Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Lê Huy Mậu - Vẫn khao khát phía chân trời

Lê Huy Mậu - Vẫn khao khát 
phía chân trời
Và đúng nghĩa của “Vẫn khao khát phía chân trời trước mặt” là sự dâng hiến, cống hiến cho dù “tóc có chín” thì cũng như hình ảnh “Như trái chín dâng thơm ngọt cho đời” với những cung bậc khác lạ của cảm xúc vân vi, có tự sự, tự cảm, tự ảnh, có nghiền ngẫm với những triết lý nhân sinh của cuộc sống…
“Thơ Lê Huy Mậu - Từ muôn đến một” là tác phẩm thứ 11 của nhà thơ Lê Huy Mậu, sau 8 tập thơ, 1 tập truyện ngắn và 1 tập trường ca. Sách dày 128 trang với lời giới thiệu của nhà thơ Trần Quang Quý.
Khác hẳn với những tập thơ trước, tập thơ “Từ muôn đến một”được bố cục làm 2 phần: Phần I với tựa đề là “Vạn lý hành”gồm 14 bài thơ Lê Huy Mậu viết khi ra nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Ba Lan, Pháp, Mỹ… Phần II với tựa “Khúc hạ lưu”gồm 20 bài thơ anh làm ở trong nước, mà theo Trần Quang Quý là “hành trình của Lê Huy Mậu từ Muôn đến một”với những nhận xét tích cực và khá độc đáo, đó là: “Trong muôn trải nghiệm, những mất còn, thành bại… ấy, Lê Huy Mậu tổng lược theo cách của ông: “Đời là đi từ muôn đến một/ Muôn ước mơ may lắm một thành/ Muôn chân tu may một lần ngộ giác/ Muôn vì sao may có một hành tinh xanh”…(trang 12), và “Vạn lý hành của Lê Huy Mậu là cuộc đi từ muôn đến một, là hành trình tự ngộ, hành trình trở về bản ngã của mình….Cái lớn hơn đáng giá hơn là nhà thơ đã đọc được vị của mình, như dù ở chân trời góc bể nào anh cũng cảm được “mùi Tổ quốc” trong một thái độ bình thản, tự tại trên hành trình thơ của ông…” (trang 13).
Với tôi, tập thơ còn có một ý vị khác, thú vị và khác lạ đó là nhà thơ muốn “đổi khác”và “làm mới” mình bằng hình thức thể hiện, suy nghĩ, chiêm nghiệm khác hơn, mới hơn, phá vỡ cái vỏ bọc “nhà thơ sông quê”như ông đã được công nhận như ý tình câu thơ ông viết: “Không phải muôn nhưng nhiều lắm những con người/ Vẫn khao khát phía chân trời trước mặt/ Gặp một người đích thực một con người! (Từ muôn đến một, trang 119).
Đọc một lượt hết 2 phần với 34 bài thơ, cái cảm giác khác rất rõ nét là Lê Huy Mậu đã không dùng lối thơ truyền thống (lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn v.v…) như ông vẫn thường dùng trước đây, mà 34 bài thơ đều làm ở thể loại tự do, tuy không cầu kỳ bí hiểm như các trường phái Tân hình thức, Hiện sinh, trừu tượng… song sự tung tẩy trong câu chữ, diễn đạt đã bước khá dài qua những đơn sơ, mộc mạc của “Đêm trăng non”, “Cám ơn mưa phùn”, “Mời em cạn nửa chén tình”… rồi vậy! Bên cạnh là những câu chữ, từ ngữ mới đã được ông mạnh dạn đưa vào thơ như: “Tin nhắn bằng zero dung lượng, chẳng vượt được tầng ozon cơm áo, sex nặng hay sex nhẹ, Eva, Adam, com-pu-tơ, lap-top, Iphon, Avatar, Menu, Virus…” mới rõ sự tiếp cận thời sự của một nhà thơ tuổi đã tròm trèm “xưa nay hiếm”!.
Thông thường một cuộc hành trình thường bắt đầu từ nơi ta sinh ra, lớn lên và bắt đầu… trôi dạt, Lê Huy Mậu lại muốn “Vạn lý hành” từ… ngoại quốc. Có lẽ trăm nghe không bằng “một thấy”, chứng kiến “Trời ở đâu cũng giống nhau xanh/ Cây cỏ ở đâu cũng giống nhau xanh/ Sao ta với người khác nhau nhiều thế?”, để rồi nghe Chopin, chiêm nghiệm Petain: “Nếu Petain là con người cầu an/ Thì đây là người cầu an vĩ đại nhất/ Và chí ít cũng cho nước Pháp/ Để Paris còn lại như bây giờ (Người đầu hàng vĩ đại, trang 24). Rồi ElKant, Pi-e Đại đế, cùng với sông Hằng, sông Sein với những cảm nhận riêng biệt và phát hiện thú vị: “Có cảm giác như mình vừa đi ngược về thời hoang sơ tiền sử/ Như mình vừa gặp lại quê mình cách đây mươi năm!/ Tháng Chạp khói sương trên vùng đất huyền tích/ Quạ đen nhiều như thể quạ của năm châu tụ hết về sông Hằng!” (trang 33). Và “Tôi- một nhà thơ Á Đông/ Tôi đến từ nền văn mình kính ngưỡng tiền nhân bằng nhang khói/ Nhưng biết tìm đâu nhang khói giữa Saint Peterburg?/ Đành mượn tạm làn mây trắng/ Thay khói nhang kính ngưỡng Đức Pi-e” (trang 48).
Từ những điều tai nghe mắt thấy, trên cánh máy bay ở bầu trời, bằng những thực tế cảm nhận được, qua góc nhìn của một nhà thơ từng trải, giàu kinh nghiệm, Lê Huy Mậu đã nói hộ mong ước của nhiều người: “Sẽ đẩy lùi quá khứ vào bóng tối/ Tỏa sáng vào tương lai” (trang 38).
Trước khi vào phần II trong tập thơ của Lê Huy Mậu, bên tai tôi dường văng vẳng những ca từ, lời thơ thấm đậm tình quê và con người xứ Nghệ của ông: “Quá nửa đời phiêu bạt/ Anh lại về úp mặt vào sông”, hay như trong bài “Gấy Nghệ”: “Có cần tôi PR con gấy Nghệ không?/ Con gấy Nghệ thơm hơn nước hoa Pháp…/… Hỏi trăm người lấy gấy Nghệ An/ Thì cả trăm đều khen vợ đảm”… Bởi cái tình quê vẫn luôn thường trực trong ông, cho dù ông có cách nói riêng của ông: “Mỗi lần về quê đều phải qua Dùng/ Thị trấn gieo neo trung tâm đèo dốc/ Quê thừa người khôn thiếu người trí thức/ Đi đâu cũng gặp mẹo vặt ngô khoai” (Đồng giao rượu tình, trang 84).
Cũng ở phần này, ông dành bài thơ “Bay” cho người mẹ của mình: “Mẹ ơi!/ Xưa con xa nhà nghĩa là xa quê hương/ Giờ con biết thêm cả xa Tổ quốc” (trang 83), bài “Đêm cuối năm” cho vợ: “Còn đêm nay/ Chúng mình/ Lấy ánh sáng từ chính mình/ Soi vào đêm đen đặc/ Cho lung linh/ Ảo huyền hư thực/ Đầm đìa/ Mê mệt/ Cuộc yêu nhau”(trang 69), bài thơ cho con trai “Con lập công ty”: “Nhưng bài toán cuộc đời con tự giải/… Trước con bố đã thấy vui rồi!/ Con trai ơi! Con đã lớn thật rồi”, để rồi nhà thơ nặng tình, nặng nghĩa, ưu ái với hiện tượng “Trinh Sơn” một nhà thơ trẻ ở Vũng Tàu, vượt lên những cô gái trẻ quê miền Tây, thậm chí cả Nghệ An: “Có em từ miền Tây/ Đem cái trăng tròn ra thị thành bán dạo/ Có cháu từ Nghệ An vào đây vừa học vừa làm…” (trang 66), để từ đấy nhà thơ nhận diện ra chính mình trong ồn ã, hư thực cõi nhân sinh, và ông đã phát hiện ra tóc mình… “đã chín”với nhiều trăn trở, suy tư: “Mình/ Chưa là muối bể/ Đời/ May còn chút mặn cỏ tranh/ Chút mặn mồ hôi/ Chút mặn máu” (trang 97), và “Tóc trắng/ Không phải là thời gian kéo cờ trắng đầu hàng/ Tóc trắng là tóc xanh đã chín/ Như tằm chín nhả tơ/ Như trái chín dâng thơm ngọt cho đời” (Tóc chín, trang 114).
Và đúng nghĩa của “Vẫn khao khát phía chân trời trước mặt” là sự dâng hiến, cống hiến cho dù “tóc có chín” thì cũng như hình ảnh “Như trái chín dâng thơm ngọt cho đời” với những cung bậc khác lạ của cảm xúc vân vi, có tự sự, tự cảm, tự ảnh, có nghiền ngẫm với những triết lý nhân sinh của cuộc sống. Tập thơ vì thế có “vị lạ”, cũng có thể khó đọc, khó cảm bởi ai từng yêu cái hồn nhiên, mộc mạc chân chất của hồn thơ Lê Huy Mậu, và tôi cũng đồng cảm với ông khi “Một hột cát - một ta - một vì tinh tú/ Cũng chứa muôn - cũng tồn tại trong muôn/ Như hột đất trong đất là đất/ Mình cầm lên đất bỗng có linh hồn” (trang 119).
Trần Hoàng Vy
Nguồn: nhavantphcm
Theo http://www.bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...