Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Lặng lẽ hiến dâng từ vầng trăng mười sáu

Lặng lẽ hiến dâng 
từ vầng trăng mười sáu 
(Về tập thơ Từ vầng trăng mười sáu 
của Cao Xuyên - NXB Thanh Niên 2012)
Phật giáo có nghi lễ “cúng dường” với ý nghĩa sự cho, ban phát tình yêu thương, lòng nhân ái. Cho tha nhân và cũng là cho chính chúng ta. Pháp luân hồi chứng tỏ sự cho và sự nhận không khác nhau lắm, đều là “mắc nợ” và “trả nợ” lẫn nhau trên con đường kiếm tìm bản ngã cuối cùng. Một nghi lễ được thực thi có ý thức và thường xuyên dần dà trở thành một hành động sống. Như con chó thè cái lưỡi mềm mại liếm vào vết thương đau. Như bàn tay cáu bẩn thò vào lòng trắc ẩn. Như sen khởi sinh từ bùn và tận diệt từ bùn. Như niềm hy vọng níu kéo bi ai vẫy vùng cùng tuyệt vọng. Cúng dường vừa là hoạt động tâm linh hướng đạo vừa là hoạt động xã hội văn minh, gắn kết con người với nhau và đi vào thơ:
Chuối sau vườn bói quả
Cúng dường lũ chim non
Đêm nay rằm em ạ
Cúng dường nhau trăng tròn
(4)
Tôi đọc được bài tứ tuyệt này lần tiên vào một đêm trăng tháng hai và tấm tình thơ ấy cứ đuổi theo tôi suốt những đêm trăng trời trăng người tiếp mãi. Người nông dân chân chất ở dải đất Xuyên Mộc lặng lẽ nép vào một góc khuất của đêm, giơ ngón tay thô ráp vẽ vào hồn tôi một niềm thương cảm về vẻ đẹp của những đỉnh cao. Tình yêu, xứ sở, con người… Tập tứ tuyệt giản dị 81 bài lặng lẽ tỏa hương và lặng lẽ hiến dâng. TỪ VẦNG TRĂNG MƯỜI SÁU.
Vứt em vào luân lạc
Chưa kịp một yêu đầu
Thương cỏ đồng hoa nội
Son phấn hãi hùng đau
(17)
Người thơ đang ở trong mê ly náo loạn của thế giới chữ nghĩa và thế giới giống nòi. Đang trải qua niềm điên dại của Nguyễn Trọng Trí những ngày đầu chập chững khai tâm LOẠN. Tại sao lại “vứt”, cớ gì không vơ vào, riết vào, xiết vào mình? Tại sao lại “vứt” khi “chưa kịp”, cớ gì không chỉ rời rã cách xa nhẹ nhàng ly biệt trong hoang vu bỡn cợt? Tôi và tôi-cô-đơn là đôi lứa bi-hài nhất sau tấm màn đời khép vội. Yêu nên phải đem tình yêu ấy đi, đi đâu? Chạy trốn hay giải thoát? Người con gái “son phấn” ở đây, hẳn đã buông neo êm ái bên vũng kín gió nào đó chứ chẳng phải “hãi hùng đau” “luân lạc”. Luân lạc là tôi mà hãi hùng đau cũng là tôi. Hiến dâng đến cạn cùng mới tự đắm mình vào nỗi mình một cách nhẹ nhàng từ tâm đến thế. Để thấy đời có sẵn mọi thứ của ta và trừ ta:
Sẵn bài ca - chim hót
Sẵn mùi hương - hoa ngát
Sẵn niềm yêu - tôi khóc
… Và thế giới đăng trình
(31)
Lên đường, bắt đầu từ đâu? Khi đã lên đường tự trong trứng nước. Khi đã khua chân từ chưa biết đi. Khi đã xa lắc xa lơ trong mang mang sóng gió.
Hiến dâng - theo thiền luận của DT.Suzuki thì, như cách một bông hoa phải nở khi đến kỳ mãn nụ, như một hạt mầm phải lên xanh lúc không thể chối từ dòng nhựa sống thôi thúc, như mưa móc từ trời xé bụng mây rơi xuống mặt đất giữa sức nặng của nước và sức nhẹ của gió. Hiến dâng, theo E.M Remarque, là “uống hết tất cả vào người như một con lạc đà tích trữ nước để dùng trong một chuyến qua sa mạc… nhắm mắt lại, sung sướng hưởng ánh nắng mặt trời và uống” (Bóng tối ở cuối đường). Hiến dâng, theo Hàn Mặc Tử, là “Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/ Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng”. Hiến dâng, theo Luiser Rinser, “lòng yêu tha nhân không phải là một khái niệm trừu tượng hoặc chỉ có nghĩa là bố thí mà trái lại, quy định một cách rất cụ thể các giao tế hằng ngày của ta với người chung quanh” (Chấp nhận cuộc đời - Bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Hiến dâng, theo Nguyên Sa, là “Ngày trần trụi như ái tình/ Ngày hoảng hốt như đam mê/ Ngày mệt mỏi sau đó/ Tao đấy, tao đấy/ Ngày mệt mỏi sau đó/ Ngày khốn nạn, tao ghét mày như chó” (Nguyền rủa ngày - Tạp chí VĂN số 89, 9/1967). Hiến dâng, theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, lại là “Hai mươi lăm năm, ta đã lấy máu hồng che kín non sông. Máu đã tưới thắm đất đai yêu quý”(Như con sông từ nguồn ra biển). Hiến dâng, theo Trịnh Công Sơn, là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…”… Với một triệu người, cách thức dâng hiến có nhiều hơn triệu cách. Có khi, trong cùng một con người, lại xuất hiện cùng lúc nhiều phương thức hiến dâng. Và, trong cùng một phương thức hiến dâng, lại có năm bảy đường dâng hiến. Người ta không thể so sánh cái chết của một vị thánh tử vì đạo với cái chết của một người đánh bom tự sát, lẽ thường, họ chọn cho mình con đường để đi và kết thúc nó ngay khi có thể. Với Bùi Giáng, hiến dâng là tận hiến, là “còn hai con mắt khóc người một con”, nét đẹp tâm hồn này ít nhiều đã bị hiểu lầm từ ngày nó ra đời đến nay, nhưng tuyệt nhiên nó lại thấm vào lòng người như nước tan vào đất, dù là đất khô nứt mùa hạn hay đất đồng bãi mùa mưa sa. Tôi luôn cố tìm hiểu trong bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, dù thích hoặc không, một tâm tình dâng hiến cho người, cho đời. Người đời, khi ấy là tôi và tôi đang đứng bên ngoài mình:
Kẻ đến còn ngập ngừng
Người đi chừng tiếc hối
Tình chia ngã ba sông
Con đò nào chết đuối
(66)
Ở “ngã ba” nào ấy, số phận đón tôi và tiễn tôi không tách rời thân phận tôi-chung là dân tộc, quê hương:
Ngoài kia chiều đã tắt
Mẹ thắp hương bàn thờ
Đứa nón cối nón sắt
Thêm một ngày bơ vơ
(65)
Thơ nói nhiều hơn chữ nói. Ở “ngã ba” của thơ và chữ, đại lộ con người chia ranh phải trái. Đen và trắng. Sáng và tối. Hân hoan tủi nhục và hạnh phúc dè xẻn. Miên man nhựa chảy khắp cây và khoảnh khắc trơ trụi đầu cành lá vượt. Lý giải hay chối từ vận mệnh người nhạc sĩ họ Trịnh đã dự báo từ lâu: “Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui…”? Chấp nhận hay lắc đầu khi Kiều gõ cửa lúc nửa đêm sau mười lăm năm ngửa sóng Tiền Đường? Mẹ ở trong tôi và bốn thiên niên kỷ tôi chưa làm nên mẹ. Nguyện cầu là phương thuốc kỳ dị nhất người ta dùng đến khi căn bệnh trầm kha đến hồi vô phương cứu chữa - nguyện cầu thỏa hiệp để thỏa hiệp khác biệt:
Em là con Thiên Chúa
Anh là con Phật Đà
Mình kết hôn đi nhé
Phật Chúa thành sui gia
(69)
Hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay, đây là một lãng mạn quá đáng. Tôi cho phép mình tưởng tượng lại cái thời của Martin Luther King. Tôi cho phép mình ở lại vĩnh viễn trong ảo tưởng tự do chính tôi mở ra khi tinh thần tôi chưa thoát khỏi vòng tù tội của ý chí và niềm tin bất cẩn:
Quỳ gối giữa Phật đường
Lạy ông Phật dễ thương
Như ngàn năm đã lạy
Mùi hoa cau trong vườn
(68)
Hàn Mặc Tử ngốn hết trăng từ Vỹ Dạ, Quy Nhơn, Xóm Động, Gò Bồi, Xóm Tấn, bệnh viện Quy Nhơn, Quy Hòa để trải qua tượng trưng, siêu thực, bán cổ điển, tân cổ điển và tìm thấy lạnh lùng đài các Đức Maria trị vì cõi thơ sau khi đã “sống gần đứt sự sống”, sau ngàn lần vô vọng “không có một nàng tiên mô đến khóc”. Vì đâu? Nông nổi của thi nhân làm nên thi nhân. Nông nổi của thi nhân giết chết thi nhân. Thi nhân nhận ra mình giữa biến động muôn trùng. Thi nhân thanh thản bước ra ngoài thơ để ngắm nhìn, mân mê và mê say từng nếp áo Nàng thơ. Thì ra, Nàng thơ kiêu sa đã giản dị ở cùng ta từ bốn phương tám hướng thuở nào. Cao Xuyên đến đích của thời gian và không gian vô thỉ vô chung bằng tấm tình hiến dâng rất đỗi sung sướng tự nguyện trong tan hoang đổ vỡ “ba vạn sáu dâu biển thơ mãi là thơ thôi” nếu không phải là duyên thì há chăng, là cốt cách của một linh hồn bắt đầu cuộc thập tự chinh một thân xác mới từ phòng Guf? Đạo không có ở Thiên Đường, Đạo không có ở Niết Bàn. Đạo chỉ có ở nơi có linh hồn.
Xâu từng hạt lệ đời
Lệ nồng mặn, em ơi
Đêm đêm lần tràng lệ
Tụng câu thơ-nụ-cười
(75)
Mỗi giọt đau giọt khổ giọt buồn giọt vui giọt rưng rức giọt ngậm ngùi là mỗi món quà người đếm tay người người đếm tay mình. Nghệ thuật “hung hữu thành trúc”, nói như Tô Đông Pha, phát lộ và mong manh vững chãi tự tồn. Mùi hoa cau trong vườn hay bất kỳ một dung dị nhỏ bé nào ta đã chung sống, cộng sinh ở cuộc đời này đều là một Thượng đế, là một Thiên thần và là một Quỷ sứ. Nghệ thuật, phải chăng là sáng tạo ra linh hồn/bản chất thực cho những thứ đã có chứ không phải đi tìm kiếm những thứ chưa hề biết mặt?
Tôi có hỏi Cao Xuyên về con số 81 bài tứ tuyệt trong tập TỪ VẦNG TRĂNG MƯỜI SÁU: Ngẫu nhiên hay dụng ý 9×9? Ngay khi lời phát ra khỏi môi dại tôi, lời đã biến hút vào đêm, một khoảng trống của sự thừa thãi vừa sinh ra. Người nông dân sạm nắng gió Xuyên Mộc cười hiền khô như chưa từng biết mặt những hoài nghi trắc trở đã qua. Trăng mười sáu là đỉnh cao của một vòng trăng. Là đứa con của trăng đang hoài thai. Là mẹ của mọi trăng đã mất. Chúng ta an nhiên đợi chờ mây xâm chiếm niềm hạnh phúc viên mãn, sẵn sàng cho một cuộc điêu tàn xoay vần mới:
Sẵn bài ca - chim hót
Sẵn mùi hương - hoa ngát
Sẵn niềm yêu - tôi khóc
… Và thế giới đăng trình.
Bàrịa, 03/2012
Trịnh Sơn
Theo http://nguyentrongtao.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...