Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Chân trời có người bay đã hiện diện

Chân trời có người bay đã hiện diện
Có thể bài thơ được viết sau khi tuyển tập Bài ca con Dế Lửa cất giọng hòa âm (xuất bản cuối năm 2012, dựa vào các “Nickname” “Dế Lửa” của chủ thể trữ tình). Và cảm khái từ hai câu thơ đượm nỗi buồn rất... nhân văn của nhà thơ Trần Dần: Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời...
Tiềm ẩn trong mỗi con người những ước mơ hoài bão bay - đến - chân - trời! Khoảng không gian phiếm chỉ ấy là nơi những khát vọng trở thành hiện thực. Nơi chốn mà “để tô thêm màu xanh cho cuộc sống” mỗi con người đã nỗ lực “tận kỳ tính” trong vai diễn cuộc đời.
Với Nguyễn Ngọc Hưng, khát vọng ấy lại mãnh liệt hơn: “Điều trông thấy đã phát nê tròng mắt/ Đồng loại xung quanh lớp lớp tàn/ Lẽ nào ta cũng lẫn vào trong đó/ Tiêu hủy cuộc đời không một tiếng vang?” (Đường bay cuối cùng). Với cảnh đời không may của mình, để tạo nên “tiếng vang”, câu thơ là công cụ duy nhất. “Sự vang động” của nó có thể hàm chứa tham vọng vĩ mô: “thức tỉnh, lay giấc thế giới” (mà có khi “đơn vị tính của thế giới” chỉ cần một cá thể / một tiểu vũ trụ). Không đơn thuần là phương tiện, “tiếng vang” ấy là cứu cánh, một thao thiết tạ ơn đời, cụ thể hơn: đáp đền ân tái tạo.
Cơn bệnh ngặt đã đẩy tác giả vào cảnh: cá... lưới, chim lồng, dế - hộp - diêm. Cơ may còn đây một “bù lỗ”: “Nửa thế giới trong tôi là các bạn” (Nửa thế giới trong tôi). Một phần hai thế giới ấy là những Bát Cơm Phiếu Mẫu, những Dương Lễ - Châu Long thời hiện đại đây đó đã dìu nâng, để “Từ trong bóng tối đêm trường/ Ta lần theo ánh thái dương sang ngày”. (Lạy bạn). Cùng nhau, họ tháo dỡ, nong/ nới rộng tấm - lưới - số - phận. Và theo bản năng hiếu động quẫy bơi, chú cá bất hạnh đã đỡ trầy vi tróc vảy: “Như chú cá rô quẫy mơ chiều đứt lưới/ Con bơi về/ Sông Vệ nước ngời xanh” (Sông Vệ).
Gần 25 năm qua, những con chữ cõng nỗi buồn vui cho 13 tập thơ cùng những giải thưởng đưa Nguyễn Ngọc Hưng “trình làng”, và ấm áp trong vòng tay bạn đọc “Một vệt nằm vắt ngang hai thế kỷ” (Mai Bá Ấn). Vị thế ấy đã dẫn đến một khái quát tượng trưng hộp - diêm - đã - mở. Hộp diêm mở rồi/ Bay đi Dế lửa! Không cần biết nữa/ Là mệnh lệnh, mong ước chi chi/ Hay tiện môi quen miệng gọi/ Gì/ Cũng được/ Dẫu bấc dẫu chì/ Dẫu sau dẫu trước. Không cần biết nữa, những phức cảm ẩn sau hai câu thơ cầu khiến mở bài; hai câu thơ ngỡ nói chơi chơi mà đã vượt cấp trở thành Tiếng gọi siêu tần. Dầu còn lẫn đôi tiếng lời nặng nhẹ: Dẫu bấc dẫu chì, cặp câu ngắn gọn ấy vẫn là mệnh lệnh, mong ước, ký thác bao tâm tình sâu nặng. Nó đã xô động một quá trình dồn nén day trở, chuyển vận bạo liệt trong nội tại, gần như một hoá thân, trên hành trình bay - đến - chân - trời.
Quá trình ấy đã phơi bày qua những thi ảnh đậm chất siêu thực: Nhào nhuyễn đầu xuôi đuôi ngược/ Tất cả người cứ quánh lại tan ra/ Quánh lại/ Tan ra... Từ thực tại lý tính: Mặt đất gần/ Chân trời xa, Tiếng gọi siêu tần đã nâng tâm thức vượt thoát, tiệm cận mục tiêu: Chân trời hiện ra gang tấc. Khoảnh khắc, cái “hiện thực nhân sinh bi đát” được trừu tượng hoá bằng hình ảnh cụ thể: mặt đất, cõi đi về, quê xứ con người với lục dục thất tình làm tội làm tình chúng - hữu - tình (Từ ngữ Phật giáo), đã được/ bị “ảo hóa”, phủ định, như chưa hề tồn tại: Mặt đất lui vào giấc mơ bí mật/ Trăng mờ sương phủ/ Mất hình dung. Chân trời đã thấp thoáng, phút linh cầu (Hồ Dzếnh) sắp hiển hiện sau sát na nhịp thời gian đếm ngược thì... vướng phải nỗi buồn!
Được chiêu cảm bởi căn bệnh trầm kha, nỗi buồn cứ ngỡ “Đã đành mãn tính/ Đã đành kinh niên” (Đỗ Hồng Ngọc). Thi thoảng nó lại “cấp tính” khi tương ngộ cùng nỗi cô đơn bản thể. Một cách vi tế, nỗi đơn độc ấy tồn tại trong thẳm sâu tâm thức con người. Nó chỉ hiện hữu trong khoảnh khắc nội tại, khi ta đối diện chính mình. “Chỉ có anh mới biết được anh cô đơn đến thế nào, dầu chỉ duỗi tay là chạm đến đồng loại. Nhưng không phải cái khoảng cách vật lý ấy. Anh cô đơn ngay giữa đám đông, lạc lõng giữa bầy đàn!” (Lược chi tiết tiểu thuyết Phi Trường). “Tôi không còn giống đồng loại quanh tôi/ Đường trở lại ngày xưa giờ xa ngái”. (Huyền thoại lá). Với nỗi đời bi thiết ấy, chỉ cần một sang chấn tâm lý, lập tức nỗi u hoài cố hữu sẽ liên kết cùng niềm cô đơn bản thể, vừa đủ cho “một heo hắt hơi may dấy lên thành bão”: những cơn bão không mùa!
Tồn tại dưới nhiều dạng thức, đôi khi nỗi buồn còn thoả hiệp cùng màu đêm: “Đen ngòm họng đại bác/ Đêm ngắm vào ngực tôi!” (Không đề).
Liên minh u uẩn ấy, giờ đây bỗng sắc nhọn hơn: Nỗi buồn bỗng cong cớn cánh cung  Tua tủa nghìn mũi tên hư thực/ Mảng từng mảng xanh lẫn vàng/ Thức và vô thức  Lả tả rơi  Lả tả/ Rơi...
Nỗi - buồn - nhọn - hoắt nghìn mũi tên hư thực ấy đã xuyên vào tận “cõi mù mờ của vô thức người nghệ sĩ”. Những vàng khổ đau, xanh hy vọng, chất xúc tác, nhiên liệu để nâng cánh bay đã ở cả trong “hồng tâm” mà nỗi u hoài là cung thủ tài hoa!
Đã “sống đến tận đầu mũi tên....”! Vía hồn đã bục, vỡ, tan loãng, bốc hơi... trình hiện trước nhân gian chỉ còn một thể khí: Hồn đã vỡ ra  Xác đã bục ra  Đã tan loãng  Bốc hơi  Quần quến cả đời chưa bay được. Chưa đáp đền được những kỳ vọng cuộc đời ký thác: Hộp diêm mở bỗng trống sau lạnh trước, hoang hoải, chênh vênh một tâm thế...
Nhiệt năng của ngọn lửa thơ có nung chảy nổi: Bốn mặt băng vĩnh cửu của chân trời?
Vĩ Thanh
“Chân trời Chân trời...” tiếng thở dài bất lực trước nỗi khát khao mãi còn là khao khát. Như một bạn viết đã giãi bày: “... tất nhiên, tôi không dự định kỳ diệu hoá năng lực nhà thơ, nhưng tôi dám chắc sự gặp gỡ ngỡ tình cờ giữa những tâm hồn, đôi khi có thể chở che không ít u uẩn, đôi khi có thể xoa dịu không ít đắng cay”. (Lê Thiếu Nhơn).
Có thể câu thơ chưa “cứu vớt được thế giới” nhưng chí ít cũng đã là chỗ tựa nương cho một tâm hồn: “Có những phút yếu lòng/ Tôi vịn các anh mà đứng dậy” (Những mùa thơ đáp đền - Kính tặng Đỗ Trọng Khơi và Nguyễn Ngọc Hưng - Thạch Đà).
Bờ vai nghiêng xuống từ cái thể chất mong manh của “cội cây trong rợp không quang hợp được ánh trời” kia, đã là chỗ vịn tựa trong phút yếu lòng của một “chấm nhân sinh” khác. Thiển nghĩ, Nguyễn Ngọc Hưng đã hiện diện ở CHÂN TRỜI CÓ NGƯỜI BAY
Trần Thị Ngọc Ánh
Quảng Tây, Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.
CHÂN TRỜI CHÂN TRỜI...
“Tôi khóc những chân trời không có người bay.
Lại khóc những người bay không có chân trời”.
(Trần Dần)
Hộp diêm mở rồi
Bay đi Dế lửa!
Không cần biết nữa
Là mệnh lệnh, mong ước chi chi
Hay tiện môi quen miệng gọi
Cũng được
Dẫu bấc dẫu chì
Dẫu sau dẫu trước
Nhào nhuyễn đầu xuôi đuôi ngược
Tất cả người cứ quánh lại tan ra
Quánh lại... 
Tan ra...
Mặt đất gần
Chân trời xa
Sau tiếng gọi siêu tần
Chân trời hiện ra gang tấc
Mặt đất lui vào giấc mơ bí mật
Trăng mờ sương phủ
Mất hình dung
Nỗi buồn bỗng cong cớn cánh cung
Tua tủa nghìn mũi tên hư thực
Mảng từng mảng xanh lẫn vàng
Thức và vô thức
Lả tả rơi
Lả tả
Rơi
Hồn đã vỡ ra
Xác đã bục ra
Đã tan loãng
Bốc hơi
Quần quến cả đời chưa bay được
Hộp diêm mở bỗng buốt sau lạnh trước
Bốn mặt băng vĩnh cửu hoá chân trời
Nước non gì phun lửa
Dế thơ ơi!
Nguyễn Ngọc Hưng
(Trích Chùm thơ dự thi số 13 
- Cuộc thi thơ năm 2014 - Hội Nhà văn Hải Phòng).
Bà Rịa - Vũng Tàu 18.9.2014
Nguyên Đạo
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trướ...