Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Thơ nữ trẻ đương đại và hành trình tìm kiếm cái tôi mới

Thơ nữ trẻ đương đại và 
hành trình tìm kiếm cái tôi mới
Văn học Việt Nam hiện đại có một đội ngũ nhà thơ nữ thời kháng chiến chống Mỹ khá hùng hậu. Đó là lớp nhà thơ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, họ vào chiến trường chiến đấu, nếm trải đủ bao cay đắng ngọt bùi, mất mát và hy sinh. Thơ họ tràn đầy niềm tin chiến thắng, niềm lạc quan về một ngày mới hòa bình. Sau mùa xuân lịch sử năm 1975, những cây bút như Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Mây... quay trở về với cuộc sống mới vẫn tiếp tục sáng tác. Thơ của họ mang hơi thở của đời sống hòa bình với những vui buồn thường trực của con người. Sau họ một quãng ngắn là thế hệ nhà thơ nữ cũng sinh ra trong chiến tranh, ít nhiều biết mùi đạn bom, thuốc súng như Tuyết Nga, Thảo Phương, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Mai, Giáng Vân, Trần Kim Hoa, Trần Thị Huyền Trang, Thu Nguyệt, Đoàn Ngọc Thu, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Phan Thị Vàng Anh... Sau thế hệ này là đến thế hệ những cây bút thơ nữ trẻ đương đại, thế hệ 7X, 8X với những cái tên như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang, Dạ Thảo Phương, Đường Hải Yến, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Phạm Vân Anh, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thị Thanh Vân, Lynh Bacardy, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Phương Lan, Khương Hà, Lê Thị Mỹ Ý, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hòa, Tú Trinh...
Những tác giả thơ nữ trẻ đương đại này được sinh ra và lớn lên trong hòa bình với sự đổi thay, phát triển nhanh chóng của đất nước về mọi mặt kinh tế, xã hội. Cùng với đà phát triển của đất nước, nền văn học nước nhà cũng có những bước chuyển mình, từng bước giao lưu, hội nhập với văn học quốc tế. Nhiều nhà thơ nữ trẻ có điều kiện tiếp xúc, học hỏi và chịu ảnh hưởng của văn học nước ngoài, trong đó “nữ quyền luận” là trào lưu được họ “ưa chuộng” vì đã nói lên mong muốn, khát khao muốn thể hiện cái tôi cá nhân của người phụ nữ Á Đông sau bao thế kỉ buộc phải dồn nén trước những giáo lý đạo đức. Trong thơ nữ trẻ đương đại, họ ý thức về cái tôi ngay từ tên gọi của chính mình. Thế kỷ XVIII, trong lòng chế độ phong kiến vốn đề cao nam giới, nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn ý thức về cái tên của mình như một chủ thể tồn tại sở hữu đầy thách thức: Này của Xuân Hương mới quệt rồi (Mời trầu). Câu thơ của bà chúa thơ Nôm có thể coi là một dấu mốc phát triển quan trọng trong lịch sử văn học “nữ quyền” ở nước ta. Thời hiện tại, các tác giả nữ thế hệ 7X, 8X hoàn toàn tự ý thức về bản ngã, tự khẳng định bản ngã ngay từ cái tên gọi của chính mình: Khi bị gọi nhầm tên/ Tôi không nói gì/ Khi ai đó nói rằng, tôi giống người họ đã gặp/ Tôi bỏ đi.../ Tôi là tôi/ Một bản thể đầy mâu thuẫn.../ Tôi đã nhìn mình trong gương cả khi khóc khi cười/ Bất cứ lúc nào, trên sân khấu cuộc đời/ Tôi vẫn là diễn viên tồi/ Bởi tôi không hóa thân để nhập vai người khác (Tôi – Vi Thùy Linh).
Hóa ra, cái tên ở đây không còn là một kí hiệu ngôn ngữ nữa mà nó mang ý nghĩa sâu sắc hơn, là chính con người, để chỉ một “cái tôi” cá nhân cụ thể, để khẳng định nó trong đời sống xã hội. Cái “tôi” đồng nghĩa với sự không lặp lại, không giống ai, không nhập vai ai trên sân khấu cuộc đời: Phá vỡ thuyết tương đối nhưng lại tin sự tương ứng/ Đập nát đơn điệu, khuôn khổ của cũ kĩ, nhàm chán và cam chịu/ Em tự làm mất đối xứng - bằng em/… Em sẽ vắt mình đến giọt cuối cùng, làm nghiêng ngả mọi ổn định (Không thanh thản - Vi Thùy Linh).
Thơ nữ trẻ khẳng định cái “tôi” trẻ trung, cái tôi tự chịu trách nhiệm của mình trước mọi biến thiên trong cuộc sống. Thơ họ nói lên tiếng nói cá nhân tuyệt đích và biểu lộ tư tưởng của mình về đời sống. Họ quan niệm, luận giải, đúc kết về nhân sinh, thế sự từ những va đập với cuộc đời của chính mình. Đó là nhu cầu của bản thể với những dằn vặt, suy tư tự vấn, muốn lột xác câu chữ, thoát khỏi những đơn điệu thường ngày: Thỉnh thoảng nhạt miệng/ Nếm chữ mình/ Ngâm muối/ Những con dế hát nhiều/ Có ngày đồng loạt/ Lột xác.../ Gội đầu mỗi tối/ Rửa trôi/ Tiếng bước chân mình đơn điệu (Tản mạn tuổi 19 - Trương Quế Chi).
Thơ trẻ thường có nhu cầu thể nghiệm những trải nghiệm của mình trên mọi lĩnh vực. Họ có nhu cầu nói về chính những va chạm của mình ở mọi cấp độ đời sống, khẳng định cái tôi hiện hữu trong đất trời với những nỗi buồn đau, yêu đương, những rung động, hối thúc của cá nhân trước đời sống muôn vẻ: Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của đồng ngực trẻ/ Thức dậy và tung bờm cất vó/ Phóng như điên/ Chỉ cơn điên mới cứu khỏi nỗi sợ hãi/ Hèn nhát/ Trước khi băng qua bờ.../ Thức dậy, dẫm chân và lắc đầu kiêu hãnh/ Trước những yên cương rực rỡ sắc màu/ Thức dậy để uống sương mai/ Đón mặt trời mỗi sớm/ Thức dậy đi ơi chú ngựa/ Đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng (Bài ca ngựa non - Trần Lê Sơn Ý).
Sự hối thúc của tuổi trẻ như chú ngựa bị ghìm cương sau nhiều năm tháng, dữ dội, mãnh liệt nay được cất vó nơi thảo nguyên xanh tươi đón gió và nắng trời, băng qua mọi bờ vực, mọi rào cản để tìm cho mình một chân trời mới, bỏ lại sau lưng một vùng cỏ xanh bao la. Cái tôi bản thể đầy tự tin và kiêu hãnh muốn tung bờm dạo chơi sau nhiều tháng năm ngủ yên trong cái chuồng chật hẹp nay đã thức dậy tạo nên những thanh âm mới. Họ không muốn ngồi mãi ở chiếc ghế “thụ động” xưa cũ mà muốn vươn lên những chân trời mới lạ: Thắt bụng mình vào một chiếc ghế xa lạ/ Và lơ lửng trên trời/ Đâm đâm tầng mây/ Mọi người trên hành tinh di chuyển/ Một cách thụ động/ Và ngớ ngẩn đần độn (Bay - Ly Hoàng Ly).
Thơ nữ trẻ đương đại xác lập cái tôi bản thể ngay từ cách đặt tựa đề tập thơ. Không còn những tựa đề bàng bạc, bảng lảng, không còn cách ví von sáo mòn của những tu từ mĩ lệ ngân nga nỗi lòng chất chứa. Các tác giả nữ trẻ chọn những tựa đề tập thơ, bài thơ dội thẳng vào lòng độc giả sự mạnh mẽ của sức sống trẻ, sự căng tròn của bản ngã, khơi gợi những nhận diện về vẻ đẹp hình thể và hồn vía của người đàn bà đang tuổi mơn mởn thanh xuân. Đó là những tựa đề mang đầy dấu hiệu tôn vinh bản ngã như: Linh, Khát, Đồng tử, Rỗng ngực, Nằm nghiêng, Tôi đang lớn, Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lí, Lô lô... đến những tên bài thơ mang đậm dấu ấn cá nhân: Tôi, Hai miền hoa Thùy Linh, Sinh ngày 4 tháng 4, Đồng giao CHI 18, Dã thú 16, Viết cho ngày sinh nhật 10.10.2003, Thất vọng tạm thời, Giấc mơ của lưỡi, Lãng mạn giải lao,  Mhz, Ngủ, Đi đâu đó giữa trưa, Chơi game với chủ thể, Khóa trái - 6225, Đêm là của chúng mình, Performance ham bơ gơ, Performance photo, Hành xác và thử nghiệm, Sinh năm 1980, Hãy phủ thơ khắp thế giới của em, Nơi tận cùng sự ngưng đọng...
Cùng với lớp lang ngôn từ ngồn ngộn như chực trào ra từ trầm tích lâu ngày không được giải tỏa, thơ nữ đương đại tìm cho mình một lối thơ tự do phóng khoáng, không lệ thuộc vào câu chữ, vần điệu. Thơ của họ là sự giải tỏa dòng chảy của xúc cảm, họ viết như chính họ đang thở với lối thơ ẩn nghĩa và gợi hình. Cùng với nội dung, hình thức những cuốn sách luôn mang dáng dấp hiện đại. Sách in đẹp với hệ thống design bắt mắt và nhiều tranh minh họa làm tươi mới cảm xúc và thể hiện ý tưởng tác giả gửi gắm.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất làm nên cái tôi cá tính trong thơ nữ trẻ đương đại là những xúc cảm của bản thân các tác giả. Họ đã trải qua, đã thử nghiệm, đã cho và nhận, đã được và mất rất nhiều. Thơ như nhật kí được viết nên bằng chính những cảm xúc thăng hoa tột đỉnh, có vui buồn, có sung sướng, khổ đau có cả những nỗi cô đơn lẻ loi trong chặng đường đến với thi ca nghệ thuật: Tôi sâm sấp mặt vũng/ Ngôn ngữ đang chết trên cánh đồng/ Gieo vần (Giấc mơ của lưỡi - Phan Huyền Thư). Họ phải thừa nhận sự bế tắc của ngôn ngữ: Có lúc/ chữ nghĩa/ tôi nhai nát trong miệng/ cùng với nước miếng/ rịt vào vết thương người làm tôi đau (Ký hiệu - Phan Huyền Thư). Và, khi chấp nhận không yên ổn con chữ với những giấc mơ cũ, hình bóng cũ, ý tưởng cũ, nỗi buồn cũ, thơ nữ chối bỏ quá khứ của ngày hôm qua để lại dấn thân, lại hăng hái trên con đường mới chọn: Đoạn tuyệt ngày hôm qua/ đầu giường sằng sặc giấc mơ mới/ đông cứng nỗi buồn/ ngọ nguậy trong đầu con mọt nghiến răng/ thèm ý mới (Mưa - Phan Huyền Thư). Họ không lệ thuộc vào những khuôn hình đã có sẵn mà luôn thường trực ý nghĩ, phải làm mới mình. Họ thấy ngày cũ “bặt vô âm tín” trong sự hoan ca của tình yêu: Những đôi môi cuống quýt vội vã nồng nàn đau đớn/ Những đôi môi ngậm tiếng thở gấp gáp, dặt dìu mộng du trong đêm/ Những đôi môi hàm chứa giấc mơ mãn nguyện ngậm chặt nhau khi thiếp ngủ/ Ngày cũ bặt vô âm tín (Song mã - Vi Thùy Linh).
Bàn về thơ nữ đương đại, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài Thơ trẻ không an bài với thành tựu đã nhận xét “cái thước thơ chính thống đã bị những giá trị mới phát ra những tín hiệu đổi thay… Sự xuất hiện ào ạt và dần dần được ghi nhận của thơ trẻ quả đã làm cựa quậy khuôn thước độc tôn của thơ ca chính thống”, sự mới mẻ đó thể hiện ở chỗ “những nhà thơ trẻ tuổi của ta hiện nay đang bắt đầu trên nấc thang rất cao của thành tựu thơ ca thế giới nói chung và thơ Việt Nam nói riêng. Theo thiển ý của tôi thì họ đang thâu nhận thành tựu để tạo ra một giọng điệu riêng cho thơ trẻ Việt Nam hôm nay. Có nhiều tác giả muốn tạo thế cân bằng. Họ kết hợp thành tựu và sự chuẩn bị riêng từ thời đoạn đầu mở ra công cuộc đổi mới đất nước”. Tuy nhiên, trước cái đổi mới, trước một cái tôi mạnh mẽ quẫy đạp vẫn có nhiều nhà phê bình cho rằng: “Một số cây bút trẻ đã đi quá sâu, khai thác khía cạnh tình dục, bộc lộ sự khát dục, than vãn, sướt mướt về sự thất tình, đau đớn quặn xé đến mức lộ liễu, thô tục, tự nhiên chủ nghĩa. Có tác giả nữ quên rằng mình là phụ nữ Việt Nam nên cần phải biểu lộ tình cảm sao cho tế nhị, kín đáo, dịu dàng. Ngược lại, họ đã nói toạc những ham muốn bản năng, thực dụng, những trạng thái cuống quýt, rối rít trong đời sống chăn gối, nếu không nói là phản thẩm mỹ” (Phạm Huy Thông).
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp thì lo ngại “nguy cơ của một số nhà thơ trẻ hiện nay là cường điệu cảm xúc quá nhiều. Đau một tí cũng bảo đau ngàn năm. Nhiều người tài năng bình thường nhưng ngôn ngữ xủng xoẻng cốt để nổi tiếng”…
Mặc dầu còn có những ý kiến khác nhau về thơ nữ trẻ thế hệ 7X, 8X, nhưng chúng ta cần thừa nhận rằng đây là hiện tượng đáng chú ý của thơ ca Việt Nam đương đại. Trên trang giấy, họ được thể hiện những phá cách của mình về quan điểm nghệ thuật, họ tự trang bị và bồi đắp cho đời sống thi ca những suy nghĩ, những ý tưởng, những sắp đặt, trình diễn... để nhằm mục đích duy nhất, tạo cho thơ tránh khỏi lối mòn, tránh khỏi khuôn khổ chật hẹp xưa nay. Ngày nay, đến với thơ là đến với hội họa, âm nhạc, là đến với những ý tưởng được nung nấu của tác giả bên cạnh những con chữ hiển hiện. Ẩn sau những câu thơ của các nhà thơ nữ đương đại là một nội lực, là sự nhập cuộc tinh thần thi ca dài lâu và phá cách. Ở đó, bản thể là cá nhân sáng tạo duy nhất được phép tung hoành trên trang giấy những cung bậc, sắc thái trẻ trung, khao khát, chiếm lĩnh và lan tỏa đến độc giả không khí của đời sống, của tiếp nhận. Họ đang từng bước hoàn thiện bản ngã cũng như bồi đắp cho nội lực tri thức. Như thế đồng nghĩa với việc họ đang có đủ tự tin để xung phong mở đường giải phóng cho cái tôi phụ nữ chật hẹp, lắm phiền muộn nhưng cũng đầy tự tin, cao ngạo của thơ nữ trẻ đương đại Việt Nam trong thời buổi hội nhập toàn cầu...
TRẦN HOÀNG THIÊN KIM
Nguồn: tapchivannghequandoi
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...