc cài vào mà thôi; có thứ mình phải thắt lấy. Trước khi mua đã phải hỏi ý các ông sành mặc tây, ông nào cũng bảo rằng thứ thắt sẵn chỉ để cho các ông già dùng, còn người trẻ phải thắt lấy mới là lịch sự. Nhưng khốn quá, mình tập thắt mãi mà nó vẫn cứ nghiêng vẹo, lệch lạc, xô xếch, răn reo, không thấy “lịch sự” một chút nào cả! Cực nhất là lúc tàu đã đến bến rồi, anh em đợi để lên ăn cơm ở cao lâu trên phố, mà mình ở trong buồng cứ loay hoay thắt với buộc mãi không xong, bấy giờ đỏ mặt tía tai lên, muốn quăng cả đi, nghĩ bụng rằng: “Thôi, chẳng tây thì đừng tây, mỗi lần thế này khổ quá”. Sau cũng phải nhờ có tay giúp mới buộc xong. Nhưng mà cho hay muôn sự tại thói quen cả, hôm đầu khó nhọc như thế, đến ngày thứ nhì thứ ba đã thấy dễ rồi; cách một tuần lễ thời buộc cái “cà-vạt”, thấy dung dị như thường, và soi gương coi đã ra vẻ lắm rồi! Khi đến Marseille thời nghiễm nhiên như ông Tây “đặc”, tưởng hình như mình vẫn mặc tây đã mấy mươi năm rồi; không những cách ăn mặc mà dáng bộ cũng hệt: tay bỏ túi quần, tay cầm gậy “can”, không còn ngượng ngập gì nữa. Nghĩ bụng giá bấy giờ cứ thế mà hiện hình về giữa phố Hàng Đào Hàng Ngang Hà Nội thời chắc ai cũng phải cho là một cậu “công tử bột” chân chủng! Lại nghĩ rằng nếu văn mình mà chỉ có thế thôi, thời cũng dễ quá: chỉ mất sáu trăm quan là được cái lốt văn minh như hệt, và theo “mốt” tối tân, các “công tử” nước nhà không sao theo kịp: áo thắt ngang lưng, quần nếp thẳng băng, cổ là bóng nhoáng, giầy sơn đen nháy, lại phủ một miếng da trắng ở trên cho khỏi bụi (thế mới hợp “mốt” năm nay)… Nhưng mà mình vẫn biết đã lâu rằng văn minh không phải ở cái lốt ngoài đó. Chẳng qua là đến đâu phải theo tục đó mà thôi. Nhưng mà có một điều nên biết, là người mình có tính mềm mại, uyển chuyển, không bắt chước người thì chớ đã bắt chước thì cũng chẳng kém gì ai, nhất là về cách ăn mặc, có khi người mình ăn mặc tây lại còn óng ả riêm rúa hơn nhiều người quí quốc…
Vậy bao nhiêu hành lý để cả Marseille và chỉ đem hai cái vali đựng quần áo tây với mấy bộ quần áo An Nam để phòng khi dùng đến; còn thiếu cái gì, lên Paris sẽ mua.
Tự Marseille lên Paris, nếu đi luôn thì tự 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm tới nơi, hai bữa ăn ở trên xe lửa cả. Nhưng đi thế nhọc, vả cũng không vội gì mà phải đi như thế. Bèn định đi làm hai độ: hẵng tự Marseille lên Lyon trước, ở chơi đấy vài ngày, rồi sẽ đi lên Paris sau. Vậy mấy bữa trước đã lấy vé xe lửa lên Lyon rồi, vì ở đây định đi chuyến xe nào về ngày nào phải lấy vé mấy ngày trước và dặn người ta giữ chỗ cho, nếu chính ngày giờ ấy mới đến lấy vé ở ga thì không kịp và nhiều khi không còn chỗ. Trong thành phố có đặt ra nhiều sở phát vé trước như thế, người nào đến lấy vé trước, mất một vài quan tiền hoa hồng, thời tuỳ ý trong hạng mình muốn chọn ngồi chỗ nào cũng được, vì thường thường ngồi vào chỗ góc về mặt trông ra ngoài đường thời vừa dựa được và vừa tiện xem phong cảnh hơn là ngồi về bên lối đi (xe lửa bên này có ba hạng và chỗ ngồi sắp đặt cũng như hạng nhất hạng nhì xe lửa bên ta, nghĩa là ngồi một bên và một bên có lối đi, chỉ khác hạng nhất hạng nhì có đệm êm và hạng ba thì không, cũng như bên ta).
Đi tự Marseille lên Lyon, vào hạng nhì, giá chừng 60 quan. Muốn ăn cơm ở trên xe thì sau khi lên xe phải lấy một cái vé giữ chỗ ngồi ăn, giá ăn chừng 10 quan một bữa. Trong xe lửa đã có hai ba cái toa đặt làm buồng ăn, và có bếp nước đủ cả.
Đường xe lửa tự Marseille lên Paris qua Lyon gọi là đường Paris-Lyon-Méditerranée, viết tắt là đường P-L-M) là đường dài nhất và quan trọng nhất ở Pháp, do một công ty lớn kinh doanh. Những chuyến xe chính, nghĩa là đi qua các tỉnh lớn, không đỗ những ga nhỏ, như chuyến 8 giờ sáng chạy Lyon và Paris thì chạy mau lắm, đến 80 cây một giờ, đó gọi là những chuyến xe “thường tốc” (express); lại còn những chuyến chạy thật mau, gọi là “thượng tốc” (rapides), thường chạy ban đêm. Ngoài những đường chính đó, chà chạnh [10] ra hai bên, chằng chịt như mạng nhện, có vô số những đường nhỏ, nối các tỉnh lỵ bé, các huyện, các tổng, các làng với nhau; hạng xe lửa này gọi là xe lửa nhà quê (trains omnibus), chạy chừng 20 đến 30 cây một giờ, đến ga nào cũng đỗ, cũng giống như các xe lửa bên ta.
Tự Marseille lên Lyon đỗ có mấy tỉnh lớn là: Arles, Tarascon, Avignon, Orange, Montélimar, Valence, Vienne, nhưng mỗi chỗ đỗ có mấy phút, không đủ xem gì cả. Duy nhận kỹ cái phong cảnh hai bên đường, thời khi đi chừng được non nửa đường thấy khí vị khác hẳn. Tự Montélimar trở xuống thời khí hậu ấm áp, phong cảnh sáng sủa, đó là thuộc về Nam phương, có cái cảnh sắc riêng của xứ Provence, cũng còn phảng phất như ở Marseille. Nhưng càng đi lên thì càng thấy dịu dần, sắc trời bớt sáng, khí trời bớt ấm, phong cảnh đã hơi có ý đìu hiu; người đãng trí đến đâu cũng nhận biết ngay rằng đã dời đất nam phương mà chuyển lên bắc phương vậy.
Đến Lyon vừa đúng 2 giờ rưỡi chiều. Ngay cạnh nhà ga “Lyon-Perrache” có một cái khách sạn lớn gọi là Hôtel Terminus của công ty xe lửa P-L-M đặt cho hành khách trọ. Mấy anh em đều xuống nghỉ cả đấy. Nhà khách sạn này lịch sự lắm và chỉ nhận những khách đi xe lửa mà thôi.
Nghỉ ngơi một lát, chừng 4 giờ đi chơi phố. Mới ở Marseille lên, thấy cảnh tượng phố phường ở đây lạ hẳn. Lyon là thành phố thứ ba của nước Pháp, dưới Paris và Marseille, thế mà không có cái vẻ sầm uất như ở Marseille. Không phải là thành phố không to lớn, buôn bán không thịnh vượng - đây chính là nơi tổ nghề tơ lụa ở nước Pháp, bao nhiêu những đồ tơ lụa có tiếng của nước Pháp đem bán ở các nước là chế tạo tự đây, xuất cảng tự đây cả, - không phải là dân số ít, - vì dân đây cũng hơn 50 vạn người chẳng kém gì Marseille, - thế mà đến đây có cái vẻ bình tĩnh nghiêm trang, không có phiền náo rộn rịp như ở Marseille. Là bởi cái cảnh tượng bề ngoài với cái tư cách người ta, ở Nam phương với ở đây cách xa nhau lắm. Lyon tuy chưa hẳn là Bắc phương, nhưng đã có cái khí vị Bắc phương rồi. Người Marseille hay nói hay cười, hay ba hoa bả lả, hay ngao du ngoài phường phố, hay tụ tập chỗ đông người, lại hay đùa nhau, bỡn nhau, chửi nhau, đánh nhau, nên trong thành phố lúc nào cũng ồn ào những tiếng người, rộn rịp những xe chạy. Lại thêm trời thường sáng sủa, nắng ráo, ấm áp, bảnh bao, cho nên đầy trong không khí như có cái vẻ vui vẻ tươi cười. Ở Lyon thời thật là khác: người đây trầm tĩnh, điềm đạm, ít nói, ít cười; coi bộ những người đi ngoài phố như ai cũng có việc gì mới đi, chứ ít người đi chơi phiếm. Còn cảnh sắc thời thường u ám, hay có sương mù ở sườn núi mặt sông. Cảnh ấy người ấy làm cho thành phố Lyon có một cái khí vị nghiêm và buồn.
Địa thế thành Lyon đẹp lắm; ở giữa nơi hợp lưu hai con sông Rhône và Saône, chung quanh những núi non xanh rì, nhà lầu chồng chất, trông thật là kỳ tú. Không cảnh gì đẹp bằng đứng trên bờ sông mà ngắm dải trường giang xanh ngắt, trên có hơn chục cái cầu bắc song song. Một bên sông Rhône, một bên sông Saône, bao bọc thành phố như hai con trường xà; những phố phường ở giữa hai sông là nơi đông đúc, đẹp đẽ nhất.
Mấy anh em cùng đi chơi phố, đi bộ từ 4 giờ đến 7 giờ, kể cũng đã nhiều đường đất. Mình từ khi sang Tây đến giờ, được cái đi bộ giỏi. Ở nước nhà, bước bước lên xe, sang đây ra đến cửa phải cuốc bộ, nó cũng quen đi. Nhưng phải biết rằng đi bộ bên này có cái thú riêng, không khổ như bên mình: đường phố rộng rãi sạch sẽ, hai bên hè rộng bằng đường bên ta, cả năm không bao giờ có cát bụi, nắng không có nắng to vỡ đầu, mưa không có mưa dầm lầy lội, như thế mà thủng thẳng cắp cái “can” sau lưng đi dạo các phố phường, khi dừng lại xem các cửa hàng, lúc vui chân theo khách qua lại, lại lúc ngửng mặt nhìn bức phong cảnh, ung dung thơ thẩn, không vội vàng gì, như thế chẳng thú lắm dư? Chẳng bù với bên mình, đường phố đã chật hẹp, lại bẩn thỉu, hai bên đường thời những nước cống chảy đen xì, mùi hôi tanh, cả năm trừ mùa mưa dầm với mùa nắng hạ bước chân ra đường là cái tội, duy có mùa tạnh ráo thời lại là mùa hanh, đi ngoài đường gặp cái xe ô tô chạy qua thời mồm, mũi, tai, mắt như hứng lấy một rổ bụi ném vào; như thế phỏng còn sướng gì? ở đời không có cái thú gì giản dị và rẻ tiền bằng cái thú đi thơ thẩn ngoài đường, ngắm người ngắm cảnh. Cái thú ấy ở nước ta cũng ít khi được hưởng. Ở đây thời sự đi tản bộ ngoài đường phố không những là một cái thú vui, mà lại là một bài học cho khách du lịch nữa, vì trong khi đi thơ thẩn như thế, xem xét được nhiều điều hay, và khác nào như hô hấp sâu được cái không khí riêng của cái nơi mình ở. Rồi sau về nhà hồi tưởng lại, nhớ đến một cái góc phố kia, một cái cửa hàng nọ, một cái nét mặt người, một cái giọng cười nói, cũng đủ hình dung được cái cảnh tượng, cảm giác được cái linh hồn những nơi mình đã qua. Tôi cho là thật người du lịch phải đi bộ, và nói ra thì có người cho là hủ lậu, nhưng cách du lịch không gì bằng đi võng đi cáng như các cụ ta đời xa. Đến xem xét một xứ nào mà chạy cái xe hơi vùn vụt, như muốn cho chóng xong để đi nơi khác, như thế còn có thú vị gì, và còn xem được gì?
Buổi chiều hôm nay đi tự nhà ga Perrache đến nơi công trường Bellecour, rồi lên xe điện ra nơi công viên Tête d'or, vào trong vườn chơi mãi đến tối mới về. Công trường Bellecour và công viên Tête d'or là hai nơi thắng cảnh đệ nhất thành Lyon. Công trường Bellecour là một cái sân lớn rộng thênh thang, hình chữ nhật, bề dài 310 thước, bề ngang 200 thước, trong có những vườn cây, máy nước, và ở chính giữa có một cái tượng lớn vua Louis thứ 14 cưỡi ngựa. Chỗ này là chỗ họp tập những người sang trọng ở thành Lyon, chiều chiều ra chơi mát, uống rượu nghe kèn. Người ta nói nội các công trường [11] (places publiques) trong thế giới, nơi này có lẽ vào bậc nhất nhì, kiểu cách với bề thế cũng chẳng kém gì nơi Cộng hoà trường (Place de la Concorde) ở Paris. Còn công viên Tête d'or thời tuy gọi là cái vườn nhưng thực là một cái rừng nhỏ, có cây rậm, có hồ trong, có trại động vật, có trại thực vật, cũng là một chỗ đi chơi thanh thú.
Bẩy giờ rưỡi về khách sạn ăn cơm tối. Chỗ này ăn uống lịch sự, người hầu hạ rất mực phép tắc, khách ăn cũng toàn người sang cả.
Ăn cơm xong lại đi dạo chơi phố một hồi, cho biết cái cảnh tượng Lyon ban đêm. Sánh với Marseille vào giờ này thì thật buồn rứt; trừ mấy chỗ có nhà cà-phê còn có người ngồi, đến các nơi khác từ 9 giờ trở đi là vắng tanh. Về trọ ngủ cũng yên lặng và im phăng phắc, không có tiếng người tiếng xe như ở Marseille.
VII.
Lyon, thứ hai 15 tháng 5.1922
Hai ngày hôm nay đi chơi khắp trong thành phố, toàn đi chân cả, trừ chỗ nào có xe điện không kể.
Hôm qua chủ nhật lại vừa ngày hội Bà thánh Jeanne d'Arc, ngày hội này bắt đầu từ năm nay đặt thành một ngày quốc hội. Tám giờ sáng có điểm binh ở công trường Bellecour. Cả binh lính, cả người xem, kể có vạn con người, thế mà đứng vừa cả, đủ biết nơi công trường này rộng là dường nào.
Xem điểm binh xong, lên xem nhà thờ lớn Fourvières. Nhà thờ này cũng là một cái kỳ công rất vĩ đại. Xây ở trên cao nguyên Fourvières là nơi phát tích thành Lyon, khởi công tự năm 1872 đến năm 1896 mới xong; bề dài 86 thước, bề ngang 35 thước; có bốn cái cột bát giác cao 50 thước. Nhà thờ xây bằng đá cả, còn kiểu là thuộc về kiểu tạp, vừa có kiểu Hi Lạp, vừa có kiểu byzantin, vừa có kiểu hình trám (ogival). Cửa tiền có bốn cái cột làm bằng phiến đá một, cao hơn tám thước, cánh cửa bằng đồng coi lực lưỡng lắm.
Trên đỉnh một cái cột bát giác có đặt nơi gọi là “quan sát đài” (observatoire), đứng đấy có thể trông được khắp cả các vùng chung quanh, những buổi tạnh trời trông tới 150 cây-lô-mét xa. Lên đến đấy phải trèo 316 bậc, đã thấy chồn chân. Ở trên có để một cái “phương hướng biểu” (table d'orientation), biên rõ cả các nơi có thể chiếu ống kính trông thấy được; về phía Đông, những buổi sáng trời, trông thấy cả núi Bạch Sơn [12]. Nhưng bữa mình lên thời trời lại u ám, chẳng thấy gì; đứng trên trông xuống chỉ thấy một đám sương mù toả che cả nơi thành phố, vì thành Lyon này chung quanh những núi cả, khác nào như ở trong lòng chảo, ngày nào cũng sương mù trên núi dồn xuống, có khi cả ngày không tan hết.
Vùng này là chỗ phát tích thành Lyon đời xưa. Năm 43 trước Gia-tô giáng sinh, người La Mã đến di dân ở đây lập ở trên núi Fourvières một cái trại đặt tên là Lugdunum. Đến đời vua Auguste nước La Mã đặt đây làm thủ phủ đất Gaule Celtique về thế kỷ thứ hai và thứ ba sau Gia-tô. Tỉnh thành hồi bấy giờ hai ba lần bị cháy, dữ nhất là năm 59 và năm 197 sau Gia-tô. Nhưng sau khôi phục dần lại và mỗi ngày một bành trướng ra. Nhưng gốc tích là ở trên chỗ cao nguyên này; ngày nay những di tích còn đầy cả, nào là mảnh bia, mảnh tượng, mảnh tường, nhiều chỗ còn có từng dòng chữ cổ chưa phai. Đằng sau nhà thờ, có một con đường dốc hẹp đi len lỏi trên sườn núi, hai bên đường đầy những mảnh đá cổ, khác nào như một cái vườn bác cổ vậy, tuy bỏ tự nhiên như thế, nhưng cũng có kẻ hữu ti coi việc bảo tồn cả, vì đất này là một đất có quan hệ đến lịch sử nước Pháp.
Ở đấy ra đi lên nơi gọi là đồn Saint Irénée, đó là một cái đồn binh cũ nay dùng làm nhà Pháp - Hoa Đại học (Institut franco-chinois). Trường này có hơn một trăm học sinh Tàu trọ học ở đấy. Nhân hồi chiến tranh xong, ông nguyên thủ tướng Painlevé nước Pháp có sang Tàu cổ động cái chủ nghĩa Pháp - Hoa đề huề, tự đấy học sinh Tàu trước vẫn sang học Đức và Mỹ bèn kéo sang Pháp nhiều lắm. Chính phủ Pháp hiệp ý với chính phủ Tàu định đặt ra ở Lyon một trường dự bị cho học sinh Tàu học ở đấy cho đủ biết tiếng Pháp rồi mới phân phát đi các trường đại học và trường chuyên môn khác. Vậy trường Pháp - Hoa Đại học này là của hai chính phủ Pháp - Hoa đặt ra, nên có hai ông đốc quản trị, một ông người Tàu, một ông người Pháp. Vào xem trường này mà nghĩ đến học sinh An Nam mình không có một nơi nào như thế cả; có lẽ là quý quốc nghĩ rằng đối với người Tàu là dân một hữu bang [13] thời phải nên biệt đãi một cách ân cần, còn như đối với người Nam là dân thuộc quốc, nghĩa là con cái nhà, thì thế nào cũng được, ý thế chăng?…
Trường này đã phải một hồi đa sự, là hồi bên Tàu các hội học đồng thanh với chính phủ ra công cổ động về sự du học Pháp nhiều quá, lại nói rằng học sinh sang bên Pháp có thể vừa đi học vừa đi làm công để lấy tiền ăn học được, nên bọn học sinh đua nhau mà sang Pháp, phần nhiều là con nhà nghèo không có vốn liếng gì, mong đến nơi vừa làm vừa học, nên tự xưng là “cần công kiệm học”. Nhưng số học sinh sang đông quá, lại không dè rằng khi tới nơi rồi muốn vào làm công các xưởng, bị bọn thợ Pháp phản đối và ngăn trở, sợ tranh mất việc làm, thành ra nhiều người bơ vơ làm không có chỗ làm và học cũng không thể học được. Hồi ấy trường Pháp - Hoa Đại học này đã có rồi, và theo quy tắc chỉ nhận học sinh do chính phủ Tàu theo chính thức gửi sang và có hội Trung Hoa giáo dục ở Paris đảm nhận. Còn bọn “cần công kiệm học” kia, phần nhiều là tự ý sang lấy, thành ra vô thừa nhận. Bọn đó, kể mấy trăm con người, cùng túng quá, dùng cách ôn hoà xin vào không được, bèn họp nhau lại áp đảo nhà trường, rồi nghiễm nhiên chiếm cứ, đuổi không đi nữa. Việc này lôi thôi mãi, sau hai chính phủ Pháp - Hoa hết sức điều đình mới khuyên được bọn đó về nước, và từ bấy giờ không cho sang thêm nữa.
Cạnh nhà trường có một nhà hàng cơm Tàu, nhân tiện vào ăn cơm đấy. Lâu nay mới được ăn cơm, lấy làm sướng quá; ăn cơm đây thuần là học sinh Tàu cả, họ trông thấy mình họ cũng tưởng là người Tàu, nhưng cho là người một tỉnh khác họ không biết tiếng.
Hôm nay đi chơi nốt các phố phường và vào xem nhà bảo tàng các đồ dệt (Musée des Tissus), có đủ các kiểu đồ dệt bằng vải cùng bằng tơ lụa của các nước từ đời xưa đến đời nay.
Tiếp chuyện một ông thanh niên văn sĩ, lại chính là ông diễn thuyết ở Marseille mấy tuần trước. Ông đã đỗ cử nhân, vừa học trường đại học (để thi Agrégation [14]), vừa làm thơ vừa làm văn, xem ra ông sính thơ văn lắm, và cũng tự đắc lắm, bình phẩm các danh sĩ đương thời không cho ai ra gì cả. Cho hay những hạng văn sĩ nỏi ở nước nào cũng như nước nào.
Xem thành Lyon thế này cũng gọi là tiềm tiệm đủ rồi, vậy anh em định sớm mai lên Paris chuyến xe lửa thứ nhất. Chiều hôm nay đã lấy vé sẵn cả rồi.
Thứ ba, 16 tháng 5.1922
Ngày hôm nay đi xe lửa đã nhọc, đến Paris lại đi dạo phố phường 3, 4 giờ đồng hồ luôn để nhận phương hướng, tối mệt quá, nhưng lạ chỗ cũng không ngủ được, bèn đem tập nhật ký ra biên. Song cầm bút mà không có hứng viết một chút nào. Vậy cái cảm giác ngày thứ nhất ở Paris, phải để hôm nào tinh thần thư thái hơn sẽ thuật, bữa nay gọi là ghi chép cái ngày giờ đến đây cho nhớ về sau mà thôi.
Sáng đi chuyến xe lửa 6 giờ 30 tự Lyon lên, chuyến này cũng là chuyến “thường tốc” (express) như ở Marseille lên Lyon. Đi hạng nhì giá 71 quan. Trong mấy anh em, có ông Nguyễn, ông Trần và mình đi bữa nay, còn ông Vi và hai cậu con thời còn ở lại Lyon để lên chơi Macon có người quen, rồi sau này mới lên Paris. Bữa trước ở Marseille lên Lyon, càng lên phía bắc càng thấy trời hiu hắt, có khi lạnh; bữa nay ở Lyon lên Paris thời càng lên lại càng thấy nắng và nóng, cái đó cũng lạ. Là bởi năm nay nghe chừng mùa hạ ở Paris nóng khác thường; bây giờ mới là tháng 5, kể còn là xuân, thế mà khí nóng đã như hạ rồi. Mình vốn yếu chịu lạnh, đến mùa lạnh ở Bắc kỳ chịu cũng đã khó thay, nên khi đi vẫn sợ sang bên này gặp lạnh thời đến phát đau mất. Nhưng mà may sao đến đây giữa vào cuối xuân sang hạ, mà hạ năm nay lại có ý nóng hơn mọi năm như thế này, thật là trời tựa [15] một anh con xứ nhiệt đới.
Đúng 3 giờ trưa xe lửa đến Paris đỗ ở nhà ga gọi là Gare de Lyon.
Ngồi trên xe lửa mình đã đọc kỹ cái sổ kê những nhà khách sạn ở Paris, in trong các sách “Paris chỉ nam”, anh em đã bàn nhau định vào trọ một nhà ở đường Vaugirard, vì trong sách nói rằng nhà ấy trông ra vườn Luxembourg, cảnh trí đẹp lắm. Nhưng khi đến nơi, bảo xe ôtô đưa đến đường ấy số ấy thì chẳng thấy nhà khách sạn đâu cả, không biết là sách in lầm hay là nhà đã dọn đi nơi khác rồi. Thế là mình rắp định một điều hỏng cả một điều, mà sự không trông hòng thời lại tới. Số là ông Ng. H. C. là con một vị hưu quan ở Bắc kỳ ta, được tin anh em đến có ra ga đón, khi tìm trọ ở đường Vaugirard không xong, ông bèn dắt về chỗ trọ ông, nơi gọi là “Thế giới khách sạn” (Hôtel du Monde), ở đường Berthollet số 15. Thế là sang đất lạ lại được ở cùng người đồng quận, cũng là một sự không ngờ.
Thôi đêm đã khuya, cố đi ngủ, để mai đi chơi sớm.
Ghi chú:
[1] Nhìn cho sướng mắt.
[2] Các từ điển dịch là hiếu kỳ.
[3] Ma quỷ.
[4] Gió thổi, hạc kêu, ý chỉ khung cảnh vắng vẻ.
[5] Chưa rõ nghĩa là gì. Có nhiều từ điển không có chữ trành. Riêng cuốn Tiếng nói nôm na ghi trành là một loại quỷ ma độc ác, chuyên đi bắt người. Vậy đây có phải là một thứ tiếng lóng, chỉ mật thám?
[6] Thái ở đây là thói quen; cố thái tức thói cũ.
[7] Siểm mị: nịnh hót và lừa bịp.
[8] Dây đeo.
[9] Cổ cồn.
[10] Theo Đại Nam quốc âm tự vị, chà có nghĩa là nhánh, có nhánh. Có thể hiểu chà chành: tỏa nhánh.
[11] Tức quảng trường.
[12] Tức Mont Blanc.
[13] Một nước bạn bè.
[14] Thạc sĩ.
[15] Chiều lòng.
Phạm Quỳnh
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...