Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Ký ức về một nghệ sĩ điên

Ký ức về một nghệ sĩ điên 
Tôi gặp chú lần cuối cùng trên dốc đường Thanh Niên.
Hoa phượng muôn thuở cháy vào tháng sáu. Màu đỏ nở cả trong bóng mắt.
Chú chìa bàn tay hơi khum khum ra trước mặt tôi, tôi định bắt, chợt nghĩ: lạ, tôi với chú vốn chỗ người thân, đáng ra phải ôm vai như ngày nào chứ. 
Ơ, hóa ra xin tiền à? Cánh tay tôi vừa giơ lưng chừng, bỗng lạc loài, không điểm tựa,  rơi thõng.
Mây kéo ngang trời, tôi bay trong vùng ký ức…
Chàng diễn viên nổi tiếng một thời? “Thằng Bờm” tuấn tú khôi ngô, đôi mắt ướt to sáng, trên sống mũi có một nốt ruồi nhỏ, nhưng duyên.
Cũng hơn một lần, mẹ vợ chú bán vải ở phố Quán Thánh giữ vạt áo tôi, than thở:
– Cái Hiền mang con nó đi nước ngoài rồi. Thằng Hiệp rượu quá, suốt ngày say mèm, nó như mộng du, lúc nào cũng tưởng nó đang là thằng Bờm, bỏ nhà đi lang thang.
– Thế đoàn kịch Hà Nội và xưởng phim truyện có quan tâm gì không hả bà?
– Ai mà quan tâm đến thằng điên ấy. Cũng may mà con Hiền bỏ đi, bây giờ nó sướng lắm! Lấy chồng tây rồi!
Ờ, Hiền… cô nghệ sĩ trong đoàn cải lương Chuông Vàng, xinh đẹp nết na.
Biết từ ngày mưa, hôm cô bị trẹo chân lên dốc của khu tập thể 5b, chạy theo Hiệp như đuổi một vệt sao băng.
Lúc này Hiệp đang là trung tâm săn đón của các đạo diễn. Những vở kịch hằng đêm, những thước phim… Và mỗi lần ống kính quay rè rè thì chàng đã hóa thân vào nhân vật từ lâu lắm. Thi thoảng, đạo diễn trách, cùng lắm là:
– Ánh mắt chỗ này còn khôn quá, phải hơi dại, hơi lạc một chút, nhưng nhớ là vẫn phải hóm hỉnh và trong sáng! Chuẩn bị… quay…Đạt rồi, chuyển!
Còn Hiền đang chạy bên lề của thực tại, nước mắt cô hòa lẫn giọt mưa, như con chim quên cụt giọng, gào thảm thiết:
– Anh Hiệp ơi!
Gió quất ngược tiếng gọi. Chân ríu, cô ngã xuống, chiếc dép lệch sang bên, ba ngón chân chuồi ra khỏi mũi. Cô cúi xuống ấn vào, đang cố ấn nỗi khổ đau đầu đời. Nước tuôn theo mớ tóc đen mướt thành dòng lan xuống từng ngón tay thon.
Tiếng cô hụt trong kiếm tìm tuyệt vọng:
– Anh Hiệp ơi…
Tưởng chia lìa, hoá ra thượng đế đang thực thi những điều có thể, chìa tay ban hạnh phúc và cũng sẽ không quên lấy lại. Tuổi trẻ, nhan sắc, danh vọng…
Ừ thì đánh đổi đi.
Và họ cưới nhau, năm sau bé gái xinh xắn ra đời. Hạnh phúc đấy, tay đang chạm vào, đang sờ thấy, đang cầm nắm từng ngày mầu hồng.
Nhưng Thượng Đế làm trò thôi. Ai bảo trai tài gái sắc là yên lành?
Rồi "thằng Bờm" thành Bờm thật.
Vợ con bỏ đi. Dòng suối hết nguồn, khấc trơ định mệnh.
Đạo diễn bảo:
– Không sử dụng được nữa, tay này bị nhập vai quá hóa điên rồi.
Ông trời cho chàng trai khả ái bao nhiêu, giờ đòi và phạt nốt phần nợ thiếu.
Vẫn chìa tay ra, tôi nhìn sâu vào mắt chú, mong hồn chú trở lại với cái xác thân phàm trần. Tôi gọi:
– Chú Hiệp ơi! Chú Hiệp…
Tha thiết như tiếng gọi của Hiền năm nào giữa trời mưa đổ. Cùng tháng sáu, cũng bên một con dốc. Dốc kia ngày mưa, dốc này hôm nắng.
Lại khẩn khoản như khấn niệm :
– Chú có nhận ra cháu không? cháu Hà My đây…
Phút đợi câu trả lời của chú, có đám khói hương chạy lòng vòng niệm ý.
Chú vỗ trán… đầu quay sang phải một lần, sang trái một lần, không cho tín hiệu hồn về với xác.
Chỉ rõ đôi mắt chân thành khẩn khoản của một con mèo sắp lìa dương thế, cháy lên mầu hoa tháng sáu.
Tôi cũng giống chú, yêu các màu hoa. Ngôi nhà chú ở làng Đại Yên, hoa nở rực rỡ bốn mùa trong khu vườn rộng. Ban đêm, các nghệ sĩ thường đến đọc thơ và bàn luận kịch bản. Ở sân, có cả băng ghế dài như các hội nghị ngoài trời.
Tôi nhỏ tuổi nhất, hay mặc váy có những bông hoa cải lấm tấm mầu xanh trắng, chạy lăng xăng rồi đòi ngồi cạnh mẹ nuôi chú, nữ sĩ Ngân Giang, thấy mọi người rất nể trọng bà, hình như trẻ con cũng thích bắt chước.
Người bà nhỏ nhắn, hơi xương, mặc bộ đồ bà ba bằng lụa tơ tằm trắng, tóc búi củ hành, miệng nhả vòng khói thuốc mềm hơn tơ, tay cầm chén rượu to bằng hai ngón tay cái có hoa văn màu chàm.
Mọi người lắng nghe bà đọc thơ, giọng đùng đục, liêu trai. Tôi hóng hớt, chẳng hiểu gì, thấy cao siêu bí ẩn. Lại có lúc cao hứng, ngân sang sảng, mắt lim dim, chả phải bà nữa, lơ mơ như thấy linh hồn thoát ra trong những câu chuyện người lớn kể ở đám ma.Tôi liếc vội ra khu vườn đầy bóng hoa dập dờn trong đêm, mùi các loại hoa như đặc quánh lại, thấy gai hết cả người, rờn rợn, quyến rũ, phiêu bồng khó tả.
Màu hoa chói chang kéo tôi về thực tại, Hiệp vẫn đứng đó.
Xin gì? uống gì, cho hết đắng cay số phận? Chú đang ở đâu?
Nắm một ít tiền của tôi, chú bước đi không một lời, quay quắt, liêu xiêu xuống dốc.
Ba tháng sau, người ta bảo: Hiệp bờm chết rồi.
Yêu quí chú nhưng tôi không thấy xốc. Chỉ hỏi lại người báo tin:
– Thế à? Bao giờ?
Tâm trí bơi trong nước mắt, mùi hoa xen lẫn mùi hương khói, tôi thì thầm: "Có lẽ thế lại tốt cho chú"
Tiếng gió run run, mùa hoa cháy, tiếng người đạo diễn, tiếng người mẹ vợ:
– Ai mà quan tâm đến thằng điên ấy!
Đêm… tôi đi nằm, giở cuốn lịch cầm tay, thấy dòng chữ: Juni.
Thằng Bờm - Nguyễn Hoàng Hiệp hiện lên, tay cầm cái quạt mo vung vẩy và nụ cười trong sáng, hắn vừa đi vừa nghêu nghao:
“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chằng lấy mè,
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi hòn xôi: Bờm cười”.
6/2011 
Đặng Hà My
Theo http://nguyentrongtao.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...