Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Cây quế ngọc trong rừng văn xứ Thanh

Cây quế ngọc trong rừng văn xứ Thanh
Có những thân phận người, những thân phận văn chương cũng thật đặc biệt, có lẽ nhà thơ Minh Hiệu cũng là một trong số những con người như vậy. Cả một cuộc đời đi theo cách mạng, sáng tác cho cách mạng và dân tộc nhưng rồi cũng bị trải qua những quãng thời gian cay đắng vì sự hiểu lầm, vì sự ấu trĩ của một ai đó hay nhóm người nào đó. Cuối cùng chính văn chương đã giúp ông vượt qua quãng thời gian oan nghiệt đó. Nhưng với Minh Hiệu ngoài tình yêu văn chương còn bao gồm cả một sự vị tha, một tấm lòng trong trắng cho cách mạng. Vì vậy mà sau khi ra tù, ông lại đi lên, làm đến Phó ban Tuyên huấn tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó chủ tịch Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa. Bichkhe.org xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Anh Chi, về chân dung một con người văn chương như thế, tác giả của những câu thơ mà hầu như ai cũng biết; những câu thơ mộc mạc nhưng đã có giá trị trong đời sống “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Ta lên đến đỉnh còn cao hơn đèo”.
Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Minh Hiệu, sinh năm 1924 tại làng quê Yên Lai, tổng Văn Trường, huyện Tĩnh Gia,Thanh Hoá. Năm 1949, với bài thơ Mưa núi, ông đã tạo nên một ấn tượng đẹp lạc quan trong đời sống thơ ca kháng chiến chống Pháp.
Đôi chân rớm máu
Mặc tranh cào, gai cấu
Vẫn đi!
Đã đi là chuyện phải đi
Mưa mưa, gió gió làm chi được người...
Người có chí khí, dám dấn thân vì lý tưởng của mình mới viết được những câu khí phách như thế. Thơ ca kháng chiến chống Pháp của ta, có những giá trị đã thấm rất sâu vào lòng dân chúng, muốn hay không cũng phải ghi nhận đó là những câu chữ để đời, chẳng hạn câu ca dao của Thanh Tịnh Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong, câu ca dao của Bảo Định Giang Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, câu thơ của Hoàng Trung Thông Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đã cũng thành cơm, và, cả câu ca dao tiếp vận của Minh Hiệu Đèo cao thì mặc đèo cao/ Ta lên đến đỉnh còn cao hơn đèo... Bây giờ, viết những dòng hồi ức về Minh Hiệu, với kinh nghiệm văn học của mình, tôi thấy cần phải khẳng định phẩm giá văn chương đó của ông!
Năm 1973, tôi về công tác tại Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hoá, có được gặp nhà thơ Minh Hiệu vài lần, nhưng toàn trong những cuộc họp, giờ nghỉ giải lao chỉ đủ để chào hỏi xã giao. Khi đó ông còn làm việc trên Tỉnh uỷ. Sau Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hoá năm 1974, Minh Hiệu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội, phòng ông ở và làm việc liền kề phòng của tôi. Vậy nên tôi và ông trở thành hàng xóm láng giềng, mở cửa ra là thấy nhau, có chút trà ngon cũng mời nhau sang uống nước. Minh Hiệu vóc dáng cao ráo, thanh nhã, miệng cười rất tươi, vẻ như một người cởi mở. Nhưng, là hàng xóm tôi mới biết, ông rất kỹ tính trong sinh hoạt, và đặc biệt luôn sống khép mình, ngoài chuyện công việc, hiếm thấy ông tâm sự với ai. Tuy vậy, đối với hàng xóm láng giềng cũng có khác. Vài lần tôi có tiếp nhà thơ Hữu Loan, nói đôi chuyện về thơ ca và đưa cho ông Hữu Loan mấy chiếc lốp xe đạp cũ mòn mà tôi xin được của người quen, để ông dùng lót vào trong lốp xe thồ. Việc đó khiến Minh Hiệu lưu tâm. Một buổi tối ông gọi tôi, “có trà ngon, Anh Chi sang uống nước”.
Tôi coi hôm đó là lần đầu tiên ông cởi lòng với tôi: “Anh Chi còn trẻ, nhiều ưu điểm, nhưng sống đừng nên tự nhiên chủ nghĩa quá.” Quả là trà ngon, và tôi chỉ nói, “em thấy thương ông Hữu Loan, anh ạ.” Sau lần đó, tôi được Minh Hiệu thổ lộ nhiều hơn. Ông từng bị ở tù thời cải cách ruộng đất, đến khi sửa sai mới được thả ra. Có lẽ từ đận đó ông có thói quen thường sống khép mình, tôi nghĩ thế, nhưng không hỏi ông có đúng vậy không. Nhưng tôi biết, ở tù về, ông có viết bài Tơ đã vò, những câu thơ tâm sự với vợ đã tỏ rõ cách nhìn trầm sâu về hoạn nạn của mình cũng như về vận hạn của đất nước: Tơ đã vò/ Đừng cho tơ thắt nút/ Đừng sốt ruột mà dứt hư tơ/…Em ơi/ Bình tĩnh đợi chờ/ Sai này Đảng sửa như tơ gỡ dần…
Một buổi tối nữa, “có trà ngon, sang uống nước”, tôi đã hỏi “Hồi mới được ra tù, anh làm gì?”. “Mình lại làm thơ. Đời mình, chả biết nghề gì, chỉ viết. Nói tóm lại là mình đi lên bằng viết”... Đúng là Minh Hiệu đã đi lên trong trường đời bằng viết. Hồi nhỏ, gia cảnh khó khăn, chỉ được học quá tiểu học một chút, nhưng ông đã hay làm ca dao, hò vè. Ca dao, hò vè khiến ông nổi tiếng ở địa phương nên tổ chức Việt Minh cơ sở chú ý và giao cho công tác thanh niên ở xã, rồi được rút lên huyện đoàn. Năm 1948 Minh Hiệu được chọn đi dự lớp Văn nghệ kháng chiến Liên khu IV tại Quần Tín. Sau khoá học, đang có phong trào Nam tiến, Minh Hiệu vào chiến trường Nam Trung bộ, làm báo Cứu quốc Liên khu V. Quãng thời gian này ông đã  thực sự say mê làm thơ. Khi tham gia chiến dịch Thu Đông năm 1949 tại Khánh Hoà, Minh Hiệu đã viết được bài thơ Mưa núi. Lâu nay tôi vẫn nghĩ, đời sống thơ ca kháng chiến chống Pháp của Thanh Hoá nói riêng và của Trung bộ nói chung rất nổi trội so với cả nước. Ngoài Hữu Loan (với bài Đèo Cả) và Trần Mai Ninh (với bài Nhớ máu) là hai nhà thơ khai mở Thời đại thơ ca kháng chiến chống Pháp, còn không ít nhà thơ có đóng góp đáng kể cho nền thơ Việt Nam hiện đại, như Hồng Nguyên, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Trần Hữu Thung và Minh Hiệu… Tôi còn nghĩ, Quang Dũng với bài Tây tiến cũng liên quan đến vùng chiến địa Thanh Hoá. Tây tiến viết về đoàn binh chống Pháp hoạt động trên địa bàn Mai Châu, Mộc Châu, Sầm Nưa và cả vùng đất rộng lớn miền Tây Thanh Hoá, Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi…/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi. Tôi đã từng đi thực tế sáng tác tại Mường Lát, vùng núi cao đẹp hùng vĩ ở cực Tây xứ Thanh. Có lần “sang uống trà”, Minh Hiệu thổ lộ với tôi rằng, “Mường Lát hùng vĩ và nên thơ lắm, Quang Dũng từng sống ở Mường Lát. Hồi ở đó, anh ấy có ghi vào sổ tay một số thơ, văn. Còn mình, cũng còn nợ nần Mường Lát và cả vùng cao Thanh Hoá nhiều”. Sau chiến dịch Thu Đông năm 1949 ở Khánh Hoà, Minh Hiệu ra công tác lại Liên khu III và có quen thân Quang Dũng. Nhưng ông nói “nợ nần Mường Lát và cả vùng cao Thanh Hoá nhiều” khiến tôi lưu tâm. Người kỹ tính và sống thanh sạch như Minh Hiệu, hãn hữu lắm phải vay mượn ai cái gì, thì chỉ sau dăm ba hôm ông đã đem gửi lại một cách trân trọng. Và, Mường Lát mênh mông thế, ông nợ ai, nợ cái gì?... Phải mười năm sau tôi mới biết về món nợ đời của Minh Hiệu, và còn biết ông đã thực sự nỗ lực để trả nợ. Việc này, xin kể sau một chút.          
Thời tôi là hàng xóm của Minh Hiệu hầu như ông không chú tâm vào sáng tác thơ ca nữa. Thực sự, với ông thơ là cái đã rồi, những bài thơ viết từ dạo Mưa núi, viết sau cái đận đi tù, viết về thực tế Thanh Hoá những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, ông đã đưa in trong tập Những chiếc cầu. Những bài thơ đó, đúng là Minh Hiệu viết để đi lên trong trường đời, dẫu đường có lúc gập ghềnh, nhưng từ người ít được học, ông đã có thành tựu sáng tác, và cũng lên tới chức Phó Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Thanh Hoá, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh. Thêm nữa, Minh Hiệu là một mẫu mực trong tự học. Cứ có thời gian rỗi là ông đọc sách. Tôi đã học ông được nếp sống chăm chỉ đọc đó. Một lần tôi chủ động “sang uống trà ngon”, hôm ấy có người mới biếu ông trà rất ngon, uống, rồi tôi nói, “anh Minh Hiệu ạ, em sẽ đi học Trường Nguyễn Du đấy, anh ủng hộ nhé.” Ông nói ngay, “Anh Chi đi học để rồi đi khỏi Thanh Hoá, tôi hiểu. Hãy cứ đi con đường của mình…” Vâng, ai cũng đi trên con đường của số phận mình, tôi học Nguyễn Du khoá I, rồi ở lại công tác tại Hà Nội. Bẵng đi một thời gian, bất ngờ Minh Hiệu ra Hà Nội và đến 51 Trần Hưng Đạo thăm tôi. Đó là cuối năm 1991, ông có già thêm, nhưng dáng vẫn thanh tao, cười thật tươi, “Anh Chi ơi, mình trả được nợ cho Mường Lát và miền Tây Thanh Hoá rồi. Đây!”. Đó là tập bút ký Quế Ngọc châu Thường, Minh Hiệu tặng cho tôi…
Tôi thật sự vui, vì được gặp Minh Hiệu sau hơn mười năm trời. Đêm hôm đó, tôi thức khuya để đọc một mạch Quế Ngọc châu Thường, rồi nghĩ về ông, một tác gia trứ danh của xứ Thanh. Nghĩ về quế, một giống cây đặc sản, từ nhiều đời đã sống trên đất không chỉ ở huyện Thường Xuân, mà ở khắp cả đồi núi bạt ngàn các huyện miền Tây Thanh Hoá, từ Như Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh cho tới Quan Hoá cao thăm thẳm. Qua bút ký của Minh Hiệu, ta thấy giống cây đặc sản này cũng có những long đong lận đận như đồng bào các dân tộc vùng cao này. Từ xưa, người ta sục tìm trong rừng quế thiên nhiên, năm thì mười hoạ mới gặp được một cây quế Ngọc… Có thể nói, tác giả Quế Ngọc châu Thường là một nhà lâm sinh học với hiểu biết thật sâu về thổ nhưỡng miền thượng du Thanh Hoá và về cây quế. Bút ký Quế Ngọc châu Thường cũng nói rõ, chính sách công hữu hoá, tập thể hoá một thời gian dài đã làm vùng quế xứ Thanh tàn lụi thảm hại. Với chế độ thu mua cửa quyền, một phiến quế giá hàng cây vàng mà thương nghiệp quốc doanh thu mua theo kilogram, như mua củi, mua than. Do vậy mà người dân không để lòng dạ, công sức vào việc nuôi trồng, gìn giữ quế nữa. Và đặc sản truyền đời của dân chúng mấy huyện miền Tây Thanh Hoá, như một tài sản quốc gia, đã bị lâm nguy. Thì ra, Minh Hiệu nợ cây quế, như nợ Mường Lát, nợ Châu Thường và cả miền Tây xứ Thanh một lời kêu cứu khẩn thiết, và ông đã trả được món nợ đời đó bằng thiên bút ký Quế Ngọc châu Thường!
Năm 1992, nhà văn Nguyễn Văn Lưu có viết về Minh Hiệu trên báo Nhân Dân chủ nhật, rằng, “Đọc Quế Ngọc châu thường có phảng phất phong vị của Sông Đà, có thể nói Minh Hiệu đã học tập Nguyễn Tuân một cách thành công…” Tôi nghĩ khác Nguyễn Văn Lưu một chút. Ký Sông Đà của Nguyễn Tuân hay ở chỗ cảm và nghĩ miên man rất có duyên. Còn Quế Ngọc châu Thường của Minh Hiệu cuốn hút người đọc bởi tri thức sâu rộng về một vùng quê với một loài cây đặc sản quý hiếm, là văn chương phong tục. Phải có kiến văn sâu sắc và viết một cách nghiêm cẩn mới thành công được trong văn chương phong tục…
Viết những dòng hồi ức về nhà thơ Minh Hiệu, lúc này, tôi lại nhớ thời làm láng giềng của ông. Thời đó, ông đã xong việc với thơ ca, đang chuyên chú vào nghiến cứu văn nghệ dân gian, đặc biệt, ông dồn hết tâm sức cho việc giữ gìn những giá trị dân gian miền núi phía Tây Thanh Hoá. Ông sưu tầm, biên khảo Tục ngữ, dân ca Mường Thanh Hoá và Tuyển tập truyện thơ Mường (Thanh Hoá), trên ngàn trang in, chứa đựng thật nhiều vẻ đẹp nhân bản trong kho tàng văn hoá dân gian các dân tộc Mường, Thái, Mông... Có thể nói, tên tuổi Minh Hiệu đã gắn liền với những giá trị văn hoá của miền Tây xứ Thanh, vùng quê mà ông dành hơn nửa đời người để tìm hiểu, khám phá và viết!
Xin khép lại bài viết này bằng một đoạn hồi ức nữa. Gần hai mươi năm trước, trong một chuyến đi thực tế miền thượng du Thanh Hoá, xe chạy rất êm trên đường 217, lần lượt qua Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, rồi Quan Hoá… Có một quãng dài ô tô đi men bên một rừng quế thật rộng lớn, vạm vỡ và dưới ánh trời chiều, lá quế xanh bóng như ngọc. Tôi bỗng nghĩ tới Minh Hiệu. Lại nhớ một lần “có chè ngon, sang uống”. Lần đó tôi hỏi, “anh là người rất tươi, nhất là khi anh cười, sao có lúc em lại thấy anh rất buồn bã?” Hôm ấy, Minh Hiệu nói cho tôi biết, ông có ba con trai, hai người đi bộ đội đã hy sinh trong chiến trường, không biết nằm ở đâu. Còn một người, không may, lại bị bệnh máu trắng… Xe vẫn đi men theo rừng quế lá xanh như ngọc. Chợt nghĩ về những nhà thơ, nhà văn Thanh Hóa mà tôi quan tâm, rồi tôi thầm nói với mình, “Trong rừng văn xứ Thanh, Minh Hiệu là một cây quế Ngọc”.
Anh Chi 
Nguồn: Báo Văn nghệ số 1+2/2015
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. T...