Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Phùng Quán: "Có những lúc ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy"

Phùng Quán: "Có những lúc ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy"
Báo Tiền Phong số ra ngày 9-2-2003, nhân kỷ niệm 7 năm ngày Phùng Quán qua đời, có bài viết với tựa đề “Ly rượu ngọt Thượng đế đã rót mời Phùng Quán”, có đoạn:
Trời Hà Nội lạnh buốt. Gió từ Hồ Tây thổi thốc từng cơn mang theo mưa phùn. Bạn bè đến dự đám cưới của Phùng Quán - Bội Trâm vẻn vẹn có bốn người: Xuân Trung, Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều và tôi. Không có đại diện đoàn thể bên họ nhà trai đã đành (Phùng Quán có công tác ở cơ quan nào đâu). Phía cô dâu cũng không có đại diện của trường Chu Văn An, nơi Bội Trâm đang dạy học. Chắc chị không muốn hệ lụy đến trường nên không mời. Mời sẽ có các thầy cô giáo tới, họ vốn thủy chung và rất thương Quán - Trâm. Thấy tôi ngơ ngác, Quán bảo: Chỉ mời có bốn người này, thế là đã đến đông đủ. Phùng Quán cười cười nói đùa: Nếu nói về đại diện ban ngành đoàn thể thì đâu có thiếu, cậu là phóng viên báo Đảng coi như đại diện cho Đảng (tác giả bài báo), Xuân Trung tức Toản con, biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên, coi như đại diện cho ngành xuất bản, Tạ Vũ - Hội viên Hội Nhà văn coi như đại diện cho Hội. Tạ Vũ lại từng là thợ kích kéo cầu đường, bây giờ là thợ quét vôi, coi như đại diện luôn cho giai cấp công nhân. Vẫn cười cười tếu táo, Quán nói tiếp: Đừng tưởng ngành giáo dục của cô giáo Trâm không có đại diện nha. Quán chỉ vào Nguyễn Thị Điều: Đây là cô giáo vỡ lòng dạy tại gia, đại diện cho ngành giáo dục.
Tôi biết Phùng Quán cố giấu nỗi buồn sâu thẳm trong lòng để đùa cợt cho anh em bạn bè vui.
Mấy thằng con trai chúng tôi, đứa giữ chân, giữ cánh, để chú rể Phùng Quán cắt tiết gà. Không có gì làm thì giữ chân, giữ cánh con gà cho có việc, chứ thực ra, một mình “xử con gà” với Quán là việc vặt. Con gà mái mơ này một mình Phùng Quán thừa sức làm gọn. Cạnh đó một con gà chết, mồng tái xám, nằm lăn lóc ở góc thềm. Bội Trâm cho biết: Hôm qua mua được hai con gà, nhốt chung vào cái lồng quá chật, chết mất một con. Xong việc cắt tiết, vặt lông, Quán bảo tôi cầm chai đi mua rượu, dặn:
- Tớ biết hôm nay cậu có tiền nhưng là ngày cưới của tớ thì để tớ chiêu đãi, câu cứ sang bà Hai Hanh, gạch một gạch.
Bà Hai Hanh bán rượu lậu ở làng Nghi Tàm. Dân Hà Nội thời đó gọi là “Cuốc lủi” để phân biệt với rượu Nhà nước là quốc doanh. Bà Hai Hanh đều quen mặt lũ chúng tôi những đứa bạn từ thuở thiếu thời của Phùng Quán nên mua trả tiền ngay hoặc ghi sổ cũng được. Bà Hai Hanh không biết chữ nên “sổ nợ” của bà là cái cột nhà. Mua một lít gạch một cái, gạch ô vuông bốn cái, thêm một cái chéo ở giữa, vị chi là năm lít.
Về việc này, nhà báo Hoàng Việt Hằng thuật lại trên báo Văn nghệ công an như sau:
Một buổi sớm, tôi đến thăm nhà văn Phùng Quán. Anh đang thả con cá chép vào bể cá mép cổng nhà. Theo anh tự nhận định về mình thì “Anh là người sát cá em ạ, cứ ngửi hơi nước anh biết là hôm nay cá mè hoa nổi, cá mè hoa thì phải xiên, chỉ có cá chép mới cắn câu thôi”.
Anh Quán bảo chỉ cần sớm ra ngửi hơi nước Hồ Tây thì cầm chiếc lao đi, lao được chú cá mè hoa, hoặc buông câu con trắm cỏ đủ luộc cho bạn uống rượu là hôm đó thắng lợi. Bạn anh rất đông nên Phùng Quán hay nợ tiền rượu. Bà chủ quán lại có cách ghi nợ rượu của nhà văn Phùng Quán rất đặc biệt: Nếu mua 1 xị rượu tức là (1/4 chai) là dấu trừ (-); hai xị (tức nửa lít) là dấu cộng (+), nếu 1 lít thì ký hiệu là 2 dấu cộng; cứ thế tính tiền trả nợ.
Một lần, anh Phùng Quán đi mua rượu, bà chủ quán nhắc đã nhiều dấu cộng rồi mà chưa thấy bác thanh toán tiền rượu. Anh Phùng Quán lại khất vì nhuận bút quá chậm, mà hàng ngày bạn đến chơi lại đông hơn, khổ thế. Bà chủ quán vẫn vui vẻ cho Phùng Quán nợ tiếp.
Không hiểu sao, có một lần đến chơi khác biệt là một người bạn lính bộ đội đặc công, ông ta nghe được chuyện ghi nợ rượu của nhà văn Phùng Quán, nghe xong ông ta lặng lẽ xin phép về sớm. Sáng hôm sau, bà chủ quán rượu khóc bù lu bù loa gọi bác Quán ra cửa than thở: Đứa nào đã bóc hết dấu cộng, trừ trên vỏ thân cây xà cừ rồi, giờ bà biết tính tiền rượu ra sao để đòi ông Phùng Quán đây?
Chả lẽ bác Quán xóa nợ kiểu này sao? Nghe xong, anh Phùng Quán điềm tĩnh bảo: “Chị ơi, chị đừng lo, tôi sẽ trả hết số nợ rượu của chị, chị đừng khóc nữa. Tôi hứa. Chị tính bao nhiêu tôi cũng trả hết trả đủ”.
Hai hôm sau, anh nhận được nhuận bút bài viết cho số Tết ở một tờ báo trong Sài Gòn, nhuận bút trả khá cao. Anh Phùng Quán đem nhuận bút trả hết tiền rượu mà bà chủ quán ước chừng. Xem ra số ước chừng đó còn nhiều hơn số rượu nợ thực mà Phùng Quán đã mua.
Rút kinh nghiệm từ đó, bà chủ quán rượu vẫn cho Phùng Quán ghi sổ nợ rượu kiểu đánh dấu nợ cộng trừ, nhưng ghi vào sổ sách đàng hoàng. Bà chả dại gì mà ghi sổ nợ trên vỏ thân cây xà cừ nữa.
Lại một cái Tết nữa qua đi, đúng lúc nhà văn Phùng Quán đông bạn nhà thơ đến chơi, bà chủ quán đem cả lít rượu sang mừng tuổi bác Quán, mừng tuổi luôn cả hai dấu cộng của ký hiệu nợ rượu cũ. Đầu năm mới mà mừng tuổi rượu, nhà văn Phùng Quán vui lắm, coi như là hên.
Về sau người lính đặc công bạn ông còn đến thăm nhà văn Phùng Quán một lần nữa. Ông ta cũng không nghe thấy Phùng Quán trách cứ câu gì, không thấy nhắc lại chuyện cũ mà chỉ thấy ông ngồi rang thính, tính trời tối lại câu con cá thả vào bể chơi, bạn đến nhà lại luộc cá uống rượu. Anh chỉ kể những câu chuyện về cá và thường để phần kết câu chuyện bỏ ngỏ cho bạn đến chơi nhà muốn nghĩ gì thì nghĩ.
Đã có lần anh Quán khoe với tôi: “Số anh nếu anh chỉ cần ở nhà là rất hay có lộc văn chương, lộc ất ơ mà em. Hôm nọ anh đang ngồi ăn nhẹ, thấy có người hỏi thăm bác Quán có nhà không. Anh đáp: có tôi. Thấy anh ăn cơm nguội, ông khách trố mắt nhìn, không tin Phùng Quán lại vét cơm nguội ăn ngon lành thế. Rồi ông khách mang nhuận bút cho anh in ở chỗ nào chả rõ ở bên nước ngoài, bài thơ nhuận bút những 100 đô la. Trời ơi, bao nhiêu lít rượu em biết không?”.
Bà chủ quán rượu nghe tin anh có nhuận bút cả trăm đô la cười như được mùa. Chả là nếu có tiền thì việc đầu tiên Phùng Quán nghĩ đến là mua rượu thết bạn. Cá thì có sẵn ở hồ. Nhiều tay bảo vệ Hồ Tây biết anh nghèo nên hay tảng lờ đi để cho anh kiếm cá đãi bạn.
Bạn văn mừng tuổi anh nhiều món quà, Phùng Quán không để tâm. Nhưng với anh, cái Tết bà chủ quán mừng tuổi rượu thì anh gọi bà chủ quán là ân nhân. Ân nhân rượu.
Tôi cũng nghe nói khi anh mất, bà chủ quán rượu đến phúng nhà văn rượu, và khóc thương anh tài hoa mà sao số lại khổ thế.
Ôi nhớ sao những dấu cộng, dấu trừ và sổ nợ trên vỏ một thân cây xà cừ già ở một góc phố Hồ Tây, Hà Nội.
Nhà văn Ngô Minh có rất nhiều tư liệu, nhiều bài viết về Phùng Quán. Trong bài “Chiếc áo định mệnh và lần hành khất ở ga Huế”, anh cho hay: “Giáp Tết 1994, tức một năm trước khi mất, anh (tức Phùng Quán) đưa vợ đi chơi Sài Gòn ra, khi tàu đến Huế, anh nói dối vợ xuống mua điếu thuốc, rồi “trốn” ở lại Huế cho tới ngày 22 Tết mới lên tàu ra Hà Nội. Ở Sài Gòn ra, anh tặng tôi một be rượu Trung Quốc, mà anh gọi cho oai là “rượu Mao Đài”. Anh luôn mang trong chiếc bị cói truyền thống của mình một chiếc áo khoác may theo kiểu áo dài, thân bằng vải gì không biết, anh nói thứ vải này là thao, đũi gì đó đắt lắm. Chiếc áo được vợ chồng Thu Bồn, Lý Bạch Huệ tặng, nhưng tôi thấy cứ giống y chang loại vải may buồm ở làng biển của tôi xưa.
Chiếc áo ấy chằng chịt chữ ký của bạn bè văn nghệ, bạn đọc mến mộ anh với đầy đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… Ở cơ quan tạp chí Sông Hương, hôm đó mọi người chen nhau để được ký vào chiếc áo. Chữ ký của tôi ở cổ áo bên phải. Anh bảo khi chết, anh sẽ mặc chiếc áo ấy để sống mãi với hơi ấm bạn bè. Chiếc áo định mệnh đó, gia đình đã mặc cho anh trong giờ phút lâm chung.
Đêm 22 Tết năm đó, trong phòng đợi tàu ga Huế, vợ chồng tôi, các anh Lê Gia Ninh, Vĩnh Cường, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, đạo diễn điện ảnh Vinh Sơn… thức tiễn anh tới một giờ sáng. Anh uống nhiều rượu, sang sảng đọc thơ cho lữ khách nghe. Mọi người rất xúc động. Thơ anh đọc ở đâu cũng làm cho mọi người xúc động vì chất bi hùng thống thiết.
Đang đọc thơ, anh bỗng ngả mũ đi hành khất ở ga. Hầu như ai cũng bỏ tiền vào mũ anh. Có cả những du khách nước ngoài. Số tiền kiếm được, anh chia luôn cho những người ăn xin ở ga ngay khuya hôm đó. Tôi có ngờ đâu đó là lần anh đọc thơ cuối cùng với Huế, để rồi xa Huế mãi mãi”.
Từ ngày bác sĩ bệnh viện Saint Paul cho biết ông bị xơ gan cổ trướng, phải kiêng rượu, ông bảo: “Không uống rượu thì còn gì là Phùng Quán”. Có lần buồn quá, ông tuyên bố: “Nếu chắc chắn bị thần chết xử tử vì ung thư gan thì có bao nhiêu rượu đều mang ra cùng uống hết với bạn bè”. Nhưng ông lại mong sống thêm với vợ con, với bạn bè, với thơ, nên ông rất nghiêm túc kiêng rượu. Tuy không uống nhưng khi bạn bè đến thăm, ông vẫn bảo vợ mang rượu ra đãi bạn. Ông ngồi chạm cái ly không với mọi người để nghe âm thanh quen thuộc, rồi nhìn bạn uống rượu để khỏi thèm.
Phùng Quán bị bạo bệnh, nhưng là người có bản tính quật cường, bất khuất, nên không muốn biểu lộ những đau đớn thể xác. Trong thư gửi một nhà văn hải ngoại, ông viết: “Khoảng 20 ngày nay xảy ra một sự cố là phát bệnh xơ gan cổ trướng và có dấu hiệu của K (Cancer). Kết quả khám nghiệm chỉ xơ gan thôi. Bụng mình to như bụng M. rồi, nhưng mà to vì nhiều nước. Tuy nhiên trông chết người vẫn cười ngạo nghễ”. Cũng trong lá thư này, cho thấy ông có nhiều dấu hiệu như những lời trối trăng, ông tỏ ý muốn được chết trong mùi thơm của sông Hương núi Ngự, ông ủy thác cho một nhà văn những gì ông đã viết trong thời gian gần đây.
Cũng theo nhà văn Ngô Minh: Một nỗi khổ nữa của Phùng Quán trong lúc trọng bệnh là không còn được ngồi vào bàn để viết văn nữa vì, cái bụng to và xơ cứng. Thế nên ông đã tự thiết kế cho mình một cái bàn đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử loài người: Đó là cái bàn chổng ngược. Tức là mặt bàn nằm sấp, úp xuống, chân bàn treo ngược lên, giấy kẹp vào mặt bàn. Ông nằm ngửa giơ tay lên trời mà viết. 30 năm Phùng Quán viết “văn chui”, đến khi được quyền viết, thì không còn mấy thời gian nữa, nên ông rất thèm viết.
Về cái bàn viết này, Phùng Quán viết thư cho một người bạn ở xa, kể chuyện rất tếu: “Anh bị chứng bệnh “xơ gan cổ trướng” (tên bệnh mà như tên minh tinh điện ảnh Đài Loan). Hiện nay anh rất đẹp trai. Một lão trượng râu tóc bạc trắng, mang cái bụng sắp đến ngày khai hoa mãn nguyệt. Nhất là vẫn còn đọc được thơ (tuy lực thơ có sút kém). Và viết được văn. Ngồi viết bị tức bụng thì anh nằm viết. Bởi vậy, văn anh bây giờ toàn câu văn chỉ thiên…; rượu nó bỏ anh, vì từ khi anh lâm bệnh, rượu thấy anh mất phong độ của bậc ẩm giả. “Cuộc đời vui quá không buồn được!”.
Phùng Quán qua đời hồi 4 giờ 50 phút chiều chủ nhật 22-1-1995 (giờ Canh Thìn tức ngày 22 tháng Chạp, ngày Quý Sửu, năm Giáp Tuất) tại nhà riêng bởi căn bệnh xơ gan cổ trướng, thọ 64 tuổi [1]. - Sách: Còn là tinh anh, NXB Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2013.
Về chiếc áo chằng chịt chữ ký của bạn bè văn nghệ, nhà thơ Thu Bồn cho biết “lịch sử” của nó như thế này: Cái áo này là của tôi (tức Thu Bồn). Lý Bạch Huệ (vợ Thu Bồn) đi biểu diễn lấy được tiền ra cửa hàng Sĩ Tân mua cho tôi cái áo títxo giá 150 ngàn đồng. Tôi mặc chiếc áo đẹp được vài ngày thì Phùng Quán vô. Chúng tôi nhậu ở nhà một người bạn. Phùng tiên sinh nheo mắt nhìn chiếc áo tôi đương mặc, mỉm cười. Bỗng anh ôm tôi rỉ tai nói nhỏ: Cậu đổi cho mình chiếc áo này. Giữa bàn tiệc ai cũng sửng sốt vì hai đứa tôi cởi áo cho nhau. Nhưng nhà thơ không chịu rời khỏi tôi lại ưỡn cái ngực lép ra và bảo tôi ký vào đó. Thật hết trò chơi. Tôi ký vào và mọi người cùng ký vào, có cả em bé 7 tuổi cũng ký vào. Trò chơi chỉ có vậy. Chúng tôi thì vui, khổ thì riêng mình anh chịu. - Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, 25-1-1995.
Thu Bồn kể tiếp: Mỗi năm cứ độ gần Tết, Phùng Quán lại vào Nam thăm viếng bạn bè. Lần nào anh cũng ghé nhà tôi để uống một ly rượu ngon do bàn tay mẹ tôi cất. Năm nay đột nhiên không thấy anh vào nữa, lòng tôi thấy lo lo.
Linh tính bạn bè không phải là điều vô cớ. Cái đêm anh uống rượu trong vườn nhà tôi bỗng nhiên anh khóc. Người say khóc cười là chuyện thường, nhưng Phùng Quán không say. Anh đọc thơ rất hay, thỉnh thoảng nhấp một chút rất trịnh trọng - anh uống rượu và uống những giọt nước mắt của mình. Đêm đen sâu thẳm, chúng tôi ngồi xung quanh ánh lửa hồng.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời làm thơ của anh và tôi có nhiều điểm giống nhau. Anh là Thiếu sinh quân ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa… từng nương Thiên Mụ từng ngụ Đập Đá Văn Xá Truồi Nông… Tôi là Thiếu sinh quân của Liên khu Năm.
Quá khứ không bao giờ nhòa được một nhà thơ Thanh Tịnh già, một Phùng Quán trẻ từng đi bộ suốt dãy Trường Sơn đến chiến khu Việt Bắc đọc thơ cho bộ đội nghe. Những người lính năm ấy bây giờ nhiều người là tướng lĩnh.
Anh về Văn nghệ quân đội trước tôi. Tên tuổi anh nổi tiếng với Vượt Côn Đảo, trường ca Tiếng hát trên địa ngục. Một thế hệ thanh niên đã lấy Vượt Côn Đảo làm quyển sách gối đầu giường. Anh tài năng hơn tôi, hẩm hiu hơn tôi, oan ức hơn tôi, trung thành hơn tôi, cam chịu hơn tôi và cũng nghèo nàn hơn tôi.
Có người cho anh lập dị, nhưng không phải. Anh đi guốc mộc vì cái bàn chân tê thấp và tiền đâu mà mua giày mua dép? Tiền đâu mua nón nỉ nón cối mà không đội nón lá kè…
Tôi về số 4 Lý Nam Đế ở đúng cái phòng anh ở trước nên ai đến cũng lầm tôi là Phùng Quán vì tôi cũng có cái ngoại hình giống anh. Sau này do trời xui đất khiến thế nào mà vợ tôi lại đóng phim Tuổi thơ dữ dội của anh.
Ra Hà Nội lần nào tôi cũng đến thăm anh. Cũng chui vào một con đường kiệt bên hông trường Chu Văn An, bẻ ngoặt lại ven bức tường là một Hồ Tây rộng mênh mông. Mái lều nhỏ bé và một cái chòi rách tươm như đời thi sĩ nghểnh cổ lên để cố nhìn thấu tận Tam Đảo Ba Vì.
Vừa rồi tôi và Lý Bạch Huệ (mẹ thằng Mừng) ra Hà Nội thăm anh. Chị Trâm vợ Phùng Quán không ngớt giới thiệu về những bài thơ của bạn bè đề trên vách. Trong số đó có bài thơ của Tào Mạt. Chị Trâm đem ra khoe với chúng tôi: bàn ghế trong nhà đều do bàn tay anh Quán chế biến từ những vỏ tivi hư. Chúng tôi ít khi ngồi trên những chiếc ghế ấy mà thích ngồi thiền trên cái chòi để ngắm nhìn cho được toàn cảnh Hồ Tây. Những mảnh vụn và rách được bàn tay thi sĩ xếp lại làm nên cái chòi có tên là “Chòi ngăn sóng”. Trên nóc chòi có gắn một bình rượu làm biểu tượng.
Chị Trâm lại đem cái áo có hàng trăm chữ ký của bạn bè ra khoe với tôi mà tôi vừa kể ở trên. Chị vừa khoe nhưng vừa muốn khóc, chị nói: Khổ quá cái áo này anh Quán thích lắm vì là kỷ niệm bạn bè. Vậy mà có người vu cho anh có ý định làm một tổ chức gì đó.
Thơ văn Phùng Quán từ hồi anh có mặt trong hàng ngũ những nhà thơ lớn chưa hề có chữ nào phản lại nhân dân, anh yêu thương và ca ngợi từ trái cà nghèo nàn quê hương anh đến những chiếc vại làm bằng đất thó - những vại cà nuôi cả dân tộc này lớn lên và làm nên những kỳ tích anh hùng. Và, từ khi mở mắt đến khi nhắm mắt anh chưa hề được bước chân đến mọt đất nước nào khác ngoài đất nước Việt Nam yêu quý.
Cái bình điếu thuốc lào, tẩu còn dựng bên vách với những tàn đóm một thời còn chưa có thì giờ sắp xếp, những chai không còn rượu cái đứng, cái nằm, chúng đương ngổn ngang cùng với những trang sử thi Tago, những anh hùng ca Hôme, những Bôđờle, những Pútskin, những Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Nhưng anh đã đi rồi. Lịch sử quá nhiều công việc, tôi chỉ biết khóc anh và giải cho anh vài điều oan để ở thế giới bên kia anh lại còn nhớ về thế giới này.
Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Vinh Sơn, tác giả rất nhiều bộ phim truyền hình hay, trong đó có phim Tuổi thơ dữ dội, Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 nói về Phùng Quán:
Một nhận xét phản bác của một thành viên trong Hội đồng duyệt phim Tuổi thơ dữ dội làm tôi âu lo: “… xem phim thấy rõ cái dằn vặt Phùng Quán”.
Gì mà dữ vậy? Tên tuổi Phùng Quán tôi đã được nghe tới từ khi còn là cậu học sinh trung học ở Huế. Khen có, chê có, nhưng tựu trung vẫn là những từ đáng nể: một tài năng lớn, một kẻ gàn bướng, một tên nổi loạn… Bây giờ lại có thêm tính từ Phùng Quán bổ nghĩa cho cái dằn vặt. Khiếp quá! Tôi tìm đến nhà Phùng Quán mà chỉ mong không gặp mặt.
Cái ý nghĩ đầu tiên chợt đến khi vừa thấy mặt là… đẹp quá. Ông mặc áo nâu ngồi chăm chút cây ớt trong miếng đất nhỏ xíu trước sân nhà. Râu tóc bạc phơ. Cử chỉ chậm rãi. Toàn khung cảnh toát lên vẻ thong dong, nhàn nhã. Và nụ cười hé nửa miệng, thoát ra từng tiếng hề hề ngắt quãng, làm rung rinh chòm râu và long lanh cặp mắt. Tôi nhớ hoài nụ cười đó.
Lần đầu tiên trình chiếu bộ phim Tuổi thơ dữ dội cho tác giả tiểu thuyết xem, tôi hồi hộp hỏi:
- Thưa, chú thấy… thế nào?
Nhà văn hé miệng cười hề hề, nói to cho mọi người nghe:
- Sướng thiệt, viết sách, đọc thấy tên mình nhỏ xíu. Giờ lên phim, chữ Phùng Quán phóng to bằng cái nia. Sướng thiệt! Đã thiệt! Hề… hề…
Nghe vậy, tôi vội quay mặt đi cố giấu những giọt nước mắt xúc động. Nhân ái quá, vĩ đại quá! Bao nhiêu lo âu căng thẳng từ hơn một năm nay đã được nụ cười kia hóa giải. Làm phim dựa theo tác phẩm của một tên tuổi lớn như vậy, mà không hề gặp mặt để bàn bạc, xin ý kiến chỉ giáo… là một thất lễ lớn. Tôi chờ đợi những lời bắt lỗi, những ý kiến thêm bớt cho hay hơn, những lời phê phán để chứng tỏ trình độ, đẳng cấp… Không, chỉ một câu nói đùa dí dỏm của một cụ già nông dân.
Sau này, ông có lần nói với tôi:
- Nếu tau gặp mi trước khi làm phim, tau sẽ kể thêm nhiều chuyện không có trong tiểu thuyết. Ví như chuyện một thương binh bị cụt cả hai tay tới sát nách, được tuyên dương anh hùng, gắn huy chương đỏ ngực. Anh thấy diễn viên đóng thằng Mừng, nhân vật chính của Tuổi thơ dữ dội, cứ bám theo anh suốt cả ngày, liền bực mình gắt: “Mày làm gì mà cứ theo dõi tao hoài vậy?”. Mừng rụt rè thưa: “Dạ, em muốn chờ coi, khi anh đi… ỉa, anh chùi đít bằng cách nào”. Anh thương binh òa lên khóc, ôm Mừng nói: “Chỉ có mày là thương tao nhất”.
Kể xong, ông cười hề hề. Tôi bỗng thấy bộ phim vừa làm xong chỉ là cái xác không hồn.
Có lần tôi đánh bạo hỏi ông về thời gian ông bị kỷ luật. Ông đưa hai ngón tay cười nói: Hai suất Kiều. Thấy tôi không hiểu, ông giải thích: thì Kiều lưu lạc 15 năm, tau 30 năm. Hai suất Kiều.
Ba mươi năm. Trong thời gian đó, có lần ông mang một cái tên không phải tên ông dự cuộc thi truyện ngắn viết về Lênin tổ chức ở Liên Xô, và trúng giải nhất. Chuyện thật mà như đùa. Trải từng ấy thời gian, ông vẫn cười, vì bên ông đã có thơ:
…Có những phút ngã lòng,
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…
Thơ ông càng nghe rõ tiếng hề hề. Ngồi cô độc uống rượu một mình trong Chòi ngắm sóng (tên ông gọi túp lều nhà ông sát hồ Tây), thấy chỉ có núi Ba Vì trước mặt làm bạn đối ẩm, ông thốt lên:
- …Nhớ nhau tưới rượu xuống hồ Tây.
Lại một lần, tôi được nghe cô Trâm, vợ nhà văn kể: Khi đọc điếu văn trước quan tài một người bạn chết vì ung thư, ông lại ứng khẩu một bài thơ: Chơi ung thư. Làm những người thân trong gia đình người chết dở khóc dở cười. Ông lại cười: Chơi vậy mới là chơi.
Bây giờ thì ông cũng lại chơi ung thư. Ông thường nói: Đời tau chỉ đến 60 tuổi, những năm còn lại là sống thêm, sống thừa. Tôi lại tiếc chưa thực hiện được ý định đã có lần bàn với ông: mời ông đóng phim. Tôi thật rất muốn ghi hình dáng dấp ấy, nụ cười ấy.
Không được gần ông trong giây phút lìa đời, nhưng tôi biết chắc, khi chạm mặt thần chết, ông cũng sẽ cười. Và theo tôi, cái gọi là dằn vặt Phùng Quán từng làm e ngại ai đó, không đáng sợ bằng nụ cười Phùng Quán.
Năm 1962, Phùng Quán kết hôn với chị Vũ Thị Bội Trâm, giáo viên. Từ khi cưới nhau đến năm 1981, trải 20 năm, hai vợ chồng Phùng Quán vẫn ở hai nơi. Vợ thì ở nhà cha mẹ số 3 đường Hàng Cân. Chồng ở làng Nghi Tàm, Hà Nội, trong nhà của người mẹ nuôi là bà Trưởng Dơi (được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Ở đó, hằng ngày “Phùng Quán làm hai “nghề” cơ bản: viết văn rồi mượn tên thân hữu bạn bè để in, và câu trộm cá Hồ Tây bán lấy tiền nuôi con” (Ngô Minh). Ngày ông mất, trong mấy trăm vòng hoa đến viếng, có một vòng hoa rất đặc biệt của “những người bạn câu cá trộm” của ông, một thời. Họ đã cử người đại diện đứng ra đọc lời chia buồn: “Chúng tôi là những đồng đội của anh, đều đã làm lính Cụ Hồ thời chống Pháp, chống Mỹ, tất cả đều là bạn thân của anh thời câu cá trộm Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Cũng như anh, trên mình chúng tôi có những vết sẹo do tuần hồ “ban tặng”. Tất cả những người đang đứng quanh chiếc hòm của anh nay đã chấm dứt nghề câu cá trộm, trở thành công nhân quốc doanh đánh cá Hồ Tây, được vào biên chế, có lương hằng tháng, tốt quá Quán ơi! Vĩnh biệt anh, chúng tôi tự hào về người đồng đội của mình, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, được toàn dân yêu mến”.
Xin anh uống với chúng em ly rượu tiễn biệt, anh Phùng Quán ơi!
Còn Hoàng Lan Anh viết: Tôi đến nhà nhà thơ Phùng Quán một ngày chủ nhật. Sự ồn ào của quán sá dường như tương phản với sự tĩnh lặng trong ngôi nhà. Đây là lần thứ hai tôi đến nhà ông, lần trước tôi đến khi ông vừa mất. Tiếp tôi cả hai lần, đều là vợ ông, bà Vũ Bội Trâm. Nhưng một lần, là trong khói hương, và lần kia là sự bình yên của một chiều thu rất muộn.
Bà kể cho tôi nghe về ông, từ ngày mới lấy nhau và những bất hạnh đeo đuổi ông gần hết cuộc đời. Người ta không dễ gì chịu được những thử thách như thế, nỗi đau như thế. Cái tuổi 30 đã đem lại cho ông những điều thật bất ngờ, vừa khổ đau vừa hạnh phúc. Người ta biết đến ông, đọc thơ ông, và khắc sâu trong tâm cảm mình. “Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét”. Thơ Phùng Quán mộc mạc mà sâu xa, như được kết tinh từ những nỗi buồn, xen lẫn sự lạc quan, và rượu của máu giang hồ. Ông uống rượu nhiều, mà không phải nhẹ, loại đốt có lửa mới uống, lại là uống suông. Với ông “rượu là cứu cánh vĩ đại của phường đạo tặc sông hồ”.
Phùng Quán làm nhiều thơ, nét chữ của ông mềm nhưng cương trực. Ngoài ra, ông còn viết văn, xuất bản sách bằng tên của bè bạn, ước tới năm chục cuốn dày mỏng, phần nhiều là truyện tranh. Văn của ông đã bay sang cả Liên Xô (cũ) như truyện ngắn “Như con cò vàng trong cổ tích” nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Lênin. Nhưng chỉ viết văn thôi thì đâu đủ sống, theo ước tính trong những ngày đốt lửa ngồi trên bờ hồ đọc thơ, uống rượu, ông đã câu “chui” của Nhà nước khoảng bốn tấn cá ở Hồ Tây. Mà về sau ông đã đền bù, cứ mỗi cân cá, ông đền 10 bản sách nói về cá.
Năm 1988, Phùng Quán viết nhiều hơn và xuất bản sách bằng tên của mình. Chủ yếu là báo và hồi ký. Những mẩu hồi ký ông viết từ thời đi bộ đội, văn công rồi làm ở báo Văn nghệ quân đội… Mỗi ngày ông viết một ít, những mẩu chuyện không được chuẩn bị trước, sắp xếp lộn xộn. Nhưng đó là những mẩu chuyện quý, rất quý về đời ông, được gom thành tập “Chuyện tào lao quanh chiếu rượu”. Thật tiếc cho ông, hơn sáu năm cuối đời là quãng thời gian đẹp nhưng quá ngắn. Căn bệnh ung thư đã mang ông đi, chưa đầy hai tháng sau khi phát bệnh. Thời gian này ông viết nhiều, viết hối hả, như kẻ độc hành sợ lỡ chuyến đi. “Chuyện 17 bộ hài cốt ở Huế”, huyệt lửa chôn chung 17 đồng chí cách mạng vẫn chưa được hoàn thành. Kịch bản phim về bà mẹ anh hùng ở Huế nuôi hàng binh được ông viết trong những ngày bệnh nặng, không thể ngồi mà phải nằm ngửa, viết trên chiếc bàn đặc biệt với cây bút chì trong tay. Mới chỉ hết phần một thôi, phần hai, phần ba sẽ không bao giờ có được, không bao giờ viết được. Chẳng thể ngờ đó là trang bản thảo cuối cùng của ông. Cũng chẳng thể ngờ, sau khi nhà văn Hữu Mai và Vũ Tú Nam ra về cho đến khi nhắm mắt, ông vẫn chưa được nhìn tập thơ của mình mang tên Phùng Quán. Đôi khi trong cuộc đời không phải mọi sự đều như ý muốn cho ông, và với nhiều người…
Rất tiếc, bà Trâm chưa soạn lại di cảo của nhà thơ, và tôi chỉ có đọc được những ghi chép của ông từ những xấp bản thảo với những dòng chữ đẹp và ngay thẳng, mà sinh thời ông rất thích. Trong đó, tôi đọc thấy một câu thơ của Êxênhin mà ông vẫn thường hay đọc: “Những số phận khác thường. Sinh ra đều định trước. Tôi không thành nhà thơ, thì cũng thành trộm cướp”…- Báo Người Lao động, 6-12-1997.
Từ mấy chục năm nay, Phùng Quán viết trong sách “3 phút sự thật”: Tôi luôn bị thôi thúc bởi niềm mong ước tìm hiểu cho ra ai là người kiến trúc Lễ đài Độc lập hôm 2-9-1945.
Thế rồi cách đây ba năm, tôi được một người bạn tặng tôi những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử mồng 2 tháng 9 -1945 anh vừa tìm thấy trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, và Kho Lưu trữ quốc gia. Trong số những bản sao chụp, có mấy tư liệu tôi đặc biệt chú ý:
“Thư của Bộ Tuyên truyền có tiêu đề VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA đề ngày 31-8-1945 gửi Thị trưởng Hà Nội, về việc tổ chức Ngày Độc Lập (Đây là bản chính thức được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130mm x 210mm, đóng dấu tròn với dòng chữ Ngày Độc Lập và C.P.C.H.D.C. vòng quanh con dấu, một ngôi sao năm cánh ở giữa, nổi lên dòng chữ BAN TỔ CHỨC). Nội dung thư:
Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,
Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2-9-1945 một “Ngày Độc Lập”.
Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc Lập.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”.
Một thư khác của Ban Tổ chức “Ngày Độc Lập” thuộc Bộ Thông tin và Tuyên truyền, đề ngày 31-8-1945. Hình thức và con dấu giống hệt như trên. Nội dung thư:
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,
Nhân “Ngày Độc Lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ vườn hoa Ba Đình và những phố lân cận.
Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả dây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu tòa Thị chính.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”.
Một bức thư khác, hình thức, tiêu đề và con dấu giống hai bức thư trên, với nội dung:
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,
Muốn cho Ngày Độc Lập tổ chức vào ngày 2-9-1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán hội Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở Tài chính.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”.
Sau khi đọc kỹ những tư liệu trên, tôi suy luận: Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban tổ chức Ngày Độc Lập, vậy chắc ông phải biết ai là tác giả của công trình kiến trúc Lễ đài. Cần phải tìm gặp ông để hỏi cho ra.
Anh Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được trò chuyện với anh. Mỗi lần được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê người, đầu không khiến mà chân cứ rụt về đứng thành tư thế nghiêm, như ngày còn làm lính trinh sát mỗi lần được Chính ủy Sư đoàn hỏi chuyện. Tôi nghĩ bụng: “Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện?”. Nguyễn Hữu Đang, người tham gia cách mạng từ hồi tôi chưa đẻ; nhà hoạt động báo chí công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu; một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn hóa Cứu quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Và cuối cùng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ của Đất nước: 2-9-1945.
Thế là tôi quyết đi tìm ông. Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà ở Thái Bình. Hàng năm, vào dịp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà Nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô. Anh mang đến cho mấy người bạn cũ mỗi người vài cân gạo nếp, một chai rượu. Một lần tôi được anh cho một cân và hưu rượu. Tôi cảm động hỏi anh: “Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng tôi thế?”. Anh cười: “Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp, có rượu biếu bạn, lại có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. “Hiện nay anh đang làm gì?”, “Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu thấy bản dịch sai nhiều quá!”.
Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà Nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi lo lắng hỏi nhau: “Không biết anh Đang có gặp phải chuyện gì trắc trở dưới đó?”.
Thế là tôi quyết đi tìm. “Cả tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”. “Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”. Vợ tôi đành trao cho tôi một nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhịn nhẫn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào việc không đâu! Tôi nhét vội mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.
Vừa đi tàu, vừa ô tô, xe đạp… Sáng 26 Tết, tôi có mặt ở thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở Văn hóa và Hội Văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ. “Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó…”. Ở Hội Văn nghệ tỉnh, tôi làm quen với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói:
- Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó nổi tiếng, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, chắc sẽ hỏi ra.
Đến quán thịt chó, tôi đành móc số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đã đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ đứng bật dậy, nói khẽ với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc ông biết”. Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ: “Cậu nhớ đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “Biết rồi, biết rồi chú không phải dặn”. Anh bạn trẻ đi đến gặp ông ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi: “Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu tuổi ạ?”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác - áo quần bà ba nâu, chân dép lốp - râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “- Cảm ơn đồng chí - tôi cười - cũng “thất thập cổ lai hi” rồi đồng chí ạ”. “Trước cụ có làm công tác ở đâu không ạ?”. “Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp ở trên Hà Nội… về hưu đã gần được chục năm rồi”. “Cụ là thế nào với Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “Tôi có quen biết gì với ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gởi tôi mười ngàn bạc gửi biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết…”. Anh cán bộ cười: “Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương… cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về tới đó cũng vất vả đấy…”. Thấy tôi chăm chú nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “Nói để cụ hiểu cụ thể hơn, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi… Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo, làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán…”.
Cuối cùng, tôi cũng tìm gặp được ông. Gặp nhau, mừng quá, tôi nói: “Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn…”. “Thôi khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam xuất khẩu hẳn hoi, quà của Hội Nhà văn gửi biếu vào dịp Tết năm ngoái… Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi”. Anh xăng xái lấy chùm chìa khóa buộc chung với chùm lục lạc, mở khóa tủ tìm chai rượu. Tôi liếc mắt nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách… ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ bia lon, và nhiều chồng các loại bao thuốc lá. Anh lúi húi lục tìm một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa. “Đây rồi! Bây giờ già hóa lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia”. Tôi cười, nói: “Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quý tộc Nga thời Sa hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quý cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quý”.
Một câu chuyện khác về rượu với Phùng Quán. Chuyện răng: Phùng Quán ngồi uống rượu với bạn. Trên mâm một chai rượu cuốc lủi, hai cái chén, một bát riêu cá nghi ngút khói, một đĩa cá rán vàng rộm. Chú mèo vàng ngoan ngoãn, lim dim ngồi bên cạnh chủ. Mải nói chuyện với khách, Phùng Quán chỉ nhâm nhi, quên cả ăn. Đến lúc dứt câu chuyện, nhìn xuống bát chỉ thấy bát không, nửa khúc cá rán đã không cánh mà bay đâu mất! Nhìn ra góc nhà, chú mèo đang say sưa xơi cá rán ngon lành. Vợ Phùng Quán rút cái chổi phất trần xăm xăm chạy đến định vụt con miêu một cái, trừng trị cái tội hỗn hào, hư thân mất nết. Phùng Quán gọi vợ: Đừng em ơi, đánh nó tội nghiệp. Rình lúc mình sơ ý, nó “bốp” được miếng ngon, em cho nó thưởng thức. Thường ngày, mình chỉ cho nó ăn đầu cá, ăn xương xẩu chứ em đâu có rán cá chép cho nó ăn! Nó cũng ranh, cũng khá thật đấy!
Một chuyện vui khác:
Nhà Phùng Quán mời khách ăn cơm. Phùng Quán ra chợ mua cá lăng, cá chiên để làm món chả cá nhấm rượu, đãi bạn. Hai thứ cá chuyên dùng để nướng chả không có, Phùng Quán đành phải mua cá quả. Thấy có 2 con cá quả to đang quẫy trong thùng nước, Phùng Quán hỏi mua. Bà bán hàng nhìn ông từ đầu đến chân, nhìn chiếc mũ lá, bộ bà ba nâu, dép cao su dưới chân, tóc dài, râu bạc, bà nói: Cá này đắt, cụ không mua được đâu! - Thì bà cứ nói giá xem tôi có đủ tiền mua không? 50 ngàn 1 cân, cụ có mua không? - Bà cân cho tôi cả 2 con, tôi mua tất. Bà hàng tròn xoe mắt, nhận tiền của Phùng Quán xong, bà hỏi: Cháu hỏi không phải, thế cụ có phải là văn nghệ sĩ không?
Trong tiểu thuyết tình mười ba chương Trăng Hoàng Cung của Phùng Quán (Nhà xuất bản Thanh Văn - Hoa Kỳ, 1993) có một chương - tương đương với một bài thơ, không phải được làm ra ở Huế trong thời gian Phùng Quán viết tập Trăng Hoàng Cung để tặng Hà Khánh Linh (1984), mà là được làm trước đó, Hà Khánh Linh không rõ là làm lúc nào, chỉ biết đấy là một trong những bài thơ lần đầu gặp nhau Phùng Quán đã đọc cho Hà Khánh Linh nghe và Linh thấy hay mới đưa giấy bút nhờ anh chép lại, từ đó mới sinh chuyện.
Bài thơ Anh thích viết trên giấy có kẻ dòng là một trong những bài thơ hay của Phùng Quán:
Từ ngày vỡ lòng tập viết
Nay gần trọn đời văn
Số chữ anh đã viết
Nếu sắp thành hàng
Có thể kín một vòng sông Hương.
(Trong tiểu thuyết Trăng Hoàng Cung câu này được tác giả sửa thành Có thể phủ kín một cồn Giả Viên).
Một thói quen anh không đổi thay
Một niềm yêu anh không thay đổi:
Viết trên giấy có kẻ dòng
Là người viết
Anh đã viết suốt năm mươi năm
Là chiến sĩ
Anh xạ thủ cấp kiện tướng Trung đoàn
Anh đủ sức viết rất thẳng
Trên giấy không kẻ dòng
Nhưng anh vẫn viết
Trên giấy có kẻ dòng
Như cái buổi vỡ lòng tập viết.
Nhiều người cho rằng
Giấy không kẻ dòng
Dễ viết đẹp
Nhưng với anh:
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng.
Là người viết
Anh yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Sự ngay thẳng thủy chung
Của mỗi dòng chữ viết.
Là nhà văn
Và xạ thủ
Anh biết:
Khó vô cùng
Bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó vô cùng
Viết trọn đời văn
Dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối.
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi tình yêu đã nguội…
Trang giấy có kẻ dòng
Giúp các em nhỏ vỡ lòng
Và nâng đỡ các nhà văn
Viết ngay và viết thẳng
Ngay thẳng thủy chung
Dòng đầu đến dòng cuối.
Huế, 8-6-1984
Trong tiểu thuyết Trăng Hoàng Cung anh đã nói về tâm trạng khi viết bài thơ này như sau: (…) Sáng hôm sau tỉnh rượu, lòng tôi bỗng cồn lên nỗi nhớ. Tôi ao ước được nhìn lại gương mặt huyền hoặc của nàng. Trí nhớ tôi như phiến gỗ thông Đà Lạt, khoảnh khắc tạc lên gương mặt nàng bằng bút lửa (…) Lời hứa bốc đồng hôm qua bỗng cộm lên trong trí nhớ như viên sỏi có nhiều cạnh sắc… Chỉ hình dung ánh mắt thất vọng pha chế giễu của nàng khi nhìn thấy tôi đến với hai bàn tay không tôi đã muốn chui xuống đất vì xấu hổ (…). Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng… Câu nói vô tình bỗng xuyên qua trí nhớ tôi như một ánh chớp.
Như đã nói, túp lều của Phùng Quán ở Hồ Tây quay mặt về phía núi Ba Vì, nếu mở cửa ra thì gặp ngay ngọn Ba Vì. Anh có một bài thơ Mời rượu rất cảm động. Để khép lại quyển sách này, xin mời quý bạn đọc ngâm ngợi 16 câu thơ dưới đây của Phùng Quán:
Mời bác Ba Vì xích lại đây
Ta cùng túy lúy ngắm sóng say
Tôi đùa bác đấy đừng tưởng thật
Bác xích lại gần tôi cũng gay
Bác là Ba Vì tôi Phùng Quán
Bác đông khách tôi càng lắm bạn
Toàn bợm rượu coi trời bằng chai
Họ nhầm lung tung bác với tôi…
Bác đẹp ngang tàng tóc còn xanh
Gái Đông Đô sướt mướt thư tình
Gửi nhầm địa chỉ tôi chết dở
Bà vợ tôi sẽ nổi cơn ghen
Thôi, bác cứ ngồi yên ở đó
Còn tôi cứ tĩnh tọa ở đây
Tôi thì làm thơ bác làm núi
Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây.
PQ.
Chú thích:
[1] Khi tôi đang biên tập bài này thì trên Facebook, anh Ngô Minh đưa tin: “Theo tin của cháu Phùng Đỗ Quyên - con gái nhà thơ Phùng Quán - thì Phùng Quân, con trai duy nhất của Phùng Quán đã qua đời chiều ngày 16-12-2016 tại Hà Nội vì bệnh phổi. Cháu Quân sinh năm 1968, nay mới 49 tuổi, do sa ngã vào hút xách, không chống đỡ được với bệnh tật”! Thật buồn đau cho gia đình cố nhà thơ Phùng Quán! Xin chia buồn cùng tang quyến! (Chú thích của Triệu Xuân).
TP.HCM, tháng 9-2016
Trần Thanh Phương
Nguồn: Rượu với văn chương. Trần Thanh Phương 
sưu tầm, biên soạn. NXB Hội Nhà văn, 2-2017 
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...