Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Đời thợ, đời thơ Nguyễn Đình Di

Đời thợ, đời thơ Nguyễn Đình Di
Nguyễn Đình Di làm thơ từ ngày là học sinh lớp 7G trường cấp II Trần Phú, chàng trai người đậm, chắc, có đôi mắt to mơ mộng thỉnh thoảng có bài văn hay được đọc làm mẫu môn Ngữ Văn. Chúng tôi cùng học thày dạy văn Đỗ Công Đắc, từ ngày ấy Di đã yêu thơ, còn tôi thích tiểu thuyết, đam mê điện ảnh. Những buổi tối chúng tôi đi uống trà, cà phê ở những quán nhỏ ở phố Lãn Ông bình luận, tranh cãi về những quyển sách vừa đọc đến tận 11-12 giờ đêm… Tôi tiễn Di về nhà ở phố Đình Đông, chuyện chưa hết Di lại tiễn ngược tôi về nhà ở cạnh Hồ Sen Từ Vũ. Ôi, những câu chuyện mộng mơ, tuổi ô mai ấy đã thắp lên những mơ ước: Di sẽ trở thành nhà thơ, còn tôi sẽ thành một nhà văn cống hiến cho đời những tác phẩm  của mình. Những mơ ước có vẻ viển vông nhưng trong sáng tuyệt vời…
Rồi chúng tôi lớn lên, từ giã mái trường khi đang học cấp III, Di làm thợ sắt ở một công trường, tôi làm công nhân Xí nghiệp gỗ 6/1. 18 tuổi, chúng tôi tràn đầy tình yêu trách nhiệm, khát vọng nghĩa vụ công dân với đất nước. Khi giặc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại, Đảng ra lời kêu gọi tuổi trẻ lên đường bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, hai chúng tôi quyết tâm xin tham gia quân đội. Nhưng cả hai đứa đều là con trai một, theo chính sách không được vào quân đội, chỉ còn một cách là tình nguyện vào đội thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ mở đường Trường Sơn, lên đường vào ngày 9/7/1965.
Những năm tháng sống, chiến đấu làm việc trong đội ngũ những chiến sĩ TNXP mở tuyến đường 22 ở Hà Tĩnh - Quảng Bình ác liệt là những ngày đẹp nhất như ngọc sáng giữa biển đời, là một thời để yêu, một đời để nhớ giúp chúng tôi được tôi luyện, trưởng thành, sống lý tưởng, dũng cảm, trong sáng, xứng đáng hơn với Tổ quốc ... Ban đêm chúng tôi ra tuyến làm đường, xẻ ta luy, chở đá làm đập tràn qua suối, để những đoàn xe chở lương thực, súng đạn vào Nam. Tuổi 18, 20 thật tự hào như những bài thơ Nguyễn Đình Di viết được chép trong  sổ tay  đồng đội: Em ra đi chưa tròn mười sáu tuổi/ Nghĩ gì khi đó em gái anh/ Có phải cây non uống phù sa Tổ quốc/ Xuân chưa sang hoa đã rực trên cành/ Có nhớ không em lá đơn tình nguyện/ Nét máu đỏ tươi xao xuyến trái tim người/ Chưa hết tuổi thơ em đã là chiến sĩ/ Phút Đảng cần: không do dự có tôi… (Em gái tôi)
Những năm tháng hành quân mở đường ấy, các đơn vị TNXP đóng quân ở đâu cũng được các mẹ, các chị, các o ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đùm bọc. Di viết bài “Nhớ về Sơn Tiến” nơi C802 chúng tôi đóng quân. Bài thơ được ghi lại trong sổ truyền thống Nhà lưu niệm xã Sơn Tiến huyện Hương Sơn: Trên cánh đồng hoài niệm của đời tôi/ Thửa ruộng thờ có tên là Sơn Tiến/ Mười tám tuổi tôi giã từ quê biển/ Neo đầu đời vùi đáy cát Sông La/ Buổi đầu đời hồn chưa trải xót xa/ Con đã khóc dưới mái nhà của mẹ/ Nhánh xương rồng trộn hành khô muối bể/ Mẹ dịt vết đau con mát dịu tận bây giờ.
Và không thể quên ngày chia xa ai cũng nhớ: Dằng dặc quãng đời, dằng dặc nắng mưa/ Canh cánh nỗi chưa về cùng cha mẹ/ Con đần dại mà cuộc đời dâu bể/ Ba mươi năm rồi/ Chưa về được mẹ ơi?
Bài thơ có sức lay động diệu kỳ với các chiến sĩ mở đường Trường Sơn. Nguyễn Đình Di kể: Sau 30 năm từ Hải Phòng anh trở lại thăm Sơn Tiến. Khi đến trước cửa nhà mẹ Mãn nơi anh ở, nghe tiếng Di, câu đầu tiên mẹ hỏi: “Di đấy à? Sao lâu thế mới về hở con?” làm anh òa khóc. Những bài thơ Di viết về đồng đội trong những năm tháng mở đường ác liệt ở Trường Sơn: là những khúc ca về chiến công, về hạnh phúc và cả những đau đớn, mất mát của tuổi trẻ khát khao dâng hiến... Đó là những bài thơ hay  trong những năm tháng chiến tranh… Bài “Hoa trặc trìu” viết về tình yêu đằm thắm, nỗi mê đắm của tuổi trẻ mở đường: Hoa trặc trìu ơi/ Hoa thời mười tám tuổi/ Trắng miên man, nơi đá sỏi đất cằn/ Hương dịu ngát như tiếng cười con gái/ Dây nâu mềm lan buộc lấy hồn anh/… Hoa trặc trìu líu díu dưới trời xanh/ Nụ cười dụi vào hoa, phấn thơm vàng áo lính/ Bọm nổ xô em đắm miền cô tĩnh/ Để hoa trặc trìu nồng lặn đến hôm nay.
Và những phút hiếm hoi của tình yêu trong chiến tranh mới đẹp làm sao: Em lại dẫn anh về bên suối/ Về miền thơ thao thức của đời mình/ Hoa ngời ngợi giữa đôi bờ lá nõn/ Mắt ai nhìn khoảng lặng chiến tranh.
Có những nỗi đau đớn theo ta suốt đời khi nhớ lại những đồng đội đã nằm lại trên tuyến đường Trường Sơn: Tôi nghe bạn mình dưới mộ/ Lặng lẽ ru những thao thức cõi người/… Tiếng đồng đội mình trẻ mãi tuổi hai mươi/ Ngôi mộ vọng cuộc đời neo hồn lại/ Trong đất đá bạn dắt câu thơ tôi vụng dại/ Mở tuyến vượt mong manh/ Khoảng giữa đất và trời (Trường ca Lộ trình)
Cuối năm 1967 Nguyễn Đình Di xung phong vào đơn vị bảo vệ con đường ngã ba tử thần tuyến Trường Sơn - Quảng Bình, nơi phà Long Đại được gọi là phà Long Đầu, ngã ba Dân Chủ thành ngã ba Âm Phủ, nơi bom Mỹ trút bom thiêu rụi những vạt rừng, đá núi thành bụi đất… Nhà thơ đã giáp mặt với cái chết từng giờ, ngày đêm anh lăn lộn đảm bảo giữ con đường dưới những trận mưa bom cho những đoàn xe  nối nhau vận tải vũ khí, lương thực tới chiến trường. Giữa khói lửa đạn bom ấy, Nguyễn Đình Di  ghi lại: Nơi này/ Giặc thả bom toạ độ/ Cỏ ở đỉnh đèo đã bao lần khô úa/ Cây ở lưng đèo gẫy tướp cháy đen/ Đá ở chân đèo nát tan thành cát/ Thế mà chúng tôi trụ được/ Những hầm hào chui vào vách ta luy/ Dứt một loạt bom lại nghe ai hát ?/ Chúng tôi bảo dưỡng cổng trời/ Vá những vết thương/ Để con đường lành lại… (Trường ca “Lộ trình”)
Năm 1968 hoàn thành nghĩa vụ TNXP, chúng tôi trở về quê hương, lại hối hả lao vào công việc xây dựng, bảo vệ thành phố. Nguyễn Đình Di lại tiếp tục công việc người thợ ở Công ty xây dựng. Đó là những ngày thật khó khăn. Di đã lập gia đình, có con gái đầu lòng. Hai vợ chồng đều làm thợ, anh thợ sắt, còn Bé - vợ anh làm thợ sơn vỏ tàu. Cực nhọc, gian truân biết mấy cuộc đời người thợ: Những tháng ngày đã im ắng đạn bom/ Thợ vào ca với mẩu bánh mì bằng nắm tay cứng như xác gỗ/ Gió lùa buốt xương ống chân khi đứng trên cao/ Muối cộp trắng lưng áo thợ/ Buột một tiếng thở dài.
Và nỗi đau âm thầm, bỏng rát của người thợ: Bao lớp chai bong như rêu đá/ Những năm tháng thiếu nghèo/ Con quặt quẹo/ Vợ còm nhom/ Mặt gầy guộc/ Có buổi ngồi bên sông nước/ Thấy những vạt bèo tím hoa trôi ra biển/ Thèm một cánh buồm hồng đón phía cửa sông.
Nhưng  bản lĩnh, khát vọng sống của người thợ mãnh liệt biết chừng nào: Tôi vắt chiếc áo thợ lên vai/ Lại giống bố làm người không biết sợ/ Hơn bốn mươi năm làm thợ/ Đi qua sóng gió cuộc đời.
Đời thợ gian lao làm thơ anh ngày càng điềm tĩnh, sâu lắng, chân thực hơn. Những bài thơ anh viết thật đằm thắm, dung dị như tình yêu người thợ tặng vợ mình: Em đừng đẩy bàn tay chai ra/ Khi anh vuốt ve em bằng bàn tay thô ráp này/ Thì trong mỗi ngón tay anh/ Có một trái tim đang dịu dàng nói/ Em hãy để những nốt chai của ban ngày dầm dãi/ Được nghỉ ngơi trên vùng da ấm mịn của em… (Nói hộ bàn tay chai)
Anh viết về tình yêu  của mẹ: Con chí chát búa đe lời của thợ/ Giọt mồ hôi cứ ngỡ đủ bảy màu/ Mẹ rau cháo suốt tháng ngày ròng rã/ Dìu cánh cò bay trắng những lặng chia/ Trong nhà thợ, mẹ hình như không ngủ/ Tóc bạc canh gà giữ lửa qua đêm/ Mẹ lầm lũi nhặt từng hòn than sót/ Sáng mai ngày con nhận thổi bùng lên… (Mẹ của thợ)
Những năm tháng gian khổ, Nguyễn Đình Di đã trải qua những thử thách, mất mát của đời mình: con trai mất, người bố kính yêu, chỗ dựa vững chắc về tinh thần cũng ra đi. Hai vợ chồng cùng hai con gái nhỏ phải vượt qua bao giông gió cuộc đời... Nhưng Nguyễn Đình Di đã  vượt lên bằng bản lĩnh người thợ của mình. Anh  sống và viết, các tập thơ lần lượt ra đời: “Giấc mơ cây”(2001), “Cỏ khát” (2006); Trường ca “Lộ trình” (2008); “Tín chấp” (2011) và “Vườn gió mặn” (2015) .
Tập thơ “Cỏ khát” có những bài thơ hay viết về gia đình, bè bạn, về những kỉ niệm thời TNXP được người đọc yêu mến, chia sẻ vì sự chân thực, xúc động với những cảm xúc trong sáng, thiết tha như các bài: Mẹ của thợ, Khúc tưởng niệm, Hoa trặc trìu, Nhớ về Sơn Tiến, Tấm huân chương của mẹ, Bên suối cũ... Bài Câu cá mùa thu… có những câu thơ  thật khó quên: Lững lờ cá đẩy mây trôi/ Chim sà tha bóng mình rồi vụt bay/ Người thu khoác nắng cuối ngày/ Buông cần sông mấy ngón gầy ngủ quên.
Hay, lạ là những câu thơ chấm phá ấn tượng: Mưa rừng ngập mặn bung hoa/ Con ong khát mật còn ta khát người/ Lơ phơ những nhánh lau gầy/ Hồn quê cùng với người say cạn chiều.
Năm 2008, Nguyễn Đình Di hoàn thành trường ca “Lộ trình” gồm 18 khúc một bản anh hùng ca về những người TNXP tình nguyện đi dọc đường đất nước bằng tình yêu, nỗi khát khao được cháy hết mình hiến dâng cho đất nước. Trường ca với những khúc hát lãng mạn, bay bổng của tuổi trẻ chống Mĩ đã hi sinh những gì tốt đẹp nhất của đời mình, mở những con đường dẫn tới chiến thắng: nói được niềm tin, khát vọng của tuổi trẻ trong lộ trình đi tới. Những khúc ca mới đẹp, trữ tình làm sao khi Nguyễn Đình Di viết về tình đồng đội, tình yêu với những mê đắm thiêng liêng: Em còn nhớ tiếng sóng của rừng không/ Cơn sóng vỗ vào hai ta xoá nhẵn những nếp nhăn đói cơm khát nước/ Sóng nổi lửa nhuộm hồng làn da xanh lét/ Sưởi ấm cơn rét rừng/ Sóng gọi gió căng phồng cánh buồm mộng ước/ Chở ta bay lên vầng trăng trong mát/ Mây dưới mình êm quá dịu dàng trôi.
Khúc IX “Nương trăng” viết về tình yêu đôi lứa trong chiến tranh là những câu thơ hay sâu lắng, xúc động nhận được sự đồng cảm, chia sẻ trong tâm tưởng mỗi người: Lặn vào ký ức tôi/ Làn hương trinh nữ của da thịt em/ Từ cánh võng, tôi bật chạy đến em/ Như con ong được hương hoa dẫn dụ/ Đến nơi ta hẹn nhau qua ánh mắt ban chiều/ Góc nương ấy khói bom còn khét cháy/ Đêm trăng này chỉ có hai ta.
Và thật đẹp tình yêu trong lửa bom ác liệt: Trên nương trăng này ta đã khóc khi nhận của nhau/ Giọt mồ hôi thơm lừng rịn ra từ da non mềm mại/ Hương loài hoa không tên thảng thốt kết trái/ Trong tiếng đôi công tố hộ/ Trong tiếng hoẵng kêu sương giữa mùa cưới nghẹn ngào.
Trường ca “Lộ trình” của Nguyễn Đình Di được tặng giải Ba cuộc thi thơ 5 năm (2004 - 2009) về đề tài lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng.
Nguyễn Đình Di in tập “Tín chấp” khi nhà thơ 63 tuổi. Một tập thơ buồn, suy nghĩ về tâm linh, triết lý sống, về kí ức, về những cơn say rất tỉnh của mình. Anh nhớ về đồng đội, về những người mẹ, người chị ở Sơn Tiến nơi đóng quân xưa và những bè bạn, người thân... Một tập thơ nhân văn, giàu cảm xúc, chân thành. Có những bài thơ thật giản dị, xúc động như khi anh viết về nỗi nhớ người bố kính yêu của mình: Biển xa xanh/ Nơi hai bố con hẹn ước mà không đến được/ Ngày bố ra biển một mình/ Sóng bạc đầu ngoài cửa sông/ Những cánh lục bình lềnh bềnh trôi/ Biển cười/ Người khóc (Biển một mình)
Anh nhớ về tình yêu bao la của mẹ: Tôi ra trận mẹ chờ bên bếp lửa/ Mẹ thức giấc che không giọt mưa nào hắt vào ngọn đèn nến trên bàn thờ tổ/ Không giọt nước mắt nào vào giấc ngủ của tôi/ Suốt một thời đạn nổ bom rơi/ Trong bếp nhà tôi mẹ cời mẹ ủ/ Ngày con về ngọn lửa reo vui (Cơn mưa và ngọn lửa)
Anh nhớ về đồng đội đã hy sinh: Say nằm trên đá uống trăng/Đồng đội bao thằng chết trẻ/ Tao xin chúng mày về nhé/ Để tao đỡ sợ trăng rằm
Trong “Tín chấp”, thơ anh đã ít nhiều phản ảnh thực trạng xã hội, chia sẻ nỗi đắng cay với người dân lao động, những đứa trẻ nghèo ở vùng núi xa xôi. Những bài thơ: Làng trong phố, Nỗi nhớ mùa đông, Bài thơ nhờ đồng đội đặt tên, Rượu lạnh, Nói với mình, Đáy sâu, Phố hoang, Tuổi buồn, Chợt phố, Khúc ngẫm ngợi, Trong lễ cưới con đồng đội, Tự biết, Cơn mưa và ngọn lửa… đã giãi bày tâm sự của nhà thơ với cuộc sống vào lúc tuổi xế chiều: Mình giờ thành ông vớ vẩn/ Ngẩn ngơ mơ phố nhớ rừng/ Ngại nói lười đi sợ việc/ Gió chiều râu tóc rối tung.
Và nhìn trong gương đã thấy: Tóc bạc/ Râu bạc/ Trong gương cách nhìn bàng bạc
Giờ chỉ muốn được bình yên trong ngôi nhà nhỏ của mình: Làm người đàn ông tử tế giữ ngọn lửa ấm trong nhà/ Đã là niềm vui lớn.
Trong những cơn say rất tỉnh của nhà thơ, niềm tin được tín chấp cho bạn bè, cho cõi người, cho đất nước vẫn là niềm tin sắt son, lương thiện, chân thành của một người thợ tin ở đôi bàn tay, tấm lòng nhân hậu, bản lĩnh của mình: Có thể sau một tuần rượu thế này/ Lao vào luồng gió đầy cát/ Thấy ngọt lịm ở đầu lưỡi/ Ngỡ tiêu tan những đắng chát của đời/ Thế là có câu thơ đẹp nhất/ Gửi vầng trăng.
Bài thơ lục bát “Lãng du” như một khúc tự hát về đời thợ - đời thơ của Nguyễn Đình Di: Ta xin được của dòng sông/ Chút xanh trăng biếc, chút hồng phù sa/ Ta vay được của bao la/ Cánh chim gió bạt, mây và rượu êm/ Trái tim ngợp thở ở miền/ Gái ngoan quên áo làm tin rủ mình/ Mượn thơ khoét trúc bên đình/ Vi vu thổi khúc ân tình cậy trao/ Lậy giời cuối tiết hanh hao/ Có cơn gió chướng nhập vào - Nào đi.
Tập thơ “Vườn gió mặn” in cuối năm 2015  ở tuổi “tri thiên mệnh” khi  nhà thơ gặp những thử thách cam go về bệnh tật. Trong tập thơ có những chiêm nghiệm tâm linh mang triết lý của nhà Phật nhân ái,... bao dung… để con người sống với nhau nhân ái, tốt đẹp hơn.
“Vườn gió mặn” có bài thơ làm tim ta nghẹn lại khi đọc như bài thơ anh tự hoạ mình: Mặt mình nửa lạ, nửa quen/ Tóc râu xơ xác lạc miền hoang xa/ Lơ ngơ mỏi xứ sương mù/ Mơ hồ ai đấy hỏi từ nẻo xa/ Phần thành tro? Phần làm hoa?/ Câu thơ làn khói la đà chiều hôm/ Chút mơ mộng gửi cánh buồm/ Chút ăn năn bón xuống vườn nhờ cây/ Mai ngày níu gió qua đây/ Nhớ nghiêng chén rượu cùng say với mình (Tự họa buồn)
Trong “Vườn gió mặn” có những bài thơ thật hay về ý tứ, câu chữ,  đậm tình người, tình đời sâu lắng. Các bài: Trái tim trần, Tấm huân chương của mẹ, Cây bàng phố, phố mùa đông, Tản mạn tuổi sáu mươi, Quãng vắng, Bình yên dưới mái nhà, Thơ tình tuổi mùa đông, Hát ru mùa đông, Thưa giọt mồ hôi, Tự hoạ buồn, Lẩn thẩn với mình, Chùm thơ ngắn hai câu… đó là những điều tri ân, tri kỷ, những bài học về tình yêu gia đình, bè bạn, nhà thơ gửi lại cuộc đời....
Thơ Nguyễn Đình Di trước những cảnh đời đau đớn, đổi thay của xã hội còn thiếu sự quyết liệt, phản biện mạnh mẽ… Thường thơ anh chỉ là lời trách cứ nhẹ nhàng, sự rung cảm tinh tế, trữ tình bay bổng, những chiêm nghiệm tâm linh sâu sắc… nên anh có những độc giả riêng của mình.
Về cuối đời mình anh ao ước: Bây giờ những muốn làm người Pa Dí/ Hắt đắng chát xuống vườn tri kỷ với cây/ Cạn ngày nghiêng chai lai rai thơ gió (Thế thôi)
Thơ Nguyễn Đình Di đã đơm hoa kết trái. Thơ anh tinh tế, trong sáng, dịu dàng với ngôn từ chọn lọc, dân tộc mà hiện đại, với nhiều liên tưởng, ẩn dụ, cách điệu, nhiều hình ảnh ấn tượng, độc đáo… mang âm hưởng của  dân ca đồng nội, lời ru của mẹ, tiếng hát của dòng sông và cả âm thành cuồng nộ của bom đạn, của núi rừng Trường Sơn, mang đậm tình yêu thương con người, tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc,… Có lẽ vì thế mà đời anh buồn nhiều hơn vui, anh đi trong đời như một thi sĩ say hát những khúc du ca tặng cuộc đời.
Và thơ anh reo ca mãi mãi: Đời thơ mỗi ngày như cây đàn và gió đã rung lên.
Nguyễn Long
Theo https://www.cuabien.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...