Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Tuấn, chàng trai nước Việt 6

Tuấn, chàng trai nước Việt 6
CHƯƠNG 51
1933-35
- Văn chương lãng mạn phát triển mạnh.
- Hai nguồn gốc:
o Tố Tâm, ảnh hưởng lãng mạn của văn minh Pháp.
o Tuyết Hồng Lệ Sử, ảnh hưởng lãng mạn của văn minh Tàu.
- Thơ mới, do một ông già Quảng Nam và một cô Nữ sinh Saigon cổ động, cả hai đều không phải là thi sĩ.
Năm 1933-34, phong trào chính trị lắng xuống, thì trái lại, phong trào văn nghệ đột ngột bùng lên, Tiểu thuyết Tố Tâm chịu ảnh hưởng của văn chương lãng mạn Pháp, và tiểu thuyết Tuyết Hồng Lệ Sử, dịch chuyện lãng mạn của Tàu, xuất bản trước đó mấy năm và đã hấp dẫn được một phần lớn công chúng, hãy còn dư âm đẹp và hương vị nồng nàn trong các lớp người của thế hệ 1935.
Văn thơ lãng mạn kế tiếp ra đời, khắp cả Bắc, Trung, Nam, nhưng mạnh nhất ở Bắc. Tuấn được may mắn sống ở Hà Nội, theo dõi sát phong trào qua các báo chí, và các hoạt động văn nghệ ở Hà Nội cũng như ở Huế và Saigon.
Luôn luôn đứng trên phương diện khách quan, nhận xét sự kiện và phân tách biến cố theo thực trạng của nó. Tuấn thấy văn nghệ lãng mạn sôi nổi ở Saigon một lúc đầu, vào khoảng 1932-33, rôì dần dần dịu xuống để trở lại bình thường, hầu như bị buông trôi theo nhịp sống vật chất ồ ạt rộn rịp hàng ngày.
Có điều Tuấn ngạc nhiên nhất trong lãnh vực văn nghệ lãng mạn ấy, là phong trào “ thơ mới “ ở Saigon được hăng hái khởi xướng bởi hai người không phải là thi sĩ : một cụ Tú nhà Nho, người Trung kỳ, ông Phan Khôi, chủ bút tờ “ Phụ Nữ Tân Văn“, có ít nhiều Tây học, chỉ thỉnh htoảng, lúc nào cao hứng, mới làm chơi một bài thơ thuộc loại trào phúng, và một nữ sinh, cô Nguyễn thị Manh Manh, người Nam kỳ, con gái một ông Huyện hàm về hưu, vừa thi đỗ diplôme ở trường Áo Tím (Collège de Filles Annamites nay đổi tên là trường Gia Long). Cô Manh Manh không chuyên làm thơ, cô không hề xuất bản một tập thơ nào cả, nhưng cô lại hăng hái viết báo và diễn thuyết cổ xuý Thơ Mới. Không những riêng ở Saigon, cô còn lại đi với ông Huyện Trị, thân phụ của cô, ra Hà Nôị để diễn thuyết về “ Thơ Mới “. Hôm cô diễn thuyết ở hội AFIMA, Tuấn bị sốt rét nên không đi nghe được, nhưng bạn của Tuấn đi khá đông, có về thuật lại cho Tuấn rõ ràng cô nói trôi chảy, giọng Saigon nghe là lạ dễ thương. Về nội dung bài diễn thuyết không có gì đặc sắc.
Người ta phê bình nhan sắc của cô nhiều hơn là bài diễn thuyết. Ðối với người Hà Nôị, cái tên của cô đã là một sự lạ rồi, Nguyễn thị Manh Manh. Sao lại đặt cái tên dị thường như thế ? Phải chăng cô muốn lấy tên một giống chim ở Nam kỳ, con chim manh manh, bé nhỏ, có giọng hót líu lo khả ái?
Tại sao cô không thích để tên thật của cô là Nguyễn thị Kiêm mà đáng lẽ phải viết là Nguyễn thị Kim? Người cô thấp và mập, mặt tròn vo, đôi mắt cũng tròn và to, tròng con ngươi đen nhánh, đầu để búi tóc như hầu hết các thiếu nữ Saigon 1935. Cô Manh Manh xuất hiện trên nền trời Thơ Mới Việt Nam như một ngôi sao chổi, chỉ thoảng qua rôì biến mất. Cô không để lại một bài thơ nào có giá trị, dù là thơ cũ hay thơ mới.
Phan Khôi, trái lại, là một cụ già nổi tiếng từ lâu trong làng văn, làng báo của ba Kỳ. Cụ thuộc về phái Nho học tân tiến, người tỉnh Quảng Nam, đã đậu Tú tài Hán học, nhưng lại thích mặc Âu phục hơn là áo dài khăn đóng, khác hẳn các ông Tú, ông Cử đồ Nho lúc bấy giờ. Cụ cũng thích nói tiếng Tây vì cụ có tự học Pháp ngữ, và nổi tiếng về khoa lý luận. Cụ vẫn thường tuyên bố với bạn bè rằng cụ thích ve vãn cô Logique Tây phương.
Tuấn được gặp cụ hai ba lần ở Hà Nội, trong toà báo “ Phụ Nữ Thời Ðàm “ mà cụ làm chủ bút. Cụ có cho Tuấn xem vài bài thơ của cụ, gọi là “thơ mới“, toàn một giọng trào phúng. Một lần cụ bảo với Tuấn :” Người ta cứ đổ riệt cho tú Phan Khôi này là đề ra thơ mới. Thiệt là bá láp bá xàm. Tui có ưa làm thơ bao giờ đâu, thơ cũ cũng không làm huống chi là thơ mới. Ðể trả lời những anh nói bậy đó, tui tức mình làm vài bài thơ mới chơi, gọi là “ thơ mới “ mà chính là để ngạo thơ mới đó “.
Tuấn có hỏi lại cụ Tú Phan Khôi :
- Người ta bảo rằng bài “ Tình Già “ của bác đăng trong Phụ nữ Tân văn là thơ mới đấy.
Cụ Tú cười oang oang :
- Mới cái mốc xì ! Bài Tình Già, tui làm theo điệu thơ Cổ phong của Tàu, chớ mới cái gì !
Dù sao, phân tách kỹ, Tuấn thấy rằng phong trào thơ mới cũng đã xuất hiện theo trào lưu tiến triển tự nhiên của văn nghệ.
Năm 1934-35, một lớp thanh niên mới được đào tạo ở các trường trung học và cao đẳng Pháp, hấp thụ nền văn chương tư tưởng Pháp quá nhiều, nên bắt đầu đem ảnh hưởng mới ấy vào văn chương Việt Nam.
Trước đó đã có Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh dùng cú pháp của Tây để diễn tả tư tưởng, nhưng hai nhà văn tiền phong lão thành ấy đã theo thể thức hàn lâm, quá đạo mạo, nghĩa là quá cổ điển.
Hoàng ngọc Phách viết quyển Tố Tâm đã khoáng đạt trẻ trung hơn nhiều, nhưng chỉ trong phạm vi tiểu thuyết lãng mạn mà thôi.
Bộ môn thơ vẫn chưa dứt ra khỏi khuôn khổ cũ kỷ từ nghìn xưa, vẫn quanh quẩn với mấy điệu thơ Ðường luật bát cú, tứ tuyệt, hoặc thơ song thất lục bát của mấy cụ nhà Nho.
Ðến lớp nhà văn và nhà thơ trẻ của thế hệ 1932-33, lối diễn tả tư tưởng, lối nhận xét sự vật, đã mới hơn nhiều, phóng đạt hơn và có phần sâu sắc hơn. Dĩ nhiên là nó thích hợp hơn với tinh thần phát triển mới của các từng lớp trí thức và công chúng.
Chính trong hoàn cảnh thay cũ đổi mới đó mà các loại thơ gọi là “ thơ mới “được xuất hiện một cách mặc nhiên không ai đề xướng cả. Ðó là hậu quả dĩ nhiên của lịch trình tiến hoá của Văn chương và Tư tưởng loài người, chớ không phải một phát minh mới lạ như Khoa Học.
Trong phạm vi lịch sử nhân văn, Tuấn nhận thấy rằng đồng thời với sự tiến triển theo một ý thức mới của Văn chương An nam, chỉ sớm hơn hoặc muộn hơn năm sáu năm, ở Nhật Bổn và Trung Hoa cũng có phong trào thơ mới, ở Indonésia cũng có phong trào Thơ mới. Chỉ trừ ở Thái Lan, Cao Miên, Lào, tình hình văn nghệ vẫn duy trì như cũ, bị ứ đọng lại vì thiếu điều kiện phát triển. Duy có Phi luật Tân ảnh hưởng của Portugal (Bồ đào Nha), đã in sâu vào tiềm thức dân tộc từ lâu năm hơn, kế tiếp lại chịu ảnh hưởng của Hoa kỳ, nên Văn nghệ Phi luật Tân ở trong tình trạng đặc biệt hơn.
Có thể nói rằng dưới hấp lực của các chuyễn động Tây phương, địa lý văn nghệ (la géographie littéraire et artistique) của các xứ ở vùng Ðông Nam Á đều ghi nhận một trào lưu cải tiến tự nhiên và không tránh khỏi. Chính trào lưu ấy cũng đã thay đổi ít nhiều bề mặt, đảo lộn ít nhiều bề sâu, của tư tưởng văn nghệ An nam mới …
Tuấn theo sát các phong trào Văn nghệ đang nhóm dậy từ năm 1933-1934 tại Hà Nội.
Dù muốn dù không, Hà Nội cũng là nơi tụ hợp của các văn nghệ sĩ trẻ tuổi của thế hệ say sưa với nhiệm vụ thiêng liêng của họ.
Người Pháp lúc bấy giờ cũng phải nhìn nhận rằng Saigon là kinh đô thương mãi (Capitale commerciale), Huế là kinh đô cổ kính của Nam triều (Capitale Impériale), Hà Nội là kinh đô trí thức (Capitale Intellectuelle).
Nói như thế không phải là thời Pháp thuộc, Hà Nội không chú trọng về thương mãi, Saigon không có hoạt động về văn hoá. Nhưng ai cũng thấy rõ rằng Saigon là trung tâm điểm rộn rịp nhất của các hoạt động kinh tế và thương mãi, các nhà máy lớn của ngoại quốc, các hãng xuất nhập cảng lớn giao dịch khắp các thị trường quan trọng của thế giới. Saigon lại là một nhà máy lúa gạo vô tận để tiếp tế cho cả Trung, Bắc kỳ trong nhiều năm mất mùa hay đói rét. Trái lại, hoạt động văn hóa ở Saigon không được thịnh hành. Nếu có chăng cũng chỉ được coi gần như là một xa xí phẩm.
Các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước không hẹn nhau mà lại gặp gỡ nhau ở Hà Nội nhiều hơn cả. Hầu hết các tác phẩm văn chương được dân chúng toàn quốc từ Bắc vào Nam hoan nghinh nhất, được đọc say mê, và bán chạy nhất bất cứ ở tỉnh nào của Bắc kỳ, Trung kỳ, hay “ Nam kỳ lục tỉnh “đều xuất bản tại Hà Nội, do các nhà Thơ, nhà Văn tập trung ở Hà Nội.
“ Làng Văn “ Hà Nội – danh từ thông dụng của thời đại, bao gồm các tao nhân mặc khách quê quán ở các tỉnh Bắc kỳ như Tản Ðà, Khái Hưng, Lan Khai, Thế Lữ, Lê văn Trương, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Trương Tửu, Phạm Huy Thông, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Nhược Pháp, v.v… và quê quán ở Trung kỳ như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tường Tam, Xuân Diệu, Phan Khôi v.v…
Chỉ có Hàn mặc Tử và Chế Lan Viên là ở hẳn Qui Nhơn (Trung kỳ), không có mặt ở Hà Nội trong thời kỳ bộc phát văn nghệ lãng mạn ấy.
Phan Khôi sau khi vào Saigon thử thời vận một thời gian, thấy không được như ý sở nguyện, trở về Huế làm báo “ Sông Hương “ cũng “chẳng nước non“ gì, rốt cuộc cũng lê thân già ra đất Bắc.
Ở đây xem chừng như thích hợp với tinh thần văn nghệ hơn. Tao nhân mặc khách hình như lưu luyến hơn với khí thiêng của sông Nhị núi Nùng.
Nhân nói về vị trí của “ núi Nùng “, Tuấn đã thắc mắc từ lâu, vì không thấy địa danh ấy trong các sách địa dư Việt Nam. Vài bạn làng văn ở Bắc hà đã chỉ cho Tuấn một gò đất cao quá 5 thước ở phía sau chuồng chim trong vườn Bách Thảo, Hà Nôị. Thì ra các cụ thi sĩ nhà Nho ở Thăng Long xưa đã gọi ụ đất ấy là núi Nùng để có một đối tượng thơ mộng với sông Nhị, như núi Ngự sông Hương ở Huế đô vậy.
Tuấn nhận thấy Hà Nôị có nhiều điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển văn nghệ, loại văn nghệ thuần túy của trí óc, biểu diễn thanh cao của tư tưởng. Thời bấy giờ văn thơ là tiêu biểu cho cái gì cao qúi, trong trắng nhất của tinh thần dân tộc.
Năm 1935 chưa có loại văn nghệ vụ lợi và văn nghệ xôi thịt, văn nghệ con buôn.
Tuấn đã phân tách văn thơ ở Hà Nội Tiền chiến và nhận thức phong trào tiến hoá của nó từ 1933-34. Cái mà người ta gọi là “ thơ mới “ chỉ là hậu quả không thể tránh được sự xâm nhập của văn thơ Pháp trong giới văn nghệ sĩ thanh niên.
Một nhóm người trẻ, xuất thân từ các trường Pháp – An nam (écoles Franco-Annamites), đã hấp thụ khá nhiều tinh tuý của văn nghệ Pháp, nhất là từ thế kỷ XVII mặc nhiên đã được đào tạo một quan niệm mới về suy tưởng, và một thể thức mới về diễn tả. Cuối thế kỷ XVIII, thi sĩ Pháp André Chénier đã phải chủ trương :” Sur des pensers nouveaux faisons des vers antiques “ (trên những ý tưởng ta hãy làm những thơ xưa). Những thơ xưa tức là thơ Alexandrius của Hy Lạp và La Mã cổ điển.
Qua thế kỷ XIX, nhóm thi sĩ trẻ lãng mạn của Pháp chủ trương thay đổi một vài điểm của hình thức thơ cũ, xê-xích một césure, chấp nhận một enjambement, và chỉ có thế mà cũng gây ra cả một cuộc bút chiến khá sôi nổi trong làng Thơ. Người đề xướng hăng hái nhất là Victor Hugo, thực hiện chút cải cách nhỏ mọn về hình thức đó, cả gan đem lên sân khấu một vở kịch viết bằng lôí thơ mới, đã bị các nhà thơ cổ điển huýt còi la hét rầm rầm. Théophile Gautier với chiếc áo sơ mi đỏ chót, đã phải hung hăng đả kích lại để bênh vực cho chủ trương “ táo bạo “ của nhóm mới.
Ðầu thế kỷ XX, nhất là sau Ðệ Nhất Thế Chiến, lại có nhóm siêu thực của Apollinaire, Aragon, Paul Eluard, phá huỷ tất cả thông lệ, chê bỏ Alexandrius, đặt ra “ thơ tự do “ với lối diễn tả khác hẳn.
Dĩ nhiên lối thơ mới đó cũng đã làm đề tài cho một số người nổi dậy công kích dữ.
Ở Việt Nam, bắt đầu từ 1932, lớp thi sĩ trẻ tuổi ở các trường Cao đẳng tiểu học Pháp – Nam, vừa mới ra đời, đã đăng rải rác trong các báo ở Hà Nội những bài thơ mới bên cạnh những bài thơ cổ điển của những thi sĩ lão thành phái Nho học.
“ Thơ mới “ không bị ràng buộc bởi một quy luật nào nhất định, nhưng theo một xu hướng chung : thoát ly các khuôn khổ và hình thức niêm luật cũ, và theo vần điệu và cú pháp của thơ Tây. Thi phẩm đầu tiên có sắc thái thơ mới rõ rệt nhất là “Vài Nét Ðan Thanh“ của Lưu Trọng Lư, ra một lượt với truyện ngắn “Người Sơn Nhân“ của tác giả ấy. do Ngân Sơn tùng thư xuất bản.
Lưu Trọng Lư là người Quảng Bình, đã học đến lớp Ðệ Tứ niên cao đẳng tiểu học. Tính tình rất thơ mộng, hơi đãng trí, anh ta không thích học, thường để thì giờ làm thơ. Không chịu những gò bó niêm luật, quá khắc khe của thơ Ðường và quá dễ dãi của thơ Lục Bát (một bài thơ Lục Bát có thể trở thành một bài vè), Lưu Trọng Lư xử dụng một hình thức mới mà âm điệu uyển chuyển giữa hai thể Ca trù Việt Nam và Cổ phong Tàu. Nội dung lãng mạn thì chịu rõ ràng những ảnh hưởng của thơ Tây.
Ðọc kỹ năm bảy bài thơ phóng khoáng đầu tiên của Lưu Trọng Lư trong “ Vài Nét Ðan Thanh “, Tuấn cảm thấy một hình thức thi ca mới, tuy còn hơi rụt rè, nhưng rất thích hợp với tinh thần mới của thế hệ trẻ 1932.
Kế Lưu Trọng Lư, Thế Lữ cũng bắt đầu đăng những bài thơ mới trong tuần báo Phong Hoá.
Ðến đây, Tuấnn nhận thấy một sự kiện lịch sử giúp rất nhiều vào lịch trình phát huy của thơ mới. Ðó là sự tiến triển của tinh thần độc giả song song với sự tiến triển của văn nghệ. Vì nếu có một thế hệ văn sĩ mới, sẵn sàng tiếp nhận những biến đổi thích ứng với thời đại. Lớp độc giả đông đảo này cũng đã được đào tạo trong các trường học Pháp – Nam, và cũng đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của Văn nghệ Pháp. Sự hấp thụ văn hoá Pháp là một nhu cầu đương thời không thể nào tránh được, cho nên dù muốn dù không, cả một thế hệ thanh niên mới, trí thức, trung lưu và thượng lưu, sẵn sàng chấp nhận, và hoan nghênh mọi sự đổi mới thích hợp với trình độ tiến hoá của họ trên mọi lãnh vực.
Do tình trạng đó, Tuấn đã thấy trong nhiều gia đình An nam, những ông cụ già và những người của tuổi đàn anh, thích đọc văn thơ cổ điển trong những báo chí thủ cựu loại "Trung Bắc Tân Văn “ và “ Nam Phong Tạp Chí “ ở Hà Nôị. Tiếng Dân ở Huế; Công Luận, Tin Ðiển, Sài Thành nhật báo ở Saigon.
Trái lại, những người tuổi trẻ có thấm nhuần tư tưởng văn chương Âu Tây lại thích đọc những báo chí tân tiến do lớp trí thức trẻ chủ trương như “ Loa, Tiễu Thuyết thứ bảy, Tiểu Thuyết thứ năm, Phong Hóa ở Hà Nội, hoặc "Trong Khuê Phòng, Mai “, ở Saigon.
Những bài thơ mới được phổ biến rộng rãi trong các cơ quan văn nghệ của lớp trẻ, và rất được lớp này nhiệt liệt hoan nghênh. Thơ cổ điển bắt đầu suy sụp dần.
Nhưng thơ mới không có quy luật rõ rệt “ Thơ Mới “ chỉ là một danh từ tổng quát bao gồm tất cả những thể loại thơ không theo khuôn khổ cổ điển như Thất ngôn bát cú của Ðường luật, hoặc Song Thất lục bát, hoặc Ca trù.
Vì vậy, năm 1934 “ Trường thơ Bạch Nga “ xuất hiện đề xướng một quy luật cho thơ mới.
Tìm đến nguyên nhân chính của sự xuất hiện “ Trường Thơ Bạch Nga “, Tuấn đã nhận thấy, như mọi người, một thống kê chung ở thời kỳ Văn chương bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhất ở Việt Nam, là hầu hết văn chương “ An nam “ hồi đó đều chịu ảnh hưởng của văn chương Pháp.
Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong là tiền phong của phong trào mới. Mới từ tinh thần đến thể thức. Mới từ tư tưởng đến cách diễn tả tư tưởng. Tất cả những gì rườm rà, luộm thuộm, cổ kính, theo ảnh hưởng Văn chương Trung Hoa đều bị gạt bỏ dần dần, và được thay thế bằng lôí viết rõ rệt, có quy cũ, có văn phạm, của văn chương Pháp. Ðiều đó không ai phủ nhận được.
Cũng như về hình thức bề ngoài, người An nam của thế hệ mới đã cắt bỏ cái búi tóc cổ truyền để thay vào đó một cái “đầu mới cúp carré “, hoặc chải tóc rẽ “ trios quart “, và bỏ chiếc áo dài thay thế bằng bộ y phục tây phương. Văn chương và tư tưởng của lớp người mới cũng bắt đầu từ bỏ mớ tóc daì lê thê và chiếc áo dài luộm thuộm của Văn chương cố cựu …đó đã trở thành một thông lệ mới, dĩ nhiên, của thời đại mới. Những câu văn xuôi rườm rà cổ kính của các cụ nhà Nho và những bài thơ nặng nề, đầy cổ tích Tàu, niêm luật khắc khe, đều bị đào thãi dần dần theo luật tiến triển tự nhiên của Tư Tưởng và Văn Nghệ.
Trong lúc thơ mới Việt Nam ra đời, thoát được khuôn khổ cũ, nhưng vẫn còn mò mẫm trong các cuộc thí nghiệm của mỗi nhà thơ, thì thơ Bạch Nga xuất hiện với mục đích rõ rệt là tạo cho thơ mới một nguyên tắc cụ thể về hình thức : dung hoà với cú pháp của Thơ Tây, qui chế của thơ Tây, vừa phản ảnh được tinh thần dân tộc Việt Nam để diễn đạt tư tưởng Việt Nam mới. Khác với André Chénier, trong thơ Pháp đầu thế kỷ XIX.
Thơ Bạch Nga chủ trương :
Sur des pensées nouvelles, faisons des vers nouveaux. (Với những ý tưởng mới, hãy làm những câu thơ mới.)
Bài “ Gửi một thi sĩ của nước tôi “đăng trong tuần báo văn nghệ Hà Nội năm 1936 làm sáng tỏ chủ trương cải cách ấy. Trương Tửu quen lối dùng chữ táo bạo, đã gọi thơ Bạch Nga là “ Trường thơ Cách Mạng “, có nghĩa là cách mạng hoá thơ cổ điển Việt Nam.
Nói một cách cụ thể hơn, trước ba thể thơ cổ điển Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp và sâu đậm của thơ cổ điển Trung Quốc : Ðường Luật (bát cú, ngũ ngôn, tứ tuyệt), Song Thất Lục Bát và Ca trù, không kể lục bát được coi như là thuần tuý dân tộc, Thơ Mới ra đời năm 1932 chỉ mới là một thí nghiệm sơ khởi chưa có hình thức xác định rõ ràng.
Công chúng đã công nhận thơ mới, nhưng muốn tìm hiểu thơ mới như thế nào, thì các nhà thơ không trả lời được. Những người quen làm thơ Ðường, hoặc Song thất lục bát, lục bát, muốn chuyển hướng qua thơ Mới, nhưng còn thắc mắc do dự, vì không biết theo tiêu chuẩn nào.
Một độc giả yêu thơ có viết thư hỏi Lưu Trọng Lư :” Tôi muốn làm một bài thơ mới, nhưng không biết làm cách nào, theo luật nào, xin ông chỉ dùm cho …” Lưu Trọng Lư trả lời :” Cứ làm bừa đi, rồi thành ra thơ gì cũng được. Ðừng giống như thơ cũ, bỏ niêm luật thơ cũ, tức là thơ mới “.
Một thi sĩ mới ra đời, bút hiệu Thao Thao, có xuất bản một tập thơ, nhan đề là “ Trên Bờ Suối “, toàn là thơ 8 chữ, với một bài tựa quả quyết rằng Thơ Mới là thơ 8 chữ. Thao Thao là một nhà thơ có tài, nhưng rất tiếc làng thơ Hà Nội không ai để ý đến, và tập thơ của Thao Thao bị chìm trong im lặng và quên lãng.
Nói tổng quát, thì Thơ Văn Việt Nam từ 1932 đến 1940, được phát triển mạnh mẽ và dưới một hình thức lãng mạn giống như thế kỷ XIX của Pháp trên nhiều phương diện. Các báo văn nghệ thường mở những mục dịch thơ Pháp, đặc biệt những bài thơ của các thi sĩ lãng mạn thế kỷ XIX.
Bài “ Le Lac “ của Lamartine được các giới văn nghệ đua nhau dịch ra thành thơ lục bát, tứ tuyệt liên ngâm, thơ mới v.v…đã đăng khắp các báo Hà Nội, Huế, Saigon.
Một vài thi sĩ, như Xuân Diệu, lấy nguyên cả những câu thơ lãng mạn Pháp, dịch ra Việt Ngữ làm thành thơ của chính mình. Ðoàn Phú Tứ dịch hẳn những bản kịch của Jules Renand, Sacha Guitry, Courteline…thành những bản kịch của ông, xuất bản nhan đề "Những bức thư tình “ không đề xuất xứ, không nói dịch của ai cả.
Nhà văn Roland Dorgelès, ở Paris sang du lịch An nam có viết một tác phẩm nhan đề "Sur la route mandarine “ (trên đường cái quan). Các giới trí thức Việt Nam thời bấy giờ đều có đọc quyển ấy, mà văn chương rất là lãng mạn, bóng bẩy, hấp dẫn vô cùng. Nơi trang đầu, tác giả có ghi một câu vỏn vẹn có 5 chữ :
“ Partir, c’est mourir un peu “
Nhà thơ Xuân Diệu chụp ngay câu thơ đó, đổi chữ “đi “ ra chữ “ yêu “, làm thành câu thơ của mình, không có một chút lương tâm lấy dấu ngoặc gói ghém ý nghĩ đẹp kia trả về cho tác giả của nó (đáng lẽ, theo lương tâm văn nghệ, Xuân Diệu phải chép câu thơ với dấu ngoặc như sau đây: Yêu là “chết trong lòng một ít“ để chứng tỏ rằng “c’est mourir un peu“ không phải là của ông).
CHƯƠNG 52
1936 - 1937
- Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp được thành lập ở Paris, có ảnh hưởng xáo trộn đời sống chánh trị của Việt Nam.
- Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, trong vụ án Trần Huy Liệu có hai vợ.
- Nghị sĩ Cộng sản Pháp Maurice Honel qua An Nam đến Hà Nội.
- Vụ Honel mất bóp ở Ðáp Cầu trong khi đi thăm những làng bị nạn lụt.
- Vụ đón tiếp Justin Goddart tại ga Hà Nội.
Xét tổng quát trên bình diện lịch sử và xã hội của Dân Tộc Việt nam từ 1932 đến khởi điểm của Ðệ Nhị Thế Chiến, tháng 9 năm 1939, nghĩa là trong thời gian bảy năm trước cuộc đại khủng hoảng thế giới, sự tiến triển của Văn Nghệ Việt Nam, đặc biệt là văn chương và âm nhạc, đã ghi những dấu vết sâu đậm nhất của ảnh hưởng Pháp, về thể thức cũng như về tư tưởng.
Nhưng không một lúc nào tinh thần dân tộc bị truất phế trước hiện tượng hăng say tiếp nạp và canh tân ấy. Mặc dầu có những xáo trộn rõ rệt, do những chuyển hướng mới nghiêng hẳn về văn hoá Âu Tây, tính chất căn bản của Nòi Giống, tinh túy thuần thục của Dân Tộc, vẫn không hề thoái vị trước sức quyến rũ mãnh liệt của các phong trào tân văn nghệ.
Trong Thơ Mới, Văn Xuôi mới, Âm nhạc mới (đương thời gọi là Âm nhạc cải cách). Chính vì được thích hợp với tinh thần dân tộc và đáp đúng nhu cầu văn hoá mới của một xã hội đang tiến triển đến cao độ, mà Thơ mới, Văn xuôi mới, và Âm nhạc cải cách, mặc dầu chứa đựng rất nhiều yếu tố ảnh hưởng của nghệ thuật và văn chương Pháp, và sáng tác bởi các lớp thanh niên trí thức Tây học, vẫn được quảng đại quần chúng Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh.
Nhưng phong trào thơ mới chỉ sôi nổi trong thời gian bộc phát từ 1932 đến 1936. Hầu hết những nhà thơ nổi tiếng đều sáng tác thơ mới trong khoảng thời gian ngắn này. Ðầu năm 1936, tình hình chính trị nội bộ bổng trở nên căng thẳng ở Pháp. Một chính phủ mệnh danh là Front Populaire (Mặt Trận Bình Dân) lên nắm chính quyền, sau các cuộc biểu tình náo động của dân chúng tại Paris ngày 6 tháng 2, 1936.
Dĩ nhiên, năm xứ Ðông Dương, thuộc địa Pháp, đặc biệt nhất là ba xứ Việt Nam : Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến cố rất quan trọng kia.
Chính phủ “ Mặt Trận Bình Dân “ Pháp áp dụng một chính sách rất khoan hồng đối với các thuộc địa. Do đó, phong trào " Mặt Trận Bình Dân "được thành lập hoạt động công khai ở Hà Nội, Saigon và khắp các tỉnh Nam kỳ, Bắc kỳ.
Ở Huế và các tỉnh Trung kỳ, tuy mặt trận bình dân không bị cấm, nhưng Tòa Khâm Sứ Pháp viện cớ Trung kỳ là lãnh thổ riêng của " Hoàng Ðế An nam ", nên hạn chế đến mức tối thiểu các hoạt động công khai của các giới nhân dân.
Ở Hà Nội và Saigon, các phong trào tranh đấu chính trị bị kềm hãm từ sau các vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng và nổi loạn của An nam Cộng Sản Ðảng, bây giờ được cơ hội bừng dậy, hăng hái và sôi động hơn bao giờ hết.
Phong trào Văn Nghệ tự nhiên bị chìm xuống. Một số các nhà văn có tinh thần cách mạng, gác câu chuyện văn chương ra một bên, đem hết tâm chí, khả năng, vào các cuộc hoạt động chính trị, nửa công khai, nửa bí mật.
Trương Tửu, nhà phê bình Bạch Nga, nhảy qua nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế. Mộng Sơn, nhà thơ Bạch Nga, gia nhập vào nhóm " Tiến Bộ khuynh tả. Tờ báo Bạch Nga (Le Cygne), một nửa Việt Ngữ, một nửa Pháp Ngữ, củng cố lập trường cách mạng quốc gia, và bớt hoạt động văn nghệ. Chủ nhiệm của nó viết một loạt bài luận thuyết đả kích kịch liệt chính sách thuộc địa Pháp, kêu gọi Việt Nam Ðộc Lập và đạp đổ chế độ Triều đình Huế. Báo Bạch Nga ra được 6 số thì người chủ nhiệm bị truy tố ra tòa án Pháp ở Hà Nội vì tội
"phá rối cuộc trị an ", và xúc phạm đến chủ quyền Pháp ở Ðông Dương, bị 6 tháng tù và 2000 quan tiền vạ.
Lan Khai, nhà văn chuyên về tiểu thuyết đường rừng, gia nhập vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng cũng bí mật hoạt động trở lại. Nhà văn Nguyễn Triệu Luật, cũng tham gia vào VNQDÐ. Nhà văn Khái Hưng lập ra Việt Nam Dân Chính Ðảng, chủ trương thân Nhật, nhưng về sau ông nhảy qua VNQDÐ của Vũ Hồng Khanh. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong thời Mặt Trận Bình Dân chưa hoạt động gì, nhưng bắt đầu Ðệ Nhị Thế Chiến ông theo nhóm Khái Hưng.
Nhà văn Nguyễn Tường Tam cũng không hoạt động trong thời Mặt Trận Bình Dân, nhưng bắt đầu Ðệ Nhị Thế Chiến, gia nhập vào Dân Chính Ðảng của Khái Hưng, và 1945 theo Khái Hưng qua VNQDÐ của Vũ Hồng Khanh.
Vũ Đình Duy, một nhà trí thức cách mạng rất hăng hái, chủ trương tờ báo Pháp ngữ “ La Jeune Indochine” xuất bản tại Saigon, bị tù, rồi về Hà Nội ra tờ " Effort Indochinois " trong thời Mặt Trận Bình Dân, đại diện Bắc kỳ cho đảng Việt Nam Phục Quốc do cụ Cường Ðể làm chủ tịch ở Nhật bổn.
Trên đây kể đại khái các nhà Văn phục vụ lý tưởng Quốc gia Dân tộc trong thời Mặt Trận Bình Dân Pháp. Bên đảng Cộng Sản An nam lúc bấy giờ đã đổi tên là Ðông Dương Cộng Sản Ðảng, họ cho ra một tờ báo Pháp ngữ, lấy tên là " Le Travail ", tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản Ðệ Tam Quốc Tế. Chủ nhiệm và quản lý : Nguyễn Văn Tiến, Trịnh Văn Phú, là hai người giàu từ trước đến giờ không ai biết tên, đứng ra làm bung xung.
Võ Nguyên Giáp là người viết những bài quan trọng nhất, thì lại dấu tên thật, chỉ ký những bút hiệu lạ, và không mấy khi đến toà soạn. Tờ " Le Travail " cũng bị truy tố ra tòa, Nguyễn Văn Tiến và Trịnh Văn Phú bị tù, báo bị đóng cửa.
Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ mới đậu được một chứng chỉ Cử nhân Luật, trường Cao đẳng Ðông Dương ở Hà Nội, và dạy môn Sử ký ở tư thục Thăng Long mà hiệu trưởng là Hoàng Minh Giám, hợp tác về tài chánh với Tôn Thất Bình, con rể của Phạm Quỳnh, người của phe Bảo hoàng.
Ðảng Cộng sản còn có hai tờ báo khác, một tờ Pháp ngữ " En Avant ", và một tờ Việt ngữ “ Thời Thế “. Ba người đóng vai trò chính trong hai tờ báo này là Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu (Trường Chinh) và Trần Huy Liệu.
Ðặng Xuân Khu lại là tổng thư ký Hội truyền bá Quốc ngữ mà hội trưởng là nhà học giả Nguyễn Văn Tố, phó giám đốc Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp (Ecole Francaise d Extrême – Orient).
Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, bề ngoài đeo đuổi mục đích “ chống nạn mù chữ " nhưng bên trong là cơ quan dùng làm phương tiện hoạt động bí mật của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương.
Trần huy Liệu lúc trước viết báo ở Saigon, là người cách mạng quốc gia hăng hái nhất. Sau khi bị tù, và bị trục xuất về Bắc, anh gia nhập vào Ðảng Cộng Sản, nhưng vẫn còn giữ phong độ của một nhà cách mạng tiểu tư sản, khác hẳn Ðặng Xuân Khu, một đệ tử sùng tín nhất của Staline. Trần Huy Liệu là một đồ đệ của Nho giáo thì đúng hơn vì anh còn rất nhiều thành kiến Nho giáo, cho nên anh thường bị nhóm đồng chí của anh phê bình gắt gao.
Tuấn có nhiều dịp chơi thân với Trần Huy Liệu. Tuy không đồng tư tưởng chính trị - Tuấn không bao giờ chấp nhận được lập trường cộng sản, - nhưng Tuấn vẫn giao du với Liệu về phương diện văn nghệ. Trần Huy Liệu, cán bộ cộng sản, trong thành phần chỉ huy cao cấp, lại cũng là một nhà thơ lãng mạn. Ðiều đó, Tuấn thật không ngờ, Trần Huy Liệu có đưa cho Tuấn xem vài ba chục bài thơ Ðường Luật, hoặc Lục Bát của anh (Trần Huy Liệu không làm Thơ Mới), trong đó có những bài xướng họa tình tứ với một nữ hộ sinh đã lớn tuổi, kiêm nữ thi sĩ. Chị này đã săn sóc cho anh rất tận tình trong khi anh bị tù ở Khám Lớn Saigon, và đã lấy anh sau khi anh mãn hạn tù. Vợ lớn chính thức của Trần Huy Liệu là người Bắc, quê mùa, ít học, chỉ lo buôn bán tần tảo nuôi một bầy con rách rưới, vì thời kỳ đó Trần Huy Liệu rất nghèo.
Tuấn được biết rõ bà vợ lớn của anh, do anh giới thiệu. Anh cũng cho Tuấn biết anh bị đảng kiểm thảo gắt gao về vụ hai vợ, và buộc anh phải từ bỏ bà vợ hai. Trần Huy Liệu phải tuân lịnh của đảng, nhưng anh rất buồn và đau khổ. Kể riêng tâm sự cho Tuấn nghe, anh cố giữ thái độ bình tỉnh nhưng không ngăn được hai dòng lệ trào ra trên đôi mắt lèm-nhèm của anh.
Ðể xử vụ " hai vợ " của Trần Huy Liệu, Trung Ương đảng bộ đảng Cộng sản Ðông Dương họp phiên đặc biệt trên lầu tờ báo "En Avant " của đảng, nơi góc đường Henri d’ Orléans và Hàng Vải Thâm (rue des Etoffes prolongée).
Dự phiên tòa đó, có Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu (lúc bấy giờ chưa có biệt hiệu Trường Chinh) và Khuất Duy Tiến. Trước hôm đó Tuấn có gặp Ðặng Xuân Khu ở phố Hàng Cót, và bảo :
- Nếu các anh cho tôi tới xem buổi họp với tư cách là đồng nghiệp của các anh, thì tôi sẽ bào chữa cho anh Liệu.
Ðặng Xuân Khu cười, bảo Tuấn :
- Anh bào chữa thế nào, nói cho tôi nghe bây giờ được không ?
- Tại sao các anh cấm anh Liệu có hai vợ ? Chính chị Liệu có phàn nàn gì về vụ chồng chị có vợ hai đâu ?
Khu vỗ vai Tuấn, cười :
- Toa mơ mộng lắm ! Toa thích có hai vợ lắm hả ?
- Không phải thế. Nhưng moa thấy các toa ăn hiếp Trần Huy Liệu, tội nghiệp lũy chứ ! Chính mõa biết rõ hai người vợ của Trần Huy Liệu, người nào cũng tốt, và tận tụy với lũy lắm, có hại gì cho hạnh phúc gia đình của lũy đâu ? Chuyện cá nhân của lũy, các cậu can thiệp vào làm chi rứa ? Mõa phản đối vụ đó. Sáng mai toa cứ cho thằng Tuấn này tới, nó nhất định sẽ bênh vực cho Trần Huy Liệu.
Ðặng Xuân Khu lại cười :
- Tuấn ơi, óc của toa còn phong kiến lắm …Một vợ không được sao, phải hai vợ ? Moa đây chẳng có vợ con gì cả thì cũng có sao đâu !
Rồi Khu cười, nói sang chuyện khác.
Bảy giờ tối hôm đó, Liệu đến tìm Tuấn tại gác trọ của Tuấn ở phố Hàng Cót. Nét mặt buồn rầu, Liệu trao cho Tuấn một quyển " carnet " nhỏ nhưng khá dầy, trong đó chép rất nhiều những bài thơ xướng họa giữa Trần Huy Liệu và người yêu đã trở thành vợ hai mà anh vừa bị đảng bắt buộc phải từ bỏ. Ngoài ra còn một ít thơ lãng mạn của anh bằng Quốc Ngữ hoặc Hoa Ngữ, vì Trần Huy Liệu có một căn bản Nho học khá vững. Anh bảo Tuấn :
- Anh xem mấy bài thơ, rồi cất dùm quyển carnet cho tôi.
Tuấn ái ngại nhìn Trần huy Liệu. Anh ta gượng cười nói tiếp :
- Anh cứ cất đi, hay là xé đốt tuỳ ý.
Tuấn hiểu ngầm rằng, chắc chắn buổi sáng Trần Huy Liệu đã bị các đồng chí của anh kết án nặng, cho nên một quyển thơ bỏ túi, kỷ niệm cuộc tình duyên êm đẹp của anh với Thu Tâm, anh cũng không dám giữ, phải nhờ Tuấn cất hộ “hoặc xé đốt”.
Tuấn định sẽ tìm chị Thu Tâm để trao kỷ niệm ấy cho chị, vì trong lúc xẩy ra vụ án, Thu Tâm đã về ở Thái Bình quê của chị. Nhưng Tuấn chưa kịp làm công việc ấy thì sau đó ít lâu, năm 1940, Tuấn bị bỏ tù lần thứ hai, nhà Tuấn bị hiến binh Nhật khám xét và quyển carnet của Trần Huy Liệu cũng bị Nhật lấy luôn.
Mấy tháng sau vụ "án hai vợ " của Trần Huy Liệu, Tuấn làm chủ bút một tở tuần báo Phụ Nữ. Liệu làm chủ bút tuần báo Thời Thế, một cơ quan của đảng Cộng sản.
Một hôm, Tuấn nhận được thư của chị Thu Tâm gởi mua báo Phụ Nữ, và dặn đề ngoài " bằng " tên và địa chỉ như sau :
Bà Trần Huy Liệu
Làng…
Huyện…
Tỉnh…
Tuấn tủm tỉm cười, cho gửi báo theo đúng ý muốn của Thu Tâm.
Hai tháng sau, Trần Huy Liệu đến toà soạn Phụ Nữ, vẻ mặt hớt hãi, rút trong túi áo ra một "băng“ báo giống hệt cái băng báo Phụ Nữ có đề tên và địa chỉ như trên, và đã đóng dấu nhà bưu điện.
Anh khẽ hỏi Tuấn :
- Thu Tâm mua báo của anh hả ?
- Ừ, Chị ấy có gửi thư mua năm, nhưng tôi gởi báo biếu.
- Thu Tâm bảo đề tên như trên băng này hả ?
- Ừ
- Anh bỏ đi nhé ! Ðề tên Thu Tâm, đừng đề Madame Trần Huy Liệu nữa.
Tuấn tò mò hỏi :
- Sao anh có cái băng này ?
Liêụ cười không trả lời, nhưng căn dặn hai ba lần :
- Anh nhớ nhé, bảo tuỳ phái đừng đề “ Madame Trần Huy Liệu “.
- Vâng.
Xong, Trần Huy Liệu nói sang chuyện khác.
Tuấn còn gặn hỏi :
- Các đồng chí trong nhóm Cộng sản của anh có biết vụ này không ?
Liệu trả lời :
- Biết.
Rồi anh bắt tay cáo biệt :
- Thôi, moa về nhá. Cảm ơn toa nhé. Nhớ hộ chút nhé !
- Ðược rồi.
Câu chuyện rắc rối đó còn tiếp tục với bức thư của chị Thu Tâm hỏi tại sao có sự thay đổi tên trên băng báo. Tuấn phải viết thư phúc đáp như việc đã xẩy ra. Sau đó, Thu Tâm bỏ đi Saigon và Tuấn không có tin tức gì của chị nữa.
Maurice Honel, nghị sĩ Cộng sản trong Quốc Hội Pháp, do đảng Cộng sản Pháp phái qua Ðông Dương năm 1936 để tiếp xúc với Cộng sản “ An nam “được nhóm này đón tiếp rất là niềm nở tại tòa báo En Avant.
Một số đông các nhà văn nhà báo theo khuynh hướng quốc gia cách mạng chống lý thuyết cộng sản, cũng rũ nhau đến xem cuộc đón tiếp.
Khi Honel bước vào cửa tòa báo En Avant, cơ quan của nhóm trí thức cộng sản An nam, ông được nhóm này chào mừng hăng hái bằng bài " Quốc Tế Ca " (l’ Internationale) bằng tiếng Pháp mà họ la rùm lên hơn là hát. Vì thật ra họ hát lệch lạc hết, không ăn nhịp với nhau, chỉ nghe ồn ào inh ỏi. Duy có Maurice Honel là hát đúng mà thôi. Tuấn không hát bài L’ Internationale vì Tuấn không phải là Cộng sản, nhưng có chép bài đó làm tài liệu nghiên cứu về Ðệ Tam Quốc Tế.
Lúc bấy giờ thành phố Ðáp Cầu đang bị một trận lụt lớn.Muốn lợi dụng cơ hội để tuyên truyền cho Cộng sản, Maurice Honel có trao cho Ðặng Xuân Khu một món tiền để mua mấy chục bao gạo và ông đi với một phái đoàn cộng sản An nam đến Ðáp Cầu để tặng tiền và gạo cho dân chúng bị lụt. Trong lúc ông trao các tặng phẩm giữa đám đông người, thì không biết một bàn tay bí mật nào thừa cơ hội thuận tiện rút mất cái bóp của nghị sĩ cộng sản nơi túi quần sau của ông.
Sáng hôm sau các báo Cộng sản Hà Nội đề cập đến vụ mất bóp ấy, đều đồng thanh nói quyết rằng thủ phạm vụ lấy cắp chính là nhân viên Sở Mật Thám Pháp ở Hà Nội len lỏi trong đám đông. Nghe nói trong bóp của Maurice Honel có nhiều giấy tờ bí mật và quan trọng ngoài một số tiền lớn bằng giấy bạc Ðông dương, Honel rất quạu về vụ này và hai hôm sau đi xe lửa vô Saigon để đáp tàu về Pháp.
Trước Ðệ Nhị Thế Chiến, muốn rãnh tay ở phương Ðông để tấn công các nước Ðồng Minh phương Tây, Hitler ký hiệp ước tương trợ và bất xâm phạm với Staline. Sự hợp tác bất ngờ này gây một dư luận vô cùng ngạc nhiên và sôi nổi ở các nước Tây phương. Một số đảng viên Cộng Sản Pháp công phẫn cũng nổi lên chống kịch kiệt chánh sách của Staline, và rời bỏ đảng cộng sản, làm sôi nổi cả dư luận thế giới.
Hằng ngày Tuấn đọc báo “ Paris- Soir “ của Pháp để theo rõi tình hình căng thẳng ở Âu châu, thấy trong danh sách các nghị sĩ cộng sản Pháp rút tên ra khỏi Ðảng có tên của Maurice Honel. Maurice Honel đi rồi, để lại cho dân chúng Hà Nội nhiều câu chuyện bàn tán khá lý thú về thời gian một tuần lễ ông ở Thủ đô Bắc kỳ.
Nhờ tiếp xúc rộng rãi hàng ngày trong các giới trí thức sinh viên, lao động, và làng Văn, làng Báo, Tuấn học hỏi rất nhiều trong các biến cố đặc biệt này. Khó mà biết được những cảm nghĩ xác thực của anh em bên Ðảng Cộng sản, vì thường họ tất dè dặt, khôn khéo, không thành thật trong việc phát biểu ý kiến, nhưng Tuấn có thể biết rõ dư luận tổng quát và khách quan của các phần tử khác trong quần chúng nghĩa là của đại đa số nhân dân.
Dư luận chung nổi bật trên hết, là nếp sống trưởng giả của người đại diện Ðảng Cộng Sản Pháp.Theo tuyên truyền của các nhóm Cộng sản An nam, quần chúng lao động, sinh viên, trí thức đã có sẵn thành kiến rằng cộng sản tổ chức đấu tranh vô sản, của khối nghèo đói, nên khẩu hiệu chiến đấu của Cộng Sản Quốc Tế là : Prolétaires de tous les pays, unissez-vous ! (hởi những người vô sản của tất cả các xứ, các anh hãy kết hợp nhau lại). Bài Quốc Tế Ca “ L’Internationale “ của toàn thể cộng sản thế giới cũng bắt đầu bằng hai câu sôi động.
Trước khi Honel đến Hà Nội, trong giới lao động có khuynh hướng cộng sản ai cũng đoán chừng rằng “đồng chí “ Honel, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, sẽ có một nếp sống rất bình dân, ăn ngủ ở các xóm lao động, và sẽ có những hành vi đề cao “ Lao Ðộng Thần Thánh “ theo danh từ của các báo công sản hay dùng.
Người ta chờ đợi những hành vi đó, và nhất là những bài diễn thuyết hùng hồn, những lời kêu gọi nẩy lửa chống chủ nghĩa đế quốc, chống thực dân Pháp, chống bọn tư bản v.v…mà chính phủ thực dân đế quốc sẽ không dám làm gì ông.
Ông là một đảng viên có uy tín của Cộng sản Pháp, đại diện chính thức của Lao Ðộng Pháp thuộc Ðệ Tam Quốc Tế, đến Hà Nội để công khai đề cao giới Lao Ðộng, bảo vệ dân nghèo, và để chửi vào mặt bọn thực dân Pháp, bọn đế quốc Pháp, tư bản Pháp, bọn phong kiến An nam, và bắt buộc tụi phản động đó phải lo đầy đủ “ cơm áo tự do “ cho vô sản An nam (prolétaires Annamites, theo danh từ thông dụng).
Cho nên cái tin Maurice Honel sắp đến Hà Nội đã gây lên một niềm hy vọng lớn lao, trong các giới gọi là vô sản. Honel được coi như là một vị cứu tinh do đảng Cộng sản Pháp phái sang để giúp đỡ vô sản An nam đấu tranh thắng lợi.
Một hôm Tuấn đang ngồi chơi trong tòa soạn báo En Avant với Ðặng Xuân Khu và Trần Huy Liệu, có một anh và một chị bước vào, khúm núm, nói với Trần Huy Liệu :
- Thưa anh, đồng chí Hô-nen sắp sang, chúng em sẽ tham gia đón rước như thế nào, xin anh cho biết trước để chúng em lo sắp đặt ạ.
Trần Huy Liệu hỏi :
- Anh ở đoàn thể nào ?
- Thưa anh, em là Tổng thư ký “ Hội Ái hữu công nhân bồi bếp “. Còn đây là chị Tuyết, thủ quỹ đây ạ.
Trần Huy Liệu bảo :
- Chúng tôi cũng chưa biết nhất định hôm nào đồng chí Honel đến. Sự tổ chức đón rước như thế nào, chúng tôi sẽ loan báo sau.
Sau khi hai người này ra về, Ðặng Xuân Khu bảo Tuấn :
- Chắc Arnoux không cho phép đón rước long trọng đâu anh ạ. (Arnoux là tên của viên Chánh Mật Thám Pháp Hà Nội lúc bấy giờ).
Quả nhiên, sau đó Honel đến lúc nào ít người biết đến. Một buổi chiều, Trần Huy Liệu ở toà soạn về, ghé qua nhà Tuấn, bảo:
- 9 giờ sáng mai, đồng chí Maurice Honel sẽ đến thăm chúng tôi ở tòa báo. Anh muốn đến nói chuyện chơi thì đến. Tôi sẽ giới thiêụ anh nếu anh muốn.
- Ừ, muốn chứ. Các anh cho tôi nói chuyện với ông ấy độ 10, 15 phút nhé. Chắc ông ấy đâu có thì giờ tiếp chuyện lâu nhỉ ?
- Nhất kiến vi kiến, nói chuyện qua loa để làm quen rồi hôm nào rảnh sẽ gặp lâu hơn. Chúng tôi định tổ chức một cuộc gặp gỡ đông đủ anh em làng Báo trong một tiệc trà đãi ông Honel. Chừng đó tha hồ nói chuyện.
Trần Huy Liệu quên cho Tuấn biết Honel đến Hà Nội lúc nào. Ông ở khách sạn sang nhất của người Pháp, hút thuốc thơm Craven A. Một người bạn của Tuấn làm giáo sư tư thục, có kể chuyện lại cho nhiều người nghe rằng được ông Maurice Honel tiếp tại khách sạn Hôtel de la Gare, anh lấy ra gói thuốc Mélia (giá bán 6 xu) mời ông Nghị sĩ Cộng sản 1 điếu, nhưng Honel đỏ mặt, cười gượng :
- Cám ơn ông, tôi không chịu được mùi thuốc bổn xứ (tabac indigène)
Xong Honel lấy gói thuốc thơm Craven A. mời lại ông giáo sư. Ðến phiên ông này từ chối với một nụ cười hóm hỉnh :
- Cám ơn đồng chí, tôi không chịu được mùi thuốc đế quốc.
Biết anh chàng An-na-mít muốn chơi xỏ mình, Maurice Honel trả lời :
- Ở Paris, thợ thuyền An-na-mít cũng hút Craven A.
Những mẫu chuyện như trên được kể ra cho người này người nọ nghe, và làm đầu đề bán tán trong các cuộc nhóm họp của sinh viên lao động, trí thức trong thởi gian Maurice Honel ở khách sạn và sau khi ông từ giã Hà Nội vào Saigon.
Nhiều anh chị em thợ thuyền đến khách sạn thăm Honel vào những giờ bất thường, như 7 giờ sáng, 1 giờ trưa, vì các giờ khác đồng chí không có ở nhà. Nhưng thường bị Honel từ chối không tiếp trong giờ giấc ngủ trưa, các bạn tỏ ý bất mãn.
Một buổi sáng chủ nhật, một nhóm 5 anh thợ máy An nam ở một hãng sửa xe hơi của Pháp, đến khách sạn chờ từ 7 giờ sáng. Gặp anh bồi khách sạn, một người bảo :
- Chúng tôi muốn xin yết kiến đồng chí Hô nen.
Anh bồi đáp :
- Ông Honel còn ngủ, 7 giờ 30 ông mới dậy.
Anh em chờ đến 8 giờ. Anh bồi cho biết ông đang thay quần áo, sắp sửa ra đi. Anh em yêu cầu cho đợi ở phòng khách. Trong đám anh em, có một người nói tiếng Pháp thạo hơn, được chọn làm thông ngôn.
8 giờ 15, Maurice từ trên lầu bước xuống tỏ vẻ ngạc nhiên thấy nhiều người ở phòng khách đang chờ ông mà ông không được báo tin trước. Nhưng ông cũng nhã nhặn tiếp. Anh thông ngôn nói :
- Thưa đồng chí …
Anh nói bằng tiếng Pháp, nhưng hình như “đồng chí “ Honel không hiểu, nên phái đoàn "An nam “ chỉ thấy ông trố mắt ngó anh “ thông ngôn “, không đáp lại một lời nào cả. Sau cùng, Honel bảo :
- Tôi cám ơn các bạn đến thăm. Nhưng tôi tiếc rằng tôi có “ rendez- vous “ 8 giờ 30.
Vừa lúc đó, có một anh ở tòa báo “ En Avant “ phái đến để đưa Honel đi đến nơi đã hẹn. Phái đoàn thợ máy xe hơi đành phải ra về, và đi thẳng đến tòa báo phàn nàn về sự đồng chí Honel tiếp anh em một cách lạnh nhạt.
Mặc dầu nhân viên toà báo giảng giải, anh em vẫn không thông cảm. Do đó và do nhiều chuyện khác mà có dư luận rằng đại diện Ðảng Cộng Sản Pháp và Mặt Trận Bình Dân ở Paris có thái độ quan liêu lắm, không có gì là “ bình dân “ theo như người ta tưởng.
Bài quốc tế ca “ L’Internationale “ không có bản dịch ra Việt Ngữ (theo lời Trần Huy Liệu thì bản ấy khó dịch ra tiếng Việt theo đúng những nốt nhạc của bản chính tiếng Pháp). Hôm tiệc trà thiết đãi Honel, chỉ có một số ít đảng viên trí thức hát tàm tạm được bài quốc tế ca với Honel mà thôi, còn đám đông đại diện lao động các giới đều đứng làm thinh nghe. Có vài ba anh, trong đó có một người mắt lé, miệng to, biết chút ít tiếng Pháp, nhưng hát bậy bạ, mà lại giọng hát của anh ta ồ ồ làm át cả các tiếng hát khác, thành thử chẳng ai nghe được gì cả. Honel tỏ vẻ khó chịu và quạu quọ, kiêu căng lắm. Suốt buổi tiệc, không khí gượng gạo, giả dối, mặc dầu Ðặng Xuân Khu và Võ Nguyên Giáp luôn luôn cười nói để gây ra đôi chút niềm nở thân mật với đồng chí Pháp.
Vụ mất chiếc bóp của Honel hôm ông đi thăm đồng bào bị nạn lụt ở Ðáp Cầu càng gây thêm cho Nghị sĩ Cộng Sản Pháp một cảm tưởng rất xấu xa về dân tộc Việt Nam.
Mặc dầu Ðặng Xuân Khu quả quyết thủ phạm là một tên mật thám, Honel vẫn nghi cho một tên móc túi (pickpocket) trong đám dân chúng, vì Honel được một số đông đảng viên cộng sản luôn luôn đi kèm bên cạnh để che chở và giữ an ninh cho ông, mật thám không thể đến gần ông được. Vụ mất bóp của Honel gây ra một dư luận xôn xao vô cùng. Chung qui Honel chỉ mất một số bạc. và một ít giấy tờ quan trọng, còn dân tộc Việt Nam thì mất cả danh dự và uy tín. Trong vụ này “đồng chí “ nghị sĩ Pháp không muốn phân biệt đảng viên cộng sản An nam và người An nam. Chắc ông ấy nghĩ như bọn thực dân rằng “ chúng nó là dân ăn cắp “.
Dĩ nhiên có liền sự phản ứng trên vài tờ báo của các phe Cách mạng Quốc Gia. Những bài này thuật lại vụ Honel bị mất bóp, cho rằng, nếu không phải bọn mật thám Tây lấy thì là một “đồng chí gạc-đờ- co “ của ông nghị sĩ Cộng sản, chớ không thể là một ngươì thường dân được, vì thường dân đâu được đến gần vị đại diện chính thức của Ðảng Cộng sản Pháp.
Nhưng Maurice Honel chí là phái viên của Ðảng Cộng sản Pháp, mà Ðảng Cộng sản chỉ là một thành phần của chính phủ Mặt trận Bình dân ở Paris. Trái lại, Justin Goddart, thanh tra Lao động, nhân viên chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, được phái sang kinh lý Ðông Dương, mới thật là một nhân viên chính thức có đầy đũ uy tín hơn. Vỉ thế nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa phải dành cho ông một cuộc tiếp rước trọng thể. Các tổ chức chính trị và lao động của dân chúng cũng được công khai tham gia cuộc đón tiếp ấy.
Mục đích viếng thăm của Justin Goddart là thu thập những nguyện vọng của dân chúng thuộc địa, đặc biệt hơn hết là giới bình dân, thợ thuyền, lao động …Nói đúng ra, về tổ chức chính trị của dân chúng chỉ có Ðảng cộng sản là hoạt động công khai mà thôi, tuy họ vẫn có thành phần hoạt động bí mật. Còn hầu hết các đảng phái quốc gia đều nằm trong bí mật và để bảo vệ hoàn toàn sự bí mật ấy họ không tham gia một phong trào công khai nào cả, dù phong trào có tính chất cách mạng và được chính quyền thuộc địa cho phép.
Ngay đảng cộng sản được cơ hội bành trướng mạnh mẽ nhưng các tổ chức thợ thuyền của họ cũng được che đậy khéo léo dưới hình thức các “ Hội Ái Hữu “ không làm chính trị, với mục đích tương thân tương trợ trong phạm vi nghề nghiệp mà thôi.
Ðại khái như các “Ái Hữu thợ đóng giày dép, Ái Hữu thợ máy xe hơi, Ái Hữu thợ giặt ủi, Ái Hữu bồi bếp v.v…Họ tổ chức đúng theo luật lệ hiện hành : một số người cùng nghề ký vào một là đơn xin nhà cầm quyền cho phép lập “ Hội Ái Hữu “ và cam kết tôn trọng luật pháp của “ Nhà Nước “. Nhưng bên trong thì họ hoạt động bí mật theo Cộng Sản, và phần đông là đảng viên cộng sản.
Ðám đông người tham gia cuộc đón tiếp Justin Goddart trước nhà Ga xe lửa Hà Nội gồm hầu hết những anh chị em các “ Hội Ái Hữu “ bình dân. Mỗi hội tham gia chừng 20 người, đứng ngay hàng thẳng lối, với một tấm bảng viết bằng sơn đỏ tên của hội bằng Pháp ngữ :
Amicale des boys et des cuisiners (Aí Hữu Bồi Bếp). Amicale des cordonniers (aí hữu thợ giày) v.v…
Và những tầm biểu ngữ như: Vive le camarade Justin Goddart (hoan hô đồng chí Justin Goddart) Vive le Front Populaire (Hoan hô Mặt trận bình dân).
Justin Goddart là người của đảng Xã Hội S.F.I.O của Léon Blum, Thủ tướng Nội Các Mặt trận các mặt trận bình dân, chứ không phải người của Ðảng Cộng Sản. Nhưng các khẩu hiệu đón tiếp Goddart được căng lên là của cộng sản :
- Cơm áo, Tự Do
- No ấm, Tự Do.
- A bas le colonialisme à la trique (đả đảo thực dân dùi cui !)
“Thực dân dùi cui“ là chỉ bọn cảnh sát của thực dân hay cầm dùi cui để đánh đập và giải tán các người biểu tình.
Justin Goddart từ Paris sang Saigon, rôì từ Saigon, đi xe lửa tốc hành ra Hà Nội. Dĩ nhiên, đại diện của chính phủ Léon Blum đi toa đặc biệt trong chuyến tàu suốt (train direct) Saigon - Hà Nội. Nửa giờ trước khi tàu suốt đến ga, Tuấn và vài người bạn với tư cách nhà báo, đến ga để xem. Viên chánh mật thám Arnoux mặc lễ phục và đeo băng tam sắc (xanh - trắng - đỏ, màu cờ Pháp) quấn vòng nơi thắt lưng, đứng giữa sân ga.
Y đeo nơi hông một chiếc súng lục (revolver) đã cũ, và một chiếc dùi cui bằng cao su sơn trắng. Nét mặt của y đầy vẻ hăm dọa. Cuộc tập trung biểu dương lực lượng thợ thuyền và đưa yêu sách đã được cho phép chính thức, nhưng Arnoux vẫn tỏ nét mặt hầm hầm, quyết ra tay đàn áp nếu thợ thuyền biểu tình làm mất trật tự. Y đã bảo trước cho ban tổ chức cộng sản như thế.
Tuấn và hai người bạn sinh viên Cao đẳng Ðông Dương ra đến trước sân ga, còn đứng xem bên góc trụ đèn đầu đường Gambetta, liền bị Arnoux chạy tới đuổi đi. Y bảo :
- Các anh không có phận sự gì ở đây, cút đi chỗ khác.
Dĩ nhiên y nói tiếng Pháp. Tuấn trả lời :
- Chúng tôi đến xem các ông đón rước ông Justin Goddart.
- Các anh là ai ?
- Chúng tôi là sinh viên trường Cao đẳng Ðông Dương, và cũng là nhà báo.
- Nếu thế thì các anh phải đứng vào hàng ngũ theo trật tự.
- Chúng tôi không có hàng ngũ. Chúng tôi chỉ đi xem với tư cách cá nhân.
Xe lửa tốc hành Saigon - Hà Nội sắp tiến vào ga. Tiếng còi của nó vang lên từ ngã tư Khâm Thiên, khiến mọi người xôn xao.
Arnoux vội vàng chạy đến cửa ga, truyền lịnh cho nhân viên của y, độ ba chục người đang chờ nơi đấy, đi tản mác đến các vị trí tập trung của quần chúng thợ thuyền đông đảo, để kiểm soát những hành động của họ lúc Justin Goddart đến.
Vị đại diện của Chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp là một ông Tây cao lớn, ước độ 60 tuổi, nét mặt nghiêm nghị. Trái với sự mong muốn của đám bình dân sắp hàng ngũ chỉnh tề để đón tiếp và hoan hô ông, vị đại diện của Chính phủ Mặt trận Bình Dân Pháp, ngồi xe hơi của Phủ Toàn Quyền, đi ngang qua hàng nghìn thợ thuyền, được họ hoan hô nghiệt liệt, mà ông không bảo ngừng xe, không hỏi han một câu, không nghe những nguyện vọng và yêu sách của họ.
Trong số cán bộ Cộng sản điều khiển đám biểu tình đón tiếp, một cô giáo vừa thi đỗ Tú Tài Pháp, tên là Tâm Kính, cộng sự viên của một tờ báo Pháp ngữ. Tuy người không đẹp nhưng căn bản văn hoá rất vững, tinh thần cách mạng rất mạnh, viết và nói tiếng Pháp rất giỏi, tài hùng biện rất cao, cô được các giới bình dân rất kính phục.
Cô được đề cử đại diện cho toàn thể anh chị em lao động để đón chào ông Justin Goddart và đưa các yêu sách “ cơm no áo ấm “. Nhưng Justin Goddart ngồi trong xe hơi, phớt tỉnh đi ngang qua, không chú ý đến cô thiếu nữ 20 tuổi mạnh dạn tiến đến xe ông. Xe của “đồng chí “ chạy thẳng luôn về Phủ Toàn Quyền.
Một luồng gió thất vọng thổi qua đám biểu tình chào mừng vị đại diện của Nội các Mặt trận Bình dân Pháp, không được ông này ngó ngàng đến.
Tuấn thấy một cảnh tượng mĩa mai làm sao ! Ðám biều tình đã hăng say chuẩn bị từ một tuần lễ trước cuộc đón tiếp đầy hứa hẹn tốt đẹp. Giờ đây, sau khi chiếc xe xủa Justin Goddart đi qua rồi, dân chúng liền bị giải tán một cách tàn nhẩn, bởi các nhân viên mật thám và lính “ phú lít “ dưới sự điều khiển của Arnoux và mấy viên Cẩm Tây. Những biểu ngữ “ cơm no áo ấm, tự do “ Vive le Front Populaire, “ Hoan hô đồng chí Justin Goddart đều bị gở ra lập tức, xếp lại và nhét trong túi quần của các “đồng chí “ lao động An-na-mít.
Sự viếng thăm của Justin Goddart, đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, không có một tiếng vang nào khác.
Hôm ông lên tàu hỏa trở vào Nam kỳ do chuyến tốc hành Hà Nội – Saigon, chỉ có nhà cầm quyền thuộc địa ra tiễn ông tại nhà ga mà thôi.
Cuộc nổi dậy của dân chúng và thợ thuyền Paris ngày 6- 2-1936, kết quả lật đổ một chính phủ bất lực của phe tư bản, và đưa lên chính quyền một Chính Phủ Bình Dân do 3 Ðảng lớn cầm đầu. Ðảng Xã Hội (Sfio, Section Francaise de L’ Internationale Ouvrière) chi nhánh Pháp của Quốc Tế Lao Ðộng. Sự thực toàn là những nhân vật tư bản và tiểu tư sản, như kiểu Léon Blum - Justin Goddart, Marius Moutet, đảng Cộng sản Pháp (PCF, Parti communiste Francaise) dưới quyền điều khiển và kiểm soát của lãnh tụ Nga, Staline, và đảng Xã hội Cấp tiến (Parti Radical Socialiste) của nhóm Edouard Henriot, nghị sĩ và Thị trưởng Lyon.
Ở Việt Nam, sự nắm chính quyền của Mặt trận Bình dân Pháp năm 1936 đã đem lại cho toàn thể dân chúng thuộc địa một niềm hy vọng lớn lao, ngay lúc đầu tiên. Nhưng về thực tế, không có biến cố nào quan trọng ngoài một vài thay đổi về hình thức không có ảnh hưởng mảy may đến đời sống chính trị và kinh tế của dân thuộc địa.
CHƯƠNG 53
1937
- Ðông Dương Ðại Hội
- "Nguyễn Văn Jeannin", Công Sứ Nghệ An.
- Cuộc "tranh đấu" và đả kích giữa hai phái Ðệ Tam và Ðệ Tứ Quốc Tế ở Saigon.
- Huỳnh Văn Phương
Sau khi Mặt Trận Bình Dân Pháp lên nắm chính quyền được vài tháng, một số trí thức và báo chí Saigon phát động một phong trào gọi là Hội Nghị Ðông Dương tiếng Pháp là Congrès Indochinois.
Theo chủ trương của nhóm tổ chức thì hôị nghị sẽ có sự tham gia của tất cả đại diện của các giới dân chúng Nam, Trung, Bắc và Miên, Lào. Mục đích của hội nghị là mở một "Mặt Trận Bình Dân Ðông Dương“ (Front Populaire Indochinois), để đòi hỏi nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa phải thực hiện những nguyên tắc dân chủ của Mặt Trận Bình Dân Pháp : tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, phóng thích tù nhân chính trị v.v…
Phong trào được một số báo chí cách mạng ở Saigon khởi xướng, cổ xuý tuyên truyền rất mạnh, và cũng được một số báo chí Hà Nội nhiệt liệt hưởng ứng.
Nhưng ngay lúc đầu, nhà cầm quyền thực dân đã dùng đủ các biện pháp để cản trở sự thực hiện Hội nghị ấy. Họ rất khôn khéo, không công khai cấm đoán, không hăm dọa đàn áp, vì họ sợ phản ứng chống đối của dư luận báo chí và chánh giới ở “ Mẫu quốc “, danh từ nịnh bợ do bọn quan lại tôi tớ của Quan Thầy Ðại Pháp Lang Sa dịch nghĩa những chữ “ Métropole “, “ Mère Patrie “.
Nhưng họ vận dụng nhiêù thủ đoạn vặt để cho tổ chức “ Hôị Nghị Ðông Dương “ thất bại, và trên thực tế Hội nghị đã thất bại chua cay. Hôị nghị nhóm tại Hà Nộii, nơi câu lạc bộ thể thao của người Pháp, ở trung tâm khu cư xá của người Pháp. Ngay địa điểm này cũng đã là một sự bất ngờ.
Tuấn có tham gia hôị nghị nhưng không có trong ban tổ chức. Tuấn dọ hỏi một vài anh trong uỷ ban thì được biết rằng những nơi uỷ ban định nhóm họp, Nhà Hát Tây, Khu Hội Chợ, v.v…đều không được phép của viên Chánh mật thám Arnoux. Y viện lẽ rằng Khu Hội Chợ không có bàn ghế, còn Nhà Hát Tây của thành phố thì ông Ðốc Lý Hà Nội không cho mượn. Arnoux đề nghị sẽ mượn dùm Câu lạc bộ thể thao Pháp. Không có địa điểm nào khác, uỷ ban đành phải mượn tạm nơi này vậy.
Hội nghị nhóm họp không quá 50 người, toàn là An nam, Miên và Lào không tời dự. Ðại biểu Trung kỳ chỉ có vài ba người đi dự hội với tư cách cá nhân. Phái đoàn đại biểu Saigon khá đông với gần 20 người, phần đông là Nhà Báo. Còn bao nhiêu là người Bắc, hoặc người Nam, cư ngự ở Hà Nội, và hầu hết là giới nhà Văn, nhà Báo.
Ðóng vai trò hoạt động hăng hái nhất là các nhà báo có khuynh hướng mặt trận bình dân.
Tuấn và vaì người bạn trẻ khác ở Cao đẳng học đường Ðông Dương đứng riêng một nhóm thanh niên cách mạng, với danh hiệu “ Antifascistes indépendents (chống phát xít, và độc lập, không đảng phái).
Hôị nghị khai mạc lúc 8 giờ tối ngay trên sân tennis ngoài trời, giữa một đám đông nhân viên mật thám Tây và An nam, đứng rải rác chung quanh sân, dò xét điệu bộ của từng người. Ban tổ chức ngồi dãy ghế chủ tịch đoàn. Sau bài diễn văn khai mạc của ban tổ chức trình bày lý do và mục đích của “ Hội Nghị Ðông Dương “, lần lượt bước lên diễn đàn những người ghi tên trước. Mỗi người chỉ được phép nói 15 phút. Người đầu tiên là Nguyễn Văn Chất, đảng viên cộng sản, nói con cà con kê không đâu vào đâu cả.
Trong bài đã viết sẳn, có một đoạn nhắc đến tên nhà kịch sĩ trứ danh của Anh Quốc là Shakespeare. Nhưng vì không có học Anh ngữ và thiếu căn bản văn hoá, thay vì đọc “ Sèk-s-pir “đúng theo tiếng Anh, Chất đọc :”Sakêts-pê-a-rơ “, khiến cho một số đông thính giả cười rộ lên. Không hiểu tại sao người ta cười, anh ta cũng bắt chước cười theo.
Diễn giả thứ nhì là Trương Tửu. Tửu nói chớ không đọc và thao thao bất tuyệt. Quá 15 phút, anh còn nói, mặc dầu bị ban tổ chức rung chuông “ tốp lại “. Tửu phớt tỉnh, cứ nói mãi, nói mãi, mỗi lúc mỗi hùng hồn. Thính giả càng vỗ tay nhiệt liệt, Trương Tửu càng hăng, cho đến đổi chính ban tổ chức và chủ tịch đoàn cũng bị thu hút, lôi cuốn, chìm đắm trong những đợt sóng hùng biện ào ạt ngập tràn cử toạ. Ba lần chuông rung, ba lần Trương Tửu vẫn không ngừng nói, cho đến khi anh chàng bước xuống diễn đàn, với một nụ cười bướng bỉnh trên môi, thì toàn thể hội nghị vỗ tay như pháo nổ. Trương Tửu đã nói đến 30 phút, không một miếng giấy trong tay, và không lúc nào ra ngoài đề tài mà anh đã tự lựa chọn : “ Tự do ngôn luận và tự do tư tưởng “.
Sau Trương Tửu, đến phiên Amédée Clémenti, một người Pháp có đầu óc cách mạng, chống chánh sách thực dân Pháp ở Ðông Dương, và chủ nhiệm tờ tuần báo Pháp thân Việt :" L’ Argus Indochinois" ở Hà Nội.
Ông nói bằng tiếng Pháp, và rất hăng say góp lời vào bản cáo trạng gay gắt chống chính sách áp chế của chính phủ thuộc địa đối với các dân tộc Ðông Dương. Nhiều diễn giả khác, đại diện của Trung kỳ và Nam kỳ, lần lượt lên diễn đàn. Tất cả đều nhắm vào một đề tài, và một mục phiêu : tấn công chế độ chuộc địa hiện hữu trên phương diện chính trị và báo chí. Mỗi diễn giả đều cố gắng vận dụng hết tài miệng lưỡi của mình nhưng vẫn không tránh khỏi lập đi lập lại các khẩu hiệu mà mọi người đều biết. Bữa tiệc đại hùng biện vô cùng hào hứng được chấm dứt vào lúc 11 giờ đêm, bằng một bản yêu sách (desiderata) gởi lên viên Toàn Quyền Pháp ở Hà Nội, đòi hoàn toàn tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử v.v…
“ Hội Nghị Ðông Dương “được một số báo chí tuyên truyền cổ võ khá rầm rộ từ Hà Nội đến Saigon trong gần nửa tháng, được kết thúc sau nhiều buổi hội họp bề ngoài có vẻ long trọng, sôi nổi, nhưng chấm dứt “ thành đuôi cá “ như một vài bạn trong hôị nghị đã nói theo một thành ngữ Pháp :” Le Congrès est terminé en queue de la poisson “.
“ Hội Nghị Ðông Dương “ danh từ vĩ đại, nhưng không có một trụ sở thường trực. Người ta tự hỏi giả sử viên Toàn Quyền Ðông Dương, đại diện tối cao của chính phủ Pháp, muốn trả lời các yêu sách của Hội Nghị, thì phải gởi văn kiện chính thức cho ai, và gởi đến đâu ?
Nhà cầm quyền thuộc địa thì trên các bài diễn văn thường hay phô trương những danh từ thông dụng trong giai đoạn “ Mặt trận Bình dân “, nào là “ công lý “, “ tiến bộ “, nhân quyền v.v…và tuyên bố rầm rộ một chính sách “ bình dân “ hướng về hạnh phúc, và quyền lợi của quảng đại quần chúng, nào là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của giới thơ thuyền, nhưng thực tế càng tàn nhẫn, mỉa mai hơn trước.
Một thí dụ điển hình nhất, là viên Công Sứ Pháp chủ tỉnh Nghệ An, tên là Jeannin, người đảng Xã hội Pháp (SFIO). Chưong trình vĩ đại và “ nhân đạo “ của đảng này, là bênh vực quyền lợi của dân chúng, giúp đỡ dân chúng thoát khỏi ách bóc lột áp chế của tư bản đế quốc, v.v…
Từ ngày có phong trào Mặt Trận Bình Dân Pháp, ông Jeannin thường tuyên bố với các dân chúng Nghệ An rằng ông thương yêu người An nam cũng như anh em ruột thịt, và coi Nuớc An nam cũng như Mẫu Quốc của ông vậy, tuy ông là người Pháp trăm phần trăm. Ông lớn tiếng bảo trước hàng ngàn dân chúng tụ họp ở thành phố Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An : “ Thưa các bạn, tên của tôi là Nguyễn –văn – Jeannin, và tôi là người An nam trong tim (Annamite de Coeur) cũng như các bạn vậy “.
Dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, nhất là các “đồng bào “ở giới trí thức khen ngợi vô cùng tấm lòng yêu nước An nam, thương dân An nam của vị Quan cai trị Pháp bình dân, bình đẳng, huynh đệ. Không khí “thế giới đại đồng “ của Kác-Mác, do các “đồng chí “ cộng sản Pháp thổi phồng lên, thành những quả bong bóng bay qua vòm trời “Ấn-độ-chi-na “đầy màu sắc rực rỡ, làm mờ mắt người “ nhà quê anh em “ở Cửu Long Giang và Hồng Hà.
Dĩ nhiên, không bao lâu những quả bong bóng kia xì hơi xẹp lép, và “ thằng dân An nam “ sau những đêm liên hoan tưng bừng chào đón phong trào “ Mặt trận Bình Dân “ Pháp, lúc tỉnh dậy sờ vào mũi của Ông Tây Nguyễn – văn – Jeannin.
Chung quy, Mặt Trận Bình Dân Pháp không đem lại một cái gì thật mới mẻ cho toàn thể dân chúng An nam. Theo dõi các báo Pháp xuất bản ở Paris, người ta thấy một chuyển hướng rõ rệt trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Léon Blum (Mặt trận Bình dân). Nhưng ở Ðông dương kể cả Nam kỳ là “ nhượng địa Pháp “, nghĩa là một lãnh thổ do vua Tự Ðức đã “ nhường “ hẳn lại cho Pháp rồi, chế độ thuộc địa vẫn không được cải thiện gì bao nhiêu.
Bởi vì, chương trình hoạt động của chính phủ Mặt trận Bình dân dựa trên chương trình dung hòa của ba đảng lớn được liên hiệp lại để nắm chính quyền, là đảng Cộng sản, đảng Xã hội, và đảng Xã hội Cấp tiến, đã đi ngược lại chính nguyên tắc thực dân của đế quốc Pháp. Cho nên ở Pháp, ba đảng Tả phái (Parti de gauche) chiếm đa số trong Quốc Hội, đánh bạt được thiểu số Hữu phái (Parti de droite) để thực hiện một cuộc thống nhất chính trị, mặc dầu sự liên kết đó chỉ có tính cách giả tạo và lâm thời.
Còn ở thuộc địa nhất là ở Ðông Dương, phe đế quốc thực dân vẫn chiếm thế lực mạnh mẽ và bền chặt ở khắp các guồng máy hành chánh thuộc địa. Chính phủ Tam đảng của Pháp lại không có một chính sách cụ thể bãi bỏ truyền thống thực dân. Trái lại, các nhà cầm quyền Ðông dương, trong lúc thi hành những chỉ thị mới của Bộ Thuộc Ðịa, lừa gạt dân chúng An nam bằng những hành động mị dân, giả vờ công lý, bình đẳng, bình quyền, tựu trung vẫn mang nặng sằc thái thực dân chủ nghĩa.
Các quan cai trị cũ của Hành Chánh Dân Sự (Administrations des Services Civils) đeo chiêu bài mới của Mặt Trận Bình Dân, tìm cách gây cảm tình với dân chúng mà trước kia họ rẻ rúng khinh khi, như Yves Chatel, Thống sứ Bắc kỳ Grandjean, Khâm sứ Trung kỳ Jeannin, Công sứ Vinh Eckert, Ðốc lý thành phố Hà Nội v.v…
Nhưng đồng thời họ để cho bọn tư bản kếch sù ở thuộc địa công khai đả kích và phá hoại đường lối của Mặt Trân Bình Dân, như bọn Henri de La Chevrotière, chủ nhiệm tờ báo La Dépêche ở Saigon, Henri de Monpezat, chủ nhiệm tờ báo La Volonté Indochinois, ở Hà Nội Ernest Outrey, Ðại biểu Ðông dương tại Quốc Hội Pháp v.v… Bọn này có hậu thuẫn mạnh mẽ vô cùng, trong giới tài phiệt Pháp ở Ðông dương cũng như ở Paris.
Xét về đại cuộc trên chính trường thuộc địa, chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp (le Gouvernement du Front Populaire) không đem lại sự giải phóng dân tộc dù trên một vài phương diện nào, như dân chúng An nam đã nôn nao hy vọng.
Tuy nhiên, đối với các đảng phái chính trị, chính phủ Mặt Trận Bình Dân đã tỏ ra khoan hồng và cởi mở hơn. Nhất là đảng Cộng sản Ðông dương, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai, đã nhập đảng từ năm 1930.
Ðược nhiều cơ hội thân thiện với vài ba lãnh tụ của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, và vài cơ hội cộng sự với họ trong một vài công tác chung, Tuấn để ý thấy rõ rệt sự thay đổi chiến thuật của cộng sản An nam đối với thực dân Pháp, và đối với các đảng phái cách mạng quốc gia.
Ai đã đọc lịch sử của Ðảng Cộng sản Ðệ Tam Quốc Tế và riêng các đảng Cộng sản Nga xô, Pháp, Việt Nam, đều biết rằng “Nga xô vĩ đại “ kiểm soát tất cả các đảng cộng sản khắp thế giới, kể cả các đảng cộng sản “ lô can “ở các xứ thuộc địa của Tây phương.
Nguyễn Ái Quốc, suốt thời kỳ tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê trong đám thanh niên An nam xuất dương sang Trung quốc, và hoạt động quy tụ lần đầu tiên, cuối năm 1925, một nhóm “ thanh niên cách mạng đồng chí hội “ tại tỉnh Quảng Ðông (phôi thai của Ðông Dương Cộng Sản Ðảng) với sự cộng tác đắc lực và trung kiên của Hồ Tùng Mậu, người đồng chí An nam của ông - cho đến vụ nổi dậy đẫm máu, nhưng thất bại, của nông dân Nghệ An (nhất là Ðô Lương), do cộng sản Nghệ An chỉ huy nhân ngày kỷ niệm lễ Lao động quốc tế 1.5.1930 - suốt thời kỳ 5 năm đầu tiên ấy của lịch sử đảng Cộng sản An nam, Nguyễn Ái Quốc vẫn chịu mệnh lệnh trực tiếp của Moscou (Nga sô), chứ không phải của đảng cộng sản Pháp, mặc dù Annam là thuộc địa của Pháp.
Do sự thất bại của “Sô Viết Nghệ An“ 1930-1931, và kế tiếp, sự thất bại của cộng sản Quảng Ngãi cũng trong thơì gian ấy, Nguyễn Ái Quốc liền bị Staline triệu về Moscou và bị ông này đưa đi Sibérie trong 9 năm, 1932 - 1941.
Mùa xuân năm 1941, giữa Ðệ Nhị Thế Chiến, bổng nhiên Nguyễn Ái Quốc được Staline gọi về Moscou cùng một lúc với Nguyễn Khánh Toàn, lúc bấy giờ là giáo sư Việt ngữ tại Ðại học đường Moscou được đảng cộng sản Nga xô cho qua Trung quốc hoạt động dưới mệnh lệnh của Mao Trạch Ðông. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc lại đổi tên là Hồ Chí Minh và được giao phó nhiệm vụ tổ chức lại đảng cộng sản Việt Nam dưới quyền kiểm soát của Trung cộng (lúc bấy giờ còn ở Yennan (Diên An).
Ngày 1.10.1949, Mao Trạch Ðông hoàn toàn thắng lợi chiếm hết lãnh thổ Trung hoa và tuyên bố thành lập Nhân Dân Cộng Hòa Trung Quốc, thì lập tức tướng Trung cộng Lo Kwei Po được Mao phái qua Việt-Bắc làm cố vấn chính trị và quân sự cho Hồ Chí Minh.
Sau Hiệp định Genève 20.7.1954, chính phủ Hà Nôị vẫn còn theo đường lối chính trị của Trung Cộng và Nga xô. Ðến khi hai cường quốc lãnh tụ của cộng sản thế giới bắt đầu bất hòa với nhau, và dần dần trở nên thù địch nhau, thì đảng cộng sản Nhật và chính phủ cộng sản Bắc Hàn theo hẳn Trung quốc, rời bỏ Nga xô. Chỉ có Hồ Chí Minh, vì nhu cầu chiến tranh, vẫn không tránh được sự trực thuộc vào Trung cộng, đồng thời cố hết sức vận động duy trì sự bảo trợ tinh thần của Nga xô, viện trợ kinh tế và quân nhu (phi cơ Mig và súng đạn) của Nga cũng như các cố vấn Nga xô và Trung cộng.
Trở lại năm 1936-37, dưới thời Mặt trận Bình dân Pháp, vì Nguyễn Ái Quốc bị Nga xô đưa qua Sibérie, không còn ai là lãnh tụ đảng cộng sản An nam, nên Staline ra lệnh cho đảng cộng sản Pháp mà lãnh tụ là Maurice Thorez phải trực tiếp lãnh đạo Cộng sản An nam. Ðảng Cộng sản Pháp phái Maurice Honel qua “ kinh lý “ An nam năm 1936 và tiếp xúc với Cộng sản An nam, chính là để xác nhận trên thực tế sự trực thuộc của đảng cộng sản An nam vào hệ thống lãnh đạo của đảng cộng sản Pháp, theo mệnh lệnh của Nga xô.
Năm 1941, Pháp đã bị quân đội Ðức quốc xâm chiếm, Nga xô lo chiến tranh phòng thủ đất nước, Staline mới gọi Nguyễn Ái Quốc ở Sibérie trở về Moscou, và lập tức ngày hôm sau, Nguyễn Ái Quốc được lịnh lên chuyến xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á qua Diên An, tổng hành dinh của Mao Trạch Ðông.
Vì sự thay đổi đột ngột quyền lãnh đạo do Nga xô trao cho đảng cộng sản Pháp, dưới thời Mặt Trận Bình dân (1936-1937), mà Pháp lại là một nước thực dân đang đô hộ “ xứ An nam “ nên đảng cộng sản An nam phải theo mệnh lệnh của đảng cộng sản Pháp mà thay đổi cả chiến lược đấu tranh để hợp với hoàn cảnh lịch sử mới.
Lúc chưa nắm được chính quyền, và hãy còn là một đảng đối lập, thì Maurice Thorez, chủ tịch Ðảng cộng sản Pháp và các đồng chí của ông ở Hạ Nghị Viên, Thượng Nghị Viện, trên các cơ quan báo chí của đảng, không nhớ kêu gọi “ giải phóng các dân tộc bị nô lệ dưới chính sách dã man của bè lũ thực dân tư bản Pháp “.
Nhưng khi Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền, trong đó thành phần cộng sản Pháp chiếm đa số, và Maurice Thorez được làm phó Thủ tướng chính phủ, thì đảng cộng sản Pháp không nhắc lại những khẩu hiệu đấu tranh kia nữa ! Các dân tộc thuộc địa chờ mãi chẳng thấy “ giải phóng “đâu cả !
Trái lại, khẩu hiệu đấu tranh chống thực dân Pháp do cộng sản Ðệ Tam Quốc Tế vẫn thường nêu ra, bây giờ được đổi lại theo chiến thuật mới như sau :
“ Cương quyết chống bọn cá mập tư bản da trắng và da vàng bốc lột quần chúng vô sản “
Những khẩu hiệu :” Chống đế quốc thực dân Pháp" trên các cơ quan báo chí cộng sản, và trong các cuộc biểu tình đấu tranh của Lao Ðộng, đều bị xoá bỏ và không được nhắc lại.
Ðồng thời ở Saigon, cộng sản Ðệ Tứ Quốc tế ở Pháp mới về, quyết tranh đấu chống lại cộng sản Ðệ Tam mà Ðệ Tứ cho là nô lệ của Nga xô, và tay sai của thực dân tư bản, không còn thực tâm bênh vực giai cấp vô sản An nam. (Lúc bấy giờ đến cả cộng sản cũng dùng danh từ “ An nam “đã quen miệng).
Nhóm cộng sản Ðệ Tam lại cũng kết án nhóm cộng sản Ðệ Tứ là tay sai của đế quốc, phản bội giai cấp cần lao và vô sản thế giới.
Các giới thợ thuyền Saigon lại thích Ðệ Tứ hơn Ðệ Tam không phải vì lập trường đấu tranh của Ðệ Tứ hợp với quyền lợi của họ hơn, nhưng chỉ vì mấy anh lãnh tụ Ðệ Tứ “ nói hay “, nói giỏi “, quyến rũ được các giới bình dân, lao động hơn mấy anh bên Ðệ Tam.
Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, là những lãnh tụ Ðệ Tứ Quốc Tế An nam lúc bấy giờ, là những thần tượng thân yêu nhất của một số quần chúng vô sản An nam.
Bên Ðệ Tam Quốc Tế cũng có nhiều tay cừ, trong số đáng kể nhất có Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, nhưng Mai và Tạo không duyên dáng, hoạt bát, cởi mở, bằng Tạ Thu Thâu chẳng hạn, cho nên không lôi kéo quần chúng mấy.
Lối tuyên truyền của Cộng Sản Ðệ Tam (theo mệnh lệnh của Staline) cứng rắn quá, câu nệ quá, cố chấp quá, trong lúc miệng lưỡi của Cộng Sản Ðệ Tứ (theo tổ chức mới của Trotsky) thật là khôn ngoan, hoạt bát và lý luận mềm dẻo. Lý thuyết "trotskysme" do các anh hấp thụ được ở Pháp, đem nhập cảng về Saigon, được đem ra mổ xẻ, với tất cả tài hùng biện uyển chuyển, thích hợp với tâm lý dể dãi và vui vẻ của quần chúng lao động Nam kỳ. Do đó, phe cộng sản Ðệ Tứ gặt được nhiều thắng lợi hơn phe cộng sản Ðệ Tam.
Một lý do khác, cũng không kém thực tế, khiến cho cộng sản Ðệ Tam mất nhiều uy tín đối với quần chúng lao động cũng như trí thức (nói theo danh từ mới của cộng sản : lao động chân tay và lao động trí óc), là sự nắm chánh quyền của Mặt Trận Bình dân Pháp trong đó cộng sản Ðệ Tam chiếm ưu thế.
Cộng sản Ðệ Tứ không tham gia nên được dịp lớn tiếng đả kích Ðệ Tam lúc đứng về phe đối lập thì đòi “ giải phóng các dân tộc bị áp bức “ nay đã lên nắm chánh quyền lại chủ trương nô lệ hóa các dân tộc bị áp bức “ duy trì các thuộc địa, không đá động đến vấn đề giải phóng nữa. Ðệ Tứ khôn khéo vịn vào điểm đó để mạt sát Ðệ Tam là “ lừa gạt giai cấp vô sản bị trị “, “ bắt tay với đế quốc chủ nghĩa “để được hưởng quyền lợi, và tiếp tục chính sách thực dân, đàn áp nông dân và thợ thuyền.
Dĩ nhiên, các lãnh tụ Ðệ Tam Quốc Tế ở Ðông Dương, nói riêng ở ba “ xứ An nam “, hành động theo mệnh lệnh của “ Nga xô vĩ đại “ (dưới quyền độc tài của Staline), không thể nào bào chữa cho trôi chảy chánh sách mâu thuẫn của Ðảng đối với dân thuộc địa.
Nhóm Ðệ Tứ (cơ quan tranh đấu ở Saigon là báo La Lutte, ở đường Lagrandière, Gia Long hiện nay) tiếp tục đả kích Ðệ Tam chung quanh quan điểm trên và tố cáo Mặt Trận Bình dân Pháp là tay sai của thực dân, đế quốc.
Suốt thời gian tranh đấu, hai phe cộng sản, bên nào cũng tự xưng là theo đúng lập trường Mác-Lê (Marxisme-Léninisme). Nhưng trừ các phần tử đã gia nhập vào Ðệ Tam, còn đa số thợ thuyền lao động đều theo nhóm Ðệ Tứ. Uy tín của Tạ Thu Thâu nổi dậy như cồn.
Trái với Saigon, Hà Nội không có Ðệ Tứ Quốc Tế. Thấy vậy, nhân kỳ Hội Nghị Ðông Dương, nhóm Ðệ Tứ ở Saigon phái một cán bộ nồng cốt ra hoạt động ở Hà Nôi. Tên anh này là Huỳnh Văn Phương, tự xưng là sinh viên cao đẳng Luật khoa, nhưng chỉ là “ amateur libre “, thính giả tự do.
Bắt đầu, Huỳnh Văn Phương hợp tác với nhóm Ðệ Tam của Võ Nguyên Giáp, làm báo Le Travail, bằng Pháp ngữ. Chỉ một thời gian ngắn, Le Travail bị đình bản. Nhóm Võ Nguyên Giáp ra riêng một tờ báo khác, Le Rassemblement.
Lần này Huỳnh Văn Phương bị bỏ rơi. Tuấn có quen biết Huỳnh Văn Phương trong vài cuộc gặp gỡ về báo chí và các cuộc vận động tranh đấu chống phát xít. Tuấn thấy rằng trong lúc Hà Nôị và các tỉnh Bắc kỳ chưa có một người nào của Ðệ Tứ Quốc Tế mà Tạ Thu Thâu phái ra một cán bộ như Huỳnh Văn Phương để chơi lại nhóm Ðệ Tam, là một điều hớ hênh, sơ sót rất quan trọng.
Huỳnh Văn Phương thiếu rất nhiều đức tính của một thuyết lý gia và một chiến sĩ Ðệ Tứ Quốc Tế, về taì hùng biện, về học thuyết Các-Mác, Lênin, Staline, Trostky. Anh ta thua xa Ðặng Xuân Khu, lý thuyết gia của nhóm Ðệ Tam, Hà Nôị. Người ta gọi Khu là “ théoricien rouge “ lý thuyết gia đỏ. Về lập luận, Huỳnh Văn Phương kém Võ Nguyên Giáp. Tuấn nghĩ rằng nếu Tạ Thu Thâu ra Hà Nộị hoạt động một thời gian, có lẽ Thâu sẽ gây được một phong trào Trotkysme khá mạnh, đủ sức đương đầu với nhóm Ðệ Tam. Tạ Thu Thâu lại gởi Huỳnh Văn Phương ra Bắc, một tên “ em út “ chưa có kinh nghiệmn tranh đấu, không thế nào xây dựng một cơ sở cho phong trào.
Huỳnh Văn Phương còn trẻ tuổi, rất hăng say, nhưng anh ta không đủ tư cách và thiếu phương tiện. Anh ta không tạo ra được một tiếng vang nào đáng kể. Một thời gian sau, anh bị chìm trong quên lãng.
CHƯƠNG 54
1937
- Vụ cô gái Nam kỳ 15 tuổi đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội.
- Phong trào phụ nữ đi xe máy mới bắt đầu.
- Một cuộc diễn thuyết ở Huế và Saigon làm xôn xao dư luận của các giới phụ nữ đi xe máy.
- Tại sao Cộng sản An nam và Tư bản Pháp ủng hộ phong trào phụ nữ đi xe máy.
Suốt thời kỳ Mặt Trận Bình Dân, một số tù nhân chính trị được trả tự do. Tù nhân cộng sản cũng được ân xá. Ðảng Cộng sản Ðông dưong khai thác ngay tình hình mới. Tất cả đảng viên ở các lao tù mới ra đều được lịnh trở lại hoạt động ngay. Họ lập các tiểu tổ khắp nơi, và số đảng viên mới lên đến 10.000 người, chưa kể những người có cảm tình với họ, nhưng không vào đảng. Khuất Duy Tiến (thời kỳ Việt Minh nắm chính quyền, anh ta làm Ðốc lý thành phố Hải Phòng), Trần Đình Trì (thời Việt Minh làm uỷ viên thanh niên ở Uỷ Ban Kháng Chiến Trung Bộ, Huế), Ðào Duy Kỳ (em ruột Ðào Duy Anh), đều ở Côn Lôn về dịp này, cả ba người được giao phó làm một tờ báo Việt ngữ, ở đường Henri d’ Orléans, tờ “ Tin Tức “.
Công việc đầu tiên của tờ báo này là nhiệt liệt ủng hộ cuộc đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội của một cô gái bình dân ở Saigon, mới 15 tuổi, tên là Hồ thị L.
Vụ này gây ra nhiều dư luận xôn xao, từ Nam chí Bắc.
Thật ra, phong trào phụ nữ đi xe máy ở Nam kỳ đã cũ rồi, cũ cũng như chiếc xe “ máy đầm “ lần đầu tiên đã xuất hiện tại Saigon, từ năm 1928 lận.
Nhưng năm 1936 – 1937 dưới thời Mặt Trận Bình Dân Pháp, phong trào phụ nữ đi xe máy bổng dưng vùng dậy ồn ào ở Saigon là do một nguyên nhân không có liên quan gì đến món phụ nữ thể dục hoặc đến đời sống của phụ nữ bình dân.
Từ khi có Mặt Trận Bình Dân, đảng Cộng Sản Ðông Dương chủ trương xúc tiến mạnh phong trào thanh niên thể dục, với mục đích ngầm là đào tạo một lớp cán bộ cường tráng sẵn sàng hoạt động trong những công tác hăng hái mạnh bạo. Do đó, phong trào thanh thiếu niên thể dục được phát động ồn ào trong toàn xứ.
Một số nhà buôn lớn của Pháp-Việt-Hoa liền lợi dụng thời cơ, cũng như họ luôn luôn lợi dụng bất cứ một biến cố nào để đầu cơ, hốt bạc.
Hưởng ứng sốt sắng nhất phong trào thể dục mới bùng dậy, một số nhà nhập cảng xe máy và phụ tùng xe máy của người Pháp, cả người An nam ở Saigon, liền tổ chức một cuộc “đua xe máy phụ nữ “ do một nhà tư bản An nam, chủ nhiệm nhật báo Ðiện Tín ở đường Catinat đứng ra làm trung gian, hô hào cổ xúy, với nhiều giải thưởng lớn.
Tờ Ðiện Tín là ấn bản quốc ngữ của tờ nhật báo Pháp “ La Dépêche “ của tên thực dân khét tiếng De Lachevrotière.
Tổ chức cuộc đua xe máy phụ nữ, bọn con buôn này không có mục đích nào khác hơn là tạo ra phong trào phụ nữ đi xe máy được bành trướng sâu rộng, để chúng bán được thật nhiều xe máy và đồ phụ tùng xe máy do chúng nhập cảng của Pháp. Ðó là món lợi rất lớn về thương mãi. Nên nhớ rằng thời kỳ 1936 -1937, chỉ một số phụ nữ trung lưu xử dụng chiếc xe “ máy đầm “ mà thôi. Xe máy đầm là một “mốt mới“ lại đắt tiền. Một số phụ nữ bình dân, lao động thì đi xe máy đàn ông, rẽ tiền hơn, nhưng cũng hãy còn ít lắm. Chính bọn con buôn tổ chức cuộc đua xe máy phụ nữ muốn nhắm vào thành phần lao động trong giới phụ nữ bình dân.
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, phụ nữ bình dân cũng như trung lưu, thượng lưu rất ít đi xe máy. Riêng giới phụ nữ bình dân Hà Nội, nghèo hơn phụ nữ bình dân Nam kỳ, họ có những phương tiện khác mỗi khi cần xê dịch đó đây mà không tốn kém bao nhiêu. Ở Hà Nội, họ đi “tàu điện “ (tramway) từ Bưởi xuống Bờ Hồ, hoặc từ Bờ Hồ lên chợ Ðồng Xuân, chỉ trả vài ba xu. Ở nhiều thành phố, trong các gia đình lao động, người chồng đi làm việc bằng xe máy thường đèo thêm người vợ trên “bọt-ba-ga” (porte-bagage).
Biết rõ những hoàn cảnh đó, các nhà buôn nhập cảng xe máy cổ động một cuộc đi xe máy phụ nữ từ Saigon ra Hà Nội, theo đường thuộc địa số 1 (route coloniale No 1), xuyên qua các tỉnh Trung kỳ.
Các đại lý bán xe máy ở các tỉnh đều được chỉ thị đứng ra tổ chức cuộc đón tiếp cực kỳ long trọng cô “ Nữ anh hùng xe máy “ – danh từ do các nhà buôn xe máy phổ biến trong dịp này, - là cô Hồ thị L. một cô gái bình dân Saigon 15 tuổi, nước da ngâm ngâm đen như cô gái Cao Miên, nhan sắc rất tầm thường, và gầy ốm, không có vẻ thể thao nào cả. Trình độ học thức cũng không có gì.
Giới tư bản xe máy đã thuê cô làm công việc “đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội“, có tính cách dối trá, bịp bợm, mà chỉ nhằm mục đích cổ động cho mòn hàng của họ mà thôi.
Ðồng thời, các báo cộng sản trong Nam, ngoài Bắc, theo chiến thuật của Ðảng, cũng đề cao “nữ anh hùng xe máy Hồ thị L.“ là cốt ý đề cao phụ nữ bình dân, lao động, theo chủ trương “ lao động thần thánh“.
Thành thử, cộng sản và tư bản không hẹn mà gặp nhau trên lập trường khuyến khích phụ nữ đi xe máy, và cả hai đều hăng hái cổ động, hô hào toàn thể đồng bào tham gia cuộc đón tiếp “nữ anh hùng xe máy Hồ thị L.“ tại những địa phương mà cô ấy đi qua, từ Saigon ra Hà Nội.
Dĩ nhiên nhà cầm quyền Pháp ở ba kỳ cũng sẵn sàng khuyến khích tham gia phong trào, trên phương diện “thể thao phụ nữ“, hòa hợp với chiến thuật của đảng cộng sản, và quyền lợi tư bản của bọn nhà buôn lớn mà bọn cộng sản gọi là “cá mập da trắng và da vàng“.
Các nhật báo của bọn tư bản ở Hà Nội và Saigon, được cho tiền để dóng trống dóng chuông cho phong tào được lan rộng khắp xứ. Báo chí cộng sản cũng nhận được mệnh lệnh hô hào cổ xúy cho cuộc tổ chức được thành công.
Tờ báo cộng sản của nhóm Trần Đình Tri, Ðào Duy Kỳ, Khuất Duy Tiến phất cờ tiên phong trong việc đón rước “ nữ anh hùng xe máy “.
Cô bé Nam kỳ Hồ thị L. tưởng mình thật sự là bà Trưng, bà Triệu của môn “ xe máy đầm An nam “ trong lúc cô lãnh được số tiền mấy trăm đồng của các nhà nhập cảng xe máy ở Saigon thuê cô đóng vai trò “ liệt nữ “ ấy.
Về thực tế, cô bé Hồ thị L. có “đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội “, và được đón rước tưng bừng náo nhiệt, nhưng cuộc đi đó là cả một thủ đoạn bỉ ổi lừa bịp dư luận. Tuy họ rêu rao rằng cô là một thiếu nữ tình nguyện đi xe máy Saigon-Hà Nội (xe máy ÐUA chớ không phải xe máy đầm) và cả một phái đoàn đại diện ban tổ chức đi xe hơi theo sát cô để kiểm soát hành trình của cô, nhưng chính phái đoàn ấy đã âm mưu để cho cô đi xe máy trên những khoảng đường vài chục cây số ngang qua các thành phố mà thôi. Còn toàn thể các đoạn đường trường nguy hiểm trèo đèo vượt núi, và băng qua các cách đồng bát ngát bao la từ Nam chí Bắc, thì cô bé được đi xe hơi của Phái Ðoàn.
Gần đến Hà Nội, các báo công sản và tư bản ở thủ đô Bắc kỳ hô hào rất đông thanh niên nam nữ đi xe máy đến Văn Ðiển, một cứ điểm ở ngoại ô Hà Nội, để đón rước “ anh hùng xe máy “ Hồ thị L.
Dĩ nhiên là ra khỏi thành phố Nam Ðịnh 10 cây số, cô ả lên xe hơi của phái đoàn tổ chức cho đến còn cách Văn Ðiển 10 cây số thì cô lên xe máy. Từ đó, phái đoàn thanh niên xe máy Hà Nội tháp tùng cô về đến thủ đô, còn cách không bao xa.
Biết rõ mánh lới gian trá và lừa gạt dư luận một cách rất trắng trợn, của cuộc đi xe máy Saigon-Hà Nội của cô Hồ thị L. và thủ đoạn con buôn của các hảng nhập cảng xe máy ở Saigon, của nhóm cộng sản Ðông dương, Tuấn là người đầu tiên và gần như duy nhất đã viết báo kịch liệt phản đối vụ đi xe máy của cô L. và phong trào phụ nữ đua xe máy do bọn con buôn ở Saigon tổ chức, với nhật báo Ðiện Tín.
Trên một tờ báo Phụ nữ ở Hà Nội, Tuấn viết một bài dài ngỏ ý không nên khuyến khích một cô bé 15 tuổi đi xe máy (lại là loại xe đua của đàn ông) trên một con đường dài hơn 1700 kí lô mét, đầy núi đèo hiểm trở. Ngay như bên nam giới, từ trước tới giờ có ai dám tổ chức một cuộc đi xe máy trên quốc lộ số 1 từ Saigon ra Hà Nội, qua những đèo cao và nguy hiểm nổi tiếng ở Miền Trung như Ðèo Cả, đèo Cù Mông, đèo Ðại Lãnh, đèo Rù Rì, đèo Hải Vân v.v…Tuấn phản đối việc người ta lợi dụng danh từ phụ nữ thể dục, và xử dụng tấm thân gầy ốm và mảnh khảnh của một cô gái nghèo 15 tuổi để đạt những mục tiêu thương mãi, hoặc chính trị, đảng phái.
Nhưng, lý luận của Tuấn vẫn bị các bọn người vô lương tâm kia đả kích kịch liệt. Chính Trần Huy Liệu, bạn của Tuấn, cũng khuyên Tuấn đừng chống lại phong trào phong trào phụ nữ đua xe máy, và đừng phê bình vụ "nữ anh hùng xe máy" Hồ thị L.
Nhân một cuộc đi Huế để thăm cụ Phan Bội Châu và đi Saigon để tiếp xúc với một vài bạn đồng chí cách mạng quốc gia bị các nhóm cộng sản đệ tam và đệ tứ lấn át, trở thành hoàn toàn thụ động, Tuấn được một nhóm anh em mời diễn thuyết tại Hội quán Quảng Trị Huế, tại câu lạc bộ Qui Nhơn và tại hội quán S.A.M.I.P.I.C Saigon, về đề tài
“Phụ Nữ “. Ba cuộc diễn thuyết này đã gây ra những luồng dư luận sôi nổi suốt một tháng ở ba nơi đô thị ấy.
Với tư cách là chủ bút một tuần báo Phụ Nữ, một tờ báo được nhiều cảm tình của các giới văn nghệ và thanh niên phụ nữ, Tuấn phản đối cuộc đua xe máy phụ nữ đang được cổ động ở Saigon, và cuộc đua xe máy của một cô gái 15 tuổi từ Saigon ra Hà Nội, cả hai cuộc đều do một nhóm nhà buôn xe máy Pháp và An nam ở Saigon tổ chức.
Buổi diễn thuyết ở Huế do một ông tên là Ðào Đăng Vỹ, Hội trưởng hội Quảng Trị chủ toạ, ông này hình như đã quen biết Tuấn từ lúc ông còn học trường Luật tại Hà Nội, và cũng là ký giả, trợ bút như Tuấn, trong tờ báo Pháp ngữ “ La Patrie Annamite “ của Tôn Thất Bình, rể Phạm Quỳnh.
Cuộc diễn thuyết bắt đầu 8 giờ tối thứ bảy. Thính giả đông nghẹt, ngồi chật ních trong cử tọa lần đầu tiên có bà Ðạm Phương đến dự. Bà là một nữ sĩ danh tiếng nhất của Ðế Ðô, một nữ học giả đã đứng tuổi giỏi cả Hán văn và Quốc văn, tác giả vài quyển sách có giá trị. Bà viết trong tạp chí Nam Phong và đăng thơ trong báo Tiếng Dân, ký tên là Ðạm Phương nữ-sử. Lúc bấy giờ bà là Hội trưởng “ Nữ công học hội “ Huế.
Ða số thính giả phụ nữ, gồm những nữ lưu trí thức ở Thần Kinh, là những phần tử tân tiến, không tán thành ý kiến của Tuấn về vấn đề phụ nữ đua xe máy. Họ cho rằng con gái đua xe máy như thế mới là tiến bộ.
Giữa lúc câu chuyện của Tuấn đang hăng say, (Tuấn ứng khẩu chứ không viết sẵn bài diễn thuyết) một vài thiếu nữ đứng dậy phản đối ý kiến của Tuấn. Tuấn bình tỉnh yêu cầu cho chàng nói hết xong rồi ai muốn chất vấn chàng sẽ xin trả lời. Nhưng hai cô yêu cầu Tuấn trả lời ngay. Ông chủ tọa Ðào Đăng Vỹ phải can thiệp :
- Xin lỗi các cô, đây là Hội Quảng Trị mời diễn giả đến nói chuyện. Nếu các cô không đồng quan điểm với diễn giả, thì xin hôm khác sẽ tổ chức một buổi hội thảo chống lại (une conference contradictoire). Hôm nay xin đừng ngắt lời diễn giả.
Buổi diễn thuyết của Tuấn kéo dài hơn một tiếng đồng hồ được cử tọa vỗ tay nhiều lần. Sau đó, nhiều người bạn cho biết một số các cô ở Hội Nữ công Huế có ý định tổ chức một buổi diễn thuyết chống lại ý kiến của Tuấn riêng về vấn đề phụ nữ đua xe máy. Tuấn chờ mãi ba hôm không thấy gì. Sau nghe các bạn nói lại rằng, bà Ðạm Phương, Hội trưởng nữ công không tán thành việc hội đứng ra tổ chức một buổi diễn thuyết chống lại.
Dư luận đế đô Huế rất xôn xao sau cuộc nói chuyện của Tuấn. Bài tường thuật trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã phản ảnh dư luận ấy. Suốt tháng trời sau khi Tuấn đã đi rồi, dân chúng Thần Kinh còn bàn tán sôi nổi chung quanh câu chuyện “ phụ nữ Huế có nên hay không nên tổ chức những cuộc đua xe máy như ở Saigon? “.
Dĩ nhiên là có hai phe chống đối nhau.
Buổi diễn thuyết của Tuấn tại hôị quán S.A.M.I.P.I.C. Saigon, lại càng gây dư luận xôn xao hơn nữa, điều đó thật Tuấn không ngờ.
Tuấn không hiểu tên hôị bằng tiếng Pháp viết tắt S.A.M.I.P.I.C. nghĩa là gì, vì danh từ dài quá, gồm đến 7 chữ, Tuấn có hỏi nhiều người bạn ở Saigon, không ai trả lời suông sẻ. Nhưng ai cũng biết rằng đó là một hôị văn hoá của những nhà thượng lưu trí thức Annnam ở Nam kỳ, tôn chỉ và các mục phiêu hoạt động đều giống như hội Quảng Trị ở Huế và hội A.F.I.M.A (Khai Trí Tiến Ðức) Hà Nội (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites). Hội trưởng lúc bấy giờ tên là Nguyễn Khắc Nương, giám đốc nhà in Nguyễn Khắc, một nghiệp chủ có danh tiếng ở Nam kỳ.
Tuấn vô Saigon, trọ tại tư thục Victor Hugo, đường hẻm Farinolle, nơi đây có người bạn thân của Tuấn ở Trung kỳ vô dạy học tên là Trần Quốc Bửu.
Buổi diễn thuyết ở SAMIPIC đã do Tuấn ấn định trước bằng điện tín, đúng 9 giờ tối thứ bảy trong tuần. Ông hội trưởng cũng đã đánh giây thép cho Tuấn lúc bấy giờ còn ở Huế, để xác nhận ngày giờ nói trên. Diễn giả sẽ được nói tự do, theo chế độ tự do ngôn luận dưới thời Pháp lúc đó, ở Nam kỳ cũng như ở Huế và Hà Nội, không bị bắt buộc phải soạn bài đưa kiểm duyệt trước.
Vì bận ghé Quảng Ngãi, Qui Nhơn, nên Tuấn đến Saigon hơi trễ, chỉ 12 tiếng đồng hồ trước giờ đã ấn định và do hội trưởng SAMIPIC đã thông báo cha các nhật báo Saigon.
Xuống ga xe lửa Saigon lúc 7 giờ sáng, Tuấn gọi một chiếc xe “kéo“ chạy đến trường Victor Hugo ở cuối dãy nhà đường Farinolle, bên hông vườn “Bờ Rô“. Người kéo xe đòi 1 tiền xu (Xe kéo là loại xe cyclo đạp hiện nay, nhưng gọng dài, và do một người kéo, gọi là “ cu li xe “. Xe kéo tiếng Pháp gọi là “ pousse - pousse “)
1 xu là 5 đồng tiền điếu, 1 tiền xu là 10 đồng tiền điếu, tức là 2 xu. Tiền điếu là đơn vị tiền tê nhỏ nhất còn thông dụng trong giới bình dân Nam kỳ lúc bấy giờ. Nhưng dần dần người ta không xài nó nữa, cho đến năm 1939 - 40 thì nó biến hẳn trên thị trường Saigon. Ðồng tiền điếu là 1 đồng tiền bằng kẽm, bề kính hai phân rưỡi, giữa đục thủng thành hình vuông mỗi bề 6 ly, chung quanh khắc niên hiệu các vị vua An nam, thông dụng nhất là tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Ðồng Khánh, Khải Ðịnh. Bốn chữ Hán khắc chung quanh lỗ vuông như sau đây:
Minh Mạng thông bửu
hoặc
Tự Ðức thông bửu
Ðồng Khánh thông bửu, v.v…
Tuấn rất ngạc nhiên là năm 1937 kinh đô Saigon của Pháp vẫn còn dùng đồng tiền điếu của Vua An nam là loại tiền mà Tuấn chỉ thấy lưu hành riêng ở Trung kỳ mà thôi. Giá trị của nó là : 1 đồng tiền điếu bằng 5 đồng bạc 1970.
Vừa đến nơi, Trần Quốc Bửu mừng rỡ nắm tay Tuấn và chỉ cho Tuấn xem một tin ngắn đăng trong báo Công Luận nơi trang nhất, báo cáo cho công chúng biết 9 giờ tối hôm đó “ông Trần Tuấn, chủ bút báo Phụ nữ Hà Nội, sẽ diễn thuyết tại hội quán SAMIPIC. đại lộ Galléni, Saigon về đề tài “ Phụ Nữ Hà Nội - Huế - Saigon“.
Bửu hỏi Tuấn:
- Anh đã soạn sẵn bài diễn thuyết rồi chớ? Dài không?
Tuấn bảo:
- Tôi chỉ ghi đại khái trên miếng giấy nhỏ những điểm cần phải nói mà thôi.
Bửu la hoảng lên:
- Ối chu choa không được đâu. Tối nay người ta đi nghe đông lắm, anh phải viết sẵn bài để đọc, chứ anh nói lính quýnh lạc đề, họ sẽ bỏ về hết thì nguy lắm đa! Ở Saigon không phải như ở Huế hay Qui Nhơn đâu.
Bửu lập tức dắt Tuấn lên một phòng riêng trên gác, đưa cho Tuấn một xấp giấy và bút mực, bảo Tuấn phải viết lẹ, để Bửu nhờ người đánh máy cho rõ ràng.
Vừa ngay lúc đó, có một người đi xe hơi đến đưa Tuấn phong thư của ông Bút Trà, chủ nhiệm nhựt báo “ Saì thành “, hỏi xin Tuấn một bản sao bài diễn thuyết để thợ sắp trước, và lên khuôn cho kịp 10 giờ tối báo phát hành ở Saigon để có ngay bài diễn thuyết của Tuấn đọc lúc 9 giờ.
Tuấn rút được một bài học quí giá về nghề làm báo thông tin ở Saigon : sốt sắng, nhanh chóng, hoạt động lanh lợi, và biết khai thác kịp thời bất cứ một diễn biến nào mới xẩy ra để cống hiến những “ tin tức sốt dẻo “ cho đọc giả. Chứ không phải làm báo phong lưu, bệ vệ, trưởng giả, như các ông nhà báo ở Hà Nội. Tuấn chưa biết trả lời cách nào thì Trần Quốc Bửu nhanh miệng hứa ẩu với người nhà báo Sài thành :
- Còn đang đánh máy. Ðộ 5 giờ chiều ông trở lại.
- Dạ, 5 giờ có chắc không ông ?
- Chắc mà !
Người nhà báo của ông Bút Trà vừa ra khỏi cửa thì Bửu nắm tay đẩy Tuấn vào phòng riêng, vừa cười bảo :
- Anh thấy chưa ? Nhà báo cũng tưởng anh đã có sẵn bài diễn thuyết trong túi áo, nên chưa chi họ đã đến xin trước một bản sao. Tôi còn sợ vài nhà báo khác chốc nữa sẽ đến hỏi.
Quả nhiên 1 giờ chiều, báo Công Luận cũng đến hỏi bài diễn văn. Lần thứ nhất diễn thuyết ở Saigon, tại một hội quán rộng lớn, trước một số thính giả mà Trần Quốc Bửu đoán biết là “ sẽ đông nhất đối với các cuộc diễn thuyết ở SAMIPIC từ trước đến nay “, Tuấn bắt đầu lo ngại, và theo lời khuyên bảo sốt sắng của người bạn ở Saigon lâu năm, Tuấn đi viết bài …
Trong căn phòng đóng kín cửa, Tuấn viết gần 59 trang giấy cho kịp 5 giờ chiều trao cho hai tờ báo Công Luận và Sài Thành.
Tuấn nghèo, từ Hà Nội vào chỉ mang theo “ nhất bộ “ đồ Tây mà Tuấn có. Trần Quốc Bửu thấy áo quần Tây của Tuấn chật và cũ quá, đã vàng úa lại đứt hết nút, bảo Tuấn phải thay đồ khác.
- Tôi chỉ có một đồ tây này thôi, Tuấn bảo.
Bửu chạy đi mượn một bộ âu phục bằng tussor của một giáo sư bạn của anh, đem về bảo Tuấn mặc thử. Cái nơ của Tuấn đeo cũng phai màu, Bửu đi mượn về cho Tuấn một cravate mới :
- Tôi diễn thuyết ở Huế và Qui Nhơn. Theo tôi biết, thì hội SAMIPIC có gửi giấy mời rất nhiều nhà trí thức nam nữ ở Saigon đến dự thính cuộc diễn thuyết của anh. Anh phải ăn mặc đàng hoàng không chơi lối “ bohémien” như ở Hà Nội hay Huế được.
Tuấn cười :
- Ở Huế, họ mời quan cách cho. Mà tôi có nghe ai phê bình y phục của tôi đâu.
- Họ không phê bình trước mặt anh, nhưng làm sao tránh khỏi bị họ chỉ trích sau lưng ?
- Dù sao, họ biết mình là nhà văn nghèo, họ cũng tha thứ.
- Anh còn ngây thơ quá, Trần Quốc Bửu lắc đầu cười.
Trần Quốc Bửu nhất định bắt Tuấn phải mặc bộ đồ tussor mà anh đã đi mượn về, và đeo cravate xanh có chấm trắng. Giày của Tuấn mới há miệng sơ sơ, Bửu cũng lấy một đôi giày của anh bảo Tuấn mang “Ðôi giày kia để mang đi dạo phố chơi “.
9 giờ diễn thuyết, 9 giờ kém 20 Tuấn với Bửu cùng đi. Tuấn không muốn đến sớm quá, vì sợ ông hội trưởng sẽ giới thiệu mình với người này người nọ, điều mà Tuấn không thích, Tuấn bảo với Bửu.
- Anh đưa tôi đến SAMIPIC làm sao vừa đúng 9 giờ. Và tôi nói trước để anh biết, hễ diễn thuyết xong là tôi chuồn lập tức. Dù bị ai kéo níu, tôi cũng không ở lại thêm một phút nào. Tôi sẽ ra về sớm hơn bất cứ thính giả nào.
- Tại sao vậy ? Bửu ngạc nhiên hỏi.
- Tại vì tôi không muốn ai trông thấy mặt mũi diễn giả sau khi cuộc diễn thuyết chấm dứt. Chuồn ra khỏi cổng, là tôi nhẩy lên xe kéo chạy thẳng về nhà. Tôi sẽ chờ anh ở trường, nghen ! Tôi nói trước để anh đừng tìm kiếm tôi, mất công nhé.
- Nếu buổi diễn thuyết thành công, được thính gỉa vỗ tay nhiều lần, thì anh phải ở nán lại 5, 10 phút theo phép lịch sự để tiếp xúc với những người khen tặng anh và muốn làm quen với anh chứ.
- Vỗ tay hay không vỗ tay, khi tôi nói hết rồi là tôi trốn.
- Anh nói vậy, chứ ông hội trưởng sẽ giữ anh lại, để …
- Tôi sẽ trốn luôn ông hội trưởng.
Bửu lấy 1 tiền xu mua hai vé tại ga xe điện Cuniac (Xe điện : tramway. Loại xe chuyển động bằng hơi điện và chạy trên đường rầy. Chỉ Saigon và Hà Nôị có. Hà Nôị gọi là tàu điện. Phải mua vé trước tại ga.
Ga xe điện Cuniac, hiện nay là bến xe buýt trước Bồn Binh và chợ Bến thành) đến ga Pétrus-Ký. Hội quán SAMIPIC là một ngôi nhà đồ sộ ở xế ga Pétrus-Ký, đại lộ Galliéni, nay là Trần Hưng Ðạo. Hội sở SAMIPIC năm 1955 đã bị trưng dụng làm Tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sau là Tổng hành dinh quân lực Ðồng Minh.
Lên xe điện đông quá, Tuấn và Bửu phải chen lấn. Trần Quốc Bửu khẽ nói thầm bên tai Tuấn :
- Tôi để ý hầu hết đám đông người đều mua vé đi ga Pétrus-Ký. Chắc họ sẽ là thính giả của anh đó.
Xuống ga Pétrus-Ký, đi bộ chừng 50 thước đến trước cổng một biệt thự đồ sộ hai tầng, ngự tọa trên một nền cao, mặt tiền trông rất oai nghi. Trước là một sân rộng đưa lên cửa chính bằng hai con đường dốc, bên hữu và bên tả, chạy sau một lan can hình bán nguyệt.
Ðứng trước cổng nhìn lên tầng hai, Tuấn thấy đèn điện sáng trưng trong phòng (có lẽ là phòng diễn thuyết) và lô nhô người đứng đông nghẹt che kín hết các cửa sổ mở rộng. Mặt tiền tầng hai được kết hoa lá, thêm vẻ long trọng bất ngờ.
Trần Quốc Bửu nhe hai hàm răng cười :
- Ðông quá anh ơi ! Thất bại thì thôi …độn thổ đa !
Tuấn bây giờ mới cảm thấy hồi hộp, lo ngại thật sự. Hai người đi lên cửa, bước đủng đỉnh sau một đám đông đến dự thính, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, tất cả y phụ chỉnh tề. Mấy bà mấy cô thì nước hoa thơm ngát, nụ cười tươi nở trên các khuôn mặt phấn son lộng lẫy, nhan sắc diễm kiều.
Ông hội trưởng Nguyễn Khắc Nương đã đứng chờ ở cửa. Vừa trông thấy Tuấn, ông nắm tay kéo vào phòng khách kế cận. Với giọng nói miền Nam, chân thành cảm động, ông khẽ bảo :
- Tôi thấy 9 giờ rồi mà ông bạn chưa tới, tôi lo quá. Chời ơi, bửa nay thính giả sao mà đông nghẹt, không còn chỗ, họ phải đứng chật ních hết chung quanh. Có nhiều quan khách. Phía nữ lưu cũng thiệt là đông. Ông bạn gắng nói cho hay, chớ lần đầu tiên ở SAMIPIC chưa có diễn thuyết nào thính giả tới lung như vầy! Ông muốn tôi giới thiệu cách sao? Bữa Nguyễn Tiến Lãng diễn thuyết, ít nhau hè.
- Tùy ông hội trưởng, giới thiệu sao cũng được.
- Không được. Ông cho tôi biết qua loa tiểu sử của ông để tôi nhớ. Tôi biết ít lắm.
- Ông giới thiệu sao cũng được.
- Tôi nói như vầy được không?
Ông kể Tuấn là tác giả quyển truyện bằng Pháp văn …và các quyển văn thơ, trợ bút các tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ… và hiện là chủ bút tờ tuần báo Phụ Nữ văn chương xã hội, v.v…và v.v…
- Ðúng không ông?
- Dạ đúng.
- Thôi, mời ông dô, chớ để cử tọa chờ lâu quá… 9 giờ 15 phút, trể lắm rồi đó.
Tuấn bẽn lẽn, và khiêm tốn theo sau ông hội trưởng. Tuấn vừa bước vào phòng, đã nghe một tràng sấm vổ tay trong nữa phút đồng hồ. Tuấn khẽ cuối đầu chào đáp lễ.
Mặc dầu điềm tỉnh thế mấy chăng nữa, cũng khó mà giữ nổi hồi hộp lo ngại, trước một cử tọa vài ba ngàn người, người đứng chật ních cả một giảng đường rộng lớn. Với không khí long trọng, hoa lá trang trí mặt tiền, đèn sáng trưng trong phòng diễn thuyết, thêm vào những khuôn mặt bệ vệ của quan khách, nhất là phái nữ lưu tân tiến, ngôì san sát ở mấy dãy ghế danh dự phía trước, đối diện ngay Tuấn.
Diễn giả mới 24 tuổi, ở tận ngoài Hà Nội xa lắc xa lơ vừa tới Saigon lúc 7 giờ sáng coi bộ áy náy, bẽn lẽn, lần đầu tiên tiếp xúc với cả Saigon trí thức văn nghệ, thanh niên, công tư chức, nghiệp chủ. Trong số chắc chắn có những “ công tử Bạc Liêu “ mà tiếng tăm bay tận đến cả Trung kỳ và Bắc kỳ.
Hình như tên tuổi của Tuấn trên các sách và báo của Tuấn đã xuất bản, và đề tài diễn thuyết “ Phụ Nữ Hà Nội, Huế, Saigon“ đã lôi cuốn những đám đông người đến đây, vì theo lời Trần Quốc Bửu, và cả ông hội trưởng Nguyễn Khắc Nương, thì từ trước đến giờ ở Saigon chưa có cuộc diễn thuyết nào hấp dẫn được số thính giả đông đảo như thế.
Ông hội trưởng đã đứng tuổi, người nhỏ, thấp, phải cố nói thật lớn những lời giới thiệu :
- Ông Trần Tuấn là tác giả những quyển sách có giá trị như...
Ðến đây ông luống cuống thế nào bèn quay sang hỏi Tuấn, để cầu cứu :
- Những quyển gì? Tự nhiên tôi quên mất…
Tuấn mĩm cười đáp:
- Tôi cũng không nhớ.
Thính giả cười rồ lên dậy cả phòng. Ông hội trưởng nhanh trí, nói tiếp:
- … Ông là tác giả những quyển sách có giá trị mà quý ông, quý bà, quý cô ở đây đều biết, khỏi cần tôi giới thiệu ….
Tuấn phớt tỉnh, nhìn những nụ cười khoan hồng nở trên môi những người ngôì nghe ông hội trưởng khả ái của hội SAMIPIC.
Xong mấy câu giới thiệu khá dài, khá lâu, ông nhường lời cho diễn giả.
Lúc bấy giờ chưa có microphone (máy vi âm). Trên bàn diễn giả có một bình hoa (5 cành sen trắng nở thơm phức), một carafe bằng thủy tinh đựng đầy nước lã trong veo, và một cái ly lớn. Tuấn bắt đầu nói nhỏ quá, vì run sợ.
Một người đứng tít ở cửa sổ cuối phòng, lên tiếng :
- Xin nói lớn, ở xa không nghe được gì hết.
Bổng nhiên bựt lên một ánh sáng magnesium sáng rực của một nhiếp ảnh viên nhựt báo, chói ngay vào mắt diễn giả. Tuấn phải im lặng một phút để giữ vững tinh thần, rồi cố lấy giọng nói thật to cho vừa với thính giác của mọi người.
Micro mới xuất hiện ở Việt Nam trong các hội trường của chính phủ từ năm 1948.
Trước đó, thật đáng thương hại cho những kẻ phải nói trước một công chúng đông đảo và thương hại cả cho công chúng ấy. Diễn giả, hoặc thuyết trình viên, phải vận dụng hết gân cốt để nói thật lớn, thật to, thì mọi người mời nghe được, nhất là cử tọa quá đông và giảng đường quá rộng. Công chúng phải chịu khó lắng nghe và hết sức chăm chú mới nghe được trọn vẹn.
Thường xẩy ra trường hợp một thính giả sổ mũi, nổi cơn ho sù sụ, là toàn thể cử tọa bắt buộc nghe tiếng ho có khi dài hàng tràng, thường làm cho diễn giả bị cụt hứng luôn.
Tuấn đã được dự nhiều buổi diễn thuyết ở Hà Nội của các bậc trí thức An nam và Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm Trung Bắc Tân Văn, diễn thuyết về Truyện Kiều ở Hội Quán Hội Trí Tri, phố hàng Quạt. Giọng nói tự nhiên của nhà văn to con ấy đã ồ ồ rồi, Tuấn đứng với một đám đông ở ngoài sân hội quán cũng nghe rõ từng tiếng.
Trái lại, Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong, diễn thuyết tại giảng đường (amphitheatre) trường Cao đẳng Ðông dương, phố Bobillot, về “ Le paysan tonkinois à travers le parler populaire “. Giọng của ông nhỏ nhẹ, ra vẻ nhà triết học nho gia. Tuấn ngôì trong đám sinh viên Cao đẳng, hết sức lắng tai để nghe mà câu được câu mất, thật bực mình. Những đứa bạn của Tuấn ngồi cùng một dãy ghế cũng bị tình trạng chung ấy.
Giáo sư Bernard, thạc sĩ văn chương. Viện trưởng Cao đẳng Học đường, diễn thuyết về nhà văn Emile Zola. Ông la thét, gào, thiếu điều bể bức trần của giảng đường, sinh viên và quan khách nghe đã ! Cử tọa vỗ tay đôm đốp không biết bao nhiêu lần.
Trái lại, ông De Lagarde, giám đốc nhà Bưu điện Bắc kỳ, diễn thuyết về “ La Caodaisme “ tại cinéma Majestic, đại lộ Ðồng Khánh, Tuấn tìm chỗ ngồi gần các dãy ghế đầu để được nghe rõ, nhưng vẫn không nghe được gì hết, vì diễn giả nói nhỏ quá, không cố gắng đáp đúng thính giác của cử tọa.
Đây là đại khái những cuộc diễn thuyết thích thú mà Tuấn đã đi nghe ở Hà Nội lúc bấy giờ chưa có micro.
Lần này được dịp nói chuyện với công chúng trí thức ở Saigon tại hôị quán SAMIPIC, Tuấn rút kinh nghiệm của các tiền bối, và cố gắng lấy hết gân cốt để nói thật to.
Thế mà sau khi diễn thuyết, về nhà Trần Quốc Bửu còn chê là “ anh nói hơi nhỏ nhiều người không nghe rõ “. Thành thật mà nói, hôm ấy Tuấn đã bắt cuống họng làm việc quá sức, những gân cổ của Tuấn đã căng thẳng hết mức để cho câu chuyện “ Phụ nữ Hà Nôị, Huế, Saigon “được trôi chảy êm xuôi vào lổ tai của các ngươì đẹp xứ Ðồng Nai. "
Buổi nói chuyện được hoàn toàn mỹ mãn.Thính giả vỗ tay rất nhiều lần. Tuấn tủm tỉm cười thấy nét mặt của mọi người đều vui tươi khoan khoái. Tuấn kết luận :
- “ Thưa quý bà, quý cô, quý ông, trước khi từ giã quý vị, tôi xin gởi một lời cảm tạ chân thành đến mỗi người trong quý vị. Tôi xin thú thật, lúc khởi sự nói chuyện, tôi đã lo …
mất trang 316-317…
-Tôi đã nói trước với anh rằng nói xong là tôi trốn mà.
Bửu cho biết trong dãy ghế danh dự dành cho phụ nữ, có hai chị em Lê thị Ẫn, và đông đủ các bà Giáo, cô Giáo. Ngày hôm sau, dân chúng Saigon, Chợ lớn bàn tán không ngớt về bài diễn thuyết của Trần Tuấn phản đối cuộc đua xe máy phụ nữ do báo Ðiện Tín tổ chức. Ðể tránh cuộc bút chiến vô ích với các báo cộng sản và cuộc va chạm nặng nề cũng không ích gì với bọn nhập cảng xe máy ở Saigon, trong bài diễn thuyết Tuấn không đá động gì đến những động cơ chính trị và thương mãi đã thúc đẩy các báo của phe tư bản tổ chức cuộc đua vụ lợi kia, và các báo Ðệ Tam quốc tế hăng hái cổ võ cho cuộc đua. Tuấn chỉ nói đến những tai hại của một cuộc đua xe máy đối với sức khoẻ của phụ nữ. Nhất là Tuấn phản đối cuộc đi xe máy của cô gái 15 tuổi, Hồ thị L., thân hình ốm yếu, trên đường thuộc địa nguy hiểm từ Saigon ra Hà Nội dài 17000 cây số.
Thực ra chỉ có báo Ðiện Tín của ông Lê trung C. mà chủ bút là ông Bùi Thế Mỹ, là viết nhiều bài gay gắt đả kích Tuấn, đại khái bài “ chó sủa mặc chó, đoàn lạc đà cứ đi “ trong đó Tuấn bị chửi rủa rất nặng nề. Báo Ðiện Tín vẫn tiếp tục hô hào giới phụ nữ tham gia đông đảo cuộc thi đua do báo ấy tổ chức từ một tháng trước.
Ngoài ra, các báo khác như “ Sài thành “, Ðuốc Nhà Nam, Công Luận, Tân Tiến, kể cả các nhật báo Pháp, L’Opinion, La Dépêche, Le Populaire, v.v… đều giữ thái độ khách quan với đôi phần cảm tình xã giao đối với Tuấn, không hẳn binh vực chủ trương của Tuấn, nhưng không ủng hộ lập trường của báo Ðiện Tín.
Trái lại, các báo ấy thường đăng những mục và tranh khôi hài để chế riễu báo Ðiện Tín và ban tổ chức chung quanh cuộc thi đua xe máy phụ nữ. Một vài ý kiến của độc giả các báo thấy rõ mục đích vụ lợi của ban tổ chức, đã công khai tán thành lập trường của Tuấn.
Báo Ðiện Tín liên tục mỗi ngày công kích Tuấn, và để dành một phần lớn nơi trang nhất để cổ động cuộc thi đua xe máy với rất nhiều giải thưởng lớn. Cuộc đua sẽ khởi hành sáng chủ nhất tuần tới, tại trước nhà Thờ Ðức Bà. Tuấn không trả lời một bài nào, nhưng kết quả cuộc bút chiến đơn phương vô cùng ác liệt của báo Ðiện Tín, là đến ngày khởi hành đoàn thi đua xe máy phụ nữ, trên hai mươi cô hầu hết là nữ sinh đã bỏ cuộc trong số 63 cô đã ghi tên tham gia. Các bạn ở trường Victor Hugo, nơi trọ của Tuấn, có đi xem về thuật lại cho Tuấn nghe rằng công chúng đến coi khá đông, và đến phút chót, khi khởi hành lại có 6 cô bỏ cuộc do sự khuyên can của bạn bè.
Một hội Ái hữu các nhà báo Nam kỳ (AJAC - Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine), mà hội trưởng tên là Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Ðuốc nhà Nam có tổ chức một buổi tiệc thân mật để đãi Tuấn với tư cách là các báo Saigon đối với một đồng nghiệp Hà Nội vào thăm thủ đô Nam kỳ.
Giấy mời có nói rõ là sẽ dùng rượu khai vị (apéritif) tại hội quán AJAC nơi góc đường La Grandière (bây giờ là Gia Long), và Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Sau apéritif sẽ dùng cơm tại nhà hàng Mékong, đường Espagne (Lê thánh Tôn).
Nhà hàng này hiện giờ là một tiệm vàng. Tuấn vui mừng nhưng hơi bỡ ngở được gặp đông đủ các đồng nghiệp Saigon, và được ông hội trưởng giới thiệu từng người.
Trong số đó Tuấn có chú ý nhiều nhất đến các bạn Trần Văn Thạch (chủ bút báo La Lutte), cộng sản đệ tứ, Tạ Thu Thâu (cộng sản đệ tứ), Phan Văn Hùm (đệ tứ), Lê Trung Cang (Ðiện Tín), cô Anna Lê Trung Cang (con gái ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín), và Lê Văn Thử (La Lutte), Thúc Tề (Công Luận), Jean Baptiste Ðồng (Sài thành), v.v…
Báo cộng sản Ðệ Tam không dự buổi tiệc. Ðang chuyện trò vui vẻ thì ông Lê Trung Cang đưa vào một thiếu nữ độ 15 tuổi, người mảnh khảnh, yếu ớt, nước da ngăm ngăm đen như người Cao Miên và mặc áo sơ mi, quần short (kiểu quần tây cụt trên, đầu gối tóc frisés. Tất cả các nhà báo đều ngạc nhiên trong lúc ông Lê Trung Cang giới thiệu cô ấy với Tuấn :
- Ðây là cô em Hồ thị L.
Rồi ông cười to nói to hơn, có vẻ đắc chí :
- Cô sẽ là nữ anh hùng xe máy An nam …Tôi mong rằng nữ anh hùng Hồ thị L. sẽ được bạn đồng nghiệp Trần Tuấn đón tiếp niềm nở tại Hà Nội cũng như bữa nay tôi được hân hạnh tiếp bạn đồng nghiệp tại hội quán AJAC vậy đó.
Một nhà báo la lớn :
- Ê, xin đính chính đa! Bửa nay là hội AJAC của các nhà báo Nam kỳ đón tiếp bạn đồng nghiệp Trần Tuấn, chứ không phải riêng của cha nội đa !
Tuấn nhã nhặn bắt tay cô bé Hồ thị L. với một nụ cười xã giao, Trần Văn Thạch ngồi cạnh Tuấn, chỉ một ghế trống mời cô L. ngồi. Cô ngồi xong nói ngay với Tuấn, bằng một giọng ngây thơ :
- Mặc dầu ông công kích cái sự em đi xe máy ra Hà Nội, em cũng quyết định đi ra ngoài, để gây phong trào phụ nữ thể thao.
Tuấn nhã nhặn nghe và hỏi :
- Cô ốm yếu quá mà đi xe máy trên một đoạn đường dài trên 17000 cây số, trải qua bao nhiêu núi đèo hiểm trở, tôi phục lòng can đảm của cô.
- Em sẽ vượt qua hết, nhờ sự khuyến khích của papa Cang.
- Tui chúc cô thành công.
Apéritif kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Không khí rất thân mật vui vẻ giữa các bạn đồng nghiệp. Xong, kéo nhau qua nhà hàng Mékong.
Ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín có nhã ý biểu cô “ nữ anh hùng xe máy An nam “đi với Tuấn, và đến nhà hàng, cô cũng ngồi bên cạnh Tuấn để “ tenir-compagnie “ theo dụng ý gì riêng của ông Lê Trung Cang, Tuấn không hiểu được.
Thấy Tuấn không thích nói chuyện nhiều với L. (nói chuyện gì bây giờ với cô gái 15 tuổi mới học đến lớp ba bậc tiểu học ?), ông Trần Văn Thạch và các bạn đồng nghiệp ngồi cùng bàn trao đổi với Tuấn những câu chuyện hào hứng về chính trị và văn chương. Bỗng giữa buổi tiệc, ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín, ngôì nơi bàn kế cận, nói to lên :
- Tôi xin lổi bạn đồng nghiệp Trần Tuấn, chủ bút báo phụ nữ Hà Nội, tại làm sao mà bạn công kích phụ nữ đi xe máy như vậy ?
Tuấn đáp :
- Xin lỗi quý đồng nghiệp, tôi không công kích phụ nữ đi xe máy. Tôi chỉ phản đối cuộc thi đua xe máy của phụ nữ, và tôi cũng không tán thành việc phụ nữ đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội.
Ông Lê Trung Cang nói tiếp :
- Nước Ðại Pháp là bực thầy của dân An nam, mà thầy của chúng ta còn để cho các bà đầm, cô đầm đi xe máy, lẽ nào chúng ta đây lại không noi gương của bậc thầy hay sao chứ ? Ha, ha, ha !
Ông cười dòn tan. Nhưng Phan Văn Hùm ngồi đối diện với Tuấn, bảo :
- Anh Cang say rượu rồi đa!
- Tôi không say rượu …Không ! Tôi không say đâu !
Rồi ông Cang cứ một giọng lè nhè nói mãi. Ông Bùi Thế Mỹ chủ bút báo Ðiện Tín, và cô Anna Cang, thì lại ngồi ăn lặng lẽ, Tuấn cũng không nói gì.
Từ lúc apértitif ở hội quán AJAC đến suốt buổi tiệc ở nhà hàng Mékong, Tuấn để ý đến một bạn đồng nghiệp trẻ mà ông hội trưởng Nguyễn Văn Sâm giới thiệu là …Trí.
Anh này luôn luôn đi đôi với Thúc Tề, trợ bút báo Công Luận. Ðôi mắt anh lúc nào cũng có vẻ lờ đờ, mặt to, đầu lớn, lầm lầm lì lì, ít nói chuyện.
Xong buổi tiệc, ở nhà hàng Mékong ra, sau khi cảm ơn tất cả các bạn, Tuấn đi lang thang trên lề đường Espagne, bổng Thúc Tề từ phía sau tiến đến, vỗ vai Tuấn và giới thiệu người bạn bất ly thân của anh :
- Xin giới thiệu với anh đây là anh Hàn Mặc Tử, thi sĩ Qui Nhơn.
Tuấn vồn vã bắt tay :
- Rất hân hạnh được biết anh. Ở Hà Nội, tôi vẫn thích đọc thơ anh đăng trong nguyệt san “ Trong Khuê Phòng “ở Saigon.
Hàn Mặc Tử cười hiền lành :
- Tôi cũng theo dõi những hoạt động văn nghệ của anh trong các báo Hà Nội. Thơ của anh có giọng thành thật dễ cảm và dễ thương lắm.
Hàn mặc Tử chỉ một căn gác ở dãy nhà lầu lụp xụp bên lề đường Espagne :
- Gác trọ của chúng tôi đó. Mời anh lên chơi.
(Hiện giờ căn nhà này là một tiệm giày khá lớn, đối diện với vách tường sau của dinh Gia Long -1966)
- Vâng.
Thúc Tề và Hàn Mặc Tử đưa Tuấn vào căn nhà dưới tối lờ mờ, và rất sơ sài, nơi đây có vài người thợ đóng giày đang làm việc. Vào căn giữa, leo lên một cầu thang gỗ đã mục nát nhiều chỗ, chỉ vừa một người leo. Vào cửa là một căn gác chật hẹp, thấp, bài trí rất bừa bãi, với ba bốn ghế bố, và hai chiếc bàn, vài cái tủ, tất cả đều cũ kỹ, nghèo nàn, luộm thuộm lẫn lộn sách, báo, đờn nguyệt, đờn mandoline, áo quần, mền mùng, chén tách bình trà …Phía trước là hai cửa sổ thấp, ngó xuống một mái tôn chĩa nghiêng ra đường phố. Trong lúc Thúc Tề lăng xăng đi pha nước trà nhưng bình đã cạn, và xách bình chạy xuống nhà dưới. Hàn Mặc Tử lấy một bài thơ mới làm ra đọc cho Tuấn nghe. Giọng đọc thơ của Hàn Mặc Tử run run yếu ớt. Tuấn để ý thấy da mặt, hai tai, và bàn tay của “ thi sĩ Qui Nhơn “ hình như bị lát, xần xùi, mốc mốc.
Tuấn khen bài thơ hay thấm thía lắm, Hàn Mặc Tử vứt tờ giấy chép thơ lên trên bàn, lấy cái tách úp lên để khỏi bị bay ra gió, rồi khẽ hỏi Tuấn :
- Sao có những bài thơ anh không làm nốt ? Hình như anh mới làm có một đoạn …
Tuấn mỉm cười :
- Lúc đi chơi bỏ đó, thong thả sẽ làm tiếp đoạn sau.
Hàn mặc Tử cười chất phác :
- Anh thích đi chơi lắm hả ?
- Ờ, đi lang thang chỗ này chỗ nọ một mình, thú lắm. Chừng nào hết tiền và mỏi chân lại về nhà viết …viết …
- Bộ anh giàu lắm hả ?
- Nghèo chết cha, chứ giàu gì ! Chửng nào ngứa chân muốn đi, thì mấy cô bạn gái với mấy thằng bạn trai ở Hà Nội cho chút ít tiền đủ mua vé xe và ăn xài chút đỉnh dọc đường. Ði đâu cũng có bạn, lo gì. Cũng may là tụi bạn biết thương mình.
- Nếu tôi không có bịnh, tôi cũng thích đi lang thang đây đó như anh.
Thúc Tề xách lên, thay vì bình trà, một chai bia …Nhưng chỉ có mình Thúc Tề uống, vì Tuấn không uống được rượu, kể cả rượu bia. Tuấn bảo :
- Tuần rồi, ở Qui Nhơn, tôi có gặp Chế Lan Viên.
- Vậy hả. vui không ?
- Vui ghê ! 8 giờ 30, tôi phải có mặt ở Câu lạc bộ, đễ diễn thuyết, mà giờ đó tôi còn ngồi trên bãi biển với Chế Lan Viên. Tôi không có đồng hồ. Chế Lan Viên cũng không, thành ra …Với lại, anh nghĩ coi : đêm sáng trăng trên bãi biển, đẹp quá mà ở Hà Nôị đâu có cảnh đó !
- Rồi mấy giờ anh mới diễn thuyết ?
- Hai đứa đến câu lạc bộ thì mới biết là 9 giờ 15. Cũng may là trong ban tổ chức có mấy người bạn học cũ và giáo sư cũ của mình ở collège Qui Nhơn, nên họ không bắt lỗi. Thính giả cũng xí xoá, không oán trách gì. Chế Lan Viên, tôi tưởng người Chàm, con cháu Chế Bồng Nga, nhưng nó bảo với tôi là không phải.
- Nó lấy tên đó để người ta chú ý đến, chớ nó là dân Bình Ðịnh.
- Thơ nó hay chán, không đủ để người ta để ý đến hay sao, cần gì phải lấy tên Chàm? Tôi vẫn không tin mặc dầu hắn ta quả quyết là con Tiên cháu Rồng. Tôi đoán ít nhất nó cũng có lai máu Chàm trong huyết quản.
Tuấn từ giã Hàn Mặc Tử và Thúc Tề để về nhà sửa soạn đi dự buổi tập kịch của Claude Bourrin.
CHƯƠNG 55
1937
- Phong trào “áo Lemur“ ở Hà Nội đang thịnh hành từ Bắc chí Nam
- “Ðoàn Kịch Bắc Kỳ“ của Claude Bourrin, ở đường Pellerin
- Ðạo Cao Ðài Tây Ninh.
- Phong trào cầu cơ ở Saigon và Bàn Ma (Bàn ba chân) ở Hà Nội
- Phạm Công Tắc .
- Hai tín đồ Cao đài Pháp : Abadie, Delagardo.
1932- Hà Nội : Phong trào phụ nữ đi bộ được gọi là “phong trào tiểu thư đi bộ“.
1936 - Saigon: “phong trào phụ nữ đi xe máy“.
Cả hai đều bồng bột được một vài tháng, làm sôi nổi sư luận, rồi bỗng dưng nguội lạnh. Ngọn lửa rơm đã tắt, chỉ còn lại một đống tro tàn, tan biến trong cuộc sống gió bụi hằng ngày, không ai nhắc đến.
Chứng kiến cả bề mặt và bề trái của hai cuộc vận động ấy. Tuấn nghĩ rằng nếu một ngày nào đó nổi lên phong trào phụ nữ lái xe camion chở hàng hoá, hoặc phụ nữ lái xe ô tô buýt chở hành khách, hoặc phụ nữ lái máy bay đi từ Hà Nôị, Saigon qua Hong Kong, Tokyo, Manilla, New York, Paris, London v.v… thì chừng đó Tuấn mới hãnh diện cho phụ nữ thật gọi là tân tiến của Việt Nam.
Nhưng xét kỹ lại, Tuấn cho rằng “bệnh ấu trĩ cuả tân thời“ không thể nào tránh được đối với một xã hội vừa mới trong tình trạng cố cựu bước qua giai đoạn tân tiến, do sự tiếp xúc với những yếu tố của một văn minh hoàn toàn mới lạ.
Nhất là trong lúc một xã hội bị gọi là “chậm tiến“ (danh từ của thực dân thường dùng là “arrièré"), chưa chuẩn bị đầy đủ để đón nhận các hình thức mới của nếp sống của tư tưởng, của quan niệm về nhân sinh, tập tục, Lénine cũng đã gọi “la maladie enfantile du communisme“ (bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản), những hăng hái quá trớn, sai lầm, của cộng sản ở giai đoạn sơ khởi, chưa chuẩn bị đầy đủ, thiếu kinh nghiệm và ngoan cố.
Xã hội Việt Nam trong khoảng 20 năm giữa đệ nhứt và đệ nhị thế chiến (1919 - 1939) cũng ở trong tình trạng ấu trĩ của “bệnh tân thời“. Nó muốn vươn mình theo kịp tiến bộ Tây phương, nhưng không đủ phương tiện, yếu tố, cho nên chỉ chuyển động quanh quẫn trong khung khổ mong manh, của một xu hướng tân thời chưa có căn bản vững vàng, chưa có phương hướng nhất định .
Những phong trào “ tiểu thư đi bộ “, “ phụ nữ đua xe máy “, “ khiêu vũ “, “áo Lemur “, v.v… đều là những biểu dương của chứng bịnh ấu trĩ đó, mà phụ nữ "Annam “đã mắc phải trước nhất.
Các cô ả đào Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, và các cô vũ nữ ở Rex, Fantasia, là những cô gái đầu tiên mặc áo “Lemur“ đi phất phơ những buổi chiều lãng mạn trên bờ Hồ Hoàn Kiếm, đã gây ra phong trào ấy, và sau đó từ một số đông các cô nữ sinh Hà Nội cho đến các con sen, chị ở, ở các tỉnh đều đua nhau mặc áo “Lemur".
Áo Lemur được thịnh hành nhất ở Hà Nội, và các tỉnh Bắc kỳ vài ba tỉnh Trung kỳ. Ở Saigon và các tỉnh Nam kỳ các nhà may áo phụ nữ đã chế ra vài kiểu áo giản dị hơn, thích hợp với xứ nóng.
Biết mục đích cuộc Nam du của Tuấn là quan sát tình hình văn hóa, xã hội, chính trị của Saigon Lục tỉnh, một người bạn đưa Tuấn đến dự một buổi tập dượt của “đoàn kịch Bắc kỳ“ do một kịch gia Pháp chuyên môn tên là Claude Bourrin, sáng lập và điều khiển. Do sự giới thiệu trước của người bạn ấy, Claude Bourrin có gởi giấy mời Tuấn đến xem, lúc 6 giờ chiều chủ nhật, tại sân khấu của đoàn, ở đường Pellerin. Ðoàn kịch được biết nhiều hơn bằng danh hiệu Pháp ngữ, Groupe théâtral Tonkinois, gồm độ 10 nam nữ kịch sĩ, trẻ tuổi, toàn người Bắc kỳ nhưng có gia đình ở Saigon.
Tuấn rất cảm động được chủ nhân, Claude Bourrin đón tiếp niềm nở và cho biết buổi tập dượt đặc biệt hôm nay là cốt để cho Tuấn xem, và mong Tuấn cho biết cảm nghĩ sau khi xem xong.
Hôm ấy, đoàn diễn 4 hài kịch ngắn "Saynètes" bằng tiếng Việt: “Biển Lận“ - “Nữa“ - “Ông Cò“ - “Thợ Cúp Tóc“ - đúng hai tiếng đồng hồ, mỗi hài kịch dài 30 phút.
Tuấn công nhận rằng toàn thể kịch sĩ, cả nam lẫn nữ, đều có tài và đã thành công rất mỹ mãn, tuy họ không có nhiều thì giờ tập dượt, theo lời họ cho Tuấn biết.
Kịch do ông Claude Bourrin soạn bằng tiếng Pháp và được dịch và diễn bằng tiếng Việt . Cách bài trí trên sân khấu đơng giản lắm, nhưng sự sắp xếp bối cảnh của mỗi vở kịch rất mau lẹ và có nghệ thuật điêu luyện, không hề bừa bãi hay luộm thuộm . Cả bốn vở kịch đều có ý nghĩa hài hước rất sâu sắc, và các diễn viên đã biết làm nổi bật lên những đoạn khôi hài khiến thính giả không thể nhịn cười được rất nhiều lần trong suốt buổi trình diễn .
Tuấn bắt tay khen tặng nồng nhiệt ông Claude Bourrin và tất cả các kịch sĩ tài hoa, trẻ trung của ông . Lúc ra về, một nữ diễn viên, cô Tâm Hồng, tỏ ý muốn mời Tuấn đi ăn “ bánh đập “để thưởng thức một món ăn đặc biệt Saigon mà cô biết ở Hà Nội không có. Chỗ bán bánh đập ở một khoảng đất trống, bàn ghế kê la liệt ngoài trời, ở cuối đường Frères Louis (nay là Võ Tánh), giáp đường Cây Me (nay là Nguyễn Trãi) và gần đồn Ô Ma của nhà binh Pháp (nay là khu Uỷ Hội Quốc Tế) . Chung quanh là bờ bụi hoang vắng, đèn điện chỉ lưa thưa vài ngọn, rải rác có vài túp nhà lá thắp đèn dầu . Chỗ bán bánh đập trứ danh đó, vì theo lời cô Tâm Hồng, là chỗ bán bánh đập duy nhất ở Saigon, cũng là nơi hẹn hò của “ trai thanh gái lịch “ của “ Hòn Ngọc Viễn Ðông “ trong những đêm oi ả .
Lần đầu tiên, Tuấn ngơ ngác nghe cô Tâm Hồng gọi hai chai xá xị . Ở Hà Nội Tuấn chưa hề nghe thấy loại nước ngọt có cái tên kỳ dị đó.
Chín năm sau, năm 1945, Tuấn ở tù ra, đi xe lửa vô Saigon thăm lại kinh đô Nam kỳ, Tuấn trở lại quán bánh đập thì ngạc nhiên thấy khu đất hoang 9 năm trước, nay đã biến thành một cái gọi là chợ Thái bình . Quán bánh đập ngon lành đã biến đâu mất, Tuấn đi tìm khắp Saigon - Chợ Lớn, không còn thấy một quán bánh đập nào nữa cả . Tuấn ghé vào một tiệm Huê kiều trong chợ, gọi một chai …xá xị .
Sau này, Tuấn tìm hiểu, mới biết cái danh từ “xá xị “ rất “ Ba Tàu “đó lại chính là danh từ Pháp “ Salsepareille" do người Tàu Chợ Lớn phiên âm ra .
Tâm Hồng là một nữ nghệ sĩ có danh tiếng thời bấy giờ ở đất Saigon. Cô có căn bản văn hoá, nói tiếng Pháp thạo, viết văn Việt bóng bẩy, và hiểu rõ đời sống văn nghệ ở thủ đô . Cô cho Tuấn biết rõ rằng công chúng Nam kỳ, kể cả giới trí thức thượng lưu và trung lưu, chỉ mê coi cải lương, chứ không thích coi kịch “Ðoàn Kịch Bắc Kỳ “ của Claude Bourrin là đoàn kịch duy nhất ở Saigon, diễn kịch theo lối "Saynètes" của Pháp rất hay, nhưng không được công chúng thưởng thức mấy .
Mỗi lần trình diễn, đăng quảng cáo trong các báo liên tiếp mấy số mà khán giả mua vé đến xem không quá vài trăm người .
Các rạp cải lương, trái lại, đông nghẹt người ta, đàn ông, đàn bà, con nít, và những đào cải lương như cô Năm Phỉ, cô Phùng Há, kép Năm Châu, đều được nổi tiếng như cồn . Ngoài ra có một số thích xem hát bội, khán giả ciné, thì đa số là tây, đầm, và đám học sinh và thanh niên trí thức An nam .
Kịch là một môn văn nghệ do người Pháp nhập tịch vào, bị người An nam cho là “ lạt lẽo “, “ trơ trẽn “, “ vô duyên “, không hấp dẫn bằng cải lương, hát chèo Triều Châu, và hát bội Cầu Muối .
Riêng về chủ nhân đoàn kịch Bắc kỳ, điều khiển với tất cả một lòng tận tụy hăng say vì nghệ thuật . Claude Bourrin thì Tuấn đã nghe tên ông trong lúc đọc các nhật báo Pháp ở Saigon và Hà Nội . Ông là một kịch gia chuyên môn, đã nổi tiếng ở Paris, nơi ông đã có nhiều vở kịch được trình diễn trên sân khấu Opéra “ .
Suốt thời gian ông ở Saigon, làm một công chức sở Thương Chánh Pháp, ông vẫn có thì giờ để trình diễn các vở kịch của ông tại nhà Hát Tây ( nay là Quốc hội ) và rất được khán giả Pháp và ngoại quốc nhiệt liệt hoan nghênh . Ở Hà Nội, Hải Phòng, ông cũng được thành công rực rỡ .
Bị thất bại với “Ðoàn Kịch Bắc Kỳ “, mà theo lời cô Tâm Hồng, ông đã bỏ vào đấy biết bao là tiền bạc và thì giờ, ông đành phải giải tán, với lòng thất vọng chua chát thấy rằng người An nam chưa biết thưởng thức nghệ thuật của môn Kịch .
Anh chị em kịch sĩ xin phép ông cho họ giữ lại danh hiệu Ðoàn, và họ tự động đi diễn Kịch rộng rãi trong dân chúng. Nhưng rất tiếc họ vẫn không đạt được mục đích tốt đẹp ấy .
Tại Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Phòng, mặc dầu có sự ủng hộ triệt để của báo chí, và số khán giả có phần đông hơn ở Saigon gấp ba lần, nhưng họ vẫn không gặt được kết quả khả quan về tài chánh . Không đủ tiền sở hụi, và khán giả phần nhiều là trí thức có Tây học, chỉ đông đảo trong hai đêm đầu .
Trong thời gian đó và tiếp tục về sau, ban Kịch Vi Huyền Ðắc ở Hải Phòng, ban Kịch Tinh Hoa của Thế Lữ và Ðoàn Phú Tứ ở Hà Nội, cũng không “ sống “được lâu trong sự lãnh đạm của công chúng .
Dù sao, Tuấn cũng thấy rằng Claude Bourrin và đoàn Kịch Bắc kỳ của ông gồm toàn nghệ sĩ bổn xứ, và đóng vai trò tiên phong rất xứng đáng về môn thoại kịch trong Văn học sử Việt Nam cận đại .
Tuấn có quen với ông Abadie, làm lục sư (greffier), tại Toà Án Hà Nội, một người Pháp theo đạo Cao Ðài. Sự quen biết này có một nguyên do không ngờ.
Năm 1936, Tuấn có làm chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ tuần báo Pháp ngữ, chuyên về chính trị, xã hội và văn hoá. Trong hai số liên tiếp, Tuấn có viết một bài xã thuyết dài tám cột trang nhất, công kích chế độ thuộc địa của Pháp ở Ðông Dương, và kêu gọi dẹp bỏ triều đình Huế. Theo thể lệ báo chí Pháp hồi đó được “ tự do ngôn luận “.
Tờ báo không bị kiểm duyệt, không bị đóng cửa, mọi công đàn đều được tự do phát biểu ý kiến của mình. Nhưng Tuấn bị triều đình Huế và phủ Thống sứ Bắc kỳ truy tố ra toà án Pháp tại Hà Nội về tội “ xúc phạm đến an ninh quốc gia, và chủ quyền người Pháp ở Ðông dương (atteinte à la sécurité nationale, et à la souveraineté francaise en Indochine) chiếu theo đạo luật báo chí Pháp tháng Juillet 1889.
Tuấn không có tiền thuê luật sư. Ông Abadie phụ trách về hồ sơ của Tuấn, vả có cảm tình riêng với Tuấn, một chàng trai hăng hái vì tuổi trẻ nhưng không có hành động nguy hiểm nên có giới thiệu Tuấn đến luật sư Lambert, một người bạn của ông, ở trước cổng Hội Chợ, đường Gambetta, nhưng xem qua bài báo bị truy tố, luật sư bảo Tuấn :
- Tôi rất tiếc không thể bênh vực cho anh trước toà án, mặc dầu có sự gởi gấm tử tế của ông Abadie bởi vì …tốt hơn hết là tôi sửa soạn va li để lên đường về Marseille!
Ý của luật sư Lambert bảo rằng ông không thể bênh vực một tờ báo có tính cách chống Pháp và có khuynh hướng đòi đuổi Pháp ra khỏi Ðông dương. Bênh vực cho Tuấn thì tốt hơn là ông xách va li về Pháp cho rồi.
Tuấn đem câu chuyện của luật sư Lambert nói lại cho ông Abadie rõ. Ông này có ý muốn cứu Tuấn khỏi tù tội, khẽ bảo Tuấn :
- Tôi khuyên anh tốt hơn là đi vắng Hà Nội trong thời gian có phiên toà xử anh. Toà sẽ xử khiếm diện. Nhưng anh sẽ trở về kịp ngày để chống án sang Pháp. Tôi sẽ tìm cách tạo ra một Vice de forme, để toà án huỷ bỏ bản án của toà Hà Nội, và bắt xử lại. Từ đây đến đó anh sẽ có thì giờ vận động, vì thủ tục Toà Phá Án còn kéo dài lâu lắm.
Nghe lời ông Albadie. Tuấn chuẩn bị đi Saigon một tuần lễ trước ngày có phiên toà. Nhân tiện ông Albadie viết thư giới thiệu Tuấn với ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Quyền Giáo Tông Ðạo Cao Ðài ở Thánh thất Tây Ninh. Tuấn không hiểu do trường hợp nào một người Pháp chính thống như ông lục sự Albadie lại theo đạo Cao Ðài ? Tuấn không hỏi ông, vì lễ độ, nhưng Tuấn cứ thắc mắc về vấn đề đó.
Ðạo Cao Ðài có gì lạ? Có gì hấp dẫn đến đỗi một người trí thức Pháp phải bỏ đạo Thiên Chúa để theo đạo Cao Ðài?
Trước đó ít lâu, giới trí thức Hà Nội đã bàn tán rất nhiều về đạo Cao Ðài. Nhưng thực ra không ai hiểu rõ, chỉ biết qua loa là một Tôn giáo mới xuất hiện ở Nam kỳ, thờ cả Phật, Chúa, Lão Tử, Trạng Trình và Victor Hugo. Chưa ai biết tường tận về giáo lý Cao Ðài, và nhất là hai chữ Cao Ðài. Một số anh em đồng chí cách mạng rỉ tai cho Tuấn biết rằng đạo Cao Ðài, do hai chữ C. Ð. tức là Cường Ðể, chính là một đảng cách mạng bí mật của nhà chí sĩ Cường Ðể sáng lập ra trá hình dưới thể thức một Tôn giáo để đánh lừa sự dòm ngó của người Pháp và của Deuxième Bureau (Ðệ Nhị phòng của Mật vụ vậy).
Do sự tiết lộ ấy, Tuấn càng tò mò, muốn biết tất cả sự thật về đạo Cao Ðài.
Ðồng thời, phong trào “bàn ba chân“. từ Saigon lan truyền ra Hà Nội, đã làm sôi nổi dư luận các giới đồng bào Bắc Hà một thời gian khá lâu. Tuấn có tham gia nhiều cuộc “ gọi hồn ma “ về nói chuyện bằng những tiếng gõ trên “ bàn ba chân “.
Tại nhà Cung, một bạn học cùng lớp Anh ngữ với Tuấn, người anh cả của Cung, làm thông phán Phủ Thống Sứ, có thuê đóng một chiếc bàn tròn ba chân, toàn bằng gỗ, không có một cái đinh hay một miếng sắt nào dính vào. Thường mỗi buổi tối, anh ấy có tổ chức những cuộc “ gọi hồn ma “ về nói chuyện trên mặt bàn.
Trong tháng thí nghiệm đầu tiên, tối nào Tuấn cũng đến dự với một số ít bạn bè được chọn lọc, không quá 6 người cả nam lẫn nữ. Những giải trí này rất là hấp dẫn, khiến cho cử toạ luôn luôn hồi hộp băn khoăn, trước một hiện tượng huyền bí mà Khoa Học của Thế kỷ XX chưa khám phá ra được.
Bắt đầu người anh cả của Cung thắp nhang khấn vái vài ba câu bông lông, không căn cứ vào một bài thần chú hoặc một bài Kinh kệ nào cả, vì bọn thanh niên trí thức thời bấy giờ đều là “ tự do tư tưởng (libres penseurs). Cử toạ ngôì chung quanh chiếc bàn tròn không trải nắp và không để một vật gì trên bàn cả. Vì lúc bấy giờ phong trào người An nam nói tiếng Pháp đã thành một thói quen rất thịnh hành, nên thỉnh thoảng ông thông phán hỏi “ hồn ma “ bằng câu tiếng Tây :
- Esprit, es-tu là ? (Hồn ma có về đó không?)
Bỗng dưng có tiếng gõ trên mặt bàn! Ai nấy đều mỉm cười, một nụ cười thích thú nửa tin nửa ngờ, nhưng không phải là không hồi hộp, sợ hãi, vì mình có cảm giác lành lạnh xương sống rằng mình đang tiếp xúc với một Hồn Ma đích xác, không biết từ đâu hiện về, không thấy hình bóng, nhưng nghe rõ ràng tiếng gõ “ cóc …cóc “ trên bàn gỗ.
Tiếng gõ chứng nhận rằng “ Hồn Ma “đã hiện về. Cuộc đàm thoại bắt đầu, nhờ tự mẫu morse làm chuẩn ngữ (đã đề sẳn trước mặt mỗi người một tấm giấy ghi tự mẫu morse để theo dõi dể dàng câu chuyện) và một bản morse đặt ngay giữa bàn để riêng cho hồn Ma.
Thường thường hồn Ma trả lời rất đúng những câu hỏi của cử tọa. Thí dụ, một người hỏi, anh Trần Niên, người Nghệ An:
- Ông cụ thân sinh của tôi tên là gì?
Hồn Ma trả lời:
- Trần Văn Soạn.
- Ông cụ mất lúc mấy tuổi?
- 72
- Hiện giờ vong linh ông cụ tôi ở thế giới nào?
- Ðã đầu thai. Không biết rõ.
Tên và tuổi ông cụ thân sinh bạn Trần Niên, sinh và tử ở Nghệ An, toàn thể cử tọa không ai biết. Nhưng Hồn Ma biết rõ và nói không sai. Nhiều việc khác nữa. Hồn Ma nói đúng cả.
Có điều khiến Tuấn, cũng như tất cả cử tọa 6 người, vô cùng kinh ngạc là câu chuyện giữa Vũ Văn Thành, sinh viên Cao đẳng Y khoa, và một Vong Linh.
Thành : "tên tôi là Vũ văn Thành, 22 tuổi, sinh viên Cao đẳng Y khoa Hà Nôị, muốn tìm được nói chuyện với “ Vong hồn cô Lê thị Cẩm Thuý, chết ngày 17.10.1934, hưởng thọ 19 tuổi. "
Chờ một lúc lâu, độ 15 phút. Hồn ma hiện về :
- Em, vị hôn thê của anh đây.
Rất cảm động, Thành run run một lúc mới hỏi tiếp :
Thành: "Em còn nhớ anh ư?"
Hồn: "Không bao giờ quên."
Thành: "Tại sao đang yêu nhau mà em đột ngột vĩnh biệt anh như thế?"
Hồn: "Tại em vô phúc. Phải trả nợ một tiền kiếp nhiều tội lỗi. Anh biết, em bị bệnh đau tim, chết vì bệnh …"
Thành : "Hiện giờ em cư trú nơi nào ?"
Hồn : "Hư không …An lạc."
Thành : "Hư không …an lạc là ở đâu ?"
Hồn không trả lời và biến mất luôn.
Nguyễn Thái Học có hiện hồn về sau lời khấn nguyện của Cung, nhưng anh chỉ nói hai câu. Hồn : "Việt Nam ta không may …còn nhiều tai họạ …giết Tây …giết Tàu …giết nhau …" Rồi làm thinh luôn.
Một đêm Trung thu trăng sáng đẹp, ông thông phán đề nghị đem bàn ba chân đặt ngoài bao lơn trên gác sau, có cúng bánh trung thu, bánh dẻo và nước trà ướp sen. Quanh bao lơn, treo đèn lồng Nhật bổn, và đặt nhiều chậu hoa cúc, hoa huệ, phong lan.
Ðêm ấy ngoại lệ, cử toạ được mời dự gấp đôi, 12 người, toàn bạn trẻ trí thức. Bạn bè vẫn thích tính hào hoa phong nhã của ông Phán Phủ Thống Sứ, tình nhân của một nàng công chúa kiều diễm, cháu nội vua Thành Thái. Ông đã lái xe hơi suốt đêm vào Huế, bắt cóc cô đem về tổ uyên ương bí mật của ông ở phố Tientsin.
Ðêm ấy Công chúa khấn nguyện mời một ông Tiến sĩ về làm thơ. Khoảng 1 giờ khuya. Tiên ông hiện về tự xưng là Huyền Không Ðạo Nhân.
Tuấn có chép tám câu thơ lạ lùng của Tiên ông như sau đây :
Thiên thanh ai hỡi tâm là thanh
U khí bao vây bốn góc thành
Mây gió trùng trùng un khói lửa.
Máu xương lớp lớp dậy đao binh
Lên nguồn xuống bể dư niên lụy
Ngược bắc xuôi nam bán dạ hành
Thu ẩm lục bồi truy mã lộ
Sơn hà lưu lệ bất tàn canh!
Thấy bài thơ có bao hàm nhiều ý nghĩa ly kỳ mà lúc bấy giờ, Trung thu năm 1936, toàn thể cử tọa đều hoang mang, không hiểu rõ dụng ý quá huyền ảo, Tuấn hỏi:
- Xin ngài cho chúng tôi biết Huyền Không đạo nhân, tên họ thật là chi, hiện ở Cung Trời nào?
Hồn chỉ lập lại:
- Huyền Không Ðạo nhân
Cô giáo Loan hỏi:
- Bài thơ huyền bí quá, chúng con không hiểu nghĩa, xin Tiên ông giảng cho
- Bất.
Hồn tiên chỉ đáp vỏn vẹn một tiếng “ bất”, không thêm một lời, rồi thăng luôn.
Mãi gần hai chục năm sau, Tuấn mới hiểu đại khái ý nghĩa tám câu thơ của Huyền Không đạo nhân. Chắc bạn đọc cũng hiểu.
Phong trào “ hồn ma “được thịnh hành khắp Hà Nội, trong các giới trí thức, nhưng sau đó ít lâu, không hiểu vì nguyên nhân nào phủ Thống sứ Pháp ra nghị định cấm tiệt các cuộc giải trí “ hồn ma “. Nhiều người cho rằng lối cầu cơ “ giáng bút “ của đạo Cao Ðài cũng giống như Bàn Ma, và cùng một tính cách huyền bí cao siêu. Tuấn nóng lòng muốn vào tận “ Toà Thánh Tây Ninh “ nơi phát sinh của đạo Cao Ðài, để tìm hiểu sự thật và học hỏi thêm về Khoa Học Huyền Bí, mặc dầu Tuấn cứ thắc mắc : có phải thật là một Khoa Học hay không?
Một chàng trai mới có 27 tuổi,, hãy còn ngây thơ, mộc mạc, từ Hà Nội vào Saigon, lần đầu tiên lên miền rừng núi Tây Ninh, đến một nơi" huyền bí xa xăm" gọi là Thánh Thất Cao Ðài, nơi đây theo như chàng chỉ được nghe đồn là thờ" thần Một Mắt" và thường xuyên tiếp xúc với các vị Tiên, Thánh trên Trời, chàng trai ấy không thể không hồi hộp, băn khoăn …
Tuấn tự cho rằng cuộc" phiêu lưu" này mà chàng liều lĩnh đi một mình, là một đại sự trong đời chàng . Nhưng chàng rất hăng hái vì thích hợp với bẩm tính của chàng ưa đi chu du đây đó, lang bạt kỳ hồ …
Ngủ dậy thất sớm, chàng xách cạp–táp ra bến xe đò Lục tỉnh, ngay bên hông cửa Ðông chợ Bến Thành, mua vé đi Tây Ninh . Dọc đường dài gần 100 kí lô mét, Tuấn để ý không có gì khác biệt các phong cảnh miền Trung, chỉ thỉnh thoảng có một vài loại cây lạ, như cây thốt nốt, cây xoài riêng, và hai bên đường, là đồng lúa mênh mông, ít có núi, gò, như ở hai miền Trung, Bắc .
Ðến tỉnh lỵ Tây Ninh vào khoảng 9 giờ sáng, chàng điềm nhiên hỏi một anh xe ngựa, một loại xe ngựa đặc biệt ở miền Nam, gọi là xe thổ mộ, người Pháp gọi là xe hộp quẹt
(boîte d’allumettes ) hay là tắc-ca-tấc (tac-à-tac).
- Ði Thánh Thất Cao Ðài bao nhiêu, chú?
- 6 cắc.
Ðường đi không xa, chỉ khoảng 5, 6 cây số. Phong cảnh đã hơi khác . Ðã thấy một vài đỉnh núi xanh mờ xa xa … Chú đánh xe bảo :
- Núi Ðiện Bà đó ! Linh lắm !
Người dân Tây Ninh đầu tiên đã cho Tuấn nghe một vài chuyện thần linh ở đất huyền bí này rồi. Xe đổ ngay trước một cổng lớn và rộng, nhưng đóng lại, chỉ để lối đi bên hông. Phía trên có đề hai giòng chữ lớn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp:
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ
3è Aministie de Dieu en Orient
Tuấn nghĩ mãi không rõ ý nghĩa của hai chữ" tam kỳ" chắc chắn là không phải ba Kỳ : Nam, Trung, Bắc, vì có câu chữ Pháp chứa ở dưới : 3è Aministie, nhưng 3è Aministie là thế nào ? Nếu đừng có câu chữ Pháp thì Tuấn có thể đoán chừng ý nghĩa rằng : Cao Ðài là một đạo lớn phổ độ cho toàn thể nhân dân Nam Trung Bắc . Tuấn lại nhận thấy rằng câu chữ Pháp chứa ở dưới không phải là dịch đúng câu Việt ngữ ở trên vì nghĩa của nó là “Ân xá lần thứ ba của thượng đế ở Ðông phương" khác với câu tiếng Việt xa lắc xa lơ .
Chỉ có hai câu đề trên cổng cao lớn đó mà Tuấn cứ thắc mắc hoài, đứng tần ngần suy nghĩ mãi, chưa muốn vào trong . Ðã vậy, hai câu đối hai bên bằng chữ Nho lại càng khiến cho Tuấn hoang mang : không có ngụ ý gì là huyền bí ảo mộng thần tiên như Tuấn đã tưởng tượng . Trái lại, hai câu đối đề cập đến" dân quyền" và bao hàm tư tưởng ái quốc, tự do, dân chủ…Ðọc đi đọc lại câu đối chữ Nho.
Tuấn suy nghĩ : hay là dư luận của một số đồng chí cách mạng quốc gia ở Hà Nội bảo rằng Cao Ðài là một tổ chức chính trị có liên hệ đến Ðức Kỳ ngoại Hầu Cường Ðể…cũng đúng một phần nào chăng!
Với tất cả những thắc mắc ấy, Tuấn xách cạp táp đi cửa hông, bước chân vào khu vực của Tòa Thánh Cao Ðài .
Hai bên cổng Chánh môn của Thánh Thất, hai câu đối :
Cao thượng chí tôn đại đạo hoà bình dân chủ mục .
Ðài tiền sùng bái Nam Kỳ cộng hưởng tự do quyền .
Hai câu đối trên đã tiết lộ phần nào chí hướng chính trị của Cao Ðài giáo chăng?
Một văn phòng liên lạc ở ngay bên hông, Tuấn vào . Thấy một thiếu phụ mặc toàn đồ trắng theo một kiểu riêng biệt của tín đồ Cao Ðài, Tuấn trao bức thư giới thiệu của ông Abadie, gởi Ðức hộ Pháp Phạm Công Tắc . Ông Abadie biên ngoài bao thư bằng Pháp văn :
Sa Sainteté Phạm Công Tắc
Saint Siège Tây Ninh
Thấy thiếu phụ hơi do dự, Tuấn bảo :
- Thưa cô, ông Abadie, người gởi thư này, là tín đồ Cao Ðài giáo, và là người Pháp, làm chánh lục sự toà án Hà Nội . Nhơn tôi có dịp đi Saigon, muốn đến thăm Toà Thánh, ông viết thư giới thiệu tôi cho Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc . Vậy xin cô làm ơn chuyển thư lên ngài .
Bây giờ tín nữ Cao Ðài mới niềm nở hỏi han :
- Xin lỗi thầy là ai ? Quý danh là chi, để tôi trình lên Ðức Thầy .
- Dạ tôi là Trần Tuấn .
Tín nữ tỏ vẻ sửng sốt, nở một nụ cười :
- Ông là ông Trần Tuấn, chủ bút báo Phụ Nữ đó phải hôn ?
Tuấn lễ phép mỉm cười, nghiêng đầu :
- Dạ
Tín nữ Cao Ðài rất dịu dàng bảo :
- Dạ, xin mời ông Trần Tuấn đi với tôi tới Giáo tông đường, có đức Thầy ở đó .
Tuấn đi theo cô . Tò mò, Tuấn khẽ hỏi :
- Xin lỗi cô, Ðức Thầy là ai ?
Tín nữ duyên dáng đáp :
- Ðức Thầy là Ðức Hộ Pháp đó .
Tuấn thấy con đường rộng thênh thang bằng phẳng từ cổng Toà Thánh chạy thẳng băng vô tận, không biết tới đâu! Có tấm bảng cắm bên cạnh đường ghi : “Ðại lộ Hòa Bình"
Bên trái là một toà nhà đang xây cất, một kiểu đặc biệt, không giống các kiến trúc chùa, đền, thông thường . Tín nữ cho biết đó là Chánh điện thờ Ðức Cao Ðài, chưa xong . Bên phải, giữa một khu đất trống, cỏ mọc um tùm đã dựng lên một pho tượng có lẽ bằng plâtre ? Một con ngựa kim trắng toát, hai chưn trước đưa lên như sắp phi . Tượng này cũng làm dở dang hình như phải có một người trên lưng ngựa nhưng chưa làm xong .
Dọc hai bên đại lộ Hòa Bình có rải rác ba bốn ngôi nhà ngói, kiến trúc thông thường, trước cổng mỗi nhà đều có tấm bảng để chữ :" Hiệp Thiên Ðài, Nữ Phối Sư, v.v…” Tuấn chưa quen với những danh từ hoàn toàn mới lạ này nên không nhớ kỷ .
Ði chừng 100 thước thì tín nữ đưa Tuấn vào một ngôi nhà cách đại lộ chừng 20 mét, bề ngoài trông như một biệt thự thấp (không có lầu) nhưng rộng rãi, mát mẻ. Kiến trúc và bài trí không có gì đặc sắc. Ngôi nhà ngói trưởng giả khả ái, vuông vức, toạ lạc giữa một khu vườn nhỏ xinh xinh, trồng nhiều cây mãng cầu đã có trái, và năm bảy bụi bông trang, bông ngâu, bông bụt .
Bước lên thềm, tín nữ bỏ guốc, đi chưn không vào phòng khách, nơi đây đã có bốn năm ông mặc toàn áo dài trắng của Chức sắc Cao Ðài, đang chuyện trò. Tín nữ lễ phép tiến đến một ông ngồi giữa, cúi mình, hai tay cung kính trao bức thư và nói rất khẽ . Tuấn rảnh rang quan sát hình dung của ông đó, mà Tuấn đoán chừng là chính Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ðộ 40-46 tuổi, người nhỏ, nét mặt gân guốc, nhưng đôi mắt sáng. Tuấn đặc biệt để ý đôi mắt sáng quắc trên khuôn mặt gầy còm ấy. Ông mặc một bộ y phục trắng cũng cài một dọc nút ở giữa, như áo của mấy ông kia, chỉ khác một điểm là ông có một rèo lụa vàng quấn ngang bụng, thả hai tua dài xuống đến nửa ống chân.
Vừa xem xong bức thư, ông vội vàng đứng dậy, cười rất tươi (hơi móm) bước nhanh ra bắt tay Tuấn:
- C’est donc vous, monsieur Trần Tuấn?
Tuấn đáp với một nụ cười lễ phép :
- Lui–même, Excellence .
Ông cười ha hả, vỗ vai Tuấn tỏ tình sơ giao thân mật, nói sang bằng tiếng An nam !
- Ðược gặp ông bạn đây, hân hạnh lắm . Tôi có đọc tờ báo La Patrie Annnamite, Văn Học Tạp Chí, Phụ Nữ, và phục lối văn của ông lắm . Tôi cũng có theo dõi bài diễn thuyết của ông bữa tối thứ bảy ở hội qúan SAMIPIC. Tôi hoan nghênh lắm.
Nắm tay Tuấn, Ðức Hộ Pháp quay sang nói với mấy vị chức sắc:
- Ông Trần Tuấn, chủ bút báo Phụ nữ, bạn của đạo hữu Abadie ở Hà Nội, vào viếng thăm Thánh Thất đây.
Quay lại giới thiệu với Tuấn:
- …Ðây là chư vị chức sắc cao cấp trong Ðạo…
Rồi ông giới thiệu riêng cá nhân và chức tước của từng vị . Tuấn lễ phép bắt tay mỗi vị .
Ðức Hộ Pháp mời ngồi xong, Tuấn hỏi :
- Thưa Ðức Hộ Pháp, tôi có ý định nghiên cứu kỹ càng đạo Cao Ðài, mà ở Hà Nội, Huế, và đa số đồng bào Bắc kỳ và Trung kỳ chưa được hiểu rõ lắm .
Ðức Hộ Pháp vui vẻ cắt ngang Tuấn :
- Trong thơ của đạo hữu Abadie có nói . Ông bạn cứ ở trong Toà Thánh đây bao lâu cũng được . Ông bạn sẽ có nhiều dịp chứng kiến và tham dự các cuộc lễ, các buổi cầu Cơ giáng Bút, nghe các vị Thánh, Tiên hiện về làm thơ bí và truyền bá giáo lý. Tôi sẽ biểu thầy Hiển, bí thơ của tôi, đưa các tài liệu về bổn Ðạo để ông coi … của đạo hữu Gabriel Gordon ở bên Pháp nữa …
Ông chợt nói qua tiếng Pháp :
- Vous savez, notre religion a recu un accueil des plus sympathiques à l’ étranger, surtout en Prague. Nous avons même un noyau Caodaiste français à Paris!
Với một nụ cười hãnh diện rất chính đáng, vị giáo chủ Cao Ðài nối tiếp, (Tuấn thấy đôi mắt của ông sáng rực lên):
- Bữa trước, bà Henriette Chandet, nữ trợ bút nhựt báo L’ Intransigeant, đi theo ông Tổng Trưởng Thuộc Ðịa Paul Reynaud qua thăm Ðông Dương, chắc ông biết, có tới đây ở 3 ngày và có chứng kiến một cuộc cầu cơ giáng bút . Bà được nói chuyện với Victor Hugo, cho nên bà tin lắm .
Câu chuyện đầu tiên của ông Phạm Công Tắc đánh đúng vào thị hiếu của Tuấn. Thâm ý của Tuấn đến Toà Thánh Cao Ðài chính là chờ "cầu cơ giáng bút “ đó . Tuấn muốn chứng kiến một buổi cầu cơ chính thức, thật sự, có đảm bảo, có hàng triệu người tin tưởng .
Mấy lời khai mào của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, là một tia sáng huyền ảo chiếu vào suy tư của Tuấn, với bao nhiêu màu sắc nhiệm mầu .
Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc gọi anh bí thư :
- Hiển, em đưa ông bạn Trần Tuấn về ở căn nhà Missions Etrangères (Truyền Giáo Quốc Ngoại) và lo đầy đủ tiện nghi cho ông,nghe em.
- Dạ.
- Ông bạn sẽ dùng cơm với tôi. Hay là ông bạn muốn dùng cơm riêng một mình, tùy ý. Mais il prendra le petit déjeuner avec moi. (Nhưng ông ấy sẽ dùng điểm tâm buổi sáng với tôi)
- Dạ.
Quay lại tôi, ông bảo:
- Ở đây, ăn chay trường, ông bạn ạ . Ông dùng chay được hôn ?
- Dạ, được lắm . Tôi sẽ sống ở đây đúng theo kỷ luật nội bộ của Toà Thánh, như tất cả các tín đồ . Ðức Hộ Pháp tử tế quá …
Câu nói xã giao của Tuấn kết thúc vui vẻ buổi gặp gỡ đầu tiên với vị Giáo chủ của “Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ" .
Tuấn tạm biệt mọi người và theo anh Hiển đến ở căn nhà rộng rãi, rất mát, của văn phòng "Truyền Giáo Quốc Ngoại“, ngoài cổng có tấm bảng đề" Missions Etrangères"
Ngay tối hôn đó, vào khoảng 9 giờ, anh Hiển bí thư của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, đến biệt thất của" Missions Etrangères" cho Tuấn biết rằng Ðức Hộ Pháp mời Tuấn đến chánh diện dự kiến một buổi lễ long trọng . Hiển, một bạn trẻ rất dễ thương, và thật sốt sắng, lại bảo :
- Dạ, có sẵn xe ngựa đón ông trước ngõ .
Tuấn vui vẻ bảo :
- Anh gọi tôi bằng anh, nghen! Ðừng gọi bằng “ông". Tôì cùng lứa tuổi với anh mà!
Hiển cười:
- Dạ, … mời… anh ra đi.
Tuấn leo lên xe thổ mộ ngồi cạnh Hiển. Hiển tự cầm cương ngựa, có nhã ý cho Tuấn biết:
- Chiếc xe này Ðức Hộ Pháp để riêng cho… anh sử dụng để đi xem chỗ này chỗ nọ, trong Toà Thánh và các nơi quanh vùng. Tôi được biệt phái hướng dẫn…anh trong thời gian anh ở Toà Thánh.
Tuấn bảo:
- Ðức Hộ Pháp thật tử tế quá… À, anh Hiển nhơn tiện, anh có thể cho tôi biết trong buổi lễ đêm nay có "Cơ bút" không?
- Dạ không.
Tuấn không muốn để Hiển thấy nét mặt thất vọng của mình, chỉ hỏi tiếp:
- Lúc chiều, Ðức Hộ Pháp có cho tôi biết bà Henriette Chandet, đặc phái viên của nhựt báo L Intransigeant ở Paris đi với phái đoàn ông Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud qua Ðông dương, có đến viếng Toà Thánh và tham dự một cuộc cầu cơ, nghe nói có thi sĩ Victor Hugo hiện hồn về nói chuyện với bà ấy, có phải không anh ?
- Dạ, có bà Chandet do ông Nguyễn Phan Long ở Saigon đưa lên đây .
Tuấn ngạc nhiên :
- Ủa, Ông Nguyễn Phan Long, Chủ bút báo La Tribune Indochinois đó hả ?
- Dạ .
- Ổng cũng là tín đồ Ðạo Cao Ðài à ?
- Dạ …C’est un fervent Caodaiste.
Tuấn không ngờ Hiển cũng xen một câu tiếng Tây vào đó . Câu chuyện dở dang đến đây thì Hiển đã gò cương ngựa, ngừng xe thổ mộ trước một căn nhà đông nghẹt người ta, đèn thắp sáng trưng . Ðây là Thánh Thất tạm thời, vì Chính Ðiện chính thức, tức là chánh điện hiện nay ở Toà Thánh Tây Ninh lúc bấy giờ còn đang xây cất, chưa xong . Nhà thờ tạm này thật là dài, bài trí với nhiều màu sắc, rực rỡ một vẻ đẹp độc đáo, không giống như trong các Chùa hay các nhà thờ Thiên Chúa . Một căn nhà trống, rộng thênh thang không có ghế . Tất cả các tín đồ đều khoanh tay đứng yên, một bên nam, một bên nữ, độ vài trăm người, và số thiện nam tín nữ, thanh niên, nhi đồng, còn đứng ngoài không biết trăm ngàn nào mà kể . Chung quanh thánh thất đông nghẹt tín đồ tụ họp để chờ đại lễ .
Tuấn mắc cỡ quá, vì chỉ có mỗi một mình Tuấn đeo cà vạt với bộ đồ tây không hợp thời, lọt vào lẻ loi giữa đám đông người Cao Ðài mặc toàn áo dài trắng, đàn ông cũng như đàn bà . Các vị chức sắc thì mặc lễ phục đủ màu, áo dài xanh, đỏ, vàng, may theo một kiểu đặc biệt, có thắt lưng buộc ngoài và thả tua dài xuống bên hông . Mọi người đều chờ Ðức Hộ Pháp .
Ðáng lẽ, theo chỉ thị của ông Hộ Pháp, Hiển phải đưa Tuấn đến biệt thự của ộng để cùng đi với ông đến Thánh Thất một lượt . Nhưng Tuấn không thích thế, và đã yêu cầu Hiển cho Tuấn đến thẳng Thánh Thất để được tự do lẫn lộn trong đám đông tín đồ, để nghe ngóng chuyện trò và quan sát cho thỏa thích . Hiển đánh xe trở lại Giáo Tông Ðường để tin cho Ðức Hộ Pháp rõ .
Không đầy 15 phút sau, Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đến nơi . Toàn thể tín đồ đều cung kính khoanh tay cúi đầu né ra hai bên, trong lúc Ðức Hộ Pháp tiến vào Chánh Ðiện .
Tuấn để ý ông mặc lễ phục không giống như buổi sáng, lúc tiếp Tuấn. Bây giờ ông đội một chiếc mũ cánh sen na ná như mũ của một vị Hoà thượng, và y phục thì gần giống như pho tương Hộ Pháp ở Chùa, trông dữ tợn và không thích hợp với nét mặt hiền lành của ông. Tuấn ngơ ngác nhìn ông trong lễ phục kỳ dị ấy, với cảm tưởng mình đang lạc vào một thế giớ huyền bí mơ hồ, nửa thiệt nửa hư…
Tận trong tít cùng gian nhà thờ rộng mênh mông huyền ảo và ngự trên cao vót, Một Con Mắt mở lớn, vẽ giữa một khối hình cầu vĩ đại như một chiếc lồng đèn bự ít nhất cũng năm thước đường kính. Phải chăng Con Mắt Thần, tượng trưng đấng Cao Ðài, vị Thiêng Liêng Tối Cao bao trùm cả vũ trụ, dòm ngó cả vũ trụ và… ta bà thế giới?
Ngay dưới hình cầu (hình như rỗng ruột và đan bằng tre, phất bằng giấy trắng), có ba bàn thờ kê sát nhau nhưng cao thấp ba bực. Trên bàn cao nhất có để tượng Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ðức Khổng Tử Phu Tử, và Ðức Lão Tử, ông này cầm cậy phất trần nơi tay, có chòm râu bạc dễ thương vô cùng. Bàn thứ hai thấp hơn, có tượng Ðức Chúa Jésus Christ, và các tượng khác mà Tuấn không nhận ra, và cũng chưa dám hỏi ai. Bàn thứ ba, thấp hơn cả, là nơi đặt các đồ thờ: lư trầm bình nhang, bốn cây đèn nến đỏ, hai lọ cắm hoa sen và hoa huệ.
Trật tự sắp xếp hàng lối của các vị Chức-sắc nam nữ tuỳ theo sắc phục. Nghi thức hành lễ vô cùng huyền ảo đối với cặp mắt tò mò và không hết kinh ngạc của chàng trai phiêu lãng, lần đầu tiên rơi vào một Thiên Ðàng tuởng tượng như của Dante, nơi đây quy tụ đông đủ các Phật, Thánh, Tiên, các Chúa và các Bồ Tát Ðông phương, Tây phương, dưới con Mắt Ðộc Nhãn mở to của Thượng Ðế. Thất là một cảnh tượng vượt quá những gì Tuấn đã học hỏi từ trước đến nay qua các sử sách. Một thế giới hoàn toàn mới lạ, có lẽ mới lạ cả đối với những vị Thần Thánh trên kia. Các vị đã chết trong những thời buổi cách biệt taị những địa điểm khác xa, và bây giờ cùng nhau nhất loạt phục sinh lại trong một góc rừng âm u huyền bí của Việt Nam. Chìa khoá của Huyền Bí có lẽ là nơi con Mắt. Con Mắt của Ðại Lực, Ðại Bi, Ðại Trí của Tối Thượng, Tối Cường, Con Mắt Ðộc Nhãn trên Quả Cầu, xuất hiện ra giữa một đám mây, như con Mắt tuyệt đỉnh của Lương Tri vũ trụ.
Buổi lễ chấm dứt bằng một bài hát đồng thanh của một đoàn thiếu nhi mặc đồng phục, và nhịp theo tiếng gõ đều đều của hai miếng gỗ mà mỗi thiếu nhi cầm trong tay. Tuấn nghe qua nhớ được mấy câu đầu:
Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp
Lòng nương nhang khói tiếp truyền xa
Mười phương lư ngọc bay xa
Tính thành cầu nguyện tiên gia chứng lòng
Xin Thần Thánh rủi dong cởi hạc
Xuống phàm trần vội gác xe tiên
Ngày nay đệ tử chúng nguyền
Chín từng trời đất xin truyền chiếu tri.
Lễ cử hành lâu hơn một tiếng đồng hồ, rất nghiêm chỉnh có trật tự hoàn toàn trong không khí vô cùng oai nghi tôn kính.
Tuấn khẽ hỏi Hiển:
- Ðêm nào có Cầu cơ giáng bút?
- Tôi mới nghe nói có lẽ đêm nay, một chút nữa … Nhưng đây là cuộc cầu cơ riêng của một tang quyến được Ðức Hộ Pháp cho phép, chứ không phải cơ bút chính thức do Toà Thánh tổ chức.
- Cầu cơ riêng là sao?
- Một chị đó, cha chết mấy năm nay, muốn cầu cơ gọi hồn Cha về để hỏi thăm.
Hiển chỉ cho Tuấn thấy rõ dụng cụ cơ bút, mà Hiển gọi bằng tiếng Tây là Corbeille-à-bec. Khác hẳn cái “cơ” mà Tuấn đã thấy thông dụng ở Hà Nội, đây là một dụng cụ độc đáo do các vị tiền phong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (Cao Ðài) đã chế tạo từ lúc ban đầu. Nó giống như một ống giác hơi lớn (ventouse), úp xuống, đan bằng tre và bồi giấy kín mít chung quanh, rỗng ruột. Nơi miệng ống, có cột chặt một cây dài theo chiều ngang. Giữa cây, ngay nơi trung tâm của miệng ống có đóng theo chiều dọc một cái que ngắn và nhọn, giống như cái đanh 5 phân bằng gỗ hay bằng tre, mà người Cao Ðài gọi bằng tiếng Pháp là cái bec. Mỗi khi cầu cơ (trong Nam gọi là Cơ Bút), phải có hai người ngồi đồng, Cao Ðài gọi là Médiums (đồng tử), ngồi đối diện hai bên cây cơ, mỗi người nắm một đầu.
Người ta đặt giữa hai người ngồi đồng và ngay dưới cái cơ, một mâm rộng lớn, đựng một lớp cát trắng, thật nhuyễn. Mỗi khi Hồn Ma hiện về (ma đây là nói chung tất cả những kẻ khuất mặt, khuất mày, kể cả Tiên, Thánh, v.v…) nhập một lượt vào hai người ngôì đồng, thì tay họ bắt đầu chuyễn động cùng một lúc, và truyền từ thông lực (Fluide magnétique) của họ vào Cơ, chiếc cơ rung động và cái mỏ kim viết chữ trên mâm cát, theo chiều của hai bàn tay Médiums hướng dẫn.
Ðấy, tất cả hệ thống cơ bút huyền bí của Ðạo Cao Ðài. Theo lời Hiển nói với Tuấn thì cơ bút có thể viết chữ Việt, chữ Pháp, chữ Hán tuỳ theo trình độ ngữ học của Hồn Ma nhập về. Muốn chứng tỏ sự thật không lừa bịp, không gian dối của cơ bút, theo lời Hiển nói, người ta chọn Médiums trong số những người ít học, miễn biết viết là được. Những lời giáo huấn của đấng Cao Ðài truyền dạy cho các đệ tử, ý nghĩa thâm cao, hoặc những bài thơ bằng Quốc ngữ, Pháp ngữ, Hoa ngữ, do các Hồn Ma nhập về viết trên mâm cát, qua từ lực (fluide magnétique) của hai bàn tay mediums, đều không thể nào do chính hai người ít học này âm mưu đặt ra được.
Hiển có cho Tuấn xem một quyển tài liệu, đã in thành sách gồm nhiều bài thơ Quốc ngữ bằng thể song thất lục bát của Hương hồn bà Ðoàn thị Ðiểm, nhiều bài thơ Alexandrius của Vong linh Thi hào Pháp Victor Hugo tuyên truyền giáo lý Cao Ðài, và mấy bài thơ Ðường của Lý Thái Bạch cũng cùng một tác dụng phổ biến tinh thần của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Có điều Tuấn rất thắc mắc, là thơ Việt của Ðoàn thị Ðiểm, thơ Pháp của Victor Hugo, cũng như thơ Ðường của Lý Thái Bạch, được truyền bá bằng cơ bút ở Toà Thánh Cao Ðài, thật kém gía trị thua xa lắc xa lơ các Thi phẩm của ba bậc Thi Bá đó lúc họ còn lê la kiếp sống đầy nghiệp chướng trên trần gian ô trọc. Ðâu còn giọng thiệt não ruột của Chinh Phụ Ngâm, hùng dũng của La Légende des Siècles, đau đớn hận sầu của Villequier, và buồn man mác của Tống Biệt.
Tuấn có thành thật trình bày cảm tưởng ấy với ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, thì ông cười bảo :
- Dẫu sao, mon cher, người phàm trần như lũ mình đâu có làm nổi những bài thơ cơ bút như vậy.
Tuấn ao ước được chứng kiến gần gũi và tường tận một cuộc cầu cơ, hay là " giáng bút", " cơ bút" theo lối thông thường ở Thánh Thất Cao Ðài . Nhưng đêm đầu tiên không được tham dự, Tuấn không đưọc thỏa mãn vì tín đồ ngồi xem chung quanh đông quá, kín mít cả mấy vòng, Tuấn không muốn làm rộn nên đứng ngoài không nghe thấy gì được nhiều . Mấy người thuật lại rằng chị quả phụ cầu cơ gọi hồn chồng về, vong linh người chồng " giáng cơ bút" hỏi han chuyện gia đình và cho chị rõ anh được tiêu thăng về Tây phương cực lạc thế giới của Phật A Di Ðà .
Thế là bao nhiêu thắc mắc về bí ẩn cầu cơ, Tuấn mang từ Hà Nội vào vẫn chưa được giải quyết rành rẽ. Trái lái, câu chuyện giáng bút trên đây chỉ chồng chất thêm thắc mắc của Tuấn. Tuấn nhất định sẽ thừa một cơ hội thuận tiện để yêu cầu Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tổ chức một cuộc cầu cơ thân mật và hạn chế với sự tham dự của một số ít, độ 5, 7 người trí thức trong Toà Thánh mà thôi . Có như vậy, cuộc giáng cơ bút mới có giá trị chân chính, và được sự bảo đảm của Ðức Hộ Pháp và các chức sắc cap cấp đáng tin cậy của Toà Thánh.
Tìm hiểu đạo Cao Ðài, chính là tìm hiểu bí ẩn của Cầu Cơ, vì đạo Cao Ðài đã tự đặt ra cái chiêu bài bằng Pháp ngữ là "Bouddhisme rénové, spiritisme annamite, Religion nouvelle en Eurasie"
Nghĩa là:
“Phật giáo canh tân, thông linh học An nam, Tôn giáo mới ở Âu - Á".
Không ai chối cãi rằng Chiêu Hồn, hay là Cầu Cơ Giáng Bút, hay là Thông linh học, là yếu tố chính của đạo Cao Ðài . Vả lại, đạo Cao Ðài phát nguyên từ Cơ Bút, Ðức Cao Ðài do Cơ bút mà lập Ðạo.
Vì Cơ bút linh nghiệm, nên đạo Cao Ðài mới phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng đến đổi trong vòng 10 năm, từ 1927 là lúc Khai Ðạo cho đến 1937, lúc Tuấn viếng Toà Thánh Tây Ninh, toàn thể Nam kỳ đã có gần một triệu tín đồ, ở Trung, Bắc kỳ có gần 7000. Riêng ở Hà Nội có gần 4000. Ở Nam Vang, Cao Miên có 40.000 tín đồ, Miên và Hoa kiều.
Tuấn có hỏi đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về ý nghĩa chữ "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ " và " 3è Annistie de Dieu en Orient" được ông giảng giải như sau :
- Thượng Ðế giáng trần để phổ độ nhân loại kỳ thứ 1 do sự hiện thân của đức Phật Cồ Ðàm (Gautama), tức là Ðức Thích Ca Mâu Ni, kỳ thứ hai do sự giáng thế của đức Jésus Christ. Lần này là kỳ thứ ba (tam kỳ) do Ðấng Thầy Linh thiêng của chúng ta (notre Maitre Divin), tức là Ðức Cao Ðài. Cả ba kỳ đều xảy ra ở Ðông Dương. Nhưng đức Cao Ðài không hiện thân như hai kỳ trước, mà ngài lập Ðại Ðạo do sự truyền cầm của Cơ bút.
Tuấn hỏi đức Hộ Pháp:
- Kêu là Ðại Ðạo, bởi vì Ðạo Cao Ðài bao gồm cả tam giáo: Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, chia làm Ngũ chi đạo đạo (5 ngành).
1. Nhơn đạo: đạo Khổng Tử
2. Thần đạo: Quan Thánh Ðế Quân
3. Thánh đạo: Ðạo Thiên Chúa (Cơ Ðốc)
4. Tiên đạo: đạo Lão Tử
5. Phật đạo : đạo Thích Ca
Theo lời đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, thì hôm 13-1-1927 trước sự chứng kiến của một số nhà chức trách Pháp Tiên, ông Lý Thái Bạch, nhà thi hào đời Ðường, có tuân lịnh đấng Cao Ðài giáng bút về truyền nguyên tắc Ngũ chỉ Ðại Ðạo như trên .
- Thưa ý nghĩa của Con Mắt vẽ trên quả cầu là sao?
- Ðó là Thiên Lương. L Oeil Divin. Con Mắt tượng trưng lương tâm con người và lương năng vũ trụ. Quả cầu là tượng trưng vũ trụ.
Trong buổi lễ đầu tiên, Tuấn chú ý đến một vài chi tiết sau đây của nghi lễ Cao Ðài:
Tín đồ cũng đọc như bên Phật giáo:
“ Nam mô Phật. Nam mô Pháp. Nam mô Tăng".
rồi tiếp theo:
“ Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma-ha-tát
Nam mô Quan Thế Âm bồ tát ma-ha-tát
Nam mô Lý Thái Bạch tiên trưởng .
Nam mô Hiệp thiên Ðại đế Quan Thánh đế quân .
Nam mô chư Phật chư Tiên, chư Thánh, chư Thần!"
Hỏi về ý nghĩa ba mầu áo khác nhau của các vị chức sắc Cao Ðài, Ðức Hộ Pháp trả lời cho Tuấn:
- Màu vàng: tượng trưng cho Phật
- Màu đỏ: đạo Khổng
- Màu xanh: đạo Lão.
Những chức sắc thuộc về ngành đạo Phật đều có tên đệm chữ Thái, và mặc áo màu vàng tượng trưng Ðạo đức .
Những chức sắc thuộc về ngành đạo Khổng đều có tên đệm chữ Ngọc, và mặc áo màu đỏ, tượng trưng Uy quyền .
Những chức sắc thuộc về ngành đạo Lão, đều có tên đệm chữ Thường và mặc áo màu xanh da trời, tượng trưng Thanh cao, Hoà bình.
Trên các vị chức sắc có Ðức Hộ Pháp, là chủ tọa Hiệp thiên đài, đức Giáo tông, là chủ tọa Cửu trùng đài. Ðức Hộ Pháp có đeo một huy hiệu trên mão, gồm ba vật tượng trưng linh bát (Phật), bộ Kinh Xuân Thu (Khổng), Phất Trần (Lão).
Anh Hiển, thư ký Toà thánh, đưa Tuấn đến bàn thờ chỉ cho Tuấn những chi tiết sau đây:
- Theo Bạch Ngọc Kinh (Niết Bàn), Ngôi Cao Ðài ở hướng Bắc, mặt trời mọc bên trái, mặt trời lặn bên phải. Cho nên, trên bàn thờ, con Mắt (Thiên lương) luôn luôn ở hướng Bắc, bên trái là Dương, bên phải là Âm.
Giữa bàn thờ, đặt cả đèn con, thắp luôn ngày đêm gọi là Thái Cực Ðăng, tượng trưng Ánh Sáng của Thượng Ðế soi khắp vũ trụ . Ðến giờ niệm kinh thắp hai đèn cầy lớn, đèn bên trái tiêu biểu mặt trời (dương) phải thắp trước. Ðèn bên phải tiêu biểu mặt trăng (âm) thắp sau. Hai ngọn đèn cầy gọi là Lưỡng nghi quang. Mỗi lần cúng và niệm Kinh, phải đốt năm nén hương tiêu biểu: Giải hương, Ðinh hương, Huệ hương, Tri kiến hương, Giải thoát hương. Một tách nước lạnh, tiêu biểu dương thủy, phải đặt bên phải. Hai tách nước trà trộn vào nhau thành nước âm dương, để làm phép cho tín đồ, hoặc chữa bệnh cho những bệnh nhân cầu nguyện Ðấng Thiêng Liêng.
Bình bông (dương) đặt bên trái Linh Nhãn, Cổ quả (trái cây: âm, đặt bên phải). Bông cúng rồi để khô, nấu thành nước trị bệnh rất có linh nghiệm nếu bệnh nhân tin tưởng vào sức mầu nhiệm của Thượng Ðế .
Cũng theo lời anh Hiển, bài Thánh ca dâng lên Ðấng Cao Ðài, là do các vị cố tăng ở Hàn Sơn Tự trong thành Cô Tô Trung Quốc, cách đây 1200 năm về giáng cơ bút đọc cho .
Bên trái bàn thờ Ðức Cao Ðài, có đặt bàn thờ Ðức Quan Âm Bồ Tát, là bên dành riêng cho tín đồ nữ phái trong lúc làm lễ. Bên phải là bàn thờ Quan Thánh Ðế Quân, dành riêng cho tín đồ nam phái.
Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc có tặng cho Tuấn một tấm ảnh chụp đồ nghi lễ chánh thức giống hệt tượng Hộ Pháp thờ trong các chùa.
Nhưng ngày thường, Ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc mặc bộ đồ giản dị hơn nhiều, và tân tiến hơn.
Tuấn không được hoàn toàn thỏa mãn trong ước vọng được chứng kiến tận mắt một buổi Cơ bút chính thức tại Toà Thánh Cao Ðài . Nhưng Tuấn xác nhận một sự kiện thực tế là một phong trào tôn giáo mới phát động đã được hằng triệu người hưởng ứng, tất nhiên là phải có một vài đặc điểm nào đó kích thích lòng người, hoặc thích hợp với tâm tư, ý niệm của một khối quần chúng vĩ đại như thế.
Dù chúng ta có tin hay không tin, có chấp nhận hay hoài nghi lý thuyết của tín ngưởng mới ấy, sự xuất hiện và bành trướng ào ạt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ở Tây Ninh cũng là một biến cố quan trọng, có ý nghĩa trong Lịch sử dân tộc, bắt nguồn từ miền Nam . Song song với các cuộc tranh đấu hoặc công khai, bán công khai, hoặc ngấm ngầm của các đảng phái chính trị chống thực dân đế quốc Pháp, đạo Cao Ðài tuy được sơn phết dưới một lớp màu sắc tôn giáo, vẫn được các giới trí thức thượng lưu và trung lưu coi như che dấu một khuynh hướng cách mạng lẫn với huyền bí, có tính chất đặc biệt Á đông.
Tuấn cảm thấy vô cùng thích thú, một hôm sau bữa cơm chay chiều với ông Phạm Công Tắc, trong lúc dùng trái cây tráng miệng, Tuấn gợi chuyện quốc sự, được ông Hộ Pháp, lãnh tụ Cao Ðài tin cậy nói nhỏ cho Tuấn nghe :
- Từ ngày ông Phan Chu Trinh từ nước Pháp về diễn thuyết ở Saigon, và ông Phan Bội Châu ở Tàu về cư ngụ tại Huế, quốc dân An nam đặt nhiều tin tưởng nơi các bậc chí sĩ làm cách mạng ở hải ngoại . Hiện giờ, còn Ðức Kỳ ngoại hầu Cường Ðể, rể của vua Nhựt bổn, và chính là cháu ba đời dòng dõi vua Gia Long, đang ở Tokyo. Ngài là tất cả hy vọng phục quốc của quốc dân ta bây giờ.
Ðối với Tuấn, câu nói của ông Phạm Công Tắc chẳng phải là một tiết lộ đặc biệt gì cho lắm, nhưng là một xác nhận đầy ý nghĩa về một vài dư luận mà Tuấn đã nghe được của giới cách mạng Hà Nội . Sự xác nhận không ngờ ấy khiến Tuấn có rất nhiều cảm tình với đạo Cao Ðài trên bình diện cách mạng hơn là tôn giáo. Tuấn quan niệm rằng một vài chống đối xao động giữa các môn phái Cao Ðài Tây Ninh, Bến Tre, Cầu Kho, giữa các ông Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Tường, Nguyễn Phan Long, v.v…chỉ là những tranh chấp nội bộ không có ảnh hưởng đến hệ thống trung ương.
Về Hà Nội, với một mớ tài liệu đầy đủ và tranh ảnh sặc sỡ màu sắc của Toà Thánh Tây Ninh, Tuấn viết trong một tuần báo Pháp ngữ và Quốc ngữ một loạt bài đề là : "Le vrai visage du Caodaisme”, Tuấn trình bày cho công chúng nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ biết rõ tất cả những gì Tuấn đã mục kích và tìm hiểu về giáo lý và nghi lễ của tôn giáo mới. Nhiều đoạn bài này đã được trích đăng trong quyển “Histoire de Caodaisme“ của Gabriel Gordon, một nhà triết học Pháp theo đạo Cao Ðài và đại diện Cao Ðài giáo ở Âu châu. (Histoire de Caodaisme, Bouddhisme rénové, spiritisme annamite, religion nouvelle en Eurasie, par Gabriel Gordon, Juin 1948. Ed. Devry, 20 rue de la Trémoille. Paris).
Dĩ nhiên, Tuấn chỉ nói đến trạng thái tôn giáo mà thôi, không tiết lộ khuynh hướng chính trị. Trong quyển ấy, trang 126,127,128, Gabriel Gordon có kết luận về bài của Tuấn:
(Dịch):
“Hàng ngàn vạn tín đồ Cao Ðài đâu phải toàn là những kẻ mê tín dị đoan, một số rất đông những người theo đạo mới ở Nam kỳ, ở Pháp, là những nhà trí thức uyên bác, những giáo sư, luật sư, văn sĩ, ký giả, dân biểu quốc hội. Không phải là không có lý do chính đáng mà đạo Cao Ðài đã khiến cho cả thế giớ đã bàn tán xôn xao về đạo ấy, mà nhiều tạp chí nổi danh ở Paris, London, Lisbone, Varsovie, cả ở Roma và Buenes-Ayres, hai kinh đô của Thiên Chúa giáo ở Âu châu và Nam Mỹ, đã khởi sự nghiên cứu về tín điều và giáo lý Cao Ðài.
“Tiên giả thiên điều tra này đã được đặc ân lục lọi trong văn khố của Toà Thánh Tây Ninh, và đã được đọc những bức thư những tài liệu quý báu, những đơn xin quy y gửi đến đức Hộ Pháp do những nhân vật ngoại quốc ở nhiều thủ đô Âu châu và Mỹ châu. Cho đến cả nước Nhật Bổn, là một xứ rất hãnh diện về Võ sĩ đạo, cũng đã gửi đến Toà Thánh Tây Ninh một phái đoàn học giả để nghiên cứu và tìm hiểu xem Cao Ðài là đạo giáo mới lạ như thế nào mà đã làm xôn xao dư luận quốc tế…”
Tuấn về Hà Nội, vội vàng tìm đến ông Lục sự Abadie tại văn phòng của ông ở toà án, để biết Toà đã xử tội viết báo của Tuấn như thế nào .
Trông thấy Tuấn, ông Abadie vui cười, khẽ bảo:
- Toà xử vắng mặt anh  6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt . Bây giờ anh ký giấy chống án qua toà Phá án Paris.
Tuấn không hiểu gì cả, hỏi ông Lục sự:
- Tại sao vậy? Tôi có quyền chống án sang Paris sao ?
- Ðây là một phương pháp để kéo dài vụ này, chứ sớm muộn gì rồi anh cũng sẽ bị án. Nhưng tòa Phá án Paris sẽ bác bản án của toà Hà Nội vì khuyết điểm hình thức (vice de forme) . Còn lâu lắm toà Phá án Paris mới gửi trả hồ sơ về đây. Từ nay tới đó, anh còn rộng thời giờ bay nhảy…
Nói xong ông Abadie đưa ra sổ sách và giấy tờ gì đó, bảo Tuấn ký tên. Tin cậy hoàn toàn nơi ông Abadie, (chỉ vì cảm tình riêng của ông đối với Tuấn), không cần tìm hiểu thêm. Tuấn cầm bút ký đại, và cảm ơn ông Lục sư .
Tuấn trao cho ông bức thư của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc nhờ Tuấn chuyển lại . Ông tín đồ Cao Ðài Pháp vui mừng xem thư của ông “pape“ (đức Giáo Hoàng), danh từ này của người Pháp thời bấy giờ tặng cho vị lãnh tụ Cao Ðài giáo (Le Pape Caodaiste).
Rồi ông cho Tuấn biết tuần tới ông sẽ diễn thuyết về đạo Cao Ðài tại rạp chớp bóng Majestic, đại lộ Ðồng Khánh. Ông trao cho Tuấn một thiệp mời, 5 giờ chiều thứ Bảy.
Tuấn có đi dự buổi diễn thuyết. Majestic là một rạp chớp bóng mới mở, lớn nhất và sang nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ. Phòng thật rộng có thể chứa được một nghìn khán giả. Một số dự thính khá đông Tây và Ðầm ngồi chật hết các dãy ghế đầu . Chỉ có vài người “An nam “ nào đó, thuộc về hạng quan lại, ngồi với họ. Còn tất cả “An-nam-mít“ trí thức lẫn học sinh, sinh viên, đều ngồi các dãy ghế sau.
Lúc bấy giờ chưa có máy vi âm (microphone). Ông Abadie phải nói lớn, ông cố nói thật to nhưng vẫn khó nghe cho những người “An nam“ ngồi xa .
Bắt đầu ông Cao Ðài Abadie thuyết trình về lịch sử và giáo lý đạo Cao Ðài dài hết nửa tiếng đồng hồ. Xong ông giới thiệu với thính giả một người Pháp, bạn đồng đạo của ông, tên là De Lagarde Chủ sự nha Bưu Ðiện Vientiane, Lào, hôm ấy có mặt ở Hà Nôị. Ông Abadie, kể chuyện về ông De Lagarde, như sau đây:
"Ông De Lagarde trước kia không theo đạo nào hết. Ông là một người “tin tưởng tự do“ un libre penseur. Ông làm chủ sự sở Bưu Ðiện ở thủ đô xứ Lào đã mấy năm, và có vợ người Nam kỳ quê ở Cần Thơ. Một hôm chủ nhật, ông đi săn bắn trong rừng sâu, bị một bầy voi rừng đuổi, ông liệu bề không bắn được và không dám chống cự, bèn ù té chạy. Vì kinh hoảng, và sớn sác sao đó, ông bị vấp ngã vào một bụi gai cào chảy máu mặt mày. Do tai nạn bất thần đó, ông De Lagarde bị thương nặng nơi hai con mắt.
Về Vientiane, mấy vị bác sĩ chữa không khỏi. Ông bị đui luôn. Người vợ Nam kỳ của ông, đưa ông đi các nhà thương lớn ở Hà Nội và Saigon, được các bác sĩ danh tiếng săn sóc, nhưng bệnh không lành. Ông tốn hết biết bao nhiêu tiền bạc nhưng đành chịu tật mù. Ông lại phải nghĩ việc, chức vị của ông bị một người khác thay thế.
Bỗng dưng một hôm nghe lời mấy người bạn đàn bà khuyên bảo, bà vợ Nam kỳ của ông De Lagarde đưa ông đi Tây Ninh đến Toà Thánh Cao Ðài. Người ta đồn rằng nơi đây, nếu bệnh nhân thành tâm cầu cơ, sẽ có Tiên giáng bút về cho thuốc chữa bệnh gì cũng lành.
Trong lúc tuyệt vọng về y khoa tây phương, Ông Tây De Lagarde đành nghe theo lời người vợ An nam và thành tâm nguyện rằng nếu có vị Tiên hay vị Thánh nào giáng cơ bút chữa khỏi bệnh của ông, ông sẽ theo đạo Cao Ðài liền, và sẽ hy sinh suốt đời ông cho Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Buổi cầu cơ được tổ chức tại Toà Thánh Tây Ninh, một đêm rằm . Vợ chồng ông De Lagarde đều thành tâm cầu nguyện và chính ông cũng theo đúng các nghi lễ cúng dường các Phật Thánh Tiên của Cao Ðài giáo. Ông phải ăn chay, giữ gìn thân thể và tâm hồn trong sạch suốt ba ngày đêm trước buổi cầu cơ. Thể rồi trong không khí trang nghiêm tỉnh mịch của đêm khuya trước điện Huyền Linh, ông De Lagarde ngồi vào dàn cơ, không nói tên tuổi, nhưng giáng bút cho ông một bài thơ bằng tiếng Việt trong đó chỉ bảo ông lấy một ít tro nhang hoà vào ly nước lạnh đang cúng trên Ðiện Thờ mà xoa vào đôi mắt. Xoa như thế thường xuyên ba ngày đêm, sẽ thấy lại ánh sáng. Ông Tây De Lagarde làm đúng như lời Tiên dặn. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba . Sáng ngày thứ tư, bà vợ Nam kỳ xoa cho ông giọt nước mầu nhiệm cuối cùng còn ở đáy ly. Bỗng tự nhiên cặp mắt của ông Tây dần dần hé mở …lim dim như người mới ngủ dậy… rồi mở hẳn. Ông De Lagarde mừng quýnh, đang nằm trên giường, liền ngồi vùng dậy reo cười lớn lên:
- Tôi đã tìm lại được nhãn quan của tôi rồi! Tôi đã thấy lại được rồi!
Và thật thế, ông De Lagarde đã hết đui. Và ông đã trở thành một tín đồ Cao Ðài nhiệt thành nhất trong đám một triệu tín đồ của Tôn Giáo mới.
Ông Abadie nói xong đến đây rồi nói tiếp:
Thưa quý Bà, quý Ông, tôi xin mời ông De Lagarde lên đây để xác nhận câu chuyện tôi vừa kể.
Ông mỉm cười đưa bàn tay ngoắc một người trong đám cử tọa Pháp . Người này vui vẻ và hãnh diện, từ giã ghế ngồi tiên lên diễn đàn . Cả phòng đều im lặng, đăm đăm nhìn ông De Lagarde không cao lắm, mảnh khảnh, đôi mắt sáng, nhã nhặn chào khán giả với một nụ cười :
-Thưa quý Bà, quý Ông, tôi là De Lagarde, chủ sự của Bưu Ðiện Vientiane, tôi xin xác nhận câu chuyện của bạn tôi, ông Abadie, vừa nói là hoàn toàn đúng dự thật …
Cả phòng vỗ tay hoan hô ông . Ông nói tiếp :
- Vả lại trong đám cử tọa sang trọng này, có nhiều bạn thân của tôi, nhất là trong ngành Bưu Ðiện Ðông dương, đã biết tai nạn xẩy ra cho tôi trước đây 3 năm, và đã làm cho tôi phải nghỉ việt vì đôi mắt bị mù hoàn toàn. Bây giờ tôi được trở lại làm việc trong ngành Bưu Ðiện vì cặp mắt tôi hết mù nhờ ơn của vị Tiên Cao đài đã cứu chữa bằng một ít tro nhang hoa với nước thánh.
Tiếng vỗ tay lại nổi dậy vang cả phòng Majestic, và cuộc diễn thuyết chấm dứt. Tây Ðầm bu lại hỏi han ông De Lagarde, nhất là các mụ đầm có vẻ tin tưởng hơn ai hết thảy.
Sau đó, Tuấn thường gặp ông De Lagarde tại Thánh thất Cao đài Hà Nội, một căn nhà ngói ở một đường phố khu Chợ Hôm (gần Route de Hue). Ông Abadie cũng thường đến đây hành lễ. Chỉ hai ông đó là tín đồ Pháp của đạo Cao Ðài mới bành trướng ở thủ đô Bắc kỳ không lâu.
Về trường hợp De Lagarde, Tuấn cho rằng đó là một hiện tượng đặc biệt hy hữu . Cũng như chính Tuấn đã chứng kiến những cuộc Cầu cơ nghiêm trang trong đó có một vị Tiên Ông xưng danh là Hư Không, hay Huyền Mặc Ðạo Nhân giáng cơ bút làm những bài thơ Ðường luật rất hay và ý nghĩa thâm trầm thanh thoát. Những chuyện Tiên Thánh, Phật, thỉnh thoảng xuất hiện trong cơ, bút báo trước một biến cố thời sự quan trọng, hoặc cho thuốc chữa bệnh, đều không phải là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng trí óc phàm tục của chúng ta không thể nào giảng dạy được.
CHƯƠNG 56
1938
- Lưu Trọng Lư và Võ Nguyên Giáp
- Vợ Võ Nguyên Giáp.
- Ðặng Thái Mai và đứa con gái 9 tuổi.
Cùng lứa tuổi trẻ hăng say hoạt động về văn nghệ và cách mạng, Tuấn tiếp tục thường xuyên hằng ngày với hầu hết các nhân vật của hai giới trên, các bạn đồng nghiệp, đồng chí ở Hà Nội. Xao động nhất là từ thời mặt trận bình dân Pháp (1936 - 1938).
Trong một chương trước tôi đã nói khá nhiều về khoảng từ tháng 2 – 1936, Mặt trận Bình dân (Front Populaire) lên nắm chính quyền ở Paris và những ảnh hưởng trực tiếp ở An nam, đến tháng 7 – 1937. Võ Nguyên Giáp, sinh viên Cao Ðẳng Luật Khoa, Hà Nội, vừa thi đỗ chứng chỉ 2, cấp bằng cử nhân Luật, tháng 6 năm 1937.
Nhưng năm sau 1938, anh lại thi rớt bằng Luật Pháp hành chánh . Số đông sinh viên Luật Hà Nội thi đậu chứng chỉ Cử Nhân Luật liền học một năm về "Droit administrative
(Hành Chánh Luật ), thi đậu cấp bằng này được bổ ra làm Tri Huyện, theo Hành chánh Nam triều, hoặc "commis" làm tại Phủ Toàn Quyền hoặc các Toà Thống Sứ, Khâm Sứ, Thống Ðốc, nếu phục vụ cho chính quyền thuộc địa.
Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ có ước vọng làm commis, nhưng thi rớt nên bỏ học luôn, và tiếp tục làm giáo sư Sử Ðịa trường Trung Học Thăng Long . Ðây là một Trung học tư thục lớn ở một đường hẻm cạnh nhà thờ Tin Lành, và cách gác trọ của Võ Nguyên Giáp ở đường Henri d’ Orleans độ vài trăm bước .
Tuấn thường đến nơi gác trọ này, nói chuyện với Giáp và vợ Giáp, một cựu nữ sinh trường Ðồng Khánh, Huế, người mập, không đẹp, đôi mắt to . Giáp có một tủ sách gồm phần nhiều các sách cộng sản bằng Pháp văn, và cho Tuấn mượn lần lượt hết quyển này đến quyển khác : "De l’impérialisms " của Boukharine. "Manifeste de Parti communiste francaise" của Thorez. "Maladie infantile de communisme" của Lénine, v.v…
Từ đây,Tuấn bắt đầu làm quen với chủ nghĩa cộng sản đệ tam quốc tế, và được dịp học hỏi rất nhiều về chủ trương của cộng sản . Tuấn đọc gần hết tủ sách của Giáp, độ 100 quyển, và các báo và tạp chí cộng sản từ Paris gởi sang : " L Humanité Cocur, Vaillant, Regards, Clarté, v.v…
Một hôm, Tuấn đem trả Giáp cuốn sách cuối cùng trong thư viện của anh. Vợ anh mời Tuấn ở lại ăn cơm trưa. Ðến lúc ăn chuối tráng miệng, Giáp hỏi Tuấn :
- Anh là người bạn đầu tiên đã chịu khó đọc hết các sách trong tủ sách của tôi, nói về chủ nghĩa cộng sản. Chắc nay anh đã hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản …
- Vâng, và lần đầu tiên tính ham học hỏi của tôi được hoàn toàn thỏa mãn . Tôi đã tìm được nơi nhà anh chị đầy đủ sách cộng sản để nghiên cứu thật kỹ về chủ nghĩa ấy . Cám ơn anh chị nhiều lắm .
Giáp mỉm cười hỏi :
- Anh nghĩ sao về chủ nghĩa cộng sản theo như anh đã nghiên cứu, anh có thể cho tụi tui biết được không?
- Ðược chứ .Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản không thích hợp với dân tộc Việt Nam.
Trước kia chưa đọc các sách báo ấy, tôi còn nhiều thắc mắc, nhưng vẫn có chút ít tình cảm với học thuyết Mác Lê, vì anh chị cũng biết là tôi thuộc về thành phần vô sản. Nhưng từ khi đã đọc và nghiên cứu kỹ các sách về cộng sản chủ nghĩa thì tôi thất vọng hoàn toàn. Tôi có ý thức rõ rệt rằng chủ nghĩa cộng sản, nếu áp dụng ở Việt Nam, chắc chắn sẽ làm sụp đỗ hết các nền tảng luân lý gia đình, xã hội, quốc gia của dân tộc VN, cho đến cá nhân của con người cũng sẽ không còn nữa.
Giáp tủm tỉm cười, không nói gì, nhưng chị Giáp hỏi:
- Anh có nhận thấy xã hội tư bản đầy rẫy bất công không đã?
- Thấy rõ lắm chứ, chị. Nhưng muốn san bằng những bất công đó, và tạo ra một xã hội tự do, công bằng, nhân đạo, một thế giới đại đồng, phải một cuộc cách mạng khác cơ, chứ không thể là cuộc cách mạng vô sản được. Cuộc cách mạng vô sản, theo chủ trương của Mác Lê, chỉ đập đổ một bất công để tạo ra một bất công khác, đập đổ một đế quốc để tạo ra một đế quốc khác. Và sau cùng, là phá bỏ xiềng xích nô lệ này để cột vào xiềng xích nô lệ khác. Như thế đâu phải là cách mạng?
Võ Nguyên Giáp bảo:
- Chính cái révolution prolétarienne (cách mạng vô sản) tạo ra một giai cấp bình đẳng cho tất cả mọi từng lớp, một thế giới đại đồng cho tất cả nhân loại, trong đó, như anh đã đọc trong quyển Le Capital của Karl Marx và La Dictateur du Prolétariat của Lénine, chế độ đế quốc tư bản bị đập đổ bỡi những mâu thuẩn nội bộ của nó, và cách mạng thợ thuyền sẽ thắng lợi.
Tuấn hỏi lại:
- Lénine không căn cứ vào sự kiện thực tế của con người để xác định rằng chế độ tư bản sẽ tự nó xụp đổ vì những mâu thuẩn nội bộ của nó, và cách mạng vô sản sẽ thắng lợi. Giả sử cách mạng vô sản sẽ thắng lợi thì xã hội của con người sẽ ra sao? Huống chi, suốt thời Lénine nắm quyền, cuộc cách mạng Lénine làm nổ bùng lên ở Nga, vẫn đi từ thất bại này đến thất bại khác, đâu có thắng lợi?
Chứng cớ là Lénine đã phải áp dụng tân chính sách kinh tế N.E.P, sau trận đói 1921, trận nội chiến do nông dân dấy lên và cuộc nổi loạn của hải quân Kronchtadt, tháng 3 năm 1921. Lénine chán nản, đã bỏ hoạt động cách mạng từ năm 1922, đến năm 1924 Lénine chết mà không loé lên một tia hy vọng thắng lợi nào của chủ nghĩa cộng sản . Ðến khi Staline lên cầm quyền, phải dùng đến khủng bố, tù đày, đàn áp giết chóc hàng triệu người mới duy trì được chế độ gọi là "vô sản ". Như vậy thì cuộc cách mạng "bôn sơ vích "đã thực hiện ở Nga đến nay đã gần một phần tư thế kỷ rồi, vẫn chưa thắng lợi . Nó chỉ được kéo dài nhờ chính sách sắt máu của Staline mà thôi, và chính nó đã bị chia rẽ trầm trọng bằng sự thành lập Ðệ Tứ Quốc Tế của Trotsky.
Võ Nguyên Giáp, hai tai đỏ bừng, nhưng nét mặt bình tỉnh, ngắt lời Tuấn :
- Trong quyển L’ État et la Révolution, Lénine đã nói rõ rằng chính phủ vô sản cần phải giết hết giai cấp tư sản để đi đến thắng lợi, nhưng đó chỉ là một chính sách giai đoạn, vì Lénine chủ trương thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa Mác-Lê là thế giới cộng sản sẽ không còn giai cấp, cũng không còn quốc gia (ni classe, ni état). Còn Trotsky, thì anh xem các sách cũng đã biết rõ, hắn chỉ là một kẻ phản bội un rénégat, một loại Kautsky, Kerinsky.
Vợ Giáp cười:
- Anh Tuấn, anh là thi sĩ, anh chỉ có thể là một thi sĩ thôi.
Võ Nguyên Giáp cũng cười:
- Anh chàng mơ mộng bất trị! Nếu tôi nắm chính quyền, tôi sẽ bắn anh chết, rồi sẽ dựng cho anh một cái tượng như người Hy Lạp thời Thượng cổ .
Tuấn cười :
- Rất tiếc, tôi không được là một đệ tử của Homère (Homère, thi sĩ Hy Lạp, thế kỷ IX trước J.C), nhưng tôi cũng không phải là đệ tử của Platon (Platon, một triết gia Hy Lạp 428 - 342 trước J.C. Trong quyển La République, Platon có một chủ trương biện chứng pháp tư tưởng) .
Chị Giáp thường ở nhà, ít đi đâu với chồng. Võ Nguyên Giáp thường đi chung với Ðặng Thái Mai, cặp này là đôi bạn thân, vừa là đôi bạn đồng chí, đã kết nghĩa "huynh đệ", coi như hai anh em ruột. Ðặng Thái Mai, giáo sư, cũng dạy trường Thăng Long, có một đứa con gái lúc bấy giờ 8 tuổi, chỉ ham đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, loại tiểu thuyết 32 trang, không có bìa bán 3 xu, dịch các truyện kiếm hiệp Tàu, đại khái như "Bạch Y thần nữ", "Người Nhạn Trắng ". "Nga Mi hiệp sĩ ", v.v… Mỗi tuần ra một xấp kế tiếp cho đến khi trọn bộ .
Dân chúng thường gọi là "tiểu thuyết ba xu" với ngụ ý chê là loại tiểu thuyết rẻ tiền, không có giá trị văn chương, và giới trí thức không đọc .
Một buổi chiều, Tuấn đang đi lang thang phố Hàng Cót, gặp Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai từ trên đi xuống. Mai nắm tay đứa con gái 8 tuổi. Bắt tay xong, Giáp hỏi:
- Chàng mơ mộng đi đâu đây?
Tuấn cười:
- Ðến thằng bạn ở Hàng Than, mượn vài đồng bạc.
Giáp nhoẻn một nụ cười chế nhạo, khá dể thương:
- Thi sĩ mà cũng cần đến tiền bạc à?
- Nếu không mượn được tiền, tối nay phải nhịn đói .
Giáp và Mai cười xòa, Mai bảo:
- Ðói thì đói, mặc kệ, đừng thèm đi mượn tiền. Tụi tôi cũng đang đói đây, nay mới 28 tây, mà túi đã hết sạch tiền rồi, đi chơi cho hết đói .
Võ Nguyên Giáp nắm tay Tuấn:
- Ði chơi với tụi tôi, hết đói.
Tuấn đưa tay lên gãi sau ót vài cái, rồi cũng đi chơi với hai chàng kia, quên luôn vụ đi mượn tiền. Ðến trước hiệu sách Thu Tâm gần trường Nữ tiểu học Brieux, hiệu trưởng trường này là bà Trịnh Thục Oanh, nổi tiếng Hà thành là một "nữ lưu tân tiến" nhất, tình nhân của viên Thống Sứ Yves Châtel, và lại là vợ của một luật sư họ Bùi. Bà này đã sang Paris sửa lại lổ mũi cao cho giống mũi Ðầm, tốn hết 2000 đồng, theo thời giá năm 1937. Nhưng ở Pháp về, mũi của bà chỉ cao thêm một vài millimètres, chứ không thể nào giống mũi của nữ thần Vénus được.
Tuấn và cặp "anh em" Giáp, Mai đang bàn về chuyện bà Trịnh Thục Oanh thì đứa con gái của Ðặng thái Mai đòi cha cho nó vào tiệm sách Thu Tâm mua mấy xấp "tiểu thuyết ba xu", Mai bảo nó:
- Ðầu tháng hãy mua, com. Hôm nay cậu hết tiền rồi.
- Cậu vào mua chịu cho con.
- Họ có bán chịu không?
- Có.
Ðặng Thái Mai dắt con gái vào nói cô chủ tiệm bán cho nó mấy xấp "Bạch y thần nữ" v.v… tiếp theo. Tuấn hơi ngạc nhiên, hỏi Ðặng Thái Mai:
- Cháu còn nhỏ quá, mà anh cho cháu đọc loại chuyện kiếm hiệp à?
Mai gãi đầu, với một nụ cười triết lý :
- Cứ cho nó đọc, để sau này lớn lên nó sẽ làm một "thiếu lâm hiệp nữ "chứ sao!
Võ Nguyên Giáp nói thêm vào:
- Triệu Ẩu cũng là một tay kiếm hiệp đại tài thuở xưa.
Dĩ nhiên, con gái của Ðặng Thái Mai gọi vợ chồng Võ Nguyên Giáp bằng "bác", bác trai bác gái, và được chị Giáp cho kẹo bánh hoài mỗi lần cháu bé được cha dắt đến nhà bác Giáp.
Sau khi Ðại Chiến Âu châu bùng nổ, chị Giáp bị chính phủ thuộc địa ở Hà Nội bắt giam vào "nhà pha hỏa lò", bị đánh đập dã man, rồi chết trong ngục, năm 1944. Năm 1946, Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh quân đội Việt Minh, lúc bấy giờ 35 tuổi, lấy con gái Ðặng Thái Mai làm vợ. Nó mới 16 tuổi. Người bạn kết nghĩa của Giáp trở thành cha vợ của Giáp.
Tuấn nhớ lại một buổi chiều chủ nhật từ làng Bưởi đi tàu điện về Hà Nội, qua khỏi các lò giấy bản độ một khoảng thì Tuấn trông thấy Lưu Trọng Lư, Võ Nguyên Giáp, vợ Võ Nguyên Giáp, (người vợ trước), Ðặng Thái Mai và đứa con gái 8 tuổi của anh này, cùng đi trên đường nhựa hướng về Hà Nội. Ba người bạn đàn ông đi trước, chị Giáp đi sau, thân mật nắm tay con gái anh Mai, như hai mẹ con.
Tàu điện vừa ngừng gần cổng Trường Bảo Hộ (Lycée du Protectorat) thì đám này cũng vừa đến gần đấy, Lưu Trọng Lư đưa tay ngoắc Tuấn, gọi Tuấn xuống. Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai cũng nở một nụ cười đồng ý muốn Tuấn xuống nhập bọn với đám này để đi bộ một quãng đường cho vui. Vả lại, từ đây về Hà Nội cũng không bao xa gì. Ðã bắt đầu đến đường Quan Thánh (route de Grand Bouddha) và bên trái đã thấy ló dạng mặt nước Hồ Tây gợn sóng, và gió chiều phảng phất hương sen .
Trong đám 6 người này, 3 người là cộng sản chính cống, Giáp và Mai là hai lãnh tụ, vợ Giáp là một cán bộ cao cấp. Tuấn thì triệt để trung thành với lý tưởng thuần tuý quốc gia, chống phát xít và không đảng phái. Lư thì đã có khuynh hướng thân Nhật, tin tưởng nơi Cường Ðể và Nhật hoàng sẽ giải phóng cho xứ sở "An nam ", còn con bé 8 tuổi của anh Mai thì chỉ mê kiếm hiệp và thích võ thiếu lâm …Tuy nhóm này mang nặng trong đầu óc những sắc thái chính trị khác nhau, cách biệt nhau nhiều, nhưng cuộc đi bộ chiều chủ nhật vẫn vui vẻ, êm đẹp và có chiều thân mật nhau nữa.
Tự nhiên, Lưu Trọng Lư quay lại hỏi "cô bé kiếm hiệp" (các bạn của Ðặng Thái Mai vẫn gọi đùa con gái của anh như thế):
- Sau này mi dùng võ Thiếu Lâm để đánh Tây, đánh Nhật hay đánh Nga? Mi trả lời hay thì tao thưởng cho mi một đồng bạc.
Con bé đáp liền:
- Con đánh cả Tây, cả Nhật, cả Nga.
Tất cả đều cười rồ lên. Chị Giáp cười nhiều hơn hết, Tuấn bảo:
- Con nhỏ trả lời câu đó được lắm à! Mi đồng chí với tao rồi đấy.
Nhưng Lưu Trọng Lư gạn hỏi nó:
- Sao mi đánh Nhật?
Nó cười, không trả lời.
Võ Nguyên Giáp hỏi nó:
- Con đánh Nga nữa, hả con?
Con bé cũng cười. Nghĩ ngợi một phút, nó trả lời:
- Hễ nước nào đánh nước An nam, con sẽ đánh nước đó.
Tuấn khoái, reo lên:
- Bravo, cô bé kiếm hiệp!
Vợ Võ Nguyên Giáp nói đỡ một câu trả lời Tuấn:
- Nó sẽ là một nữ chiến sĩ cộng sản, anh sẽ bravo nó nhiều hơn.
Lưu Trọng Lư ngắt lời:
- Cộng sản chi con này.
Ðặng Thái Mai bảo:
Anh đừng tưởng. Nó sùng bái Staline lắm đây. Bác Võ Nguyên Giáp của cháu nói cháu sẽ là Rosa Luxemburg thứ hai (Rosa Luxemburg, nữ chiến sĩ cộng sản Ðức, rất nổi danh trong cuộc cách mạng tháng 10. Chết tại Berlin năm 1919).
Tuấn cười:
- Rosa Luxemburg sao lại đòi đánh Nga?
Con bé ngây thơ hỏi cha:
- Cậu ơi cậu, Rosa Luxemburg có giỏi võ thiếu lâm không cậu?
Võ Nguyên Giáp trả lời:
- Một chiến sĩ cộng sản không cần phải giỏi võ thiếu lâm, cháu ạ.
Lưu Trọng Lư cho rằng nhét vào đầu óc đứa bé 8 tuổi những danh từ bao quát khó khăn như thế chẳng ích gì . Anh chàng chỉ muốn nói chuyện bông đùa cho vui:
- Mi đòi đánh cả Nhật hoàng Hiro-Hito, thì mi láo thật.
Con bé cười :
- Bác hứa bác thưởng cho con một đồng bạc cơ mà ?
- Nhưng mi trả lời như rứa, tao không thưởng một cắc, một xu .
- Bác không thưởng thì thôi .
- Mi dám hứa với tao là mi đừng đánh Nhật Hoàng, thì tao thưởng .
Con bé cười, suy nghĩ một chốc rồi trả lời Lưu Trọng Lư :
- Thế thì bác có dám hứa với con là Nhật bổn không đánh nước An nam không?
Lư cười ngặt nghẽo rồi bảo:
- Cái cô bé kiếm hiệp này rõ thật là rắc rối, à…rắc rối nhỉ …
Nó trả đũa liền:
- Tại bác rắc rối đấy chứ.
Tuấn rất chịu những câu trả lời đanh thép của con bé.
Chàng đưa tay xoa đầu nó, và ngó Võ Nguyên Giáp, chàng bảo:
- Con nhỏ này sau có thể là Trưng Trắc, Triệu Ẩu, chứ không thể là Rosa Luxemburg đâu, anh ơi!
Giáp chỉ mỉm cười, Giáp có một lối cười trầm ngâm, bí mật, cũng dễ thương…
Lưu Trọng Lư ơi, còn nhớ buổi chiều chủ nhật ấy không?
CHƯƠNG 57
1937-38-39
- Tình hình chính trị tổng quát
- Các đảng phái cách mạng hoạt động trong bóng tối.
- Ðặng Xuân Khu nhảy vô Hội Truyền Bá Quốc Ngữ của ông Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Ðào Duy Anh.
- Phật giáo.
Tình hình chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế của Việt Nam từ 1937 đến 1939, hình như ứ đọng lại. Sau cuộc sụp đổ của chính phủ Léon Blum (đảng S.F.I.O), Mặt trận Bình dân Pháp hoàn toàn tan vỡ. Các nhà cai trị cao cấp Ðông dương, do Mặt trận Bình dân Pháp đặt để, cũng dần dần trở cờ một cách nhẹ nhàng, êm thấm, không có gì xáo trộn lắm.
Nhưng người ta có cảm tưởng là ở trời Âu không khí ngột ngạt như sắp sửa có một trận giông tố trầm trọng sắp nổ bùng . Ở Việt Nam vẫn nhìn thấy thỉnh thoảng những làn chớp ngoằn ngoèo xẹt ra nơi chân trời mờ mịt mây đen…
Tình hình châu Âu bắt đầu căng thẳng vì chính sách quyết liệt của Hitler, tân quốc trưởng Ðức, lãnh tụ đảng Quốc xã (Nazi). Dồn dập ba biến cố lớn làm rung động thế giới: Mặt trận Bình dân Pháp sụp đổ, quân đội Hitler chiếm đóng hạ Rhénanie, bất chấp hoà ước Versailles và mặt trận Antikomintern ra đời (chống cộng sản đệ tam thế giới và Staline), do Hitler chủ xướng, Mussoloni phụ hoạ (độc tài phát xít Ý) và Nhật bổn hùa theo.
Trái lại, tình hình chính trị ở Việt Nam dần dần lắng dịu trong không khí ngột ngạt. Ðảng cộng sản Ðông dương rút vào trong bóng tối, hoạt động bí mật, hoàn toàn trở lại vị trí của một hội kín, bị mật thám Pháp dòm ngó hăm dọa.
Ở Hà Nội, nhóm Ðệ Tứ rất thiểu số của Huỳnh Văn Phương không còn tỏ dấu hiệu sinh tồn nữa. Phương biến đi đâu mất. Nhiều anh em cho rằng Trương Tửu là Ðệ Tứ, nhóm báo “Tiến Bộ“ của Nguyễn Uyễn Diễm cũng là Ðệ Tứ. Nhưng Tuấn biết rõ các nhóm lẽ tẻ này, chỉ có cảm tình với Ðệ Tứ ghét Ðệ Tam, nhưng có tư tưởng xã hội lờ mờ, chưa dứt khoát. Cho nên họ sống riêng rẻ, không liên kết với nhau. Trương Tửu cho bọn
“Tiến Bộ“ của Uyễn Diễm là “hủ nho“ vì bọn này học chủ nghĩa cộng sản qua các sách Tàu và hiểu biết thô sơ, tạp nhạp về lý thuyết mà thôi . Bùi Ngọc Ái thì quốc gia “ Ultr “ rất ghét Ðệ Tam.
Trương Tửu ở trong thời kỳ ham mê nghiên cứu, thích làm nhà  học giả“ hơn là nhà cách mạng chính trị. Anh ta đọc Karl Marx, Lénine cũng hào hứng như đọc Nietzsche, Freud, Bergson và Nguyễn Du .
Các đảng chính trị khác như Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở Hà Nội, Việt Nam Phục Quốc hội ở Saigon, Tân Việt đảng ở Huế, không rục rịch từ lâu. Tất cả đều âm thầm ngay thời Mặt trận Bình dân. Ðảng viên hầu hết là trí thức tiêủ tư sản, đa số ở trong giới giáo học, trợ giáo, công chức văn nghệ, như Ðào Duy Anh (Huế), Lan Khai (Hà Nội), Nguyễn Văn Sâm (Saigon) v.v… Tinh thần cách mạng của quảng đại quần chúng hãy còn rụt rè, yếu ớt.
Ảnh hưởng thực dân Pháp còn sâu đậm trong dân chúng.
Học sinh Nam Trung Bắc cũng như sinh viên Cao đẳng Hà Nội tiếp tục chăm lo học hành, không tham gia chính trị nữa. Thời kỳ bãi khóa để kêu gọi ân xá cụ Phan Bôị Châu đã qua lâu rồi “Ông Già Bến Ngự“ nằm trong chiếc thuyền nan lơ lửng trên sông Hương, khóc mây, khóc gió. Nghèo hết người giúp đỡ, cụ với tên đầy tớ tên là Lãng, chèo ghe đi Cửa Thuận An, mỗi tháng mấy lần buôn gạo về bán ở ngay cái chòi lá nơi góc vườn nhà cụ, bên hông chùa Từ Ðàm.
Tuấn từ Hà Nội đi Saigon có ghé Huế vào đây thăm cụ. Hàng xóm đến mua gạo của cụ, kẻ một lon người hai lon, toàn là dân nghèo. Cụ kiếm lời mỗi lon một, hai xu.
Thỉnh thoảng cụ có làm một vài bài thơ khí khái, viết một vài câu chuyện đạo đức, như “Dây và Dao“ đăng trong báo Tiếng Dân. Cụ Huỳnh Thúc Kháng tặng cụ chút tiền nhuận bút đủ cho cụ hút thuốc lào.
Một cuộc ẩu đả xuýt xẩy ra tại tòa soạn báo Tương Lai của Nguyễn Trọng Luật, phố Hàng Da, một buổi chiêù thứ Bảy. Nhà văn Lan Khai đi với Tuấn đến chơi tại toà báo này, gặp một người bạn của Chất, là Kính, đang ngồi hút thuốt lào với Nguyễn Triệu Luật. Kính cũng là cộng sản và thường đi đôi với Chất. Câu chuyện chính trị quốc tế một lúc chuyển về chính trị Việt Nam. Thừa dịp, Lan Khai rất điềm nhiên bảo Kính:
- Các cậu đ… phải là dân Annam!
Kính nổi quạu:
- Dân An nam thì nước mẹ gì?
Nghe câu đó, Tuấn nổi nóng lên, nhưng làm thinh. Lan Khai nói tiếp:
- Thế là cậu chửi Nước Mẹ của cậu rồi đấy! Cậu là dân vô tổ quốc rồi còn chó gì.
Kính tự biết mình hớ, nhưng vẫn ngoan cố, đả kích chủ nghĩa quốc gia, đề cao cộng sản và Staline. Câu chuyện dần dần đến Phan Bội Châu, Tuấn bảo:
- Thằng nào viết bài phỉ báng cụ Phan Bội Châu thằng đó tôi mà gặp nó, tôi đánh nó bể mặt.
Kính cười gằn, khiêu khích:
- Thằng này viết đây, thưa anh ạ.
Tuấn không thèm trả lời, vớ ngay điếu thuốc lào ở trên bàn (điếu cày, bằng tre) ném vào mặt Kính. Kính né sang một bên, chiếc điếu cày bay đụng vào thành ghế, dội lại Kính, làm đổ cả điếu vào áo chàng.
Kính đứng dậy, nhảy chồm vào Tuấn, định đánh Tuấn . Nguyễn Triệu Luật vội vàng ôm chầm lấy Kính trong lúc Lan Khai làm bia đỡ Tuấn. Cuộc xô xát trầm trọng khỏi xẩy ra, nhưng hai bên còn đang hung hăng.
Vũ Trọng Phụng từ ngoài cửa bước vào, điềm nhiên:
- Ðứa nào có tiền, cho tao 3 xu trả tiền xe?
Nguyễn Triệu Luật nắm hai vai áo Kính, dằn mạnh y ngồi xuống ghế:
- Mày ngồi yên, nhúc nhích tao đánh bỏ xừ.
Luật móc trong túi áo ra 3 xu đưa Phụng để trả anh phu xe kéo.
Lan Khai đột ngột cười rộ lên một tiếng, và buông Tuấn ra, thuật chuyện lại cho Vũ Trọng Phụng nghe . Phụng bảo Kính:
- Các cậu muốn phê bình cụ Phan Bội Châu về lý thuyết chính trị, thì cứ phê bình. Nhưng các cậu mạt sát cụ, gọi cụ là “Phản Bội“ Châu, thì quá lắm. Tuấn nó cáu sườn về bài đó đã một tuần nay chứ không phải mới hôm nay đâu. Thôi, Luật, toa lấy cái ống điếu khác cho mỗi thằng hút một điếu, huề cả làng!
Ðặng Xuân Khu nhẩy vô Hội “Truyền Bá Quốc Ngữ“ mà hôị trưởng là ông Nguyễn Văn Tố, nhà học giả thuần tuý Việt Nam, luôn luôn mặc áo dài trắng, chít khăn đen, che dù . Ðặng Xuân Khu hoạt động mạnh trong khu vực Hà Nội, với tư cách giáo viên.
Tuổi 30, thấp như Trương Tửu, khuôn mặt na ná giống Võ Nguyên Giáp nhất là lúc anh cười. Khu chưa đổ bằng Thành Chung . Giáp tiếp tục dạy trường Thăng Long với Ðặng Thái Mai, Hoàng Minh Giám. Trần Huy Liệu viết báo lăng nhăng kiếm tiền nuôi cả một gia đình đông đúc, nghèo “sát ván“ ở phố Hàng Than, gồm một bà vợ “nhà quê“ buôn thúng bán mẹt ở chợ Ðồng Xuân, và một bầy con 7,8 đứa, mũi dãi lòng thòng, áo quần rách rưới. Thường gặp Tuấn, Liệu than phiền tình cảnh gia đìnbh của anh, mà “đảng“ chả giúp được gì cả.
Các đảng quốc gia vẫn chìm trong bóng tối hoàn toàn. Nhược điểm của các phái Cách Mạng Quốc Gia là không có hậu thuẫn của quảng đại quần chúng. Một phần lớn thợ thuyền, bình dân lao công các giới, hoặc đã nghe theo lời tuyên truyền của cộng sản, làm đảng viên, hoặc cảm tình viên. Ða số thợ thuyền thích an phận thủ thường, không tham gia phong trào . Các đảng cách mạng quốc gia chỉ tìm đồng chí trong các giới trí thức tiểu tư sản, hoặc công tư chức trung lưu, nhưng rất ít . Và các giới này nhút nhát, sợ liên lụy, tù tội. Cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn Thái Học năm 1929-1930, và cuộc xử tử 13 đồng chí VNQDÐ ở Yên Bái có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần nhút nhát, cầu an của các lớp thượng lưu và trung lưu Bắc Trung Nam.
Sinh viên Cao đẳng Ðông dương thì không thành vấn đề. Lớp kế tiếp bây giờ hoàn toàn thụ động, chỉ lo cầu danh, đua nhau học thi, để ra làm “Tham Tá“, “Y sĩ Ðông dương“, “Ðốc học“, Tri huyện, v.v…để phục vụ Bảo hộ và Nam triều. Trừ một vài phần tử cách mạng thận trọng hoạt động ngoài phạm vi học đường, còn thì toàn thể xã hội trí thức, cũng như bình dân đều thích sống an bài, thụ hưởng, ân huệ của sự hiện diện của người Pháp ở Ðông Dương mà đại đa số còn theo nịnh bợ.
Tình hình tổng quát của báo chí và văn nghệ cũng trầm lặng, nhưng vẫn theo dõi sát những biến chuyển khá sôi động ở Tây Âu. Một số người Pháp có tinh thần chống thực dân Pháp, và đả tỏ ra thân An nam một cách khí khái đáng khen, bây giờ cũng chấm dứt, hoặc giảm bớt những hành động báo chí của họ.
Amédée Clémenti, chủ nhiệm L’Argus Indochinois, một tờ báo hoàn toàn chống thực dân Pháp, đã đình bản tờ báo của ông. Sau khi thất bại việc đi tìm mỏ vàng ở Savannakhet với nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, chủ báo L‘Annam nouveu và ông Vĩnh chết trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm này, Clémenti thất vọng trở về Thái Bình sống nơi quê vợ, với người vợ “An nam“ của ông, một nữ giáo sư rất giỏi tiếng Pháp và cũng là một cộng sự viên rất đắc lực của ông.
Thỉnh thoảng Tuấn gặp Clémenti ở Hà Nội, người thấp, gầy, nghiện thuốc phiện, nhưng cặp mắt sáng quắt với nụ cười luôn luôn mĩa mai. Một hôm, thấy ông lết bộ trước chợ Hàng Da, Tuấn chưa kịp chào, ông đã nhanh bước đến bắt tay Tuấn:
- Ủa, anh ở nhà pha ra bao giờ?
- Ra lâu rồi.
- Coi chừng, sẽ trở vào nhà pha nữa nhé.
Tuấn nhún vai:
- Bất cần, còn anh? Dạo này con chim L ‘Argus không hồi sinh từ đống tro tàn của nó nữa à? (theo thần thoại Tây phương, L’ Argus là con chim Minh trĩ, bị đốt chết thành tro vẫn tái hiện từ đống tro ấy và sống lại)
Với một khoát tay thất vọng, ông bảo:
- Ðể nó chết yên tỉnh. Nó sống đã khá nhiều rồi.
- Bây giờ anh ở đâu?
- Tôi cày ruộng ở quê vợ tôi.
Tuấn cười:
- Ðược mùa không?
- Lúa nhiều, nhưng thuế cũng nhiều. Còn anh, sống được chứ?
- Luôn luôn không có xu dính túi .
- Sao anh không về quê tạm một thời gian?
- Tôi còn trẻ, còn thích sống phiêu lưu.
Clémenti tóc đã bạc, gần 50 tuổi, vỗ vai Tuấn và mĩm cười:
- Thôi chào anh, thi sĩ! Anh cứ đi con đường của anh. (Allez, adieu, poète! Faites votre chemin!)
Tuấn nhớ mãi câu vĩnh biệt và nụ cười chán đời của ông Tây già . Từ hôm đó, Tuấn không gặp ông Cựu chủ nhiệm báo L’ Argus Indochinois nữa. Sau Tuấn nghe nói ông bị giết ở Thái Bình, năm 1945, với người vợ của ông. Ðược tin, Tuấn buồn ghê. Tuấn phẫn uất không hiểu vì sao Amédée Clémenti bị giết? Tuy là người Pháp, nhưng suốt một đời làm báo của ông, ông đã hy sinh tất cả để chống chánh sách đế quốc thực dân Pháp, chống áp chế, nô lệ, bất công, triệt để bênh vực các cuộc vận động độc lập của người Việt nam cách mạng. Yêu Nước, Việt Nam là quê hương của vợ ông, ông là người bênh vực hăng hái nhất và can đảm nhất cho Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Ái Quốc.
Một tờ báo khác, nguyệt san, tập Revue Franco - Annamite (Pháp Việt tạp chí) của ông Ernest Babut cũng đình bản. Ông này là người đảng Xã Hội S.F.I.O. Pháp, đồng chí với Marius Moutet, Léon Blum, v.v… nhưng ông vừa chống thực dân Pháp vừa lãnh tiền trợ cấp hàng tháng của Phủ Toàn Quyền (chính phủ thuộc địa của thực dân).
Ông đã gây được thiện cảm một phần nào của các giới cách mạng Việt Nam, nhưng họ vẫn dè dặt đối với ông. Các nhà ái quốc cách mạng chân chính đều biết rằng từ Léon Blum, Moutet, đến Babut, đảng Xã hôị Pháp vẫn luôn luôn đi hàng hai, vừa bắt tay Cộng sản vừa bắt tay Tư bản, vừa ủng hộ đế quốc thực dân vừa ủng hộ dân chúng thuộc địa.
Chính sách điển hình của Ðảng Xã hội Pháp được chứng minh rõ rệt nhất khi Hồ Chí Minh nắm chính quyền ở Hà Nội và Marius Moutet làm Tổng trưởng Pháp quốc Hải ngoại (thuộc địa) ở Paris - Một mặt Moutet ký tạm ước Modus-Vivendi cho Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp . Pháp vẫn còn bám lấy Liên Hiệp Pháp cho kỳ được, theo diễn văn Brazzaville của De Gaulle tháng 3-1945. Một mặt chủ trương đánh Hồ Chí Minh và chiếm lại Hà Nội (19-12-1946).
Ông già Ernest Babut thường nói với Tuấn, và Tuấn không bao giờ quên được câu này:
- Nước An nam là một nước nhỏ và yếu, lại có hai người láng giềng to và mạnh: Trung Hoa và Nhật Bổn. Vậy giữa Trung Hoa và Pháp, các anh hãy chọn người Pháp . Nếu người An nam đuổi người Pháp ra khỏi xứ này, thì hai mươi bốn giờ sau, làn sóng Tàu, hay là làn sóng Nhật, sẽ tràn ngập An nam, và các anh sẽ bị chết chìm hết rồi.
Ðó là lời của một đảng viên có uy tín nhất của đảng Xã Hội Pháp ở Ðông Dương. Tuấn hỏi lại ông Babut:
- Nếu vậy thì theo ông, không bao giờ nước An nam được độc lập?
Ông Babut gật đầu hai ba cái:
- Si si … Có chứ, có chứ, nhưng có là khi nào nước An nam sẽ có đủ điều kiện độc lập với sự giúp đỡ của Pháp. Vì các anh hãy coi chừng, kẻo các anh sẽ làm mồi hoặc là cho phát xít Nhật, Tàu, hoặc cho cộng sản Nga .
Tuấn không công khai phản đối ông Babut, nhưng trong thâm tâm cho là đó là chủ trương của thực dân. Tại tòa báo Franco Annamite, Tuấn cũng thường tiếp xúc với Vũ Ngọc Phan. Vũ Ngọc Phan là rể của ông Sở Cuồng Lê Dư. Ông này lùn và mập, sói đầu, quê ở Quảng Nam. Thời phong trào Ðông du, ông có sang Nhật bản theo cụ Phan Bôị Châu làm cách mạng. Nhưng ông lén trở về Hà Nôị đầu hàng Pháp, và được phủ Toàn Quyền Pháp cho giúp việc trong viện Viễn Ðông Bác Cổ (Ecole Francaise d’ Extreme- Orient).
Vũ Ngọc Phan, đỗ tú tài xong, người ốm yếu, mảnh khảnh, được ông bố vợ Lê Dư giới thiêụ vào làm thư ký toà soạn Pháp - Việt tạp chí . Ông Babut giao cho Vũ Ngọc Phan phụ trách trang Việt ngữ.
Vũ ngọc Phan không thích chính trị, và tuyệt nhiên không có tham gia một phong trào cách mạng nào cả. Anh chuyên môn dịch một vài tác phẩm ngoại ngữ: Anna Karénine, Manon Lescaut, v.v… Anh cũng viết mục “phê bình“ văn học, do nơi đây mà Tuấn quen biết Vũ Ngọc Phan. Anh có người vợ khá đẹp, con gái ông Lê Dư, thỉnh thoảng làm vài bài thơ cổ điển nhưng ít đăng báo. Có lần Tuấn hỏi:
- Sao chị không xuất bản tạp thơ của chị?
Chị trả lời với một nụ cười hồn nhiên:
- Tôi làm thơ amateur (thơ lối tài tử) chơi cho vui, chớ đâu phải thi sĩ như các anh.
Thơ chị giống như món nữ trang của chị, óng ánh, duyên dáng, dễ thương, độ năm ba bài chớ không nhiều.
Vũ Ngọc Phan có người em trai, Vũ Minh Thiều, di cư vào Saigon năm 1954. Vũ Minh Thiều cũng mảnh khảnh, có gương mặt na ná giống Vũ Ngọc Phan, và cũng như Phan, Thiều sở trường về dịch sách và truyện ngoại quốc bằng Pháp văn.
Tháng 12 năm 1947, Tuấn rất ngạc nhiên gặp ông Ernest Babut tại Ðà Lạt, ông đã 80 tuổi. Ông kể lại tỉ mỉ cho Tuấn nghe ông ở với ông Hồ Chí Minh tại phủ Chủ tịch (Phủ Thống Sứ cũ) năm 1946, và bị lính của Sainteny bắt ông như thế nào lúc ông trốn dưới hầm … Ông thuật lại cho Tuấn nghe:
- Hôm 19-12-1946, quân lính của Sainteny kéo tới chiếm phủ Chủ tịch Hà Nôị, nhưng Hồ Chí Minh đã lén đi Thái Nguyên rồi. Hồ Chí Minh bảo tôi đi với ông, nhưng tôi đã 80 tuổi rồi, không có sức đi được nữa nên tôi ở lại. Tôi vẫn ở trong Phủ Chủ tịch cho đến 8 giờ tối . Súng bắn rát quá, Việt Minh và quân Pháp còn đang đánh nhau quanh Hồ Hoàn Kiếm và Phủ Chủ Tịch. Khi lính Pháp vào trong Phủ thì chúng bắt tôi dưới hầm trú ẩn. Chúng toan giết tôi, nhưng tôi xưng tên tôi là Ernest Babut và bảo chúng là tôi muốn gặp ông Sainteny. Họ còng tay tôi, dắt tôi đến Uỷ viên phủ đặt ở sở Radium đường Richaud, gần chùa Quán Sứ. Sainteny giam tôi trong một căn phòng và hôm sau họ đưa tôi đi máy bay nhà binh vào Saigon. Nơi đây họ hỏi tôi muốn hồi hương Pháp quốc hay muốn ở lại Việt Nam. Tôi tình nguyện ở lại Việt Nam. Can uỷ Bollact cho tôi lên ở Đà Lạt để dưỡng lão.
Ông Babut có mời Tuấn đến nơi ông ở. Ðây là một biệt thự rộng và sang, do Cao ủy phủ cấp cho ông. Cao uỷ phủ lại còn tiếp tục trợ cấp cho ông một số tiền hàng tháng, bằng ngân phiếu. Ông già “Xã Hội“ Pháp, chống thực dân đế quốc Pháp, mà vẫn tiếp tục lãnh tiền dưỡng lão của chính phủ thực dân đài thọ!
Tuấn không hỏi chi tiết về sự giao thiệp giữa ông và Cao uỷ Pháp ở Việt Nam, nhưng sự ông lãnh lương hưu trí của Pháp trong khi ông không phải là công chức, chỉ chứng tỏ tất cả sự giả dối của đảng “Xã hội“ Pháp S.F.I.O. đối với cuộc tranh đấu của các dân tộc bị thực dân đô hộ.
Trở lại tình hình Hà Nội năm 1938 - 39, một năm trước khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Tuấn đã sống trong không khí chính trị căng thẳng mà Hành chánh Thuộc địa Pháp cố tìm cách làm cho êm dịu, để nắm vững dân chúng.
Ở Trung kỳ, Toà Khâm Sứ Pháp o bế Bảo Ðại, vừa nâng niu chiều chuộng vị Hoàng đế trẻ tuổi và ham chơi, vừa tăng cường biện pháp bao vây kín đáo, để tránh mọi sự tuyên truyền và áp lực của mọi phần tử cách mạng quốc gia. Người đóng vai trò quan hệ nhất trong chính sách ru ngủ của thực dân Pháp đối với Bảo Ðại, trong giai đoạn tiền chiến này là Phạm Quỳnh. Ðể được theo dõi sát cạnh Bảo Ðại, viên Khâm sứ Huế đã khuyên bảo vị quốc vương bù nhìn đưa Phạm Quỳnh, từ chức vị Thượng thư bộ Giáo dục, bộ Lại, lên địa vị tối cao: Ngự Tiền Văn phòng của Hoàng đ .
Thật ra, đối với Phạm Quỳnh cũng như với tòa Khâm sứ, với Bảo Đại, lực lượng cách mạng, cộng sản hay quốc gia, ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều không đáng kể. Hầu hết các phần tử có thành tích đấu tranh cộng sản từ 1930 (Sô viết Ðô Lương, Nghệ An, và Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi ) đều bị bắt, bị tù ở các lao tỉnh, hoặc bị lưu đày đi Côn Lôn (Côn Ðảo), và Ban Mê Thuột, Lao Bảo, ba ngục thất ghê gớm nhất, nổi tiếng là rùng rợn dã man nhất.
Các nhà Cách mạng quốc gia thì một số đã ngã theo Cộng sản Ðệ Tam, một số nghiêng về Cộng sản Ðệ tứ, chẳng còn lại được bao nhiêu. Hầu hết đã vô Saigon, hoặc ở Hà Nội, tiếp tực hoạt động, tương đối dể dàng hơn ở Trung kỳ.
Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai, đều là người miền Trung, ở Hà Tỉnh, Quảng Bình, nguyên là đảng viên Ðảng Tân Việt, (quốc gia) chỉ mới nhảy qua cộng sản từ 1932 – 33, còn lại Ðào Duy Anh với vợ là Trần thị Như Mân, và Tạ Quang Bửu, cả ba đều là Trợ giáo với bằng cấp Thành Chung. “Cao đẳng Tiểu Học Pháp - Việt (primaire Supérieur Franco-Annamite) .
Ðào Duy Anh cũng là cựu trợ bút báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu chính là người sẽ ký vào hiệp định Genève 1954 với danh nghĩa đại diện Bộ quốc phòng Việt Minh, tuy lúc bấy giờ Bửu không phải là đảng viên cộng sản.
Tình hình tổng quát ở Ba kỳ Trung Nam Bắc rất yên tỉnh. Guồng máy hành chánh chạy đều đều, không có gì trục trặc. Sự hợp tác của Nam triều với Bảo hộ rất hoàn toàn, sự trung thành và phục tòng của quan An nam và các lớp trưởng giả phong kiến “Thượng Lưu Trí thức “đối với Nhà nước Bảo Hộ rất tích cực. Cho đến Làng, Xã, cũng triệt để tuân theo trật tự đã an bài khắp nơi.
Không ai đếm xiả tới “Thằng Dân“. Thuế má vẫn phải đóng đầy đủ cho Nhà nước, không ai dám yêu sách điều gì. Ðến mùa thuế, thường là mùa Hè, trống đánh thu thuế treo trước nhà ông Lý trưởng, thúc dục dân làng mau mau đến nạp thuế. Nhà ông Lý trưởng tấp nập kẻ ra người vào, đóng “thuế thân“, ngoài các thứ thuế ruộng đất và hoa lợi . Thuế thân - impôt personnel – là thuế cá nhân mà mỗi người dân phải đóng đồng đều, bất luận giầu nghèo, chức vị.
Những kẻ cùng đinh phải bán những gì có chút ít giá trị trong gia đình mới có tiền để đóng thuế thân. Cũng có những kẻ “trốn xâu lậu thuế“ với sự đồng lõa của Lý trưởng do lòng nhân đạo thương xót những kẻ vô sản mà trong làng ai cũng biết. Các ông “thầy chùa“ cũng khỏi đóng thuế.
Chùa chiền không đông đảo “Phật tử“ như ngày nay. Nói tổng quát, trừ số ít người theo đạo Thiên Chúa còn tất cả đều tôn kính Phật, nhưng không phải là tín đồ chân chính. Họ thờ đức Phật như họ thờ đức Khổng Tử, đức Quan Công, một vị Thần, hay là một Thánh Mẫu nào đó, không phân biệt rõ ràng, không thấu hiểu giáo lý.
Họ coi Phật như những vị Thánh Thần, những bậc linh thiêng, che chở cho họ, hoặc có thể trừng phạt họ, tuỳ theo trường hợp và hành vi của mỗi người. Ngay số đông người trí thức, ở các giới thượng lưu, trung lưu có xem sách Phật, Kinh Phật, cũng hiểu Phật giáo một cách khái quát, sơ sài, nhiều khi sai lầm nữa.
Mặc dầu trong mấy năm Tiền chiến, nhất là từ 1930 trở về sau, phong trào “Chấn hưng Phật giáo“ được thịnh hành một phần nào, nhờ một số người trí thức hợp tác với một số Hoà thượng có uy tín, cổ suý lập ra các hội Phật học, nhưng các hoạt động Phật giáo vẫn không được tiến triển mạnh.
Lúc bấy giờ cũng chưa có các chức vị Thượng Tọa, Ðại Ðức, Học Tăng, v.v… Dân chúng gọi các vị Sư bằng những danh từ bình dân hơn, như Sư Chú, Sư Bác, Sư Ông, Sư Cụ.
Danh từ Hoà thượng được xưng với các Sư Cụ mà thôị.
Ở Nam kỳ sự xưng hô cũng không khác mấy. Ở các chùa chỉ có Thầy trụ trì, và các chú tiểu (chú Ðạo, chú Ðiệu). Hầu hết các bậc tăng ni đều sống theo tôn chỉ và giáo lý, luật pháp, giới pháp của Phật . Ðời sống của các Thầy rất giản dị, chưn chính, đúng theo giới luật của Phật . Họ không bao giờ sắm xe hơi, không bao giờ giao du thân mật với đàn bà con gái, không giao thiệp với các nhà quyền quý, không ham của cải.
Thỉnh thoảng, có một vị nào không tôn trọng giới luật nhà Phật và có những hành động trái với Ðạo giáo, như Sư Muỗng ở Nam kỳ, thì dư luận dân chúng sôi nổi, náo động và triệt để kết án giả danh “thầy chùa“ làm việc tồi bại. Danh từ “Sư Hổ Mang“ được áp dụng ngay đối với vị Hoà thượng nào không xứng đáng với đức vị tu hành. Nhờ vậy Phật giáo tuy không bành trướng mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được uy tín tôn nghiêm đối với toàn thể dân chúng.
Hạng Sư sân si, dối trá, kiêu căng, phách lối, trụy lạc, ham giao du thân mật với đàn bà con gái, ham đi xe hơi, ham ăn ngon, ở sang, tha thiết với đời, lơ là kinh kệ, đều chưa xuất hiện trong thời Chánh Pháp của Ánh Ðạo Vàng.
Vì nhận thấy đạo Phật thời Tiền chiến rất tốt đẹp, rất cao quý, Tuấn mới tìm hiểu giáo lý của đạo Phật, nghiên cứu kinh sách Phật, và theo đạo Phật.
CHƯƠNG 58
1939
- 03/09/39 Ðệ Nhị thế chiến bùng nổ ở Âu châu.
- Chiến tranh Hoa Nhật mở rộng ở Trung Hoa lục địa.
- Ðêm tập “ phòng thủ thụ động" đầu tiên ở Hà Nội.
- Tình hình báo chí và dân chúng ở Hà Nội, Huế, Saigon.
- Quân đội thuộc địa Pháp ở Saigon, Hà Nội, Huế tập trận ráo riết.
Các giới cách mạng Việt Nam cũng như toàn thể dân chúng không lưu ý nhiều đến cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Hoa dân quốc, bắt đầu từ vụ Lư Cầu Kiều. Ai cũng thấy rõ rằng Nhật Bản kiếm cớ để xâm chiếm tỉnh Mãn châu. Nuốt xong Mãn châu, họ lập thành Mãn châu quốc (Mandchokoo) và đặt một Hoàng thân bù nhìn, dòng họ Mãn thanh tên là Henri Pouyi lên ngôi, lấy niên hiệu là Phổ Nghi hoàng đế. Mãn châu quốc trở thành một thuộc địa trá hình của Nhật Bản.
Các giới cách mạng Việt Nam chỉ cười cái trò hề đó thôi, chứ không quan tâm đến lắm. Dư luận dân chúng Việt Nam cũng không xôn xao: một biến cố xẩy ra ở tận biên giới phương Bắc của nước Tàu rộng lớn, đồ sộ, nhưng yếu hèn vì nạn tham nhũng sâu mọt đụt khoét trong xương tuỷ của đất nước “Con Trờ “.
Quân đội Nhật Hoàng đánh lần vào miền nam, chiếm Thượng Hải, Nam Kinh, hạ xong Nam kinh, Nhật lập ra tại đây một chính phủ Trung Hoa thứ hai với Uông Tinh Vệ (Wang-Tching –Wei) làm Tổng thống để chống lại chính phủ Tưởng Giới Thạch (Chang kei Shek). Họ Tưởng phải dời đô lên Trùng Khánh (Tchung King).
Chuyện bên Tầu, người “An nam“ lúc bấy giờ coi như “chuyện Ba Tàu“ – chinoiserie – và không những không lo ngại riêng cho xứ sở mình, mà còn chờ đợi xem ngày giờ nào toàn thể Trung Quốc sẽ lọt hết vào tay Nhật Bản. Ða số đều khing rẻ, hoặc thương hại nước Tàu, rất ít người bênh vực Tưởng Giới Thạch. Tất cả đều nể hoặc sợ Nhật Bản, kể cả người Pháp đang làm chúa tể ở Ðông dương. Khinh Tàu, sợ Nhật, tin tưởng nơi Pháp, đó là tâm lý chung của đại đa số người “An nam“ từ Bắc tới Nam, nhất là giới thượng lưu và trung lưu, trong mấy năm 1937, 38, 39,trước khi Ðệ Nhị chiến tranh Thế giới bùng nổ ở Âu châu.
Ðứng trên lập trường cách mạng, các giới chính trị “An nam“ chia làm hai phe:
phe “chống phát xít“ và phe “thân Nhật“, lúc bấy giờ thường gọi bằng tiếng Pháp là
“Anti-fascistes” và "pro-japonais “. Ngoài ra còn phe thứ ba là “chống phát xít và chống cộng sản“.
Phe chống phát xít hầu hết là đảng viên cộng sản Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế, từ Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu đến Huỳnh Văn Phương ở Hà Nội. Từ Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai đến Tạ Thu Thâu ở Saigon.
Ða số đảng viên Tân Việt ở Huế, Ðào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, cũng chống phát xít hăng hái. Ở Huế, còn có Hải Triều, con trai của bà Ðạm Phương, cũng là một tay lý thuyết gia chống phát xít dữ dội.
Do những khuynh hướng cách biệt nhau đó mà phe chống phát xít có nhiều mâu thuẫn trầm trọng ở nội bộ.
Cộng sản Ðệ Tam ỷ lại và “lực lượng vô sản thế giới “ chống phát xít và giải phóng dân tộc bị trị dưới quyền lãnh đạo của Staline. Cộng sản Ðệ Tứ cũng ỷ vào “lực lượng thợ thuyền cách mạng thế giới “ chống phát xít, giải phóng dân tộc bị áp bức, dưới quyền lãnh đạo của Trotsky.
Ngoài ra, lập trường chống phát xít của đảng Tân Việt (miền Trung) không được rõ rệt lắm, đứng lưng chừng không ngã hẳn về bên nào.
Phe thân Nhật thì tin tưởng tích cực vào thế lực đang bành trướng của Nhật Bản ở Ðông Nam Á. Phe này nương dựa vào các đảng Việt Nam Phục Quốc ở Quảng Tây, Quảng Ðông và hy vọng Nhật Bản sẽ giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ Pháp.
Những người chủ trương thân Nhật của phe này là nhà học giả Trần Trọng Kim, nhà báo cách mạng Vũ Đình Duy, nhà văn Nguyễn Tường Tam ở Hà Nội, Tuần Vũ Ngô Đình Diệm và giám mục Ngô Đình Thục ở Huế, Nhà báo Nguyễn Văn Sâm, giáo sư Hồ Văn Ngà ở Saigon.
Có điều đáng lưu ý là lực lượng thân Nhật ở Bắc kỳ rất yếu, ở Trung kỳ thì bình thường thôi, nhưng lại rất mạnh ở Nam kỳ. Nơi đây ảnh hưởng của Hoà Hảo đang lên, của Cao Ðài đang bành trướng, thu hút một số rất đông đảo quần chúng nông thôn (Hoà Hảo) và tư sản trung lưu thành thị (Cao Ðài) nhất là miền Hậu giang và Tiền giang gọi là
“Lục Tỉnh“. Khuynh hướng chính trị thứ ba gồm đa số thanh niên trí thức có tư tưởng quốc gia thuần tuý và mãnh liệt “chống phát xít, chống thực dân và chống cộng sản“. Phe này gồm một số cựu đảng viên VNQDÐ và Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội, một số đông sinh viên Cao đẳng, nhà văn, nhà báo.
Tuấn thuộc về thành phần này nhưng dưới chiêu bài “ chống phát xít và không đảng phái ( anti – fasciste independent).
Bắt đầu từ 1938, ở Âu châu, Hitler tỏ ý định cương quyết xâm chiếm hải cảng Dantzig, và Ba Lan, Tiệp Khắc. Toàn thể Âu châu và thế giới xôn xao náo động. Ở xứ An nam nhỏ bé, thuộc địa của Pháp, các đảng phái cách mạng cũng bắt đầu rục rịch hoạt động bí mật, hăng hái, để tuỳ cơ ứng biến.
Tình thế Âu châu rất bấp bênh. Riêng nước Pháp ở tầm mức liên hệ trực tiếp vào chính sách bành trướng của Hitler, cho nên ở Ðông dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên), riêng ở ba xứ “An nam“ tình hình cũng trở nên ngột ngạt như chờ đợi một cơn giông tố sắp sứa nổ bùng ở vòm trời Ðông dương, mà không ai có thể dự đoán được hậu quả sẽ như thế nào.
Tuấn, sau khi bị 6 tháng tù vì một loạt bài báo chống thực dân và chống triều đình Huế, Tuấn lại viết sách chống chính sách bành trướng xâm lăng của Nhật Bản. Bạn bè của Tuấn lo sợ tác phẩm chính trị này sẽ đem lại cho Tuấn một số phận nguy hiểm. Nhưng Tuấn bảo :
- Ðại chiến sắp bùng nổ khắp cả thế giới. Rồi đây tất cả chúng ta chẳng riêng ai, sẽ phải chịu một số phận nguy hiểm không thể lường trước được, không thể tránh được. Người ta sẽ thấy cái gì người ta sẽ thấy. Chúng ta là “dân An nam“ chúng ta dù muốn dù không, cũng sẽ sống chết trên đất An nam này, không biết trước được là dưới bàn tay của kẻ thù nào. Chúng ta không làm gì hổ thẹn với nòi giống “ An nam “ là được.
Với tư tưởng đó, Tuấn hồi hộp chờ đợi những chuyện gì sắp đến trong cơn giông đang đe dọa bùng nổ khắp vũ trụ loài người …
Tháng 9/1939. Những tia chớp sáng loè dưới trời Tây Âu …
1939, Hà Nội cũng như Saigon, và toàn cõi Á Ðông sống trong cơn sốt rét. Máy truyền thanh (radio) chưa được thông dụng. Chỉ một số ít người Pháp ưu tiên mới mua được, và phải có giấy phép đặc biệt của Phủ Toàn Quyền Pháp mới được mua. Vả lại giá rất đắt mà không phải nhà giàu sang nào cũng sắm được. Nó bị sắp vào loại hàng hoá
“quốc cấm“.
Dân chúng chưa bao giờ nghe tới danh từ radio, hay máy truyền thanh, chứ đừng nói là trông thấy cái máy ấy! Tất cả tin tức về tình hình sôi nổi ở Âu châu đều do các tờ Nhật báo loan ra, theo thông cáo của sở IPP “ Information Propagande-Presse" (Thông tin, Tuyên truyền, Báo chí) của phủ toàn quyền Pháp.
Hằng ngày Tuấn và một nhóm thiểu số bạn đồng chí sinh viên và văn nghệ hùn tiền lại để mua hai tờ nhật báo “ Quốc ngữ “ : Ðông Pháp, Trung Bắc Tân Văn, hai tờ nhật báo Pháp ngữ ở Hà Nội : La volonté indochinoise, France-Indochine, và hai tờ nhật báo ở Paris : L’Intransigeant, Paris-Soir.
Báo Pháp mỗi tuần gởi qua một lần, thành ra mỗi tuần phải mua mỗi thứ một bó 6 tờ. Ngoài ra, Tuấn còn mua thêm tờ tuần báo rất nhiều tranh ảnh của Pháp, nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là tờ Match de la Vie. Từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Match de la Vie được đổi tên thành Paris- Match. Tuấn thích xem tờ Match de la Vie mặc dầu giá rất đắt, vì nó là tập báo duy nhất đăng rõ ràng và rất nhiều hình ảnh sốt dẻo mỗi tuần về các biến cố sôi nổi của Tiền Chiến Tây Âu, nhất là về Hitler, Staline, Churchill, Mussoloni, Chamberlain, Daladier, v.v…
Nhờ các loại bài đó, các bạn của Tuấn và Tuấn được theo dõi hằng ngày các âm mưu xảo quyệt của Hitler cương quyết gây hận thù máu lửa ở Âu châu, với sự đồng lõa của Staline trong giai đoạn đầu của chiến tranh.
Thế rồi chuyện phải đến đã đến. Các báo “ quốc ngữ “ xuất bản ở Hànội ngày 4/9/1939 đều đăng tin bằng tít lớn 8 cột trang nhất :
- 3/9 : Pháp tuyên chiến với Ðức.
- Ðồng thời các báo Pháp ngữ ở Hà Nội cũng đăng tin 8 cột:
- Le 3/9, à 0 heure, La France déclare la guerre à l’Allemagne.
Chiến tranh mà người Pháp lo sợ, và người An nam đợi chờ như một tai họa cho nước Pháp nhiều hơn là cho nước An nam, chiến tranh mà tất cả mọi người đều bàn tán xôn xao từ mấy tuần lễ, đã bùng nổ thật sự.
Cùng một lúc với tin nẩy lửa đó, các báo đều đăng những thông cáo quan trọng của toà Ðốc lý thành phố Hà Nội (Tiếng bình dân Saigon quen gọi là toà Xã Tây của thời Pháp thuộc, dưới thời Bảo Ðại gọi là toà Ðô Sảnh, thời Ngô Đình Diệm gọi là toà Ðô Chánh).
- Tất cả các đèn trong nhà và ngoài phố đều phải bao phủ bằng vải đen để che đậy ánh sáng (phòng phi cơ địch).
- Ðào hầm trú ẩn trong thành phố, theo hình chữ chi.
- Dân chúng tập “ phòng thủ thụ động “ (còi hụ, dân chúng phaỉ chạy núp xuống hầm).
- Tập nghe còi hụ như thế nào là cói báo động.
- Toàn thể Ðông dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên) bị đặt trong tình trạng chiến tranh, v.v…
Hàng nghìn bích chương in bằng chữ lớn và đậm nhắc lại các chỉ thị trên do toà Ðốc lý Hà Nội dán khắp các vách tường thành phố, thu hút một số đông đảo dân chúng tụ lại xem thông cáo và bàn tán rất xôn xao, náo động. Cả Hà Nội chỉ nói về chiến tranh đã bộc phát ở Pháp và gián tiếp ảnh hưởng đến Ðông dương.
Tuấn và các bạn của Tuấn sống những giờ phút hồi hộp vô cùng. Họ tìm gặp nhau luôn để bàn về chiến tranh Pháp Ðức.
Ðêm hôm ấy là đêm đầu tiên, mở màn cho Thế giới Ðại chiến Thứ Hai, Hà Nội lập
“phòng thủ thụ động“ cũng lần đầu tiên.
Dân chúng đã được chuẩn bị trước. Tất cả các ngọn đèn điện (chưa có đèn nê-ông), đều bị che kín bằng vải đen, hoặc giấy bìa đen. Chỉ để một tia sáng thu nhỏ lại và chiếu thẳng xuống, thành những vũng tròn ánh sáng lờ mờ, trong nhà cũng như ngoài đường.
Cảnh tượng khác thường ấy gây cho Tuấn một cảm tưởng mới lạ, băn khoăn, ly kỳ, như nó báo hiệu sự khánh tận một thế giới, và sự khởi thuỷ một thế giới khác, đầy bí mật rùng rợn. Ðời sống bình thường hằng ngày đã có triệu chứng sắp biến đổi. Ai cũng chờ đợi những cái gì kinh ngạc có thể xẩy ra không biết lúc nào, không biết bao lâu, nhưng chắc chắn là sẽ có...
Dân chúng ra hết ngoài lề đường. Khác như mọi đêm, các phố lớn ở trung tâm Hà Nôị đông nghẹt những người hiếy kỳ đi xem cảnh phố phường chập chờn nửa tối nửa sáng…
Ði với một người bạn thân, họa sĩ Nguyệt Hồ, Tuấn bảo :
- Tự nhiên mình nhớ câu thơ trong Le Cid: cet clair-obscure qui tombe des étoiles…
(Ánh sáng mờ mịt ấy từ trên sao rơi xuống…)
Nhưng đây lại là :
Cet clair-obscure qui tombe sous les voiles …. (Ánh sáng mờ mịt ấy từ dưới màn đen rơi xuống…)
Vào khoảng 7 giờ hơn, còi báo động rú lên vang dội cả thành phố. Ai cũng biết rằng đây là cuộc tập dượt đầu tiên về phòng thủ thụ động, chứ không phải báo động thực, nhưng khi tất cả các ngọn đèn trong nhà và ngoài đường đều tắt hết, Hà Nội chìm đột ngột trong đêm đen hoàn toàn, thì không ai bảo ai, tất cả các cửa đều lần lượt đóng kín mít …
Ðều nầy không có trong thông báo của toà Ðốc lý, nhưng sau khi còi báo động rú lên, dân chúng tự động đóng cửa cài then cẩn thận. Nhiều người ngây thơ đã lo sợ rằng có lẽ máy bay lạ sắp bay đến thả bom Hà Nội chăng? Nhiều người khác biết rằng đây là tập phòng thủ, nhưng họ sợ bọn trộm cướp thừa lúc thành phố tối đen tối thui không có một chút ánh sáng nào, sẽ lẻn vào nhà để cướp đồ đạc.
Ðám đông người vẫn đi dạo chơi ngoài đường để xem quang cảnh thành phố lúc báo động ban đêm. Tuấn và Nguyệt Hồ đi thong dong trên phố hàng Bạc. Tuấn đang hút một điếu thuốc, nhưng đến ngã ba phố Ma Mây (Cờ Ðen, rue des Pavillons Noirs), một viên cẩm Pháp (danh từ rất thông dụng trong dân chúng Bắc kỳ, phiên âm tắt tiếng Pháp Commissaire de Police mà trong Nam kỳ gọi là ông Cò. Ngoài Bắc còn một danh từ bình dân khác là ông Ðội Xếp. Ty cảnh sát được gọi là Sở Cẩm. Miền Trung gọi là Bác Phú Lít - Post de Police. Ở Saigon và Nam kỳ chỉ nói tắt một tiếng Bót. Từ hồi độc lập gọi bót cảnh sát.), sừng sộ bắt phải tắt điếu thuốc. Tuấn hỏi tại sao, viên đội xếp gắt lên :
-Tại sao hả ? Anh không biết rằng báo động ban đêm tất cả các ánh sáng đều bị cấm ?
-Tôi không tin rằng một điếu thuốc cháy là một ánh sáng mà một phi công từ trên trời dòm xuống có thể trông thấy được.
- Ðừng có nhiều chuyện. Nếu không tuân lệnh, tôi bắt giam anh vào bót ngay bây giờ.
Tuấn phải vứt điếu thuốc.
Nguyệt Hồ nắm tay kéo Tuấn đi, không muốn cãi nhau với viên cẩm nữa. Nguyệt Hồ bảo sau khi đã đi xa mấy bước :
- Thằng cha cẩm rõ lẩn thẩn !
Tuấn bảo :
- Kể ra thì hắn lẩm cẩm thật. Nhưng xét kỹ thì hắn có lý lẽ của hắn. Hắn được chỉ định phụ trách kiểm soát khu Hàng Bạc, và chắc chắn đã được lịnh cấm tất cả các ánh sáng trong thời gian báo động. Hắn áp dụng chỉ thị đó một cách mù quáng, và cho rằng một điếu thuốc ngậm trên môi cũng là một ánh sáng.
- Một thằng đội xếp Tây mà ngu ngốc thế !
- Nếu nó thông minh thì nó đã không là đội xếp.
Hà Nội chìm trong đêm thẳm suốt hai tiếng đồng hồ. Hai chiếc máy bay Morane kiểu 1914 bay chầm chậm thật cao trên vòm trời đen nghịt, tiếng kêu rầm rầm với hai chấm xanh đỏ nơi hai đầu cánh.
Ðến 9 giờ, một hồi còi hụ chấm dứt cuộc phòng thủ. Nhưng thành phố Hà Nội vẫn im lìm không có tiếng động, như đã ngủ yên. Hà Nội không muốn biết bộ mặt ghê rợn của tử thần bắt đầu đe dọa số phận của nó.
Tuấn và họa sĩ Nguyệt Hồ ngồi dưới góc một cây dương liễu đang âm thầm buông những giọt sương khuya xuống bờ hồ Hoàn Kiếm. Ðôi bạn trao đổi những cảm tưởng của họ và đêm đầu tiên tập sự chiến tranh tối tân nơi “ ngàn năm văn vật đất Thăng Long “.
Chiến tranh thật sự chưa đến Hà Nội, cũng như toàn cõi Ðông dương và Ðông Nam Á. Ở đây, người ta chỉ nghe tiếng dội xa xăm của nó mà thôi.
Nhưng tiếng dội tràn lan sâu rộng khắp các từng lớp dân chúng cũng như trong các giới gọi là thượng lưu. Giới này hầu hết là dân Pháp, nói nịnh Pháp thì đúng hơn, gồm những quan lại của Nam triều và Bảo Hộ, những nhà kỹ nghệ, hoặc nhà buôn lớn được hưởng ân huệ của chính phủ thuộc địa, hoặc của Triều đình Huế. Ở Saigon và lục tỉnh, giới thượng lưu thân Pháp gồm đa số những Ðốc phủ sứ, “ Bác vật “, đại điền chủ, kỹ nghệ gia, bác sỹ, kỹ sư, còm-mi (commis), v.v…hầu hết là dân Pháp, theo quốc tịch Pháp, lấy tên Pháp, Paul, Henri, Louis, Marguerite…và sống theo tập tục Pháp.
Dĩ nhiên, giới thượng lưu An nam này cũng như giới Pháp thuộc địa, đều tỏ ra rất lạc quan với tin chiến tranh ở “mẫu quốc“. Họ tin tưởng rằng thế nào nước Pháp cũng sẽ thắng nước Ðức., như hồi Ðệ Nhất Thế Chiến 1914 – 1918. Trong các buổi tiệc của chính phủ hoặc tư nhân, kể cả các tiệc cưới, tiệc mừng trong các gia đình “thượng lưu“ mà có người Pháp tham dự, treo cờ Pháp và đọc “đít cua “ bằng tiếng Pháp, những câu mạt sát nước Ðức và đề cao hoan hô Pháp :” Vive la France! (Ðại Pháp vạn tuế !) được đón nhận bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt của quan khách An nam, là một cảnh tượng rất thường thấy, thường nghe, ở Hà Nội cũng như ở Huế, Saigon, và khắp các tỉnh ở toàn thể ba xứ Annamites.
Thật là một hiện tượng đầy ý nghĩa quái gở, chứng tỏ tâm địa của giai cấp khá đông đảo “ thượng lưu trưởng giả An nam “ mà người Pháp gọi là “ la haute Bourgeoisie Annamite “ tận tụy trung thành với “ mẫu quốc “ (la Mère Patrie) và tỏ ra thành thật tin tưởng vào sự thắng trận của nước Pháp, trong lúc chính những người Pháp ở Ðông dương lại dè dặt hơn, và có phần lo lắng, sợ hãi là khác.
Ðể được chứng kiến tận mắt cái tình trạng mới do chiến tranh Âu châu tạo ra ở xứ mình, Tuấn xách va li lên ga xe lửa mua vé đi một vòng Trung kỳ và Nam kỳ. Chàng xuống Huế ở 3 hôm, rồi đi Saigon ở 1 tuần lể. Từ đấy, chàng đi Cần Thơ, Tây Ninh, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).
Một điều đáng chú ý, là tuy nước An nam đã bị người Pháp chia xẻ ra thành ba “ kỳ “ đặt dưới ba thể chế hành chánh riêng biệt, nhưng từ Hà Nội vô Saigon, từ Quảng Ngãi Qui Nhơn đến Tây Ninh, Vũng Tàu, dân trí và dân tình của người An nam khắp nơi đều không thay đổi mấy. Ða số giới “ thượng lưu trưởng giả “ Hà Nôị, Huế, Saigon đều nịnh bợ Tây một giọng như nhau. Giới trung lưu thì ở đâu họ cũng dè dặt, nhận xét thời cuộc một cách khách quan hơn và bình tỉnh hơn.
Giá sử Pháp thắng trận, giới trung lưu cũng chẳng lợi lộc gì. Người Pháp vẫn cai trị xứ An nam, người An nam chẳng hưởng được ân huệ gì của chiến thắng Pháp.
Còn giả sử Pháp bại trận, thì theo ý nghĩ của họ, họ cũng chẳng có gì thương tiếc, buồn lo. Dân An nam không có cảm tình riêng gì với Tây. Có thể Nhật Bản sẽ đánh đuổi Tây chăng, vì Nhật Bản ở gần Ðông dương, và lại là đồng minh của Ðức.
Nhưng nếu Nhật qua đây thì chẳng qua là một cuộc thay đổi chủ nhà mà thôi. Ðối với dân An nam, sự đổi chủ không có thiệt hại gì cho An nam cả. Ðó là quan niệm chung của đại đa số người trong các giới trung lưu vô tư ở Saigon, Huế, Hà Nội và các tỉnh.
Quảng đại quần chúng, bình dân, tiểu thương, nông dân, sĩ phu, ở Nam kỳ cũng như ở Trung, Bắc kỳ đều đoán rằng Pháp sẽ thua trận, và mong muốn Pháp thua. Họ không bênh vực Ðức, không có cảm tình với Hitler, nhưng cũng không có gì oán hận dân tộc Ðức. Họ muốn cho Pháp thua, tại vì họ không ưa Pháp đó thôi.
Vả lại, tâm lý chung của quần chúng An nam là thích những người hùng, bất luận người hùng của xứ nào. Ðọc tiểu sử của Hitler đăng trong các báo, họ phục anh thợ sơn làm nghề quét vôi, hồi chiến tranh 1914 - 1918 chỉ là một chú đội Bộ binh, thế mà bây giờ trở nên lãnh tụ được sùng bái của một nước Ðức hùng cường. Y khạc ra khói, nói ra lửa, làm cho cả Âu châu phải rung động, cho Pháp sợ hoảng hồn phải chạy qua Munich để điều đình và nhượng bộ!
Ðại đa số dân chúng An nam, ở thành thị cũng như thôn quê, chỉ đọc báo và theo dõi cuộc chiến chánh trị sôi động ở Âu châu, đều phục tài Hitler, cho y là một tay anh hùng lừng lẫy của Âu châu, có thể đánh ngã quỵ nước Pháp, đè bẹp cộng hòa Pháp dưới huy hiệu chữ Vạn "ngược" của y.
Tâm lý bình dân che đậy sự ước mong được thấy cuộc trả thù gián tiếp đối với người Pháp là kẻ đã ỷ thế hiếp đáp dân An nam mình.
Ðó là ý nghĩ thầm kín của đại đa số người thường dân An nam ở Cần Thơ, Tây Ninh, Vũng Tàu cũng như ở Saigon, Huế, Nha Trang, Hà Nôị, Hải Phòng, Nam Định, Yên Bái …Lạng Sơn, trong cuộc đi tiếp xúc tìm hiểu của Tuấn với đồng bào khắp nơi.
Tuy nhiên, bề ngoài, không khí vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng mấy vì Chiến tranh Pháp Ðức và Âu châu trong những ngày đầu tháng 9-1939.
Trừ một vài cuộc “ tập phòng thủ thụ động “ (exercice de défense passive) để lấy lệ vậy thôi, không sốt sắng mấy, gần như một trò giải trí của chiến tranh, và lịnh đào hầm trú ẩn mà dân chúng tuân theo một cách lơ là, đời sống thực tế hằng ngày không thay đổi bao nhiêu.
Ban đêm, đèn chiến tranh bọc bằng vải đen như vải tang ở trong nhà và ngoài phố, tạo ra không khí u ám nặng nề. Nhưng chỉ vài tuần lễ đầu ai nấy cũng âm thầm chờ đợi, rồi dần dần, từ ngaỳ 10 tháng 9 trở về sau, bóng đen phủ vải đen trở thành một yếu tố quen thuộc trong gia đình cũng như ngoài phố. Nó không còn là một đề tài để dân chúng bàn tán xôn xao như mấy đêm đầu. Việc buôn bán không thay đổi hình thức, không bị hạn chế, không có chợ đen, không có đầu cơ tích trữ.
Pháp luật, và nhất là kỷ luật xã hội, được triệt để tôn trọng, như bất cứ lúc nào.
Chính phủ thuộc địa Pháp có mộ thêm lính An nam để tăng gia quân số ở Ðông dương và gửi qua Pháp. Nhưng người ta chỉ kêu gọi những người tình nguyện. Dân An nam, ngay cả ở Saigon và lục tỉnh là “đất của Pháp “ không bị cưỡng bách tòng quân. Chế độ quân dịch chưa có, không có tổng động viên trong một lĩnh vực nào cả. Thanh niên học sinh vẫn tiếp tục đi học như thường lệ, và ngoan ngoãn, vô tư lự. Dĩ nhiên không hề có bóng dáng cao bồi, du đãng, đợt sóng mới, tóc dài, quần túm, v.v…
Thuần phong mỹ tục và luân lý gia đình xã hội, được tự người An nam giữ gìn lấy. Người Pháp không bắt buộc, cũng không khuyến khích, nói tóm lại là không can thiệp vào nếp sống truyền thống riêng của dân tộc “An-na-mít “.
Chiến tranh còn ở tận bên Tây phương, chưa làm xáo trộn đời sống hằng ngày của dân chúng.
Bắt đầu Chiến tranh Thế giới, Hà Nội chỉ có ba bốn tờ nhật báo quốc ngữ kỳ cựu không bao giờ thay đổi hình thức hay nội dung, và tất cả đều giữ nguyên vẹn thái độ thân Pháp cố hữu của họ. Ðông Pháp, Trung Bắc Tân Văn, cả hai đều thuộc về nhóm trí thức bảo thủ Bắc kỳ, và được lưu hành sâu rộng trong quần chúng.
Ngoài ra còn có tờ báo mới : Nam Cường của Phạm Lê Bổng, nhà làm pháo triệu phú, Viện trưởng viện Dân biểu Bắc kỳ, nổi tiếng là một sườn cột của phe “ Bảo Hoàng “ (quân chủ, tích cực tâng bốc Bảo Ðại) và đồ đệ của “ son Excellence “, Phạm Quỳnh, Ngự tiền văn phòng của hoàng đế An nam ở Huế. Tờ Nam Cường in để biếu hơn là bán, vì không ai mua.
Nhóm “ Trí thức mới “ của Bác sĩ Luyện cũng vừa cho ra tờ nhật báo Tin Mới, quy tụ một số nhà báo trẻ tuổi có tư tưởng chống Pháp, nhưng ôn hoà. Tờ báo này bán chạy nhất vì có tính cách tiến bộ hơn, và chú trọng khá nhiều về chính trị và xã hội. Ngoài ra, có những tuần báo hoàn toàn ăn nghệ : Tao Ðàn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy (của nhóm Vũ Trọng Phụng, TCHYA, Vũ Bằng, Nguyễn Trọng Luật, Nguyễn Công Hoan, v.v…) Ích Hữu (Lê Văn Trương, Trương Tửu), Tiểu thuyết Thứ Năm (Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Xuân Huy, Nguyễn Vỹ, Lệ Chi, Loa ( Lan Khai, Côn Sinh v.v…), Việt Nữ ( Mộng Sơn, Thanh Tú), Ngày Nay (Nhất Linh, Khái Hưng), Tương Lai (Nguyễn Triệu Luật, Vũ Trọng Phụng).
Các báo cộng sản đều bị đóng cửa, và đa số đảng viên đã bị bắt.
Các báo Việt ngữ cách mạng cũng bị đóng cửa, và các nhà cách mạng quốc gia bị mật thám theo dõi.
Các báo Pháp ngữ của người Pháp có chủ trương cách mạng (L’Argus Indochinois, L’Ami du Peuple), hoặc của người An nam cách mạng (Le Peuple của Ðặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp). Le Cygne (Nguyễn Vỹ, Trương Tửu) cũng đã bị đưa ra tòa và bị đóng cửa.
Nhật báo Pháp ngữ của người Pháp, có 3 tờ báo bán chạy nhất. La Volonté Indochinois
của Henri de Montpezat, France Indochine của Thiếu tá hưu trí J.Foroponf, L’ Avenir du Tonkin của Massais, L’ Avenir của luật sư Tavernir. Tờ L’ Indépendence Tonkinois (của một bà Ðầm) bị đóng cửa.
Ngoài ra, có một tờ tuần báo L’ Indochine của De Saumont, hài hước, chuyên môn công kích các nhà cầm quyền thuộc địa Pháp bằng lối khôi hài, được một số độc giả thanh niên trí thức hoan nghênh.
Thiên Chúa giáo có tờ Nhật báo Trung Hoa ở góc đường Borgnes Desbordes và đường Nhà Chung, không được phổ biến mấy, và có tính chất hoàn toàn tôn giáo.
Phật giáo có nguyệt san Ðuốc Tuệ, xuất bản tại chùa Quán Sứ, đường Richard do Hoà thượng Tố Liên, và cựu Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc.
Phủ Toàn Quyền Pháp cũng cho xuất bản một tuần báo dưới hình thức tạp san in tranh ảnh chính trị và văn nghệ L’ Indochine (Ðông dương). Về chính trị, dĩ nhiên nó là cơ quan tuyên truyền chính sách thực dân Pháp. Nhưng về văn học và khảo cứu, có nhiều bài có giá trị.
Hải Phòng cũng có hai tờ báo Pháp ngữ của người Pháp, chuyên về chính trị và kinh tế : Le Courrier d’ Haỉ Phòng và L’ Eveil économique của Coucherousset.
Huế, Ðế Ðô Trung kỳ, chỉ có hai tờ báo, cả hai đều do phái Bảo Hoàng chủ trương suy tôn Bảo Ðại và Nam Phương Hoàng hậu: Tràng An (việt ngữ của Bùi Huy Tín, chủ nhân và nhà sách), La Gazette de Huế (pháp ngữ do Nguyễn Tiến Lãng viết văn Pháp, Phủ Doãn Thừa Thiên và rể Phạm Quỳnh, làm chủ bút). Phạm Văn Ký, một thi sĩ làm thơ Pháp, khá nổi danh với thi phẩm Une Voix sur la Voie xuất bản ở Saigon, được gọi về công tác trong văn nghệ.
Hai tờ báo trên đây, chỉ có giới trí thức ở Huế đọc mà thôi, không được lưu hành nhiều ở các tỉnh.
Saigòn - Nhựt báo (tiếng bình dân thông dụng gọi là nhựt trình) ở Thủ Ðô Nam kỳ hồi đầu Chiến tranh thế giới cũng hầu hết là những tờ báo xuất bản đã lâu năm, và chia làm hai loại :
- Loại do tư bản Pháp xuất vốn ra làm, với sự cộng tác của những người tư bản và trưởng giả An nam, như Ðiện Tín, Công Luận ( hai ấn bản quốc ngữ của hai nhật báo Pháp La Dépêche và L’Opinion) Tờ "La Dépêche" và tờ Ðiện Tín (của Henri de la Chevrotière, một thực dân khét tiếng ở Nam kỳ) là hai tờ báo rất chạy ở Saigon và Lục Tỉnh.
- Loại thứ hai của tư bản An nam, cũng có tính cách hoàn toàn thương mãi : Sài Thành (của Bút trà Nguyễn Đức Nhuận) hoặc của đảng phái chính trị như Ðuốc Nhà Nam (của Nguyễn Văn Sâm), L’Echo Annamite (của Nguyễn Phan Long) v.v…
Báo cộng sản (La Lutte) của nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế (Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch) và báo của nhóm Ðệ Tam (Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo), vẫn còn hoạt động hồi đầu tháng 9/1939.
Các báo cách mạng quốc gia có xu hướng hơi quá khích một chút đều lần lượt bị đóng cửa hết.
Về Văn Nghệ, còn tờ tuần báo Mai (của Ðào Trinh Nhất) có đôi chút ảnh hưởng với một số văn nghệ trẻ Nam kỳ.
Ðó là tình trạng báo chí tổng quát của ba xứ An-na-mít khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ở Âu châu.
Dưới lớp vỏ bề ngoài, chính trị, xã hội, văn hoá, nẩy nở thịnh vượng trong khuôn khổ đô hộ của chế độ thực dân Pháp, như tôi đã phác hoạ trên, dân tộc An nam vẫn còn say chìm trong giấc ngủ mê man của thế kỷ.
Việt Nam chưa tỉnh dậy. Hồn thiêng của đất nước Tiên Rồng như còn phảng phất đâu đâu trong các đền đài của Lịch sử.
Sức đè nén thực tế, nhiều khi vô hình, nhưng luôn luôn hiện hữu, quyế liệt của thực dân dùi cui (colonialisme à la trique) mà kẻ cầm quyền Pháp và bọn tôi tớ vô liêm sĩ của họ gọi tâng bốc là “ Thái Bình Pháp “ – La Paix Francaise, hầu như được coi là một định luật và được đa số thụ động chấp nhận như một sự kiện mặc nhiên của Lịch sử.
Nói đúng, thì nhiệt khí cách mạng đã phun ra từng lúc, từng hồi, như một hỏa diệm sơn còn sôi ngầm trong lòng đất, tiếng gầm thét thỉnh thoảng đã vang lên, chuyển động bốn phương trời như một căm thù triền miên từ vạn cổ nhưng thời tiết chính trị vẫn còn trong sáng, dân tâm chưa sôi động, dân tình còn xao lãng, lan man.
Vả lại, tiếng súng ở biên thùy Pháp - Ðức cũng còn im lìm. Chiến tranh khởi phát bằng sự lặng lẽ bất thường ở tiền tuyến. Hai bên địch thủ chĩa súng gờm nhau, nhưng chưa khai hỏa.
Các báo Anh, Pháp, Mỹ và chung cả thế giới bắt đầu bình luận liên miên về “ chiến tranh quái gở “ - une drôle de guerre, mà một bên là Ðức, một bên là Pháp và Anh, đều án binh bất động, Mỹ còn đứng vòng ngoài, Nga vờ nắm tay đồng loã với Ðức và đang âm thầm chuẩn bị.
Hitler vừa hùng hổ kéo quân xâm chiếm Dantzig, rồi lần lượt Ba Lan, Tiệp Khắc, Autriche (Áo).
Thế giời có cảm tưởng như con cọp vừa ăn no nê mấy con mồi, nằm lim dim ngủ, chờ bụng đói sẽ vùng dậy băng rừng.
Cả Âu châu đều hồi hộp đợi chờ. ở Ðông dưong cũng vậy.
Trong lúc tình hình chiến tranh ở Tây phương bỗng dưng trầm lặng, các báo Pháp ở Paris không có tin tức chiến sự nào “ giựt gân “để loan truyền, thi đua nhau viết bài đề cao quân đội Pháp và đại tướng Gamelin, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Pháp và Ðồng minh.
Ðại đa số, có thể nói là hầu hết giới trí thức An nam cả giới trí thức cách mạng, đều vồn vả đọc báo Pháp và đều tin tưởng vào những lời tuyên truyền kia, vì thực ra mình có biết gì về giá trị và những bí mật của quân đội Pháp và vị Thống tướng của họ đâu.
Mình nghĩ rằng, để đương đầu với một nước Ðại Ðức (Grand Riche Allemand) dưới quyền lãnh đạo của nhà độc tài ghê gớm Adolf Hitler đã gây ra sóng gió ở Trung Âu và đã làm cho cả thế giới kinh hãi, thì tất nhiên nước Pháp và Ðồng minh là nước Anh (Mỹ còn đứng ngoài vòng chiến) đã phải chuẩn bị sẵn sàng với lực lượng hùng dũng, mạnh hơn hoặc ít nhất cũng tương đương với quân lực Hitler.
Quân Anh đã đổ bộ lên đất Pháp, đóng dọc theo biên giới Pháp, Bỉ, để sẵn sàng bảo vệ hai nước Bỉ và Hoà Lan với sự yêu cầu của hai vương quốc này, mặc dầu cả hai đã chính thức tuyên bố trung lập, nghĩa là không tham chiến.
Chiến lũy Maginot (tên Bộ trưởng Chiến tranh Pháp chủ trương đắp chiến lũy này) dọc theo bờ sông Rhin, được tăng cường với một lực lượng hùng hậu bằng pháo binh, bộ binh, và xe thiết giáp. Nhưng quân lính nơi đây đã bắt đầu buồn chán vì “La drôle de la guerre“ (chiến tranh quái gở) chưa thật sự bùng nổ, Pháp Ðức đã tuyên chiến từ ba tháng rồi mà Ðức vẫn chưa khởi sự tấn công.
Bên kia sông Rhin, quân đội Nazi (quốc xã Ðức) đã bài binh bố trận, các họng súng đại bác đã chĩa qua bên này, nhưng chưa một lần nào khạc đạn. Quân lính Pháp chờ mãi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, vẫn không thấy quân Ðức tấn công. Không có việc gì làm, quân đội Pháp phòng trú dọc suốc chiến lũy Magnot được nhàn rỗi chỉ đánh cờ, biểu diễn văn nghệ, viết thư cho người yêu và cho gia đình. Nhiều người lại cao hứng làm thơ, viết văn gửi về đăng trong các báo chí ở Paris.
Một vài nhà báo Pháp lạc quan đến nỗi cho rằng Hitler chỉ hăm dọa suông chứ không dám tấn công trước cuộc bài bố lực lượng hùng hổ của quân đội Pháp, và ức đóan rằng có thể chiến tranh sẽ “chấm dứt trước khi khởi sự“.
Chính phủ Pháp Daladier vẫn tiếp tục phô trương “sức mạnh vĩ đại của quân đội Pháp sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù“. Các nhà chính trị nổi tiếng của Pháp thường tuyên bố rằng lần này nước Pháp nhận lãnh trách nhiệm thanh toán lần chót vấn đề bành trướng đế quốc Ðức hăm dọa hoà bình thế giới, và quả quyết rằng chiến tranh này là “Chiến tranh cuối cùng của những Chiến tranh“ theo danh từ mới thường phổ biến trên các báo Paris.
Hành chánh thuộc địa Pháp ở Ðông dương (mà các nhật báo An nam nịnh Tây thường gọi là Ðông Pháp, Indochine Francaise cũng làm phát ngôn viên của chính phủ Paris, và các nhật báo An nam ở Saigon, Huế, Hà Nội, hằng ngày phổ biến những bản diễn văn hoặc những lời tuyên bố hùng hồn rất lạc quan, rất kiêu hãnh của các chính khách Pháp ở Paris, của vị Toàn quyền và các Thủ hiến Pháp ở Ðông dương.
Phải nhìn nhận sự thật này, là lối tuyên truyền của thực dân Pháp đề cao sức mạnh của họ, cương quyết và khéo léo đến nỗi quảng đại quần chúng An nam từ Nam đến Bắc, đều tin tưởng nơi sức mạnh của Pháp, và hành chánh thuộc địa dựa vào tin tưởng ấy mà duy trì rất dễ dàng chế độ đô hộ Pháp ở năm xứ Ðông dương.
Sự kiện thực tế ấy cũng đè nặng trong trí óc của những người cách mạng An nam và các đảng cách mạng kể cả đảng cộng sản An nam, vẫn tiếp tục hoạt động lén lút, chưa dám công khai, vì không một lãnh tụ nào tin tưởng vào sự thành công dễ dàng và mau chóng của công việc mạo hiểm của mình. Ảnh hưởng thâm đậm của Pháp hãy còn mãnh liệt trên khắp các từng lớp nhân dân thuộc địa.
Tuấn theo dõi sát tình hình chiến cuộc Pháp Ðức ở Tây Âu, Nhật Tàu ở Ðông Dương, và cuộc diện Ðông dương tuy bề ngoài trầm lặng, nhưng không phải không ngấm ngầm sôi đông bên trong.
Một vài biện pháp thông thường, tuy đối với dân An nam hãy còn mới lạ như phòng thủ thụ động, đào hầm trú ẩn, bọc đèn chiến tranh bằng vải đen, như đã nói ở trên, ngoài ra không có thay đổi lớn lao, rõ rệt hơn.
Sau phong trào xôn xao của vài tuần lễ đầu, từ khi Pháp tuyên chiến ngày 3/9, đời sống hằng ngày của dân chúng trở lại bình thản, giống như tình hình chiến cuộc bất động ở tiền tuyến Pháp vậy.
Riêng Tuấn để ý thấy từ tuần lễ thứ ba, những chuyến tàu điện (tramway) trên đường Hà Nội - Hà Đông, khởi chạy từ 3 giờ sáng (thường nhật chỉ bắt đầu chạy lúc 5 giờ) và chở toàn lính khố đỏ An nam (tirailleurs Annamites) của “Ðệ Nhứt sư đoàn bộ binh thuộc địa (1er légiment de l’ Infanterie coloniale) gọi tắt là R.I.C do sĩ quan Pháp chỉ huy.
Tuấn đoán chừng họ đi tập trận, nhưng không biết tập ở địa điểm nào, và muốn xem họ tập trận như htế nào. Tò mò, Tuấn tìm đến nhà một người đội khố đỏ Bắc kỳ quen biết đã lâu (gọi là “khối đỏ“ danh từ đặc biệt An nam, không dịch đúng theo danh từ Pháp “tirailleur“ chỉ binh chủng bộ binh thuộc địa, đóng một khố vải đỏ nơi lưng quần, và quấn chân đỏ, khác với lính khố xanh (lính tập), và lính khố vàng riêng biệt của vua An nam ở Huế). Ông này cho Tuấn biết là cuộc tập trận dọc theo đường Hà Đông, phía trên làng Mộc Nhân khoảng 5 cây số, từ 3 giờ 40 sáng đến 4 giờ 50 sáng.
Có khi tập nơi làng Bưởi hoặc làng Bạch Mai. Ông đội thuật lại cho Tuấn nghe nhiều chi tiết khá hấp dẫn của một cuộc tập trận, trong đó sư đoàn bộ binh chia thành hai phe địch thủ, tranh nhau chiếm một địa điểm đã chỉ định trước. Xe tăn không tham gia tập trận vì xe tăn và xe thiết giáp hầu hết là cũ kỹ, đồ thừa thãi của Pháp từ Ðệ Nhất thế chiến còn lại, bố thí cho quân viễn chinh ở Ðông dương, dùng để biểu diễn trong các cuộc diễn binh hơn là để đi chiến đấu. Phi cơ cũng không tham gia các cuộc tập trận, cổ điển và rất thô sơ ấy, vì lẽ phi trường Gia Lâm, duy nhất của Hà Nội, chỉ có số phi cơ dự trữ không quá 12 chiếc, và hơn một nửa là Morane kiểu 1921 và Petez cũ sửa chữa lại.
Lắm lúc Tuấn suy nghĩ : quân lực của Pháp ở Ðông dương rất yếu ớt, và tổ chức rất sơ sài như thế mà Pháp đè đầu đè cổ được trên một xứ An nam cả ba kỳ dân số trên 25 triệu người, thì cũng lạ thật! Ðành rằng họ còn có một đội quân “Lê dương“ - Légion Etrangère gồm dân thuộc địa Phi châu, và nhiều nhất là Malgaches, Marocains, Sénéagalais.
Dân chúng An nam gọi bọn này bằng một danh từ chung là “lính Tây đen“, không phân biệt chủng tộc nào cả, hoặc “lính lê dương“.
Bọn này thật là dữ tợn, và thực tế gồm toàn dân du đãng trộm cướp giết người, thường tội, bỏ trốn quê hương xin nhập tịch vào đội quân lê dương Pháp.
Theo Tuấn dò hỏi thì ngoài những lính Bắc Phi châu, đội quân Lê dương còn có người Ðức, Áo, Tiệp Khắc, Y pha Nho và Thuỵ sĩ.
Ðông hơn nhất là người Ðức và Tiệp Khắc. Mặc dầu họ là những kẻ vong bổn, bỏ quốc tịch của họ, trốn qua Pháp xin làm lính Lê dương, và trình độ văn hoá rất thấp kém, nhiều chú dốt đặc, nhưng họ vẫn có mặc cảm tự tôn, mặc cảm Tây phương, đối với dân tộc An nam.
Tuy nhiên hầu hết chúng có vợ An nam và chú nào cũng bị người vợ bổn xứ đè đầu đè cổ hiếp đáp, nhiều khi đánh đập tàn nhẫn nếu người “me tây“ bắt gặp chúng đi chơi điếm, hoặc đem tiền lương về không đủ số, hoặc không vui vẻ tuân theo một mệnh lệnh của “chérie“.
Một chú lê dương Ðức, 27 tuổi, nói tâm sự cùng với Tuấn rằng nếu hắn đàn áp những người cách mạng An nam một cách vô cùng dã man trong một cuộc khủng bố ở Nghệ An chỉ là để trả thù lại những lúc hắn bị người vợ An nam khủng bố hắn còn dã man hơn thế nữa mà hắn cũng ráng chịu.
Sự trả thù ấy hắn cũng không dám nói cho vợ hắn biết. Tên Lê dương này đã thi đổ tú tài, đã học Ðại học Filburg (Ðức) nhưng lỡ hiếp dâm một cô bạn gái, bị cô này kiện ra toà, nên y trốn sang Alsace (Pháp) xin nhập Pháp tịch và đăng vào đạo lính lê dương, được đổi qua đồn trú tại Marakech (Maroc) rồi qua Hà Nôị. Chính hắn sau này chơi thân với Tuấn và lén lút cho Tuấn nhiều tin tức bí mật về các cuộc dự định của quân đội Pháp ở Ðông dương chống nhật, và chống cách mạng An nam.
Ðồng thời Tuấn đã liên lạc được với một người bạn quen từ lâu, lúc bấy giờ làm sĩ quan ở Binh đoàn Khố Ðỏ ( compagnie des Tirailleurs Annamites) tên là Nguyễn Ngọc Lễ, anh là một thanh niên quê quán miền Trung, tuy làm lính cho Pháp nhưng tinh thần nòi giống rất cao, có khí phách cách mạng, vẫn nuôi hoài bão quốc gia độc lập.
Sau này, năm 1948, Nguyễn ngọc Lễ làm đại tá chỉ huy trưởng Vệ binh đoàn ở Huế, rồi làm Tổng giám đốc công an được vài ba năm dưới thờ Ngô Ðình Diệm, sau trở về quân đội cộng hòa, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ tham gia hăng hái cuộc đảo chính chống Diệm vào năm 1963, và được lên cấp trung tướng.
Tuấn thường xuyên liên lạc với anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ từ tháng 10 năm 1939, sau một cuộc họp bí mật ở một gian nhà của nữ đồng chí ở Nam Ðồng, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Trong buổi họp, ngoài cô bạn đồng chí, Tuấn và Nguyễn Ngọc Lễ, còn có hai sinh viên trường Cao đẳng Y khoa, và một nhà văn.
Mục đích của nhóm này là kết nạp một số đồng chí có lý tưởng quốc gia thuần tuý, không nương dựa một thế lực ngoại bang nào cả. Năm 1939, các giới trí thức Việt Nam bị chia rõ rệt thành 5 khuynh hướng:
- Một số thân Pháp tin tưởng Pháp sẽ thắng trận,
- một số theo mệnh lệnh Ðệ Tam quốc tế của Nga sô ở Moscow (cộng sản đệ tam) hoặc Ðệ Tứ quốc tế ở Paris, tuy là Trotsky ở Mexique (cộng sản đệ tứ),
- một số thân Nhật bản, và
- một số trung thành với chủ trương VNQDРcủa Nguyễn Thái Học, nhưng có phần dựa vào Quốc dân đảng (Koo-Minh Tang) của Tưởng Giới Thạch.
Trong lúc đó, một nhóm thanh niên trí thức thuần túy quốc gia âm thầm lập tại Hà Nội một mặt trận Antifascistes Indépendants, gọi tắt là AFI (độc lập chống phát xít), chủ trương tích cực tranh đấu cho quốc gia Việt Nam độc lập, mà chống Pháp, chống Nhật, chống cộng sản (cả đệ tam lẫn đệ tứ) và khi độc lập được rồi sẽ liên kết với tất cả các khối quốc gia trên thế giới, trên chủ quyền quốc gia bình đẳng.
Anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ rất hoan nghênh chủ trương ấy, vì anh cũng chống Pháp, chống Nhật, chống cộng sản. Rất hăng hái, nhưng nhóm này hoạt động rất khó khăn, gặp rất nhiều trở ngại ngay trong giới cách mạng Việt Nam.
Trên lỉnh vực văn nghệ, Tuấn biết Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam đang thành lập đảng Việt Nam Dân Chính có khuynh hướng thân Nhật rõ ràng. Nguyễn Triệu Luật và Lan Khai, rất thân với Nhượng Tống và triệt để theo đường lối cách mạng VNQDРcủa giai đoạn 1930, đường lối mà Tuấn cho rằng có tính chất phong kiến, lỗi thời, không kết nạp được quảng đại quần chúng, nghĩa là không tranh thủ kịp với bọn cộng sản trên phương diện tuyên truyền và tranh đấu chống đế quốc thực dân và phát xít.
Các ông cụ của Ðông Kinh Nghĩa Thục hầu hết là nhà nho, như Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, còn rất nhiều hoài niệm về Nhật bổn, và đang liên lạc mật thiết với nhóm của Trần Trung Lập, con nuôi của cụ Cường Ðể, ở Quảng Ðông.
Cộng sản, thì ai cũng biết, nhóm Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Ðặng Xuân Khu.
Tất cả các đảng trên hoạt động tuyên truyền hăng hái, tuy ngấm ngầm, trong các giới công chức, tư chức, giáo chức và thương mãi kỹ nghệ. Chỉ có cộng sản là đi sâu vào các giới bình dân lao động mà thôi.
Nhóm thanh niên quốc gia thuần tuý, độc lập chống phát xít của Tuấn gặp toàn là chống đối. Danh từ phát xít lúc bấy giờ riêng ở Việt Nam bao gồm chủ nghĩa đế quốc Pháp và Nhật. Nhóm AFI của Tuấn ghép cả vào đó chủ nghĩa đế quốc cộng sản Ðệ tam và Ðệ tứ.
Do đó mà “liên đoàn các nhà văn chống phát xít“ – Ligue des Ecrivains Antifascistes do Tuấn lập ra với sự tham gia trong giờ đầu tiên của Võ Nguyên Giáp, Ðặng Thái Mai và Jean Lang (cộng hoà độc lập, chủ nhiệm báo La Jeune République, trụ sở ở sát cạnh toà báo L’ Annam Nouveau của Lê Thăng (luật sư, có vợ đầm, có chân trong hội Tam Ðiểm, Franc Maconnerie, và kế vị Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút báo L’ Annam Nouveau. Hiện nay ở Saigon). - bị tan rã ngay sau 2 tháng hoạt động suông.
Giáp không đồng ý về danh từ “ phát xít “ của Tuấn và các đồng chí trong nhóm “độc lập chống phát xít “. Trong một cuộc thảo luận, Tuấn có nói :” Ai cũng biết rằng danh từ “ fascite” phát xuất từ Tây Âu lần đầu tiên từ khi Mussolini lên nắm chánh quyền ở La Mã, và áp dụng chế độ độc tài phát xít. Sau đó, người ta gọi chung các chế độ độc tài, Ðức quốc xã của Hitler và quân phiệt Nhật của Tojo, bằng danh từ phát xít.
Ở Việt Nam, danh từ phát xít được ám chỉ cả đế quốc thực dân Pháp cũng như đế quốc Nhật.
Hai anh Ðặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp gia nhập “liên đoàn các nhà văn chống phát xít“ với chủ đích lôi kéo liên đoàn này vào đảng cộng sản, nhưng khi gặp sự cương quyết nhận định ý nghĩa chống luôn cả phát xít Nga sô, do các bạn của nhóm AFI chủ trương, hai anh ấy rút lui.
Ðối với các đảng phái quốc gia thân Nhật, Tuấn và các bạn đồng chí cũng gặp sự chống đối quyết liệt như thế.
Một buổi tối, sau một cuộc nhóm họp chung của các phần tử còn lại với nhau sau khi Mặt trận bình dân đổ vỡ, Nguyễn Tường Tam cùng Tuấn ra về một lúc, cùng đi một đường, dọc bờ hồ Hoàn Kiếm. Tam hỏiTuấn bằng giọng khôi hài:
- Người Nhật làm gì hại anh mà anh chống Nhật?
Tuấn cười trả lời:
- Thế thì người Nhật làm gì cho anh mà anh thân Nhật.
Câu chuyện đấu khẩu nửa thật nửa đùa kéo dài cho đến đầu đường xe điện đi Thái Hà ấp. Nhưng lập trường chính trị và cách mạng của Tuấn vẫn cương quyết bảo vệ tính chất thuần túy quốc gia, mặc dầu các phong trào thân Nhật, thân Pháp, đang đồng thời phát triển ngấm ngầm, và đả kích nhau sôi nổi trong các giới trí thức Hà thành bị chia rẽ vì lập trường chính trị.
Việc Staline ký hiệp ước “bất xâm lăng“ của Hitler lại là một dịp để Tuấn đả kích chính sách cộng sản, và Tuấn hăm hở nói với Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu rằng Staline phản bội các đảng cộng sản thế giới.
Sau đó một tháng, đảng cộng sản Pháp cũng bị lung lay trong nội bộ, và một số đảng viên thuần thành đã chính thức ly khai đảng để chống lại chánh sách phản bội của Staline và cộng sản Nga Sô. Trong số đảng viên cộng sản ly khai này, có nghị sĩ cộng sản Maurice Honel, người đã được cộng sản Pháp phái qua An nam năm 1917, để tiếp xúc với cộng sản An nam, và đã được Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của anh tiếp đón vô cùng long trọng.
Lời tuyên bố ly khai của 32 nghị sĩ cộng sản, trong đó có Maurice Honel, đã được đăng trong các báo Pháp: “Paris Soir“, L’Intransigeant, Match de la Vie “ v.v…
Tuấn cũng hiểu rằng Staline ký “ hiệp ước bất xâm lăng “ … traité de non-agression - với Hitler là để có thì giờ chuẩn bị đương đầu với nhà độc tài Nazi, chứ thực tâm Staline vẫn coi Hitler là “ một tên đồ tể ghê gớm, một tên khát máu “, nhưng Staline cũng chẳng đạo đức gì hơn. Hiệp ước bất xâm phạm ký kết ở Moscow giữa Ribbentrop ngoại trưởng của Hitler và Molotov, ngoại trưởng của Staline, chỉ là một thủ đoạn chính trị mà cả hai đều có thâm ý lợi dụng trong một giai đoạn để chuẩn bị sẵn sàng một cuộc tàn sát tiêu diệt trong tương lai gần gũi đó thôi.
Năm 1939, mấy anh cộng sản An nam ở Hà Nội cũng đưa cái lý luận đó ra để bênh vực chính sách “ tài tình siêu việt “ của Staline, mà họ gọi bằng tiếng Pháp là “ la politique géniale de Staline “.
Nhưng Tuấn nhất định chống cãi rằng cái chính sách ấy nếu có lợi riêng cho Nga xô trong giai đoạn chưa chuẩn bị đầy đủ để đương đầu với Hitler, thì, trái lại, nó là một đòn nham hiểm, cho Hitler được rảnh tay ở phía Ðông, để dồn lực lượng vào cuộc tấn công bão tố các nước Tây phương.
Thâm ý của Staline là để Hitler tiêu diệt các đế quốc Tây Âu ( Pháp, Anh, Hoà Lan, v,v…) tạo cơ hội cho cộng sản Tây Âu nổi dậy, rồi Staline sẽ đánh bại Hitler, với sự hơp lực của cộng sản Tây Âu thành ba bốn mặt trận cộng sản bao vây Ðức quốc xã như một gọng kềm vĩ đại.
Hitler thì tính rảnh tay ở phía Ðông để tiêu diệt Pháp, Hoà Lan, Bỉ, Anh rồi quay lại đập Nga xô. Nhưng cả Hitler lẫn Staline đều không ngờ đến sức kháng cự quyết liệt và kinh khủng của Anh, và sau đó đến sự can thiệp của Mỹ.
Cho nên, sau khi ký hiệp ước “thân thiện“ với Nga xô. Hitler tạm yên trí ở phía Ðông, dồn hết quân lực mở cuộc tấn công chớp nhoáng về phía Tây, các bác Ðức gọi là Blikzkrieg đánh lấy Luxembourg, Bỉ, Hoà Lan, Pháp, không đầy 20 ngày.
Ðồng thời Suède, Norvège, Danemark cũng bị quân Quốc xã chiếm đóng. Quân đội Hitler tràn ngập luôn cả vào các nước Nam Âu sát vùng Caucase của Nga.
CHƯƠNG 59 
1940
- Tin Paris bị quân đội Hitler chiếm đóng làm xôn xao dư luận dân chúng Việt Nam.
- De Gaulle Toàn quyền Catroux.
- Hà Nội báo động.
- Hải Phòng bị Nhật ném bom lần đầu tiên.
- Dân chúng Hà Nội tản cư về các vùng quê.
- Lạng Sơn bị Nhật chiếm. Việt Nam Phục Quốc Quân.
- Phi cơ và quân đội Nhật ào ạt đến Hà Nôị.
- Những câu sấm Trạng Trình.
Ở Hà Nội, tin chiến tuyến Maginot bị đổ vỡ, và Paris bị thất thủ, gây một không khí xúc động mãnh liệt bất ngờ, so với trận Ðệ Nhất Thế Chiến giữa Ðức và Pháp kéo dài 4 năm từ 1914 đến 1918. Người ta đều tin tưởng rằng trận Ðệ Nhị Thế Chiến này dù Ðức mạnh đến đâu chăng nữa, Pháp cũng chống cự được 3,b4 năm, với sự giúp đỡ của đồng minh.
Ai ngờ đâu quân đội Hitler tràn ngập đất Pháp với một lực lượng kinh hoàng như sấm sét chà nghiến các chiến trường Pháp như một con quái vật khổng lồ dẫm lên một bầy người tí hon. Tất cả đều chết bẹp, hoặc còn sống sót thì chạy tán loạn không kịp thở.
Cả một đoàn quân Ðồng minh Anh cũng vội vàng chạy ra hải cảng Dunkerque, bỏ lại nước Pháp trơ vơ, rối loạn, khiếp đỡm, làm mồi cho quân Ðức.
Hà Nội xôn xao với những tin chiến trận bất ngờ ấy. Các giới cách mạng “ An nam “ cũng vô cùng kinh ngạc. Chẳng có một đảng phái quốc gia nào, và cả đảng cộng sản, chuẩn bị sẵn sang để chờ đón biến cố phi thường ấy, hầu như là phi lý …
Ðó là vào giữa tháng 5 năm 1940…
Tin tức bên Pháp vẫn qua đều đều và dồn dập mỗi ngày nhiều biến cố mới, hầu hết là bi đát và trái ngược nhau, chứng tỏ một tình trạng chính trị vô cùng hỗn loạn. Nội các Paul Reynaud cố tiếp tục chiến tranh mặc dầu ngày 10-6-1940, Paris đã bị quân đội của Hitler chiếm đóng mà không tốn một viên đạn.
Paris đã được tuyên bố là thành phố bỏ ngỏ. Quân đội Pháp đã tản cư vội vã và lộn xộn. Trong cuộc “ chạy giặc “ vĩ đại của những đợt sóng dân chúng hoàn toàn rối loạn từ các tỉnh miền Bắc ào ạt tiến xuống các vùng quê miền Tây và miền Nam, làm nghẻn tất cả các con đường.
Tổng thống Lebrun, và nội các Paul Reynaud cũng hấp tấp tản cư về Orléans rồi chạy xuống Bordeaux, hải cảng cuối cùng của miền Tây Nam, trên bờ Ðại tây dương. Nơi đây chính phủ Thượng và Hạ viện Pháp chia làm hai phe : một theo Paul Reynaud quyết tản cư qua thuộc địa Algérie ở Bắc Phi châu và tiếp tục chiến đấu, một phe theo Thống chế Pétain và Ðại tướng Weygand xin đầu hàng và đơn phương đình chiến với Ðức, nghĩa là phản bội lại Ðồng minh Anh quốc. Vì áp lực quân sự quá mạnh, lực lượng quân đội Pháp hoàn toàn bị tan rã, nên phe đầu hàng thắng thế. Thống chế Pétain, vị anh hùng thắng ở Verdun hồi Ðệ Nhất Thế chiến đứng ra lập một chính phủ đầu hàng ở Vichy. Pierre Laval làm thủ tướng chủ trương triệt để hợp tác với Ðức và nhận mệnh lệnh của Hitler.
Ðại tá De Gaulle vừa mới được Paul Reynaud làm cho Thứ trưởng Bộ Chiến tranh hồi tháng 5-1940, và được thăng cấp bực Thiếu tướng, từ Bordeaux đã trốn bay qua Luân đôn để thành lập một chính phủ lưu vong. Ngày 18 tháng 6 ông kêu gọi người Pháp tiếp tục chiến đấu với sự bảo trợ của Churchill và chính phủ Anh hoàng của George V.
Nhóm De Gaulle lúc bấy giờ mới có độ năm bảy người thôi.
Đông dương vẫn còn nguyên vẹn là Ðông Pháp, thuộc địa của Pháp. Lời kêu gọi của De Gaulle đọc trong đài B.B.C ở Luân Ðôn vẫn được loan truyền ở Saigon, Huế, Hà Nội, cũng như ở Phnom-Penh (thủ đô Cao Miên) à Luang Prabang, Vientiane (Lào).
Nhưng đồng thời dân chúng An nam cũng được nghe lời hiệu triệu của Thống chế Pétain, bây giờ gọi là Quốc trưởng Quốc gia Pháp (Chef de l ‘État Francais) vì chế độ cộng hoà đã bị bãi bỏ. Pétain kêu gọi các thuộc địa Pháp “hãy trung thành chính phủ hợp pháp của Thống chế ở Vichy“ và đừng nghe lời tên “phản quốc De Gaulle “. Ông này mệnh danh là “ lãnh tụ nước Pháp tự do “ (chef de la France Libre) đã bị chính phủ Vichy kết án tử hình khiếm diện.
Tất cả những tin tức trái ngược và hổn độn ấy khiến cho dân chúng An nam vô cùng thắc mắc, và bàn tán rất xôn xao. Các giới cách mạng và chính trị ở Hà Nôị, Saigon, đã bắt đầu rục rịch theo dõi sát tình hình biến chuyễn ở Pháp hằng ngày, hằng giờ, để …tuỳ cơ ứng biến.
Có một điều mà Tuấn đặc biệt chú ý, là tình hình chính phủ và quân sự của Pháp quốc đã bị phá sản như thế rồi, mà giới quan lại và trưởng giả An nam vẫn còn trung thành với “mẫu quốc“ của họ.
Ở Hà Nội cũng như ở Huế và Saigon, những lớp người đã được ân huệ của Pháp, riêng ở Nam kỳ hầu hết là những kẻ đã nhập tịch dân Pháp, như một số đông Thượng thơ, Tổng đốc Tuần phủ, đại kỷ nghệ gia ở bắc kỳ và Trung kỳ, những Ðốc phủ sứ và “Bác vật“, bác sĩ, kỹ sư, commis, “đội đồng, đại điền chủ ở Nam kỳ, đều công khai bày tỏ “lòng tri ân và luyến ái, tận tuỵ trung thành không nao núng“ của họ đối với “Nước Ðại Pháp Bảo Hộ“, “Mẫu Quốc“ của họ," leur attachement inébranlable à la Mère-Patrie “.
Nhưng “Mère Patrie“ nào? Vì “ mẫu quốc “đã bị chia làm hai phe, công khai đả kich lẫn nhau, thù địch lẫn nhau, chửi nhau là phản quốc. Dĩ nhiên, trong những ngày đầu tiên của tháng 6 và tháng 7 cho đến tháng 9, tháng 10 năm 1940, những người Pháp cai trị ở Ðông dương đều khuynh hướng theo chính phủ kháng chiến của De Gaulle.
Lý do rất dễ hiểu, vì lòng ái quốc của lớp người Pháp ấy cũng có một phần, nhưng phần lớn là lòng tự ái của họ đối với các dân tộc thuộc địa ở Ðông dương, nhất là đối với dân An nam. Tự ái vì họ đã bị quân Ðức đánh bại, xứ họ đang bị quân Ðức chiếm đóng một nửa (miền Bắc) gồm cả thủ đô Paris, còn một nửa miền Nam Thống chế Pétain, vị anh hùng của họ đã oanh liệt hồi nào giờ lại làm quốc trưởng bù nhìn được Hitler cho đóng đô ở thành phố Vichy bé nhỏ. Thật là một nhục nhã, cho nên vị chúa tể của họ là đại tướng Catroux, Toàn quyền Ðông dương, đã công khai theo phe De Gaulle để chứng tỏ cho dân chúng An nam và Miên, Lào thấy rằng họ chưa thật sự chiến bại.
“ Nước Pháp đã thua một trận giặc, chứ không phải thua giặc “ như lời hiệu triệu của De Gaulle ngày 18-6-1940: ”La France a perdu une bataille, elle n’a pas perdu la guerre “.
Các giới An nam thân Pháp thì nhất định theo chiều hướng của Hành chánh Pháp ở thuộc địa. Viên toàn quyền và các viên Khâm sứ (Trung kỳ) Thống sứ (Bắc kỳ), Thống đốc (Nam kỳ) chủ trương như thế nào, họ cũng vổ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Họ vẫn hoàn toàn tin tưởng nơi nước Pháp, bất cứ là cái nước Pháp nào.
Các giới cách mạng An nam nắt đầu hội họp bí mật ngày đêm để thảo luận và theo dõi sát tình hình Pháp, Ðức, và Âu châu. Ðông Nam Á còn yên ổn (trừ cuộc chiến tranh thường xuyên giữa Nhật và Trung Hoa).
Những đề tài thảo luận sôi nổi nhất là thái độ của Nhật đối với Ðông dương sẽ như thế nào?
Ở Hà Nội lúc bấy giờ có hai nhóm chống Nhật, và ba nhóm thân Nhật.
Chống Nhật là đảng Cộng sản và nhóm AFI của Tuấn (Antifascistes Indépendants) - chống Phát xít Ðộc lập. Nhóm này gồm có Nguyễn Ngọc Lễ, nữ đồng chí Khuê Lưu, Tuấn, hai sinh viên Y-khoa, và Thọ, một sinh viên trường Luật.
(Khuê Lưu sau bị quân Pháp bắn chết ở Việt trì). Nhóm Chống Phát xít Ðộc lập đi tuyên truyền ở Hà Nội, Hải Phòng, bị các nhóm thân Nhật đả kích kịch liệt. Căn cứ trên tình hình chiến sự ở Âu châu, nhóm của Tuấn nhận xét rằng Nhật và Pháp sẽ đánh nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Tuấn có viết sách chống Nhật, tiết lộ Kế hoạch Tanaka mà đám quân phiệt Nhật đang áp dụng, chủ trương bành trướng thế lực Nhật ở toàn thể Ðông Nam Á, xâm chiếm An nam, Cao Miên, Lào, làm căn cứ để tràn qua Xiêm, Miến Ðiện và Ấn Ðộ, đồng thời chiếm Tân Gia Ba để chận đường của Anh, Pháp, Hòa Lan. Nhưng nhóm Tuấn lại nghĩ rằng bọn đế quốc thực dân Âu châu sẽ kêu gọi Mỹ về phe Ðồng minh với họ để diệt Nhật.
Nhóm Tuấn tin rằng thế nào Pháp và Nhật cũng sẽ đánh nhau vì Nhật ở trong “trục thép“ (axe d’acier) Berlin – Rome, Tokyo, đồng minh với Ðức và Ý. Bọn Pháp ở Ðông dương theo phe De Gaulle tức là chống Nhật, thì dĩ nhiên Nhật sẽ đánh Ðông dương và Anh, Mỹ sẽ đổ bộ ở đây. Dân chúng Việt Nam sẽ thừa cơ hội duy nhất đó để nổi dậy đòi Ðồng minh Anh - Mỹ bắt buộc Pháp phải trao trả độc lập cho mình, theo nguyên tắc “ 14 điểm của tổng thống Wilson hồi 18-19 xác nhận: ”quyền dân tộc tự quyết (le droit des peuples de disposer d’eux-mêmes).
Nhóm AFI của Tuấn lấy câu này làm khẩu hiệu tranh đấu với các nước đồng minh. Nhóm này đi hoạt động hoàn toàn bí mật, đợi khi nào Anh Mỹ đổ bộ ở Việt Nam, nhóm sẽ công khai ra mặt đòi độc lập.
Ðêm trung thu năm 1940, anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ vừa ăn bánh trung thu tại nhà nữ đồng chí Khuê Lưu, vừa xầm xì cho Tuấn và các đồng chí biết tin Nhật chuẩn bị đổ bộ Hải Phòng, nội trong tháng 8.
Người Pháp biết nhưng sẽ không dám làm gì để đối phó. Người Pháp ở Ðông dương tuy bề ngoài ra vẻ hiu hiu tự đắc để lừa bịp bịt mắt dân chúng, và tuyên bố phòng thủ Ðông dương rất kiên cố, chống mọi cuộc xâm lăng bất cứ từ đâu đến, nhưng kỳ thực họ vẫn gờm Nhật bản, và lo sợ Nhật gây hấn.
Cái tin sốt dẻo của Nguyễn Ngọc Lễ, hình như cũng có nhiều người biết, nhất là trong quân đội Pháp, nên từ ngày hôm sau tin ấy được loan truyền rỉ tai khắp cả Hà Nội và Hải Phòng. Cùng một lúc, viên Ðốc lý thành phố Hà Nội ra lịnh bắt dân chúng gấp rút sửa sang lại các hầm trú ẩn lâu ngày để cỏ mọc tùm lum, nước đọng dơ bẩn, và đào thêm nhiều hầm mới.
Tiếng đồn xôn xao khắp thành phố, tuy chưa thấy dấu hiệu gì chứng tỏ người Nhật sắp hành động gây chiến. Ði đâu cũng nghe dân chúng xầm xì bàn tán sắp có đánh nhau ở Hải Phòng.
Ông Ba Ngữ, một ông đồ Nho ở Phố Hàng Bạc, gặp Tuấn, khẻ bảo:” Tôi chả lo! Các cụ xưa đả bảo: Thăng Long bất chiến tự nhiên thành. Tuy nhiên không khí Hà Nôị đã thay đổi một không khí hồi hộp, nặng nề, lo âu. Nhiều gia đình đã tính việc tản cư tạm về quê, để nghe ngóng xem sau.
Sáng ngày 19/9, Tuấn mua vé xe lửa đi Hải Phòng để dò xét tình hình. Gặp mấy người bạn thân. Tuấn hỏi, họ cười bảo: ”Tin đồn, dân chúng ở đây đã biết cả, nhưng chả thấy gì“. Hải cảng không có phòng thủ, gần như một thành phố bỏ ngỏ. Dân chúng làm công việc hằng ngày chẳng có gì xôn xao.
Trở về Hà Nội, Tuấn nghe tin hai người Triều tiên có tiệm bán nhân sâm ở phố Hàng Ðẫy gần chợ cửa Nam, tự nhiên bị nhà chức trách Pháp bắt. Nhà buôn Nhật DainamKoosi ở phố hàng Nón tự nhiên đóng cửa. Nghe thiên hạ đồn rằng mấy người Nhật đã bỏ trốn đi cả.
Ðó là những triệu chứng bắt đầu tiết lộ một biến cố trầm trọng sắp xảy ra.
Ðùng một cái, 7 giờ sáng ngày 23/9/1940, Hà Nội có báo động. Lần này là báo thật sự, vì toà Ðốc lý không cho biết trước. Toàn thể dân chúng nhao nhao chạy xuống các hầm nấp. Hai chiếc máy bay Pháp bay vù vù trên vòm trời Hà Nôị, nhưng bay thật cao.
Thế rồi, không biết do ai truyền tin mà người này bảo người cho người kia biết là Nhật đang ném bom Hải Phòng. Hà Nội báo động vì có thể máy bay Nhật sẽ đến ném bom Hà Nội trong chốc lát. Dân chúng Hà Nôị lần này hoảng hốt thật sự. Thiến hạ nhốn nháo cả lên. Con nít bị lôi kéo xuống hầm, la khóc om sòm.
Buổi sáng hôm ấy, 23 tháng 9 năm 1940. Tuấn dậy thật sớm, đi lang thang trên phố Hàng Bột, quãng đưòng này từ Ô Chợ Dừa (Khâm thiên) đến ngã ba đường Duvillier (phố Hàng Ðẩy) dọc bên hông Văn Miếu (đền thờ Khổng Tử ) đến phố Sinh Từ.
6 giờ, mặt trời chưa mọc. Khí trời mát mẻ, một làn gió hiu hiu thổi phất phơ trên ngọn cỏ lá cây. Thành phố Hà Nội còn đang ngủ. Bổng tiếng còi báo động rú lên. Lúc đầu còn nho nhỏ rôì to dần, to dần, vang dội 36 phố phường như một tiếng mê sảng, thét lên trong ác mộng. Nghe rùng rợn làm sao!
Trong giây phút, tất cả kinh thành Hà Nôị đều tỉnh dậy, hoảng hốt, đổ xô xuống các hầm trú ẩn, chạy tán loạn trên các ngả đường.
Tin rằng máy bay Nhật chắc là không ném bom làm chi xuống Miếu Ðức Khổng Tử, Tuấn trèo ngay trên bức thành sau, bức thành đầy rêu với vôi gạch ngày xưa đã đổ nát nhiều, ngồi chờ xem và nghe ngóng. Một mình ngồi cheo leo trên đỉnh thành. Tuấn ngó xuống các hầm chữ chi đào chằng chịt trên các đám đất hoang gần Miếu. đông nghẹt những người trú ẩn. Một cặp vợ chồng trưởng giả ở Phố Hàng Ðẫy, vợ choàng chiếc áo ngủ chưa kịp cài nút, quần ống thấp ống cao, chồng mặc quần đùi, khoác aó pyjama bằng vải sọc, nắm tay nhau chạy hớt hơ hớt hãi lên phố Hàng Bột. Vấp vào đống đá xám của lục lộ đổ bên lề đường, bà vợ té xuống đá, ông chồng vội ôm xốc lấy bà, chạy khấp khểng xuống cái hầm gần đấy. Những người đứng chật ních dưới hầm, nước mưa đọng lâu ngày lên đến đầu gối, tuy họ đang lo sợ ném bom, nhưng vẫn không nhịn cười được, tất cả đều cười rồ lên khi thấy ông chồng lính quýnh té luôn với bà vợ ngay trên miệng hầm. Hai ông bà ôm nhau chặt cứng, cả hai đều nằm sắp mặt xuống cỏ, không dám ngó lên. Hai chiếc máy bay màu xám, đang vần trên trời, tiếng kêu vù vù làm rung động cả không gian.
Họ tưởng máy bay Nhật từ Hải Phòng bay lên và sắp ném bom, nhưng ngó kỹ thấy bóng dáng quen thuộc của hai chiếc Morane thám thính cũ-xì của Pháp, có lẽ để trấn tỉnh dân thành phố hơn là để phòng thủ, hay sẵn sàng nghênh chiến. Ngồi điềm nhiên trên tường miếu Khổng Tử, Tuấn thoáng nghĩ rằng, nếu máy bay Nhật bay đến đây thì chắc là hai chiếc Morane kia phải vội vàng cút mất, chớ đừng hòng nghênh chiến.
Máy bay chiến đấu của Pháp ở phi trường Gia Lâm có một chiếc Potez cũ, làm gì mà không thấy bay lên phòng thủ thủ đô? Hay chúng đã bay trốn đi từ khuya rồi?
Còi báo động đã im tiếng từ lâu. Mặt trời đã mọc, rọi ánh nắng trên một thành phố im lìm gần như nín thở. Tuấn có cảm tưởng trái tim Hà Nội đang đập mạnh trong cơn mê sảng trầm trọng, lo sợ Tử thần sắp bay đến bằng những chiếc cách đen ngòm và ghê rợn. Dân chúng dồn xuống các hầm trú ẩn, sợ hãi cho đến nỗi trẻ con khóc họ cũng bịt miệng chúng lại, một cái mũ cái khăn có màu xanh đỏ loè loẹt họ cũng cất dấu đi.
Một tiếng đồng hồ, lâu dằng dặc. Hồi còi lại rú lên… chấm dứt báo động. Dân chúng từ các hầm trú ẩn đọng nước lóp ngóp trèo lên, chạy nhanh về nhà.
Tuấn xuống phố Sinh Từ, gặp một người bạn họa sĩ Nguyệt Hồ, người Nam Ðịnh. Gầy như caí que, ngực lép xẹp, mang đôi giày há mồm. Nguyệt Hồ cười mừng hỏi Tuấn:
- Ở đâu ra đây, cậu?
Tuấn hất hàm về phía Văn Miếu:
- Ở sau bếp nhà cụ Khổng, còn cậu?
- Tớ nấp trong sân Hội Dục Anh của cụ cả Khiêm.
Rồi nghiêm nét mặt, Nguyệt Hồ bảo nhỏ :
- Hải Phòng bị ném hai quả bom, chắc cậu biết tin rồi chứ gì?
- Mình cũng vừa nghe tin đây. Hình như không có ai chết. Tụi Nhật chỉ ném bom xuống bờ biển để hăm dọa thôi.
- Láo! Có người chết lu bù. Nghe nói một quả rơi xuống phố Od’handal… Ðây không phải là tin tức của đài Phát Thanh, vì lúc bấy giờ Hà Nội chưa có Ðài Phát Thanh loan truyền tin tức, và cũng chẳng nhà nào có radio. Tất cả tin tức biết được cấp thời đều do một số người được ưu thế nghe lỏm nhờ làm việc trong Phủ Toàn quyền, trong các giới cao cấp Hành chánh Bảo hộ hoặc trong các trại lính Tây.
Vì thế nên tin đồn rất nhiều, nhưng nhiều khi trái ngược nhau, do những người vô tình hay cố ý loan truyền thất thiệt hoặc do các giới bồi bếp của Tây không hiểu rõ tiếng Pháp nên loan tin sai lầm.
Chỉ một giờ sau khi hết báo động là cả thành phố đều biết tin Hải Phòng bị ném bom. Nguyệt Hồ và Tuấn đi dọc theo phố Sinh Từ xuống chợ cửa Nam gặp một người bạn. Có vẻ bí mật, người bạn không ai khác hơn là Lê Văn Trương, cho biết Quân đội Nhật hoàng đang đánh Lạng Sơn.
Tuấn hỏi Trương:
- Cậu lấy tin ở đâu thế? Có thật không? Hay là gián điệp cho Nhật đấy?
Trương trố mắt la:
- Tao nói dối mày, tao làm con chó! Chúng nó đang đánh nhau ầm ầm ở biên giới. Giờ chúng tao đang nói với chúng mày đấy không khéo Lạng Sơn mất mẹ nó rồi còn gì!
Vội vàng từ gĩa Lê Văn Trương và Nguyệt Hồ, Tuấn chạy một mạch về nhà Minh Phương, ngõ Văn Tân. Ðây là nhà xuất bản các sách báo của Tuấn.
Ðến đây Tuấn được biết rằng ông Minh Phương đã đưa mẹ, vợ và con “về quê lánh nạn“. Phong trào “về quê lánh nạn“ đang được thịnh hành ở Hà Nội từ một tuần lễ đầu có chuyện rục rịch đánh nhau giữa Nhật và Pháp ở Bắc Kỳ. Chỉ còn anh bếp ở lại giữ nhà. Lúc Tuấn đến, anh bếp từ dưới hầm trú ẩn ở trong sân vừa chui ra, hỏi Tuấn:
- Hết báo động rồi sao, cậu Tuấn?
- Hết từ nãy giờ. Chú không nghe à?
- Sợ thấy mồ, còn nghe cái khỉ khô gì đâu!
- Ông Minh Phương đâu?
- Ông ấy đem mẹ nó cả gia đình về lánh nạn rồi còn chó gì.
- Ông ấy đi lúc nào? Chiều hôm qua chưa đi mà?
- Còn mỗi một mình chú ở lại giữ nhà thôi à?
- Thế mới cực bỏ mẹ.
- Cực cái gì?
- Chứ cậu nghĩ xem: Hai ông bà lo đi về quê lánh nạn, bỏ tôi ở lại giữ nhà, nhỡ bom ném xuống sập nhà thì làm thế nào? Tôi phải dọn cất các đồ đạc trong nhà, chả dám đi đâu cả!
- Không sao đâu, đừng lo.
- Cậu ở đâu?
- Tôi vẫn ở phố Mã Mây.
- Thôi cậu dọn về ở đây với tôi cho vui, nhé? Tôi thổi cơm cho cậu ăn. Ở đây đánh cờ tướng chơi.
Tuấn cười :
- Giặc giã đến nơi, ở đó mà đánh cờ tướng!
- Nghĩ cho kỹ thì Nhật họ đánh Tây, chứ ăn thua gì An nam, phải không cậu? Tây phải phòng thủ Hà Nội.
- Ðất này là đất An nam chứ đất Tây à? Nhật nó đánh Hà Nôị, thì nó làm thịt chúng mình! Còn Tây thì Nhật quét hết xuống hồ Hoàn Kiếm, thây kệ chúng nó chứ.
- Ồ Thăng Long bất chiến tự nhiên thành, mà cậu!
- Nếu thế thì chú còn sợ cái quái gì?
- Sợ máy bay Nhật ném bom thôi. Hôm nào Hà Nội bị ném bom thì tôi cũng chuồn về quê lánh nạn. Còn cậu?
- Tôi chả đi đâu cả.
Tiếng còi báo động lại rú lên rùng rợn.
- Thấy mẹ!
Chú bếp vừa kêu hoảng lên như thế vừa chui vội xuống hầm. Trong nháy mắt chú biến mất tiêu. Tuấn do dự thấy chiếc thang dựng nơi vách tường, Tuấn leo tuốt lên sân thượng để xem dân thành phố chạy đi trú ẩn lần nữa.
Khi nào máy bay Nhật đến, mình sẽ nằm sấp xuống sàn sân thượng để nghe ngóng và ngóc đầu xem nó ném ở chỗ nào, và ném bom cách nào ….
Tuấn quyết không chạy trốn và ở tại chỗ để quan sát tường tận những giờ phút bắt đầu biến chuyễn của Lịch Sử.
Thăng Long, 10 giờ sáng ngày 23/9/1940.
Tin Hải Phòng bị Nhật ném bom vừa được xác nhận, toàn thể dân chúng lo sợ quân đội Nhật Hoàng đổ bộ lên Hải Phòng, chiến tranh sẽ xẩy ra giữa quân Nhật và quân Pháp. Dư luận của người An nam rất phân vân, vì ít người biết rõ thực lực của Nhật và cả của Pháp ở Bắc kỳ. Nếu Nhật đổ bộ và chiếm Hải Phòng, thì họ sẽ lần lượt theo đường xe lửa kéo lên đánh chiếm Hải Dương, Bắc Ninh, rồi tới Hà Nội. Thế nào rồi Hà Nội cũng bị ném bom, và chắc chắn chiến tranh sẽ ác liệt, Bắc kỳ sắp biến thành bãi chiến trường.
Nói đúng ra thì đại đa số người An nam không lo sợ cho xứ sở và cho thân mình. Bàn tán với nhau về chiến cuộc đang bùng nổ, họ chỉ than thở bằng một câu tục ngữ :” trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết “. Họ có cảm tưởng rõ rệt là nếu Tây thua trận, thì Nhật sẽ chiếm cứ Hà Nội, Bắc kỳ, và người An nam sẽ mặc nhiên phải thay chủ cũ, để làm nô lệ cho chủ mới. Thế thôi!.
Ý tưởng rất giản dị ấy thay thế cho tinh thần chiến đấu hầu như đã mất mát khá nhiều, nơi đa số dân An nam sau nửa thế kỷ thế kỷ chịu đựng cuộc đô hộ của Pháp. Dân chúng có khuynh hướng cầu an vì cái mặc cảm yếu hèn của một thói quen làm nô lệ, cho nên họ tự coi mình như “ruồi muỗi“, trong cuộc xô xát giữa “trâu bò“. Chính vì tâm trạng bạc nhược đó mà các đảng phái cách mạng thường gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu mộ đồng chí, do sự lãnh đạm sợ sệt của số đông quần chúng.
Vả lại, nếu chiến tranh bùng nổ ở Ðông dương, thì chỉ có Nhật với Pháp đánh nhau. Chứ An nam có gì đâu để đánh? Một khí giới tự vệ cũng không có, thì biết đánh đập ai?
Nhưng rồi ai nấy đều ngạc nhiên nghe tin tỉnh Lạng Sơn ở biên giới Trung Hoa bị quân Nhật vừa đánh chiếm hôm trước, thì hôm sau họ giao trả lại cho Tây.
Cái tin sét đánh ấy khiến mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu sao cả, Hà Nôị nhận được tin từ biên giới loan về cho biết Nhật đã đánh lấy Lạng sơn với một Ðạo quân Cách mạng của Cường Ðể. Quân Pháp chết rất nhiều. Cờ Nhật đã bay phất phớ tại tỉnh thành Lạng Sơn.
Ðám thân Nhật của Vũ Đình Duy, chủ nhiệm báo Effort Indochinois, và Nguyễn Tường Tam được cơ hội tuyên truyền công khai ở Hà Nội. Duy hãnh diện bảo Tuấn:
- Anh thấy không, Tuấn? Việt nam mình đã thắng Pháp rồi đấy.
Tuấn hỏi :
- Việt Nam thắng hay Nhật thắng?
- Nhật chỉ giúp ta. Chính Quân đôị Việt Nam Phục Quốc ở Quảng Tây đã chiếm được thành phố Lạng Sơn.
- Nếu thế thì đáng khen Phục Quốc quân. Nhưng sao lại có tin là quân Nhật đã giao trả Lạng Sơn lại cho Pháp, và một nhóm Việt Nam Phục Quốc Quân do người con nuôi của Cường Ðể chỉ huy, theo quân Nhật vào Lạng Sơn đã bị Nhật bỏ rơi và bị quân Pháp đánh đuổi tơi bời và giết hại rất nhiều.
Tuấn tìm đến hỏi Duy thì Duy đã đi mất, Tuấn tìm đến Nguyễn Tường Tam, Tam cũng biến đi đường nào, không ai biết tăm hơi ở đâu.
Tình hình Hà Nội trở lại yên tỉnh, không còn báo động nữa, và Hải Phòng cũng bình yên vô sự. Chiến tranh “quái gở“ chỉ kéo dài có 24 tiếng đồng hồ. Ðồng thời, tất cả các nhật báo Ðông Pháp, Tin Mới, Trung Bắc, đều đăng những dòng chữ lớn, 8 cột, loan tin: ”Trung tướng Ninshihara đã đến Hà Nội viếng thăm Ðại tướng Catroux, Toàn quyền Ðông dương.
Tôí hôm đó, anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ cho Tuấn và các đồng chí trong nhóm biết: ”Trung tướng Nishihara cầm đầu một phái đoàn Nhật bổn đã đến ở dinh Toàn quyền để thương thuyết về vụ Quân đôị Nhật hoàng sắp chính thức được qua chiếm đóng Hà Nội.
Theo những tin tức của anh đội khố đỏ đã nghe ngóng trong trại lính của anh thì người Nhật đòi người Pháp phải để cho Nhật được quyền kiểm soát đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Vân Nam. Vì người Nhật nghi người Pháp đã dùng hai đường xe lửa nầy để tiếp tế khí giới cho Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh.
Nhưng đó chỉ là một cái cớ để Nhật qua chiếm Bắc kỳ mà khỏi phảỉ chiến tranh với Pháp. Cuộc ném bom ở Hải Phòng, và trận đánh chiếm Lạng Sơn chỉ có mục đích làm áp lực Toàn quyền Catroux phải chấp nhận những yêu sách của Nhật.
Trước sức mạnh hùng hổ của quân đội Nhật hoàng, tướng Catroux đã phải buộc lòng nhượng bộ, và phái đoàn Nishihara được tiếp đón trọng thể tại Phủ Toàn quyền.
Những yêu sách quân sự của Nhật đã được thỏa mãn, Nhật liền trả tỉnh thành Lạng Sơn lại cho Pháp, và bỏ rơi nhóm Phục Quốc Quân Việt Nam của Cường Ðể. Nhóm này không quá 300 người, bị quân Pháp tái chiếm Lạng Sơn, đánh giết tơi tả, còn sống sót một số ít tàn quân phaỉ trốn tránh trong rừng núi Quảng Tây, Quảng Ðông.
Tại Hà Nội, những người An nam thân Nhật trở lại tiếp tục hoạt động ráo riết. Rất nhiều tin đồn được loan truyền trong dân chúng về việc tướng Nhật Nishihara đến Phủ Toàn quyền. Người ta đồn rằng phái đoàn Nhật gồm nhiều người An nam cách mạng ở Nhật lâu ngày, nói tiếng Nhật rất thạo, lất tên Nhật và mặc quân phục Nhật.
Trong buổi tiệc do Ðại tướng Catroux, Toàn quyền Ðông dương thết đãi phái đoàn Nhật, một viên Sĩ quan cao cấp Nhật không ngần ngại cho Catroux biết ông là người Việt Nam, và y hỏi Catroux tại sao dám áp chế và bạc đãi người An nam?
Viên Toàn quyền trả lời bướng bỉnh sao đó, thì liền bị người An nam cải trang làm Sĩ quan Nhật kia đánh hai bạt tai nẩy lửa. Toàn quyền Catroux đành câm miệng, chịu đòn, không dám hó hé.
Những chuyện đồn đãi như thế rất nhiều, tuy là bịa đặt nhưng vẫn được dân chúng tin là có thật. Rồi ít xít ra nhiều, những “giai thoại ly kỳ quái gở tràn ngập khắp dư luận thành phố Hà Nội, cho đến đỗi tụi trẻ nít cũng biết và đi đâu cũng nghe bàn tán chung quanh những mẫu chuyện“ Nhật Bổn “được thêm bớt khác nhau“.
Người ta còn tiết lộ cả tên họ và quê quán của những vị “anh hùng“ An nam dưới chiêu bài Sĩ quan cao cấp Nhật Bổn ấy nữa.
Thật ra những tin đồn có quá nhiều người An nam mặc quân phục đeo lon Sĩ quan cao cấp Nhật trong phái đoàn của tướng Nishihara đến Hà Nôị đều là những tin thất thiệt.
Ðó là những tin do các đảng phái An nam thân Nhật phao truyền ra để gây uy tín cho chính họ đối với đồng bào và đối với các đảng phái khác. Xem danh sách phái đoàn Nhật của Nishihara (Mission Japonaise) đăng trong các báo người ta chỉ thấy toàn những tên Nhật, không có danh tánh “An nam“ nào. Giả sử họ dấu tên thật của họ dưới một tên Nhật, thì họ đâu còn là người “ An nam “ nữa ? Và đấy đâu phải là một điều hãnh diện cho họ, hay là cho Quê Hương của họ?
Môt lối tuyên truyền khác cũng do các phần tử thân Nhật phổ biến trong dân chúng, là các câu “ sấm “ mà họ gán đại cho Trạng Trình.
Người Nhật đến Hà Nội một tháng thì người ta thấy nơi đầu cầu sông Cái (cầu Doumer) ở phía Gia Lâm có một anh mù ngồi kéo đàn cò và hát giọng sa-mạc những câu sấm để xin tiền khách qua đường đứng lại nghe anh. Ðại khái anh hát những câu sau đây:
Bao giờ cua cái đổi càng,
Thì giống da vàng đùm bọc lẫn nhau,
Những loài da trắng mắt thau,
Bồng con bế vợ dắt nhau ra về.
Một hôm Tuấn sang cầu Gia Lâm nghe anh ta hát. Trong đám đông thính giả, có một cụ già hỏi :
- Cua cái đổi càng là nghĩa thế nào, hả anh?
Anh ca sĩ mù giảng giải với giọng nói của người Thái Bình:
- Con cua cái nó có hai cái càng không đều nhau, càng bên phải thì nớn, càng bên trái thì nhỏ. Daọ này nó nại đổi càng, bên phải thì nhỏ, bên trái thì nớn.
- Sao anh biết?
- Cụ không tin thì Cụ ra chợ, đến hàng bán cua mà xem có phải rằng nà cái càng bên trái thì nại nà nớn không?
- À thế hả?
- Thế mới thật nà đúng mấy câu Sấm Trạng Trình.
- À thế ra câu hát ấy là Sấm Trạng Trình đấy à? Anh thuộc nhiều sấm Trạng Trình thế cơ?
- Sấm của cụ Trạng Trình thì tôi thuộc nằm nòng. Chả thế mà tôi thấy như cái câu ấy nà rất đúng mấy thời sự.
- Ðúng với thời sự như thế nào?
- Này nhé : Bao giờ cua cái đổi càng, nà cụ đã tiên tri rằng đến ngày nay nà cua cái đổi càng, thì giống da vàng đùm bọc lấy nhau. Giống da vàng thì người An nam mấy người Nhật nà cùng giống da vàng, phải đùm bọc mấy nhau… che chở nẩn nhau. Còn những người da trắng mắt thau nà… ai? Người có học nà hiểu giống người nào nà da trắng mắt thau. Tôi chưa nói Cụ cũng biết nà ai chứ? Chúng nó sẽ bồng con bế vợ dắt nhau ra về. Nghĩa nà chúng sẽ bị giống da vàng đuổi về, chúng phải bồng bế vợ con mà đi về bên xứ. Ðấy, câu sấm này ninh ứng như thế. Cụ Trạng Trình tiên tri nà không có sai bao giờ.
Người ta lại được nghe một câu “sấm Trạng Trình" này nữa cũng do anh mù ở đầu cầu Gia Lâm hát ra:
Bao giờ thằng Bảo ra thau,
Thầy Tăng xách gói mau mau ra về
Anh mù giảng cho thính giả nghe:
-Thằng Bảo …nà….nà…
Không nói tiếp anh mò bàn tay tong chiếc mũ nỉ “hàng phở“ mà anh để ngửa ra trước chổ nhồi để khách từ tâm vứt đây cho anh những đồng hai hào, một hào, một xu, và tiền “Bảo Ðại“, loại tiền này bằng thau, mà dân chúng thường gọi là tiền “chinh“ (6 đồng chinh Bảo Ðại là 1 xu) nhỏ bằng nửa đồng tiền Khải Ðịnh. Anh mù nhặt một đồng chinh Bảo Ðại trong chiếc mũ đựng tiền bố thí của khách, đưa cao lên và giảng tiếp :
- Bao giờ thằng Bảo ra thau, nà Bảo Ðại phát hành ra đồng tiền thau này, thì… Thầy Tăng … nói nái ra là… thằng Tây xách gói mau mau ra về. Ðấy, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biết trước việc Bảo Ðại phát hành ra tiền chinh bằng thau, và thằng tây lo xách gói ra về. Tức nà câu sâm ninh ứng vào thời thế bây giờ …
Những câu “ sấm “ như thế mà mấy người An nam thân Nhật bịa đặt ra và lợi dụng uy tín của cụ Trạng Trình để gán cho cụ, đều có mục đích tuyên truyền cho Nhật cho các đảng phái thân Nhật, tay sai của Nhật như Vũ Đình Duy, Nguyễn Tường Tam, v.v…và bọn “ Nhật bổn xứ “ mà ngươi Pháp gọi là à Japs locaux.
Nói đúng ra, thì người Nhật đã làm cho những bọn người tay sai thất vọng nhiều trong mấy lúc đầu. Họ tưởng Nhật đổ bộ lên Hải Phòng, sẽ chiếm các tỉnh, rôì lên chiếm kinh đô Hà Nôị. Họ tưởng rằng Nhật ném bom Hải Phòng và đánh chiếm tỉnh lỵ Lạng Sơn là mở màn cho cuộc chiếm đóng toàn thể lãnh thổ An nam, và giải phóng cho dân tộc An nam.
Họ thật không ngờ Trung tướng Nishihara, trưởng phái đoàn Nhật Bổn, qua tiếp xúc với phủ Toàn quyền Pháp ở Hà Nôị là chỉ có nhiệm vụ ký một bản hiệp ước cho Quân Ðội Nhật hoàng, có quyền kiểm soát đường xe lửa Hà nội – Vân Nam để ngăn ngừa đồng minh Anh Mỹ xử dụng đường xe lửa ấy để tiếp tế khí giới cho chính phủ Tưởng Giời Thạch xuyên qua Vân Nam phủ.
Toàn quyền Catroux ký thỏa hiệp ấy xong, là người Nhật trả liền tỉnh Lạng Sơn lại cho Pháp, bỏ rơi cả bộ đội “Việt Nam Phục Quốc Quân“ của Trần Trung Lập (con nuôi của Cường Ðể), bộ đội này đã cùng đi theo bộ đôị Nhật của tướng Matsui vào đánh chiếm Lạng Sơn ngày 3/9/1940 cùng một ngày với vụ Nhậtt ném bom 25 kí xuống Hải Phòng.
Sau khi được trở lại Lạng Sơn do quân Nhật trao trả, quân đôị Pháp truy kích V.N Phục Quốc Quân, và đánh tan tành. Một đoàn chạy về phía Mông Cáy rút qua Quảng Ðông, một đoàn khác bị quân Pháp tiêu diệt ngay trong rừng.
Sự phản bội của quân Nhật ở Lạng Sơn đã khiến phe đảng thân Nhật ở Hà Nội vô cùng tức giận, và họ không thể trả lời cách nào suông sẻ cho những người hỏi họ lý do sự phản bôị của người Nhật.
Một chiến sĩ Phục Quốc Quân bị người Pháp bắt giam ở nhà lao Lạng Sơn có viết một cuốn hồi ký bằng chữ li ti rất nhỏ trên giấy hút thuốc, và nhét dấu trong lai quần. Tập Hồi ký nhỏ cho đến nỗi mấy lần anh bị lính Pháp giải qua các cửa ngục, từ Lạng Sơn về Hà Nội, mà lính khám xét trong mình anh rất kỹ vẫn không bắt gặp.
Tuấn được chính tác giả cho xem “quyển“ hồi ký chiến sự hy hữu đó trong xà lim mật thám ở Hà Nội, lúc Tuấn bị bắt giam trong đó.
CHƯƠNG 60 
1940 - 1941
- Quân đội Nhật đóng tại Hà Nội, Hải Phòng, rôì chiếm lần vào Huế, Ðà Nẵng, Cam Ranh, Saigon.
- Thái độ của họ đối với dân chúng An nam .
- Xiêm la đổi tên là Thái Lan và Ðồng Minh với Nhật .
- Thái Lan tuyên chiến với Pháp
- Ở Cao Miên
- Mỹ tuyên chiến với Nhật.
- Những hoạt động chống Nhật và thân Nhật.
Tháng 9 năm 1940, Quân đội Nhật hoàng chỉ đến đóng ở Hà Nội và Hải Phòng và các tỉnh có đường xe lửa qua Trung Hoa, để “kiểm soát“ các chuyến xe lửa không được chở khí giới qua các biên giới Tàu. Họ được quyền xử dụng ba sân bay ở Gia Lâm (Hà Nội), Lào Cay và Phủ Lạng Thương.
Lính Nhật mới chân ướt chân ráo đến Hà Nội để chứng tỏ một mặc cảm tự kiêu, tự đại, gây ra một thành kiến tàn bạo cho dân chúng “ An nam “ khiếp sợ . Thí dụ như tiếng đồn sâu rộng trong dân gian rằng khi người Nhật bắt được một kẻ trộm, kẻ cắp, thì họ sẽ chặt đứt 5 ngón tay của tội nhân . Người nào chống đối họ, họ chém đầu liền .
Cả những người Pháp ở Hà Nội cũng lo sợ …Một bà đầm gặp người lính Nhật ngoài phố, không chào hắn, hoặc nhìn hắn với cặp mắt khinh khỉnh, là bị hắn xấn tới đánh một tát tai nẩy lửa liền, và chửi tơi bời . Nghe nói một ông quan Toà Pháp bị một tên lính Nhật đánh ngay trước cổng Toà, cũng vì nguyên nhân ấy. Chánh quyền Pháp bất lực, can thiệp không hiệu quả, đành đăng báo khuyên dân chúng Pháp, Nam “đối xử nhã nhặn và thân thiện với quân đội Nhật hoàng “ (Les soldats du Mikado).
Lính Nhật tổng số đóng ở Bắc kỳ là 6000 người, không được cảm tình của dân chúng, cả tụi con nít ngây thơ và hiếu kỳ thường bu theo họ để làm quen. Phần đông lính Nhật có điệu bộ cứng rắn, nghiêm nghị, khiến thường dân không dám tiếp xúc với họ. Ða số đeo kính trắng, ra vẻ người trí thức, và hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan đều đeo gươm, cái vỏ gươm bằng gỗ dài lòng thòng, mà họ kéo kêu lạch cạch trên đường phố.
Một năm sau, ngày 27-7-1941, một hiệp ước mới ký kết giữa Pháp và Nhật để cho quân đội Nhật hoàng vào đóng ở Huế, Ðà Nẵng, Cam Ranh, và cuối cùng vào Saigon và các tỉnh Nam kỳ . Tất cả vào khoảng 35.000 người .
Nước Xiêm (Siam) ký hiệp ước đồng minh với Nhật, và đổi tên là Thái Lan, (Thailand) được Nhật xúi dục tuyên chiến với chính phủ thuộc địa Pháp ở Ðông dương, để đòi lại hai tỉnh Battambang và Siemréap của Cao Miên, sát biên giới Xiêm. Thái Lan bảo là đất nguyên thủy của họ .
Lính khố đỏ An nam ở Hà Nội do bộ chỉ huy Pháp đưa đi xe lửa tốc hành vào Saigon để lên Cao Miên đánh giặc Xiêm .
Tuấn xen lẫn trong đám đông dân chúng Hà Nội đi xem cuộc huy động ồn ào náo nhiệt đó tại phố Sanh từ và nhà ga lớn ở Hà Nội, lúc 7 giờ tối một đêm Hè. Tuấn hỏi một anh lính:
- Ðánh giặc Xiêm thì có lính Cao Miên và lính Tây. Sao các anh cũng đi đánh?
Người lính khố đỏ “An nam“ thản nhiên đáp:
- Chúng tôi là lính, quan trên sai đi đâu thì đi đó, chứ biết thế nào mà nói .
Một thầy đội quen biết với Tuấn cũng trả lời y như thế.
Tuấn hỏi :
- Theo anh, thì tụi Xiêm sẽ thắng, hay là Ðông dương sẽ thắng?
Ông đội khố đỏ cười:
- Có lính An nam mình dự trận, thì Xiêm làm sao thắng nổi?
Chiến tranh bắt đầu tháng 11-1940, chỉ kéo dài không quá 2 tuần lễ. Lính khố đỏ An nam chiếm đóng biên giới Cao Miên. Lính Xiêm không dám tấn công. Một trận thủy chiến xẩy ra trên vịnh Thái Lan . 3 tàu chiến Xiêm bị Hải Quân Pháp đánh đắm. Thái Lan tổn thất nặng nề và hoàn toàn bại trận . Nhưng Nhật Bản nhẩy vào can thiệp, ép buộc Pháp phải nhượng bộ Thái Lan. Rốt cuộc, Thái Lan thua mà thắng!
Ðêm 22-11-1940, lợi dụng chiến cuộc đang bùng nổ giữa Pháp thuộc địa và Xiêm, Kỳ bộ Nam kỳ của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương nổi dậy lập “ Chánh phủ nhân dân dân chủ cộng hòa Ðông Dương “, và tổng khởi nghĩa ở Hốc Môn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu …Toàn quyền Decoux ra lệnh đàn áp ác liệt bằng máy bay ném bom, y như Toàn quyền Robin hồi 1930 ở Cổ Am tàn sát VNQDÐ, 15 ngày sau, phong trào cộng sản ở Ðồng Tháp Mười và các tỉnh ở Nam Kỳ bị dập tắt, đánh đập, và đày đi Côn Lôn.
Ở Hà Nội, các lãnh tụ Cộng sản tìm cách thoát ly ra vùng biên giới Tàu để tiếp tục hoạt động .
Ðồng thời, Việt Nam Phục Quốc Hội của Kỳ ngoại hầu Cường Ðể đang hoạt động mạnh ở vùng Lạng Sơn, sau sau vụ phản bội của Trung Tá Nhật Sato .
Nghe tin Quân đội của V.N. Phục Quốc Hội phải bỏ Lạng Sơn mà chạy trốn qua Tàu, bị quân Pháp đuổi theo sát hại khá nhiều (10-1940), thanh niên cách mạng Việt Nam ở Hà Nội phẩn uất vô cùng.
Những người đã thù ghét Nhật lại càng chống Nhật quyết liệt hơn. Một số sinh viên, học sinh, thanh niên trí thức chống Nhật bèn chủ trương xúc tiến phong trào “Quốc gia chống Nhật Pháp“. Tuấn hăng hái gia nhập vào nhóm trẻ nầy. Một tờ truyền đơn được phân phát bí mật, “Nhật phản bội Việt Nam Phục Quốc Quân từ Quảng Tây đã đánh chiếm được Lạng Sơn, cùng với đạo quân Quảng Ðông của Nhật, và đang tăng cường lực lượng để biến Lạng Sơn thành căn cứ Quân Ðội Việt Nam Cách mạng. Tại sao Tướng Nishihara lại qua Hà Nội thỏa thuận với Pháp, giao trả lại Lạng Sơn cho Pháp?
Tại sao? Dân tộc Việt Nam phẩn uất vì Nhật bổn đã phản bội Việt Nam, và đồng lỏa với thực dân Pháp để đàn áp Việt Nam!“
Một trong những người hăng hái phát truyền đơn này trong giới Quân lính An nam ở Hà Nội, là viên đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ, sau làm Trung Tướng Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà ở Saigon năm 1963.
Tuấn đêm nào cũng đến với các bạn đồng chí, hoặc đi các tỉnh miền Bắc để quan sát tận mắt, không mấy khi về nhà.
Phe thân Nhật, trong nhóm “Dân Chính Ðảng“ của Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam họat động ráo riết . Nhưng đảng viên của họ cũng không đông đảo mấy. Một hôm, Tuấn hỏi Khái Hưng về cụ Lạng Sơn. Chủ tịch ban chấp hành Trung ương Dân Chính đảng cười gượng, trả lời:
- Làm sao chúng ta biết được bí mật quân sự của họ. Biết đâu là một chiến lược cao, có lợi cho chính sách khôn khéo của Nhật hoàng?
Tuấn lại hỏi liền:
- Phản bội đồng minh, là khôn khéo thế nào?
Sự thật, Dân Chính đảng không thu hút đa số thanh niên trí thức cách mạng. Họ chỉ tuyên truyền lôi kéo được một vài phần tử trưởng giả xu thời ở Hà Nội mà thôi. Cho nên sau đó, năm 1945, Nguyển Tường Tam và Khái Hưng phải bỏ rơi Dân Chính đảng, mà nhảy vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Vũ Hồng Khanh. Lúc bấy giờ người Nhật đã bại trận và Trung Hoa Quốc Dân Ðảng của Tưởng Giới Thạch đang lên chân.
Ngày 8-12-1941, Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật . Nhưng ngoài những phần tử hoạt động Cách mạng, đời sống dân chúng An nam ở khắp ba Kỳ rất là yên tỉnh. Người ta theo dõi các chiến thắng của Nhật ở Pearl Harbor, HongKong, Manila, Singapore. Nhiều người phục, nhưng không mấy ai tin tưởng cuộc chiến thắng sẽ lâu dài.
Trừ những đồng bào theo đạo Cao Ðài ở Trung Kỳ và Nam Kỳ tin tưởng rằng Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể (rể của Nhật hoàng) sẽ là vị Cứu quốc tương lai của Việt Nam, còn thì đại đa số dân chúng vẫn cách biệt quân đội Mikado và giữ thái độ trung lập gần như hoài nghi, đối với Nhật bản .
Ðời sống vật chất của dân chúng trong hai năm 1940 và 1941 có phần khổ cực hơn trước chiến tranh, do sự chiến đóng của 35000 quân nhân Nhật mà chính quyền Pháp ở Ðông dương phải lo tiếp tế đầy đủ lương thực. Lính Nhật ăn khắc khổ và không biết ăn ngon, nhưng họ ăn dữ tợn, ăn gấp hai người mình.
Con gái An nam lấy Nhật cũng không có nhiều, trừ một thiểu số - rất ít - bọn gái điếm, hoặc gái nhẩy. Có lẽ một số phụ nữ Việt Nam thường hay ăn hiếp những người đàn ông hiền lành, mà lại ngán người tàn bạo, nhất là người Nhật.
Với những Quân Nhân và Sĩ Quan Nhật, bộ tịch hung dử luôn luôn đeo gươm dài lê thê bên cạnh mình, con gái An nam khiếp sợ, không dám làm thân .
Cho nên sau 1945, Nhật về xứ, số con nít An nam lai Nhật không có bao nhiêu.
CHƯƠNG 61
1942 - 1943
- Kampétai
- Khái Hưng – Nguyễn Tường Tam – Vũ Đình Duy – Trần Trọng Kim – Dương Bá Trạc .
- Hai chủ quyền Nhật – Pháp .
- Phong trào “ Thanh Niên Thể Dục Thể Thao" của Ducoroy.
- Decoux
- Cái bọt xà-bông .
Tuấn và một số bạn của Tuấn đều bị Kempétai (Hiến binh Nhật) bắt vì tư tưởng chống Nhật, do một tên tình báo Nhật chỉ dẫn .
Trụ sở Kampétai là một cơ sở của hảng dầu Shell bị quân đội Nhật Hoàng trưng dụng, ở góc hồ Bẩy Mẫu, gần ngôi chùa Sư Nữ, phía sau khu hội chợ Hà Nội, trên đường Halais nối dài đầu đường Khâm Thiên quanh co xuống đường Chợ Hôm .
Bên trong sở Kampétai, có một phòng giam bít bùng kín mít, không có cửa. Tù nhân bị đưa vào đó phải bò bốn chân chui qua cái lỗ vuông mỗi bề độ 4 tấc, rộng bằng một cái chuồng chó . Phía mặt tiền, đóng một dọc song gỗ vuông để lọt vào đôi chút ánh sáng lờ mờ. Nơi hành lang trước chuồng tù, một tên lính Nhật mang kiến trắng, đeo gươm, tay cầm roi cá đuối. Trông gương mặt hắn còn trẻ, vào khỏang 21, 22 tuổi, có vẻ thông minh, nhưng hắn rất dữ. Một thằng tù nào không ngồi yên trong chuồng, là bị hắn thò roi qua song gỗ, quất trót trót lên đầu.
Tuấn và ba người bạn đồng chí của Tuấn bị nhốt trong đó, mỗi đứa bị đặt ngồi mỗi góc. Người thứ tư, có một nét mặt như người Triều Tiên, ngôì trong góc cuối cùng.
Trên trần, treo một ngọn đèn điện 25 watts bọc vải đen theo biện pháp chiến tranh hồi đó.
Mỗi bửa ăn trưa và tối, một người lính Nhật đem đẩy vào cổng chuồng một mâm gỗ đựng bốn bát cơm có sẵn đồ ăn, mỗi người lấy một bát và một cái muỗng. Tuấn chẳng biết là thức ăn gì, nhưng nuốt vào sặc mùi dầu, ăn hôi rình. Phải ăn cho kỳ hết. Tuấn bỏ mứa một lần nửa bát, bị thằng lính Nhật ở ngoài thò roi vào quất trên đầu ba roi rỉ máu. Tuấn mửa hết cả ra chiếu.
Bị giam trong chuồng chó 15 hôm. Tuấn bị dẫn ba lần lên lầu hai, vào một phòng riêng để Nhật lấy khẩu cung.
Một sĩ quan Nhật đeo trên cánh tay một băng trắng viết chữ đỏ bằng Hán tự “Hiến Binh Ðội Trưởng“, có một người An nam làm thông ngôn. Tên thông ngôn cũng mặc quân phục Nhật, tuy hắn là dân sự. Người thời bấy giờ có đặt một danh từ riêng để chỉ bọn thông ngôn và tình báo cho Nhật là “Jap-lô canh“. Tiếng ấy thông dụng đến cả giới bình dân An nam, vì bọn làm mật vụ cho Nhật, và làm tình báo viên, lúc bấy giờ rất đông. Hầu hết là bọn thất nghiệp, trí thức dở mùa, xu thời, đón gió.
Người điềm chỉ cho Kampétai bắt Tuấn là một cậu “văn sĩ ba xu“ viết truyện kiếm hiệp cho một vài nhà buôn chuyên môn xuất bản loại chuyện đó, bán mỗi cuốn 3 xu.
Sau ba lần lấy khẩu cung, Tuấn thoát chết nhờ đêm Ba mươi Tết tối trời (Tết năm Nhâm Ngọ,1942), trong một trường hợp phi thường, và trốn được ra ngoài. Nhưng ngay sáng hôm đó, Tuấn bị bắt lại trước đền Trấn Quốc, trên bờ Hồ Tây, đến nhà thờ “Ðức Thánh Ðồng Ðen“ 
Lần này, Tuấn bị Mật thám Pháp bắt và bị đày đi an trí tại một nơi rừng thiêng nước độc của dân thiểu số Radhé thuộc huyện Củng Sơn, tỉnh Phú Yên, Trung kỳ.
Nơi nhà giam này, Tuấn gặp nhiều người tù khác, quê quán Thanh Hoá đến Phan Rang, và thuộc nhiều đảng phái khác nhau : Cộng sản độ 70 người, trong số đó có Hà Huy Giáp, Buì Công Trừng, Hồ Tùng Mậu, Lưu Quí Kỳ, Trần Công Khanh, Trần Đình Tri v.v…
Ðảng Ngô Ðình Diệm (Không phải Việt Nam Phục Quốc Hội của Cường Ðể, tuy rằng Ngô Đình Diệm là đại diện của Cường Ðể ở Trung Kỳ cũng như Vũ Đình Duy ở Bắc kỳ và Trần Văn An ở Nam Kỳ), 4 hay 5 người, trong đó có Lương Duy Ủy, Võ Như Nguyện, Linh mục Hiền (thưòng gọi là Cha Hiền, bạn của Cha Ngô Đình Thục) .
Cao Ðài độ vài chục người có Trần Văn Chí, Trần Duy hầu hết là lãnh tụ Cao Ðài ở Quảng Nam, Quảng Ngãi .
Trong thời gian Tuấn bị bắt lần thứ hai, và bị giam ở Ty Mật thám Hà Nội, người Nhật đã chiếm đóng toàn cõi Ðông dương, từ Bắc kỳ vào Nam kỳ, qua Ai lao, Cao Miên. Ðối với Pháp mà theo Hiệp Ðịnh Robin-Tojo ký ở Tokyo, Nhật vẫn tôn trọng chủ quyền Pháp ở Ðông dương, và quân đội của Nhật hoàng chỉ là thượng khách, được chính quyền thuộc địa Pháp rất kính nể, ít nhất cũng ở ngoài mặt.
Nhưng trên thực tế thì quân đôị Nhật vẫn tự coi như là chủ nhân ông, và họ lấn áp dần dần chủ quyền người Pháp ở An nam trên nhiều phương diện, nhất là về quân sự, tuyên truyền và kinh tế .
Tuy bị giam ở Lao Mật thám Hà Nôị, trước khi đi an trí, nhưng Tuấn cũng như 100 anh chị em khác bị câu lưu nơi đây, thỉnh thoảng được lén lút coi vài tờ nhất báo ở Hà Nội, nhất là hai tờ Ðông Pháp và Tin Mới do một vài người lính có cảm tình hoặc người thợ nề, thợ mộc, đút dấu cho.
Tuấn say mê theo dõi những tiến triển của Chiến Tranh Nhật-Mỹ ở Thái Bình Dương, và Ðức, Ý, Anh, Pháp ở Tây Âu. Nhờ xem lén các báo, Tuấn cũng dò biết được tình hình tổng quát trong nước về mọi sinh hoạt hàng ngày.
Có triệu chứng kỳ lạ, là số người Việt Nam thân Nhật, và theo Nhật, không nhiều.
Ðại đa số thanh niên trí thức, sinh viên, học sinh, không vồn vả với người Nhật, mặc dầu Nhật đang oanh liệt vì chiến thắng khắp nơi.
Những bậc trí thức đàn anh đáng kính như Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, những bạn làng văn, làng báo có uy tín như Vũ Đình Duy, Khái Hưng, Nguyễn Tường Tam, đã hoàn toàn đi hẳn với Nhật . Người ta được biết rằng Trần Trọng Kim và cựu Cử nhân Hán học Dương Bá Trạc đã được người Nhật lén đưa vào Nam Kỳ ở nhà hàng Dainan Koosi của nhà đại thương gia kiêm gián điệp Mathushita ở Saigon, và từ đây hai ông được đưa qua Singapore với Trần Văn Ân.
Nhiều anh em nhà văn đồn rằng họ đã thấy tận mắt, Vũ Đình Duy và Nguyễn Tường Tam mặc quân phục Nhật đeo lon sĩ quan Nhật, mang gươm, đeo kính trắng, ngồi trong xe hơi Nhật, chạy qua một vai đường phố lớn ở Hà Nội, nhất là phố Hàng Ðẩy, nơi đây có Tổng Hành Dinh Quân Ðội Nhật Hoàng .
Nhưng “DÂN CHÍNH ÐẢNG“ thân Nhật của Khái Hưng và Nguyễn Tường Tam không quy tụ được giới thanh niên trí thức và không tuyển mộ được bao nhiêu đảng viên.
Giới trí thức và trẻ ở Hà Nội, cũng như ở Huế và Saigòn, đều dè dặt đứng ngoài, không hăng hái tán thành chủ trương “Ðại Ðông Á “ của Nhật, mặc dầu Nhật tuyên truyền rầm rộ và công khai trước những con mắt lo sợ của người Pháp ở Ðông dương.
Dân chúng thì hoàn toàn thờ ơ, lo làm lụng, ăn chơi, như thể không cần biết cuộc chiến tranh như thế nào, và tương lai sẽ ra sao . Các lớp thanh niên Nam Nữ học sinh Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ đều bị thu hút vào phong trào Thể dục và Thể thao của Toàn quyền Phó Ðô Ðốc Hải quân Jean Decoux.
Tuấn rất ngạc nhiên nhận xét sự kiện sau đây :
Trong những năm 1942-43-44, bên Tây Âu, lãnh thổ Pháp bị quân đội Hitler chiếm đóng hơn một nửa, chỉ còn một nửa ở miền Nam để cho chính phủ bù nhìn Pierre Laval và của Thống chế Pétain cai trị dưới quyền kiểm soát của Ðức, bên Ðông Nam Á thì quân đôị Nhật hoàng làm bá chủ thật sự trên đất Việt Nam, chỉ để cho chính quyền bảo hộ Pháp một vài “chủ quyền“ mong manh trên nguyên tắc, thế mà người Pháp vẫn dùng đủ các mánh lới lôi kéo được dân An nam, và cả thế hệ thanh thiếu niên An nam về phía họ .
Họ dùng cái thần chú  Thống chế Pétain“ với ba tiêu đề “CẦN LAO – GIA ÐÌNH - TỔ QUỐC ( ravail - Famille – Patrie ), để mê hoặc đầu óc và đầu độc tim gan của một dân tộc 25 triệu người, kể cả thế hệ thanh niên tràn đầy nhựa sống.
Tuấn không hiểu được hiện tượng phi lý đó.
Nhưng, hai tay bị xiềng trong khóa sắt, Tuấn bước vô lao tù, mắt vẫn nhìn thẳng phía trước với lòng tin tưởng rằng hiện tượng phi lý đó sẽ tan như bọt xà-bông.
CHƯƠNG 62 
1944 - 1945
- Hai tờ nhựt báo Saigòn trong nhà tù.
- Chiếc máy bay bí mật.
- Tình hình biến chuyển
- Giải phóng .
- 9/3/1945: Chấm dứt cuộc đô hộ Pháp.
- Việt Nam “Ðộc Lậ “ của Nhật Bổn.
- Bom nguyên tử Mỹ.
- Nhật đầu hàng .
Trại giam tù cách đồn lính Khố xanh (Garde Indochinois) 100 thước, do một viên đồn trưởng Pháp chỉ huy. Hắn là một sĩ quan già có đánh giặc ở Syrie-Liban hồi Ðệ Nhất Thế Chiến, và sang Việt Nam được làm “Giám binh Lính Khố Xanh“ từ lâu năm.
Cũng như đa số người Pháp theo chính sách tùy thời ở Ðông dương lúc bấy giờ, viên Ðồn trưởng nầy suy tôn Thống chế Pétain là anh hùng cứu quốc của nước Pháp, và chửi bới De Gaulle là “phản quốc“, và phe Ðồng Minh Anh-Mỹ là kẻ thù tàn bạo của nhân dân Pháp.
Trong trại giam, trừ một thiểu số Cao Ðài và đảng Ngô Đình Diệm, còn thì tất cả tù nhân khác đều chống Nhật, và tin tưởng chắc chắn rằng phe Ðồng minh sẽ thắng trận. Nhưng toàn thể tù nhân đều chống Pháp, và coi Thống chế Pétain chỉ là một nhân vật bù nhìn, làm tay sai cho Hitler, không hơn không kém.
Tuy nhiên, muốn đời sống trong lao tù được yên ổn, muốn tránh mọi sự đàn áp và sát hại của viên Ðồn trưởng Pháp và của 150 lính Khố xanh Rhadés triệt để trung thành với y, toàn thể tù nhân đã bảo với nhau cứ giả cờ “ngoan ngoản“ ngoài mặt, đừng biểu lộ một chút gì chống lại chính sách của Tây ở Ðông dương . Trái lại mỗi khi viên Ðồn trưởng hay lính hỏi, thì bất cứ người tù nhân nào cũng tán thành ngoan ngoãn Thống chế Pétain… Nói cho qua chuyện, để Tây đừng để ý kiếm chuyện làm hại tù.
Hậu quả bất ngờ của chủ trương dối trá đó, là viên Ðồn trưởng già cho phép tù nhân được đọc hai tờ báo Saigon mỗi ngày: tờ báo Pháp La Dépêche và tờ Ðiện Tín . Chính y gởi mua dài hạn hai tờ báo ấy ở Saigon do ngân sách của nhà tù đài thọ.
Nhờ hai tờ nhật báo, tù nhân được theo dõi hằng ngày những tin tức khá đầy đủ và khá sốt dẻo về chiến cuộc thế giới, cũng như về tình hình sinh hoạt chung trong nước.
Ở mặt trận Tây phương, Quân Ðội Ðồng Minh Anh-Mỹ đã đổ bộ trên đất Pháp nơi hai bờ biển Normandie và Provence, và đang ào ạt tiến sâu vào nội địa, sắp vượt qua sông Rhin và dãy núi Alpes. Ở mặt trận Trung Âu, Nga cũng đang chọc thông các phòng tuyến Ðức và tiến vào Ba Lan …
Ở mặt trận Thái Bình Dương, quân Mỹ của Mac Arthur đã thắng trận ở Corregidor, biển San Hô, đảo Saipan, và đổ bộ lên đất Phi-Luật-Tân .
Những tin chiến thắng sấm sét của phe Ðồng Minh mỗi ngày dồn dập, phe phát-xít Ðức - Ý - Nhật mỗi ngày thất bại thê thảm, làm phấn khởi tinh thần của tù nhân hy vọng chắc chắn vào ngày giải phóng không còn xa lắm nữa .
Ngoài những tin chiến tranh, Tuấn còn đọc hết những tin lặt vặt hàng ngày, cho đến những quảng caó, những dòng rao vặt, để tìm hiểu tất cả những khía cạnh sinh hoạt của đồng bào về mọi phương diện .
Một buổi chiều, vào khoảng 6 giờ, một lúc sau khi mặt trời lặn, tù nhân còn đang chơi ngoài sân, thì một chiếc máy bay Mỹ, U.S Air Force, bỗng từ hướng đông vụt bay qua, tiếng động cơ rầm rầm, sát trên nóc đồn lính Khố Xanh và trên trại giam . Tuấn vừa ngước đầu ngó lên thì phi cơ đã biến mất về phía rừng Cheo Reo, ở hướng Tây .
Chiếc phi cơ bí mật gây xúc động cho cả tù lẫn lính Rhadés, còn viên Ðồn trưởng Pháp thì ngơ ngác lo sợ. Y định báo tin cấp tốc cho Công sứ Pháp ở Sông Cầu biết. Nhưng suy nghĩ một đêm, sáng hôm sau, y hỏi ý kiến một số tù nhân.
Theo Tuấn, thì có lẽ chiếc phi cơ Mỹ từ Thái Bình Dương bay vào để thả dù tiếp tế khí giới cho những nhóm người kháng chiến Ðồng Minh bí mật hoạt động biên giới Việt - Miên - Lào.
Giới Pháp và Cách mạng “An nam“ đều biết rằng vào giữa năm 1944, Ðại tướng Pháp Mordant, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Pháp ở Ðông dương (đã xin từ chức), và Trung tướng Aymé, Phó tư lệnh lên thay thế Mordant, đang âm mưu tổ chức “Lực lượng kháng chiến chống Nhật“ bí mật ở các vùng rừng núi Bắc kỳ, Nam Trung kỳ và Nam kỳ, ở biên giới Việt Miên Lào.
Theo lệnh của De Gaulle, Ðô Ðốc Toàn quyền Decoux được bí mật loan báo về phong trào kháng chiến, nhưng bắt buộc phaỉ làm ngơ . Vả lại, tình hình chính trị của nước Pháp đã biến chuyễn . De Gaulle đã vào Paris nhờ Quân đôị Ðồng minh giải phóng, và lập “Chính phủ lâm thời Cộng Hoà Pháp“ giữa sự hoan hô cuồng nhiệt của dân chúng.
Quân đội Hitler baị trận đã bị đánh bạt ra khỏi lãnh thổ Pháp . Thống chế Pétain bị quân đội Ðức bắt cóc đem qua Ðức lập chính phủ bù nhìn lưu vong . Ông gìa khốn đốn đã mất hết uy tín đối với nhân dân Pháp, chỉ còn như một món đồ chơi bị gẫy nát, vô dụng, trong tay của tay lãnh tụ Nazi khát máu điên khùng.
Chính phủ Vichy không còn nữa. Chính quyền thuộc địa Pháp ở Ðông dương cũng mặc nhiên thay đổi chiều hướng, và dù muốn dù không cũng phải tự bắt buộc nhìn nhận De Gaulle, lãnh tụ của nước Pháp vừa giải phóng.
Viên đồn trưởng trại giam, cũng thay đổi lập trường tức khắc . Hắn ra lịnh cho lính Rhadés và tù nhân phải hạ bệ những bức ảnh của Pétain, và treo ảnh De Gaulle lên thay thế . Thích thú nhất là nghe hắn trở giọng hoan hô De Gaulle, nhiệt liệt ca tụng “vị cứu quốc chân chính“ của nước Pháp, và không nhắc đến tên Thống chế Pétain nữa. Trên thực tế, sự thay đổi lập trường đó không khó khăn gì, vì màu cờ ba sắc của Pháp và bài quốc thiều La Marseillaise vẫn giữ nguyên vẹn .
Ðồng thời viên đồn trưởng cũng vui mừng báo tin cho tù nhân biết y đã nhận được công văn của Toà Khâm Sứ Huế ra lịnh thả tự do cho một số tù nhân. Tuy nhiên, sự phóng thích sẽ thực hiện từng đợt, cách nhau vài ba tháng.
Ðợt đầu có 20 người nô nức ra về. Toàn thể tù nhân sắp hàng trước nhà tù, hát bài
“Ce n’est qu’un au revoir“ để tiễn biệt những người bạn đồng lao may mắn được ân xá trước tiên .
Ðợt thứ hai có 15 người, cũng ra đi với nghi lễ thân mật và cảm động ấy .
Còn lại 70 người, Tuấn sốt ruột lắm vì viên đồn trưởng cho biết những người có hồ sơ nặng nhất sẽ bị ở lại cho đến ngày Chiến Tranh chấm dứt ở Ðông Dương.
Ðến chừng nào ? Tuấn còn bị giam giữ với 70 người ở lại .
Mãi ba tháng sau, viên đồn trưởng mới được lịnh phóng thích đợt ba, trả tự do cho 25 người. Tuấn vui mừng nhảy nhót khi thấy tên mình trong danh sách hồi hương.
Về đến tỉnh nhà đầu tháng 2-1945, Tuấn còn bị lính của sở Mật thám Pháp và của Công Sứ Pháp ở địa phương cho được về làng quê quán, nhưng bị quản thúc ở đấy cho đến hết chiến tranh. Muốn đi đâu phải xin phép ông… Lý trưởng.
Cũng may, Lý trưởng là người bà con trong họ, Tuấn đi chơi thong thả, tự do, khắp các làng, các tổng, huyện, và ở cả tỉnh thành.
Tuấn vô cùng ngạc nhiên nhận thấy, trong các cuộc tiếp xúc thân mật với đủ hạng người trong các giới đồng bào, đa số dân chúng như còn tin tưởng rằng nước Pháp đã nhờ Ðồng minh giúp cho thắng trận chắc sẽ còn ở lại Ðông dương, như sau thời Ðệ Nhất Thế Chiến 1914-1918.
Ðến cả những phần tử cách mạng quốc gia, và cộng sản cũng có ý nghĩ lo ngại như thế . Hầu hết dân chúng đều tin rằng Nhật sẽ bại trận. Ðồng minh sẽ đổ bộ ở Trung, Bắc, Nam kỳ, và Nhật sẽ đầu hàng .
Ðã mấy tháng rồi, không quân Ðồng minh đã làm chủ vòm trời An nam, và phi cơ Mỹ gọi là “pháo đài bay B-19“ và Liberators từ Thái Bình Dương cứ bay vào ném bom mổi buổi sáng, mỗi buổi chiều, khắp các ga xe lửa lớn, và các nơi trong tỉnh có Nhật chiếm đóng rôì bay trở ra biển, mà không hề có phản ứng của cao xạ phòng không Nhật .
Hằng ngày đọc các báo thông tin ở Saigòn và Hà Nôị cũng thấy tình hình Nam Bắc kỳ không khác gì ở Trung kỳ. Phong trào “Thanh niên và Thể dục“ của Ðại tá Ducoroy do Toàn quyền Decoux phát động từ năm 1941, vẫn tiếp tục bành trướng khắp cõi Ðông dương.
Tuấn đã chứng kiến một cuộc luân phiên rước đuốc từ Hà Nội vào Saigon. Bốn thanh niên lực sĩ An nam chạy ngang qua tỉnh nhà, trên đường ái quan hồi tám giờ tối tháng 2-1945, giữa một đám thanh niên và dân chúng đứng hai bên đường hoan hô và cổ vỏ .
Học sinh nam nữ các trường vẫn chăm chỉ đi học. Tình hình thương mãi ở các thành thị vẫn được ổn định, mặc dầu nhiều hàng hóa bị khan hiếm, do chiến tranh gây ra, và nhất là do sự chiếm đóng của trên 35.000 binh sĩ Nhật trên lãnh thổ Việt Nam.
Ở hương thôn, đâu đâu cũng yên tĩnh. Nhiều nhà có cảm tưởng rằng tuy bị Nhật uy hiếp, chính quyền Pháp ở Ðông dương vẫn được củng cố mỗi ngày mỗi mạnh và sẽ có thể tiếp tục “ bảo hộ “ xứ An nam lâu dài sau khi “Ðồng minh Anh -Mỹ “đánh bại quân Nhật, buộc Nhật phải xếp giáp đầu hàng.
Bỗng nhiên, 8 giờ tối ngày 9-3-1945 tiếng súng nổ ầm ầm ở ngay tỉnh lỵ. Dân chúng không hiểu gì cả, chỉ thất lính Nhật đột ngột di chuyễn rầm rộ trong thành phố, và đánh các đồn lính Khố xanh, Khố đỏ, và lính Lê dương của Pháp.
Sau vài tiếng đồng hồ, tiếng súng im bẵng. Lính Nhật reo cười náo động, la hét om xòm. Bấy giờ dân chúng An nam mới biết rằng Nhật đã đánh Pháp, và làm chủ tất cả các đồn lính. Pháp đã thua cuộc, nhiều lính Pháp chết.
Tất cả người Pháp, từ viên Công sứ, viên Giám binh, viên Chánh mật thám đến người Pháp cuối cùng đều đã bị Nhật bắt giam hết, hồi 11 giờ đêm.
Chính quyền Pháp ở An nam hơn nửa thế kỷ bổng dưng không còn nữa.
Sáng hôm sau, dân chúng An nam được người Nhật cho hay nước An Nam đã Ðộc Lập.
Mấy hôm sau, Tuấn đọc bản “tuyên bố“ sau đây được dán khắp nơi, in vừa ráo mực:
“Xét tình hình thế giới, và tình hình riêng của Á Ðông, chánh phủ Việt Nam tuyên bố chính thức rằng, bắt đầu từ ngay hôm nay hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp đã được hủy bỏ, và nước Việt Nam sẽ tự sức dùng những phương tiện riêng, để phát triển cho xứng đáng với địa vị một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường lối trong bản tuyên ngôn chung của Ðông Nam Á, và gia nhập vào trật tự chung của Ðại Ðông Á.“
Chính phủ Việt Nam tin tưỏng ở Nhật bản, và cương quyết hợp tác với nước Nhật để đạt mục đích trên.
Khâm Thử
Huế, ngày 27 tháng Giêng, Bảo Ðại năm thứ 20 (11-3 -1945)
Bảo Ðại.
Dưới ký tên toàn thể Cơ Mật Viện gồm 6 vị Thượng Thư đứng đầu là Thượng Thư Bộ Lại : Phạm Quỳnh .
Ở Hà Nội, Huế, Saigòn, và một vài thành phố lớn, do sự sách động của nhóm thân Nhật và tay sai của Nhật (Hà Nôị có nhóm Nguyễn Văn Cầm, Saigòn có bà Song Thu, Trần Quang Vinh v.v….)) một số người xuống đường biểu tình rầm rộ để “ tri ân quân đội Nhật hoàng“. Ngoài ra, quảng đại quần chúng Trung, Nam Bắc đều tỏ vẻ thờ ơ lạnh nhạt với phong trào “độc lập“ do Kampétai và Quân đội Nhật gây ra.
Ở các hương thôn, lý trưởng được lịnh tổ chức dân chúng mừng ngày độc lập, tại đình làng.
Tuấn nhận được giấy của Lý trưởng mời đến tham gia lễ Ðộc Lập lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1945. Cửa đình mở rộng, trước sân đình có cờ, chuông, trống, như ngày cúng Thần. Hội đồng xã chỉ lưa thưa có mấy ông.
Dân chúng chẳng ai đến cả, chỉ trừ một số chức việc có phận sự trong làng.
Ðến giờ, chuông trống nổi dậy, hương xã làm lễ tế Thần. Lý trưởng đọc lời “tuyên cáo Ðộc Lập. Y như một bài văn tế. Xong, chiêng trống tiếp tục và buổi lễ chấm dứt không đầy 30 phút. Không một tiếng vỗ tay. Không một lời hoan hô. Các ông làng xã, khăn đen áo dài khệ nệ như trong các đám cúng thần theo nghi lễ cổ truyền, lặng lẽ đóng cửa đình ra về sau khi dọn dẹp.
Tuấn mượn chiếc xe máy của người em trong làng, cởi chạy khắp các làng tổng kế cận, và các huyện sở, để xem xét tình hình dân chúng. Ðâu đâu cũng thản nhiên, không có một cuộc biểu tình nào của đồng bào mừng lễ Ðộc Lập. Dò hỏi dư luận chung của các giới nhân dân, đều được họ cho rằng, đây chỉ là lễ Ðộc Lập giả hiệu của Nhật bổn. Ðồng bào không mấy hoan nghênh vì chưa phải là “độc lập“ thật sự.
Ngày 19-3-1945, theo lời khuyên của Yokoyama, Ðại sứ Nhật ở Huế, Bảo Ðại giải tán Nội Các của Phạm Quỳnh.
Mãi một tháng sau, ngày 19-4-1945, Nội Các Trần Trọng Kim mới thành lập xong, với những thành phần hoàn toàn mới:
Thủ Tướng: Trần Trọng Kim
- Tổng trường Nội Vụ: BS. Trần Ðình Nam
- Ngoại Giao: LS. Trần Văn Chương
- Giáo dục: GS. Hoàng Xuân Hãn.
- Tư Pháp: LS. Trịnh Ðình Thảo
- Tài Chánh: LS. Vũ Văn Hiền.
- Kinh Tế: BS. Hồ Tá Khánh.
- Tiếp Tế: BS. Nguyễn Hữu Thi
- Công Chánh: KS. Lưu Văn Lang
- Y Tế: BS. Vũ Ngọc Anh
- Thanh Niên: LS. Phan Anh.
Hai ông Kinh tế và Công chánh được mời, đã nhận lời miệng, nhưng rút cuộc không tham gia. Bảo Ðại được chính thức tôn lên ngôi “Hoàng Ðế“ Việt Nam. Lần đầu tiên từ ngày Tây đô hộ, danh từ “Việt Nam“ được chính thức công dụng, và danh từ “Annam“ được bải bỏ.
Việt Nam được thống nhất trên nguyên tắc, và Tuần Vũ Phan Kế Toại được cử làm Khâm Sai Bắc kỳ, nhà báo Nguyễn Văn Sâm ở Saigòn làm Khâm sai Nam kỳ. Cả hai đều về Huế nhận lãnh sắc ấn của Bảo Ðại.
Tuy nhiên, trên thực tế hành chánh, thì người Nhật vẫn đặt Minoda ở Saigon làm Thống Soái Nam kỳ, thay thế vị Thống soái Pháp, Yokoyama ở Huế làm Khâm sứ Trung kỳ thay thế Khâm sứ Pháp, Tsukoyamoto ở Hà Nội làm Thống Sứ Bắc kỳ, thay thế Thống sứ Pháp, kiêm hiệu chức Toàn Quyền Ðông Dương.
Nhiều đảng phái mới cũng bắt đầu xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ công khai dưới sự che chở của Nhật.
Ở Hà Nôị, đảng phái Ðại Việt Quốc Xã thu hút đa số phần tử cách mạng quốc gia.
Ở Saigon, có hai đảng Phục Quốc và Việt Nam Quốc Gia Ðộc Lập (Trần Quang Vinh, Hồ Văn Ngà v.v…) Ở Huế, đảng Tân Việt Nam. Các đảng này đều ủng hộ Nội Các Trần Trọng Kim, và được Nhật khuyến khích.
Ở tù về, Tuấn chưa muốn ra hoạt động trong tình thế rộn rịp và chụp giựt đó, dưới bóng cờ Mặt Trời và cờ chữ Ly . Vả lại, Tuấn được viên Lý trưởng cho biết tin mật rằng người Nhật còn đang theo dõi Tuấn, và Tuấn nên đề phòng.
Vì lẽ, Tuấn ít khi ở nhà, và ban ngày chàng cũng đã chuẩn bị nhiều nơi và những phương tiện để thoát ly nếu có biến cố xảy ra.
Tuấn được gặp hai người bạn cách mạng ở đồng tỉnh, nhưng ở cách xa làng của Tuấn. Một người trước kia là chủ bút một tờ báo lớn ở Saigòn, và theo nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế của Tạ Thu Thâu.
Sau ngày 9-3-1945, nghe tin Tuấn ở tù về, một đêm anh ta xuất hiện dưới mái nhà tranh của Tuấn ẩn nấp, và đề nghị Tuấn tham gia “Mặt Trận Phản Ðế“. Suốt một đềm bàn luận ráo riết về các khía cạnh vấn đề, đến hừng đông, hai người ăn cháo gà, rồi từ gĩa nhau vui vẻ. Nhưng Tuấn đã cương quyết từ chối vào “Mặt Trận“ vì nó là một biến thể của Ðệ Tứ Quốc Tế.
Về sau này, Tuấn ở Saigon nghe tin Tạ Thu Thâu bị Việt Minh ám sát ở Quảng Ngãi, hồi tháng 9-1945, chính là lúc anh đi trên đường đến nhà người bạn đồng chí của “Mặt Trận Phản Ðế“ ở Thi Phổ cùng làng với Phạm Văn Ðồng.
Một đêm khác, cũng sau khi có Nội Các Trần Trọng Kim, Tuấn được tiếp xúc với Võ Tòng, nhà cách mạng ở Xiêm về. Nhà anh này ở cùng Huyện cùng Tổng với Tuấn, nhưng cách xa làng Tuấn đến vài chục cây số, đi loanh quanh theo các hương lộ, Anh này lại muốn rủ Tuấn tham gia vào “Mặt Trận Việt Minh“. Mặt trận này, tuy còn ở trong vòng bí mật hoàn toàn, nhưng đã được tuyên truyền kín đáo và mạnh mẽ khắp các thôn quê trong tỉnh. Mặc dầu có cảm tình sâu đậm với nhau vì lý tưởng cách mạng, Tuấn vẫn từ chối tham gia vào Mặt Trận V.M., Võ Tòng bảo:
- Lúc này cần phải đoàn kết chống thực dân.
- Ðồng ý về điểm đoàn kết chống thực dân, nhưng tôi quyết giữ vững lập trường quốc gia độc lập.
Gà gáy sáng, hai người giã từ nhau, sau một đêm thảo luận cặn kẻ, và không gặp lại nữa.
Ở Saigòn, Tuấn được tin Võ Tòng làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Huyện rồi Tỉnh, dưới thời Việt Minh năm 1945-1946, rồi sau đó chết không biết vì lý do gì. (Sau này Tuấn được tin anh bị Việt Minh giết).
Mỹ tiếp tục ném bom khắp các căn cứ Nhật ở Việt Nam từ Bắc vô Nam. Tháng 4, tháng 5 -1945, Saigòn bị những trận bom Mỹ kinh khủng nhất, do những chiếc “Liberators“ kếch xù trút xuống ào ạt nhiều nơi trong thành phố.
Phi cơ Mỹ làm bá chủ trên không phận Việt Nam. Sức phản ứng của Không quân và Phòng không Nhật hầu như càng ngày càng kiệt quệ.
Bổng ngày 2 tháng 8 -195, vào khoảng 5 giờ chiều, một chiếc máy bay từ hướng Bắc trực chỉ vào Nam, bay ngang qua các làng dọc theo dãy Trường Sơn, bay khá thấp và… rải truyền đơn.
Ðồng bào thôn quê xôn xao, chạy khắp nơi tìm lượm những truyền đơn ấy. Tuấn cũng hồi hộp, không làm sao tìm xem được truyền đơn gì, vì máy bay rải quá ít, chỉ thấy lưa thưa vài chục tờ bị gió đưa phất phơ bay lạc vào rừng.
Mãi đến 7, 8 giờ tối, nhiều người ở khắp nơi các làng xa xôi trong huyện, chạy đến nhà Tuấn cầm truyền đơn của họ lượm được rất khó khăn, đưa hỏi Tuấn:
- Thầy Sáu, đọc coi truyền đơn gì đây nè?
Trên một mãnh giấy trắng lớn bằng bàn tay, in hai thứ chữ, một bằng Anh ngữ, một mặt là Nhật ngữ.
Anh ngữ viết đại khái: "Nhân dân Việt Nam hãy chuẩn bị: Nội trong tuần này Ðồng minh sẽ đổ bộ để giải phóng nước Việt Nam. Quân đôị Nippon hãy đầu hàng sớm ngày nào, sẽ bớt chết chóc sớm ngày đó. Không đầu hàng, các anh sẽ bị tiêu diệt hết“.
Truyền đơn không có ký tên, nhưng ai cũng hiểu rõ là của “Ðồng Minh“ và chiếc phi cơ “pháo đài bay B19“ bay khá thấp để rải truyền đơn, mang phù hiệu U.S Air Force.
6-8-1945.
Tin thành phố Hiroshima của Nhật bị một thứ bom mới vô cùng khủng khiếp làm tiêu tan hết, lại do chính một vài người lính Nhật loan truyền. Mấy hôm sau, đọc các báo nói đại khái rằng loại bom đó tên là “Bom Nguyên Tử".
Ngày 19-8-1945, được tin Nhật đầu hàng vô điều kiện, Tuấn không hành lý, hai tay không, với 100 đồng bạc trong túi, lên xe lửa vô Saigòn…
Nguyễn Vỹ 
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...